Tải bản đầy đủ (.doc) (21 trang)

Rèn kĩ năng viết phần giải thích cho đề văn nghị luận xã hội trong bài thi THPT quốc gia

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (127.95 KB, 21 trang )

1. PHẦN MỞ ĐẦU
1.1. Lí do chọn đề tài:
Hiệu quả của quá trình dạy học môn Ngữ văn không chỉ nằm ở khâu dạy
kiến thức mà còn ở bước rèn kĩ năng. Nếu dạy chỉ cung cấp kiến thức thì việc rèn
kĩ năng là khâu cùng một lúc kiểm tra được nhiều phương diện của quá trình học:
kiểm tra được việc tiếp thu kiến thức, vận dụng tri thức vào thực tế, khả năng giải
quyết linh hoạt, nhạy bén các vấn đề … Ngoài ra, việc rèn kĩ năng cho học sinh
trong quá trình học Ngữ văn phần nào đáp ứng yêu cầu đổi mới kiểm tra đánh giá
học sinh theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao.
Đề văn những năm gần đây ra theo lối mở theo tinh thần đổi mới của Bộ giáo
dục nhằm để phát huy tư duy sáng tạo của học sinh. Trong đề thường không có chỉ
dẫn rõ ràng về thao tác lập luận, thế nhưng khi làm bài các em cần thiết phải biết
phối hợp nhuần nhuyễn các thao tác nghị luận. Trong số các thao tác lập luận, thao
tác giải thích vô cùng quan trọng, có tính định hướng, là kim chỉ nam cho toàn bộ
bài văn. Giải thích đúng sẽ hiểu đúng, viết đúng, xây dựng hệ thống luận điểm
tương ứng với luận đề.
Vậy nên, chúng tôi vô cùng trăn trở và đó cũng chính là lí do đưa chúng tôi
đến với đề tài: “Rèn kĩ năng viết phần giải thích cho đề văn nghị luận xã hội
trong bài thi THPT Quốc Gia”
1.2. Mục đích nghiên cứu
- Trình bày những hiểu biết của mình về khái niệm văn giải thích
- Tầm quan trọng của phần giải thích trong đoạn văn nghị luận xã hội.
- Những kỹ năng cơ bản khi viết phần giải thích trong đoạn văn nghị luận xã
hội với đối tượng là học sinh tham dự kì thi THPT Quốc gia. Đề tài hướng tới hai
mục đích:
+ Với học sinh: đề tài đưa ra một vài cách thức giúp học sinh có thêm kỹ
năng giải thích trong viết văn nghị luận, để học sinh tự tin chủ động sáng tạo khi
làm bài, thể hiện đúng chất của học sinh giỏi văn, đáp ứng tốt yêu cầu của việc thi
cử theo tinh thần đổi mới của những năm gần đây.
+ Với giáo viên: cần có ý thức hơn trong giảng dạy và ôn luyện bên cạnh
việc cung cấp kiến thức cũng cần chú ý tới việc rèn kỹ năng làm bài và trong đó có


việc rèn kỹ năng giải thích trong đoạn văn nghị luận xã hội.
1.3. Đối tượng nghiên cứu
Phương pháp rèn kỹ năng giải thích trong đoạn văn nghị luận xã hội.
1.4. Phương pháp nghiên cứu:


Phương pháp thống kê
Phương pháp phân tích
Phương pháp tổng hợp
1.5. Điểm mới của đề tài nghiên cứu:
Người viết mạnh dạn đưa ra một số kĩ năng kinh nghiệm của bản thân trong
qua trình dạy học về vấn đề “Rèn kĩ năng viết phần giải thích cho đề văn nghị luận
xã hội trong bài thi THPT Quốc Gia” mà từ trước đến nay giáo viên cũng như học
sinh chưa quan tâm nhiều:
- Xác lập được các bước tiến hành viết phần giải thích cho đề văn nghị luận
xã hội.
- Xây dựng được hệ thống bài tập phù hợp cho việc rèn luyện kĩ năng giải
thích cho đề văn nghị luận xã hội.
- Kết hợp lí thuyết và thực hành qua việc tổ chức cho học sinh nhận diện
vấn đề, thực hành viết doạn giải thích và sửa lỗi thông qua bài tập cụ thể.
2. PHẦN NỘI DUNG
2.1. Cơ sở lí luận của sáng kiến kinh nghiệm:
2.1.1.Văn nghị luận
Văn nghị luận là thể loại văn viết về những vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực đời
sống khác nhau như chính trị, kinh tế, văn hoá, triết học…Mục đích của văn nghị
luận là bàn bạc, thảo luận, phê phán hay truyền bá tức thời một tư tưởng, quan
điểm nào đó … đặc trưng cơ bản của văn nghị luận là tính chất luận thuyết - khác
với văn học nghệ thuật, văn chương nghị luận trình bày tư tưởng và thuyết phục
người đọc chủ yếu bằng lập luận, lí lẽ… (Theo Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn
Khắc Phi - Từ điển thuật ngữ văn học- NXB Đại học quốc gia, 4 - 1999).

Nhìn từ đề tài, đối tượng nghị luận, có thể chia văn nghị luận thành hai loại
lớn: nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Trong cả hai kiểu bài, thao tác lập luận giải thích có vị trí, vai trò quan trọng.
2.1.2. Thao tác lập luận giải thích
a. Khái niệm:
Thao tác lập luận giải thích là một thao tác nghị luận dùng lí lẽ để giảng giải,
cắt nghĩa giúp người đọc, người nghe hiểu rõ một hiện tượng, một vấn đề nào đó.
b. Vị trí, vai trò:
Thao tác lập luận giải thích có vai trò quan trọng trong bài văn nghị luận giúp
người viết đi đúng vấn đề cần nghị luận, định hướng cho quá trình tạo dựng luận
điểm, là một trong các yếu tố quyết định sự thành công của bài văn.
c. Yêu cầu của thao tác lập luận giải thích:


Khi giải thích ngắn gọn, rõ ý, hay, có tính nghệ thuật .
2.1.3. Rèn kĩ năng viết phần giải thích trong đề nghị luận xã hội
a. Kĩ năng nhận diện dạng đề
Đoạn văn nghị luận xã hội theo cấu trúc đề thi THPT Quốc gia hiện
hành thường được chia thành hai dạng gắn với ngữ liệu ở phần đọc hiểu của đề:
+ Nghị luận về một tư tưởng đạo lí.
+ Nghị luận về một hiện tượng đời sống
Tùy vào dạng đề cụ thể để sử dụng cách giải thích phù hợp
b. Kĩ năng tìm ý:
* Để làm được phần này học sinh cần căn cứ vào từ, câu, vế câu, hình ảnh
v.v. Đặt câu hỏi lập ý: là gì? Nghĩa là như thế nào ? Nói như vậy có ý gì ?
- Giải thích từ:
+ Giải thích nghĩa từ theo từ điển tiếng Việt, tìm hiểu nghĩa gốc và nghĩa
chuyển.
+ Giải thích nghĩa từ theo đặc điểm của từ loại: danh từ, động từ, tính từ.
- Giải thích câu, vế câu: căn cứ vào các từ , mối quan hệ các từ: nếu-thì; hãy,

đừng, nên, mà v.v. để xác định vế chính. Giải thích nghĩa của tập hợp từ và bối
cảnh câu nói.
- Giải thích hình ảnh: tìm ra ý nghĩa tả thực và biểu tượng của hình ảnh.
- Ngoài ra cần chú ý tới các biện pháp tu từ được sử dụng trong đề. Cuối
cùng rút ra ý nghĩa của vấn đề nghị luận
c. Kĩ năng sắp xếp ý:
Tùy vào vấn đề nghị luận sắp xếp giải thích ý nào trước, ý nào sau.
d. Kĩ năng diễn đạt:
Trong diễn đạt học sinh cần chọn lọc ý để trình bài, sử dụng từ, câu
đúng ngữ pháp, diễn đạt uyển chuyển, hình ảnh, cảm xúc.
2.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm:
2.2.1. Thực tế giảng dạy và chấm thi
Học sinh vẫn còn yếu về kỹ năng làm bài, trong đó có kỹ năng từng bước
thực hiện các thao tác lập luận như phân tích, chứng minh, bình luận… trong đó ta
phải kể đến một khâu vô cùng quan trọng là viết phần giải thích.
Để làm tốt một đề thi là nghị luận văn học hay nghị luận xã hội, học sinh
trước hết phải thuần thục các thao tác nghị luận mà đầu tiên là kỹ năng giải thích.
2.2.2. Một số kĩ năng học sinh đã được trang bị
- Kĩ năng nhận diện vấn đề cần nghị luận:


Trước mỗi đề nghị luậnxã hội, người viết cần có cái nhìn tinh để nhận diện
vấn đề nghị luận, vấn đề đó thực chất được gài một cách khéo léo trong câu chữ
của đề, trong mối quan hệ giữa các vế câu, trong cách dùng hình ảnh v.v.
- Kĩ năng tìm ý: để có thể viết tốt phần giải thích học sinh phải xác định được
ý chính cần làm rõ, căn cứ để xác định ý chính là từ ngữ, vế câu, hình ảnh, biện pháp
tu từ, các kiến thức liên quan. Trên cơ sở tập hợp các nét nghĩa tìm ra vấn đề cần
nghị luận.
- Kĩ năng sắp xếp ý: để người đọc hiểu, tin vào vấn đề đang nghị luận, cần
đảm bảo tính hệ thống của lập luận. Nên cân nhắc, giải thích ý nào trước, ý nào sau

để vừa đảm bảo tính lôgic vừa phù hợp tâm lí tiếp nhận.
- Kĩ năng diễn đạt: Trong diễn đạt cần chuẩn xác và truyền cảm. Chuẩn xác
trong việc dùng từ, đặt câu. Muốn sử dụng các từ biểu thị những khái niệm trừu
tượng, các thuật ngữ chuyên môn, học sinh cần thường xuyên đọc sách báo, xây
dựng thói quen tra từ điển, để hiểu nghĩa của chúng đến nơi, đến chốn. Không nắm
chắc nghĩa của từ không nên dùng. Về câu, khi mở rộng các thành phần câu, người
viết cần lưu ý sắp xếp trật tự các từ trong câu cho đúng quy tắc và không bỏ sót các
thành phần chính.
2.3. Kinh nghiệm và giải pháp rèn luyện kĩ năng viết phần giải thích cho dạng
đề nghị luận xã hội trong bài thi THPT Quốc Gia
Ý thức sâu sắc tầm quan trọng của việc rèn kỹ năng giải thích trong đoạn văn nghị
luận xã hội, trong quá trình dạy học, đặc biệt là ôn luyện thi THPT Quốc Gia,
chúng tôi đã dành cho việc hình thành và phát triển kỹ năng này một thời lượng
xứng đáng. Tùy vào đặc điểm của mỗi đối tượng học sinh, mỗi dạng riêng của đoạn
văn nghị luận xã hội mà việc rèn thao tác này có thể linh hoạt (đẩy bước này lên
trước hay bỏ qua bước kia) nhưng nhìn chung, chúng tôi tiến hành theo trình tự như
sau:
Bước 1: Nâng cao nhận thức cho học sinh về tầm quan trọng của thao tác lập
luận giải thích trong đoạn văn nghị luận qua việc tham khảo ngữ liệu:
Bước 2: Rèn kĩ năng giải thích cho đề văn nghị luận xã hội trong kì thi THPT
Quốc Gia
Bước 3: Thực hành sửa lỗi.
Sau đây, chúng tôi xin trình bày cụ thể từng bước mà trong thực tế dạy học
chúng tôi đã tiến hành.
2.3.1. Nâng cao nhận thức cho học sinh về tầm quan trọng của thao tác lập luận
giải thích trong đoạn văn nghị luận qua việc tham khảo ngữ liệu:


Có lẽ đối với nhiều bạn đồng nghiệp thì việc cho học sinh tham khảo tư liệu
không phải là bước đầu tiên, thậm chí đây có thể là bước sau cùng trong việc rèn kỹ

năng giải thích trong bài văn nghị luận. Nhưng đối với chúng tôi, tham khảo tư liệu
chất lượng tốt ngay từ đầu có hiệu quả lớn. Bởi như vậy, có thể định hình cho học
sinh về thao tác giải thích một cách chính xác mà lại trực quan, sinh động, dễ tiếp
nhận. Qua các dẫn chứng hay và thú vị, học sinh có ý niệm về giải thích và quan
trọng hơn là có hứng thú rèn luyện kỹ năng giải thích.
Nguồn dẫn chứng có thể lấy từ các bài nghị luận nổi tiếng trong và ngoài
nước của các danh nhân và các giáo sư, từ các bài viết của học sinh (trong các kì thi
học học sinh khóa trước hoặc các bài viết ở các tài liệu mẫu). Yêu cầu trong việc
chọn tư liệu dựa trên tiêu chí chuẩn mực, trong sáng, hấp dẫn.
Khi cho học sinh tham khảo tư liệu, cần có định hướng cụ thể ngay từ đầu,
tránh việc đọc tràn lan, không đạt mục đích. Sự định hướng đó được thể hiện qua
một loạt các câu hỏi dành cho học sinh khi nhận nguồn tư liệu.
Ví dụ 1: Cung cấp tư liệu sau, học sinh đọc và thực hiện các yêu cầu bên
dưới
Đề bài: Có ý kiến cho rằng "Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống
theo điều ta có thể".
Hãy chia sẻ suy nghĩ của anh/chị bằng một đoạn văn nghị luận xã hội ngắn
(khoảng 200 từ)
Ngữ liệu tham khảo:
Có ai đó đã từng nói rằng: “Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo
điều ta có thể”. Hiểu một cách bản chất nhất, “ước muốn” là những mong mỏi, yêu
thích của con người về một điều gì đó. Nói cách khác, “ước muốn” là tiền đề cho
những kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của cuộc sống và nó luôn tồn tại ở thì tương
lai. Bên cạnh đó, có một thứ luôn tồn tại ở thì hiện tại, đó là “điều ta có thể” làm
được dựa trên khả năng và trí tuệ của bản thân. Và nếu nằm ở thì tương lai gần thì
“điều ta có thể” luôn gần như nằm trong sự chắc chắn và đảm bảo sẽ xảy ra. Hiểu
một cách chung nhất, câu nói này chính là một lời khuyên cho mỗi người: hãy sống
thực tế, tỉnh táo với khả năng của mình và nhạy bén với thời thế thay vì đắm mình
trong những ước muốn xa vời. Trước hết, nếu bạn là người tỉnh táo, thực tế và hi
vọng một cuộc sống bình yên, êm đềm thì câu nói đúng là một lời khuyên rất hữu

ích. Sống với những “điều ta có thể” tức là bạn đã tự ý thức được giá trị của mình
và đang đi những bước an toàn trong cuộc đời. Đây có lẽ chính là khởi nguồn cho


sự thành công vững chắc và hạnh phúc sau này. Từ đó, giúp bạn khẳng định được
mình, phát huy năng lực và khai thác mọi điều kiện cần và đủ của bản thân, của
môi trường để thành công. Tuy nhiên, trên phương diện khác, sống theo ước muốn
có thể giúp bạn khai thác tới hạn giá trị nội lực của cá nhân mình. Galile, Ampe,
Anhxtanh, Newton công bố những thành tựu khoa học của mình là thuyết Nhật
tâm, thuyết Lượng tử ánh sáng, thuyết Tương đối hay định luật Vạn vật hấp dẫn.
Trước đó thì mọi người liệu ai có thể nói rằng đây là những điều có thể? Ở một lĩnh
vực khác, nếu không bằng ước muốn và đam mê thì liệu giờ nhân loại có được
những kiệt tác ghi danh của Van Gogh? Rõ ràng là cả trước, trong và sau khi vẽ
tranh, Van Gogh đã không làm cái điều mà mình “có thể” là từ bỏ vẽ tranh và kiếm
việc khác nuôi sống bản thân. Khi ông còn sống, chỉ duy nhất một bức tranh của
ông bán được. Ai sống ở thời ấy cũng bảo ông mù quáng và phi thực tế, còn thời
nay người ta nói gì? Chắc bạn đã rõ! Khi sống với ước muốn cũng là khi người ta
xây dựng cho mình một điểm tựa vững chắc để vươn tới những chân trời mới. Chỉ
khi ấy người ta mới đủ can đảm đối mặt với khó khăn và theo đuổi đam mê. Nếu
không nhờ mong muốn “điên loạn”, “dở hơi” của Mark Zuckerberg, Steve Jobs
thì có lẽ giờ người ta sẽ thấy những cậu sinh viên ngoan của Harvard thay vì những
anh hùng trong giới công nghệ với Facebook, Apple… Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở
đây là phải sống ra sao với ước muốn ấy. Theo tôi, phải luôn tỉnh táo và thực tế dù
cho đó là ước muốn đi nữa, bởi bạn không thể đặt ra một loạt những ước muốn và
ngồi viển vông, mơ mộng chứ không hề hành động. Thế thì hãy sống để làm những
điều bình thường, có thể sẽ có ích hơn. Và đây cũng là điều tôi muốn nói: Phải biết
phân biệt giữa ước muốn đẹp đẽ cao cả và mơ mộng tầm thường, giả tạo. Bởi khi
đã chọn đi theo ước muốn của mình, tức là bạn đã chọn đi con đường đầy gai nhọn
trước khi đến được với hoa hồng rồi đấy. Hãy tỉnh táo và thực tế cho dù là sống
theo “ước muốn” hay “những điều có thể”.

Câu hỏi học sinh cần làm rõ sau khi đọc bài viết gồm:
1. Vấn đề cần làm rõ trong đoạn văn là gì?
2. Phần giải thích nằm trọng tâm ở vị trí nào trongđoạn văn?
3. Người viết đã chọn những từ nào để giải thích?
4. Phần giải thích có sáng rõ, thuyết phục không? Điều đó được tạo nên từ
yếu tố nào?
2.3.2. Rèn kĩ năng giải thích cho đề văn nghị luận xã hội trong kì thi THPT
Quốc Gia


Sau khi đã định hình về lí thuyết (khái niệm, mục đích, yêu cầu…) và được
tham khảo tư liệu tốt, học sinh cần bắt tay vào thực hành rèn kỹ năng giải thích cho
đề văn nghị luận xã hội.
Đây là bước rất quan trọng, có vai trò quyết định. Bởi vì nếu chỉ dừng lại ở ý
niệm và ý tưởng (như bước 1) thì học sinh mới chỉ phát triển chút ít về tư duy còn
trong thực tế, vẫn chưa có thành tựu gì, và tất nhiên bài văn nghị luận vẫn chưa
được thành công. Vì vậy, đây chính là khâu trọng yếu cần sự dụng tâm và dụng
công của cả thầy và trò. Thầy cần chọn được những đề bài vừa sức, sát đối tượng
và lôi cuốn; trò cần nỗ lực, kiên tâm. Đặc biệt, thầy và trò phải kết hợp một cách ăn
ý, có sự động viên và tin tưởng lẫn nhau, tạo được hứng thú cho nhau thì mục đích
của rèn kỹ năng giải thích trong đoạn văn nghị luận xã hội mới hoàn thành.
Khi đã chọn ra đề bài để thực hành, người thầy cần hướng dẫn và yêu cầu
học trò những nội dung cụ thể, tránh lan man sang các thao tác khác, mất kỹ năng
trọng tâm.
Trong thực tế, chúng tôi thường yêu cầu học sinh tiến hành tuần tự như sau:
Bước 1: Tích lũy vốn từ để giải thích các khái niệm, thuật ngữ, từ khóa
trong đề văn nghị luận xã hội:
Trong các bước rèn kĩ năng giải thích, để có khả năng xử lý tốt việc giải
thích các thuật ngữ, khái niệm, từ khóa trong đề văn nghị luận, học sinh cần phải có
một quá trình tích lũy vốn từ. Việc tích lũy này sẽ là cơ sở để học sinh có khả năng

phát hiện ra những điểm cần giải thích cũng như biết cắt nghĩa các từ ngữ quan
trọng. Từ đó, học sinh mới có thể xác định trúng vấn đề cần nghị luận – luận đề của
bài văn nghị luận. Để có thể tích lũy vốn từ, học sinh có thể thực hiện các yêu cầu
sau:
- Rèn thói quen đọc nhiều, học hỏi từ các sách nghiên cứu về văn hóa, văn
học, mĩ học, triết học, sử học…
- Tích lũy các nội dung định nghĩa từ những cuốn từ điển đáng tin cậy
- Rèn thói quen ghi chép các cách dùng từ hay, đắc địa, độc đáo của các nhà
nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ…
- Tham khảo các đoạn văn, bài văn nghị luận xã hội mẫu mực
Với kiến thức phong phú tích lũy được, các em sẽ có cái nhìn đa chiều, toàn
diện, sâu sắc hơn về những vấn đề cần cắt nghĩa, lí giải.


Ví dụ 1: “Thấy người thống khổ khóc than mà bạn có thể làm cho họ khô
nước mắt thì đừng để cho mặt trời có đủ thời gian làm khô nước mắt của họ”.
Để giải thích ý kiến nêu trên, học sinh không chỉ cần huy động các vốn từ đã
tích lũy được trong từ điển mà còn cần huy động vốn từ thuộc chuyên ngành địa lí,
vật lí…Trên cơ sở đó mà khái quát lên ý nghĩa của cả câu.
Trên cơ sở đã nêu, chúng tôi sẽ tiến hành cho học sinh huy động vốn từ để
thực hành giải thích từ khóa thông qua các bước sau:
a. Phát hiện từ khóa:
Luận đề thường được ẩn trong các từ ngữ then chốt, các hình ảnh biểu tượng.
Vì thế, điều đầu tiên cần làm trong khi rèn kỹ năng giải thích chính là phát hiện
chính xác những điểm cần làm rõ trong đề bài. Xác định sai hoặc cắt nghĩa sai đều
có thể khiến cả bài nghị luận thất bại.
Để tìm đúng những từ khóa, học sinh cần đọc thật kĩ đề. Có trường hợp phải
đọc đi đọc lại nhiều lần, cân nhắc thật kĩ mới không sai lệch. Đây là thao tác nhiều
học sinh cho rằng đơn giản nên hay làm sơ sài, qua quýt; thậm chí có những bạn đã
rèn để luôn phát hiện chính xác ngay khi tiếp cận đề bài, nhưng rồi chủ quan vẫn có

thể nhầm lẫn. Vì thế, học sinh cần thật sự để tâm và tập trung khi đọc, tránh chủ
quan.
Tuy nhiên tập trung và thận trọng không có nghĩa là học sinh cẩn thận quá
mức, chọn cả những từ thừa dẫn đến phần giải thích dài dòng, lan man, không trúng
vấn đề. Ngoài ra còn bị mất thời gian quý giá cho khâu phát hiện từ khóa này.
Để đảm bảo những yêu cầu trên, chỉ có một cách là rèn luyện thật nhiều, cả ở
nhà và trên lớp. Chúng tôi thường khống chế thời gian từ 1-2 phút cho 1 đề bài. Cứ
1 ngày, học sinh làm việc với 5 đề bài. Chỉ 1 thời gian ngắn sẽ nhanh chóng tiến bộ.
Ví dụ 2: Trong đề bài sau
“Cái không đáng khóc bây giờ, ta sẽ khóc mai sau”
(Chế Lan Viên)
“Rồi có thể sau mười năm ra đi
Ta lại khóc cho những điều ngày hôm nay chưa biết”
(Chu Minh Khôi)
Suy nghĩ của anh/chị từ thông điệp gửi gắm trong những câu thơ trên!


Học sinh cần phát hiện đúng những từ cần giải thích. Những từ đó bao gồm
"khóc", "bây giờ", "mai sau", "không đáng khóc bây giờ".
Ví dụ 3: Trong đề bài sau
“Không có cạnh tranh thì không phát triển, nhưng không nhường nhịn thì
không ra con người”
Anh chị có đồng tình với quan điểm được đề cập trong ý kiến trên không?
Để tìm ý, sắp xếp ý, học sinh cần chú ý bám sát các từ khóa để giải thích:“cạnh
tranh”; “nhường nhịn”
Ví dụ 4: Trong đề bài sau
“ Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”
Suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
Học sinh cần giải thích các từ: Bàn tay, hoa hồng, hương thơm
Sau khi đã rèn tốt khâu phát hiện từ khóa, học sinh sẽ chọn hướng giải thích.

Đây là bước tiếp theo định hướng để tìm đúng luận đề.
b. Giải thích từ khóa và rút ra luận đề:
Một từ đôi khi có nhiều lớp nghĩa nên khi đã chọn được từ khóa rồi cũng
không hề đơn giản. Cần phải giải mã chính xác ý nghĩa của từ đó trong đề bài mới
có thể đi tới luận đề.
Nhiều khi học sinh suy nghĩ không thấu đáo nên đã cắt nghĩa lệch hướng, dù
nghĩa được chỉ ra vẫn nằm trong vùng nghĩa của từ, nhưng đó không phải là nghĩa
đích đáng mà đề bài muốn đề cập. Muốn hạn chế sai lệch ở khâu này cần nắm được
đề tài chung mà đề đang đề cập. Đó chính là ánh sáng bao trùm lên mọi từ ngữ
được sử dụng trong đề bài, cũng là ánh sáng dẫn đường khi chọn hướng giải thích.
Khi đã xác định được ý nghĩa chính của từ khóa trong đề bài, luận đề sẽ trở
nên rõ ràng hơn. Bên cạnh đó cũng tránh được sự rườm rà, dài dòng trong lối viết.
Trong tư duy, khâu này diễn ra gần như đồng thời với khâu phát hiện ra từ
khóa. Bởi vì phát hiện từ khóa chính là sự lóe sáng của tư duy khi nhận ra ý nghĩa
mà từ đó chuyên chở. Khoanh chính xác lớp nghĩa đang lấp lánh trong vùng nghĩa
của từ cũng chính là khẳng định được vị trí của từ đó trong đề bài. Tuy nhiên đó là
những gì diễn ra trong tư duy, còn trong thực tế thì học sinh cần tiến hành tuần tự:
phát hiện từ khóa trước rồi mới phát hiện ý nghĩa và xác định luận đề


Khi luyện tập trên lớp, học sinh chỉ cần gạch chân từ khóa như một cách định
vị. Gạch ở ngay trong đề hay viết ra trên giấy nháp tùy theo thói quen. Còn giải mã
từ thì nên viết ra giấy nháp, bởi vì khi những nét chữ hiển hiện trên giấy có thể
khiến cho học sinh nhìn nhận lại, cân nhắc một lần nữa trước khi quyết định. Cuối
cùng là diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng luận đề.
Thời lượng cho khâu này cũng chỉ gói gọn trong 1-2 phút, vì vậy học sinh
cần thực hiện nhanh. Muốn vừa nhanh, vừa chính xác, việc cần làm vẫn là nỗ lực
làm bài tập. Giáo viên có thể giao cho học sinh bài tập hàng ngày và sát sao chữa
tay đôi để học sinh kịp thời sửa. Nếu để học sinh tự làm rồi không có hiệu quả dễ
khiến các em nản.

Trước khi giao bài tập, cần có các ví dụ cụ thể cho học sinh.
Ví dụ 5: Với đề bài ở ví dụ 2, có thể cắt nghĩa từ theo hướng sau:
“Khóc”: nuối tiếc, ân hận
“Ngày hôm nay”: thời gian hiện tại
“Mai sau”, “sau mười năm”: thời gian tương lai
“Ta”: trong câu thơ là chỉ cá nhân song có thể hiểu rộng với nghĩa con
người nói chung.
Cả hai câu thơ đã tập trung thể hiện một thông điệp: Hãy sống hết mình,
sống trọn vẹn cho hiện tại để mai sau không phải hối tiếc.
Ví dụ 6: Với đề bài trong ví dụ 3, có thể cắt nghĩa từ quan trọng như sau:
“cạnh tranh”: là sự ganh đua, hành động làm hết mình để đạt mục tiêu lợi
ích. Cạnh tranh kích thích sự phát triển; “nhường nhịn”: là sự hi sinh lợi ích của
mình cho người khác, một biểu hiện đẹp của phẩm chất làm người.
Câu nói đem tới suy ngẫm sâu sắc về cách sống làm người: làm người
trong tất cả mọi việc phải giữ được đạo lí, đạo đức.
Ví dụ 7: Với đề bài trong ví dụ 4, có thể cắt nghĩa từ quan trọng như sau:
“Bàn tay”: hình ảnh hoán dụ, chỉ người “ có hoa hồng”, người có lòng nhân
ái, biết vì người khác.
“hoa hồng” : hình ảnh ẩn dụ, biểu trưng cho tình yêu thương chân thành, vẻ
đẹp của sự giúp đỡ.
“tặng”: thái độ tự nguyện, vui vẻ


Ý nghĩa câu : câu nói đề cập đến một thái độ sống đẹp của con người trong
cuộc sống: cách sống biết cho đi, biết cho đi sự yêu thương là ta đang làm đẹp cho
tâm hồn mình và cho cuộc sống. Biết cho thì sẽ được nhận.
Bước 2: Thực hành viết đoạn
Sau khi xác định được vấn đề nghị luận, cần bắt tay vào viết hoàn chỉnh phần
giải thích. Yêu cầu ở phần này là diễn đạt trong sáng, rõ ràng, cô đọng. Cả đoạn
giải thích cần có bố cục hợp lí, lối viết hấp dẫn, lôi cuốn thể hiện được sự sắc sảo

trong tư duy và bản lĩnh của người viết.
Một điều cần lưu ý là khâu này tưởng như đơn giản nhưng cũng là một thử
thách với học sinh, do đó cần thận trọng lựa chọn từ ngữ, đặt câu để đoạn giải thích
có sức thuyết phục.
Thời lượng cho phần này tầm 10-15 phút nhưng dung lượng phải đảm bảo.
Học sinh có thể viết nhanh là vì ý tưởng đã rõ ràng, tư duy đã được khai mở thì có
thể thăng hoa thành những từ ngữ lấp lánh. Ban đầu học sinh có thể viết chậm, diễn
đạt chưa tốt nhưng sau một thời gian luyện tập sẽ thực sự hiệu quả.
Điều quan trọng ở phần này là cần tạo được hứng thú cho học sinh, vì lặp đi
lặp lại một thao tác dễ mất hứng thú. Vì vậy, bên cạnh việc chọn được nhiều dạng
đề phong phú, hấp dẫn, người thầy còn phải sát sao và tạo được sự lôi cuốn, khiến
cho học sinh nhận thấy được sự tiến bộ rõ rệt của mình.
Chúng tôi đã cho học sinh luyện thao tác này qua các bài tập, xin trích đề bài
và phần làm việc của học sinh.
Bài tập 1: Viết phần giải thích cho đề bài sau:
Anatole France cho rằng: "Để làm được những điều vĩ đại, không những
phải hành động mà còn phải ước mơ, không những phải lập kế hoạch mà còn phải
tin tưởng"
Suy nghĩ của anh/chị về quan niệm trên.
Học sinh đã viết đoạn như sau.
"Nhắc tới hai tiếng vĩ đại, ta liên tưởng ngay đến những điều thật lớn lao và
khó có thể thực hiện được. Anatole France đã chỉ ra những yếu tố song hành cùng
nhau trên con đường hiện thực hóa “điều vĩ đại”: “hành động” và “ước mơ”, “lên
kế hoạch” và “tin tưởng”. Nhưng các cặp phạm trù này lại được đặt trong mối quan
hệ không cân bằng, mà có xu hướng tăng cấp (“không chỉ” – “mà còn”) để nhấn
mạnh hơn “mơ ước”, “tin tưởng” – đều thuộc về tinh thần con người. Nhà văn


Pháp đã cho chúng ta thức nhận đúng đắn hơn về tầm quan trọng của “ước mơ” và
sự “tin tưởng” – những nhân tố tinh thần so với “hành động”, “kế hoạch” – nhân tố

vật chất, “để làm được những điều vĩ đại”. Mỗi hành động nhỏ của con người đều
xuất phát từ một mục đích nhất định. Như vậy, hành trình đi tới những thành công
vĩ đại, trước hết cũng phải xuất phát từ một mục đích lớn lao. Nói cách khác, ước
mơ chính là yếu tố căn cốt, là cội rễ của hành động cụ thể. Một chuỗi các hành
động được sắp xếp theo trật tự để đi tới thành công lại cần có niềm tin lâu dài bên
cạnh mơ ước. Chính ước mơ là sinh khí cho hành động, niềm tin là động lực thúc
đẩy và đảm bảo một quá trình (kế hoạch) diễn ra liền mạch và đi tới đích".
(Bài làm của học sinh)
Bài tập 2: Viết phần giải thích cho đề bài sau
Chế Lan Viên từng dặn con gái:
"Ta cúi xuống đất
Hí hửng nhặt từng cái kim rơi vụn vặt
Mà để lồng lộng trên cao
Những mùa trái mùa chim bay mất
Những mùa yêu, mùa hạnh phúc bay vèo"
(Tu hú có cần đâu)
Cô gái trẻ Thụy Thảo lại bừng tỉnh: "Ta mong với trời cao và biển rộng, mà
quên rằng hoa từ đất mà ra" (Với tuổi)
Suy nghĩ của anh/chị về thông điệp được gợi ra từ những quan niệm trên.
Học sinh đã viết đoạn như sau:
"Những câu thơ của Chế Lan Viên và Thụy Thảo gợi lên trong tôi hình dung
về hai đối ảnh. Đây là một người đang cúi xuống thật thấp, rạng rỡ, hân hoan với
những sự vật, những niềm vui bé mọn như “kim rơi vụn vặt” mà bỏ quên trên lưng
là bầu trời với biết bao điều đẹp đẽ, lớn lao - “mùa trái”, “mùa chim”, “mùa yêu”,
“mùa hạnh phúc” đang trôi đi vội vã như “bay vèo” . Còn kia lại là một con người
trong tư thế đối nghịch: dang rộng tâm hồn như muốn chạm tới tận cùng của “trời
xanh, biển rộng”, người ấy phóng tầm mắt lên thinh không mà chẳng mảy may để ý
rằng, dưới chân họ, một bông hoa nhỏ bé đang hé nở. Bằng việc sử dụng khéo léo
những hình ảnh mang tính chất tượng trưng, cả hai nhà thơ đã cho ta cảm nhận rõ
nét về sự đối nghịch mạnh mẽ giữa hai quan niệm sống: hoặc quá chú trọng tới tiểu



tiết, hoặc quá mơ mộng viển vông. Nói cách khác, đây cũng chính là mối quan hệ
tưởng như đối lập nhưng thực chất là bao chứa, chi phối lẫn nhau của những điều
nhỏ bé và những điều lớn lao trong cuộc sống." Cả hai điều nàyđều có ở trong
nhau. Vì thế, hãy biết sống dung hòa, đừng vì điều còn lại mà lãng quên mất điều
kia.
(Bài làm của học sinh)
Bài tập 3: Viết phần giải thích cho đề bài sau
“ Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm”
Suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên.
“ Cho” và “ nhận” – đó là quy luật muôn đời của cuộc sống, là sợi dây gắn
kết yêu thương giữa con người với con người trong xã hội. Hạnh phúc biết bao khi
được nhận tình yêu thương giữa con người với nhau. Chúng ta tìm thấy ý nghĩa đó
trong câu nói giản dị:“ Bàn tay tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương
thơm”.“ Bàn tay” chính là một hình ảnh hoán dụ chỉ người có “hoa hồng”, người có
lòng nhân ái biết sống vì người khác, “ hoa hồng” là hình ảnh ẩn dụ, biểu trưng cho
tình yêu thương chân thành, vẻ đẹp của sự giúp đỡ. Tình yêu thương càng đẹp hơn,
đáng trân trọng hơn khi xuất phát từ sự tự nguyện , vui vẻ. Câu nói đưa chúng ta
đến một triết lí nhân sinh, một quan niệm sống đúng đắn : mỗi con người khi cho đi
dù là chỉ một nụ cười, một lời yêu thương một cách chân thành, vui vẻ là chúng ta
đang làm đẹp cho tâm hồn mình và cho cuộc sống. Biết cho thì sẽ được nhận.
(Bài làm của học sinh)
Bước 3: Thực hành sửa lỗi:
Sau khi đã viết trọn vẹn phần giải thích, còn một bước cuối cùng vô cùng
quan trọng, đó là cần đọc lại và sửa những gì đã viết để bổ sung, hoàn thiện hơn.
Trong thực tế, khi làm bài kiểm tra hoặc bài thi, học sinh không có điều kiện
để sửa lại, bổ sung, lược bớt những gì đã viết. Điều đó dễ khiến cho tư duy đứt
đoạn, trình bày không sạch đẹp. Tuy nhiên, trong bước đầu rèn kỹ năng giải thích
cho học sinh, cần có bước này để học sinh có ý thức hướng tới sự hoàn thiện.

Sau khi đã viết xong, có những khi học sinh đã nhận ra ngay sự thiếu hụt
hoặc nhầm lẫn của bản thân. Do đó việc đọc lại và sửa, thậm chí viết lại có thể diễn
ra khá dễ dàng. Bổ sung hoặc viết lại xong, đọc lại và đối chiếu giữa đoạn ban đầu
và đoạn đã sửa, đôi khi đó là một khoảng cách khá xa. Khoảng cách ấy cũng là sự
"lên tay" của người viết, và khiến cho người viết ý thức sâu sắc về yêu cầu của
phần giải thích, ý thức nhắc nhở bản thân cần rút kinh nghiệm.


Song song với thao tác sửa chữa, bổ sung hoàn thiện bản đã viết, học sinh có
thể tự chấm điểm cho mình trên cơ sở thang điểm giáo viên cung cấp. Điều đó kích
thích sự nỗ lực của học sinh để đạt kết quả tốt hơn.
Tuy nhiên, theo quan niệm của người xưa - "văn mình vợ người" - nên nhiều
khi việc tự sửa, tự chấm cũng gặp một vài khó khăn. Để khắc phục khó khăn này,
có thể đổi bài để học sinh sửa và chấm cho nhau. Như vậy, vừa đảm bảo sự khách
quan, vừa để học sinh học tập lẫn nhau, xem bạn để sửa mình.
Ban đầu, giáo viên có thể để học sinh tự sửa theo ý tưởng riêng, sau đó sẽ
xây dựng một đáp án và thang điểm chung để làm căn cứ. Sở dĩ trải qua hai bước
như vậy là để cho học sinh hiểu rõ những gì cần làm được trong phần giải thích, đo
mức độ đáp ứng của mình và nỗ lực hơn.
Trong thực tế giảng dạy, khi tiến hành bước này trên lớp, học sinh hoạt động
rất sôi nổi và hứng thú. Đó cũng là bước tích lũy cho học sinh nhiều kinh nghiệm
trong rèn kỹ năng giải thích.
Dưới đây là một số bài tập học sinh đã làm, đã viết và đã sửa.
Bài tập 1: Viết đoạn giải thích cho đề bài sau:
Trong tập thơ “Những con chim bay lạc”, nhà thơ Ta – go viết:
“Những con chim mùa hè bay lạc
đến cửa sổ tôi
để hót lên rồi lại bay đi
Còn những chiếc lá thu vàng
không lời ca tiếng hát

chỉ run rẩy thở dài rơi xuống”
Anh (chị) suy nghĩ gì về thông điệp nêu trên?
Phần viết ban đầu của học sinh:
"Hãy hình dung, nhà thơ đang đứng bên cửa sổ vào một ngày trời thu mát
mẻ. Bỗng dưng lại thấy một chú chim mùa hè bay lạc vào đây, đậu bên cửa sổ, hót
vang một tiếng rồi lại bay đi. Dù chỉ là một tiếng hót trong vài giây ngắn ngủi thôi
nhưng nó đã mang đến cho nhà thơ một niềm vui lớn, một hạnh phúc lớn giữa mùa
thu buồn.
“Những con chim mùa hè bay lạc


đến cửa sổ tôi
để hót lên rồi lại bay đi”
Đó là niềm vui thầm kín trong lòng nhà thơ, niểm vui được lan truyền từ
cái vui trong tiếng hót thoáng qua của một loài động vật “trái mùa”. Ấy là tinh thần
sống lạc quan luôn vui vẻ, sôi nổi, luôn làm đẹp cho đời. Còn những chiếc lá thu
vàng, tuy ở ngay trước mặt nhà thơ nhưng im lặng, không lời ca tiếng hát, lại “run
rẩy thở dài” yếu ớt. Chiếc lá thu vàng tuy tồn tại trước mặt con người nhiều hơn
nhưng chỉ khiến người ta nghĩ đến chết chóc, buồn thương, không có nghị lực.
Đoạn thơ là một nhận thức đúng đắn về lẽ sống: con chim, chiếc lá cũng biểu trưng
cho loài người chúng ta. Ta sống ngắn hay sống dài, điều đó không quan trọng.
Quan trọng hơn cả là cách sống của chúng ta – sống bằng cả niềm nhiệt huyết và
tình yêu cuộc sống, là ta đã mang lại cho cuộc sống những gì, làm đẹp cho nó như
thế nào"
Học sinh tự chấm đã chỉ ra được những lỗi sau: lỗi diễn đạt trong từ "cái
vui", lặp ý và lặp từ trong hai cụm "tuy ở ngay trước mặt nhà thơ" và "tuy tồn tại
trước mặt con người" trong hai câu sát nhau.
Bài tập 2: Viết đoạn giải thích cho đề bài sau:
“ Biết lắng nghe - điều kì diệu của cuộc sống”
Quan điểm của anh/ chị?

Phần viết ban đầu của học sinh:
“Lắng nghe”- điều đó có gì khác với “nghe” ? Cùng là sự tiếp nhận âm
thanh nhưng nếu “nghe” là sự tiếp nhận âm thanh bằng thính giác thì “lắng nghe”
là sự tiếp nhận những vang vọng từ con người, từ cuộc đời một cách chủ động, là
nghe nhưng nghe bằng cả tâm hồn để cùng thiết tha rung cảm với những âm thanh
ấy. “Biết lắng nghe” – điều đó sẽ làm nên điều kì diệu , giúp cho bản thân mỗi
người ngày càng hoàn thiện.
Học sinh tự chấm đã chỉ ra được lỗi sau: thiếu khái quát rút ra vấn đề nghị
luận.
Một số điều cần chú ý
Mặc dù thao tác giải thích trong đoạn văn nghị luận có những yêu cầu, cách
triển khai và mục đích chung. Nhưng trong quá trình rèn kỹ năng giải thích, cần tùy
từng dạng bài, từng đối tượng để áp dụng linh hoạt. Có thể đẩy bước này lên trước,
chuyển bước kia xuống dưới cho sát với đối tượng học sinh. Thậm chí, có thể rút


ngắn một số bước hoặc việc tham khảo tư liệu có thể để cho học sinh tự làm việc ở
nhà. Chỉ khi vận dụng linh hoạt mới có thể đạt hiệu quả cao.
2.4. Kết quả thực nghiệm:
Trong hai năm học 2017 - 2016 và 2016 - 2017, tôi đã tích cực áp dụng
những biện pháp trên vào việc rèn luyện kĩ năng viết phần giải thích cho đề văn
nghị luận xã hội và phục vụ kiểm tra đánh giá cho học sinh lớp 11b1; 11b2; 12c1;
12c3 và đã thu được kết quả khả quan sau:
- 100% học sinh hứng thú và tích cực, say mê rèn luyện kĩ năng viết phần
giải thích cho dạng đề nghị luận xã hội. Đa số học sinh thành thạo kĩ năng viết phần
giải thích cho dạng đề nghị luận xã hội.
- Đa số học sinh thực hiện tốt kĩ năng viết phần giải thích cho dạng đề nghị
luận xã hội, nhiều em đạt điểm cao ở câu nghị luận xã hội trong các bài kiểm tra,
bài thi. Điểm số bài viết của học sinh vì thế tăng lên đáng kể. Ở bài kiểm tra học kì
II, học sinh lớp 11b1; 11b2; 12c1; 12c3 do tôi giảng dạy môn Ngữ Văn có 40%

bài làm của học sinh làm bài đạt điểm khá giỏi. Trong đó 5% bài thi đạt loại giỏi.
Có trên 40% học sinh đạt điểm tổng kết ở loại khá giỏi môn Ngữ Văn.
- Có 1 học sinh đạt giải 3 trong kì thi học sinh giỏi cấp Tỉnh.
Những thành tích đạt được có thể chưa như mong muốn, nhưng đó là kết
quả của nỗ lực cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân, trong đó có
một phần sự đầu tư cho việc rèn luyện kĩ năng viết phần giải thích cho dạng đề nghị
luận xã hội
3. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận:
Thực hiện đổi mới dạy học nói chung, đổi mới kiểm tra đánh giá nói riêng và
việc đổi mới kiểm tra đánh giá gắn với đổi mới dạy học môn Ngữ Văn trong nhà
trường phổ thông đã có những kết quả đáng ghi nhận bước đầu. Trong đó, việc
đánh giá kiểm tra bằng hình thức viết đoạn văn nghị luận xã hội có sự đóng góp
không nhỏ. Quan tâm rèn luyện kĩ năng giải thích cho dạng đề văn này bởi vậy là
việc cần thiết.
Rèn luyện kĩ năng làm văn cho học sinh là một phần không thể thiếu của bộ
môn Ngữ văn ở trường THPT. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng và khó khăn
của giáo viên. Tùy thuộc vào từng kiểu bài, từng đối tượng học sinh, giáo viên cần
có mục tiêu, phương pháp và mức độ kiến thức phù hợp. Chuyên đề này của chúng
tôi đóng góp một hướng đi trong việc rèn luyện kĩ năng viết phần giải thích trong
đề văn nghị luận xã hội. Trên cơ sở lí thuyết về văn nghị luận, văn nghị luận xã hội,
chúng tôi xây dựng các bước rèn luyện kĩ năng từ nhận diện vấn đề nghị luận, tìm


ý, sắp xếp ý, kĩ năng viết đoạn v.v. Sáng kiến kinh nghiệm này đã có sự cụ thể hóa
lí thuyết trong các dạng bài tập thực hành ở dạng đề nghị luận xã hội.
2. Kiến nghị - đề xuất:
Trên cơ sở rèn luyện kĩ năng giải thích cho đề văn nghị luận xã hội trong kì
thi THPT Quốc Gia, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị sau:
Các thao tác lập luận trong bài văn nghị luận không riêng rẽ, tách rời mà

lồng ghép, trong giải thích có bàn luận, trong bàn luận có chứng minh, phân tích.
Bởi vậy trong quá trình hướng dẫn học sinh kĩ năng viết bài, giáo viên cần sáng tạo,
linh hoạt.
Việc rèn kĩ năng làm văn là khâu quan trọng của quá trình dạy học, cần kết
hợp thường xuyên hoạt động này với ra đề, kiểm tra, đánh giá.
Trước mỗi đề bài có nhiều hướng giải quyết khác nhau, cần khuyến khích,
trân trọng những sáng tạo của học sinh khi giải quyết vấn đề nghị luận, tránh áp đặt
một chiều máy móc.
Các nhà trường cũng như Sở GD và ĐT cần tổ chức tập huấn, trao đổi
phương pháp, kĩ năng cho giáo viên. Trên những trang web chính thức của trường,
của Sở, cần liên tục cập nhật, giới thiệu những kiến thức dạy học kĩ năng làm văn
sát với yêu cầu mới của cấu trúc đề thi THPT Quốc gia để giáo viên học hỏi và điều
chỉnh phù hợp.


XÁC NHẬN CỦA
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hoá, ngày 30 tháng 5 năm 2017
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của tôi viết, không
sao chép nội dung của người khác.
Người viết

Trần Thị Thanh

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Để làm tốt các kiểu bài văn nghị luận phổ thông trung học - NXB Giáo dục, 1994.
2. Làm văn nghị luận như thế nào? - NXB Giáo dục, 1988

3. Ngữ Văn 10, 11,12 – NXB Giáo dục, 2012
4. Hướng dẫn ôn tập và làm bài thi môn văn nghị luận xã hội. Nguyễn Tấn Huy, NXB Đại
học Sư phạm.
5. Rèn kĩ năng làm văn nghị luận. Bảo Quyến. NXB Giáo dục, 2001.
6. Chuyên đề văn nghị luận xã hội. Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Thị Quỳnh Nga.
NXB Đại học Sư phạm, 2012.
7. Bài tập rèn luyện kĩ năng dựng đoạn văn. Nguyễn Quang Ninh. NXB Giáo dục,
1998.
8. Từ điển thuật ngữ văn học - (Theo Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi
- NXB Đại học quốc gia, 4- 1999).


MỤC LỤC
NỘI DUNG

TRANG

1. PHẦN MỞ ĐẦU

1

1.1. Lý do chọn đề tài

1

1.2. Mục đích nghiên cứu

1

1.3 Đối tượng nghiên cứu


1

1.4. Phương pháp nghiên cứu

1

1.5. Điểm mới của đề tài nghiên cứu

2

2. PHẦN NỘI DUNG

2

2.1. Cơ sở lí luận:

2

2.2.1. Văn nghị luận

2

2.1.2. Thao tác lập luận giải thích

2

2.1.3. Rèn kĩ năng viết phần giải thích trong đề văn nghị luận xã hội

3


2.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm

3

2.2.1. Thực tế giảng daỵ và chấm thi

3

2.22. Một số kĩ năng học sinh đã được trang bị

3

2.3. Kinh nghiệm và giải pháp rèn luyện kĩ năng viết phần giải thích
cho dạng đề nghị luận xã hội trong bài thi THPT Quốc Gia

4

2.3.1. Nâng cao nhận thức cho học sinh về tầm quan trọng của thao tác
lập luận giải thích trong đoạn văn nghị luận qua việc tham khảo ngữ
liệu:

4

2.3.2. Rèn kĩ năng giải thích cho đề văn nghị luận xã hội trong kì thi
THPT Quốc gia

6

2.4. Kết quả thực nghiệm:


16

3. PHẦN KẾT LUẬN

16




×