Tải bản đầy đủ (.docx) (151 trang)

Truyện ngắn Bùi Thị Như Lan (LV thạc sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (601.46 KB, 151 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
–––––––––––––––––––––

BÙI THỊ THANH HUYỀN

TRUYỆN NGẮN BÙI THỊ NHƯ LAN
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 01 21

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Trần Thị Việt Trung

THÁI NGUYÊN – 2017.


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận văn “Truyện ngắn Bùi Thị Như Lan” là kết quả
nghiên cứu của riêng tôi, hoàn toàn không sao chép của bất cứ ai. Các kết quả
của đề tài là trung thực và chưa được công bố ở các công trình khác
Nội dung của luận văn có sử dụng tài liệu, thông tin được đăng tải trên các
tác phẩm, tạp chí, các trang web theo danh mục tài liệu tham khảo của luận văn.
Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Thái Nguyên, tháng 4 năm 2017
Tác giả luận văn

Bùi Thị Thanh Huyền



ii


LỜI CẢM ƠN

Em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới PGS.TS Trần Thị Việt Trung –
công tác tại Đại học Thái Nguyên về sự hướng dẫn tận tình, đầy đủ, chu đáo và
đầy tinh thần trách nhiệm của cô trong toàn bộ quá trình em thực hiện và hoàn
thành luận văn.
Em xin trân trọng cảm ơn sự tạo điều kiện giúp đỡ của Ban Chủ nhiệm
khoa Ngữ Văn và các thầy cô giáo Phòng Đào tạo - Trường Đại học Sư phạm
Thái Nguyên đã giúp đỡ em thực hiện Đề tài luận văn này.
Em cũng xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã động
viên và nhiệt tình giúp đỡ em trong suốt thời gian học tập và hoàn thành luận
văn này.

Thái Nguyên, tháng 4 năm 2017
Tác giả luận văn

Bùi Thị Thanh Huyền


MỤC LỤC
Lời cam đoan........................................................................................................ i
Lời cảm ơn...........................................................................................................ii
Mục lục...............................................................................................................iii
MỞ ĐẦU.............................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài............................................................................................. 1
2. Lịch sử vấn đề..................................................................................................3

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu................................................................... 7
4. Nhiệm vụ nghiên cứu.......................................................................................7
5. Phương pháp nghiên cứu.................................................................................8
6. Cấu trúc của đề tài........................................................................................... 8
NỘI DUNG.........................................................................................................9
Chương 1: VÀI NÉT VỀ VĂN XUÔI DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ NHÀ
VĂN NỮ DÂN TỘC TÀY - BÙI THỊ NHƯ LAN...........................................9
1.1. Vài nét khái quát về văn xuôi dân tộc thiểu số thời kì hiện đại....................9
1.2. Nhà văn nữ quân đội dân tộc Tày - Bùi Thị Như Lan................................22
1.2.1. Vài nét về nhà văn Bùi Thị Như Lan.................................................................22
1.2.2. Bùi Thị Như Lan - nữ nhà văn quân đội miền núi.............................................25
TIỂU KẾT......................................................................................................... 29
Chương 2: THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN BÙI
THỊ NHƯ LAN................................................................................................ 31
2.1. Hình tượng người phụ nữ dân tộc thiểu số trong truyện ngắn Bùi Thị
Như Lan.............................................................................................................31
2.1.1. Người phụ nữ miền núi với vẻ đẹp khỏe mạnh, tự nhiên, rực rỡ, đậm chất dân
tộc và miền núi...................................................................................................32
2.1.2. Người phụ nữ DTTS trước khó khăn, thách thức của cuộc sống thời
kỳ hiện đại và hội nhập......................................................................................41
2.2. Hình tượng người lính miền núi - nét riêng trong sáng tác của Bùi

Thị

Như Lan.............................................................................................................47
iv


2.2.1.Những người lính miền núi trong quân ngũ............................................. 48
2.2.2. Người lính miền núi trong cuộc sống đời thường....................................52

TIỂU KẾT......................................................................................................... 56
Chương 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ NGHỆ THUẬT................................ 58
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật....................................................................58
3.1.1. Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật qua yếu tố ngoại hình...............58
3.1.2. Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật qua hành động..........................63
3.1.3. Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ nhân vật.. 67 3.2.

Nghệ thuật xây dựng cốt truyện.........................................................................75
3.2.1. Cốt truyện theo thời gian tuyến tính.................................................................. 76
3.2.2. Cốt truyện theo thời gian gấp khúc, đảo lộn......................................................80
3.2.3. Cốt truyện vừa mang tính hiện thực vừa mang tính huyền ảo...........................88
3.3. Một số đặc điểm về ngôn ngữ nghệ thuật...................................................91
3.3.1. Ngôn ngữ dung dị, đời thường mang đậm chất dân tộc, miền núi..........92
3.3.2. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu chất so sánh, liên tưởng mang màu sắc miền núi
97
TIỂU KẾT......................................................................................................... 99
KẾT LUẬN.....................................................................................................101
TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................................105

v


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Văn học các dân tộc thiểu số (DTTS) là một bộ phận cấu thành quan
trọng của nền văn học Việt Nam. Văn học các DTTS cũng có một vị trí đặc biệt
trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại - bởi nó là tiếng nói văn học của 53
dân tộc anh em bên cạnh tiếng nói văn học của dân tộc Kinh. Hơn nửa thế kỉ
qua, mảng văn học này cũng đã có những đóng góp đáng kể đối với nền văn
học nước nhà với những thành tựu nổi bật, thể hiện ở sự đông đảo của đội ngũ

sáng tác, sự phong phú của các tác phẩm văn học và sự đặc sắc về nội dung
phản ánh và nghệ thuật thể hiện.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu bộ phận văn học này cho đến nay vẫn chưa
có sự tương xứng với vị trí và tầm vóc của nó. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ cùng
các tác phẩm văn chương của họ vẫn chưa được nhiều người biết đến. Vì vậy,
việc nghiên cứu về bộ phận văn học này là rất cần thiết, nhất là nghiên cứu tác
phẩm, tác giả cụ thể. Nếu nghiên cứu thành công bộ phận văn học này sẽ góp
phần giới thiệu cho đông đảo độc giả của cả nước có thêm sự hiểu biết, sự trân
trọng đối với bộ phận văn học này.
Trong văn học DTTS Việt Nam hiện đại, ngoài thể loại thơ được đánh
giá có nhiều thành tựu nhất bởi hàng loạt các tên tuổi như: Nông Quốc Chấn,
Bàn Tài Đoàn, Y Phương, Mã A Lềnh, Lò Ngân Sủi, Pờ Sảo Mìn, Nông Thị
Ngọc Hòa, Bùi Tuyết Mai, Inrasara… thì văn xuôi - đặc biệt là ở thể loại truyện
ngắn và tiểu thuyết cũng đã có một quá trình phát triển khá mạnh mẽ, đạt được
những thành tựu đáng ghi nhận, đáng được tự hào, với các tên tuổi như: Nông
Minh Châu, Vi Hồng, Triều Ân, Vi Thị Kim Bình, La Quán Miên, Hà Thị Cẩm
Anh, Cao Duy Sơn, Kha Thị Thường, Sa Phong Ba, Y Phương, Kim Nhất, Hữu
Tiến, Linh Nga Niek Đam, Đoàn Thị Ngọc Minh, Bùi Thị Như Lan… Trong đó
nổi lên 2 cây bút đã được nhận nhiều giải thưởng cao là: Nhà văn Vi Hồng - Giải

6


thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và nhà văn Cao Duy Sơn - Giải thưởng
Asean về Văn học .
Trong đội ngũ các nhà văn, nhà thơ DTTS này đã có nhiều người được
bạn đọc và các nhà nghiên cứu, phê bình biết đến, giới thiệu, nghiên cứu… Tuy
nhiên, trong đó cũng còn có nhiều tác giả, tác phẩm chưa được chú ý nghiên cứu
để khẳng định những đóng góp của họ đối với sự phát triển, sự phong phú và sự
đặc sắc của văn học dân tộc thiểu số. Tác giả Bùi Thị Như Lan là một trường

hợp nhà văn như thế.
Trong các cây bút nữ DTTS - nhà văn Bùi Thị Như Lan là một trong
những nhà văn nữ thuộc thế hệ sau, còn khá trẻ và sung sức (sinh năm 1967),
và là cây bút nữ hiếm hoi trong quân đội (thuộc Quân khu I - Quân khu miền
núi phía Bắc). Do đó, ngoài những đặc điểm chung có thể thấy ở các nhà văn
nữ DTTS khác thì các sáng tác của nhà văn quân đội Bùi Thị Như Lan còn có
những nét đặc trưng riêng, thể hiện rõ được phong cách nghệ thuật riêng của
chị. Và đồng thời, đó cũng là những đóng góp riêng, có ý nghĩa cuả nhà văn
dân tộc Tày này đối với văn xuôi nữ DTTS nói riêng và văn xuôi các DTTS
nói chung.
Bùi Thị Như Lan là một trong những cây bút viết Truyện ngắn xuất sắc
của tỉnh Thái Nguyên. Tác phẩm của chị cũng đã được đưa vào giới thiệu trong
phần Văn học địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Chị cũng là một trong những
nữ nhà văn đầu tiên của tỉnh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chị có
sở trường viết truyện ngắn và chị đã có khá nhiều Tập truyện ngắn đạt Giải
thưởng quốc gia và khu vực.
Bùi Thị Như Lan là cây bút nữ DTTS có sức viết khỏe, chị đã xuất bản 8
tập truyện ngắn và 1 tập bút kí. Tác phẩm của chị đậm màu sắc dân tộc và miền
núi (ở đây là dân tộc Tày), lại có “chất lính” khá rõ rệt. Do đó, tác phẩm của chị
có một nét rất riêng bên cạnh những nét chung của các cây bút DTTS khác. Vì
vậy, có một số độc giả đã biết tới tác phẩm của chị, đã yêu mến và bước đầu có
người giới thiệu, nghiên cứu về sáng tác của chị. Tuy nhiên cho tới nay vẫn


chưa có một công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách hệ thống, toàn
diện về sự nghiệp sáng tác của chị; cũng như chưa chỉ ra được những nét đặc
sắc cùng những đóng góp nhiều mặt của chị đối với văn học DTTS nói chung,
văn xuôi DTTS nói riêng.
Chính vì những lý do trên, chúng tôi đã lựa chọn việc nghiên cứu về tác
giả Bùi Thị Như Lan làm đề tài Luận văn Thạc sĩ của mình, bởi nếu giải quyết

tốt đề tài này, chúng tôi sẽ đạt được một số mục đích sau:
- Đem đến bạn đọc một sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn và có sự đánh giá
chính xác hơn về những đóng góp đáng trân trọng của nhà văn nữ dân tộc Tày Bùi Thị Như Lan đối với văn học DTTS tỉnh Thái Nguyên nói riêng, văn học
DTTS Việt Nam hiện đại nói chung .
- Nếu đề tài này thành công sẽ là một tài liệu tham khảo có ích, phục vụ cho việc
học tập và nghiên cứu những tác giả, tác phẩm văn học địa phương tỉnh Thái
Nguyên cho đội ngũ giáo viên và học sinh tỉnh Thái Nguyên nói riêng cũng như
của cả khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
2. Lịch sử vấn đề
Bùi Thị Như Lan là một tác giả nữ có một sự nghiệp văn chương khá nổi
trội trong các cây bút nữ DTTS Việt Nam thời kì hiện đại. Cho tới nay, chị đã có
9 tập truyện , trong đó có 8 tập truyện ngắn và 1 tập bút kí (Tiếng chim kỷ
giàng, Hoa miá , Mùa hoa mắc mật, Bồng bềnh sương nú i, Lời sli vắt ngang
núi,
Cọn nước đôi, Mùa hoa Bjooc phạ, Tiếng kèn Pílè và Những con đường sau
lặng im tiếng súng.). Trong đó có một số Truyện ngắn và Tập truyện ngắn được
nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật các
DTTS Việt Nam, của Tạp chí Văn nghệ quân đội, của Tổng cục Chính trị và
của tỉnh Thái Nguyên…
Tuy nhiên việc nghiên cứu về nhà văn Bùi Thị Như Lan cùng các tác
phẩm của chị hiện vẫn còn ở mức độ khiêm tốn. Chúng tôi sẽ phác họa cụ thể
về tình hình nghiên cứu, phê bình, tác giả, tác phẩm Bùi Thị Như Lan như sau:


2.1. Tác giả Bùi Thị Như Lan được nhắc tới trong các công trình nghiên cứu về Văn
học DTTS Việt Nam hiện đại nói chung, hoặc về văn xuôi DTTS nói riêng. Cái
tên Bùi Thị Như Lan đã được các tác giả nhắc đến như là một đại diện tiêu biểu
của các cây bút có nhiều đóng góp cho văn xuôi DTTS cuối những năm 90, đầu
những năm thế kỉ XXI. Có thể kể tên một số công trình, những bài nghiên cứu
đó như: “40 năm văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” (của

Phong Lê), “Văn học và miền núi” (của Lâm Tiến - Hoàng Văn An), “Văn học
các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại” (của Lâm Tiến),“Văn học dân tộc
thiểu số Việt Nam thời kì hiện đại - một số đặc điểm” (của Trần Thị Việt Trung
- Cao Thị Hảo), “Hiện đại mà dân tộc” (của Ma Trường Nguyên), “Bản sắc
văn hóa dân tộc trong văn xuôi của các nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam”
(của Đào Thủy Nguyên, Dương Thu Hằng)…
2.2. Đã có một số bài viết đăng trên báo chí, giới thiệu, nhận xét, đánh giá về tác
phẩm, tác giả Bùi Thị Như Lan của một số nhà phê bình, hoặc của các đồng
nghiệp của chị.. Ví dụ như nhà nghiên cứu phê bình: Bùi Việt Thắng với bài
viết: “Những màu sắc của núi rừng”, (Đọc Tiếng kèn pí lè - truyện ngắn Bùi
Thị Như Lan) - được đăng trên Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần, 2015 - viết
về Tập truyện ngắn Tiếng kèn Pí lè: “Tiếng kèn pí lè là tập truyện ngắn thứ
tám của Bùi Thị Như Lan trong vòng mười hai năm (2003-2015). Như thế cũng
đủ để thấy nữ nhà văn trung thành với thể loại “nhỏ”. Cũng có thể nói chính
thể loại chọn nhà văn. Nữ sỹ quan (trung tá) - nhà báo (công tác tại Báo Quân
khu I) - nhà văn này người dân tộc Tày. Đọc truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan,
riêng tôi, có được cái cảm xúc đặc biệt về những sắc màu, âm thanh, đường
nét, mùi vị của không gian rừng núi. Hay nói cách khác là một “ngoại cảnh”
đặc sắc thường ít thấy xuất hiện trong văn chương/văn xuôi đương đại. Mười
truyện trong tập Tiếng kèn pílè tôi hình dung như mười ngón tay của của hai
bàn tay một người đan quyện bền chặt trong bất kì hành động nào….”[42]; Hồ
Thủy Giang có bài viết về “Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Hoa


Mía của Bùi Thị Như Lan” đăng trên Báo Văn nghệ Thái Nguyên:“Hoa mía”
là một câu chuyện buồn, phảng phất phong vị dân gian. Chất dân gian đã tạo
cho truyện một không khí như nửa thức, nửa mơ; nửa hiện đại, nửa hoang sơ;
nửa hiện thực, nửa huyền ảo. Đây cũng là một nét mạnh của “Hoa mía”. Tuy
nhiên, ở bài viết này tôi lại muốn khơi sâu hơn vào phân tích việc sử dụng
không gian truyện đầy hiệu quả của tác giả….”[9] ; Nông Thị Ngọc Hòa với

bài viết “Tiếng kèn pí lè của người gái bản” đăng trên Báo Văn nghệ Thái
Nguyên: “Vẫn những mạch nguồn dào dạt từ những tập trước - Tiếng kèn Pílè
phản ánh cuộc sống mưu sinh vất vả của người miền núi, nhưng cũng đầy sự
lãng mạn, nặng tình yêu thương, bao dung,nhân ái và cao thượng.
Mở đầu tập truyện là Lá bùa đỏ - Lá bùa định mệnh biến gã trai bản
hồn nhiên như cây cỏ trải những thăng trầm, lĩnh án tù bởi sự thiếu hiểu biết
về pháp luật. Sự trở về sau khi thụ án của Lình đã khép lại một trang buồn
để mở tiếp những trang vui.
Ngọt ngào những câu dân ca, đắng đót bao số phận: Lời Sli trôi trong
trăng như một trò đùa số phận khiến cặp sơn nữ song sinh đẹp như hoa như
mộng, giống nhau như hai giọt nước gặp nhiều oan trái. Sự nhầm lẫn tai hại đã
khiến Sang (cô chị) được gả cho chàng trai bản khác. Đêm tân hôn ngọt ngào tận
hiến, qua phút giây nồng nàn, người chồng mân mê bàn tay vợ thấy không có
ngón tay thừa - đặc điểm duy nhất để nhận biết sự khác nhau với Sao (cô em),
người đã cùng anh trao gửi yêu thương qua bao mùa trăng hò hẹn. Cay đắngcủa
Sang là duy nhất sau một lần làm vợ mà với chồng cứ như người xa lạ. Cay
đắng những đêm Sli để Sao nuôi con một mình….”[13]
Đó là những lời nhận xét, đánh giá rất đúng, rất trúng và khá tinh tế của
các nhà phê bình, các bạn văn của Như Lan về văn chương của chị. Tuy nhiên,
trong những bài viết này các tác giả trên chưa đi sâu nghiên cứu một cách hệ
thống, đầy đủ các tác phẩm của nhà văn quân đội Bùi Thị Như Lan. Hầu như
đó mới chỉ là những đánh giá, nhận xét về một tác phẩm, hoặc một khía cạnh


trong các sáng tác của chị, chưa phát hiện ra hết những nét độc đáo cùng những
đóng góp kể về nội dung và nghệ thuật trong các sáng tác của chị đối với sự
vận động và phát triển của văn xuôi DTTS thời kỳ hiện đại.
2.3. Tác giả Bùi Thị Như Lan cũng đã được nhắc đến , được khẳng định như là một
cây bút văn xuôi DTTS tiêu biểu thời kì sau năm 2000 trong các luận văn Thạc
sỹ, luận án Tiến sĩ viết về đề tài văn học dân tộc và miền núi. Ví dụ như Luận

án Tiến sĩ của Cao Thị Thu Hoài với đề tài “Nửa thế kỷ phát triển văn xuôi các
dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam khoảng từ 1960 đến nay”; Luận
văn Thạc sĩ của Cao Thị Hồng Vân với đề tài “Con người trong văn xuôi miền
núi của các tác giả trẻ đương đại Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy và Phạm Duy
Nghĩa” (2012); Khóa luận tốt nghiệp của Bùi Thị Lương với đề tài: “Thế giới
nghệ thuật trong truyện ngắn của Bùi Thị Như Lan (2015)…
* Qua việc khảo sát tình hình nghiên cứu, phê bình về tác giả Bùi Thị
Như Lan cùng các sáng tác của chị, chúng tôi có nhận xét như sau: Mặc dù đây
là một tác giả nữ DTTS có nhiều tác phẩm khá đặc sắc, có những đóng góp
đáng trân trọng và có phong cách riêng khá độc đáo, nhưng cho đến nay việc
nghiên cứu về tác giả nữ DTTS này còn ở tình trạng sơ sài, lẻ tẻ, chưa toàn diện,
chưa có tính hệ thống. Chính vì vậy chúng tôi thấy rằng, rất cần phải có một
công trình nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện, chỉ ra những đặc điểm,
những nét đặc trưng trong sáng tác của nhà văn nữ DTTS Bùi Thị Như Lan;
đồng thời qua đó để độc giả có một sự hiểu biết cụ thể hơn và đầy đủ hơn về
những tác phẩm cũng như về những đóng góp chung của nhà văn nữ DTTS này
đối với văn xuôi DTTS trong quá trình phát triển, nhất là trong giai đoạn đầu
thế kỉ XXI. Do đó, chúng tôi đã lựa chọn vấn đề nghiên cứu về Truyện ngắn
Bùi Thị Như Lan làm đề tài Luận văn Thạc sĩ của mình, với hi vọng: Sẽ góp
phần nghiên cứu một cách hệ thống hơn, toàn diện hơn về nhà văn nữ DTTS
đồng thời cũng là nhà văn quân đội vùng miền núi phía Bắc này.


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Đối tượng nghiên cứu của luận văn là: Nghiên cứu những đặc điểm cơ bản về
nội dung và nghệ thuật trong các tác phẩm của Bùi Thị Như Lan (8 tập truyện
ngắn).
* Phạm vi nghiên cứu: Toàn bộ truyện ngắn của nhà văn Bùi Thị Như Lan, bao
gồm 8 tập truyện ngắn, cụ thể là các tác phẩm sau:
- Tiếng chim kỷ giàng - Tập truyện ngắn - Nxb Quân đội nhân dân năm 2003

- Mùa hoa mắc mật - Tập truyện ngắn - Nxb Thanh niên năm 2005
- Hoa mía - Tập truyện ngắn - Nxb Thanh niên năm 2006
- Lời sli vắt ngang núi - Tập truyện ngắn - Nxb Quân đội nhân dân năm 2008
- Bồng bềnh sương núi - Tập truyện ngắn - Nxb văn hóa dân tộc năm 2009
- Cọn nước đôi - Tập truyện ngắn - Nxb Quân đội nhân dân năm 2012
- Mùa hoa Bjooc phạ - Tập truyện ngắn - Nxb Kim đồng năm 2013
- Tiếng kèn Pí lè - Tập truyện ngắn - Nxb Quân đội nhân dân năm 2015
- Bên cạnh đó, chúng tôi còn khảo sát một số truyện ngắn của một số cây bút nữ
DTTS khác để so sánh đối chiếu (như truyện ngắn của Vi Thị Kim Bình, Hà Thị
Cẩm Anh, Kha Thị Thường, Kim Nhất, Linh Nga Niếc Đam, Đoàn Ngọc
Minh…)
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Luận văn có nhiệm vụ chỉ ra những đặc điểm cơ bản trong sáng tác của Bùi
Thị Như Lan (cả phương diện nội dung và phương diện nghệ thuật ở thể loại
Truyện ngắn)
- Đưa ra những nhận xét, đánh giá một cách khách quan, khoa học về những giá trị
của các tác phẩm, cũng như đóng góp đáng trân trọng của nhà văn nữ DTTS Bùi
Thị Như Lan đối với văn xuôi các DTTS Việt Nam thời kỳ hiện đại, đặc biệt ở
thời kỳ sau năm 2000 cho đến nay.


5. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn, chúng tôi đã sử dụng
các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:
- Phương pháp phân tích tổng hợp (phân tích tác phẩm, tác giả)
- Phương pháp khảo sát, thống kê
- Phương pháp so sánh, đối chiếu
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành (văn học, văn hóa, lịch sử...)
- Vận dụng một số thao tác nghiên cứu của Thi pháp học.
6. Cấu trúc của đề tài

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, phần Nội dung chính
của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Vài nét về văn xuôi dân tộc thiểu số và nhà văn nữ dân tộc
Tày - Bùi Thị Như Lan
Chương 2: Đặc điểm truyện ngắn Bùi Thị Như Lan nhìn từ phương
diện nội dung
Chương 3: Một số đặc điểm về nghệ thuật


NỘI DUNG
Chương 1
VÀI NÉT VỀ VĂN XUÔI DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ NHÀ VĂN NỮ
DÂN TỘC TÀY - BÙI THỊ NHƯ LAN
1.1. Vài nét khái quát về văn xuôi dân tộc thiểu số thời kì hiện đại
Văn học dân tộc thiểu số (DTTS) hiện đại là một bộ phận nằm trong
dòng chảy của văn học Việt Nam hiện đại, bao gồm các sáng tác của tác giả
người dân tộc thiểu số và chủ yếu viết về đề tài dân tộc và miền núi.
Đầu thế kỉ XX, cùng với sự hình thành và phát triển của nền văn học
Quốc ngữ, văn học viết về đề tài dân tộc và miền núi cũng xuất hiện và dần
khẳng định vị trí với sự tham gia của nhiều tác giả là người dân tộc Kinh, ví dụ
như: Thế Lữ, Lan Khai, Nguyễn Tuân…; giai đoạn sau năm 1945 có: Nam Cao,
Tô Hoài, Nguyễn Trung Thành…; và từ năm 1975 đến nay có Nguyễn Huy
Thiệp, Ma Văn Kháng, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy... Những tác phẩm của
các tác giả người Kinh này đã khắc họa được bức tranh về con người và cuộc
sống miền núi (Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên....) trong suốt chiều dài lịch sử
từ thời chống Pháp, chống Mỹ và thời hòa bình của đất nước ta. Sự xuất hiện
của các tác giả này với những tác phẩm của họ thực sự là rất quan trọng để
những nhu cầu và khát vọng viết về dân tộc mình bằng văn xuôi của các nhà
văn DTTS có điều kiện được thực hiện. Học tập và kế thừa thành tựu của văn
xuôi người Kinh viết về miền núi, được sự quan tâm cụ thể của Đảng và Nhà

Nước, từ sau kháng chiến chống Pháp, các cây bút văn xuôi DTTS đã dần xuất
hiện và ngày càng khẳng định sự có mặt của mình trong đời sống văn học nước
nhà, nhằm đem lại cho độc giả những hiểu biết chân thực, toàn diện và đầy đủ
hơn về cuộc sống, về con người, về các phong tục tập quán… của đồng bào các
dân tộc ít người ở các vùng trong cả nước.


Như trên đã nói, đầu thế kỷ XX, trên văn đàn văn học Việt Nam đã xuất
hiện một số tác phẩm viết về đời sống sinh hoạt của người dân tộc thiểu số ở
miền núi. Những tác giả đóng góp cho mảng đề tài này đều là người Kinh như:
Thế Lữ với tập truyện Vàng và máu (1934), Lan Khai với Truyện đường
rừng (1940)... Đương thời, những tác phẩm này đã thu hút sự chú ý của người
đọc bởi sự mới mẻ, kì dị, kích thích trí tò mò khám phá của độc giả trước cảnh
sắc của những miền đất xa xôi, hoang dã với những phong tục tập quán lạ kì,
hoặc những hủ tục mông muội, thậm chí là man dợ của những con người và
cộng đồng các DTTS. Nhà văn giống như một người du khách, một lãng tử
muốn khám phá những miền đất còn hoang vu, chiêm ngưỡng những tộc người
còn nhiều bí ẩn đối với những người miền xuôi, người thành phố - nên tác phẩm
thường mang tính chủ quan, không chân thực, giàu tính tưởng tượng và thường
được viết với bút pháp lãng mạn (chủ yếu để gợi trí tò mò của độc giả).
Trước năm 1945, văn xuôi của tác giả người DTTS hầu như chưa xuất
hiện. Từ sau 1945 với các chủ trương, định hướng và đường lối văn nghệ của
Đảng, mảng văn học DTTS được quan tâm phát triển cả về lực lượng sáng tác,
số lượng, chất lượng tác phẩm và đã đạt được những thành tựu đáng kể ở thời
kì này. Ngoài một số tác giả người Kinh có những sáng tác về đề tài miền núi,
dân tộc như: Nam Cao (Nhật kí ở rừng, 1948), Tô Hoài (Vợ chồng A
Phủ, 1952; Cứu đất cứu mường, 1953), Nguyên Ngọc (Đất nước đứng lên,
1954)… thì đã xuất hiện một số tác phẩm của các tác giả người DTTS và từng
bước họ đã gia nhập vào dòng chảy chung của văn xuôi Việt Nam hiện đại vốn trước đây chỉ là “độc quyền” của những cây bút người Kinh. Một thế hệ
nhà văn người dân tộc đã được hình thành trong những năm 50 – 60 (thế kỷ

XX) - khi miền Nam đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Mỹ, miền Bắc xây
dựng Xã hội Chủ nghĩa. Họ hầu hết là những trí thức DTTS thiết tha muốn
đóng góp tiếng nói văn học của mình vào nền văn học chung của dân tộc Việt
Nam bằng sức lực và tài năng của chính mình. Đó là các tác giả Nông Viết


Toại (với tác phẩm :Boỏng tàng tập éo, 1952), Nông Minh Châu (với: Ché Mèn
được đi họp, 1959), Y Điêng (với: Em chờ bộ đội Awa Hồ, 1960), Hoàng Hạc
(với: Ké Nàm, 1963), Triều Ân (với: Tiếng khèn A Pá, 1968), Vi Thị Kim Bình
(với: Những bông huệ trắng, 1968)... Cách mạng, nhân dân và văn hoá dân gian
chính là ba nguồn mạch cảm hứng chủ yếu nuôi dưỡng các cây bút văn xuôi
người dân tộc thiểu số trong những năm tháng cách mạng và trong kháng chiến
chống Pháp, chống Mỹ. Sáng tác của họ luôn bám sát công cuộc cách mạng của
dân tộc, thể hiện sâu sắc ý chí, tình cảm, tâm trạng của người dân miền núi
trong những tháng ngày gian khổ đầy mất mát, hi sinh, nhưng cũng rất oanh
liệt, oai hùng. Phạm vi đề tài phản ánh khá rộng, họ không chỉ viết về miền núi
mà còn viết về miền xuôi, về miền Nam, thậm chí quan tâm cả tới những vấn
đề có tính quốc tế, ngợi ca sự đổi đời của nhân dân các dân tộc và cuộc đấu
tranh thống nhất nước nhà của cả nước.
Văn xuôi thời kỳ này chủ yếu viết về con người, quê hương miền núi.
Đây là giai đoạn mà ý thức về tiếng nói văn học của cộng đồng các DTTS đã
phát triển khá mạnh mẽ. Họ háo hức khám phá với tinh thần tự hào, tự tôn dân
tộc và cũng chính vì thế, văn xuôi DTTS Việt Nam đã dần được định vị và góp
phần xứng đáng vào công cuộc cách mạng (cuộc kháng chiến chống Pháp,
chống Mĩ và xây dựng Xã hội Chủ nghĩa) của đất nước, và đã trở thành một bộ
phận không thể thiếu của nền văn học Việt Nam thời kì hiện đại.
Từ sau năm 1975 và đặc biệt là từ sau năm 1986, trong không khí hoà
bình, xây dựng cuộc sống mới trên cơ sở đổi mới tư duy - văn xuôi DTTS phát
triển khá mạnh mẽ. Các tác giả người DTTS ngày càng đông đảo hơn và gặt hái
được nhiều thành tựu sáng tác rực rỡ hơn. Thời kỳ này văn xuôi dân tộc thiểu

số phát triển mạnh về số lượng cũng như chất lượng, giúp chúng ta có thể nhận
diện một cách rõ ràng, khẳng định nó như một thực thể riêng, độc đáo trong
dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại.


Vào những năm cuối thế kỉ XX, ngoài những tác giả người Kinh vẫn
không ngừng trăn trở về đề tài miền núi, dân tộc như: Mạc Phi, Xuân Thiều,
Khuất Quang Thuỵ, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khắc Trường, Sơn Nam, Vũ
Hạnh, Phạm Duy Nghĩa…,thì đội ngũ những cây bút người dân tộc cũng đang
được phát triển với một tốc độ nhanh chóng trên toàn quốc - không chỉ ở phía
Bắc mà cả miền Trung, miền Nam của đất nước. Ở Tây Nguyên có Hlinh Niê
(Êđê) với tập truyện Con rắn màu xanh da trời (1997) và tập kí Trăng Xí
Thoại (1999)..., Kim Nhất(Ba na) với các tập truyện Động rừng (1999), Hồn
ma núi (2002)... ,và Niê Thanh Mai (Êđê) với tập truyện Về bên kia
núi(2007)...; Ở phía Nam - lần đầu tiên xuất hiện văn xuôi của một số dân tộc
như: Truyện kí Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh (1994) của Lý
Lan (Hoa), tiểu thuyết Chân dung cát (2006) của Inrasara... Ở khu vực miền
Trung xuất hiện các tác giả: La Quán Miên (Thái) với tập truyện Hai người trở
về bản (1996)..., Kha Thị Thường với tập truyện Lũ núi (2003), Lang Quốc
Khánh với tập kí Những miền thương nhớ (2005), Hà Thị Cẩm Anh (Mường)
với Gốc gội xù xì.... Ở vùng Việt Bắc và Tây Bắc, các tác giả người Tày luôn
chiếm số đông bên cạnh các nhà văn của các dân tộc khác (Thái, Mông, Dao,
Mường, Hmông…), ngoài các nhà văn như: Vi Hồng, Triều Ân, Ma Trường
Nguyên, Hà Lâm Kỳ..., còn có Nguyễn Hữu Tiến, Đoàn Lư, Hoàng Hữu Sang,
Cao Duy Sơn, Đoàn Thị Ngọc Minh... Trong đó nổi bật là hiện tượng nhà văn
Vi Hồng – nhà tiểu thuyết người dân tộc Tày, quê Cao Bằng, nhưng lập nghiệp
và thành danh ở Thái Nguyên. Từ 1980 - 1997, tác giả Vi Hồng đã cho ra đời
14 cuốn tiểu thuyết: Đất bằng (1980), Núi cỏ yêu thương (1984), Thung lũng
đã rơi (1985), Vào hang (1990), Người trong ống (1990), Gã ngược đời
(1990), Lòng dạ đàn bà (1992), Dòng sông nước mắt (1993), Ái tình và kẻ

hành khất (1993), Tháng năm biết nói (1993), Chồng thật vợ giả (1994), Phụ
tình (1994), Đi tìm giàu sang (1995), Đọa đày (1997). Ngoài ra ông còn có các
tập truyện ngắn: Đuông Thang (1988), Người làm mồi bẫy hổ (1990), Thách đố
(1995),


Đường về với mẹ chữ (1997).... Ông là một hiện tượng văn học rất đáng được
trân trọng về sức làm việc phi thường và những hiểu biết về con người, phong
tục tập quán, thiên nhiên miền núi mang đậm sắc thái Tày vùng Việt Bắc.
Trong những sáng tác trên, có những tác phẩm khá xuất sắc thể hiện
được bản sắc dân tộc và phong cách nghệ thuật của tác giả qua cách miêu tả
cảnh vật thiên nhiên và con nguời miền núi, qua cách sử dụng ngôn ngữ nghệ
thuật và lối tư duy nghệ thuật độc đáo. Theo nhận xét của PGS.TS Cao Thị Hảo
trong bài viết “Bước đầu phác thảo diện mạo văn xuôi dân tộc thiểu số Việt
Nam hiện đại” thì: Thời kì này cũng đã có nhiều tác phẩm đã kết hợp được bút
pháp tự sự theo kiểu truyền thống ảnh hưởng từ các sử thi, truyện cổ, truyện
thơ... với bút pháp văn xuôi hiện đại tạo nên sự đa dạng, nhiều vẻ, nhiều giọng
điệu, trở thành “vườn hoa nhiều hương sắc”, làm phong phú bức tranh của đời
sống văn học hiện đại nước ta, ví dụ như: Mã A Lềnh với bút kí Cao Nguyên
trắng mang giọng điệu sôi nổi hào hứng đã ghi lại những đổi mới trên quê
hương trong thời kỳ kinh tế thị trường với văn phong lôi cuốn, hấp dẫn, linh
hoạt, phong phú, quê hương miền núi hiện ra như một bức tranh với những nét
hoa văn khác nhau nhưng luôn có gam màu chủ đạo là rực rỡ sôi động; Cao
Duy Sơn với Người lang thang, Cực lạc, Hoa mận đỏ…, đặc biệt là Đàn
trời đã tái hiện một bức tranh xã hội phong phú với những mảnh đời và lối sống
khác nhau ở miền núi. Tác giả đã miêu tả những xung đột trong cuộc sống,
trong tâm hồn mỗi cá nhân với một ngòi bút tinh tế, sinh động, đậm chất hiện
thực nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Kim Nhất (Ba Na) thể hiện khá
phong phú những phong tục tập quán của dân tộc mình qua Chuyện buôn làng,
Nối dây, Phạt kơ đi…; còn qua tập kí Chân dung người Hoa ở thành phố Hồ

Chí Minh, nhà văn Lý Lan đã khắc hoạ chân thực, cảm động “chân dung” của
một bộ phận người Hoa sống ở thành phố hiện đại nhất nước ta trong một thời
gian dài và một không gian rộng, gắn liền với từng bước thăng trầm của lịch sử
dân tộc. Hình ảnh những con người lao động vất vả trong mưu sinh, lập nghiệp


luôn có ý chí vươn lên làm chủ cuộc sống, bên cạnh những ông chủ tham lam
xảo quyệt bon chen làm giầu hiện lên thật sinh động… Nhưng điều được thể
hiện nổi bật ở đây là tinh thần đoàn kết gắn bó của người Hoa đối với dân tộc
Việt trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc; Hlinh Niê đã biết kết hợp hài hoà,
hiệu quả giữa chất huyền thoại và sử thi khi viết về con người, cuộc sống ở Tây
Nguyên. Tác giả giới thiệu kho tàng folklore độc đáo với những ngôi nhà rông,
hình hoa văn chim thú được lưu giữ trên nóc các nhà mồ, nghệ thuật ẩm thực
kiểu Tây Nguyên…; miêu tả sắc nét lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, những
nét hoa văn thổ cẩm phối hợp hài hoà giữa các gam: xanh, vàng, đỏ để làm nổi
bật hai màu chủ đạo: đen và trắng (Về đâu hỡi thổ cẩm Tây Nguyên, Trăng Xí
Thoại). Tác giả còn ngợi ca cuộc sống mới đang chuyển mình của dân tộc Tây
Nguyên. Một bộ phận người dân đã vươn lên trong làm kinh tế, thoát khỏi cuộc
sống thiếu thốn nghèo khổ, được thụ hưởng cuộc sống có điện, có tiện nghi
(Du xuân Tây Nguyên, Làng mặt trời, Bình minh người Dao Cư Suê, Buôn
Yung mùa hoa trắng…).
Có thể nói, tuy chưa có được những tài năng thật xuất sắc, nhưng những
cây bút người dân tộc thiểu số đã phần nào thực hiện được sứ mệnh cũng như
khát khao cháy bỏng của những người con không quên nguồn cội - đó là việc:
gìn giữ và thổi bùng lên ngọn lửa văn chương của dân tộc mình. Nếu không có
sự hoà nhập máu thịt, cộng sinh giữa chủ thể và khách thể thì các nhà văn DTTS
không thể viết về con người, cuộc sống của dân tộc mình đầy cảm xúc như thế.
Hầu hết các nhà văn dân tộc thường có cảm xúc mãnh liệt, cháy bỏng da diết về
con người, cuộc sống của dân tộc mình, quê hương mình. Bởi những người cầm
bút chính là con em các dân tộc miền núi, nên họ có những thế mạnh nhất định

của những người trong cuộc viết về chính mình – điều mà những tác giả người
Kinh không có được.
Trong sự phát triển chung của đất nước, bức tranh về cuộc sống miền núi
và cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang có bước phát triển


đa dạng về mọi mặt. Nhiều tác phẩm hướng về công cuộc xây dựng đời sống,
phát triển kinh tế ở miền núi, ví dụ như: Tiểu thuyết Gió hoang của Ma Trường
Nguyên, tập bút kí Cao nguyên trắng của Mã A Lềnh và các tập truyện ngắn
của Sa Phong Ba. Những vấn đề nhạy cảm, những góc trái của hiện thực trước
đây từng bị né tránh nay phần nào đã được phản ánh ở những tác phẩm văn
học. Trong những năm 90, các tiểu thuyết của Vi Hồng được dư luận quan tâm
bởi những vấn đề về góc trái đó của hiện thực. Tác giả đề cập đến sự băng hoại
đạo đức của một số người, một số trí thức người DTTS có địa vị trong xã hội
nhưng ham tiền, theo đuổi danh vọng bất chấp đạo lý (Người trong ống, Gã
ngược đời)…; cùng những sai lầm của mô hình hợp tác xã nông nghiệp, sự ấu
trĩ của việc ngăn cấm cá nhân làm giàu trong xã hội thời hiện đại ở miền
núi(Chồng thật vợ giả, Thung lũng đá rơi,…).
Hầu hết văn xuôi dân tộc thiểu số miền núi đều hướng ngòi bút của mình
về việc phản ánh thực trạng còn nhiều khó khăn và nghèo đói của người dân
vùng cao, phản ánh những lối sống thực dụng, vô đạo đức của một bộ phận
người dân miền núi làm cho những giá trị văn hóa, sự trong trẻo bình yên ngàn
đời của núi rừng đang bị tổn thương và ngày càng mai một. Bên cạnh những
vấn đề mang tính xã hội, một số tác phẩm đã đi vào những câu chuyện tình yêu
(nhiều sóng gió, trắc trở), với những số phận cá nhân chứa đầy bi kịch…Trước
năm 1975, văn xuôi dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung phản ánh cuộc đấu tranh
cứu quốc vĩ đại của dân tộc, có nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, ca ngợi quê
hương, đất nước, con người mới, nhưng đến nay, biên độ sáng tác đã mở rộng
hơn. Văn xuôi dân tộc thiểu số đã từng bước bắt nhịp vào đời sống của đất
nước, ca ngợi cái mới, cái tốt đẹp, đồng thời cũng phê phán cái xấu, cái lạc hậu,

cái ác; cổ vũ, động viên đi sâu miêu tả thân phận con người miền núi với những
số phận mới, khát vọng mới, đặc biệt là thân phận, số phận người phụ nữ miền
núi. Họ chính là tiêu điểm của bức tranh toàn cảnh về số phận con người ngàn
đời trên vùng núi cao cùng với bao hủ tục lạc hậu, bao khó khăn thách thức của


cuộc sống phong phú, phức tạp hôm nay. Nhưng ở họ vẫn sáng lên những
phẩm chất tốt đẹp, những khát vọng chính đáng, những hoài bão về một tương
lai tươi sáng. Hầu hết các nhà văn DTTS đều chịu ảnh hưởng của thi pháp dân
gian về cả nội dung phản ánh lẫn nghệ thuật thể hiện, ví dụ như: Với quan niệm
“Ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, với lối kết thúc có hậu (kẻ ác bị trừng trị,
người tốt được hạnh phúc), nhân vật lí tưởng thường được mô tả với những
người tốt đẹp nhất, nên hay được “thần hóa”, “tiên hóa”. Người con gái đẹp
miền núi thường được ví như “Những bông hoa trên vách núi”, “Đẹp như một
nàng tiên”….. Họ thường là những con người giàu lòng nhân ái, giàu khát vọng
về tình yêu tự do, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt. Và đó cũng chính là khát vọng
muôn đời mà các nhà văn người dân tộc gửi gắm, kì vọng ở những nhân vật đại
diện cho vẻ đẹp của dân tộc mình, cộng đồng mình.
Dù cho tới nay, nhiều DTTS vẫn chưa có tiếng nói trong đời sống văn
học nước nhà nhưng so với khoảng thời gian hơn 30 năm của công cuộc Đổi
mới, văn xuôi DTTS đã có sự phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất
lượng. Tuy còn thiếu những tác phẩm có tầm cỡ, có thể khái quát được những
vấn đề trọng tâm của dân tộc - miền núi trong quá trình chuyển sang cơ chế
kinh tế thị trường, thực hiện “xóa đói giảm nghèo”, đi vào công nghiệp hóa,
hiện đại hóa cũng như một số vấn đề “thời sự” ở các vùng miền núi (như: An
ninh, quốc phòng...) chưa được phản ánh toàn diện, triệt để….; những vấn đề
như: Tình trạng đói nghèo, thất học, mù chữ, hoặc tái mù chữ ở nhiều nơi đến
nay mới chỉ được đề cập trong một số rất ít truyện ngắn. Về đội ngũ sáng tác,
sự kế tục của thế hệ người viết trẻ tuy đã được chú ý, nhưng vẫn còn nhiều bất
cập – khi đa số thế hệ nhà văn trẻ miền núi đều không sáng tác được bằng tiếng

mẹ đẻ, và hầu hết họ đều đã được “bứng” ra khỏi môi trường sống miền núi .
Đây cũng là một trong những vấn đề đang được nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn
quan ngại khi nhìn về tương lai phát triển của văn xuôi miền núi trong thời kì
mới – thời kì đương đại, thế kỷ XXI.


Một điểm rất đáng được lưu ý là trong đội ngũ các nhà văn DTTS đã
xuất hiện khá nhiều các cây bút nữ. Các cây bút văn xuôi nữ dân tộc thiểu số
xuất hiện chậm hơn một chút so với các cây bút nam người DTTS. Phải đến
những năm 1968-1970 mới xuất hiện một số cây bút văn xuôi nữ, và đặc biệt là
từ sau Đổi Mới đến nay thì các nhà văn nữ DTTS mới xuất hiện nhiều hơn và
đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng. Nhà văn nữ DTTS thuộc thế hệ
đầu tiên phải kể đến là như: Vi Thị Kim Bình - bà chính là cánh chim đầu đàn
của làng văn nữ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Vốn sinh ra từ quê hương miền
núi, người dân tộc Tày, lại là một lương y - bà đã viết về đề tài ngành Y với tất
cả tâm huyết của mình. Chính nhờ sự cố gắng không mệt mỏi bên cạnh việc
chăm lo sức khỏe cho mọi người mà bà đã có được những thành quả đáng phục
trong sự nghiệp cầm bút. Tác phẩm “Đặt tên” in trên Tạp chí Văn Nghệ Việt
Bắc năm 1962 (đạt Giải thưởng) và Truyện ngắn “Những bông Huệ trắng” (đã
được trao Giải thưởng của Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam) - là hai
tác phẩm tiêu biểu bên cạnh 49 tác phẩm truyện ngắn và ký khác của chị. Vi
Thị Kim Bình xứng đáng là một nhà văn đàn chị của các nhà văn nữ Việt Nam.
Hầu hết các tác phẩm của bà đều viết về người phụ nữ, trong đó phần nhiều là
những người phụ nữ dân tộc mang bản tính dịu dàng, mộc mạc, giản dị, dù mỗi
cuộc đời với những hoàn cảnh khác nhau, số phận khác nhau nhưng điều nổi
bật ở họ là những phẩm chất cao quý, sự hi sinh, lòng vị tha, luôn sẵn sàng
chấp nhận mọi hi sinh, thiệt thòi và luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho những
người thân yêu của mình, cho xã hội.
Tiếp theo phải kể đến nhà văn Hà Thị Cẩm Anh, người dân tộc Mường,
với các tác phẩm như: “Người con gái Mường Biện (2002)”; “Những đứa trẻ

mồ (2003)”;“Bài xường ru từ núi(Tập truyện ngắn),2004”; “Gốc gội xù xì
(Truyện ngắn)2004”; “Một nửa của người đàn bà (2013)”... Nhà văn Hà Thị
Cẩm Anh viết bằng tất cả những gì quan sát được, bằng cả trái tim và tâm hồn
của người phụ nữ Mường. Các tác phẩm của bà đều hướng vào việc phản ánh


thân phận của những người phụ nữ Mường. Mỗi người có một hoàn cảnh
riêng, một số phận riêng, nhưng đằng sau những số phận ấy luôn toát lên vẻ
đẹp của lòng vị tha, của đức hi sinh. Hình ảnh người phụ nữ với vẻ đẹp thủy
chung son sắt, với sự hi sinh, sự yêu thương hết lòng trong tình yêu dù gặp
bao éo le, trắc trở - luôn là một hình ảnh trở đi trở lại như một sự “ám ảnh”
không dứt trong lòng người đọc khi tiếp cận với các sáng tác của nhà văn
Mường – Thanh Hóa này.
Nhà văn Lý Lan - nhà văn người dân tộc Hoa cũng nằm trong đội ngũ
nhà văn nữ tiêu biểu thời kì này. Bên cạnh những đàn chị xuất sắc thì Lý Lan
cũng xứng đáng đứng vào đội ngũ cây bút văn xuôi nữ DTTS tiêu biểu, với
hàng loạt những truyện ngắn như: “Cơlút(1983)”; “Ngôi nhà trong cỏ(1984)”;
“Nơi bình yên chim hót(1986)”; “Chút lòng mang trong mưa(1987)”; “Chiêm
bao thấy núi(1991)”; “Hội đèn lồng(1991)”; “Những người lớn(1992)”;
“Mưa chuồn chuồn(1993)”; “Chân dung người Hoa(1994)”; “Đất khách
(1995)”; “Lệ Mai(1998)”; “Sài Gòn Chợ Lớn Rong chơi (1998)”; “Dị mộng
(1999)”; “Khi nhà văn khóc(1999)”; “Dặm Đường lang thang(1999)”;“Qúa
chén (2000)”; “Quán bạn (In chung với Thanh Nguyên, Lưu Thị Lương và
Chim Trắng, 2001)”; “Một Góc Phố Tàu(2001)”; “Ba người và ba con
vật(2002)”; “Là mình(2005)”; “Người đàn bà kể chuyện(2006)”; “Bí mật
giữa tôi và thằn lằn đen(2008)”; “Hồi xuân(2009)”.
Là người mang hai dòng máu Việt - Hoa, Lý Lan có cái lợi thế hưởng
được hai nền văn hóa từ khi còn nhỏ. Cầm bút trong tâm thế của một con người
có hai quê hương, nhà văn đã khai thác thành công những khía cạnh mà chị
quan sát tỉ mỉ bởi một con mắt của người vừa ở bên trong lại vừa đứng ở bên

ngoài, quê hương mà chị đang sống là Việt Nam nhưng trong chị luôn luôn ẩn
chứa những tình cảm sâu sắc dành cho quê nội mà có thể chị chưa hề biết đến.
Qua nhiều tác phẩm, Lý Lan có khuynh hướng miêu tả cuộc sống đời thường
dưới cái nhìn của một nhà báo hơn là một nhà văn. Chị ghi nhận sự kiện và sắp


xếp chúng bằng những trình tự mà sự kiện liên tục xảy ra (ít sự hoa mỹ và hư
cấu). Trong nhiều tác phẩm, Lý Lan lấy bối cảnh của đồng bằng Nam bộ làm
nền cho câu chuyện của mình, vì vậy văn phong miệt vườn không khỏi ảnh
hưởng đến lối viết của chị. Nhà văn Sơn Nam có lẽ ảnh hưởng đến chị nhiều
nhất, nhưng khác với Sơn Nam, Lý Lan đằm thắm một cách phụ nữ trong cách
diễn tả nội tâm và cũng chi ly hơn khi nhìn những chi tiết xem ra rất nhỏ trong
cuộc sống đời thường dưới góc nhìn phụ nữ.
Kha Thị Thường - nữ nhà văn dân tộc Thái của tỉnh Nghệ An cũng cũng
là một cây bút sôi nổi. Bà đã cho ra đời hàng loạt những tác phẩm như: “Kí ức
xanh(1998)”; “Đêm canh ba(2000)”; “Văn học dân tộc thiểu số Nghệ
An(2001)”; “Lũ núi(2002)”… Kha Thị Thường - một phụ nữ miền núi lãng
mạn, đa cảm có những tác phẩm với lối viết nhẹ nhàng về hình ảnh quê hương
và gương mặt thân quen của những con người “ở bản” với cả điều tốt đẹp lẫn
tầm thường cứ hiện lên, trở đi trở lại trong các tác phẩm của chị. Chị từng tâm
sự: “…Những câu chuyện của những người tôi từng biết, từng chứng kiến,
cũng có khi chỉ từ một chi tiết nhỏ tôi hư cấu ra. Nhân vật của tôi không bị đẩy
xuống tận cùng xấu xa, cũng không được nâng lên đến độ vô trùng, suy cho
cùng cuộc sống vẫn luôn luôn tồn tại hai mặt và mỗi người nên biết chấp nhận,
cảm thông với điều đó....”[15,tr597]. Người ta nhận thấy trong các trang văn
của chị, cuộc sống đời thường ở miền núi luôn hiện ra một cách vừa đơn giản,
nhẹ nhàng, vừa phong phú, phức tạp, không “đao to búa lớn” nhưng chân thực
và sống động.
Hay nhắc đến nhà văn nữ Kim Nhất - người con gái được sinh ra ở vùng
đất Tây Nguyên kiên cường và giàu bản sắc văn hóa. Người ta nói: Chị giống

như con chim được xổ ra khỏi lồng, cứ cất cánh bay miết không muốn dừng lại.
Kim Nhất khẳng định vị trí của mình ở làng Văn nghệ Đăk Lăk với hàng loạt
truyện ngắn nối tiếp nhau ra đời như:“Mụ Xoại(1995)”; “Ly hôn(1998)”;
“Truyện cổ Ba Na(2000)”; “Bắt chồng(1994)”; “Về với Ban Mê(1996)”;


“Hoan hô Ama Yi(1997)”; “Động rừng(1999)”… Kim Nhất thường viết dưới
dạng kể chuyện những người thật, việc thật mà chị gặp trong cuộc sống hàng
ngày. Hầu hết là những nhân vật ở tầng lớp lao động chân tay, lam lũ, thậm chí
là những kẻ tật nguyền, bất hạnh như người ăn xin, kẻ làm thuê, làm mướn, cô
gái bán hoa... Hình như tác giả đã từng chịu sự tác động bởi chính sự khốn khó
của cuộc sống, nên đã tái hiện lại rất sinh động với lòng yêu thương, sự cảm
thông với những con người, kiếp người, những mảnh đời vất vả… ở môi trường
này. Chính chị đã từng tâm sự: “…Kết hợp đi thực tế nhiều vùng để tận mắt
nhìn thấy, tai nghe mà thu lượm ít nhiều những gì ở đời thường của mỗi con
người, mỗi gia đình rồi đưa vào văn học một cách trung thực và trong sáng. Có
những cái xảy ra ở đời thường kết thúc vô hậu, nhưng khi đưa vào văn học tôi
đã kết thúc có hậu, để người đọc, nhất là bà con Tây Nguyên cùng đồng cảm
với tôi phần nào - một nhà văn nữ người dân tộc đầy trắc trở....”[15,tr481].
Cũng trên mảnh đất Tây Nguyên đầy bản sắc ấy chúng ta không thể
không nhắc đến là nữ nhà văn Linh Nga Niếk Đam. Là một nghệ sĩ - nhà văn,
nhưng ở cả hai “vai” bà đều có những tác phẩm mà khiến người đọc nhớ và
khắc sâu vào tiềm thức. Ở thể loại văn xuôi bà có những tác phẩm ghi dấu ấn
như: “Con rắn màu xanh da trời(1997), Trăng xí thoại(1998), Đi tìm hồn
chiêng(2003), Gió đỏ(2004)”....Đọc những tác phẩm của Linh Nga NiếK Đam
người ta đều có thể nhận thấy một tâm hồn say đắm, một sự tự hào cao độ về
quê hương của bà, nhưng cũng nhận ra sự lo lắng, xót xa của bà trước một Tây
Nguyên đang dần phai nhạt bản sắc, tình người trong cuộc sống thời kì hiện
đại, trong cơ chế thị trường hôm nay.
Nói về các nhà văn nữ DTTS còn có thể nhắc đến nhà văn Đoàn Ngọc

Minh -nữ nhà văn dân tộc Tày của Cao Bằng. Những năm tháng đầu tiên cầm
bút, nhà văn Ngọc Minh chủ yếu viết cho thiếu nhi với những tác phẩm như:
“Dòng sông kỉ niệm”, “Phía sau đỉnh Khau Khoang”, “Cánh chim”. Các tập
truyện ngắn của chị đều được xuất bản với số lượng lớn và phát cho trẻ em dân


×