Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

Một vài kinh nghiệm ứng dụng đặc trưng thể văn chính luận để giảng dạy thành công văn bản tuyên ngôn độc lập của hồ chí minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (143.1 KB, 20 trang )

I.

PHẦN MỞ ĐẦU:

1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
1.1. Xuất phát từ thực tiễn đổi mới chương trình và phương pháp dạy học
(PPDH) Ngữ văn ở trường THPT:
“Văn học là nhân học” (M.Gorki) - học văn là học cách làm người hoàn
thiện.Vì vậy, nội dung chương trình đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn ngày càng
được phong phú và đa dạng hóa. Nếu trước đây, học sinh chủ yếu tiếp cận với các
văn bản nghệ thuật thì hiện nay, các em đã được làm quen với rất nhiều thể loại,
đặc biệt là các văn bản chính luận.
Việc bổ sung lượng văn bản chính luận trong chương trình Ngữ văn ở bậc
THPT là xuất phát từ nhu cầu hội nhập mà trước hết là nhu cầu nhật dụng hàng
ngày. Đó là hình thành cho học sinh tư duy lôgic văn học và làm rõ vai trò của văn
chương trong cuộc sống . Giúp các em am hiểu sâu rộng những kiến thức đa dạng
về đời sống – xã hội, phát triển tư duy lôgic, khả năng diễn đạt, nâng cao năng lực
ứng xử trước những vấn đề của hiện thực cuộc sống.
Vì vậy, dạy học văn càng không thể theo một mô hình chung cho tất cả các
thể loại, bởi mỗi văn bản đều gắn với một thể loại, mỗi thể loại đều có những tính
chất, đặc trưng riêng. Nghĩa là cần thiết phải khám phá văn bản tác phẩm theo đặc
trưng riêng của từng thể loại để học sinh cảm nhận được đầy đủ những giá trị mới
mẻ và làm phong phú thêm hiểu biết về văn bản tác phẩm.
“Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh thuộc chương trình Ngữ văn 12, là
áng văn chính luận mẫu mực của văn học hiện. Hướng dẫn học sinh tiếp cận tác
phẩm này theo đặc trưng thể loại cũng là để các em có điều kiện được học tập môn
Ngữ văn theo quan điểm tích hợp –Dạy học theo hướng tích hợp đang là một trong
những PPDH mới của thời hiện đại. Nghĩa là khi học văn bản này, các em sẽ được
tích hợp với kiến thức Tiếng Việt như: “Phong cách ngôn ngữ chính luận” (Ngữ
văn 11); “Phép liên kết văn bản” mà các em đã học từ cấp 2… Như vậy, “Tuyên
ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh sẽ trở thành minh chứng cụ thể, sinh động mang


tính tiêu biểu cho bài học “Phong cách ngôn ngữ chính luận”, cho hiệu quả của các
phép liên kết, … giúp các em củng cố, khắc sâu kiến thức lí thuyết đã học bằng văn
bản thực tế để rồi các em sẽ vận dụng tri thức đã học ấy mà thực hành “nhận dạng”
và viết đoạn văn hoặc văn bản chính luận theo từng yêu cầu cụ thể của đề bài trong
các kì kiểm tra, đánh giá theo năng lực học sinh.
1.2. Xuất phát từ thực trạng dạy học văn bản chính luận ở trường THPT nói
chung và dạy học văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh nói riêng:
Sự đổi mới của một nền giáo dục phải thông qua mỗi giờ lên lớp của từng
giáo viên bộ môn. Cũng như các giờ dạy học văn bản chính luận ở trường THPT,
giờ dạy học văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh thường nhàm chán,
một phần do học sinh không hứng thú với loại văn bản này bởi ngôn từ thường khô
khan, không tươi mới, mượt mà như các văn bản truyện, thơ. Mặt khác, do nhiều
1


giáo viên khi hướng dẫn học sinh đọc – hiểu văn bản này thường chỉ chú ý đến nội
dung, chỉ hướng dẫn học sinh khai thác tư tưởng yêu nước, yêu chính nghĩa, niềm
tự hào dân tộc… mà chưa chú ý đến vẻ đẹp thẩm mĩ của áng văn chính luận đó.
Nói đúng hơn là chưa xuất phát từ đặc trưng thể loại văn chính luận để từ các hình
thức nghệ thuật mà chỉ ra vẻ đẹp của nội dung tư tưởng.
Với tất cả lí do trên, cộng thêm lòng yêu thích, sự ham mê khám phá, học tập
làm khoa học, và mong muốn được học hỏi, được trao đổi kinh nghiệm với đồng
nghiệp để không ngừng hoàn thiện năng lực chuyên môn bản thân, chúng tôi quyết
định lựa chọn đề tài: Một vài kinh nghiệm ứng dụng đặc trưng thể văn chính
luận để giảng dạy thành công văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh.
2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU:
- Nâng cao hiệu quả giờ dạy học văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí
Minh, góp phần cải thiện tình trạng “chán văn” của học sinh hiện nay.
- Góp phần đổi mới phương pháp dạy học bộ môn Ngữ văn theo quan điểm
tích hợp.

3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU:
- Thực trạng giờ dạy học văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ chí Minh
trong tổ bộ môn ở trường THPT Hoằng Hóa 3 trước và sau khi ứng dụng đặc trưng
thể văn chính luận để dạy học văn bản.
- Đặc trưng của văn bản chính luận và tính chính luận mẫu mực của văn bản
“Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Trên cơ sở nghiên cứu đó, chúng tôi tổng kết, khái quát lại thành Một vài
kinh nghiệm ứng dụng đặc trưng thể văn chính luận để giảng dạy thành công
văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
- Phương pháp phân tích, đối chiếu, so sánh các tài liệu có liên quan để xây
dựng cơ sở lý luận cho đề tài nghiên cứu.
- Phương pháp khảo sát, điều tra thực tế, thu thập thông tin về kết quả học
tập của học sinh trước và sau khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm trong các giờ
dạy học văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh ở tổ bộ môn.

2


II.

NỘI DUNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM:

1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM:
1.1. Vấn đề đổi mới phương pháp dạy học văn bản theo đặc trưng thể loại:
Việc đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường phổ thông, trong đó có
đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) bộ môn văn theo tinh thần khoa học hiện đại
đã và đang diễn ra sôi động, thu được nhiều kết quả đáng mừng. Việc yêu cầu đổi
mới PPDH đã được quy định tại khoản 2, điều 5, Luật Giáo dục ra ngày 14 tháng
06 năm 2005 như sau: “Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác,

chủ động, tư duy sáng tạo của người học, bồi dưỡng cho người học năng lực tự
học, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên”
Chỉ thị 40/2008/CT-Bộ GD & ĐT ngày 22/07/2008 cũng chỉ rõ mục tiêu của
giáo dục hiện nay là: “Phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh
trong học tập và các hoạt động xã hội một cách phù hợp và hiệu quả”.
Và người thầy dạy bộ môn Ngữ văn phải giống như một kiến trúc sư trước
mỗi công trình nghệ thuật do mỗi văn bản đều có những đặc thù riêng của thể loại.
Vì vậy, người giáo viên phải xác định được thể loại cho từng văn bản để từ đó xác
định cho mình một phương pháp, biện pháp triển khai bài dạy phù hợp nhất.
Về điều này, tác giả Trần Thanh Đạm trong cuốn “Vấn đề giảng dạy tác
phẩm theo đặc trưng thể loại” (NXBGD, Hà Nội, 1971) đã khẳng định:
“Nhà văn sáng tác theo loại thể thì người đọc cũng cảm thụ theo loại thể và
người dạy cũng phải giảng dạy theo loại thể”(trang 30).
Hơn thế, “Loại thể văn học là một thành phần quan trọng của hình thức
nghệ thuật tác phẩm. Giảng dạy tác phẩm văn học theo loại thể chính là một
phương diện lớn của việc giảng dạy tác phẩm văn học trong sự thống nhất giữa
hình thức với nội dung, một sự giảng dạy đi đúng với quy luật và bản chất của văn
học, đồng thời bảo đảm hiệu quả giáo dục cao nhất” (trang 44).
Thực tế yêu cầu đổi mới PPDH dạy học bộ môn gắn với nền khoa học giáo
dục hiện đại, chúng tôi tiến hành nghiên cứu những đặc trưng của thể văn chính
luận và đã ứng dụng và thể nghiệm thành công vào giờ dạy học văn bản “Tuyên
ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh. Giờ học thực sự đã gợi được nhiều hứng thú học
tập cho học sinh!
1.2. Khái lược về thể loại văn chính luận:
Văn chính luận là một trong hai dạng của văn nghị luận: Nghị luận về những
vấn đề văn học (còn gọi là phê bình văn học); Nghị luận về vấn đề chính trị, văn
hóa, xã hội,… (Còn gọi là văn chính luận).
Văn bản chính luận thường viết về những vấn đề quan trọng, thiết yếu được
nhiều người quan tâm. Đúng như Gorrrddiep nói:
“Chính luận có mục đích tuyên truyền, tổ chức quần chúng, đưa họ tới chiến

đấu. Nhiệm vụ của nó không phải là bày tỏ và giải thích những vấn đề chính trị
3


quan trọng, mà còn thuyết phục người đọc, người nghe, làm cho họ trở thành
những người tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề xã hội trước
mắt”.
Vì vậy, lời hùng biện có thuyết phục được người đọc, người nghe hay không
chủ yếu thể hiện ở đặc điểm tư duy, mạch lập luận chặt chẽ và sự diễn đạt hùng
hồn, ngôn ngữ chính luận phải được sử dụng một cách chính xác, không lan man.
Văn chính luận cũng thường sử dụng các hình thức tu từ quen thuộc như điệp từ,
điệp ngữ, điệp cú pháp, đảo câu.
1.3. Những đặc trưng cơ bản của văn chính luận:
a. Tính xác định của đối tượng giao tiếp, mục đích giao tiếp, không gian và
thời gian giao tiếp của văn bản chính luận:
Trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, người ta nói ra một vấn đề nào đó
không đơn giản chỉ là để truyền thông tin mà còn nhằm một ý định, mục đích nào
đó. Văn chính luận cũng vậy, nhưng đối tượng giao tiếp, mục đích giao tiếp, không
gian và thời gian giao tiếp đều mang tính xác định cụ thể, rõ ràng. Cụ thể:
Thứ nhất: Tính xác định của đối tượng giao tiếp trong văn bản chính luận:
Nếu các tác phẩm thuộc thể loại tự sự và trữ tình, do đối tượng hướng tới rất
đông đảo, lâu dài nhưng cũng rất mơ hồ nên các tác giả của những thể loại văn học
này thường dùng hình tượng để tác động tới tâm hồn người đọc và thể hiện mục
đích tư tưởng… thì văn chính luận, đối tượng giao tiếp được xác định cụ thể. Nên
trước khi cầm bút, bao giờ người viết cũng phải tự đặt ra câu hỏi: “Viết cho ai?”“ai” ở đây là những người đang tồn tại cùng thời với tác giả, họ thuộc về một loại
người, lớp người, một giai cấp, cộng đồng có quan hệ xác định với tác giả. Ví dụ:
- “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn là lời của chủ tướng với binh sĩ nhằm
kêu gọi đấu tranh chống lại quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ hai.
- “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh, đối tượng giao tiếp là “Đồng bào
cả nước”, là nhân dân thế giới - nhất là những kẻ đang nhân danh Đồng Minh để

mưu đồ xâm lược nước ta lần thứ hai như Pháp, Mĩ, Anh, Trung Quốc.
Thứ hai: Tính xác định trong mục đích giao tiếp của văn bản chính luận.
Bản chất của văn chính luận là cuộc tranh luận giữa người viết với công
chúng của mình để tìm ra chân lí. Cuộc tranh luận ấy trong những hoàn cảnh cụ thể
cũng có lúc là cuộc đấu tranh quyết liệt. Vì vậy, người nói, người viết phải thể hiện
được lập trường, quan điểm của mình trước một vấn đề của đời sống chính trị - xã
hội – văn hóa cụ thể. Ví dụ:
- “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi là lời Tuyên bố về công cuộc dẹp yên
giặc Ngô của nhân dân Đại Việt đã kết thúc thắng lợi; Khẳng định độc lập chủ
quyền chính đáng của dân tộc ta. Nêu cao nhân ái, chính nghĩa và tinh thần chuộng
hòa bình của nhân dân Đại Việt.
- “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh là lời Tuyên bố chủ quyền độc lập
dân tộc; Khóa miệng và ngăn chặn âm mưu xâm lược của những kẻ nhân danh
4


Đồng minh diệt phát xít: Pháp, Mĩ, Anh, Trung Quốc; Nêu cao quyết tâm bảo về
độc lập chủ quyền dân tộc.
Thứ ba: Tính ghi dấu bước ngoặt trọng đại của lịch sử dân tộc.
Điều này được xuất phát từ thực tế: mỗi tác phẩm văn chính luận ra đời đều
gắn với một sự kiện trọng đại của đời sống văn hóa, lịch sử, xã hội. Ví dụ:
- “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi được ra đời năm tháng 01/1428 khi
công cuộc kháng chiến chống của giặc Minh xâm lược của dân tộc ta kết thúc thắng
lợi. Nguyễn Trãi thay nhà vua (Lê Lợi) viết bài Cáo.
- “Tuyên ngôn Độc lập” được Hồ Chí Minh soạn thảo bối cảnh lịch sử hết
sức đặc biệt: Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc (Hồng quân Liên Xô tấn công
vào sào huyệt của phát xít Đức, Nhật đầu hàng Đồng minh). Nhân dân cả nước nổi
dậy gành chính quyền thắng lợi. Pháp, Mĩ, Trung Quốc, Anh nhân danh Đồng minh
chống phát xít đang có âm mưu tái chiếm nước ta. Không thể chậm trễ, Việt Nam
phải nhanh chóng tuyên bố chủ quyền dân tộc. Và từ đây, kỉ nguyên mới của dân

tộc được mở ra: Kỉ nguyên độc dập – tự chủ.
b. Tính luận đề rõ ràng:
Tính luận đề là đặc trưng nổi bật nhất của văn chính luận. Văn bản chính
luận nào cũng tập trung làm rõ một luận đề. Văn bản tự sự, trữ tình cũng hướng vào
một chủ đề nhưng thường bộc lộ một cách gián tiếp, không rõ ràng và mang tính
hình tượng. Ngược lại, văn bản chính luận, vì được ra đời từ nhu cầu thực tiễn nên
chủ đề luôn gắn với những vấn đề thiết yếu, quan trọng trong cuộc sống.
Và luận đề của văn chính luận thường được thể hiện đầy đủ ngay từ nhan đề
của văn bản. Vì thế, người đọc, người nghe dễ dàng nắm bắt và xác định. Ví dụ:
- Luận đề của văn bản “Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS,
ngày 1/12/2003” của Côphianan chính là: Lời kêu gọi(nghĩa đơn giản của từ “thông
điệp”) cùng chung tay hành động để phòng chống AIDS.
- Luận đề của văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh là: Tuyên bố
về chủ quyền độc lập của dân tộc.
Do đó, xác định được luận đề của văn bản chính luận được xem là “cánh
cửa đầu tiên để khám phá vẻ đẹp của văn bản chính luận, khám phá vẻ đẹp tài
năng và trí tuệ của người viết”(Phó GS, TS Đoàn Đức Phương).
c. Lập luận và tính lôgic:
Lập luận là cách tổ chức lí lẽ và dẫn chứng sao cho mạch lạc, lôgic, rõ ràng.
Lập luận là cách nêu lên những luận điểm, vận dụng lí lẽ và dẫn chứng sao cho
luận điểm nổi bật và có sức thuyết phục. Lập luận được sử dụng trong suốt chiều
dài tác phẩm và thường được triển khai theo bốn dạng thức chính: Phân tích, giải
thích, chứng minh và bình luận.
Tính lôgic được hiểu là kết cấu của hệ thống luận điểm, luận cứ và luận
chứng theo một trình tự hợp lí nhằm làm nổi bật luận đề của văn bản. Khác với
kiểu triển khai theo mạch cảm xúc của loại hình trữ tình; cũng không theo cốt
truyện của thể văn tự sự, Văn chính luận được triển khai theo hệ thống luận điểm,
5



luận cứ và luận chứng. Nghĩa là luận điểm chính (luận đề) của văn bản phải được
triển khai thành các luận điểm nhỏ. Và các luận điểm phải được sắp xếp thành một
hệ thống phương pháp nhất định: Diễn dịch, qui nạp, song hành, tổng phân hợp.
Tính lôgic thực sự thể hiện vẻ đẹp trí tuệ của người viết văn.
Mặt khác, câu văn trong văn chính luận thường là câu có kết cấu chuẩn mực
gần với những phán đoán lôgic trong một hệ thống lập luận, câu trước liên kết với
câu sau, câu sau nối tiếp câu trước trong một mạch suy luận. Các câu trong văn
chính luận thường dùng những câu phức hợp có từ ngữ liên kết như: Do vậy, bởi
thế, cho nên, vì lẽ đó, tuy, thế mà, …
Tất cả đều có ý nghĩa to lớn trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác giả.
d. Ngôn ngữ chính luận:
Ngôn ngữ chính luận có yêu cầu cao về sự chính xác - Một sự “chính xác
đến nghiệt ngã” (M. Gorki). Hơn nữa, do nhu cầu lập luận, văn chính luận thường
dùng hệ thống từ ngữ có lính lập luận như: “Thật vậy”; “tuy thế”; “bởi lẽ”; “cho
nên”… hoặc những từ ngữ có tính nhấn mạnh, khẳng định hay phủ định như:
“Thà”; “chứ nhất định”; “quyết không”; “quyết đem”; “sự thật là”; …
Bản chất văn chính luận là cuộc tranh luận giữa người viết với công chúng
để tìm ra chân lí nên ngôn ngữ văn chính luận phải đảm bảo tính lí trí, khách quan
(được nhiều người thừa nhận và sử dụng). Đồng thời phải kết hợp với phong cách
cá nhân của tác giả, thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn. Ví dụ: Văn phong của Hồ
Chí Minh giản dị, mộc mạc, dễ hiểu mà thấm thía, khúc triết, hùng hồn; Văn chính
luận của Cố thủ Tướng Phạm Văn Đồng là gẫy gọn, đanh thép, …
Văn chính luận sử dụng một tần số ngôn ngữ mang màu sắc chính trị rất lớn
vì chúng không chỉ có chức năng thông tin một cách khách quan mà còn thể hiện
công khai đường lối, quan điểm, thái độ chính trị của người viết (người nói).
Để đạt được mục đích cuối cùng là thuyết phục người đọc, người nghe làm
theo ý mình thì tác giả vẫn sử dụng những hình ảnh nghệ thuật, những biện pháp tu
từ để tăng tính hấp dẫn, sinh động cho lời văn của mình. Ví dụ: “Chúng tắm các
cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu” (Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập).
Tuy nhiên, người viết văn chính luận chủ yếu bằng tư duy lôgic mà không

phải bằng tư duy hình tượng, vì thế sẽ
Nhưng tính hình tượng không có ở cấp độ toàn văn bản mà chỉ có ở cấp độ
bộ phận, chi tiết vì văn chính luận là sản phẩm của tư duy lôgic chứ không phải tư
duy hình tượng song nó cũng góp phần rất lớn làm nên giá trị của văn bản, ví dụ:
Trong “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chí Minh lại vẽ lên tư thế đê hèn và phản bội phe
Đồng minh của thực dân Pháp bằng một vài hình ảnh giàu sức gợi : “quỳ gối đầu
hàng, mở cửa nước ta rước Nhật” …
Tóm lại: Tìm hiểu đặc trưng của văn chính luận, chúng tôi đi đến khẳng
định: Văn chính luận là thể văn đặc biệt trong văn học – đặc biệt từ đối tượng, mục
đích giao tiếp đến bố cục mạch lạc, rõ ràng, ngắn gọn về mặt hình thức; nội dung là
vấn đề có tính thời sự; giọng điệu hùng hồn, giàu sức thuyết phục; lí lẽ , biện luận
6


sâu sắc và dẫn chứng không ai “bắt bẻ” được, … Vì vậy văn chính luận được xem
vũ khí lợi hại, đấu tranh có hiệu quả của các nhà chính trị, nhà văn hóa, người nghệ
sĩ lớn trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
2. THỰC TRẠNG DẠY HỌC VĂN BẢN “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP” CỦA
HỒ CHÍ MINH TRƯỚC KHI ỨNG DỤNG ĐẶC TRƯNG THỂ VĂN CHÍNH
LUẬN:
“Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh được đánh giá là một “áng thiên cổ
hùng văn”, một áng văn chính luận kiệt xuất, mẫu mực. Trước đây, khi chưa áp
dụng sáng kiến kinh nghiệm vào dạy học văn bản này, các giáo viên trong tổ bộ
môn chúng tôi thường hướng dẫn học sinh khai thác văn bản theo hai cách:
Cách thứ nhất: Giáo viên hướng dẫn học sinh khai thác văn bản theo cách
phân chia bố cục thành ba phần: Đoạn mở đầu, đoạn nội dung và đoạn kết.
Cách thứ hai: Giáo viên hướng dẫn khai thác văn bản trên cơ sở hình thành
các ý (các luận điểm): Cơ sở lí luận, cơ sở thực tiễn và phần Tuyên ngôn.
Với hướng khai thác văn bản theo cách thứ nhất, giáo viên sẽ không làm rõ
được đặc trưng của văn bản chính luận. Vì vậy các kết luận rút ra thường mang tính

suy diễn. Và đương nhiên, học sinh cũng không thể “tích hợp” với phân môn Tiếng
Việt và Làm văn để “nhận dạng”, “thực hành” viết các văn bản chính luận hoặc sử
dụng các phép liên kết văn bản…
Với hướng khai thác văn bản theo cách thứ hai, giáo viên đã hướng dẫn học
sinh tiếp cận được đặc điểm của văn bản chính luận. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên
lại không làm rõ được tính luận đề của văn bản, không giúp học sinh nhận thấy
cách tổ chức luận điểm theo lôgic của áng tuyên ngôn…
Văn học giúp cho cuộc sống thêm tươi đẹp, nó giải phóng con người thoát
khỏi những biên giới chật hẹp của bản thân để mở rộng hồn mình ra những chân
trời mơ ước. Nhưng trong một thời gian khá dài, chúng ta vẫn còn gặp những tiết
giảng dạy văn bản “Tuyên ngôn Độc” của Hồ Chí Minh một cách khô khan, ít kích
thích hứng thú học tập của học sinh. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến
thực trạng này nhưng nguyên nhân chính là do giáo viên chưa nắm chắc đặc trưng
của thể loại văn chính luận để từ đó khai thác một cách hợp lí và thấu đáo những
đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài văn. Do đó, chúng ta chưa chỉ
rõ cái sắc bén của lí lẽ, chặt chẽ của lập luận, tính chính xác, gợi cảm ở phương
diện ngôn ngữ ...
Trước những yêu cầu đó, chúng tôi nghiên cứu, nắm vững đặc trưng của thể
văn chính luận và nhận thấy những tri thức này thực sự được dùng như một thứ
công cụ để hướng dẫn học sinh khám phá vẻ đẹp của áng “Tuyên ngôn Độc lập”
một cách hiệu quả. Hơn thế, từ việc hiểu văn bản này các em còn có thể khám phá,
tìm tòi những văn bản chính luận khác ở trong và ngoài nhà trường. Điều này sẽ tạo
nên sự hứng thú, niềm say mê và óc sáng tạo của các em học sinh để các em không
cảm thấy nhàm chán, tẻ nhạt khi học văn bản này.
7


3. MỘT VÀI KINH NGHIỆM ỨNG DỤNG ĐẶC TRƯNG THỂ VĂN CHÍNH
LUẬN ĐỂ GIẢNG DẠY THÀNH CÔNG VĂN BẢN “TUYÊN NGÔN ĐỘC
LẬP” CỦA HỒ CHÍ MINH:

3.1. Những chuẩn bị cần thiết trước giờ dạy học văn bản:
Phân phối chương trình Ngữ văn 12 giành tiết 04 – 05 để dạy “Tuyên ngôn
Độc lập” của Hồ Chí Minh (Trong đó, tiết 04 dạy tác giả; tiết 05 dạy tác phẩm) Với
thời lượng chỉ có 01 tiết, làm sao vừa chuyển tải hết lượng kiến thức phong phú,
vừa kích thích hứng thú học tập cho học sinh thực sự là một bài toán khó của mỗi
giáo viên. Để giờ dạy học văn bản này thành công theo đặc trưng thể loại, nhất thiết
cả giáo viên và học sinh đều phải chuẩn bị tốt một số vấn đề sau:
- Giáo viên:
+ Đọc văn bản theo hướng nghiên cứu bài học để tích hợp với phân môn
Tiếng Việt như: Phép liên kết văn bản; Phong cách ngôn ngữ chính luận…; Chuẩn
bị trước một số câu hỏi để hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài trước khi đến lớp.
+ Soạn và in giáo án giảng dạy kèm theo một số phần của bài giảng được
thiết kế trên giáo án Powpoint và dùng máy chiếu để hỗ trợ cho tiết dạy. Ví dụ phần
“Tiểu dẫn”, phần “Tổng kết” (Có hướng dẫn cụ thể trong tiến trình bài giảng bên
dưới); Sưu tập để có thể trình chiếu một số hình ảnh chụp về nạn đói năm 1945 của
nhà báo Võ An Ninh; Sưu tầm băng đĩa ghi lại giọng đọc “Tuyên ngôn Độc lập của
Bác” và loa đài để phát cho học sinh nghe trong phần “Hướng dẫn học sinh đọc –
hiểu văn bản” (Phần đọc mở đầu và phần kết bản Tuyên ngôn).
+ Về phần kiểm tra bài cũ của học sinh, giáo viên thực hiện lồng ghép trong
quá trình tìm hiểu văn bản tác phẩm “Tuyên ngôn Độc lập”(Hồ Chí Minh)
- Học sinh: Chuẩn bị bài học theo hướng dẫn học bài của giáo viên, cụ thể:
+ Đọc kĩ văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh và soạn bài theo
hệ thống câu hỏi trong phần “Hướng dẫn học bài”, sgk. Ngoài ra, còn tìm hiểu
trước về văn bản qua một số câu hỏi được giáo viên cung cấp:
1, Xác định luận đề của bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh?
2,Giá trị biểu cảm của đại từ “Chúng” (thay cho cụm từ “Thực dân Pháp”
được Bác sử dụng trong văn bản)?
3,Qua phần cơ sở thực tiễn của bản “Tuyên ngôn Độc lập”, hãy nêu cảm
nhận của bản thân về hình tượng thực dân Pháp và dân tộc Việt Nam ta dưới ngòi
bút chính luận của Bác?

4, Những yếu tố nào đã góp phần làm nên thành công trong nghệ thuật viết
văn chính luận của Bác ở văn bản này (Chân dung của Bác Hồ qua văn bản này)?
+ Tự ôn lại kiến thức Tiếng Việt đã học về “Phép liên kết văn bản” và
“Phong cách ngôn ngữ chính luận” và nhận diện chúng qua “Tuyên ngôn Độc lập”.
3.2. Phương pháp tổ chức thực hiện:

8


Sau khi nghiên cứu nội dung bài học theo hướng tích hợp đối với “Tuyên
ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh, chúng tôi quyết định ứng dụng đặc trưng thể văn
chính luận vào dạy học văn bản này từ các phương diện cụ thể:
3.2.1. Giảng dạy văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh từ góc độ
luận đề của văn bản:
Như chúng ta đã biết, luận đề là đặc trưng nổi bật nhất của văn chính luận;
“là cánh cửa đầu tiên để khám phá vẻ đẹp của văn bản chính luận, khám phá vẻ
đẹp tài năng và trí tuệ của người viết”. Hướng dẫn học sinh khám phá vẻ đẹp của
văn bản từ việc xác định luận đề của là vô cùng cần thiết bởi hiệu quả mà nó đem
lại thật bất ngờ. Cụ thể:
Luận đề của “Tuyên ngôn Độc lập”(Hồ Chí Minh): Tuyên bố về quyền độc
lập của dân tộc Việt Nam; nêu cao quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy.
Thứ nhất: Việc xác định luận đề, ta sẽ hướng dẫn học sinh tìm hiểu bối cảnh
thế giới và trong nước khi bản tuyên ngôn ra đời thông qua câu hỏi lí giải: “Vì sao
đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh lại phải tuyên bố chủ quyền độc lập?”. Trả lời
câu hỏi này, học sinh sẽ thấy được tính cấp thiết của nhu cầu giao tiếp, tính xác
định của đối tượng, mục đích giao tiếp.Cả tính tạo bước ngoặt lịch sử trọng đại cho
dân tộc.
Thứ hai: Từ việc xác định luận đề, ta bước đầu hướng dẫn học sinh thấy
được tính chặt chẽ, lôgic của lập luận. Chúng ta đặt câu hỏi tích hợp: “Thông
thường, để tuyên bố một điều gì đó, chúng ta thường triển khai trên các phương

diện nào để thuyết phục người đọc, người nghe tin và làm theo mình?”
Trả lời câu hỏi này là học sinh đã nắm được cấu trúc (bố cục) thông thường
của văn bản chính luận. Vậy là ta đã gợi nhớ lại kiến thức lí thuyết về “phong cách
ngôn ngữ chính luận” và đã học lớp 11, có minh chứng bằng văn bản cụ thể. Và cụ
thể hơn nữa, ta tiếp tục yêu cầu các em: “Dựa vào văn bản, hãy xác định ranh giới
các phần ấy của bản Tuyên ngôn?”
Thứ ba: Từ luận đề của văn bản, chúng ta sẽ lần lượt hướng dẫn học sinh đọc
–hiểu tài năng chính luận bậc thầy của Bác qua ba luận điệu bác bỏ:
- Bác bỏ công khai hóa Đông Dương của thực dân Pháp.
- Bác bỏ công ảo hộ Đông Dương của thực dân Pháp.
- Bác bỏ quyền của Pháp quay trở lại tái chiếm Đông Dương.
Và một luận điệu khẳng định: Khẳng định chỉ có nhân dân Việt Nam mới
xứng đáng là chủ nhân chân chính của đất nước Việt Nam.
Như vậy, tiếp cận văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh từ
phương diện xác định luận đề này sẽ đảm bảo được tính hệ thống của văn bản bởi
các em sẽ nhận thấy các luận điểm, luận chứng, luận cứ được sắp xếp theo trình tự
hợp lôgic, hướng đến làm rõ luận đề. Hơn thế, các em cảm nhận được vẻ đẹp của
người cầm bút: Tư duy lôgic, trí luệ mẫn tiệp, tầm vóc tư tưởng lớn lao, tình yêu
nồng nàn, sâu sắc với nhân dân, đất nước mình, … khi tìm hiểu từng nội dung ấy.
9


Tất cả là minh chứng rõ nét cho vai trò của việc xác định chính xác luận đề
của văn bản chính luận vì điều này sẽ giúp các em mở được “cánh cửa đầu tiên
để khám phá vẻ đẹp của văn bản chính luận, khám phá vẻ đẹp tài năng và trí tuệ
của người viết”.
3.2.2. Giảng dạy văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh từ đặc
trưng của đối tượng giao tiếp và mục đích giao tiếp trong văn chính luận:
a. Cách thức hướng dẫn học sinh xác định đối tượng giao tiếp và mục đích
giao tiếp của “Tuyên ngông Độc lập”:

a1. Dựa vào hoàn cảnh ra đời của bản “Tuyên Ngôn Độc lập”:
“Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh vừa là một văn kiện lịch sử vô giá,
vừa là áng văn chính luận mẫu mực. Điểm đặc biệt nữa là bản Tuyên ngôn này
được Bác soạn thảo trong một bối cảnh hết sức đặc biệt:
- Thế giới: chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, phần thắng thuộc về phe
Đồng minh. (Hồng quân Liên Xô tấn công vào sào huyệt của phát xít Đức; phát xít
Nhật đầu hàng Đồng minh).
- Trong nước: Nhân dân cả nước nổi dậy giành chính quyền thắng lợi.
- Ngày 26/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà
Nội, và Người soạn thảo “Tuyên ngôn Độc lập” tại gác 2, số nhà 48, phố Hàng
Ngang - Hà Nội.
Nhưng chủ quyền dân tộc vừa mới giành được ngay lập tức đang rơi vào tình
thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì âm mưu quay trở lại tái chiếm nước ta của các nước
nhân danh Đồng minh diệt phát xít, điển hình là Pháp. Để chuẩn bị tấn công Việt
Nam lần 2, Pháp đã tung ra trong dư luận quốc tế “những lí lẽ hùng hồn của kẻ ăn
cướp”, rằng: “Đông Dương vốn là thuộc địa của Pháp, Pháp có công khai hóa và
bảo hộ Đông Dương, nay trở lại là lẽ đương nhiên khi phát xít Nhật bị quân Đồng
minh đánh bại”. Đâu chỉ “nói” mà Pháp còn “hành động” nấp sau lưng quân đội
Anh vào tước khí giới của phát xít Nhật nhưng là tiến vào đánh chiếm phía Nam
nước ta. Phía Bắc, bọn Tàu- Tưởng, tay sai của đế quốc Mĩ đã chực sẵn ở biên giới.
a2. Dựa vào tín hiệu ngôn ngữ của văn bản:
- "Hỡi đồng bào cả nước…”
- “…Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng…”
- Và “thực dân Pháp” là chủ thể của tất thảy tội ác trên các lĩnh vực kinh tế,
chính trị …
 Đối tượng hướng tới giao tiếp của bản Tuyên ngôn:
- “Đồng bào cả nước”(Hỡi đồng bào cả nước).
- Nhân dân thế giới (“Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng…”),
đặc biệt là các nước nhân danh Đồng minh diệt phát xít đang âm mưu tái xâm lược
nước ta: Pháp, Mĩ, Anh và Trung Quốc.

 Mục đích viết “Tuyên ngôn Độc lập” của Bác:

10


- Tuyên bố chủ quyền độc lập dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa.
- Thể hiện nguyện vọng hòa bình, tinh thần quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do
dân tộc.
- Khóa miệng và ngăn chặn âm mưu tái xâm lược nước ta của các nước nhân
danh Đồng minh diệt phát xít Pháp, Mĩ, Trung Quốc.
b. Phân tích hiệu quả của việc giảng dạy văn bản Tuyên ngôn từ đặc trưng
của đối tượng giao tiếp và mục đích giao tiếp:
Có thể nói, việc hướng dẫn học sinh xác định đúng đối tượng giao tiếp và
mục đích giao tiếp của bản “Tuyên ngôn Độc lập” sẽ giúp các em thấy rõ hơn bao
giờ hết sức chiến đấu mạnh mẽ trong ngòi bút chính luận của Hồ Chí Minh, cùng
với đó là những vẻ đẹp tâm hồn Bác: lòng yêu nước, thương dân nồng nàn, luôn
quan tâm, lo lắng cho vận mệnh Tổ quốc.
Ví dụ, khi hướng dẫn học sinh đọc – hiểu phần “Cơ sở pháp lí của bản Tuyên
ngôn”, nhất thiết phải hướng dẫn các em việc xác định chính xác đối tượng giao
tiếp và mục đích giao tiếp của bản Tuyên ngôn. Có như vậy các em mới hiểu được
sâu sắc ý nghĩa của việc Bác chọn trích dẫn từ “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mĩ
năm 1776 và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp năm
1791. Ta hãy cùng đọc lại những trích dẫn của Người trong các bản Tuyên ngôn
này:
“Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những
quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống,
quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.(“Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mĩ,
năm 1776).
“Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được

tự do và bình đẳng về quyền lợi”.(“Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của
Cách mạng Pháp năm 1791).
Hướng dẫn học sinh đọc - hiểu phần “Cơ sở pháp lí của bản Tuyên ngôn” từ
góc độ đặc trưng của đối tượng giao tiếp và mục đích giao tiếp trong văn chính luận
sẽ giúp các em sẽ thấy rõ bút lực chính trị của Người , cùng với đó là vốn kiến thức
uyên bác, tầm hiểu biết sâu rộng, siêu việt về lịch sử, văn hóa nhân loại của một
bậc Đại nhân, Đại trí, Đại dũng Hồ Chí Minh. Cụ thể:
Thứ nhất: Thấy rõ bút lực trong văn chính luận của Người qua thủ pháp đấu
tranh chính trị khôn khéo, quyết liệt “gậy ông đập lưng ông”.
Mục đích cuối cùng của văn chính luận là thuyết phục người đọc, người nghe
làm theo ý mình. Muốn vậy thì lập luận phải chặt chẽ, lí lẽ không ai có thể phản
bác lại và phải xuất phát từ một chân lí hiển nhiên hoặc một ý kiến đã được nhiều
người thừa nhận.
“Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mĩ năm 1776 và “Tuyên ngôn Nhân quyền
và Dân quyền” của Cách mạng Pháp năm 1791 đều là những danh ngôn, những
chân lí bất hủ của nhân loại, không ai có thể phủ nhận. Đặc biệt hơn, đây lại là lời
11


lẽ của chính tổ tiên người Mĩ và người Pháp(nghĩa là trích dẫn của Bác rất phù hợp
với đối tượng hướng đến của bản Tuyên ngôn là người Mĩ và người Pháp). Đó
chẳng phải là sự khôn khéo nhưng rất quyết liệt trong đấu tranh chính trị của Hồ
Chí Minh - dùng thủ pháp “gậy ông đập lưng ông ?! Không dừng lại ở đó, thủ pháp
“gậy ông đập lưng ông” này còn tạo được hiệu quả cao trong giao tiếp là khóa
miệng và ngăn chăn được mâm mưu xâm lược nước ta của thực dân Pháp và đế
quốc Mĩ, Trung Quốc.
Bên cạnh đó Người còn dùng lập luận so sánh: đặt vai trò của Cách mạng
Việt Nam ngang hàng với Cách mạng Pháp và Mĩ để khẳng định: Độc lập dân tộc
Việt Nam ngang hàng với độc lập dân tộc của Pháp và Mĩ, thể hiện niềm tự hào, tự
cường, tự tôn dân tộc của Người đồng thời một lần nữa gián tiếp khóa miệng và

ngăn chăn được mâm mưu xâm lược nước ta của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ,
Trung Quốc.
Thứ hai: Giúp học sinh thấy được tầm vóc tư tưởng lớn lao của Hồ Chí
Minh:
Cả hai trích dẫn của Bác để mở đầu cho bản “Tuyên ngôn Độc lập của nước
nhà đều khẳng định những quyền chính đáng của con người, và từ quyền của con
người, Bác đã phát triển thành quyền của dân tộc. Từ chân lí của tổ tiên người Mĩ
và người Pháp, Bác đã đưa ra chân lí mới: Độc lập, tự do là quyền của mọi dân tộc,
trong đó có dân tộc Việt Nam. Điều này cũng một lần nữa có tác dụng khóa miệng
và ngăn chặn âm mưu tái xâm lược nước ta của Pháp, Mĩ, Trung Quốc; tranh thủ sự
ủng hộ, đồng tình của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình.
Và sự sáng tạo này của Bác đã được nhân loại tôn vinh. Nói như GS Nhật
Bản: Singo Sibata, “Suy rộng ra..” là “một cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh
vì Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi dân tộc. Như vậy,
mọi dân tộc đều có quyền quyết định lấy vận mệnh của riêng mình”.
Nhà văn Mĩ, Lady Botton cũng từng khẳng định ca ngợi: “Chỉ bằng một sự
thay đổi nhỏ, Hồ Chí Minh đã giải phóng cho cả một nửa nhân loại và nó trở thành
phát súng khởi đầu của bão táp cách mạng, làm sụp đổ Chủ nghĩa thực dân trên
khắp thế giới vào nửa sau thế kỷ XX”.
Từ thực tế trên, chúng tôi hoàn toàn có thể khẳng định: Giảng dạy văn bản
Tuyên ngôn Độc lập cần thiết phải xác định chính xác đối tượng giao tiếp và mục
đích giao tiếp của văn bản.
3.2.3. Giảng dạy văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh từ góc độ
nghệ thuật lập luận trong văn chính luận của Hồ Chủ tịch:
Văn chính luận công khai bày tỏ quan điểm, chính kiến của người viết, người
nói. Cùng với đó là giải thích, thuyết phục và động viên mọi người tin và làm theo
mình. Điều này đòi hỏi sự diễn đạt ở thể văn này phải có tính chất lập thuyết.
Nghĩa là phải bằng những lí lẽ đúng đắn, có căn cứ vững chắc, dựa trên cơ sở
những luận điểm, luận cứ khoa học mà đấu tranh, thuyết phục, động viên. Đây
12



chính là vẻ đẹp của văn chính luận. Vẻ đẹp lập luận ấy được thể hiện rất rõ trong
“Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chủ tịch. Điều này được minh chứng rõ nhất qua
nghệ thuật lập luận nhằm tạo cơ sở thực tế cho bản Tuyên ngôn.
Để tạo cơ sở thực tế cho bản “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chí Minh đã xây
dựng hai luận điểm lớn:
-Luận điểm 1: Tố cáo những tội ác tày trời mà thực dân Pháp đã gây ra cho
nhân dân ta trong suốt hơn 80 năm qua nhằm bác bỏ luận điệu kể công “khai hóa,
bảo hộ và quyền quay trở lại Đông Dương” của thực dân Pháp.
-Luận điểm 2: Khẳng định nhân dân Việt Nam xứng đáng là chủ nhân chân
chính của đất nước mình, dân tộc mình.
a. Ở luận điểm 1, Hồ Chí Minh đã lập luận như thế nào để bác bỏ “công” và
“quyền” của Pháp trên đất nước Việt Nam:
(Dưới đây là trình tự hướng dẫn của chúng tôi)
Thứ nhất: Bác bỏ luận điệu kể công “khai hóa” Pháp:
?Bác Hồ đã bác bỏ luận điệu kể “công khai hóa Đông Dương” của thực dân
Pháp bằng việc tố cáo những tội ác nào của chúng?(Yêu cầu hs dựa vào văn bản
sgk để liệt kê).
-Bác đã lên án, tố cáo hàng trăm tội ác của thực dân Pháp trên các bình diện:
+ Về chính trị (…)
+ Về Kinh tế: (…)
- Nghệ thuật:
?Nhận xét về cách diễn đạt và sử dụng kiểu câu của Bác khi kể tội TdP?
Hiệu quả diễn đạt?(Hs dựa vào văn bản sgk, thảo luận theo bàn để nhận xét).
+ Cách viết xuống dòng, kiểu câu có kết cấu trùng lặp(Phép lặp cú pháp), Hồ
Chí Minh đã phơi bày rõ ràng, dồn dập, tăng dần những tội ác tày trời của thực dân
Pháp.
?Theo em, tại sao Bác dùng đại từ “Chúng” thay cho “ thực dân Pháp”?
Hãy phân tích giá trị biểu cảm của đại từ này?(Hs trình bày cảm nhận của cá

nhân).
?“Chúng”là chủ thể của hàng loạt các hành động phi nhân đạo kết hợp với
các từ ngữ mang ý nghĩa phủ định triệt để như “tuyệt đối”; “không cho”, Hoặc
những động từ mạnh: “thi hành”; “lập ra”; “thẳng tay chém giết”; “cướp
không”; … các em cảm nhận như thế nào về tính chất, mức độ tội ác mà chúng đã
gây ra cho nhân dân Việt Nam ta?(Hs nhận xét cá nhân).
+ Đại từ “Chúng”(chỉ thực dân Pháp) là chủ thể của hàng loạt các hành động
phi nhân đạo: (…): Tội ác mà Pháp gây ra cho nhân dân ta vô cùng tàn nhẫn về tính
chất, mức độ. Nó nằm trong âm mưu mang tính chiến lược của “chúng”: đưa dân
tộc ta trở về thời mông muội để dễ cai trị.
?Hãy liệt kê những đối tượng mà “Chúng” đã áp bức, “bóc lột”, “cướp
không”; “thẳng tay chém giết”… trong đoạn văn bản này?(Hs dựa vào văn bản
sgk để liệt kê).
13


+Thủ pháp nghệ thuật liệt kê, Bác đã chỉ rõ: Đối tượng mà “chúng” áp bức,
bóc lột là tất cả mọi tầng lớp, giai cấp, mọi công dân Việt Nam- Không trừ một ai:
“nhân dân ta”; “nước nhà của ta”; “những người yêu nước thương nòi của ta”; “nòi
giống ta”; “dân ta, nhất là dân cày và dân buôn”; “các nhà tư sản ta”; “công nhân
ta”.
?Bác muốn nói gì với người đọc, người nghe qua thủ pháp nghệ thuật này?
(Hs thảo luận theo bàn và trả lời câu hỏi).
 Thông điệp của Bác:
* Khẳng định: thực dân Pháp là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam, không trừ
một giai tầng nào.
* Kêu gọi: Tất cả các giai tầng trong xã hội phải đoàn kết lại để bảo vệ chủ
quyền độc lập vừa mới dành được nếu kẻ thù tái chiếm Việt Nam.
Thứ hai : Bác bỏ luận điệu kể công “bảo hộ Đông Dương”:
?Hồ Chủ tịch cũng đã vạch trần những tội ác nào để bác bỏ luận điệu kể

công “bảo hộ Đông Dương” của thực dân Pháp?(Hs dựa vào văn bản sgk để trả
lời câu hỏi)
?Hai lần bán nước ta cho Nhật, Cụ thể đó là hai lần nào?(Hs dựa văn bản
sgk để nhận biết).
-Tuyên ngôn Độc lập đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp:
+ Trong năm năm Pháp bán nước ta hai lần cho phát xít Nhật, gây nên thảm
họa nạn đói năm 1945: Hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói(chiếm hơn 1/10 dân số
Việt Nam đương thời).
* Lần 1: Mùa thu năm 1940, Pháp đã “mở cửa nước ta rước Nhật”.
*Lần 2: Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội pháp, bọn
thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng.
+Tội phản bội phe Đồng minh, bắt tay với Nhật.
?Ấn tượng của em về cách dùng từ ngữ của Bác để nói về thực dân Pháp ở
đoạn văn bản này? Cụ thể là từ ngữ nào? Hãy phân tích?(Hs thảo luận theo bàn
và trả lời câu hỏi).
- Cách dùng từ ngữ diễn đạt giàu hình ảnh: “quỳ gối, đầu hàng, mở cửa nước
ta rước Nhật” đã cho ta cảm nhận đầy đủ bản chất đê hèn, nhu nhược, phản bội của
thực dân Pháp.
Thứ ba : Bác bỏ luận điệu “Đông Dương vốn là thuộc địa của Pháp”:
?Hồ Chí Minh bác bỏ luận điệu “Đông Dương vốn là thuộc địa của Pháp”
bằng những “sự thật” lịch sử nào?(Hs dựa vào văn bản sgk để nhận biết).
- Bác bỏ bằng những “sự thật”:
+ “Sự thật là mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ
không phải thuộc địa của Pháp nữa”.
+ “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ
tay Pháp”.
 Đây cũng chính là những dẫn chứng không ai có thể chối cãi được.
14



?Khi Pháp nhân danh Đồng minh thắng Nhật và khẳng định “quyền” được
lấy lại Đông Dương, Bác đã vạch trần những tội trạng gì của chúng?(Hs dựa vào
văn bản sgk để nhận biết).
- Lên án tội ác dã man, đê tiện của Pháp: “Trước ngày 9 tháng 3 … khủng bố
Việt Minh hơn nữa; giết nốt số đông tù chính trị ở Yên bái và Cao Bằng”
?Người cũng đã chỉ rõ ai mới xứng đáng là chủ nhân chân chính của đất
nước ta?Vì sao?(Hs dựa vào văn bản sgk để thảo luận và trả lời câu hỏi).
- Khẳng định, nhân dân Việt Nam xứng đáng là chủ nhân chân chính của đất
nước:
+Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước đứng lên giải phóng dân
tộc.
+Đồng bào ta khoan hồng và độ lượng với Pháp: Giúp và cứu nhiều người
Pháp ra khỏi nhà giam Nhật; Bảo vệ tính mạng và tài sản cho người Pháp.
?Nhận xét của em về nghệ thuật lập luận của Bác ở phần này?(Hs rút ra nhận xét
chung).
 Lập luận sắc bén.
b. Ở luận điểm 2: Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân Việt Nam xứng đáng là
chủ nhân chân chính của đất nước mình, dân tộc mình.
?Xác định phép phép liên kết của từ “Bởi thế”? Vai trò của từ “bởi thế”
trong văn bản này?(Hs dựa vào sự hiểu biết của bản thân về những tri thức đã học
để trả lời câu hỏi)
-Từ ngữ lập luận: “Bởi thế”. (Gv nhấn mạnh):
+“Bởi thế” thuộc phép nối, là kiểu từ ngữ có tính chất lập luận -không chỉ
kết nối ý mà còn tạo sự chặt chẽ cho lập luận của Bác(các ý mà Bác khẳng định,
tuyên bố ở đây có cơ sở vững chắc từ những lí lẽ và dẫn chứng trước đó.
+ Trong văn bản, ta còn gặp một số từ ngữ khác cũng mang tính chất lập
luận: “Thế mà”; “thế là” “Vì những lẽ trên”, …
?Vậy,Hồ Chủ tịch đã nhân danh Chính Phủ lâm thời tuyên bố với thế giới
điều gì?
-Nội dung Tuyên bố:

+ Thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp.
+ Xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về Việt Nam.
+Xóa bỏ tất cả những đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
?Đồng thời Người cũng nêu lên quyết tâm gì của dân tộc?
- Quyết tâm: Chống lại mọi âm mưu xâm lược.
?Căn cứ vào điều khoản quy định về nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở hai
Hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn, Hồ Chủ tịch kêu gọi cộng đồng quốc tế điều
gì?
- Kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc Việt
Nam.
?Nghệ thuật lập luận của Bác ở phần này?
15


- Kiểu câu trùng lặp: “Dân tộc đó phải được tự do? Dân tộc đó phải được độc
lập!”  Giọng văn hùng hồn, đanh thép, lời khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc
trở thành một chân lí hiển nhiên.
 Các chứng cứ, lí lẽ của Bác đều thấu tình đạt lí. Và người đọc, người nghe
hoàn toàn bị thuyết phục.
?Văn chính luận cũng có tính hình tượng nhưng chỉ dừng lại ở cấp độ bộ
phận, chi tiết. Song, nó đã góp phần nâng cao hiệu quả “đánh địch” bằng ngòi
bút. Và Bác cũng đã xây dựng thành công hai hình tượng thẩm mĩ: Thực dân Pháp
và dân tộc Việt Nam. Qua đây, hãy trình bày cảm nhận của em về hai hình tượng
ấy?
-Hai hình tượng thẩm mĩ:
+ Thực dân Pháp: ban đầu hiện lên ngang ngược, bạo tàn, bất nhân, vô đạo.
Nhưng kết thúc tác phẩm là kẻ đớn hèn, thảm hại.
+ Dân tộc ta từ trong đau thương, khổ cực, lầm than đã “rũ bùn đứng dậy
sáng lòa” bằng sự kiên cường, bền bỉ đấu tranh anh dũng; Tấm lòng nhân hậu, vị
tha, yêu hòa bình, chính nghĩa.

c. Một số kinh nghiệm được rút ra sau khi giảng dạy văn bản “Tuyên ngôn
Độc lập” của Hồ Chí Minh từ góc độ nghệ thuật lập luận trong văn chính luận
của Hồ Chủ tịch:
Vẻ đẹp của lập luận, sức thuyết phục của lập luận không chỉ dừng lại ở
những lí lẽ đúng đắn, có căn cứ vững chắc, dựa trên cơ sở những luận điểm, luận
cứ khoa học mà đấu tranh, thuyết phục, động viên để mọi người tin theo mình,
đồng tình với mình, làm theo mình mà còn được tạo bởi những yếu tố làm nên sức
truyền cảm mạnh mẽ của văn bản.
Thật vậy, tính truyền cảm mạnh mẽ của văn bản chính luận là đặc trưng cơ
bản để phân biệt với các loại văn bản khác như: Văn bản khoa học, thông tấn nhưng
lại gần hơn với các văn bản nghệ thuật, được xếp sau thể loại văn bản nghệ thuật về
tính truyền cảm.
Vậy tính truyền cảm của văn bản được tạo nên từ những yếu tố nào?
Thứ nhất: Tính truyền cảm của văn bản chính luận thể hiện ở việc sử dụng
nhiều từ ngữ giàu giá trị tạo hình nhằm gây ấn tượng mạnh mẽ về mặt âm thanh và
ý nghĩa, ví như ở văn bản “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chủ tịch đã dùng cách nói
giàu hình ảnh: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu” để tố
cáo tội ác tàn bạo, dã man của thực dân Pháp; Hoặc cách dùng từ ngữ mang sức
nặng biểu cảm. Trong văn bản, Người dùng đại từ “Chúng” thay cho cụm danh từ
“thực dân Pháp” và danh từ “Pháp” đầy sức truyền cảm. Có người nói rằng
“Chúng” nghe nặng như “búa bổ” - Thực dân Pháp đã “bổ” lên đầu nhân dân ta
trong suốt hơn 80 năm qua. Và bây giờ, Bác đang “bổ” lên đầu thực dân Pháp bằng
giọng điệu đanh thép để kết tội “Chúng”!
Thứ hai: Tính truyền cảm của văn bản chính luận được tạo nên bởi các biện
pháp tu từ như: Liệt kê, đảo ngữ, lập kiểu câu, …Ví như ở bản “Tuyên ngôn Độc
16


lập”, Hồ Chí Minh sử dụng các câu có kết cấu trùng điệp (Nghệ thuật lặp cú Pháp).
Ví dụ:

“Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ra ba chế độ khác nhau
ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân
tộ ta đoàn kết.
“Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết
những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta
trong những bể máu”…
“Chúng” là từ thuộc thanh “trắc”, tạo ngữ điệu mạnh và là chủ thể của hàng
loạt các hành động phi nhân đạo như “Tuyệt đối không cho dân ta một chút quyền
tự do dân chủ nào”; “không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”; “bóc lột dân ta đến
tận xương tủy”, …Bác không chỉ tố cáo những tội ác mà Pháp gây ra cho nhân dân
ta là vô cùng tàn nhẫn về tính chất, mức độ. Mà còn vạch trần: Những tội ác ấy là
cố ý và hoàn toàn nằm trong âm mưu mang tính chiến lược của “chúng”, nhằm đưa
dân tộc ta trở về thời mông muội để dễ cai trị…
Thứ ba: Vẻ đẹp của lập luận trong văn chính luận còn được thể hiện ở việc
khai thác những quan hệ chiều sâu giữa hình thức ngôn ngữ và mục đích biểu
đạt. Một văn bản chính luận hay thường là những văn bản chứa đựng nhiều hàm ý
sâu sắc, có sức chinh phục lòng người, có sức cuốn hút mãnh liệt. Điều này đã
được chúng tôi lồng ghép trong hoạt động hướng dẫn học sinh đọc – hiểu phần “Cơ
sở thực tế của bản Tuyên ngôn”. Ví dụ trong phần Bác bỏ luận điệu kể công “khai
hóa” Pháp, chúng tôi yêu cầu học sinh liệt kê những đối tượng bị “Chúng”(Thực
dân Pháp) áp bức, bóc lột: “nhân dân ta”; “nước nhà của ta”; “những người yêu
nước thương nòi của ta”; “nòi giống ta”; “dân ta, nhất là dân cày và dân buôn”;
“các nhà tư sản ta”; “công nhân ta”. Từ đó, chỉ ra cho học sinh thấy đối tượng mà
Pháp áp bức, bóc lột trong sốt hơn 80 năm qua là tất cả mọi tầng lớp, giai cấp, mọi
công dân Việt Nam- Không trừ một ai. Vì vậy, thông điệp mà Người gửi gắm đến
đồng bào mình thật sâu sắc:
+ Khẳng định: Thực dân Pháp là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam, không trừ
một giai tầng nào.
+ Kêu gọi: Tất cả các giai tầng trong xã hội phải đoàn kết lại để bảo vệ chủ
quyền độc lập vừa mới dành được nếu kẻ thù tái chiếm Việt Nam.

Hoặc sau khi hướng dẫn học sinh đọc hiểu phần cơ sở thực tế của bản Tuyên
ngôn, chúng ta cũng cần chỉ ra tính hình tượng ở cấp độ bộ phận của văn bản chính
luận này qua hai hình tượng thẩm mĩ của văn bản. Cụ thể:
+ Thực dân Pháp: ban đầu hiện lên ngang ngược, bạo tàn, bất nhân, vô đạo.
Nhưng kết thúc tác phẩm là kẻ đớn hèn, thảm hại.
+ Dân tộc ta từ trong đau thương, khổ cực, lầm than đã “rũ bùn đứng dậy
sáng lòa” bằng sự kiên cường, bền bỉ đấu tranh anh dũng; Tấm lòng nhân hậu, vị
tha, yêu hòa bình, chính nghĩa…

17


Từ tất cả thực tế đó, chúng tôi muốn khẳng định: Khi giảng dạy văn bản
“Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh nói riêng, các văn bản chính luận nói
chung chúng ta không nên tách rời theo kiểu:
- Vẻ đẹp của lập luận.
- Vẻ đẹp của ngôn ngữ.
- Giọng điệu…
Nếu tách bạch như thế học sinh sẽ “rối”, không hiểu đúng tính “lập luận và lôgic
của văn bản chính luận”, từ đó mà mơ hồ trong nhận diện các văn bản chính luận
mà các em bắt gặp trong thực tế cuộc sống như vậy cũng có nghĩa là chúng ta chưa
tích hợp khi dạy văn bản thể loại này với kiến thức Tiếng Việt: Phong cách ngôn
ngữ chính luận…, và chúng ta cũng không thấy được Phong cách chính luận của
Hồ chí Minh: giản dị, mộc mạc, dễ hiểu mà thấm thía, khúc triết, hùng hồn khác
với văn chính luận của Cố thủ Tướng Phạm Văn Đồng là gẫy gọn, đanh thép, …
4. HIỆU QUẢ CỦA VIỆC ỨNG DỤNG ĐẶC TRƯNG THỂ VĂN CHÍNH
LUẬN VÀO GIẢNG DẠY VĂN BẢN “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP” CỦA HỒ
CHÍ MINH Ở TRƯỜNG THPT HOẰNG HÓA 3:
- Để biết được hiệu quả của những giờ dạy học văn bản “Tuyên ngôn Độc
lập” của Hồ Chí Minh sau khi ứng dụng đặc trưng thể văn chính luận để giảng dạy,

chúng tôi đã thực hiện bài kiểm tra với hai đối tượng học sinh thuộc 2 lớp khác
nhau nhưng tương đương về mức độ (Lớp 12B5 và 12B6 của trường THPT Hoằng
Hóa 3). Trong đó, lớp 12B5 được nghiên cứu vận dụng đặc trưng thể văn chính
luận để giảng dạy, còn lớp 12B6 chưa được nghiên cứu vận dụng. Và tôi đã thu
được những kết quả như sau:
Lớp
12B5
12B6

Từ 8 – 10 điểm
SL
TL
06
12.8
13
27.7

Từ 5 – 7.5 điểm
SL
TL
24
51
28
59.5

Từ 3.5 – 4.5 điểm
SL
TL
13
27.7

06
12.8

Từ 0 – 3.0 điểm
SL
TL
04
8.5
0
0.0

Từ việc thống kê kết quả kiểm tra trong bảng số liệu trên, chúng tôi nhận
thấy, việc ứng dụng những đặc trưng thể loại của văn chính luận trong giảng dạy
văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh thực sự đã đem lại những tiến bộ
rõ rệt. Điều đó đã chứng minh: Việc ứng dụng đặc trưng thể văn chính luận vào
giảng dạy văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh thực sự có hiệu quả,
theo đó hứng thú học tập của học sinh với tác phẩm chính luận này cũng đã được
nâng cao.

18


III.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ:

1. KẾT LUẬN:
Thành công của người giáo viên là kết hợp của tâm huyết với nghề, đam mê
học hỏi, nghiên cứu bài dạy cộng bề dày kinh nghiệm được tích lũy từ thực tiễn
giảng dạy cùng tinh thần cầu thị, ham học hỏi … Đặc biệt, mỗi giờ dạy cần chú

trọng phát huy tính tích cực chủ động chiếm lĩnh tri thức của học sinh để dẫn dắt
các em khám phá cuộc sống phong phú, rộng lớn trong văn học qua mỗi tác phẩm.
Thông qua việc tổng kết hiệu quả của SKKN, chúng tôi có thể khẳng định:
Ứng dụng đặc trưng thể loại văn chính luận vào giảng dạy “Tuyên ngôn Độc lập”
của Hồ Chí Minh thực sự đã nâng cao hiệu quả giờ dạy, kích thích được hứng thú
học tập của học sinh thông qua việc am hiểu những kiến thức đa dạng về đời sống
xã hội; hình thành và phát triển năng lực tư duy lôgic, nâng cao hiệu quả diễn đạt
và năng lực ứng xử trước những vấn đề của hiện thực cuộc sống. Với đề tài: Một
vài kinh nghiệm ứng dụng đặc trưng thể văn chính luận để giảng dạy thành
công “Tuyên ngôn Độc lập” của Hồ Chí Minh, cá nhân tôi đã thử nghiệm thành
công, xin được chia sẻ với các đồng nghiệp để cùng trao đổi, rút kinh nghiệm nhằm
nâng cao hiệu quả giảng dạy văn bản này cũng như góp phần đổi mới hương pháp
dạy học theo hướng tích hợp.
2. KIẾN NGHỊ:
Tổ chuyên môn cần tư vấn để nhà trường mua thêm một số đầu sách tham
khảo về phương pháp dạy học văn bản tác phẩm trong nhà trường như cuốn“Vấn
đề giảng dạy tác phẩm theo đặc trưng thể loại” (Trần Thanh Đạm, NXBGD, Hà
Nội, 1971); “Phương pháp giảng dạy văn trong nhà trường phổ thông”
(A.Nhicônxki), NXB Giáo dục, Hà Nội dịch và phát hành, 2005.
Sở GD & ĐT nên chỉ đạo chuyên môn thực hiện một số hội thảo về ứng
dụng đặc trưng thể loại trong dạy học tác phẩm văn chương theo hướng tích hợp
nhằm tạo điều kiện cho giáo viên cốt cán có điều kiện trao đổi về phương pháp và
hiệu quả. Từ đó nhân rộng PPDH mới này cho các trường THT trên địa bàn tỉnh.
XÁC NHẬN CỦA THỦ
TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Hoằng Hóa, ngày 16 tháng 5 năm 2016.
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình viết,
không sao chép nội dung của người khác.
Người viết đề tài:


Hoàng Thị Minh

19


20



×