Tải bản đầy đủ (.docx) (21 trang)

Tieu luan tìm hiểu về nhà báo hoàng tích chu và những đóng góp của ông cho nền báo chí việt nam giai đoạn khởi thuỷ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (161.02 KB, 21 trang )

ĐẶT VẤN ĐỀ:

I.

Nhìn lại nền báo chí nước nhà từ khởi thủy cho đến trước Cách mạng
Tháng Tám, chúng ta có thể thấy rằng giai đoạn khởi nguyên của Báo chí
Việt Nam đã phát triển rất phong phú với đang dạng các phong cách và
khuynh hướng khác nhau. Nếu như có quan điểm rằng: “Lịch sử báo chí
như một bộ phận lịch sử dân tộc. Báo chí là người thư kí trung thành của
cuộc sống, phản ánh toàn bộ những biến động của lịch sử dân tộc” thì giai
đoạn này nền báo chí có nhiều biến động nhất do những nhân tố của lịch
sử.
Trong suốt thời kì phát triển báo chí Việt Nam trước Cách mạng
Tháng tám đã để lại cho những người làm báo đời sau nhiều kinh nghiệm
quý báu. Đó là cách làm báo, phương pháp làm báo trong điều kiện cơ sở
vật chất, khoa học kĩ thuật còn nghèo nàn lạc hậu, thậm chí mới manh nha
xuất hiện. Điều này thể hiện qua một số tờ báo tiêu biểu như Thanh Niên
(người sáng lập là Nguyễn Ái Quốc), L’Annam (Nguyễn An Ninh sáng
lập), Tiếng Dân (Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu sáng lập)… Trong
đó rõ nhất là tờ tạp chí Đông Tây do Hoàng Tích Chu đứng ra xin phép. Có
thể coi tờ Đông Tây của Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn là cái mốc quan trọng
trong lịch sử phát triển nghề làm báo của nước ta. Trên mặt báo, Hoàng
Tích Chu đề cập tới những vấn đề thiết thực hàng ngày của số đông dân
chúng.
Điểm nổi bật ở Hoàng Tích Chu đó là đã biết sử dụng lối văn chương
đổi mới đem lại luồng gió mới cho văn phong báo chí giai đoạn khởi thuỷ.
Ông còn là người đem đến những cải cách mới trong làng báo chí Việt nam
thời khởi thuỷ không chỉ diễn ra trên phương diện hình thức mà còn có sự
thay đổi cả về nội dung. Tất cả những quan niệm mang tính cách tân của
Hoàng Tích Chu về nghề báo, về người làm báo và cách làm báo, đã được
ông thực thi khá triệt để trên tờ Đông Tây. Có người đã ví sự xuất hiện của



1


tờ báo này giống như “một quả tạc đạn ném vào làng báo Việt Nam” đương
thời.
Để hiểu rõ hơn về nhà báo Hoàng Tích Chu và những đóng góp của
ông cho nền báo chí Việt Nam giai đoạn khởi thuỷ, tác giả đã chọn đề tài
này làm tiểu luận giữa kỳ bộ môn Lịch sử báo chí Việt Nam nâng cao. Tiểu
luận chắc chắn còn những thiếu sót và chưa có cách nhìn toàn diện về một
nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên được đào tạo tại Pháp và cũng là người đầu
tiên đã táo bạo thực hiện một cuộc cách mạng trong nghề báo ở nước ta,
bằng cả quan niệm và hoạt động thực tiễn, tác giả mong nhận được góp ý
của GS.TS Đỗ Quang Hưng

2


II.

TIỂU SỬ HOÀNG TÍCH CHU:
Hoàng Tích Chu sinh năm 1897 trong một gia đình quan lại, cha đã

có thời làm tri phủ. Quê gốc của ông ở làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn (tỉnh
Bắc Ninh). Lúc nhỏ ông được học chữ nho, sau chuyển sang học tiếng
Pháp.
Năm 1921, ông được nhận vào giúp viêc cho tòa soạn tờ Nam
Phong. Cũng vào năm này, Bạch Thái Bưởi cho ra mắt bạn đọc tờ Khai hóa
và mời Hoàng Tích Chu về làm chủ bút. Dưới bút danh Kế Thương, những
bài báo của Hoàng Tích Chu đăng trên tờ báo này đã bắt đầu gây chú ý cho

báo giới và bạn đọc. Một năm sau Hoàng Tích Chu rời Khai hóa và nung
nấu ý định sang Pháp học nghề báo.
Năm 1923, ông vào Nam Kỳ làm phụ bếp trên một con tàu biển, và
đã đến được nước Pháp. Thời gian học tại Pháp, Hoàng Tích Chu đã chú
tâm nghiên cứu vai trò và tác dụng lợi hại của báo chí trong cách mạng tư
sản Pháp. Bốn năm sau, trước khi về nước, ông đã kịp hoàn thành bản thảo
chuyên luận "Câu chuyện nhựt trình trong hồi cách mạng nước Pháp". Tập
sách được xuất bản tại Sài Gòn do nhà in Xưa Nay phát hành vào cuối năm
1927.
Ở Pháp, Hoàng Tích Chu và người bạn thân Đỗ Văn (sinh viên
trường Cao đẳng Sư phạm) hàng tháng nhận tiền trợ cấp của giáo sư trường
Albert Sarraut, Lê Hữu Phúc gửi sang. Hoàng Tích Chu học nghề làm báo,
còn Đỗ Văn học nghề in.
Học xong, hai người trở về nước năm 1927. Vừa lúc đó, Lê Hữu
Phúc sang Pháp học văn chương và triết học, với hy vọng, sau khi Lê Hữu
Phúc học xong, bộ ba sẽ lập một tờ báo riêng: Hoàng Tích Chu quản lý, Lê
Hữu Phúc chủ bút, Đỗ Văn in và phát hành. Tuy nhiên, sau khi học xong,
chưa kịp về nước Lê Hữu Phúc chết tại Pháp.
Năm 1927, Hoàng Tích Chu về nước. Tháng 6 năm ấy, Hà Thành
ngọ báo của Bùi Xuân Học ra đời, Hoàng Tích Chu được mời về làm biên

3


tập và Đỗ Văn lo in ấn. Những cách tân trong cách viết và cách trình bày
mới lạ đã chưa thuyết phục được bạn đọc.
Và chỉ 2 năm sau, Hoàng Tích Chu cho xuất bản tờ Đông Tây. Bằng
ngôn ngữ báo chí ngắn gọn, trong sáng, mang hơi thở cuộc sống hàng
ngày; bằng hàng loạt chuyên mục độc đáo và lối trình bày hiện đại... tờ
Đông Tây đã được bạn đọc và báo giới đón nhận nhiệt thành.

Cuối năm 1932, Đông Tây bị thu hồi giấy phép xuất bản. Đấy cũng
là lúc tờ Thời báo được xuất bản và Hoàng Tích Chu lại được chọn làm chủ
bút. Toàn bộ các chuyên mục của Đông Tây đã được Hoàng Tích Chu
chuyển sang tờ Thời báo, nhưng tờ này cũng chỉ ra được 20 số thì bị thu
giấy phép.
Cuộc đời của ông thật ngắn ngủi. Đúng 30 Tết, thiên hạ đang nô nức
chuẩn bị đón giao thừa, ông từ giã cõi đời ngày cuối cùng năm Quý Dậu
(1933), khi mới tròn 36 tuổi (1897 - 1933). Nhưng Hoàng Tích Chu đã để
lại một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử báo chí Việt Nam.

4


III.

ĐÓNG GÓP CỦA HOÀNG TÍCH CHU CHO NỀN BÁO CHÍ
VIỆT NAM GIAI ĐOẠN KHỞI THỦY:
Hoàng Tích Chu đến khi qua đời đã làm chủ bút bốn tờ báo lớn, làm

đảo lộn quan niệm cách viết báo đương thời, gây nhiều tranh cãi và hứng
nhiều đả kích, nhưng nhiều người đã bắt chước cách viết của ông. Có thể
còn có ý kiến trái ngược nhau khi đánh giá về ông, nhưng chúng ta không
thể không thừa nhận ông đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp phát triển
báo chí Việt Nam.
Điểm nổi bật ở Hoàng Tích Chu đó là đã biết sử dụng lối văn
chương đổi mới đem lại luồng gió mới cho văn phong báo chí giai đoạn
khởi thuỷ. Nếu năm 1922 cả nước có 86 tên, báo tạp chí, trong đó chỉ có
19 tên báo, tạp chí được xuất bản bằng chữ quốc ngữ (chỉ chiếm khoảng
22%) thì đến năm 1927 cả nước đã xuất bản 148 tên báo, tạp chí, trong đó
báo, tạp chí Việt văn được xuất bản đã lên tới 36 tên (chiếm 25%).

Như vậy chỉ trong 5 năm (1922 - 1927), số lượng tên báo, tạp chí
được xuất bản đã gia tăng 73%, riêng tên báo, tạp chí Việt văn gia tăng gần
90%. Nhưng các bài báo vẫn rườm rà, ít lượng thông tin, còn nặng nề vì lối
văn biền ngẫu, đầy chữ nho, điển tích khó hiểu. Các bài báo tích giảng giải
luân lý, triết học, học thuật lê thê, rối rắm, chỉ dành cho người am hiểu.
Chính vì vậy số lượng người đọc rất ít.
Với hiện trạng trên, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn đã thực hiện một
loạt cải cách. Tích Chu sử dụng lối văn mới, gọn gàng, sáng sủa, giàu
lượng thông tin, khác hẳn lối văn cũ đã mang lại một luồng gió mát mẻ,
đầy sinh khí, giàu chất sống cho văn phong báo chí lúc đó. Bấy lâu nay các
báo thường in xã luận dài dòng, chiếm hai cột ngang trên trang nhất, còn
Hoàng Tích Chu viết xã luận ngắn gọn, sắc bén, hàm súc như khẩu hiệu.
Trước kia, phần tin tức chỉ được in ở trang 2, 3, Hoàng Tích Chu cho in ở

5


ngay trang nhất, tin quan trọng được in nổi bật, phản ánh tin sốt dẻo, kịp
thời.
Ban đầu, người đọc chưa quen, phê phán văn Hoàng Tích Chu lai
Tây, câu cụt, cộc. Tác giả bị xem là kẻ lập dị, khôi hài. Hậu quả tai hại là
báo bán bị ế, ít người đọc. Ông chủ báo đành phải mời hai nhà canh tân
nghỉ việc.
Hoàng Tích Chu tự an ủi và đứng ra thành lập một tờ báo của hai
ông. Đó là tờ báo Đông Tây nổi tiếng. Số một Đông Tây xuất bản ngày 15
tháng 11 năm 1929, Hoàng Tích Chu lấy bút danh là Văn Tôi, để khẳng
định một cách chính thức cho một lối hành văn mới trong sáng, gọn gàng
bắt kịp cuộc sống đang diễn biến nhanh chóng của xã hội Việt Nam đang
chuyển mình vào một cuộc cách mạng mới do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tuy
Hoàng Tích Chu không ý thức được đầy đủ như vậy.

Trên mặt báo, Hoàng Tích Chu đề cập tới những vấn đề thiết thực
hàng ngày của số đông dân chúng. Một loạt các mục: Hôm nay, Bia miệng,
Chuyện lạ đường rừng, Trắng đen, Cuốn phim... phản ánh các khía cạnh
muôn mặt của đời thường làm cho tờ báo giàu lượng thông tin, gắn bó mật
thiết với cuộc sống của nhiều người. Báo Đông Tây còn in nhiều tranh ảnh,
minh họa hấp dẫn, ngộ nghĩnh.
Hoàng Tích Chu được toàn quyền tiến hành cải cách nên báo Đông
Tây đã đáp ứng được phần nào yêu cầu của xã hội, quần chúng hoan
nghênh. Báo Đông Tây được đánh giá là báo bán chạy nhất Bắc Kỳ lúc đó.
Hoàng Tích Chu đã coi làm báo là một nghề nghiệp trong xã hội.
Trên số 2 báo Đông Tây (2/11/1929) ông viết: "Nghề làm báo ở xứ ta cho
đến ngày nay vẫn chưa phải là một nghề theo đúng nghĩa của nó, vì ở xứ ta
chưa có trường dạy về báo chí. Chúng ta xem đó là trò tiêu khiển về tinh
thần, ký giả chỉ là những người lĩnh lương, tức là những người làm công, vì
vậy ký giả làm việc miễn cưỡng".
6


Ông phê phán lối làm báo công khai lúc đó: "Khi lập tờ báo, ông chủ
chỉ chú ý tới vấn đề tiền bạc, thay vì chú ý tới bộ biên tập" hay "Người chủ
bút, tuy ở trong nghề nhưng chưa biết tờ nhật báo có vai trò gì? Nhật báo
đối với họ chỉ là những bài xã thuyết cộng với một vài tin tức lượm lặt ở sở
cảnh sát hoặc dịch từ báo Pháp, và không hiểu rằng tờ nhật báo phải đề cập
đến những vấn đề thời sự: tin tức trong và ngoài nước... Họ cho tràn vào
mấy cột báo bất cứ tin tức nào bắt gặp trong báo Tàu hoặc báo Pháp".
Ông nhận xét đội ngũ người viết báo đương thời: "Chủ báo quan
niệm rằng ký giả là người làm công, ngày hai buổi đến tòa soạn để viết xã
luận, dịch tin tức để trám cho đầy cột báo... Những người làm công nói trên
tìm ở đâu ra? Đa số là những nhà nho sĩ nghèo và dốt, những người kiến
thức nông cạn nhưng muốn lòe thiên hạ với những câu văn hoa bóng bẩy".

Lối viết báo mới của Hoàng Tích Chu làm một số người chưa quen,
một số người khó chịu, một số người đả kích. Ngay cả Tản Đà là nhà thơ
cự phách, có nhiều đóng góp cách tân thơ ca, người báo trước phong trào
thơ mới, đồng thời là một người làm báo say mê, sáng lập tờ tạp chí văn
học đầu tiên ở nước ta, cũng hạ bút chê Hoàng Tích Chu: "Ông này gàn
bướng quá, ai mà chẳng là tôi, người ta phải có tên riêng chứ" (ý nói bút
danh Văn Tôi của Hoàng Tích Chu - An Nam tạp chí số 27 năm 1932). Thế
nhưng về sau, chính những người đả kích Hoàng Tích Chu đã chịu ảnh
hưởng lối viết của ông. Báo Công dân, Nhân loại... là một trong những tờ
chịu ảnh hưởng rõ nhất.
Đúng lúc Hoàng Tích Chu được toàn quyền thực hiện hoài bão thì
Đông Tây bị thu hồi giấy phép xuất bản. Cũng vào dịp này Thời báo được
tái bản, Hoàng Tích Chu được chọn làm chủ bút, Toàn bộ mục Đông Tây
lại được đưa sang Thời báo, có người lúc đó đã gọi Thời báo là Đông Tây
đội lốt. Thời báo đang giành được uy tín trong người đọc thì lại bị thu hồi
giấy phép khi số 20 vừa ra đời.

7


Sau khi Thời báo đóng cửa, Hoàng Tích Chu bị ốm rồi mất ngày 30
Tết năm Quý Dậu (1933). Trong thời gian ốm, một người bạn đến thăm,
ông vẫn tươi cười nói: "Nếu tôi được khỏe, chuyến này tôi sẽ mở một nhà
xuất bản lớn như các nhà ấn hành bên Âu - Mỹ, lúc ấy chúng ta lại có cơ
hội gặp gỡ làng văn...".
Ba năm sau khi ông mất, trên tờ báo Tràng An đã có bài viết: "Hoàng
Tích Chu ông tổ văn mới". Bài báo đánh giá: "Báo Đông Tây được người
đọc đón nhận nồng hậu, đem lại cải cách sâu rộng trong làng báo. Về mặt
nội dung chưa có gì tích cực, về hình thức là một cuộc cách mạng...".
Sau đó các báo Phong Hóa và Ngày Nay đã tiếp tục con đường canh

tân của Đông Tây và thành đạt.
Nếu gọi Hoàng Tích Chu là ông tổ văn mới có lẽ chưa thỏa đáng và
còn cần tiến hành nghiên cứu sâu hơn nữa mới xác lập được tính chính xác
phần đóng góp của ông. Nhưng Hoàng Tích Chu là một trong những người
đầu tiên viết văn mới và cách tân báo chí cho hòa nhập với yêu cầu của
cuộc sống mới lúc bấy giờ. Nhưng đóng góp của ông không thể phai mờ
trong lịch sử phát triển báo chí Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ
chúng ta.
Bên cạnh đó, ông cũng cũng có đánh giá và đưa ra quan niệm
như thế nào về nghề và người làm báo ở nước ta lúc đó một cách khách
quan, chính xác, đem lại cuộc cách mạng mới cho báo chí nước ta thời
bấy giờ.
Trong bài báo nổi tiếng Nghề làm báo ngày nay (Đông Tây số 2, ra
ngày 2-12-1929), một bài báo gây sóng gió trong làng báo đương thời,
Hoàng Tích Chu đã nói thẳng: “Nghề làm báo ở nước ta cho đến ngày nay
vẫn chưa phải là một nghề theo nghĩa đúng của nó vì ở nước ta chưa có
trường dạy về báo chí. Chúng ta xem đó là một trò tiêu khiển về tinh thần,
ký giả chỉ là những người lĩnh lương, tức là những người làm công, vì vậy
8


ký giả làm việc miễn cưỡng”. Ai sẽ trước hết phải chịu trách nhiệm về thực
trạng này?
Hoàng Tích Chu lúc đó đã rất có lý rằng người chịu trách nhiệm lớn
là các ông chủ báo. “Khi lập tờ báo, ông chủ chỉ chú ý tới vấn đề tiền bạc,
thay vì chú ý tới bộ biên tập. Chủ báo quan niệm rằng ký giả là người làm
công, ngày hai buổi đến tòa soạn viết xã luận, dịch tin tức để trám cho đầy
cột báo. Người chủ báo, tuy ở trong nghề, nhưng chưa biết tờ nhật trình có
vai trò gì? Nhật báo đối với họ chỉ là những bài xã thuyết cộng với vài tin
tức lượm lặt... Có người xem việc lập một tờ báo như mở một tiệm tạp hóa.

Chủ báo ít vốn nên không dám chịu tốn kém để mua hoặc tìm tin tức. Họ
chỉ trám vào mấy cột báo bất cứ tin tức nào bắt gặp trong báo Tàu hay báo
Pháp”, Tích Chu viết. Đây là những quy kết xác đáng về trách nhiệm của
người chủ bút - những người sẽ gây ảnh hưởng đặc biệt đến diện mạo và
khuynh hướng cho mỗi tờ báo.
Nhưng vào thời điểm Hoàng Tích Chu đang đề cập phần nhiều chưa
làm được việc này. Nên nhớ là từ khá lâu trước đó, vào những năm 1907 1908, thông qua Văn minh tân học sách, các nhà yêu nước Việt Nam đã đề
xuất một trong hai yêu cầu để báo chí có thể góp phần quan trọng thúc đẩy
phong trào canh tân xứ sở: các chủ bút phải được lựa chọn từ hàng ngũ
những trí thức Việt Nam ưu tú nhất. Đó là một đề xuất đúng đắn, nhất là
trong bối cảnh báo chí thật sự được coi như một phương tiện văn hóa (cùng
với nhà trường) để mở mang dân trí, nâng tầm dân tộc.
Hoàng Tích Chu cũng là người luôn đề cao và nhấn mạnh yếu tố văn
hóa trong nghề làm báo. Trong cách nhìn của ông, mỗi tờ báo cũng đồng
thời là một cơ quan văn hóa, bởi vậy những ứng xử nghề nghiệp cũng phải
theo tinh thần đó. Nhân một cuộc bút chiến giữa hai tờ Phổ thông và Ngọ
báo - cuộc bút chiến có nguy cơ đưa hai cơ quan ngôn luận này rời xa mục
đích đi tìm chân lý mà quay ra hạ bệ nhau với những toan tính cá nhân, vị
9


kỷ - Hoàng Tích Chu đã viết bài Thử ngẫm về cuộc bút chiến giữa hai tờ
báo đăng trên Đông Tây số ra ngày 22-10-1930.
Sau khi tóm tắt nguyên nhân cuộc bút chiến, trong phần Mối cảm
tưởng của tôi, ông viết: “Tờ báo là nơi công chúng quan chiêm, chỉ có ta
khinh độc giả thì ta mới ăn nói một cách sỗ sàng... Một điều tôi rất phàn
nàn là trong ít lâu nay, làng báo ta thường hay có thói khích bác, bêu riếu
nhau”. Hoàng Tích Chu cho rằng nghề làm báo cũng như nhiều nghề khác
trong xã hội, phải chịu sức ép của luật cạnh tranh, nhưng - nói theo ngôn
ngữ bây giờ - đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, bằng chính chất lượng

nội dung và hình thức của tờ báo, “chứ không phải ganh nhau ở cái chỗ
khuynh loát bằng những cách đê hèn, soi mói đời tư nhau ra để hòng giảm
giá trị người ta... Bất cứ nghề nào cũng vậy, nói xấu nhau là phạm một điều
vô đạo”. Kết thúc bài báo đầy ưu tư này, Hoàng Tích Chu kêu gọi các đồng
nghiệp: “Muốn tăng trình độ cho người đọc báo, ta nên tự tăng trình độ cho
ta trước”. Đã hơn 70 năm từ khi bài báo này xuất hiện, nội dung của nó vẫn
còn rất nhiều ý nghĩa đối với các nhà báo hôm nay.
Kiểm duyệt báo chí luôn luôn là một vấn đề nhạy cảm trong hoạt
động của lĩnh vực này. Chính sách kiểm duyệt ngặt nghèo của nhà cầm
quyền Pháp với báo chí đương thời, đặc biệt là với báo chí quốc ngữ, là
điều khiến cho những nhà báo tâm huyết như Hoàng Tích Chu thấy sẽ
phương hại đến tính năng động tích cực của báo chí, phương hại đến vai trò
thật sự của báo chí đối với đời sống xã hội. Dĩ nhiên có rất nhiều nhà báo
nhận thức được vấn đề này, nhưng quả cảm như Hoàng Tích Chu thì không
phải ai cũng làm được: ông đã cho đăng trên trang nhất Đông Tây ra ngày
12-4-1930 bài Báo quốc ngữ với quyền tự do ngôn luận của tác giả
A.E.Babut, đương nhiên cũng là quan điểm của ông và Đông Tây: “Khi
nào báo chí được tự do, khi nào báo chí có những người xứng đáng chủ
trương, thì bấy giờ báo chí đối với dư luận của mọi người sẽ có ảnh hưởng
10


rất sâu xa... Nhiều người rất mong cho ngôn luận được tự do để nâng cao
trình độ luân lý của các hạng người trong xã hội”. Tuy nhiên, Hoàng Tích
Chu ý thức được giới hạn của vấn đề để không rơi vào cực đoan. Bài báo
còn có đoạn sau: “Có nên cho báo quốc ngữ ngày nay được hưởng quyền tự
do như báo bên Pháp không? (...) ý kiến như sau này: nên bỏ cái chế độ
(kiểm duyệt) hiện thời và nên cho báo được tự do, nhưng nên đặt luật riêng
để cho khỏi có sự tệ lạm (người viết nhấn mạnh)”. Đây không phải là một ý
kiến cải lương, nó cho thấy sự mềm mỏng của Đông Tây khi đối thoại với

nhà cầm quyền, trong nỗ lực “đòi (tự do) bằng lời” mà Hoàng Tích Chu đã
từng đề cập trong cuốn chuyên luận xuất bản từ 1927.
Không chỉ phát ngôn trực tiếp những ý kiến, những nhận xét và
những quan niệm như trên về nghề làm báo, thông qua tờ Đông Tây, Hoàng
Tích Chu còn muốn mở một cánh cửa để đồng nghiệp và bạn đọc nhìn ra
đời sống báo chí thế giới, giúp họ có thêm cơ sở so sánh với báo chí nước
nhà và, có lẽ, ông hy vọng những người làm báo Việt Nam có thể học hỏi
được những kinh nghiệm có giá trị từ những nền báo chí tiên tiến đương
thời.
Ông đã từng cho đóng khung và in đậm một câu trích của thi hào
Tagore (Ấn Độ) trên trang nhất tờ Đông Tây số ra ngày 3-5-1930, như một
cách phát biểu quan niệm của ông về vấn đề thu lượm những tinh hoa văn
hóa nhân loại trong thời buổi nền văn minh phương Tây đã tràn vào Việt
Nam: “Ta nên nhận rằng thứ văn hóa cổ không hợp với tình thế ngày nay
nữa, nó phải biết thu lấy thứ văn hóa mới của thế giới, đó là cái nghĩa chính
về sự tiến bộ trong loài người”. Theo tinh thần đó, tờ Đông Tây đã đề cập
đến khá nhiều những vấn đề thuộc về lĩnh vực văn hóa, và nó chính là tờ
báo đã cung cấp cho bạn đọc nhiều nhất - vào thời điểm đó - những thông
tin về báo chí nước ngoài. Trên số ra ngày 27-1-1932, Đông Tây có bài
Murayama-ông vua báo Nhật nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tờ
11


Asahi, tờ báo lớn nhất của xứ Phù Tang. Chắc chắn những thông tin về tờ
báo này sẽ gây sửng sốt cho bạn đọc lúc ấy: “Vốn 6 triệu yên, 3.795 người
làm, 40 bộ máy in, 19 chiếc tàu bay, 500 con chim bồ câu để đi thông tin và
một đường dây nói riêng từ Tokyo đến Osaka, đó là qui mô vĩ đại của tờ
báo Asahi, tờ báo lớn nhất của Nhật Bản, và đó là công cuộc 50 năm nỗ lực
không biết mệt của ông Murayama”.
Người ta có thể thấy đằng sau bài báo này một mơ ước của Đông

Tây (và Hoàng Tích Chu), dường như nó cũng ngầm đưa ra một thông
điệp: con đường mà Murayama và tờ Asahi đã đi - với tính mục đích của
một tờ báo trong hoàn cảnh không mấy khác nước ta ở điểm xuất phát không phải là điều không tưởng đối với báo giới Việt Nam.
Những vấn đề thuộc về kỹ thuật nghề nghiệp cũng được Hoàng
Tích Chu quan tâm. Dĩ nhiên, là người được đào tạo bài bản, ông có điều
kiện hơn hết khi nói về những ngón nghề có thể giúp ích ít nhiều cho
những đồng nghiệp của ông phần đông còn đang hoạt động trong tình trạng
thiếu chuyên nghiệp ở ta.
Trong bài viết Hai góc trời hai hạng phóng sự, Đông Tây (số ra ngày
16-1-1932) đã giới thiệu những điểm khác nhau trong cách làm tin và
phóng sự giữa các nhà báo châu Âu và châu Mỹ. Những nhận xét khá thú
vị, chẳng hạn: “Bên châu Âu, muốn đương nổi cái chức trách một người đi
“nhặt tin chó chết” phải có học, học rộng (...) Trái lại, nhà phóng sự các báo
bên Mỹ không thế. Họ chẳng cần phải có học vấn rộng. Mà lại phần nhiều
là những người vô học hay ít học mới chịu chạy đi “nhặt tin chó chết” (...)
vậy mà các báo bên Mỹ vẫn có đủ tin tức mau chóng một cách lạ thường”.
Có điểm khác biệt này là bởi “Nước Mỹ là một nước rất tiến bộ về đường
máy móc. Một ly một tí gì cũng làm theo phương pháp khoa học” và vì thế
các nhà báo Mỹ cũng “ở trong guồng máy tri thức (...) Một tin vặt trước khi

12


xuất hiện trên mặt báo đã phải qua tay năm bảy người gọt nặn”. Bài báo
kết luận: “Các phóng sự Mỹ có giống các phóng sự châu Âu là ở tính lanh
lợi, lòng mạo hiểm của họ. Ở hai góc trời, châu Âu và châu Mỹ, nghề làm
báo cùng tiến bộ mà sao phương pháp làm việc lại khác nhau!”. Đây chỉ là
một trong không ít ví dụ cho thấy những nỗ lực của Hoàng Tích Chu trong
hoài bão đóng góp sự biết sự học của mình vào việc đưa hoạt động báo chí
ở nước ta lên tầm chuyên nghiệp.

Hoàng Tích Chu ý thức được một xã hội tiến bộ là một xã hội mà
mọi ngành nghề phải có tính chuyên nghiệp cao, mọi công dân đều phải
sống với nghề của mình. Quan niệm này đã được ông bộc lộ từ khá sớm
trong bài báo Vì sao phải chọn nghề cho con trẻ?: “Bọn thiếu niên phải
nhận lấy cái chức trách tìm tia ánh sáng, phải chọn cái nghề nghiệp hợp với
tài năng, để đến khi đầu bạc, bước ra khỏi vòng hoạt động, ta có thể nói
được cái câu này: “Tôi còn muốn hăng hái ra làm việc nữa! Mà kiếp sau có
làm người thì tôi vẫn con đường này tôi đi, tôi vẫn cái nghệ kia tôi làm”.
Với nghề làm báo, điều đó lại càng đúng. Nó không chỉ là nghề, mà còn là
cái nghiệp.
Những người làm báo trước và cùng thời với Hoàng Tích Chu phần
nhiều xuất thân Nho học và một số xuất thân Tây học. Dẫu xuất thân từ
nguồn nào thì ở giai đoạn giao thời ấy, họ vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng của
lối đào tạo truyền thống, lối đào tạo mà Đông Tây từng chỉ trích là “cái học
khoa cử, cái học hư danh”. Những người này đến với báo chí trước hết
bằng cả một tinh thần “túy tâm văn hóa”, và sau nữa như một nghề kiếm
sống, với không ít bỡ ngỡ trước một hoạt động văn hóa còn rất mới. Tuy
nhiên, là sản phẩm của lúc giao thời lại có nhiều ngỡ ngàng, không phải ai
trong số họ cũng có được ngay một cái nhìn chân xác về công việc làm báo.
Cũng là cầm bút, nhưng họ có xu hướng đề cao các sáng tạo văn chương,
học thuật hơn là “viết nhật trình”. Hoàng Tích Chu nhận thấy thực trạng
13


này và ông hiểu rằng muốn cách tân nền báo chí Việt Nam thì phải có
những con người xứng đáng phụng sự cho nghề báo - những người nhận
thức được sứ mạng của nhà báo và có tính chuyên nghiệp cao, những người
toàn tâm toàn ý đóng góp tâm trí mình cho lĩnh vực này.
Trọng nghề, đó cũng chính là biểu hiện cao nhất của lòng tự
trọng ở người làm nghề, là trung thành với lý tưởng nghề nghiệp mà

mình đã lựa chọn trên đường đời. Trước sau Hoàng Tích Chu đã nhiều
lần bày tỏ quan điểm này. Trong bài Thử ngẫm về cuộc bút chiến của hai tờ
báo đã dẫn, ông đã viết những dòng thống thiết trước các đồng nghiệp:
“Khi ta đã cùng nhau dấn mình vào tập cái nghề này, tuy không phải tuyên
thệ trước tòa án như các luật sư, nhưng trước bàn thờ bà Chúa Báo, chúng
ta con một nhà, đã ký kết một bản giao kèo thầm: Tôi xin trọng nghề!”.
Thái độ này và những hành xử nghề nghiệp mang tính dấn thân của Hoàng
Tích Chu đã có những tác động rất đáng kể đến các nhà báo đương thời,
nhất là các nhà báo trẻ.
Trong nhiều hồi ký báo chí sau này của các nhà báo thành danh
(Phùng Bảo Thạch, Vũ Bằng, Tế Xuyên...), chúng ta thấy họ đều thừa nhận
đã chịu ảnh hưởng của Hoàng Tích Chu như thế nào, trong đó có một điều
quan trọng: Hoàng Tích Chu đã góp phần giúp họ ý thức được vị thế của
nghề báo và của người làm báo.
Là một nhà cách tân, Hoàng Tích Chu dễ dàng nhận thấy tình trạng
không rõ ràng giữa văn và báo, giữa phương cách hoạt động của Nhà văn
và Nhà báo còn tồn tại trong thời buổi báo chí nước ta đang đi những bước
ban đầu. Bao lớp trí thức trước và đồng thời với ông đã ôm mộng văn
chương bước vào nghề báo. Đó là biểu hiện rõ nhất và kéo dài trong tính
thiếu chuyên nghiệp của báo chí nước ta.

14


Ông đã từng khuyên một người như thế - Tế Xuyên - khi thanh niên
này bước vào làng báo mà vẫn chưa hiểu rõ công việc: “Anh nên kiếm đề
tài sinh hoạt trong dân chúng mà viết những bài phóng sự, còn nếu anh
chuyên chú vào tiểu thuyết, anh sẽ khó thành một nhà viết báo được”. Hơn
nữa, dưới con mắt chuyên nghiệp, ông đã giúp nhà báo trẻ phân biệt được
công việc viết văn và viết báo: “Kẻ viết văn lắm khi không phải là kẻ viết

báo, dù là khi mình viết báo, điều tối thiểu là phải biết viết văn. Nhưng con
nhà báo còn phải có lối viết riêng nữa: sáng sủa, rõ ràng, khúc chiết và dễ
hiểu. Hơn nữa, nhà báo không sống bằng tưởng tượng quá nhiều như nhà
văn mà phải sống thiết thực, có óc khoa học và quan sát tinh vi”.
Những nhận xét của Hoàng Tích Chu quả thật là rất mới so với lúc
bấy giờ, khi mà ngôn ngữ thông tấn còn là một điều khá xa lạ với bạn đọc
và với không ít các nhà báo, khi mà lối viết kiểu văn chương biền ngẫu vẫn
tràn ngập trên các trang báo và vẫn tỏ ra hợp khẩu vị với nhiều người.
Tất cả những quan niệm mang tính cách tân của Hoàng Tích Chu về
nghề báo, về người làm báo và cách làm báo, đã được ông thực thi khá triệt
để trên tờ Đông Tây. Có người đã ví sự xuất hiện của tờ báo này giống như
“một quả tạc đạn ném vào làng báo Việt Nam” đương thời. Ông với các
cộng sự đồng quan điểm (Tạ Đình Bính, Phùng Bảo Thạch, Tam Lang, Vũ
Bằng, Tế Xuyên, Lãng Nhân và đặc biệt là Đỗ Văn - người lo trình bày in
ấn) đã trình làng một tờ báo tiếng Việt được coi là hiện đại bậc nhất lúc ấy,
“như một tờ báo bên Tây”. Một cái mới xuất hiện không dễ gì đã được số
đông chấp nhận ngay, phải mất một thời gian, tờ Đông Tây mới thật sự
khẳng định được vị trí của nó trong làng báo và trong xã hội. Có thể coi đó
là một hiện tượng trong đời sống văn hóa Việt Nam, khi mà Đông Tây và
những người chủ trương đã đi tiên phong trong việc không lưỡng lự tiếp
nhận và học hỏi những kinh nghiệm từ một nền báo chí hiện đại bên ngoài

15


để làm mới mình và họ đã làm mới một cách thành công, phù hợp với bước
đi của thời đại.
Hoàng Tích Chu còn đem đến những cải cách mới trong làng báo
chí Việt nam thời khởi thuỷ. Lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu nước ta cho
rằng, những cải cách của Hoàng Tích Chu mới chỉ diễn ra trên phương diện

hình thức, còn nội dung không thấy có sự biến chuyển nào. Nhận định như
vậy là chưa hoàn toàn chính xác.
Như ai nấy đều biết, vào những năm 1929 - 1932 báo chí vô sản vừa
mới khai sinh đã bị đàn áp dữ dội, buộc phải rút vào bí mật. Báo chí cách
mạng nói chung cũng chịu tình cảnh như vậy. Những tờ báo tiến bộ có xu
hướng yêu nước được nhà cầm quyền thực dân cấp phép trước đây giờ
không dám bầy tỏ thái độ chống đối chính sách cai trị của người Pháp và
triều đình nhà Nguyễn. Mọi nỗi bất bình của người dân đối với tầng lớp
thống trị chỉ được đề cập trên mặt báo ở mức độ phê phán nhỏ lẻ, có giới
hạn. Để được yên thân, các báo tránh công kích bọn tham quan ô lại, bọn
công chức cả Tây lẫn ta tai to mặt lớn, hầu hết tập trung khai thác những
thói hư tật xấu trong nhân dân, những tiêu cực xã hội mới nảy sinh như các
vụ kỳ án, tự tử vì tình, buôn gian bán lận, cờ bạc trộm cắp... Đông Tây tuần
báo cũng nằm trong bối cảnh chung đó.
Tuy nhiên, nếu khảo sát toàn bộ báo Đông Tây thời kỳ này ta sẽ phát
hiện thấy có một số bài đi chệch khỏi nội dung thông thường. Chẳng hạn
loạt bài phê phán thuyết Quân chủ lập hiến đăng rải rác từ 1930 -1932.
Trong đó có một số bài của Hoàng Tích Chu. Ông viết, việc xin lập đảng
Lập Hiến của Phạm Quỳnh là không hợp thời. Nó như món hàng xa xỉ chỉ
có ở những nước độc lập, có quyền tự do dân chủ. Hoàng Tích Chu đã gián
tiếp cho mọi người thấy, Việt Nam dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp
chỉ là một xứ thuộc địa, người dân chỉ có một quyền duy nhất, đó là quyền

16


được làm nô lệ. Đọc Đông Tây thời kỳ này, người ta không phát hiện thấy
bài nào đả động đến thuyết Trực trị (đối lập với Quân chủ Lập Hiến, yêu
cầu người Pháp cai trị trọn vẹn, toàn diện toàn bộ Việt Nam). Rõ ràng là
Hoàng Tích Chu ít nhiều ủng hộ quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh, dù ông

không nói ra. Đối với vụ bạo động Yên Bái (1930) cũng vậy. Không ngày
nào Đông Tây không có bài bàn về vụ việc này. Nếu như các báo khác khai
thác những chuyện thuộc hàng thâm cung bí sử của Việt Nam Quốc dân
Đảng, bới móc những chuyện giật gân xoay quanh các lãnh tụ Phó Đức
Chính, Nguyễn Thái Học, Ký Con thì ở báo Đông Tây chỉ thuần tuý thông
tin vụ việc, không bày tỏ thẳng thái độ. Nhưng khi cô Bắc, người yêu,
người đồng chí của Nguyễn Thái Học tự vẫn sau khi 13 lãnh tụ Việt Nam
Quốc dân Đảng phải lên đoạn đầu dài, thì Đông Tây cho đăng một loạt bài
bày tỏ sự thương xót, thông cảm với người phụ nữ anh hùng này. Qua đây
báo đã đề cao truyền thống đấu tranh bất khuất của người phụ nữ Việt
Nam...
Qua những nét khái lược trên chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định
vai trò canh tân báo chí cũng như ngôn ngữ văn học của Hoàng Tích Chu.
Để đánh giá một cách đầy đủ đóng góp của ông, chúng ta xin mượn lời của
một số học giả, nhà nghiên cứu lý luận đã được sống trong môi trường báo
chí cùng thời với Hoàng Tích Chu: “Cái cảm tình của quốc dân đối với ông
Chu tưởng cũng là một sự thưởng công xứng đáng cho ông đã ra tờ Đông
tây để gây nên một sự cải cách lớn trong làng báo Bắc Kỳ...” - Phiếu Sơn phê bình và cảo luận. Còn ông Phan Khôi, vào năm 1931 đã viết trên báo
Trung lập bài Văn nghị luận phải viết như thế nào? trong đó có đoạn
“Trong văn quốc ngữ ta, cái lối viết của ông Hoàng Tích Chu thật nó biệt
hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là: “lối văn Hoàng Tích Chu”, sự ấy trong
làng văn ta hình như đã công nhận một cách vô tâm rồi. Chẳng luận lối văn

17


ấy ông Chu sáng tạo ra hay bắt chước của ai, nội một cái biệt lập ra một
nhà được như thế cũng khá gọi là tay hào kiệt trong làng văn vậy”.

III. KẾT LUẬN:

Mặc dù chỉ mới nổi danh trong làng báo có 3 năm (1929-1932), nhưng
Hoàng Tích Chu đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Lối văn và cách làm báo của ông đã để lại không ít tranh cãi, tuy nhiên đã
đánh dấu một bước cách tân cho báo chí về hình thức và trình bày

18


Thiếu Sơn, trong phê bình và cảo luận nhận định: Cái cảm tình của quốc
dân đối với ông Chu tưởng cũng là một sự thưởng công xứng đáng cho ông
đã ra tờ Đông Tây để gây nên sự cải cách lớn trong làng báo Bắc Kỳ. Còn
Phan Khôi nhận xét về ông: Trong văn Quốc ngữ ta, cái lối viết của ông
Hoàng Tích Chu thật nó biệt hẳn ra một lối, đủ mà kêu được là “lối văn
Hoàng Tích Chu”, sự ấy trong làng văn ta hình như đã công nhận một cách
vô tâm rồi. Chẳng luận lối văn ấy ông Chu sáng tạo ra hay bắt chước của
ai; nội một cái biệt lập ra một nhà được như thế, cũng khá gọi là tay hào
kiệt trong làng văn vậy. Lối văn Hoàng Tích Chu ấy mà muốn vĩnh viễn
thành lập trên văn đàn, bề nào cũng phải cải lương. Mà sự cải lương nầy
không cốt ở sửa đổi đẽo gọt bề ngoài, phải nhờ ở công học vấn bên trong
mới được.
Để đánh giá về những đóng góp của Hoàng Tích chu cho nền báo chí Việt
Nam giai đoạn khởi thuỷ, Trần Hoà Bình viết: “Ông được coi là nhà báo
chuyên nghiệp đầu tiên được đào tạo tại Pháp và cũng là người đầu tiên đã
táo bạo thực hiện một cuộc cách mạng trong nghề làm báo ở nước ta, bằng
cả quan niệm và hoạt động thực tiễn (ông đã làm chủ bút hoặc giữ vai trò
yếu nhân 4 tờ báo nổi tiếng: Khai hóa, Hà Thành ngọ báo, Đông Tây, Thời
báo). Chính những phát ngôn và hành xử nghề nghiệp của ông đã làm đảo
lộn quan niệm về nghề và người làm báo trong đời sống báo chí đương
thời, làm thay đổi cách tiếp nhận thông tin từ số đông bạn đọc - những
người chưa quen với những thông tin bộc lộ một thái độ quyết liệt về

những thông tin bộc lộ một thái độ quyết liệt về những vấn đề xã hội, chính
trị. Và ông, như một lẽ đương nhiên của kẻ đi tiên phong, đã hứng chịu rất
nhiều búa rìu của dư luận - chủ yếu là từ các đồng nghiệp vẫn “theo lối làm
báo cổ hủ ở xứ ta” (Tế Xuyên).
Dẫu có thể còn có những cách nhìn khác nhau về Hoàng Tích Chu,
nhưng khi nhắc đến ông và các tờ báo mà ông đã thực hiện, đặc biệt là tờ

19


Đông Tây, người ta không thể không thừa nhận những tác động tích cực
của "hiện tượng Hoàng Tích Chu và Đông Tây" đến đời sống báo chí Việt
Nam đương thời và mấy thập niên về sau. Ông xứng đáng với danh hiệu
"người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam".

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. GS. TS Đỗ Đỗ Quang Hưng (Chủ biên). Lịch sử Báo chí Việt Nam

1865-1945, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.

20


2. GS.TS Đỗ Quang Hưng cùng một số Thạc sĩ. Tập bài giảng Lịch sử

báo chí Việt Nam, Khoa báo chí Đại học KHXH&NV TP HCM,
2009.
3. Nguyễn Thị Thúy Hằng, Dòng báo chí chính trị với đời sống chính
trị Việt Nam giai đoạn 1925 – 1945 (Phần mở đầu và tổng quan tình
hình nghiên cứu của luận án Tiến sĩ – Khoa báo chí, trường Đại học

KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội), 2014.
4. Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam: từ khởi thủy đến 1945, NXB TP
HCM, 2000.
5. Sơ thảo lịch sử báo chí Hà Nội, 1905 – 2000, NXB Chính trị Quốc
gia, 2004.
6. Từ điển tác giả văn hóa Việt Nam thế kỷ XX, NXB Hội nhà văn,
2003.
7. Phạm Hồng Duy, Lịch sử Báo chí – Phần 1, Tài liệu nghiên cứu của
Khoa báo chí trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình.
8. Nguyễn Hữu Viêm, Tạp chí Xưa & Nay, số 61 (3-1999).
9. Báo Đông Tây (ra ngày ngày 16/1/1930) và Tràng An (ra ngày 30
tháng 10 năm 1936).
10. Một số tư liệu tham khảo trên mạng.

21



×