Tải bản đầy đủ (.docx) (12 trang)

Hoạt động tự học của học sinh trường trung học phổ thông chuyên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (93.98 KB, 12 trang )

HOẠT ĐỘNG TỰ HỌC CỦA HỌC SINH CHUYÊN TRƯỜNG THPT
TS. Nguyễn Minh Hải
Viện Nghiên cứu Sư phạm
Tóm tắt
Tự học có vai trò to lớn đối với sự phát triển trí tuệ, nhân cách của học sinh chuyên.
Khả năng tự học cao của học sinh chuyên góp phần quan trọng đến kết quả học tập
của các em. Hoạt động tự học dưới góc độ tâm lý được biểu hiện ở các thành tố
nhận thức, thái độ, kỹ năng. Có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan ảnh hưởng
đến việc tự học của học sinh chuyên, trong đó yếu tố giáo viên và phương pháp dạy
học của giáo viên có ảnh hưởng nhiều nhất đến việc tự học của các em.
Từ khóa: Tự học, học sinh chuyên.
1. Đặt vấn đề.
Vấn đề tự học đã được đề cập trong các văn bản của Nhà nước, của ngành Giáo dục
đào tạo. Nghị quyết TW 4 – khóa 7 chỉ rõ: “Phải khuyến khích tự học, phải áp dụng
những phương pháp giáo dục hiện đại để bồi dưỡng cho học sinh năng lực sáng tạo
và năng lực giải quyết vấn đề”. [ 9]
Ở Việt Nam, vấn đề tự học đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu và đã
có nhiều công trình nghiên cứu của nhiều tác giả xoay quanh việc tự học của sinh
viên và học sinh trung học phổ thông dưới nhiều góc độ và khía cạnh khác nhau.
Có thể kể đến các tác giả như: Nguyễn Cảnh Toàn, Nguyễn Kỳ, Lê Khánh Bằng,
Lưu Xuân Mới, Hà Thị Đức, Trần Thị Minh Hằng, Đặng Thành Hưng, Đào Thị
Oanh [2, 4, 6, 10, 13]…. Tuy nhiên, vấn đề tự học của học sinh chuyên còn ít được
nghiên cứu. Trong khi đó, chất lượng học tập của học sinh chuyên ở các trường
THPT chuyên phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tự học của các em. Bởi
vậy, những nghiên cứu về vấn đề tự học của học sinh chuyên trường THPT dưới
nhiều góc độ khác nhau, trong đó có nghiên cứu dưới góc độ tâm lý học là hết sức
cần thiết đối với việc nâng cao chất lượng học tập của các em. Theo đó, một số vấn
đề lý luận về hoạt động tự học của học sinh chuyên trường THPT cần được làm
sáng tỏ – cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo trong thực tiễn sư phạm.



Việc nghiên cứu dưới góc độ lý luận và thực tiễn về hoạt động tự học của học sinh
chuyên cũng rất cần thiết đối với các thầy cô giáo dạy chuyên trong quá trình giảng
dạy nhằm giúp các em bộc lộ, phát triển được tiềm năng của bản thân, nhất là tiềm
năng trí tuệ.
Thực tiễn sư phạm cho thấy, khả năng tự học của học sinh chuyên có sự khác biệt so
với học sinh không chuyên do nhiều nguyên nhân khác nhau và có ảnh hưởng lớn
đến chất lượng học tập của các học sinh chuyên.
2. Nội dung:
2.1. Một số khái niệm cơ bản.
* Học sinh chuyên là những học sinh giỏi được tuyển chọn qua kỳ thi tuyển vào
trường THPT chuyên để đào tạo chuyên sâu ở một môn học nào đó (môn chuyên).
* Khái niệm tự học
Quan niệm về tự học của các nhà giáo dục học.
+ Theo tác giả Lê Khánh Bằng : “Tự học là tự mình suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí
tuệ và phẩm chất tâm lý để chiếm lĩnh 1 số lĩnh vực khoa học nhất định”.[2, tr3]
+ GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn nghiên cứu sâu về vấn đề tự học. Ông cho rằng,
học cốt lõi là tự học mà ở đó chủ thể tự thể hiện và biến đổi mình. Theo ông:
“Tự học là tự mình động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ (so sánh,
quan sát, phân tích, tổng hợp,…) và có khi cả cơ bắp (khi phải dùng công cụ)
cùng các phẩm chất của mình, cả động cơ, tình cảm, nhân sinh quan, thế giới
quan (như trung thực, khách quan, có chí tiến thủ, không ngại khó,….) để
chiếm lĩnh 1 lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó thành
sở hữu của mình”. [13, tr80]
Quan niệm về tự học của các nhà tâm lý học:
+

Theo tác giả M.A. Rubakin: “ Tự học là quá trình lĩnh hội tri thức, kinh

nghiệm xã hội lịch sử trong thực tiễn hoạt động cá nhân bằng cách thiết lập các mối
quan hệ cải tiến kinh nghiệm ban đầu, đối chiếu với các mô hình phản ánh hoàn

cảnh thực tại, biến tri thức của loài người thành vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng,
kỹ xảo của bản thân chủ thể”. [12, tr35]


+

Theo tác giả N.D. Levitov: “Tự học là hoạt động tích cực của cá nhân với các

thành phần tâm lý của sự lĩnh hội, đó là thái độ tích cực của người học, trong tự học
các quá trình tư duy, các quá trình ghi nhớ,… các quá trình tâm lý có liên quan mật
thiết với nhau để hoạt động tự học đạt kết quả”.[7, tr140]
Như vậy, các tác giả trên đều khẳng định hoạt động tự học đòi hỏi người học phải
có tính tự giác, tính độc lập, thái độ học tập tích cực và có kỹ năng tự học.
Theo chúng tôi, tự học được hiểu theo nghĩa rộng là quá trình người
học tự quyết định việc lựa chọn mục tiêu học tập, nội dung học tập, cách thức
học tập, các hoạt động học tập và các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh
giá thích hợp. Từ đó tổ chức, xây dựng, kiểm tra, kiểm soát tiến trình học tập
của cá nhân mình. Nhìn chung, tự học theo nghĩa này được hiểu là quá trình
học tập 1 cách tự giác, chủ động và độc lập.
Tự học theo nghĩa hẹp được hiểu là quá trình học sinh giải quyết các
nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của giáo viên mà không giáp mặt thầy (hay
là quá trình học sinh học tập 1 cách tự giác, độc lập nhằm giải quyết
những nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao cho để về nhà làm). Theo cách
hiểu này thì tự học được xem như 1 giai đoạn hay 1 khâu của hoạt động
học, diễn ra ngoài giờ lên lớp, học sinh tự học để hoàn thành những nhiệm
vụ mà người dạy giao cho. Theo cách hiểu ở trên, có thể cho rằng:
Hoạt động tự học của học sinh chuyên được hiểu là hoạt động giải quyết các
nhiệm vụ học tập theo yêu cầu của giáo viên mà không giáp mặt thầy, nhằm
đáp ứng các yêu cầu cao của việc học tập ở trường chuyên.
2.2. Vai trò của tự học đối với sự phát triển trí tuệ, nhân cách của học sinh chuyên.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển nhân cách
của mỗi người, đó là: Yếu tố bẩm sinh di truyền, yếu tố môi trường, điều kiện
xã hội, yếu tố giáo dục và hoạt động của cá nhân. Trong các yếu tố đó thì hoạt
động của cá nhân đóng vai trò là yếu tố quyết định sự phát triển nhân cách của
người học. Như vây, hoạt động tự giác, tích cực của cá nhân trong quá trình tự
học đóng vai trò quyết định đến việc hình thành, phát triển nhân cách người


học. GS Tạ Quang Bửu đã khẳng định vai trò của tự học đối với sự phát triển
nhân cách: “Tự học là khởi nguồn của phong cách tự đào tạo, đồng thời là cái
nôi nuôi dưỡng trí sáng tạo. Ai giỏi tự học ngay từ khi ngồi trên ghế nhà
trường thì người đó sẽ tiến xa”.
Việc tự học của học sinh chuyên có vai trò hết sức quan trọng đối với sự
phát triển trí tuệ và nhân cách của các em. Trí tuệ của học sinh chuyên được phát
triển trong quá trình tự học của các em bởi lẽ khi tự học các em luôn luôn phải
động não, tìm tòi. Các thao tác tư duy như so sánh, phân tích, tổng hợp, suy luận
logic,… thường xuyên được sử dụng đã mài sắc trí tuệ của học sinh. Tư duy độc
lập của học sinh cũng được phát triển trong quá trình tự học của các em. Việc tự
học của học sinh chuyên cũng góp phần không nhỏ tới sự phát triển nhân cách của
các em. Tính kiên trì, bền bỉ, theo đuổi mục đích đến cùng; dám đương đầu với
những khó khăn, thử thách trong học tập; sự trung thực, say mê trong học tập cũng
là những phẩm chất nhân cách nổi bật của học sinh chuyên.
2.3. Hoạt động tự học của học sinh chuyên dưới góc độ tâm lý.
Yếu tố tâm lý trong hoạt động tự học là những điều kiện tâm lý cần thiết để hoạt
động diễn ra. Các yếu tố này có vai trò điều khiển, điều chỉnh đối với hoạt động tự
học. Muốn hoạt động tự học đạt kết quả thì người học cần phải có nhận thức đúng
về tự học, có thái độ tích cực trong tự học và có kỹ năng tự học.
2.3.1 Nhận thức về tự học của học sinh chuyên.
Nhận thức về tự học là quá trình phản ánh của học sinh về bản thân hoạt động
tự học trong quá trình học tập. Yếu tố nhận thức đóng vai trò định hướng hoạt

động của bản thân. nhận thức về tự học là sự phản ánh thực tế khách quan
trong óc mỗi người, trên cơ sở đó người học hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò
và các yếu tố ảnh hưởng tới tự học của bản thân, từ đó định ra nội dung và
phương pháp tiến hành hoạt động tự học.
Ở học sinh chuyên, cách học của các em có đặc điểm là phương án mà các em
sử dụng có ưu thế hơn hẳn so với học sinh không chuyên, liên quan đến trí tuệ
ở mức cao: “ Xác định và bổ sung kịp thời khối lượng tri thức còn thiếu hụt


để giải quyết nhiệm vụ đang đặt ra”, “ Tự tìm ra cách thức và phương pháp
mới để giải quyết nhiệm vụ”. Trong khi đó, cách học mà học sinh không
chuyên sử dụng thường xuyên nhất là: “ Chọn các môn học, các bài tập dễ,
yêu thích làm và học trước”.
Học sinh chuyên nhận thức đúng về ý nghĩa, vai trò của tự học, nói cách khác nhận
thức của học sinh chuyên về tầm quan trọng của việc tự học trong việc lĩnh hội tri
thức, kỹ năng, kỹ xảo. Các em nhận thức đúng được những nội dung và cách thức
tự học:
+ Nội dung tự học: Những kiến thức khoa học, những kỹ năng kỹ xảo của bài học,
môn học mà học sinh cần nắm vững.
+ Những kỹ năng, kỹ xảo và cách thức tổ chức hoạt động tự học của bản thân.
Các em học sinh chuyên luôn coi trọng việc tổ chức tự học có ý nghĩa cao hơn so với
học sinh không chuyên. Mặt khác, nhận thức về tầm quan trọng của việc tổ chức tự học
của học sinh chuyên cũng cao hơn so với học sinh không chuyên.
2.3.2 Thái độ tự học của học sinh chuyên
Theo Từ điển Tiếng Việt, thái độ là: “ Tổng thể nói chung những biểu hiện ra bên
ngoài ( bằng nét mặt, cử chỉ, lời nói, hành động) của ý nghĩ, tình cảm đối với ai
hoặc đối với sự việc nào đó”.[10, tr90]
Theo tác giả Trần Thị Minh Hằng , “thái độ tự học là một thuộc tính của tự ý thức,
là yếu tố bên trong quy định xu hướng tự giác, tích cực, độc lập, được biểu hiện ra
bên ngoài bằng những xúc cảm, những hành vi trong tự học”.[4, tr46]

Theo tác giả N.D Levitov: “ Thái độ học tập tích cực của học sinh biểu hiện ở chỗ
học sinh chú ý, hứng thú và sẵn sàng gắng sức vượt khó khăn”. Như vậy, thái độ tự
học tích cực là một điều kiện rất cần thiết để lĩnh hội tài liệu học tập trong quá trình
tự học.[7, tr84]
Thái độ tự học của học sinh chuyên được biểu hiện ở thành phần tâm lý bên trong
như: nhu cầu tự học, động cơ tự học, hứng thú say mê tự học, ý chí khắc phục khó
khăn và tính tự giác trong tự học của các em. Thái độ tự học của các em được biểu
hiện ra bên ngoài như: Sự cần cù, chăm chỉ; tập trung cao độ trong quá trình tự học;


tận dụng thời gian tự học; thực hiện nghiêm túc giờ tự học; tích cực tìm tòi tài liệu
tham khảo theo nhiều nguồn thông tin khác nhau; nghiêm túc trong kiểm tra, đánh
giá.
- Nhu cầu tự học của học sinh chuyên:
Nhu cầu tự học là sự biểu hiện mối quan hệ tích cực của cá nhân đối với tự học, là
sự đòi hỏi tất yếu mà người học thấy cần được thỏa mãn trong học tập. Những nhu
cầu tự học của học sinh chuyên bao gồm:
+ Nhu cầu tự học để hoàn thành những nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao cho.
+ Nhu cầu tự học để mở rộng, nâng cao kiến thức ngoài sách giáo khoa.
+ Nhu cầu tự học để khẳng định bản thân là nhu cầu biểu hiện lòng tự trọng cao
trong hoạt động tự học của học sinh chuyên. Biểu hiện của nhu cầu này là học sinh
chuyên luôn luôn có ý thức vươn lên để nâng cao sự hiểu biết cho bản thân, luôn
không bằng lòng với vốn tri thức hiện có của mình. Đây là một trong những đặc
điểm nổi bật của học sinh chuyên trong hoạt động tự học so với học sinh không
chuyên.
- Động cơ tự học của học sinh chuyên:
Động cơ được hiểu là cái thúc đẩy con người hoạt động để đạt được mục
đích nhất định. Động cơ tự học của học sinh chuyên bao gồm một hệ thống động cơ
với các thứ bậc khác nhau. Trong các động cơ thúc đẩy hoạt động tự học của học
sinh chuyên thì động cơ tự học để chiếm lĩnh đối tượng học ( Tri thức, kỹ năng, kỹ

xảo) – động cơ nhận thức ( động cơ bên trong) giữ vị trí chủ đạo. Đây là sự khác
biệt nổi bật nhất trong động cơ tự học của học sinh chuyên so với học sinh không
chuyên.
- Hứng thú tự học của học sinh chuyên:
Hứng thú tự học là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với hoạt động tự học,
nó mang lại khoái cảm cho cá nhân trong quá trình thực hiện hoạt động tự học .
Hứng thú tự học của học sinh chuyên biểu hiện ở sự tập trung chú ý cao độ,
sự say mê hấp dẫn của bản thân với nội dung hoạt động tự học. Hứng thú tự học
của học sinh chuyên là hứng thú nhận thức (hứng thú bên trong), các em bị lôi cuốn


bởi chính nội dung của đối tượng học tập. Đây chính là sự khác biệt rất cơ bản của
học sinh chuyên trong hoạt động tự học so với học sinh không chuyên. Hứng thú tự
học phụ thuộc vào ý nghĩa của vấn đề tự học, phụ thuộc vào việc giáo viên hướng
dẫn như thế nào, kết quả tự học đạt đến đâu…
Ở học sinh chuyên, hứng thú tự học phát triển mức độ cao biểu hiện ở sự
say mê tự học: Miệt mài tự học, tự học chiếm phần lớn thời gian ở nhà và kết quả
học tập luôn đạt mức cao. Thực tế là, trong quá trình tự học, học sinh chuyên hay
sử dụng cách hoạt hóa tâm lý như: “ Chỉ ngồi tự học khi thấy người khỏe mạnh,
không ốm đau”, “Chỉ ngồi tự học khi thấy có hứng thú”. Chính những cách hoạt
hóa này đã nói lên sự khác biệt của học sinh chuyên so với học sinh không chuyên
trong việc khởi động công việc có khoa học, giúp học sinh có điều kiện làm việc
lâu dài mà không mỏi mệt. Bởi vậy, học sinh chuyên có thể tự học trong một thời
gian dài ( 3 – 4 tiếng đồng hồ) với sự tập trung cao độ mà học sinh bình thường ít
người có thể thực hiện được.
- Ý chí khắc phục khó khăn trong tự học của học sinh chuyên:
Ý chí tự học biểu hiện ở việc thực hiện hoạt động tự học có kết quả khi
người học phải nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành hoạt động tự học.
Hoạt động tự học của học sinh chuyên là hoạt động rất căng thẳng bởi độ
khó cao của các tri thức và khối lượng tri thức cần chiếm lĩnh là tương đối nhiều.

Bởi vậy, các em phải có ý chí biểu hiện sự nỗ lực khắc phục khó khăn, đương đầu
với những thử thách trong quá trình tự học để thực hiện nhiệm vụ tự học đặt ra.
Theo các thầy cô giáo dạy chuyên, những học sinh có ý chí mạnh mẽ trong
tự học thường đạt kết quả cao và ổn định trong học tập.Các thầy cô dạy chuyên hay
nói vui đó là những học sinh rất ‘lỳ”, không ngã lòng trước thử thách khó khăn.
- Tính tự giác tự học của học sinh chuyên:
Ở học sinh chuyên, tự giác trong tự học thể hiện nổi bật ở chỗ các em luôn làm
chủ bản thân trong quá trình xây dựng kế hoạch tự học và tự tổ chức hoạt động học.
Tự học của các em không cần phải nhắc nhở, thúc ép của thầy cô, gia đình… mà chính
động cơ nhận thức - đối tượng của hoạt động học sẽ thôi thúc, lôi cuốn các em tự học


mà không hề lo đối phó với thầy cô giáo. Đây chính là sự khác biệt nổi bật trong tự
học của học sinh chuyên so với học sinh không chuyên.
2.3.3 Kỹ năng tự học của học sinh chuyên.
Kỹ năng là hệ thống những hành động đảm bảo cho con người sẵn sàng và có năng
lực hoàn thành công việc có kết quả. Nói cách khác, kỹ năng là những thao tác thể
hiện hành động thích hợp tương ứng với mục đích và những điều kiện hoạt động.
Kỹ năng tự học là những phương thức thể hiện hành động tự học thích hợp, tương
ứng với mục đích và những điều kiện hoạt động, hình thành kỹ xảo đúng trong hoạt
động tự học, đảm bảo cho hoạt động tự học của học sinh đạt được kết quả(4). Nói
cách khác, kỹ năng tự học là hệ thống những thao tác đảm bảo cho con người sẵn
sàng và có khả năng thực hiện hành động tự học đạt kết quả.
Kỹ năng tự học bao gồm 3 nhóm kỹ năng:
+ Nhóm kỹ năng định hướng tự học: Kỹ năng tiếp nhận và phát hiện vấn đề, kỹ năng
lập kế hoạch tự học phù hợp với đặc điểm tâm – sinh lý của bản thân.
+ Nhóm kỹ năng thực hiện hoạt động tự học: Kỹ năng nghiên cứu tài liệu học
tập, kỹ năng giải quyết các bài tập nhận thức, kỹ năng thực hành.
+ Nhóm kỹ năng tự kiểm tra, đánh giá hoạt động tự học.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực dạy chuyên thì học sinh chuyên có kỹ năng

tự học phù hợp với đặc trưng môn học và phù hợp với đặc điểm của bản thân. Cũng
theo các chuyên gia, trong các nhóm kỹ năng nói trên, nhóm kỹ năng tự kiểm tra,
đánh giá ở học sinh chuyên có sự vượt trội so với học sinh không chuyên. Các em
biết đánh giá được kết quả đúng sai của việc tự học và mức độ đạt được trong quá
trình tự học. Thực tế cho thấy, học sinh chuyên rất chú trọng đến việc “ kiểm tra lại
kết quả từng nhiệm vụ đã giải quyết có hợp lý không”, “ Tìm nguyên nhân dẫn đến
các khiếm khuyết trong công việc”, điều đó chứng tỏ ý thức đối với công việc đã
làm của học sinh chuyên, trong khi đó học sinh không chuyên không có biểu hiện
theo khuynh hướng này.
Có thể nói, các yếu tố tâm lý cơ bản trong hoạt động tự học của học sinh chuyên
(đã trình bày ở trên) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhận thức đúng về vai trò,


tầm quan trọng của tự học giúp học sinh định hướng cho hoạt động tự học, thái độ
tự học tích cực thể hiện các em có hứng thú, say mê tự học và kỹ năng tự học quyết
định trực tiếp đến kết quả tự học của học sinh chuyên.
2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tự học của học sinh chuyên.
2.4.1 Các yếu tố khách quan.
Yếu tố khách quan là những yếu tố bên ngoài tác động đến hoạt động tự học
của học sinh chuyên, bao gồm:
Mục tiêu môn học, nội dung chương trình, SGK: độ khó của chương trình, khối
lượng tri thức bộ môn nhiều đòi hỏi học sinh chuyên phải nỗ lực tự học, tự tham
khảo các tài liệu liên quan để bổ sung vào vốn tri thức của bản thân.
Các nguồn tài liệu học tập: thông tin học sinh khai thác trên mạng, trên sách báo
trong và ngoài nước ít hay nhiều, có phong phú đa dạng hay không sẽ ảnh hưởng
đến kết quả tự học của học sinh chuyên.
Gia đình với các điều kiện gia đình cũng ảnh hưởng đến việc tự học của học sinh
chuyên: điều kiện sống của gia đình tốt hay không sẽ tác động không nhỏ đến hoạt
động tự học của học sinh chuyên. Tuy nhiên cũng có những học sinh chuyên đạt kết
quả học tập cao trong điều kiện gia đình hết sức khó khăn.

Phương pháp dạy của thầy ảnh hưởng lớn đến hoạt động tự học của học sinh
chuyên. Cách dạy của thầy phải phát huy được tính tự giác, tích cực, tìm tòi, sáng
tạo, tạo hứng thú của học sinh chuyên. Nhân cách người thầy cũng ảnh hưởng đến
hoạt động tự học của học sinh chuyên. Thầy nhiệt tình, hòa nhã, công bằng, là tấm
gương sáng về tự học, tự nghiên cứu sẽ kích thích học sinh noi theo. Có thể nói,
giáo viên và phương pháp giảng dạy của giáo viên có tầm ảnh hưởng lớn đến việc
tự học của học sinh chuyên.
Bầu không khí tâm lý trong tập thể lớp chuyên cũng góp phần lôi cuốn học
sinh chuyên vào hoạt động tự học. Tập thể lớp có tinh thần đoàn kết, hợp tác,
thi đua phấn đấu học tập sẽ kích thích học sinh chuyên tự học có hiệu quả.
Thời gian dành cho tự học cũng ảnh hưởng đến hoạt động tự học của học sinh
chuyên. Hoạt động tự học đòi hỏi rất nhiều thời gian và căng thẳng. Bởi vậy, thời


gian tự học của học sinh chuyên nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của
các em.
Môi trường lớp chuyên của học sinh chuyên bao gồm những học sinh giỏi nên đòi
hỏi cao ở học sinh chuyên phải nỗ lực trong hoạt động tự học nếu không muốn bị
đào thải(chuyển qua lớp không chuyên).
2.4.2 Các yếu tố chủ quan.
Các yếu tố chủ quan thuộc về chính bản thân học sinh chuyên:
Tự học là hoạt động trí não rất căng thẳng, phức tạp đòi hỏi học sinh chuyên phải
có nỗ lực chủ quan, kiên trì khắc phục khó khăn trong học tập…
Kiến thức phương pháp về học tập bộ môn của học sinh chuyên cũng ảnh hưởng
đến kết quả tự học của các em. Một khi các em nắm vững phương pháp đặc trưng
của bộ môn thì việc tự học sẽ thuận lợi và có hiệu quả cao.
Vốn kiến thức nền về bộ môn nhiều hay ít ở mỗi học sinh chuyên cũng ảnh hưởng
không nhỏ tới kết quả tự học của các em.
Các yếu tố về thể chất như: đặc điểm về thể lực, hệ thần kinh,… cũng ảnh hưởng
tới hoạt động tự học của học sinh chuyên. Tự học là hoạt động tiêu hao nhiều năng

lượng đòi hỏi học sinh phải có sức khỏe. Đặc điểm hệ thần kinh, các quy luật hoạt
động của hệ thần kinh với các chức năng của nó cũng ảnh hưởng đến hoạt động tự
học của học sinh chuyên.
III. Kết luận.
Hoạt động tự học có vai trò quan trọng, quyết định kết quả học tập của học sinh
chuyên. Hoạt động tự học của học sinh chuyên được xem xét với tư cách là một
khâu của hoạt động học tập, cá nhân tự học trong thời gian ngoài giờ lên lớp để
hoàn thành các nhiệm vụ học tập của bản thân.
Các yếu tố tâm lý cơ bản trong hoạt động tự học của học sinh chuyên bao gồm:
nhận thức về tự học, thái độ tự học và kỹ năng tự học của các em.
Đặc trưng nổi bật trong hoạt động tự học của học sinh chuyên là cách học của các
em theo phương pháp nghiên cứu khoa học trên cơ sở thực hiện các nội dung


chuyên đề theo yêu cầu của thầy cô giáo. Cách học này chính là tiền đề quan trọng
để các em có thể học tốt ở các bậc học cao hơn.
Hoạt động tự học có vai trò lớn đối với sự phát triển trí tuệ, nhân cách của học sinh
chuyên. Có thể nói, khả năng tự học cao của học sinh chuyên góp phần quan trọng
đến kết quả học tập cao của các em và cũng là sự khác biệt nổi bật so với khả năng
tự học của học sinh không chuyên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2012) - Quy chế tổ chức và hoạt động của trường
THPT chuyên.
2. Lê Khánh Bằng (1998) – Tổ chức phương pháp tự học cho sinh viên Đại học Sư
phạm – NXB Hà Nội.
3. Bernd Meier – Nguyễn Văn Cường (2015) - Lý luận dạy học hiện đại. Cơ sở đổi
mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học.NXB Đại học Sư phạm.
4. Trần Thị Minh Hằng (2011) - Tự học và yếu tố tâm lý cơ bản trong tự học của
sinh viên Sư phạm. NXB Giáo dục Việt Nam.
5. Vũ Lệ Hoa – Phát triển kỹ năng tự học của sinh viên trong dạy học môn Giáo

dục học ở trường Sư phạm – Tạp chí KHGD số 99/2013.
6. Đặng Thành Hưng – Bản chất và điều kiện của việc tự học – Tạp chí KHGD số
78/2012.
7. ND. Lêvitov (1970) – Tâm lý học trẻ em và tâm lý học sư phạm – NXB Giáo dục.
8. Nguyễn Giang Nam – Bản chất và đặc điểm năng lực tự học của sinh viên Đại
học – Tạp chí Giáo dục số 32/2014.
9. Nghị quyết TW 04 (khoáVII) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo
(báo Điện tử ĐCSVN)
10. Đào Thị Oanh (2009) – Thực trạng khả năng tổ chức tự học của học sinh THPT
hiện nay. Viện Nghiên cứu Sư phạm. (Báo cáo đề tài cấp Viện-MS: SPHN-09-466)
11. Hoàng Phê (chủ biên - 1994) Từ điển Tiếng Việt – NXB Khoa học xã hội
12. NA. Rubakin (1973) Tự học như thế nào – NXB Thanh niên.


13. Nguyễn Cảnh Toàn – Tuyển tác phẩm tập 1 (2001): Tự giáo dục, tự học, tự
nghiên cứu – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ
Đông Tây.
14. Nguyễn Cảnh Toàn (chủ biên-2004) – Học và dạy cách học. NXB Đại học Sư phạm.



×