Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

Biện pháp xây dựng lớp học thân thiện ở trường tiểu học thiệu long

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.83 MB, 16 trang )

MỤC LỤC
Nội dung

Trang

I. MỞ ĐẦU

2

1. Lý do chọn đề tài

2

2. Mục đích nghiên cứu

3

3. Đối tượng nghiên cứu

3

4. Phương pháp nghiên cứu

3

II. NỘI DUNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

3

1. Cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn


3

2. Thực trạng xây dựng phong trào "Trường học thân thiện,
học sinh tích cực " ở trường Tiểu học Thiệu Long.
3. Giải pháp và tổ chức thực hiện
3.1. Trang trí lớp học thân thiện
3.2. Thay đổi cách cư xử của giáo viên
3.3. Tăng cường sự tham gia của học sinh
3.4. Chú trọng rèn kỹ năng sống cho học sinh
3.5. Đổi mới phương pháp dạy học

4
5
5
6
9
12
13

3.6. Xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa nhà trường và phụ
huynh

13
4. Hiệu quả của sáng kiến kinh nghiệm

14

III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

15


TÀI LIỆU THAM KHẢO

16

1


I. MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Mục tiêu giáo dục Tiểu học đã chỉ rõ: Giáo dục nhằm đào tạo nên những
con người phát triển toàn diện về: “Đức, trí, lao, thể, mỹ”.“[1]” Để thực hiện
được điều này, ngành GD&ĐT nước ta đã và đang tiếp tục thực hiện đổi mới về
nội dung, chương trình SGK ở các bậc học. Từ năm 2008 đến nay, trên phạm vi
cả nước và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, các trường học ở các cấp đã sôi nổi thực
hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và
đạt được một số kết quả nhất định.
Mục đích quan trọng nhất của xây dựng trường học thân thiện là tạo
nên một môi trường giáo dục (cả về vật chất lẫn tinh thần) an toàn, bình đẳng,
tạo hứng thú cho học sinh trong học tập, góp phần đảm bảo quyền được đi
học và học hết cấp của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở tập
trung mọi nỗ lực của nhà trường vì người học, với các mối quan tâm thể hiện
thái độ thân thiện và tinh thần dân chủ.[3]
Trong môi trường trường học thân thiện, trẻ em sẽ cảm nhận được sự thoải
mái khi việc học của mình vừa gắn với kiến thức trong sách vở, vừa thông qua sự
thâm nhập, trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động ngoại khóa, trong
các trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể vui mà học. Trường học thân thiện gắn
bó chặt chẽ với việc phát huy tính tích cực của học sinh. Trong môi trường phát
triển toàn diện đó, học sinh học tập hứng thú, chủ động tìm hiểu kiến thức dưới sự
dìu dắt của thầy cô giáo, gắn chặt giữa học và hành, biết thư giãn khoa học, rèn

luyện kỹ năng và phương pháp học tập, phát huy khả năng tự tìm hiểu, khám phá
và sáng tạo của mình. Với cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học
sinh tích cực”, học sinh trở nên năng động, tích cực dưới sự dạy dỗ của giáo
viên, các em được học tập trong môi trường trường học thân thiện sẽ góp phần
phát triển một cách toàn diện về nhân cách và đó chính là nhân tố quyết định sự
phát triển bền vững của đất nước trong tương lai .
Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy, bản thân tôi nhận thấy để thực hiện
tốt phong trào thi đua nói trên, xây dựng thành công “Trường học thân thiện”
trước hết cần phải xây dựng cho được từng lớp học thân thiện. Mặt khác, là một
lớp học thuộc trường chuẩn quốc gia mức độ 2, việc xây dựng lớp mình trở
thành lớp học thân thiện là vô cùng cần thiết. Lớp học thân thiện thể hiện ở
nhiều mặt, trong đó phải kể đến mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò, giữa trò
với trò, giữa giáo viên và các mối quan hệ xoay quanh các vấn đề giáo dục. Học
sinh tích cực cũng cần thể hiện ở nhiều mặt như tích cực trong học tập, tích cực
trong các hoạt động tập thể, hoạt động vui chơi...
Vậy thế nào là một “Lớp học thân thiện”? Làm thế nào để xây dựng
được một “Lớp học thân thiện”? Đó là câu hỏi mà tôi đã từng trăn trở nhiều

2


năm. Từ thực tiễn trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm, tôi đã tìm được câu
trả lời. Xin mạnh dạn trình bày trong đề tài: “Biện pháp xây dựng lớp học
thân thiện ở Trường Tiểu học Thiệu Long”.
2. Mục đích nghiên cứu
Thông qua đề tài này tôi muốn đưa ra các biện pháp nhằm xây dựng
“Lớp học thân thiện”. Để từ đó rút ra được những ưu khuyết điểm cũng như
những kinh nghiệm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện phong
trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và đạt được một số
kết quả nhất định. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

3. Đối tượng nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu tìm những giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu
quả việc xây dựng lớp học thân thiện.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Điều tra
- Quan sát
- Nghiên cứu tài liệu.
- Thực hành
II. NỘI DUNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
1- CƠ SỞ LÝ LUẬN
Trường học thân thiện là mô hình trường do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc
(UNICEF) đề xướng từ những thập kỷ cuối của thế kỷ trước, và đã được triển
khai có kết quả tốt ở nhiều nước trên thế giới. Mô hình này không hoàn toàn mới
đối với Việt Nam. Từ những thập niên 60, 70, với triết lý “đời sống học đường là
cuộc sống thực của trẻ em ngay ngày hôm nay, lúc này; chứ không chỉ chuẩn bị
cho tương lai”, nên phương châm “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đã
được phổ biến và áp dụng ngay từ những ngày đó.
Để xây dựng mô hình này ở Việt Nam, phối hợp với UNICEF, Bộ giáo
dục và đào tạo đã làm thí điểm nhiều năm nay ở 50 trường tiểu học và THCS.
Từ kết quả thí điểm, Bộ giáo dục và đào tạo chủ trương tiến hành đại trà trong
năm học 2008 - 2009 ở tất cả các trường phổ thông với những nội dung được
cụ thể trong chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT về việc phát động phong trào thi
đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” trong các trường phổ
thông giai đoạn 2008 - 2013.[1]
Thực hiện chỉ thị số 40/CT-BGD&ĐT, Phòng Giáo dục huyện Thiệu Hóa
đã có các kế hoạch, chỉ thị chỉ đạo các trường tổ chức đánh giá kết quả phong
trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Vậy, thế nào là “Trường học thân thiện”? “Thân thiện” là có tình cảm
tốt, đối xử tử tế, và thân thiết với nhau. Bản thân khái niệm “thân thiện” đã


3


hàm chứa sự bình đẳng, dân chủ về pháp lý và sự đùm bọc, cưu mang đầy
tình người về đạo lý. Bởi nếu bất bình đẳng, mất dân chủ, vô cảm trong quan
hệ giữa người với người thì đâu còn gì mà “thân” với “thiện”. “Thân thiện”
bắt nguồn từ sứ mệnh của nhà trường và thiên chức của nhà giáo đối với thế
hệ trẻ và xã hội, chứ không dừng ở thái độ bề ngoài trong quan hệ ứng xử.
Trường học thân thiện là trường học mà ở đó học sinh được tạo điều kiện để
sống khoẻ mạnh, vui vẻ, tích cực học tập và tham gia các hoạt động khác;
được giáo viên nhiệt tình giảng dạy, yêu thương, tôn trọng; được gia đình và
cộng đồng tạo điều kiện phát huy hết tiềm năng của mình trong môi trường
an toàn và thuận lợi; quyền được đi học của học sinh được đảm bảo. Chất
lượng của trường học thân thiện không chỉ thể hiện ở kết quả giáo dục trong
lớp học, mà còn là chất lượng của cả môi trường học đường và mối quan hệ
giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Làm tốt công tác này chính là
chúng ta đang xây dựng lớp học thân thiện.
2. THỰC TRẠNG XÂY DỰNG PHONG TRÀO “TRƯỜNG HỌC THÂN
THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC" Ở TRƯỜNG TIỂU HỌC THIỆU LONG
Bộ GD&ĐT phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học
sinh tích cực” là một trong những phong trào rất có ý nghĩa, góp phần thúc đẩy,
nâng cao chất lượng giáo dục. Trường Tiểu học Thiệu Long là một trong số ít
những trường đầu tiên của huyện Thiệu Hóa có các hoạt động dạy học và giáo
dục gắn liền với phương pháp dạy học tích cực đã được áp dụng ở nhà trường:
các lớp học được trang trí đẹp, việc rèn kỹ năng sống cho học sinh được chú ý,
mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường được tăng cường. Nhà trường luôn
là điểm đến tham quan và học tập của các trường bạn. Đây cũng là những điều
kiện thuận lợi đầu tiên để nhà trường xây dựng trường học thân thiện.
Với tiền đề thuận lợi như thế, nên khi Bộ GD & ĐT phát động phong
trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Trường

Tiểu học Thiệu Long đã hưởng ứng và thực hiện một cách có hiệu quả. Qua
một vài năm, nhà trường đã có nhiều chuyển biến hết sức rõ rệt. Đặc biệt là
sự tăng trưởng về cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Khuôn viên,
trường lớp ngày càng sạch đẹp khang trang, chất lượng giáo dục toàn diện của
nhà trường đã được cải thiện và từng bước phát triển.
Các thầy cô giáo luôn chú ý vận dụng phương pháp dạy học tích cực,
cố gắng khơi dậy niềm đam mê học tập của học sinh bằng những bài giảng
hấp dẫn, bằng những hoạt động tập thể vui vẻ, bổ ích, bằng môi trường lớp
học đẹp. Mối quan hệ giữa thầy và trò đã có sự thay đổi gần gũi và thân thiện
hơn. Trường học đã và đang là nơi thu hút được học sinh đến trường mỗi
ngày. Tuy nhiên, trong lớp học các em tham gia các hoạt động học tập cũng
chưa được tự tin, tích cực và sáng tạo trong học tập. Nhiều khi các em cũng

4


chưa quan tâm đến thầy cô giáo và bạn bè, lời ăn tiếng nói của các em cũng
chưa được nhẹ nhàng, thân thiện. Đôi khi các em còn chưa tự giác trong học
tập và tự quản, chưa chấp hành tốt nội quy của nhà trường và của lớp học.
Xuất phát từ thực trạng trên, tôi đã mạnh dạn áp dụng các giải pháp sau:
3. GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Một trong những giải pháp tích cực để xây dựng “Trường học thân thiện học sinh tích cực” là xây dựng “lớp học thân thiện”. Để giúp nhà trường xây
dựng “lớp học thân thiện”, trong phạm vi đề tài, tôi đưa ra các biện pháp sau:
3.1. Trang trí lớp học thân thiện
Chúng ta có thể hiểu rằng: Lớp học thân thiện là lớp học được trang trí
đẹp, có ý nghĩa và mang tính giáo dục cao.
Việc trang trí lớp học một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm lý học
sinh sẽ giúp cho các em biết yêu và tạo ra cái đẹp, giúp các em có ý thức gìn giữ
trường lớp của mình. Cái khó là trang trí làm sao cho hài hoà, phù hợp, đẹp mà
không tốn kém, màu sắc mà không loè loẹt, nhiều mà không rối.

Các góc được bài trí đẹp đẽ tao nhã, từ góc nghệ thuật đến góc sáng tạo,
mỗi góc mỗi vẻ.
Các góc đó vừa là nơi các em có thể tìm tư liệu trong học tập vừa là nơi
mà sản phẩm của các em được trưng bày một cách khoa học, sáng tạo, sinh động
từ những bài viết chữ đẹp, những bài thủ công, đến những lời nhắc nhở học sinh,
dự báo thời tiết trong ngày các phòng học như khang trang hơn, sạch đẹp hơn,
gắn bó thân thiện hơn với thầy và trò.
Mỗi một môn học, trong lớp các em có một góc để tìm tư liệu, trưng
bày sản phẩm:
- Góc Tiếng Việt: Có các bài văn hay của các học sinh trong lớp, từ điển
thành ngữ - tục ngữ, từ điển Tiếng Việt (các từ em hay gặp trong bài học), tập
bài viết chữ đẹp của các bạn trong lớp, mặt nạ đóng vai trong môn tập đọc.
- Góc Toán: Có thư viện Toán học (ghi các công thức, quy tắc tính, các bài
toán hay...), các câu chuyện Toán học, các trò chơi Toán học (Đôminô, câu cá,
mèo uống sữa...), các biểu đồ, hay phần sưu tầm về các nhà Toán học.
- Góc Khoa học: Nơi sưu tầm những điều lí thú về khoa học, ứng dụng của
khoa học trong cuộc sống hàng ngày, thế giới động-thực vật.
- Góc Lịch sử và Địa lí: Có các sự kiện, các nhân vật lịch sử, tranh ảnh
sưu tầm về cảnh đẹp đất nước và thế giới.
- Góc Nghệ thuật: Nơi trưng bày các sản phẩm thủ công, tranh vẽ của các
HS trong lớp.
Ngoài ra, lớp học còn được trang trí bởi góc khác: Chúc mừng sinh nhật,
Điều em muốn nói, ảnh chụp của các học sinh trong lớp, hoa điểm mười, các câu
khẩu hiệu thân thiện.

5


Như vậy, đến lớp các em được chào mừng, được thấy hình ảnh của mình
và bạn bè, các em sẽ có cảm giác đang bước vào một ngôi nhà chung mà trong

đó các em là những chủ nhân đích thực. Các em tự tin hơn, đoàn kết hơn và chủ
động hơn trong các hoạt động ở lớp.

Một số hình ảnh trang trí lớp của lớp 4C (2015-2016),lớp 4A (2016-2017)
Trường Tiểu học Thiệu Long
3.2. Thay đổi cách cư xử của giáo viên
- Sử dụng lời nói, ánh mắt và cử chỉ thân thiện
Lời nói là phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ trực tiếp của người thầy
với học sinh. Nếu giáo viên có được ngôn ngữ chuẩn, tế nhị, giàu hình ảnh và

6


đạt giá trị biểu cảm cao sẽ thu hút được học sinh chú ý trong tiết dạy. Ngoài
giá trị nội dung của ngôn ngữ, giáo viên còn phải diễn đạt nó bằng âm điệu
phù hợp, các lệnh đưa ra phải rõ ràng, tạo được sự hào hứng, kích thích nhu
cầu tìm hiểu của học sinh.
Ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ là những phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ
nhưng cũng không kém phần quan trọng trong quá trình giao tiếp giữa giáo
viên với học sinh. Khi giáo viên bước vào lớp, một nụ cười hiền hậu cùng với
ánh mắt vui lướt qua toàn lớp học sẽ tạo ra những xúc cảm tâm lý, giúp các
em thoải mái và tự tin để bắt đầu tiết học. Trong tiết dạy, giáo viên cần di
chuyển trong lớp học một cách hợp lí, không đứng quá lâu ở vị trí bàn giáo
viên hoặc bục giảng sẽ tạo ra một khoảng cách biệt lớn với học sinh. Khi học
sinh làm bài hoặc hoạt động nhóm, tôi thường đi xuống lớp vừa là để quan sát
cụ thể cách làm việc của các em vừa là để hướng dẫn kịp thời (nếu cần). Khi
học sinh tổ chức các hoạt động tập thể, tôi thường ngồi cùng các em ở phía
dưới lớp, tạo sự chủ động hoàn toàn cho học sinh.
Trong quá trình dạy học, tôi đặc biệt tránh những lời ra lệnh khô khan,
những cử chỉ thiếu thân thiện như đập thước kẻ xuống bàn, chỉ tay vào mặt học

sinh... Hãy để các em thấy được sự tôn trọng của thầy cô với mình.
- Hãy khen ngợi, đừng chê bai: Khen ngợi là việc làm không thể thiếu
trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học. Khi học sinh làm được việc tốt
thì phải khen ngợi ngay để khích lệ, động viên. Một lời khen có hiệu quả giáo
dục gấp nhiều lần so với những lời chỉ trích, chê bai. Đặc biệt với học sinh cá
biệt thì lời động viên, khen ngợi như là liều thuốc tinh thần giúp các em thay
đổi hành vi theo hướng tích cực. Khen ngợi kịp thời không những làm thay
đổi hành vi của học sinh theo hướng tích cực mà còn là động cơ thúc đẩy quá
trình học tập của các em. Trong học tập, sự cần cù có phần bù đắp cho sự
thiếu thông minh. Nếu khen ngợi, động viên kịp thời sẽ giúp học sinh ham
thích và dẫn tới chăm chỉ trong học tập. Nếu phải cân nhắc giữa hai điểm số
khi cho điểm học sinh thì bạn hãy chọn điểm cao hơn. Hãy chắp cho đứa trẻ
đôi cánh, hãy tin ở các em, cho các em hy vọng.
- Tạo tiếng cười trong mỗi tiết học: “Tiếng cười là liều thuốc bổ”.
Tiếng cười trong dạy học – giáo dục sẽ làm tan đi không khí căng thẳng của
tiết học. Không những thế, tiếng cười còn tạo ra sự hưng phấn để kích thích
suy nghĩ. Những người thông minh thường có tính hài hước, chính sự hài
hước lại tác động vào não để kích thích tư duy. Vì vậy, trong quá trình giảng
dạy, tôi luôn vận dụng tính hài hước để thu hút sự chú ý của học sinh, làm
tăng tính hấp dẫn của vấn đề cần truyền đạt, giúp quá trình hình thành kiến
thức diễn ra tự nhiên và nhẹ nhàng, đem lại kết quả cao. Bên cạnh đó, không

7


khí lớp học trở nên thân thiện hơn, có hứng thú để bắt đầu cho những tiết
học khác.
- Quan tâm và chia sẻ: Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn giáo dục
các em có thói quen biết quan tâm, chia sẻ, động viên, thăm hỏi lẫn nhau
trong học tập cũng như trong cuộc sống. Giáo viên chủ nhiệm cũng cần phải

nắm được ngày sinh của các em trong lớp và thông báo trên bảng tin của lớp
để lớp tổ chức sinh nhật cho bạn của mình. Quà sinh nhật có thể là những lời
chúc mừng hay những lời ca tiếng hát của các bạn trong lớp. Điều này giúp
các em thấy được sự quan tâm của cô giáo và các bạn trong lớp. Từ đó, giúp
các em tự tin hơn trong học tập, rèn luyện cũng như việc tham gia các hoạt
động tập thể.

Góc sinh nhật
Giáo viên là người rất gần gũi với học trò, vì vậy tôi luôn cố gắng để
các em cởi mở với thầy cô. Tôi vừa là bạn vừa là thầy của các em. Trong
quá trình giảng dạy tôi không che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng
tuyệt đối ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Tôi luôn cố gắng tìm những
ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có
những ưu điểm đó.
Tôi luôn sống hết mình với các em. Vui cùng vui, buồn cùng buồn.
Đùa nghịch và dạy dỗ các em. “Thương yêu, công bằng, kiên trì và trung
thực” là khẩu hiệu của tôi.

8


GV cùng HS chăm sóc cây xanh
3.3. Tăng cường sự tham gia của học sinh
- Xây dựng nội quy lớp học: Vào đầu năm học ,tôi tổ chức họp lớp ,thông
báo cho học sinh nội dung chính của năm học; nhắc lại nhiệm vụ của học sinh
trong Điều lệ trường tiểu học; học sinh chia nhóm thảo luận; các nhóm chia sẻ ý
kiến; giáo viên và cả lớp xem xét tìm ra những ý kiến chung của tất cả học sinh;
thống nhất và xây dựng thành nội quy của lớp; viết và trang trí nội quy lớp.
Việc làm này hết sức có ý nghĩa, đó là: Học sinh được tham gia, được
cung cấp thông tin, được bày tỏ ý kiến của mình, ý kiến của các em được lắng

nghe và tôn trọng. Giúp các em hiểu, tôn trọng và thực hiện tốt nội quy do
chính các em đề ra. Giúp các em rèn kỹ năng giao tiếp, bày tỏ ý kiến và tham
gia quá trình ra quyết định. Phát huy tinh thần tập thể, nâng cao tinh thần
trách nhiệm cho học sinh. Làm tốt điều này, chúng ta đã khơi dậy sự tự tin
trong mỗi em học sinh. Khi đó các em sẽ đạt tới nhiều đỉnh cao trong học tập.

9


- Xây dựng hòm thư “Điều em muốn nói”: Chúng ta biết rằng, không phải
lúc nào học sinh cũng có thể trực tiếp nói thẳng mong muốn, suy nghĩ của các em
với thầy cô giáo, với nhà trường. Vì vậy, thông qua hòm thư “Điều em muốn nói”,
các em học sinh được tự do bày tỏ những khúc mắc, băn khoăn, của bản thân về
cuộc sống quanh các em, về trường, lớp, bạn bè và thầy cô. Đó còn là nơi để các
em chia sẻ những những tâm tư, nguyện vọng và cả những ước mơ của mình về
tương lai.
Xây dựng hòm thư Điều em muốn nói sẽ giúp giáo viên rút ngắn khoảng
cách giữa thầy và trò; giáo viên được lắng nghe những chia sẻ, mong muốn của
các em để từ đó kịp thời có những điều chỉnh hợp lý, nhằm ngày càng nâng cao
chất lượng giáo dục, tạo môi trường thân thiện trong lớp học.

Góc " Điều em muốn nói"

- Đôi bạn cùng tiến: Trong lớp bao giờ cũng có nhiều đối tượng học sinh,
ngoài những học sinh khá - giỏi còn có những học sinh xếp loại trung bình và
yếu kém. Để các em học sinh yếu kém không bị tự ty, mặc cảm và thụ động
trong học tập, tôi đã xây dựng các mô hình học tập như “Đôi bạn điểm 10”, “Đôi
10



bạn cùng tiến”, để cho các em khá - giỏi kèm cặp các em yếu kém. Sau một thời
gian (thường là hết một học kỳ), tôi tổ chức cho lớp bình chọn những đôi bạn
cùng tiến xuất sắc, biểu dương sự nỗ lực của các em và có phần thưởng tuy
không lớn nhưng có giá trị động viên kịp thời khiến các em thấy được giá trị của
những cố gắng .
- “Học mà chơi - chơi mà học”: Các em học sinh tiểu học rất thích tham
gia các trò chơi. Chính vì vậy việc tổ chức cho các em tham gia vào các trò
chơi là một việc làm hết sức cần thiết. Tham gia trò chơi giúp các em rèn luyện
thể chất, sự khéo léo, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát, tạo sự hoà đồng, thân thiện,
đoàn kết. Những phút vui chơi thoải mái, lành mạnh sẽ giúp các em thêm hào
hứng để học tập và sống hồn nhiên hơn. Hơn nữa, việc vui chơi lành mạnh còn
tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế những tật xấu, đồng thời rèn luyện thể
chất và tâm hồn các em theo chiều hướng tốt hơn.
Tôi thường lồng ghép tổ chức trò chơi học tập trong các tiết dạy một
cách phù hợp, tạo được sự hứng thú cho các em. VD: Trong tiết Luyện từ và
câu Luyện tập viết hoa danh từ riêng, tôi tổ chức trò chơi Du lịch trên bản đồ;
trong những tiết toán tôi có thể tổ chức trò chơi Ô hình rắn; Những tiết Luyện
từ và câu thuộc bài Mở rộng vốn từ có thể tổ chức trò chơi Hãy tập trung....
- Tổ chức các hoạt động tập thể: Lứa tuổi Tiểu học rất ham chơi, đây
cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn học của HS.Vì thế, tạo một sân
chơi lành mạnh, bổ ích thân thiện cho học sinh là điều cần thiết. Tôi thường tổ
chức cho học sinh của mình các hoạt động tập thể như tô tượng, vào thư viện,
thi Trạng nguyên nhỏ tuổi, giao lưu các Câu lạc bộ, Rung chuông vàng, tổ chức
biểu diễn văn nghệ vào các ngày lễ kỉ niệm lớn 8/3, 20/10, 20/11...

11


Biểu diễn văn nghệ, hoạt động chào mừng các ngày lễ tết, giao lưu các Câu lạc bộ.


Tham gia các hoạt động Hướng về nguồn cội như: Tham quan tìm hiểu
các di tích lịch sử ở địa phương, thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng, chăm
sóc đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ. Trong các hoạt động đó, học sinh hoàn
toàn chủ động từ việc lên kế hoạch trước cả tuần, chuẩn bị, trang trí , thực hiện,
dẫn chương trình, tôi chỉ định hướng cho các em và giúp các em những việc
mà các em cần đến. Thông qua các hoạt động tập thể này mà tinh thần đoàn kết
của lớp được vun đắp, ý thức trách nhiệm cũng được nâng cao, các em thấy
được ý nghĩa của những ngày kỉ niệm.

HS tham gia một số hoạt động Hướng về Cội nguồn: Chăm sóc tượng đài liệt
sĩ, lễ khánh thành Lăng miếu Bình Vương Dương Tam Kha.
3.4. Chú trọng rèn kỹ năng sống cho học sinh
Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh không còn là vấn đề mới mẻ trong
các nhà trường nữa. Các nội dung giáo dục kỹ năng sống đã được đưa vào tích
hợp trong một số môn học ở trường Tiểu học. Tuy nhiên các giáo viên chưa
12


thực sự biết cách lồng ghép khiến cho nội dung này nhiều khi trở nên khập
khiễng và sống sượng trong tiết dạy. Với tôi, kỹ năng sống là một phần cơ bản
thực sự cần thiết với học sinh, có được các kỹ năng này, các em sẽ biết cách tự
giải quyết những khó khăn nảy sinh trong cuộc sống. Các kỹ năng này tôi giúp
các em hình thành và thường xuyên củng cố thông qua các tiết học hoặc các
hoạt động tập thể.
VD: + Kỹ năng hợp tác thông qua các hoạt động nhóm, trò chơi
+ Kỹ năng bày tỏ sự cảm thông trong các tình huống đạo đức, trong
các hoạt động từ thiện (quyên góp ủng hộ bạn nghèo, ủng hộ các nạn nhân chất
độc màu da cam, ủng hộ đồng bào bị thiên tai).
- Kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng đảm nhận trách nhiệm thông qua việc tổ
chức các chương trình kỉ niệm, các cuộc thi (thi trình diễn thời trang, thi tiếng

hát dân ca, ...), các trò chơi dân gian, các chuyến dã ngoại (tham quan các di tích
lịch sử ở địa phương, thăm hỏi mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc đài tưởng
niệm...).
- Kỹ năng xác định giá trị của lao động thông qua việc lao động dọn vệ
sinh lớp học hàng ngày, chăm sóc bồn hoa cây cảnh.
3.5. Đổi mới phương pháp dạy học
Đổi mới phương pháp dạy học là một nội dung rất rộng, cần có hẳn một
chuyên đề hoặc đề tài nghiên cứu riêng. Trong phạm vi đề tài của mình, tôi chỉ
tập trung vào vấn đề đổi mới phương pháp dạy học góp phần xây dựng lớp học
thân thiện. Làm thế nào để hấp dẫn được các em đến lớp, lôi cuốn các em tham
gia các hoạt động học tập một cách tích cực? Có lẽ ngoài những hoạt động đã
nêu ở trên thì phương pháp dạy học của giáo viên cũng thực sự rất quan trọng.
Với mỗi một bài dạy, tôi thường nghiên cứu kỹ nội dung, mục đích và xác định
cụ thể tiến trình dạy học, đồ dùng dạy học cần có, ứng dụng công nghệ thông
tin. Trong tiết dạy, tôi luôn tạo điều kiện cho HS phát huy mọi năng lực, phát
hiện khả năng của mình giúp các em tích cực, chủ động, tự giác, tự tin, có niềm
vui trong học tập, lao động, cuộc sống. Chính vì vậy, hoạt động học tập trở nên
nhẹ nhàng thoải mái, thiết thực, có hiệu quả hơn.

13


Hình ảnh dạy học theo phương pháp tích cực ở trường TH Thiệu Long

3.6. Xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa nhà trường và phụ huynh
Trong quá trình xây dựng lớp học thân thiện, chúng ta rất cần đến sự hỗ
trợ từ phía phụ huynh học sinh cả về vật chất lẫn tinh thần. Bất kì ông bố, bà mẹ
nào cũng mong con mình được học tập, vui chơi trong một môi trường lành
mạnh, an toàn và hấp dẫn. Do đó, chỉ cần giáo viên khéo léo, biết đặt lợi ích của
học sinh lên trên, tạo được niềm tin đối với học sinh và phụ huynh thì việc huy

động nguồn lực từ phía gia đình học sinh là điều không quá khó.
Khi làm công tác chủ nhiệm lớp, ngay từ cuộc họp phụ huynh học sinh
đầu năm, tôi đã giải thích rõ ràng về những mục tiêu mà lớp đặt ra trong năm
học, cùng phụ huynh trao đổi để tìm ra những biện pháp xây dựng lớp học thân
thiện, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục (cả về chất lượng văn hóa lẫn đạo đức).
Qua đó, tôi thấy tất cả các bậc phụ huynh đểu ủng hộ nhiệt tình. Phụ huynh cùng
giáo viên và học sinh trang trí lớp học; tặng cây xanh trồng ở sân trường; bổ
sung cơ sở vật chất trong lớp học; tham gia các hoạt động tập thể của lớp (đưa
học sinh đi tham quan di tích lịch sử “Khu Lăng mộ Bình Vương Dương Tam
Kha”, tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp…). Giáo viên cũng có thể trở
thành một nhà tham vấn: biết lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn
thắc mắc của phụ huynh xoay quanh các vấn đề của con em họ, từ đó có thể nắm
bắt được hoàn cảnh cũng như sự phát triển tâm lí của các em để có những biện
pháp giáo dục phù hợp. Qua các hoạt động này, giáo viên đã tạo ra được mối
quan hệ thân thiện giữa phụ huynh- giáo viên- học sinh. Điều này thực sự cần
thiết để tạo nên một môi trường lớp học thân thiện.
4. HIỆU QUẢ CỦA SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

14


Sáng kiến kinh nghiệm này đã được tôi áp dụng trong 2 năm, với đối
tượng học sinh lớp tôi chủ nhiệm: lớp 4C (năm học 2015-2016), lớp 4A (năm
học 2016-2017).
Với những biện pháp sử dụng nêu trên, tôi nhận thấy nhiều em thoải
mái hơn, tự tin hơn trong học tập, thích đi học, thích được đến lớp. Trong lớp
học, các em tham gia các hoạt động học tập một cách tích cực, đầy sáng tạo.
Các em biết quan tâm đến thầy cô giáo, đến bạn bè, gia đình và những người
xung quanh, lời ăn tiếng nói cũng nhẹ nhàng, thân thiện hơn, không còn hiện
tượng đánh nhau. Trước kia, giáo viên luôn phải nhắc nhở học sinh thực hiện

nền nếp nhưng bây giờ, dường như tôi không còn phải mất thời gian cho việc
nhắc nhở nữa. Các em tự giác, có ý thức tự quản, chấp hành đúng nội quy của
lớp, của trường, biết lên kế hoạch và phân công nhiệm vụ khi tổ chức chương
trình hoạt động. Nhiều phụ huynh trao đổi, thấy rất vui khi con em mình ham
học, yêu quý cô giáo, thân thiện hơn với các bạn, biết quan tâm đến những
người xung quanh. Lớp học đã thực sự thu hút được các em, là nơi gửi gắm
niềm tin của các bậc phụ huynh.
Tóm lại : Với những biện pháp nêu trên, lớp học của tôi trở nên thân
thiện hơn, học sinh tích cực học tập hơn trước. Những năm học gần đây,
những lớp do tôi chủ nhiệm đều duy trì sĩ số 100%, tỉ lệ chuyên cần đạt
99,8%, tỉ lệ học sinh hoàn thành tốt kiến thức kỹ năng và được khen là cao,
không có học sinh chưa hoàn thành kiến thức kỹ năng, việc trang trí lớp và
chăm sóc bồn hoa cây cảnh luôn được nhà trường đánh giá cao. Lớp luôn là
điển hình tiên tiến cho các lớp khác học tập và bản thân tôi cũng rất tự hào
khi được tất cả các em học sinh yêu quý, được phụ huynh tin tưởng.
III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Phong trào xây “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”
không còn là mới, tuy nhiên đây vẫn là một trong những nội dung, nhiệm vụ
trọng tâm được ngành GD-ĐT thường xuyên đặt ra vào mỗi năm học. Phát
động và hưởng ứng thì dễ nhưng xây dựng đạt hiệu quả thì quả là không
phải chuyện dễ dàng. Đề có trường học thân thiện cần phải xây dựng cho
được từng lớp học thân thiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, tôi đã rút ra
một số kinh nghiệm như sau:
- Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải thực sự tâm huyết với
nghề, vì thế hệ trẻ, đặt lợi ích của học sinh lên trên hết.
- Cần làm tốt công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh, tạo lập
được mối quan hệ thân thiện và huy động được sự ủng hộ từ phía phụ huynh.

15



- Bản thân người giáo viên phải luôn tự học hỏi, nghiên cứu để có hiểu
biết về tâm sinh lí lứa tuổi học sinh Tiểu học. Có thế mới biết cư xử đúng cách,
tạo được mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò.
- Đổi mới phương pháp dạy học để thu hút được học sinh tham gia vào
hoạt động học tập một cách tích cực.
- Xây dựng lớp học thân thiện là trách nhiệm chung của học sinh, giáo
viên và nhà trường. Cần tạo được sự đồng bộ trong khi thực hiện.
Với mong muốn xây dựng lớp học thân thiện, bằng kinh nghiệm ít ỏi, tôi
xin mạnh dạn trình bày trong đề tài này để đồng nghiệp góp ý và tìm ra những
biện pháp thích hợp nhất nhằm góp phần thực hiện tốt phong trào “Xây dựng
trường học thân thiện, học sinh tích cực”, từ đó nâng cao hiệu quả dạy học và
giáo dục trong trường Tiểu học.
Trong quá trình thực hiện đề tài này, bản thân tôi tự thấy kinh nghiệm của
mình chưa nhiều nên khó tránh khỏi thiếu sót, rất mong được sự đóng góp ý kiến
của các thầy cô đồng nghiệp để đề tài của tôi hoàn thiện hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thiệu Long, ngày 29 tháng 3 năm 2017
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết,
không sao chép nội dung của người khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hoàng Thị Thanh Hải
1.TỔ CHỨC LỚP HỌC THEO MÔ HÌNH MỚI TẠI VIỆT NAM .
Biên tập nội dung : Nguyễn Ngọc Bảo – Đỗ Việt Cường
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
2.ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÍ LỚP HỌC BẰNG CÁC BIỆN PHÁP
GIÁO DỤC TÍCH CỰC .

- Biên tập nội dung : Lê Thị Thu Huyền
- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
3.SỔ TAY TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC 2008-2013
- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

16



×