Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN DẠ NGÂN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (86.31 KB, 7 trang )

HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT NỮ TRONG TRUYỆN NGẮN DẠ NGÂN
(Trần Hoàng Nhã Trúc – Lớp Cao học Văn học Việt Nam K18)
Tóm tắt:
Dạ Ngân là một trong những cây bút nữ có nhiều đóng góp cho sự phát triển
của văn xuôi đương đại Việt Nam. Truyện của Dạ Ngân đa dạng về phong cách và thể
loại. Bài viết này chỉ xác định và nêu một số đặc điểm nghệ thuật về hình tượng nhân
vật nữ trong truyện ngắn Dạ Ngân. Thông qua hình tượng nhân vật nữ, người đọc có
thể cảm nhận tác phẩm rõ hơn cũng như hiểu những thông điệp nghệ thuật mà nhà
văn muốn gửi gắm.
Từ khóa: Nhà văn Dạ Ngân, hình tượng nhân vật phụ nữ
1. Văn xuôi Việt Nam giai đoạn sau 1975 chứng kiến sự bứt phá vươn lên của nhiều
cây bút nữ, trong đó có nhà văn Dạ Ngân. Sự xuất hiện và hoạt động sáng tác sôi nổi
của họ đã làm cho diễn đàn văn học nhiều màu sắc, đa dạng về giọng điệu và phong
cách. Bạn đọc yêu mến Y Ban, Võ Thị Hảo, Lý Lan, Trần Thùy Mai, Dạ Ngân,
Nguyễn Ngọc Tư ..., không phải vì họ là nữ mà chính là vì những tác phẩm văn học
xuất sắc của họ. Dạ Ngân khởi nghiệp văn chương sớm (giai đoạn trước 1975), nhưng
phải đến khi các tập truyện Quảng đời ấm áp (1986), Con chó và vụ ly hôn (1989),
Cõi nhà (1993), và nhất là quyển Gia đình bé mọn ra đời, thì nhà văn thực sự trở thành
một cái tên được “bảo chứng” về tài năng văn chương. Đến nay, nhà văn Dạ Ngân đã
xuất bản được 7 tập truyện ngắn với nhiều đề tài khác nhau. Tuy nhiên, vốn là cây bút
coi trọng sự chân thực, lại là phụ nữ nên các nhân vật nữ trong và sau cuộc chiến 1975
vẫn là kiểu nhân vật thể hiện rõ thế mạnh và sắc thái riêng của nhà văn. Nhà văn từng
nói: “Trong và hậu chiến tranh, thân phận người phụ nữ vẫn là nhân vật chính trong
tác phẩm mang tính để đời”[7]. Truyện ngắn Dạ Ngân không chỉ có nhân vật nữ và chỉ
thành công trong việc xây dựng nhân vật nữ, nhưng đây vẫn là nơi nhà văn nhiều cảm
xúc nghệ thuật, tâm huyết cuộc đời và nhiều quan tâm, trăn trở nhất.
Thống kê trong 60 truyện ngắn của Dạ Ngân, thì thấy có đến hơn 40 truyện (ty
lệ 2/3) có nhân vật nữ chính. Các nhân vật nữ trong truyện Dạ Ngân không thuộc tầng
lớp những người anh hùng hay có những kỳ tích, đặc điểm, tài năng cá nhân nổi trội.
Nhà văn thường quan tâm đến những con người đời thường trong các mối quan hệ gia
đình và xã hội. Họ là những người mẹ, người vợ, người chị, em gái… hay chỉ là một


thân phận đơn chiếc như muôn vàn khuôn mặt, cuộc đời mà ta thường gặp. Họ có
nhiều cảnh ngộ, nhiều tính cách, nhiều số phận khác nhau, nhưng đều có một mẫu số
chung là phụ nữ và mang dấu ấn sáng tạo riêng của Dạ Ngân.
2. Nhân vật là con người được thể hiện trong tác phẩm, là yếu tố quan trọng quyết
định sự thành công của truyện và là nơi thể hiện rõ nhất tư tưởng, tài năng nghệ thuật
của nhà văn. Nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ trong truyện ngắn Dạ Ngân không thể
gói gọn trong các câu trả lời là nhà văn miêu tả ngoại hình thế nào, tính cách ra sao
hay việc sử dụng từ ngữ, câu văn; mà còn liên quan nhiều vấn đề khác như quan niệm
con người của cá nhân tác giả và sự cộng hưởng của thời đại, mảng đề tài thường
chọn, cảm hứng sáng tạo, tư tưởng...
Trong quan niệm của Dạ Ngân, người phụ nữ luôn là sự kết tinh của mọi vẻ đẹp
trong sáng, thuần khiết. Vẻ đẹp ấy thể hiện qua hình thức bề ngoài, qua cử chỉ, phong
thái, hành động và nhất là qua ấn tượng, cảm nhận của người khác. Khi xây dựng nhân
vật nữ, có khi nhà văn miêu tả trực tiếp, có khi gián tiếp; nhưng tất cả đều mang một
vẻ đẹp giản dị, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam. Ví dụ vẻ đẹp nhân vật Sa trong
Chuyện ở Pailin qua cái nhìn đầy cảm xúc của nhân vật tôi: “Tôi nhìn vào đôi mắt


long lanh của cô bạn tôi [...] những ngón tay trắng trẻo lùa vào mái tóc màu mỡ [...]
Khuôn mặt thì nhỏ nhắn xinh xắn” [1; tr 115, 116]. Nhân vật Hoa trong truyện Điều
khác trước xuất hiện bằng âm thanh tiếng dép, trang phục đẹp trong cảm nhận của
người khác:“Phía cầu thang, có tiếng dép da lẹp xẹp. Hoa, cô bạn tôi, áo xoa trắng
muốt có hai dây nơ dịu dàng rủ xuống ngực, quần âu màu kem, hiện ra ngoài cửa
phòng” [1;tr 154]. Nhân vật Đoan trong Con chó và vụ ly hôn cũng vậy. Trong cảm
nhận của nhân vật bà chánh án, Đoan có một vẻ đẹp riêng của một người phụ nữ vừa
phải chịu đựng nhiều nỗi buồn khổ vừa mạnh mẽ, trong sáng:
“Chị khá trẻ so với chồng, chỉ khoảng ba mươi tuổi, đôi mắt màu nâu buồn
buồn do nhiều ngày mất ngủ và nhẫn nhịn, đôi mắt với cái nhìn thẳng thắn, trong veo,
không có vẻ gì lẳng lơ, nó làm nên giá trị và sự quyến rũ của gương mặt đó. Cái nhân
trung vừa dài vừa sâu như một cái rãnh cẩn thận của người tạo ra nó. Và đôi môi nho

nhỏ cong cong kiên quyết. Chị mặc sơ mi màu măng chín, cái cổ thanh thanh vươn lên
màu vải đằm thằm, cao quý như cái bông hoa lài” [2;tr 9].
Không chỉ khắc họa vẻ bề ngoài nhân vật qua ấn tượng và đánh giá của người
khác, nhân vật nữ của Dạ Ngân cũng thường tự soi chiếu mình. Khi để nhân vật “tôi”
trong truyện Sau con số 8 tự phán xét về chân dung của mình, tác giả viết: “Bây giờ,
nhiều lúc trước gương, thấy tóc mình bớt óng ánh, da mặt không còn ngời ngợi, hai
bàn tay cộm những đường gân làm cho cử chỉ khô cứng dần, tôi sững sờ” [1;tr 50].
Câu văn không có gì đặc biệt và hành động soi gương của nhân vật cũng quen thuộc
như hành vi thường nhật của hầu hết phụ nữ, nhưng từ “sững sờ” làm người đọc nhận
ra nhiều thứ. Cùng một lúc, không chỉ ngoại hình mà nội tâm nhân vật cũng thể hiện
sinh động. Không phải là để nói nhân vật bất ngờ nhận ra màu tóc, màu da hay đường
gân tay thay đổi, mà chính là để nói con người trong sự vận động âm thầm mà khốc
liệt của thời gian. Một chi tiết nhưng đủ khái quát tất cả, vừa giản dị vừa sâu sắc, miêu
tả nhân vật mà chính là để khơi gợi suy nghĩ về những cái khác có liên quan đến số
phận con người. Nhân vật trong truyện là cô gái nhút nhát không dám quay lại khi
người khác nhìn, không dám đối diện với hạnh phúc, vừa khát khao vừa cảnh giác,
nhưng về cơ bản vẫn nhận ra mình lương thiện, nhận ra sự thay đổi “khô cứng” dần từ
tâm hồn nhạy cảm của mình. Nhan sắc hay hạnh phúc đều khó giữ, nhưng khó giữ hơn
là lẽ phải, lòng tin từ những “phát hiện” đơn giản nhất như việc thấy người yêu sửa từ
số 3 thành số 8.
Bên cạnh những nhân vật được miêu tả gián tiếp qua sự đánh giá, cảm nhận của
nhân vật khác, còn có nhiều nhân vật nữ được khắc họa ngoại hình khá rõ nét như
nhân vật Lệ Thương trong truyện Đường dây một người, cô giáo Dung trong truyện
Đêm cuối tuần, người đàn bà trong truyện Sống với nhớ thương… Dạ Ngân là nhà văn
ít khi bao quát hay tả chi tiết chân dung, ngoại hình nhân vật nữ kể cả phụ nữ đẹp mà
thường chú ý các chi tiết tạo ấn tượng. Đó có thể chỉ là màu mắt, dáng ngồi hay mái
tóc của nhân vật. Đây được xem như thủ pháp “nhìn cây thấy rừng” của Dạ Ngân vì
chỉ cần sơ lược một vài đường nét, nhân vật cũng đã được cá biệt hóa, dễ nhận ra trong
trường liên tưởng của người đọc. Ví dụ như nhân vật Xuân trong truyện Xuân nữ có có
“làn da ngà ngà tươi”, “mái tóc đen tuyền mỗi khi gội đầu bằng nước lắng tro” và cái

dáng “nghiêng nghiêng chải tóc trong áng chiều” [7;tr 90]. Chi tiết mái tóc và dáng
“nghiêng nghiêng chải tóc” của nhân vật Xuân không chỉ giới thiệu về vẻ đẹp gợi cảm,
nữ tính của nhân vật mà xa hơn còn để nói rằng: chiến tranh có thể tàn phá, hủy hoại
mọi thứ, nhưng dường như trong buổi chiều có mái tóc đẹp ấy, chiến tranh đã lùi xa!
Dạ Ngân hay tả mái tóc, màu tóc, sợi tóc, dáng tóc, tóc dài, tóc ngắn; không
phải vì theo quan niệm truyền thống: “Cái răng, cái tóc là gốc con người”; mà chính
là tác giả thường có cảm hứng khám phá con người qua những chi tiết nhỏ nhất mà
giàu sức khái quát nhất. Trong truyện Tóc dài mấy lạng, cả nhân vật chính xưng em và


nhân vật nữ mua tóc đều có mái tóc đẹp. Truyện chỉ quanh quẩn nói về tiếng rao mua
tóc và chuyện mua, bán tóc nhưng phía sau hai người phụ nữ không chỉ là hai mái tóc
mà là hai số phận và bối cảnh đất nước những ngày xáo trộn sau thời bao cấp. Mái tóc
trở thành chứng nhân cho tình yêu, tình đời. Người chạy trốn số phận dù rất yêu mái
tóc thật dày, thật mượt, đã từng làm người khác “đổ nhào”, nhưng lại muốn cắt bỏ như
một cách đoạn tuyệt với quá khứ, để mạnh dạn chấp nhận số phận khác. Ngược lại, cô
mua tóc, dù người chồng yêu vợ kiên quyết muốn giữ tóc, nhưng trước nhận xét của
nhiều người:“Làm nghề tóc dạo mà tóc mình vẫn dài thòn vậy” [4;tr 230] lại quyết
định cắt tóc và cắt tóc đơn giản chỉ để thuận lợi việc mưu sinh. Chỉ đơn giản là tả mái
tóc, nhưng từ tóc lại gợi ý liên tưởng đến nhiều suy tư thấm đẫm triết lý nhân sinh.
Đâu là vẻ đẹp vẫn luôn được ca ngợi của người phụ nữ và đâu là chỗ dựa an toàn mà
bền vững mà người phụ nữ cần có. Cuộc đời luôn đổi thay, mái tóc cũng dễ đổi thay,
chỉ có con người là không dễ thay đổi bản chất, cội nguồn.
Ngoài việc miêu tả mái tóc như chi tiết quan trọng nhất của ngoại hình phụ nữ,
Dạ Ngân cũng rất chú ý tả ánh mắt, đôi mắt. Đọc truyện Con chó và vụ ly hôn ít ai
quên được ánh mắt cô Đoan. Đôi mắt ấy thể hiện nội tâm bi kịch của người vợ tinh tế,
nhiều cảm xúc mà phải sống một người chồng thô kệch và tàn bạo: “Đôi mắt màu nâu
buồn buồn do nhiều ngày mất ngủ và nhẫn nhịn, đôi mắt với cái nhìn thẳng thắn,
trong veo” [2;tr 9]. Đôi mắt ấy đựng nhiều đau khổ mỗi khi chứng kiến, chịu đựng
những tật xấu của người chồng vũ phu: “Mắt chị dừng ở khuỷu tay săn chắc, ở sợi

tĩnh mạch nổi vằn vèo dưới lớp da nâu ửng đỏ, biểu hiện của trạng thái phận nộ của
anh” [2;tr 8]. Nhân vật Hai Mật trong truyện Trên mái nhà người phụ nữ cũng ám ảnh
người đọc vì ánh mắt luôn “mở mắt thao láo nhìn lên mái nhà, ở đó đêm đêm cuộc
chiến tranh vẫn chưa hề nguội lanh”. Đôi mắt ấy đích thực không phải biểu thị cho
con người, mà đó là một nhân vật, một chứng nhân im lặng của thời chiến vẫn đi theo
vào thời bình với những ám ảnh, day dứt khôn nguôi. Ánh mắt “nhìn thao láo” hằng
đêm ấy soi chiếu vào những góc khuất quá khứ và nhận ra những vết thương chiến
tranh chưa thể lành.
Việc chọn lựa những chi tiết đắt nhất để vẽ lên cái thần thái, cái đẹp cũng như
khắc họa sâu đậm tâm trạng của từng nhân vật, khiến nhân vật nữ của Dạ Ngân dễ tạo
nên ấn tượng cho người đọc.
Gắn liền với nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động nhân vật, nghệ thuật
miêu tả diễn biến tâm lý cũng là một phương diện trong nghệ thuật xây dựng nhân vật
của Dạ Ngân. Để bộc lộ rõ hơn về toàn bộ cuộc sống bên trong của nhân vật, đòi hỏi
nhà văn sử dụng kết hợp những điểm nhìn khác nhau để soi chiếu, lý giải về con người
và sự việc đặt ra trong các câu chuyện. Trong truyện “Con chó và vụ ly hôn” Dạ Ngân
sử dụng nghệ thuật trần thuật khách thể, tức nhà văn đứng ở vị trí khách quan để quan
sát câu chuyện xoay quanh cuộc đời và bi kịch của nhân vật Đoan. Từ góc nhìn này,
Dạ Ngân có thể nắm bắt nhiều khía cạnh của hành vi, suy nghĩ cũng như cách ứng xử
của Đoan “Chị nằm ráng, lơ mơ nghe tiếng chó sủa nhặng nhị ngoài sân. Chắc bọn
“ruồi nhặng” lại bu vào con Mực và “chàng” Vàng ra sức đánh đuổi chúng. Nhà cửa
tịnh không, con gái còn ở đằng lớp mẫu giáo, hàng xóm có vẻ yên ắng, có gì mà Nhiêu
gọi thúc bách vậy? Đoan ngồi dậy lấy tay chùi nước mắt và ra với chồng. Trước mắt
chị là cảnh hứng tình của bọn chó ghẻ trước tình yêu của con Mực và con Vàng, như
chị từng nhìn thấy
-Gì vậy? –Chị hỏi thờ ơ
Mặt Nhiêu sường sượng, hất hàm cho chị thấy cảnh trước sân rồi đóng cửa lại ngay.
Chị cảm thấy rất rõ một cái gì đó mà mình phải chịu đựng (..)Chị không chỉ thấy “bị
dùng” mà còn thấy bị làm nhục (…)Chị còn cảm thấy bị xúc phạm, thê thảm vì hành
động của chồng không xuất phát từ nhu cầu của hai người mà từ sự khêu gợi súc



vật”[2, tr 19]. Dạ Ngân đã tinh tế khi chọn điểm nhìn có thể quan sát và tái hiện lại
toàn bộ biến động tâm lý của nhân vật Đoan “bị dùng”,“bị xúc phạm”,“bị làm nhục”.
Chính sự hứng tình của Nhiêu đã làm Đoan tổn thương, không còn cảm giác ân ái vợ
chồng mà thay vào đó là cảm giác chiếm đoạt, một “sự kêu gợi súc vật”. Cuộc sống vợ
chồng giữa Đoan và Nhiêu thật sự có nhiều vết rạn, nhưng tất cả chỉ là chuyện của
cảm giác mà khó nói trước tòa “Đoan cảm thấy không đủ lời để diễn đạt hành trình
của những cảm giác, nguyên nhân đưa đẩy chị đến quyết định xa chồng”[2, tr 10]. Với
lối trần thuật này, thế giới nội tâm của nhân vật Đoan hiện lên rõ nét với nhiều cung
bậc cảm xúc, người đọc thì cảm nhận rõ nỗi đau tinh thần mà Đoan phải chịu đựng khi
sống cùng chồng.
Cũng điểm nhìn này, Dạ Ngân tái hiện diễn biến tâm trạng của Niềm trong “Dù
phải sống ít hơn”. Dạ Ngân như hóa thân vào nhân vật người vợ (Niềm) để giải bày
“tiếng lòng” của chị. Đó là thái độ “không bàng hoàng” khi biết chồng trở về sau hơn
hai mươi năm với tấm hình người đàn bà khác trong hành trang, là cách xử sự để tránh
sự khó xử cho Thịnh khi đề nghị làm bạn “Chị bảo: mình coi nhau như bạn được rồi”
[2, tr47] , là những cảm xúc của người đàn bà trổi dậy trong chị khi hai người sống với
nhau và cả cảm giác hi vọng đến tuyệt vọng được làm mẹ của chị “Nhưng má chị, họ
hàng chị và cả họ hàng anh “đòi” anh lại cho chị (…)Từng tháng, từng tháng, chị
lắng nghe sự thay đổi của cơ thể mình với niềm hy vọng ngày càng mãnh liệt như bị
cơn khát sa mạc giày vò. Từ khi người đàn bà trong chị bị đánh thức, chị mới có tâm
trạng đó. Nhưng cái cơ thể quá thì của chị vẫn làm ngơ trước niềm hi vọng đau đớn
của chị. Tuyệt vọng, chị nung nấu ý định xin con nuôi.”[ 2, tr 47]. Chọn cho mình
điểm nhìn như thế, Dạ Ngân đã cho người đọc thấu hiểu cũng như có sự đồng cảm
chia sẻ với những bi kịch mà người phụ nữ phải oằn mình gánh chịu sự nghiệt ngã của
hai chữ chiến tranh: Người mất chồng, kẻ mất cha và cả những người đàn bà chưa một
lần được làm vợ, làm mẹ.
Bên cạnh lối trần thuật khách thể, thì trong truyện ngắn của Dạ Ngân ta còn bắt
gặp lối trần thuật ngôi thứ. Nhà văn có thể hóa thân vào nhân vật “Tôi” để gửi gắm

những ý nghĩa, tình cảm của mình, để có thể đi đến tận cùng những ngóc ngách trong
đời sống nội tâm phong phú của từng nhân vật. Trong truyện “Đừng nói điều ơn
nghĩa”, Dạ Ngân để cho nhân vật tôi kể về cuộc đời của mình. Đó là số phận của
người con gái đẹp, cá tính, luôn khát khao tìm kiếm một người đàn ông đích thực cuộc
đời mình “Không thể vì chiến tranh mà gấp gáp. Tôi âm thầm chờ đợi, tôi hướng con
tim ra chiến trường. Ở đó sẽ có những người vừa dũng mãnh, vừa từng trải, vừa tinh
tế. Người tôi yêu phải có ba tiêu chuẩn đó” [1, tr 39]. Cô luôn tìm cách né tránh và
trốn chạy khỏi tình yêu bằng cách hắt hủi, ghẻ lạnh và tàn nhẫn đối với Thà – người
đem lòng yêu cô. Để rồi, nhân duyên không bén, khi Thà có được cuộc sống hạnh
phúc bên Tươi, thì chị vẫn cứ mãi loay hoay tìm kiếm hạnh phúc của mình. Thông qua
người kể chuyện nhân vật “Tôi”, Dạ Ngân đã phản ánh sâu sắc tâm tư, tình cảm của
con người trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Dù nguy hiểm luôn rình rập, nhưng
trong mỗi con người họ luôn khát khao, tìm kiếm hạnh phúc chính mình.
Với sự linh hoạt trong cách trần thuật và chọn điểm nhìn, Dạ Ngân đã tạo cho
mình những cách khác nhau để tiếp cận hiện thực, để phân tích chiều sâu tâm lý của
nhân vật, để thể hiện tính cách nhân vật. Mỗi điểm nhìn có những lợi thế riêng, sự
phong phú trong điểm nhìn đã góp phần tạo nên chiều sâu trong việc khám phá nội
tâm của nhân vật. Đây là điểm cách tân trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 nói
chung và của nhà văn Dạ Ngân nói riêng.
Trong sáng tác của Dạ Ngân, còn rất nhiều những nhân vật được miêu tả trong
trạng thái giằng xé, đấu tranh, đắn đo trong tình yêu. Đó là tâm trạng của Sa trong
Chuyện ở Pailin Trước khi tìm thấy tình yêu đích thực của cuộc đời mình, Sa đã một


lần đau khổ trong tình yêu với Trung – anh hùng bộ đội có gia đình “càng ngày Sa
càng héo hon vì cô yêu mà không được tình yêu chăm bón.” [1;tr 119]. Nhưng Sa vẫn
hi vọng, vẫn âm thầm chờ đợi một tình yêu đích thực của mình, và ngày đó cũng đến
sau bao ngày nuôi hi vọng chờ đợi, đau khổ. Trái tim cô một lần nữa rung lên vì xao
xuyến khi gặp Quang - một bác sĩ luôn tận tụy với công việc. Nhân vật Duệ trong
Người duy nhất là một cô gái sống hết mình trong tình yêu, cô chỉ tôn thờ một tình yêu

dù biết đó là sai lầm, dù biết nó sẽ mang lại mình bao đau khổ. Vì nhớ, vì yêu, nên
trong tâm trí nàng lúc nào cũng là hình ảnh Liêm, cả những sự vật xung quanh cũng
đều khiến nàng nghĩ đến Liêm. Trên đường trở về Cần Thơ, Duệ vô tình gặp người đàn
ông làm nghề kiến trúc sư trạc tuổi Liêm và có vẻ ngoài rất giống Liêm. Họ bắt
chuyện với nhau và quen nhau. Chị cứ ngỡ người đàn ông xa lạ này có thể xoa dịu nỗi
nhớ nhung về Liêm trong lòng chị. Nhưng khi đi bên cạnh anh ta, lòng chị lại bồng
bềnh bao nỗi khắc khoải không nguôi nhớ về Liêm, để nhiều lần chị tự hỏi: “chẳng lẽ
sự khắc khoải của thể xác lại không có được gờ ram đau khổ nào so với sự khắc khoải
của tinh thần nào?” [4;tr 166]. Hay cảm xúc tràn đầy nỗi giận dữ và đau buồn của một
nhà báo trong truyện Chưa phải ngày buồn nhất, khi bị “bắt buộc” phải xem phim sex
để rồi phê bình, bàn luận về nó…
Việc sử dụng linh hoạt ngôn ngữ nghệ thuật, có khi độc thoại nội tâm, có khi
đối thoại giữa các nhân vật cũng là một lựa chọn khác của Dạ Ngân trong việc xây
dựng hình tượng nhân vật. Với thủ pháp nghệ thuật đắc dụng này, cho phép nhà văn đi
sâu phân tích mổ xẻ đời sống nội tâm của con người, đồng thời đó cũng là cách để cho
nhân vật dần tự bộc lộ tính cách của mình. Người đọc thấy được một thế giới tinh thần
phong phú, những điều thầm kín rất riêng của người phụ nữ. Đó là tâm sự đầy u uất,
băn khoăn và cả thất vọng của cô gái trong suốt quãng đời thiếu nữ phải sống trong
cảnh chung cư “tường nhà quá mỏng” tác giả viết: “Con thấy bất an quá đỗi. Làm sao
con biết được thực hư của con người (…) Sao cô ta không thoát ra, để đêm đêm không
phải van xin và khóc lóc nữa? Hai con người khỏe mạnh đi đứng nói năng bình
thường nhưng sao đêm đêm của họ thì tối tăm và bí ẩn như vậy? Mẹ biết dạo ấy con
xanh xao như một con ma nên những nhúm thuốc đông y điều kinh của mẹ càng khiến
con buồn rầu” [5, tr 33]. Trong truyện “Sau con số 8” Dạ Ngân đã có sự kết hợp giữa
nghệ thuật trần thuật ngôi thứ và biện pháp nghệ thuật độc thoại nội tâm để làm rõ
những boăn khoăn, hoài nghi về tình yêu và hạnh phúc của nhân vật “Tôi”: “Tôi yêu
anh ấy rồi chăng? Không, vậy sao tôi hay làm dáng, nói năng nhỏ nhẻ và lúc nào
cũng quan tâm đến cử chỉ của mình” [….] “Tôi lo cho anh mà cũng lo cho tôi. Liệu
khi đã là vợ ông phó chủ nhiệm tôi có còn là tôi bây giờ? […] “Tôi lo lúc đã thành bà
chủ một gia đình, tôi có thể vì những thứ cần thiết mà những lúc độc thân tôi không

cần rồi vô tình đẩy anh ấy vào vùng nước đục? [1, tr 53]
Bên cạnh độc thoại, đối thoại cũng đóng vai trò trong việc bộc lộ nội tâm nhân
vật. Cuộc đối thoại giữ Thuyên và Nghĩa trong truyện “Người thương mến”, Dạ Ngân
đã làm nổi bật trạng thái tâm lý của Thuyên một cách có chiều sâu, không những vậy,
hiện thực cuộc sống vợ chồng của chị cũng được hiện lên rõ nét:
“Đừng hỏi tại sao em cần gặp anh, được không?
-Được thôi!
(…)
-Em định bắt anh uống cà phê trừ bữa đấy ah?
-Em không biết bắt đầu thế nào anh Nghĩa ạ. Nhưng em tin là em thành khẩn.
em yêu anh, em không thể sống không có tính yêu, em cố, cố mãi rồi mà tình hình
không cải thiện gì cả. Em biết anh sẽ rất bối rối nhưng em không có tội gì khi nói yêu
anh, không phải lúc này thì nói lúc khác, đằng nào thì em cũng phải nói ra cái điều
nầy.


- Anh biết giữa anh và em không có tình bạn đơn thuần. Ai cũng vậy thôi.
Khoan hãy nói đến những gánh nặng hai bên đang có, anh thấy hình như em yêu anh
là yêu một hình ảnh em không thể không theo đuổi, yêu cái tình yêu lý tưởng em nghĩ
là phải có, đúng không?
Qua cuộc đối thoại, người đọc thấy được Thuyên là cô gái khao khát tình yêu
đích thực, cô lao vào cuộc tình với người đàn ông – là bạn mình để mà quên đi những
bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân với người chồng như một cỗ máy với những
nguyên tắc cơ khí. Nhưng, đáp lại với tình cảm của Thuyên, thì Nghĩa lại quá tỉnh táo.
Cuối cùng tình yêu không thành, vì mong muốn níu kéo hạnh phúc gia đình không
muốn những đứa con sinh ra không có cha. Chị lại quay về chấp nhận sống với người
chồng giống như “một cỗ máy với những nguyên tắc cơ khí đáng gờm đã không cho
nàng cơ hội thoát ra” [Trang 93], để rồi bi kịch lại nối bi kịch trong một vòng luẩn
quẩn, những đứa con được sinh ra không xuất phát từ sự yêu thương mà chỉ là để níu
kéo hạnh phúc gia đình.

Sau giải phóng, đời sống xã hội đã có sự thay đổi nên đòi hỏi văn học có sự
chiếm lĩnh cuộc sống sâu sắc hơn. Người đọc có thể thấy rõ sự gia tăng tính triết luận
trong ngôn ngữ văn học sau 1975 nói chung và trong ngôn ngữ truyện ngắn nói riêng.
Ngôn ngữ triết luận của Dạ Ngân cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Đó là ngôn ngữ
đầy triết lý của cô con gái trong truyện Tường nhà quá mỏng sau những nỗi sợ hãi, hao
mòn mỗi đêm khi phải nghe tiếng giường chiếu, tiếng rên tiếng nấc của người phụ nữ
sát vách chung cư cũ kỹ thời bao cấp “Khi con người ta hạnh phúc quá thì người ta
cũng có thể khóc lên mới thỏa. Hạnh phúc trong đau đớn cũng là một kiểu hạnh phúc
khác người” [5;tr 35], hay ngôn ngữ của người mẹ trong truyện Người của mỗi người
lại chứa đựng triết lý đầy xót xa về sự vô tâm bội bạc của những đứa con do chính
mình sinh ra: “Hóa ra khi đứa con còn nhỏ, mẹ là cái cây tỏa bóng, lớn chút nữa mạ
là quả ngọt, là chỗ dựa tin cậy, khi hết đời cây bỗng thành chướng ngại. Và cuối cùng
chúng chỉ muốn bứng đi cho rảnh nợ” [2;tr 69]
Để đưa tác phẩm và hình tượng nhân vật gần hơn với độc giả, bên cạnh ngôn
ngữ triết luận thì Dạ Ngân cũng không ngần ngại đưa vào tác phẩm của mình ngôn
ngữ dân dã, mộc mạc, đó là lời ăn tiếng nói hằng ngày dung nạp nhiều khẩu ngữ: “Tôi
gạn, tôi nài, tôi cầu xin một lời giải thích thì u tôi gầm lên: “Không được, vì nó là con
rơi của bố mày, nghe chửa?” [4;tr 224] (Cùng trời cuối đất); “Anh xuống đây hồi
nào?”[3;tr 7] “Anh vẫn kẻ cả như ngày nào. Không ai đến với tình yêu và hôn nhân
bằng cái ý thức khốn nạn kiểu anh. Thì anh cứ cưới N.để coi ai là kẻ bị trị. Anh đi đi,
anh đi mà cưới N.!” [3;tr 14] (Thời gian vĩ đại), “Gớm, cẩn thận thì không thừa nhưng
hơi lộ liễu đấy ông anh ơi!”[180], “Cô ngủ tốt hở cô?”[4;tr 184]. (Khoang tàu chật
quá); “Bằng tất cả sức mạnh còn có được, chị kéo mạnh tôi sát xuống lào thào: “Mọp
xuống, nó vãi đạn đó, đồ ngu”[4;tr 121] (Trăng về)…
Việc sử dụng ngôn ngữ đa dạng trên cho thấy Dạ Ngân là nhà văn có nhiều kinh
nghiệm trong cuộc sống, tính song kết giữ hai lớp ngôn từ hiện đại và truyền thống là
nhân tố quan trọng trong hành trình chinh phục độc giả, đưa tác phẩm văn học gần hơn
với hiện thực cuộc sống.
3. Truyện ngắn Dạ Ngân là phần quan trọng trong gia tài văn chương của nhà văn, dù
nhiều người vẫn đánh giá cao tiểu thuyết Gia đình bé mọn. Đọc truyện ngắn của Dạ

Ngân luôn có cảm giác vừa quen vừa lạ. Quen vì nhà văn vẫn đi về với những đề tài
tâm lý, cuộc sống gia đình, số phận con người; lạ vì Dạ Ngân luôn biết cách làm mới
cho tác phẩm mình bằng những chi tiết sống động về nhân vật. Người đọc thường có
cảm giác là nhà văn mong được kể, được bày tỏ, chia sẻ những chiêm nghiệm khám
phá của mình về cuộc sống chứ không có ý định đánh giá đúng sai. Trong rất nhiều
cây bút nữ và nhiều tên tuổi mới và trẻ của làng văn chương hiện nay, có thể cái tên Dạ


Ngân ít “hot”, có thể truyện ngắn của Dạ Ngân cũng ít gây nên dư luận khen chê sóng
gió. Nhưng cho tới giờ, Dạ Ngân vẫn là nhà văn đi xa hơn rất nhiều người khác; không
chỉ xây dựng nhân vật mà trong từng chi tiết nghệ thuật, từng câu chữ, nhà văn luôn có
sự đầu tư, chăm chút kỹ. Ý thức trách nhiệm của người cầm bút cộng với sự đầu tư
nghiêm túc cho từng trang viết là cách mà Dạ Ngân dành để tri ân người đọc. Sơ lược
qua một số nhân vật nữ trong truyện ngắn Dạ Ngân, chúng ta có thể cảm nhận sâu sắc
hơn về tài năng của nhà văn và những thông điệp cuộc sống mà bà gửi gắm./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]
Dạ Ngân (1986): Quãng đời ấm áp, Nxb Phụ nữ, Hà Nội
[2]
Dạ Ngân (1990): Con chó và vụ ly hôn, Nxb Hội nhà văn
[3]
Dạ Ngân (2002): Nhìn từ phía khác, Nxb Hà Nội
[4]
Dạ Ngân (2008): Nước nguồn xuôi mãi, Nxb Phụ nữ
[5]
Dạ Ngân (2012): Chưa phải ngày buồn nhất, Nxb Phụ nữ
[6]
La Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2000), Từ điển thuật ngữ
văn học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội
[7]

/>THE ART OF BUILDING THE ICONIC CHARACTERS OF WOMEN IN DA
NGAN
Abstract: Da Ngan is one of the female wwriters wwho have great contribution
to the development of contemporary Vietnamese prose. Da Ngan's stories varied in
style and genre. This article only identifies and articulates some of the artistic
characteristics of female characters in the short stories Da Ngan. Through the female
characters, readers can feel the works more clearly as well as understand the artistic
messages that the writer wants to send.
Key word: The writer Da Ngan, iconic characters of women



×