LÝ THUYẾT CHUNG VỀ VIỆC LÀM CỦA KEYNES
1. Hoàn cảnh:
− Những năm 30 của thế kỷ XX, lực lượng sản xuất đã phát triển mạnh mẽ, xã hội
hóa ngày càng cao.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) chứng tỏ rằng học thuyết tự
điều tiết kinh tế của trường phái cổ điển và cổ điển mới là thiếu tính chất xác
đáng.
− Sự thành công trong thực tiễn của lý luận Mác-Lênin và kế hoạch hóa nền kinh
tế quốc dân ở Liên Xô cũ.
Đòi hỏi các nhà kinh tế học phải đưa ra được những lý thuyết kinh tế mới có
khả năng thích ứng với tình hình mới.
−
2. Nội dung:
2.1. Các phạm trù cơ bản trong lý thuyết việc làm của Keynes:
− Khuynh hướng tiêu dùng giới hạn: Khuynh hướng tiêu dùng cá nhân là tiêu
dùng phụ thuộc vào thu nhập. Theo Keynes, có 3 nhân tố ảnh hưởng tới khuynh
hướng tiêu dùng của cá nhân là thu nhập, những nhân tố khách quan như sự
thay đổi tiền công danh nghĩa cho một lao động, sự thay đổi chênh lệch giữa thu
nhập với thu nhập ròng… và những nhân tố chủ quan như dự phòng rủi ro bất
ngờ, để dành cho tuổi già, giáo dục con cái... Keynes đã viết “quy luật tâm lý
thông thường của chúng ta là khi thu nhập thực tế của cộng đồng tăng hay giảm
thì tiêu dùng của cộng đồng sẽ tăng hay giảm nhưng không nhanh bằng”.
Khuynh hướng tiêu dùng giới hạn là khuynh hướng phân chia phần tiêu dùng
tăng thêm cho phần thu nhập tăng thêm. Đây là khuynh hướng tâm lý tác động
đến tổng cầu và quy mô việc làm.
− Hiệu quả giới hạn của tư bản: đầu tư phụ thuộc vào hiệu quả giới hạn của tư
bản. Hiệu quả giới hạn của tư bản có khuynh hướng giảm sút do 2 nguyên nhân:
một là khi đầu tư tăng thì cung hàng hóa tăng, giá hàng hóa giảm làm giảm lợi
nhuận; hai là cung hàng hóa tăng làm tăng chi phí tư bản thay thế, làm giảm thu
nhập tương lai.
− Lãi suất: là khoản thù lao cho việc mất khả năng chuyển hóa trong 1 thời gian
nhất định, là phần thưởng cho việc từ bỏ giữ tiền mặt. Có 2 nhân tố ảnh hưởng
đến lãi suất là khối lượng tiền tệ và tâm lý thích giữ tiền mặt. Chính phủ nên sử
dụng công cụ lãi suất để làm công cụ điều tiết nền kinh tế.
− Đầu tư và số nhân đầu tư: Theo Keynes, khối lượng đầu tư đóng vai trò quyết
định quy mô việc làm, việc tăng đầu tư sẽ bù đắp thiếu hụt của cầu tiêu dùng.
Số nhân đầu tư là chỉ số biểu thị quan hệ giữa tăng thu nhập với gia tăng đầu tư,
xác định gia tăng đầu tư sẽ làm cho gia tăng thu nhập lên bao nhiêu lần. Số
nhân đầu tư có tác dụng khuếch đại thu nhập.
2.2. Nội dung lý thuyết việc làm:
Việc làm là sự cụ thể hóa nền kinh tế tư bản nói chung và làm cơ sở cho việc điều
tiết kinh tế. Khi việc làm tăng thì tổng thu nhập thực tế tăng. Khi thu nhập tăng thì tâm
lý chung là tiêu dùng tăng, nhưng mức tăng tiêu dùng chậm hơn mức tăng thu nhập vì
khuynh hướng gia tăng tiết kiệm một phần từ thu nhập, do đó các chủ doanh nghiệp sẽ
bị lỗ nếu sử dụng toàn bộ số lao động tăng thêm vào sản xuất sản phẩm để thỏa mãn
nhu cầu tiêu dùng trực tiếp tăng thêm này.
Muốn khắc phục tình trạng trên, cần có một khối lượng đầu tư nhằm kích thích
quần chúng tiêu dùng phần tiết kiệm của họ. Khối lượng đầu tư quyết định quy mô
việc làm. Song, nó lại phụ thuộc vào ý muốn đầu tư của doanh nhân, mà ý muốn này
lại phụ thuộc vào hiệu quả giới hạn của tư bản vì hiệu quả giới hạn của tư bản có xu
hướng giảm sút khi đầu tư tăng nên doanh nhân không muốn đầu tư. Điều này làm cho
nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng và thất nghiệp.
Để thoát khỏi tình trạng trên, phải điều chỉnh sự thiếu hụt của cầu tiêu dùng bằng
cách nhà nước phải có chương trình đầu tư quy mô lớn. Điều này làm tăng số tư bản
và lao động được sử dụng, thu nhập của lao động tăng. Họ sẽ tham gia vào thị trường
mua sắm hàng hóa làm sức cầu tăng, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, khủng hoảng và
thất nghiệp bị loại trừ.
3. Ý nghĩa:
− Việc nghiên cứu lý thuyết việc làm của Keynes nêu gợi ý về giải pháp muốn
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải toàn dụng nhân lực bởi việc làm là một vấn đề
kinh tế xã hội không chỉ liên quan đến thu nhập của cá nhân, quyết định cầu
tiêu dùng mà còn liên quan đến việc sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế.
− Lý thuyết việc làm vạch rõ muốn khắc phục tình trạng khủng hoảng kinh tế và
tạo sự ổn định, cần phải mở rộng đầu tư của các chủ thể trong nền kinh tế.
Trong đó đầu tư của nhà nước có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tạo thêm việc
làm mà còn kích thích đầu tư của tư nhân.
− Lý thuyết việc làm của Keynes cho thấy không thể giải quyết tốt vấn đề việc
làm trong xã hội nếu để mặc cho cơ chế thị trường tự do. Cần phải coi trọng vai
trò kinh tế của nhà nước, nhà nước cần áp dụng các công cụ kinh tế để giải
quyết vấn đề việc làm, phải coi giải quyết việc làm là một mục tiêu quan trọng
của điều tiết kinh tế vĩ mô.