Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

HƯỚNG DẪN (GIÁO DỤC TOÀN CẦU)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (86.83 KB, 3 trang )

Bộ Giáo dục và Đào tạo Liên minh Chiến dịch Toàn cầu vì Giáo dục ở Việt Nam
Hướng dẫn tổ chức thực hiện
TUẦN LỄ TOÀN CẦU HÀNH ĐỘNG GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI
Từ ngày 20 – 26 tháng 4 năm 2009
I. Giới thiệu về TUẦN LỄ TOÀN CẦU HÀNH ĐỘNG GIÁO DỤC CHO MỌI NGƯỜI năm 2009
Được khởi xướng từ năm 1999, Chiến dịch Toàn cầu vì Giáo dục bao gồm các tổ chức, đoàn thể
và cá nhân trên toàn thế giới có cùng niềm tin về tầm quan trọng của giáo dục cho mọi người và
cùng vận động để đảm bảo không ai bị mù chữ. Từ năm 2003 đến nay, Liên minh Chiến dịch Toàn
cầu vì Giáo dục tại Việt Nam, gồm những tổ chức trong và ngoài nước cùng phối hợp với Bộ Giáo
dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), đều đặn tổ chức các sự kiện và hoạt động để hưởng ứng Tuần lễ
toàn cầu hành động Giáo dục cho mọi người vào tháng 4
hàng năm.
Chủ đề của Tuần lễ hành động của Chiến dịch Toàn cầu vì
Giáo dục năm nay là “Xóa mù chữ cho thanh niên và
người lớn và học tập suốt đời” sẽ diễn ra từ ngày 20 đến
26 tháng 4 năm 2009 với hai hoạt động chính là “Ngày
hội đọc” và phát động Cuộc thi viết “Biết chữ cho cuộc
sống tốt đẹp hơn” để khuyến khích tất cả mọi người đều
biết chữ và có điều kiện học tập suốt đời.
II. Mục tiêu của Tuần lễ toàn cầu hành động Giáo dục cho mọi người
• Nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng về tầm quan trọng của việc biết chữ và học
tập suốt đời.
• Vận động để Chính phủ, các ban ngành, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng có sự quan
tâm cũng như đầu tư hợp lý đối với lĩnh vực giáo dục không chính quy, đặc biệt là giáo dục cho
người lớn.
III. Thông điệp chung
Biết chữ cho cuộc sống tốt đẹp hơn!
IV. Đối tượng tham gia
• Học sinh, giáo viên tại các trường học trong cả nước
• Học viên và cán bộ tại các các Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm Giáo dục Thường
xuyên, Hội Khuyến học


• Thành viên và cán bộ tại các thư viện trong cả nước
• Người dân tại cộng đồng
• Lãnh đạo địa phương, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT và các cơ quan thông tấn báo chí
V. Thời gian tổ chức:
Tuần lễ toàn cầu hành động Giáo dục cho mọi người sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 26 tháng 4 năm
2009. Các tỉnh, thành phố có thể chọn các hình thức tổ chức linh hoạt và phù hợp với điều kiện cụ
thể của từng địa phương.
1
Trên thế giới, có khoảng 750
triệu người lớn mù chữ, trong đó
phụ nữ chiếm gần 500 triệu.
Những người không biết đọc biết
viết thường có ít cơ hội và dễ bị
đói nghèo trong suốt cuộc đời.
VI. Hướng dẫn gợi ý về các hình thức tổ chức tại địa phương
1. Tìm hiểu tình trạng xoá mù chữ tại địa phương: Phát động cuộc khảo sát, tìm hiểu và thu thập số
liệu về những người không biết chữ (cả người lớn và trẻ em) tại địa phương, ghi lại câu chuyện
hoặc hình ảnh của họ. Tổng hợp làm một báo cáo về công tác xoá mù chữ tại từng địa phương.
2. Sưu tập và sáng tác nội dung cho “Quyển truyện lớn” của từng địa phương và Hưởng ứng
cuộc thi viết “Biết chữ cho cuộc sống tốt đẹp hơn!”
Phát động việc sưu tầm và sáng tác những câu chuyện, tranh vẽ, hình ảnh, các bài hát và bài thơ
về tầm quan trọng của biết đọc, biết viết và công tác xoá mù chữ tại địa phương.

Các câu chuyện điển hình có thể được tập hợp và sáng tác quanh các chủ đề sau:
• Người lớn không biết chữ đã được hưởng lợi như thế nào từ các chương trình phổ cập giáo
dục hoặc các chương trình xóa mù chữ tại địa phương
• Người lớn không biết chữ và những chia sẻ của họ về việc không biết chữ
• Các tấm gương vượt khó khăn để học tập
• Trẻ em kể chuyện về cuộc sống của mình khó khăn như thế nào khi cha mẹ không biết chữ
• Các điển hình xóa đói giảm nghèo nhờ quá trình học tập

• Các nhân vật quan trọng/có uy tín của địa phương nói về cuộc sống của họ sẽ ra sao nếu
không biết đọc và biết viết
Các tài liệu sưu tầm trên đây sẽ được tập hợp thành “Quyển truyện lớn” của từng địa phương,
để đóng góp nội dung cho “Ngày hội đọc” (xem thêm hướng dẫn dưới đây) hoặc gửi bài tham dự
cuộc thi viết “Biết chữ cho cuộc sống tốt đẹp hơn” (xem thể lệ cuộc thi đính kèm).

3. Tổ chức “Ngày hội đọc” hưởng ứng Tuần lễ toàn cầu hành động Giáo dục cho mọi người
a. Phối hợp với đài báo địa phương đưa tin về tuần lễ. Sử dụng các câu chuyện sưu tầm
được để phát lên Đài phát thanh địa phương, loa phát thanh tại thôn xóm để kêu gọi mọi
người trong cộng đồng cùng quan tâm về tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết và học
tập suốt đời.
b. Các trường học, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng phối
hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng tổ chức “Ngày hội đọc”
• Mời các cán bộ lãnh đạo, phụ huynh học sinh, cộng đồng cùng tham gia
• Chia sẻ báo cáo về tình hình mù chữ ở địa phương.
• Cùng đọc và chia sẻ các câu chuyện trong “Quyển truyện lớn” đã được sưu tập
• Cùng bàn bạc về các giải pháp và cam kết cho vấn đề xóa mù bền vững ở địa phương
• Biểu diễn các tiết mục văn nghệ, hóa trang và diễn kịch v.v.
• Lấy chữ ký những người tham gia ngày hội
Chương trình gợi ý trong “Ngày hội đọc”
• Giới thiệu, phát biểu khai mạc
• Chương trình (sử dụng các câu chuyện đã sưu tập được từ hoạt động 2)
1) Học sinh thi kể chuyện
- Bố, mẹ, chú, bác, cô, anh chị em v.v. không biết chữ gặp những khó khăn như thế
nào trong cuộc sống?
- Bố, mẹ, chú, bác, cô, anh chị em v.v. biết chữ: Họ đã có thể giúp gì cho em, cho gia
đình, cho những người xung quanh? Họ có đóng góp gì cho cộng đồng?
- Em biết những ai (là người lớn) thường đi vận động xóa mù chữ? Họ đã làm gì/như
thế nào?
2

2) Phụ huynh học sinh thi đọc truyện diễn cảm :
- Người dự thi chọn một câu chuyện dân gian mà họ yêu thích, đọc trước trẻ em
(bằng tiếng dân tộc hoặc tiếng Việt)
- Các em bầu chọn người thắng cuộc
3) Câu chuyện của đời tôi : Chọn một số người dân tộc, người địa phương
- Đối với những người biết chữ, khuyến khích họ kể họ đã làm gì với “chữ” của họ
- Đối với những người không biết chữ, khuyến khích họ kể lại những khó khăn do
điều này gây ra và họ đã phải đấu tranh sinh tồn như thế nào
4) Tiểu phẩm của học sinh
- Tình huống kịch: Hai nhóm học sinh (hoặc hai cặp) hóa trang đại diện hai nhóm
người lớn biết chữ và mù chữ. Nhóm mù chữ luôn tạo ra những tình huống bi hài.
Nhóm biết chữ luôn sửa lại, giải thích lại và giúp đỡ. Một thông điệp đưa ra khi kết
thúc: biết chữ thì dễ sống hơn và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.
- Nội dung, diễn biến: GV, HS sáng tạo và quyết định cách thể hiện
5) Lãnh đạo tham gia đọc truyện
6) Thảo luận về các giải pháp nhằm xóa bỏ tình trạng mù chữ, tái mù chữ v.v.
c. Tổng hợp báo cáo: Sở giáo dục và đào tạo báo cáo kết quả của Tuần lễ toàn cầu hành
động Giáo dục cho mọi người kèm theo “Quyển truyện lớn” của sở về Bộ GD&ĐT (qua Vụ
Kế hoạch Tài chính), Bộ Giáo dục và Đào tạo, 49 Đại Cổ Việt, Hà Nội. ĐT/Fax: 04-
36230740
3

×