Tải bản đầy đủ (.doc) (31 trang)

Vấn đề tiếp nhận franz kafka ở việt nam tt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (213.74 KB, 31 trang )

1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

THÁI THỊ HOÀI AN

VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN FRANZ KAFKA
Ở VIỆT NAM
Chuyên ngành : LÝ LUẬN VĂN HỌC
Mã số: 62.22.32.01

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH LÝ LUẬN VĂN HỌC


Thành phố Hồ Chí Minh – năm 2017


CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI:
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS.TS. Huỳnh Văn Vân
2. PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu

Phản biện độc lập 1:…………………………………………………….
Phản biện độc lập 2:…………………………………………………….

Phản biện 1:…………………………………………………….
Phản biện 2:…………………………………………………….


Phản biện 3:…………………………………………………….

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đào tạo họp tại:
…………………………………………………………………………
Vào hồi……………giờ…………ngày…….tháng……năm……..


Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện…………………………………….
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Franz Kafka (1883-1924) là một hiện tượng độc đáo và kì lạ của văn học
nhân loại thế kỷ XX. Là một trong những nhà văn được giới nghiên cứu đánh giá là có
tầm ảnh hưởng sâu sắc nhất thế kỷ XX, Kafka đã ảnh hưởng đến không chỉ các nhà
văn phương Tây mà các nhà văn ở hầu khắp các châu lục. Những tác phẩm đầy mê
hoặc, những dự báo về nguy cơ của thế giới hiện đại, cái “không khí Kafka” trong tác
phẩm của ông vẫn không ngừng được người đọc qua nhiều thế hệ tìm kiếm, giãi mã.
1.2. Sự đánh giá về con người và tài năng của Kafka biến chuyển qua nhiều thế
hệ độc giả. Ở Việt Nam, sáng tác của Kafka được giới thiệu sớm nhất trong đời sống
văn học miền Nam thời kỳ khói lửa chiến tranh. Trải qua gần 60 năm, sáng tác của ông
vẫn không ngừng hiện diện trong đời sống văn học Việt Nam, qua dịch thuật, giảng
dạy, nghiên cứu - phê bình và qua sáng tạo văn học. Từ thực tế đó, có thể nói nghiên
cứu tiếp nhận Kafka thực sự là vấn đề mang tính thực tiễn và khoa học đáng lưu tâm.
1.3. Nghiên cứu hành trình tiếp nhận Kafka ở Việt Nam không chỉ đóng góp
cho việc nghiên cứu sáng tác của nhà văn mà còn là cách thức để tiếp cận lý thuyết
tiếp nhận văn học, một trong những phương diện nghiên cứu chính yếu của khoa lý
luận văn học hiện nay. Tiếp cận lý thuyết tiếp nhận, vận dụng nghiên cứu lịch sử tiếp
nhận sáng tác của Kafka chính là một trong những cách thức để đưa lý thuyết đến gần
với người nghiên cứu. Đó thực sự là một vấn đề có tính thời sự và mang ý nghĩa cấp thiết.
2. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ của đề tài
Đề tài “Vấn đề tiếp nhận Franz Kafka ở Việt Nam” nghiên cứu quá trình tiếp

nhận sáng tác của Kafka ở Việt Nam. Nhiệm vụ cụ thể của đề tài là hệ thống lịch sử
tiếp nhận sáng tác của Kafka từ góc độ tái tạo lẫn sáng tạo, bao gồm các hoạt động
nghiên cứu - phê bình, sáng tác, dịch thuật và giảng dạy. Nhiệm vụ cụ thể của đề tài là:
1. Tìm hiểu tiến trình tiếp nhận sáng tác của Kafka trong nghiên cứu – phê bình
văn học Việt Nam để thấy được sự đa dạng trong cách tiếp nhận nhà văn ở Việt Nam
qua những biến động của thời đại.
2. Nghiên cứu sự tiếp nhận ở khâu sáng tạo để khẳng định đóng góp của nhà
văn với nền văn học dân tộc trong thời hiện đại.
3. Nghiên cứu việc dịch thuật và giảng dạy Kafka trong nhà trường ở Việt Nam
nhằm phát hiện những đặc trưng của dịch thuật và giảng dạy Kafka ở Việt Nam.


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Trên cơ sở xác định những tiền đề tiếp nhận Kafka trong lịch sử, nghiên cứu sự
tiếp nhận sáng tác của Kafka ở các lĩnh vực là nghiên cứu - phê bình, sáng tác, dịch
thuật và giảng dạy.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1. Phạm vi lý thuyết
Luận án không phải là công trình nghiên cứu chuyên biệt về lý thuyết mà là
công trình vận dụng lý thuyết vào nghiên cứu sự tiếp nhận một hiện tượng văn học ở
Việt Nam. Với mục tiêu là nghiên cứu lịch sử tiếp nhận sáng tác của Kafka qua những
phương diện tiếp nhận khác nhau, luận án xây dựng trên cơ sở của lý thuyết tiếp nhận
hiện đại, chủ yếu là Mỹ học tiếp nhận mà đại diện tiêu biểu là H. R. Jauss. Bên cạnh
đó, để đánh giá sự tiếp nhận Kafka qua sáng tác, dịch thuật, luận án vận dụng những lý
thuyết hỗ trợ như văn học so sánh, chủ yếu là so sánh ảnh hưởng. Sự kết hợp của các
lý thuyết này nhằm giúp chúng tôi có được cơ sở để nghiên cứu sự tiếp nhận sáng tác
của Kafka một cách có hệ thống.
3.2.2. Phạm vi tài liệu nghiên cứu
Các công trình giới thiệu, phê bình, nghiên cứu sáng tác của Kafka ở Việt Nam

từ 1954 đến nay; những công trình nghiên cứu về văn học - văn hóa - tư tưởng có đề
cập tới sáng tác của Kafka ở Việt Nam từ 1954 đến nay; các tác phẩm của Kafka được
dịch tại Việt Nam và một số bản dịch tiếng Anh; các tác phẩm văn học Việt Nam chịu ảnh
hưởng của Kafka, đặc biệt là sáng tác của Phạm Thị Hoài và Tạ Duy Anh, Trương
Đăng Dung được in ấn tại các nhà xuất bản ở Việt Nam.
4. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài được thực hiện dựa trên cơ sở của phương pháp luận Mỹ học tiếp nhận
với phương pháp chủ đạo là phương pháp lịch sử chức năng. Phương pháp này được
vận dụng để mô tả, phân tích tiến trình lịch sử của quá trình tiếp nhận sáng tác của
Kafka qua các thời kỳ lịch sử khác nhau ở những những phương diện tiếp nhận cơ bản
trong văn học. Bên cạnh đó chúng tôi còn sử dụng phương pháp xã hội học trong việc
xác định tầm đón nhận, nhu cầu, thị hiếu thẩm mĩ của các kiểu độc giả khác nhau trong
quá trình tiếp nhận Kafka. Cùng với lý thuyết tiếp nhận, chúng tôi vận dụng những vấn
đề của văn học so sánh nhằm hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu của mình.
Từ đặc điểm của đối tượng và mục đích nghiên cứu của luận án, chúng tôi sử
dụng một số phương pháp cụ thể như sau: Phương pháp thống kê - phân loại, phương


pháp hệ thống - cấu trúc, phương pháp so sánh - đối chiếu, phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp điều tra xã hội học
5. Đóng góp khoa học và thực tiễn của đề tài
5.1. Về phương diện lí luận
Luận án tái hiện lịch sử tiếp nhận sáng tác của Kafka từ phương diện nghiên
cứu - phê bình, sáng tạo, dịch thuật và giảng dạy, từ đó làm rõ qui luật tiếp nhận của
văn học trong mối quan hệ với môi trường lịch sử - văn hóa. Đồng thời luận án cũng
giúp xác định tầm đón nhận của công chúng văn học ở Việt Nam qua từng thời kỳ lịch
sử cũng như sự thay đổi tầm đón nhận của độc giả qua từng thời kỳ.
5.2. Về phương diện thực tiễn
Luận án là công trình vận dụng lí thuyết tiếp nhận vào nghiên cứu lịch sử tiếp
nhận sáng tác của một nhà văn nước ngoài trong văn học Việt Nam hiện đại, vì vậy
luận án có đóng góp cho sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu đầy sức hấp dẫn ở Việt

Nam.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu (5 trang), kết luận (3 trang), Tài liệu tham khảo (16 trang,
334 mục), Phụ lục (76 trang) luận án gồm 4 chương.
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu (20 trang) trình bày tổng quan về
tình hình nghiên cứu lý thuyết tiếp nhận và nghiên cứu vấn đề tiếp nhận Kafka ở Việt
Nam.
Chương 2: Sáng tác của Franz Kafka trong nghiên cứu – phê bình (56 trang)
trình bày về tiền đề tác động đến sự tiếp nhận Kafka trong giới nghiên cứu - phê bình
ở Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử trước và sau 1975. Trên cơ sở tiền đề tiếp nhận,
phân tích những khuynh hướng tiếp nhận Kafka qua những thời kỳ khác nhau trong
nghiên cứu - phê bình.
Chương 3: Tiếp nhận Franz Kafka trong sáng tác (49 trang) trình bày về sự tiếp nhận ảnh hưởng của Kafka trong sáng tác của các nhà văn Việt Nam ở cả hai mảng văn xuôi và thơ ca.
Chương 4: Dịch thuật và giảng dạy Kafka ở Việt Nam (20 trang) trình bày về
tình hình cũng như đặc điểm dịch thuật sáng tác của Kafka ở Việt Nam và việc tiếp
nhận sáng tác của nhà văn trong trường học ở Việt Nam.


Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Nghiên cứu lý thuyết tiếp nhận ở Việt Nam
Nghiên cứu lý thuyết tiếp nhận ở Việt Nam có mốc khởi đầu là quan niệm về
vai trò người đọc của Nguyễn Văn Hạnh từ năm 1971 trong bài “Ý kiến của Lê Nin về
mối quan hệ giữa văn học và đời sống” (Tạp chí Văn học số 4/1971). Tuy nhiên vì còn
quá mới mẻ ở Việt Nam nên ý kiến của Nguyễn Văn Hạnh đã gặp phải không ít những
phản ứng trái chiều từ phía những nhà nghiên cứu cùng thời với ông. Vì vậy vấn đề
người đọc tạm lắng một thời gian dài.
Thập niên 80 của thế kỷ XX có các công trình tiêu biểu: “Vị trí và vai trò tích
cực của người đọc trong đời sống văn học” (Tạp chí Văn học số 3/1982), “Một vài tình
hình tiếp nhận văn nghệ của công chúng những năm 80” (Tạp chí Văn học số 5/1983)

của Vương Anh Tuấn; “Tiếp nhận “Mĩ học tiếp nhận” như thế nào” của Nguyễn Văn
Dân (Thông tin khoa học 1985); “Giao tiếp trong văn học” (Tạp chí Văn học số
4/1986) của Hoàng Trinh; “Nghiên cứu sự tiếp nhận văn chương trên quan điểm liên
ngành” (Tạp chí Văn học số 4/1986); Chương “Bạn đọc và tiếp nhận văn học” trong
giáo trình “Lý luận văn học” xuất bản năm 1986 của Trần Đình Sử.
Thập kỷ 90 của thế kỷ XX, vấn đề tiếp nhận văn học đã được quan tâm nhiều
hơn và việc nghiên cứu lý thuyết tiếp nhận cũng đã có tính hệ thống hơn với nhiều
công trình như: “Văn học và sự tiếp nhận” của Viện thông tin Khoa học xã hội xuất
bản năm 1991 gồm nhiều bài viết của Nguyễn Văn Dân, Trần Đình Sử…; “Tiếp nhận
văn học, một chân trời mới mở” (Tạp chí Ngôn ngữ số 4/1990), “Ngôn ngữ với sáng
tạo và tiếp nhận văn học” (NXB Giáo dục/ 1996) của Nguyễn Lai; “Trao đổi thêm về
tiếp nhận văn học” (Báo Văn nghệ, số 42/1990) của Nguyễn Thanh Hùng; “Nhà văn,
bạn đọc và hàng hóa sách hay văn học và sự dị trị” (Tạp chí Văn học số 6/1990),
“Quan hệ văn học - hiện thực với vấn đề tiếp nhận, tác động và giao tiếp thẩm mĩ” (In
trong cuốn “Văn học và hiện thực” Nhà xuất bản KHXH/1990) của Huỳnh Vân;
“Hanx Rôbơc Daux (Hans Robert Jaus) người sáng lập trường phái Mỹ học tiếp nhận
Công-Xtăng (Konstant)” (Tạp chí Văn học số 6/1993), “Vai trò của kinh nghiệm thẩm
mỹ trong việc tiếp nhận tác phẩm văn chương” (Tạp chí Văn học số 6/1995), “Về mối
quan hệ giữa tác động của văn chương và sự tiếp nhận của độc giả” (Tạp chí Văn học
số 11/1998) của Nguyễn Thị Thanh Hương; “Lý thuyết tiếp nhận và phê bình văn học”
(1990), “Đối thoại - hệ hình mới của phê bình văn học” (1995), “Tính mơ hồ, đa nghĩa
của văn học (1995), “Ngôn ngữ với việc lĩnh hội tác phẩm thơ” (1996) (In chung trong


tập “Lý luận và phê bình văn học”, NXB Hội nhà văn/1996) của Trần Đình Sử; “Tiếp
nhận văn học” (NXB giáo dục/1997), “Mười trường phái lý luận phê bình phương Tây
đương đại” (NXB giáo dục/1999) của Phương Lựu, “Từ văn bản đến tác phẩm văn
học” (NXB Khoa học xã hội/1998) của Trương Đăng Dung, “Lý luận văn học, vấn đề
và suy nghĩ” (NXB Giáo dục/1998) của Nguyễn Văn Hạnh và Huỳnh Như Phương.
Thế kỷ XXI, với phong trào giới thiệu những lý thuyết phê bình cũng như các

phương pháp nghiên cứu văn học ở Việt Nam, lý thuyết tiếp nhận đã trở thành một
trong những tâm điểm của nghiên cứu văn học. Về dịch thuật: có một số bản dịch như:
“Trên đường đến với ngôn ngữ” của M. Heidegger (Tạp chí Văn học nước ngoài, số
1/1999), “Tác phẩm văn học” của R. Ingarden (Tạp chí Văn học nước ngoài số
3/2001), “Mỹ học tiếp nhận” của A. Đranov (Tạp chí Văn học số 3/2001), “Lịch sử
văn học như là sự khiêu khích với đối với khoa học văn học” của H. R. Jauss (Tạp chí
Văn học nước ngoài số 1/2002), chương “Người đọc” trong “Bản mệnh của lý thuyết”
của A. Compagnon (NXB Đại học Sư phạm/2006), “Tiến trình đọc: Một tiếp cận hiện
tượng học” của Wolfrang Iser (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 5/2017). Các ấn phẩm
giới thuyết về lý thuyết tiếp nhận như: “Các khái niệm và thuật ngữ của các trường
phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX” của nhóm tác giả Nga
I.P.Ilin và E.A.Tzurganova qua bản dịch của Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại
Nguyên Ân. Công trình nghiên cứu lý thuyết của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam như:
“Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX” (NXB Văn học, Trung tâm văn hóa
ngôn ngữ Đông Tây/2001); “Lý luận văn học” (tập 1) của Phương Lựu; “Đọc và tiếp
nhận văn chương” của Nguyễn Thanh Hùng (NXB Giáo dục/2002); “Phương pháp
luận nghiên cứu văn học” (NXB Khoa học xã hội/ 2004) của Nguyễn Văn Dân; “Vấn
đề tầm đón đợi và xác định tính nghệ thuật trong Mỹ học tiếp nhận của Hans Robert
Jauss” (Nghiên cứu văn học số 3/2009),“Hans Robert Jauss: Lịch sử văn học là lịch sử
tiếp nhận” (Nghiên cứu văn học số 3/2010), “Mối quan hệ biện chứng giữa sáng tác và
tiếp nhận văn học trong nhãn quan lý thuyết của Manfred Naumann” (Nghiên cứu văn
học số 3/2013) của Huỳnh Vân; chương “Người đọc và tiếp nhận văn học” in trong
“Lý luận văn học (nhập môn”) (NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh/2010) của
Huỳnh Như Phương; “Tác phẩm văn học nhìn từ lý thuyết tiếp nhận” (NXB Khoa học
xã hội/ 2013) của Trương Đăng Dung; “Phương pháp luận giải mã văn bản văn học”
(NXB Đại học Sư phạm/2014) của Phan Trọng Luận; “Văn chương và sự tiếp nhận”
(NXB Văn học/2014) do Trần Thái Học chủ biên. Vận dụng lý thuyết tiếp nhận có các
công trình như: “Tầm đón đợi trong lịch sử tiếp nhận Thơ mới” của Mai Thị Liên
Giang (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 9/2007), “Phân tích tác động thẩm mỹ của văn



bản thơ Đèo Ba Dội từ góc độ Mỹ học tiếp nhận” của Hoàng Phong Tuấn (Tạp chí
Nghiên cứu văn học số 1/2013), “Thử “phúc thẩm” phiên tòa Thúy Kiều xét xử từ góc
nhìn của Mỹ học tiếp nhận” của Nguyễn Khắc Sính (Hội thảo khoa học Văn chương
và sự tiếp nhận” Đại học Huế 2014); “Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam
1954-1975 (trên bình diện lý thuyết)” của Huỳnh Như Phương (In trong tập “Những
nguồn cảm hứng trong văn học, NXB Văn nghệ/ 2008), “Tiếp nhận Gogol ở Việt Nam
qua bản dịch Những linh hồn chết” của Đào Tuấn Ảnh (Tạp chí Nghiên cứu văn học số
5/2009), “Tiếp nhận tiểu thuyết Thủy Hử ở Trung Quốc đầu thế kỷ XX đến nay” của
Đặng Thị Phương Thảo (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10/2014)… Công trình tiến sĩ
như luận án “Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều” của Phan Công Khanh (2001),
“Hemingway ở Việt Nam” của Bùi Thị Kim Hạnh (2001), “Vấn đề tiếp nhận
Dostoievski tại Việt Nam” của Phạm Thị Phương (2002), “Sự tiếp nhận Edgar Allan
Poe ở Việt Nam” của Hoàng Kim Oanh (2010), “Tiếp nhận M.Sôlôkhôp ở Việt Nam”
của Tạ Hoàng Minh (2014)…
Từ lịch sử tiếp nhận lý thuyết tiếp nhận ở Việt Nam, có thể thấy những điểm cơ
bản như sau trong việc tiếp nhận lý thuyết.
1. Quá trình tiếp nhận lý thuyết tiếp nhận ở Việt Nam phát triển với một bước đi
chậm, càng về sau càng diễn biến với tốc độ nhanh chóng. Cùng với tốc độ là chất
lượng của các công trình nghiên cứu, càng về sau càng có khả năng chạm đến bản chất
của lý thuyết tiếp nhận văn học.
2. Tiếp nhận lý thuyết tiếp nhận ở Việt Nam được triển khai trên nhiều phương
diện: Giới thiệu các lý thuyết tiếp nhận cơ bản ở phương Tây, những mở rộng phương
diện lý thuyết của các nhà nghiên cứu lý luận ở Việt Nam, dịch thuật các công trình lý
luận của các nhà lập thuyết, vận dụng khái niệm lý thuyết tiếp nhận để nhìn nhận đánh
giá các hiện tượng cụ thể trong văn học Việt Nam cũng như nghiên cứu lịch sử tiếp
nhận của các tác giả lớn trong văn học Việt Nam và thế giới.
3. Hạn chế của việc nghiên cứu lý thuyết tiếp nhận ở Việt Nam là chưa có hệ
thống, chưa có sự tập trung. Vì vậy yêu cầu đặt ra là cần phải có chiến lược để lý
thuyết tiếp nhận ở Việt Nam trở thành một lĩnh vực nghiên cứu lý luận chủ đạo, sánh

ngang với những phương diện nghiên cứu khác.
1.2. Nghiên cứu vấn đề tiếp nhận Franz Kafka ở Việt Nam
1.2.1. Tiếp nhận từ phía độc giả là nhà nghiên cứu, phê bình văn học
Nghiên cứu sáng tác của Kafka đã có một lịch sử lâu dài, tuy nhiên việc nghiên
cứu sự tiếp nhận sáng tác của nhà văn ở Việt Nam thì chưa có một công trình nào
chính thức đề cập. Vấn đề chỉ xuất hiện rải rác ở một số công trình có quy mô tương


đối, vì vậy chỉ dừng lại ở những nhận xét sơ giản chứ chưa thành vấn đề có tính hệ thống. Có
một số luận bàn trong các công trình sau: “Giới thiệu tác phẩm thời đại “Ý thức mới
trong văn nghệ và triết học” của Phạm Công Thiện” (Tạp chí Văn học số 48/1965) của
Trần Triệu Luật; “Nhận định văn học phương Tây hiện đại” (tài liệu lưu hành nội bộ
TP. Hồ Chí Minh/1985) của Hoàng Nhân; “Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ Ngụy”
(NXB TP. Hồ Chí Minh/1968) của Lê Đình Kỵ; “Tiếng vọng từ phương Tây” (Tạp chí
Văn học số 3/1972) của Đỗ Đức Hiểu; “J.P. Xác Trơ và chủ nghĩa hiện sinh trong “Phê
phán văn học hiện sinh chủ nghĩa của Đỗ Đức Hiểu” (Tạp chí Văn học số 2/1981);
“Nội dung khái niệm Chủ nghĩa hiện thực trong văn học” (Tạp chí Văn học số 1/1987)
của Nguyễn Văn Hạnh; “Thế giới nghệ thuật của Kafka” (Tạp chí Văn học nước ngoài
số 6/2003); “Nghiên cứu văn học so sánh trước yêu cầu đổi mới” (Tạp chí Văn học số
4/1988)
Có thể thấy việc nghiên cứu vấn đề tiếp nhận sáng tác của Kafka ở Việt Nam
chưa thực sự trở thành mối quan tâm của các nhà phê bình, nghiên cứu. Những ý kiến
mà chúng tôi tập hợp được trong quá trình nghiên cứu của mình chỉ mới dừng lại ở
những nhận xét có tính chất phê phán hoặc ngẫu nhiên khi đề cập đến sáng tác của
Kafka. Do vậy vấn đề đặt ra trong luận án của chúng tôi vẫn còn là một vấn đề mới mẻ.
1.2.2. Tiếp nhận từ phía độc giả là nhà văn
Nghiên cứu về sự ảnh hưởng của Kafka trong văn học Việt Nam cho đến nay
chúng tôi chỉ thấy một công trình đề cập tới là công trình của Lê Thanh Nga trong luận
án tiến sĩ “Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác của Franz Kafka”. Nghiên cứu
ảnh hưởng của Kafka trong sáng tác của ba tác giả Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh và

Trương Đăng Dung, những tác giả chúng tôi lựa chọn nghiên cứu trong luận án, có thể
tìm thấy trong những công trình nghiên cứu sau:
1.2.2.1. Phạm Thị Hoài
Bàn về sự tiếp nhận Kafka của Phạm Thị Hoài có các công trình sau: “Nghiên
cứu văn học lý luận và ứng dụng” (NXB Giáo dục/1999), “Văn học phi lí” (NXB Văn
hóa thông tin, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây/2002) của Nguyễn Văn Dân;
“Đọc Phạm Thị Hoài” in trong “Thi pháp hiện đại” (NXB Hội nhà văn Việt
Nam/2000) của Đỗ Đức Hiểu; “Lạ hóa trong văn xuôi đương đại” (Tạp chí Nghiên
cứu văn học số 4/2012) của Nguyễn Thành; “Phạm Thị Hoài trên sinh lộ văn chương
mới” (Nguồn thuykhue.free.fr/stt1/pthoai02.html) của Thụy Khuê; “Văn chương trước
hết là một cách ứng xử văn hóa – đọc “Man nương” của Phạm Thị Hoài” (Nguồn
www.gio-o.com/TranManhHaoManNuong.html) của Trần Mạnh Hảo
1.2.2.2. Tạ Duy Anh


Nghiên cứu về tiếp nhận Kafka ở Tạ Duy Anh có các công trình như sau:“Thế
giới nghệ thuật Tạ Duy Anh” (NXB Hội nhà văn/2007) của nhóm tác giả Nguyễn Thị
Hồng Giang, Vũ Lê Lan Hương và Võ Thị Thanh Hà; “Phi lí, hậu hiện đại và trò chơi
(Trường hợp Tạ Duy Anh)” (NXB Hội nhà văn/2012) của Cao Tố Nga, Đoàn Thanh
Liêm và Phạm Thị Bình; “Tạ Duy Anh, người đi tìm nhân vật” (nguồn http: //thuy
khue. free.fr/stt3/tdanh00.html) của Thụy Khuê.
1.2.2.3. Trương Đăng Dung
Bàn về việc tiếp nhận Kafka trong thơ Trương Đăng Dung có các công trình
như sau: “Ngày Kafka trở lại” (Tạp chí Kiến thức ngày nay số 824/2013) của Lê Từ
Hiển và Lê Minh Kha; “Thời gian và phận người trong thơ Trương Đăng Dung” (In
trong “Những kỷ niệm tưởng tượng, tác phẩm và dư luận, NXB Văn học/2013) của
Nguyễn Đăng Điệp; “Cảm thức lạc lõng trong tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng của
Trương Đăng Dung” (In trong “Những kỷ niệm tưởng tượng, tác phẩm và dư luận,
NXB Văn học/2013) của Hoài Nam.
Nhìn một cách tổng thể, các bài viết về sự tiếp nhận của Phạm Thị Hoài, Tạ

Duy Anh và Trương Đăng Dung đối với sáng tác của Kafka chỉ dừng lại ở những phát
hiện khái quát. Những nhận định trên chính là những gợi ý quí báu cho chúng tôi khi
thực hiện luận án này.
1.2.3. Dịch thuật và giảng dạy trong nhà trường
Đối với vấn đề dịch thuật và giảng dạy Kafka trong trường học, có thể khẳng
định chưa có một công trình nào đặt ra. Vì vậy đối với chúng tôi nghiên cứu dịch thuật
Kafka và sự vận động của sáng tác Kafka trong nhà trường thực sự là một mảnh đất bỏ
ngỏ với nhiều thách thức.


Chương 2
TIẾP NHẬN FRANZ KAFKA TRONG NGHIÊN CỨU, PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Tiếp nhận sáng tác của Kafka ở Việt Nam được khởi xướng tại miền Nam từ
những năm 1957 trong những năm đất nước bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh của Đế
quốc Mỹ. Công trình đầu tiên có đề cập tới sáng tác của Kafka là bài viết “Vài nét về
văn chương nước Mỹ” của Văn Quỹ in trên tạp chí Bách Khoa số 1, năm 1957. Công
trình đầu tiên nghiên cứu trực tiếp về Kafka là bài viết “Những nẻo đường mới trong
rừng văn nghệ hiện đại” của Nguyễn Khắc Hoạch in trên tạp chí Đại học số 11 năm
1959. Từ lịch sử nghiên cứu Kafka, chúng tôi phân thành các giai đoạn như sau:
2.1. Giai đoạn trước 1975
2.1.1. Những tiền đề tiếp nhận Kafka trong lòng xã hội miền Nam và miền Bắc trước 1975
2.1.1.1. Những điều kiện chính trị - xã hội và sự tác động đến việc tiếp nhận
hay từ chối Kafka ở hai miền Nam – Bắc trước 1975
Chiến tranh và những bất ổn do mâu thuẫn nội bộ của chính quyền Sài Gòn là
những yếu tố cơ bản tạo nên cảm thức về vấn đề thân phận trong đời sống người miền
Nam. Điều đó dẫn đến sự đồng điệu với những vấn đề đặt ra trong văn học phương
Tây thế kỷ XX và là yếu tố đưa những nhà văn phương Tây hiện đại trong đó có Kafka
đến với độc giả, nhất là độc giả trí thức miền Nam trước 1975.
Sau hiệp định Genevè, miền Bắc đứng trước hai nhiệm vụ chính trị to lớn là
khôi phục, xây dựng kinh tế miền Bắc sau chiến tranh và chi viện cho miền Nam trong

cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Những nhiệm vụ chính trị cách mạng to lớn đó đòi hỏi miền
Bắc phải dốc toàn bộ sinh lực. Hoàn cảnh ấy hoàn toàn không phù hợp với những sáng
tác mà ở đó đặt ra vấn đề con người cá nhân với những nỗi lo âu về thân phận, những
cảm nhận cô đơn, xa lạ và những nỗi sợ bản thể của con người. Có thể nói tình thế
chính trị - xã hội hoàn toàn không phù hợp cho sự tiếp nhận sáng tác của Kafka ở miền
Bắc thời kỳ này.
2.1.1.2. Môi trường văn hóa - văn học hai miền Nam - Bắc và những ảnh hưởng
trái chiều trong tiếp nhận Kafka
Đời sống văn hóa - văn học ở miền Nam trong thời kỳ trước 1975 đa dạng và
phong phú. Sự đa dạng trước hết do sự du nhập của văn hóa phương Tây vào miền
Nam đặc biệt là sự du nhập của các trào lưu triết học và phê bình văn học. Hơn nữa
văn hóa, văn học miền Nam thời kỳ này phát triển trên nhiều phương diện từ xuất bản,


báo chí cho đến dịch thuật và quan trọng hơn là do nhu cầu nội tại của nền văn học
miền Nam trước 1975.
Ngược lại, do sự chi phối của khuynh hướng chính trị hóa văn nghệ, quan niệm
văn chương, sự tác động của hệ thống lý luận Mác - Lê nin cũng như văn học Nga Xô
viết nên việc sáng tác của Kafka hạn chế tiếp nhận ở miền Bắc trước 1975.
2.1.2. Hình ảnh của Kafka qua lăng kính nghiên cứu - phê bình hai miền Nam - Bắc trước 1975
2.1.2.1. Tiếp nhận những vấn đề tư tưởng trong sáng tác của Kafka ở hai miền Nam - Bắc
Ở miền Nam, sáng tác của Kafka được tiếp nhận thông qua lăng kính của các lý
thuyết phê bình phương Tây thế kỷ XX được tiếp thu, vận dụng ở miền Nam như
Phân tâm học, thuyết Hiện sinh, hướng tiếp cận Thiên Chúa Giáo. Từ mỗi hướng tiếp
cận, các nội dung trong sáng tác của Kafka như vấn đề vô thức, mặc cảm Oedipe, vấn
đề thân phận con người, ý nghĩa tôn giáo qua những hình ảnh biểu tượng…trong sáng
tác của Kafka được soi chiếu.
Ở miền Bắc, phê bình – nghiên cứu chủ yếu tập trung khai thác vấn đề thân phận
con người trong sáng tác của Kafka với thái độ phủ nhận triệt để.
2.1.2.2. Tiếp nhận các vấn đề nghệ thuật ở hai miền Nam Bắc

Ở miền Nam xu hướng chung là đề cao những cách tân nghệ thuật của Kafka
như sự nhận thức về hiện thực bản thể con người và sự thể hiện hiện thực thông qua
việc lạ hóa hiện thực hay làm biến dạng hiện thực bằng cách sử dụng các hình ảnh,
hình tượng phi lí, “quái đản” hoặc các thủ pháp huyền thoại. Đối với những các tân
nghệ thuật, các nhà nghiên cứu miền Nam nhấn mạnh đến đến tính chất mở ngỏ với
cốt truyện “phi cốt truyện” mà hệ quả chính là tính đa thanh trong tác phẩm Kafka.
Bên cạnh đó sáng tác của Kafka còn là những truyện “vắng bóng con người” với kiểu
nhân vật không tên hoặc kiểu nhân vật có tên viết tắt.
Ở miền Bắc, chủ yếu tập trung vào vấn đề huyền thoại trong sáng tác của
Kafka. Thái độ chung của giới nghiên cứu là phủ nhận những phương diện huyền thoại
trong sáng tác của Kafka, coi đó là nguyên nhân của thế giới siêu hình, tiêu cực trong
tác phẩm của ông.
Ở trên là những phương hướng tiếp nhận Kafka ở hai miền Nam – Bắc trước
1975. Thông qua hệ thống các bài viết, các quan điểm tiếp nhận ở hai miền, có thể
thấy có sự chênh lệch không chỉ về số lượng công trình mà còn khác biệt về hiệu quả
tiếp nhận. Một quan điểm tiếp nhận cởi mở, cùng với một môi trường tiếp nhận dân
chủ sẽ đem đến cho tác phẩm của nhà văn trường tiếp nhận rộng mở.
2.2. Giai đoạn sau 1975


2.2.1. Những điều kiện tác động đến sự tiếp nhận Kafka ở Việt Nam qua hai thời kỳ
sau 1975 -1986 và sau 1986
2.2.1.1. Vấn đề chính trị - xã hội
Từ năm 1975, Việt Nam bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh, thống
nhất đất nước về phương diện chính trị - xã hội nhằm tiến tới việc xây dựng đất nước
theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặc dù đã thống nhất nhưng ở biên giới Việt Nam Trung Quốc vẫn còn những xung đột, chính xung đột này đã dẫn đến cuộc chiến tranh
biên giới 1979. Cuộc chiến tuy chỉ kéo dài một tháng nhưng sự khốc liệt của nó đã ảnh
hưởng không nhỏ đến kinh tế - chính trị Việt Nam. Những nhiệm vụ chính trị cách
mạng to lớn kể trên đòi hỏi dân tộc Việt Nam phải dốc toàn bộ sinh lực. Cũng như
trong chiến tranh, con người Việt Nam trong thời kỳ này sống với những nhiệm vụ của

người công dân. Vận mệnh của Tổ quốc, của dân tộc trở thành điều cơ bản và vì vậy
con người cá nhân với những nhu cầu tự nhiên của nó phải nhường chỗ cho những yêu
cầu lớn lao của dân tộc. Hoàn cảnh cũng hoàn toàn không phù hợp với những sáng tác
của Kafka.
Bước sang thời kỳ đổi mới sau 1986, có thể thấy, việc nghiên cứu Kafka có bề
rộng cũng như chiều sâu hơn so với thời kỳ trước 1975. Điều đó trước hết là bởi
khoảng cách thời gian đã giúp người nghiên cứu có được sự thấu hiểu hơn đối với một
tác giả văn học mà ngay từ khi ra đời đã tạo nên sự tranh cãi. Không chỉ vậy, chính
những thay đổi trong đời sống xã hội và văn hóa là yếu tố cơ bản tạo nên làn sóng
“phục hưng” sáng tác của Kafka. Những yếu tố tác động đến sự tiếp nhận Kafka thời
kỳ này chính là sự tương đồng trong cảm nhận của Kafka về thế giới do hậu quả của
đổi mới kinh tế mang lại. Những cảm nhận về sự xa lạ, về sự bất an, về tình trạng tha
hóa của con người hay sự tồn tại bi kịch của nhân loại nói chung và ở Việt Nam nói
riêng chẳng khác mấy so với những cảm nhận phi lí mà Kafka gửi gắm trong tác phẩm
của ông.
2.2.1.2. Vấn đề văn hóa – văn học
Điều quan trọng hơn ảnh hưởng đến khuynh hướng tiếp nhận Kafka thời kỳ sau
1975-1986 chính là sự tác động của vấn đề chính trị hóa văn học và sự ảnh hưởng sâu
sắc của lý luận Mác - xít trong phê bình văn học. Có thể nói sự từ chối sáng tác của
Kafka ở thời kỳ này cũng như thời kỳ miền Bắc trước1975 có cùng một nguyên nhân
là tâm lí tiếp nhận và “tầm đón nhận” của công chúng, các nhà nghiên cứu. Chính tâm
lí tôn sùng văn học Nga, Nga xô viết và chủ nghĩa hiện thực phê phán, cũng như tư
duy lí luận Mác xít đã tạo nên rào cản này.


Sau đổi mới, văn hóa xã hội Việt Nam cũng có những thay đổi nhanh chóng. Sự
hội nhập văn hóa thế giới với việc hợp tác mở rộng trên lĩnh vực văn hóa - văn học;
đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật như thay đổi trong quan niệm về hiện thực và khả
năng phản ánh hiện thực trong văn học, thay đổi mô hình nghệ thuật…, cùng với sự
tác động của lý luận và các phương pháp nghiên cứu văn học từ các nước phương

Tây…; tiếp nhận Kafka thời kỳ này phong phú còn bởi đối tượng tiếp nhận Kafka: tầm
vóc, uy tín của nhà văn, khoảng cách thời gian vừa đủ để chúng ta hiểu hơn về nhà văn
so với những giai đoạn trước.
2.2.2. Những phương hướng tiếp nhận Kafka trong hai thời kỳ sau 1975-1986 và sau 1986
Sau 1975-1986, khuynh hướng chính trong tiếp nhận Kafka là quan tâm tới
những đóng góp và hạn chế của Kafka đối với văn học. Đóng góp chủ yếu là sự phản
ánh chế độ quan liêu, vấn đề thân phận con người trong xã hội hiện đại. Hạn chế chính
là ở tư tưởng yếm thế, bi quan và có màu sắc duy tâm của triết học phương Tây trong
sáng tác của Kafka. Đặc biệt là với phương thức huyền thoại hóa của Kafka, đối với
các nhà nghiên cứu thời kỳ này, huyền thoại trong sáng tác của Kafka được xem là yếu
tố cơ bản tạo nên thế giới siêu hình trong sáng tác của ông.
Sau năm 1986, tiếp nhận sáng tác của Kafka tại Việt Nam đa dạng và phong
phú. Về phương diện tư tưởng, các nhà nghiên cứu tập trung vào những vấn đề cụ thể
như xác định vị trí, ý nghĩa sáng tác của Kafka trong văn học thế giới, lí giải những
vấn đề về thân phận con người như sự phi lí và sự tha hóa của con người hiện đại, sự
xa lạ, cô đơn của con người trong cuộc đời, cũng như những ám ảnh bởi nỗi sợ, sự bất
an thường trực của con người trong đời sống.
Về phương diện nghệ thuật, vấn đề hiện thực và huyền thoại trong sáng tác của
Kafka là một yếu tố được quan tâm nhiều nhất. Đối với vấn đề hiện thực, các nhà
nghiên cứu nhấn mạnh đến quan niệm hiện thực của Kafka với những sáng tạo không
“giống như thật” cũng như hiện thực hình ảnh và khả năng đề xuất hiện thực của Kafka. Về
phương thức huyền thoại, các nhà nghiên cứu có sự phân chia tỉ mỉ các phương thức
huyền thoại của Kafka như “lạ hóa’ thế giới hiện thực bằng cách lạ hóa không gian và
thời gian, ngôn ngữ hoặc tái tạo các motif trong các huyền thoại cổ như motif mê
cung, biến dạng…
Đối với những sáng tạo của Kafka về nhân vật, các nhà nghiên cứu quan tâm tới
tính trừu tượng, “tính chất đứt đoạn” của nhân vật hoặc các kiểu nhân vật nhân vật tạp
chủng hoặc các biện pháp xây dựng nhân vật như “tẩy trắng”, “lạ hóa”…Đối với
phương diện kết cấu, cốt truyện, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến hiện tượng truyện



“không có cốt truyện”, sự nới lỏng của cốt truyện trong sáng tác của nhà văn và hiện
tượng “lắp ghép” trong tiểu thuyết Kafka.
Sự tiếp nhận sáng tác của Kafka ở Việt Nam khởi đầu từ năm 1957 qua những
nghiên cứu của các học giả miền Nam những năm chiến tranh chống Mỹ. Trải qua
những biến động của thời đại lịch sử, việc tiếp nhận nhà văn có những chuyển biến
không ngừng. Điểm chung của cả hai giai đoạn trước và sau 1975, tiếp nhận Kafka ở
Việt Nam đều có sự phân cực rõ rệt của các thời kỳ. Ở miền Nam trước 1975, do tác
động của những yếu tố tích cực từ phía chính trị, văn hóa, văn học, Kafka được tiếp
nhận một cách nồng nhiệt, ngược lại, ở miền Bắc, Kafka bị từ chối. Sau 1975, sự phân
cực trước và sau đổi mới lại khiến cho việc tiếp nhận Kafka có những khác biệt. Trước
đổi mới, do tác động của nền chính trị thời bao cấp, do tác động của nền văn học toàn
trị, tiếp nhận Kafka còn thiên lệch. Ngược lại, sau 1986, bước vào thời kỳ đổi mới,
hiện tượng Kafka lại được tái sinh ở Việt Nam. Từ hành trình tiếp nhận đa dạng và
không ít thăng trầm của Kafka trong văn học Việt Nam, chúng tôi đi đến kết luận về
phương diện lí luận: Việc tiếp nhận nhà văn phụ thuộc nhiều điều kiện tiếp nhận của
mỗi thời đại. Điều kiện tiếp nhận đó có thể là tâm lí tiếp nhận chung của cả một cộng
đồng trong một thời kỳ, là những điều kiện văn hóa, văn học và trên hết là những điều
kiện chính trị - xã hội mà nhà văn được tiếp nhận. Sự tiếp nhận tích cực hay không tích
cực phụ thuộc vào sự hòa lẫn những yếu tố đó trong mỗi thời đại. Tạo ra một điều kiện
tiếp nhận phù hợp chính là cách để đưa nhà văn đến với người đọc, đến với nền văn
học của một quốc gia dân tộc.


Chương 3
TIẾP NHẬN FRANZ KAFKA TRONG SÁNG TÁC
3.1. Những tiền đề tiếp nhận - ảnh hưởng của Kafka ở Việt Nam
3.1.1. Vấn đề thời đại
Những vấn đề tác động đến sự ảnh hưởng của Kafka ở Việt Nam là sự tương
đồng về cảm quan thời đại đến từ chính công cuộc “đổi mới” của Việt Nam cũng như

sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Hai yếu tố này đã tạo
nên những cảm nhận mới trong con người Việt Nam như cảm nhận về sự phi lí, sự xa
lạ, cô đơn hoặc tâm lý bất an, mất niềm tin của con người trước những nguy cơ có thể
xảy đến hoặc đã tiềm ẩn trong đời sống con người. Tất cả những cảm nhận đó tìm thấy
ở Kafka sự đồng cảm đặc biệt.
3.1.2. Đời sống văn hóa - văn học
Giao lưu văn hóa với nước ngoài, tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân
loại chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự tiếp thu ảnh hưởng của Kafka ở Việt Nam.
Giao lưu văn hóa thể hiện thông qua các hoạt động như dịch thuật, giới thiệu các trào
lưu tư tưởng triết học, mỹ học và phê bình văn học phương Tây ở Việt Nam. Cùng với
giao lưu và khát vọng đổi mới nghệ thuật ở Việt Nam. Những phương diện chính yếu
đó tạo nên sự tiếp nhận Kafka trong sáng tác ở Việt Nam.
3.1.3. Cá nhân nhà văn
3.1.3.1. Môi trường sáng tác cởi mở
Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Trương Đăng Dung sáng tác khi sự nghiệp đổi
mới văn học ở Việt Nam đã đi qua chặng thứ hai. Điều đó tạo nên môi trường sáng tác
cởi mở giúp các nhà văn phát huy sự sáng tạo của mình.
3.1.3.2. Khát vọng đổi mới văn chương
Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Trương Đăng Dung là những cây bút năng nổ
trong phong trào đổi mới nghệ thuật ở Việt Nam. Mỗi nhà văn một cách nhưng điểm
chung là luôn có ý thức đổi mới văn chương nghệ thuật. Điều này giúp các nhà văn dễ
dàng tìm đến với những sáng tạo văn chương của thế giới.
3.1.3.3. Đời sống cá nhân và những tác động đến sự tiếp nhận sáng tác của Kafka
Phạm Thị Hoài là người “có duyên” với nước Đức: học tại Đức, lấy chồng và
sinh sống tại Đức. Hoàn cảnh riêng của nhà văn đã tạo cơ hội cho bà tiếp xúc với nền
thi ca vĩ đại của Đức với những thiên tài như J.V. Goethe, F. Schiller, B. Brecht, Kafka
…. Đối với Tạ Duy Anh, những tương đồng trong đời sống cá nhân của Tạ Duy Anh
và Kafka là yếu tố tác động đến sự ảnh hưởng này: tương đồng trong những mặc cảm



về bản thân, về cơ thể, về sự gầy gò, ốm yếu do thể trạng và bệnh tật đem lại. Cùng
với những mặc cảm về cơ thể, cả hai nhà văn đều bị ám ảnh bởi nỗi cô đơn được tạo
nên từ cuộc sống trong gia đình cùng với những mặc cảm tuổi ấu thơ. Điều đặc biệt là
cả hai nhà văn đều có mối quan hệ không hòa hợp được với người cha của mình. Và
cũng vì sự không thể hòa nhập với thế giới xung quanh ấy mà cả hai nhà văn đều sống
hết mình cho văn chương, coi nó là con đường duy nhất để tồn tại, để vượt thoát ra
khỏi đời sống tăm tối. Đối với Trương Đăng Dung, việc tiếp xúc với Kafka qua tiểu
thuyết “Lâu đài”, trở thành dịch giả của ấn phẩm này đồng thời là tác giả của một
trong những bài viết sâu sắc nhất về nghệ thuật Kafka trong văn chương Việt Nam,
nhà thơ Trương Đăng Dung đã thực sự có một “mối duyên” với Kafka. Điều khiến
Trương Đăng Dung tìm thấy sự đồng cảm với Kafka chính là do đồng điệu của hai tâm
hồn, tâm hồn của những con người cô đơn, của những trái tim tinh tế với những biến
thái của thời gian cũng như biến động của thời cuộc, đặc biệt là sự đồng điệu của
những tâm hồn mang nặng những ưu tư, day dứt không cùng với thời đại, với sự tha
hóa, với thân phận con người.
Có thể nói, từ nhiều lí do cá nhân khác nhau, mỗi nhà văn đều tìm thấy từ
Kafka sự đồng điệu để có thể chuyển tải những gợi mở từ Kafka sang những tác phẩm
lưu dấu ấn hiện đại và hậu hiện đại trong văn chương Việt Nam.
3.2. Tiếp nhận - ảnh hưởng của Kafka trong văn học Việt Nam
3.2.1. Tiếp nhận - ảnh hưởng của Kafka trong văn xuôi
3.2.1.1. Phạm Thị Hoài
Phạm Thị Hoài chịu ảnh hưởng của nhiều nhà văn như S. Beckett, G. Grass…
đặc biệt là sáng tác của Kafka. Đối với sáng tác của Kafka, Phạm Thị Hoài chịu ảnh
hưởng ở nhiều phương diện và nhiều cấp độ khác nhau. Từ cấp độ ảnh hưởng trực tiếp
của một tác phẩm, có thể thấy “Chín bỏ làm mười” của Phạm Thị Hoài là một phiên
bản của “Mười một người con trai” của Kafka. “Chín bỏ làm mười” tái tạo lại cốt
truyện, nhân vật , phương thức tự sự đến ý nghĩa của ‘Mười một người con trai” nhưng
mang lại cho tác phẩm một ý nghĩa mới, một diện mạo mới. Từ phương diện cảm quan
thời đại, Phạm Thị Hoài thể hiện những cảm nhận về sự tha hóa biến dạng của con
người hiện đại. Đặc biệt dấu ấn Kafka đậm nét nhất chính là những sáng tạo nghệ thuật

của bà. Có thể thấy những ảnh hưởng rõ nét của Kafka qua thủ pháp huyền thoại hóa
và nghệ thuật kết cấu qua tác phẩm “Thiên sứ” của Phạm Thị Hoài.
Với thủ pháp huyền thoại hóa, Phạm Thị Hoài tái tạo chủ yếu hai phương thức
là nhại huyền thoại và huyền thoại hóa thế giới hiện thực. Phạm Thị Hoài thường nhại
huyền thoại phương Đông, chủ yếu là truyền thuyết Việt Nam. Phạm Thị Hoài còn tái


tạo lại phương thức huyền thoại hóa thế giới hiện thực tạo nên trong tác phẩm của bà
một kiểu “không khí Kafka” rất rõ nét.
Với nghệ thuật kết cấu, tính chất lắp ghép theo kiểu trò chơi trong tiểu thuyết
Kafka cũng có mặt trong tiểu thuyết của Phạm Thị Hoài: Cấu trúc ba phần và những
chương tự do không tham gia vào cốt truyện của tiểu thuyết Kafka cũng được tái tạo
trong sáng tác của Phạm Thị Hoài.
Những cách tân nghệ thuật của Phạm Thị Hoài ở các phương diện như kết cấu,
nhân vật, sử dụng phương thức huyền thoại… đều mang dấu ấn của thiên tài Kafka.
Tuy nhiên bằng những trải nghiệm riêng, Phạm Thị Hoài đã đem đến cho những yếu tố
nghệ thuật đó những dáng dấp mới ghi dấu ấn của bà, và chính điều đó đã tạo nên cái
độc đáo mới lạ trong sáng tạo nghệ thuật của Phạm Thị Hoài.
3.2.1.2. Tạ Duy Anh
Tạ Duy Anh chịu ảnh hưởng của một số nhà văn nước ngoài, đặc biệt là
Dostoievski. Đối với Kafka, Tạ Duy Anh trước hết chịu ảnh hưởng của vấn đề thân
phận con người. Những cảm nhận về sự tha hóa, phi lí của thế giới hiện thực, sự biến
dạng của con người trong guồng quay của xã hội hiện đại được Tạ Duy Anh tái tạo
bằng một bút pháp vừa hiện thực vừa châm biếm. Nhưng đặc sắc hơn chính là những
cảm nhận về nỗi cô đơn và bất an của con người hiện đại cũng như những sáng tạo
nghệ thuật của ông.
Với chủ đề về nỗi sợ, Tạ Duy Anh thường nhấn mạnh đến nỗi sợ bị săn đuổi,
gợi nên tình trạng phi lí, cảnh lưu đầy, mặc cảm tội lỗi đeo bám của con người trong
sáng tác của Kafka.
Với những vấn đề nghệ thuật, phương thức huyền thoại với những dạng thức tái

tạo các motif quen thuộc như biến dạng, mê cung là phương thức mà Tạ Duy Anh
thường sử dụng. Ở motif biến dạng, hai dạng thức vật hóa và biến dạng trong hành
động và tâm lí giúp nhà văn cảnh báo về tình trạng xuống cấp của lối sống, tình trạng
tha hóa của con người trong xã hội hiện đại. Ở motif mê cung, Tạ Duy Anh cũng xây
dựng những mê cung thực tại như ngôi nhà và những con phố và motif mê cung nội
tâm gợi cảm nhận con người bị săn đuổi bởi một thế lực vô hình nào đó hoặc do những
ám ảnh nội tâm như nỗi cô đơn, sự tha hóa hay là nỗi sợ vô hình.
Về nhân vật, Tạ Duy Anh tái tạo kiểu nhân vật vắng mặt và hình thức tẩy trắng
nhân vật vốn là một trong những sáng tạo độc đáo nhất xét về phương diện nhân vật
của Kafka. Nhân vật vắng mặt trong sáng tác của Tạ Duy Anh cũng gắn liền với chủ
đề về nỗi sợ hãi và sự chờ đợi vô vọng của con người. Để xây dựng nên thế giới nhân
vật đông đảo của mình, Tạ Duy Anh tái tạo thủ pháp tẩy trắng nhân vật vốn là một


trong những sáng tạo độc đáo của Kafka với những hình thức cơ bản sau: kiểu nhân
vật được thể hiện bằng những cái tên viết tắt, tên nhân vật được xác định bằng các yếu
tố đặc điểm của nhân vật, theo thứ tự trong truyện kể hoặc dựa vào đặc điểm tính cách,
hành động của nhân vật, đặc điểm cơ thể.Khi xây dựng kiểu nhân vật vô danh, Tạ Duy
Anh hướng tới ý niệm về con người, về sự tồn tại và thân phận con người như quan
niệm của Kafka.
3.2.2. Ảnh hưởng của Kafka trong thơ ca
Sự ảnh hưởng của Kafka trong thơ ca Việt Nam thường xuất hiện dưới hai hình
thức. Trước nhất Kafka trở thành nguồn cảm hứng để từ đó nhà thơ hoặc bày tỏ những
cảm nhận về cuộc đời, con người hoặc bày tỏ những quan niệm của mình về thế giới.
Trường hợp thứ hai là sự tiếp nhận - ảnh hưởng đến sáng tác trên các phương diện tư
tưởng hoặc nghệ thuật. Ở phương diện này, có thể nói ở Việt Nam chỉ có một trường
hợp duy nhất là thơ Trương Đăng Dung.
Trương Đăng Dung tiếp nhận Kafka ở các phương diện. Trước hết là phương
diện quan niệm hiện thực và những chiều kích hiện thực. Hiện thực mang tính hai mặt, là sự
trộn lẫn những gam màu thực và mộng. Đó là một thứ hiện thực vừa là nó, vừa không

phải là nó, một thứ hiện thực trong mơ, kết tinh từ sự tưởng tượng với những hình ảnh
dị thường, biến dạng và lộn ngược. Thế giới “hiện thực - hình ảnh” giúp nhà văn tải
cảm quan về thế giới trong những chiều kích đời thường mà huyền thoại của nó.
Trương Đăng Dung còn chịu ảnh hưởng Kafka ở vấn đề thân phận con người
trong xã hội hiện đại nỗi cô đơn mang tính định mệnh, nằm trong bản chất sinh tồn của
con người. Nhà thơ đặc biệt cảm nhận một cách sâu sắc về nỗi cô đơn trong sự ngăn
cách giữa bản ngã và tha nhân, trong không gian, trong thế giới dị hình, xa lạ với con
người, đặc biệt là những ám ảnh về nỗi cô đơn trong thời gian và sự vượt thoát nỗi cô
đơn đó. Bên cạnh nỗi cô đơn là nỗi sợ, nỗi lo âu hiện sinh, nỗi sợ trước thực tại phi lí,
trước một thế giới đã biến dạng mà con người không thể hiểu được cũng như không
thể sẻ chia hay nỗi sợ hãi trước những điều vô hình, nỗi sợ nằm sâu trong bản chất
người, trong sự tồn tại hiện sinh của nó.
Qua ba hiện tượng ảnh hưởng trực tiếp của Kafka mà chúng tôi lựa chọn, có thể
thấy rõ ở Việt Nam việc tiếp nhận nhà văn trên cả hai phương diện tư tưởng và nghệ
thuật. Mỗi nhà văn do quan niệm khác nhau về thế giới, do những đặc điểm về bút
pháp đã tìm kiếm ở Kafka những mẫu mực để tiếp nhận. Tiếp nhận Kafka trong sáng
tạo văn học Việt Nam gúp chúng tôi đi đến những nhận xét về tiếp nhận văn học đối
với người đọc là nhà văn: Việc tiếp nhận sáng tác của nhà văn phụ thuộc vào những
điều kiện tiếp nhận như yếu tố thời đại, văn hóa văn học. Tuy nhiên ảnh hưởng hay
không ảnh hưởng nhà văn còn chịu sự chi phối bởi những hoàn cảnh thuận lợi riêng
của nhà văn, tài năng, khát vọng cũng như khả năng nhận thức những vấn đề thời đại


từ chính nguồn ảnh hưởng. Tất cả tạo nên những điều kiện tiếp nhận thuận lợi hay
không thuận lợi cho nhà văn trong lòng của một nền văn học.


Chương 4
TIẾP NHẬN FRANZ KAFKA QUA DỊCH THUẬT VÀ GIẢNG DẠY
4.1. Dịch thuật Kafka ở Việt Nam

4.1.1. Khái quát về tình hình dịch thuật Kafka Việt Nam
Dịch thuật Kafka ở Việt Nam biến động qua lịch sử. Hai thời kỳ không có tác
phẩm được dịch là miền Bắc trước 1975 và Việt Nam sau 1975 -1986. Hai thời kỳ tác
phẩm của Kafka được dịch giả quan tâm là miền Nam trước 1975 và Việt Nam sau
1986. Điều đó là do sự tác động của các yếu tố chính trị - xã hội, văn hóa – văn học
cũng như tâm lí tiếp nhận của mỗi thời kỳ mang lại.
4.1.2. Đặc điểm dịch thuật Kafka ở Việt Nam
Dịch thuật Kafka có những đặc điểm sau: Dịch thuật chịu tác động mạnh mẽ của
điều kiện chính trị - xã hội và văn hóa; dịch thuật qua một ngôn ngữ trung gian, chủ
yếu là tiếng Anh và tiếng Pháp; đội ngũ dịch giả chủ yếu là nhà văn hoặc nhà nghiên
cứu văn học, các nhà giáo trong các trường đại học dẫn đến chất lượng bản dịch tốt
cũng như tạo sự gắn kết giữa dịch, nghiên cứu và giảng dạy.
4.2. Giảng dạy Kafka trong nhà trường Việt Nam
4.2.1. Chương trình và giáo trình
Do tính chất đặc biệt trong sáng tác của Kafka, tác phẩm của nhà văn không
được dạy ở các trường phổ thông tại Việt Nam. Kafka chỉ được giảng dạy trong các
trường đại học. Chương trình chủ yếu nằm trong học phần liên quan tới Văn học Tây
Âu, Phương Tây với 2TC (30 tiết). Từ chương trình đó có thể nói việc giảng dạy
Kafka ở trường đại học vẫn chưa được chú trọng ở mức cần thiết.
Do tác động của chương trình, đến nay vẫn chưa có một giáo trình chính thức
nào có nội dung riêng về văn học Đức. Ngoài đề cương bài giảng hoặc các giáo trình
lưu hành nội bộ, Giáo trình giảng dạy về Kafka hiện nay có 2 bộ chính là “Văn học
phương Tây” của nhóm tác giả Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân, Lương Duy Trung,
Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Chính, Phùng Văn Tửu biên soạn, nhà xuất bản giáo
dục ấn hành và “Giáo trình Văn học phương Tây” của nhóm tác giả Lê Huy Bắc, Lê
Nguyên Cẩn, Nguyễn Linh Chi, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam phát hành năm 2011
Bên cạnh các giáo trình chính thống, còn có một số giáo trình lưu hành nội bộ, bài
giảng chuyên đề hoặc các tài liệu tham khảo. Có thể kể đến hai bộ tiêu biểu sau: “Văn
học phương Tây giản yếu” của Lê Văn Chín và Bài giảng của “Văn học phương Tây
3” của Phùng Ngọc Hoài. Bài giảng chuyên đề và tài liệu học tập về Kafka khá đa



dạng, có thể kể đến một số bộ như sau: “Đại cương văn học Đức” do Lương Văn Hồng
biên soạn, nhà xuất bản Văn học, năm 2003), “Đại cương văn học thế giới” của Đỗ
Xuân Hà, nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội xuất bản năm 2006, “Văn học Âu Mỹ thế kỷ XX” do Lê Huy Bắc chủ biên, nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản năm
2011, Bài giảng chuyên đề về “Tiểu thuyết phương Tây thế kỷ XX (Khuynh hướng tác giả - tác phẩm) của Trần Hinh, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội
Qua hệ thống giáo trình, bài giảng, sách tham khảo, chuyên đề... có thể thấy
những người biên soạn chủ yếu tập trung vào các vấn đề trung tâm trong tác phẩm của
Kafka là vấn đề về thân phận con người với sự tha hóa, cô đơn và vấn đề về nghệ thuật
đặc biệt là phương thức huyền thoại. Có thể nói các giáo trình, bài giảng đều có tính
thống nhất cao độ trong việc lựa chọn nội dung biên soạn và giảng dạy.
4.2.2. Luận văn và luận văn
Theo thống kê của chúng tôi từ nguồn tài liệu của các trường đại học và trên
các trang mạng, từ năm 2001 đến nay (3/2017) tại các trường đại học ở Việt Nam có
12 luận văn thạc sĩ nghiên cứu về sáng tác của Kafka. Qua hệ thống luận văn của các
trường đại học có thể thấy việc nghiên cứu Kafka khá phong phú, từ vấn đề về chủ
nghĩa hiện đại trong tác phẩm Kafka, mô hình nghệ thuật, về hiện thực và huyền thoại,
quan niệm nghệ thuật về con người cho đến phi lí vấn đề quyền lực, nhân vật... Do đi
sâu vào từng mảng nghiên cứu nhất định nên luận văn tập trung khai thác các vấn đề
một cách sâu sắc. Hệ thống luận văn thạc sĩ cung cấp thêm cái nhìn đa chiều về sáng
tác của Kafka.
Ở Việt Nam đến nay có hai luận án tiến sĩ nghiên cứu sáng tác của Kafka là
Luận án “Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong sáng tác của Franz Kafka” của Lê Thanh
Nga và Luận án “Nhân vật trong tác phẩm Franz Kafka” của Nguyễn Thị Thắng. Qua
hai công trình luận án trên, có thể thấy việc nghiên cứu Kafka ở bậc cao trong trường
Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần nghiên cứu của một tác giả văn học có tầm
ảnh hưởng như nhà văn.
4.2.3. Điều tra về việc giảng dạy Kafka ở các trường đại học
Để đánh giá sự tiếp nhận Kafka trong nhà trường chúng tôi khảo sát tình hình
và mức độ tiếp nhận Kafka ở các trường đại học. Điều này dựa trên một thực tế là

Kafka không được giảng dạy ở những cấp học khác ngoài các trường đại học. Điều tra
được tiến hành ở các trường thuộc bốn vùng miền khác nhau, cụ thể là: Đại học Sư
phạm Hà Nội, Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Đại học Sư phạm Huế, Đại học
Tây Nguyên, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn
TP. Hồ Chí Minh, Đại học Vinh (đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh)


Chúng tôi sử dụng phiếu hỏi gồm 10 câu, chia làm ba phần nhằm khảo sát về
việc hiểu biết các tác giả văn học phương Tây hiện đại cũng như Kafka. Bên cạnh đó
còn có các câu về các vấn đề chuyên sâu như việc giới thiệu Kafka ở cấp học phổ
thông hay ảnh hưởng của Kafka
Kết quả khảo sát cho thấy trong các tác giả văn học phương Tây thế kỷ XX, hai
tác giả Kafka và Hemingway là những tác giả được nhiều người biết đến nhất. Điều
này cũng phản ánh đúng thực tế hiện nay, Kafka và Hemingway là những tác giả có
mặt trong hầu hết các chương trình giảng dạy cũng như giáo trình của các trường đại
học. Số lượng tác phẩm của Kafka đã đọc chủ yếu là từ 1-4 tác phẩm với ngôn ngữ
chủ yếu là tiếng Việt, có rất ít người đọc đọc thông qua ngôn ngữ khác. Kết quả khảo
sát về nguồn tiếp nhận tác phẩm Kafka ở các trường đại học Việt Nam cho thấy người
học ở Việt Nam biết đến Kafka chủ yếu thông qua bài giảng của giáo viên, các kênh
khác chủ yếu là internet và qua sách nghiên cứu nhưng số lượng không cao.
Ba tác phẩm được độc giả yêu thích nhất là “Hóa thân”, “Vụ án”, “Lâu đài”,
điều này phản ánh đúng thực tế ba tác phẩm trên là những tác phẩm nổi bật nhất của
Kafka, có mặt trong hầu khắp các chương trình, giáo trình, bài giảng hoặc các sách
nghiên cứu về tác giả đồng thời cũng là ba tác phẩm được dịch sớm nhất ở Việt Nam
và có số lượng xuất bản cũng như tái bản nhiều nhất.
Kết quả điều tra cho thấy đối với người học trong trường học, những sáng tạo
về mặt bút pháp, chất trí tuệ là những yếu tố được đánh giá cao nhất. Song chính vì
điều này mà độc giả thấy tác phẩm khó hiểu, khó đọc và không hấp dẫn.
Sáng tạo nghệ thuật được người học đánh giá cao nhất là phương thức huyền
thoại, thể hiện nỗi cô đơn của con người và vấn đề tha hóa của con người trong xã hội hiện

đại. Lựa chọn này hoàn toàn phù hợp với nội dung giảng dạy được nhấn mạnh trong các giáo
trình cũng như bài giảng. Trong các giáo trình bài giảng, có thể thấy các tác giả đều tập trung
làm rõ những nội dung về phương thức huyền thoại, về nỗi cô đơn và vấn đề tha hóa của con
người qua những tác phẩm lớn của Kafka như “Hóa thân”, “Vụ án” hay “Lâu đài”.
Hầu hết người học cho rằng nên giới thiệu Kafka ở trường phổ thông, chủ yếu là giới
thiệu các tác phẩm “Hóa thân”, “Làng gần nhất” vì những yếu tố phù hợp với người học ở
phổ thông như dung lượng, độ khó, là những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị về tư tưởng, nghệ
thuật.


Đa số người học cho rằng Kafka có ảnh hưởng đối với các nhà văn Việt Nam. Tác giả
được lựa chọn nhiều nhất là Phạm Thị Hoài với tác phẩm “Thiên sứ” và phương thức huyền
thoại. Tuy nhiên nhận thức về sự ảnh hưởng của Kafka ở Việt Nam còn hạn chế.
Qua khảo sát có thể kết luận, chúng tôi có những kết luận sau:
(1)Kafka là một trong những tác giả văn học phương Tây có lượng người đọc ở các
trường đại học cao. Mặc dù có những khó khăn nhất định đối với việc tiếp nhận tác giả như
tác phẩm khó đọc, khó hiểu, không có độ hấp dẫn, chất trí tuệ cao nhưng tác phẩm của ông
vẫn thu hút được số lượng người đọc lớn trong các trường đại học.
(2) Tiếp nhận Kafka ở trường học có tính thống nhất cao, thống nhất trong trong đánh
giá tác phẩm, trong nhận thức với các nội dung tiếp nhận từ sáng tác của Kafka, thống nhất
trong nhận xét đánh giá và những cảm nhận khi đọc tác phẩm. Sự thống nhất còn thể hiện ở
chỗ không có sự khác biệt nhiều giữa nhận thức của người tham gia khảo sát ở những trình độ
khác nhau, ở những trường học thuộc các tỉnh thành khác nhau dù là trung tâm hay ngoại vi;
các vấn đề mà độc giả lựa chọn cao có sự tương thích đặc biệt với những nội dung được đề
cập nhiều trong các giáo trình. Điều đó đưa chúng tôi đến kết luận về việc dạy học Kafka ở
đại học: Dạy học Kafka ở bậc đại học trong các trường học ở Việt Nam có tính tập trung và
tính định hướng cao, chính tính hướng này tạo nên tính thống nhất trong nhận thức về Kafka
ở trong nhà trường. Mặt trái của điều này chính là sự thiếu sáng tạo trong tiếp nhận nhà văn.
(3) Tiếp nhận Kafka trong trường học không chỉ thiếu tính sáng tạo mà còn hết sức thụ
động. Các tác phẩm xuất hiện nhiều trong giáo trình bài giảng cũng là những tác phẩm được

đánh giá cao nhất, được đọc nhiều nhất và được yêu thích nhất. Những sáng tạo được giới
thiệu ở hầu khắp các giáo trình, giáo án, bài giảng, tài liệu tham khảo hay được quan tâm nhất
trong giảng dạy Kafka cũng đồng thời thu hút sự lựa chọn của người học. Đặc biệt hơn nữa là
kênh thông tin giúp người học tiếp xúc với nhà văn giữ vị trí gần như tuyệt đối là thông qua
bài giảng của giảng viên, các kênh còn lại, ngay cả thông qua các sách nghiên cứu, chiếm vị
trí thứ yếu. Sự tiếp nhận thụ động đó gây cản trở cho nhà văn trong một môi trường cần tính
năng động, sáng tạo như trường học ở bậc cao.
Tiếp nhận Kafka qua dịch thuật và giảng dạy là những cách thức đưa sáng tác của
Kafka đến với độc giả ở những môi trường khác nhau. Dịch thuật Kafka ở Việt Nam chịu sự
chi phối của những điều kiện chính trị - xã hội và văn hóa cũng như tâm lí tiếp nhận và nhu
cầu thẩm mỹ của mỗi thời đại nên có những bước phát triển ngắt quãng và không đồng đều.
Có những thời điểm sáng tác của Kafka vắng bóng, có những thời điểm bùng phát với số
lượng cũng như chất lượng của các bản dịch. Giảng dạy Kafka ở Việt Nam có tính thống
nhất cao từ phương diện chương trình, giáo trình, bài giảng cho tới nội dung và phương


×