Tỉnh Hà Tỉnh
Hà Tĩnh phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Đông là biển Đông Hải, phía Nam giáp
tỉnh Quảng Bình, phía Tây là nước Lào. Diện tích khoảng 7.500 cây số vuông. Tỉnh
lỵ Hà Tĩnh cách thành phố Hà Nội 341 cây số về hướng Nam.
Địa thế Hà Tĩnh toàn núi đồi, rừng rậm. Các dãy núi cao thường ở phía Tây. Một số
núi đáng kể là dãy núi Giăng Màn (là một đoạn của Trường Sơn, độ cao từ 1.671
đến 2.286 thước), núi Vụ Quang (được cấu tạo bởi đá hoa cương, đá nai và mi-ca
diệp thạch, độ cao trung bình 2.000 thước), dãy núi Hồng Lĩnh, Đại Hàm, Bà Mụ
(1.357 thước), Ong Giao (1.100 thước), Hoành Sơn (1.044 thước), Keo Nưa (725
thước.), Rú Lâm (508 thước), Vàng, Rú Coi, Thiên Cầm, Nam Giới, Lạc Sơn, Trạm
Voi, Cẩm, Cao Vọng, đèo Ngang....
Sông ngòi trong tỉnh cũng giống như của Nghệ An, giòng sông ngắn nhưng hạ lưu
chảy ra biển bằng cửa lớn. Những sông đáng kể là sông Con, Ngàn Phố, Ngàn Sâu,
La Giang, Rào Con, Khe Trời, Rào Bầu Nước, Khe Canh, Rào Mốc, hai sông Cửa Sót
và Cửa Khẩu chảy ra hai cửa cùng tên....
Khí hậu ở đây thay đổi luôn, mùa mưa từ tháng Chín đến tháng Mười Hai; các tháng
Tám, Chín, Mười hay có bão. Tháng Một, Hai và Ba tương đối ấm áp. Tháng Tư Năm
mưa rào gặp núi dốc nên thường có lụt bất ngờ. Mùa khô tháng Sáu, Bảy, có gió
Lào rất khô nóng.
Hai quốc lộ 1 và 8 là trục giao thông quan trọng để di chuyển đến các tỉnh lân cận.
Dân Cư - Kinh Tế
Ngoài người Kinh sinh sống phần đông trong tỉnh, còn có một số sắc dân khác như
người Mường, Thái, Mèo.... Dân chúng theo đạo Phật, Thiên Chúa, thờ phụng Thần
linh và Tổ tiên.
Những vùng trồng nhiều lúa tập trung ở các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc,
Thạch Hà và Cẩm Xuyên. Hoa màu phụ là khoai lang, lạc (đậu phọng), ngô, mía,
rau quả, trồng nhiều ở các vùng ven sông biển và đồng bằng như Hương Khê,
Hương Sơn, Thạch Hà. Các loại cây kỹ nghệ như cao su, cà phê, trà, dâu nuôi tằm,
cây dầu, cam, dứa.... được trồng ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn. Cam
và bưởi ở Chu Lễ, gần huyện Hương Khê ngon có tiếng.
Rừng Hà Tĩnh có lâm sản các loại như gỗ lim, củ nâu, gụ, mây, tre, nứa; một số cây
làm thuốc như quế, sâm, trầm hương, quán chúng thảo.... Khoáng sản có một số
mỏ sắt, thiếc, than đá, đất sét.
Dân chúng cũng hành nghề đánh tôm cá dọc theo các sông rạch và bờ biển.
Di Tích - Thắng Cảnh
Hà Tĩnh có một số di tích lịch sử và thắng cảnh như:
Đền thờ anh hùng Đặng Dung: Thuộc huyện Can Lộc, ở ngay quê quán của Đặng
Dung, con Đặng Tất, anh hùng kháng Minh thời Trần mạt.
Mộ anh hùng Phan Đình Phùng: Bên bờ Nam sông La Giang, thuộc làng Đông Thái,
huyện Đức Thọ, quê quán của anh hùng Phan Đình Phùng. Dân chúng vẫn gìn giữ
ngôi mộ này, dù rằng thân xác ông đã bị tay sai thực dân Pháp đốt rồi trộn với
thuốc súng bắn xuống sông La Giang. Điểm đặc biệt là trong cùng làng lại có mộ
của Hoàng Cao Khải, Kinh lược xứ Bắc kỳ, đồng hương và đồng liêu của cụ Phan
nhưng lại hợp tác với thực dân Pháp và đã nhiều lần viết thư chiêu dụ anh hùng
Phan Đình Phùng về làm việc cho giặc Pháp.
Mộ và đền thờ anh hùng Cao Thắng: Sau khi hy sinh vì nước, di hài của anh hùng
Cao Thắng được đem về an táng tại Ngàn Trươi (núi Vụ Quang). Dân chúng lập đền
thờ ông tại làng Khê Thượng, huyện Hương Khê. Núi Hương Tích: Thuộc huyện Nghi
Xuân, loại đá hoa cương, cao 678 thước, có chùa thờ Phật Bà Quan Âm, mở hội lễ
lớn vào ngày 18 tháng Hai Âm lịch hàng năm. Phong cảnh đẹp như chùa Hương, có
cây thông rất xưa, am động to lớn. Gần đó là núi Sư Tử có thác đổ mạnh và cầu đá
tiên.
Đèo Ngang: Thuộc dãy núi Hoành Sơn, ranh giới với tỉnh Quảng Bình, phong cảnh
rất đẹp, nên thơ. Đỉnh đèo cao 256 thước, có 980 bậc thang đá đi lên. Trên đèo có
Hoành Sơn Quan, di tích thành cũ, đắp hai lần lũy. Cảnh đẹp ở đây đã được hai nữ
sĩ là Bà Huyện Thanh Quan và Hồ Xuân Hương làm thơ ca tụng, rất nổi tiếng. "Ngũ
Quân Xuất Trận": Tên gọi cảnh đá ở phía Nam núi Côn Bằng. Cảnh trí tư nhiên xếp
các tảng đá thành hình dạng năm đội quân, trông rất lạ mắt. Suối Hiêu Hiêu: Phía
Nam cửa Sót là núi Nam Giới, trên núi có ao khá sâu. Gần núi có ngọn suối Hiêu
Hiêu chảy từ hốc đá, nước suối trong mát và thơm, lại là thuốc nhuận trường.
Núi Thiên Cầm: Tục truyền rằng xưa vua Hùng Vương đi qua vùng này, nghe tiếng
nhạc réo rắt trên trời và đặt tên núi là Thiên Cầm (đàn trời). Đây cũng là nơi Hồ
Quý Ly chạy trốn và bị bắt. Thành đá Chăm Pa: Thuộc huyện Kỳ Anh, vẫn còn vết
tích thành đá do người nước Chăm Pa xây. Ngoài ra còn có thành Định Cầu, là trấn
sở Nghệ An vào đầu nhà Lê. Đất Hà Tĩnh là quê quán của nhiều danh nhân đã góp
phần rất lớn trong việc giữ nước và phát triển đất nước qua nhiều lãnh vực:
Huyện Can Lộc: Làng Đô Liêu, Bùi Cầm Hổ, danh sĩ đời vua Lê Thánh Tông; khi ông
mất, dân chúng lập đền thờ ông gần núi Hồng Lĩnh để ghi ơn người đã hướng dẫn
dân trong vùng đào một con kinh dẫn nước vào đồng ruộng khá lớn. Can Lộc còn là
quê Đặng Minh Khiêm, danh sĩ đời vua Lê Thánh Tông, con ông Đặng Chiêm (cũng
là một danh thần triều Lê, thuộc dòng dõi anh hùng Đặng Dung); tác giả Việt Giám
Vịnh Sử thi tập, tập thơ vịnh Nam sử đầu tiên ở nước ta.
Huyện Nghi Xuân có làng Tiên Điền, quê thi hào Nguyễn Du, danh sĩ thời Nguyễn
sơ, tác giả Đoạn Trường Tân Thanh, Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc
Hành tạp lục; nay còn mộ của ông tại nơi sinh quán. Nguyễn Du có hai người cháu
đều là danh sĩ cùng thời; Nguyễn Điền, tác giả các sách Quan Hải tập, Minh Nguyên
phổ, Thiên Địa Nhân Vật Sự Chi và Nguyễn Thiện, tác giả Đông Phủ thi tập, Huyền
Cơ Đạo Thuật bí thư. Cùng huyện, có làng Uy Viễn là quê của Nguyễn Công Trứ, tài
kiêm văn võ, dẹp giặc xây làng được dân chúng nhớ ơn, làm thơ rất giỏi trong triều
Nguyễn. Nguyễn Công Trứ trước tác rất nhiều trong cuộc đời đầy thăng trầm mà
luôn luôn tích cực yêu nước thương dân và vui sống trong mọi hoàn cảnh. Ông là
tác giả của hàng trăm bài hát nói, hơn 50 bài thơ Đường luật, một số phú, câu đối
và bản tuồng.
Huyện Đức Thọ: Làng Trường Lưu, Nguyễn Huy Oánh, danh sĩ đời Lê, tác giả các
sách Quốc Sử toát yếu, Tiêu Tương bát vịnh, Thạch Đình Di Cảo, Tính Lý toản yếu.
Ông có người con là Nguyễn Huy Tự, danh sĩ thời vua Lê Hiển Tông và vua Quang
Trung Nguyễn Huệ, tác giả Hoa Tiên truyện; ông còn là vị tướng tài từng dẹp yên
giặc cướp ở Tuyên Quang, Hưng Hóa. Làng Lạc Thiên là quê Lê Văn Huân, nhà cách
mạng kháng Pháp, từng tham gia cuộc chống thuế ở miền Trung năm 1908 và bị
bắt đày đi Côn Đảo; sau khi được thả, ông tiếp tục đấu tranh và lại bị giặc bắt; để
bảo vệ cơ sở và giữ tròn danh tiết, ông móc ruột tự tử tại nhà giam Hà Tĩnh, ngày
13.9.1929. Ông còn là tác giả nhiều bài văn thơ đấu tranh bị thực dân Pháp liệt vào
loại nguy hiểm và cấm phổ biến, chẳng hạn như các bài Cùng người dân nghèo,
Cùng người dân cày, Các thày thông ký, Vợ khuyên chồng. Xã Phụng Hoàng là quê
ông Nguyễn Hữu Hoàn, nhà cách mạng kháng Pháp, người có công phát triển phong
trào Duy Tân tại Bình Thuận, Bình Tuy....