Luan van ThS. Nguyen Vu Que Linh.pdf
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN VŨ QUẾ LINH
HOÀN THIỆN BÁO CÁO TÀI CHÍNH
VỚI MỤC TIÊU MINH BẠCH THÔNG TIN KẾ
TOÁN TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP
Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ
TP. HỒ CHÍ MINH – 2016
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TP. HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN VŨ QUẾ LINH
HOÀN THIỆN BÁO CÁO TÀI CHÍNH
VỚI MỤC TIÊU MINH BẠCH THÔNG TIN KẾ
TOÁN TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP
Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Chuyên ngành: Kế toán
Mã số: 60340301
LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. MAI THỊ HOÀNG MINH
TP. Hồ Chí Minh – 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tác giả cam đoan số liệu trong luận văn là những kết quả khảo sát xác thực,
các tài liệu sử dụng được trích dẫn rõ ràng, có nguồn gốc đáng tin cậy và đề tài
"Hoàn thiện báo cáo tài chính với mục tiêu minh bạch thông tin kế toán tại các
trường Đại học công lập ở thành phố Hồ Chí Minh" là kết quả do chính tác giả
nghiên cứu và thực hiện.
Tác giả thực hiện
Nguyễn Vũ Quế Linh
MỤC LỤC
TRANG PHỤ BÌA
LỜI CAM ĐOAN
MỤC LỤC
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
DANH MỤC CÁC BẢNG
PHẦN MỞ ĐẦU…………………………………………………………………..1
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ THÔNG TIN KẾ TOÁN, BCTC KHU
VỰC CÔNG VÀ VẤN ĐỀ MINH BẠCH THÔNG TIN KẾ TOÁN KHU VỰC
CÔNG .................................................................................................................... 15
1.1 Tổng quan về thông tin kế toán...................................................................... 15
1.2 Tổng quan về báo cáo tài chính khu vực công............................................... 15
1.3 Những vấn đề chung về báo cáo tài chính công ............................................ 19
1.4 Các yêu cầu về minh bạch thông tin kế toán tại các trường Đại học ............. 31
1.5 Tình hình minh bạch thông tin BCTC khu vực công tại các quốc gia trên thế
giới và bài học kinh nghiệm ................................................................................... 40
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1....................................................................................... 43
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG MINH BẠCH THÔNG TIN BCTC TẠI CÁC
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP Ở TPHCM HIỆN NAY ............................ 44
2.1 Khảo sát thực tế về minh bạch thông tin BCTC tại các trường Đại học công lập
ở TP HCM .............................................................................................................. 44
2.2 Đánh giá tình hình minh bạch thông tin BCTC tại các trường Đại học công lập
ở TP Hồ Chí Minh .................................................................................................. 59
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2....................................................................................... 64
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN BCTC VỚI MỤC TIÊU MINH
BẠCH THÔNG TIN KẾ TOÁN TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP
Ở TPHCM ............................................................................................................. 65
3.1 Quan điểm về vấn đề minh bạch thông tin BCTC ......................................... 66
3.2 Một số đề xuất, kiến nghị ............................................................................... 67
3.2.1 Đề xuất đối với Chính phủ và Bộ Tài chính ........................................... 68
3.3.2 Đề xuất đối với các trường Đại học công lập tại TP Hồ Chí Minh ........ 70
3.3 Hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo ........................................ 71
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3 …………………………………………………….......72
KẾT LUẬN CHUNG CỦA LUẬN VĂN…………………………………… …73
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
Ký hiệu, chữ viết tắt
Ý nghĩa
BCTC
Báo cáo tài chính
CBVC
Cán bộ, viên chức
CCVC
Công chức, viên chức
CMKT
Chuẩn mực kế toán
ĐH
Đại học
HCSN
Hành chính sự nghiệp
FASB
Ban Chuẩn mực kế toán tài chính (Financial
Accounting Standards Board)
GAAP
Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung
(Generally Accepted Accounting Principles)
IBP
Tổ chức ngân sách quốc tế (Iternational Budget
Partnership)
IFAC
Liên đoàn kế toán quốc tế (International Federation
of Accountants Institutions)
IMF
Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund)
IPSASB
Ban chuẩn mực kế toán công quốc tế (International
Public Sector Accounting Standards Board)
IPSASs
Bộ chuẩn mực kế toán công quốc tế (International
Public Sector Accounting Standards)
NLĐ
Người lao động
NSNN
Ngân sách Nhà nước
OBI
Chỉ số minh bạch ngân sách (Open Budget Index)
TPHCM
Thành phố Hồ Chí Minh
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 1.1 Bảng so sánh BCTC cho mục đích chung và BCTC cho mục đích đặc
biệt
Bảng 1.2 Bảng so sánh sự khác biệt giữa BCTC khu vực công theo quy định
của Việt Nam và CMKT công quốc tế
Bảng 2.1 Bảng kết quả thống kê ý kiến trả lời của 109 phiếu khảo sát
Bảng 2.2 Bảng kết quả khảo sát đối tượng sử dụng BCTC
Bảng 2.3 Bảng kết quả khảo sát về mục tiêu và nhu cầu thông tin của đối
tượng sử dụng BCTC
Bảng 2.4 Bảng kết quả khảo sát về quy định hiện hành về minh bạch BCTC
Bảng 2.5 Bảng kết quả khảo sát về hình thức BCTC
Bảng 2.6 Bảng kết quả khảo đặc tính chất lượng thông tin BCTC
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ngày càng có nhiều bằng chứng về lợi ích của việc minh bạch tài chính.
Nghiên cứu của World Bank về “Thúc đẩy nền kinh tế thị trường: Vai trò của thông
tin và minh bạch” năm 2012 cho thấy minh bạch thông tin làm giảm thiểu sự bất ổn
thị trường do tính chủ quan của các nhà hoạch định chính sách gây ra. Đồng thời,
minh bạch và trách nhiệm giải trình góp phần giảm thiểu bất ổn kinh tế vĩ mô, giúp
thị trường tài chính hoạt động hiệu quả hơn.
Báo cáo tài chính là một phương thức để các cá nhân, tổ chức bên ngoài có thể
tiếp cận và nắm bắt tình hình tài chính của một đơn vị. Do đó, báo cáo tài chính có ý
nghĩa quan trọng đối với người sử dụng thông tin để ra quyết định. Nhận thấy được
tầm quan trọng của minh bạch thông tin nên đòi hỏi vấn đề này phải được tuân thủ,
đặc biệt đối với các đơn vị công lập nhằm giám sát, quản lý tài chính, nguồn ngân
sách quốc gia một cách chặt chẽ.
Tuy nhiên thực trạng việc minh bạch thông tin kế toán đối với các đơn vị công
lập nói chung và các trường Đại học nói riêng vẫn còn những tồn tại nhất định. Việt
Nam vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào quy định đầy đủ về vấn đề minh bạch
thông tin trên báo cáo tài chính đối với khu vực công, cụ thể các trường Đại học
công lập là đơn vị sự nghiệp có nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu từ Ngân sách
Nhà nước cấp. Việc thiếu minh bạch thông tin trên báo cáo tài chính làm cho các cá
nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với báo cáo tài chính của các trường
công lập. Từ đó rất khó xem xét đánh giá việc sử dụng ngồn vốn ngân sách của các
đơn vị này.
Vấn đề phát sinh này một phần là do cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước,
nhưng sâu xa hơn là sự quan ngại khi công bố thông tin rộng rãi làm ảnh hưởng đến
vị thế cũng như lợi ích riêng của đơn vị. Do đó việc xem xét hoàn thiện báo cáo tài
chính với mục tiêu minh bạch thông tin kế toán tại các trường Đại học công lập ở
thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa thiết yếu. Chính vì tầm quan trọng của
2
vấn đề này nên tôi chọn nội dung: "Hoàn thiện báo cáo tài chính với mục tiêu
minh bạch thông tin kế toán tại các trường Đại học công lập ở thành phố Hồ
Chí Minh" làm đề tài nghiên cứu.
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1 Mục tiêu chung
Hoàn thiện báo cáo tài chính với mục tiêu minh bạch thông tin kế toán tại các
trường Đại học công lập ở TPHCM sao cho đáp ứng nhu cầu của các đối tượng sử
dụng thông tin khác, bên cạnh các cá nhân, đơn vị có quyền lực. Từ đó các đối
tượng sử dụng thông tin có thể đánh giá tình hình sử dụng Ngân sách Nhà nước của
các đơn vị cũng như thực hiện được các mục đích sử dụng khác.
2.2 Mục tiêu cụ thể
Để đạt được mục tiêu chung, đề tài thực hiện các mục tiêu cụ thể như sau:
- Bên cạnh các cá nhân, đơn vị có quyền lực yêu cầu đơn vị cung cấp BCTC
như: lãnh đạo đơn vị, cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính, … những đối tượng nào
khác có nhu cầu sử dụng BCTC và những thông tin họ quan tâm.
- Khảo sát thực trạng minh bạch BCTC của các trường Đại học công lập ở
TPHCM.
- Đưa ra một số giải pháp và kiến nghị hoàn thiện BCTC với mục tiêu minh
bạch hóa thông tin kế toán tại các trường Đại học công lập ở TPHCM.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là tính minh bạch của thông tin BCTC
của các trường Đại học công lập ở TPHCM nhằm nghiên cứu thực trạng và kiến
nghị giải pháp.
Đối tượng tham gia khảo sát thực trạng là: Kế toán trưởng và kế toán viên
phòng Kế hoạch Tài chính; Cán bộ viên chức, người lao động, giảng viên đang làm
3
việc tại các trường Đại học công lập tại TPHCM và có kiến thức kinh tế tài chính
nhất định.
3.2 Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi không gian: Tiến hành khảo sát tại một số trường Đại học công lập ở
TPHCM.
Phạm vi thời gian: Kết quả khảo sát và phân tích được thực hiện từ tháng
8/2016 đến tháng 10/2016.
Thời gian nghiên cứu: Đề tài được thực hiện từ tháng 5/2016 đến tháng
10/2016.
Phạm vi học thuật và chuyên môn: Đề tài thực hiện điều tra ở một số trường
Đại học công lập ở TPHCM mà không khảo sát tất cả các trường Đại học công lập ở
Việt Nam. Bên cạnh đó, đề tài nghiên cứu về tính minh bạch của thông tin BCTC.
Do đó đề tài không phân tích chi tiết nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại các đơn vị cũng
như không đi sâu vào cách xử lý số liệu để lập BCTC nhằm hạn chế sai sót trên
BCTC.
4. Câu hỏi nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, đề tài giải quyết 3 vấn đề chính có mối quan
hệ mật thiết với nhau:
(1) Bên cạnh các cá nhân, đơn vị có quyền lực yêu cầu đơn vị cung cấp BCTC
như: lãnh đạo đơn vị, cơ quan chủ quản, Bộ Tài chính, … những đối tượng nào
khác có nhu cầu sử dụng BCTC? Họ quan tâm những thông tin gì?
(2) Thực trạng minh bạch thông tin BCTC của các trường Đại học công lập ở
TPHCM hiện nay như thế nào?
(3) Biện pháp nào giúp hoàn thiện BCTC với mục tiêu minh bạch thông tin kế
toán của các trường Đại học công lập ở TPHCM?
4
5. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp điều tra kết hợp với phân tích và đánh giá. Cụ thể:
5.1 Phương pháp so sánh, đánh giá
Phương pháp này nhằm nhấn mạnh điểm khác biệt giữa quy định về BCTC
công Việt Nam so với quy định của Chuẩn mực kế toán công quốc tế. Từ đó kiến
nghị những giải pháp hoàn thiện BCTC sao cho phù hợp, hài hòa với CMKT công
quốc tế và tình hình thực tế tại các trường Đại học công lập ở TPHCM.
5.2 Phương pháp điều tra
Trong phạm vi đề tài, phương pháp này dùng để khảo sát đối tượng sử dụng
BCTC và nhu cầu thông tin của họ. Ngoài ra, khảo sát cũng nhằm điều tra về thực
trạng minh bạch BCTC đối với các trường Đại học công lập ở TPHCM hiện nay.
Mẫu được chọn theo phương pháp thuận tiện dựa trên tính dễ tiếp cận của đối
tượng. Tổng thể bao gồm kế toán trưởng và kế toán viên phòng Kế hoạch Tài chính;
cán bộ viên chức, người lao động, giảng viên đang làm việc tại các trường Đại học
công lập tại TPHCM và có kiến thức kinh tế tài chính nhất định.
5.3 Phân tích, xử lý dữ liệu bằng phương pháp thống kê, mô tả
Trong đề tài này, dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua bảng câu hỏi khảo
sát, tiến hành xử lý bằng phần mềm Excel. Phương pháp này nhằm tổng hợp và biểu
diễn các số liệu. Qua đó phân tích, mô tả thực trạng minh bạch BCTC của các
trường Đại học công lập tại TPHCM hiện nay, từ đó đánh giá và kiến nghị giải
pháp.
6. Đóng góp của luận văn
6.1 Về mặt lý luận
Luận văn được xây dựng trên tiêu chí đánh giá tính minh bạch BCTC đối với
các trường Đại học công lập trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, luận văn đề xuất một
số giải pháp nhằm hoàn thiện BCTC với mục tiêu minh bạch hóa thông tin kế toán
theo định hướng của Chuẩn mực kế toán công quốc tế.
5
6.2 Về mặt thực tiễn
Tại Việt Nam, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, rào cản ảnh hưởng đến khả
năng tiếp cận, sử dụng BCTC của khu vực công. Điều này cho thấy BCTC vẫn chưa
thực hiện đúng vai trò cung cấp thông tin sẵn có cho người sử dụng. Đề tài đề cập
đến thực trạng minh bạch BCTC, từ đó kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện
BCTC với mục tiêu minh bạch thông tin kế toán của các trường Đại học công lập ở
TPHCM. Hơn thế, khi BCTC thỏa mãn yêu cầu công khai minh bạch sẽ thúc đẩy
người sử dụng thông tin đưa ra giám sát hiệu quả hơn vấn đề quản lý thu, chi ngân
sách tại đơn vị và thực hiện được những mục đích sử dụng khác, như: nghiên cứu,
tài trợ, …
7. Tổng quan về báo cáo tài chính khu vực công và vấn đề minh bạch thông tin
tài chính khu vực công
Báo cáo tài chính khu vực công là nguồn thông tin vô cùng quan trọng để phục
vụ cho việc tổng hợp và kiểm soát tình hình quản lý, sử dụng Ngân sách Nhà nước,
là căn cứ đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội đối với các loại dịch vụ công đã được
thực hiện và cung cấp. Do vậy, việc hoàn thiện và đổi mới BCTC cho khu vực
công luôn là vấn đề được nhiều đối tượng quan tâm nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác
nhau.
7.1 Tổng quan tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
Nghiên cứu của Cangiano (1992), về công cuộc cải cách khu vực công ở
New Zealand, trong đó có các doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, bài báo cũng
trình bày việc chuyển đổi từ cơ sở kế toán tiền mặt sang cơ sở dồn tích, thay đổi
trong cơ chế kiểm soát chi phí và những tác động của việc cải cách lên mô hình thu
nhập, chi tiêu của Chính phủ cùng những bài học kinh nghiệm. Nghiên cứu đã
chứng minh việc chuyển đổi từ cơ sở tiền mặt sang cơ sở dồn tích mang lại một
BCTC phản ánh minh bạch hơn về chi tiêu của Chính phủ. Nghiên cứu cũng cho
thấy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trở thành một hướng đi trong hoạt động
của Chính phủ New Zealand. Minh chứng cho điều này chính là những điều luật,
6
yêu cầu công bố và thực hành kế toán đối với các doanh nghiệp Nhà nước và sau đó
là toàn bộ Chính phủ gần với các quy định hiện hành của khu vực tư. Tuy nhiên,
nghiên cứu chưa đề xuất các phương pháp nhằm đo lường sự minh bạch của thông
tin trên BCTC và hiệu quả chuyển đổi chính sách kế toán đối với khu vực công.
Chan J.L (2005) đã có cuộc khảo sát cải cách kế toán khu vực công của
Chính phủ các nước đang phát triển, đồng thời phân tích kế toán trên cơ sở dồn tích
tuân thủ theo IPSASs rất có ích cho quốc gia đang phát triển về mặt phát triển xã
hội và lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, tác giả đưa ra các “rào cản” để các nước đang phát
triển hạn chế phát triển hệ thống kế toán khu vực công trên cơ sở dồn tích như hệ
thống chính trị thiếu sự dân chủ, ý chí đổi mới không cao của nhà cầm quyền và sự
thiếu khả năng của các nước đang phát triển bao gồm cả khả năng về tài chính và
khả năng về mặt kỹ thuật. Tác giả cũng phân tích việc không sẵn lòng đổi mới hệ
thống kế toán nhằm cung cấp thông tin minh bạch của các nhà cầm quyền mà động
cơ chính là vấn nạn tham nhũng tại các nước đang phát triển, ngay cả những nước
đang có nền dân chủ cao và hệ thống kiểm soát nội bộ tốt. Bên cạnh đó, việc thiếu
nhân lực chất lượng cao và tốn kém nhiều chi phí tổ chức cho việc tổ chức kế toán
theo IPSAS làm kế toán khu vực công ở các nước này khó lòng phát triển. Nhưng
tác giả khẳng định việc tuân thủ IPSASs tạo ra nhiều giá trị về mặt xã hội và lợi ích
kinh tế cho các nước đang phát triển như tuân thủ IPSASs sẽ làm tăng trách nhiệm
giải trình của Chính phủ hạn chế thất thoát tài sản công, tăng sự dân chủ, hạn chế
tham nhũng đồng thời nhận được tài trợ của quốc tế trong việc xóa đói giảm nghèo
và phát triển đất nước. Vì vậy, tác giả ủng hộ các nước đang phát triển thực hiện kế
toán khu vực công tuân thủ chuẩn mực kế toán công quốc tế IPSASs đồng thời
khuyến nghị các tổ chức quốc tế, Liên hiệp quốc chỉ tài trợ cho các nước đang phát
triển đã tuân thủ IPSASs và không có tham nhũng.
Yasuhiro Yamada (2007), tác giả cho rằng mục tiêu BCTC sẽ quyết định nội
dung BCTC. Yasuhiro Yamada đã dựa trên cơ sở so sánh với mục tiêu BCTC khu
vực công của Nhật và Mỹ để phân tích và xác định rõ hơn mục tiêu BCTC khu vực
công của Nhật. BCTC khu vực công của Nhật và Mỹ đều đặt mục tiêu trách nhiệm
7
giải trình và cung cấp thông tin hữu ích cho việc ra quyết định. Tuy nhiên, với Mỹ,
đối tượng sử dụng thông tin BCTC khu vực công là công chúng rất được đề cao.
Đồng thời nhu cầu sử dụng thông tin BCTC khu vực công của công chúng Mỹ rất
cao nhằm phục vụ cho việc đánh giá trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính
quyền địa phương. Vì vậy, công chúng Mỹ là đối tượng quan trọng nhất trong việc
cung cấp thông tin BCTC khu vực công. Trong khi đó tại Nhật, người Nhật không
có nhu cầu đòi hỏi cao về trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Với họ việc nộp
thuế là nghĩa vụ, dù có sử dụng dịch vụ công hay không họ vẫn phải nộp thuế. Vì
vậy, nhu cầu sử dụng thông tin BCTC của công chúng cho việc đánh giá trách
nhiệm giải trình của Chính phủ không cao như ở Mỹ. BCTC khu vực công của Nhật
coi trọng việc cung cấp thông tin cho việc ra quyết định của các cán bộ, lãnh đạo và
các đối tượng có liên quan khác nhiều hơn là công chúng nên mục tiêu trách nhiệm
giải trình trong BCTC của Nhật còn mờ nhạt mặc dù tất cả lãnh đạo cũng như người
dân Nhật đều hiểu việc cung cấp thông tin giải trình trách nhiệm trên BCTC là vấn
đề quan trọng. Yasuhiro Yamada cho rằng tại Nhật Bản cần đưa mục cung cấp
thông tin đánh giá trách nhiệm giải trình là mục tiêu cơ bản của BCTC khu vực
công của Nhật Bản trong giai đoạn sau này và cần có các giải pháp pháp lý mạnh
mang tính bắt buộc để BCTC khu vực công của Nhật Bản cung cấp thông tin đánh
giá trách nhiệm giải trình.
Tài liệu nghiên cứu của Allison và các cộng sự (2009) được phát hành bởi
trung tâm thống kê giáo dục quốc gia của Mỹ. Trong tài liệu này, nhóm tác giả đã
đề cập đến vai trò của thông tin tài chính trong một trường học, nhìn nhận vai trò
của thông tin tài chính của một trường học đối với các tổ chức bên ngoài xã hội, nhà
đầu tư, Chính phủ. Tài liệu còn đề cập đến nội dung của BCTC đối với các tổ chức
Chính phủ đáp ứng yêu cầu của GAAP. Tuy nhiên, tài liệu này chỉ mới đề cập đến
vai trò của thông tin tài chính trong các trường Đại học mà chưa có một hướng dẫn
cụ thể về kế toán của các trường học và cũng chưa đề cập đến vấn đề minh bạch
thông tin trên BCTC.
8
Trong sách chuyên khảo sát của Beams và các cộng sự (2011), tác giả đưa ra
những hướng dẫn chung về BCTC của các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận trong đó
có các trường Cao đẳng và Đại học tư nhân, hướng dẫn các bút toán cơ bản áp dụng
cho các trường Cao đẳng và Đại học. Nhìn chung, BCTC đối với các đơn vị này
được thực hiện trên cơ sở dồn tích, tuân thủ hướng dẫn của FASB bao gồm các
hoạt động ghi nhận các khoản thu nhập và chi phí, báo cáo tình hình tài chính, báo
cáo lưu chuyển tiền tệ để tăng cường khả năng so sánh của BCTC. Tác giả chưa đề
cập đến các giải pháp để nâng cao tính minh bạch của BCTC đối với các đơn vị này.
Trong nghiên cứu của Meagan Jordan và cộng sự (2016) đã chỉ ra rằng có
khoảng cách giữa nhu cầu thông tin của công chúng và nội dung thông tin tài chính
mà Chính phủ công bố. Để thu hẹp khoảng cách này, công dân cần có những hiểu
biết nhất định về các thông tin tài chính và nhận thức được ý nghĩa của chúng.
Nghiên cứu thực hiện khảo sát nhóm cư dân của Norfolk , Virginia về những thông
tin tài chính từ Chính phủ mà họ muốn biết và cách thức để những thông tin đó hiệu
ích. Kết quả nghiên cứu cho thấy bên cạnh thông tin về ngân sách, công dân quan
tâm đến kết quả hoạt động, thống kê liên quan đến nhân khẩu, một số thông tin phí
tài chính và các thông tin đó phải được cung cấp kịp thời, chính xác và có liên quan
đến quyết định của người sử dụng.
7.2 Tổng quan tình hình nghiên cứu ở trong nước
Lê Thị Cẩm Hồng (2013) về xây dựng và hoàn thiện hệ thống BCTC áp dụng
cho đơn vị hành chính sự nghiệp ở Việt Nam theo định hướng Chuẩn mực kế toán
công quốc tế. Nghiên cứu tiến hành tìm hiểu hệ thống Chuẩn mực kế toán công
quốc tế, một số khái niệm khi áp dụng CMKT công đối với một số quốc gia trên thế
giới. Nghiên cứu cũng đề cập đến thực trạng BCTC của đơn vị hành chính sự
nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, tác giả đề xuất các giải pháp hoàn thiện
hệ thống BCTC của các đơn vị hành chính sự nghiệp gắn liền với CMKT công quốc
tế trên cơ sở dồn tích, định hướng xây dựng BCTC để cung cấp thông tin minh
bạch, đầy đủ, đáng tin cậy. Tác giả cũng đề xuất các ý kiến nhằm xây dựng và hoàn
9
thiện hệ thống BCTC tại các đơn vị hành chính sự nghiệp để hài hòa với IPSASs và
phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ tập trung vào
những sửa đổi, bổ sung để xây dựng và ban hành thành công CMKT công, hoàn
thiện hệ thống BCTC trong đơn vị hành chính sự nghiệp gắn với cơ sở dồn tích.
Những giải pháp hoàn thiện tập trung vào các phương pháp lập, xây dựng hệ thống
tài khoản, cơ sở xây dựng BCTC, danh mục báo cáo, điều kiện thực hiện và cách
trình bày thông tin trên BCTC. Nghiên cứu chưa đi sâu vào tìm hiểu các vấn đề liên
quan đến tính minh bạch thông tin trên BCTC cũng như các tiêu chí, đặc tính chất
lượng của BCTC.
Trần Hoàng Tâm (2013) về hoàn thiện hệ thống kế toán áp dụng cho các đơn
vị sự nghiệp có thu ở Việt Nam. Nghiên cứu đã khái quát cơ sở lý luận, quy định
trong lĩnh vực kế toán công Việt Nam nói chung và kế toán áp dụng cho các đơn vị
sự nghiệp có thu nói riêng. Từ đó có những nhận định làm tiền đề cho các đề xuất
thay đổi cần thiết đối với hệ thống pháp lý. Tác giả cũng đánh giá thực trạng áp
dụng kế toán tại các đơn vị sự nghiệp có thu ở Việt Nam. Từ đó tác giả đề ra các
biện pháp cụ thể để hoàn thiện hệ thống kế toán áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp
có thu ở Việt Nam. Nâng cao tính minh bạch thông tin nhằm phù hợp với yêu cầu
hội nhập quốc tế như một giải pháp để hoàn thiện hệ thống kế toán. Tác giả lý luận
vai trò và sự cần thiết phải minh bạch thông tin trên BCTC nhưng chưa đưa ra
những đề xuất cụ thể cho yêu cầu minh bạch thông tin trên BCTC.
Phạm Quang Huy (2013b) nghiên cứu hoàn thiện hệ thống kế toán thu chi
Ngân sách Nhà nước. Tác giả hệ thống hóa các nghiên cứu về kế toán công và kế
toán thu chi ngân sách trên thế giới, tổng quát cơ sở lý luận liên quan đến những nội
dung về khu vực công, tài chính công, kế toán thu chi ngân sách và việc quản lý
ngân sách trên thế giới cũng như tình hình quản lý ngân sách tại Việt Nam hiện nay.
Sau đó, tác giả phân tích để làm rõ thực trạng về kế toán thu chi ngân sách, hệ thống
tài chính công, các nội dung về kế toán thu chi ngân sách chứng minh Việt Nam cần
hoàn thiện hệ thống thu chi ngân sách qua khảo sát thực tế tại các đơn vị. Kết quả
khảo sát từ nghiên cứu cho thấy 95.48% người được khảo sát cho rằng thông tin cần
10
có sự minh bạch và thấy rằng Việt Nam nên học tập các quốc gia về việc minh bạch
số liệu để có những thay đổi trong hệ thống pháp lý trong thời gian tới. Nghiên cứu
đề xuất những giải pháp góp phần hoàn thiện kế toán thu, chi ngân sách ở Việt Nam
và đưa ra những giải pháp cơ bản nhằm công khai minh bạch thông tin ngân sách.
Theo đó, Việt Nam nên tiếp cận với các hệ thống đánh giá tính minh bạch theo hệ
số minh bạch ngân sách OBI (Open Budget Index) của Tổ chức ngân sách quốc tế
(IBP). Nhìn chung những giải pháp tác giả kiến nghị là những giải pháp lâu dài
nhằm hoàn thiện kế toán thu, chi Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên tính minh bạch
thông tin ngân sách được đề cập như một yêu cầu cấp thiết và là một giải pháp để
hoàn thiện kế toán thu, chi ngân sách. Minh bạch thông tin ngân sách không phải là
đối tượng nghiên cứu vì tác giả không nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao tính
minh bạch thông tin đối với một địa bàn hay một tổ chức công cụ thể.
Trần Minh Dạ Hạnh (2014), trong nghiên cứu “Nâng cao tính minh bạch
của thông tin trên báo cáo tài chính đối với các trường Đại học và Cao đẳng công
lập tại Việt Nam” đã chỉ ra thực trạng BCTC của các trường Đại học, Cao đẳng tại
Việt Nam chưa đạt được các tiêu chí chất lượng như hiện nay và khó khăn khi tiếp
xúc với BCTC. Đồng thời vấn đề công bố thông tin hạn chế cho thấy BCTC của các
đơn vị hiện nay không đạt được sự minh bạch cao. Vì vậy, tác giả đề xuất một số
kiến nghị quan trọng nhằm cải thiện thực trạng. Đối với Chính phủ, tác giả đề xuất
3 giải pháp, trong đó gồm: sửa đổi và hoàn thiện quy định Nhà nước về cơ chế quản
lý công, tự chủ tài chính, chế độ kế toán HCSN nhằm chuẩn bị cho lộ trình triển
khai áp dụng chuẩn mực kế toán công; tăng cường kiểm toán, thanh tra tình hình sử
dụng ngân sách của các đơn vị sử dụng NSNN; ban hành quy định về yêu cầu công
khai BCTC và xử phạt đối với các đơn vị không tuân thủ. Mặt khác, tác giả cũng đề
cập đến vấn đề Bộ Tài chính cần có những định hướng lâu dài đối với các văn bản
pháp lý và bổ sung thêm những quy định về chất lượng BCTC, các thông tin cần có
trên thuyết minh BCTC, cũng như nhìn lại, điều chỉnh những mâu thuẫn, chồng
chéo giữa các văn bản. Song song với đó, tác giả cũng kiến nghị những biện pháp
cho bản thân các trường Đại học, Cao đẳng công lập nhằm cải thiện tính minh bạch
11
và chất lượng BCTC, gồm: tăng cường tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ;
ban hành các quy trình nghiệp vụ đơn giản; thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ
kế toán viên; đẩy mạnh liên kết dữ liệu giữa các bộ phận trong đơn vị; hoàn thiện
quy chế chi tiêu nội bộ để phù hợp với quy định Nhà nước và tình hình thực tế của
đơn vị; thường xuyên công khai tình hình tài chính của đơn vị qua các tập san, báo
cáo tổng kết hoặc qua phương tiện thông tin đại chúng khác.
Nguyễn Thị Thu Hiền (2015) trong nghiên cứu “Hoàn thiện báo cáo tài chính
khu vực công Việt Nam”, kết quả nghiên cứu cho thấy khu vực công Việt Nam hiện
nay tồn tại song song quá nhiều chế độ kế toán, cùng là đơn vị công nhưng mỗi
ngành nghề, lĩnh vực đặc thù lại có chế độ kế toán riêng. Chính vì vậy, BCTC khu
vực công hiện nay cũng không thống nhất. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực đặc thù có số
lượng BCTC khác nhau, biểu mẫu khác nhau, nội dung khác nhau. BCTC khu vực
công hiện nay chủ yếu cung cấp thông tin phục vụ cho chính đơn vị công và các cơ
quan quản lý Nhà nước để kiểm soát tình hình thu, chi, sử dụng, quyết toán Ngân
sách Nhà nước. Vì vậy, mà BCTC đơn vị công nhiều báo cáo rườm rà, phức tạp.
BCTC khu vực công hiện nay chưa hướng đến người sử dụng là công chúng và
chưa cung cấp các thông tin giải trình của đơn vị. Nguyên nhân chủ yếu gây nên
hạn chế là do tồn tại song song cơ sở kế toán tiền và dồn tích cho đơn vị công và do
những quy định về quản lý Ngân sách Nhà nước chưa phù hợp làm cho chế độ kế
toán tồn tại nhiều bất hợp lý và báo cáo tài chính chưa cung cấp thông tin hữu ích.
Qua nghiên cứu IPSASs và chế độ kế toán Úc, Mỹ, Nam Phi tác giả nhận thấy dù
Úc và Nam Phi đều ban hành chuẩn mực kế toán riêng không sử dụng IPSASs
nhưng các quy định trên chuẩn mực về BCTC khá tương đồng với IPSASs. BCTC
gồm các biểu mẫu: Báo cáo tình hình tài chính, Báo cáo tình hình hoạt động, Báo
cáo lưu chuyển tiền tệ, Bảng thuyết minh BCTC. BCTC phải hướng đến mục đích
giải trình trách nhiệm và ra quyết định. BCTC nên được chia thành 2 loại là BCTC
cho mục đích chung và BCTC cho mục đích đặc biệt. BCTC cho mục đích chung là
chủ yếu cung cấp thông tin cho đối tượng không có quyền lực và thẩm quyền yêu
cầu đơn vị công cung cấp thông tin. BCTC cho mục đích đặc biệt là BCTC phục vụ
12
cho các đối tượng có thẩm quyền yêu cầu đơn vị công cung cấp thông tin phục vụ
cho yêu cầu quản lý, đánh giá trách nhiệm. Vì vậy BCTC khu vực công cho mục
đích chung cần công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Để BCTC
khu vực Việt Nam cung cấp thông tin hữu ích thì cần lập hội đồng biên soạn chế độ
kế toán khu vực công độc lập hơn với cơ quan sử dụng nguồn lực công; cải cách
luật Ngân sách Nhà nước xem các đơn vị công là đơn vị kinh tế độc lập có doanh
thu, chi phí, thặng dư…; tăng cường giám sát của Quốc hội về chế độ kế toán khu
vực công; nâng cao trình độ chuyên gia, chuyên viên kế toán khu vực công; tăng
cường vai trò công tác kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập, kiểm
toán Nhà nước. Nghiên cứu được tiến hành trên đối tượng là các đơn vị hành chính
sự nghiệp. Trên cơ sở kế thừa kết quả từ nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hiền, tác
giả có thể đi sâu hoàn thiện báo cáo tài chính của các trường Đại học công lập, là
đơn vị hành chính sự nghiệp.
Từ những phân tích trên, tác giả sẽ kết hợp nghiên cứu của Nguyễn Thị
Thu Hiền (2015) và của Trần Minh Dạ Hạnh (2014) để làm nền tảng khi nghiên
cứu các giải pháp nhằm hoàn thiện BCTC hướng đến mục tiêu minh bạch hóa thông
tin kế toán các trường Đại học công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
7.3 Đánh giá chung những nghiên cứu đã thực hiện
Nhìn lại các công trình nghiên cứu ngoài nước có liên quan đến đề tài mà tác
giả đã lựa chọn, tác giả nhận thấy một số công trình đi vào nghiên cứu BCTC của
các trường Đại học và Cao đẳng, vai trò của thông tin tài chính trong trường học và
hướng dẫn thực hiện các bút toán cơ bản trong các đơn vị này. Bên cạnh đó, một số
nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu, mục đích của người sử dụng BCTC công. Tuy nhiên,
những nghiên cứu này tập trung khai thác vấn đề hoàn thiện BCTC theo quy định
quốc tế mà chưa đưa ra các giải pháp cụ thể để đánh giá tính minh bạch của BCTC.
Bên cạnh đó, nghiên cứu chưa xây dựng tiêu chí cần thiết đối với tính minh bạch
của BCTC.
13
Tại Việt Nam, chưa có nhiều tác giả nghiên cứu chuyên sâu về BCTC của một
loại đơn vị đặc thù thuộc khu vực công Việt Nam, như trường Đại học công lập.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện
BCTC theo định hướng Chuẩn mực kế toán công quốc tế. Những giải pháp này phù
hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao tính
minh bạch BCTC đối với khu vực công được đề cập trong các nghiên cứu như một
giải pháp và kiến nghị. Vì vậy nó chưa được định nghĩa, khái quát, xây dựng tiêu
chí để đánh giá. Nói cách khác, minh bạch BCTC không phải là chủ đề của các
nghiên cứu này.
7.4 Khe hổng nghiên cứu và định hướng nghiên cứu của luận văn
Từ thực tiễn nghiên cứu, tác giả đánh giá nội dung hoàn thiện BCTC công
nhằm minh bạch hóa thông tin kế toán là chủ đề mang tính cấp thiết và cần được
nghiên cứu nhiều hơn.
Trên quan điểm kế thừa và tiếp tục phát triển những công trình nghiên cứu
trước, luận văn sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện BCTC với mục tiêu minh bạch
thông tin kế toán tại các trường Đại học công lập ở TPHCM.
8. Kết cấu luận văn
Luận văn bao gồm các phần sau:
Phần mở đầu: Nêu tính cấp thiết của đề tài, mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi
nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, các đóng góp của luận văn và tổng quan các
nghiên cứu có liên quan
Chương 1: Cơ sở lý thuyết về thông tin kế toán, BCTC khu vực công và vấn
đề minh bạch thông tin kế toán khu vực công
Chương 2: Thực trạng minh bạch thông tin BCTC tại các trường Đại học công
lập ở TPHCM hiện nay
Chương 3: Giải pháp hoàn thiện BCTC với mục tiêu minh bạch thông tin kế
toán tại các trường Đại học công lập ở TPHCM
14
Kết luận chung của luận văn
15
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ THÔNG TIN KẾ TOÁN, BCTC KHU
VỰC CÔNG VÀ VẤN ĐỀ MINH BẠCH THÔNG TIN KẾ TOÁN KHU VỰC
CÔNG
1.1 Tổng quan về thông tin kế toán
Kế toán là nghệ thuật thu nhận, xử lý và cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản
và sự vận động của tài sản (hay là toàn bộ thông tin về tài sản và các hoạt động kinh
tế tài chính) trong đơn vị. Kế toán được phân loại gồm kế toán tài chính và kế toán
quản trị. Tuy nhiên, trong giới hạn phạm vi nghiên cứu của luận văn, tác giả chỉ tập
trung vào kế toán tài chính. Do đó, thông tin kế toán được hiểu là những thông tin
xảy ra trong quá khứ được kế toán ghi nhận sao cho đảm bảo tính khách quan và có
thể kiểm tra được. Thông tin kế toán chỉ được theo dõi dưới hình thái giá trị (Cao
Xuân Hợp, 2015).
Để cung cấp thông tin thật sự hữu dụng và liên quan đến việc quản lý tài chính
trên quy mô toàn đơn vị, cần có một số công cụ theo dõi những hoạt động hàng
ngày của đơn vị, trên cơ sở đó tổng hợp các kết quả thành các bản báo cáo kế toán.
Thông tin kế toán được cung cấp, dựa trên việc tôn trọng các nguyên tắc kế
toán được thừa nhận và được sử dụng phổ biến trong quá trình thu thập và xử lý.
Nói cách khác kế toán phải đảm bảo tính thống nhất theo các nguyên tắc và chuẩn
mực kế toán nhất định để mọi người có cách hiểu giống nhau về thông tin kế toán
đặc biệt là báo cáo tài chính. Đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật
hiện hành, đặc biệt là những yêu cầu quản lý tài chính và các yêu cầu của xã hội
thông qua việc công bố những số liệu mang tính bắt buộc (Gelinas, Sutton & Oram,
1999).
1.2 Tổng quan về báo cáo tài chính khu vực công
1.2.1 Khái niệm về báo cáo tài chính khu vực công
Theo International Public Sector Accounting Standards Board (IPSASB)
(2013), BCTC của khu vực công là một trình bày có cấu trúc về tình hình tài chính
và hoạt động của một đơn vị. Mục tiêu của báo cáo tài chính dành cho khu vực công
16
là cung cấp thông tin về tình hình tài chính, hoạt động tài chính, lưu chuyển tiền của
một tổ chức cho một loạt người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định và đánh
giá phân bổ nguồn lực.
Theo IPSASs phân biệt 2 loại BCTC khu vực công, đó là: BCTC cho mục
đích chung và BCTC cho mục đích đặc biệt.
Bảng 1.1 Bảng so sánh BCTC cho mục đích chung và BCTC cho mục đích
đặc biệt
Nội dung
so sánh
BCTC cho mục đích chung
BCTC cho mục đích đặc biệt
Tất cả những đối tượng có nhu cầu sử Tất cả những đối tượng có khả
dụng thông tin mà không có khả năng năng hoặc quyền lực yêu cầu
Đối
hoặc quyền lực yêu cầu đơn vị công
đơn vị công cung cấp thông tin
tượng sử cung cấp thông tin. Người sử dụng có nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng
dụng
thể là: công dân, đại diện dân cử, các
thông tin đối tượng công chúng khác.
thông tin riêng, như: cơ quan
thuế, cơ quan quản lý NSNN,
đơn vị cấp trên, kiểm toán,
ngân hàng, …
Cung cấp thông tin hữu ích cho việc
Mục tiêu ra quyết định và giải trình.
Cung cấp thông tin hữu ích
cho các mục đích riêng. Tùy
theo từng đối tượng sẽ có mục
BCTC
đích khác nhau.
Thông
BCTC cung cấp các thông tin sau:
Thông tin cung cấp trên BCTC
tin cung
Tình hình hoạt động, Tình hình tài
không theo khuôn mẫu định
cấp & số chính, Sự thay đổi tài sản thuần,
sẵn. Tùy theo nhu cầu của
lượng
Dòng tiền, Thông tin giải trình và
người sử dụng BCTC sẽ cung
BCTC
thuyết minh bổ sung.
cấp thông tin phù hợp.
17
Các thông tin này được trình bày trên
5 báo cáo: Báo cáo kết quả hoạt
động, Báo cáo tình hình tài chính,
Báo cáo sự thay đổi của tài sản thuần,
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Bảng
thuyết minh BCTC.
Bắt buộc tuân thủ chuẩn mực nghề
Tùy theo quy định mỗi quốc
nghiệp và nguyên tắc kế toán.
gia. Nhưng xu hướng không
chuẩn
IPSASs và hầu hết các chuẩn mực kế
bắt buộc tuân thủ toàn bộ.
mực &
toán công tại các quốc gia trên thế
nguyên
giới ban hành để phục vụ cho việc
tắc kế
cung cấp thông tin BCTC mục đích
Sự tuân
thủ
toán
chung.
Bắt buộc công bố công khai rộng rãi,
Không bắt buộc công khai
công
minh bạch cho các đối tượng sử
rộng rãi. Chỉ cung cấp cho
khai
dụng.
đúng đối tượng yêu cầu.
Mức độ
BCTC
Nguồn: Nguyễn Thị Thu Hiền (2015)
Theo nghiên cứu “Hoàn thiện BCTC khu vực công Việt Nam” của tác giả
Nguyễn Thị Thu Hiền (2015), tại Việt Nam hiện nay các đơn vị công, trong đó có
các trường Đại học công lập chưa phân biệt BCTC mục đích chung và BCTC cho
mục đích đặc biệt. BCTC công hiện nay vừa cung cấp thông tin cho mục đích chung
và vừa cung cấp cho mục đích đặc biệt. Tuy nhiên, phần lớn các thông tin phục vụ
cho việc quyết toán ngân sách mà không công bố rộng rãi cho công chúng. Vậy có
thể hiểu BCTC công ở Việt Nam là BCTC cho mục đích đặc biệt.