Tải bản đầy đủ (.doc) (25 trang)

TỪ LÀNG VIỆT TRUYỀN THỐNG NHÌN về mô HÌNH xây DỰNG NÔNG THÔN mới HIỆN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (129.28 KB, 25 trang )

TỪ LÀNG VIỆT TRUYỀN THỐNG NHÌN VỀ MÔ HÌNH XÂY DỰNG
NÔNG THÔN MỚI HIỆN NAY
Mở đầu

Làng Việt là thành tố quan trọng trong cơ cấu xã hội Việt, một thiết chế xã hội, một
đơn vị tổ chức chặt chẽ của nông thôn trên cơ sở địa vực, địa bàn cư trú; là sản
phẩm tự nhiên phát sinh từ quá trình định cư và cộng cư của người Việt. Làng Việt
được tổ chức rất chặt chẽ, không phải theo một mà nhiều cách, nhiều nguyên tắc
khác nhau, tạo nên nhiều loại hình, nhiều cách tập hợp nhưng lại hoà đồng trong
phạm vi làng. Là một thiết chế xã hội của nông thôn Việt, có cơ cấu tổ chức phong
phú nhưng chặt chẽ, có tính cộng đồng và tự trị cao, làng Việt ở mặt trái, mang tính
khép kín, bản vị. Song nó lại chính là nơi lưu giữ, bảo vệ một thứ văn hoá làng
chống lại sự xâm lăng, đồng hoá của văn hoá ngoại lai.
Có một vị trí đặc biệt trong nền văn hoá của dân tộc, nên văn hoá làng có tác động
sâu sắc và toàn diện đến mọi mặt của xã hội cổ truyền Việt Nam, trong đó có rất
nhiều tác động ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các truyền thống dân tộc.
Trong xu thế hiện nay, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mà cụ thể
là văn hóa làng xã có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần phát triển kinh tế nông
thôn bền vững, giữ được diện mạo, môi trường lành mạnh của làng quê, đồng thời
xây dựng con người nông dân mới vừa có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến
vừa có bản lĩnh, cốt cách của con người Việt Nam chính là nhiệm vụ hết sức quan
trọng trong quá trình phát triển đất nước.
Tuy nhiên có một thực tế không vui là trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại
hóa, mặt trái của cơ chế thị trường cùng những sản phẩm văn hóa ngoại lai, độc hại


đang “tiến công” vào các cấu trúc làng xã truyền thống. Quá trình đô thị hóa cùng
với việc các khu công nghiệp mọc lên tràn lan, thiếu quy hoạch cũng đang phá vỡ
cảnh quan gắn bó với thiên nhiên của làng quê, yếu tố cơ bản hình thành nên tính
chất “địa văn hóa” của làng xã và khiến cho không ít vùng nông thôn bị ô nhiễm
môi trường và ô nhiễm văn hóa một cách nghiêm trọng. Nông dân là chủ thể trong


mối quan hệ mật thiết giữa Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn đang trở thành
đối tượng chịu tác động một cách thụ động của tất cả những thứ đó. Tình trạng
nông dân bỏ làng ra đi làm ăn xa ngày một đông, sự quản lý của chính quyền cơ sở
ở nhiều nơi không theo kịp biến đổi của đời sống xã hội, dẫn đến tình trạng cấu
trúc truyền thống của làng quê Việt đang ngày một bị phá vỡ, thuần phong mỹ tục
dần mai một…
Trong bối cảnh đó, làng Việt và văn hoá làng Việt đã, đang và vẫn sẽ là vấn đề thu
hút được sự quan tâm của đông đảo nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Kết quả
nghiên cứu về làng xã đến nay, không chỉ làm phong phú và lý giải thêm về lý luận
cũng như thực tiễn trong việc quản lý làng xã Việt Nam, trong đó, nổi lên các vấn
đề về lịch sử hình thành, phương thức quản lý làng xã, quan hệ giữa cá nhân và gia
đình đối với cộng đồng, đoàn thể và nhà nước, kinh tế thị trường… Mà còn góp
phần tìm ra những giá trị của truyền thống giúp cho việc xây dựng hệ thống chính
trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, hướng tới mục tiêu xây dựng tốt đời sống văn hóa
ở khu dân cư gắn với việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới hiện
nay
I. LÀNG VIỆT TRUYỀN THỐNG – KẾT CẤU CHẶT CHẼ
Kết quả nghiên cứu về làng xã Việt Nam truyền thông từ trước đến nay đã đi đến
thống nhất: làng xã là một thực thể thống nhất, có đầy đủ các thiết chế để tồn tại,
hoạt động và bảo vệ cộng đồng khỏi sự xâm nhập từ bên ngoài. Thậm chí, có học


giả còn nhân hóa: “làng là một cơ thể trọn vẹn, gần như một con người, nhưng lại
là một con người phi giai cấp. Trong cơ thể người trọn vẹn đó, không những có ẩn
giấu một linh hồn, một tâm lý ý thức cộng đồng, mà còn có một cá tính riêng,
nghĩa là một đặc sắc riêng về tính cách”.
Thực tế, đánh giá trên không trở nên quá cường điệu, khi ở mỗi làng đều tồn tại
một địa vực riêng, có nền kinh tế riêng, có thiết chế tự quản “độc lập”, có một tín
ngưỡng, luật lệ, nét văn hoá riêng. Điều này đã tạo cho làng Việt có một kết cấu
chặt chẽ, vững mạnh, dựa trên nền tảng là chế độ tự trị rộng rãi trên mọi phương

diện, biểu hiện trên các mặt sau:
1.

Tổ chức cộng đồng dân cư – lãnh thổ mang tính khép kín, bản vị

Làng xã được tổ chức rất chặt chẽ, không phải theo một mà nhiều cách, nhiều
nguyên tắc khác nhau, tạo nên nhiều loại hình, nhiều cách tập hợp người khác
nhau, khác nhau nhưng lại hoà đồng trong phạm vi làng xã. Về cơ bản, cơ cấu làng
Việt được biểu hiện dưới những hình thức tổ chức (liên kết, tập hợp người) sau
đây:
– Tổ chức theo địa vực (khu đất cư trú) với mô thức phổ biến: Làng phân thành
nhiều xóm, xóm phân thành nhiều ngõ, mỗi ngõ gồm một hay nhiều nhà… thành
những khối dài dọc đường cái, bờ sông, chân đê, những khối chặt kiểu ô bàn cờ,
theo hình Vành khăn từ chân đồi lên lưng chừng đồi và phân bố lẻ tẻ, tản mát, xen
kẽ với ruộng đồng… Mỗi làng, xóm, ngõ có cuộc sống tương đối riêng.
– Tổ chức làng theo huyết thống (gia đình), dòng họ: Dòng họ có vị trí và vai trò
quan trọng trong làng Việt, là chỗ dựa vật chất, và chủ yếu là tinh thần cho gia
đình; có tác dụng trong định canh và xây dựng làng mới, như là trung tâm của sự
cộng cảm trong các gia đình đồng huyết… Có làng gồm nhiều dòng họ, có làng chỉ


một dòng họ và khi ấy làng và dòng họ (gia tộc) đồng nhất với nhau. Trong dòng
họ mức độ liên kết huyết thống trong phạm vi làng Việt là rất rành mạnh.
– Tổ chức làng theo nghề nghiệp, theo sở thích và lòng tự nguyện (Phe-Hội,
Phường nghề…). Mỗi làng có thể có nhiều Phe (một tổ chức tự quản dưới nhiều
hình thức câu lạc bộ): Phe tư văn quan trọng hơn; nhiều Hội: hiếu hỷ, mua bán,
luyện võ, tập chèo, đấu vật… các Phường nghề: mộc, nề, sơn, thêu, chèo, rối…
– Tổ chức làng theo lớp tuổi (truyền thống nam giới): tổ chức giáp, hiện rất mờ
nhạt. Đây là môi trường tiến thân theo tuổi tác, tổ chức dành riêng cho nam giới,
phụ nữ không được vào. Bé trai mới lọt lòng được vào giáp ngay, được lên đinh,

ngôì chiếu giữa làng, được nâng dần địa vị, được lên lão…
– Tổ chức làng theo cơ cấu hành chính. Làng có khi gọi là xã (có xã gồm nhiều
làng), có khi gọi là thôn (khi nhất xã nhất thôn). Tiêu chuẩn để phân định rõ nhất là
chính cư và ngụ cư (nội tịch và ngoại tịch) một cách rất rành mạch, nhiều khi cực
đoan. Tuy nhiên, có một điều mở là dân ngụ cư có thể chuyển thành chính cư khi
có điền có điền sản và sống (cư trú) ở làng 3 đời trở lên. Dân cư trong làng được
phân thành nhiều hạng, cơ bản là các hạng: chức sắc (đỗ đạt hoặc có phâm hàm
vua ban); chức dịch (có chức vụ trong bộ máy hành chính); lão, đinh, ty ấu, người
già, trai đinh, trẻ con (trong các giáp)…
Trên cơ sở các hình thức tổ chức, liên kết trên, tùy theo vùng miền, làng Việt cũng
có đặc điểm và tính chất giống hệt nhau, mà sự phân biệt khá rõ nét thể hiện ở đặc
trưng của làng Việt ở Bắc – Trung – Nam bộ. Mặc dù có những đặc điểm khác
nhau, song làng Việt ở các miền vẫn dựa trên cơ sở những cái giống, cái chung và
đều mang tính khép kín. Tính chất khép kín trong tổ chức của làng được thể hiện rõ
nét qua vấn đề cư trú.


Mỗi làng đều có giới hạn phạm vi của làng rất rõ ràng. Nhiều làng có mốc giới
lãnh thổ, có cổng làng và điếm canh… Nếu vì một lý do gì đó, cái ranh giới cũ bị
thay đổi thì sự tranh giành lãnh thổ sẽ diễn ra lâu dài và gay go thậm chí gây tổn
thất rất lớn cho hai bên và kéo dài tới nhiều thế hệ con cháu trong làng. Vấn đề trên
còn thể hiện rất rõ qua “dân chính cư” và “dân ngụ cư” hay còn gọi là “dân nội
tịch” và “dân ngoại tịch”. Dân chính cư được coi là bộ phận của làng, được tham
gia các hoạt động, chịu luật lệ, đồng thời được làng bảo vệ. Trong khi, những
người do hoàn cảnh phải li tán sang những làng khác, làm dân ngụ cư sẽ không
được làng đó chấp nhận. Dân ngụ cư không được tham gia bất kỳ hoạt động gì
trong làng, không có nghĩa vụ gì với làng, cũng như không được quyền lợi gì như
tham gia tế lễ, chia ruộng… Những người ngụ cư này không được sống trong địa
phận của làng. Họ phải sống ở những nơi đất chưa có chủ, thường là ở rìa sông,
ven bãi, thậm chí bị dân trong làng khinh rẻ, chê bai.

2.

Kinh tế tiểu nông, tự cung – tự cấp và chế độ “công điền, công thổ”

Kinh tế nông nghiệp truyền thống đã hình thành và phát triển từ xa xưa, cùng với
lịch sử lâu dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vì vậy, nó cũng gắn liền với
quá trình khai hoang lập ấp, phát triển của làng Việt.
Làng không chỉ là một cộng đồng về dân cư – lãnh thổ, mà còn là một cộng đồng
kinh tế, một thực thể kinh tế của nền kinh tế xã hội nông thôn truyền thống. Cộng
đồng kinh tế này, trước hết, và cơ bản được hình thành trên cơ sở của chế độ sở
hữu chung về đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các điều kiện sản xuất khác trong
lãnh thổ của làng.
Trong giai đoạn đầu, mọi hoạt động kinh tế của làng Việt đều là những hoạt động
mang tính cộng đồng. Toàn bộ sản phẩm, hoa lợi thu được đều là sản phẩm chung,
do làng quản lý và được đem phân phối dần cho tất cả các thành viên. Không một


thành viên nào có thể tiến hành sản xuất hay sinh sống độc lập, tách biệt với hoạt
động kinh tế chung của làng.
Ở thời kỳ lịch sử tiếp sau, khi chế độ quân chủ nhà nước đã hình thành, chế độ tư
hữu xuất hiện và trở nên phổ biến, song phương thức sản xuất và sinh sống cộng
đồng vẫn tồn tại dai dẳng trong nhiều làng xã, ở những hình thái và mức độ khác
nhau. Phần lớn đất đai, tài nguyên và các nguồn lực tự nhiên của sản xuất vẫn
thuộc quyền quản lý và chi phối của làng. Hơn nữa, do trình độ sản xuất thấp kém,
lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, nên các hộ dân cư trong làng cũng thường
xuyên phải cố kết với nhau trong sản xuất cũng như trong việc phòng chống thiên
tai để bảo vệ nơi cư trú và mùa màng. Đến thế kỷ XIV, XV trở đi, mặc dù chế độ tư
hữu đã thu hẹp dần ruộng đất công và các cơ sở kinh tế chung của làng, nhưng nó
vẫn tồn tại dai dẳng và phổ biến ở hầu khắp các vùng nông thôn. Hơn nữa, việc
dựa vào kinh tế làng xã và lấy làng, xã làm cơ sở kinh tế xã hội của các triều đại

phong kiến cũng làm cho tính cộng đồng về mặt kinh tế của các làng tiếp tục được
duy trì. Làng là người đại diện cho dân cư thực hiện các nghĩa vụ kinh tế đối với
Nhà nước (như thu nộp thuế, huy động nhân công đắp đê, chống lụt…). Và mỗi
làng đều có tài sản, công quỹ và các khoản thu đóng góp cho các hoạt động chung
của làng.
Đó chính là sự cố kết và tính cộng đồng về mặt dân cư và lãnh thổ của các làng, xã
nông thôn trong sản xuất kinh tế. Sự cố kết này được hình thành dựa trên quan hệ
láng giềng, quan hệ huyết tộc hoặc dòng họ.
Do vậy, ở giai đoạn kế tiếp, mặc dù đất đai, tài nguyên đều thuộc sở hữu tối cao
của Nhà nước, song thực chất, lại thuộc quyền kiểm soát, chi phối của các làng.
Nhiều làng đã lập ra các hương ước, khế ước xác định rõ địa giới lãnh thổ, đất đai
và khẳng định “chủ quyền” của làng trên toàn bộ địa giới ấy. Và để bảo vệ chủ


quyền lãnh thổ của làng, nhiều nơi đã quy định cụ thể về sử dụng đất đai, nguồn
nước, đốn cây, phát rẫy, khai thác nguồn lợi tự nhiên, về canh phòng, chống xâm
lấn, trộm cướp,… Đất đai trong lãnh thổ của làng, ngay cả ruộng đất tư cũng không
được bán, đổi, sang nhượng cho người làng khác.
Cùng với sự tồn tại dai dẳng của chế độ “công điền, công thổ”, kinh tế truyền
thống trong các làng là nền kinh tế trọng nông và tự cung, tự cấp. Hầu như ở các
làng đều có các hoạt động sản xuất tương tự giống nhau, bao gồm các hoạt động
nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ và khai thác sản vật tự nhiên để
tự sản xuất những sản phẩm cho nhu cầu tiêu dùng cơ bản nhất của dân cư trong
làng.
Trong đó, nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước, là hoạt động căn bản nhất bao
trùm và chi phối đến tất cả các hoạt động kinh tế khác và luôn được xem là “nghề
gốc” của đa số các hộ dân cư. Phương thức sản xuất này trở thành tập quán sinh
sống, thành tư tưởng, ý thức và tình cảm ngấm sâu trong tiềm thức của người dân
nông thôn. Đất đai, ruộng vườn, lúa gạo hay trâu bò luôn được coi là thước đo về
sự giàu có, sung túc. Từ đó, tư tưởng “dĩ nông vi bản” đã trở thành ý thức hệ phổ

biến, hầu như bất di bất dịch.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp trong các làng cũng tồn tại các ngành nghề tiểu thủ
công nghiệp và thương nghiệp, nhưng chỉ là hoạt động phụ trợ, gắn liền với hoạt
động nông nghiệp. Trai qua quá trình lịch sử, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp
và thương nghiệp cũng từng bước có sự phát triển. Nhiều làng nghề, phường nghề
ra đời cho ra các loại sản phẩm thủ công nghiệp nổi tiếng, đạt trình độ kỹ nghệ cao,
trở thành những sản phẩm có ý nghĩa văn hóa, tinh thần, biểu trưng cho tài nghệ và
truyền thống của các làng. Tuy vậy, ngay cả ở những làng nghề, phường nghề hay
các làng buôn, phường buôn phát triển nhất thì nông nghiệp vẫn tồn tại như là “cơ


sở quan trọng của cuộc sống dân làng”. Đa số các làng nghề, phường nghề và thợ
thủ công vẫn giữ lại nghề nông và ruộng đất của họ. Nhiều người làm nghề thủ
công hay chuyên nghiệp sau một thời gian tích lũy vốn liếng lại trở về làng mua
ruộng đất, củng cố thêm “nghề gốc” nông nghiệp vốn có của họ. Còn đa số những
người làm nghề thủ công hay buôn bán nhỏ lẻ vẫn là những người thường xuyên
làm nông nghiệp và thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp.
Tất cả những điều đó càng củng cố thêm tư tưởng “dĩ nông vi bản” và tính chất tự
cung, tự cấp của nền kinh tế xã hội nông thôn, cản trở tiến trình phân công lao
động xã hội và phát triển kinh tế hàng hóa ở các làng xã Việt Nam.
3.

Thiết chế quản lý tự trị, tự quản cao

Mỗi làng xã từ khi mới thành lập đều có một sự độc lập nhất định hay còn gọi là
tính tự trị trong mối quan hệ giữa làng với làng và giữa làng với Nhà nước. Nó thể
hiện trên các khía cạnh.
Thứ nhất, mỗi làng xã có cách tổ chức quản lý của riêng. Vì vậy bản thân làng xã
có sự “độc lập tương đối” với các đơn vị xã hội khác, kể cả nhà nước.
Thứ hai, Nhà nước ra đời trên cơ sở tập hợp các làng xã. Đồng nghĩa với việc trước

khi Nhà nước ra đời, làng xã tồn tại như một thực thể riêng biệt với các thành viên,
bộ máy quản lý, bộ phận bảo vệ an ninh, quy ước hành động… Công thêm sự tồn
tại các quan hệ chồng chéo trong làng làm nảy sinh những mâu thuẫn ngầm trong
nội bộ từng làng mà Nhà nước không thể điều hoà nên đành “để mặc” cho làng xã
tự giải quyết.
Thứ ba, Nhà nước để có sức người sức của dùng vào việc công và quốc phòng cần
phải có sự đóng góp của người dân. Nhưng người dân lại chịu sự kiểm soát của
làng xã về mọi mặt từ lâu đời. Muốn đạt được mục đích Nhà nước phải đi đến


người dân thông qua làng xã. Nhà nước giao chỉ tiêu, làng xã trực tiếp thực hiện từ
việc thu thuế, bắt lính, huy động lao dịch….
Chính điều này đã tạo ra thiết chế tự trị của làng xã. Trong đó mối quan hệ giữa
làng với nước được thông qua bởi bộ máy quản lý làng xã.
Mỗi làng xã có hai cơ quan quản lý. Đó là cơ quan của nhà nước, đứng đầu là các
xã quan (xã trưởng, sau này là các lý dịch: lý trưởng, phó lý, hương thân, hương
hào, khán thủ, hương trưởng) và Hội đồng kỳ mục của làng xã đứng đầu là các tiên
thứ chỉ (thường là quan lại về hưu, người cao tuổi trong làng…).
Từ thế kỷ XI, Khúc Hạo bắt đầu đặt xã quan, đánh dấu bước khởi đầu nhà nước
chính thức can thiệp vào đời sống làng xã. Từ đó đến giữa thế kỷ 18, các vua liên
tục đặt các chức xã quan (xã trưởng, xã xử, xã tư), nhằm giảm bớt tính tự trị độc
lập của bộ máy tự quản của làng xã. Tuy nhiên, thực tế vai trò quản lý làng xã vẫn
nằm chủ yếu trong bộ máy quản lý truyền thống.
Từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, tính chất tự trị của làng xã càng trở nên
rõ rệt hơn. Do sự suy yếu của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, sự can
thiệp của Nhà nước vào làng xã ngày một giảm sút. Vì vậy diễn ra một sự “thỏa
hiệp” giữa Nhà nước và làng trong công cuộc quản lý. Giai đoạn này, làng xã tự
đặt các xã quan, được gọi là bộ phận lý dịch, sau đó trình lên chính quyền Nhà
nước cấp trên để nhà nước chính thức thừa nhận. Đồng nghĩa xã quan “xếp sau” bộ
phận cai trị truyền thống của làng đó là tiên thứ chỉ, hương chủ… và quan viên bô

lão. Như vậy bộ máy quản lý làng xã gồm cả lý dịch vẫn biểu hiện như một bộ máy
tự quản của làng xã.
Từ nửa sau thế kỷ XIX, thực dân Pháp muốn tăng cường kiểm soát được làng xã.
Năm 1921, chúng giải tán hội đồng kỳ mục để lập ra hội đồng tộc biểu, tập những


người đứng đầu dòng họ làm tay sai cho chế độ thực dân cai trị làng xã. Tuy nhiên,
chính sách của thực dân Pháp sớm thất bại. Đến năm 1927, Pháp phải tái lập hội
đồng kỳ mục bên cạnh hội đồng tộc biểu. Và đến năm 1941, Pháp phải giải tán hội
đồng tộc biểu, duy trì hội đồng kỳ mục.
Tính tự trị, tự quản của thiết chế làng xã còn thể hiện qua hương ước làng, lệ làng,
luật tục của làng. Về tính chất, hương ước là sự khẳng định công khai quyền tự trị
của làng xã với nhà nước và được nhà nước thừa nhận. Về nội dung, hầu hết các
điều khoản còn lại của hương ước chỉ liên quan tới đời sống của làng. Ngoại trừ
một số điều khoản về nghĩa vụ quân sự, sưu thuế do Nhà nước áp đặt. Thường thì
hương ước được thi hành theo đúng nguyên tắc không trái với luật nhà nước.
Nhưng đôi khi vẫn xảy ra trường hợp lệ làng được coi trọng hơn phép vua luật
nước.
Hương ước ra đời là kết quả của sự thoả hiệp giữa tính tự trị của làng xã và tính áp
chế của chính quyền nhà nước. Có thể nói nó thể hiện rất rõ tính tự trị của làng xã
đối với nhà nước. Hầu hết làng xã truyền thống ở Bắc và Trung Bộ đều có hương
ước để quản lý làng mình thật chặt chẽ. Làng xã thay đổi thì hương ước sẽ được
sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với tình hình mới.
Mối quan hệ độc lập tương đối giữa làng với làng được thể hiện rõ nét qua vấn đề
địa vực (đã trình bày ở trên) và qua sự hình thành, tồn tại các nét văn hóa, tục lệ tín
ngưỡng riêng. Về văn hoá tín ngưỡng, thường mỗi làng có một ngôi đình, thờ một
vị thành hoàng và có một lễ hội khác nhau.
“Tính cách” của mỗi làng xã cũng khác nhau và trong nhiều trường hợp còn trở
thành “cá tính” của cộng đồng dân cư trong làng.



Về lệ tục làng có hương ước riêng với những những quy định không giống nhau.
Mặt khác, trải qua thời gian và tác động của nhiều yếu tố, mỗi làng có sự biến đổi
khác nhau, kéo theo đó là sự thay đổi không giống nhau của hương ước càng làm
tăng tính khác biệt giữa hương ước của các làng xã.
Nhìn chung, làng là tập hợp của một đơn vị cư trú, một tổ chức sản xuất, tổ chức
xã hội, tổ chức quân sự. Sự đan xen nghề nghiệp; nông, công, thương và mối quan
hệ đa dạng phường hội, họ hàng, xóm, giáp; sự dung hợp các hệ tư tưởng và tôn
giáo… đã tạo cho làng cổ truyền một cơ sở vững chắc. Mỗi cá nhân đồng thời là
thành viên của nhiều tổ chức, phe giáp, và là thành viên của cộng đồng làng, là bộ
phận hữu cơ luôn gắn bó chặt chẽ với tổ chức làng. Tâm lý cộng đồng là một trong
những đặc trưng của văn hoá làng. Kết cấu đa dạng và chặt của làng đã tạo ra một
định hướng hành vi hành động của cá thể và toàn thể, đã tạo ra một sự thống nhất
tương đối, đồng thời có sự tự điều chỉnh và ổn định. Chính sự liên kết bền vững
này là “nội lực” cho làng xã có thể duy trì được tính tự trị của mình. Nó tạo cho
làng xã “sức mạnh” để chống lại mọi sự thâm nhập từ bên ngoài.
Là một cộng đồng về dân cư – lãnh thổ, về kinh tế và văn hóa, làng cũng đồng thời
là một tổ chức có tính hành chính và tự quản. Mỗi làng đều có một bộ máy quản lý
có tính tự quản, với những thiết chế và luật lệ nhất định. Điều đó vừa duy trì tính
cộng đồng vừa làm tăng sự ràng buộc và sự lệ thuộc của người dân nông thôn vào
các thiết chế của cộng đồng làng, xã.
Kết cấu chặt chẽ dựa trên nền tảng tính cộng đồng và tự trị, tự quản của làng xã
Việt Nam truyền thống, bên cạnh những những yếu tố tiêu cực, như: làng xã luôn
có xu hướng làm cho làng xã hoạt động độc lập hoàn toàn, xa rời quỹ đạo quản lý
của nhà nước; nuôi dưỡng chủ nghĩa địa phương, cục bộ; lưu giữ những hủ tục
“thâm căn cố đế”;…


Những phân tích trên cho biết làng Việt là một kết cấu chặt. Một vài nhà nghiên
cứu cho rằng, làng Việt Nam chỉ là tổng số giản đơn của những gia đình cá thể, chỉ

là khu vực cộng cư của những người tiểu nông làm lúa nước. Họ cho rằng, cây lúa
nước và hệ sinh thái của nó chia ruộng đất thành những mảnh vụn nát, đã tạo nên
những tiểu nông đơn lẻ, rời rạc.
Song thực tế, làng Việt Nam hoàn toàn không chỉ là một khu vực cư trú đơn thuần
của gia đình tiểu nông mà chính bản thân nó còn là một tổ chức sản xuất, tổ chức
quân sự, tổ chức xã hội. Cộng đồng làng là một sự hợp thành một hệ thống có gia
đình cá thể, có họ hàng, có phường, hội, có xóm giáp và những mối liên kết vật
chất và tinh thần như tộc ước, phường lệ, hương ước và tín ngưỡng tôn giáo, hội
hè, đình đám… Kết cấu đa dạng và chặt, vững của làng đã tạo ra một định hướng
hành vi hoạt động của cá thể và toàn thể, của gia đình và xã hội, đã tạo một sự
thống nhất tương đối, đồng thời có sự tự điều chỉnh và ổn định.
Sự đan xen các nghề nghiệp công, nông, thương và các tổ chức xã hội như phường
hội; sự duy trì các quan hệ họ hàng, xóm giáp; sự chồng xếp các hệ tư tưởng và tôn
giáo về mặt nào đó đã tạo cho làng cổ truyền vững mạnh. Sự tồn tại các cá thể
không phải với tư cách đơn lẻ riêng biệt mà bao giờ cũng là với tư cách thành viên
của cộng đồng làng. Và sức sống của làng tồn tại là ở chỗ tái sản xuất ra những
thành viên của nó, cũng như người tiểu nông muốn sống ổn định trong làng bao
giờ cũng phải với tư cách là thành viên trong tổ chức này.
Ngày nay, dưới tác động của công nghiệp hóa – hiện đại hóa, làng xã Việt Nam đã
có những bước thay đổi căn bản. Mà bên cạnh, những thay đối có chiều hướng tích
cực, cũng tồn tại nhiều hạn chế và làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, không đảm bảo
cho sự phát triển bền vững.


II.MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ MÔ HÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
1.

Mô hình xây dựng nông thôn mới

Qua hơn 25 năm đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong

bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, Đảng và nhà nước đã ban
hành rất nhiều chính sách nhằm chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền
kinh tế thị trường trong nông nghiệp, nông thôn, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, đến nay, nông thôn Việt Nam đang nảy sinh những vấn đề kinh tế – xã
hội. Trong đó, nổi lên những vấn đề bức xúc, nan giải, như: kinh tế nông thôn vẫn
là kinh tế sản xuất nhỏ, manh múm; nông dân bị mất đất dẫn đến bần cùng hóa;
khoảng cách giàu – nghèo và bất bình đẳng xã hội gia tăng; dư thừa lao động dấn
đến di dân tự phát; trình độ dân trí nói chung và trình độ của lực lượng sản xuất rất
thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa – hiện đại hóa; hạ tầng cơ
sở thấp kém; an sinh xã hội chưa đảm bảo;….
Sau 25 năm thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa, bức tranh kinh tế nông thôn
không có sự chuyển biến thật sự. Mặc dù, trong cơ cấu ngành kinh tế Việt Nam đã
có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Từ đầu năm 1990 đến nay, tỷ trọng trong GDP của
ngành nông nghiệp đã giảm từ trên 40% xuống còn khoảng 20% và tương ứng tỷ
trọng của công nghiệp tăng từ 23% (năm 1991) lên gần 40%, dịch vụ tăng từ 35%
(1991) lên gần 40%. Tốc độ chuyển dịch ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông
nghiệp ở nông thôn chuyển biến chậm và có sự chênh lệch cao giữa các vùng.
Tuy nhiên cơ cấu lao động lại không có sự chuyển dịch tương ứng, lao động trong
nông nghiệp vẫn chiếm 2/3 tổng số lao động cả nước. Trong 20 năm, lao động
trong nông nghiệp chỉ giảm khoảng 10%, từ 72,6% năm 1991 xuống còn trên 60%.


Cơ cấu lao động ở nông thôn Việt Nam vẫn mang tính thuần nông. Năm 2001,
trong tổng sốn 13,2 triệu hộ dân ơ khu vực nông thôn có tới 81% làm việc trong
lĩnh vực nông – lâm – thủy sản[1], năm 2006 là 71% và đến nay là 62%.
Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp cũng không có sự thay đổi đáng kể. Thời kỳ
1991-1995, tỷ trọng trồng trọt tăng từ 74,4% lên 80,4%, chăn nuôi giảm từ 24,1%
xuống 16,6% và dịch vụ tăng từ 1,5% lên 3%. Sang giai đoạn 1996-2000, tỷ trọng
của trồng trọt giảm không đáng kể từ 80,4% còn 80%, chăn nuôi tăng từ 16,6% lên

17,3%, dịch vụ giảm từ 3% xuống còn 2,7%[2]. Và hiện nay, tỷ trọng chăn nuôi
trong nông nghiệp đã tăng lên 27-28% (năm 2010), xong về cơ bản chăn nuôi vẫn
ở quy mô nhỏ, phân tán và chưa tách khỏi nông nghiệp. Trong trồng trọt, quy mô
ruộng đất vốn nhỏ lẻ, nay càng bị thu hẹp, ở đồng bằng sông Hồng chỉ khoảng
500m2/người, miền Trung khoảng 600m2/người, song không phân bổ không đồng
đều.
Công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng không
đạt được hiệu quả cao. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chỉ
đạt khoảng 20% và chủ yếu tập trung ở khâu làm đất, bơm nước, tuốt đập.
Vấn đề nóng bỏng thứ hai hiện nay ở nông thôn là việc người nông dân bị mất
ruộng đất mà nguyên nhân một phần là do xu thế tích tụ ruộng đất, nhưng chủ yếu
lại là do quá trình đô thị hóa hoặc lấy đất làm khu công nghiệp, khu đô thị, sân
golf. Theo số liệu chưa đầy đủ, chỉ trong 5 năm gần đây, đã có gần 370.000ha đất
nông nghiệp bị thu hồi. Việc mất đất khiến nông dân không có công ăn việc làm, bị
bần cùng hóa, tạo ra xung đột xã hội nghiêm trọng; đồng thời, tạo ra sự dịch
chuyển mang tính tự phát của lực lượng lao động từ nông thôn đến các thành thị
lớn, không ít làng, xã Việt Nam hiện nay chỉ còn có người già và trẻ em.


Chất lượng thấp của nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn cũng trở thành lực cản
lớn cho quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông thôn. Yếu tố này được thể
hiện qua trình độ thấp của người dân nông thôn. Đến năm 2002, tỷ lệ không biết
chữ ở khu vực nông thôn là 4,79%, tốt nghiệp trung học phổ thông cơ sở là 34,59%
và tốt nghiệp trung học phổ thông là 11,18%[3], là thấp so với bình quân của cả
nước. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động ở nông thôn ở mức
rất hạn chế. Về cơ bản lao động nông thôn chưa được qua đào tạo.
Một vấn đề nữa là khoảng cách giàu nghèo gia tăng mạnh. Năm 2011, thu nhập của
hộ nông dân đã tăng 2,5 lần so với năm 2006, bình quân một hộ nông thôn đạt 16,8
triệu đồng/năm, tăng 2,5 lần[4]. Song xu hướng phân hóa giàu nghèo gia tăng trong
nội bộ khu vực nông thôn, đặc biệt là giữa nông thôn với đô thị ngày càng cao.

Nhiều chuyên gia còn đưa ra con số về chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn –
thành thị lên tới trên 6,9 lần (2004) chứ không phải con số 3,5 lần như vẫn nhắc
đến[5].
Ngoài những vấn đề trên, còn một loạt các vấn đề xã hội nảy sinh, như tình trạng
gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường đến mức báo động với sự xuất hiện nhiều
làng ung thư, dòng sông “chết”; hay sự suy thoái các giá trị văn hóa, sự gia tăng
của tệ nạn xã hội trong nông thôn;…
Nhằm giải quyết thực trạng trên, trong những năm gần đây đã có nhiều cuộc Hội
thảo khoa học về vấn đề nông nghiệp – nông dân – nông thôn được tổ chức. Trong
đó, cả giới khoa học và các nhà hoạch định chính sách đều thống nhất, cần tập
trung thực hiện các giải pháp nhằm: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; nâng
cao chất lược nguồn nhân lực; đảm bảo an sinh xã hội và đẩy mạnh xây dựng cơ sở
hạ tầng nông thôn. Các nhóm giải pháp sau đó được Chính phủ cụ thể hóa bằng
Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 về chương trình mục tiêu quốc gia về
xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Nội dung chương trình gồm:


1.

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới với các nội dung: Quy hoạch sử dụng
đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế –
xã hội – môi trường; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư
hiện có trên địa bàn xã.

2.

Phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội: tập trung đầu tư xây dựng điện, đường,
trường, trạm ở nông thôn.


3.

Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, gồm: Chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất
hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao; Tăng cường công tác khuyến nông; đẩy nhanh
nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông – lâm – ngư
nghiệp; Cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất
nông, lâm, ngư nghiệp; Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống theo
phương châm “mỗi làng một sản phẩm”, phát triển ngành nghề theo thế mạnh
của địa phương; Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy đưa
công nghiệp vào nông thôn, giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao
động nông thôn.

4.

Giảm nghèo và an sinh xã hội.

5.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông
thôn: Phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã; Phát triển doanh nghiệp vừa và
nhỏ ở nông thôn; Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các
loại hình kinh tế ở nông thôn.

6.

Phát triển giáo dục – đào tạo ở nông thôn

7.


Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn

8.

Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn.

9.

Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn


10.

Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị – xã hội
trên địa bàn.

11.

Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn

Qua những nội dung trên có thể thấy, đây là chương trình tổng thể về phát triển
kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, được thực hiện từ năm 2009 kèm
theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc đang
nảy sinh trong nông thôn Việt Nam hiện nay. Sau ba năm (2009-2011) thực hiện thí
điểm ở 11 xã trên cả nước, chương trình này đã đạt được một số kết quả mà đáng
chú ý nhất là: “so với năm 2008, thu nhập của người dân ở các xã điểm năm 2011
đã tăng bình quân hơn 62%”[6]. “đã hình thành được các vùng sản xuất hàng
hóa, thu nhập của người dân các xã thí điểm tăng hơn 62%, cơ sở hạ tầng các xã
được cải tạo, nâng cấp khá đồng bộ đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn tác
động trực tiếp đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thúc đẩy

hoạt động văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội từng bước được hoàn thiện; bản
sắc văn hóa được gìn giữ, trình độ dân trí và chất lượng hệ thống cơ sở được nâng
cao”[7].
2.

Ý kiến nhận định về xây dựng nông thôn mới

Tuy nhiên, thực tế, quá trình xây dựng mô hình nông thôn mới đã nảy sinh một số
vấn đề, nổi bật là vấn đề ô nhiễm môi trường khu dân cư quanh các cụm công
nghiệp làng nghề; thiếu việc làm, dư thừa lao động trong nông thôn; kết cấu hạ
tầng còn yếu kém; sản xuất nông, lâm, thuỷ sản phát triển thiếu bền vững; đầu ra
cho sản phẩm nông nghiệp bấp bênh; sản xuất phi nông nghiệp phát triển….
Nguyên nhân chính của thực trạng trên là do không có sự chuyển biến về phương
thức sản xuất trong nông thôn. Mặc dù kinh tế phát triển, thu nhập tăng song nền
kinh tế nông thôn vẫn là kinh tế tiểu nông.


Đó là do quan điểm, tập trung phát triển kinh tế nông thôn nhằm tăng thu nhập
bình quân, mà không phải thúc đẩy chuyển biến phương thức sản xuất trong nông
thôn. Từ quan điểm này, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương
“thúc ép” quá trình chuyển đổi nền kinh tế nông thôn từ manh múm, nhỏ lẽ sang
kinh tế hàng hóa chủ yếu bằng ngoại lực, tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng dụng
khu công nghiệp, cụm công nghiệp, sân golf,… Nhưng do thiếu nội lực nên các
khu công nghiệp, cụm công nghiệp không phát huy được hiệu quả. Từ ngày 30-52012, báo Người Lao động đăng loạt bài phóng sự nhan đề “Chết dở vì khu công
nghiệp”, đã cho thấy vấn đề này đã ở mức báo động. Theo báo này, cả nước hiện
nay có hơn 267 khu công nghiệp, chiếm 72.000ha đất (chủ yếu là đất nông nghiệp).
Song rất nhiều khu công nghiệp bị đình trệ hoặc hoạt động cầm trừng. Còn hậu quả
nhãn tiền của việc xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được báo này đánh
giá qua trường hợp các khu công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long “những
năm qua, các tỉnh ĐBSCL đã tập trung phát triển nhiều KCN, lấy đi diện tích rất

lớn đất sản xuất nông nghiệp. Bị thu hồi đất, nhiều hộ nông dân tuy được đền bù
nhưng cuộc sống bấp bênh vì thất nghiệp. Trong khi đó, các KCN “trùm mền” lâu
năm, vừa không tạo được việc làm cho cư dân địa phương vừa gây ô nhiễm môi
trường”. “ĐBSCL đang lãng phí diện tích đất rất lớn trong các KCN, cụm công
nghiệp với diện tích lên đến hơn 17.600 ha (hơn 92% diện tích quy hoạch)”.
“Nhiều vùng đất nông nghiệp trù phú đang dần được thay thế bằng những KCN bỏ
hoang”.
Ở đây, có thể thấy các nhà hoạch định chính sách đã “ép” quá trình chuyển hóa nên
kinh tế tiểu nông trong nông thôn sang nền kinh tế sản xuất khi chưa chuẩn bị đầy
đủ các yếu tố nội sinh. Có thể thấy, đến nay, trong nông thôn Việt Nam, trình độ
của lực lượng sản xuất rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế sản
xuất hàng hóa; đồng thời, trong lực lượng sản xuất chưa xuất hiện sự phân hóa theo
hướng chuyên môn hóa. Trong kinh tế, các yêu tố của sản xuất hàng hóa xuất, như


tích tụ tư liệu sản xuất (đặc biệt là ruộng đất) và tích lúy vốn chưa hình thành về
căn bản. Do đó, việc xây dựng các khu công nghiệp ở nông thôn, nhưng không
xuất phát từ yêu cầu thực tế ở nông thôn đã phá bỏ quy luật vận động của sự phát
triển. Mà bài học lịch sử được nhìn thấy trong sự hình thành, phát triển rầm rộ rồi
nhanh chóng lụi tàn của các cảng thị, thương điếm ở Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII.
Thêm một quan điểm nữa là nhìn nhận nông dân nặng về khía cạnh lực lượng sản
xuất (nguồn nhân lực) hơn là chủ thể của nông thôn và là đối tượng phục vụ trong
nông thôn. Trong Chương trình mục tiêu quốc về xây dựng nông thôn mới, có
nhiều nội dung liên quan đến vấn đề nông dân, bao gồm cả nâng cao trình độ, đảm
bảo an sinh xã hội,…. Song trong thực hiện chương trình, quan điểm nhìn nhận
nông dân là lực lượng sản xuất trong nông thôn lại bao trùm. Vì vậy, cùng với việc
dựa vào yếu tố ngoại sinh để tăng thu nhập, nâng cao đời sống văn hóa, người ta
thường chú trọng vào công tác đào tạo nghề, mà ít tập trung đào tạo công nhân
nông nghiệp. Điều này có thể nhận thấy trong 2 chiều hướng đào tạo nghề ở các
địa phương. Một là, đào tạo nghề theo xu hướng phục vụ các nghề truyền thống ở

địa phương. Hai là, đào tạo ngành nghề cho các cụm, khu công nghiệp. Chủ yếu
nhằm mục tiêu đưa nông dân tham gia vào sản xuất phi nông nghiệp. Nên trên thực
tế, trình độ của lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp không được nâng
lên.
Cũng từ quan điểm chưa coi nông dân là chủ thể của nông thôn, nên trong hoạch
định chính sách, cũng như trong thực tiến đã coi nhẹ việc thúc đẩy nông dân làm
chủ quá trình sản xuất ở nông thôn; cũng như chưa đảm bảo quyền lợi được hưởng
các giá trị thặng dư do quá trình sản xuất đó mang lại cho nông dân. Lấy các nhà
máy chế biến nông sản trong các khu công nghiệp ở nông thôn làm ví dụ. Nhà máy
này hoạt động nhờ vào sản phẩm trong quá trình sản xuất của người nông dân.


Nhưng giá trị thặng dư do hoạt động sản xuất của nhà máy này tạo ra lại không
được phân phối cho người nông dân. Ngược lại, để bán sản phẩm nông nghiệp,
người nông dân phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhà máy.
Từ những vấn đề đặt ra trên đây, có thể đi đến kết luận, để nông dân trở thành chủ
thể thực sự của nông thôn cần phải có những chính sách thúc đẩy hỗ trợ nông dân
tính lũy tư liệu sản xuất, vốn và nâng cao trình độ lực lượng sản xuất nông nghiệp.
Từ đó tạo ra nội lực làm chuyển hóa phương thức sản xuất trong nông thôn.
III. MỘT VÀI QUAN ĐIỂM VỀ KẾ THỪA GIÁ TRỊ LÀNG VIỆT TRUYỀN
THỐNG
Nhìn chung, chương trình xây dựng nông thôn mới, trong thực tiễn, bên cạnh
những kết quả khả quan, đang bộc lộ ra rất nhiều sự bất cập cả về lý thuyết và thực
hành. Nhiều vấn đề, nhiều mối quan hệ đã bộc lộ những mâu thuẫn, thậm chí là
xung đột. Bài toán giữa tăng trưởng với bền vững, đô thị hóa với bảo tồn các giá trị
văn hóa làng cổ truyền, quản lý tập trung với dân chủ làng xã, quyền lực nhà nước
với quan hệ họ tộc, giàu với nghèo, nông dân với quan chức làng – xã và trên làng
xã,… trở nên vô cùng quan trọng. Tất cả những bất cập trong quá trình đô thị hóa,
xây dựng nông thôn mới không những làm biến dạng bộ mặt nông thôn, văn hóa
làng xã mà còn dẫn đến những bất đồng, mâu thuẫn trong nông thôn, làm ảnh

hưởng đến sự ổn định và phát triển bình thường của các làng – xã.
Phát triển nông thôn theo hướng văn minh hiện đại nhưng bền vững và bảo tồn
được các giá trị căn cốt của văn hóa làng, của nông dân là sự lựa chọn khách quan,
cần thiết. Để hạn chế và khắc phục được những sai lầm, bất cập… còn tồn tại trong
thời gian vừa qua, thiết nghĩ cần tôn trọng và phát huy cao hơn nữa, nhiều hơn nữa
quyền làm chủ và trí tuệ, kinh nghiệm của người dân; Huy động sức dân nhưng


phải biết khoan sức dân, bồi bổ sức dân; Thực hành mọi việc minh bạch, công
khai, phát huy dân chủ làng xã như vốn có; Đề cao và tôn trọng, biết nâng niu và
bảo vệ các giá trị truyền thống của văn hóa làng xã;…
1.

Phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hiện đại.

Thực tiễn lịch sử phát triển kinh tế làng xã Việt truyền thống cho thấy, mặc dù phát
triển chậm, tự túc và khép kín nhưng vấn đề an ninh lương thực và an ninh an sinh
xã hội trong làng xã luôn được bảo đảm. Đó là do ý thức luôn coi trọng sản xuất
nông nghiệp, mà ở trình độ còn thấp của lực lượng sản xuất lúc bấy giờ, là tập
trung vào sản xuất lương thực. Đồng thời, trong quản lý sản phẩm của quá trình
sản xuất, làng xã cũng giữ được vị trí độc lập tương đối so với Nhà nước.
Vì vậy, với điều kiện như Việt Nam hiện nay, việc coi trọng và phát triển một nền
sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở nông thôn vẫn là vấn đề mấu chốt trong phát triển
kinh tế – xã hội. Sự phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại có
sự liên kết chặt chẽ giữa các thành phần kinh tế, cơ cấu kinh tế, tạo thành một vòng
kinh tế khép kín trong nông thôn, từ nguồn vốn, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp
chế biến nông sản, tìm đầu ra cho sản phẩm,… là đòi hỏi tất yếu của quá trình phát
triển nông thôn hiện nay.
2.


Xóa bỏ hoàn toàn chế độ “công điền, công thổ”.

Để đi lên sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp, việc xóa bỏ sự manh múm trong sở
hữu ruộng đất là cần thiết. Thực tiễn lịch sử cho thấy, sự kéo dài dai dẳng của chế
độ “công điền, công thổ” đã kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp; đồng thời,
kìm hãm quá trình phân hóa giai cấp nông dân Việt Nam.


Đồng thời, chế độ “công điền, công thổ” cũng tạo ra hình thái bình quân chủ nghĩa.
Mà nhiều học giả từng nhận định, mô hình sản xuất của làng xã Việt Nam có nét
tương đồng với mô hình xã hội chủ nghĩa mà Liên Xô đã áp dụng trước đây.
Ở Việt Nam, nhà nước xác định ruộng đất là sở hữu toàn dân, nhà nước là người
đại diện nhân dân quản lý. Song về bản chất, đây vẫn là một hình thái của chế độ
“công điền, công thổ”. Và hệ quả tất yếu, sau nhiều năm áp dụng, chủ trương trên
chưa đưa đến sự tích tụ tư liệu sản xuất cần thiết (trong đó chủ yếu là ruộng đất)
cho quá trình đi lên sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
3.

Thiết lập chế độ tự quản ở nông thôn có sự quản lý và điều chỉnh của luật

pháp Nhà nước.
Thiết chế tự trị, tự quản của làng xã Việt truyền thống, trải qua quá trình lịch sử, do
thiếu sự quản lý và điều chỉnh của luật pháp nhà nước đã tạo ra một số mặt tiêu
cực. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, thiết chế tự trị, tự quản của làng xã Việt
truyền thống, đã giúp cho bộ máy quản lý của nhà nước gọn, nhẹ và hoạt động có
hiệu quả. Đó là do thiết chế quản lý của làng xã Việt truyền thống được thiết lập
dựa trên nguyên tắc dân chủ. Các cơ cấu quyền lực quan trọng của bộ máy quản lý
làng xã đều do dân bầu trên cơ sở uy tín của các cá nhân, hay dòng họ trong làng
xã. Vì vậy, trong giải quyết các mối quan hệ xã hội của làng xã đã tạo được sự tin
tưởng, chấp hành của cả cộng đồng làng.

Ngoài ra, với việc duy trì thiết chế tự trị, tự quản của làng xã Việt truyền thống, các
nhà nước trong lịch sử Việt Nam đã giảm bớt được rất nhiều cấp điều hành. Nhà
nước thông qua bộ máy quản lý làng xã đã trực tiếp tương tác với dân. Và bộ máy
hành chính các cấp địa phương chỉ mang tính chất trung gian, giám sát.


Đây là những yếu tố tích cực cần được nghiên cứu kế thừa trong công cuộc cải
cách hành chính và xây dựng nông thôn mới hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1.

Nông thôn Việt Nam trong lịch sử (1977), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

2.

Phan Đại Doãn (2004), Mấy vấn đề về văn hóa làng xã Việt Nam trong lịch
sử; Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3.

Phan Đại Doãn (1987), Tái sản xuất tiểu nông và làng Việt cổ truyền; Tạp
chí Nghiên cứu Kinh tế, số 4.

4.

Bùi Xuân Đính (1985), Lệ làng phép nước, Nxb. Pháp lý, Hà Nội.

5.

Đinh Xuân Lâm (1987), Nông thôn Việt Nam trong thời kỳ cận đại, Tạp chí

Nghiên cứu Lịch sử, số 232-233.

6.

Phan Đại Doãn (1992), Làng Việt Nam một số vấn đề kinh tế xã hội, Nxb
KHXH

7.

Phan Sĩ Mẫn, Một số đặc điểm của nền kinh tế xã hội nông nghiệp truyền
thống ở Việt Nam.

8.

Bùi Xuân Đính (1985), Lệ làng phép nước, Nxb. Pháp lý, Hà Nội.

9.

Lê Hồng Thái, Nguyễn Văn Đoàn, Chính sách phát triển nông nghiệp, nông
thôn Việt Nam hiện nay

10.

Bùi Quang Bình, Sử dụng nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam, thực trạng
và giải pháp

11.

Một


số

vấn

đề

nông

thôn

Việt

Nam

hiện

nay,

/>0.


12.

Http://Nongthonmoi.Gov.Vn/01/232/Tong-Ket-Chuong-Trinh-Xay-DungThi-Diem-Mo-Hinh-Nong-Thon-Moi-Giai-Doan-2009—2011.Htm

13.

13. Tổng kết chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn, Tạp chí
Cộng sản online


14.

Chí Kiên, Kết cấu hà tầng nông thôn Việt Nam: còn khoảng cách lớn giữa
các vùng, miền, />
15.

Trần Thị Nguyện, Lao động nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay –
thực trạng và giải pháp.

16.

PGS.TS. Vũ Trọng Khải, Thực trạng chính sách phát triển nông thôn hiện
nay, Tạp chí Phát triển Kinh tế số 220 (2-2009).

[1] Bùi Quang Bình, Sử dụng nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam, thực trạng và
giải pháp
[2] Bùi Quang Bình, Sử dụng nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam, thực trạng và
giải pháp.
[3] Bùi Quang Bình, Sử dụng nguồn nhân lực nông thôn Việt Nam, thực trạng và
giải pháp.
[4] Một số vấn đề nông thôn Việt Nam hiện nay,
/>[5] Một số vấn đề nông thôn Việt Nam hiện nay,
/>[6] Hội nghị tổng kết Chương trình Xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới giai
đoạn 2009 – 2011 tổ chức ngày 31-12012, />[7] Tổng kết chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn, Tạp chí Cộng sản
online



×