MỤC LỤC
Mục
Nội dung cơ bản
I.
Trang
Mở đầu
1.1
1.2
1.3
1.4
1.5
II.
2.1
2.2
2.3
2.3.1
2.3.2
2.3.3
2.3.4
2.3.5
2.3.6
2.3.7
2.4
III.
3.1
3.2
Lý do chọn đề tài:
Mục đích nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu:
Phương pháp nghiên cứu:
Những điểm mới của sáng kiến:
2
3
3
3
3
Nội dung
Cơ sở lý luận:
Thực trạng:
Giải pháp:
Giải pháp thứ một:
Giải pháp thứ hai:
Giải pháp thứ ba:
Giải pháp thứ bốn:
Giải pháp thứ năm:
Giải pháp thứ sáu:
Giải pháp thứ bảy:
Hiệu quả:
3
5
6
6
7
8
11
12
13
14
14
Kết luận và kiến nghị
Kết luận:
Kiến nghị:
Tài liệu tham khảo
15
15
1
I. Mở đầu:
1.1 Lí do chọn đề tài:
Trong thế giới này cái quý nhất là con người, trong con người cái quý
nhất là trí tuệ, mà trí tuệ chỉ có được nhờ con đường học vấn và trải nghiệm
trong đời sống xã hội. Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy có những đứa trẻ đi
qua “thời kỳ quá độ” (giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn) một cách
dễ dàng, đầy tự tin, bản lĩnh, họ hiểu rõ mình là ai, lý tưởng và mục tiêu của
cuộc đời mình là gì?... Nhưng lại có những đứa trẻ đi qua giai đoạn này một
cách hết sức khó khăn, vất vả, các em cảm thấy tự ti, sợ sệt, vô vọng, bế tắc,
thậm chí có em còn không xác định được lý tưởng sống của mình, không biết
giá trị thực của bản thân, luôn nghĩ mình vô nghĩa, không còn giá trị từ đó có
những suy nghĩ và việc làm tiêu cực ảnh hưởng đến bản thân và mọi người xung
quanh khiến thầy cô, gia đình, bạn bè và xã hội phải quan tâm phải lo lắng (3).
Tình trạng trẻ em như vậy xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới và
trong xã hội Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở các khu vực đô thị hay thành phố lớn.
Hiện tượng này xảy ra đã và đang làm cho các nhà hoạch định chính sách phải
đau đầu vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng và chất lượng của nguồn lao
động của mỗi quốc gia, dân tộc.
Những học sinh này thường không thích giao lưu, thích co mình, hay cáu
bẳn, đôi khi còn có khuynh hướng bạo lực, thậm chí có ý định tự tử để từ bỏ
cuộc sống. Đó là biểu hiện của “căn bệnh” gì vậy? Đối với các nhà hoạt động
giáo dục khi gặp những học sinh này nếu chúng ta sử dụng các phương pháp
thông thường sẽ không thể nào có kết quả, thậm chí có khi còn làm cho tình
trạng xấu đi rất nhiều, đó là thực tế mà bản thân tôi đã gặp cách đây vài năm.
Tìm ra phương pháp hữu hiệu để giáo dục trẻ em có biểu hiện tiêu cực đó hiện
nay là một yêu cầu bức thiết, đòi hỏi các giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ
nhiệm ở các trường phổ thông nói riêng, hệ thống giáo dục nói chung của Việt
Nam phải quan tâm giải quyết.
Năm 2013 tôi được Ban giám hiệu nhà trường giao chủ nhiệm lớp 10A,
thời gian đầu tiếp xúc đa số các em ngoan và biết nghe lời, sau đó chừng độ 4
đến 5 tuần, có 1 học sinh nam có biểu hiện hoàn toàn khác thường so với các
học sinh khác, thậm chí khác hẳn đối với bản thân em nữa. Từ một học sinh rất
ngoan, hiền ít nói và quan hệ tương đối tốt với bạn bè trong lớp em trở nên trái
tính, trái nết, hay cáu kỉnh, tức giận chuyện không đâu và thái độ nóng nảy lộ rõ
với bạn bè kể cả với thầy giáo và người lớn tuổi trong gia đình. Em luôn trong
trạng thái bất an, dễ kích động, mệt mỏi và thiếu năng lượng, hay thu mình và
cảm thấy buồn vô vọng thậm chí có ý định bỏ nhà ra đi vì nghĩ mình không còn
giá trị. Nhận thấy điều đó tôi đã gọi em lên phòng riêng và thuyết giảng nhưng
không hiệu quả, em đã tỏ thái độ tức giận, thậm chí thù hận thể hiện qua ánh mắt
đỏ ngầu vô cảm cả với tôi và từ hôm đó em không đến lớp nữa. Tìm hiểu thông
tin qua bạn bè, gia đình tôi mới biết em đang bị “tha hóa” và chính tôi với sự
nhiệt tình, trách nhiệm nhưng thiếu hiểu biết về phương pháp giáo dục nên đã
đẩy em ra xa lớp học, làm trầm trọng hơn căn bệnh tâm lý đang dần phát lộ
trong con người em. Từ thực tế đó bản thân tôi đã tìm hiểu và chuyển sang sử
2
dụng giải pháp khác. Sau một thời gian cùng với chuyên gia tâm lý, gia đình,
bạn bè, và bản thân em, tôi đã đưa được em trở lại trường học và năm nay em
đang chuẩn bị tham gia kỳ thi THPT Quốc gia như những học sinh bình thường
khác với sự tự tin, bản lĩnh để bước lên một nấc thang mới của cuộc đời.
Để giúp đỡ những giáo viên khác không đi vào “vết xe đổ” như tôi ở bài
viết này tôi xin trình bày các giải pháp mà tôi đã sử dụng đối với em để các đồng
chí tham khảo và rút kinh nghiệm, bài viết này tôi đặt tiêu đề là: “Một số giải
pháp giáo dục hỗ trợ học sinh có biểu hiện “trầm cảm” ở lớp 10A Trường
THPT Ngọc Lặc”.
1.2 Mục đích nghiên cứu:
Ở bài viết này tôi muốn giới thiệu đến các đồng nghiệp về một số giải
pháp giáo dục hỗ trợ học sinh có biểu hiện trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên để
các đồng chí tham khảo và áp dụng khi gặp phải đối tượng học sinh có biểu hiện
trần cảm để tránh trường hợp “đổ thêm dầu vào lửa” giống như tôi vài năm
trước.
1.3 Đối tượng nghiên cứu:
Ở bài viết này bản thân tôi chỉ chuyên sâu nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra
giải pháp giáo dục hỗ trợ đối với một học sinh ở lứa tuổi vị thành niên – học
sinh Phạm Nhật Thanh lớp 10A Trường THPT Ngọc Lặc đang có biểu hiện trầm
cảm và đang điều trị bởi chuyên gia tâm lý mà thôi.
1.4 Phương pháp nghiên cứu:
Trong bài viết này bản thân tôi chủ yếu sử dụng phương pháp thu thập
thông tin, khảo sát thực tế… và một số phương pháp nghiên cứu khác có liên
quan.
1.5 Những điểm mới của SKKN:
Bài viết này tôi đã tìm ra một số nguyên nhân khiến em học sinh Thanh
lớp 10A trở nên “khó dạy”, bất an, dễ nóng nảy, kích động, mệt mỏi, thiếu năng
lượng, buồn vô vọng, khó tập trung… ở lứa tuổi vị thành niên. Đồng thời phát
hiện ra một số phương pháp đặc thù khác biệt để giáo dục, hỗ trợ (giúp đỡ)
những học sinh có biểu hiện của một căn bệnh tâm lý mà nó đang dần trở nên
phổ biến và tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ Việt Nam – bệnh trầm cảm ở lứa
tuổi vị thành niên.
II. Nội dung sáng kiến kinh nghiệm:
2.1 Cơ sở lí luận:
Ở Việt Nam, quyền học tập là một trong những quyền cơ bản của công
dân được ghi nhận tại Điều 39 Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền và nghĩa
vụ học tập” (1) được cụ thể trong Luật giáo dục & đào tạo và một số văn bản
dưới luật khác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhà nước luôn tạo điều
kiện và tổ chức để mọi công dân thực hiện tốt quyền học tập của mình như đầu
tư vào hệ thống giáo dục, vào trường học… thậm chí xây dựng các trường
chuyên biệt để giáo dục những học sinh khuyết tật, những học sinh có biểu hiện
khác thường và có chế độ ưu đãi, đãi ngộ đối với những giáo viên giảng dạy, hỗ
trợ các đối tượng này.
3
Trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm trong xã hội hiện nay khiến con
người có thể thay đổi cách nhìn đối với thế giới bên ngoài và thấy mọi điều đều
trở nên vô vọng. Trầm cảm không những làm cho công việc và cuộc sống hàng
ngày trở nên khó khăn dường như không thể vượt qua mà còn khiến con người
có cảm giác cô đơn, trơ trọi muốn tự tử để kết thúc cuộc sống của mình họ
không nhận thấy mình thật sự có ý nghĩa đối với mọi người xung quanh, gia
đình và xã hội.
Trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên thường biểu hiện: Buồn vô vọng, cáu kỉnh,
tức giận, hận thù, bạo lực, mất hứng thú trong các hoạt động, thay đổi thói quen
ăn ngủ, dễ kích động, bất an, khó tập trung và có ý tưởng tự tử.
Nguyên nhân của bệnh trầm cảm: Hiện nay người ta chưa xác định rõ các
nguyên nhân gây ra căn bệnh trầm cảm, nhưng các yếu tố như di truyền, môi
trường, mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể (chẳng hạn tuổi vị thành niên, phụ
nữ sau khi sinh…) là những yếu tố nguy cơ liên quan đến trầm cảm.
Trầm cảm là căn bệnh có thể điều trị được. Hiện nay trầm cảm được điều trị
bằng hai phương pháp: Điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và phương pháp tâm
lý trị liệu (đối thoại, nói chuyện với người bệnh), tỷ lệ ổn định lên đến 70 – 80%
nếu được điều trị sớm và đúng cách. Cả hai phương pháp điều trị nêu trên đòi
hỏi phải có các chuyên gia như bác sĩ, nhà tâm lý, nhà tâm thần hay chuyên viên
tư vấn những người có hiểu biết sâu sắc và kỹ năng hỗ trợ người trầm cảm (5),
nhưng để người bệnh nhanh chóng ổn định trở lại thì rất cần đến sự hỗ trợ
của gia đình, bạn bè, thầy cô và sự nổ lực của bản thân người bệnh. Đây là
cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để chúng ta có thể giáo dục hỗ trợ những
trẻ vị thành niên đang có biểu hiện trầm cảm ở các trường THPT.
Học sinh THPT là những trẻ em có độ tuổi từ 14 đến 18 tuổi, lứa tuổi vị
thành niên, lứa tuổi có nhiều thay đổi về cơ thể và nhân cách, nhiều hoóc môn
mới trong cơ thể bắt đầu xuất hiện, “lứa tuổi khủng hoảng” hay là “thời kỳ quá
độ” chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, lứa tuổi với nhiều khó khăn, phức tạp
trong cuộc đời của mỗi con người, lứa tuổi học tập và trưởng thành, hoàn thiện
và phát triển. Ở giai đoạn này có rất nhiều sự thay đổi về thể chất và tinh thần
khiến cho nhận thức và thể trạng của các em khác hẳn (2). Hiểu được sự thay
đổi về đặc điểm tâm sinh lý ở lứa tuổi này sẽ là một cơ sở lí luận quan trọng để
chúng ta giáo dục trẻ một cách hiệu quả.
“Nhân vô thập toàn”(4) con người không ai hoàn thiện, mỗi người có
những mặt mạnh và hạn chế riêng. Phát hiện, phát triển mặt mạnh, khắc phục,
bỏ đi những hạn chế, khuyết điểm trong mỗi con người là một trong những
nhiệm vụ quan trọng của hoạt động giáo dục hiện đại. Trong quá trình hình
thành nhân cách của con người, các yếu tố như nhà trường, gia đình và xã hội có
vai trò quan trọng nhưng yếu tố quyết định nhân cách của mỗi người đó lại là tự
bản thân mỗi con người. Niềm tin vào giáo dục, tin vào sự thay đổi theo chiều
hướng tích cực trong mỗi cá nhân cũng là cơ sở lý luận quan trọng để tôi viết bài
này.
Căn cứ cuối cùng quyết định sự lựa chọn của tôi đó là: “Muốn giáo dục
con người phải hiểu một con người”(6), “biết mình biết người trăm trận trăm
4
thắng”. Đó là nguyên lý ông cha ta đã dạy và nó vẫn còn nguyên giá trị trong
thời đại ngày nay.
2.2 Thực trạng vấn đề:
Theo tổ chức y tế thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm trung
bình 850000 người trên thế giới, dự báo đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp
thứ 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu khoảng 121 triệu người mắc
bệnh. Ở Việt Nam, chưa có con số chính xác về tỉ lệ trẻ vị thành niên mắc bệnh
trầm cảm nhưng gần đây cũng cho thấy dấu hiệu có nhiều em có những biểu
hiện triệu chứng của bệnh này(5), đặc biệt khi đọc các trang Blog cá nhân tâm
sự trên mạng xã hội thì chúng ta sẽ thấy căn bệnh trầm cảm đang xuất hiện ngày
càng nhiều và trở nên phổ biến ở Việt Nam và đây là bài toán đang làm đau đầu
các nhà quản lý giáo dục, các y bác sĩ, gia đình và các nhà hoạch định chính
sách.
Năm 2013, tôi được Ban giám hiệu nhà trường giao chủ nhiệm lớp 10A,
lớp có tổng số 45 học sinh, các em chủ yếu sinh năm 1997, 1998. Đa số các em
là người dân tộc thiểu số sống ở khu vực 135(Khu vực kinh tế đặc biệt khó khăn)
hoặc vùng cao, chỉ có vài em sống cùng cha mẹ tại thị trấn Ngọc Lặc và một số
xã lân cận trường học như xã Ngọc Khê, xã Minh Sơn…
Thuận lợi: Đa số các em có sức khỏe tốt, hiền ngoan, lễ phép và một số phụ
huynh rất quan tâm, hệ thống lớp học tương đối thoáng mát, đội ngũ giáo viên
trẻ nhiệt tình.
Khó khăn: Đa số các em là người dân tộc thiểu số trình độ nhận thức còn gặp
nhiều hạn chế, nhà xa trường học không thể đi về trong ngày học sinh phải ở trọ,
điều kiện kinh tế phần lớn rất khó khăn chủ yếu là con em nông dân, số ít là con
em các gia đình buôn bán nhỏ. Lớp tương đối đông nên gặp khó khăn trong tổ
chức và học tập, một số học sinh có hộ khẩu ở thị trấn nhưng kết quả học tập
không cao lại thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế của trường lớp như em
Khánh, em Chiến, em Kiên, em Đức, em Thanh…; Cơ sở vật chất của trường
còn thiếu như khu hiệu bộ, nhà thi đấu, nhà đa năng và nhiều phòng ban khác.
Sau một tuần nhận lớp không thấy điều gì bất thường tôi tổ chức cho học
sinh tự quản. Nhưng đến tuần thứ hai bắt đầu xuất hiện một số học sinh có biểu
hiện bất hợp tác, thường xuyên vi phạm nội quy, quy chế của trường, lớp như:
Đi học chậm, nghỉ học vô lý do, không học bài cũ, nói chuyện làm việc riêng
trong giờ học, không tham gia đồng phục theo quy định, mang điện thoại và sử
dụng điện thoại di động trong giờ học.v.v. Đó là những biểu hiện được xem là
bình thường ở trường miền núi như trường chúng tôi. Tuy nhiên sau chừng độ 3
tuần trong lớp có một học sinh có biểu hiện khác thường, đó là em Phạm Nhật
Thanh: Thanh là một học sinh bề ngoài rất ưa nhìn, được bạn bè quí mến, hiền
ngoan, lễ phép và hòa đồng với bạn bè, bỗng nhiên em trở thành một con người
khác hẳn chỉ trong vòng khoảng 2 tuần. Nhà ở gần trường học nhưng em luôn đi
học muộn, tính tình cáu bẳn hung hăng vô cớ, thậm chí còn hành hung với cả
bạn gái trong lớp vì những chuyện không đâu. Ra chơi em không chơi với các
bạn mà thường ngồi một mình buồn vô vọng, mệt mỏi, thiếu năng lượng và chán
chường, không tập trung nhiều lúc còn ngủ gục trên bàn. Trước những biểu hiện
5
bất ổn đó, là một giáo viên chủ nhiệm lớp và giảng dạy bộ môn GDCD của lớp
tôi mời em lên văn phòng Đoàn nói chuyện để tìm hiểu, để giáo dục.
Câu hỏi đầu tiên tôi dành cho em là: “Sao ra chơi không cùng các bạn đá cầu,
nô đùa mà một mình tư lự vậy em?” Em nhìn tôi và trả lời cộc lốc: “Toàn bọn
con nít”. Tôi thật sự ngỡ ngàng trước thái độ và câu trả lời cộc lốc của em. Thế
là bệnh nghề nghiệp lại tái phát, tôi phân tích rồi thuyết giảng cho em một hồi.
Nhưng thay vì thái độ nể phục và hành vi hối cải em lại tỏ ra cáu kỉnh, tức giận
thậm chí còn hằn học khó chịu và kích động với tôi. Tôi thấy vậy vội gọi điện
cho phụ huynh lên để trao đổi. Khi phụ huynh lên tôi mời phụ huynh vào phòng
và trao đổi về quá trình học tập và rèn luyện của Thanh đặc biệt là thái độ ngỗ
ngược bất hợp tác vừa xảy ra với tôi cho phụ huynh biết thì em đã nói trong
tiếng nấc: “Có thế mà cũng trách, cũng mời”. Tôi không nói gì chỉ nhìn em với
ánh mắt nghiêm nghị không hài lòng.
Tôi cho em trở về lớp học rồi trao đổi sâu thêm với phụ huynh về biểu hiện tiêu
cực và trạng thái tinh thần khác thường lúc đó của em. Phụ huynh không nói gì
mà chỉ xin lỗi thầy vì sự ngỗ ngược của con trai mình đồng thời phụ huynh cũng
không giấu được sự khó hiểu về tính cách con mình mấy ngày hôm nay. “Không
hiểu sao khoảng 2 tuần nay nó luôn cáu kỉnh với mọi người trong gia đình. Hôm
qua nó cãi nhau với thằng anh trai vừa học chuyên nghiệp về. Chế độ ăn ngủ thì
thất thường, gia đình sử dụng biện pháp cứng rắn một chút thì nó bỏ nhà ra đi” .
Tôi giật mình với trường hợp này. Đây không phải là một trường hợp rối loạn
tâm sinh lý – rối loạn cảm xúc bình thường xảy ra phổ biến ở lứa tuổi vị thành
niên mà là một căn bệnh tâm lý mà tôi đã đọc được ở đâu đó. Bệnh trầm cảm ở
tuổi vị thành niên. Tôi nói cho phụ huynh những biểu hiện cơ bản của căn bệnh
trầm cảm đang diễn ra tương đối phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên và rất mong
gia đình cho em đi khám bác sỹ tâm lý để họ giúp đỡ. Từ hôm đó em không đến
lớp để học tập nữa.
Các đồng chí nghĩ gì về em học sinh này? Quả khác biệt với sự bất trị,
khó bảo ở lứa tuổi khủng hoảng, lứa tuổi “đứng cửa sổ” lứa tuổi “tôi buồn chẳng
hiểu vì sao tôi buồn” phải vậy không các đồng chí? Cần phải làm gì đó để đưa
em quay lại trường học, giúp em và gia đình em vượt qua giai đoạn khó khăn
này một cách hiệu quả? Đó là suy nghĩ của bản thân tôi lúc bấy giờ và tôi đã
hành động.
2.3 Giải pháp:
2.3.1 Giải pháp thứ nhất:
Thấu hiểu từng học sinh và phân loại học sinh theo nhóm, chú ý đặc
biệt những học sinh có biểu hiện “khó dạy” từ đó đưa ra các giải pháp phù
hợp với từng đối tượng học sinh. Muốn giáo dục con người phải hiểu một con
người, đó là một trong những nguyên tắc giáo dục hiện đại đầu tiên mà tôi sử
dụng.
Sau một thời gian tìm hiểu đối tượng học sinh dựa trên cơ sở sơ yếu lý
lịch cụ thể, học bạ, trao đổi với giáo viên ở cấp THCS, bạn bè, gia đình và mọi
người xung quanh… Tôi được biết Thanh là một học sinh xuất thân từ một gia
đình bố là viên chức nhà nước, mẹ buôn bán nhỏ, có anh trai đang học trường
6
Công an nhân dân, Thanh hiện sống cùng bố mẹ tại số nhà 57 phố Lê Thánh
Tông thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, Ở cấp THCS em là
học sinh khá của Trường THCS Lê Đình Chinh - một trong những trường có uy
tín ở huyện. Lớp 6, 7, 8 em đều đạt học sinh tiên tiến cả năm nhưng đến học kỳ
II lớp 9 sức học sa sút, phải rất cố gắng em mới đậu vào trường THPT Ngọc Lặc
với số điểm không cao và sau đó được xếp vào lớp 10A một “lớp đại trà” do tôi
chủ nhiệm.
Trong bản lí lịch em ghi: “Sau khi tốt nghiệp THPT thích trở thành cầu thủ bóng
đá, nhưng cha mẹ lại muốn em học ngành công an vì có việc làm ngay”. Đây là
một mâu thuẫn rất phổ biến trong việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp giữa
con trẻ và phụ huynh trong xã hội Việt Nam hiện nay. Tôi sẽ không để ý nếu như
sau 3 tuần nhận lớp em không có những hành động lệch chuẩn, không muốn nói
là ngỗ ngược khác thường như trên đã trình bày.
Tôi đến thăm gia đình em vào một buổi chiều thu cuối tháng 9 sau khi em nghỉ
học vô lý do 3 ngày. Hôm đó, cả bố mẹ em đều ở nhà, sau một vài câu nói trao
đổi về tình hình học tập của Thanh thời gian qua, đặc biệt những biểu hiện khác
thường của em trong những ngày vừa rồi, mẹ em không cầm được nước mắt, bà
nói trong nghẹn ngào: “Tôi không hiểu sao nữa thầy ạ? Lúc trước nó có thế
đâu? Trước đây nó là một đứa trẻ ngoan, biết nghe lời, luôn giúp đỡ cha mẹ
trong công việc nhà bây giờ thì nó trở thành đứa trẻ nóng nảy, cáu bẳn và hằn
học với tất cả mọi người. Hôm qua bố nó giận nên nói với nó vài câu phải
chăng vậy mà nó đã bỏ nhà đi mãi tới nửa đêm mới về. Giờ đây nó chẳng nghe
lời ai cả. Tôi lo cho cháu lắm thầy ạ”.
Tôi hỏi tiếp: “Thanh nó có biểu hiện như vậy lâu chưa hả chị?”.
Khoảng 3 tuần nay. Phụ huynh trả lời.
Tôi hỏi tiếp: “Gia đình có biết nguyên nhân vì sao Thanh lại vậy không ạ?”
Bố em Thanh nói: “Không. Mọi việc trong gia đình tôi vẫn diễn ra bình
thường”.
Tôi tiếp lời: “Hình như ước mơ của Thanh muốn làm cầu thủ bóng đá?
Vâng, Bố em nói: “Thì vậy đó thầy. Nó thích đá bóng nhưng tôi thấy sự nghiệp
đó không bền nên tôi khuyên cháu cố gắng học để vào trường an ninh, vì định
hướng nghề nghiệp trái ngược nhau như vậy nên bố con có nhiều lúc bất hòa…
rồi nó như thế. Thật sự gia đình chỉ muốn tốt cho cháu thôi thầy ạ”.
Hình như tôi đã lờ mờ hiểu ra một vài nguyên nhân làm em Thanh “tha
hóa” – không còn là chính mình nữa. Tôi tư vấn cho gia đình em về xu thế và
căn cứ để lựa chọn nghề nghiệp hiện nay và không quên giải thích một chút về
các dạng tư duy của mỗi người trong xã hội. Rồi xin phép ra về và một lần nữa
yêu cầu gia đình hãy mang Thanh đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe tâm lý
càng sớm càng tốt.
2.3.2 Giải pháp thứ hai:
Tổ chức mạng lưới tự quản để xây dựng tập thể vững mạnh, đoàn
kết, nhân văn và thân thiện.
Ngoài là một giáo viên chủ nhiệm lớp, bản thân tôi còn là giáo viên bộ
môn giảng dạy ở các khối lớp 10, 11 và kiêm nhiệm một số công tác khác như
7
lao động và hoạt động Công đoàn nhà trường do vậy rất ít thời gian để quản lý
các em, không những thế việc thành lập mạng lưới tự quản trong lớp còn tạo
điều kiện để các em có cơ hội làm quen và thực hiện kỹ năng quản lý, một trong
những kỹ năng quan trọng dẫn đến sự thành công của các em sau này.
Tổng số lớp có 45 học sinh, trên cơ sở tín nhiệm của lớp, sự tự tin của cá nhân
học sinh và sự quan sát của bản thân, tôi tổ chức cho tập thể bầu các chức danh
như: Lớp trưởng, lớp phó học tập, lớp phó văn thể, lớp phó đời sống, lớp phó lao
động, thủ quỹ và tôi chia lớp làm 5 tổ, mỗi tổ có 9 học sinh, trong đó 1 tổ
trưởng, một tổ phó, đồng thời kiện toàn tạm thời tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh trong chi Đoàn.
Tổ chức bầu và kiện toàn tổ chức bộ máy tự quản của lớp xong tôi họp lại và
quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng loại cán bộ tự quản.
Trước buổi sinh hoạt hàng tuần bộ máy cán sự lớp có trách nhiệm họp trước để
thống nhất các nhận xét tuần qua và đưa ra kế hoạch hoạt động cho tuần kế tiếp
sau đó báo cáo trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm để xin ý kiến chỉ đạo. Hiện nay,
ở trường THPT Ngọc Lặc giáo viên chủ nhiệm thường bỏ qua cuộc họp trước
của ban cán sự lớp mà trực tiếp sinh hoạt, do vậy chất lượng, hiệu quả của công
tác tự quản chưa cao và không phát huy được tính chủ động, sáng tạo của tập thể
và của từng cá nhân học sinh. Hơn thế giáo viên chủ nhiệm lại rất vất vả và ôm
đồm. Người chủ nhiệm giỏi là người quản lý và đào tạo được những người quản
lý giỏi hơn mình.
Với tổ tự quản hiệu quả trong tay, mặc dù không ở lớp nhưng tôi luôn nắm được
một cách chính xác các hoạt động tích cực, tiêu cực đã, đang và sẽ diễn ra của
các thành viên học sinh trong lớp một cách trung thực và kịp thời. Chẳng hạn
như trường hợp của em Thanh hôm 25 tháng 9 năm 2013, tôi đang dạy trên lớp
10B, bỗng lớp trưởng lên tìm theo yêu cầu của cô Hương giáo viên dạy môn Địa
lý của lớp. Trong thời gian rất ngắn thông qua lớp trưởng tôi đã nắm sơ qua sự
việc vừa diễn ra tại lớp: Đó là tiết kiểm tra, Hòa một bạn ngồi bàn trên Thanh, vì
không ghi bài nên giờ kiểm tra không nhớ kiến thức mới mượn sách giáo khoa
của Thanh, muốn lấy lại nhưng bạn không trả, không kìm nén được cảm xúc
Thanh liền “choảng” bạn một cái vào lưng đau điếng. Cô giáo thấy vậy yêu cầu
em đứng dậy nhưng em bất hợp tác và còn tỏ thái độ hung hăng căm phẫn với cả
cô giáo bộ môn. Bất lực trước học sinh không nghe lời nên cô yêu cầu giáo viên
chủ nhiệm lên xử lý.
Nếu không có đội tự quản tốt, trung thực thì sẽ mất rất nhiều thời gian để
tìm hiểu nguyên do, do đó xây dựng đội tự quản tốt, trung thực, làm việc hiệu
quả, có trách nhiệm thì giáo viên chủ nhiệm đã giảm được 80 % sức khỏe, thời
gian và trí tuệ trong việc quản lý lớp chủ nhiệm của mình một cách hiệu quả
đồng thời các em học sinh của lớp sẽ có nhiều cơ hội để thực hiện kỹ năng quản
lý của mình.
2.3.3 Giải pháp thứ ba:
Nghiêm khắc với tập thể nhưng gần gũi, thông cảm, kiên trì và nhân
đạo với từng cá nhân, đặc biệt với những cá nhân tỏ ra bất trị, “khó dạy” -
8
trẻ có biểu hiện trầm cảm. Đó là giải pháp tiếp theo mà tôi đã thực hiện đối với
em Thanh.
Từ hôm biết rõ nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện “tha hóa” trong em,
tôi luôn gần gũi, thông cảm và mong muốn chia sẻ những lúc có thể. Vì em có
biểu hiện của bệnh trầm cảm nên tôi không cố gắng gạn hỏi lý do, hay điều tra
từ bản thân em, dồn em vào chân tường mà tôi luôn kiềm chế, im lặng đi bên
em, ở bên em như một người bạn để em không có cảm giác bị ép buộc bị lãng
quên hay bị xem thường.
Chẳng hạn như trước tình huống xảy ra hôm 25 tháng 9 năm 2013, tôi bước vào
lớp với ánh mắt thương cảm nhìn em, có lẽ em đã phần nào hiểu ra vấn đề nên
em không còn vẻ mặt hùng hổ, cáu kỉnh như lúc ban đầu, tôi xin cô giáo cho em
ra ngoài và cả lớp tiếp tục làm bài. Khi ở căn phòng chỉ còn lại hai thầy trò tôi
mới nhẹ nhàng hỏi: “Em cảm thấy không khỏe phải không?”. Em không nói gì
mà chỉ cúi xuống rồi trầm tư buồn vô vọng, sau đó lí nhí: “Không sao!” Em trả
lời một cách vô cảm.
Đối với những học sinh khác tôi sẽ hỏi rõ lý do vì sao và một bài thuyết giáo sẽ
làm các em nhanh chóng nhận ra lỗi lầm của mình nhưng đối với Thanh tôi
không làm thế bởi tôi biết rằng em đang gặp vấn đề về tâm bệnh, những câu hỏi
thẩm tra, phán xét chỉ làm em có hành động tiêu cực, chống đối mà thôi. Do vậy
tôi lại nhẹ nhàng hỏi: “Em cần thầy giúp đỡ gì không?” Rồi tôi nhìn em với ánh
mắt đầy sự thông cảm và chia sẻ. Em trả lời: “Không!” rồi nhìn vô vọng ra phía
ngoài cửa sổ. Tôi nói “Nhưng lần sau em cố gắng kìm chế đừng bao giờ đánh
bạn vì bản thân em chắc cũng không bao giờ muốn bị đánh nhỉ!’ Rồi cho em trở
lại lớp coi như không có chuyện gì xảy ra.
Sáng hôm sau em bình tĩnh lại vào giờ thể dục tất cả các bạn hoan hỉ cùng nhau
nô đùa ngoài sân bóng nhưng riêng em một mình ngồi tư lự nơi cuối sân, thấy
vậy tôi lại gần và nói: “Thanh à dạo này em có nhận thấy bản thân mình có
những cách hành xử khác với em trước đây không? Thầy nhận thấy điều đó
trong thời gian vừa qua?” Em vẫn chối cãi, không thừa nhận rằng mình đang bị
“tha hóa” đang có những thay đổi tiêu cực, nhưng tôi không rút lui mà tiếp lời:
“Đầu năm học thầy nhận thấy em là một học sinh điềm đạm, bình tĩnh, chan hòa
với bạn bè nhưng thời gian gần đây thầy nhận thấy em rất khác, một sự khác
biệt rất rõ rệt theo chiều hướng tiêu cực, thầy thấy em hay buồn một mình, cáu
kỉnh, tức giận và hận thù vô cớ, mệt mỏi thiếu năng lượng trong các giờ học,
nhiều lúc còn không tập trung. Em nhận thấy điều đó không? và thầy sợ cứ theo
chiều hướng này thì em không còn là em nữa. Bố mẹ em sẽ rất buồn, thầy và
các bạn cũng thế và ước mơ của em sẽ không bao giờ thành sự thật. Em đang
còn rất trẻ và cuộc đời phía trước đang chờ đợi em chinh phục”. Vẫn với ánh
mắt thương cảm và trìu mến, không phát xét, muốn chia sẻ nhìn em, em nhìn lại
tôi một hồi rồi từ từ và rất thận trọng em nói: “Em cũng thấy thế, nhiều lúc em
không hiểu mình nữa, em nhận thấy mình đang khác dần bản thân mình, nhiều
lúc em đã cố gắng kìm chế để không nóng nảy và bạo lực nhưng khi em bắt gặp
một vấn đề nào đó vướng mắc trong cuộc sống thì sự nổi nóng từ đâu ập đến và
em không thể nào kiểm soát được hành vi của mình. Hôm qua sau khi thầy cho
9
em về em mới nhận thấy mình đã sai nhưng không biết làm gì tiếp theo thầy ạ”.
Em tiếp tục: “Sức học của em ngày càng sa sút phải vậy không thầy, khả năng
ghi nhớ của em không tốt, em không học được môn Sử, môn Địa nhưng bố em
và mọi người cứ ép em phải đi học thêm để sau này thi trường an ninh giống
như anh trai em, em không làm được thầy ạ!”. Em nhìn tôi với ánh mắt của một
người đang rơi vào trạng thái bất lực, tìm kiếm sự chia sẻ. Tôi nói : “Thầy hiểu
điều đó. Vậy ước mơ sau này của em là gì?” Thanh trả lời: “Em thích trở thành
cầu thủ bóng đá?” Tôi nói: “OK! thầy sẽ giúp em nói chuyện này với bố mẹ
được không, nhưng hãy hứa với thầy từ nay trở đi nếu gặp vấn đề gì đi chăng
nữa thì phải kiềm chế, điềm tĩnh tuyệt đối không được nóng giận bởi ông cha ta
đã nói “nóng giận mất khôn” và khi nóng giận thì mình không còn là mình
nữa”. Em đồng ý và tự hứa với tôi như vậy. “Hiện nay em đang điều trị tại bệnh
viện phải không? Hãy cố gắng để vượt qua, thầy tin em sẽ làm được điều đó cố
gắng lên trò yêu của thầy”. Vừa lúc, tiếng trống điểm hết giờ tôi vỗ nhẹ vào vai
em rồi thầy trò cùng nhau vào lớp.
Thật vậy, người gàn bướng nhất mới là người cần giúp đỡ nhất. Hiện nay
rất nhiều giáo viên đều chỉ thích quan tâm đến các học sinh giỏi, vì làm như vậy
có thể có được thành tích nhãn tiền, nhưng thực ra những học sinh kém, những
học sinh có vấn đề mới cần giúp đỡ, và những học sinh khó dạy, bướng bỉnh mới
chứng minh được năng lực sư phạm thật sự của người giáo viên, không có đối
tượng nào là không thể tác động được, chỉ là chúng ta chưa sử dụng phương
pháp phù hợp mà thôi(3).
Qua buổi thầy trò nói chuyện mà tôi vừa tường thuật lại ở trên dù chưa có
kết quả gì nổi bật nhưng những điều em chia sẻ theo tôi đó là thành công bước
đầu. Bởi cái khó của những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm ở tuổi vị thành niên
là không có niềm tin vào người khác, họ muốn gim tất cả ở trong lòng. Do đó
khơi gợi để em nói về suy nghĩ của em đó là cả một sự thành công lớn đối với
người tư vấn tâm lý
.
10
Hình ảnh mang tính chất minh họa
2.3.4 Giải pháp thứ tư:
Công nhận cảm xúc, tuyệt đối không tranh luận với học sinh đang mắc
bệnh trầm cảm. Đây là nguyên tắc cơ bản khi giao tiếp với trẻ vị thành niên
đang điều trị bệnh trầm cảm.
Thật sai lầm khi ta cứ cố gắng tranh luận với trẻ vị thành niên đang mắc
bệnh trầm cảm về sự đúng sai của vấn đề. Hãy im lặng, lắng nghe và thấu hiểu
đồng thời công nhận cảm xúc từ các em, thậm chí đó có thể là lí lẽ ngốc nghếch
đối với bạn. Hãy cố gắng chia sẻ động viên các em nói lên mọi suy nghĩ của
mình. Người mắc chứng trầm cảm không hề muốn giao tiếp hoặc nói chuyện với
người khác mà họ thích một mình, hoặc giao tiếp thụ động. Do đó giáo viên hãy
đóng vai là “phương tiện” nghe, nhìn để học sinh có thể chia sẻ những vấn đề
mà các em đang gặp phải, đừng lấy sự tra khảo hay thuyết giáo làm mục đích
khi giao tiếp với trẻ đang bị bệnh trầm cảm vì nếu làm như vậy các em sẽ không
tin tưởng chúng ta và dễ dàng quay lưng lại với chúng ta khi đó bệnh tật của các
em sẽ phát lộ rõ ràng nhanh chóng và hoạt động giáo dục của chúng ta coi như
thất bại.
Chẳng hạn, đối với em Thanh có lần em sử dụng điện thoại di động để chơi điện
tử trong giờ học bị giáo viên bắt và thu điện thoại. Theo quy định của Ban nề
nếp trong nhà trường em sẽ bị cảnh cáo trước cột cờ, đồng thời trừ 500 điểm thi
đua của lớp và như vậy lớp thường xếp cuối. Cả lớp phải đi lao động. Tiết sinh
hoạt hôm đó quả là một đấu trường phê bình cả lớp tập trung lên án em, vì bạn
mà lớp như thế này như thế kia mình em trơ trọi giữa bao nhiêu ý kiến, không
làm gì được các bạn em lại tỏ thái độ “sừng cồ” và định hành hung một số bạn
trong lớp nhưng tôi đã kịp thời can thiệp. Tôi nghiêm nét mặt và nói lớn: “Dừng
lại, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Chiều nay cả lớp đi lao động và vấn đề này
chúng ta sẽ giải quyết sau”. Cả lớp im lặng và chuyển sang nội dung khác.
Đến chiều các bạn trong lớp đến rất sớm để thực hiện nhiệm vụ lao động nhưng
riêng em Thanh thì sau 15 phút em mới đến, rụt rè đứng cạnh gốc cây. Thấy tôi
em có vẻ ngại ngùng. Nhận thấy vậy tôi đỡ lời: “Ngủ quên hả? các bạn đã làm
được một lúc rồi đó, lại tham gia với các bạn đi?” Em như được khích lệ đúng
thời điểm nên tham gia lao động rất tích cực như muốn phần nào chuộc lại lỗi
lầm của mình mắc phải vào buổi sáng. Sau buổi lao động tôi tập hợp các em lại
để nhận xét về thái độ và hiệu quả buổi lao động: “Hôm nay tập thể lớp ta lao
động tương đối tích cực, trong số đó thầy tuyên dương bạn Long, bạn Mai… và
bạn Thanh, mặc dù bạn Thanh mang điện thoại đến lớp cộng với một số lỗi
khác do các bạn trong lớp gây nên. Nhưng xét quá trình lao động và thái độ
thành khẩn muốn sửa sai nên chúng ta hãy tha lỗi cho bạn và thầy nghĩ với sự
bao dung độ lượng của tập thể bạn Thanh sẽ không tái phạm lần hai đâu. Các
em thống nhất với thầy chuyện đó nhé”. Cả lớp đồng thanh: “Vâng ạ!” Rồi vui
vẻ ra về.
Sử dụng điện thoại trong giờ học là một việc làm ảnh hưởng rất lớn đến
thi đua của lớp. Đối với học sinh khác tôi phải sử dụng biện pháp rất mạnh như:
mời phụ huynh đến ký cam kết không cho con em mang điện thoại đến trường,
11
cảnh cáo trước cờ và viết đến 50 bản kiểm điểm… nhưng đối với Thanh tôi xử
lý thật nhẹ nhàng. Bởi tôi biết rằng nếu sử dụng biện pháp quá mạnh đối với em
thì sẽ không hiệu quả mà ngược lại sẽ đẩy em ra xa tập thể, chứng trầm cảm
ngày sẽ càng nặng hơn.
Các đồng chí sẽ tự nhủ làm như vậy các bạn trong lớp ghen tỵ vì thế tập
thể sẽ thiếu sự đoàn kết. Đúng vậy, trước khi sử dụng các phương pháp giáo dục
đặc thù giành riêng cho Thanh, học sinh “khó dạy” tôi đã phải thông qua với lớp
và rất mong lớp sẽ ủng hộ bởi bạn của các em đang gặp khó khăn trong vấn đề
tâm lý, nếu không giúp bạn thì chúng ta sẽ mất bạn mãi mãi. Vì thế các em đã
hiểu ra và tin vào giải pháp hữu hiệu của thầy mà không phàn nàn hay oán trách
về sự bất bình đẳng thể hiện qua tình thương thầy dành cho Thanh trong tập thể
lớp.
2.3.5 Giải pháp thứ năm:
Khuyến khích trẻ có biểu hiện trầm cảm tham gia các hoạt động thể
dục thể thao(5).
Một trí tuệ thông minh chỉ có được ở một cơ thể cường tráng. Đối với học
sinh mắc bệnh trầm cảm thì hoạt động thể dục thể thao như đi bộ, chạy bộ, bơi
lội, đá bóng, leo núi, đến phòng tập…là những hoạt động quan trọng không thể
thiếu, giúp các em giải tỏa bớt những căng thẳng trong suy nghĩ, bệnh sẽ nhanh
chóng tiến triển theo chiều hướng tích cực. Biết được điều đó tôi đã đến tận nhà
để tư vấn cho em và gia đình, gia đình rất tạo điều kiện cho em tập luyện thể
thao, đặc biệt là môn thể thao mà em yêu thích – bóng đá. Sáng sớm tôi thường
qua nhà em cùng em chạy bộ vì nhà em cách nhà tôi không bao xa, chủ nhật
thầy trò được nghỉ tôi đưa em leo núi và dạy em cách ngồi thiền – một môn thể
thao rất mới ở Việt Nam và nó thật sự tốt trong việc kìm chế sự nóng nảy và
căng thẳng. Buổi chiều gia đình cho em tham gia đội bóng tại phố đồng thời
không còn có tư tưởng ép em học các môn ghi nhớ nhiều để thực hiện ước mơ
dang dở của bố, vả lại gia đình cho phép em tự do lựa chọn lĩnh vực mình yêu
thích để phát triển. Vì thế tinh thần em nhanh chóng được phục hồi, bệnh lý từ
đó cũng thiên giảm rất nhiều.
Năm đó, Đoàn trường THPT Ngọc Lặc tổ chức giải bóng đá nam cho học
sinh khối 10 và khối 11 để chào mừng ngày 26 tháng 3 – ngày thành lập Đoàn
TNCS Hồ Chí Minh. Thanh rất đam mê và thích thú vậy nên tôi đã mạnh dạn
giao quyền đội trưởng đội bóng của lớp cho em và em có trách nhiệm hình thành
và tập luyện cho đội bóng cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của thầy giáo dạy môn thể
dục của lớp. Như được cởi trói, lúc đầu em còn ngại ngùng nhưng dần dần em
rất trách nhiệm và vui vẻ hướng dẫn các bạn trong lớp về chiến thuật và cách đá.
Trận đầu lớp tôi gặp lớp 10B và lớp tôi đã thắng với tỉ số 2 – 1 và được tham
gia vào vòng trong. Đó là cả một niềm vui lớn, nhưng vui nhất phải nói đến bản
thân em Thanh, bố em - người đã đến ủng hộ con trai mình từ đầu trận đấu cùng
với giáo viên chủ nhiệm như tôi.
Từ một đứa trẻ có biểu hiện trầm cảm hay cáu gắt, nóng tính, buồn vô
vọng, khó tập trung, thiếu năng lượng trong cuộc sống em đã trở thành một đứa
trẻ tự tin, bản lĩnh trên sân đấu. Những nụ cười rạng rỡ bắt đầu xuất hiện trở lại
12
ngày càng nhiều trên gương mặt điển trai của em và em trở thành tâm điểm của
trận đấu, là chủ đề bàn tán của các bạn gái trong trường bởi cả 2 bàn thắng ghi
vào côn đối phương em đều là tác giả. Nhìn thấy con mình vui vẻ, phấn khích
trở lại bố Thanh mừng rơi nước mắt nói với tôi: “Gia đình thật sự cảm ơn thầy,
cảm ơn thầy! Chúng tôi sinh ra cháu nhưng vì không hiểu biết nên làm mất
đi nụ cười của con trẻ. Chính thầy là người đã lấy lại nụ cười, sự tươi vui cho
cháu. Một lần nữa gia đình biết ơn thầy”. Anh bắt tay tôi trong sự chân thành
cảm tạ. Tôi cười và nói: “Đó là trách nhiệm của giáo viên chúng em, hãy tôn
trọng và tạo điều kiện cho cháu phát triển thật sự tự nhiên nhé anh”.
Từ những hoạt động đó tôi nhận thấy đối với trẻ có triệu chứng trầm cảm
thì hãy đưa các em tham gia trải nghiệm các hoạt động thể thao từ thể thao và
nhờ có thể thao các em sẽ tìm lại được chính mình. Đó là thực tế đã được tôi
chứng minh và em Thanh ở lớp 10A do tôi chủ nhiệm là một minh chứng cụ thể.
Hình ảnh mang tích chất minh họa
2.3.6 Giải pháp thứ 6:
Tạo điều kiện để các em tham gia hoạt động xã hội, đặc biệt là hoạt
động từ thiện nhân đạo.
“ Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”(4).
Nhân nghĩa là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt
Nam, hãy cho đi tình yêu thương để nhận lại gấp trăm ngàn sự yêu thương đó.
Đó là tính nhân văn trong mối quan hệ giữa con người với con người. Hãy tổ
chức để các em tham gia nhiều các hoạt động xã hội, giúp đỡ mọi người trong
xã hội để các em nhận thấy mình thật giá trị và cuộc sống thật sự ý nghĩa.
Người thành công không phải là người đứng trên đôi vai người khác để
phát triển mà người thành công là người nâng đỡ người khác trên đôi vai của
chính mình. Thật vậy, khi một người không thực sự cảm nhận được giá trị của
mình trong cuộc sống thì hãy giúp họ tham gia các hoạt động xã hội, hãy giúp
đỡ những người khác khó khăn hơn mình, tôi nghĩ sẽ có tác động tích cực.
Trường THPT Ngọc Lặc đóng bên cạnh bệnh viện ĐKKV Ngọc Lặc - một bệnh
viện lớn của khu vực niềm núi Thanh Hóa. Ở đây có rất nhiều hoàn cảnh đáng
thương, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nhà họ hầu hết rất
nghèo và túng đói nhưng dù vậy nhưng họ vẫn khát khao sống. Đưa Thanh đi
cùng và gặp gỡ những con người như vậy quả là một giải pháp giáo dục thực tế
13
tốt hơn bất cứ cuốn sách lý luận về đạo đức hay lý tưởng sống nào có trên trai
đất. Sau vài lần đi giúp đỡ các bệnh nhân hiểm nghèo tại bệnh viện tôi nhận thấy
bản thân em không còn buồn vô vọng nữa, thậm chí em còn mong tôi sẽ cho em
tham gia các hoạt động khác khi có thể. Tôi đồng ý và hướng dẫn em thành lập
tổ chức giúp đỡ trẻ em nghèo trong huyện với những chiếc áo mà các em không
dùng. Em rất vui vẻ và tích cực tham gia, tổ chức do các em lập ra đã mang
niềm vui đến cho rất nhiều em nhỏ trong vùng. Mặc dù làm công tác xã hội,
công tác nhân đạo rất mệt nhưng các em thật vui và thấy cuộc sống của mình
thật sự ý nghĩa, đặc biệt đối với những học sinh đang mắc chứng trầm cảm,
những cá nhân đang thu mình và cảm thấy cuộc sống của mình vô nghĩa.
Hình ảnh mang tích chất minh họa
2.3.7 Giải pháp thứ 7:
Duy trì can thiệp đồng thời xây dựng tốt hệ thống liên lạc giữa gia
đình và nhà trường đặc biệt là với giáo viên chủ nhiệm lớp. Động viên học
sinh có biểu hiện trầm cảm thực hiện nghiêm túc những chỉ dẫn trị liệu và đến
gặp nhà chuyên môn đều đặn như kế hoạch. Trao đổi thường xuyên với gia đình
về học tập, hành vi, cảm xúc của học sinh cũng như các chiến lược hỗ trợ trẻ vị
thành niên mà nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và gia đình đang thực hiện.
Sẽ là hoang tưởng và không thực tế nếu giáo viên không thuyết phục được
gia đình và bản thân trẻ mắc bệnh trầm cảm đến gặp chuyên gia tâm lý hay bác
sỹ tâm thần. Họ là những chuyên gia tâm lý, họ có chuyên môn rất sâu về lĩnh
vực này đồng thời có những phương pháp hết sức đặc thù, riêng biệt dành riêng
cho trẻ vị thành niên mắc bệnh trầm cảm.
Bản thân em Thanh lớp tôi nhanh chóng trở lại là chính mình vì gia đình đã kịp
thời đưa em đến gặp bác sỹ, chuyên gia tâm lý khi em mới có biểu hiện ban đầu
của căn bệnh trầm cảm, đồng thời có sự hỗ trợ kịp thời của giáo dục nhà trường
bạn bè, đặc biệt là sự nỗ lực vượt qua bệnh lý của bản thân em. Nên em nhanh
chóng lấy lại được sự tự tin vốn có trong vòng 6 tháng và trở thành một học sinh
bình thường như bao học sinh THPT khác.
2.4 Hiệu quả của sáng kiến:
Đối với hoạt động giáo dục của bản thân: Từ một học sinh đang có biểu
hiện cáu kỉnh, tức giận, thu mình khỏi tập thể và gia đình, bất an, dễ kích động,
mệt mỏi thiếu năng lượng, có ý định bỏ nhà ra đi, em đã trở lại là một học sinh
bình tĩnh, tự tin bản lĩnh và tích cực tham gia các hoạt động tập thể để có cơ hội
14
thể hiện mình như những học sinh cùng trang lứa. Từ đó bản thân tôi nhận thấy
mình đã sử dụng phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh đang có biểu hiện
trầm cảm từ đó góp vào sổ tay kinh nghiệm của mình một mốc son mới trong
cuộc đời làm giáo dục của bản thân.
Đối với đồng nghiệp: Từ bài học của bản thân lần đầu và sự thành công
về sau tôi đã giúp cho một số đồng nghiệp trong trường trong công tác chủ
nhiệm khi gặp đối tượng học sinh có biểu hiện trầm cảm và họ cũng đã thành
công như đồng chí Hương, đồng chí Hoàng, đồng chí Nhung…và được mọi
người tâm đắc giới thiệu cho các đồng nghiệp khác cùng tham khảo.
Đối với giáo dục huyện nhà: Với những giải pháp đặc thù và kinh nghiệm
giáo dục hỗ trợ học sinh có biểu hiện trầm cảm của tôi, đặc biệt sự thành công
ngoài mong đợi trong giáo dục học sinh Phạm Nhật Thanh đã giúp cho số lượng
học sinh trong trường bỏ học giữa chừng giảm đi phần nào, tình trạng học sinh
đánh nhau, học sinh có ý định bỏ nhà đi hoặc tự ty, thu mình trước tập thể hạ
thấp, hơn thế sự “khó chịu” của các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục
cũng giảm bớt vì thông qua bài viết của tôi họ hiểu rằng những biểu hiện “khó
dạy”, bất trị ngỗ ngược ở học sinh vị thành niên chỉ là một giai đoạn ngắn xuất
hiện trong cuộc đời của một con người còn xu hướng vận động của mọi sự vật,
hiện tượng trên thế giới này vẫn là cái mới tốt đẹp hơn sẽ ra đời thay thế cái cũ
lỗi thời lạc hậu.
III. Kết luận, kiến nghị
3.1 Kết luận:
Trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên không phải căn bệnh nan y không có
phương pháp điều trị mà đó là một căn bệnh tâm lý dễ mắc phải khi các em bị
sức ép về tinh thần quá lớn trong khi bản lĩnh văn hóa của các em chưa thực sự
vững vàng hay sự thay đổi về hoóc môn tâm sinh lý trong cơ thể của mỗi con
người dẫn đến biểu hiện buồn vô vọng, bất an, dễ kích động, thu mình, hay cáu
kỉnh…tất cả những biểu hiện đó nó sẽ mất đi nếu chúng ta phát hiện và có giải
pháp điều trị kịp thời và phù hợp bởi các chuyên gia, song để người bệnh nhanh
chóng phục hồi quay lại là chính mình thì sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình, bạn bè
và thầy cô là hết sức cần thiết. Thầy cô, bạn bè và gia đình với sự hỗ trợ giúp đỡ
bằng cách gần gũi, thông cảm, thấu hiểu và công nhận cảm xúc, nhẹ nhàng
nhưng kiên định, lắng nghe nhưng tuyệt đối không thuyết giảng, khuyến
khích và tạo điều kiện cho các em hoạt động thể chất, tham gia nhiều các
hoạt động xã hội tình nguyện nhân đạo giúp đỡ mọi người trong xã hội, duy
trì can thiệp của các chuyên gia, đồng thời dạy trẻ các kĩ năng, đặc biệt là kĩ
năng giải quyết vấn đề, kĩ năng đặt mục tiêu…sẽ là những thang thuốc quý,
bổ dưỡng và cần thiết hỗ trợ cho người đang có biểu hiện trầm cảm ở lứa tuổi vị
thành niên. Quả đúng: “Với thời gian và kiên nhẫn, lá dâu xanh cũng biến thành
lụa đẹp”(4).
3.2 Kiến nghị:
15
Hiện nay xã hội có rất nhiều thay đổi, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp
đến học sinh, đến đối tượng lao động của nghề dạy học. Vì vậy bản thân tôi đề
nghị với các nhà khoa học, các cơ quan chức năng thường xuyên nghiên cứu
thực tiễn, các hiện tượng mới nảy sinh trong thế hệ trẻ và tìm ra giải pháp sau đó
nghiêm chỉnh tập huấn cho tất cả các giáo viên biết và thực hiện, tránh để giáo
viên phải tự mò mẫm để tìm ra hướng đi cho mình bởi vấn đề này phụ thuộc rất
nhiều vào trình độ cũng như cảm nhận của mỗi cá nhân.
Thường xuyên tổ chức cho các chuyên gia tâm lý lứa tuổi trao đổi trực
tiếp với các giáo viên và phụ huynh học sinh tại các trường học như vậy nó sẽ
hiệu quả hơn nhiều việc cử đại diện tập huấn tại tỉnh nhà vì khả năng và trình độ
của người được cử đi có hạn. Hơn thế việc triển khai nội dung tập huấn tại các
đơn vị cơ sở hiện nay còn mang tính hình thức chưa thực sự hiệu quả.
Để thực hiện tốt việc tư vấn cho học sinh đang mắc bệnh trầm cảm đòi hỏi
giáo viên phải biết về vấn đề trẻ vị thành niên, nhận diện được vấn đề. Do đó
cần đọc, tìm hiểu thông tin về trầm cảm trên internet và các tài liệu có liên quan
để chính mình trở thành “chuyên gia”. Càng biết nhiều bạn càng có thể tư vấn,
hỗ trợ hiệu quả cho các em. Giúp các em hiểu được rằng các em không đơn độc
và khuyến khích các em sẵn sàng đi gặp các nhà chuyên môn.
Kiến nghị cuối cùng đó là việc lưu giữ, phổ biến và thực hiện các sáng
kiến, đặc biệt là sáng kiến chủ nhiệm, sáng kiến có tính khoa học và hiệu quả
cao bởi bản thân tôi nghĩ để có một sáng kiến hiệu quả thì nó đã được thẩm định
qua thực tế nhiều lần, do đó ta cần công bố để mọi người học tập tránh trường
hợp sáng kiến hay, đạt giải cao lại để trong tủ của cơ quan quản lý thì nó chẳng
có giá trị gì ngoài giá trị là căn cứ để xét thi đua của các cá nhân giáo viên mà
thôi. Tôi thiết nghĩ hiện nay việc đưa sáng kiến lên mạng internet phổ biến cho
tất cả mọi người, đặc biệt là giáo viên không hề khó. Kính mong các cấp có
thẩm quyền xem xét và thực hiện để những giáo viên miền núi “xa ánh sáng văn
minh” như chúng tôi có thêm một kênh tri thức thực tiễn để học tập, để tham
khảo.
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG
ĐƠN VỊ
Thanh hóa, ngày 17 tháng 5 năm 2017
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của
tôi viết, không sao chép nội dung của
người khác.
Lê Văn Nam
16
TÀI LIỆU THAM KHẢO
*********
(1). Hiến pháp – 2013, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà nội 2013.
(2). Tâm lý học đường – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ( PGS. TS
Lê Khanh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế) Hà nội 2009.
(3). Tài liệu tập huấn giáo viên chủ nhiệm và công tác tư vấn tâm lý –
giáo dục cho học sinh trung học ( Bộ giáo dục và đào tạo – chương
trình phát triển giáo dục phổ thông)
(4). Thành ngữ Việt Nam.
(5). Tham khảo một số tài liệu trên mạng Internet:
- Nguồn: http//vietnamnet.vn
- Nguồn: tham vấn tâm lý.net
- Nguồn: https//wwwgoogl.com.vn
- Nguồn: http//dantri.com.vn
(6). Danh ngôn thế giới – Đông tây kim cổ, Nhà xuất bản văn hóa –
thông tin, Hà nội 1999.
17