Tải bản đầy đủ (.pdf) (67 trang)

Tổ chức hoạt động vận dụng trong dạy học đọc hiểu văn học ở lớp 10

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1009.1 KB, 67 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

======

HÁN THỊ QUỲNH

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
TRONG DẠY HỌC ĐỌC HIỂU
VĂN HỌC Ở LỚP 10
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Phương pháp dạy học Ngữ văn
Người hướng dẫn khoa học

PGS.TS BÙI MINH ĐỨC

HÀ NỘI – 2017

HÀ NỘI, 2017


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Mọi kết
quả nghiên cứu trong khóa luận đều là trung thực. Khóa luận này chưa tùng
được công bố trong bất kì công trình nào. Tôi xin chịu trách nhiệm về công
trình nghiên cứu của mình.
Hà Nội , ngày 22 tháng 04 năm 2017
Tác giả khóa luận

Hán Thị Quỳnh



LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp với đề tài “Tổ chức hoạt động vận
dụng trong dạy học đọc hiểu văn học ở lớp 10”, tác giả thường xuyên nhận
được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuân lợi và chỉ bảo tận tình của các thầy giáo,
cô giáo trong khoa Ngữ văn, đặc biệt là PGS.TS Bùi Minh Đức – người
hướng dẫn trực tiếp.
Tác giả khóa luận xin bày tỏ sự biết ơn và lời cảm ơn trân trọng nhất
đến các thầy cô.
Do năng lực của người nghiên cứu có hạn, khóa luận chắc chắn không
tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong được sự chỉ đạo, góp ý của các thầy cô
và bạn đồng nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2017
Tác giả khóa luận

Hán Thị Quỳnh


DANH MỤC KÍ HIỆU VIẾT TẮT

`
CNTT

: Công nghệ thông tin

GS

: Giáo sư


GV

: Giáo viên



: Hoạt động

HS

: Học sinh

Nxb

: Nhà xuất bản

SGK

: Sách giáo khoa

SGV

: Sách giáo viên

TCT

: Truyện cổ tích

TS


: Tiến sĩ

THCS

: Trung học cơ sở

THPT

: Trung học phổ thông


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ............................................................................................ 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 2
3. Mục đích nghiên cứu ..................................................................................... 4
4. Nhiệm vụ nghiên cứu .................................................................................... 4
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................. 4
6. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 4
7. Bố cục của khóa luận .................................................................................... 5
NỘI DUNG ....................................................................................................... 6
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC TỔ CHỨC
HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG TRONG DẠY HỌC ĐỌC HIỂU VĂN HỌC ... 6
1.1. Cơ sở lí luận ............................................................................................... 6
1.1.1. Khái niệm “đọc hiểu” và “đọc hiểu văn bản” ......................................... 6
1.1.2. Hệ thống các hoạt động tổ chức học sinh đọc hiểu văn bản văn học ở
nhà trường THPT ............................................................................................ 15
1.1.3. Hoạt động vận dụng .............................................................................. 21
1.2. Cơ sở thực tiễn ......................................................................................... 23
1.2.1. Thực tiễn thiết kế bài học đọc hiểu ....................................................... 23

1.2.2. Thực tiễn tổ chức hoạt động vận dụng trong dạy học đọc hiểu ở trường
THPT ............................................................................................................... 25
CHƯƠNG 2 : BIỆN PHÁP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG TRONG
DẠY HỌC ĐỌC HIỂU VĂN HỌC Ở LỚP 1O ............................................ 27
2.1. Xây dựng hệ thống bài tập ....................................................................... 27
2.1.1. Bài tập liên hệ, vận dụng ....................................................................... 27
2.1.2. Bài tập xử lí các tình huống trong cuộc sống........................................ 28
2.1.3. Bài tập đọc hiểu những văn bản tương tự không có trong chương trình.
......................................................................................................................... 29


2.2. Ứng dụng công nghệ thông tin. ................................................................ 32
2.2.1. Cung cấp tranh ảnh, video clip củng cố và mở rộng kiến thức cho học
sinh .................................................................................................................. 34
2.2.2. Ứng dụng CNTT tạo ra sự kết nối giữa nội dung đọc hiểu với những
vấn đề đặt ra của thực tiên đời sống. ............................................................... 36
2.3. Tổ chức các trò chơi có liên quan đến nội dung bài học ......................... 37
2.3.1. Mục đích của việc tổ chức các trò chơi học tập .................................... 37
2.3.2. Những yêu cầu của việc tổ chức trò chơi học tập ................................. 38
2.3.3. Một số trò chơi trong hoạt động vận dụng ............................................ 40
CHƯƠNG 3: THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM ................................................... 44
3.1. Mục đích thực nghiệm ............................................................................. 44
3.2. Giáo án thực nghiệm ................................................................................ 44
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 59
TÀI LIỆU THAM KHẢO


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
“Văn học là nhân học” ( M. Gorki). Văn chương không chỉ cung cấp

cho con người những tri thức rộng lớn về mọi mặt của đời sống con người với
ý nghĩa “mở ra những chân trời mới” mà nó còn góp phần tích cực vào việc
hoàn thiện và phát triển nhân cách của con người, dạy cho con người sống
biết hướng tới cái Chân – Thiện – Mỹ.
Việc giảng dạy môn Ngữ văn trong nhà trường ngày càng được chú
trọng hơn, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, cùng với hai phân môn Tiếng
Việt và Làm văn, Ngữ văn được coi là môn chủ đạo, góp phần to lớn trong
việc giáo dục và đào tạo thế hệ học sinh, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của giáo
dục nói riêng và của toàn xã hội nói chung trong quá trình phát triển.
Thực tiễn dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông hiện nay còn
nhiều bất cập, chất lượng dạy học Ngữ văn ngày càng hạn chế. Nguyên nhân
của hiện tượng này là do nhiều phía, trong đó phương pháp dạy học là một
trong những nguyên nhân cơ bản. Giảng dạy Ngữ văn còn ảnh hương khá
nặng nề của cách dạy văn theo truyền thống, chưa phát huy được năng lực của
HS. Để giải quyết, thay đổi tình trạng này, các nhà nghiên cức giáo dục đã tìm
ra phương pháp dạy học đổi mới, trong đó dạy học văn bản theo con đường
đọc hiểu được đưa lên hàng đầu.
Đọc hiểu được xem là khâu trung tâm của quá trình dạy học văn theo
định hướng đổi mới góp phần tích cực hóa hoạt động học tập của HS, biến HS
từ khách thể thụ động thành chủ thể tích cực, từ người nghe thụ động trở
thành người đọc sáng tạo. Nắm được phương pháp dạy đọc hiểu, GV sẽ giúp
HS trang bị công cụ quan trọng nhất để vào đời – tự đọc và tự học, đọc suốt
đời và học suốt đời. Theo con đường đọc hiểu, HS sẽ phát huy được khả năng
sáng tạo của mình, các em không chỉ được cung cấp những tri thức cụ thể của

1


từng bài học mà còn được cung cấp những kiến thức về thể loại để có thể đọc
hiểu bất cứ một tác phẩm nào khác cùng thể loại mà mình đã được học.

Để giờ đọc hiểu đạt được hiểu quả cao thì việc quan trọng là cần tổ
chức các hoạt động học tập cho HS. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều GV chưa
biết cách tổ chức các hoạt động học tập cho HS, đặc biệt là hoạt động vận
dụng.
Hoạt động vận dụng sau mỗi bài học cho các em HS là vô cùng quan
trọng, nó vừa giúp HS nắm chắc nội dung bài học vừa tạo điều kiện để các em
vận dụng những nội dung kiến thức đã học vào giải quyết các bài tập, các vấn
đề trong thực tiễn cuộc sống.
Từ những lí do trên và việc nhận thức được ý nghĩa của việc đổi mới
dạy học nói chung và dạy học đọc hiểu Ngữ văn nói riêng người viết chọn đề
tài “Tổ chức hoạt động vận dụng trong dạy học đọc hiểu văn học ở lớp 10”
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Vấn đề đọc hiểu
Vấn đề đọc hiểu văn bản văn học trong nhà trường THPT được đề cập
đến trong nhiều công trình nghiên cứu, trong đó GS.TS Trần Đình Sử với tư
cách là người khởi xướng. Ông là người nhìn thấy đọc hiểu không phải chỉ là
văn hóa đọc đối với mọi người mà ý nghĩa và khả năng phương pháp của nó
trong đổi mới dạy học là vô cùng to lớn với quan điểm Đọc hiểu văn bản –
một khâu đột phá trong nội dung và phương pháp dạy học văn hiện nay.
Đọc văn, học văn của GS. Trần Đình Sử. Ngay trong lời mở đầu, tác
giả cũng quan niệm rõ ràng về đọc hiểu và xem đây như là công việc đầu tiên
và cần có của quá trình học văn. Đọc văn là đi tìm ý nghĩa của văn bản, ý
nghĩa của thế giới và cuộc đời.

2


GS.TS Nguyễn Thanh Hùng với nhiều công trình nghiên cứu: Đọc
hiểu là nền tảng văn hóa cho người đọc, chuyên luận Đọc hiểu tác phẩm văn
chương trong nhà trường

Trong công trình Một số vấn đề đọc – hiểu văn bản Ngữ văn của TS.
Nguyễn Trọng Hoàn đã đề cập đến vấn đề đọc hiểu và những căn cứ cơ bản
để cho việc đọc hiểu được thực hiện rõ ràng.
Trong chuyên luận Phương pháp tiếp nhận tác phẩm văn chương ở
trường phổ thông GS.TS Nguyễn Thị Thanh Hương đã đề cập khá cụ thể vấn
đề tiếp nhận văn học cũng như vận dụng nó vào dạy học tác phẩm văn học cụ
thể trong nhà trường.
Cùng quan tâm đến vấn đề này còn có rất nhiều các nhà nghiên cứu
khác như: GS.TS Phan Trọng Luận, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, PGS.TS Lê
Huy Bắc, TS. Phạm Thị Thu Hương…Nhìn chung, các công trình nghiên cứu
kể trên đã khảo sát một cách có hệ thống và đều nhấn mạnh tầm quan trọng
của việc đọc văn.
2.2. Vấn đề tổ chức các hoạt động trong giờ đọc hiểu văn học.
Đây là một vấn đề còn khá mới, chưa có nhiều công trình nghiên cứu.
Các công trình nghiên cứu chủ yếu tập trung vào 2 hoạt động cơ bản là: Đọc
và phân tích, cắt nghĩa giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của văn bản.
Vấn đề này được đề cập trong một số công trình nghiên cứu của
PGS.TS Bùi Minh Đức Đổi mới dạy học tác phẩm văn chương ở nhà trường
trung học phổ thông, trong đó tác giả nhấn mạnh vai trò HS – bạn đọc sáng
tạo trong dạy học tác phẩm và đã trình bày hệ thống các hoạt động học tập
trong giờ đọc hiểu một số văn bản cụ thể.

3


3. Mục đích nghiên cứu
Đề xuất các biện pháp tổ chức hoạt động vận dụng trong dạy học đọc
hiểu văn học nhằm góp phần hình thành và phát triển kỹ năng vận dụng tri
thức bài học vào thực tiễn đời sống cho học sinh.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu

Trong phạm vi nghiên cứu đề tài, người viết tập trung vào những nhiệm
vụ cơ bản sau:
Xác định cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn về tổ chức hoạt động vận dụng
trong dạy học đọc hiểu ở trường THPT
Đề xuất các biện pháp tổ chức hoạt động vận dụng trong giờ đọc hiểu
tác phẩm văn học khối 10
Thiết kế giáo án thực nghiệm
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Biện pháp tổ chức hoạt động vận dụng trong giờ dạy đọc hiểu văn bản
văn học.
5.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong giờ dạy đọc hiểu GV có thể tổ chức nhiều hoạt động khác nhau,
ở khóa luận này chúng tôi tập trung vào đề xuất các biện pháp tổ chức hoạt
động vận dụng trong dạy học đọc hiểu văn bản văn học ở lớp 10 trong nhà
trường THPT.
6. Phương pháp nghiên cứu
6.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp
Nghiên cứu phân tích các tư liệu, giáo trình, công trình nghiên cứu, bài
viết… có liên quan đến phạm vi đề tài. Từ đó, rút ra những kết luận cần thiết
về cơ sở lí luận, lịch sử nghiên cứu vấn đề được toàn diện, đầy đủ. Ngoài ra,
nó được vận dụng để xây dựng cấu trúc khóa luận

4


6.2. Phương pháp điều tra, khảo sát
Chúng tôi tiến hành điều tra, khảo sát thực tiễn dạy đọc hiểu văn bản
văn học nói chung và việc tổ chức các hoạt động học tập trong giờ dạy đọc
hiểu văn bản văn học nói riêng. Từ đó, có những căn cứ, đánh giá khách quan,

chính xác.
6.3. Phương pháp thống kê, phân loại
Thống kê, phân loại sau khi xử lí các số liệu thu thập trong quá trình
khảo sát, thực nghiệm để có những kết luận chính xác, khách quan.
6.4. Phương pháp thực nghiệm
Phương pháp này được áp dụng trong thực nghiệm dạy học, chứng
minh tính hiệu quả của việc hướng dạy đọc hiểu văn bản theo hệ thống các
hoạt động học tập trong quá trình giảng dạy môn Ngữ văn ở trường THPT
7. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần mở đầu thì khóa luận gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn của việc tổ chức hoạt động vận
dụng trong dạy học đọc hiểu văn học
Chương 2: Biện pháp tổ chức hoạt động vận dụng trong dạy học đọc
hiểu văn học lớp 10
Chương 3: Thực nghiệm sư phạm

5


NỘI DUNG
CHƯƠNG 1:
CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC TỔ CHỨC HOẠT
ĐỘNG VẬN DỤNG TRONG DẠY HỌC ĐỌC HIỂU VĂN HỌC
1.1. Cơ sở lí luận
1.1.1. Khái niệm “đọc hiểu” và “đọc hiểu văn bản”
1.1.1.1. Đọc hiểu
 Đọc
Quan niệm về đọc từ trước đến nay khá phong phú. Chẳng hạn :
- Đọc là quá trình tiếp nhận ý nghĩa từ văn bản, tất nhiên phải hiểu
ngôn ngữ của văn bản (ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ thể

loại của văn bản); phải dựa vào tính tích cực của chủ thể (hứng thú, nhu cầu,
năng lực) và tác động qua lại giữa chủ thể và văn bản.
- Đọc là quá trình giao tiếp và đối thoại với người tạo ra văn bản (tác
giả, xã hội, văn hóa).
- Đọc là quá trình tiêu dùng văn hoá (hưởng thụ, giải trí, học tập).
- Đọc là quá trình tạo ra các năng lực người (năng lực hiểu mình, hiểu
văn hoá và hiểu thế giới).
- Đọc là dung nạp và suy nghĩ về một hay những thông tin nào đó.
- Đọc là sự tái tạo những ý tưởng của người khác.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khái quát về sự đọc của con người, có
thể tán thành định nghĩa của Đại bách khoa toàn thư Trung Quốc, quyển
“Giáo dục”: “Đọc là một quá trình hoạt động tâm lý nhằm tiếp nhận ý nghĩa
từ kí hiệu ngôn ngữ được in hay viết”. Gần với định nghĩa này, SGV Ngữ văn
10 (nâng cao) viết : “Đọc là hoạt động nắm bắt ý nghĩa trong các kí hiệu của
văn bản, khác với nghe là hoạt động nắm bắt ý nghĩa từ tín hiệu âm thanh”.

6


Đó là hoạt động lấy văn bản viết, in, khắc làm đối tượng. Khác với việc đọc
của người thoát nạn mù chữ là biết đọc chữ, đọc ở đây đòi hỏi hiểu sâu nội
dung tư tưởng, tình cảm, cái đẹp của văn bản và có thể sử dụng văn bản vào
đời sống cá nhân và xã hội.
Đọc đòi hỏi vận dụng một năng lực tổng hợp của con người : dùng mắt
để xem, dùng trí óc để phán đoán, liên tưởng, tưởng tượng, dùng miệng để
ngâm nga khi thích thú, dùng kinh nghiệm để thử nghiệm, dùng tay để giở
sách, dùng bút để ghi chép, dùng từ điển để tra cứu… Như thế, đọc góp phần
giúp con người phát triển toàn diện các năng lực tinh thần của mình.
Biết đọc là biết giao tiếp với đời sống văn hoá - xã hội rộng lớn, vượt ra

ngoài tầm hiểu biết trực tiếp của mỗi người và biết hưởng thụ các giá trị văn
hoá kết tinh trong văn bản. Biết đọc mới nắm bắt được thông tin trên báo chí,
trong sách vở để nâng cao tầm hiểu biết và trình độ cảm thụ; biết đọc mới biết
thưởng thức bao cái hay, cái đẹp mà loài người đã “chưng cất” trong các văn
bản nhất là văn bản nghệ thuật.
 Hiểu
Đọc gắn liền với hiểu. Hiểu vừa là nguyên nhân vừa là động cơ, mục
đích của việc đọc.
Hiểu, theo Kinh Thánh, là “lặn sâu vào thế giới bí ẩn bên trong”. Còn
theo M. Bakhtin, trong sách Con người trong thế giới ngôn từ, “hiểu” trong
đọc hiểu bao gồm nhiều hành động gắn với nhau: 1/ Cảm thụ (tiếp nhận) kí
hiệu vật chất (màu sắc, con chữ…); 2/ Nhận ra kí hiệu quen hay lạ, hiểu ý
nghĩa của nó được lặp lại trong ngôn ngữ. 3/ Hiểu ý nghĩa của nó trong ngữ
cảnh. 4/ Đối thoại với ý nghĩa đó (tán thành, phản đối), trong nhận thức bao
gồm cả sự đánh giá về chiều sâu và chiều rộng. Bản chất tâm lý của sự hiểu là
biến cái của nguời khác thành “cái vừa của mình vừa của người khác”. Hiểu
bao giờ cũng là tự hiểu, nghĩa là biến cái được hiểu thành kiến thức, quan

7


điểm, niềm tin của mình. Cũng theo M. Bakhtin, hiểu khác nhận thức và giải
thích ở chỗ hiểu không một chiều mà mang tính đối thoại. Tôi nhận ra một
điều khi tôi giải thích cho anh điều đó, mời anh tham gia vào cuộc đối thoại
về điều đó với tôi. Hiểu trong khoa học nhân văn không chỉ có chính xác, mà
còn phải có chiều sâu, vì ở đây không phải hiểu đồ vật, mà là hiểu con người,
hiểu sự sống. Nhà thơ Nga Manđenshtam có nói: “Pasternac là người hiểu,
tôi là người rất hiểu, còn Gớt thì cái gì cũng hiểu”. Hiểu là sáng tạo. Nó là sự
bừng sáng trong khoảnh khắc (giác ngộ, bừng ngộ) sau khi đã nghiền ngẫm,
là sự phát hiện cái ý nghĩa không sẵn có giữa các dòng văn và diễn đạt bằng

lời của người đọc. Như vậy, hiểu là nắm được thông tin, ý nghĩa của văn bản,
là giải thích, biểu đạt được ý tưởng và cái hay của văn bản. Hiểu là “ngộ”
(giác ngộ, bừng ngộ) ra những chân lý đời sống, những triết lý nhân sinh được
người viết gửi gắm trong văn bản (tri âm) đồng thời cũng có thể là sự bổ
sung, tiếp thêm cho văn bản những ý nghĩa, giá trị mới (kí thác).
Hiểu thường gắn liền với cảm nhất là trong các hoạt động tiếp nhận
nghệ thuật. Sở dĩ như vậy là vì hoạt động cảm thụ hay tiếp nhận văn học cần
đến nhiều năng lực tâm lý, tinh thần của con người, trong đó có sự kết hợp
giữa trí tuệ và tình cảm, lý tính và cảm tính, giữa tư duy hình tượng và tư duy
khoa học. Không thể có một nhận thức văn học thật trọn vẹn nếu người tiếp
nhận chỉ “cảm thấy” mà không “hiểu rõ” cái hay, cái đẹp của văn chương.
Vẫn biết rằng cái thi vị của văn thơ đôi khi nằm ở những điểm “mờ ơ”,
những chỗ khó tường giải, tường minh cho hết nhẽ nhưng nếu tiếp nhận luôn
luôn chỉ là như thế thì - như Biêlinxki đã nói - đó là trạng thái “thích thú đau
khổ”. Dạy học văn không thể cứ “thích thú đau khổ” để rồi phải “khổ đau” vì
không biết “thích” vì lẽ gì, “thú” bởi điều gì. GS. Đặng Thai Mai đã có lần
khẳng định : “Cảm thấy hay chưa đủ. Có hiểu là hay thì sự thưởng thức mới
có nghĩa lý và tác dụng”. Ông còn lưu ý bạn đọc nếu chịu khó suy nghĩ thì thế

8


nào cũng thu hoạch được nhiều điều thú vị, sâu sắc, đậm đà đằng sau cái âm
hưởng du dương, trầm bổng, đằng sau cái đẹp của hình thức, thanh điệu… Từ
trong tâm lý sáng tác văn học, người nghệ sĩ đã phải viết văn bằng “Khối óc
lạnh lùng tê buốt – Trái tim nặng trĩu yêu thương” (A.Puskin) thì trong cảm
thụ nghệ thuật người đọc không thể đến với nhà văn bằng một “thứ tình cảm
vu vơ” mà trái lại, đó phải là “tình cảm, cảm xúc trên cơ sở một sự hiểu biết
khoa học” (Hoài Thanh). Như vậy, cảm (cảm xúc, tình cảm, những rung động
tâm hồn của con người) bổ sung cho hiểu, làm cho sự hiểu thêm sâu sắc và

ngược lại hiểu (dựa vào lý trí, trí tuệ, phân tích, diễn giải, suy luận, hành
động…) sẽ giúp cảm có được cơ sở vững chắc vì chỉ sau khi hiểu thì cảm mới
sâu.
 Đọc hiểu
“Đọc hiểu” hay “đọc–hiểu” (reading comprehension, understanding
reading) làm một thuật ngữ quen thuộc trong khoa học giáo dục ở nhiều nước
tiên tiến trên thế giới. Ở các nước phương Tây, đặc biệt là các nước Âu – Mĩ,
đọc hiểu và lý thuyết đọc hiểu (Theory of reading comprehension) đã được
chú ý từ lâu. Đã có hàng trăm công trình viết về vấn đề này với các tên tuổi :
K.Goodman (1970), A.K.Pugh (1978), P.D.Pearson (1984), U.Frith (1985),
M.J.Adams (1990)… thậm chí có hẳn một tạp chí chuyên ngành về đọc
(Journal of Reading). Ở nước ta, đọc hiểu mới được quan tâm trong khoảng
mấy năm trở lại đây gắn liền với quá trình đổi mới chương trình, SGK Ngữ
văn THCS và THPT. Nhìn chung, ở ta chưa có “lý thuyết đọc hiểu” mà mới
chỉ là những quan niệm và thể nghiệm ban đầu về đọc hiểu và đọc hiểu văn
bản.
Về khái niệm đọc hiểu, GS.TS Nguyễn Thanh Hùng quan niệm : “Đọc
hiểu là một hoạt động của con người. Nó không phải chỉ là hình thức nhận
biết nội dung ý tưởng từ văn bản mà còn là hoạt động tâm lý giàu cảm xúc có

9


tính trực giác và khái quát trong nếm trải của con người… Đọc hiểu mang
tính chất đối diện một mình, tự lực với văn bản. Nó có cái hay là tập trung và
tích đọng, lắng kết thầm lặng năng lực cá nhân. Đây là hoạt động thu nạp và
toả sáng âm thầm với sức mạnh nội hoá kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm
lịch sử, kinh nghiệm nghệ thuật và kinh nghiệm văn hoá trong cấu trúc tinh
thần cá thể”.
Cũng bàn về đọc hiểu văn bản, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống viết : Đọc hiểu

là một quá trình bao gồm việc tiếp xúc với văn bản, thông hiểu cả nghĩa đen,
nghĩa bóng, nghĩa hàm ẩn cũng như thấy được vai trò, tác dụng của hình thức,
biện pháp nghệ thuật ngôn từ, các thông điệp tư tưởng, tình cảm, thái độ của
người viết và các giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật… Đọc hiểu bắt
đầu từ đọc chữ, đọc câu, hiểu nghĩa của từ và sắc thái biểu cảm, hiểu nghĩa
của hình thức câu, hiểu mạch văn, bố cục và nắm được ý chính cũng như chủ
đề của tác phẩm.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thái Hòa thì “đọc hiểu dù đơn giản hay
phức tạp đều là hành vi ngôn ngữ, sử dụng một loạt thủ pháp và thao tác bằng
cơ quan thị giác, thính giác để tiếp nhận, phân tích, giải mã và ghi nhớ nội
dung thông tin, cấu trúc văn bản”.
TS. Nguyễn Trọng Hoàn cho rằng : “Đọc hiểu là hoạt động của con
người, người đọc tiếp xúc với văn bản ngôn từ, giải mã ngôn từ để tìm ra lớp
ý nghĩa của văn bản. Bằng toàn bộ con người tinh thần của mình bao gồm trí
tuệ và tình cảm, khối óc và trái tim, người đọc sẽ khám phá được những bí ẩn
tiềm tàng đằng sau hệ thống ngôn từ”.

Như vậy, đọc hiểu là hoạt động đọc và giải mã các tầng ý nghĩa của văn
bản thông qua khả năng tiếp nhận của HS. Đọc hiểu là tiếp xúc với văn bản,
hiểu được nghĩa hiển ngôn, nghĩa hàm ẩn, các biện pháp nghệ thuật, thông

10


hiểu các thông điệp tư tưởng, tình cảm của người viết và giá trị tự thân của
hình tượng nghệ thuật
Gắn liền với thuật ngữ đọc hiểu, gần đây trong một số tài liệu dạy học
còn thấy xuất hiện thuật ngữ phương pháp đọc hiểu (Understanding reading
method). Chúng tôi cho rằng không nên hiểu đây là một phương pháp dạy
học mà cần hiểu là “cách thức”, “con đường” tổ chức, hướng dẫn HS lĩnh

hội tri thức. Đúng hơn đó là một hệ hình phương pháp dạy học bao gồm
nhiều phương pháp, biện pháp dạy học khác nhau được sử dụng để người dạy
và người học có thể thực thi các nhiệm vụ dạy học. Sở dĩ như vậy là vì quá
trình chiếm lĩnh tri thức từ đọc đến hiểu là một quá trình phức hợp nhiều hoạt
động, thao tác tư duy trí tuệ, cảm xúc của con người. Để HS có thể nắm được
ý nghĩa của văn bản, đồng cảm và “đồng sáng tạo” với người viết, GV không
thể chỉ tổ chức mỗi hoạt động đọc (đọc thầm, đọc to, đọc chéo, đọc hợp tác,
đọc nhanh, đọc chậm, đọc diễn cảm…) mà còn phải tổ chức nhiều hoạt động
khác nữa: tái hiện, phân tích, cắt nghĩa… với hàng loạt các phương pháp, biện
pháp: gợi mở, nghiên cứu, so sánh, thảo luận nhóm… Tóm lại, đọc hiểu là
một dạng hoạt động nhận thức, là hành trình tiến tới nắm bắt và thể nghiệm ý
nghĩa của văn bản ngôn từ.
Trong thực tiễn đổi mới phương pháp daỵ học văn hiện nay, đọc hiểu
được coi là bước đột phá, là phương pháp chủ đạo trong việc dạy học tác
phẩm văn học.
1.1.1.2. Đọc hiểu văn bản
Trong đọc hiểu văn bản nói chung, đọc – hiểu văn bản văn học có một
vị trí đặc biệt, bởi văn bản văn học là sản phẩm sáng tạo độc đáo của con
người.
Cũng như quan niệm về đọc hiểu nói chung, có rất nhiều ý kiến xung
quanh quan niệm đọc hiểu văn học. GS.TS. Nguyễn Thanh Hùng cho rằng:

11


“Đọc hiểu văn chương là đọc cái chủ quan của người viết bằng cách đồng hóa
tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ của mình vào trang sách. Đọc hiểu không phải
chỉ là tái tạo âm thanh từ chữ viết mà còn là quá trình nhuần thấm tín hiệu
nghệ thuật chứa mã văn hoá đồng thời với việc huy động vốn sống, vốn kinh
nghiệm cá nhân người đọc để lựa chọn giá trị tư tưởng thẩm mĩ và ý nghĩa

vốn có của tác phẩm văn chương. Đọc hiểu là đón đầu những gì đang đọc qua
từng từ, từng câu, từng đoạn rồi lại quay về với những gì đã đọc để kiểm
chứng và đi tìm sự hợp sức của tác giả để tác phẩm được tái tạo trong tính cụ
thể và giàu tưởng tượng”.
GS. Trần Đình Sử thì quan niệm đọc hiểu là “khâu cơ bản nhất” trong
“các khâu đọc” : đọc thông, đọc thuộc - đọc kĩ, đọc sâu - đọc hiểu - đọc sáng
tạo. Trong đó, đọc hiểu “bắt đầu từ hiểu từ, hiểu câu, hiểu đoạn, hiểu liên kết,
hiểu nghĩa toàn bài”. Hiểu văn học không chỉ hiểu nội dung xã hội, mà còn
hiểu cái hay, cái tình, cái tài, cái tuyệt vời trong nghệ thuật. Cũng theo GS.
Trần Đình Sử, đọc hiểu văn học có hai bước : hiểu thông báo và hiểu ý nghĩa.
Hiểu thông báo là hiểu ngôn từ và hình tượng.
Cũng bàn về đọc hiểu văn học, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống viết : Đọc hiểu
“là một quá trình bao gồm việc tiếp xúc với văn bản, thông hiểu cả nghĩa đen,
nghĩa bóng, nghĩa hàm ẩn cũng như thấy được vai trò, tác dụng của hình thức,
biện pháp nghệ thuật ngôn từ, các thông điệp tư tưởng, tình cảm, thái độ của
người viết và các giá trị tự thân của hình tượng nghệ thuật… Đọc hiểu bắt
đầu từ đọc chữ, đọc câu, hiểu nghĩa của từ và sắc thái biểu cảm, hiểu nghĩa
của hình thức câu, hiểu mạch văn, bố cục và nắm được ý chính cũng như chủ
đề của tác phẩm”.

Chúng tôi quan niệm đọc hiểu văn học là một quy trình tiếp cận và
chiếm lĩnh văn bản văn học từ bước thâm nhập môi sinh của tác phẩm qua

12


các thông tin về hoàn cảnh ra đời (hoàn cảnh lớn – bối cảnh chính trị, xã hội,
văn hóa của thời đại; hoàn cảnh nhỏ - tiểu sử, con người nhà văn; hoàn cảnh
cảm hứng – hoàn cảnh trực tiếp ra đời tác phẩm) đến bước tri giác ngôn ngữ
(đọc – hiểu tầng ngôn từ), nhập cảm vào thế giới hình tượng (đọc - hiểu tầng

hình rượng), khám phá các lớp ý nghĩa (đọc - hiểu tầng ý nghĩa) và thể
nghiệm các giá trị của tác phẩm trong thực tiễn đời sống (đọc – thể nghiệm).
Từ đây, chúng tôi xác định đọc – hiểu văn bản văn học ở nhà trường
phổ thông thực chất là một hệ phương pháp hoặc một quy trình tổ chức HS
tiếp cận và chiếm lĩnh văn bản văn học. Quy trình đó được triển khai thành
một hệ thống các hoạt động tiếp nhận đặc thù được giáo viên tổ chức ở HS.
Mỗi hoạt động lại được “vật chất hóa” bằng những hành động và thao tác cụ
thể phù hợp với đặc trưng thể loại tác phẩm và khả năng tiếp nhận văn học
của bạn đọc HS. Một cách khái quát, có thể hình dung quy trình đọc hiểu văn
bản văn học nhà trường qua các cấp độ, các bước sau :
+ Đọc tiếp cận
+ Đọc văn bản và cảm nhập vào thế giới hình tượng của tác phẩm (đọc
chữ, đọc câu, đọc toàn văn bản, đọc tái hiện hình tượng)
+ Đọc – phân tích – cắt nghĩa
+ Đọc diễn cảm, đọc sáng tạo
Như vậy, Đọc hiểu văn bản văn học thực chất là phương pháp tiếp nhận
nghệ thuật ngôn từ bằng sự cảm thụ trực tiếp, là sự hiểu thấu ngôn ngữ và là
sự phân tích, phát hiện ý nghĩa sâu xa trong văn bản. Mục đích của đọc hiểu
là hình thành và duy trì những ấn tượng nghệ thuật để HS tiếp tục đi sâu vào
nội dung tư tưởng và hình thức ngôn ngữ tác phẩm. Theo tinh thần này, đọc
hiểu văn chính là toàn bộ quá trình tiếp nhận, giải mã các văn bản văn học
tiêu biểu cho các thể loại ở từng giai đoạn lịch sử văn học qua đó cung cấp và
hình thành ở HS những kiến thức cơ bản về lịch sử văn học, lí luận văn học,

13


tác giả và tác phẩm văn học,… làm nền tảng để từng bước xây dựng văn hóa
đọc cho HS.
Dưới góc độ phương pháp, dạy đọc hiểu là dạy người tiếp nhận cách

thức đọc ra nội dung trong những mối quan hệ qua lại phức tạp của văn bản,
là cung cấp cho người tiếp nhận cách đọc để có quan điểm, thái độ và kĩ năng
đọc những sáng tạo ngôn từ theo quan điểm thẩm mĩ nhất định. Dạy đọc hiểu
là vừa dạy cách tiếp xúc với văn bản, thông hiểu nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa
hàm ẩn cũng như thấy được vai trò tác dụng của các hình thức, biện pháp
nghệ thuật ngôn từ, các thông điệp tư tưởng, tình cảm của người viết, các giá
trị tự thân của hình tượng nghệ thuật và cả ý nghĩa xã hội nhân văn của tác
phẩm trong ngữ cảnh của nó, vừa tập trung hình thành cách đọc văn, phương
pháp đọc hiểu theo thể loại để dần dần các em có thể tự đọc văn, hiểu tác
phẩm văn học một cách khoa học đúng đắn.
Đọc hiểu trả lại cho người đọc vai trò, vị trí đích thực. HS không còn lệ
thuộc vào thầy như trước mà trong tư thế chủ động, tự giác, tự lực, là một
“bạn đọc sáng tạo”. HS từ chỗ tiếp thu thụ động nay trở thành người đọc trực
tiếp, đọc có suy nghĩ, đọc kết hợp với vận dụng vốn kinh nghiệm, vốn sống,
liên tưởng, tưởng tượng để từng bước tri giác ngôn ngữ âm thanh, định hình
những hình ảnh chính của tác phẩm và nhận ra tiếng nói của tác giả, xác định
chủ đề của tác phẩm. Đọc để tìm ra cái mình cần, đọc để đối thoại với tác giả
và giáo viên, với cách hiểu của người đi trước, với cách hiểu tích lũy ban đầu
của chính mình.
Đề cao vai trò chủ thể học sinh trong quá trình giảng dạy và học tập
Ngữ văn chính là một hướng cơ bản để nâng cao hiệu quả dạy học. Phương
hướng đó không những phù hợp với yêu cầu của thời đại khoa học hiện nay
mà còn là vấn đề nhận thức khoa học, quan điểm nhân văn. Trong quá trình
dạy học, hoạt động tương tác tích cực được hình dung như một hệ thống hoạt

14


động: về phía giáo viên – người thiết kế kế hoạch, tổ chức hoạt động; về phía
học sinh – người thực hiện những hoạt động mang tính tình huống và cụ thể

để qua đó tạo nên những điều kiện phát triển bản thân.
1.1.2. Hệ thống các hoạt động tổ chức học sinh đọc hiểu văn bản văn
học ở nhà trường THPT
1.1.2.1. Hoạt động tạo tâm thế
Hoạt động tạo tâm thế tiếp nhận cho HS khi dạy học đọc hiểu là vô
cùng cần thiết. Để bắt đầu giờ đọc hiểu văn bản văn học thì việc giúp HS tập
trung và thỏa mái tâm lí là vấn đề vô cùng quan trọng. HS thiếu sự tập trung,
chú ý, không có hứng thú học tập thì rất khó để tiếp nhận văn bản văn học
mới. Thông qua hoạt động này GV sẽ khơi gợi hứng thú, thu hút sự chú ý,
kích thích sự tò mò cho HS, đồng thời đưa ra những vấn đề để HS giải quyết
sau khi học xong bài học.
HS huy động vốn kiến thức và kĩ năng để chuẩn bị tiếp nhận kiến thức
và kĩ năng mới. Hoạt động này dựa trên cơ sở lập luận rằng: việc tiếp thu kiến
thức mới bao giờ cũng dựa trên những kinh nghiệm trước đó. Cho nên, bước
này còn được gọi là “kinh nghiệm” hay “trải nghiệm”.
Để tổ chức hoạt động tạo tâm thế cho HS có rất nhiều cách khác nhau:
+ Câu hỏi, bài tập: Trong mỗi bài học, hoạt động khởi động thường
gồm từ 1 đến 3 câu hỏi / bài tập. Các bài tập này thường yêu cầu HS quan sát
tranh ảnh để trao đổi với nhau về một vấn đề nào đó có liên quan đến bài học.
Cũng có một số bài tập không sử dụng tranh ảnh mà trực tiếp ôn lại kiến thức
đã học ở các cấp, nhưng thiết kế dưới dạng kết nối hoặc những câu hỏi đơn
giản, nhẹ nhàng.
+ Tổ chức trò chơi: Một số trò chơi trong hoạt động khởi động giúp tạo
ra hứng thú trước khi vào bài học mới. Các trò chơi này cũng có nội dung gắn
với mỗi bài học.

15


+ Tạo tâm thế học tập bằng những lời giới thiệu hay, ấn tượng. Một lời

mở đầu bài học thật hấp dẫn sẽ có tác dụng không nhỏ thu hẹp khoảng cách
giữa HS và tác phẩm. Về tâm lý, con người thường bị thu hút, lôi cuốn bởi
những lời nói hay, những cách nói độc đáo, ấn tượng. Chính vì vậy, dẫn dắt
vào bài cũng phải là một nghệ thuật sư phạm của người GV. Tuy nhiên, điều
cần bổ sung và đôi khi cần thay đổi ở đây là HS đảm nhiệm vai người giới
thiệu bài mới.
+ Tạo tâm thế tiếp nhận bằng một cuộc thi nhỏ: thi giới thiệu tác giả,
tác phẩm; trả lời nhanh các bài tập trắc nghiệm… giữa các HS hoặc các tổ,
nhóm là một biện pháp có thể thu hút sự chú ý của HS, tạo tâm thế tiếp nhận
và không khí cần thiết cho giờ học trước khi HS bước vào giai đoạn đọc hiểu
văn bản.
+ Ứng dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại thu hút sự chú ý và tạo
hứng thú học tập cho HS. Bằng những hình ảnh, âm thanh, màu sắc, bảng
biểu… trực quan sinh động, các phương tiện kỹ thuật hiện đại có thể tác động
cùng một lúc vào nhiều giác quan của HS, khiến các em phải chú ý, tạm gạt
những mối quan tâm cá nhân để bước vào bài học.
Ví dụ: Khi dạy bài “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi, GV có thể tạo
tâm thế cho HS bằng cách kể cho các em nghe một vài câu chuyện, giai thoại
về thời đại. gia đình… của tác giả hoặc cho các em xem một video ngắn về vụ
án Lệ Chi Viên ( để thu
hút sự chú ý của HS
Ví dụ: Khi dạy bài “An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy” GV
có thể tạo tâm thế cho các em bằng cách trình chiếu một vài hình ảnh liên
quan đến An Dương Vương và hỏi các em đó là nhân vật lịch sử nào? Em biết
gì về nhân vật này?

16


1.1.2.2. Hoạt động tìm hiểu tri thức nền

Tri thức nền là những tri thức về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng
tác... HS sẽ biết được khi tìm hiểu phần tiểu dẫn. Phần tiểu dẫn trong SGK
Ngữ văn cung cấp cho HS tri thức về văn học sử như kiến thức về đặc điểm
thời đại, hoàn cảnh ra đời của văn bản văn học, cuộc đời và sự nghiệp văn
chương của nhà văn, phong cách nghệ thuật của tác giả; cung cấp tri thức lí
luận văn học ở dạng trực tiếp như thể loại. Đó chính là những phương tiện để
khám phá văn bản theo quan điểm tiếp cận đồng bộ, giúp HS hiểu sâu sắc
kiến thức văn học và tự các em có thể thẩm định, đánh giá kiến thức văn học
ở một mức độ nào đó.
Tiếp nhận văn bản dựa trên kiến thức về bối cảnh xã hội và văn hoá
cũng như những hiểu biết về tác giả với nét tiểu sử, đặc trưng tư duy và
phong cách nghệ thuật… là những thông tin vô cùng quan trọng hỗ trợ quá
trình tiếp cận và khám phá thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. GS. Phan
Trọng Luận cho rằng: “Tất cả những gì nhà văn sáng tác đều có cội nguồn
trực tiếp ở những sự kiện trong cuộc sống riêng tư của anh ta, ở tâm tư tình
cảm của nhà văn đó”. Phần Tiểu dẫn trong SGK khi giới thiệu những nét
chính về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn đã đặc biệt chú ý đến
những sự kiện, những vấn đề liên quan đến văn bản sắp học. Những thông tin
về cuộc đời tác giả như năm sinh, quê quán, gia đình, việc học hành, tư tưởng,
tình cảm, những thăng trầm trong cuộc đời là điều kiện cần thiết để hiểu căn
kẽ, thấu đáo về văn bản sẽ học. Không biết về tác giả cũng như những nét
phong cách nghệ thuật của nhà văn thì khó lí giải được nội dung của VB một
cách sâu sắc. Đây là hoạt động giúp HS bước đầu làm quen với văn bản,
chuẩn bị cho việc đọc hiểu.
GV có thể tổ chức hoạt động này bằng nhiều cách khác nhau:

17


+ GV cho học sinh làm việc với SGK, có thể làm việc cá nhân, cặp đôi

hoặc làm nhóm để thảo luận và trình bày.
+ Giáo viên cũng có thể dùng phiếu học tập cung cấp thêm kiến thức
ngoài SGK cho HS.
+ Ứng dụng CNTT cung cấp tranh, ảnh, video clip…
+ Đặt câu hỏi và trao đổi thảo luận với học sinh...
Ví dụ: Khi dạy bài “Trao duyên” (trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
trước khi đi vào phân tích giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của văn bản GV
có thể chia lớp thành 4 nhóm và yêu cầu các nhóm thảo luận, trao đổi để tóm
tắt Truyện Kiều dưới dạng sơ đồ sau đó trình bày kết quả thảo luận trước lớp.
Sau khi các nhóm đã trình bày xong kết quả thảo luận của nhóm mình, GV có
thể trình chiếu mẫu tóm tắt bằng sơ đồ để học sinh tham khảo.
1.1.2.3. Hoạt động đọc
Yêu cầu đọc hiểu, đối tượng của đọc là văn bản, nhưng với HS phải xác
định cụ thể đơn vị đọc là chữ, câu hay đoạn. Và khi đọc thì đọc to, đọc nhỏ
hay đọc thầm; đọc nhanh, đọc lướt hay đọc chậm, phải đọc đúng, đọc hay,
hay đọc diễn cảm. Hiểu không phải là sản phẩm trực tiếp của hoạt động đọc.
Không phải cứ đọc là hiểu. Chính vì thế học sinh phải học, học cẩn thận
không thể đại khái. Và chỉ ở nhà trường, việc học cách đọc, cách hiểu mới
được tổ chức một cách bài bản, theo quy trình khoa học.
Các bước đọc hiểu văn bản văn học:
+ Bước 1: Đọc – hiểu ngôn từ: Hiểu được các từ khó, từ lạ, các điển cố,
các phép tu từ, hình ảnh… (đối với thơ). Đối với tác phẩm truyện phải nắm
được cốt truyện và các chi tiết từ mở đầu đến kết thúc. Khi đọc văn bản cần
hiểu được các diễn đạt, nắm bắt mạch văn xuyên suốt từ câu trước đến câu
sau, từ ý này chuyển sang ý khác, đặc biệt phát hiện ra mạch ngầm – mạch

18


hàm ẩn, từ đó mới phát hiện ra chất văn. Bởi thế, cần đọc kĩ mới phát hiện ra

những đặc điểm khác thường, thú vị.
+ Bước 2: Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật: Hình tượng trong văn
bản văn học hàm chứa nhiều ý nghĩa. Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật của
văn bản văn học đòi hỏi người đọc phải biết tưởng tượng, biết “cụ thể hóa”
các tình cảnh để hiểu những điều mà ngôn từ chỉ có thể biểu đạt khái quát.
Đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật còn đòi hỏi phát hiện ra những mâu thuẫn
tiềm ẩn trong đó và hiểu được sự lôgic bên trong của chúng.
+ Bước 3: Đọc – hiểu tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản văn
học: Phải phát hiện được tư tưởng, tình cảm của nhà văn ẩn chứa trong văn
bản. Tuy nhiên tư tưởng, tình cảm của tác giả trong văn bản văn học thường
không trực tiếp nói ra bằng lời. Chúng thường được thể hiện ở giữa lời, ngoài
lời, vì thế người ta đọc – hiểu tư tưởng tác phẩm bằng cách kết hợp ngôn từ
và phương thức biểu hiện hình tượng.
+ Bước 4: Đọc – hiểu và thưởng thức văn học: Thưởng thức văn học là
trạng thái tinh thần vừa bừng sáng với sự phát hiện chân lí đời sống trong tác
phẩm, vừa rung động với sự biểu hiện tài nghệ của nhà văn, vừa hưởng thụ ấn
tượng sâu đậm đối với các chi tiết đặc sắc của tác phẩm. Đó là đỉnh cao của
đọc – hiểu văn bản văn học. Khi đó người đọc mới đạt đến tầm cao của hưởng
thụ nghệ thuật.
Ví dụ: Khi dạy bài “Nhàn” (Nguyễn Bỉnh Khiêm) cần hướng dẫn cho
HS cách đọc, đọc với giọng thong thả, cần chú ý đến sự biến đổi trong cách
ngắt nhịp để ngắt giọng cho đúng.
Một mai/ một cuốc/ một cần câu (2/2/3)
Thơ thẩn/ dầu ai/ vui thú nào (2/2/3)
Ta dại/ ta tìm nơi vắng vẻ (2/5)
Người khôn/ người đến chốn lao xao (2/5)

19



×