Tải bản đầy đủ (.pdf) (84 trang)

Phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy từ thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh (LV thạc sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.18 MB, 84 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

LƯƠNG THANH AN

PHÒNG NGỪA TÌNH HÌNH TỘI PHẠM
VỀ MA TÚY TỪ THỰC TIỄN TỈNH HÀ TĨNH
Chuyên ngành: Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm
Mã số: 60.38.01.05

LUẬN VĂN THẠC SỸ LUẬT HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS.TS NGUYỄN NGỌC ANH

HÀ NỘI – 2017


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu,
kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất
kì công trình nào khác.
Hà Nôi, tháng

năm 2017

Tác giả luận văn


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1


Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÒNG NGỪA TÌNH HÌNH
TỘI PHẠM VỀ MA TÚY.........................................................................................7
1.1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của phòng ngừa tội phạm về tội phạm ma
túy ............................................................................................................................7
1.2. Những đặc điểm của tỉnh Hà Tĩnh có ảnh hưởng đến hoạt động của tội phạm
ma túy và công tác phòng ngừa tội phạm về ma túy từ năm 2012-2016 ..............18
Chương 2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA TÌNH HÌNH TỘI
PHẠM VỀ MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN HÀ TĨNH TỪ NĂM 2012-2016 ...........25
2.1. Lực lượng tiến hành công tác phòng ngừa tình hình hình tội phạm về ma túy
trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ......................................................................................25
2.2. Công tác phòng ngừa tội phạm ma túy trên địa bàn Hà Tĩnh ........................31
2.3. Những kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về ma
túy trên địa bàn Hà Tĩnh trong thời gian từ năm 2012-2016 ................................41
2.4. Tình hình tội phạm về ma túy tại tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2012-2016 ...............46
2.5. Những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng ngừa tình hình tội phạm ma túy
trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ......................................................................................58
2.6. Nguyên nhân kết quả đạt được và tồn tại hạn chế .........................................60
Chương 3. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA
TÌNH HÌNH TỘI PHẠM VỀ MA TÚY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
TRONG THỜI GIAN TỚI .....................................................................................65
3.2. Một số giải pháp góp phần làm tốt công tác phòng ngừa tình hình tội phạm
về ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ......................................................................67
KẾT LUẬN ..............................................................................................................78
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ...............................................................79


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ, với những điều kiện tự
nhiên, điều kiện kinh tế xã hội có tiềm năng để phát triển toàn diện. Về điều kiện tự

nhiên, với diện tích đất tự nhiên 6019 km2 , Hà Tĩnh nằm tiếp giáp với cả biển lẫn
biên giới với Lào. Cụ thể; phía Tây giáp với biển Đông với chiều dài 137 km đường
bờ biển, phía Tây giáp với Lào (có 3 huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang
giáp với 2 tỉnh Bô Ly Khăm Xây và Khăm Muộn) với chiều dài đường biên giới là
145 km, phía Bắc giáp với tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp với tỉnh
Quảng Bình. Hà Tĩnh có đủ loại địa hình từ đồi núi, trung du, đồng bằng và giáp
biển, có sự phong phú về tài nguyên khoảng sản (than đá, sắt), tài nguyên thủy, hải
sản (cá, tôm, cua, mực…), tài nguyên lâm nghiệp (có nhiều loại gỗ, động vật quý
hiếm) thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội.
Về điều kiện kinh tế - xã hội Hà Tĩnh có tiềm năng để phát triển như đang thu
hút đầu tư nước ngoài để phát triển các khu kinh tế như khu kinh tế Vũng Áng, khai
thác mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng lớn, hệ thống giao thông thuận lợi như có
đường quốc lộ 1A đi qua với chiều dài 127 km, 87 km đường mòn Hồ Chí Minh, 70
km đường sắt Bắc – Nam, có quốc lộ 8A với chiều dài 85 km chạy qua cửa khẩu
quốc tế Cầu Treo thông quan với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, có quốc lộ
12 chạy từ cảng Vũng Áng qua Quảng Bình đến cửa khẩu Cha Lo sang Lào và
Đông Bắc Thái Lan… Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Tĩnh phát triển kinh
tế - xã hội.
Tuy nhiên, với những điều kiện về tự nhiên, kinh tế - xã hội như trên thì đây
đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi làm phát sinh các loại tội phạm trên địa bàn
Hà Tĩnh, trong đó có tội phạm về ma túy. Việc có cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thông
qua với Lào - một trong 3 nước thuộc khu vực Tam giác vàng (Lào-Thái LanMianma) nên hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy từ
Lào vào nội địa Hà Tĩnh rồi phân tán ra ngoài xã hội hay vận chuyển đến các nơi
1


khác từ trước đến nay đều được các đối tượng tội phạm hoặc băng nhóm tội phạm
ma túy tiến hành một cách mạnh mẽ, có chiều hướng gia tăng, làm cho tình hình trật
tự an toàn xã hội trên địa bàn trở nên rất phức tạp. Bên cạnh đó, với việc thu hút đầu
tư nước ngoài để phát triển khu kinh tế Vũng Áng (thuộc thị xã Kỳ Anh và huyện

Kỳ Anh), mỏ sắt Thạch Khê… đã thu hút hàng nghìn lao động từ khắp các nơi về
Hà Tĩnh kéo theo tình hình tội phạm trên địa bàn cũng gia tăng trong thời gian qua,
trong đó có tội phạm về ma túy và các tệ nạn xã hội liên quan đến ma túy. Ngoài ra
trên địa bàn Hà Tĩnh còn có một số địa bàn phức tạp về tình hình tội phạm ma túy
như huyện Nghi Xuân tiếp giáp với thành phố Vinh (Nghệ An), có tiềm năng phát
triển khu du lịch biển Xuân Thành thu hút nhiều khách du lịch đến với Nghi Xuân,
điều này cũng chính là điều kiện cho tội phạm ma túy gia tăng; thị xã Hồng Lĩnh,
thành phố Hà Tĩnh cũng là một trong những địa bàn mà tội phạm về ma túy hoạt
động mạnh từ trước đến nay với hình thức nhỏ lẻ, ma túy được các đối tượng tội
phạm chia lẻ ra bán cho các đối tượng nghiện trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh
viên, những người không có nghề nghiệp ổn định làm cho tình hình tội phạm ma
túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp.
Chính vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn
tỉnh Hà Tĩnh đã được cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm,
các cơ quan chức năng đã tăng cường tổ chức các biện pháp hành chính, nghiệp vụ,
có sự phối hợp với các cơ quan, đoàn thể quần chúng trong việc phòng ngừa tình
hình tội phạm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn
còn diễn biến phức tạp, gây ra những tác hại cho cộng đồng, cho từng cá nhân, gây
mất an ninh trật tự.
Trước thực trạng nêu trên, đã có một số đề tài nghiên cứu, đánh giá về hoạt
động phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy nhằm góp phần kiểm soát, đẩy lùi
tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên, chưa có công trình khoa học
nào nghiên cứu, đánh giá thực trạng hoạt động của các đối tượng tội phạm ma túy
và các băng nhóm tội phạm về ma túy cũng như công tác phòng ngừa tình hình tội
phạm ma túy trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh. Xuất phát từ những lý do trên, tác giả
2


chọn nghiên vấn đề “ Phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy từ thực tiễn tỉnh Hà
Tĩnh” làm đề tài luận văn thạc sĩ.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về
ma túy và đẩy lùi tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội, ở Việt Nam trong những
năm gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, các luận án tiến sĩ, luận
văn thạc sĩ đi sâu nghiên cứu về tội phạm ma túy, đấu tranh phòng, chống tội phạm
ma túy và phòng ngừa tình hình tội phạm ma túy và ở một số địa bàn, trong đó có thể
kể đến như:
- “Tội phạm về ma túy thực trạng, nguyên nhân và giải pháp”, (2005) luận án
tiến sĩ của tác giả Vũ Quang Vinh, Học viện Cảnh sát nhân dân.
- “Đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy ở Việt Nam” (2006) luận án
tiến sĩ của tác giả Phạm Minh Tuyên, Học viện Cảnh sát nhân dân.
- “Phòng ngừa các tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu” (2009)
luận văn thạc sĩ của tác giả Đỗ Tiến Dũng, Học viện Cảnh sát nhân dân.
- “Đấu tranh phòng chống ma túy trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà
Nội” (2010) luận văn thạc sĩ của tác giả Trần Thị Minh, Học viện Khoa học xã hội;
- “Đấu tranh phòng, chống tội mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn
thành phố Đà Nẵng” (2013) luận văn thạc sĩ của tác giả Nguyễn Tấn Anh, Học viện
Khoa học xã hội;
- “Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy
trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn: tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” (2014)
luận văn thạc sĩ của tác giả Nguyễn Thị Quế, Học viện Khoa học xã hội;
Những công trình khoa học được công bố trên đây đề cập đến các khía cạnh
khác nhau của công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm ma túy nói
chung, nhưng đến nay, chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu trực tiếp về
“phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy từ thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh”.
3


3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu của luận văn

Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn tình hình tội phạm ma
túy, tình hình tội phạm ma túy; thực trạng công tác phòng ngừa tình hình tội phạm
ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2012 đến năm 2016, từ đó đề xuất các giải
pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy ở
địa bàn nghiên cứu trong thời gian tới.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
Để đạt được mục đích nêu trên luận văn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau;
- Phân tích những vấn đề lý luận về tội phạm về ma túy, tình hình tội phạm ma túy;
- Phân tích các đặc điểm của Hà Tĩnh có ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa
tình hình tội phạm về ma túy;
- Phân tích các thông số về lượng, về chất của tình hình tội phạm ma túy trên
địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
- Đánh giá về lực lượng tiến hành công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về
ma túy ở địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
- Đánh giá thực trạng công tác phòng ngừa tình hình tội phạm ma túy trên địa
bàn tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2016;
- Đưa ra những dự báo về tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Hà
Tĩnh trong thời gian tới;
- Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tình
hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận về phòng ngừa tội
phạm về ma túy nói chung, phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy nói riêng từ
thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh.
4


Luận văn lấy các quan điểm khoa học về ma túy, tội phạm về ma túy; các đặc
điểm ảnh hưởng, tác động đến công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy

trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; về tình hình tội phạm ma túy; thực trạng công tác phòng
ngừa tình hình tội phạm về ma túy ở địa bàn Hà Tĩnh để nghiên cứu các vấn đề
thuộc nội dung nghiên cứu của tác giả.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về mặt thời gian, luận văn nghiên cứu về thực trạng công tác phòng ngừa
tình hình tội phạm về ma túy trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2016;
- Về mặt không gian, luận văn đi sâu vào nghiên cứu công tác phòng ngừa tình
hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
5. Phương pháp luận và những phương pháp nghiên cứu
Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác
- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, quy định của Nhà nước về
tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng, về công tác phòng ngừa tình
hình tội phạm.
Trong quá trình nghiên cứu đề tài luận văn thạc sĩ, tác giả sử dụng đồng bộ, tổng
thể các phương pháp phân tích - tổng hợp, thống kê, so sánh, trao đổi chuyên gia…
6. Những đóng góp khoa học mới của luận văn
- Trong quá trình nghiên cứu luận văn, tác giả đã phân tích được các đặc điểm,
thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy nói chung và tội phạm ma túy hoạt động
trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, những thông số về lượng, về chất của tình hình
tội phạm về ma túy; những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế trong công tác
phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy ở địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; đưa ra được dự
báo về tình hình tội phạm về ma túy trong thời gian tới.
- Đề xuất các giải pháp cụ thể, có tính khả thi trong thực tiễn góp phần nâng cao
hiệu quả công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
5


7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
- Về mặt lý luận, luận văn góp phần nâng cao nhận thức của các lực lượng
chức năng và các tầng lớp nhân dân về tội phạm ma túy, tình hình tội phạm về ma

túy; nhận thức được thực tiễn công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy;
nhận thấy được những tồn tại, hạn chế trong quá trình tiến hành công tác phòng
ngừa tình hình tội phạm về ma túy.
- Về mặt thực tiễn, luận văn dùng làm tài liệu để nghiên cứu, vận dụng các giải
pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về
ma túy nói chung và tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói
riêng trong thời gian tới.
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận từng chương, kết luận chung, tài liệu tham khảo,
luận văn được kết cấu thành 3 chương.
Chương 1. Tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Chương 2. thực trạng công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy trên
địa bàn Hà Tĩnh từ năm 2012 – 2016.
Chương 3. Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tình hình tội
phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới.

6


Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÒNG NGỪA
TÌNH HÌNH TỘI PHẠM VỀ MA TÚY

1.1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của phòng ngừa tội phạm về tội phạm
ma túy
1.1.1. Khái niệm về ma túy
Từ lâu, loài người đã biết sử dụng một số loài cây có sẵn trong tự nhiên có
chứa các chất kích thích như cây cần sa, cây coca, cây thuốc phiện…để phục vụ cho
các lễ hội, nghi lễ ma thuật, chữa bệnh… Con người thời kỳ này chỉ thấy được
những tác dụng của các loại cây này là làm cho con người hưng phấn, lao động tốt

hơn, và có thể giảm đau trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, thời kỳ này
y học chưa phát triển nên con người chưa biết đến những tác hại cho các loại cây
này mang lại. Vì thế mà nhu cầu sử dụng các loại cây có chứa các chất kích thích
này ngày càng tăng nhanh, nó được con người trồng để sử dụng trong cuộc sống
hàng ngày.
Ngày nay, các loại cây có chứa các chất ma túy được trồng ở nhiều nơi trên
thế giới như châu Á, Bắc Phi, Nam Mỹ… đặc biệt trên thế giới có hai vùng được
cho là cái nôi sản sinh, cung cấp ma túy nhiều nhất đó là khu vực Tam giác vàng
(Lào-Myanma-Thái Lan) và Trăng lưỡi liềm vàng (pakistan, Apganistan, Iran).
Đây là những khu vực có địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi và sự kiểm soát của
chính quyền các nước có những thời kỳ bị hạn chế bởi các băng nhóm tội phạm
ma túy hoạt động rất tinh vi, kín đáo đồng thời cũng chống trả quyết liệt lại các
lực lượng chức năng tiến hành công tác phòng chống và kiểm soát ma túy.
Ở Việt Nam, các loại cây có chứa các chất ma túy cũng được con người sử
dụng từ rất sớm, chủ yếu được trồng tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, nơi có
địa hình đồi núi hiểm trở như vùng Tây Bắc, Tây Nghệ An, khu vực giáp biên giới
Lào, biên giới Trung Quốc…Do nhu cầu sử dụng ngày càng cao và phục vụ cho các
7


hoạt động chiến tranh nên các loại cây có chứa các chất ma túy được trồng nhiều
nơi trong cả nước. Đến thời kỳ y học phát triển, con người đã biết đến tác hại của
các chất kích thích có trong các loại cây thuốc phiện, cây cần sa mang lại cho sức
khỏe con người và xã hội nên bắt đầu tìm cách để kiểm soát việc trồng, sử dụng các
loại cây có chứa chất ma túy.
Trước đây, khi nói đến các chất ma túy chúng ta thường hiểu đó là những sản
phẩm có nguồn gốc tự nhiên từ việc sử dụng các loại cây có chứa các chất ma túy.
Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người đã biết tách chiết, chế
tạo ra nhiều loại chất ma túy có hàm lượng chất kích thích cao hơn, tác dụng mạnh
hơn vào cơ thể con người nên khái niệm ma túy hiện nay đã được hiểu theo nghĩa

rộng hơn so với trước đây.
Hiện nay, chưa có một khái niệm thống nhất về ma túy được sử dụng chung
trên toàn thế giới, mà mỗi quốc gia, mỗi ngành khoa học đều đang có những quan
niệm khác nhau về chất ma túy. Theo Công ước quốc tế năm 1961 (sửa đổi theo
Nghị định thư 1972) thì: “Ma túy được hiểu là bất kỳ chất liệu nào có trong bảng I
và bảng II, dù dưới dạng tự nhiên hay tổng hợp”; theo Luật Phòng chống ma túy
năm 2000 quy định tại Điều 2: “Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng
thần được quy định trong các danh mục cho Chính phủ ban hành”, trong đó “chất
gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối
với người sử dụng”, “chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây
ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử
dụng” [12;tr. 01] theo Từ điển bách khoa Công an nhân dân năm 2005 thì “Ma túy
là thuật ngữ dùng để chỉ các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp được
quy định trong danh mục do Chính phủ ban hành, có tác dụng kích thích, gây ức
chế thần kinh hoặc gây ảo giác khiến người sử dụng bị lệ thuộc vào chúng”[15;tr.
342]; theo Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì ma túy bao
gồm các chất như: thuốc phiện, quả thuốc phiện; lá, hoa, quả cây cần sa; lá cây
côca, cao côca; hêrôin; côcain; các chất ma túy khác ở thể rắn; các chất ma túy
khác ở thể lỏng.
8


Như vậy, khái niệm về tội phạm về ma túy có thể hiểu: ma tuý là những chất
tự nhiên hay tổng hợp, khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ tác động trực tiếp đến
hệ thần kinh trung ương, gây ra những biến đổi về tâm sinh lý, thể chất và có thể
gây nghiện.
1.1.2. khái quát về các tội phạm ma túy
Tội phạm về ma túy là một loại tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự
bao gồm các loại tội phạm xâm phạm trật tự quản lý Nhà nước về các chất ma túy,
chát gây nghiện mà lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy có trách nhiệm

trực tiếp đấu tranh, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự.
Tội phạm về ma túy là những loại tội phạm liên quan đến ma túy được quy
định tại Chương XVIII Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), bao
gồm các nhóm các tội: Trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất
ma túy; sản xuất trái phép chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép
hoặc chiếm đoạt chất ma túy; tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền
chất dùng để sản xuất trái phép chất ma túy; sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua
bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất
ma túy; tổ chức sử dụng dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp việc sử dụng trái
phép chất ma túy; sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử
dụng trái phép chất ma túy; vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây
nghiện hoặc các chất ma túy khác.
Để góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, đã có nhiều công
trình nghiên cứu về các đặc điểm, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy trên thế
giới nói chung và tội phạm ma túy ở Việt Nam nói riêng, theo đó, tội phạm ma túy
có một số các đặc điểm, thủ đoạn hoạt động sau:
- Đặc điểm của tội phạm ma túy trên thế giới nói chung và tội phạm ma túy ở
Việt Nam nói riêng:
Thứ nhất, tội phạm về ma túy hoạt động mang tính quốc tế

9


Tội phạm về ma túy hoạt động mang tính toàn cầu, có liên quan chặt chẽ với
nhau giữa các khâu, từ khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm là chất ma túy
ở nhiều quốc gia đã tạo nên thị trường quốc tế về ma túy. Trước đây các chất ma túy
được sử dụng chủ yếu là thuốc phiện, cần sa nhưng đến nay người nghiện phần lớn
đã dùng hêrôin và ma túy tổng hợp có nguồn gốc từ nước ngoài. Các băng nhóm tội
phạm ma túy xuyên quốc gia đã triệt để lợi dụng các tuyến vận chuyển lậu bằng
đường bộ, đường hàng không, đường biển, tuyến bưu điện để vận chuyển hêrôin và

thuốc phiện từ vùng tam giác vàng qua Lào hoặc Cam-pu-chia, Trung Quốc sau đó
đưa vào Việt Nam. Các đối tượng phạm tội cũng triệt để sử dụng khách du lịch và
Việt kiều về nước thăm thân, đi du lịch Việt Nam để vận chuyển ma túy thuê cho
các đối tượng.
Thứ hai, tội phạm về ma túy thường hoạt động có tổ chức, theo đường dây, ổ
nhóm và là nguồn gốc hình thành mafia ma túy
Tội phạm về ma túy thường hoạt động theo đường dây, ổ nhóm có tổ chức
chặt chẽ, có sự phân công vai trò, vị trí theo từng đối tượng trong tổ chức đó và hoạt
động với nhiều thủ đoạn tinh vi. Hoạt động của tổ chức tội phạm thường gắn kết với
nhau bằng lợi ích kinh tế hoặc bằng “luật rừng” do chúng đặt ra rất hà khắc. Đối với
tội phạm về ma túy ở Việt Nam, hầu hết các đường dây tội phạm ma túy lớn còn
hình thành trên cơ sở quan hệ gia đình, họ hàng thân thuộc để ràng buộc, khống chế
nhau đảm bảo lòng tin và bảo vệ cho nhau, hình thành các đường dây khép kín để
hoạt động.
Bên cạnh đó, nét đặc thù trong hoạt động của loại tội phạm về ma túy là trong
các đường dây lớn thường có những đối tượng chuyên đi mua chuộc, lôi kéo cán bộ
có chức quyền, kể cả cán bộ làm công tác chống tội phạm để làm chỗ dựa hoạt động
hoặc để nắm kế hoạch đấu tranh của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đặc biệt chúng
đã bắt đầu cấu kết với đối tượng phạm tội có tổ chức, tội phạm kiểu “xã hội đen” kể
cả câu kết với đối tượng trong tổ chức tội phạm từ nước ngoài vào để hoạt động
phạm tội. Đây chính là manh nha, nguồn gốc để hình thành các băng nhóm maphia

10


ma túy ở Việt Nam, làm cho tính chất cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy ngày
càng trở nên cam go, phức tạp hơn.
Thứ ba, hoạt động của tội phạm về ma túy thường rất tinh vi, xảo quyệt, ngoan
cố và manh động
Các hành vi phạm tội về ma túy được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện

hành hầu hết là những tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm
trọng, có mức hình phạt cao nhất là tử hình. Trước khi phạm tội, các đối tượng hoàn
toàn biết rõ nếu bị phát hiện, bị bắt giữ, chúng phải chịu hình phạt nghiêm khắc theo
quy định của pháp luật. Do đó, chúng hoạt động rất tinh vi, xảo quyệt nhằm chống
lại sự phát hiện của công chúng và của các cơ quan thi hành pháp luật. Bên cạnh đó,
sự ràng buộc nhau bằng “luật rừng”, sự nghiệt ngã trong quan hệ giữa các đối tượng
trực tiếp tác động đến sự tồn tại của chúng càng làm gia tăng thêm sự tàn bạo, manh
động của các loại đối tượng phạm tội về ma túy, nhất là các đối tượng buôn bán,
vận chuyển trái phép các chất ma túy. Chính vì vậy, khi vận chuyển các chất ma túy
chúng luôn có ý thức cảnh giác bằng mọi thủ đoạn để không bị phát hiện, bắt giữ.
Để tránh sự phát hiện của các cơ quan kiểm soát ma túy, bọn chúng chuẩn bị rất
công phu từ khâu thiết lập đường dây, tuyển lựa đồng bọn, chọn thời gian, địa điểm
hoạt động đến khâu mua bán, cất giấu, vận chuyển, tiêu thụ ma túy. Khi bị bắt, các
đối tượng chống trả quyết liệt nhằm tìm đường tẩu thoát hoặc tự sát để trốn tránh sự
trừng phạt của pháp luật, đồng thời, chúng thường ngoan cố không nhận tội hoặc
chỉ nhận tội về mình, không khai ra đồng bọn trong đường dây…
Thứ tư, tội phạm về ma túy thường gắn với hoạt động rửa tiền, với tội phạm
tài chính và tội phạm khủng bố
Hoạt động tội phạm ma túy mang lại lợi nhuận cao, nguồn tài chính thu được
rất lớn nhưng để che giấu các cơ quan pháp luật, các đối tượng phạm tội về ma túy
luôn tìm cách hợp pháp hóa các nguồn tiền này. Hành động đó được gọi là “rửa
tiền” (money laundering). Bên cạnh đó, giữa các tổ chức tội phạm về ma túy thường
nảy sinh sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các thành viên hoặc mâu thuẫn giữa các tổ
11


chức tội phạm khác nhau trong tranh giành thị trường, phân chia lợi nhuận… từ đó
nảy sinh các yêu cầu tiêu diệt, loại trừ lẫn nhau. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, khi
các tổ chức tội phạm về ma túy bị phát hiện, chúng tìm cách thủ tiêu, bịt đầu mối
hoặc tổ chức sát hại các nhà hoạt động hành pháp thậm chí khủng bố, đe dọa tạo sức

ép về mọi mặt đối với Chính phủ… Do vậy, các tổ chức tội phạm về ma túy ở một
số nước thường có quan hệ với tội phạm khủng bố.
Thứ năm, thành phần đối tượng phạm tội về ma túy rất đa dạng, với các đặc
điểm khác nhau
Nhóm đối tượng phạm tội mang tính chuyên nghiệp: đây là những đối tượng
phạm tội về ma túy hoạt động với những phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, hoạt
động thường có tổ chức, đường dây, ổ nhóm và luôn quan tâm đến việc củng cố tổ
chức đường dây đó. Đối tượng loại này thường có nhiều kinh nghiệm trong tàng trữ,
vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và trong thực hiện các
hành vi phạm tội về ma túy... Đặc biệt, những đối tượng cầm đầu thường là những
đối tượng đã hoạt động phạm tội nhiều năm, phần lớn đã có tiền án, tiền sự về các
tội phạm liên quan đến ma túy. Bọn này là những tên có tiềm lực kinh tế mạnh, rất
tinh vi, xảo quyệt; nắm chắc địa bàn, đường dây, biết các ổ nhóm và tổ chức hoạt
động khác; có những quan hệ nhất định với những người bảo vệ pháp luật để che
chắn cho các hoạt động phạm tội của mình. Điều đáng chú ý là trong các tổ chức,
đường dây này, các thành viên trong nhóm xử sự với nhau rất hà khắc theo “luật
rừng” mà chúng đề ra, trước những lỗi lầm của các đối tượng dẫn đến gây thiệt hại
cho làm ăn buôn bán của chúng hoặc nguy cơ bị lộ…
Nhóm đối tượng cơ hội, lợi dụng điều kiện tự nhiên, nghề nghiệp hoặc vị trí
công tác để hoạt động phạm tội: đặc điểm nổi bật của nhóm đối tượng này là hám
lợi, dễ bị cám dỗ bởi vật chất. Những đối tượng này thường lợi dụng việc đi công
tác hoặc đi du lịch… đến nơi có nguồn gốc ma túy để mua bán các chất ma túy hoặc
thực hiện việc vận chuyển thuê nhằm kiếm lời. Ngoài ra, trong nhóm này có cả
những đối tượng lợi dụng điều kiện tự nhiên như sống ở vùng có nguồn ma túy để
thực hiện hành vi mua gom ma túy rồi bán cho các đối tượng khác. Phần lớn là
12


những người thuộc dân tộc ít người, kém hiểu biết về pháp luật, dễ bị mua chuộc lôi
kéo và thường manh động. Đối với những đối tượng lợi dụng vị trí, điều kiện công

tác như nhân viên Hải quan, Bộ đội Biên phòng… làm việc ở những vị trí kiểm soát
biên giới, cửa khẩu, sân bay, bến cảng, cán bộ đấu tranh chống tội phạm do thoái
hóa biến chất đã bị các đối tượng phạm tội móc nối, lôi kéo vào đường dây tổ chức
tội phạm hoặc tiếp tay cho tội phạm hoạt động. Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng
nghề nghiệp để hoạt động phạm tội còn có những người làm công tác y tế như: bác
sỹ, dược sỹ, cán bộ trong các trung tâm cai nghiện lợi dụng vị tri công tác kê đơn,
cấp thuốc trái với quy định để chuyển các thuốc tân dược có chứa chất ma túy ra
ngoài tiêu thụ hoặc tổ chức tiêm chích trái phép các chất ma túy.
Nhóm đối tượng bị lôi kéo vào con đường phạm tội: đây là những đối tượng bị
khống chế hoặc bị lôi kéo vào con đường phạm tội thường có đặc tính là dễ tin, hám
lợi, phần lớn không có nghề nghiệp. Những đối tượng này thường có những điều
kiện, hoàn cảnh dễ bị lôi kéo như: có khó khăn về kinh tế, có những mâu thuẫn về
tình cảm, bị lệ thuộc và bị ràng buộc về một yếu tố nào đó đối với đối tượng lôi kéo.
- Thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy
Thủ đoạn hoạt động của đối tượng phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển,
mua bán trái phép các chất ma túy
Một là, thủ đoạn tạo nguồn và thu gom các chất ma túy: để có các chất ma túy
các đối tượng thường khai thác từ hai nguồn chính: nguồn ma túy được thẩm lậu từ
nước ngoài vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau; nguồn ma túy ở trong
nước chủ yếu vẫn được khai thác từ nơi có trồng cây thuốc phiện, cây cần sa. Bên
cạnh đó, đối tượng buôn bán lớn thường ứng vốn cho tay chân đi gom hàng, chúng
không trực tiếp mua bán hoặc vận chuyển.
Hai là, thủ đoạn cất giấu các chất ma túy: thủ đoạn mà đối tượng phạm tội sử
dụng để cất giấu ma túy vô cùng đa dạng, phức tạp. Nhưng nhìn chung, chúng thường
dùng các thủ đoạn chính sau đây: khi hàng đã tập kết, chúng ít khi để hàng tại nhà, mà
thường cất giấu hàng ở nơi khác, khi có khách mua chúng mới đưa hàng về, hoặc
13


đưa đi nơi khác nhận hàng; đào hầm bí mật để cất giấu ma túy (nếu số lượng lớn

hoặc có giá trị cực lớn); ma túy cũng có thể được cất giấu ngay trong nhà ở của đối
tượng, cũng có thể ở các khu nhà lân cận bằng cách đào tường, khoét gạch làm
thành các hố trên vách, dưới nền, bên ngoài được ngụy trang khéo léo bằng những
thứ không ngờ hoặc khó tiếp xúc...
Ba là, thủ đoạn trong khâu giao nhận các chất ma túy: các đối tượng chuyên
nghiệp khi đã hình thành đường dây tổ chức, chúng có độ tin cậy rất cao, có thể chỉ
nói qua điện thoại, máy nhắn tin... là chúng giao hàng, nhận tiền, giá cả đã có sự
thỏa thuận trước, sát hợp với từng mặt hàng, từng thời điểm khác nhau. Các đối
tượng buôn bán lớn thường có đối tượng chuyên xách “hàng” thuê, giao ma túy và
nhận tiền có tay chân đi kèm giám sát, bảo vệ. Khi bị bắt, chúng thường tách hàng
ma túy ra khỏi người, có khi chúng thả ma túy xuống đất và từ chối ngay, hoặc tìm
cách thông cung để nhận tội cho nhau và giúp đỡ nhau khi có đối tượng phải ngồi
tù. Một số đối tượng luôn tìm cách lôi kéo, mua chuộc, tiếp xúc với cán bộ chuyên
trách để làm bình phong hoạt động, hoặc moi tin tức, kế hoạch đấu tranh của lực
lượng chức năng để đối phó. Các đối tượng thường hẹn giao hàng ma túy ở những
nơi kín đáo, ít người qua lại, ít có sự chú ý. Nếu là đầu mối hàng mới thì thường
xuyên thay đổi địa điểm, lịch trình giao nhận để kiểm tra, thử thách, có khi thay đổi
hai ba lần để thăm dò và dùng các ám tín hiệu đã quy ước để giao hàng, nếu có nghi
ngờ đối tượng lập tức tìm cách kiểm tra và thay đổi kế hoạch. Bên cạnh đó, các đối
tượng thường kiểm tra tiền trước rồi trao ma túy sau, trao tiền một nơi, ma túy giao
một nơi khác.
Bốn là, thủ đoạn thông tin liên lạc giữa các đối tượng: trong quá trình thực
hiện tội phạm, các đối tượng thường thông tin cho nhau bằng cách dùng tiếng lóng,
ngôn ngữ lóng được ẩn dưới dạng trao đổi công việc nhằm thông báo về giá cả, nơi
giao “hàng”, nguồn “hàng” và thông tin để đối phó lại sự kiểm soát của cơ quan
chức năng... Các phương tiện thông tin được đối tượng sử dụng chủ yếu là máy
nhắn tin, điện thoại và thường dùng nhiều máy với các số máy khác nhau được thay
đổi liên tục.
14



Năm là, thủ đoạn khai báo khi bị bắt: phần lớn các đối tượng phạm tội về ma
túy khi bị bắt giữ luôn tìm cách khai báo với những thủ đoạn chính sau đây: Cố tình
không khai báo hoặc khai một cách nhỏ giọt, khai có tính chất vừa khai vừa thăm dò
sự hiểu biết của người lấy lời khai về đường dây và hoạt động của đối tượng; khai
man hộ, khai man thuê một người nào đó không rõ họ tên, địa chỉ hoặc không biết
hàng đó là chất ma túy; từ chối không nhận đó là hàng của mình; tìm cách mua
chuộc hối lộ cán bộ điều tra; trường hợp bị phát hiện chúng cố tình vứt bỏ chất ma
túy rồi chạy trốn hoặc từ chối...
Thủ đoạn hoạt động của đối tượng phạm tội tổ chức sử dụng, chứa chấp sử
dụng, cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy: các đối tượng
thường tổ chức thành đường dây, ổ nhóm chặt chẽ và có sự phân công nhiệm vụ cho
từng thành viên trong nhóm, tìm cách tạo vỏ bọc để che giấu sự phát hiện của quần
chúng nhân dân và các cơ quan chức năng. Muốn thực hiện được hành vi phạm tội
này đối tượng phạm tội sử dụng thông thường phải tiến hành qua các khâu: chuẩn
bị, lựa chọn địa điểm...
Ngoài ra, các đối tượng có sự chuẩn bị các chất ma túy và những dụng cụ để
sử dụng. Để có các chất ma túy sử dụng, đối tượng phạm tội thường tìm mua ma túy
của bọn buôn lậu ma túy. Ngược lại để tiêu thụ được ma túy, bọn buôn lậu ma túy
thường lập thành đường dây cung cấp các chất ma túy thường xuyên cho những tụ
điểm tiêm chích ma túy thông qua các đại lý. Các dụng cụ, phương tiện sử dụng
chất ma túy cũng có nhiều loại như: Các đồ dùng để chứa chất ma túy, những
phương tiện để sơ chế chất ma túy, các phương tiện để sử dụng các chất ma túy... và
thường được cất giấu kín đáo trong hầm bí mật, trong các đồ dùng gia đình, được
giấu trong túi quần áo của người trực tiếp tiêm chích cho những người nghiện.
Các đối tượng thường rủ rê lôi kéo người đến sử dụng và tổ chức sử dụng trái
phép các chất ma túy bằng nhiều thủ đoạn tinh vi: Đối với những người mới đến lần
đầu, chúng cho hút, tiêm chích một số liều đầu không lấy tiền hoặc cho chịu, cho
gán đổi bằng những tài sản đồ vật có giá trị nhưng đến khi nghiện chúng khống chế


15


người nghiện thực hiện các hành vi phạm tội như vận chuyển ma túy, lôi kéo người
khác đến sử dụng ma túy...
Một số thủ đoạn tẩy rửa tiền từ hành vi phạm tội về ma túy: Để tẩy rửa tiền từ
hành vi phạm tội về ma túy thành tiền hợp pháp, tội phạm về ma túy thường sử
dụng một số thủ đoạn như: Sử dụng tay chân hàng ngày gửi tiền vào quỹ tín dụng,
tiết kiệm hay Ngân hàng tại nhiều nơi sau đó rút ra hoặc chuyển sang Ngân hàng
khác; lợi dụng lòng tốt hoặc mua chuộc nhân viên Ngân hàng để gửi tiền vào Ngân
hàng với nhiều danh nghĩa khác nhau, sau đó chuyển khoản sang Ngân hàng khác
hoặc nước khác để rút vốn đầu tư, kinh doanh...; sử dụng thủ đoạn cho vay chính
mình hoặc cấp vốn kinh doanh; lợi dụng thị trường chứng khoán (lấy danh nghĩa
một công ty hợp pháp để mua đắt bán rẻ cố phiếu, tiền thu về mất một ít nhưng
hoàn toàn hợp pháp); lợi dụng sổ tiết kiệm của người lao động ngụ cư ở nước ngoài,
lợi dụng cá cược chơi sổ xố... hoặc sòng bạc hợp pháp...; lợi dụng hợp đồng mua
bán như hợp đồng mua bán giả, khai tăng số lượng mua bán trong hóa đơn, lợi dụng
lao động không hợp pháp...
1.1.3. Khái niệm, ý nghĩa của công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về
ma túy
Khái niệm của công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy
Nói về phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy luôn được các nhà nghiên
cứu về tội phạm học tìm hiểu, nghiên cứu. Ở Việt Nam hiện nay đang có hai xu
hướng chính: xu hướng thứ nhất các nhà nghiên cứu quan niệm rằng phòng ngừa
tình hình tội phạm bao gồm cả hoạt động phòng và chống tội phạm (nguồn). Xu
hướng thứ hai các nhà nghiên cứu cho rằng phòng ngừa tình hình tội phạm bao gồm
các hoạt động tác động vào nguyên nhân và điều kiện của tội phạm nhằm ngăn ngừa
không cho tội phạm xảy ra. (nguồn).
Qua việc nghiên cứu các quan điểm trên có thể thấy rằng: Phòng ngừa tội
phạm là hoạt động sử dụng các biện pháp xã hội và Nhà nước tác động vào nguyên

nhân và điều kiện của tội phạm nhằm ngăn ngừa trước không để cho tội phạm xảy
16


ra và tiến hành những biện pháp kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm nhằm tiếp tục
phòng ngừa tội phạm.
Trên cơ sở định nghĩa về phòng ngừa tội phạm nói chung, có thể đưa ra khái
niệm về các hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy như sau:
Phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy là hoạt động sử dụng các biện pháp
xã hội và nhà nước tác động vào nguyên nhân, điều kiện các tội phạm về ma túy
nhằm ngăn ngừa trước không cho tội phạm về ma túy xảy ra và tiến hành những
biện pháp kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm về ma túy nhằm tiếp tục phòng ngừa tội
phạm về ma túy.
Ý nghĩa của việc phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy
Phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy là có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn
chế, loại trừ loại tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội. Khi nghiên cứu về tình hình
tội phạm ma túy và hoạt động phòng ngừa tội phạm về ma túy, có thể rút ra một số
ý nghĩa nổi bật sau:
Thứ nhất: Phòng ngừa tội phạm về ma túy có ý nghĩa quan trọng trong việc
bảo vệ con người và mang tính nhân đạo sâu sắc. Phòng ngừa tội phạm tốt, có hiệu
quả tức là ngăn ngừa trước không cho một người thực hiện hành vi phạm tội,
không để họ bị những hạn chế về quyền con người khi chấp hành hình phạt. Bên
cạnh đó, khi không còn những hành vi phạm tội về ma túy thì sô người nghiện ma
túy sẽ giảm đáng kể nếu như kết hợp tốt các biện pháp cai nghiện cho những người
nghiện ma túy, qua đó bài trừ được tệ nạn nghiện ma túy, và hạn chế đến mức thấp
nhất những thiệt hại về thể chất, tinh thần do ma túy mang đến cho con người và
cộng động.
Thứ hai: Phòng ngừa tội phạm về ma túy có y nghĩa quan trọng về mặt kinh tế.
Phòng ngừa tội phạm không để tội phạm xảy ra sẽ hạn chế thấp nhất những thiệt hại
do tội phạm gây ra, nhất là những thiệt hại về kinh tế. Điều này thể hiện ở những chi

phí mà nhà nước phải bỏ ra cho hoạt động phát hiện, xử lý tội phạm, những chi phí
trong quá trình thi hành án...
17


Thứ ba: Phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy có ý nghĩa trong việc đảm
bảo trật tự an toàn xã hội. Phòng ngừa tốt, không để tội phạm xảy ra hoặc hạn chế
thấp nhất tình trạng phạm tội sẽ khiến cho hoạt động tổ chức quản lý xã hội được dễ
dàng hơn, các chủ thể quản lý xã hội sẽ không bị rơi vào tình trạng căng thẳng đối
phó với tội phạm và nhất là người dân được sống trong một xã hội yên bình.
Thứ tư: Phòng ngừa tình hình tội phạm có ý nghĩa trong việc bảo đảm uy tín
của Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ đối nội, đối ngoại. Phòng ngừa tình hình tội
phạm là nghĩa vụ của tất cả mọi người trong xã hội, trong đó các cơ quan nhà nước
là chủ thể giữ vai trò chủ đạo, chuyên trách và thường xuyên nên hiệu quả của
phòng ngừa sẽ phản ánh hiệu lực của các cơ quan Nhà nước và ảnh hưởng đến uy
tín của Đảng, Nhà nước trong việc lãnh đạo, quản lý đất nước.
Nói chung lại thì việc phòng ngừa tình hình tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng
trong đời sống chính trị, xã hội của một quốc gia. Chính vì vậy, việc phòng ngừa
tình hình tội phạm luôn phải được quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ nhằm từng bước loại
bỏ những nguyên nhân, điều kiện tiến tới loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.
1.2. Những đặc điểm của tỉnh Hà Tĩnh có ảnh hưởng đến hoạt động của
tội phạm ma túy và công tác phòng ngừa tội phạm về ma túy từ năm 2012-2016
1.2.1. Đặc điểm của tỉnh Hà Tĩnh có tác động đến hoạt động của tội
phạm ma túy
Hà Tĩnh là một tỉnh nằm ở Bắc Trung bộ, trải dài từ 17°54’ đến 18°37’ vĩ Bắc
và từ 106°30’ đến 105°07’ kinh Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp
Quảng Bình, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp với nước Cộng hoà dân chủ
nhân dân Lào, có 3 huyện giáp biên giới là Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn
(giáp 2 tỉnh Bô Ly Khăm Xây và Khăm Muộn).
Hà Tĩnh có Tp Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh, Thị xã Kỳ Anh và 10 huyện: Nghi

Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà,
Cẩm Xuyên, Kỳ Anh ; trong đó có với 262 đơn vị hành chính cấp xã.

18


Diện tích đất tự nhiên 6.019 km2 có 127 km đường Quốc lộ 1A, 87 km đường
Hồ Chí Minh và 70km đường sắt Bắc - Nam chạy dọc theo hướng Bắc Nam, có
đường Quốc lộ 8A chạy sang Lào qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo với chiều dài 85
km, Quốc lộ 12 dài 55 km đi từ cảng Vũng Áng qua Quảng Bình đến cửa khẩu Cha
Lo sang Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Ngoài ra Hà Tĩnh còn có 137 km bờ biển có nhiều cảng và cửa sông lớn cùng
với hệ thống đường giao thông khá tốt, rất thuận lợi cho giao lưu văn hoá phát triển
kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi làm phát sinh các loại tội phạm,
nhất là tội phạm ma túy. Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy trên
tuyến biên giới tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều tiềm ẩn và diễn biến rất phức tạp. Về tính
chất, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, phạm vi hoạt động rất rộng,
không chỉ ở Hà Tĩnh mà còn liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố và xuyên quốc gia.
Đối tượng hoạt động phạm tội ma túy rất đa dạng, có cả người Việt Nam, người
Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia đường dây mua bán
vận chuyển trái phép qua biên giới. Số lượng ma túy mua bán ngày càng lớn, nhất là
Hêrôin và ma túy tổng hợp (methamphetamine dạng đá và dạng viên).
Do đặc thù của tội phạm ma túy hoạt động trong đường dây khép kín, có tổ
chức, chủ mưu cầm đầu, đối tượng tham gia hoạt động phạm tội ma túy có thể
không biết nhau, chỉ liên lạc qua điện thoại, hoặc qua đối tượng khác điều khiển từ
xa, có sự phân công chặt chẽ cho từng đối tượng, nên trong quá trình phát hiện, đấu
tranh chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới cần phải áp dụng nhiều biện pháp,
chiến thuật nghiệp vụ mới phát hiện được đối tượng chủ mưu cầm đầu, hoặc các đối
tượng trong các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới.

Tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy ở Hà Tĩnh vẫn diễn
biến phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới, khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; thủ
đoạn của bọn tội phạm rất tinh vi, thường lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở có
nhiều đường tiểu mạch, cắt rừng đưa ma túy xâm nhập vào Việt Nam, hoặc lợi dụng
19


tour du lịch Việt Nam - Lào cất dấu ma túy trong hành lý để trên xe khách, gia cố
các hầm vách trên xe ô tô để cất giấu ma túy, vận chuyển vào Việt Nam…trong giai
đoạn từ năm 2012 - 2016 cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã phát hiện, đấu tranh với
589 vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy bắt giữ 1160 đối tượng.
Trong nội địa chủ yếu mua bán, tàng trữ ma túy với hình thức nhỏ lẻ, đáng lưu ý
xuất hiện nhiều vụ các đối tượng thanh niên tụ tập tổ chức sử dụng trái phép ma túy
tổng hợp (dạng đá) trong các nhà hàng, khách sạn.
Những đặc điểm trên chính là những điều kiện thuận lợi để các loại đối
tượng tội phạm về ma túy tiến hành các hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ
trái phép các chất ma túy từ bên ngoài vào Việt Nam và tiến hành phân phối ma
túy đi các nơi khác, điều này cũng gây khó khăn cho các lực lượng chức năng
trong quá trình đấu tranh với các loại tội phạm ma túy trên địa bàn Hà Tĩnh.
1.2.2. Đặc điểm của Hà Tĩnh có ảnh hưởng đến hoạt động phòng ngừa tội
phạm về ma túy
Hà Tĩnh là tỉnh có tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội trong vùng Bắc
Trung bộ như điều kiện tự nhiên có đầy đủ mọi loại địa hình như đồi núi, trung du,
đồng bằng và giáp biển, có nhiều hồ, sông suối, có cửa khẩu quốc tế …chính là điều
kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. trên thực tế, nền kinh tế Hà Tĩnh đang
từng ngày đổi thay, phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được
nâng cao, cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống được đầu tư ngày một nhiều hơn, đầy
đủ… Đây chính là điều kiện thuận lợi để người dân có thể tiếp xúc, nắm bắt thông
tin và hiểu được về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước
trong đó có chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng ngừa

ma túy và tệ nạn ma túy.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như
thường xuyên phải trải qua thời tiết hạn hán, lũ lụt, mưa bão…, địa hình đồng bằng
ở Hà Tĩnh thường bị chia cắt bởi sông suối nên kinh tế - xã hội Hà Tĩnh chưa phát

20


triển đúng với những tiềm năng sẵn có. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới
hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng.
Dân số Hà Tĩnh hiện nay khoảng 1,3 triệu người, xếp trung bình so với cả
nước. cơ cấu trong độ tuổi lao động khoảng 65,3%, số người lao động qua đào tạo
nghề chiếm 39,7%, mỗi năm có khoảng 25 nghìn người bước vào độ tuổi lao động.
Đây có thể được coi là cơ cấu dân số vàng hiện nay của Hà Tĩnh. Với điều kiện
thuận lợi về dân số trên, Hà Tĩnh có điều kiện để sử dụng sức lao động của dân số
để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đất nước. Mặt khác, đi kèm với số
người trong độ tuổi lao động chiếm phần lớn dân số của toàn tỉnh và kinh tế xã hội
đang ngày càng phát triển thì cũng phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực trong đó có tình
hình tội phạm và đặc biệt là tội phạm về ma túy, vì phần lớn tội phạm liên quan đến
ma túy đều nằm trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi (nằm trong độ tuổi lao động), đặc
biệt là ở một số địa bàn, tuyến trọng điểm về ma túy như khu vực tuyến biên giới
Hà Tĩnh - Lào, Thành phố Hà Tĩnh, Thị xã Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân. Nên vấn đề
triển khai các biện pháp để phòng ngừa tình hình tội phạm có liên quan đến ma túy,
tệ nạn ma túy trên địa bàn cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với tầng lớp
thanh thiếu niên.
Nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả
hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt trong sự
nghiệp này. Hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh từ trước đến nay đóng một vai trò to lớn
trong việc bảo vệ an ninh trật tự nói chung, phòng ngừa tội phạm ma túy và tệ nạn
ma túy nói riêng. Với hệ thống chính trị hiện nay của chúng ta bao gồm Đảng,

Chính quyền, các đoàn thể quần chúng (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội nông dân, Công
đoàn) là lực lượng góp phần to lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự. Trong
những năm qua, hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh luôn được kiện toàn bởi những có
năng lực, có kỹ năng và lý tưởng để cống hiến, xây dựng đất nước nói chung tỉnh
nhà nói riêng.

21


Các cấp ủy Đảng luôn quan tâm đến việc phòng ngừa, đấu tranh với các loại
tội phạm nói chung, tội phạm liên quan đến ma túy và tệ nạn ma túy nói riêng. Tỉnh
ủy đã luôn đưa ra các chủ trương, chính sách và lãnh đạo chỉ đạo các tổ chức đảng
cấp cơ sở để triển khai thực hiện các chủ trương chính sách về phòng ngừa tội phạm
ma túy trên địa bàn toàn tỉnh. Điển hình Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ
thị 27-CT/TU ngày 02/5/2008 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác
phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và tiến hành chỉ đạo công

tác sơ kết, tổng kết các chỉ thị của cấp trên và của Tỉnh ủy đề ra, chỉ đạo các
Ban đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc và các huyện uỷ, thành
uỷ, thị uỷ đã tập trung chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và
phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm từ tỉnh đến cơ sở; kiện toàn bổ sung cán bộ Ban
thường trực phòng chống ma tuý tỉnh và các cán bộ kiêm nhiệm ở các ban, ngành,
đoàn thể, giúp Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống ma tuý và thực
hiện các chức năng nhiệm vụ đã được phân công...
Chính quyền các cấp trên cơ sở các chủ trương, chính sách của cấp ủy đảng đã
tổ chức đưa các chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn nhằm tăng cường hoạt động
phòng ngừa tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh, cụ thể: UBND tỉnh
ban hành Công văn số 1667/UBND -VX ngày 01/6/2012 chỉ đạo các Ban, ngành,
đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền

phòng chống ma túy nhân "Tháng hành động phòng, chống ma túy”; UBND tỉnh
kiện toàn và sáp nhập 3 BCĐ về PCTP, phòng chống mua bán người và phòng
chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS, mại dâm thành 1 BCĐ chung (Quyết định số
3292/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, tội phạm
và các tệ nạn xã hội tỉnh); ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND của UBND tỉnh về
tăng cường công tác tuyên truyền và Giám sát chương trình mục tiêu quốc gia
PCMT; Kế hoạch số 105/KH-UBND về rà soát, thống kê người nghiện ma túy trên
địa bàn toàn tỉnh; ban hành Công văn số 2238/UBND chỉ đạo các sở, ban ngành,
UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai, thực hiện “Tháng hành động phòng,
chống ma tuý (tháng 6) và Ngày toàn dân phòng chống ma tuý (Ngày 26/6)...
22


×