Tải bản đầy đủ (.pdf) (23 trang)

Tiểu luận cuối kỳ Xã hội học sức khỏe: ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH VÀ SỨC KHỎE, BỆNH TẬT CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG DI CƯ ĐẾN HÀ NỘI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (591.4 KB, 23 trang )

ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA XÃ HỘI HỌC
----------  ---------

TIỂU LUẬN CUỐI KỲ
MÔN: XÃ HỘI HỌC SỨC KHỎE
GIẢNG VIÊN: PGS. TS. HOÀNG BÁ THỊNH

ĐỀ TÀI: ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH VÀ SỨC KHỎE, BỆNH TẬT
CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG DI CƯ ĐẾN HÀ NỘI

Họ và tên: Nguyễn Việt Anh
Mã sinh viên: 12031110
Lớp: K57 Xã hội học

Hà Nội, tháng 12/2014
1


YÊU CẦU
Mỗi sinh viên (hoặc nhóm 2 sinh viên) thực hiện một phỏng vấn người
dân Hà Nội (có thể gia đình mình, hoặc người di cư về Hà Nội) về đời sống gia
đình và sức khỏe, bệnh tật.
1. Có địa chỉ, điện thoại, hình ảnh của người được phỏng vấn
2. Nội dung:
– Tìm hiểu về loại hình gia đình, quy mô gia đình
– Điều kiện nhà ở: loại nhà, diện tích, môi trường xung quanh
– Về mức sống: Thu nhập, chi tiêu (chi tiêu cho ăn uống, khám chữa
bệnh)
– Về giáo dục: trình độ học vấn, Chuyên môn kỹ thuật của các thành
viên trong gia đình


– Đời sống văn hóa tinh thần: nhu cầu, thói quen xem TV, phim
ảnh,..v.v
– Tình hình sức khỏe, bệnh tật: lịch sử sức khỏe, bệnh tật của các thành
viên gia đình.
– Chăm sóc sức khỏe: khi có người đau ốm, ai là người chăm sóc? Khi
khám chữa bệnh thì đến đâu? (Trạm xá, bệnh viện huyện, Bệnh viện
Trung ương, phòng khám tư nhân, bệnh viện tư…). Lý do lựa chọn nơi
Khám chữa bệnh?
3. Sản phẩm: bài viết như một tiểu luận, cùng với Phụ lục (biên bản phỏng vấn,
hình ảnh), Tài liệu tham khảo có liên quan.

2


MỤC LỤC
PHẦN I: MỞ ĐẦU .......................................................................................... 4
1. Lý do chọn đề tài .................................................................................... 4
2. Mục tiêu nghiên cứu............................................................................... 4
3. Cơ sở lý luận ........................................................................................... 5
3.1. Thao tác hóa các khái niệm ............................................................ 5
3.2. Các lý thuyết sử dụng ..................................................................... 6
4. Phương pháp thu thập thông tin .......................................................... 7
PHẦN II: NHỮNG PHÁT HIỆN VÀ BÀN LUẬN ...................................... 9
1. Về nhà ở và định cư................................................................................ 9
2. Về việc làm và thu nhập......................................................................... 10
3. Về tình hình sức khỏe và tiếp cận các dịch vụ công ............................ 11
4. Về đời sống văn hóa tinh thần – hòa nhập xã hội ............................... 12
PHẦN III: KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ ............................................. 13
PHẦN IV: PHỤ LỤC ...................................................................................... 15
1. Biên bản phỏng vấn sâu ......................................................................... 15

2. Hình ảnh liên quan ................................................................................. 23
3. Danh mục tài liệu tham khảo ................................................................ 23

3


PHẦN 1: MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong những năm gần đây, số lao động di cư từ nông thôn ra thành phố ngày
càng tăng. Ngày càng có nhiều người nhập cư vào các đô thị, nhất là các đô thị lớn
như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh..., làm cho các đô thị trở nên quá tải. Thủ đô Hà
Nội với tốc độ đô thị hóa nhanh và thị trường lao động đa dạng đã trở thành nơi hội tụ
đầy đủ các yếu tố thu hút người di cư đến với mục đích tìm kiếm việc làm, thu nhập
cao, có cơ hội học tập để nâng cao trình độ, cùng với những điệu kiện sinh hoạt và các
dịch vụ xã hội tốt hơn... Theo số liệu thống kê dân số Hà Nội qua các năm thì năm
2001 tỷ lệ tăng dân số cơ học là 0.59% (tương đương 16985 người), đến năm 2010, tỷ
lệ tăng dân số cơ học đã tăng lên 1.55% (tương đương 52588 người). Như vậy, xu thế
chung trong những năm tới là số lượng người lao động ngoại tỉnh vào Hà Nội vẫn tăng
lên một cách nhanh chóng.
Thế nhưng, vấn đề người lao động ngoại tỉnh di cư ồ ạt vào Hà Nội đang phải
đối mặt với những thách thức hết sức to lớn. Một trong những vấn đề nhận được nhiều
sự quan tâm hiện nay chính là đời sống gia đình và tìn hình sức khỏe - bệnh tật của
người di cư. Với số vốn ít ỏi, không được đào tạo bài bản dẫn đến việc người lao động
di cư gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm và có thu nhập thấp. Họ là nhóm đối
tượng dễ bị tổn thương, luôn phải đối mặt với các nguy cơ như điều kiện sinh hoạt
không đảm bảo, thu nhập bấp bênh, sức khỏe bị suy giảm, khả năng tiếp cận với các
dịch vụ giáo dục – y tế – văn hóa hạn chế… Mặc dù Đảng và Nhà nước đã dành nhiều
sự quan tâm hơn cho nhóm đối tượng này nhưng trên thực tế, những khó khăn mà
người di cư gặp phải vẫn còn rất lớn. Chính vì những lẽ đó mà tôi lựa chọn đề tài:
“Đời sống gia đình và sức khỏe – bệnh tật của người lao động di cư đến Hà Nội”, dựa

trên cách tiếp cận của Xã hội học sức khỏe, với mong muốn tìm hiểu thực trạng đời
sống của người lao động di cư ở Hà Nội, qua đó đề xuất những khuyến nghị nhằm cải
thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng của
những người lao động di cư.
2. Mục tiêu nghiên cứu
1. Tìm hiểu thực trạng về điều kiện sống, tình hình sức khỏe – bệnh tật của người
lao động nhập cư tại Hà Nội.

4


2. Tìm hiểu khả năng tiếp cận cơ hội việc làm, các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa
– giải trí, khả năng hòa nhập xã hội cùng các chính sách hỗ trợ đối với người
lao động nhập cư tại Hà Nội.
3. Đưa ra những khuyến nghị nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động nhập cư
tốt hơn và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người lao động
nhập cư tại Hà Nội nói riêng.
3. Cơ sở lý luận
3.1. Thao tác hóa các khái niệm
3.1.1. Sức khỏe
Có nhiều cách tiếp cận vấn đề sức khỏe và bệnh tật1.
Theo phương pháp tiếp cận truyền thống, khái niệm sức khỏe được hiểu là tình
trạng không bệnh tật (Sức khỏe đối lập với Bệnh tật).
Cách tiếp cận thứ hai là dựa vào thống kê, xem chuẩn sức khỏe là chỉ số trung
bình của một tập hợp, còn hai cực là lệch chuẩn hay bệnh lý (thường sử dụng nhiều
trong Xã hội học, Tâm lý học trong nghiên cứu định lượng).
Cách tiếp cận thứ ba thuộc về xu hướng Phân tâm và Nhân văn, cho rằng sức
khỏe là trạng thái lý tưởng, chuẩn sức khỏe là trạng thái lý tưởng của các chức năng
“Cái Tôi” (Phân tâm học) hoặc trạng thái hiện thực hóa bản thân hoàn toàn của nhân
cách (Tâm lý học nhân văn).

Cách tiếp cận thứ tư là xem xét sức khỏe thông qua mức độ tích cực của cá
nhân và tăng cường sức khỏe có nghĩa là tăng tính tích cực hoạt động của cá nhân.
Theo Gundarov, “Sức khỏe là một trạng thái sống tích cực, yêu đời nhằm đảm
bảo chất lượng sống và kéo dài cuộc sống”.
Theo E. Durkheim, “Sức khỏe là trạng thái một cơ thể mà các cơ may đã đạt tới
mức tối đa của chúng, còn bệnh tật, ngược lại, là tất cả những gì có hiệu quả làm giảm
các cơ may đó” (Cơ may sống sót của chúng ta).

1

Nguyễn Thị Minh Hằng, 2014, Tập bài giảng Tâm lý học sức khỏe, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQGHN.

5


Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), “Sức khỏe là trạng thái hoàn hảo về thể
chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ là không có bệnh tật hay đau yếu.”
3.1.2. Di cư
Hiện nay có rất nhiều các định nghĩa khác nhau về di cư.
Theo Báo cáo “Di cư và đô thị hóa ở Việt Nam – Thực trạng xu hướng và
những khác biệt” của Tổng cục thống kê (2011), thì người di cư được định nghĩa là
những người có nơi thường trú tại thời điểm 5 năm trước thời điểm điều tra khác với
nơi thường trú hiện tại. Người không di cư là những người có nơi thường trú tại thời
điểm 5 năm trước thời điểm điều tra cũng là nơi thường trú hiện tại.
Theo tổ chức di cư quốc tế IMO thì: “Di cư là sự chuyển dịch dân số bao gồm
bất kỳ sự dịch chuyển nào của một người hay một nhóm người kể cả qua biên giới
quốc gia hay trong một quốc gia. Là một sự di chuyển nào của con người, bất kể độ
dài, thành phần hay nguyên nhân bao gồm di cư của người tị nạn, người lánh nạn,
người di cư kinh tế và người di chuyển vì mục đích khác (trong đó có đoàn tụ gia
đình). Định nghĩa này đã chỉ ra phạm vi cần thiết để xác định các loại hình di cư,

nguyên nhân di cư. Đồng thời định nghĩa trên đưa ra loại hình di cư bao quát nhất về
loại hình di cư tại Việt Nam.
3.2. Các lý thuyết sử dụng
Nghiên cứu sử dụng quan điểm xung đột trong tiếp cận vấn đề sức khỏe:
Sự bất bình đẳng xảy ra trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, vì lợi
nhuận kinh tế. Bất bình đẳng là do sự phân tầng xã hội, phân biệt chủng tộc và giai cấp.
Quan điểm này cho rằng sức khỏe tốt là một giá trị gắn liền với quyền lực và sự giàu
có. Chính tính thương mại trong hệ thống y tế đang tạo ra sự bất bình đẳng.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), có khoảng 1 tỉ người có tình trạng sức khỏe
kém vì nghèo đói. Vệ sinh kém, điều kiện sống thiếu thốn là nguyên nhân chính ảnh
hưởng đến sức khỏe. Người nghèo thường sinh nhiều con, chính vì vậy cuộc sống của
họ nằm trong vòng luẩn quẩn khi những đứa trẻ họ sinh ra lại phải tiếp tục chịu cuộc
sống nghèo đói. Theo thống kê có tới 10% trẻ em sinh ra trong các gia đình nghèo tử
vong khi chưa đầy 1 tuổi.
6


Người nghèo ít có cơ hội chăm sóc sức khỏe (chăm sóc sinh khỏe sinh sản cho
bà mẹ - em bé, tới các cơ sở chữa bệnh uy tín để thăm khám,…). Những nhóm có hoàn
cảnh kinh tế kém hơn thì sức khỏe cũng kém hơn. Khả năng tiếp cận với giáo dục và
các dịch vụ y tế của họ cũng hạn chế hơn rất nhiều. Chính vì vậy, những nhóm nghèo
cần sự chăm sóc sức khỏe nhiều hơn.
Người nghèo thiếu nguồn lực nên bắt buộc phải sử dụng hàng rẻ, kém chất
lượng. Người nghèo không quan tâm đến dinh dưỡng vì thiếu tiền, thiếu kiến thức và
thông tin. Sự lựa chọn hợp lý trong bối cảnh bất hợp lý: Mua những thức ăn mà con
mình thích nhưng thức ăn này có khi lại có hại cho sức khỏe.
Áp dụng quan điểm này vào vấn đề nghiên cứu, có thể thấy được rằng: Những
lao động di cư từ vùng nông thôn lên đô thị để kiếm việc làm thường là những người
có mức sống thấp, bản thân không có điều kiện kinh tế và không thể tiếp cận được với
các dịch vụ y tế có chất lượng cao, những công nghệ y học hiện đại. Họ là nhóm đối

tượng yếu thế, dễ bị thương tổn. Điều kiện sống ảnh hưởng rất nhiều đến việc chăm
sóc sức khỏe của họ, đây là vấn đề cần được quan tâm xem xét.
4. Phương pháp thu thập thông tin
4.1. Phương pháp phỏng vấn sâu
Mục đích sử dụng của phương pháp này là thu thập những thông tin có chiều
sâu từ phía khách thể nghiên cứu. Câu hỏi sử dụng trong phỏng vấn sâu chủ yếu là
những câu hỏi mở có tính chất gợi mở vấn đề cho người trả lời chia sẻ không chỉ
những thông tin cần thiết mà cả những đánh giá, thái độ của họ về những vấn đề cần
nghiên cứu. Thông tin này được sử dụng trong phần nội dung chính và có vai trò làm
rõ hơn, sâu hơn những nội dung phân tích. Quá trình thực hiện các phỏng vấn sâu gồm
có hai giai đoạn:
– Phỏng vấn sâu có tính chất thăm dò, thu thập những thông tin để từ đó có cái
nhìn khái quát về vấn đề nghiên cứu. Sau đó, chúng tôi sử dụng những thông tin
đó để chỉnh sửa lại nội dung bảng hỏi cho phù hợp với mục đích của nghiên
cứu.
– Phỏng vấn sâu cung cấp những thông tin có chiều sâu được sử dụng để phân
tích trong phần nội dung chính.
Xây dựng đề cương phỏng vấn sâu

7


– Mục tiêu phỏng vấn: Tìm hiểu về thực trạng về điều kiện sống, tình hình sức
khỏe – bệnh tật của người lao động nhập cư tại Hà Nội ; khả năng tiếp cận cơ
hội việc làm, các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa – giải trí, khả năng hòa nhập xã
hội cùng các chính sách hỗ trợ đối với người lao động nhập cư tại Hà Nội.
– Chọn mẫu: Thực hiện phỏng vấn sâu đối với một người lao động di cư vào Hà
Nội.
– Nội dung phỏng vấn sâu:
1. Thông tin cá nhân (đặc điểm nhân khẩu xã hội) của người được phỏng

vấn:
– (Ghi nhận giới tính), họ tên, tuổi, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, tình trạng
hôn nhân, số con, nghề nghiệp,…
– Đặt một vài câu hỏi chung nhất để người được phỏng vấn kể một số thông tin
về bản thân cũng như gia đình, qua đó tiếp tục tìm hiểu các nội dung sau đây:
2. Về việc làm và thu nhập
– Những khó khăn trong tìm kiếm việc làm, trong thích ứng với công việc ở thành
phố? Nguyên nhân từ đâu?
– Hỏi về nhu cầu đào tạo nghề? Lý do tại sao?
– Đánh giá mức thu nhập hiện tại so với công sức bỏ ra?
– Đánh giá sự đắt đỏ trong chi tiêu ở thành phố? Những khoản phải chi nhiều hơn
so với dân bản địa?
3. Nhà ở và định cư
– Những khó khăn gặp phải trong việc tìm nhà ở, trong đăng ký hộ khẩu?
– Ý kiến về sự hài lòng với nhà ở, tiện nghi sinh hoạt? Những bất tiện về sinh
hoạt, nơi ở?
– Hỏi ý kiến đánh giá về tình hình an ninh trật tự nơi sinh sống? Vấn đề người lao
động di cư sa ngã vào các tệ nạn xã hội?
4. Tình hình sức khỏe và việc tiếp cận các dịch vụ công
– Lịch sử sức khỏe, bệnh tật của các thành viên trong gia đình?
– Khi có người đau ốm ai là người chịu trách nhiệm chăm sóc trong gia đình?
– Cách thức chữa bệnh phổ biến nhất được áp dụng khi bị ốm đau? Tại sao?
– Cách thức giữ gìn sức khỏe trong điều kiện lao động ở thành phố?
5. Đời sống văn hóa tinh thần và hòa nhập xã hội
– Nhu cầu tham gia các hoạt động văn hóa – giải trí? Sự tham gia các hoạt động
văn hóa ở địa phương? Tại sao?
– Cảm nhận khi tiếp xúc với người dân bản địa, với chính quyền?

8



– Có tự tin khi giải quyết các khó khăn gặp phải trong cuộc sống ở thành phố
không? Tại sao?
4.2. Phương pháp quan sát
Nội dung quan sát: Điều kiện sinh hoạt của người được phỏng vấn (Loại hình
nhà ở, diện tích, các tiện nghi trong nhà, môi trường xung quanh nhà,…)
4.3. Phương pháp nghiên cứu tài liệu
Đây là phương pháp chủ yếu được sử dụng trong nghiên cứu, dựa trên việc
phân tích nguồn tài liệu liên quan đến xã hội học sức khỏe nói chung và vấn đề sức
khỏe của người lao động nhập cư tại các thành phố lớn hiện nay nói riêng.

PHẦN 2: NHỮNG PHÁT HIỆN VÀ BÀN LUẬN
Người được phỏng vấn là cô Vũ Thị D., 32 tuổi, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh
Thái Bình, trình độ học vấn hết lớp 8, nghề nghiệp là bán bánh mì dạo. Gia đình cô
gồm có năm thành viên: bà Phùng Thị T. (62 tuổi, mẹ chồng cô D), chú Nguyễn Đức
H. (33 tuổi, nghề tự do, chồng cô D), hai em Nguyễn Đức A. (6 tuổi, học sinh) và
Nguyễn Lâm A. (4 tuổi) – 2 con của cô D. và cô D. Cô D đã di cư lên Hà Nội vào
khoảng đầu năm 2011 và một thời gian sau đó thì cả gia đình cô cùng chuyển lên Hà
Nội.
1. Về nhà ở và định cư
Một trong những khó khăn đầu tiên mà gia đình cô D gặp phải chính là khó
khăn về nơi cư trú. Quan sát tại địa điểm phỏng vấn sâu kết hợp với những thông tin
thu được từ phỏng vấn cho thấy nhà trọ của người được phỏng vấn là loại nhà cấp 4,
khá nhỏ và ẩm thấp, diện tích khoảng gần 14m2. Phòng trọ đơn giản, không có tiện
nghi gì đáng giá. Cả khu sử dụng chung một bể nước và có ba nhà vệ sinh, cống rãnh
lộ thiên rất mất vệ sinh. Các điều kiện sinh hoạt như điện, nước, vệ sinh tại nơi ở hiện
tại của người được phỏng vấn không được đảm bảo chất lượng. Người phỏng vấn cho
biết ở nhà trọ nhiều lần mất nước đến 4 – 5 ngày và nguồn nước nhiều khi có cặn, phải
dùng vải bịt vào đầu máy nước để lọc lấy nước sạch dùng.
Việc tìm nhà trọ là rất khó khăn bởi những nhà trọ tốt thì rất đắt tiền và người

lao động không có điều kiện chi trả. Những nhà trọ rẻ hơn thì các điều kiện tiện nghi
9


sinh hoạt lại không tốt. Người được phỏng vấn đã phải đổi chỗ trọ một lần do chủ nhà
trọ tăng giá thuê nhà.Tình hình an ninh trật tự tại khu trọ cũng không đảm bảo khi xóm
trọ có nhiều thành phần người đến thuê nhà, trong đó có cả những người hành nghề
mại dâm, những người nghiện hút,… Tình hình trộm cắp cũng rất đáng lo ngại. Về hộ
khẩu và đăng ký tạm trú: Nhìn chung, người được phỏng vấn không gặp quá nhiều khó
khăn trong việc đăng ký tạm trú.
Như vậy, là một người nhập cư, cô D phải thuê chỗ ở trong khi vấn đề nhà ở tại
Hà Nội đa phần lại trong tình trạng thả nổi, không có đơn vị nào chỉ đạo, quản lý. Điều
đó dẫn đến việc cô phải trả các khoản phí phát sinh khi thuê nhà, tình trạng mất trật tự,
thiếu an toàn và ô nhiễm môi trường ở những khu nhà trọ thường xuyên xảy ra. Sự sắp
xếp nơi ăn chốn ở của người lao động di cư có thể dẫn đến những nguy cơ tổn thương
khác nhau. Điều kiện sống tạm bợ trong một thời gian dài là một trong những nguyên
nhân ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm
cho người di cư.
2. Về việc làm và thu nhập
Người phỏng vấn cho biết rất khó để có thể xin được việc làm ổn định như đi
làm công nhân vì các nhà máy đều đòi hỏi người có tay nghề và có thâm niên. Người
được phỏng vấn cũng cho biết thêm rằng cô muốn được đào tạo nghề nhưng gặp khó
khăn do thiếu thông tin về các lớp đào tạo nghề cho người lao động. Trung bình một
ngày thu nhập của người được phỏng vấn là khoảng 50 – 70 nghìn đồng. Cô cho biết
mức thu nhập này tuy không cao bằng đi làm phụ hồ nhưng đỡ vất vả hơn và cũng tạm
đủ sống. Với thu nhập bình quân của gia đình là khoảng sáu triệu/ tháng thì theo cô D,
sự chi tiêu ở thành phố là khá đắt đỏ. Khoản tiền phải chi nhiều hơn người dân bản địa
theo người được phỏng vấn đó là tiền học phí của các con, tiền thức ăn, tiền sinh hoạt
điện, nước, khi giá nước ở khu nhà trọ đắt hơn giá nước trung bình rất nhiều. Những
khoản tiền này đã chiếm phần lớn trong chi tiêu của gia đình nên những chi tiêu dành

cho sức khỏe hầu như là không có hoặc rất ít.
Như vậy, nếu không có tay nghề, không thể vào làm công nhân ở các nhà máy
thì công việc của nhóm di cư lao động tự do là khá bấp bênh. Cô D đi bán bánh mì còn
chồng cô đi làm phụ hồ/xe ôm – tự dựa trên sức lao động của bản thân, không trực
thuộc cơ quan, đoàn thể nào. Thu nhập của cô phụ thuộc nhiều vào việc cô có bán
được hàng hay không, có nhiều khách hay không, có cạnh tranh được với những người

10


bán hàng khác hay không… Công việc vất vả, thu nhập thấp, nhiều khi còn phải nhịn
ăn nhịn mặc để lo cho gia đình gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của cô.
3. Về tình hình sức khỏe và việc tiếp cận các dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe,
giáo dục
Vấn đề sức khỏe là nỗi lo thứ ba của người lao động nhập cư tại Hà Nội. Mặc
dù biết rõ sức khỏe bị giảm sút và lo cho sức khỏe của mình nhưng vì mưu sinh nên
người được phỏng vấn vẫn cố gắng đi bán hàng ngay cả khi bị ốm. Cô hầu như không
đến bệnh viện thăm khám vì sợ ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình và không có bảo
hiểm y tế. Sức ép phải tăng thêm thu nhập được đặt lên trên sức khỏe của bản thân.
Phương thức chữa bệnh phổ biến nhất khi bị ốm đau là tự mua thuốc về uống. Vấn đề
sức khoẻ khiến cô D lo lắng: lo sao không bị bệnh tật, lo sao không bị tốn tiền vì bệnh
tật và lo sao không phải nghỉ làm vì bệnh tật.
Có thể thấy rằng, sự hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe,
điều kiện sống ở các khu nhà trọ chật chội, tồi tàn, tình trạng dinh dưỡng kém có tác động
không nhỏ đến tình trạng sức khoẻ của người lao động nhập cư. Ngoài ra người lao động
còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ - tác hại nghề nghiệp tại nơi làm việc, đặc biệt
đối với những người bán hàng rong, thường xuyên phải đi bán hàng ở ngoài trời, trong
điều kiện môi trường đô thị hết sức ô nhiễm. Họ không có phương thức bảo vệ sức khỏe
của mình mà thường chỉ là mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang, đội nón,... để tránh
nắng tránh mưa. Sự dè xẻn trong các chi phí sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ, là nguy cơ

tiềm tàng làm suy giảm, thậm chí huỷ hoại sức khoẻ đối với họ.
Qua phỏng vấn, thu được kết quả về tình hình sức khỏe cũng như lịch sử bệnh
tật của các thành viên khác trong gia đình cô D. Nhìn chung, các thành viên trong gia
đình cô tương đối mạnh khỏe. Mẹ chồng cô D, bà Phùng Thị T, từng bị bệnh rối loạn
tiền đình và cũng từng đi điều trị khi gia đình cô còn ở dưới quê. Sức khỏe của chồng
cô và hai con nhỏ khá tốt, hai em nhỏ chỉ thỉnh thoảng bị ốm nhẹ. Cũng theo cô D thì
khi gia đình có người đau ốm, người chịu trách nhiệm chính trong chăm sóc sức khỏe
cho người ốm là cô và mẹ chồng cô. Như vậy, bên cạnh việc là người lao động sản
xuất chính, cô còn phải đảm nhận lao động nuôi dưỡng – chăm sóc các thành viên
trong gia đình khi ốm đau mà ít nhận được sự giúp đỡ của những thành viên khác.
Bên cạnh đó, kết quả phỏng vấn sâu còn cho thấy: Người được phỏng vấn và
gia đình không bị tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội tại thành phố nhưng cô biết có nhiều
trường hợp người nhập cư bị tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội như nghiện hút, mại dâm, lô
11


đề, cờ bạc; bị nhiễm các bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS... Điều này gây ra những
hậu quả rất lâu dài, ảnh hưởng nặng nề đến cả nơi đi và nơi đến, làm xáo động và tăng
nguy cơ lây lan các tệ nạn xã hội tới các vùng nông thôn vốn khá yên bình.
Ở đây, cô D gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội cơ
bản như y tế, giáo dục: Là một người nhập cư, cô chỉ có sổ tạm trú. Việc không có hộ
khẩu cũng đồng nghĩa với việc khó tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tín dụng, đồng
thời phải chi phí cao hơn khi sử dụng các dịch vụ giáo dục, y tế... Với mức sống thấp
và chi phí khám chữa bệnh đắt đỏ ở thành phố thì bảo hiểm y tế có ý nghĩa quan trọng
giúp những người di cư như cô D thuận lợi hơn trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc
sức khỏe, đặc biệt trong hoàn cảnh bị hạn chế về các mối quan hệ tại nơi ở mới. Tuy
nhiên cô lại không có bảo hiểm y tế để bảo đảm cho sức khỏe của chính mình.
4. Về đời sống văn hóa tinh thần, hòa nhập xã hội
Người được phỏng vấn cho biết cô không tham gia vào các hoạt động văn hóa ở
địa phương do công việc vất vả, không có thời gian tham gia và cũng vì chưa từng

được địa phương giới thiệu tham gia. Cảm nhận khi tiếp xúc với người dân bản địa của
người được phỏng vấn là bình thường. Trong thời gian đầu mới đi bán hàng, cô từng
bị những người chủ cửa hàng đuổi đi, chửi mắng khi bán hàng ở vỉa hè trước cửa hàng
của họ. Cô không tiếp xúc nhiều với chính quyền địa phương, lo sợ các lực lượng chức
năng tịch thu hàng hóa của mình. Người được phỏng vấn cho biết còn cảm thấy rất lo
lắng khi phải tự giải quyết những khó khăn gặp phải trong cuộc sống ở thành phố, bởi
lẽ không có sự hỗ trợ của người thân, bạn bè.
Có thể thấy rằng, việc chuyển đến một nơi ở mới tạo ra những thách thức cho
gia đình cô D trong việc hòa nhập vào môi trường xã hội và cộng đồng xa lạ đối với
họ. Xét về khía cạnh tham gia các hoạt động văn hóa ở cộng đồng, gia đình cô D
không hề tham gia vào bất cứ hoạt động nào do địa phương tổ chức. Từ góc độ người
nhập cư, vợ chồng cô D phải đi làm cả ngày nên cũng không có thời gian quan tâm
đến các công việc khác. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa – tinh thần
của những người nhập cư như cô D: Điều kiện làm việc vất vả, thu nhập không cao,
hòa nhập cộng đồng kém dẫn đến sinh hoạt văn hóa tinh thần hết sức nghèo nàn. Cuộc
sống lại thêm phần khó khăn khi ốm đau, bệnh tật,… không có ai bên cạnh để giúp đỡ,
sẻ chia.

12


PHẦN 3: KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
3.1. Kết luận
Từ kết quả nghiên cứu, rút ra được những kết luận sau về đời sống gia đình và
vấn đề sức khỏe – bệnh tật của người lao động di cư về Hà Nội là:
Thứ nhất, về đời sống gia đình: Là một lao động nhập cư có thu nhập thấp, gia
đình cô D phải sống trong điều kiện thiếu thốn, không đảm bảo các tiện nghi sinh hoạt,
môi trường xung quanh nhà trọ cũng không đảm bảo vệ sinh và an toàn. Dù vậy, cô D
và gia đình vẫn phải trả nhiều tiền hơn cho các tiện nghi sinh hoạt (điện, nước) so với
người dân bản địa. Sự sắp xếp nơi ăn chốn ở của người lao động di cư có thể dẫn đến

những nguy cơ tổn thương khác nhau. Điều kiện sống tạm bợ trong một thời gian dài
là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và gia tăng nguy
cơ mắc các bệnh lây nhiễm cho người di cư. Thu nhập của gia đình chỉ ở mức trung
bình trong khi chi tiêu ở thành phố lại rất đắt đỏ, tuy nhiên theo cô D nhận xét thì công
việc “vẫn khá hơn ở quê”. Việc tiếp cận với các dịch vụ công như y tế, giáo dục,... gặp
nhiều khó khăn. Đời sống văn hóa – tinh thần tại nơi cư trú của gia đình cô rất nghèo
nàn, gia đình chỉ có một phương tiện giải trí duy nhất là chiếc tivi cũ. Gia đình cô cũng
không tham gia vào bất cứ hoạt động văn hóa nào tại địa phương do mức độ hòa nhập
với xã hội chưa cao.
Thứ hai, về vấn đề sức khỏe – bệnh tật: Nhìn chung, người lao động nhập cư ít
quan tâm đến sức khỏe của họ, họ đặt “miếng cơm manh áo” của gia đình lên trên sức
khỏe của bản thân. Chi tiêu dành cho chăm sóc sức khỏe là rất ít, tiền kiếm được chủ
yếu dành cho nhà ở, sinh hoạt, ăn uống,... trong gia đình. Yếu tố thứ nhất ảnh hưởng
đến sức khỏe của cô D là do điều kiện sống thiếu thốn, không đảm bảo vệ sinh như đã
nói ở trên. Yếu tố thứ hai là do điều kiện, môi trường làm việc. Mặc dù sức khỏe suy
giảm là điều có thể nhìn thấy trước mắt nhưng cô D vẫn cố gắng đi bán hàng mà hầu
như không có biện pháp bảo vệ sức khỏe, cô không khám sức khỏe định kỳ cũng như
không đến bệnh viện thăm khám. Thiếu thốn nguồn lực tài chính và thời gian, khả
năng tiếp cận các bệnh viện công gặp nhiều khó khăn (không có bảo hiểm y tế) là
những nguyên nhân chính dẫn đến việc cô tự điều trị khi bị bệnh. Việc sử dụng thuốc
không theo chỉ định của bác sĩ, chỉ đi khám khi bệnh đã trở nặng có thể dẫn đến nhiều
hậu quả xấu tới sức khỏe của cô D. Trong gia đình, khi có người bị ốm thì cô D và mẹ
chồng cô – hai người phụ nữ là những người chăm sóc chính. Ngoài gánh nặng lao
động sản xuất, cô D còn phải gánh vác thêm lao động nuôi dưỡng, chăm sóc các thành
13


viên khác trong gia đình. Cô D cũng cho biết thêm, những người lao động nhập cư rất
dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội, có lối sống không lành mạnh, những hành vi nguy cơ
gây tổn hại cho sức khỏe, đặc biệt là dễ có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS.

3.2. Một số khuyến nghị
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến những đóng góp của người lao động nhập
cư: Họ đã đáp ứng một phần nhu cầu lao động và đóng góp cho sự phát triển của các
đô thị. Thế nhưng qua nghiên cứu, có thể thấy rằng người lao động nhập cư không
nhận được sự hỗ trợ pháp lý của chính quyền ở nơi đến, nằm ngoài tầm với của các
dịch vụ xã hội cơ bản. Họ rất dễ bị tổn thương do quá độ thị trường và các biến đổi xã
hội, hầu như không được các chương trình bảo trợ xã hội động chạm tới và thường gặp
nhiều rủi ro. Từ kết quả nghiên cứu trên tôi xin đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng
cao chất lượng cuộc sống nói chung và nâng cao sức khỏe cho những người lao động
di cư tại Hà Nội:
Thứ nhất, các cấp chính quyền cần vận động các chủ nhà trọ không tăng giá
thuê nhà, giúp người di cư giảm bớt khó khăn trong điều kiện lương thấp, giá cả sinh
hoạt tăng. Đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người nhập cư, không để họ rơi vào
tình trạng thuê nhà không đủ điều kiện sống tối thiểu, dẫn đến hậu quả người nhập cư
không được đảm bảo về sức khỏe cũng như dễ mắc phải các tệ nạn xã hội, dễ bị tổn
thương. Các cấp chính quyền địa phương cũng cần biết những khó khăn mà người dân
di cư gặp phải khi mới đến đồng thời hỗ trợ họ hòa nhập với nơi đến và đảm bảo việc
tiếp cận của họ với các chính sách xã hội, các chương trình xóa đói giảm nghèo.
Thứ hai, đối với người lao động nhập cư, cần trang bị cho họ những kiến thức
về chăm sóc sức khỏe nói chung, đặc biệt là sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục
HIV/AIDS, cùng với các kĩ năng phòng chống các bệnh dễ lây nhiễm. Điều này có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người lao động có thu nhập thấp ở khu vực đô thị.
Đảm bảo cho người lao động nhập cư đều được mua bảo hiểm. Cần phải đẩy mạnh
tuyên truyền về nghĩa vụ và quyền lợi khi mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Để đạt
được mục tiêu phổ cập bảo hiểm y tế, việc tiếp cận dịch vụ bảo hiểm y tế cần phải đơn
giản, nhanh chóng và linh hoạt hơn.
Thứ ba, có những hoạt động nhằm thúc đẩy hòa nhập cộng đồng của người lao
động nhập cư tại nơi đến. Với đặc thù của công việc lao động đòi hỏi nhiều thời gian
và rất vất vả, người nhập cư rất ít chú ý đến khía cạnh hòa nhập cộng đồng. Điều đó
14



dẫn đến những bất cập trong sinh hoạt và đời sống văn hóa tinh thần – giải trí của họ
tại địa bàn cư trú.

PHẦN 4: PHỤ LỤC
1. BIÊN BẢN PHỎNG VẤN SÂU











Họ và tên người phỏng vấn: Nguyễn Việt Anh
Họ và tên người được phỏng vấn: Vũ Thị D.
Giới tính: Nữ
Tuổi: 32
Dân tộc: Kinh
Tôn giáo: Không
Trình độ học vấn: Học hết lớp 8
Tình trạng hôn nhân: Đã kết hôn
Nghề nghiệp: Bán bánh mì dạo
Số điện thoại: 01634821078
Thời gian, địa điểm phỏng vấn:
+ Thời gian: Từ 13h30’ đến 15h ngày thứ tư, 10/12/2014 và từ 20h đến 21h

ngày thứ ba, 11/12/2014
+ Địa điểm: Tại nhà trọ của người được phỏng vấn: Số 45 X55 Lưu Phái,
xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
– Cách thức tiếp cận đối tượng được phỏng vấn:
Qua một số trao đổi mở đầu làm quen, người phỏng vấn tự giới thiệu mình là
sinh viên của khoa Xã hội học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
đang thực hành môn học. Người phỏng vấn giải thích lý do cuộc gặp gỡ nhằm
tìm hiểu những câu chuyện thật về các vấn đề như việc làm và thu nhập, nhà ở
và định cư, các dịch vụ công, về sự hòa nhập xã hội của người được phỏng vấn.
Việc xin phỏng vấn là sự lựa chọn hoàn toàn ngẫu nhiên, những thông tin do
người được phỏng vấn cung cấp sẽ được hoàn toàn giữ kín và chỉ phục vụ cho
mục đích nghiên cứu. Người phỏng vấn xin phép ghi âm để có thể ghi nhận đầy
đủ thông tin một cách khách quan và nhận được sự chấp thuận của người được
phỏng vấn.

Nội dung cuộc phỏng vấn
15


Hỏi (H): Cháu chào cô ạ. Cháu là sinh viên trường Đại học khoa học xã hội và
nhân văn, cháu rất muốn tìm hiểu về cuộc sống gia đình của những người lao
động mới nhập cư ở Hà Nội. Cô có thể cho phép cháu phỏng vấn cô được không ạ?
Xin cô cứ yên tâm vì những gì cô nói với cháu sẽ chỉ để phục vụ cho nghiên cứu
khoa học của cháu thôi ạ.
Đáp (Đ): Vâng, cô cứ hỏi.
H: Cháu xin tự giới thiệu với cô, cháu là Việt Anh, cô tên là gì ạ?
Đ: Tôi tên là D.
H: Cô họ gì ạ?
Đ: Vũ Thị D.
H: Cô D. năm nay bao nhiêu tuổi ạ?

Đ: Tôi năm nay 32 tuổi.
H: Xin cô cho cháu biết trình độ học vấn và nơi ở hiện tại của cô được không ạ?
Đ: Tôi học hết lớp 8 rồi ở nhà làm ruộng.
H: Cô quê ở đâu ạ?
Đ: Tôi quê ở Kiến Xương, Thái Bình.
H: Cô ơi, gia đình cô có những ai ạ?
Đ: Nhà tôi có năm người, vợ chồng tôi, hai cháu với mẹ chồng tôi nữa.
H: Hai bé nhà cô năm nay mấy tuổi ạ? Các em đã đi học chưa ạ?
Đ: Đứa lớn thì năm nay đi học lớp một, 6 tuổi rồi. Còn thằng cu con thì đang đi nhà trẻ.
H: Vậy còn chồng cô và bà năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ?
Đ: Chồng tôi hơn tôi một tuổi, sinh năm 82, năm nay 33 rồi. Còn bà thì tôi không nhớ
rõ lắm, cụ năm nay phải ngoài 60, hình như cụ 62 rồi. Bà đẻ được năm người con thì
mỗi mình chồng tôi là giai, các bác gái thì đều lấy chồng xa, cụ ở luôn với chúng tôi.
H: Cô lên Hà Nội sinh sống đã lâu chưa ạ?

16


Đ: Chưa, cũng chưa lâu lắm. Quãng độ hơn ba năm, gần bốn năm. Tôi lên đây từ khi
thằng bé thứ hai nhà tôi được hơn một tuổi. Tôi vẫn nhớ đấy là đợt sau Tết Tân Mão
2011.
H: Cô lên đây sinh sống cùng với những ai ạ?
Đ: Hồi mới đầu chỉ có mình tôi lên đây thôi. Xong rồi thằng cu bé nhà tôi cứng cáp
hơn thì nhà mới bán lúa với vay họ hàng rồi cả gia đình chuyển lên đây ở luôn.
H: Lí do nào khiến gia đình cô lên đây sinh sống ạ?
Đ: Nói thật với cô là từ khi tôi đẻ cháu thứ hai thì gia đình khó khăn lắm, cuộc sống ở
quê rất bấp bênh khổ cực. Nhà năm miệng ăn mà trông chờ cả vào mấy sào ruộng dưới
làng thì không đủ sống. Hai vợ chồng đều không có công việc ổn định, bà cụ cũng đau
yếu nhiều, rồi còn hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn. Nói thật với cô là ở thành
phố kiếm sống cũng chẳng dễ dàng gì, nhưng thu nhập thì vẫn hơn khối người ở quê

làm ruộng, mình còn dành dụm được tiền để lo cho cuộc sống của gia đình sau này,
nên có khổ cách mấy thì chúng tôi cũng cố mà ra đây, cố mà bám víu trên cái đất này.
H: Ngày mới lên đây sinh sống, cô tìm việc như thế nào ạ?
Đ: Hồi ấy tôi đi cùng với lại một cô nữa cùng làng lên đây kiếm việc. Ban đầu đi phụ
hồ thì mỗi ngày người ta giả tám chục đấy nhưng nặng nhọc quá tôi không theo được.
Có người mách cho đi bán bánh mì vì bán cái món này không cần nhiều vốn, kiếm ít
hơn nhưng đỡ vất vả hơn cô ạ.
H: Nếu như có nơi đào tạo nghề và có công việc ổn định thì cô có theo học không
ạ?
Đ: Có công việc ổn định thì ai mà chẳng muốn hả cô. Nhưng xin làm công nhân thì
công ty nào cũng đòi hỏi phải có tay nghề và thâm niên. Tôi lại học chưa hết cấp hai.
Giờ chẳng biết chỗ nào đào tạo nghề để xin học.
H: Cô đánh giá như thế nào về nơi ở hiện nay của gia đình ta ạ?
Đ: Chồng tôi đi làm phụ hồ, không có việc thì đi chạy xe ôm, tôi đi bán bánh mì, tiền
cũng không nhiều nên chỉ đủ thuê được phòng trọ như thế này thôi. Đấy cô xem,
phòng nhỏ nên đồ đạc cũng không có gì chỉ có cái giường với cái tủ để quần áo. Cái
tivi kia là cô chú ở nhà bên bán đi mua cái mới nên nhà tôi xin về. Đồ bán hàng thì

17


phải để tạm dưới gầm giường. Nhà chật nên là các thứ cứ treo hết lên thôi. Nói chung
cũng khá vất vả.
H: Cô có hài lòng với nơi ở này không ạ?
Đ: Ngày xưa, hồi mới có tôi mới lên đây thì vất vả lắm, còn khổ hơn thế này nhiều.
Bây giờ được thế này đã là sướng. Hồi đấy tôi cùng với một cô nữa cùng quê mới
nhau đi bán, chỗ ở thì chung cả nam và nữ, nằm đúng một cái lưng, tiền ở trả theo tối,
mỗi đêm mỗi người mười nghìn, ở dưới Mễ Trì ấy. Đi làm chẳng có tiền lấy đâu mà
thuê chỗ ở tốt, toàn phải nhịn ăn nhịn ở để mà gửi tiền về cho chồng cho con.
H: Vậy còn vấn đề điện nước sinh hoạt ở khu nhà trọ thì cô đánh giá thế nào ạ?

Đ: Điện thì nhà tôi vẫn dùng bình thường, ở đây họ cũng lắp công tơ điện riêng dùng
bao nhiêu giả bấy nhiêu nhưng cả ngày vợ chồng con cái đi suốt thì cũng chả tốn mấy.
Còn ở đây thỉnh thoảng có đợt mất nước đến cả 4 – 5 hôm nên bất tiện lắm. Chưa kể là
nước máy mà nhiều khi cũng bị cặn, phải buộc cái giẻ bịt ở đầu ống nước mà qua một
hôm là cái giẻ đấy đen sì, phải thay cái mới.
H: Khi tìm nhà ở cho gia đình cô có gặp khó khăn gì không ạ?
Đ: Hồi ấy nghe người ta mách chỗ nào có nhà trọ cho thuê là tôi với chồng đều tới tận
nơi để xem nhà, nhưng chỗ sạch sẽ, an ninh được đảm bảo và gần trung tâm thì giá đắt
quá, tìm được chỗ rẻ thì nhà lại xập xệ, bốn vách chỉ là tôn người ta xếp lại, nóng hun
hút như một cái lò than. Có mấy chỗ tử tế hơn thì nhà lại xa trung tâm, khó tìm được
việc làm, đi lại rất tốn kém. Đây là lần thứ hai gia đình tôi đổi chỗ trọ rồi.
H: Vì sao gia đình cô lại phải đổi chỗ trọ ạ?
Đ: Thì ở với chủ trước thì do mình chưa biết, chưa nói rõ với họ nên ngoài tiền điện
nước hàng tháng, chủ nhà lại nghĩ ra vài chi phí phát sinh, nào tiền lau dọn vệ sinh,
nào tiền đổ rác… Ở được bốn tháng thì họ đòi tăng tiền thuê nhà. Thế rồi có người
giới thiệu đến chỗ ở bây giờ, mỗi phòng này giá chín trăm. Thời buổi này khó tìm ở
đâu ra trên Hà Nội giá rẻ như thế này.
H: Cô đánh giá thế nào về tình hình an ninh trật tự tại nơi ở hiện tại ạ?
Đ: Chỗ ở của tôi thì có cả nam, cả nữ và đủ các thành phần nghề nghiệp khác nhau, có
khi còn có cả mại dâm đến thuê nhà… Cũng phức tạp lắm.
H: Ở đây có thường xảy ra các tệ nạn xã hội hay trộm cắp không cô?
18


Đ: Nói chung là ở xóm trọ thì đông có đủ thành phần người, tiền nong với xe cộ cũng
phải cẩn thận lắm vì sểnh ra một tí là mất. Đi bán về muộn tôi cũng sợ mấy thằng
choai choai nghiện hút với mấy ông say rượu ở đây lắm.
H: Tình hình như vậy thì chủ nhà hay chính quyền có can thiệp gì không hả cô?
Đ: Biết thì làm gì được. Mình đi ở trọ những chỗ rẻ thế này thì đành chịu. Chính
quyền có biết họ cũng chả làm gì cả, cùng lắm là tôi thấy thỉnh thoảng có ông tổ

trưởng tổ dân phố vào đây nhắc nhở trật tự thôi. Nhưng làm sao mà hết được.
H: Cô thấy thế nào về tình hình tệ nạn xã hội trong những người lao động ạ?
Theo cô những người lao động nhập cư có dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội
không?
Đ: Người khác thế nào thì tôi không biết, chứ tôi thì không có bao giờ. Tôi thấy là
thường người phụ nữ ít sa ngã hơn, bởi vì người phụ nữ người ta biết hi sinh cho
chồng cho con, biết vun vén cho cuộc sống gia đình. Nhưng cũng khó nói lắm vì tôi
biết có những bà bán thịt bán rau ở chợ tiền kiếm được thì chẳng bao nhiêu, nhưng
ham chơi hụi rồi chơi lô đề, giờ nợ nần đến cả chục triệu. Còn người đàn ông thì tránh
sao được có lúc rượu chè cờ bạc rồi trai gái, không giữ mình được thì có ngày nghiệp
ngập, HIV không biết chừng. Lúc đó chỉ khổ vợ con ở nhà thôi.
H: Ở đây cô có đăng ký tạm trú hay đăng ký hộ khẩu không cô?
Đ: Hồi xưa có mình tôi thì tôi không đi tạm trú tạm chiếc bao giờ, bởi vì không thấy ai
nói gì mà cũng chả có công an kiểm tra. Nhưng bây giờ gia đình con cái bao nhiêu
người thế này thì chủ nhà trọ họ cũng bắt phải đi đăng ký tạm trú, không thì không
được ở đâu.
H: Bình thường thì ai sẽ là người chăm sóc con cái ạ?
Đ: Hằng ngày vợ chồng đi làm đi ăn thì hai cháu nhỏ để cho bà nội ở nhà trông giúp.
Ngày xưa khổ nhất là lúc tôi đẻ đứa thứ hai, lúc ấy thằng bé mới được 12 tháng đã
phải cai sữa, mẹ đi lên Hà Nội con ở nhà khát sữa khóc suốt đêm. Các cháu nó còn
nhỏ nên hay ốm vặt lắm, có nhiều đêm chúng nó sốt mà tôi với bà phải thay nhau thức
đêm để chăm sóc.
H: Thế một tháng thu nhập trung bình của gia đình ta là bao nhiêu ạ?

19


Đ: Vợ chồng tôi làm mỗi tháng được khoảng hơn năm triệu gần sáu triệu, tháng nào
buôn bán thuận lợi thì có khi được bảy triệu, cũng cố gắng dành dụm tiết kiệm để có
lúc có việc mà chi tiêu.

H: Thế một ngày đi bán thì cô kiếm được bao nhiêu tiền ạ? Cô thấy số tiền kiếm
được so với công sức mình bỏ ra đã thỏa đáng chưa?
Đ: Một ngày đi bán cũng được năm sáu chục, ngày nhiều thì bảy tám chục. Thôi thì
bây giờ đi bán kiếm được tiền đủ sống là được rồi, có vất vả thêm một tí cũng phải cố.
H: Với số tiền thu nhập như vậy gia đình cô chi tiêu như thế nào ạ?
Đ: Tôi đã giao khoán hẳn cho chồng mình là kiếm đủ tiền để chi cho cuộc sống của
gia đình hàng ngày, tiền của tôi thì một nửa là để dành. Năm ngoái mua được cho
chồng tôi cái xe máy cũ để tiện đi lại làm thêm việc này việc kia, vợ chồng tôi cũng
phấn khởi lắm, rồi bây giờ cũng cố sắm thêm cái di động để còn liên lạc với nhau.
H: Cô đánh giá như thế nào về sự đắt đỏ trong chi tiêu ở trên này ạ?
Đ: Ở dưới quê thì ăn uống là tự cung tự cấp, rau rồi gạo thì mình tự trồng lấy mà ăn,
thỉnh thoảng thiếu quả chanh hay củ gừng thì sang xin nhà hàng xóm. Ở đây thì cái gì
cũng tiền là tiền, có nải chuối bé tẹo mà cũng mười nghìn. Tôi đi bán từ sáng đến
chiều lãi cũng không đáng là bao nên ăn uống chi tiêu các thứ phải dè xẻn lắm, cốt là
lo cho hai đứa bé ăn học.
H: Cô thấy có khoản nào cô phải chi nhiều hơn so với dân bản địa không ạ?
Đ: Tiền ăn có đắt thì cũng là đắt theo giá chung rồi, tôi thấy có tiền nước trên này thì
đắt những 17 nghìn một mét khối. Nước máy mà nhiều khi cũng không được sạch sẽ,
đảm bảo. Tiền đóng học cho con cũng cao hơn ở quê, những triệu rưỡi đấy là tiền đầu
năm. Rồi còn nhiều tiền phát sinh nữa.
H: Khi lên đây sinh sống và lao động, cô thấy sức khỏe của mình thế nào ạ?
Đ: Nói chung là từ khi đi bán hàng tôi có cảm giác ngày càng mệt mỏi hơn vì phải
ngồi bán ở vỉa hè, lề đường, thường xuyên phải hít khói bụi, rồi thời tiết thì mưa nắng
thất thường.
H: Khi bị đau ốm cô có nghỉ, bỏ không đi bán bánh nữa không ạ?

20


Đ: Làm sao mà bỏ được. Bỏ thì không thể bù lại được, nên bỏ bán ngày nào thì tiếc

ngày ấy. Nhiều khi tôi chẳng dám ốm đau đâu, nhà còn mấy miệng ăn trông chờ vào
mình. Cũng xin giời phật thương phù hộ cho khỏe mạnh, không bệnh không tật gì để
đi bán hàng còn kiếm được tiền, chứ bị ốm thì lại phải thuốc thang, lại bị âm vào tiền
của tháng ấy.
H: Cô có thể cho cháu biết tình hình sức khỏe và lịch sử các bệnh của các thành
viên trong gia đình cô không ạ?
Đ: Nhà tôi thì có bà hay bị chóng mặt, khám ở quê người ta bảo bị rối loạn tiền đình.
Cũng uống thuốc một đợt. Hai đứa bé trộm vía khỏe mạnh, thỉnh thoảng sổ mũi hắt
hơi nhưng cũng chưa phải đi viện lần nào, trẻ con mà đứa nào chả hay ốm. Chồng tôi
thì cũng khỏe, chỉ phải tội hút thuốc lào nhiều quá, tôi bảo bỏ không hại phổi mà cũng
chưa bỏ.
H: Khi trong nhà có người đau ốm, ai là người chăm sóc chính ạ?
Đ: Thì có mỗi mình tôi chăm chứ còn ai vào đây. Thỉnh thoảng có bà các cháu đỡ tôi.
H: Thế hàng tháng gia đình có đi khám sức khỏe định kỳ không ạ? Khi ốm đau
thì cô chữa bệnh ở đâu?
Đ: Không tôi không đi khám sức khỏe định kỳ. Vì làm gì có thời gian, có tiền mà
khám. Bị bệnh nhẹ thì cứ đến hàng thuốc, nói cho người ta biết trong người mình thế
nào rồi mua thuốc về uống thôi. Tôi lao động chân tay nên vất vả nhiều thành ra cũng
quen, ít ốm vặt. Cứ kháng sinh vào dăm ba hôm là khỏi thôi. Nặng quá thì mới nghĩ
đến đi viện khám.
H: Tại sao nhà mình không đi bệnh viện khám cho đảm bảo ạ?
Đ: Vào đấy thủ tục rườm rà, chờ đợi lâu mà còn phải mất tiền phong bì cho bác sĩ mới
được khám tử tế, thế rồi mình thì lại chẳng có bảo hiểm y tế nên cũng không muốn vào.
H: Ở trên này gia đình mình có tham gia vào các hoạt động văn hóa ở địa phương
không cô?
Đ: Không chả bao giờ tôi tham gia mà cũng có thấy ai mời gì đâu. Đi làm về mệt chỉ
chăm con đã ốm người lấy đâu ra thời gian mà tham gia.
H: Sống ở đây một thời gian như vậy, cô có cảm nhận thế nào khi nói chuyện,
tiếp xúc với người dân bản địa ạ?
21



Đ: Thì cũng bình thường. Nói là dân Hà Nội nhưng có mấy người là người Hà Nội gốc,
cũng toàn là dân tứ xứ đổ về đây kiếm kế sinh nhai, chẳng qua người ta ở đây lâu hơn
mình thì thành người Hà Nội.
H: Cô có thấy người dân bản địa phân biệt đối xử với mình hay không? Cô có thể
cho ví dụ về trường hợp phân biệt đối xử nào đó không ạ?
Đ: Tôi thấy là cũng tùy từng người thôi, có người này người kia. Như bác chủ nhà trọ
chỗ tôi ở thì bác cũng tốt lắm, thỉnh thoảng bác lại sang trông cho tôi hai đứa bé lúc
nhà không có người. Nhưng cũng có những người họ khinh thường mình lắm, vì mình
là dân tỉnh lẻ lại không có tiền. Ngày trước tôi đi bán cũng phải đi khắp nơi mới có
chỗ ngồi ổn định, vì ngồi ở vỉa hè trước cửa hàng của người ta thì người ta không chịu,
người ta nói khéo rồi có khi còn chửi đuổi mình đi. Bây giờ thì tôi biết chỗ ngồi rồi, cứ
ngày nào cũng ra đấy bán, công an đến dẹp thì mình lại đạp xe đi bán dạo trong ngõ.
H: Thế còn khi tiếp xúc với đại diện các cấp chính quyền thì sao hả cô?
Đ: Thú thực là tôi lên đây chính quyền cũng chẳng tiếp xúc bao giờ, có đi ra làm tạm
trú thì có bác chủ nhà lo cho. Còn sợ nhất là bán hàng mà gặp công an với mấy ông
quản lý thị trường, có lần họ thu hết bánh của tôi mà xin hết nước hết cái họ cũng
không cho lấy lại. Đi bán thế này cũng phải vừa lo chạy công an.
H: Hiện tại cô có tự tin khi tự mình giải quyết những khó khăn gặp phải trong
cuộc sống ở thành phố không cô?
Đ: Thì bây giờ mình không tự lo thì còn có ai lo cho mình. Nhiều khi thì vợ chồng tôi
cũng nghĩ cũng thấy lo vì mình trên này tứ cố vô thân, không có bà con họ hàng gì cả,
ốm đau thì chẳng có ai chăm sóc mình, thiếu thốn chật vật cũng chẳng biết trông chờ
vay mượn ai. Nhưng đành chịu thôi chứ biết làm thế nào, cuộc sống mà. Chỉ mong lo
cho con ăn học tử tế sau này đỡ khổ.
H: Cô có đề xuất gì để chính quyền mình có thể giúp đỡ những người nhập cư
như cô không ạ?
Đ: Tôi thì tôi cũng chẳng mong muốn gì nhiều, chỉ mong nhà nước không cấm bán
hàng rong trên vỉa hè để tôi và những người lao động nghèo khác làm ăn sinh sống, có

tiền nuôi con nuôi cái. Nhà nước rộng rãi thì chúng tôi được nhờ.
Xin cảm ơn cô đã giúp cháu hoàn thành nghiên cứu!

22


2. HÌNH ẢNH CÓ LIÊN QUAN
Hình ảnh về cô Vũ Thị D.

3. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Nguyễn Huyền Lê, 2010, Một số kiến nghị nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ
trợ rủi ro của lao động di cư và một số kiến nghị nông thôn di cư đến các khu
công nghiệp, khu chế xuất và các khu đô thị, Viện Khoa học Lao động và Xã
hội.
2) Hoàng Bá Thịnh, 2014, Xã hội học về giới, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà
Nội, tr 259 - 271.
3) Đinh Văn Thông, 2009, Di dân ngoại tỉnh vào thành phố Hà Nội – vấn đề đặt ra
và giải pháp, Tham luận hội thảo “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội văn hiến,
anh hùng, vì hòa bình”.
4) Lê Văn Toàn, 2010, Dịch vụ xã hội cho người nhập cư ở Hà Nội, Học viện
chính trị - hành chính quốc gia.
5) Vũ Toàn, 2010, Bài giảng Xã hội học y tế - sức khỏe, Đại học khoa học xã hội
và nhân văn – Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
6) www.actionaid.org.vi/vietnam
7) www.gopfp.gov.vn/

23




×