Tải bản đầy đủ (.pdf) (56 trang)

Bước đầu nghiên cứu phân loại chi rau dền (amaranthus L.) ở Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.35 MB, 56 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA SINH - KTNN

VŨ THỊ LAN

BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU PHÂN LOẠI
CHI RAU DỀN (AMARANTHUS L.)
Ở VIỆT NAM
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Thực vật học

HÀ NỘI - 2017


TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA SINH - KTNN

VŨ THỊ LAN

BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU PHÂN LOẠI
CHI RAU DỀN (AMARANTHUS L.)
Ở VIỆT NAM
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Thực vật học

Người hướng dẫn khoa học:
TS. Đỗ Thị Xuyến
TS. Hà Minh Tâm

HÀ NỘI - 2017



LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình làm khóa luận, tôi đã nhận được sự hướng dẫn và giúp
đỡ của TS. Đỗ Thị Xuyến và TS. Hà Minh Tâm. Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ
lòng biết ơn sâu sắc nhất đến các thầy cô.
Tôi xin trân trọng cảm ơn tập thể cán bộ phòng Thực vật – Viện Sinh
thái và Tài nguyên Sinh vật đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và tận tình giúp đỡ
tôi trong suốt quá trình nghiên cứu.
Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi còn nhận được sự giúp đỡ của
nhiều tổ chức và cá nhân trong và ngoài trường. Nhân dịp này, tôi xin trân
trọng cảm ơn Ban chủ nhiệm khoa Sinh – KTNN, Trường Đại học Sư phạm
Hà Nội 2; đặc biệt là sự giúp đỡ, động viên của gia đình, bạn bè trong suốt
thời gian tôi học tập và nghiên cứu.
Một lần nữa, tôi xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, ngày 3 tháng 5 năm 2017
Sinh viên

Vũ Thị Lan


LỜI CAM ĐOAN

Để đảm bảo tính trung thực của khóa luận, tôi xin cam đoan:
Khóa luận “Bước đầu nghiên cứu phân loại chi Rau dền
(Amaranthus L.) ở Việt Nam” là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi, được
thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Đỗ Thị Xuyến và TS. Hà Minh Tâm.
Các kết quả trình bày trong khóa luận là trung thực và chưa được công bố
trong bất kỳ công trình nào trước đây.
Hà Nội, ngày 3 tháng 5 năm 2017
Sinh viên


Vũ Thị Lan


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
CHƯƠNG 1.TỔNG QUAN TÀI LIỆU ......................................................... 3
1.1. Trên thế giới ............................................................................................... 3
1.2. Ở Việt Nam ................................................................................................ 5
CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN, NỘI DUNG VÀ
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU .................................................................. 8
2.1. Đối tượng nghiên cứu................................................................................. 8
2.2. Phạm vi nghiên cứu .................................................................................... 8
2.3. Thời gian nghiên cứu ................................................................................. 8
2.4. Nội dung nghiên cứu .................................................................................. 8
2.5. Phương pháp nghiên cứu............................................................................ 9
2.5.1. Phương pháp kế thừa tài liệu .................................................................. 9
2.5.2. Phương pháp điểu tra thực địa thu thập mẫu vật ................................... 9
2.5.3. Phương pháp so sánh hình thái .............................................................. 9
CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU .................................................... 12
3.1. Hệ thống phân loại và vị trí chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam .. 12
3.2. Đặc điểm hình thái chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam ............... 12
3.3. Khóa định loại các loài thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam ... 17
3.4. Đặc điểm phân loại các loài thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt
Nam ................................................................................................................. 17
3.4.1. Amaranthus caudatus L. 1753 - Dền đuôi chồn.................................... 17
3.4.2. Amaranthus hybridus L. 1753 – Dền lai ............................................... 21
3.4.3. Amaranthus lividus L. 1753 – Dền cơm ............................................... 24
3.4.4. Amaranthus retroflexus L. 1753 – Dền ngược ..................................... 28



3.4.5. Amaranthus spinosus L. 1753 – Dền gai .............................................. 31
3.4.6. Amaranthus tricolor L. 1753 – Dền tía ................................................. 35
3.5. Giá trị tài nguyên của các loài thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam
......................................................................................................................... 39
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ...................................................................... 41
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................ 42
PHỤ LỤC


MỞ ĐẦU
Lý do chọn đề tài
Thế giới sinh vật vô cùng phong phú và đa dạng. Trên thế giới cũng
như Việt Nam đã có rất nhiều chuyên ngành khoa học nghiên cứu về thực vật.
Trong đó chuyên ngành Phân loại thực vật đóng vai trò nền tảng và vô cùng
quan trọng. Phân loại thực vật một cách chính xác sẽ cung cấp tài liệu cho các
ngành khoa học và các môn học khác có liên quan.
Chi Rau dền (Amaranthus L.) còn gọi là Rau Giền, Dền, Giền, thuộc họ
Rau dền (Amaranthaceae Juss 1789). Ở Việt Nam, chi này có 6 loài trong đó
4 loài dùng làm rau ăn và 4 loài làm thuốc, 2 loài làm cây cảnh, 3 loài còn
dùng để chăn nuôi gia súc và 1 loài chưa rõ giá trị sử dụng. Cho đến nay ở
Việt Nam đã có một số công trình đề cập đến phân loại chi Rau dền nhưng
vẫn chưa đầy đủ và có hệ thống.
Vì vậy, để chuẩn bị cho việc nghiên cứu một cách toàn diện về phân
loại chi Rau dền ở Việt Nam và góp phần cung cấp dữ liệu cho việc nhận biết,
sử dụng các loài thuộc chi này, tôi đã chọn nghiên cứu đề tài: “Bước đầu
nghiên cứu phân loại chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam”.
Mục đích nghiên cứu
Hoàn thành công trình khoa học về phân loại chi Rau dền (Amaranthus

L.) ở Việt Nam một cách có hệ thống, làm cơ sở cho việc nghiên cứu họ Rau
dền (Amaranthaceae), phục vụ cho việc biên soạn Thực vật chí Việt Nam và
cho những nghiên cứu có liên quan.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
Cung cấp tài liệu phục vụ cho việc viết Thực vật chí Việt Nam về họ
Rau dền ở Việt Nam, bổ sung kiến thức cho chuyên ngành phân loại thực vật
và cơ sở dữ liệu cho những nghiên cứu sau này về chi Rau dền (Amaranthus
L.) ở Việt Nam.

1


Kết quả của đề tài phục vụ trực tiếp cho các ngành ứng dụng và sản
xuất lâm nghiệp, y dược, sinh thái và tài nguyên sinh vật,…
Điểm mới của đề tài: Đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam tiến hành
phân loại chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam một cách đầy đủ về số
lượng loài cũng như các thông tin khác.
Bố cục khóa luận: Gồm 44 trang, 10 hình vẽ, 6 ảnh, 2 bảng được chia
thành các phần chính như sau: Mở đầu (2 trang), chương 1 (Tổng quan tài
liệu: 5 trang), chương 2 (Đối tượng, phạm vi, thời gian, nội dung và phương
pháp nghiên cứu: 4 trang), chương 3 (Kết quả nghiên cứu: 29 trang), kết luận
và kiến nghị: 1 trang, tài liệu tham khảo: 26 tài liệu: 3 trang; bảng tra tên khoa
học và tên Việt Nam, phụ lục.

2


CHƯƠNG 1.TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Trên thế giới
Người đầu tiên nghiên cứu về chi Rau dền là Linnaeus năm 1753 [26]

trong công trình “Species Plantarum” và đặt tên là Amaranthus L. Trong công
trình này, tác giả đã công bố chi Amaranthus với 11 loài là: Amaranthus
tricolor, Amaranthus melancholicus, Amaranthus triftis, Amaranthus lividus,
Amaranthus gracizans, Amaranthus blitum, Amaranthus caudatus, Amaranthus
hybridus,

Amaranthus

hypochondriacus,

Amaranthus

retroflexus



Amaranthus fpinafus. Khi đó, chi Amaranthus được xếp vào nhóm 5 nhị 1 vòi
nhụy (Monoecia Pentandria) cùng với một số chi khác như: Xanthium,
Ambrosia, Parthenium…
Sau Linnaeus, còn một số tác giả nghiên cứu chi Amaranthus nhưng chủ
yếu là những công bố mới. Về hệ thống, không có quan điểm nào khác biệt.
Bentham & Hook f. (1880) [15], khi xây dựng hệ thống phân loại họ Rau
dền (Amaranthaceae) đã xếp chi Amaranthus vào họ này, khi đó chi Rau dền
thuộc tông Amaranteae cùng các chi Acnida, Acanthochiton, Saltia,…
Về sau, nhiều tác giả cũng đề cập đến chi Amaranthus trong các công
trình nghiên cứu như: Cockscombs & Celosias (1996) [17], A. Takhtajan
(2009) [27]… Các tác giả đều cho rằng chi Amaranthus nằm trong họ
Amaranthaceae.
Các nước lân cận Việt Nam có một số công trình nghiên cứu về chi
Amaranthus dưới dạng các công trình thực vật chí, như công trình của C. A.

Backer (1949) [13] đã nghiên cứu phân loại chi Amaranthus ở khu vực
Malesian trong “Flora Malesian Vol. 4, part 2”, tác giả đã mô tả đặc điểm
chi, xây dựng khóa định loại và mô tả 9 loài có ở vùng Malesian là:
Amaranthus

gracilis,

Amaranthus

lividus,

Amaranthus

interruptus,

Amaranthus spinosus, Amaranthus leptostachyus, Amaranthus dubius,

3


Amaranthus hybridus, Amaranthus caudatus, Amaranthus tricolor. Bên cạnh
việc cung cấp thông tin về danh pháp, đặc điểm phân bố, sinh thái, tác giả còn
cung cấp thông tin về giá trị sử dụng của các loài, có hình ảnh minh họa của 1
loài là: Amaranthus tricolor.
Năm 1956, F. C. How [20] khi nghiên cứu hệ thực vật ở Quảng Châu
trong tác phẩm “Flora Cantonia” đã mô tả đặc điểm, xây dựng khóa định loại
và cung cấp giá trị sử dụng của 3 loài là: Amaranthus spinosus, Amaranthus
viridis, Amaranthus tricolor.
C. A. Backer & R. C. Bakhuizen (1963) [14] trong khi nghiên cứu hệ
thực vật của vùng Java (thuộc Inđônêxia) đã xếp chi Amaranthus vào họ

Amaranthaceae và công bố chi này có 6 loài là: Amaranthus gracilis,
Amaranthus lividus, Amaranthus tricolor, Amaranthus spinosus, Amaranthus
dubius, Amaranthus caudatus. Tác giả đã mô tả các đặc điểm hình thái để
phân biệt các loài dưới dạng khóa phân loại, không có danh pháp, mẫu nghiên
cứu cũng như hình ảnh minh họa.
Cùng quan điểm xếp Amaranthus trong họ Amaranthaceae, tập thể tác
giả Authors (1972) [12] trong “Iconographia Cormophytorum Sinicorum” đã
mô tả 7 loài thuộc chi Amaranthus có ở Trung Quốc là: Amaranthus
caudatus, Amaranthus paniculatus, Amaranthus retroflexus, Amaranthus
spinosus, Amaranthus tricolor, Amaranthus viridis, Amaranthus ascendens.
Đến năm 1979 Kuan Ke-chien trong tác phẩm “Flora Reipublicae Popularis
Sinicae Tom. 25” [23], đã ghi nhận số loài thuộc chi Rau dền ở Trung Quốc
có tới 13 loài là: Amaranthus caudatus, Amaranthus hypochondriacus,
Amaranthus paniculatus, Amaranthus retroflexus, Amaranthus hybridus,
Amaranthus spinosus, Amaranthus tricolor, Amaranthus albus, Amaranthus
gracilentus, Amaranthus roxburghianus, Amaranthus blitoides, Amaranthus
viridis, Amaranthus lividus.Công trình này được viết bằng tiếng Trung Quốc,
có một số hình ảnh minh họa của các loài.

4


K. Larsen (1992) [25] trong công trình “Flora of Thailand Vol. 5, part 4”
đã xếp chi Amaranthus thuộc họ Amaranthaceae, tác giả đã xây dựng bản mô tả,
khóa định loại các loài, đề cập đến giá trị sử dụng và địa điểm phân bố 6 loài ở
Thái Lan là: Amaranthus spinosus, Amaranthus caudatus, Amaranthus hybridus,
Amaranthus tricolor, Amaranthus viridis, Amaranthus lividus.
Hsieh, Chang-Fu & Hsied, Tsung-Hsin năm 1996 [21], khi nghiên cứu
hệ thực vật Đài Loan công bố trong công trình “Flora of Taiwan” đã xếp chi
Amaranthus vào trong họ Amaranthaceae và mô tả 4 loài thuộc chi này là:

Amaranthus lividus, Amaranthus patulus, Amaranthus spinosus, Amaranthus
viridis nhưng không đề cập đến giá trị sử dụng của các loài.
Đến năm 2003, các tác giả Bojian Bao & Thomas Borsch & Steven E.
Clemants trong Flora of China [16] đã mô tả chi Amaranthus ở Trung Quốc
và phân loại chi này với 14 loài là: Amaranthus viridis, Amaranthus blitum,
Amaranthus blitoides, Amaranthus tricolor, Amaranthus albus, Amaranthus
roxbughianus, Amaranthus taishanensis, Amaranthus spinosus, Amaranthus
retroflexus, Amaranthus hybridus, Amaranthus caudatus, Amaranthus
patulus, Amaranthus hypochondriacus, Amaranthus cruentus.
Trong công trình Flora of Hong Kong của HU Qi-ming (2007) [22] đã mô tả
chi Amaranthus thuộc họ Amaranthaceae cùng với chi Celosia. Với chi
Amaranthus, tác giả đã xây dựng bản mô tả, khóa định loại các loài, cung cấp một
số thông tin về danh pháp, đặc điểm phân bố 4 loài ở Hồng Kông là: Amaranthus
spinosus, Amaranthus tricolor, Amaranthus viridis, Amaranthus blitum.
Như vậy, dù dựa vào đặc điểm khác nhau nhưng các tác giả đều thống
nhất xếp chi Rau dền (Amaranthus L.) vào họ Rau dền (Amaranthaceae).
1.2. Ở Việt Nam
Cho đến nay các công trình nghiên cứu họ Rau dền (Amaranthaceae) nói
chung và chi Rau dền (Amaranthus L.) nói riêng ở Việt Nam còn rất ít. Người

5


đầu tiên đề cập đến chi Rau dền ở Việt Nam là F. Gagnepain (1936) trong
công trình Flore Générale de l'.Indo-Chine [19]. Tác giả đã mô tả đặc điểm
của chi Rau dền, xây dựng khóa định loại, cung cấp một số thông tin về danh
pháp và đặc điểm phân bố của 6 loài có ở Đông Dương là: Amaranthus
paniculatus, Amaranthus caudatus, Amaranthus spinosus, Amaranthus
mangostanus, Amaranthus gangeticus, Amaranthus viridis. Tuy nhiên cho
đến nay 4 loài trong công trình này đều trở thành các tên đồng nghĩa.

K. Larsen trong công trình Flore du Cambodge, du Laos et du Vietnam
[24] đã mô tả 6 loài thuộc chi Amaranthus có ở khu vực Đông Dương là:
Amaranthus

spinosus,

Amaranthus

caudatus,

Amaranthus

hybridus,

Amaranthus tricolor, Amaranthus viridis, Amaranthus lividus và xếp chi này
vào họ Amaranthaceae dựa trên những đặc điểm: hoa đơn tính, chỉ nhị rời
dạng sợi, nhị lép không có. Trong đó đáng lưu lý có 5 loài có ghi nhận phân
bố ở Việt Nam. Trong công trình này tác giả đã mô tả cụ thể đặc điểm của chi
Amaranthus, xây dựng khóa định loại của loài, cung cấp một số thông tin về
danh pháp, đặc điểm phân bố, sinh thái, giá trị sử dụng của các loài và có hình
ảnh minh họa.
Năm 1997, Lương y Lê Trần Đức – tác giả cuốn “Cây thuốc Việt Nam”
[2] đã đề cập đến 2 loài Rau dền thuộc họ Amaranthaceae là: Amaranthus
viridis, Amaranthus tricolor. Tác giả đã mô tả đặc điểm và tóm tắt công dụng
làm thuốc của các loài.
Trong công trình “Cây cỏ Việt Nam” của Phạm Hoàng Hộ (1999) [8].
Tác giả đã cung cấp thông tin cơ bản để nhận biết 7 loài và 1 phân loài thuộc
chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam là: Amaranthus hybridus,
Amaranthus


caudatus,

Amaranthus

lividus,

Amaranthus

spinosus,

Amaranthus tricolor, Amaranthus tricolor var. splendenss, Amaranthus
retroflexus, Amaranthus viridis. Công trình “Cây cỏ Việt Nam” tuy có nhiều

6


hạn chế như: Bản mô tả còn sơ sài, không có tài liệu trích dẫn, không có mẫu
nghiên cứu, còn sử dụng tiếng địa phương,… nhưng cho đến nay đây là tài
liệu quan trọng cho việc định loại sơ bộ các loài thực vật ở Việt Nam.
Nguyễn Tiến Bân và Dương Đức Huyến (2003) [7], trong “Danh lục các
loài thực vật Việt Nam - họ Rau dền - Amaranthaceae” đã chỉnh lý danh pháp
và đưa ra danh lục 6 loài và một thứ thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở
Việt Nam. Tác giả cung cấp một số dẫn liệu về vùng phân bố, dạng sống và
sinh thái, cũng như giá trị sử dụng các loài trong chi Rau dền (Amaranthus
L.). Theo tác giả loài Amaranthus viridis trở thành synonym của loài
Amaranthus lividus.
Năm 2003, trong cuốn “Từ điển thực vật thông dụng” [10], tập 1, Võ
Văn Chi đã tóm tắt đặc điểm của chi Rau dền (Amaranthus L.) và mô tả một
số loài thuộc chi này cùng hình ảnh và một số đặc điểm.
Ngoài ra còn một số công trình đề cập đến các loài thuộc chi

Amaranthus như: công trình của Võ Văn Chi (1997) [9] trong “Từ điển cây
thuốc Việt Nam” giới thiệu 4 loài làm thuốc là: Amaranthus lividus,
Amaranthus caudatus, Amaranthus spinosus, Amaranthus tricolor; Nguyễn
Tiến Bân và Bùi Minh Đức (1994) [4] trong “ Một số cây rau dại ăn được ở
Việt Nam” đã mô tả 2 loài thuộc chi này cùng hình ảnh và một số đặc điểm
hayNguyễn Tiến Bân (1997) [6] trong “Cẩm nang tra cứu và nhận biết các họ
thực vật hạt kín ở Việt Nam”, hay Võ Văn Chi (2009) [11] trong cuốn “Cây
rau làm thuốc”…
Như vậy, có thể nói rằng cho đến nay số lượng loài thuộc chi Rau dền
của các tác giả vẫn còn chưa thống nhất, chưa có một công trình nào nghiên
cứu một cách đầy đủ về số lượng loài về họ Rau dền (Amaranthaceae) nói
chung và chi Rau dền (Amaranthus L.) nói riêng.

7


CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN,
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Các loài thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam, dựa trên tài
liệu và mẫu vật.
Tài liệu: Các tài liệu về phân loại chi Rau dền (Amaranthus L.) trên thế
giới và của Việt Nam và quan trọng nhất là các tài liệu chuyên khảo.
Mẫu vật: Các mẫu vật thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam,
hiện được lưu giữ ở các phòng tiêu bản thực vật như phòng Tiêu bản thực vật
– Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Hà Nội), phòng Tiêu bản thực vật,
trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc Gia Hà Nội (HNU) và các
mẫu vật tươi sống được thu thập từ thực địa.
Tổng số mẫu nghiên cứu là 38 số hiệu với 141 tiêu bản. Việc phân tích
mẫu vật được tiến hành tại phòng tiêu bản thực vật (Viện Sinh thái và Tài

nguyên Sinh vật). Ngoài ra, tôi còn tham khảo một số mẫu thu thập được
trong khi điều tra thực địa và các ảnh chụp mẫu vật trên internet.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Các loài thuộc chi Rau dền phân bố trên khắp cả nước.
2.3. Thời gian nghiên cứu
Từ tháng 8/2015 đến tháng 5/2017.
2.4. Nội dung nghiên cứu
- Vị trí và hệ thống phân loại chi Rau dền: Phân tích các hệ thống phân
loại chi Rau dền (Amaranthus L.) trên thế giới. Từ đó lựa chọn hệ thống phù
hợp để sắp xếp các loài thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam.
- Xây dựng bản mô tả chi, các loài thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở
Việt Nam.

8


- Xây dựng khóa định loại các loài thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở
Việt Nam.
- Tìm hiểu giá trị tài nguyên các loài thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.)
ở Việt Nam.
2.5. Phương pháp nghiên cứu
2.5.1. Phương pháp kế thừa tài liệu
Kế thừa các tài liệu về chi Rau dền (Amaranthus L.) đã được công bố,
đặc biệt là các công trình về phân loại học. Bên cạnh đó, tìm hiểu thêm những
công trình về giá trị tài nguyên, tình trạng hiện tại của các loài Rau dền, để
nhằm mục tiêu tìm hiểu về đặc điểm sinh học, sinh thái, tình trạng của loài.
2.5.2. Phương pháp điều tra thực địa thu thập mẫu vật
Tham gia các chuyến điều tra, nghiên cứu thực địa để thu thập mẫu vật,
phân tích mẫu ở trạng thái tươi (ví dụ loài Rau dền), tìm hiểu thông tin về
hình thái, giá trị sử dụng của loài. Đối với các loài thuộc chi Rau dền, có

nhiều loài thường mọc hoang dại ở ven đường, quanh khu dân cư, làng xóm,
bãi đất bỏ hoang, các trảng cỏ,… nên chúng tôi điều tra chủ yếu là các nơi có
ghi nhận có thể gặp các cá thể của loài nhiều nhất.
2.5.3. Phương pháp so sánh hình thái
Để nghiên cứu phân loại chi Rau dền (Amaranthus L.), tôi sử dụng
phương pháp Hình thái so sánh theo Nguyễn Nghĩa Thìn, 2007 [3]. Đây là
phương pháp cổ điển nhưng cho tới nay vẫn là phương pháp chính và phổ biến
nhất trên thế giới và phù hợp với điều kiện nghiên cứu của nước ta. Phương
pháp này dựa trên đặc điểm cấu tạo bên ngoài các cơ quan của thực vật, quan
trọng nhất là cơ quan sinh sản vì đặc điểm của nó liên quan chặt chẽ với bộ mã
di truyền và ít biến đổi bởi các tác động của môi trường. Việc so sánh dựa trên
nguyên tắc chỉ so sánh các cơ quan tương ứng với nhau trong cùng một giai
đoạn phát triển (cây trưởng thành so sánh với cây trưởng thành, nụ so sánh với
nụ, hoa so sánh với hoa, quả so sánh với quả, hạt so sánh với hạt,…).

9


Để làm tốt phương pháp nghiên cứu hình thái so sánh, cần tiến hành
đồng thời cả 2 công tác là ngoại nghiệp và nội nghiệp:
Công tác ngoại nghiệp: Thực hiện trong các chuyến đi thực địa nhằm
mục đích chụp ảnh quan sát thu thập mẫu vật, ngoài ra còn để ghi chép các
đặc điểm của mẫu ở trạng thái tươi, quan sát về phân bố, môi trường sống và
các đặc điểm khác.
Công tác nội nghiệp: Nhằm mục đích xử lý và bảo quản mẫu vật. Việc
nghiên cứu các mẫu vật khó được tiến hành tại các phòng thí nghiệm. Tại đây
các mẫu vật sẽ được phân tích, chụp ảnh, vẽ hình và mô tả, sau đó dựa vào
các bản mô tả gốc và mẫu vật chuẩn (nếu có), các chuyên khảo, các bộ thực
vật chí (nhất là của Việt Nam và các nước lân cận) để phân tích, so sánh và
định loại.

Việc nghiên cứu phân loại chi Rau dền (Amaranthus L.) được tiến hành
theo các bước như sau:
Bước 1: Tổng hợp, phân tích các tài liệu trong và ngoài nước về chi Rau
dền (Amaranthus L.). Từ đó lựa chọn hệ thống phân loại phù hợp với việc
phân loại chi này ở Việt Nam.
Bước 2: Phân tích, định loại các mẫu vật thuộc chi Rau dền (Amaranthus
L.) hiện có tại các phòng tiêu bản lưu giữa mẫu vật.
Bước 3: Tham gia các chuyến điều tra, nghiên cứu thực địa để thu thêm mẫu,
tìm hiểu thêm về sinh thái học, sự phân bố và các thông tin có liên quan khác.
Bước 4: Tổng hợp kết quả nghiên cứu, mô tả các đặc điểm chung của
chi, xây dựng khoá định loại, mô tả các phân chi và các loài, chỉnh lý phần
danh pháp theo luật danh pháp quốc tế và cuối cùng hoàn chỉnh các nội dung
khoa học khác của đề tài.
– Soạn thảo chi và các loài dựa theo quy ước quốc tế về soạn thảo thực
vật và quy phạm soạn thảo thực vật chí Việt Nam, thứ tự như sau:

10


Thứ tự soạn thảo chi: Tên khoa học chính thức kèm theo tên tác giả công
bố tên gọi, tên Việt Nam thường dùng, trích dẫn lại tên tác giả công bố tên
khoa học, năm công bố, tài liệu công bố, số trang, tài liệu chính và tài liệu ở
Việt Nam đề cập đến, các tên đồng nghĩa (nếu có), tên Việt Nam khác (nếu
có), mô tả, loài chuẩn của chi, ghi chú (nếu có).
Thứ tự soạn thảo loài: Tên khoa học chính thức kèm theo tên tác giả
công bố tên gọi, tên Việt Nam thường dùng, trích dẫn lại tên tác giả công bố
tên khoa học, năm công bố, tài liệu công bố, số trang, tài liệu chính và tài liệu
ở Việt Nam đề cập đến, tên đồng nghĩa gốc (nếu có), các tên đồng nghĩa (nếu
có), tên Việt Nam khác (nếu có), mô tả, địa điểm thu mẫu chuẩn (Loc. class.),
mẫu vật chuẩn (Typus) kèm theo nơi bảo quản (theo quy ước quốc tế), sinh

học và sinh thái, phân bố, mẫu nghiên cứu, giá trị sử dụng, ghi chú (nếu có).
– Cách mô tả: Mô tả liên tục những đặc điểm cơ bản theo nguyên tắc
truyền tin ngắn gọn, theo trình tự từ cơ quan dinh dưỡng (dạng sống, cành,
lá,...) đến cơ quan sinh sản (cụm hoa, cấu trúc của hoa, quả, hạt).
Để tra cứu nhận biết họ, tôi căn cứ vào Cẩm nang tra cứu và nhận biết
các họ thực vật Hạt kín ở Việt Nam của Nguyễn Tiến Bân (1997).
Để đánh giá về giá trị tài nguyên tôi căn cứ vào kết quả điều tra thực địa
và từ tài liệu: Từ điển cây thuốc của Võ Văn Chi (1997), Từ điển thực vật
thông dụng 1 của Võ Văn Chi (2003),…

11


CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Hệ thống phân loại và vị trí chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam
+ Về hệ thống phân loại: Sau khi phân tích các hệ thống phân loại chi
Rau dền (Amaranthus L.) thuộc họ Rau dền (Amaranthaceae), tham khảo các
công trình thực vật chí ở các nước trên thế giới và ở Việt Nam như:Bentham
& Hook f. (1880), C. A. Backer (1949), C. A. Backer & R. C. Bakhuizen
(1963), K. Larsen (1992), Cockscombs & Celosias (1996), Phạm Hoàng Hộ
(1999), Nguyễn Tiến Bân (2003),… chúng tôi thấy hệ thống phân loại chi
Rau dền (Amaranthus L.) là tương đối đồng nhất ở hầu hết các tác giả nghiên
cứu. Hầu hết các tác giả đều đưa ra hệ thống phân loại từ chi phân loại trực
tiếp đến các loài mà không qua các nhánh hay các phân chi.
+ Về vị trí: Trong công trình này, tôi lựa chọn hệ thống của A. Takhtajan
(2009) để xác định vị trí, giới hạn chi Rau dền ở Việt Nam. Sau đó tôi dựa
vào “Danh lục các loài thực vật Việt Nam” của Nguyễn Tiến Bân (2003) để
xác định số loài. Trên cơ sở của hệ thống này, chi Rau dền (Amaranthus L.) ở
Việt Nam có 6 loài là: Amaranthus caudatus, Amaranthus hybridus,
Amaranthus


lividus,

Amaranthus

retroflexus,

Amaranthus

spinosus,

Amaranthus tricolor, được xếp vào họ Rau dền (Amaranthaceae), bộ Cẩm
chướng (Caryophyllales), phân lớp Cẩm chướng (Caryophyllidae), lớp Ngọc
lan (Magnoliopsida), ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) hay còn gọi là ngành
Hạt kín (Angiospermae).
3.2. Đặc điểm hình thái chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam
AMARANTHUS L. – RAU DỀN
L.1753. Sp. Pl.: 989; Benth. & Hook. f. 1880. Gen. Pl. 3(1): 28;
Gagnep. 1936. Fl. Gen. Indoch. 4: 1060; C. A. Backer, 1949. Fl. Males. I,
4(2): 75; F. C. How, 1956. Fl. Cantonia.: 144; Back. & Bakh. f. 1963. Fl. Jav.

12


1: 234; K. C Kuan, 1979. Fl. Reip. Pop. Sin. 25(2): 203; K. Larsen, 1992. Fl.
Thailand, 5(4): 382; Chang-Fu & Tsung-Hsin, 1996. Fl. Taiwan. 2:396;
Cockscombs & Celosias, 1996. Flowering plants of the world.: 70; Phamh.
1999. Illustr. Fl. Vietn. 1: 726; Bao B., E. C. Steven & B. Thomas, 2003. Fl.
China, 9: 417; HU Qi-ming, 2007. Fl. Hong Kong. 1: 152.
Dạng sống: Thảo hàng năm; thân thường màu xanh nhưng đôi khi có

màu hơi hồng (A. caudatus, A. hybridus, A. spinosus) hay tím tía (A. tricolor);
thân nhẵn hay có lông (A. retroflexus) hoặc có lông ở phần non (A. spinosus,
A. tricolor) hoặc có gai (A. spinosus).
Lá: Đơn, nguyên, thường mọc cách; hình trứng-bầu dục (A. lividus, A.
spinosus), hình trứng-thoi (A. retroflexus, A. tricolor), hình bầu dục (A.
caudatus), hình mũi mác (A. hybridus); lá có lông (A. caudatus, A. hybridus,
A. retroflexus) hay không lông (A. tricolor); gốc lá bằng nhau hay hơi lệch;
gân lông chim.

1

2
Hình 3.1. Một số hình thái lá

3

1. lá hình trứng gốc lệch (A. lividus); 2. lá hình bầu dục gốc không lệch (A.
spinosus); 3. lá hình thoi gốc lệch (A. tricolor)
(hình theo K. Larsen, 1989)

13


Cụm hoa và hoa
- Cụm hoa: Mọc ở ngọn và nách lá hay ở nách lá; dạng bông đơn (A.
hybridus, A. spinosus, A. lividus, A. tricolor) hay thành bông kép (A.
caudatus) hay cụm hoa hình chùm kép (A. lividus).

1


2
Hình 3.2. Một số hình thái cụm hoa

1. cụm hoa dạng bông đơn (A. tricolor); 2. cụm hoa dạng chùm kép (A. lividus)
(hình theo K. Larsen, 1989)
- Hoa: Đều, nhỏ, đơn tính cùng gốc, không có cuống; Lá bắc thường bao
quanh hoa; lá bắc con 2(-5), tất cả đều dạng vẩy.
+ Đài và cánh hoa: Gồm các phiến dạng cánh hoa (tepal) nên gọi là bao
hoa; số lượng các phiến có thể thay đổi là 5 cái (A. caudatus, A. hybridus, A.
retroflexus, A. spinosus) hay 3 cái (A. lividus, A. tricolor), rời nhau, hình vẩy
mỏng, nhiều màu sắc, thường có dạng khô xác. Bao hoa ở cả hoa đực và hoa
cái của từng loài là giống nhau về hình dạng và kích thước, hiếm khi hình
dạng khác nhau giữa hoa đực và hoa cái (A. caudatus) hay kích thước khác
nhau (A. hybridus).
+ Bộ nhị: Số lượng nhị bằng số lượng của cánh bao hoa, thường 3-5 cái;
chỉ nhị dính nhau một phần rất nhỏ ở phía dưới, chỉ nhị phần trên rời nhau,
dạng sợi, nhị lép không có, bao phấn 2 ô.

14


+ Bộ nhụy: Gồm 3 lá noãn hiếm khi 2 (A. retroflexus hay đôi khi cũng
có ở loài A. spinosus) tạo thành bầu thượng có số ô bằng số lá noãn. Bầu dạng
trứng, mỗi ô có 1 noãn thẳng; vòi nhụy ngắn hoặc không có (A. spinosus, A.
tricolor,…); đầu nhụy 3 ít khi 2 (A. spinosus, A. hybridus).

1

2


Hình 3.3. Hình thái bộ nhị và bộ nhụy
1. bộ nhị (A. spinosus); 2. bao hoa và bộ nhụy (A. tricolor)
(theo K. Larsen, 1989)
Quả và hạt
- Quả: Hộp (quả nang mở nắp); hình trứng (A. retroflexus, A. tricolor),
hình bình (A. spinosus) hay hình bầu dục (A. caudatus, A. lividus), hình cầu
(A. hybridus); vỏ dạng màng, khô, thường nằm trong bao hoa khô xác tồn tại
bền cùng quả.
- Hạt: Hình tròn với hai mặt dẹp như dạng thấu kính, màu đen (A.
hybridus, A. spinosus, A. tricolor) hoặc nâu bóng (A. caudatus, A. lividus)
hoặc nâu đỏ (A. retroflexus); phôi ngắn, hình khuyên. Ngoại nhũ bột, bao
quanh phôi.

15


2

1

4

3

Hình 3.4. Một số hình thái quả và hạt
1 và 3. quả dạng trứng (A. spinosus; A. tricolor); 2. quả dạng cầu (A. lividus);
4. hạt hình thấu kính (A. caudatus)
(1,2,3 theo K. Larsen, 1989; 4 theo Phạm Hoàng Hộ, 1999)
Typus: Amaranthus tricolor L.
Có khoảng 40 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới. Ở nước ta có 6 loài.


16


3.3. Khóa định loại các loài thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở Việt Nam
1A. Thân và cành có gai .............................................................. 5. A. spinosus
1B. Thân và cành không có gai.
2A. Số lượng nhị là 5.
3A. Thân có lông mịn, lá có lông ở cả 2 mặt ................. 4. A. retroflexus
3B. Thân không có lông, lá có lông ở gân.
4A. Thân phân nhánh ít, chóp lá không có đầu nhọn, bao hoa dài 22,5mm ..........................................................................1. A. caudatus
4B. Thân phân nhiều nhánh, chóp lá có đầu nhọn, bao hoa dài 12mm ............................................................................ 2. A. hybridus
2B. Số lượng nhị là 3.
5A. Chóp lá có đầu nhọn, gốc dạng nêm, bao hoa dài 1mm, dạng thuôn
dài hay hình chữ nhật; quả hình bầu dục hay hình cầu ..........................
..............................................................................................3. A. lividus
5B. Chóp lá không có đầu nhọn, gốc nhọn, bao hoa dài 3-6mm, dạng
vẩy; quả hình trứng ......................................................... 6. A. tricolor
3.4. Đặc điểm phân loại các loài thuộc chi Rau dền (Amaranthus L.) ở
Việt Nam
3.4.1. Amaranthus caudatus L. 1753 - Dền đuôi chồn
L. 1753. Sp. Pl.: 990; Gagnep. 1936. Fl. Gen. Indoch. 4: 1061; C. A. Backer,
1949. Fl. Males. I, 4(2): 80; K.C Kuan, 1979. Fl. Reip. Pop. Sin. 25(2): 206;
K. Larsen, 1992. Fl. Thailand, 5(4): 384; Phamh. 1999. Illustr. Fl. Vietn. 1:
727; N.T.Ban & D.D. Huyen, 2003. Checkl. Pl. Sp. Vietn. 2: 299; Bao B., E.
C. Steven& B. Thomas, 2003. Fl. China, 5: 418.
- A. sanguineus L. 1763. Sp. Pl.: 1407.
- Dền đuôi ngắn

17



Hình 3.5. Amaranthus caudatus
1. cành mang hoa; 2. quả; 3. hạt
(hình theo Phạm Hoàng Hộ, 1999)
Cây thảo hàng năm, mọc thẳng, cao 0,5-0,8(-1,2) m, thân dạng mập, ít
phân nhánh, hình trụ hơi có cạnh, thường có màu hơi đỏ hay hồng, không
lông. Lá có cuống dài tới 15 cm, phiến lá hình bầu dục đến hình thoi, màu
xanh đậm hoặc hơi đỏ dọc theo mép, cỡ 4-15 x 2-8 cm; chóp nhọn đến tù;
mép nguyên hoặc hơi lượn sóng; gốc nhọn đến tù, có lông ở gân, các gân bên
thường nhạt hay không rõ. Cụm hoa mọc ở đỉnh, dạng bông đơn hay kép, có
thể tạo thành bó, dài 2-3 cm. Trên trục cụm hoa, các hoa thường không liên
tục tạo thành các ngấn sâu và đứt đoạn; trục cụm hoa mảnh thường rủ xuống.
Hoa rất nhỏ. Lá bắc và lá bắc con cỡ 3 mm, dài hơn hoa, mặt ngoài có 1 gân
chính, chóp nhọn. Cánh bao hoa 5, màu đỏ tía; ở hoa đực hình dạng như vẩy,
trứng đến chữ nhật; ở hoa cái dạng vẩy, trứng ngược đến dạng thìa, mép xếp
đè lên nhau, có đầu nhọn ngắn hơn; dài khoảng 2- 2,5 mm. Nhị 5. Bầu 3 ô;
vòi nhụy dài khoảng 0,8 mm; núm nhụy 3, dạng điểm. Quả hộp, hình bầu dục,
đường kính cỡ 3 mm, khi chín nứt ở giữa, nắp hộp dài hơn bao hoa; hạt hình
thấu kính, rộng 1-1,5 mm, màu đen hay nâu bóng.
Loc. Class:

Peru; Typus: Cluf. bift. 2. p. 81 [26]

18


Sinh học và sinh thái: Mọc hoang dại ven đường đi, các bãi hoang, ven
ruộng nương hoặc đôi khi được trồng. Mùa hoa hoa quả gần như quanh năm,
chủ yếu vào mùa hè.

Phân bố: Cao Bằng, Lào Cai (Sa Pa), Hà Giang (Quản Bạ, Tráng Kìm),
Nam Bộ. Còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Malaixia…
Mẫu nghiên cứu: CAO BẰNG, Lê Kim Biên 5634 (HN). – LÀO CAI
(Sa Pa), Phạm Cẩm 1613 (HN). – HÀ GIANG (thị trấn phó bảng), Nguyễn
Thị Nhan 139 (HN).
Giá trị sử dụng: Ở Ấn Độ, dùng toàn cây làm thuốc lọc máu và lợi tiểu,
trị bệnh trĩ, chữa đái són buốt, bệnh tràng nhạc và đắp các vết loét. Ở Trung
Quốc, hạt dùng làm lương thực cũng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm (theo
Võ Văn Chi, 1997: 404).

19


×