Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG VIỆC ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN VẬT LÍ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (67.47 KB, 3 trang )

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG VIỆC ĐỔI MỚI
PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO VÀ BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN VẬT LÍ
TS. Nguyễn Xuân Thành
Trường ĐHSP Hà nội
1. Những định hướng đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông và yêu
cầu của việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên vật lí
Cũng như trên toàn thế giới, mục tiêu giáo dục ở nước ta hiện nay không chỉ
dừng lại ở việc truyền thụ cho học sinh những kiến thức, kỹ năng loài người đã tích lũy
được trước đây mà còn đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng cho họ năng lực sáng tạo
ra những kiến thức, kỹ năng mới. Để có thể đạt được mục tiêu đó, phương pháp dạy
học ở trường phổ thông phải tiếp tục thực hiện việc đổi mới theo định hướng là:
- Phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh
- Bồi dưỡng phương pháp tự học cho học sinh
- Rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn
- Tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.
Bốn định hướng này có liên quan chặt chẽ với nhau, trong đó định hướng đầu tiên
là cơ bản, là cơ sở để thực hiện các định hướng tiếp theo.
Việc đổi mới phương pháp dạy học theo các định hướng trên đòi hỏi phải thực
hiện được chức năng mới của giáo viên và chức năng mới của học sinh, khác với kiểu
dạy học truyền thống. Trong kiểu dạy học mới, chức năng của giáo viên là tổ chức,
kiểm tra, định hướng hoạt động học, dạy học sinh phương pháp học và thể chế hóa kiến
thức; chức năng của học sinh là chủ động, tích cực, ý thức được nhiệm vụ cần giải
quyết, tự tìm tòi nghiên cứu, trao đổi tranh luận trong quá trình giải quyết nhiệm vụ.
Yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông đặt ra
nhiệm vụ cho các trường đại học sư phạm là phải đào tạo và bồi dưỡng được một đội
ngũ giáo viên có đủ năng lực đảm nhận vai trò tổ chức hoạt động nhận thức tự chủ,
sáng tạo chiếm lĩnh kiến thức của học sinh trong quá trình dạy học.
2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp đào tạo và bồi
dưỡng giáo viên vật lí
Để có thể đào tạo được một đội ngũ giáo viên có đủ năng lực thực hiện công
cuộc đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông thì trước hết cần phải thực hiện


việc đổi mới phương pháp dạy học trong trường đại học sư phạm. Bên cạnh việc tiếp
thu các kiến thức về mặt lí luận dạy học thì sinh viên sẽ học được chính cái phương
pháp mà giáo viên đã tổ chức cho họ học tập và rèn luyện ở trường đại học sư phạm. Vì
thế, trong quá trình dạy học, chúng tôi luôn tìm các biện pháp để tạo điều kiện cho sinh
viên có thể chủ động trong việc chiếm lĩnh kiến thức cũng như rèn luyện nghiệp vụ sư
phạm cho mình.
2.1. Đổi mới phương tiện dạy học:
Trước hết, để có thể đổi mới về phương pháp dạy học thì cần phải đổi mới về
phương tiện dạy học. Bên cạnh các phương tiện dạy học truyền thống như giáo trình và
các thiết bị thí nghiệm thực, cần phải xây dựng các giáo trình điện tử để tăng cường
hoạt động tự học của sinh viên. Đồng thời, các giáo trình điện tử đó phải chú trọng đến
việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Chúng tôi đã và đang nghiên cứu để
xây dựng các giáo trình điện tử theo các hướng sau đây:
- Xây dựng giáo trình điện tử gồm các tệp phim video hướng dẫn sử dụng thí
nghiệm vật lí phổ thông
- Xây dựng phần mềm mô phỏng về các thí nghiệm vật lí trong chương trình phổ
thông


-

Xây dựng các phần mềm mô phỏng về các hiện tượng và quá trình vật lí trong
chương trình phổ thông
Xây dựng các phần mềm hỗ trợ thí nghiệm vật lí phổ thông: Phân tích video, thí
nghiệm ghép nối với máy tính
Xây dựng các giáo trình điện tử về phương pháp dạy học vật lí: Li luận dạy
học, Tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh trong dạy học vật lí
Xây dựng các bài giảng điện tử
Xây dựng các giáo trình điện tử gồm các tệp phim video về các tiết đổi mới
phương pháp dạy học ở trường phổ thông


...
2.2. Đổi mới phương pháp đào tạo và bồi dưỡng giáo viên
Nhờ xây dựng được các phương tiện điện tử để hỗ trợ hoạt động học tập của
sinh viên nên đã đổi mới được phương pháp tổ chức hoạt động dạy học trong các học
phần đào tạo. Nhiều nội dung lí thuyết trước đây phải thực hiện hoàn toàn trên lớp thì
nay có thể được giao cho sinh viên tự học ở nhà hoặc trong phòng máy tính của khoa.
Vì vậy mà có thể dành được nhiều thời gian trên lớp cho sinh viên thảo luận và tập
giảng.
Trong nhiều giờ học, giáo viên đã sử dụng bài giảng điện tử được thiết kế trên
powerpoint với các tư liệu multimedia hỗ trợ rất sinh động và hấp dẫn. Trong các giờ
thực tập phương pháp giảng dạy và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, sinh viên tập soạn
giáo án, tập giảng với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như máy quay kỹ thuật số,
các phần mềm xử lí phim để ghi và cho sinh viên xem lại. Qua đó các em đã rút ra
được những khiếm khuyết để sửa chữa, bổ sung để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Ngoài ra, trong quá trình dạy học về lí luận dạy học ở trường phổ thông, sinh
viên được sang thực tập sư phạm ở trường THPT Nguyễn Tất Thành. Một số sinh viên
được bố trí lên lớp dạy học để ghi hình. Sau giờ học đó, các sinh viên trong lớp cùng
xem lại băng ghi hình để phân tích và rút kinh nghiệm về phương pháp dạy học đã thực
hiện.
2.3. Kết hợp hoạt động nghiên cứu khoa học với đào tạo sinh viên
Một người giáo viên giỏi cần phải biết nghiên cứu khoa học và có lòng say mê
nghiên cứu khoa học. Nhận thức được điều đó nên công tác phát triển hoạt động nghiên
cứu khoa học của sinh viên được chúng tôi đặc biệt chú trọng. Hàng năm, ngoài số sinh
viên năm thứ tư làm khóa luận tốt nghiệp, chúng tôi thường xuyên khuyến khích và
hướng dẫn nhiều sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ ba tham gia nghiên cứu khoa
học. Nhiều đề tài khoa học giao cho sinh viên được gắn bó trực tiếp với nội dung dạy
học phổ thông và thực hiện theo hướng đổi mới phương pháp dạy học. Với các sinh
viên những năm đầu chưa được học về lí luận dạy học thì có thể nghiên cứu theo hai
định hướng gồm:

- Thiết kế, chế tạo và cải tiến các thiết bị thí nghiệm dùng trong dạy học vật lí ở
trường phổ thông. Trong những năm qua, chúng tôi là tác giả của các bộ thí nghiệm
mẫu cho các bộ sách giáo khoa lớp 10, 11, 12 thí điểm. Các đề tài nghiên cứu của sinh
viên vì thế cũng được gắn bó rất chặt chẽ với chương trình mới này. Qua quá trình thực
hiện đề tài, sinh viên không chỉ nắm vững về nội dung kiến thức mà còn tự xây dựng
được một lòng say mê nghiên cứu khoa học.
- Xây dựng các phần mềm hỗ trợ dạy học ở trường phổ thông. Trong những
năm qua đã có nhiều sinh viên tham gia các đề tài này và đã xây dựng được một số
phần mềm như đã nêu ở trên. Hiện nay một trong những hướng nghiên cứu là xây dựng
phần mềm mô phỏng các bộ thí nghiệm trong các bộ sách giáo khoa mới để sử dụng
trong dạy học và bồi dưỡng giáo viên. Đó cũng chính là nguồn tư liệu để xây dựng các
giáo trình điện tử phục vụ cho việc phát triển hệ thống e-learning.

2


Ngoài hai hướng trên, hiện nay chúng tôi đang thực hiện đề tài xây dựng một số
đĩa hình ghi các giờ học đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông. Bên cạnh
các bài do cán bộ giảng dạy và giáo viên phổ thông thực hiện sẽ có một số bài học do
chính sinh viên trong trường thực hiện.
3. Một số kiến nghị:
Để có thể nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên trong các trường đại học sư
phạm, đáp ứng được những đòi hỏi về đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ
thông hiện nay, chúng tôi đề nghị thực hiện một số biện pháp sau:
- Tăng thời gian dành cho các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh
viên trong chương trình đào tạo giáo viên ở trường đại học sư phạm.
- Nâng cao hơn nữa hoạt động thực hành sư phạm của sinh viên tại các trường
phổ thông. Thực hiện mô hình liên kết đào tạo giữa trường đại học sư phạm và các
trường phổ thông. (tương tự như sự liên kết giữa trường đại học và bệnh viện trong đào
tạo bác sĩ).

- Xây dựng được ít nhất một bộ thí nghiệm chuẩn, có chất lượng cao, phù hợp
với điều kiện thực tế của Việt nam để sử dụng một cách có hiệu quả trong quá trình dạy
học ở trường phổ thông.
- Tăng cường đầu tư kinh phí để xây dựng các phòng thí nghiệm phổ thông mẫu
mực trong các trường đại học sư phạm để phục vụ đào tạo giáo viên.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng tin học trong dạy học ở các cấp học để tạo điều kiện
rèn luyện cho học sinh kĩ năng tự học, tự nghiên cứu và hội nhập với thế giới.
- Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá trong dạy học đồng thời thống nhất tiêu
chí đánh giá giáo viên trong Toàn Quốc theo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Xuân Quế (2001), Nghiên cứu sử dụng máy vi tính và xây dựng các phần mềm
trong dạy học vật lí phổ thông. Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ,
ĐHSPHN.
2. Nguyễn Đức Thâm (chủ biên), Nguyễn Ngọc Hưng, Phạm Xuân Quế (2002),
Phương pháp dạy học vật lý ở trường phổ thông, NXB Đại học sư phạm.
3. Nguyễn Xuân Thành, Sử dụng máy vi tính và video trong dạy học các dạng chuyển
động cơ học, Tạp chí khoa học sư phạm số 3/2001, trang 26.

3



×