Tải bản đầy đủ (.pdf) (187 trang)

Tín ngưỡng của nhóm dao quần chẹt ở xã quân chu, huyện đại từ, tỉnh thái nguyên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.63 MB, 187 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

MAI THỊ HỒNG VĨNH

TÍN NGƯỠNG CỦA NHÓM DAO QUẦN CHẸT Ở
XÃ QUÂN CHU, HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN

Chuyên ngành: Nhân học
Mã số: 62 31 03 02

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS.TS Nguyễn Văn Minh
2. PGS.TS Đàm Thị Uyên

Hà Nội - 2017


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nêu trong luận án là trung thực và có trích nguồn rõ ràng.
Hà Nội, ngày tháng năm 2017
Nghiên cứu sinh

Mai Thị Hồng Vĩnh



LỜI CẢM ƠN
Tôi xin được cảm ơn Ban giám đốc Học viện Khoa học xã hội, Phòng Quản
lý đào tạo, Khoa Dân tộc học và Nhân học cùng các quý thầy cô của Học viện Khoa
học xã hội đã giúp đỡ, tạo điều kiện để tôi hoàn thành chương trình học tập, nghiên
cứu và hoàn thành luận án.
Tôi xin được cảm ơn Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên – nơi tôi đang
công tác, đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi học tập và nghiên cứu.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS Nguyễn Văn Minh
và PGS.TS Đàm Thị Uyên đã hết lòng dìu dắt, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn để tôi có
thể hoàn thành luận án này.
Xin được cảm ơn UBND xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và
các cộng tác viên, đồng bào người Dao Quần Chẹt ở các xã Quân Chu, xã Tân Lập,
xã Thông Nông (Đại Từ, Thái Nguyên) đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong suốt thời
gian điền dã và nghiên cứu.
Cuối cùng, xin cảm ơn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã khích lệ, động viên
tôi trong suốt quá trình học tập.
Hà Nội, Ngày tháng năm 2017
Nghiên cứu sinh

Mai Thị Hồng Vĩnh


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU

1

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ
THUYẾT VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU


8

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

8

1.2. Cơ sở lý thuyết

17

1.3. Khái quát về địa bàn và người Dao Quần Chẹt tại điểm nghiên cứu

25

CHƯƠNG 2 TÍN NGƯỠNG VỀ LINH HỒN VÀ THỜ CÚNG ĐA THẦN

41

2.1. Quan niệm và thực hành các nghi lễ, tập quán về linh hồn

41

2.2. Quan niệm và thực hành thờ cúng đa thần

49

2.3. Biến đổi trong tín ngưỡng về linh hồn và thờ cúng đa thần

57


CHƯƠNG 3 TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN

61

3.1. Thờ cúng tổ tiên cộng đồng

61

3.2. Thờ cúng tổ tiên trong dòng họ

66

3.3. Thờ cúng gia tiên trong các gia đình nhà chòi

87

3.4. Biến đổi trong thờ cúng tổ tiên

92

CHƯƠNG 4 TÍN NGƯỠNG NGHỀ NGHIỆP

101

4.1. Tín ngưỡng nông nghiệp

101

4.2. Tín ngưỡng trong các nghề nghiệp khác


110

4.3. Biến đổi trong tín ngưỡng nghề nghiệp

115

CHƯƠNG 5 GIÁ TRỊ VÀ VẤN ĐỀ ĐANG ĐẶT RA CỦA TÍN NGƯỠNG
NGƯỜI DAO QUẦN CHẸT HIỆN NAY

120

5.1. Giá trị của tín ngưỡng trong đời sống người Dao Quần Chẹt

120

5.2. Một số vấn đề về tín ngưỡng hiện nay

130

5.3. Kiến nghị và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị của tín ngưỡng
trong đời sống người Dao Quần Chẹt hiện nay

144

KẾT LUẬN

150

DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ


153

TÀI LIỆU THAM KHẢO

154

PHỤ LỤC


DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
Viết tắt

STT

Viết đầy đủ

1

CB. VH - XH

Cán bộ văn hóa - xã hội

2

CT. MTTQ

Chủ tịch Mặt trân Tổ quốc

3


CP

Chính phủ

4

HĐND

Hội đồng nhân dân

5

NQ

Nghị quyết

6

NCS

Nghiên cứu sinh

7

Nxb

Nhà xuất bản

8


PL

Pháp luật

9

PL

Phụ lục

10



Quyết định

11

TTg

Thủ tướng Chính phủ

12

TW

Trung ương

13


TT- BVHTTDL

Thông tư - Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch

14

UBND

Ủy ban nhân dân

15

UBTVQH

Ủy ban Thường vụ Quốc hội

16

VNĐ

Việt Nam đồng


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là
mục tiêu và động lực thúc đẩy xã hội phát triển, trong đó tín ngưỡng với tư cách là một
thành tố văn hóa đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Tín ngưỡng chứa đựng
những triết lý sâu xa về thế giới tự nhiên, xã hội và con người; có vai trò cố kết giữa
các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, tạo nên sức mạnh xã hội rộng lớn.

Xét ở một góc độ khác, tín ngưỡng góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa
truyền thống cũng như điều chỉnh, định hướng các chuẩn mực và ứng xử xã hội. Ngày
nay, trong công cuộc xây dựng đất nước, Đảng ta khẳng định tôn giáo tín ngưỡng luôn
tồn tại cùng dân tộc trong quá trình đi lên Chủ nghĩa Xã hội. Việt Nam là quốc gia đa
dân tộc, ở mỗi tộc người, tôn giáo tín ngưỡng biểu hiện mang sắc thái riêng, gắn với
đặc trưng của từng tộc người, địa phương cụ thể. Trong khi đó, tôn giáo tín ngưỡng là
một phạm trù lịch sử - xã hội, trong quá trình tồn tại và phát triển cũng bộc lộ những
mặt tích cực và mặt hạn chế, tác động sâu sắc tới đời sống mỗi cộng đồng tộc người nói
riêng và quốc gia dân tộc nói chung. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu về tín ngưỡng
nhằm hạn chế những mặt không phù hợp với xã hội hiện đại và phát huy các giá trị của
tín ngưỡng phục vụ công cuộc xây dựng đời sống mới hiện nay.
Trong 54 dân tộc ở nước ta, người Dao cư trú rải rác từ khu vực miền núi biên giới
Việt – Trung, Việt – Lào cho tới một số tỉnh trung du Bắc bộ và hiện nay một bộ phận
di cư vào Tây Nguyên, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở một số tỉnh miền núi phía Bắc,
trong đó có Thái Nguyên. Người Dao ở Thái Nguyên gồm có ba nhóm: Dao Quần
Chẹt, Dao Lô Gang và Dao Đỏ. Xã Quân Chu, huyện Đại Từ là địa bàn tập trung khá
đông người Dao Quần Chẹt. Nhóm Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên, trong quá trình hội
nhập với các dân tộc anh em trong cùng lãnh thổ Việt Nam, đã duy trì những đặc điểm
văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng của tộc người. Một trong những biểu hiện sâu
đậm về đặc trưng văn hóa đó là các hình thức tín ngưỡng được lưu giữ khá lâu bền
trong đời sống tộc người.
Hiện nay, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập, văn
hóa của các tộc người ở nước ta, một mặt tiếp thu các giá trị văn hóa mới nhằm phù
hợp với xã hội hiện đại, nhưng mặt khác cũng đặt ra vấn đề cấp bách đòi hỏi cần phải

1


giải quyết đó là sự biến đổi nhanh chóng các giá trị văn hóa. Tín ngưỡng của người
Dao Quần Chẹt ở Quân Chu tất yếu nằm trong lôgic tổng thể ấy.

Từ trước đến nay, nghiên cứu về người Dao ở nước ta đã có nhiều nhà khoa học
quan tâm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là về lịch sử và nguồn gốc tộc người,
trang phục, nhà cửa, nghi lễ, phong tục tập quán,… Tuy nhiên, hầu hết các công trình
đã công bố thường tập trung tìm hiểu về văn hóa vật chất, phong tục tập quán nói
chung, còn vấn đề tín ngưỡng của từng nhóm Dao cụ thể ít được chú ý, nhất là cho đến
nay chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu về tín ngưỡng của nhóm Dao Quần Chẹt
ở xã Quân Chu (Đại Từ, Thái Nguyên).
Do vậy, nghiên cứu đề tài “Tín ngưỡng của nhóm Dao Quần chẹt ở xã Quân
Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên” có ý nghĩa khoa học và thực tiễn thiết thực,
như: góp phần xây dựng bức tranh tương đối toàn diện và có hệ thống về tín ngưỡng
của nhóm Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên trong
truyền thống và biến đổi hiện nay; cung cấp cơ sở khoa học để phục vụ công tác hoạch
định và thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy vai trò của tín ngưỡng trong công
cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nhóm Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu, huyện Đại
Từ, tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích
Thực hiện đề tài này nhằm góp phần tìm hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn đời sống tín
ngưỡng của nhóm Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên
trong xã hội truyền thống và hiện tại. Trên cơ sở đó, đề xuất một số kiến nghị và giải
pháp khoa học phục vụ công tác bảo tồn và phát huy những giá trị của tín ngưỡng ở
nhóm Dao Quần Chẹt nói riêng và tộc người Dao ở tỉnh Thái Nguyên nói chung, nhằm
góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của nhóm tộc người này trong bối
cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ
- Luận án tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan tới tín ngưỡng (quan
niệm và thực hành tín ngưỡng) của người Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu trong
truyền thống;
- Làm rõ những biến đổi trong tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt ở xã Quân
Chu hiện nay và phân tích các nguyên nhân dẫn tới sự biến đổi đó;


2


- Phân tích, đánh giá những ảnh hưởng của tín ngưỡng đến đời sống của nhóm
Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu trước đây và hiện nay;
- Từ các kết quả đạt được, luận án đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm bảo
tồn và phát huy các giá trị phù hợp của tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt trong
tình hình mới hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng
Địa bàn nghiên cứu của luận án là xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái
Nguyên. Sở dĩ NCS chọn xã này là bởi: huyện Đại Từ là địa bàn cư trú chủ yếu của
người Dao Quần Chẹt ở Thái Nguyên, trong đó xã Quân Chu chiếm số lượng đông
nhất với 1.241 người. Đây là xã thuộc vùng sâu vùng xa của huyện gắn với đặc
điểm của khu vực bán sơn địa, cho phép họ có điều kiện hơn trong việc bảo tồn các
giá trị văn hóa truyền thống tộc người trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa hiện
nay.
Đề tài này tập trung khảo sát, nghiên cứu nhóm Dao Quần Chẹt bởi đây là một
trong ba nhóm địa phương của dân tộc Dao cư trú trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và
Quân Chu là xã chiếm khá đông số lượng người Dao Quần Chẹt. Từ trước đến nay
chưa có nghiên cứu chuyên sâu về tín ngưỡng của nhóm Dao này ở địa phương
dưới góc nhìn Dân tộc học/Nhân học.
Những nội dung nghiên cứu chính được xác định là các hình thức tín ngưỡng
của người Dao Quần Chẹt. Tuy nhiên, tín ngưỡng bao gồm nhiều thành tố hợp
thành, do đó luận án tập trung nghiên cứu một số nội dung chính sau đây: 1) Tín
ngưỡng về linh hồn và thờ cúng đa thần; 2) Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên; và 3) Tín
ngưỡng nghề nghiệp. Chúng tôi chọn ba nội dung trên để nghiên cứu, bởi thông qua
các hoạt động tín ngưỡng đó chứa đựng những mối quan hệ, những giá trị có vai trò
định hướng các hành vi của người Dao Quần Chẹt ở địa phương. Chính vì vậy, cần

làm rõ các hình thức tín ngưỡng đó để vận dụng vào quản lý và giáo dục tại địa
phương nói riêng cũng như phát huy các giá trị của tín ngưỡng trong đời sống của
đồng bào nói chung.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Các nội dung nghiên cứu trên được tìm hiểu trong cả xã hội truyền thống,
nhưng chủ yếu là tập trung vào thực trạng và xu hướng hiện nay cũng như phân

3


tích, đánh giá các yếu tố tác động đến xu hướng biến đổi; những ảnh hưởng của tín
ngưỡng đến đời sống của nhóm Dao Quần Chẹt ở địa bàn nghiên cứu. Mặc dù sự
biến đổi của tín ngưỡng thường diễn ra trong một quá trình lâu dài, thời điểm so
sánh giữa truyền thống và hiện tại rất khó phân định, nhưng chúng tôi tạm thời xác
định mốc thời gian quan trọng để xác định phạm vi nghiên cứu chính là trong thời
kỳ đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đến nay. Địa bàn nghiên cứu của luận án được tiến
hành trong phạm vi xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, NCS
tập trung khảo sát tại các xóm có đông người Dao Quần Chẹt cư trú, như: xóm Hòa
Bình 2, xóm Chiểm 1, xóm Vang, xóm Cây Hồng, xóm Dốc Vụ, xóm Hàng Sơn...
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Luận án dựa trên quan điểm triết học của Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ
nghĩa duy vật lịch sử để nhìn nhận, đánh giá mọi sự vật, hiện tượng trong quá trình
nghiên cứu về tôn giáo tín ngưỡng và sự biến đổi của nó. Trên quan điểm của Chủ
nghĩa duy vật biện chứng, tác giả không nghiên cứu và xem xét tôn giáo tín ngưỡng
của nhóm Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu như một thành tố tồn tại độc lập mà luôn
nhìn nhận nó trong một hệ thống và bối cảnh cụ thể có sự tác động qua lại lẫn nhau
của nhiều thành tố liên quan, như: thể chế chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi
trường,... Cũng như vậy, dựa trên lý luận của Chủ nghĩa duy vật lịch sử, khi nghiên
cứu về các vấn đề tôn giáo tín ngưỡng của nhóm Dao Quần Chẹt, NCS không nhìn

nhận chúng như là một thành tố bất biến, mà luôn đặt trong trạng thái động, có phát
sinh, tồn tại và phát triển theo hướng biến đổi hoặc mất đi. Có thể nói, các vấn đề
tôn giáo tín ngưỡng của nhóm Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu được đặt trong tiến
trình phát triển chung của cộng đồng tộc người và của đất nước. Đây là cơ sở lý
luận quan trọng để tác giả tiến hành thu thập, phân tích, đánh giá những biến đổi
trong quan niệm và thực hành tôn giáo tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt hiện
nay. Cùng với những quan điểm lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, để hoàn thành
luận án NCS còn vận dụng các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và tư tưởng của
Hồ Chí Minh về tôn giáo tín ngưỡng, để làm sáng tỏ hơn những nội dung nghiên
cứu dưới góc nhìn về chính sách quản lý và phát triển tôn giáo tín ngưỡng của hệ
thống chính trị đương đại. Cùng với đó, luận án sử dụng các cơ sở lý luận chuyên
ngành về tôn giáo tín ngưỡng, như: thuyết giao lưu tiếp biến văn hóa, thuyết chức

4


năng để làm sáng tỏ các vấn đề tôn giáo tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt dưới
góc nhìn Dân tộc học/Nhân học.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra, luận án xác định sử dụng những
phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau đây:
- Thống kê và kế thừa các tài liệu có sẵn: Tác giả đã tiến hành đọc và xử lý nhiều
nguồn tài liệu từ sách, báo, báo cáo kết quả của các chương trình, dự án nghiên cứu
trong nước, các báo cáo tổng kết của các cơ quan trung ương và địa phương liên quan
đến đề tài nghiên cứu; những nguồn số liệu thống kê ở các cấp trung ương và địa
phương;...
- Điền dã dân tộc học: Đây là phương pháp chủ yếu được NCS sử dụng để thu
thập thông tin trực tiếp từ đối tượng nghiên cứu và thâm nhập vào cuộc sống hàng
ngày của chủ thể văn hóa mà luận án quan tâm. Phương pháp này được thực hiện
thông qua các kỹ năng như quan sát, quan sát tham dự, phỏng vấn, phỏng vấn sâu,

ghi chép kết hợp sử dụng các kỹ thuật bổ trợ như chụp ảnh, ghi âm, quay phim,...
Để có thể thu thập thông tin hoàn thành luận án, NCS đã tiến hành các đợt điền dã
từ năm 2014 - 2017 tại xã Quân Chu và một số xã có người Dao Quần Chẹt cư trú,
như: xã Hoàng Nông, xã Tân Yên (huyện Đại Từ).
Quan sát: Đây là phương pháp đầu tiên mà NCS sử dụng khi đến địa bàn
nghiên cứu. Mục đích là để nhận biết được cảnh quan, môi trường cư trú, cách bố trí
làng bản của người dân; bước đầu nhận thức được hoạt động sinh kế chủ yếu của
người dân ở địa phương. Đặc biệt, qua quan sát cho phép thu thập được thông tin
ban đầu về đối tượng và địa bàn nghiên cứu nhằm định hướng chính xác hơn những
vấn đề sẽ tìm hiểu qua các kỹ năng khác; đồng thời đây cũng là một căn cứ có thể
kiểm chứng trong quá trình xử lý các thông tin thu thập được từ chủ thể văn hóa
một cách chính xác nhất.
Quan sát tham dự: Luận án sử dụng phương pháp này với mục đích có thể ghi
chép một cách hệ thống các hành vi, đặc điểm của người tham gia nghi lễ cũng như
đồ lễ và cách bày biện, sắp đặt, trang trí không gian tổ chức nghi lễ. Cụ thể, NCS đã
quan sát tham dự trong các dịp lễ, như: tết nhảy, tảo mộ tượng trưng, tết tháng năm,
tết tháng bảy, nghi lễ cúng thần, cầu mùa ở miếu làng và ở nhà ông Mo,... Trong
những lần quan sát trực tiếp các nghi lễ, NCS kết hợp ghi chép, phỏng vấn những

5


người cùng tham gia như thầy cúng, các đối tượng thụ lễ, người tham dự về những
gì đang diễn ra, mục đích ý nghĩa của các hành vi. Thông qua quan sát tham dự,
NCS được chứng kiến các nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng diễn ra tại chính địa bàn
nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhờ có quan sát tham dự NCS có thể rút ra những kinh
nghiệm trong phương pháp tiếp cận chủ thể văn hóa để khai thác thông tin một cách
hiệu quả nhất.
Phỏng vấn sâu: Đối tượng chính được chọn phỏng vấn sâu gồm: thầy cúng,
trưởng họ, người già am hiểu phong tục tập quán của cộng đồng tại những địa bàn

tập trung đông người Dao Quần Chẹt sinh sống ở Quân Chu. Bên cạnh đó, cán bộ
xã, cán bộ thôn/xóm, những người trực tiếp tham gia vào nghi lễ, thanh niên người
Dao Quần Chẹt, những người dân tộc khác nhưng thường xuyên có mối quan hệ với
người Dao Quần Chẹt tại địa phương cũng được quan tâm phỏng vấn. Nội dung
phỏng vấn sâu được thiết kế theo những vấn đề chính của đề tài. Luận án kết hợp
phỏng vấn đương đại và hồi cố để khôi phục một cách tương đối đầy đủ về quan
niệm, nhận thức, tâm lý và hành vi của người Dao Quần Chẹt liên quan đến tín
ngưỡng trong truyền thống và biến đổi.
Thảo luận nhóm: Với mục đích tiếp cận ý kiến nhiều chiều của chủ thể văn hóa,
hiểu được tâm tư nguyện vọng của họ liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, NCS đã
tiến hành các cuộc thảo luận nhóm, gồm: nhóm người già, nhóm trung niên và
thanh niên, nhóm nữ giới, nhóm nam giới.
- Phương pháp chuyên gia: Phương pháp này được áp dụng thông qua các cuộc
thảo luận, trao đổi trực tiếp theo từng vấn đề chuyên sâu, nhằm thu thập tư liệu,
kinh nghiệm nghiên cứu từ các chuyên gia, đồng nghiệp ở cơ quan và những cán bộ,
người dân có uy tín, am hiểu trong cộng đồng ở địa phương.
- Phương pháp hệ thống, phân tích, so sánh, tổng hợp: Luận án sử dụng phương
pháp này nhằm xử lý các nguồn tài liệu thu thập được, kết hợp với so sánh đồng đại
và lịch đại nhằm tìm ra sự tương đồng và khác biệt trong đời sống tín ngưỡng của
người Dao Quần Chẹt so với một số nhóm Dao khác. Trên cơ sở đó, NCS tiến hành
phân tích, tổng hợp để nhận diện những đặc điểm cơ bản trong sinh hoạt tín ngưỡng
của người Dao Quần Chẹt ở địa phương.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án có những đóng góp chính sau đây:
- Một là, xây dựng hệ thống tư liệu mới về tín ngưỡng của nhóm Dao Quần
Chẹt ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để làm cơ sở tư liệu nghiên

6



cứu và so sánh với nhóm Dao Quần Chẹt cũng như với các nhóm Dao khác trên cả
nước. Từ đó, góp phần xây dựng bức tranh tương đối toàn diện về đời sống tín
ngưỡng của nhóm Dao Quần Chẹt ở tỉnh Thái Nguyên nhằm giúp cho việc hiểu rõ
hơn về văn hóa người Dao ở địa phương nói riêng và trên cả nước nói chung.
- Hai là, góp phần làm rõ những biến đổi và xu hướng biến đổi tín ngưỡng của
nhóm Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên hiện nay
cũng như chỉ ra những yếu tố tác động tới sự biến đổi đó.
- Ba là, phân tích, đánh giá ảnh hưởng của tín ngưỡng đến đời sống của người
Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên trước đây và hiện
nay.
- Bốn là, góp phần cung cấp những cơ sở khoa học cho việc xây dựng và thực
hiện các chính sách, giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị trong
tín ngưỡng của nhóm Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái
Nguyên trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng nông
thôn mới nói riêng tại địa phương hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Luận án góp phần bổ sung các luận điểm về tín ngưỡng và biến đổi tín ngưỡng
thông qua các cứ liệu, kết quả nghiên cứu của luận án về tín ngưỡng của người Dao
Quần Chẹt ở địa phương.
Luận án góp phần xây dựng bức tranh tương đối toàn diện và có tính hệ thống về
tín ngưỡng của nhóm Dao Quần Chẹt ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái
Nguyên trong truyền thống và biến đổi. Đồng thời cung cấp cơ sở khoa học để phục
vụ công tác hoạch định và thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị của tín
ngưỡng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của nhóm Dao Quần Chẹt ở xã
Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung chính
của luận án được chia thành 5 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và địa bàn nghiên cứu
Chương 2: Tín ngưỡng về linh hồn và thờ cúng đa thần

Chương 3: Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Chương 4: Tín ngưỡng nghề nghiệp
Chương 5: Giá trị và vấn đề đang đặt ra về tín ngưỡng của người Dao Quần
Chẹt hiện nay

7


CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT
VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Nghiên cứu của học giả nước ngoài về người Dao ở Việt Nam
Người Dao là một trong 56 tộc người ở Trung Quốc, luôn thu hút sự quan tâm
nghiên cứu của các học giả nước này. Trước hết, phải kể đến nhà nghiên cứu
Trương Hữu Tuyển với công trình “瑶 族 宗 教 论 集” (Bàn về tôn giáo tộc Dao)
[103] đã khảo cứu tôn giáo của người Dao Sơn Tử với các hình thức, như: sùng bái
tự nhiên, thờ cúng tổ tiên, độ giới và các hình thức vu thuật,... Kết quả nghiên cứu
đã phản ánh phần nào diện mạo đời sống tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của
người Dao ở Trung Quốc.. Nhà nghiên cứu Ngọc Thời Giai với bài viết “Di cư của
người Dao xuống biên giới Tây Nam Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á
trong thời kỳ Minh, Thanh” [22] đã tổng hợp các tài liệu thư tịch, gia phả, tín ca,
văn học truyền miệng để khái quát quá trình di cư của người Dao trong phạm vi các
địa phương ở Trung Quốc và ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Nghiên cứu về người Dao ở Việt Nam, được các học giả người Pháp quan tâm
nghiên cứu từ khá sớm. Vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nhằm phục vụ cho việc
cai trị của thực dân Pháp, một số cha cố và sĩ quan Pháp đã có những cuộc công
cán, tìm hiểu, ghi chép về người Dao. Trong đó, đáng chú ý là các bài viết của
Bonifacy: “Một cuộc công cán ở vùng người Mán từ tháng mười 1901 đến cuối
tháng giêng 1902” [4], “Giản chí về người Mán Cao Lan” [5]. Tuy nhiên, trong các

bài viết tác giả thường đứng trên quan điểm của chủ nghĩa thực dân, xem người Dao
là dân tộc lạc hậu cần được khai hóa văn minh. Maurice Abadie trong công trình
“Les Mans du Haut - Tonkin” [108] được công bố vào năm 1922, đã mô tả khái quát
về đặc điểm văn hóa của người Dao và cho rằng các dân tộc Pà Thẻn, Sán Dìu, Cao
Lan cùng nằm trong khối cộng đồng dân tộc Dao, nên ấn phẩm này chưa đi sâu
nghiên cứu về đời sống tín ngưỡng của từng nhóm Dao. Năm 1982, học giả người
Pháp Jacques Lemoine xuất bản cuốn sách với tiêu đề “Yao ceremonial paintings”
[105], tuy không nghiên cứu trực tiếp đến người Dao ở Việt Nam, song đã đề cập
đến sự ảnh hưởng của Đạo giáo trong đời sống tín ngưỡng của tộc người Dao nói chung.

8


Tại Hội thảo Quốc tế lần thứ VII về người Dao được tổ chức ở Thái Nguyên,
(1995), học giả Trương Hữu Tuấn có báo cáo: “Mấy vấn đề về người Dao di cư vào
Việt Nam” [78], tham luận này đã cung cấp thêm những nội dung khoa học về con
đường, nguyên nhân di cư vào Việt Nam cũng như sự biến đổi về văn hóa của họ
sau khi di cư. Cũng tại Hội thảo này, nhà nghiên cứu người Pháp Jacques Lemoine
với bài viết: “Khái quát về di sản văn hóa Dao và hiện đại hóa ở Việt Nam” [38] đã
đề cập tới đặc điểm tín ngưỡng tôn giáo của người Dao ở hai phương ngữ Miền và
Mùn, đồng thời khẳng định:“Sự đa dạng của các nhóm cùng bản sắc riêng của mỗi
nhóm là đặc điểm chính của người Dao ở Việt Nam. Ngày nay, khi xem xét những
nét đặc trưng của người Dao chúng ta có thể thấy rằng, ngoài ngôn ngữ và tên gọi
họ đặt cho mình và những nhóm khác còn có thể chú ý đến những đặc điểm về nhà
ở, trang phục, tập quán và tôn giáo riêng” [38, tr.391-399].
Như vậy, thông qua các nghiên cứu của học giả nước ngoài về người Dao cho
thấy, văn hóa người Dao nói chung đã được quan tâm trên một số phương diện khác nhau.
1.1.2. Nghiên cứu ở trong nước về người Dao và tín ngưỡng của người Dao
1.1.2.1. Các nghiên cứu về văn hóa và tín ngưỡng của người Dao
Ngay từ thời Phong Kiến, người Dao đã được phản ánh trong “Đại nam nhất

thống chí” [58] do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, trong đó có phản ánh về
người Mán (Dao) ở Thái Nguyên: “Mán Sơn - Man hằng năm thu nhập được bao
nhiêu lúa thì tính nhân khẩu để đủ ăn, còn thừa đem đổi lấy bạc,…mán Đeo Tiền
trong nhà thờ thần Bàn Cổ Thánh vương khi sinh con hoặc trai hoặc gái đều mổ lợn
tế thần” [58, tr.155]. Tuy nhiên, do nguồn tư liệu hạn chế nên những công trình này
thường dừng lại ở mức độ giới thiệu khái quát một số đặc điểm về tên gọi, phong tục
tập quán, trang phục... ở nước ta thời bấy giờ của người Dao nói chung.
Chuyên khảo về “Người Dao ở Việt Nam” [19] của nhóm tác giả Bế Viết Đẳng,
Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến đã phản ánh diện mạo của
người Dao ở Việt Nam một cách tương đối toàn diện với các nội dung phong phú và
được miêu tả khá chi tiết, từ tên gọi, nguồn gốc lịch sử đến những sinh hoạt kinh tế,
xã hội, văn hóa vật chất và tinh thần,... Những kết quả nghiên cứu của công trình
này cho đến nay vẫn có giá trị khoa học trong việc tìm hiểu về tộc người Dao ở
nước ta, nhất là so sánh giữa truyền thống và hiện tại.

9


Trên cơ sở tổng hợp những nghiên cứu của các học giả Trung Quốc, năm 2002
Diệp Đình Hoa đã biên soạn công trình “Người Dao ở Trung Quốc” [34]. Nội dung
cuốn sách được chia làm 6 chương, trong đó tác giả tập trung thể hiện văn hóa của
người Dao ở Trung Quốc một cách toàn diện trên các mặt: cuộc sống vật chất,
phong tục tập quán, xã hội, văn hóa, giáo dục. Đồng thời, luận giải tính truyền
thống và hiện đại trong văn hóa của tộc người Dao với nhiều yếu tố liên quan đến
tôn giáo tín ngưỡng: vấn đề Bàn Vương, vấn đề Đạo giáo là một trong những nét
văn hóa vừa có sự biến đổi để thích nghi vừa giữ lại được các đặc trưng truyền
thống để tạo nên bản sắc riêng trong văn hóa người Dao ở Trung Quốc. Công trình
này là nguồn tư liệu quý báu về đời sống của người Dao ở Trung Quốc, thông qua
đó luận án có thể so sánh với người đồng tộc của họ ở Việt Nam.
Đỗ Quang Tụ và Nguyễn Liễn trong cuốn “Người Dao trong cộng đồng dân tộc

Việt Nam” [76] đã có sự kết hợp giữa việc dựng lại bức tranh văn hóa của tộc người
Dao trên các mặt: ngôn ngữ - văn tự, trang phục, nhà cửa, cưới xin tang ma, văn học
nghệ thuật,... kết quả đã góp phần làm nổi bật vai trò của người Dao trong công
cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Trong tác phẩm này, tín ngưỡng của
người Dao được thể hiện qua các nghi lễ, lễ tiết truyền thống, từ đó nhóm tác giả
khẳng định: “Trước khi tiếp xúc với tôn giáo cổ Trung Hoa (Phật, Lão, Đạo) người
Dao đặt ra những hình thái lễ nghi thuần Dao để tưởng nhớ, tạ ơn tổ tiên đã có
công thành lập và phát triển dòng họ và tri ân ông bà cha mẹ đã sinh dưỡng mình
bây giờ” [76, tr.127]. Tuy vậy, tác phẩm này mới dừng lại ở việc khái quát một số
vấn đề về văn hóa của người Dao nói chung mà chưa nghiên cứu sâu và mang tính
tổng thể về tín ngưỡng của họ, nhất là cho từng nhóm Dao cụ thể.
Trong kỉ yếu hội thảo “Sự phát triển văn hóa - xã hội của người Dao: hiện tại
và tương lai” (hội thảo quốc tế thứ 7 về người Dao, tổ chức tại Bắc Thái năm 1998)
đã tập hợp nhiều nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế viết về người
Dao ở Việt Nam và một số nước, như: Trung Quốc, Lào, Mỹ,… Nội dung của
những bài viết này đã đi sâu nghiên cứu về các nhóm Dao ở từng địa phương cụ thể
trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa. Trong đó, tôn giáo tín ngưỡng được đề
cập ở một số bài viết, như: “Bàn Hồ trong Folklore dân tộc Dao” [87] của Ngô Đức
Thịnh; “Vai trò của tôn giáo trong việc thống nhất ý thức cộng đồng Dao” [96]
của Đặng Nghiêm Vạn; “Tục cấp sắc của người Dao và tính giáo dục của nó”

10


[24] của Lê Sỹ Giáo;… Có thể nói, đây là những bài viết giới thiệu khá kỹ về
một số lĩnh vực liên quan đến tín ngưỡng của người Dao của các học giả uy tín ở
trong và ngoài nước.
Bên cạnh các công trình tổng quan về người Dao ở Việt Nam, còn một số
nghiên cứu chuyên sâu đề cập đến một hay một số lĩnh vực văn hóa tinh thần và tín
ngưỡng của người Dao nói chung hoặc một nhóm địa phương gắn với địa bàn cụ thể

ở nước ta, như: Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp Bộ về Tín ngưỡng dân gian
của các tộc người miền núi phía bắc nước ta của Hoàng Hòa Toàn [72]. Trong báo
cáo này, tín ngưỡng của người Dao được tác giả lồng ghép trong phân tích các yếu
tố của tín ngưỡng “Bàn Vương được thờ cúng chung với tổ tiên của từng dòng họ,
từng gia đình... Ngoài việc thờ cúng hàng ngày còn có lễ cúng Bàn vương riêng”
[72, tr.11] và tác giả cũng dành một chương để viết về tục cấp sắc của người
Dao. Đây là công trình cung cấp những cơ sở tư liệu phong phú trực tiếp về đời
sống tín ngưỡng dân gian của các dân tộc ở miền núi phía Bắc nước ta, song lại
không đi sâu vào một tộc người cụ thể, phạm vi khảo sát tương đối rộng là
những hình thái tín ngưỡng còn tồn tại trong đời sống các dân tộc cư trú ở miền
núi phía bắc nước ta.
Trong cuốn“Văn hóa truyền thống người Dao ở Hà Giang” [36] do Phạm
Quang Hoan và Hùng Đình Quý chủ biên đã phản ánh bức tranh văn hóa truyền
thống của người Dao ở Hà Giang một cách sinh động, cụ thể từ lịch sử tộc
người, mối quan hệ dân tộc, các hoạt động kinh tế, văn hóa vật chất, tổ chức làng
bản đến những nghi lễ gia đình, tín ngưỡng - tôn giáo, văn hóa dân gian, tri thức
dân gian,... Đặc biệt, nhóm tác giả không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu về
người Dao ở Hà Giang một cách chung chung mà trong từng nội dung đều có sự
khảo tả khá chi tiết về văn hóa của từng nhóm Dao để thấy được những đặc
trưng riêng của mỗi nhóm địa phương. Trên cơ sở đó, văn hóa truyền thống của
người Dao được phản ánh vừa mang tính toàn diện vừa sâu sắc. Chính vì vậy,
công trình này là nguồn tư liệu quý báu để chúng tôi tìm hiểu về văn hóa người
Dao nói chung và tín ngưỡng của họ nói riêng.
Cuốn sách “Nguồn gốc lịch sử tộc người vùng biên giới phía Bắc Việt Nam”
[37] do Nguyễn Chí Huyên chủ biên, năm 2000 đã nghiên cứu về người Dao dưới
góc độ nguồn gốc lịch sử và quá trình thiên di vào Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác

11



phẩm cung cấp tư liệu khoa học giúp cho người đọc nhận thức sâu sắc hơn về
nguồn gốc cũng như quá trình thiên di của tộc người Dao đến Việt Nam qua các
thời kỳ.
Nhà nghiên cứu Lý Hành Sơn trong ấn phẩm “Các nghi lễ chủ yếu trong chu kỳ
đời người của nhóm Dao Tiền ở Ba Bể, Bắc Kạn” [69] đã trình bày khá sinh động
những nghi lễ chủ yếu trong chu kỳ đời người, đồng thời nêu lên quá trình biến đổi
của các nghi lễ này ở nhóm Dao Tiền, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Các hoạt động
tín ngưỡng mặc dù không được thể hiện một cách rõ nét, song trong từng nội dung
nghiên cứu chính đã phản ánh đời sống tín ngưỡng của người Dao Tiền, như: quan
niệm về hồn và thể xác, sự sống và cái chết “đồng bào quan niệm hồn là trung tâm
của thể sống” [69, tr. 216]; “hồn của người nào đó vĩnh viễn bay đi không trở về thì
người đó sẽ chết”; “người chết được hóa hình dưới dạng ma và thường sống ở thế
giới khác dưới sự quản lý của tổ tiên” [69, tr. 218]; và một số nghi thức thể hiện tín
ngưỡng thờ cúng tổ tiên qua nghi lễ tang ma, lễ cấp sắc, sinh đẻ, hôn nhân,... Bên
cạnh đó, tác giả cũng đã đăng tải nhiều bài viết về phong tục tập quán của người
Dao trên Tạp chí Dân tộc học, như: “Vài khía cạnh về tâm lý của người Dao Tiền
(thể hiện qua tôn giáo tín ngưỡng)” [67]; “Lễ cấp sắc và bản sắc văn hóa người
Dao” [66],... Đáng chú ý là trong bài viết “Lễ cấp sắc và bản sắc văn hóa người
Dao” tác giả đã nhấn mạnh người Dao chịu ảnh hưởng từ nhiều sắc thái tôn giáo mà
trước hết là Đạo giáo, ảnh hưởng của vật linh giáo và hình thái thờ cúng tổ tiên khá
đậm nét.
Năm 2003, ấn phẩm “Văn hóa truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Sán Dìu ở
Tuyên Quang” [20] do Nịnh Văn Độ chủ biên được công bố. Ngoài trình bày khái
quát về tên gọi, địa bàn cư trú, cơ cấu xã hội, các nội dung chính của ấn phẩm này
đã đi sâu nghiên cứu về đặc trưng văn hóa truyền thống của các dân tộc Tày, Dao,
Sán Dìu ở Tuyên Quang mang tính đặc trưng của địa phương. Thông qua đó, tác
phẩm đã rút ra được những mặt tích cực, hạn chế và một số ứng dụng thực tiễn
trong văn hóa truyền thống của người Dao ở Tuyên Quang bao gồm cả yếu tố tín
ngưỡng. Năm 2006, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam công bố ấn phẩm “Văn
hóa phi vật thể của các dân tộc ở vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang” [3]. Trong

cuốn sách này, nội dung văn hóa tinh thần của người Dao với tư cách là một dân tộc
chiếm số đông của tỉnh được miêu tả khá công phu, nhất là đời sống tín ngưỡng dân

12


gian, như: quan niệm về thế giới và con người, tín ngưỡng liên quan đến bệnh tật,
thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng nông nghiệp và một số tục lệ xã hội.
Phạm Văn Dương trong sách “Thầy cúng trong văn hóa tín ngưỡng người Dao
Họ” [14] đã phân tích đời sống cá nhân, tiểu sử nghề nghiệp, con đường vào nghề
và hành nghề trong thế giới thần linh qua việc thực hiện các nghi thức cúng bái
trong những nghi lễ truyền thống của thầy cúng người Dao Họ; đánh giá vai trò của
các thầy cúng trong đời sống văn hóa tinh thần và sự phát triển của người Dao Họ
hiện nay. Mặc dù, công trình không đi sâu khảo cứu về tín ngưỡng của người Dao
Họ, nhưng thông qua nghiên cứu về thầy cúng đã góp phần làm rõ diện mạo các
hoạt động tín ngưỡng và thực hành nghi lễ của nhóm Dao này ở Lào Cai.
Vấn đề phát triển bền vững văn hóa tộc người là chủ đề đang nhận được sự
quan tâm của các nhà nghiên cứu. Các tác giả Vương Xuân Tình và Trần Hồng
Hạnh đã đồng chủ biên cuốn “Phát triển vùng văn hóa tộc người trong quá trình hội
nhập ở vùng Đông Bắc” [73], với những nội dung chính được tập trung xem xét là
đánh giá sự phát triển bền vững văn hóa các tộc người ở khu vực Đông Bắc trong
quá trình hội nhập, trong đó có khảo sát nghiên cứu ở tỉnh Thái Nguyên và tộc
người Dao. Qua nguồn tư liệu thực tế, tính bền vững của vùng Đông bắc (trong đó
có tộc người Dao ở Lạng Sơn được nghiên cứu sâu sắc hơn) được đánh giá dựa vào
các chỉ báo đã chỉ ra sự giao thoa tiếp biến văn hóa giữa các tộc người đang diễn ra,
nhưng bản sắc văn hóa của từng tộc người trong trang phục truyền thống, văn học
nghệ thuật truyền thống, tín ngưỡng truyền thống… vẫn còn được người dân và
cộng đồng duy trì. Công trình này đã cung cấp những cơ sở khoa học cho việc tìm
hiểu về văn hóa người Dao ở các địa phương khu vực Đông Bắc cũng như nghiên
cứu văn hóa tộc người ở Thái Nguyên, nhất là xem xét đánh giá về sự vận động

biến đổi văn hóa trong quá trình hội nhập để phát triển bền vững văn hóa tộc người
hiện nay.
Trần Hữu Sơn là một trong những nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu
về người Dao ở Việt Nam. Trong đó, một số tác phẩm đáng chú ý là: “Lễ cưới
người Dao Tuyển” [63]; “Tục ngữ, câu đố người Dao” [64];... Nội dung của các
cuốn sách này đã cung cấp nguồn tư liệu quý báu về văn hóa tinh thần của người
Dao, nhất là về bản sắc tộc người trong cưới xin, văn học nghệ thuật dân gian,…

13


Bên cạnh đó, các nhà khoa học nước ta còn công bố nhiều bài viết trên các tạp
chí, như: “Đời sống tín ngưỡng của người Dao Họ ở Lào Cai” của Phạm Văn
Dương [14] đã khảo tả về thế giới quan, tín ngưỡng đa thần, các nghi lễ liên quan
đến sản xuất nông nghiệp, những nghi lễ liên quan đến cộng đồng, các nghi lễ liên
quan đến chu kỳ đời người và một số đặc trưng trong đời sống tín ngưỡng của
người Dao Họ ở Lào Cai,... Các nét văn hóa riêng đó được tác giả giải thích là do
phụ thuộc vào nguồn gốc lịch sử, môi trường, cảnh qua cư trú, hoàn cảnh xã hội
và giao lưu văn hóa... Như vậy, bức tranh về đời sống tín ngưỡng của người Dao
Họ bên cạnh các đặc trưng riêng đồng thời cũng chứa đựng những nét chung
trong văn hóa của người Dao ở Việt Nam. Bài viết “Tín ngưỡng tôn giáo của
người Dao ở Việt Nam” của Vương Duy Quang [60] với nội dung chính được chia
làm hai phần. Trong phần thứ nhất, bài viết tập trung làm nổi bật các hoạt động tôn
giáo tín ngưỡng truyền thống mà tác giả cho là có các hoạt động nổi bật gồm: thờ
cúng Bàn Vương và tổ tiên, lễ cấp sắc và tín ngưỡng tôn giáo liên quan đến nông
nghiệp. Trong đó, nội dung được trình bày có sự kết hợp giữa khảo tả và luận giải
những vấn đề liên quan nhằm làm rõ bản sắc văn hóa của tộc người Dao. Ở phần
thứ hai, bài viết trình bày về sự biến đổi trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của
người Dao, mà cụ thể là sự xuất hiện những tôn giáo mới nhất là đạo Tin Lành và
ảnh hưởng của nó trong đời sống của người Dao. Tác giả không chỉ nghiên cứu về

yếu tố văn hóa tín ngưỡng truyền thống mà còn chỉ ra được sự biến đổi để làm rõ
bức tranh đa dạng trong đời sống tâm linh luôn biến đổi của người Dao ở Việt Nam
trước đây và hiện nay.
Ngoài ra, còn có một số luận văn thạc sỹ, khóa luận tốt nghiệp có đề cập đến văn
hóa từng nhóm Dao, như: “Lễ phùn voòng của người Dao Thanh Y huyện Đình Lập –
Lạng Sơn” của Nguyễn Thị Hằng [30]; “Lễ cấp sắc và tang ma của người Dao tuyển ở
huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai” của Phan Thị Hằng [31];...
Tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa bàn cư trú khá đông người Dao, đã
góp phần tạo nên sự phong phú trong bức tranh văn hóa của các dân tộc ở địa
phương, do đó văn hóa tộc người Dao ở Thái Nguyên cũng là đề tài được nhiều học
giả quan tâm nghiên cứu ở những góc độ khác nhau.Trong đó đáng chú ý là: “Địa
chí Thái Nguyên” [74] đây là công trình công phu của tập thể tác giả cùng biên
soạn, đã cho người đọc tiếp cận một cách tổng thể các lĩnh vực về địa lý, lịch sử,

14


kinh tế, văn hóa, xã hội, các đơn vị hành chính... của tỉnh. Phần dân cư – dân tộc đã
thể hiện được diện mạo của các thành phần dân tộc cư trú ở Thái Nguyên, gồm: dân
số, phân bố dân cư, hoạt động kinh tế, văn hóa vật chất, tổ chức xã hội, văn hóa tinh
thần. Trong đó, đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Dao ở Thái Nguyên cũng
được khai thác trên một số phương diện, như: quan niệm về thế giới quan, thờ cúng
tổ tiên, thờ ma bếp, thổ thần,… Tuy nhiên, công trình mới chỉ đề cập đến văn hóa
người Dao nói chung mà chưa đi sâu vào từng nhóm địa phương và gắn với địa bàn
cụ thể ở các huyện, xã có dân tộc Dao cư trú.
Năm 2011, Hà Thị Thu Thủy công bố công trình “Nghiên cứu tri thức dân gian
của người Dao ở tỉnh Thái Nguyên và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc
văn hóa dân tộc” [89]. Đối tượng nghiên cứu chính là tri thức dân gian của các
nhóm Dao ở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong đó có nhóm Dao Quần Chẹt. Kết
quả đã cung cấp nguồn tư liệu về thành phần các nhóm người Dao ở Thái Nguyên,

bản sắc văn hóa và các tri thức dân gian trong một số lĩnh vực của đời sống tộc
người. Đặc biệt, tác giả đã đề cập một cách khái quát về các hình thức tín ngưỡng
dân gian, như: thờ cúng tổ tiên, ma chay, các nghi lễ trong sản xuất và chăn nuôi,
tục cấp sắc,... Tuy nhiên, nội dung liên quan đến tín ngưỡng của người Dao ở Thái
Nguyên hầu hết chỉ được đề cập mang tính chất lồng ghép với các nội dung khác
nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu chuyên sâu về tri thức dân gian của tộc
người Dao.
1.1.2.2. Các nghiên cứu về người Dao Quần Chẹt và tín ngưỡng của họ
Trong công trình “Người Dao Quần Chẹt ở miền núi và trung du Bắc Bộ” [82]
do Nguyễn Ngọc Thanh chủ biên đã trình bày đời sống tín ngưỡng của người Dao
Quần Chẹt một cách cụ thể và sinh động, gồm: quan niệm về thế giới và con người;
tín ngưỡng và nghi lễ nông nghiệp; tục lệ và nghi lễ thờ cúng tổ tiên; lễ cấp sắc.
Thông qua nghiên cứu, tác giả đã đi đến kết luận, đánh giá về sự vận động của văn
hóa, đặc biệt là văn hóa tinh thần của người Dao Quần Chẹt ở trung du Bắc Bộ
trước sự tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan: “Văn hóa người Dao
Quần Chẹt trong khu vực được nghiên cứu đang thể hiện khả năng phát triển bản
sắc của mình trong đời sống hiện đại: nhiều yếu tố văn hóa tinh thần như tục cấp
sắc, tết nhảy,... đang tiếp tục được duy trì và thích ứng với điều kiện sống hiện đại
của các cộng đồng người Dao Quần Chẹt” [82, tr.196]. Những kết quả của công

15


trình có giá trị so sánh, đối chiếu trong quá trình tìm hiểu về đời sống tín ngưỡng
của người Dao Quần Chẹt ở địa phương.
Một trong những yếu tố tạo nên bản sắc văn hóa riêng của tộc người Dao nói
chung và người Dao Quần Chẹt nói riêng chính là tri thức địa phương, vì vậy đây là
lĩnh vực được các học giả quan tâm. Năm 1999, tác giả Trần Hồng Hạnh với đề tài
“Tri thức địa phương về cách phòng và chữa bệnh của người Dao Quần Chẹt ở xóm
Mạ, xã Tu Lý, Huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình” [28] đã cung cấp nguồn tư liệu dân

tộc học quan trọng về tri thức địa phương trong phòng và chữa bệnh của người Dao
Quần Chẹt ở xã Tu Lý. Theo đó, trong truyền thống chữa bệnh dân gian ngoài các
cách chữa bệnh bằng thuốc nam, kinh nghiệm dân gian thì cách chữa bệnh bằng
“ma thuật” cũng tồn tại khá phổ biến và chiếm một vai trò quan trọng trong đời
sống của đồng bào.
Năm 1997, tác giả Trần Văn Ái và Đỗ Đức Lợi qua đề tài khoa học cấp cơ sở
về “Tục cấp sắc của người Dao Quần Chẹt tỉnh Bắc Thái” [42] đã đi sâu nghiên
cứu lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt ở tỉnh Bắc Thái cũ. Thông qua lễ cấp sắc,
tín ngưỡng Thờ cúng Bàn Vương vị thủy tổ của người Dao được thể hiện khá rõ
nét, đồng thời phản ánh đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt
chịu ảnh hưởng của tam giáo, nhất là Đạo giáo. Tuy nhiên, công trình này mới chỉ
phản ánh một hoạt động tôn giáo tín ngưỡng cụ thể thông qua nghi lễ cấp sắc, mà
chưa nghiên cứu tổng thể về tín ngưỡng của người Dao Quần Chẹt.
Trong nghiên cứu về “Lễ tục của người Dao ở Vĩnh Phúc và Lào Cai” [48] của
các tác giả Xuân Mai và Phạm Công Hoan đã đề cập một cách tổng thể văn hóa của
người Dao Quần Chẹt ở Vĩnh Phúc. Với nguồn tư liệu phong phú, đời sống tín
ngưỡng của nhóm Dao Quần Chẹt được phác họa khá chi tiết một số nghi lễ, như:
tục cấp sắc, tang ma và các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp. Song, chuyên khảo
này mới chỉ dừng lại ở một số hình thức tín ngưỡng tiêu biểu mà chưa nghiên cứu
toàn diện về đời sống tín ngưỡng của nhóm Dao Quần Chẹt ở Vĩnh Phúc.
Ngoài ra, trong các Kỷ yếu Hội nghị Thông báo Dân tộc học những năm 2005
[99] và 2006 [100] có một số bài viết liên quan đến người Dao Quần Chẹt nói
chung cũng như tín ngưỡng của họ nói riêng. Đáng chú ý là các bài viết: “Làng bản
của người Dao Quần Chẹt ở Phú Thọ” của Nguyễn Ngọc Thanh (2004); “Tập
quán, nghi lễ liên quan đến nhà ở của người Dao Quần Chẹt xã Võ Miếu, huyện

16


Thanh Sơn, Tỉnh Phú Thọ” của Trần Thu Hiếu (2005); “Y học cổ truyền của phụ nữ

Dao Quần Chẹt xã ba Vì, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây” của Vũ Thị Hồng (2005);
“Các nghi lễ hôn nhân của người Dao Quần Chẹt” của Vũ Tuyết Lan (2005);…
Đặc biệt là những bài viết liên quan đến các nghi lễ trong sinh hoạt tín ngưỡng của
người Dao Quần Chẹt ở một số địa phương, như: “Lễ nhằng chậm và nhằng chậm
đáo của người Dao Quần Chẹt huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc” của Phạm Đăng Hiến
(2004); “Lễ tết nhảy của người Dao Quần Chẹt xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, Phú
Thọ” của Phạm Thị Thiên Nga (2006);... Trong những bài viết này, các tác giả đã
khảo tả khá chi tiết một số nghi lễ cụ thể trong đời sống tín ngưỡng của người Dao
Quần Chẹt với những sắc thái riêng mang tính địa phương. Chính vì vậy, đây là
nguồn tài liệu quý báu để NCS tham khảo và so sánh trong luận án.
Qua các công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước trên cho thấy, nghiên cứu
về người Dao nói chung và tôn giáo tín ngưỡng nói riêng đã được nhiều tổ chức và
nhà khoa học quan tâm. Không ít công trình nghiên cứu khá công phu, tương đối
toàn diện với nguồn tư liệu phong phú, có giá trị đã được công bố. Từ đó, cho phép
hình dung được bức tranh tương đối toàn diện về người Dao ở Việt Nam nói chung
và một số nhóm ở các địa phương cụ thể. Tuy nhiên, do các tác giả chủ yếu vẫn tập
trung nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử, hoạt động kinh tế, văn hóa vật chất, các
phong tục, tập quán và nghi lễ trong chu kỳ đời người… trong xã hội truyền thống,
nên những công trình nghiên cứu về tôn giáo tín ngưỡng của người Dao, nhất là sự
biến đổi còn hạn chế. Ở Thái Nguyên so với các dân tộc khác, như: Tày, Nùng, Sán
Dìu... những nghiên cứu về người Dao Quần Chẹt cho đến thời điểm hiện nay còn
khá khiêm tốn, đặc biệt hầu như chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu về tín
ngưỡng của nhóm Dao này. Do vậy, mặc dù đề tài nghiên cứu của luận án là mới,
nhưng những nghiên cứu đã công bố ở các mức độ khác nhau từ trước đến nay đều
là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, có giá trị thiết thực giúp chúng tôi hoàn
thành luận án này.
1.2. Cơ sở lý thuyết
1.2.1. Một số khái niệm cơ bản
- Tín ngưỡng: Tín ngưỡng trong tiếng Pháp là “La croyance”, tiếng Anh là
Belief” có nghĩa là niềm tin. Trong nguyên ngữ Hán, cụm từ “tín ngưỡng” là hai từ

trong một thể nội dung tin và ngưỡng mộ. “Tín” nghĩa là lòng tin, niềm tin;
“ngưỡng” là ngưỡng vọng hướng về một cái gì đó, một lực lượng nào đó. Niềm tin
thể hiện ở các mối quan hệ giữa người với lực lượng siêu nhiên, người với vật nào

17


đó và người với người. Tín ngưỡng ít nhất bao gồm người tin và đối tượng tin, thể
hiện niềm tin, sự ngưỡng vọng vào một lực lượng siêu nhiên, hư ảo, siêu thực huyền
bí nào đó và được con người tin là có thật. Trong Điều 2 của Luật Tôn giáo, tín
ngưỡng (số 02/2016/QH14) đã giải thích nghĩa của tín ngưỡng như sau: là niềm tin
của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập
quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng. Như
vậy, tín ngưỡng ở đây đã bao gồm cả niềm tin và các nghi thức biểu hiện cho niềm
tin đó, vì vậy cách lý giải của điều Luật đã phản ánh nội hàm khái niệm tín ngưỡng.
Theo Mai Thanh Hải, tín ngưỡng là lòng tin và sự ngưỡng mộ, ngưỡng vọng vào
một lực lượng siêu nhiên, thần bí và lực lượng siêu nhiên đó có thể mang hình thức
biểu tượng là “trời”, “phật”, “chúa”, “thánh”, “thần” hay một sức mạnh hư ảo,
huyền bí, vô hình nào đó tác động đến đời sống tâm linh của người ta, được con
người tin là có thật và tôn thờ [26, tr. 634]. Nhìn chung, tín ngưỡng thể hiện niềm
tin vào cái thiêng của con người, của một cộng đồng nào đó ở một trình độ phát
triển xã hội cụ thể. Tín ngưỡng là sản phẩm của chính con người, thể hiện các mối
quan hệ ứng xử giữa con người với tự nhiên, con người với con người trong xã hội;
phản ánh các điều kiện vật chất tinh thần tương ứng với môi trường tự nhiên và xã
hội của một cộng đồng cư dân nhất định. Chính vì vậy, xét ở một mức độ nào đó tín
ngưỡng góp phần tạo nên những đặc trưng văn hóa của con người.
Hiện nay, ở nước ta và một số nước còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về
các khái niệm tôn giáo, tín ngưỡng. Có quan điểm cho rằng tôn giáo và tín ngưỡng
là hai phạm trù khác nhau; quan điểm khác lại khẳng định tín ngưỡng chỉ là một bộ

phận quan trọng cấu thành nên tôn giáo và hai phạm trù này không thể tách rời nhau
[52, tr. 20]. Do đó, khi sử dụng thuật ngữ tín ngưỡng tôn giáo trong luận án là bao
hàm ý nghĩa thứ hai như đã đề cập, đồng thời khái niệm tín ngưỡng khi được sử
dụng như một hình thức sinh hoạt tâm linh cũng có sự phân biệt với tôn giáo ở một
số đặc điểm sau [86, tr.19]:
Tín ngưỡng

Tôn giáo

18


+ Chưa có các hệ thống giáo lý mà chỉ có + Hệ thống giáo lý kinh điển, thể hiện
quan niệm vũ trụ và nhân sinh. Truyền

các huyền thoại, thần tích, truyền miệng

thụ qua học tập ở các tu viện và thánh
đường
+ Chưa thành hệ thống thần điện mang + Thần điện đã thành hệ thống, thường
tính chất đa thần

dưới dạng nhất thần giáo

+ Còn hòa nhập giữa thế giới thần linh và + Tách biệt thế giới thần linh và con
con người, chưa mang tính cứu thế

người, xuất hiện hình thức “cứu thế”

+ Gắn với cá nhân và cộng đồng làng xã, + Tổ chức giáo hội hội đoàn khá chặt

chưa thành giáo hội

chẽ, hình thành hệ thống giáo chức

+ Nơi thờ cúng và nghi lễ còn phân tán + Nơi thờ cúng riêng, nghi lễ chặt chẽ
chưa thành quy ước chặt chẽ

(chùa, nhà thờ, thánh đường)

+ Mang tính chất dân gian, sinh hoạt của + Không mang tính dân gian có chăng
dân gian gắn với đời sống nông dân.

chỉ là sự biến dạng dân gian hóa, như
phật giáo dân gian...

- Nghi lễ: Theo Từ điển Nhân học “Nghi lễ là những hành động nghi thức diễn
ra trong bối cảnh thờ cúng tôn giáo - ví dụ một đại lễ Thiên chúa giáo hay một buổi
hiến tế tổ tiên... Theo nghĩa rộng nhất, nghi lễ liên quan không chỉ đến một loại sự
kiện cụ thể đặc biệt nào mà với toàn bộ khía cạnh hoạt động của con người. Trong
chừng mực nào đó nó chuyển tải các thông điệp địa vị văn hóa và xã hội của các cá
nhân, bất kỳ một hành động nào có khía cạnh nghi lễ” [88, tr. 628]. Emily A.Schultz
và R.H.Lavenda trong “Nhân học một quan điểm về tình trạng nhân sinh” cho rằng,
nghi lễ có bốn yếu tố chính: “Trước hết nghi lễ là một hoạt động xã hội lặp đi lặp
lại, gồm một loạt các động tác có tính chất biểu tượng dưới dạng múa, ca hát, lời
nói, điệu bộ, thao tác trên một số các đồ vật gì đó,... Thứ hai, nghi lễ tách riêng khỏi
các hoạt động thường ngày trong xã hội. Thứ ba, nghi lễ theo đúng một mô hình
nhất định do văn hóa đặt ra. Điều này có nghĩa là các thành viên trong một nền văn
hóa nào đó có thể nhận ra nghi lễ qua một loạt những hoạt động, mặc dù chưa thấy
các nghi lễ đó bao giờ. Sau chót hoạt động nghi lễ liên quan đến một số tư tưởng về
bản chất cái xấu, cái ác, về quan hệ giữa con người và thế giới thần linh... Mục đích

của thực hiện nghi lễ là để hướng dẫn việc lựa chọn tư tưởng nêu trên và thực thi

19


chúng qua biểu tượng” [21, tr. 222 - 223]. Đặng nghiêm Vạn cho rằng, không thể
không khẳng định những hành vi tôn giáo hay các nghi lễ mang tính tôn giáo
phải liên quan đến một thực thể siêu nghiệm, vô hình hay đến một niềm tin tôn
giáo... mục đích cầu xin điều tốt lành hay ngăn cản điều xấu xa mà bản thân con
người hay cộng đồng mong muốn ở thực thể siêu linh [95, tr.130]. Như vậy, nghi
lễ là những hành vi của con người nhằm biểu hiện niềm tin tín ngưỡng, được thực
hiện với tư cách cá nhân hoặc dưới hình thức cộng đồng. Nghi lễ khi được thực
hành thường gắn liền với một thực thể siêu linh hay một thế giới vô hình nào đó liên
quan đến niềm tin tín ngưỡng hay do tín ngưỡng quy định. Nghi lễ tạo điều kiện cho
con người liên hệ với đối tượng họ thờ cúng và ngược lại.
- Lễ hội: Các học giả trong và ngoài nước đưa ra những cách định nghĩa khác
nhau về lễ hội khi xem xét chúng ở các khía cạnh, không gian khác nhau. M.Bachie,
khi nghiên cứu những đặc tính và ý nghĩa của lễ hội ở nước Nga đã nhận xét: thực
chất lễ hội là cuộc sống được tái hiện dưới hình thức tế lễ và trò diễn, đó là cuộc
sống lao động và chiến đấu của cộng đồng cư dân. Tuy nhiên, bản thân cuộc sống
không thể thành lễ hội nếu như chính nó không được thăng hoa, liên kết và quy tụ
lại thành thế giới của tâm linh, tư tưởng của các biểu tượng, vượt lên trên thế giới
của những phương tiện và điều kiện tất yếu. Đó là thế giới là cuộc sống thứ hai
thoát ly tạm thời thực tại hiện hữu, đạt tới hiện thực lý tưởng mà ở đó mọi thứ đều
trở nên đẹp đẽ, lung linh, siêu việt và cao cả. Theo “Từ điển tiếng Việt” lễ là
“Những nghi thức tiến hành nhằm đánh dấu hoặc kỉ niệm một sự việc, sự kiện có ý
nghĩa nào đó” [80, tr. 540].
Như vậy hiểu một cách chung nhất, lễ là cách ứng xử giữa con người với tự
nhiên, con người với con người; các nghi thức của lễ toát lên mong muốn của con
người về sự phù hộ của thần linh và giúp con người tìm ra những giải pháp tâm lý,

mặc dù phảng phất chất linh thiêng, huyền bí. Hội là cuộc vui chơi bằng nhiều hoạt
động giải trí công cộng, diễn ra tại một địa điểm nhất định vào dịp lễ kỉ niệm một sự
kiện nào đó, nhằm tạo ra sự phấn kích cho người tham dự lễ hội. Lễ và hội là một
thể thống nhất không thể chia tách trong hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo của con
người trong đó lễ là phần đạo, hội là phần đời, là khát vọng của mọi thành viên
trong cộng đồng vươn tới cái tốt đẹp, là phần quan trọng của nghi lễ.

20


×