Tải bản đầy đủ (.pdf) (72 trang)

Hành động ngôn ngữ chửi trong truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.07 MB, 72 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN

======

NGUYỄN MAI HƯƠNG

HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ CHỬI
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA
NAM CAO VÀ NGUYỄN CÔNG HOAN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học

Người hướng dẫn khoa học
TS. LÊ THỊ THÙY VINH

HÀ NỘI - 2017


LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình thực hiện khóa luận tôi đã nhận được sự hướng dẫn nhiệt
tình và chu đáo của TS. Lê Thị Thùy Vinh – Giảng viên tổ Ngôn ngữ, cùng sự
ủng hộ, góp ý của toàn thể các thầy cô trong khoa Ngữ văn – trường Đại học Sư
phạm Hà Nội 2.
Tác giả khóa luận xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và gửi lời cảm ơn
trân trọng nhất tới các thầy cô, đặc biệt là TS.GV. Lê Thị Thùy Vinh, người đã
giúp đỡ tôi hoàn thành khóa luận này.
Hà Nội, tháng 05 năm 2017
Tác giả khóa luận

Nguyễn Mai Hương




LỜI CAM ĐOAN
Đề tài “Hành động ngôn ngữ chửi trong truyện ngắn của Nam Cao và
Nguyễn Công Hoan” được thực hiện hiện trực tiếp dưới sự hỗ trợ của TS.GV. Lê
Thị Thùy Vinh
Tôi xin cam đoan rằng:
- Đây là kết quả nghiên cứu của riêng tôi
- Kết quả này không trùng với kết quả của bất kì tác giả nào đã được công bố
Nếu sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm
Hà Nội, tháng 05 năm 2017
Tác giả khóa luận

Nguyễn Mai Hương


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài ....................................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................................2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu.........................................................................4
4. Phương pháp nghiên cứu .......................................................................................5
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .........................................................................5
6. Đóng góp của khóa luận ........................................................................................6
7. Bố cục của khóa luận .............................................................................................6
NỘI DUNG
Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN .....................................................................................7
1.1 Hành động ngôn ngữ..........................................................................................7
1.1.1. Khái niệm .........................................................................................................7
1.1.2. Cấu trúc của hành động ngôn ngữ ..................................................................8

1.1.3. Dấu hiệu để nhận diện các hành động ngôn ngữ ............................................9
1.1.4. Điều kiện sử dụng hành động ngôn ngữ…………………………………...10
1.1.5. Phân loại hành động ngôn ngữ......................................................................12
1.1.6. Dạng thức thể hiện của hành động ngôn ngữ ................................................15
1.2. Hành động ngôn ngữ chửi.................................................................................16
1.2.1. Khái niệm .......................................................................................................16
1.2.2. Điều kiện xác định hành động chửi ...............................................................18
1.2.3. Dấu hiệu nhận diện ........................................................................................18
1.2.4. Phân loại hành động ngôn ngữ chửi..............................................................22
1.2.5. Phân biệt hành động chửi trong văn bản nghệ thuật với hành động chửi
trong giao tiếp đời thường .......................................................................................24
1.3. Truyện ngắn Nam Cao và Nguyễn Công Hoan ................................................28


1.3.1. Truyện ngắn Nam Cao ...................................................................................28
1.3.2. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan ..................................................................29
Chương 2: HÀNH ĐỘNG NGÔN NGỮ CHỬI TRONG TRUYỆN NGẮN NAM
CAO VÀ NGUYỄN CÔNG HOAN .......................................................................30
2.1. Đặc điểm cấu trúc của hành động ngôn ngữ chửi trong truyện ngắn Nam Cao
và Nguyễn Công Hoan .............................................................................................30
2.1.1. Hành động chửi có cấu trúc một từ ...............................................................31
2.1.2. Hành động chửi có cấu trúc một ngữ ............................................................36
2.1.3. Hành động chửi có cấu trúc một kết cấu C-V hay nhiều kết cấu C-V ...........37
2.1.4. Hành động chửi có cấu trúc là một đoạn văn................................................40
2.2. Dạng thức thể hiện của hành động ngôn ngữ chửi trong truyện ngắn Nam Cao
và Nguyễn Công Hoan .............................................................................................43
2.2.1. Hành động chửi trực tiếp ...............................................................................44
2.2.2. Hành động chửi gián tiếp ..............................................................................47
2.3. Vai trò của hành động ngôn ngữ chửi trong việc thể hiện nội dung và nghệ
thuật trong truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan ...............................48

2.3.1. Góp phần thể hiện tính cách, đặc điểm số phận nhân vật .............................48
2.3.2. Góp phần thể hiện đặc điểm tâm lý tiêu cực của nhân vật ............................50
2.3.3. Góp phần thể hiện phong cách, ý đồ nghệ thuật của tác giả ........................50
KẾT LUẬN ..............................................................................................................54
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................................56


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Cùng với sự phát triển của lý thuyết ngữ dụng học, các hành động
nói năng nói chung và các tiểu nhóm hành động ngôn ngữ nói riêng được
nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc. Chửi là hành động ngôn ngữ khá đặc trưng và
hết sức “nhạy cảm” trong hoạt động nói năng của người Việt. Chửi được xem
là một hiện tượng ngôn ngữ “kém văn hoá”, bị phê phán, lên án và hạn chế
phạm vi sử dụng. Tuy nhiên, trong thực tế, hành động này vẫn tồn tại và phát
triển ở nhiều nơi và nhiều giai tầng xã hội khác nhau. Chúng ta bắt gặp hành
động chửi thường xuất hiện ở chợ, ở nơi xếp hàng mua vé, ở bệnh viện, trong
lúc họp hành, khi tham gia giao thông và ngay cả trong gia đình… Đặc biệt,
trong văn bản nghệ thuật, hành động ngôn ngữ chửi cũng được các nhà văn sử
dụng qua lời thoại nhân vật ở những ngữ cảnh khá đa dạng. Do vậy, hành vi
này không hoàn toàn là hành vi “phản chuẩn”, “thiếu văn hóa” và “không
nên” sử dụng như từng gán cho nó.
1.2. Nam Cao và Nguyễn Công Hoan là những đại biểu xuất sắc của
trào lưu văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 – 1945. Cả hai tác giả đều
rất thành công ở thể loại truyện ngắn. Nếu Nam Cao thể hiện biệt tài khai thác
tâm lí nhân vật trong truyện ngắn của mình thì Nguyễn Công Hoan lại có sở
trường về truyện ngắn trào phúng. Tìm hiểu những hành động ngôn ngữ được
sử dụng trong truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan nói chung
cũng như hành động ngôn ngữ chửi nói riêng, chúng ta có thể thấy sự thể hiện
các hành động này vô cùng phong phú và độc đáo, phù hợp với phong cách

riêng của từng tác giả, góp phần thể hiện nội dung tác phẩm, hấp dẫn bạn đọc.
Trên cơ sở đó, chúng tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu ““Hành động
ngôn ngữ chửi trong truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan”
với mong muốn tìm hiểu những cơ chế tâm lý bức xúc của người nói dẫn đến
1


việc sử dụng hành động ngôn ngữ này như một hiện tượng xã hội. Từ đó thấy
được sắc thái ý nghĩa đa dạng phong phú của hành động này hướng tới làm
nổi bật phong cách của mỗi nhà văn. Đồng thời, việc tìm hiểu hành động ngôn
ngữ chửi trong truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan cũng sẽ giúp
cho việc tiếp nhận hành động ngôn ngữ này ở các em học sinh được chuẩn
mực và hướng tới tính nghệ thuật hơn, tránh làm các em học sinh hiểu sai ý
nghĩa của việc tác giả sử dụng những hành động ngôn ngữ có phần “phản
cảm” này.
2. Lịch sử vấn đề
Theo Austin, “Khi chúng ta nói năng là chúng ta đang thực hiện một
loại hành động đặc biệt mà phương tiện là ngôn ngữ. Một hành động ngôn
ngữ được thực hiện khi một người nói (người viết) nói ra một phát ngôn cho
người nghe (hoặc người đọc) trong ngữ cảnh”. Austin cũng phân loại hành
động ngôn ngữ thành 5 nhóm (1) phán xử (verditives, verditifs); (2) hành xử
(exrcitives, exercitifs); (3) cam kết (commisives, commissifs); (4) trình bày
(expositives, expositifs); (5) ứng xử (behabitives, comportementaux). Trong
những nhóm trên, tác giả xếp hành vi ngôn ngữ chửi vào phạm trù ứng xử thể
hiện hành động phản ứng với cách xử sự của người khác, đối với các sự kiện
có liên quan.
Các công trình nghiên cứu trực tiếp về hành động chửi trong giao tiếp
của người Việt được khai thác tư liệu trên hai nguồn chính: lời nói hàng ngày
và lời thoại nhân vật trong tác phẩm văn học (truyện ngắn, truyện vừa, tiểu
thuyết, kịch, ca dao…). Có thể điểm đến các công trình như:

Cuốn Ngoa ngữ trong dân gian Việt Nam (1998) do soạn giả Nguyễn
Văn Hoa sưu tầm đã cho thấy sự dụng công của việc tập hợp các lời chửi
trong dân gian Việt Nam. Tác giả đã lí giải rất sinh động nguồn gốc các lời
chửi và nêu ra nguyên tắc hình thành tiếng chửi trong dân gian. Theo tác giả,

2


“ngoại trừ tiếng chửi nựng yêu con cháu hoặc tiếng răn đe kiểu “đóng cửa
trong nhà bảo nhau của bà nội, bà ngoại, bà dì, bà cô… còn lại, theo tôi, do
tâm trạng nặng nề, cáu giận, thù ghét mà phải bật lên tiếng chửi. Đó là võ
miệng cần thiết để hạ nhục đối phương, tiếng chửi càng to, càng kéo dài, càng
sâu sắc, càng tục tĩu thì càng áp đảo mạnh đối phương”
Tác giả Trần Ngọc Thêm trong cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam (1999)
cũng đã có những nhận xét về nghệ thuật ngôn từ Việt Nam qua lời chửi. Ông
khẳng định: “Thậm chí ngay cả trong việc chửi, người Việt cũng chửi bài bản,
cân đối, nhịp nhàng, đầy chất thơ, không chỉ lời chửi mà cả cách chửi, dáng
điệu chửi... cũng mang tính nhịp điệu. Với lối chửi có vần điệu, cấu trúc chặt
chẽ, người Việt có thể chửi từ giờ này sang giờ khác mà không nhàm chán.
Đó là một “nghệ thuật độc đáo mà có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới
có thể có được”.
Trong bài báo Đặc trưng ngôn ngữ, văn hoá trong các lối chửi của
người Việt, tác giả Nguyễn Thị Tuyết Ngân chú ý đến tiêu chí “phản chuẩn
mực xã hội” của hành động chửi. Bởi đây là tiêu chí có khả năng khu biệt
nhằm tách hành động chửi ra khỏi nhóm các phản ứng ngôn từ. Đồng thời, tác
giả đi vào tìm hiểu hình thức thể hiện lời chửi và phân loại các kiểu chửi dựa
vào nội dung và đích ngôn.
Với bài Về lời chửi của người Việt (2001), Phan Mậu Cảnh tiếp tục
khẳng định: thái độ phản ứng của con người được thể hiện bằng những hành
động chửi sinh động, phong phú. Cấu tạo của các phát ngôn chửi chủ yếu là

ngắn gọn nhưng có khả năng khoét sâu mâu thuẫn giữa các mối quan hệ khi
bản thân chủ ngôn nhận thấy mình bị mất mát, thiệt thòi hay bị làm nhục. Về
ý nghĩa, chửi là sự phản ánh trực tiếp bằng ngôn ngữ biểu hiện trạng thái căng
thẳng, căm tức, khinh bỉ, do vậy, từ ngữ mang tính phóng đại. Về phạm vi, lời
chửi không chỉ xuất hiện trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, hành động chửi

3


được chuyển thành lời các nhân vật trong tác phẩm mà còn thành những lời
hát đối đáp trong ca dao dân ca... Như vậy, dù chỉ là những suy nghĩ bước
đầu, nhưng tác giả Phan Mậu Cảnh đã khẳng định sự tồn tại của hành động
chửi với những “lời lẽ tự nhiên trong những hoàn cảnh không thể khác được”
Luận văn “Đặc điểm cấu trúc, ngữ nghĩa của hành động chửi qua lời
thoại nhân vật trong truyện ngắn Việt Nam” (2014) của Trần Thị Hoàng Yến
đã khảo sát tỉ mỉ các kiểu dạng của hành động ngôn ngữ chửi, đặc điểm cấu
trúc và ngữ nghĩa của chúng từ đó chỉ ra một số phong cách nghệ thuật của
tác giả và cách thức sử dụng ngôn từ của nhà văn.
Như thế, có thể thấy, những kết quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ
học, văn hóa học đã góp phần làm sáng tỏ và lý giải sự tồn tại tất yếu của một
nhóm hành động ngôn từ có khả năng đe dọa thể diện người nghe rất cao
trong thực tiễn giao tiếp – hành động ngôn ngữ chửi. Tuy nhiên, việc nghiên
cứu hành động ngôn ngữ chửi trong văn chương ở một số tác giả cụ thể một
cách hệ thống thì chưa có. Vì vậy, đề tài “Hành động ngôn ngữ chửi trong
truyện ngắn Nam Cao và Nguyễn Công Hoan” vẫn tìm được lối đi riêng,
không trùng lặp với những đề tài khác.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1 Mục đích nghiên cứu
- Đề tài hướng tới mục đích làm sáng tỏ đặc điểm cấu trúc, các dạng
thức thể hiện và vai trò của hành động ngôn ngữ chửi trong việc thể hiện nội

dung và nghệ thuật trong truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan
- Đề tài góp phần chỉ ra một số biểu hiện về phong cách tác giả và
nghệ thuật sử dụng ngôn từ của nhà văn Nam Cao và Nguyễn Công Hoan
trong sáng tác của mình. Đồng thời, hướng đến chỉ ra một số đặc trưng văn
hóa ứng xử của người Việt trong việc sử dụng hành động ngôn ngữ chửi –

4


hành động có khả năng vi phạm thể diện, danh dự của người khác thuộc mức
độ cao nhất.
- Đề tài góp phần phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu tác phẩm văn
học của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao nói riêng và các tác phẩm văn học nói
chung.
3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, khóa luận thực hiện các nhiệm vụ:
- Tập hợp các vấn đề lý thuyết có liên quan đến đề tài
- Khảo sát, thống kê, phân loại hành động ngôn ngữ chửi trong các
truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan ở giới hạn nghiên cứu.
- Phân tích, đánh giá hành động ngôn ngữ chửi được nhà văn Nam Cao
và Nguyễn Công Hoan sử dụng trong các truyện ngắn của mình từ đó rút ra
nhận xét về vai trò của hành động chửi trong quá trình tổ chức tác phẩm, thể
hiện nội dung và dụng ý nghệ thuật của tác giả đồng thời thấy được đặc trưng
văn hóa giao tiếp của người Việt.
4. Phương pháp nghiên cứu
Khóa luận sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp miêu tả;
- Phương pháp thống kê;
- Thủ pháp phân tích, tổng hợp;
- Thủ pháp so sánh, đối chiếu.

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1 Đối tượng nghiên cứu: Hành động ngôn ngữ chửi trong truyện ngắn
của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan
5.2 Phạm vi nghiên cứu:
Do giới hạn về thời gian và khuôn khổ của đề tài, khóa luận giới hạn phạm
vi nghiên cứu trong:

5


- “Tuyển tập Nam Cao” – Nxb Văn học, 2013 (phần truyện ngắn trước
Cách Mạng tháng Tám)
- “Tuyển tập Nguyễn Công Hoan” – Nxb Văn học, 2015 (phần truyện
ngắn).
6. Đóng góp của khóa luận
- Về mặt lý luận
Đề tài góp phần thúc đẩy tích cực sự phát triển của chuyên ngành
ngữ dụng học cụ thể là đưa việc khai thác các hành động ngôn ngữ ở các tác
phẩm văn chương thành một khía cạnh để tìm hiểu nội dung, nghệ thuật tác
phẩm cũng như phong cách tác giả.
- Về mặt thực tiễn
Đề tài nhằm đem lại một cách nhìn mới về hành động ngôn ngữ chửi
cho người tiếp nhận văn chương, thấy được vai trò của hành động ngôn ngữ
này khi khai thác, cảm thụ truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan.
Đồng thời, đề tài cũng cung cấp, bổ sung những kiến thức trong việc giảng
dạy các tác phẩm của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan ở trường phổ thông.
7. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, khóa luận
có cấu trúc 2 chương:
+ Chương 1: Cơ sở lí luận

+ Chương 2: Hành động ngôn ngữ chửi trong truyện ngắn của Nam Cao
và Nguyễn Công Hoan

6


Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1. Hành động ngôn ngữ
1.1.1. Khái niệm
Hành động ngôn ngữ là vấn đề được nhiều học giả quan tâm nghiên
cứu. Nhưng để xây dựng nên một học thuyết thì phải chờ đến sự đóng góp các
luận điểm rõ ràng, xác thực của J. L. Austin. Lý thuyết hành động ngôn ngữ
do nhà triết học Anh – J.L. Austin khởi xướng, sau này được J.R. Searle và
một số nhà nghiên cứu khác kế thừa và phát triển. Tư tưởng cơ bản của lý
thuyết này là: nói năng là hành động. Vậy, “Hành động ngôn ngữ là hành
động sử dụng ngôn từ nhằm tác động đến người tiếp nhận lời trong giao tiếp”
[13, 168]
Tác giả Nguyễn Thiện Giáp cho rằng “Khi giao tiếp, người ta cố gắng
tìm cách truyền đạt nhiều hơn cái người ta nói” [14, 47]. Vậy, hành động
ngôn ngữ được hiểu là hành động có chủ đích, được người nói (người viết)
tạo ra nhằm quyết định hay giải quyết một vấn đề nào đó tồn tại trong hiện
thực. Việc sử dụng một hành động ngôn ngữ (như: hỏi, hứa, chê, trách,
mắng…) sẽ gây một hiệu ứng đối với người nghe (người đọc), đó là người
nghe sẽ có hành động trả lời, trạng thái hi vọng, thái độ giận dỗi, tự ái… Tuy
vậy, giữa người nói và người nghe cần có những hiểu biết, ràng buộc bằng
các quy ước, thể chế ngầm định để các vai giao tiếp cùng hiểu sự tình, từ đó
tuân theo một cách tự giác. Mỗi loại hành động ngôn ngữ, do đó luôn bao
gồm những quy tắc vận hành, điều kiện cụ thể, để lời nói mỗi người sẽ thích
hợp với người nghe, với ngữ cảnh và đạt được đích giao tiếp mà chủ ngôn đặt
ra.

Trong khóa luận này, chúng tôi dựa vào cách hiểu của J.R. Searle về
hành động ngôn ngữ để tiến hành phân tích , miêu tả các hành động ngôn ngữ
chửi của nhân vật trong truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Công Hoan. Đó

7


là những hành động trao lời được nhân vật thực hiện trong một ngữ cảnh cụ
thể nhằm đạt đến mục đích nhất định. Và về cơ bản, hành động ngôn ngữ chửi
tác động trực tiếp, mạnh mẽ và sâu sắc đến thái độ, nhận thức và hành vi của
người bị chửi. Ví dụ
“ Nước mắt chảy quanh, bà bước chân ra gần đến cửa, quay lại rít lên:
- Thiếu gì cách lễ tết mà cậu phải nhục nhã như thế này!
Ngài trợn mắt
- Câm ngay! Mày làm cái gì mà bô bô cái mồm lên như thế. Đồ ngu như
lợn…cái gì mua được chứ cái này mua được à?
(Nguyễn Công Hoan, Xuất giá tòng phu)
Cùng với mục đích thỏa mãn cơn tức giận và nhằm coi thường, hạ nhục
đối phương mà vai chửi chủ động tạo ra các phát ngôn đạt mức độ thậm xưng
tối đa.
1.1.2. Cấu trúc của hành động ngôn ngữ
Dưới ánh sáng của lí thuyết hành động ngôn ngữ, các phát ngôn được
phân tích thành hai phần:
Nội dung miêu tả (hay còn gọi là nội dung mệnh đề; nội dung biểu
hiện) là nội dung sự tình, được phản ánh trong một mệnh đề, được đánh giá
đúng – sai.
Hiệu lực ở lời là hành động do hành vi ngôn ngữ được thực hiện đem
lại; biểu thị quan hệ.
Như vậy, theo Searle, công thức của một phát ngôn có dạng như sau:
F(p)

Trong đó:
p: Nội dung miêu tả
F: Hiệu lực ở lời

8


Xem xét các ví dụ sau:
(1) Anh Nam hút thuốc
(2) Anh Nam hút thuốc đi!
(3) Anh Nam hút thuốc không?
Cả 3 phát ngôn trên đều có chung một nội dung mệnh đề (p): Anh Nam
hút thuốc, nhưng chúng thực hiện các hành động ngôn ngữ khác nhau, do đó,
chúng có các hiệu lực ở lời khác nhau: phát ngôn (1) có hiệu lực ở lời của
hành động ngôn ngữ thông báo, mách; phát ngôn (2) có hiệu lực ở lời của
hành động ngôn ngữ mời; phát ngôn (3) có hiệu lực ở lời của hành động ngôn
ngữ hỏi.
1.1.3 Dấu hiệu để nhận diện các hành động ngôn ngữ
Để nhận diện một hành động ngôn ngữ người ta dựa vào một số dấu
hiệu có tính chất chỉ dẫn mà Searle gọi các dấu hiệu này là các phương tiện
chỉ dẫn hiệu lực ở lời. Các phương tiện được đề xuất gồm:
- Các kiểu kết cấu: Kiểu kết cấu ở đây là các kiểu câu được hiểu theo
ngữ pháp truyền thống có mục đích nói hết sức sơ lược và khái quát như: trần
thuyết, hỏi, cầu khiến, cảm thán với những dấu hiệu hình thức rất chung
chung. Ngoài ra, các kiểu kết cấu còn bao gồm các kết cấu cụ thể ứng với các
hành vi ở lời (hoặc các phạm trù hành vi ở lời). Thí dụ, thuộc kiểu kết cấu cầu
khiến tiếng Việt, không chỉ có các kiểu quen thuộc như (Hãy) học đi!; Đừng
(chớ) làm ồn (nữa)! mà còn có các kiểu kết cấu như Làm ơn đưa hộ cái bình
nước!; Cảm phiền đứng dậy một chút!;…
- Những từ ngữ chuyên dùng trong các biểu thức ngữ vi. Những từ ngữ

này dùng để tổ chức các kết cấu và là các dấu hiệu nhờ chúng ta biết được
hành vi nào đang được thực hiện. Đó là các từ ngữ chuyên dùng trong các
biểu thức ngữ vi hỏi như có (đã) … không (chưa), Có phải …hay không?, Ai,
cái gì, bao giờ, mấy,… Các từ ngữ chuyên dùng trong kiểu kết cấu cầu khiến

9


như: hãy, đi, đừng, chớ,… Đó là các từ ngữ như nên, không nên trong các
biểu thức ngữ vi khuyên; đó là các quán ngữ như đi đàng đầu, chết không
nhắm mắt,… và những mô thức nói năng tuy không cố định, do người nói
“sáng tạo ra” theo ngữ huống nhưng vẫn được cấu tạo phỏng theo một quán
ngữ nào đó như sẽ đâm vào ô tô mà chết trong các phát ngôn cam kết. Đó là
các từ ngữ mở đầu cho các biểu thức đánh giá: thật là…như thật là đẹp, thật
là tuyệt vời,… Đó là vô số những “lời chửi”: cha (mẹ)…, tiên sư
(nhân)…những lời rủa xả: đồ (mặt); đồ (con);…
- Ngữ điệu: Cùng một tổ chức từ vựng, ngữ pháp cụ thể nếu được phát
âm với những ngữ điệu khác nhau sẽ cho các biểu thức ngữ vi khác nhau ứng
với những hành vi ở lời khác nhau.
- Quan hệ giữa các thành tố trong cấu trúc vị từ - tham thể tạo nên nội
dung mệnh đề được nêu trong biểu thức ngữ vi với các nhân tố của ngữ cảnh.
Các đặc tính ngữ nghĩa như tự nguyện hay cưỡng bức, tích cực hay tiêu cực,
có lợi hay có hại,… của hành động đối với người tạo ra hành vi và người nhận
hành vi cũng có giá trị như những phương tiện chỉ dẫn hiệu lực ở lời.
- Động từ ngữ vi: đây được coi là một phương tiện chỉ dẫn hiệu lực ở
lời đặc biệt, đánh dấu cho một biểu thức ngữ vi tường minh. Động từ ngữ vi
là những động từ mà khi phát âm ra chúng cùng biểu thức ngữ vi là người nói
đã thực hiện luôn hành vi ở lời do chúng biểu thị. Thí dụ như “Tôi hứa với
anh là tô sẽ bỏ thuốc lá”. Động từ ngữ vi “hứa” của người nói (SP1) thể hiện
hành vi hứa của người nói với người nghe trong cuộc giao tiếp.

1.1.4. Điều kiện sử dụng hành động ngôn ngữ
Trong hoạt động giao tiếp, người nói có thể sử dụng ngôn ngữ để miêu
tả một hiện tượng, thuật lại một sự việc, bày tỏ một sự nghi vấn, khẳng định,
đưa ra một yêu cầu, nhận xét nào đó .... Khi chúng ta xem xét các loại hành
động ngôn ngữ, chủ yếu xem xét loại hành động ở lời (còn gọi hành động

10


ngôn trung). Để thể hiện hành động ở lời cũng cần có những điều kiện nhất
định.
J. L. Austin xem các điều kiện sử dụng các hành động ở lời là những
điều kiện “may mắn” nếu chúng được bảo đảm thì hành động mới “thành
công” đạt kết quả. Đó là các điều kiện:
- Phải có thủ tục có tính chất qui ước và thủ tục này có phải có hiệu
quả cũng có quy ước. Hoàn cảnh và con người phải thích hợp với những điều
qui định trong thủ tục.
- Những thủ tục nói trên phải được thực hiện một cách đúng đắn và
đầy đủ
- Thông thường thì những người thực hiện hành vi ở lời phải có ý nghĩ,
tình cảm và ý định đúng như đã được đề ra trong thủ tục và khi hành động
diễn ra thì ý nghĩ, tình cảm, ý định đúng như nó đã có.
Từ đó các hành động ngôn ngữ được chia thành 5 nhóm là:
1. Phán định (verditifs); 2. Hành xử (exercitisfs); 3. Cam kết (commissifs);
4. Ứng xử (behabitives); 5. Trình bày (expositifs).
Còn J.R. Searle, trên cơ sở phân tích hành động “hứa” trong bài viết
“Thế nào là một hành động ngôn từ?” đã liệt kê được những điều kiện sử
dụng và đúc kết lại những quy tắc sử dụng các phương tiện chỉ chức năng.
Những quy tắc này có thể áp dụng cho việc nhận diện, phân tích các loại hành
vi khác. R.J. Searle đã đưa ra 4 quy tắc (điều kiện) sử dụng hành động ở lời

như: quy tắc mệnh đề; quy tắc chuẩn bị; quy tắc chân thành; quy tắc căn bản.
Bốn điều kiện đó cụ thể như sau:
- Điều kiện nội dung mệnh đề (Propositional content rule): đây là điều
kiện chỉ ra bản chất nội dung của hành động. Điều kiện này liên quan đến cấu
trúc ngữ nghĩa của nội dung mệnh đề (nội dung của hành động ở lời). Tức là
phải có phát ngôn chứa nội dung cụ thể.

11


- Điều kiện chuẩn bị (Preparatory rule): là điều kiện có liên quan tới
những hiểu biết của người thực hiện hành động nói về những tri thức nền, về
quyền lợi, về trách nhiệm, về năng lực tinh thần và vật chất của người tiếp
nhận hành động. Cũng thuộc điều kiện chuẩn bị là lợi ích, trách nhiệm… cũng
như quyền lực của người nói đối với hành động ở lời mà mình đưa ra.
- Điều kiện chân thành (Cincerity rule): là điều kiện chỉ ra các trạng
thái tâm lí tương ứng của người phát ngôn. Điều kiện này cho thấy, người nói
thực sự chân thành mong đợi hiệu quả ở lời của hành động mà mình thực
hiện. Ví dụ: Tôi hứa yêu em nhưng trên thực tế lại yêu một cô gái khác thì lời
hứa này không xem là chân thành.
- Điều kiện căn bản (Ensential rule): là điều kiện đưa ra kiểu trách
nhiệm mà người nói hoặc người nghe bị ràng buộc khi hành vi ở lời đó được
phát ra. Trách nhiệm có thể rơi vào hành động sẽ được thực hiện hoặc đối với
tính chân thực của nội dung. Chẳng hạn, khi nói: Tôi hứa đến dự đám cưới
của em thì người hứa phải bằng mọi cách để thực hiện, nếu không hứa thì việc
đến hay không cũng không quan trọng.
Theo J.R. Searle, hành động ở lời được phân thành 5 phạm trù: tái hiện,
điều khiển, cam kết, biểu cảm và tuyên bố. Hành động ngôn ngữ chửi thuộc
nhóm hành động biểu cảm.
1.1.5. Phân loại hành động ngôn ngữ

Các hành động ngôn ngữ được thực hiện trong thực hiện trong thực tiễn
giao tiếp vô cùng phong phú và đa dạng. Việc phân loại các hành động ngôn
ngữ trong truyền thống nghiên cứu đã gặp không ít khó khăn, nhiều nhà
nghiên cứu cho rằng không thể phân loại được các hành động ngôn ngữ
(Wittgenstein). Các cách phân loại hiện nay cũng chưa đạt được sự thống nhất
cao trong giới ngôn ngữ học, tồn tại khá nhiều các cách phân loại khác nhau.
Một trong những cách phân loại đáng chú ý là cách phân loại của Searle.

12


Searle đã dựa vào 12 tiêu chí trong đó có 4 tiêu chí quan trọng là:
- Đích ở lời
- Hướng khớp ghép lời – hiện thực
- Trạng thái tâm lí
- Nội dung mệnh đề
Để phân các hành động ngôn ngữ thành 5 nhóm:
Trình bày: Các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm này có những đặc
điểm sau:
- Đích ở lời là người phát thông qua phát ngôn của mình để xác nhận sự
có mặt hoặc vắng mặt của một sự việc nào đó.
- Hướng khớp ghép là hiện thực – lời (hiện thực phải phù hợp với lời)
- Trạng thái tâm lí: tin vào điều mình trình bày
- Nội dung mệnh đề: là một mệnh đề đánh giá được theo tiêu chí đúng
sai
Ví dụ:
SP1: Hôm qua, anh ấy đến chỗ tớ chơi.
Bằng phát ngôn của mình, SP1 đã xác định sự việc “anh ấy đến chơi”
xảy ra vào “hôm qua”. Nhóm trình bày bao gồm một số hành động ngôn ngữ
tiêu biểu như: miêu tả, kể, xác nhận, kể, khẳng định, thông báo, báo cáo,

mách, …
Điều khiển: các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm này có những đặc
điểm sau:
- Đích ở lời: người phát thông qua phát ngôn của mình để đặt người
nhận vào trách nhiệm thực hiện một hành động tương lai.
- Hướng khớp ghép là hiện thực – lời (hiện thực phải phù hợp với lời)
- Trạng thái tâm lí: sự mong muốn của người phát.
- Nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người nhận.

13


Nhóm điều khiển bao gồm một số hành động ngôn ngữ tiêu biểu như:
yêu cầu, đề nghị, ra lệnh, sai, mời, khuyên, …
Ví dụ:
SP1: Anh uống nước đi!
Bằng phát ngôn của mình, SP1 đã đặt SP2 vào trách nhiệm thực hiện
một hành động “uống nước” trong tương lai.
Cam kết: Các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm này có những đặc
điểm sau:
- Đích ở lời là người phát thông qua phát ngôn của mình để tự đặt mình
vào trách nhiệm phải thực hiện một hành động trong tương lai.
- Hướng khớp ghép là hiện thực – lời (hiện thực phải phù hợp với lời)
- Trạng thái tâm lí là ý định của người phát
- Nội dung mệnh đề là hành động tương lai của người phát.
Ví dụ:
SP1: Mai, tôi sẽ đến.
Bằng phát ngôn của mình, SP1 đã tự đặt mình vào trách nhiệm phải
thực hiện một hành động “đến” trong tương lai “mai”
Nhóm cam kết bao gồm một số hành động cam kết tiểu như: hứa, đe dọa,…

Biểu cảm: Các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm biểu cảm có những
đặc điểm sau:
- Đích ở lời là người phát thông qua phát ngôn của mình để bày tỏ trạng
thái tâm lý.
- Hướng khớp ghép là lời – hiện thực (lời phải phù hợp với hiện thực)
- Trạng thái tâm lí: thay đổi theo từng loại hành vi (vui thích/khó chịu,
mong muốn/rẫy bỏ,…)
- Nội dung mệnh đề là hành động hoặc tính chất nào đó có tư cách là
nguồn gây ra cảm xúc ở người phát.

14


Ví dụ:
SP1: Ôi, (cái áo) đẹp quá!
Bằng phát ngôn đó, SP1 đã bày tỏ trạng thái tâm lí của mình.
Nhóm biểu cảm bao gồm một số hành động ngôn ngữ tiêu biểu như:
khen, phê bình, chê, xin lỗi, cảm ơn,…
Tuyên bố: Các hành động ngôn ngữ thuộc nhóm này có những đặc
điểm sau:
- Đích ở lời là người phát thông qua phát ngôn của mình làm cho nội
dung mệnh đề trở nên có hiệu lực (trở thành hiện thực).
- Hướng khớp ghép vừa là lời – hiện thực, vừa là hiện thực – lời.
- Nội dung mệnh đề là một mệnh đề.
Ví dụ:
SP1: Chúng ta dừng buổi học tại đây.
Bằng phát ngôn của mình, SP1 làm cho nội dung “kết thúc buổi học”
trở nên có hiệu lực (trở thành hiện thực)
Nhóm tuyên bố bao gồm một số hành động ngôn ngữ như: tuyên bố,
tuyên án, buộc tội,…

1.1.6. Dạng thức thể hiện của hành động ngôn ngữ
Hành động ngôn ngữ xét trong mối quan hệ giữa mục đích diễn đạt và
hình thức diễn đạt được thể hiện dưới hai dạng thức chính, đó là: hành động
ngôn ngữ trực tiếp và hành động ngôn ngữ gián tiếp.
Hành động ngôn ngữ trực tiếp là hành động ngôn ngữ được sử dụng
đúng với đích ở lời và điều kiện sử dụng.Ví dụ, để khuyên một ai đó nên làm
một việc gì đó, người nói sử dụng hành vi khuyên, chẳng hạn “Tôi khuyên
anh nên bỏ thuốc đi”.Hành động ngôn ngữ này là hành động ngôn ngữ trực
tiếp.

15


Hành động ngôn ngữ gián tiếp là thuật ngữ do Searle đặt ra. Theo đó,
hành động ngôn ngữ gián tiếp là hành động ngôn ngữ trong đó người nói thực
hiện một hành động ngôn ngữ này nhưng lại làm cho người nghe dựa vào
những hiểu biết ngôn ngữ hoặc ngoài ngôn ngữ để suy ra hiệu lực ở lời của
hành động ngôn ngữ khác. Ví dụ, ta có một hành động ngôn ngữ “Đóng cửa
giùm tôi được không?”. Hành động ngôn ngữ này trực tiếp hỏi thể hiện qua
phương tiện chỉ dẫn hiệu lực ở lời là “không” – từ ngữ chuyên dùng, nhưng
thực chất ở đây lại hướng tới hành vi ngôn ngữ gián tiếp là yêu cầu, đề nghị.
1.2. Hành động ngôn ngữ chửi
1.2.1. Khái niệm
Về khái niệm chửi, trong tiếng Việt có nhiều hình thức ngôn từ để biểu
thị, như chửi rủa, chửi bới, chửi xỏ, chửi chữ, chửi đổng, chửi bóng gió, chửi
mắng, mắng nhiếc, xỉ vả, đay nghiến, nhục mạ, nói nhiếc, nói mỉa, nói kháy...
và cũng có nhiều cách nói hình tượng thể hiện hành động này, như lời ong
tiếng ve, tiếng bấc tiếng chì, nói như tát nước vào mặt,... Ở các ngôn ngữ
khác, cách sử dụng thuật ngữ để biểu đạt hành động chửi đơn giản hơn, như
tiếng Anh chửi được gọi abuse, instuling...; trong tiếng Nga, chửi được gọi là

ричать (mắng, nhiếc, cự, chỉnh, xạc, đì, chửi rủa, chửi bới, chửi mắng, nhiếc
móc), ...
Để nhất quán trong hướng nghiên cứu của mình, chúng tôi chọn khái
niệm hành động chửi là thuật ngữ khái quát cho tất cả các tên gọi nói trên để
làm sáng tỏ mục đích dụng học của đối tượng nghiên cứu.
Về khái niệm hành động chửi (insulting act), theo một số từ điển:
Chửi là “Dùng lời độc ác và thô tục nói phạm đến người khác”[16, 7]hoặc
“Chửi là thốt ra những lời cay độc để làm nhục” [17, 19].
Như vậy, trong hai từ điển này có điểm giống nhau khi định nghĩa hành
động “chửi”, đó là:

16


- Người nói: dùng lời lẽ thô tục, độc ác, cay nghiệt để sỉ nhục, thoá mạ
người nghe.
- Người nghe: tiếp nhận những thông tin đó, dù không mong muốn.
- Đích tác động: người tiếp nhận bị làm nhục, xúc phạm về thể diện.
Tác giả Nguyễn Thị Tuyết Ngân cho rằng: “Chửi là một hiện tượng văn
hoá ngôn từ phản chuẩn bày tỏ một cách chủ động phản ứng bất bình nhằm
làm giảm căng thẳng tinh thần của người chửi và hạ uy tín của người bị chửi”
[18, 33]. Cách hiểu của tác giả Nguyễn Thị Tuyết Ngân cũng không đi ngoài
ba nhân tố trên nhưng thể hiện đầy đủ hơn, cụ thể hơn. Đó là:
- Người nói: hành động một cách chủ động nhằm giảm trạng thái căng
thẳng về tinh thần.
- Người nghe tiếp nhận và bị mất thể diện.
- Đích tác động của hành động: hạ uy tín của người nghe.
Điểm mới của cách hiểu này là xem hành động chửi là hiện tượng văn
hoá phản chuẩn.
Tác giả Phan Mậu Cảnh trong bài báo “Về các lời chửi trong tiếng

Việt” có đề cập đến hành động chửi nhưng không đưa ra định nghĩa. Tác giả
xem nó như một hành động tồn tại tất yếu trong đời sống xã hội. Hành động
này khá đa dạng với những biểu hiện cung bậc khác nhau: chửi rủa, chửi
kháy, chửi mỉa, chửi thề, chửi yêu, chửi mát...
Tóm lại, tuy những ý kiến trên có đề cập đến khái niệm hành động chửi
nhưng chưa nhiều, chưa đưa ra một định nghĩa, chưa đưa ra tiêu chí để nhận
diện chúng một cách minh định, chưa phân định hành động chửi trong khẩu
ngữ và trong lời nhân vật, cũng như phân loại các hành động chửi cụ thể theo
ngữ cảnh.
Từ bình diện ngữ dụng học, chúng tôi cho rằng hành động chửi là hành
động được vai nói sử dụng lời lẽ thô tục, cay nghiệt để thể hiện thái độ bực

17


tức, giận dữ, căm ghét của mình trong những ngữ cảnh nhất định và nhằm làm
mất thể diện của người nghe.
Ví dụ: “Mẹ kiếp! Không trách được người ta bảo “Tham như mõ”…”
(Nam Cao, Tư cách mõ)
1.2.2. Điều kiện xác định hành động chửi
- Nội dung mệnh đề: Nội dung mệnh đề là nội dung người nói đưa ra.
Chủ thể thực hiện HĐC bao giờ cũng đưa ra nội dung chê bai, chỉ trích, mạt
sát, sỉ nhục, hạ thấp giá trị của đối tượng, thể hiện thái độ không thiện chí,
không đồng tình với đối tượng.
- Điều kiện chuẩn bị: Trạng thái tâm lý của người nói trước khi chửi là
bực tức, giận dữ, căm ghét, khinh bỉ,... Khi thực hiện HĐC, người chửi không
chỉ có nhu cầu bộc lộ nhận thức mà còn hướng đến việc giải tỏa cảm xúc,
trạng thái tâm lí cá nhân.
- Điều kiện chân thành: Người nói thực sự tức giận và mong muốn lời
chửi của mình phải làm cho người nghe sợ và mất thể diện để hả giận.

- Điều kiện căn bản: HĐC dẫn đến mối quan hệ giữa người nói và
người nghe thay đổi, quan hệ giữa họ xấu đi, có khi tan vỡ.
Như vậy, việc xem xét các điều kiện sử dụng hành động chửi cho phép
khẳng định hành động chửi là hành động tiêu biểu trong nhóm hành động biểu
cảm.
1.2.3. Dấu hiệu nhận diện
a) Dựa vào lời dẫn thoại
Khái niệm lời dẫn thoại: Theo Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học của
Nguyễn Như Ý: “Lời dẫn là lời tường thuật của tác giả trong tác phẩm văn
học, không chứa lời nói nhân vật”.
Biểu hiện cụ thể của việc nhận diện HĐC ở lời dẫn thoại:

18


- Dựa vào các động từ thuộc nhóm nói năng biểu thi hành động chửi,
gồm: nói, bảo, mắng, quát, chửi, rủa,...
- Dựa vào động từ chỉ cách thức nói năng mang sắc thái biểu cảm
+ Nhóm động từ chỉ cách thức nói năng có âm lượng vừa phải, bao
gồm: lẩm bẩm, lầm bầm, làu bàu, lầu bầu, lảm nhảm, thì thầm, khàn khàn,...
+ Nhóm động từ chỉ cách thức nói năng có âm lượng lớn, gay gắt,
gồm các từ: kêu, hô, xẵng, hét, thét, gầm, gầm gào, gằn, tuôn, văng, vặc, rít,
xỉa, xỉa xói, chì chiết, văng vẳng, vỏng vót, the thé, xong xóc, gay gắt,
(nghiến răng) kèn kẹt, xoe xoé, xẵng, chu chéo, xa xả, rổn rảng, lia lịa, (quát)
nhặng xị, toang toang, chói tai, thống thiết, nham nhảm, ...
- Dựa vào nhóm từ ngữ chỉ đặc điểm vận động cơ thể của vai chửi
+ Nhóm từ ngữ miêu tả hành động bằng miệng, gồm: cười ha hả, cười
gằn, cười khẩy, cười phá, khóc, nhếch mép, nhe răng, nghiến răng, chép
miệng, nhổ pìn pịt, nhổ phìn phịt, cắn chặt hàm răng, nhếch môi, …
+ Nhóm từ ngữ miêu tả tính chất, hoạt động, trạng thái của đôi mắt:

Trạng thái tức giận, căm ghét hay phẫn nộ đối phương của vai chửi đươc ̣ thể
hiện qua cách dùng các từ ngữ giàu tính hình tượng, như: long lên, đỏ đọc, đỏ
ké, liếc, lườm, quắc mắt, trợn mắt, trừng trừng, gườm gườm,…
+ Nhóm từ ngữ miêu tả đặc điểm khuôn mặt, gồm: cau mặt, hằm hằm,
nhăn nhó, đỏ gay gắt, đỏ chín, đỏ lừ, đỏ bừng, cau cau mặt, xám mặt, vênh
mặt,...
+ Nhóm từ ngữ miêu tả hành động phụ trợ bằng tay, gồm: giơ tay, xắn
tay, giật, giằng, vằng, xô, đẩy, kéo giật, vỗ đùi, ôm mặt, phanh ngực, đập tay,
giật tóc, xỉa tay, ném lịch bịch, tay vung nắm đấm,...
+ Nhóm từ ngữ miêu tả đặc điểm hành động phụ trợ bằng chân, gồm:
giậm chân, đạp, nhảy chồm chổm, nhảy lên ghế, tiến thẳng, sấn, dân chân,...
- Dựa vào nhóm động từ miêu tả trạng thái tâm lí, thái độ của vai chửi

19


+ Nhóm động từ chỉ trạng thái tâm lí của vai chửi: cáu sườn, nổi sung,
nổi giận, đùng đùng, nổi giận lôi đình, giận dữ, giận, tức, tức điên, tức anh
ách, tức tưởi, bực bội, bực dọc, bức bối, uất ức, uất khí, phẫn uất, căm hờn,
xót xa, chua chát, quay cuồng, mệt nhọc, hổn hển, bỡn cợt,...
+ Nhóm động từ biểu thị thái độ của vai chửi: ngạo mạn, hả hê, khoái
trí, bỡn cợt, lồng lộn, hung hãn, cuống quýt, sốt sắng, dõng dạc, tỉnh queo, lừ
đừ,...
b) Dựa vào biểu thức ngữ vi
Biểu thức ngữ vi chửi: Biểu thức ngữ vi chửi không có mặt động từ
ngữ vi chửi. Chúng thuộc nhóm biểu thức ngữ vi nguyên cấp. Điều kiện để
xem xét các biểu thức ngữ vi chửi gồm:
- Dấu hiệu hình thức: Biểu thức ngữ vi chửi được bắt đầu bằng các dấu
gạch [ - ] ở đầu lời trao và lời đáp; biểu thức ngữ vi chửi được thể hiện trong
dấu ngoặc kép [“…”]; mỗi lượt lời chửi là một lần đặt trong ngoặc kép, sau

mỗi lượt lời có thể xuống dòng hoặc không, không có lời dẫn; biểu thức ngữ
vi chửi được thể hiện sau lời dẫn và các lượt lời đặt trong ngoặc kép, mỗi lượt
lời là một lần đặt trong ngoặc kép [“…”].
- Bộ phận đứng sau dấu [ : ] và dấu [ - ] trong thoại dẫn.
Người nói (Sp1)
- Sự có mặt người chửi thể hiện ở hai hình thức:
+ Đại từ xưng hô ngôi thứ nhất: tao, tôi, ta, tớ, chúng tôi, chúng tao,
bà, ông, bác, anh mày, chị mày, bố mày, con này, thằng này,...
+ Tình cảm, thái độ, hiểu biết, quan điểm của người nói trong nội dung
mệnh đề.
Người nghe (Sp2)
Trong phát ngôn ngữ vi chửi, đối tượng bị chửi được nhận diện xuất
hiện qua những đại từ xưng hô đích thực (số ít/ số nhiều) hay xưng hô lâm

20


×