Tải bản đầy đủ (.doc) (23 trang)

Đánh giá thực trạng sử dụng thuật ngữ chuyên ngành kinh tế trên báo mạng điện tử hiện nay tiểu luận cao học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (223.16 KB, 23 trang )

MỤC LỤC
MỤC LỤC.................................................................................................................................................1
PHẦN MỞ ĐẦU.......................................................................................................................................2
PHẦN NỘI DUNG....................................................................................................................................5
PHẦN KẾT LUẬN...................................................................................................................................19
TÀI LIỆU THAM KHẢO...........................................................................................................................20
PHỤ LỤC................................................................................................................................................21


PHẦN MỞ ĐẦU
1

Tính cấp thiết của đề tài

Xã hội càng phát triển thì sự chuyên môn hóa các hoạt động xã hội
càng cao. Ngày nay, sự phân biệt giữa chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội
ngày càng lớn. Mỗi ngành khoa học lại có kho tàng tri thức đồ sộ của riêng
mình, không ngành nào giống ngành nào. Sự phân biệt đó ngày càng làm tăng
sự chuyên sâu trong mỗi lĩnh vực.
Trong các ngành đó, kinh tế là một trong những ngành khoa học có sự
chuyên biệt sâu sắc nhất. Chính vì thế, số lượng thuật ngữ chuyên ngành kinh
tế cũng rất nhiều và khó hiểu với đại bộ phận công chúng không chuyên.
Chính vì thế, để thông tin về lĩnh vực kinh tế đến với công chúng, cần phải có
một sự khéo léo rất lớn trong việc xử lý thông tin cũng như xử lý ngôn từ.
Báo chí là một ngành khoa học xã hội có sức ảnh hưởng và lan tỏa rất
lớn. Không thể phủ nhận vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy sự phát triển
của tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Chính trị, kinh tế, văn hóa,… tất cả đều là
đối tượng của báo chí. Đưa thông tin đến với công chúng là nhiệm vụ cơ bản
nhất của báo chí. Chính vì thế, trong quá trình hoạt động của mình, nhà báo
luôn phải cân nhắc đưa thông tin làm sao để hiệu quả nhất? Phải “biến hóa” từ
ngữ như thế nào để công chúng có thể tiếp nhận thông tin được nhiều nhất, tốt


nhất? Đó là công việc, là nhiệm vụ quan trọng nhất của một nhà báo.
Báo chí kinh tế từ lâu đã là một lĩnh vực không thể thiếu trong hoạt
động báo chí. Báo chí kinh tế không chỉ là những vấn đề sâu xa, những vấn dề
chỉ dành cho các chuyên gia, các nhà kinh tế. Báo chí kinh tế giờ đây là lĩnh
vực dành cho tất cả mọi người. Từ giá nhà đất, giá vàng cho đến giá xăng, giá
thực phẩm,… đều dành cho số đông công chúng. Vấn đề đặt ra cho nhà báo là
phải làm sao để truyền tải đầy đủ thông tin một cách chân thực mà dễ hiểu.


Đặc biệt từ khi báo mạng điện tử ra đời, thông tin được cung cấp cho
độc giả ngày càng nhiều trong thời gian rất nhanh. Chính vì thế, những sai sót
về cách dùng từ, hành văn thiếu trong sáng cũng là một vấn đề không nhỏ.
Báo mạng điện tử đã bị lên án không ít lần chỉ vì sự cẩu thả trong cách dùng
từ. Viết báo kinh tế là viết báo chuyên ngành, số lượng thuật ngữ rất nhiều.
Chính vì thế, báo mạng điện tử là loại hình báo chí rất dễ mắc lỗi trong việc
sử dụng thuật ngữ. Điều đó có tác hại rất lớn đối với công chúng.
Nhận thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng hợp lý thuật ngữ
chuyên ngành kinh tế trên báo mạng điện tử hiện nay, tác giả quyết định chọn
đề tài: Đánh giá thực trạng sử dụng thuật ngữ chuyên ngành kinh tế trên
báo mạng điện tử hiện nay với hy vọng sẽ góp một phần công sức nhỏ bé để
giúp hoàn thiện hơn việc sử dụng thuật ngữ chuyên ngành kinh tế trên báo
mạng điện tử, tạo điều kiện tốt nhất cho công chúng tiếp nhận thông tin.
2

Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

- Về mục đích nghiên cứu: Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận về
sử dụng thuật ngữ chuyên ngành kinh tế trên báo mạng điện tử, tiểu luận
muốn đánh giá thực trạng việc sử dụng thuật ngữ chuyên ngành kinh tế trên
các tờ báo mạng điện tử hiện nay, đặc biệt là các tờ báo mạng điện tử không

chuyên về kinh tế. Từ đó có sự tổng kết, đánh giá những mặt ưu điểm và
nhược điểm của việc sử dụng thuật ngữ, đề ra một số giải pháp cơ bản để
nâng cao sử dụng thuật ngữ kinh tế trên báo mạng điện tử.
- Về nhiệm vụ nghiên cứu: Dựa trên mục đích nghiên cứu, tiểu luận
cần phải giải quyết các vấn đề sau
• Đưa ra một số khái niệm cơ bản về sử dụng thuật ngữ chuyên
ngành kinh tế trên báo mạng điện tử, làm rõ vai trò của thuật ngữ chuyên
ngành kinh tế đối với hoạt động báo chí nói riêng và loại hình báo mạng điện
tử nói chung.


• Đánh giá ưu điểm, nhược điểm của việc sử dụng thuật ngữ
chuyên ngành kinh tế trên báo mạng điện tử hiện nay; tập trung đề ra một số
giải pháp cơ bản nhằm khắc phục từng nhược điểm.
3

Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của đề tài là thực trạng
sử dụng thuật ngữ chuyên ngành kinh tế trên báo mạng điện tử hiện nay. Đối
tượng cụ thể là báo điện tử Vnexpress (tên miền: ) từ
ngày 1/11/2012 – 15/11/2012.
- Phạm vi nghiên cứu: Mục kinh doanh, báo điện tử Vnexpress từ
ngày 1/11/2012 – 15/11/2012.
4

Ý nghĩa và phương pháp nghiên cứu

- Ý nghĩa nghiên cứu: Tiểu luận đã cố gắng nghiên cứu, tổng hợp số
liệu thực tế khách quan nhằm đánh giá đúng thực chất thực trạng sử dụng

thuật ngữ kinh tế trên báo mạng điện tử hiện nay. Tiểu luận sẽ góp một phần
giá trị trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng các thuật ngữ kinh tế, tránh sai
sót, góp phần đưa báo chí kinh tế đến gần với công chúng.
- Phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình nghiên cứu, tác giả vận
dụng kết hợp các phương pháp sau:
• Sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch
sử.

• Bên cạnh đó, kết hợp các phương pháp khác như: Thống kê,

phân tích, tổng hợp, phỏng vấn sâu,…
5

Kết cấu tiểu luận

Bên cạnh phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, phần nội dung
của tiểu luận gồm 2 chương, 4 tiết.


PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: Một số vấn đề lý luận
5.1

Những khái niệm cơ bản

5.1.1 Khái niệm kinh tế
Kinh tế, bắt nguồn là từ viết gọn của cụm từ "kinh bang tế thế" là các
công việc mà một vị vua phải đảm nhiệm: Chăm lo đời sống vật chất của bề
tôi, chăm lo đời sống tinh thần của cộng đồng. KINH trong KINH BANG- trị
nước và TẾ trong TẾ THẾ- giúp đời!1. Theo nghĩa của thời xưa, kinh tế nghĩa

là “trị nước giúp đời”.
Về bản chất, kinh tế đề cập đến các hoạt động của con người có liên
quan đến sản xuất, phân phối, trao đổi, và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ. Định
nghĩa về kinh tế đã thay đổi theo lịch sử các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, cốt
lõi nội dung của kinh tế là tổng thể các yếu tố sản xuất, các điều kiện sống
của con người, các mỗi quan hệ trong quá trình sản xuất và tái sản xuất xã
hội. Nói đến kinh tế suy cho cùng là nói đến vấn đề sở hữu và lợi ích.
Ngày nay, trên cơ sở các học thuyết, các khái niệm về kinh tế từ trước,
nhiều nhà khoa học thống nhất và cho ra định nghĩa về kinh tế như sau:
Kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau của con
người và xã hội liên quan trực tiếp đến việc sản xuất, trao đổi, phân phối,
tiêu dùng các loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, nhằm thỏa mãn nhu cầu
ngày càng cao của con người trong một xã hội với một nguồn lực có giới
hạn.2
1
2

Theo Wikipedia: />Theo Wikipedia: />

Tác giả cũng đồng ý với định nghĩa trên. Thuật ngữ kinh tế được dùng
trong tiểu luận nay cũng mang ý nghĩa như trên.
5.1.2

Khái niệm “thuật ngữ”

Khái niệm thuật ngữ, theo từ điển tiếng Việt, “thuật ngữ” là: “Từ, ngữ
biểu đạt các khái niệm chuyên môn, khoa học”3
Còn trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9, “thuật ngữ” là: “những từ
ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ thường được dùng trong các văn
bản khoa học, công nghệ.”4

Như vậy về mặt bản chất, có thể hiểu, thuật ngữ là những từ, ngữ biểu
thị một khái niệm cụ thể trong một môn, ngành khoa học nhất định. Đây là
một khái niệm chuyên môn, chỉ trong ngành khoa học đó mới có mà không ở
bất kỳ ngành khoa học nào khác có.
Như vậy, thuật ngữ chỉ biểu thị một khái niệm duy nhất, không hề có
hiện tượng đa nghĩa đối với thuật ngữ.
Thuật ngữ chuyên ngành kinh tế là những từ, ngữ biểu đạt các khái
niệm của ngành kinh tế, không mang ý nghĩa của các ngành khác.
Thuật ngữ chuyên ngành kinh tế, dưới đây được gọi tắt là thuật ngữ
kinh tế.
5.2

Vai trò của thuật ngữ kinh tế đối với báo chí nói chung, báo

mạng điện tử nói riêng.
Không chỉ riêng báo mạng điện tử mà với báo chí nói chung, thuật ngữ
kinh tế là một phần không thể thiếu. Kinh tế là một lĩnh vực khó, nhiều thuật
ngữ và đặc biệt tính chuyên môn rất cao, do đó, sử dụng thuật ngữ kinh tế là

3
4

Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, 2003
SGK Ngữ Văn 9, nxb Giáo dục.


một điều không thể tránh khỏi. Vậy, thuật ngữ kinh tế có vai trò gì đối với báo
chí nói chung và báo mạng điện tử nói riêng?
5.2.1 Thuật ngữ kinh tế giúp báo chí truyền tải thông tin kinh tế một
cách chính xác nhất, chân thực nhất

Không quá khó hiểu khi thuật ngữ kinh tế lại có vai trò to lớn đến vậy.
Như đã đề cập ở trên, kinh tế là một lĩnh vực có lịch sử gắn liền với lịch sử
phát triển của loài người. Bên cạnh đó, đây là một lĩnh vực trừu tượng, chính
vì thế, nội dung thông tin lĩnh vực kinh tế khá khó hiểu đối với những người
không có kiến thức chuyên môn về kinh tế.
Báo chí là một ngành khoa học riêng biệt, không hề có liên quan đến
kinh tế. Điều này cảng được thể hiện rõ hoạt động báo chí. Kinh tế chỉ là một
lĩnh vực mà báo chí phản ánh, nhưng lại là lĩnh vực quan trọng. Khi mà đại bộ
phận công chúng chưa có nhiều kiến thức về kinh tế thì vai trò, trách nhiệm
của báo chí lại càng phải cố gắng để đưa giúp cho công chúng nhận thức được
nội dung phản ánh của bài báo. Chính vì thế, nhà báo, cơ quan báo chí bắt
buộc phải sử dụng đến các thuật ngữ.
Các thuật ngữ, như đã định nghĩa, là từ ngữ của riêng từng ngành khoa
học. Các thuật ngữ thể hiện một cách đầy đủ nhất ý nghĩa của ngành khoa học
đó. Nhà báo, khi sáng tạo tác phẩm báo chí luôn luôn nhớ rằng, trường hợp
nào cần phải sử dụng đến các thuật ngữ thì phải sử dụng để viết đúng, viết đủ
nội dung mà bài viết yêu cầu.
Bên cạnh đó, khi sáng tạo tác phẩm, nhà báo thường gặp những trường
hợp, không thể diễn đạt được nội dung một cách hợp lý bằng các từ ngữ thông
dụng. Khi đó, một điều không thể tránh khỏi là phải sử dụng các thuật ngữ.
Cũng phải thừa nhận rằng, các ngành khoa học khác nhau thường có khối
lượng từ vựng khác nhau. Một số thuật ngữ cơ bản của ngành kinh tế như:
lạm phát, giảm phát, vốn,… là những từ không chuyên và tất nhiên, không thể


thay thế bằng bất kỳ từ ngữ nào khác. Nhà báo có thể sử dụng từ “mất giá”
thay cho từ “lạm phát”? Bài viết có thể sử dụng từ “tiền sẵn có” để thay cho
từ “vốn”? Hoàn toàn không thể. Đây là những thuật ngữ chuyên dụng và là
không thể thay thế. Có chăng cách thay thế duy nhất chỉ là diễn giải một cách
giải dòng hơn.

Có thể thấy, thuật ngữ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình
thành một bài báo kinh tế. Đó là một phần không thể thiếu trong bài báo kinh
tế. Sử dụng thuật ngữ để truyền tải đúng và đủ nội dung thông tin của bài báo
một cách ngắn gọn nhất. Cũng bởi một lẽ, không phải bất kỳ nội dung thuộc
chuyên ngành kinh tế nào cũng có các từ ngữ phổ thông tương ứng.
5.2.2 Thuật ngữ kinh tế giúp công chúng hiểu rõ nhất bản chất nội
dung thông tin của bài báo
Từ việc giúp bài báo truyền tải thông tin được đầy đủ và chính xác,
thuật ngữ kinh tế cũng sẽ giúp người đọc hiểu rõ nhất bản chất nội dung thông
tin mà nhà báo muốn truyền tải. Bởi lẽ, thuật ngữ là những thông tin cô động
nhất, rõ ràng nhất và chính xác nhất. Chính vì thế, người đọc, khi tiếp nhận
các thuật ngữ cũng sẽ hiểu vấn đề một cách rõ ràng và đầy đủ nhất.
Rõ ràng, thuật ngữ chỉ biểu thị những khái niệm, những ý nghĩa của
riêng chuyên ngành, cụ thể ở đây là chuyên ngành kinh tế. Chính vì thế mà
khi sử dụng thuật ngữ, công chúng hoàn toàn có thể tiếp nhận một cách chính
xác nhất nội dung mà nhà báo muốn truyền tải.


Chương 2: Đánh giá thực trạng sử dụng thuật ngữ kinh tế trên báo
mạng điện tử (khảo sát báo mạng điện tử Vnexpress từ 1/11/2012 –
15/11/2012).
5.3

Giới thiệu sơ lược về báo mạng điện tử Vnexpress

“VnExpress được thành lập bởi tập đoàn FPT, ra mắt ngày 26 tháng 2
năm 2001 và được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép số 511/GP - BVHTT
ngày 25 tháng 11 năm 2002. Tòa soạn đóng tại Tầng 5 Tòa nhà FPT, phố
Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Văn phòng đại diện phía Nam tại 408,
Điện Biên Phủ, quận 10, TP HCM.Tổng Biên tập báo là ông Thang Đức

Thắng.
VnExpress là báo điện tử đầu tiên tại Việt Nam không có phiên bản báo
giấy. Theo bảng xếp hạng của Alexa, VnExpress luôn có số người truy cập
lớn nhất Việt Nam trong số hơn 10 tờ báo điện tử tại Việt Nam, và cũng theo
bảng xếp hạng này VnExpress hiện nằm trong top 300 website được truy cập
nhiều nhất thế giới.”5
Có thể thấy rằng, Vnexpress là một trong những tờ báo mạng hoạt
động thành công nhất tại Việt Nam hiện nay. Với đội ngũ chuyên nghiệp,
năng động, Vnexpress đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong làng
báo.
Tác giả lựa chọn báo Vnexpress khảo sát bởi bên cạnh uy tín, chất
lượng của tờ báo, chuyên mục Kinh doanh thuộc báo điện tử Vnexpress được
đánh giá rất cao so với các chuyên mục tương tự trên các tờ báo khác. Tuy chỉ
là một chuyên mục nhỏ nhưng Kinh doanh có thể sánh ngang với nhiều tờ
báo mạng điện tử, nhiều chuyên trang chuyên về kinh tế khác như: VEF
5

Theo Wikipedia Việt Nam


(chuyên trang Diễn đàn kinh tế Việt Nam, trực thuộc báo điện tử Vietnamnet),
báo điện tử Vneconomy,…
Trong thời gian khảo sát từ ngày 1/11/2012 đến ngày 15/11/2012, trên
mục Kinh doanh, báo điện tử Vnexpress có tất cả 305 tin, bài.
5.4

Những mặt tích cực trong việc sử dụng thuật ngữ kinh tế

5.4.1 Sử dụng đúng nghĩa
Một trong những điều đáng hoan nghênh đối với việc sử dụng thuật

ngữ kinh tế là sử dụng đúng nghĩa của từ. Trong số 305 tin, bài khảo sát thì có
đến 286 tin bài sử dụng đúng nghĩa, chiếm 94%.

Từ thống kê trên, có thể thấy rằng, việc sử dụng thuật ngữ cũng đã
được các nhà báo cân nhắc và luôn có ý thức tìm tòi để hiểu rõ về ý nghĩa,
bản chất của thông, góp phần thể hiện hiệu quả và chất lượng bài viết.
Sử dụng đúng ý nghĩa của thuật ngữ sẽ góp phần rất quan trọng trong
việc định hướng thông tin cho công chúng. Chính vì thế, nhà báo lại càng phải
quan tâm hơn đến việc tìm hiểu ý nghĩa của các thuật ngữ. Vẫn biết rằng,


không phải nhà báo nào cũng là chuyên gia kinh tế, nhưng không vì thế mà lại
dùng thuật ngữ mà không hiểu mình đang viết gì.
Bên cạnh những từ ngữ thông dụng như: GDP, CPI, lãi suất,… là
những từ ngữ mà hầu hết công chúng đều đã biết đến và có thể dễ dàng hiểu
được, thì nhà báo cũng đã sử dụng linh hoạt các từ ngữ. Như trong bài viết
“Ngân hàng Quân đội lãi hơn 2.000 tỷ đồng”, tác giả có sử dụng từ “lũy kế”.
Trường hợp này sử dụng rất hợp lý vì bản chất của từ “lũy kế” muốn nói đến
một giá trị kinh tế đã được tính trước, được dành lại để tính sau, cụ thể ở đây
là lãi suất của Ngân hàng Quân đội. Trong trường hợp này, nhà báo đã sử
dụng rất đúng từ ngữ.
Hay với bài báo “Lập lại trật tự 'chợ' liên ngân hàng”, tác giả bài báo
có sử dụng thuật ngữ thị trường 1, thị trường 2. Phải thừa nhận rằng, tác giả
bài báo đã sử dụng rất chính xác và đã có trách nhiệm phát hiện ý nghĩa của
thị trường 1, thị trường 2 bởi lẽ, 2 thuật ngữ này rất ít được dùng. Thậm chí,
đây còn là từ chuyên của ngành tài chính – ngân hàng nhằm xác định và phân
biệt giữa thị trường nguồn vốn dân cư và thị trường nguồn vốn từ các nguồn
tiền tương đương.
Cũng từ các số liệu trên, có thể hiểu rằng, không phải ngẫu nhiên mà
Vnexpress được đánh giá cao về các bài viết kinh tế. Xét cho cùng, chính sự

thận trong trong cách dùng từ đã giúp cho chất lượng bài viết kinh tế ngày
càng được nâng cao, tạo được sự tin tưởng của công chúng. Đây là ưu điểm
cần được phát huy hơn nữa,
5.4.2 Đã giải thích thuật ngữ một cách dễ hiểu
Thuật ngữ có một vai trò quan trọng để thể hiện thông tin. Một nhà báo
tốt là một nhà báo biết sử dụng thuật ngữ đúng lúc, đúng chỗ, tạo hiệu quả
thông tin tốt. Nhưng một nhà báo giỏi thì phải biết cách để người đọc có thể
hiểu và nắm bắt thông tin một cách dễ dàng nhất. Chính vì thế, việc sử dụng


thuật ngữ đã là một điều tốt, nhưng diễn giải thuật ngữ đó cho người đọc dễ
hiểu thì còn tốt hơn.
Thông thường, các nhà báo thường chọn hai cách để diễn giải thuật
ngữ. Thứ nhất là sử dụng nghĩa tiếng Việt để thay thế và thứ hai là thay thế
bằng các từ thuần Việt.
Theo kết quả khảo sát, các nhà báo thường dùng cách thứ nhất. Sử dụng
nghĩa tiếng Việt để thay thế. Có thể hiểu rằng, các nhà báo thường viết từ gốc
và bên cạnh sẽ là nghĩa tiếng Việt.
Ví dụ, trong bài báo “HSBC: Suy giảm sản xuất ở Việt Nam tiếp tục kéo
dài” , nhà báo có sử dụng thuật ngữ PMI đi kèm với nghĩa tiếng Việt của từ
này: Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI). Đây là một cách thông dụng trên
báo chí hiện nay để giải thích các thuật ngữ. Nhiều thuật ngữ chuyên dụng
cũng vấn được viết theo cách này như: Chỉ số giá tiêu dùng CPI, vốn đầu tư
nước ngoài FDI hay thị trường mở (OMO) (bài viết “Ngân hàng Nhà nước
bơm gần 5.400 tỷ đồng”).
Theo khảo sát trên báo VnExpress, có tới gần 40% bài viết có giải thích
theo cách này.


Việc diễn giải ý nghĩa của thuật ngữ được “ưa chuộng” hơn, bởi lẽ đây

là cách làm đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện lại tốn ít công sức. Tuy nhiên, cách
làm này vẫn còn nhiều thiết sót, trong đó, đang chú ý là việc công chúng vẫn
chưa thật sự nắm bắt được thông tin.
5.5

Những mặt hạn chế trong việc sử dụng thuật ngữ kinh tế

Bên cạnh những ưu điểm của việc sử dụng thuật ngữ kinh tế thì hiện
nay, trên báo mạng điện tử, phải thừa nhận rằng, nhược điểm vẫn còn tồn tại
nhiều hơn.
5.5.1 Lạm dụng thuật ngữ
Một trong hạn chế lớn nhất của nhà báo khi viết bài báo kinh tế, đó là
việc lạm dụng thuật ngữ. Tỉ lệ sử dụng thuật ngữ trên các bài viết kinh tế luôn
trên 90%, ở mức khá cao. Một bài viết, không ít thì nhiều cũng phải chèn vào
một vài từ “chuyên môn”. Trong khi đó hoàn toàn có thể bỏ đi hoặc thay thế
bằng các từ phổ thông khác mà không hề gây ảnh hưởng gì đến bài viết.


Lấy ví dụ với bài viết “Địa ốc tháng 10: Từ biệt thự đến căn hộ đều
mất giá”, tác giả có sử dụng từ “thoái vốn”. Việc sử dụng từ thoái vốn ở đây
là rất đúng đắn, không có gì sai. Thế nhưng, nếu sử dụng từ “rút vốn” cũng
không phải là không hợp lý, thậm chí, từ “rút vốn” còn dễ hiểu hơn nhiều so
với từ “thoái vốn”.
Theo nhà báo Hà Linh Chi, phóng viên Thời báo Ngân hàng, thì lý do
cho việc lạm dùng thuật ngữ kinh tế là vì: “Không hiểu rõ (về kinh tế) nên
không biết trong đời sống có cách viết, cách dùng từ nào khác, vì thế sao
chép máy móc thuật ngữ người khác nói vào bài. Cũng có một vài trường hợp
là người viết cố tình “khoe chữ”, nhưng lại vô tình tự tố cáo trình độ kém của
mình (trường hợp này ít thôi).”
Việc sử dụng thuật ngữ một cách bừa bãi, xét cho cùng là do nhà báo.

Thứ nhất là nhà báo không có hiểu biết về lĩnh vực kinh tế. Chính vì không
hiểu biết về lĩnh vực kinh tế nên khi đi họp báo, đi phỏng vấn, thấy ai nói gì
cũng ghi vào. Thấy từ nào hay cũng viết vào. Đã không hiểu biết về kinh tế
thì cũng sẽ không thể nào biết được nghĩa từ “thoái vốn” là gì? Nghĩa của từ


“ủy thác đầu tư”, “repo” là gì? Nếu như không biết nghĩa của thuật ngữ thì
làm sao có thể tìm ra được từ tiếng Việt thay thế. Vô hình chung, điều này đã
tạo ra một rào cản lớn về nhận thức. Bên cạnh đó, áp lực về tin bài, thời hạn
khiến cho nhà báo ngại tìm hiểu, ngại hỏi. Và giải pháp cuối cùng sẽ là “dùng
thuật ngữ” dù cho chẳng hiểu gì từ đấy nghĩa là gì.
Còn trường hợp thứ hai, ít hơn, là những nhà báo “khoe chữ”. Với quan
niệm, “phi thuật ngữ bất thành… báo kinh tế”, nhiều nhà báo rất sẵn sàng
dồn ép các thuật ngữ càng nhiều càng tốt. Càng nhiều thuật ngữ càng thể hiện
mình là người có hiểu biết, có kiến thức. Đây là những nhà báo vô trách
nhiệm, không quan tâm đến công chúng. Những tác phẩm báo chí này chỉ
khiến cho công chúng ngày càng mất niềm tin vào báo chí, mất niềm tin vào
thông tin trên báo.
Nhưng dù là lý do gì đi nữa thì hiện nay, báo chí kinh tế vẫn đang mang
trong mình “vấn nạn” về lạm dụng thuật ngữ. Nếu không nhanh chóng thay
đổi thì chắc chắn, báo chí kinh tế sẽ không bao giờ có sức lan tỏa và sẽ chỉ tồn
tại ở những trang báo chuyên ngành cao siêu.
5.5.2 Sử dụng thuật ngữ không giải thích
Theo biểu đồ 2, có tới 60% bài viết kinh tế không hề giải thích thuật
ngữ. Tuy nhiên, có nhiều thuật ngữ chỉ được giải thích theo kiểu “dịch nghĩa”,
người đọc vẫn không thể hiểu được. Nếu tính cả số lượng giải thích qua loa
như vậy thì tỉ lệ bài viết không giải thích thuật ngữ phải lên đến 80%. Có
những từ ngữ như “thị trường 1”, nhà báo chỉ viết là “dân cư và tổ chức kinh
tế”. Nếu thật sự không phải là người chuyên về ngân hàng thì chắc chắn, sẽ
không ai hiểu thị trường 1 là gì. Ngay cả những doanh nghiệp cũng không

bao giờ sử dụng thuật ngữ này. Vậy thì thông tin này vô tác dụng vì không hề
có giá trị gì hết. Dùng đúng nhưng lại không có tác dụng.


Hiện tượng này, theo nhà báo Hà Linh Chi, mang lại tác động tiêu cực
cho cả công chúng và nhà báo:
“Nhiều thuật ngữ đã trở nên thông dụng lắm rồi, ai cũng hiểu thì
người viết cứ “hồn nhiên” mà dùng thôi. Nhưng thuật ngữ mới, thuật ngữ
quá chuyên sâu, thì phải giải thích. Nếu không, nói lên, viết ra điều mà người
nghe, người đọc không hiểu thì, thứ nhất – thông tin đó chả có ích gì cho
người đọc thì thông tin đó vô nghĩa.
Thứ hai - điều đó chứng tỏ người viết, người sử dụng thuật ngữ đó
cũng “chẳng hiểu gì”, nói theo cách của lớp trẻ là “trình thấp”, rõ ràng là
trình độ hiểu về vấn đề đó thấp mà trình độ viết cũng thấp.”
Nói một cách khác, sử dụng thuật ngữ mà không giải thích thì không có
ý nghĩa gì hết. Đặc biệt là với những thuật ngữ khó, ít người biết.
Chương 3: Những giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng sử dụng
thuật ngữ kinh tế trên báo mạng điện tử hiện nay
Việc sử dụng thuật ngữ kinh tế trên báo mạng điện tử hiện nay là không
thể tránh khỏi. Chính vì thế, để khắc phục được những hạn chế, phát huy vai
trò của thuật ngữ, cần phải thực hiện những giải pháp đồng bộ sau.
5.6

Trau dồi kiến thức, nâng cao chất lượng phóng viên kinh tế

hiện nay
Đây là phương pháp, giải pháp mà bất kỳ tòa soạn, bất kỳ phóng viên
nào cũng luôn phải thực hiện. Để viết một bài báo tốt, không chỉ kinh tế mà
bất kỳ lĩnh vực nào, cũng đều cần phải có kiến thức chuyên về lĩnh vực đó.
Một trong những nhược điểm của nhà báo là việc “biết rộng, không biết sâu”.

Do đó, khi sáng tạo tác phẩm, đặc biệt lại thuộc lĩnh vực trừu tượng như kinh
tế thì thường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí là không hiểu.


Chính vì thế, nhà báo kinh tế phải luôn học hỏi, trau dồi kiến thức về
kinh tế. Vừa để hiểu về những thuật ngữ, cũng đồng thời là một cách nâng cao
nghiệp vụ. Chỉ khi hiểu được vấn đề thì mới thể hiện tốt tác phẩm được.
Trong trường hợp nhà báo mới bước vào nghề, còn gặp nhiều khó khăn,
nên nhanh nhạy, linh hoạt trong việc thu thập thông tin, trau dồi kiến thức mọi
lúc mọi nơi. Một thủ thuật mà nhà báo Linh Chi chia sẻ có thể giúp ích rất
nhiều cho các nhà báo trẻ.
“Khi tôi đi phỏng vấn hoặc đi hội thảo, tôi thường hay hỏi lại người
phát biểu rằng: Có cách diễn đạt ý anh/chị vừa nói một cách đơn giản hơn,
gần gũi hơn không? hoặc anh /chị vừa nói, em hiểu chưa rõ, anh/chị vui lòng
nói đơn giản hơn - vậy là họ đã giải thích cho mình rồi. Có khi ở hội thảo,
người phát biểu mình không có điều kiện hỏi chính họ thì mình hỏi những
chuyên gia khác rằng: Có cách nào diễn đạt điều ông Anói cho nó gần gũi
hơn, đơn giản và dễ hiểu hơn không?”
Đó cũng là một cách hay để các nhà báo thể hiểu được những thuật ngữ
một cách nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu hiểu biết và có thể thay thế thuật ngữ
nếu cần, tránh lạm dụng và cũng tránh hiểu sai thuật ngữ.
5.7

Luôn ghi nhớ nguyên tắc giải thích khi sử dụng thuật ngữ

Một biên tập viên từng nói có ba nguyên tắc mà một phóng viên kinh tế
giỏi phải tuân thủ. “Thứ nhất,” bà ta nói, “là giải thích. Thứ hai là giải thích.
Và thứ ba... vẫn là giải thích.”6
Một phóng viên trước hết phải nghĩ đến độc giả. Chẳng ai dám đánh giá
thấp trình độ của các độc giả, nhưng nói chung giải thích thêm một chút vẫn

6

Các thủ thuật viết tin kinh tế, />
tap/2211


tốt hơn. Ngay cả những độc giả có trình độ học vấn cao vẫn cần được nhắc lại
về các khái niệm kinh tế. Tờ Wall Street Journal trở thành một trong những
nhật báo bán chạy nhất ở Mỹ bằng cách giải thích các tin kinh tế cho những
độc giả không phải là các nhà kinh tế và các chuyên gia kinh doanh, mà chẳng
hề mất danh tiếng chút nào. Mục tiêu của tờ báo là thu hút những người muốn
và cần biết về hoạt động kinh tế và kinh doanh – chứ không loại trừ đối tượng
này, như thể kinh doanh là một thứ câu lạc bộ riêng nào đó.
Và tất nhiên, một nhà báo thì đừng nên ngại giải thích. Một tờ báo lớn
như Wall Street Journal còn sẵn sàng giải thích GDP là ““tổng sản phẩm và
dịch vụ một nước làm ra trong 1 năm”, vậy thì cớ gì những nhà báo trẻ lại
cho mình cái quyền tự viết tắt mà không cần phải giải thích. Giải thích không
phải là bạn thừa nhận mình kém, mà trên hết, khi giải thích tức là nhà báo đã
thể hiện được sự chuyên nghiệp của mình. Chuyên nghiệp trong tri thức và
chuyên nghiệp trong nghiệp vụ.
Chính vì thế, người làm báo, đặc biệt làm báo kinh tế, phải luôn nhớ
trong đầu nguyên tắc không đổi: Giải thích, giải thích và giải thích. Đừng tự
huyễn hoặc rằng, công chúng phải là người “biết tuốt”. Và cũng đừng nhanh
chậm vài giây chỉ để hoàn thành sớm tác phẩm. Một phóng viên hiện đại hoàn
toàn có thể sử dụng Internet để tìm ý nghĩa của những thuật ngữ một cách
nhanh chóng và sử dụng luôn vào trong tác phẩm của mình.
Giải thích không phải là dài dòng. Giải thích càng không phải là thể
hiện sự thiếu hiểu biết. Giải thích đúng, giải thích đủ và giải thích có ích cho
công chúng chính là thể hiện sự tôn trọng công chúng và cũng là tôn trọng
chính nghề nghiệp của người làm báo.



PHẦN KẾT LUẬN
Kinh tế là một ngành khoa học trừu tượng. Báo chí, để có thể truyền tải
thông tin kinh tế đến với công chúng, không thể không sử dụng các thuật ngữ
chuyên ngành.
Mặc dù thuật ngữ có một vai trò rất quan trọng đối với hoạt động sáng
tạo tác phẩm của nhà báo, thế nhưng, lạm dụng thuật ngữ không mang lại hiệu
quả nhất định. Hiện nay, nhiều nhà báo vẫn sử dụng thuật ngữ một cách tràn
lan, thái quá mà không hề nghĩ xem, việc sử dụng thuật ngữ đó có giúp cho
công chúng tiếp nhận tốt thông tin hay không. Cùng với việc không giải thích,
sử dụng thuật ngữ kinh tế trên báo mạng điện tử hiện nay vẫn chứa nhiều yếu
tố tiêu cực hơn là tích cực.
Mặc dù vậy, cũng không thể phủ nhận, việc sử dụng thuật ngữ kinh tế
trên báo mạng điện tử vẫn có nhiều ưu điểm. Thế nhưng, những ưu điểm đó
vẫn còn quá nhỏ bé. Chính vì thế, nhà báo cần phải trau dồi thêm kiến thức
chuyên ngành, phải đọc, phải học và phải suy nghĩ để khắc phục những hạn
chế trong việc sử dụng thuật ngữ kinh tế.
Quan trọng nhất, nhà báo, khi sáng tạo tác phẩm phải luôn nghĩ đến
công chúng, người tiếp nhận thông tin. Phải tinh tế trong cách sử dụng từ ngữ
để vừa không làm thay đổi nội dung thông tin lại giúp cho người đọc tiếp
nhận hết thông tin mà nhà báo muốn gửi gắm.
Đề tài “Đánh giá việc sử dụng thuật ngữ chuyên ngành kinh tế trên
báo mạng điện tử hiện nay” là một đề tài mới, ít tư liệu. Trong quá trình thực
hiện, tiểu luận không thể tránh khỏi sai sót. Em rất mong được các thầy, cô
nhận xét, góp ý để em sửa chữa và có thể phát triển về sau.


Em xin chân thành cảm ơn các thầy, cô!
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Kinh tế chính trị Mac – Lenin, Nxb Chính trị quốc gian,
2006
2. Từ điển Tiếng Việt, viện Ngôn ngữ Học, 2003
3. Các thủ thuật viết tin kinh tế, />4. Để viết bài kinh tế cho hay, />5. Website


PHỤ LỤC
1.

Phỏng vấn nhà báo Hà Linh Chi, phóng viên Thời báo Ngân

Hàng
Người được phỏng vấn: Nhà báo Hà Linh Chi
Nội dung: Về việc sử dụng thuật ngữ chuyên ngành kinh tế trên các
trang báo mạng điện tử hiện nay.
PV: Thưa nhà báo! Trên các tờ báo mạng điện tử chuyên về kinh tế,
việc sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành là điều rất hợp lý vì độc giả rất
chuyên biệt. Còn đối với các tờ báo mạng xã hội, có đối tượng phổ thông
cũng sử dụng khá nhiều thuật ngữ chuyên ngành. Theo nhà báo đánh giá,
việc đó là tốt hay không tốt?
Nhà báo Linh Chi: Theo tôi, không thể trả lời ngay là việc sử dụng
thuật ngữ trên báo mạng xã hội là tốt hay không, bởi vì hiểu tốt hay không tốt
ở góc độ nào? Nếu người đọc hiểu được thuật ngữ đó thì là tốt, hay khi sử
dụng thuật ngữ có chú giải để người đọc hiểu được là tốt và cũng là một cách
cung cấp thêm thông tin, kiến thức cho người đọc. Ngược lại nếu sử dụng
thuật ngữ đơn mà người đọc không hiểu được thì rõ ràng là không tốt.
PV: Xét về tính tích cực, theo nhà báo, việc sử dụng thuật ngữ chuyên
ngành kinh tế có lợi ích gì cho cả công chúng và nhà báo khi sáng tạo tác
phẩm?
Nhà báo Linh Chi: Như tôi đã nói, sử dụng thuật ngữ khéo để người

đọc hiểu được thì là tốt, là nâng tầm chiều sâu cả người viết và người đọc, là
chứng tỏ người viết am hiểu chuyên sâu lĩnh vực, vấn đề mình viết. Ngược lại
sử dụng thuật ngữ không khéo và nếu chính người viết không hiểu rõ thuật


ngữ thì việc sử dụng thuật ngữ máy móc, bị động thì lúc này chính những
thuật ngữ đó làm hỏng tác phẩm.
PV: Có ý kiến cho rằng: Không dùng thuật ngữ thì không phải là viết
bài kinh tế. Nhà báo nghĩ gì về ý kiến này?
Nhà báo Linh Chi: Cũng không hẳn là không dùng thuật ngữ thì
không phải bài viết kinh tế. Nếu thuật ngữ đó có cách nói thông thường thì
không nhất thiết phải sử dụng thuật ngữ trong bài viết nhưng khi là bài viết
cho các tạp chí chuyên ngành, cho các bài tham luận khoa học thì phải dùng
thuật ngữ rồi. Nhưng thực tế rất nhiều thuật ngữ không có cách diễn đạt thay
thế nên vẫn phải dùng thuật ngữ thôi và nhiều thuật ngữ đã trở nên thông
dụng lắm rồi.
PV: Hiện nay, trên các tờ báo mạng điện tử xã hội, các phóng viên
kinh tế khi viết bài thường ít giải thích các thuật ngữ. Theo nhà báo, việc đó
có ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đối với công chúng?
Nhà báo Linh Chi: Như tôi đã trả lời, nhiều thuật ngữ đã trở nên thông
dụng lắm rồi ai cũng hiểu thì người viết cứ “hồn nhiên” mà dùng thôi. Nhưng
thuật ngữ mới, thuật ngữ quá chuyên sâu ít thì phải giải thích nếu không như
cô đã trả lời ở phần đầu, nói lên, viết ra điều mà người nghe, người đọc không
hiểu thì, thứ nhất – thông tin đó chả có ích gì cho người đọc thì thông tin đó
vô nghĩa, thứ hai - điều đó chứng tỏ người viết, người sử dụng thuật ngữ đó
cũng “chẳng hiểu gì”, nói theo cách của lớp trẻ là “trình thấp” , rõ ràng là
trình độ hiểu về vấn đề đó thấp mà trình độ viết cũng thấp. Như vậy rõ ràng là
ảnh hưởng tiêu cực đến cả 2 phía, người cung cấp thông tin và người thụ
hưởng thông tin.



PV: Bên cạnh việc không giải thích, nhiều phóng viên còn lạm dụng
thuật ngữ chuyên ngành, ít sử dụng từ thuần Việt dễ hiểu để thay thế. Theo cô
đánh giá, nguyên nhân tại sao lại có tình trạng này?
Nhà báo Linh Chi: Không hiểu rõ thì không biết trong đời sống có
cách viết, cách dùng từ nào khác không nên sao chép máy móc thuật ngữ
người khác nói vào bài. Cũng có một vài trường hợp là người viết cố tình
“khoe chữ”, nhưng lại vô tình tự tố cáo trình độ kém của mình (trường hợp
này ít thôi).
PV: Trên phương diện là một phóng viên kinh tế, cô có thể chia sẽ
những kinh nghiệm của mình để khắc phục những hạn chế ?
Nhà báo Linh Chi: Khi tôi đi phỏng vấn hoặc đi hội thảo, tôi thường
hay hỏi lại người phát biểu rằng: Có cách diễn đạt ý anh/chị vừa nói một cách
đơn giản hơn, gần gũi hơn không? hoặc anh /chị vừa nói, em hiểu chưa rõ,
anh/chị vui lòng nói đơn giản hơn - vậy là họ đã giải thích cho mình rồi. Có
khi ở hội thảo, người phát biểu mình không có điều kiện hỏi chính họ thì
mình hỏi những chuyên gia khác rằng: Có cách nào diễn đạt điều ông Anói
cho nó gần gũi hơn, đơn giản và dễ hiểu hơn không?
PV: Xin cảm ơn nhà báo đã trả lời phỏng vấn!



×