CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÍN DỤNG
NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRONG THỰC HIỆN
XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO
1.1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ ĐÓI NGHÈO
1.1.1. Khái niệm đói nghèo
Các nhà nghiên cứu cho rằng đói nghèo là tình trạng người dân không được
hưởng những nhu cầu cơ bản của con người. Trong đó có nghèo tuyệt đối và
nghèo tương đối.
Hiện nay, ở Việt Nam, khái niệm về đói nghèo được hiểu theo cả nghĩa tuyệt
đối và tương đối. Thêm vào đó, Chính phủ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội
trong mỗi thời kỳ nhất định, ban hành chuẩn nghèo, lấy đó làm cơ sở xác định các
đối tượng là hộ nghèo và người nghèo của Việt Nam, tạo điều kiện cho việc thực
hiện các chương trình, các hoạt động cụ thể nhằm mục tiêu XĐGN.
1.1.2. Nguyên nhân của đói nghèo
Đói nghèo xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ
quan.
Nguyên nhân khách quan là những nguyên nhân từ bên ngoài như: điều kiện
tự nhiên không thuận lợi, điều kiện đất đai cằn cỗi, cơ chế chính sách của nhà
nước, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông không thuận tiện…
Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là những nguyên nhân xuất phát từ chính bản
thân những người nghèo như: người dân thiếu kiến thức làm ăn, thiếu hoặc không
có vốn, đông con, thiếu sức lao động hoặc không có việc làm, đau ốm, lười nhác...
1.1.3. Ảnh hưởng của đói nghèo đến phát triển kinh tế - xã hội
Đói nghèo ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, cụ thể: đói
nghèo có tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, gây ra tình trạng bất bình
đẳng trong xã hội gia tăng, mức độ tiếp cận và thụ hưởng phúc lợi xã hội của
người nghèo thấp, các tệ nạn xã hội khác như cờ bạc, trộm cướp, ma tuý, mại dâm
... gia tăng, làm gia tăng tỷ lệ phạm tội trong xã hội ngày càng gia tăng và nó tác
động tiêu cực đến môi trường.
1.2. TÀI CHÍNH VI MÔ VÀ THÁCH THỨC TRONG VIỆC CHO NGƯỜI
NGHÈO VAY VỐN
Theo quan điểm của ADB thì tài chính vi mô là việc cung cấp các dịch vụ tài
chính cho người nghèo và các doanh nghiệp siêu nhỏ. Do đó, quy mô giao dịch
thường nhỏ, chi phí giao dịch lớn.
Hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính vi mô gặp phải ba thách thức lớn là:
quy mô các giao dịch nhỏ, chi phí giao dịch lớn, các khoản đi vay thường không
có tài sản đảm bảo, khách hàng vay vốn thường là những người thiếu kỹ năng,
trình độ chuyên môn thấp, hiệu quả sử dụng vốn không cao. Những điều này đã
khiến cho việc cung cấp dịch vụ tài chính vi mô gặp khó khăn, khó có thể đảm bảo
an toàn và hiệu quả cho hoạt động của các tổ chức này.
1.3. TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH VỚI CÔNG CUỘC XÓA ĐÓI, GIẢM NGHÈO
Hiện nay, theo quan điểm của Việt Nam thì tín dụng chính sách là tín dụng
của nhà nước thực hiện cho đối tượng là người nghèo và các đối tượng chính sách
khác theo quy định của pháp luật.
Tín dụng chính sách khác với tài chính vi mô vì nó là tín dụng của nhà nước,
và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, đối tượng khách hàng của tín dụng
chính sách là đối tượng chính sách được quy định bởi pháp luật, hoạt động tín
dụng chính sách được nhà nước giao cho NHCSXH trực tiếp triển khai thực hiện,
nguồn vốn tài trợ cho chương trình là từ nguồn vốn huy động của nhà nước.
Hiện nay ở Việt Nam, hai văn bản đang điều chỉnh hoạt động này là Quyết
định số 170/2005/QĐ – TTg, ban hành ngày 8 tháng 7 năm 2005, về việc ban hành
chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010 và nghị định số 78/2002/NĐ –
CP, ban hành ngày 4 tháng 10 năm 2002, quy định về tín dụng đối với người
nghèo cà các đối tượng chính sách khác.
Tín dụng chính sách là hoạt động quan trọng trong việc thực hiện XĐGN của
Việt Nam, do vậy, tín dụng chính sách có những vai trò nổi bật như: cung cấp vốn
tín dụng đối với người nghèo, góp phần cải thiện thị trường tài chính cộng đồng,
nơi có hộ nghèo sinh sống, góp phần tạo nhiều cơ hội việc làm cho người nghèo
và góp phần nâng cao thu nhập của hộ nghèo.
Hoạt động tín dụng chính sách được chia ra làm hai khu vực là chính thức
và phi chính thức. Trong khu vực chính thức, hoạt động tín dụng chính sách chủ
yếu là do NHCSXH cung cấp. Ngoài ra, ở khu vực phi chính thức có các tổ chức
phi chính phủ, các quỹ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ CEF của Liên
đoàn lao động…
Tổ chức hoạt động tín dụng chính sách chủ yếu thực hiện cho vay trực tiếp
và uỷ thác cho vay thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
1.4. CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH
Hoạt động tín dụng chính sách chịu tác động của các nhân tố, bao gồm cả
nhân tố khách quan và chủ quan.
1.5. KINH NGHIỆM THẾ GIỚI TRONG CHO VAY XOÁ ĐÓI, GIẢM
NGHÈO
Trên thế giới đã có nhiều nước thực hiện thành công các chương trình tín dụng
cho người nghèo như Bănglađét với mô hình tín dụng vi mô cho người nghèo của
ngân hàng Grameen, và Trung Quốc với chính sách vĩ mô hỗ trợ phát triển kinh tế,
thực hiện công tác XĐGN của các địa phương. Thông qua tìm hiểu kinh nghiệm của
hai quốc gia này giúp cho Việt Nam có thể rút ra bài học cả trên khía cạnh quản lý vĩ
mô và vi mô để thực hiện công tác XĐGN ở Việt Nam
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRONG THỰC HIỆN XOÁ ĐÓI,
GIẢM NGHÈO Ở VIỆT NAM
2.1. TÌNH HÌNH ĐÓI NGHÈO Ở VIỆT NAM
2.1.1. Những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới
Sau hơn 20 năm mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu
nổi bật trên mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, ngoại giao và nhận được
nhiều sự ủng hộ của bạn bè thế giới.
2.1.2. Thực trạng đói nghèo ở Việt Nam
Thành tích XĐGN của Việt Nam trong những năm qua chủ yếu mới chỉ
dừng lại ở việc giảm số hộ nghèo, một bộ phận dân cư còn đang phải sống trong
tình trạng đói nghèo, chất lượng cuộc sống không được đảm bảo, đặc biệt là người
nghèo ở khu vực vùng cao, miền núi, vùng ven biển và nông thôn.
2.1.3. Nguyên nhân đói nghèo ở Việt Nam
Tình trạng đói nghèo của Việt Nam xảy ra do sự tác động của nhiều nguyên
nhân khác nhau như: thiên tai, hoạt động sản xuất của người nghèo manh mún,
nhỏ lẻ, thiếu tư liệu sản xuất, thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm ăn, tâm lý
tự ti, ỷ lại của chính người nghèo…
2.2. THỰC TRẠNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
TRONG THỰC HIỆN XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO Ở VIỆT NAM
2.2.1. Quá trình hình thành và phát triển của ngân hàng chính sách xã hội
NHCSXH được thành lập vào năm 1995, trên cơ sở Ngân hàng phục vụ
người nghèo. Ngân hàng là TCTD nhà nước, hoạt động trong phạm vi cả nước, có
tư cách pháp nhân, vốn điều lệ do nhà nước cấp, hoạt động không vì mục tiêu lợi
nhuận. Hiện, ngân hàng đã cung cấp dịch vụ cho vay ưu đãi đến 100% các xã
trong phạm vi cả nước, góp phần tích cực vào hoạt động XĐGN của quốc gia.
2.2.2. Quy chế, quy trình tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội trong thực
hiện xoá đói, giảm nghèo ở Việt Nam
NHCSXH thực hiện hoạt động cho vay chính sách dựa trên cơ sở những quy
định của Chính phủ đề ra trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, quy chế cho vay của ngân
hàng chính sách có những điểm thống nhất như: đối tượng cho vay của đơn vị là
đối tượng thuộc diện chính sách theo quy định của nhà nước, mục đích cho vay
chính là giúp người nghèo có thể thoát khỏi tình trạng đói nghèo, nâng cao chất
lượng cuộc sống và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cấp thiết của người nghèo, mức cho
vay được quy định tối đa cho từng nhóm đối tượng cụ thể trong những thời kỳ
nhất định, thời gian cho vay khá linh hoạt, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn của
người nghèo, và ngân hàng tổ chức thực hiện cho vay thông qua uỷ thác cho tổ
chức, đoàn thể xã hội và cho vay trực tiếp.
2.2.3. Nguồn vốn tài trợ cho hoạt động tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội
trong thực hiện xoá đói, giảm nghèo ở Việt Nam
NHCSXH được thành lập để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách,
là kênh dẫn vốn của nhà nước tới người nghèo nên phần lớn nguồn vốn tài trợ cho
hoạt động của ngân hàng là do nhà nước cấp, phần còn lại là ngân hàng đi huy
động trên thị trường và đi vay.
2.2.4. Hoạt động tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội trong thực hiện xoá
đói, giảm nghèo ở Việt Nam
Hiện nay, ngân hàng chủ yếu thực hiện cho vay 13 chương trình, trong đó có
các chương trình tín dụng chính sách, tác động trực tiếp tới việc thực hiện XĐGN
của Việt Nam.
Thứ nhất, cho vay hộ nghèo: nhằm hai mục đích là cho vay kinh doanh và
cho vay tiêu dùng. Trong đó, cho vay kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn, với thời gian
vay vốn chủ yếu trong trung và dài hạn, cho vay tiêu dùng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Thời gian qua, hàng triệu lượt hộ gia đình được vay vốn ưu đãi tại ngân hàng, tạo
cơ sở cho việc phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống và thoát nghèo, trực
tiếp góp phần vào thành công của công tác XĐGN của quốc gia.
Thứ hai, cho vay giải quyết việc làm: nhằm giúp các cơ sở sản xuất, hộ gia
đình có vốn phát triển sản xuất, từ đó thuê thêm nhân công, tạo việc làm cho người
lao động nghèo. Thông qua hoạt động này, đã có nhiều cơ sở, doanh nghiệp được
vay vốn mở rộng sản xuất, đồng thời tạo việc làm cho người lao động nghèo.
Thứ ba, cho vay học sinh, sinh viên: với chương trình cho vay này, hàng
triệu HS, SV có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, trang trải chi
phí học tập và sinh hoạt, lấy đó làm nền tảng của việc XĐGN bền vững.
Thứ tư, cho vay xuất khẩu lao động: đã giúp người lao động nghèo có kinh
phí để chi trả các chi phí cần thiết để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, từ đó
có cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao ở nước ngoài, nâng cao thu nhập và
có cơ hội xoá bỏ tình trạng đói nghèo. Tuy nhiên số lượng người nghèo tiếp cận
chương trình này còn hạn chế.
Thứ năm, cho vay NS&VSMT nông thôn: chương trình này đã giúp người
nghèo trang trải chi phí xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh
theo tiêu chuẩn quốc gia về NS&VSMT nông thôn, giúp nâng cao chất lượng cuộc
sống của người nghèo và cải thiện môi trường, từ đó giúp công cuộc XĐGN được
thực hiện một cách toàn diện.
Thứ sáu, cho vay mua trả chậm nhà ở: chương trình đã giúp các đối tượng
chính sách có hoàn cảnh kó khăn có cơ hội sửa chữa, xây mới nhà ở, xoá các nhà
tranh tre, lá nứa, dột nát, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt cho các nhóm đối
tượng này.
Thứ bảy, cho vay dự án phát triển ngành lâm nghiệp: giúp người dân nghèo
thoát khỏi cảnh nghèo đói nhờ trồng rừng thương mại, đồng thời nó vừa có ý
nghĩa trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam thông qua hoạt động trồng rừng,
phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Thứ tám, cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn: giúp đồng
bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất, như:
phát triển nghề trồng rừng, làm kinh tế trang trại, mở rộng chăn nuôi và phát triển
nghề trồng lúa nước… từ đó, tạo đòn bẩy giúp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu
số ặc biệt khó khăn thoát khỏi cảnh đói ăn và thoát nghèo.
Thứ chín, cho vay dự án UNILEVER: chương trình được thực hiện để cho
phụ nữ nghèo vay vốn, thông qua đó nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức chăm
sóc con cái, gia đình, phát triển kinh tế hộ, giúp phụ nữ nghèo thay đổi nhận thức
và tự mình vươn lên thoát nghèo.
Thứ mười, cho vay hộ gia đình, cơ sở doanh nghiệp sử dụng lao động là
người sau cai nghiện: thông qua hoạt động cho vay này, NHCSXH đã tạo điều
kiện cho các cơ sở sản xuất có sử dụng người lao động là người sau cai nghiện vay
vốn, giúp các đối tượng này có cơ hội tái hoà nhập cộng đồng, nâng cao thu nhập,
thoát khỏi tình trạng đói nghèo, đồng thời làm giảm các tệ nạn xã hội.
2.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ TÍN DỤNG NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ
HỘI TRONG THỰC HIỆN XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO Ở VIỆT NAM
Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã tác động tích cực đến việc
XĐGN của Việt Nam, trong thời gian qua đã có rất nhiều hộ nghèo được vay vốn chính
sách và thông qua đó thoát khỏi tình trạng đói nghèo, góp phần thực hiện XĐGN một
cách toàn diện, đảm bảo tính bền vững cho chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN.
Tuy nhiên, bên cạnh đó hoạt động của NHCSXH cũng còn có một số hạn chế
nổi bật như: hoạt động cho vay chưa thực sự có hiệu quả cao, chất lượng các
khoản cho vay này chưa thực sự tốt, hoạt động cho vay chưa hướng tới việc tìm
nguồn tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo, quy mô khoản cho vay nhỏ lẻ, manh
mún, ngân hàng chưa kiểm soát tốt được đối tượng khách hàng vay vốn có thuộc
diện chính sách theo quy định hay không nên vẫn có hiện tượng người không
thuộc diện nghèo vẫn có thể tiếp cận và vay vốn chính sách của ngân hàng, trong
khi đó, người nghèo thực sự cần vốn không tiếp cận được nguồn vốn chính sách.
Hoạt động tín dụng chính sách của ngân hàng có những tồn tại trên là do
những nguyên nhân xuất phát từ bên trong và bên ngoài ngân hàng, khiến cho hoạt
động tín dụng chính sách chưa đạt được hiệu quả cao nhất.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG
NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRONG THỰC HIỆN
XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO Ở VIỆT NAM
3.1. DỰ BÁO VỀ TÌNH HÌNH ĐÓI NGHÈO VÀ NHIỆM VỤ XOÁ ĐÓI
GIẢM NGHÈO CỦA VIỆT NAM TRONG TƯƠNG LAI
3.1.1. Dự báo về tình hình đói nghèo của Việt Nam
Trong thời gian tới, tình hình đói nghèo của Việt Nam sẽ có xu hướng thay
đổi như sau: khoảng cách về thu nhập, khoảng cách về giàu nghèo giữa các vùng,
miền ngày càng rõ, xuất hiện nhóm đối tượng nghèo là dân ở vùng đô thị thiếu đất
sản xuất, nguy cơ tái nghèo, mất việc làm tăng, người lao động lĩnh vực nông
nghiệp không có việc làm và lâm vào tình trạng nghèo đói, chất lượng cuộc sống
của người dân thấp.
3.1.2. Nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo của Việt Nam trong tương lai
XĐGN là nhiệm vụ của tất cả các chủ thể trong xã hội. Trong đó các cơ quan
nhà nước và các TCTD phải là người đi đầu. Đối với Chính phủ cần thực hiện một
cách toàn diện tất cả các chương trình để đảm bảo XĐGN được thực hiện theo cả
chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo Việt Nam có thể XĐGN một cách toàn diện và
triệt để. Trong khi đó, NHNN cần ban hành các chính sách hỗ trợ NHCSXH trong
việc tổ chức các nghiệp vụ hoạt động, giúp hoàn thiện hơn nữa hoạt động của
NHCSXH. Thêm vào đó, các định chế tín dụng khác cũng phải chung sức trong
việc thực hiện nhiệm vụ XĐGN
3.2. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRONG THỰC HIỆN XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO Ở
VIỆT NAM
Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH trong thời gian qua vẫn còn
tồn tại những hạn chế nhất định, do vậy, để hoàn thiện hoạt động tín dụng chính
sách thì NHCSXH cần phải thực hiện một số công việc sau: củng cố hoạt động của
các Tổ TK&VV, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ giao dịch
lưu động cấp xã, đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ tín dụng cho cán bộ, tập
trung cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách thuộc diện nghèo khác,
kết hợp thực hiện cho vay chính sách và công tác khuyến khích pháp triển ngành
nông nghiệp, kết hợp với các địa phương thực hiện các chương trình cho vay hỗ
trợ người nghèo thiếu dất sản xuất phát triển kinh tế hộ, mở rộng tín dụng, đẩy
mạnh các chương trình tài trợ cho phụ nữ nghèo, đẩy mạnh việc cho vay cải
thiện môi trường và chất lượng cuộc sống của người nghèo, kết hợp với các cơ
sở đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động nghèo đang thất
nghiệp, triển khai các hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và
người nông dân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các khoản trích lập dự phòng
rủi ro trong cho vay, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau khi giải ngân, đa
dạng hoá các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ.
3.3. KIẾN NGHỊ VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Luận văn đã đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ, NHNN. Trong đó, đề
nghị các cơ quan nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tư pháp nhằm
quản lý tốt nền kinh tế, mang lại lợi ích cho người nghèo, đồng thời, Chính phủ
cần phải căn cứ vào tình hình thực tế trong từng thời kỳ, từng địa phương để xây
dựng chuẩn nghèo, lấy đó làm cơ sở để xác định đối tượng cần giúp đỡ, thêm nữa,
Chính phủ và NHNN cần ban hành các cơ chế, chính sách để NHCSXH có thể chủ
động thực hiện hoạt động tín dụng chính sách, tăng tính tự chủ của đơn vị, cũng
như khuyến khích các TCTD khác cùng chung tay, góp sức trong việc thực hiện
cho vay chính sách để thực hiện nhiệm vụ XĐGN của quốc gia.
KẾT LUẬN
XĐGN là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia. Trong đó, để thực hiện XĐGN
thành công thì hoạt động cấp tín dụng chính sách đến tay người nghèo là
hết sức quan trọng. Sau quá trình nghiên cứu về tình hình đói nghèo và
thực trạng hoạt động tín dụng chính sách của Việt Nam, tác giả đã đưa ra
hoàn thành một số nội dụng cụ thể sau: Hệ thống hoá các nội dung lý
thuyết liên quan đến đói nghèo và hoạt động tín dụng chính sách, phân
tích, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay chính sách, những thành tựu
và tác động của nó tới việc công cuộc XĐGN của quốc gia. Từ đó, luận
văn đã đưa ra những dự báo về tình hình đói nghèo và nhiệm vụ của các
cơ quan nhà nước, NHCSXH và các TCTD khác trong thời gian tới.
Cũng trong luận văn, từ việc đưa ra các nguyên nhân của hạn chế trong
hoạt động tín dụng chính sách, luận văn đã đưa ra những kiến nghị và
giải pháp để hoàn thiện công tác tín dụng chính sách, góp phần thực hiện
XĐGN một cách toàn diện.