Luân lí Kitô Giáo đóng vai trò nào trong đời sống người kitô hữu và có những
nét đặc thù nào so với các nền luân lí khác?
Có thể có xung đột giữa luật lệ (quyền bính) và lương tâm không; nếu có, phải
giải quyết thế nào? Phân biệt các mức độ hướng dẫn và ràng buộc của lương
tâm.
Thế nào là ý thức đúng đắn về tội? Những khám phá mới của các khoa Thánh Kinh, thần
học, nhân văn và xã hội… có thể đóng góp gì vào quan niệm về tội? Làm sao phân biệt
tội nặng và tội nhẹ theo quan điểm thần học luân lí hiện nay?
Làm sao phân biệt và giúp người kitô hữu phân biệt những biểu hiện đúng đắn của sự thờ
phượng với những biểu hiện ‘mê tín’? Có những hình thức ‘mê tín’ nào đang dần dần phổ
biến hiện nay? (đạo đức học tôn giáo hay giới răn 1,2 và 3)
Đâu là ranh giới giữa sự phản kháng cần thiết đối với chính quyền và sự phản kháng bất
hợp lí? (đạo đức học chính trị hay giới răn 4)
Đâu là những nguyên tắc lớn của luân lí Kitô Giáo liên quan đến vấn đề sự sống và sức
khoẻ con người? (đạo đức sinh học hay giới răn 5)
Quan điểm tình yêu – đức ái của luân lí Kitô Giáo có thể giúp gì cho đời sống tình cảm
và tính dục của con người hôm nay? (đạo đức học tính dục và hôn nhân hay giới răn 6 và
9)
Làm sao tiếp cận hai vấn đề lớn trong đời sống hôn nhân và gia đình hiện nay: vấn đề
chung thủy và vấn đề sinh sản? (đạo đức tính dục và hôn nhân hay giới răn 6 và 9)
Quan điểm của luân lí Kitô Giáo về lao động và sở hữu đóng góp gì cho các quan hệ kinh
tế xã hội giữa con người hiện nay? (đạo đức học kinh tế hay giới răn 7 và 10)
Thế nào là chân lí theo quan điểm luân lí Kitô Giáo và bổn phận phản ảnh chân lí của các
phương tiện truyền thông xã hội hôm nay? (đạo đức học truyền thông hay giới răn 8)
Mười đề tài luân lý Ki-tô Giáo
Đề tài một : Luân lí Kitô Giáo đóng vai trò nào trong đời sống người kitô hữu và có
những nét đặc thù nào so với các nền luân lí khác?
Nhập đề:
Từ những ghi nhận về tình trạng luân lí suy đồi tại Việt Nam nói chung và trong Giáo Hội
Công Giáo Việt Nam nói riêng (suy đồi trong giáo dục và kinh doanh, y tế và sự sống,
tính dục và hôn nhân, quyền hành và chính trị…), chúng ta thử đi tìm nguyên nhân.
Không kể những nguyên nhân từ những ảnh hưởng của văn hoá và văn minh thời mới,
phải kể đến tình trạng nhận thức sai lầm hay ít ra, chưa đầy đủ, về vai trò của luân lí và
luân lí Kitô Giáo trong đời sống con người.
Khai triển:
1. Trong giáo huấn của Đức Giêsu và Hội Thánh Kitô Giáo sơ khai, chúng ta đã thấy vai
trò hết sức quan trọng của luân lí trong đời sống cá nhân và tập thể kitô hữu
Theo giáo huấn của Đức Giêsu
- Ngay từ bài giảng đầu tiên hay đúng hơn, từ lần lên tiếng đầu tiên của mình, Đức
Giêsu đã chú ý tới hành động trong tương quan với Chúa và với con người : “Hãy ăn năn
sám hối và tin vào Tin Mừng (= một hành động luân lí với Chúa và với con người), vì
Nước Trời đã gần đến” (Mc 1,14-15).
- Kể từ đó, bất cứ tuyên bố nào của Ngài nhân dịp này hay nhân dịp khác đều kết thúc
bằng lời yêu cầu đương sự phải làm việc tốt này hoặc việc tốt nọ (luân lí). Các phép lạ
của Ngài cũng nhằm đưa đương sự tới chỗ tin vào Ngài và từ đó, hành động phù hợp với
lòng tin ấy (luân lí).
- Thậm chí, đối phương đố kị và âm mưu hãm hại Ngài không phải vì nghe những lời
tuyên bố chói tai của Ngài, mà vì dự đoán những hậu quả thực tiễn mà những lời tuyên
bố ấy có thể đưa tới (luân lí).
- Nói cách khác, không như nhiều nhà thần học Cải Cách kết luận vội vàng, giáo huấn
của Đức Giêsu không chỉ là những lời loan báo Tin Mừng vui vẻ mà còn là những đòi hỏi
cam go phải đem ra thực hành, không chỉ mang màu sắc “tín lí” mà còn mang tính chất
“luân lí” nữa. Môn đệ Đức Kitô không phải chỉ nghe, chỉ hiểu, chỉ vui vẻ phấn khởi, mà
còn phải hành động, phải sống nữa.
Theo giáo huấn của Hội Thánh Kitô Giáo sơ khai
- Hội Thánh Kitô Giáo sơ khai đã tự mô tả mình là một cộng đoàn với ba sinh hoạt căn
bản hay với ba chiều kích căn bản: lắng nghe lời Chúa và sự diễn giải của các tông đồ /
ca tụng Chúa và cử hành lễ bẻ bánh (tiệc Thánh Thể) / sống với nhau như anh chị em
bằng cách bỏ mọi sự làm của chung (x. Cv 2,42-47)
- Có người gọi một cách chuyên môn hơn ba sinh hoạt chính yếu hay ba chiều kích căn
bản của Hội Thánh Kitô Giáo sơ khai là tin, cử hành và sống, hoặc sinh hoạt tín lí, sinh
hoạt phụng vụ và sinh hoạt luân lí. Như vậy, luân lí là một trong những sinh hoạt chính
yếu hay một trong ba chiều kích căn bản làm nên đời sống kitô hữu.
- Còn nếu đọc hết các sách của Tân Ước, đặc biệt các thư của các tông đồ, chúng ta sẽ
thấy rõ song song với sự bành trướng của Giáo Hội, đồng thời đứng trước tình hình ngày
càng phức tạp của cuộc sống, Giáo Hội càng ngày càng tỏ rõ quan tâm tới việc hướng dẫn
đời sống luân lí của các kitô hữu và giải quyết các vấn đề luân lí của mình. Như thế,
không những không thể gạt bỏ luân lí ra khỏi đời sống người kitô hữu, mà còn phải tìm
cách thực hiện ngày càng tốt hơn sinh hoạt ấy, bên cạnh các sinh hoạt khác là hiểu biết
đức tin và cử hành phụng vụ.
2. Luân lí trong tương quan với các khía cạnh khác của đời sống Kitô hữu
- Tuy nhiên, dù có quan trọng đến đâu, luân lí Kitô Giáo cũng không thể nào đứng độc
lập một mình. Người kitô hữu không thể chỉ bằng lòng sống ngay lành mà thôi, cũng như
đã không thể chấp nhận hiểu biết đức tin ngày càng sâu xa và cử hành phụng vụ ngày
càng sốt sắng mà thôi. Đời sống luân lí của người kitô hữu không phải chỉ loay hoay với
việc làm lành lánh dữ, mà còn phải làm lành lánh dữ theo giáo lí của Đức Kitô. Người
kitô hữu không thực hành luân lí chỉ theo lương tâm và lương tri tự nhiên, mà quyết liệt
thực hành luân lí dựa trên đức tin Kitô Giáo (luân lí dựa trên đức tin). Ngoài ra, nỗ lực
sống luân lí của người kitô hữu không phải là nỗ lực ở tầm mức con người, nhắm tới
những kết quả trong thế giới con người, mà còn vươn tới tầm mức Thiên Chúa, nhắm tới
những kết quả trong thế giới Thiên Chúa. Chính vì thế, sống luân lí phải đi đôi với cử
hành các mầu nhiệm, nâng các sự việc của con người lên mức các mầu nhiệm qua đó
Thiên Chúa cứu độ con người bằng cách cầu nguyện và kết hợp với Ngài (luân lí hướng
tới và được hỗ trợ bởi ơn thánh, nhận được qua cầu nguyện và cử hành phụng vụ).
- Đây cũng là hướng giải quyết tình trạng suy đồi luân lí hiện nay trong Giáo Hội chúng
ta: muốn giúp các kitô hữu sống tốt lành, phải cho họ biết cái nhìn của Thiên Chúa về
điều tốt lành và phải tạo điều kiện cho họ được sự hậu thuẫn tối đa của Thiên Chúa bằng
cách giúp họ bước vào thế giới Thiên Chúa từ đời này qua các cử hành phụng vụ và cầu
nguyện. Nhiều kitô hữu sống luân lí bết bát có thể là do thiếu cố gắng và luyện tập,
nhưng cũng có thể là do thiếu hiểu biết đúng đắn và cập nhật, và thiếu tham dự các cuộc
cử hành hầu được tiếp xúc với Thiên Chúa. Các mục tử phải quan tâm cách đồng bộ tới
cả ba sinh hoạt hay ba khía cạnh này, nếu muốn giúp giáo dân của mình có đời sống luân
lí lành mạnh hợp ý Chúa. Đời sống luân lí được xây dựng trên hiểu biết giáo lí đầy đủ và
tiếp xúc thường xuyên với Chúa (qua các bí tích và cầu nguyện).
3. Đâu là những nét đặc thù của luân lí Kitô Giáo so với các nền luân lí khác ?
Trong quá trình tìm hiểu luân lí Kitô Giáo, nhất là có đối chiếu với các nền luân lí khác,
người ta khám phá ra một số nét riêng của luân lí Kitô Giáo cần phải được tôn trọng và
phát huy.
3.1. Đó là một nền luân lí mang đậm nét tôn giáo hay chính xác hơn, mang đậm nét Kitô
Giáo
Thật ra, không ai là không bị buộc và không tìm cách sống tốt lành, nghĩa là không ai là
không có đời sống luân lí ở một mức nào đó. Chỉ có điều đó là điều tốt lành tới mức nào
hay điều tốt lành theo viễn tượng nào hoặc dựa trên cơ sở nào. Người Cộng Sản theo đuổi
điều tốt lành theo quan điểm mác-xít của mình. Các tín đồ các tôn giáo khác xây dựng
đời sống luân lí của mình xa hơn nữa là dựa trên mệnh Trời : tốt hay xấu là tùy theo có
hợp với mệnh Trời hay không. Còn người kitô hữu dứt khoát đánh giá điều tốt dựa trên
giáo huấn, con người và cách sống của Đức Kitô, mà họ tin là hiện thân của Thiên Chúa
hay là chính Thiên Chúa nhập thể. Vì thế, người kitô hữu không chỉ bằng lòng với điều tự
nhiên cảm thấy tốt hay bằng lòng với điều mà thiên hạ cho là tốt hoặc chính mình nhận
thức là tốt, mà phải cố gắng tìm ra điều Thiên Chúa quyết là tốt : “Tại sao anh gọi tôi là
tốt lành, chỉ có Thiên Chúa là đấng duy nhất tốt lành?” (Mc 10,18).
3.2. Là một nền luân lí được giới thiệu cho con người qua tay Giáo Hội
Nói rằng luân lí Kitô Giáo dựa trên giáo huấn, con người và cách sống của Đức Kitô –
nhưng là giáo huấn và cách sống của một con người sống cách đây hơn 2000 năm – cũng
là giả thiết mỗi người sẽ phải dựa trên một cơ quan trung gian có thẩm quyền để hiểu
giáo huấn, con người và cách sống ấy, hơn là chỉ dựa vào bản thân rất ích kỉ và chủ quan
của mình. Theo lí tưởng, cơ quan trung gian này đã được chính Đức Kitô khi còn sống
thiết lập và trao quyền. Cơ quan ấy chăûng những phải lo hoàn thiện mình trong vai trò
ấy qua dòng thời gian, mà nhất là phải được chính Thiên Chúa bảo vệ và hướng dẫn.
Trong thực tế, cơ quan này không phải là không thiếu sót trong trách nhiệm của mình.
Nhưng nhìn chung, phải nhìn nhận cơ quan này (Giáo Hội Công Giáo gọi là Huấn Quyền
hay quyền giáo huấn Giáo Hội) đã hoàn thành khá tốt vai trò của mình, nhờ luôn dựa vào
nền tảng luân lí Kitô Giáo là giáo huấn, con người và cách sống của Đức Kitô, dựa vào
cách giải thích của các đấng bậc đã may mắn sống sát với Đức Kitô (truyền thống các
tông đồ và truyền thống các giáo phụ), cũng như nhờ luôn quan tâm và nỗ lực làm việc
trong lãnh vực luân lí này.
3.3. Cũng là một nền luân lí bắt nguồn từ luân lí tự nhiên và cởi mở tiếp thu sự đóng góp
của các nền luân lí và các khoa học khác của thời đại
Nếu chỉ dừng lại với hai điểm trên đây, có thể có người e ngại luân lí Kitô Giáo sẽ xa lạ
với rất nhiều người. Kì thực, Thiên Chúa mà Đức Kitô và Giáo Hội dựa vào để nhận thức
điều tốt điều xấu cũng là Thiên Chúa đã lập ra bản tính con người với những qui luật
hướng dẫn đời sống của con người. Vì thế, luân lí Kitô Giáo chẳng những phù hợp với
luân lí tự nhiên, mà còn triển khai cái vốn tiềm tàng trong luân lí tự nhiên ấy. Cũng chính
vì ý thức về cội nguồn chung của hai nền luân lí ấy, nên các nhà thần học luân lí Kitô
Giáo cũng luôn cởi mở tiếp thu sự đóng góp của các nền luân lí khác và của các khoa học
nhân văn đương thời. Luân lí Kitô Giáo không chỉ đóng góp cho luân lí xã hội và thời
đại, mà còn tiếp thu nhiều đóng góp của luân lí ấy.
Tóm lại, có thể nói luân lí Kitô Giáo là luân lí mang tính cởi mở hay đối thoại :
Cởi mở hay đối thoại với Thiên Chúa như mục tiêu cuối cùng mà luân lí muốn hướng tới,
như nền tảng cuối cùng mà luân lí muốn dựa vào để bảo đảm sự đúng đắn và ràng buộc
cho luân lí (mạc khải của Thiên Chúa, đặc biệt qua Thánh Kinh)
Cởi mở hay đối thoại với Giáo Hội như cơ quan trung gian mà luân lí cần có để hỗ trợ
mình xác định mục tiêu cuối cùng, nền tảng sau cùng và các chuẩn mực của luân lí (giáo
lí Giáo Hội hay lập trường Giáo Hội về các vấn đề)
Cởi mở hay đối thoại với các nền luân lí và các khoa học khác như các cơ sở cho luân lí
tham khảo thêm hầu có được sự hiểu biết và nhận thức đúng đắn hơn về các giá trị luân
lí.
4. Các nguồn cần liên hệ để thực hành luân lí
Một cách cụ thể, để thực hành và giúp người khác thực hành luân lí, người kitô hữu sẽ
liên hệ hay tham khảo ba nguồn sau đây : giao ước với Chúa, lề luật và lương tâm.
4.1. Giao ước với Chúa : đây là cơ sở quan trọng nhất mà người kitô hữu cần lưu ý khi
thực hành luân lí. Người kitô hữu có tuân giữ lề luật và lắng nghe lương tâm chính là vì
muốn qua đó càng ngày càng đi sâu hơn vào giao ước với Chúa, bây giờ và mai sau.
Không có chân trời hay viễn tượng này thì lề luật và ngay cả lương tâm cũng gây cảm
giác nặng nề và bó buộc cho người kitô hữu. Hơn nữa, chính giao ước với Chúa sẽ là cơ
sở biện minh cho giá trị của lề luật và lương tâm : luật nào hay tiếng lương tâm nào
không giúp đưa người ta đi sâu hơn vào giao ước với Chúa đều đáng bị nghi ngờ, thậm
chí cự tuyệt.
4.2. Lề luật : tuy nhiên, nếu không có lề luật hay các chuẩn mực khách quan thì người
kitô hữu sẽ dễ rơi vào tình cảnh mơ hồ và lạc lối khi bước vào giao ước với Chúa. Chính
các lề luật này sẽ cho họ biết phải làm gì để ngày càng giao ước thân mật hơn với Chúa.
4.3. Lương tâm : rất tiếc, lề luật chẳng bao giờ đủ vì trong cuộc sống con người có biết
bao tình huống, mà mỗi người phải vận dụng lương tâm của mình để ứng dụng các lề luật
vào các tình huống cụ thể ấy. Đó là chưa kể những lề luật sai, mà nếu không có lương
tâm phê phán người ta rất có thể đã lạc lối.
Kết luận :
Rõ ràng là nếu muốn sống đúng phẩm giá con người thì không thể chỉ tìm điều nào có lợi
hay thích thú, mà còn phải tìm kiếm những điều tốt hay những điều phù hợp với phẩm giá
con người (luân lí). Con người không thể sống mà không có luân lí : con người ăn uống
không chỉ tìm cái gì ngon miệng hay bổ ích, mà còn tìm điều nào xứng với phẩm giá con
người. Trong tâm thức tự nhiên, con người đã luôn muốn điều tốt luân lí, huống nữa là
trong tâm thức của những người được cứu độ. Đã thấy tầm quan trọng của luân lí như
thế, cả trong ý thức tự nhiên lẫn trong ý thức tôn giáo, người kitô hữu chẳng những không
né tránh luân lí, mà còn tìm cách xây dựng đời sống luân lí ngày càng tốt hơn, xứng với
phẩm giá kitô hữu và khai thác những nét riêng của luân lí Kitô Giáo.