Tải bản đầy đủ (.pdf) (113 trang)

Kịch nguyễn huy thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.33 MB, 113 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
--------------------------------------

NGUYỄN THỊ HẢI LÝ

KỊCH NGUYỄN HUY THIỆP TỪ GÓC NHÌN
GIAO THOA THỂ LOẠI

Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Lý luận Văn học
Mã số: 60.22.01.20

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS Phạm Thành Hƣng

Hà Nội - 2017


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................3
1. Lý do chọn đề tài ...................................................................................................3
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ....................................................................................4
3. Mục đích, đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu ......................................................6
4. Phƣơng pháp nghiên cứu......................................................................................7
5. Cấu trúc luận văn ..................................................................................................7
CHƢƠNG 1 NHỮNG THỂ NGHIỆM VÀ TÌM TÒI ĐỔI MỚI CỦA NGUYỄN
HUY THIỆP TRONG VĂN HỌC KỊCH ...............................................................8
1.1. Nguyễn Huy Thiệp – Cây bút nổi danh trong truyện ngắn ..........................9
1.2. Tiểu thuyết Nguyễn Huy Thiệp – Một kiểu văn giải trí trong xã hội tiêu
dùng..................... .....................................................................................................13
1.3. Kịch Nguyễn Huy Thiệp – thành quả của quá trình đổi mới, tìm tòi và
vƣợt thoát .................................................................................................................21


CHƢƠNG 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ THI PHÁP THẾ LOẠI TRONG KỊCH
NGUYỄN HUY THIỆP .........................................................................................27
2.1. Nhân vật kịch ....................................................................................................27
2.1.1.Giới thuyết về nhân vật kịch ...........................................................................27
2.2.2. Các kiểu nhân vật trong kịch Nguyễn Huy Thiệp ........................................28
2.2.2.1. Nhân vật đời thường.....................................................................................29
2.2.2.2. Nhân vật lưỡng diện .....................................................................................33
2.2.2.3. Nhân vật huyền thoại - lịch sử .....................................................................37
2.2. Tổ chức thời gian – không gian nghệ thuật trong kịch ................................40
2.2.1. Tổ chức thời gian nghệ thuật trong kịch ......................................................40
2.2.2. Tổ chức không gian nghệ thuật trong kịch ..................................................45
2.3. Xung đột trong kịch Nguyễn Huy Thiệp ........................................................53
2.3.1. Giới thuyết về xung đột kịch ..........................................................................53
2.3.2. Các xung đột cơ bản trong kịch Nguyễn Huy Thiệp ....................................54
2.3.2.1. Xung đột trên bình diện đạo đức ..................................................................54

1


2.3.2.2. Xung đột giữa con người và xã hội ..............................................................59
2.4. Ngôn ngữ kịch ...................................................................................................62
2.4.1. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật ..................................................................63
2.4.2. Ngôn ngữ độc thoại của nhân vật .................................................................66
CHƢƠNG 3 TỰ SỰ VÀ TRỮ TÌNH – NHỮNG YẾU TỐ GIAO THOA
TRONG KỊCH NGUYỄN HUY THIỆP ...............................................................75
3.1. Vấn đề giao thoa thể loại .................................................................................75
3.2. Tính tự sự trong kịch Nguyễn Huy Thiệp......................................................79
3.2.1. Giới thuyết về phương thức tự sự ..................................................................79
3.2.2. Người kể chuyện trong kịch Nguyễn Huy Thiệp ..........................................79
3.2.3. Lời kể chuyện (dẫn truyện) trong kịch Nguyễn Huy Thiệp .........................84

3.2.4. Hệ thống motif trong cốt truyện kịch Nguyễn Huy Thiệp ...........................87
3.3. Tính trữ tình trong kịch Nguyễn Huy Thiệp .................................................91
3.3.1. Giới thuyết về tính trữ tình ............................................................................91
3.3.2. Cái tôi trữ tình trong lời thoại nhân vật ........................................................92
3.3.3. Chất thơ xuất hiện trong các xung đột kịch .................................................96
3.3.4. Những lời thơ trong văn bản kịch ...............................................................100
KẾT LUẬN ............................................................................................................108
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................110

2


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
“Đời người giấc mộng phù vân
Mê man trong cõi nhân quần với nhau...”
(Vong Bướm – Nguyễn Huy Thiệp)
Nguyễn Huy Thiệp đến với “cõi nhân quần” đến với chúng ta, đến với nền văn
học dân tộc vào nửa sau những năm 80 của thế kỷ XX và nhanh chóng trở thành
một “hiện tượng văn học độc đáo” trên văn đàn Việt Nam giai đoạn Đổi mới. Đặc
biệt khi truyện ngắn Tướng về hưu vừa xuất hiện Nguyễn Huy Thiệp ngay lập tức
đã gây chấn động dư luận, ông trở thành tâm điểm của giới văn chương, là nguyên
nhân của những cuộc tranh luận trong giới phê bình văn học. Nhận xét về Nguyễn
Huy Thiệp nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng ông là thành quả của sự đổi
mới: “...Một hướng kết tinh đầy ấn tượng của thời kỳ đổi mới văn học là sáng tác
của Nguyễn Huy Thiệp. Hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp – đó là thành quả của đổi
mới” [30, tr. 5].
Có thể nói với lối viết táo bạo và độc đáo Nguyễn Huy Thiệp đã góp phần to
lớn trong việc phá vỡ thế bình ổn của nền văn học dân tộc trước đó, đồng thời thổi
một “làn gió mới” vào nền văn học đương đại khiến cho người đọc vừa hứng khởi

lại vừa dè dặt khi đón nhận những tác phẩm của ông. Bên cạnh đó thì sự xuất hiện
của Nguyễn Huy Thiệp khiến người ta phải nghĩ ngay đến sự đổi mới của thể tài
văn xuôi Việt Nam đương đại mà trước đó vốn rất lặng gió với những bước đi chậm
rãi, đầy cân nhắc.
Không chỉ viết truyện ngắn mà Nguyễn Huy Thiệp còn viết tiểu thuyết, tiểu
luận phê bình, kịch. Đối với kịch, Nguyễn Huy Thiệp dành cho nó một sự tâm đắc
kỳ lạ, bằng chứng là ông đã đưa vào kịch rất nhiều cách tân mới mẻ, độc đáo và thể
hiện cá tính riêng. Do đó mà kịch của ông khác hẳn so với kịch của các tác gia khác
như Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Tưởng... Khi tiếp nhận kịch Nguyễn Huy Thiệp
chúng ta sẽ thấy có sự kết hợp, giao thoa của nhiều thể loại văn học khác, đó là chất
trữ tình của thơ, tính tự sự của truyện ngắn và tiểu thuyết cùng xuất hiện đan xen.

3


Theo thống kê Niên biểu văn chương Nguyễn Huy Thiệp của tác giả Mai
Anh Tuấn (tính từ thời điểm năm 1971 đến tháng 8/2015 Nguyễn Huy Thiệp đã
sáng tác được 13 vở kịch). Được biết kịch Nguyễn Huy Thiệp đã được dàn dựng ở
nhiều quốc gia, tuy nhiên ở trong nước thì kịch của ông chỉ được biết đến nhiều
dưới dạng kịch bản văn học. Bên cạnh đó việc nghiên cứu, giới thiệu kịch của
Nguyễn Huy Thiệp cho đến nay, chưa được chú ý nhiều.
Xuất phát từ những lý do trên, đồng thời nhận thấy việc nghiên cứu kịch của
Nguyễn Huy Thiệp là rất cần thiết, mang tính thực tiễn, đặc biệt là khi nhìn nhận từ
phương diện giao thoa thể loại trong một văn bản kịch. Do đó, chúng tôi đã chọn
Kịch Nguyễn Huy Thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại làm đối tượng nghiên cứu
chính cho đề tài luận văn của mình. Trong phạm vi của luận văn chúng tôi mong
muốn sẽ chỉ ra được thành công và hạn chế của kịch Nguyễn Huy Thiệp, đồng thời
cho thấy một hướng đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp vào thành tựu của nền văn
học Việt Nam thời kỳ đổi mới với những bước chuyển mình mạnh mẽ.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Tuy không đạt được thành công vang dội như ở truyện ngắn nhưng kịch cũng
là thể loại mà Nguyễn Huy Thiệp dành nhiều tâm huyết và trí lực của mình vào đó.
Tập kịch đầu tiên đánh dấu sự chuyển hướng của ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp
sang địa hạt này là tập Xuân Hồng, được ra mắt vào năm 1994. Trong bài viết giới
thiệu về tập kịch này của Nguyễn Huy Thiệp tác giả Thụy Khuê đã có sự so sánh
kịch của ông với kịch của J. P. Sartre, đó là những vở kịch nặng về phần văn học và
nhẹ về phần trình diễn, trong bài giới thiệu của mình Thụy Khuê đã đánh giá như
sau: “Kịch bản văn học của Nguyễn Huy Thiệp đào sâu ý thức về kịch muôn thuở:
thoái bộ để nhận diện mình một cách khách quan hơn, đồng thời mở đường cho một
phong cách kịch hiện đại chưa thật sự xuất hiện trong truyền thống văn học và nghệ
thuật của chúng ta: Ðặt vấn đề với con người về con người qua ngôn ngữ đối thoại,
trong cái mâu thuẫn sâu xa cực độ và cực điểm của chính mình, phát sinh từ môi
trường tạo tác. Ðó là bi kịch thảm thương và khốc liệt nhất trong mỗi chúng ta mà

4


chỉ nghệ thuật kịch trường mới có cơ hội phô diễn trước công chúng, một cách
khách quan, minh mẫn và tàn nhẫn.”
Có thể nói do không tạo được tiếng vang lớn và không được đánh giá đúng
tầm nên các tác phẩm kịch của Nguyễn Huy Thiệp ban đầu chỉ xuất hiện rải rác trên
các tạp chí văn học, tạp chí sông Hương. Phải đến năm 2003 Nhà xuất bản Trẻ mới
tập hợp, chọn lọc và in thành Tuyển tập kịch Nguyễn Huy Thiệp, khi đó kịch của
ông mới được phổ biến với độc giả.
Năm 2008 Nguyễn Huy Thiệp viết vở kịch Nhà ô sin, đến năm 2010 Nhà xuất
bản Thanh niên chọn in tuyển tập kịch Nguyễn Huy Thiệp đã lấy tác phẩm này làm
tên chủ đề cho cả tập kịch. Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của Nhà ô sin Nguyễn Huy
Thiệp cho biết: “Mùa hè năm nay, tôi viết vở kịch Nhà ô sin trong một hoàn cảnh
trớ trêu: dở khóc dở cười, chưa bao giờ tôi chán nản tuyệt vọng về cuộc sống mà tôi
có trách nhiệm dự phần và chịu đựng nhiều đến thế. Tôi bó tay, thúc thủ không làm

được gì ngoài việc ngồi im, chờ đợi các sự kiện dẫn đến trạng thái “cùng tắc biến,
biến tắc thông”. Tôi viết vở kịch này như một người buộc phải ngồi chơi cờ tướng.
Hắn không còn có cách nào khác buộc phải tìm ra nụ cười để biến nước cờ bí thành
nụ cười chiếu tướng, tìm ra tiếng cười thú vị và thoải mái trong một trận thế mà biết
rằng chắc chắn sẽ thua”
Năm 2012 Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục cho ra mắt tập kịch chèo Vong bướm
với hai kịch bản chèo là Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua. Nhận xét về tập
kịch này PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng “Vong bướm là trò chơi nghệ thuật
đầy ngẫu hứng nhưng công phu của Nguyễn Huy Thiệp”.
Năm 2015 trong luận văn Thạc sĩ của mình Nguyễn Thị Hà đã triển khai đề tài
Kịch của Nguyễn Huy Thiệp dưới góc nhìn thi pháp thể loại, trong đó tác giả đã
có sự nghiên cứu khá kỹ về các đặc trưng của kịch Nguyễn Huy Thiệp trên các
phương diện như nhân vật, kết cấu, xung đột và ngôn ngữ kịch.
Nhìn chung như đã nói ở phần đầu của bài viết, do không có được cơ may
“cập thời vũ”, không thực sự tạo được tiếng vang lớn nên kịch của Nguyễn Huy
Thiệp không được giới nghiên cứu phê bình quan tâm như truyện ngắn của ông.

5


Chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về mảng kịch của Nguyễn Huy
Thiệp, mà đó chỉ là những bài nhận xét, đánh giá, các bài điểm sách đăng rải rác
trên các trang báo, tạp chí và các website. Do vậy có thể khẳng định rằng vấn đề mà
chúng tôi chọn nghiên cứu trong bài luận của mình – giao thoa thể loại trong kịch
Nguyễn Huy Thiệp là một vấn đề hoàn toàn mới mẻ.
3. Mục đích, đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Chúng tôi muốn nghiên cứu vấn đề giao thoa thể loại trong kịch của Nguyễn
Huy Thiệp, những vấn đề lý thuyết về đặc trưng của kịch nói chung và kịch của
Nguyễn Huy Thiệp nói riêng, mong muốn tạo ra cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn

về kịch của Nguyễn Huy Thiệp và những đóng góp của ông cho nền kịch Việt Nam.
Nghiên cứu về Kịch Nguyễn Huy Thiệp từ góc nhìn giao thoa thể loại, bên
cạnh mục đích chính là chỉ ra được những ảnh hưởng, sự liên văn bản của các thể
loại văn học khác trong kịch Nguyễn Huy Thiệp chúng tôi còn mong muốn tìm ra
những hạn chế và thành công trong kịch của Nguyễn Huy Thiệp, tìm ra nguyên
nhân tại sao kịch của ông phần lớn chỉ là các kịch bản văn học và tại sao nó lại
không được đón nhận như truyện ngắn.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Những vấn đề lý luận liên quan đến sự giao thoa thể loại trong kịch của
Nguyễn Huy Thiệp. Đó là sự tồn tại của chất trữ tình và tự sự trong một văn bản
kịch.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn tiến hành nghiên cứu, khảo sát toàn bộ kịch của Nguyễn Huy Thiệp
theo như thống kê của Mai Anh Tuấn (tính đến tháng 8/2015) là 13 vở. Để phạm vi
nghiên cứu được chọn lọc, tập trung vào những tác phẩm tiêu biểu, chúng tôi tiến
hành khảo sát văn bản và giải quyết vấn đề trong 3 ấn phẩm xuất bản sau đây:
1.Nguyễn Huy Thiệp (2003), Tuyển tập kịch, Nhà xuất bản trẻ
2.Nguyễn Huy Thiệp (2010), Nhà ô sin, Nhà xuất bản Thanh Niên

6


3. Nguyễn Huy Thiệp (2012), Vong bướm, Nhà xuất bản Thời Đại và Nhã
Nam
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
Với mục đích làm sáng tỏ vấn đề giao thoa thể loại trong kịch của Nguyễn
Huy Thiệp, trong luận văn này chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên cứu
chính là phương pháp tổng hợp phân tích, phương pháp thống kê, phương pháp xã
hội học, phương pháp đối chiếu và so sánh – đây cũng là phương pháp được ưu tiên
vận dụng nhiều hơn cả.

5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn
gồm 3 chương:
Chương 1: Những thể nghiệm và tìm tòi đổi mới của Nguyễn Huy Thiệp trong
văn học kịch
Chương 2: Một số vấn đề thi pháp thể loại trong kịch Nguyễn Huy Thiệp
Chương 3: Tự sự và trữ tình – Những yếu tố giao thoa trong kịch Nguyễn Huy
Thiệp

7


NỘI DUNG
CHƢƠNG 1
NHỮNG THỂ NGHIỆM VÀ TÌM TÒI ĐỔI MỚI CỦA NGUYỄN HUY
THIỆP TRONG VĂN HỌC KỊCH
Như chúng ta đã biết Nguyễn Huy Thiệp vốn có một tuổi thơ gian khó khi
phải cùng gia đình sống lưu chuyển qua nhiều vùng nông thôn khác nhau từ Thái
Nguyên, qua Phú Thọ, đến Vĩnh Phúc. Trước khi trở thành nhà văn ông từng làm
thầy giáo và đã có hơn 10 năm dạy học ở vùng Tây Bắc rồi sau đó mới trở về Hà
Nội công tác trong ngành giáo dục và thuyên chuyển ở nhiều vị trí khác nhau. Có
thể nói, tuổi thơ gian khó khi sống ở nông thôn cùng quá trình công tác lâu dài ở
miền núi đã trở thành những chất liệu văn học đáng quý trong các sáng tác của
Nguyễn Huy Thiệp. Trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp hình ảnh về những
miền quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, những vùng núi xa xôi hẻo lánh với những con
người nghèo khó, lam lũ mà thật thà, chân chất cứ trở đi trở lại trong những trang
văn ông như một sự gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ về tuổi thơ, về quãng thời gian
khốn khó của mình. Đã có lần thông qua truyện ngắn của mình nhà văn tự nhận
rằng “mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn” ( Những bài học nông thôn).
Kinh nghiệm sống, những trải nghiệm phong phú kết hợp với tài năng văn

chương sẵn có từ trong máu thịt Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành mảnh đất màu mỡ
để ươm mầm cho văn chương ông và được dịp phát triển rực rỡ ở những thời điểm
khác nhau trong nền văn học của dân tộc. Vì thế mà trong một bài viết đăng trên
Tạp chí Sông Hương tháng 11/2015 tác giả Mai Anh Tuấn đã có nhận xét mang tính
khái quát về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Thiệp như sau: “Khác với ví
von có phần đơn giản rằng “Nguyễn Huy Thiệp là bông hoa nở muộn trên văn đàn”,
chúng ta thấy cuộc viết của Nguyễn Huy Thiệp nảy sinh khá sớm, từ thập niên
1970, lúc ông ngoài hai mươi tuổi, và âm thầm xuất hiện vào năm 1986 trước khi
thực sự bùng nổ vào năm 1987. Một quá trình viết như thế chắc chắn được điều
chỉnh bởi sự quan sát, nghiên cứu kĩ lưỡng bạn đọc để “dọn ra món ăn tinh thần cho
cả thời đại mình” sao cho “hợp thời”. Theo thống kê của tôi, đến thời điểm này

8


(8/2015), Nguyễn Huy Thiệp có 111 tác phẩm, trong đó có 53 truyện ngắn, 4 tiểu
thuyết, 13 vở kịch, còn lại là những tiểu luận, tạp văn, phê bình. Việc ông tuyên bố
ngừng viết, “rửa tay gác kiếm”, “cuộc chơi kết thúc” phần nào phản ánh sự lắng lại
của cao trào đổi mới văn học khi mà những điều kiện duy trì, tiếp sức cho nó không
còn dồi dào, thuận lợi như trước.” [57, tr.79]
Cũng theo nhận xét của tác giả này thì thành công của Nguyễn Huy Thiệp
không chỉ trong phạm vi trong nước mà các tác phẩm của ông còn được xuất bản ra
nhiều cộng đồng ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Pháp, tiếng Anh đến tiếng Hà Lan,
Nhật... Có thể nói Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít những nhà văn Việt Nam
đương đại có tính quốc tế với tầm ảnh hưởng lớn, là cầu nối để giới nghiên cứu văn
học Việt trên thế giới hiểu nhiều hơn về văn học Việt Nam. Tất cả đều nhờ vào một
tài năng văn học xuất sắc, với sức sáng tạo dồi dào và một lối viết sắc bén, cá tính,
sáng tạo vừa cho thấy bản sắc cá nhân vừa cho thấy những thể nghiệm, tìm tòi và
đổi mới không ngừng của nhà văn trên hành trình sáng tác văn chương của mình.
1.1. Nguyễn Huy Thiệp – Cây bút nổi danh trong truyện ngắn

Nguyễn Huy Thiệp có biệt tài viết truyện ngắn và dường như sở trường của
ông cũng chính là truyện ngắn, đặc biệt là những truyện ngắn viết về đề tài nông
thôn, miền núi như Chảy đi sông ơi, Con gái thủy thần, Thương nhớ đồng quê,
Chăn trâu cắt cỏ, Những bài học nông thôn, Mưa Nhã Nam, Những ngọn gió
Hua Tát ...chúng ta có thể thấy những yếu tố văn học dân gian trong đó rất đậm đặc
và sâu sắc. Mặc dù không phải là người đầu tiên khai thác và thành công khi viết về
mảng đề tài này, trước Nguyễn Huy Thiệp đã từng có rất nhiều nhà văn, nhà thơ tìm
được chỗ đứng cho mình khi viết về những con người và cuộc sống nơi đây. Có thể
kể đến một số tên tuổi như Tô Hoài với Truyện Tây Bắc, Nguyễn Tuân với Sông
Đà, Tố Hữu với tập thơ Việt Bắc, Đồng bạc trắng hoa xòe của Ma Văn Kháng...và
dù thuộc vào thế hệ đi sau, “khai thác lại” hệ đề tài đã không còn mới mẻ này nhưng
Nguyễn Huy Thiệp vẫn không bị chìm khuất giữa những tên tuổi tiêu biểu như đã
kể trên, mà ngược lại ông đã tìm cho mình một hướng đi riêng để triển khai và tiến

9


tới chiếm lĩnh đề tài này, góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo, trở
thành “hiện tượng văn học” nổi cộm trong giới phê bình.
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp ngay thời điểm vừa xuất hiện đã tạo được
tiếng vang lớn trên văn đàn, mang sức cuốn hút mạnh mẽ bởi cái lạ của nó như nhà
phê bình Phạm Xuân Nguyên đã từng nhận định “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
hai lần lạ, lạ nội dung, lạ nghệ thuật” [30, tr. 6]. Tất cả là nhờ vào việc nhà văn đã
vận dụng có sáng tạo những yếu tố thi pháp của truyện kể dân gian vào trong những
truyện ngắn của mình, góp phần tạo nên nét riêng biệt về nghệ thuật xây dựng
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp so với nhà văn trước đó và cùng thời, đồng thời
góp phần đổi mới văn đàn vốn đang cần có sự đổi mới, cách tân.
Nhìn lại niên biểu văn chương của Nguyễn Huy Thiệp chúng ta thấy truyện
ngắn của ông xuất hiện lần đầu trên văn đàn vào tháng 1 năm 1987 với tác phẩm
đầu tay Những chuyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát tuy nhiên tác phẩm này

vẫn chưa đủ sức để tạo nên tiếng vang trong dư luận. Phải đến khi truyện ngắn
Tướng về hưu xuất hiện trên báo Văn nghệ số 24 ra ngày 20 tháng 6 năm 1987 thì
Nguyễn Huy Thiệp đã thực sự gây xôn xao trong dư luận với lối viết mới lạ, táo
bạo. Ông Tướng về hưu xuất hiện không chỉ bắn một phát súng mà nó giống như
tiếng nổ to và giòn giã của đại bác làm khuynh đảo cả một nền văn học với những
hệ giá trị truyền thống đã trở thành cố cữu khiến cho người ta không khỏi bàng
hoàng, hốt hoảng nhưng cũng không kém phần nồng nhiệt khi chào đón nó. Ngay
sau đó, khi mà người đọc còn chưa hết ngỡ ngàng, khi mà dư luận còn chưa “kịp”
lắng xuống với sự xuất hiện của “ông tướng về hưu” thì Nguyễn Huy Thiệp lại tiếp
tục trình làng một loạt những truyện ngắn khác: Con gái thủy thần, Chảy đi sông
ơi, Không có vua, Giọt máu, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết, Những người thợ xẻ,
Những bài học nông thôn... khiến cho văn đàn và giới nghiên cứu phê bình vẫn
còn đang sục sôi lại được dịp sục sôi đến cao trào.
Có thể nói những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp với sức viết dồi dào và
ý tưởng cách tân triệt để trong cả nội dung lẫn hình thức thể hiện đã góp phần làm
phong phú văn đàn Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Nói về truyện ngắn của Nguyễn Huy

10


Thiệp, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy trong bài viết Cuộc chạy tiếp sức lịch sử (Đặng
Thân nhìn từ Nguyễn Huy Thiệp) đã có ý kiến như sau: “Nguyễn Huy Thiệp khi
trở thành Nguyễn Huy Thiệp đã hội đủ các điều kiện của và cho một nhà cách tân
văn học. Nhiều năm trước đó, nằm trong bóng tối của núi rừng Tây Bắc, Thiệp đã
âm thầm nuôi dưỡng tài năng của mình chờ ngày ra sáng ở Hà Nội. May cho Thiệp,
và cho cả văn học bấy giờ, là anh xuất hiện vào đúng lúc cửa mở cho ngọn gió đổi
mới từ bên ngoài thổi vào. Và gió nâng cánh Thiệp bao nhiêu thì Thiệp cũng tạo ra
những cánh gió bấy nhiêu. Vì thế, chẳng mấy chốc, dấy lên một phong trào viết
mới, viết khác, kể cả viết theo “kiểu Nguyễn Huy Thiệp” ở những cây bút trẻ. Đồng
thời, sức ám của “truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” lớn tới mức nhiều nhà văn kỳ

cựu cảm thấy mình không thể viết như cũ được nữa.”
Sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp cùng với những truyện ngắn của ông đã
thực sự tạo nên một bầu không khí phê bình tranh luận văn học sôi nổi với nhiều ý
kiến đối lập gay gắt mà trong giai đoạn trước đó vấn đề phê bình văn học của ta vốn
rất im ắng và có phần dè dặt, về điều này nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong
lời giới thiệu cuốn Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp cũng đã quả quyết: “Tôi dám chắc
chưa có nhà văn nào vừa xuất hiện đã gây được dư luận, càng viết dư luận càng
mạnh, truyện chưa ra thì người ta đã kháo nhau, truyện đăng rồi thì người ta đã
tranh nhau tìm đọc, đọc rồi thì gặp nhau bình phẩm, bàn tán, chốn phòng văn cũng
như chốn vỉa hè đâu đâu cũng kháo chuyện...văn đàn thời đổi mới đã khởi sắc, bỗng
khởi sắc hẳn, đã náo động, càng thêm náo động, bởi những cuộc tranh luận, cả tranh
cãi, quanh sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp” [30, tr. 6].
Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có thực tài, ông dám đưa cá tính của mình vào
trong tác phẩm, những truyện ngắn của ông vừa cho thấy những chiêm nghiệm,
quan sát sâu sắc và tinh tế về cuộc sống xung quanh vừa thể hiện những cách tân
triệt để đối với văn học, chính vì vậy mà truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đẹp và
sáng như một viên ngọc, giống như ngọc càng mài rũa càng sáng thì truyện ngắn
của ông càng đọc, càng nghiền ngẫm kỹ người ta lại càng thấy nó hay và nó lạ. Tác
giả Nguyễn Thanh Sơn trong bài viết Đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp cũng đã bày

11


tỏ ý kiến của mình như thế: “Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cũng giống
như những viên ngọc Biện Hòa, những viên ngọc với lớp đá vỏ xù xì, thô ráp bên
ngoài, và nó đẹp nhất chính vì người ta biết bên trong lớp đá đó tiềm ẩn một viên
ngọc. Và ngay cả những tia sáng long lanh của viên ngọc dưới ánh mặt trời, khi đã
thoát thai từ mẹ đá cũng làm sao so sánh được với thứ ánh sáng huyền ảo kỳ diệu
của nó khi còn nằm trong trí tưởng tượng của con người.” [30, tr.118].
Trong bài viết Xung quanh hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp hai tác giả

Nguyễn Hải Hà và Nguyễn Thị Bình cũng đã khẳng định: “Nguyễn Huy Thiệp mới
thật là mới là độc đáo, chỉ mình anh cũng đủ tạo nên một đời sống văn học sôi động
kéo dài cả mấy năm trời và còn nóng bỏng đến tận hôm nay. Có lẽ ở ta hiếm có tác
giả mà chỉ vừa xuất hiện đã được dư luận cả trong lẫn ngoài nước quan tâm nhiều
đến vậy” [30, tr.517]. Cũng theo thống kê của hai tác giả này thì trong khoảng thời
gian từ giữa năm 1987 đến giữa năm 1989, nghĩa là trong vòng hai năm Nguyễn
Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn đã có trên bảy mươi bài viết về các sáng tác của
ông, chỉ riêng con số thống kê tạm thời này cũng đủ để cho chúng ta thấy được
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã gây được tiếng vang lớn đến mức nào trên
văn đàn khi vừa mới xuất hiện.
Có thể nói những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không chỉ độc đáo, mới
lạ trong lối viết mà còn đa dạng trong đề tài thể hiện, khẳng định tài năng nghệ thuật
của một người nghệ sĩ, một nhà văn có biệt tài và sở trường về truyện ngắn. Trong
tổng số 53 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (tính đến thời điểm tháng 8/2015),
dựa vào những đặc trưng thẩm mỹ và đề tài thể hiện mà chúng tôi tạm chia truyện
ngắn của Nguyễn Huy Thiệp thành những tiểu loại chính sau đây:
- Truyện giả cổ tích, huyền thoại: Những ngọn gió Hua Tát, Chảy đi sông ơi,
Con gái thủy thần, Trương Chi, Giọt máu,Thiên văn, Muối của rừng...
- Truyện viết về đề tài lịch sử và văn học: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết,
Mưa Nhã Nam, Nguyễn Thị Lộ, Chút thoáng Xuân Hương, Thương cho cả đời
bạc...

12


- Truyện kể về những vấn đề nhân sinh thế sự: Tướng về hưu, Không có vua,
Cún, Sang sông, Huyền thoại phố phường, Bài học Tiếng việt...
- Truyện viết về nông thôn và những người dân lao động: Thương nhớ đồng
quê, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Chăn trâu cắt cỏ, Cánh
buồm nâu thuở ấy...

Những truyện ngắn của ông với lối viết vừa truyền thống vừa hiện đại, nó vừa
chứa đựng màu sắc của văn hóa – văn học dân gian lại vừa chuyên trở những vấn đề
triết lý nhân sinh thế sự. Có thể nói Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đã mạnh dạn,
quyết liệt đến với văn học hiện đại từ chính những giá trị truyền thống của dân tộc,
một trong những đặc điểm tạo nên sức hấp dẫn, làm thành “ma lực” cho văn
Nguyễn Huy Thiệp chính là ở chỗ nhà văn đã vận dụng một cách khéo léo và xuất
sắc những chất liệu của truyện kể dân gian vào trong truyện ngắn của mình, đặc biệt
là ở thể loại truyện giả cổ tích, đó là những câu chuyện vừa chứa đựng sự huyễn
hoặc, huyền ảo của thế giới cổ tích với những tình tiết li kì hấp dẫn lại vừa chất
chứa những vấn đề bức bối của cuộc sống hiện đại, nó là những mặt trái của xã hội,
là nỗi cô đơn cùng cực trong thẳm sâu tâm hồn con người trước sự chảy trôi của
cuộc sống. Và với hướng triển khai truyện ngắn bằng những chất liệu văn học dân
gian như vậy, Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành một người kể chuyện cổ tích xuất
sắc.
Tựu chung lại những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp dù viết về đề tài gì
thì điều sau cùng là hướng tới phản ánh hiện thực cuộc sống, bằng một thái độ lạnh
lùng, ngòi bút gai góc Nguyễn Huy Thiệp đã nhìn thẳng vào sự thật để bóc trần nó,
để phơi bày những mặt trái trong thẳm sâu tâm hồn con người, những con người mà
như lời nhân vật chị Thắm trong Chảy đi sông ơi thì “có ai yêu thương họ đâu. Họ
đói mà ngu muội lắm”. Điều đó cho thấy sự cảm thương sâu sắc của Nguyễn Huy
Thiệp đối với thân phận nhỏ bé của con người được ẩn sâu trong cái vỏ ngoài lạnh
lùng và đầy gai góc.

13


1.2. Tiểu thuyết Nguyễn Huy Thiệp – Một kiểu văn giải trí trong xã hội
tiêu dùng
Trước khi bàn về vấn đề tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp có phải là một
kiểu văn giải trí, kiểu tác phẩm mang tính chất thị trường hay không thì chúng tôi

muốn nói đến những quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp về thể loại văn học này.
Trong rất nhiều các bài tiểu luận, phê bình của mình Nguyễn Huy Thiệp đã
nhiều lần bày tỏ quan điểm của ông về tiểu thuyết. Trong một bài viết Thời của tiểu
thuyết ông cho rằng tiểu thuyết vừa là sự xuống cấp đồng thời lại là sự vượt lên,
phát triển lên của truyện ngắn: “Độ dày và tạp của tiểu thuyết có một cái gì đấy
“hấp dẫn” (có lẽ hấp dẫn người viết hơn là người đọc). Tiểu thuyết vừa là “sự tha
hóa, xuống cấp” của truyện ngắn vừa là một “sự phát triển, bứt phá lên” của truyện
ngắn. Nói ra điều này thật buồn cười, có phần khó hiểu với người ngoại đạo. Nếu
như truyện ngắn đòi hỏi tinh lọc, thậm chí khắc nghiệt thì tiểu thuyết tạp đến nỗi cái
gì cũng có thể thâu nạp vào được. Tiểu thuyết như một nồi lẩu nóng hổi của nghệ
thuật. Khi từ viết truyện ngắn chuyển sang viết tiểu thuyết, nhà sáng tác có phần
nào dễ dàng hơn, “thênh thang” hơn.” [48, tr. 278]. Có lẽ khi viết ra được điều này
bản thân Nguyễn Huy Thiệp đã ý thức sâu sắc được rằng do tính chất và quy định
của thể loại mà việc viết truyện ngắn đòi hỏi người viết phải có nhiều kỹ năng hơn
và nó phức tạp hơn so với viết tiểu thuyết. Cũng trong một bài viết khác Nguyễn
Huy Thiệp cho rằng những nhà văn khi chuyển từ viết truyện ngắn sang viết tiểu
thuyết thì sẽ có nhiều lợi thế hơn, bởi truyện ngắn giống như những bài tập nhỏ để
nhà văn luyện ngòi bút, rèn rũa kỹ thuật của mình và khi đã có kinh nghiệm rồi thì
anh ta sẽ chuyển sang viết tiểu thuyết vì thể loại này vốn đòi hỏi “sự dài hơi” và vốn
sống lọc lõi của tác giả, hơn thế tiểu thuyết không chỉ là một cuộc thử nghiệm mà
nhà văn buộc phải viết tiểu thuyết bởi “đó là một nhu cầu của thời hiện tại” trong
khi thời đại hoàng kim của truyện ngắn đã qua rồi.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp là Tuổi hai mươi yêu dấu ra
mắt bạn đọc vào năm 2002, nhưng trái với sự mong đợi lúc ban đầu thì độc giả lại
thấy thất vọng, thấy hụt hẫng với sự chuyển hướng này của Nguyễn Huy Thiệp.

14


Người đọc thấy hụt hẫng, có cảm giác bị “phản bội” có thể vì trong thâm tâm mình

họ mặc định rằng Nguyễn Huy Thiệp đã viết truyện ngắn hay như thế, đặc sắc như
thế thì không có lý gì mà tiểu thuyết của ông lại không thể đạt đến tầm như vậy.
Còn về phía bản thân Nguyễn Huy Thiệp khi Tuổi hai mươi yêu dấu chính thức ra
mắt bạn đọc thì ông lại tự nhận xét với cuốn tiểu thuyết này ông chỉ đạt 6/10 phong
độ và khả năng viết. Mặc dù trước đó Nguyễn Huy Thiệp đã từng chia sẻ rất chân
thực rằng cuốn tiểu thuyết này được lấy ý tưởng từ chính sự kiện ông đưa người con
trai thứ hai của mình ra đảo Cát Bà cai nghiện ma túy. Điều đó đã khiến ông đau
đớn và cô đơn, nó thôi thúc ông phải viết một cuốn sách cho thanh niên, trong đó có
người con trai mình, và ông chủ trương cuốn sách đó sẽ không thể “rải đầy hoa
hồng mà phải sặc mùi ma túy và cave. Nó sẽ là liều vaccine cần thiết cho thanh
niên, những kẻ béo bệu bị nhồi nhét bởi hàng mớ kiến thức giáo khoa”. Trong một
bài phỏng vấn của báo Thể thao - Văn hóa Nguyễn Huy Thiệp đã bày tỏ: “Tôi
không phải là người cầm bút mới viết để nôn nóng về sự nổi tiếng. Thậm chí tôi
không viết nữa thì cái gọi là danh tiếng của tôi cũng đã như vậy rồi. Tôi ra cuốn
sách này không phải để chứng tỏ ông vua truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là người
có tài viết tiểu thuyết. Tôi tự thấy mình là người khá dày dặn trước sóng gió dư
luận...”
Tuổi hai mươi yêu dấu là một cuốn tiểu thuyết có độ dài trung bình, hình thức
tác phẩm có những nét đặc trưng giống như ở các truyện ngắn trước đó của Nguyễn
Huy Thiệp, tác giả đi theo lối mở đầu mỗi chương bằng thơ hoặc trích dẫn câu nói
của người khác. Cuốn tiểu thuyết viết về sự phẫn nộ, sự nổi loạn của tuổi trẻ, là
những tệ nạn và lối sống cực đoan của một bộ phận giới trẻ những năm 2000, là dấu
hiệu báo động cho thói suy đồi, tha hóa về mặt đạo đức của con người, đó còn là xã
hội của một bộ phận giai cấp không có tiếng nói vì nghèo hèn, vì không có tiền. Tất
cả đều được khắc họa lại dưới cái nhìn mang tính tự truyện của nhân vật “tôi” –
Khuê, 20 tuổi đang là sinh viên đại học. Khuê là một đứa con bị “tuột xích” khỏi lề
thói và hệ hình văn hóa của gia đình mình với một ông bố là nhà văn nổi tiếng, một
ông anh trai đã vượt qua 3000 thí sinh khác để vào được khoa điêu khắc của đại học

15



mỹ thuật và một bà mẹ luôn tận tụy với chồng, yêu thương, nuông chiều con hết
mực. Dưới cái nhìn căm phẫn của Khuê thì “cái thời của tôi đang sống là cái thời
chó má” mà ở đó con người sống dửng dưng, vô cảm với thói đạo đức giả, mỗi
người tự tạo ra cho mình một cái vỏ bọc gai góc. Cái xã hội ấy đang bị hủy hoại dần
bởi thói dâm ô, bởi ma túy, bởi trụy lạc mà “chẳng ai hiểu cóc khô gì”. Khuê đau
khổ vùng vẫy trong đó và tìm cách nổi loạn, chống đối lại ngay với những người
thân trong gia đình mình. Khuê tìm cách để “tuột xích” khỏi gia đình và biến tuổi
trẻ của mình thành tuổi đi hoang. Khuê luôn cho rằng: “Tôi, tôi chẳng ân hận gì về
những việc tôi đã làm. Có lẽ tôi chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh sống của tôi. Nếu
con người là “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” thì bất hạnh thay, tôi có lẽ là một
cái “nốt” nhạy cảm hơi quá đáng. Do đó giờ đây tôi mới phải một mình trên hoang
đảo này. “Một mình sống giữa quạnh hiu. Còn hơn hiu quạnh giữa người thân
thương”.
Nhận xét về cuốn tiểu thuyết này của Nguyễn Huy Thiệp, Thụy Khuê cho
rằng: “Nhưng có lẽ điều đáng tiếc nhất và cũng là điều đáng mừng nhất là cuốn tiểu
thuyết này, viết nhanh, trong vòng hơn tháng trời mới chỉ là nét phác, cho những tác
phẩm dài hơi, sâu hơn, đến sau, vì những chân dung nhân vật mà Nguyễn Huy
Thiệp đưa ra trong cuốn tiểu thuyết này mới chỉ là những nét dựng. Từ bà mẹ dúi
tiền cho con một cách thần sầu, đến thằng anh rởm đời luôn luôn lên mặt đạo đức
giáo huấn, đến bọn bạn, cả giời đánh lẫn thánh thiện, như thằng Thanh nhạn, thằng
Quyền Lỳ, thằng Thức Kinh Kông... đến những khuôn mặt "xã hội" của mấy đứa
con gái ca-ve, của tay hoà thượng hổ mang Thích Thanh Mừng chùa Kẻ, của ông
Chu "hãm" thuốc phiện ở chợ Kỳ Lừa, của người con trai ông Hào chết vì nghề bắt
rắn ở đảo Cát Bà vv... bao nhiêu khuôn mặt, thiện, ác, tối sáng, phơi bầy chớp
nhoáng trong cuốn truyện nhỏ này, nhưng nếu được đào sâu, mở rộng thêm, chúng
sẽ phản ảnh một xã hội toàn diện hơn, cay nghiệt hơn, và cũng đớn đau hơn...”
Nhưng xét một cách toàn diện thì cuốn tiểu thuyết này chưa thực sự sâu, chưa
thực đúng tầm là một cuốn tiểu thuyết, nó chưa nêu bật lên được vấn đề đã được đề

cập đến trong tác phẩm và về mặt kỹ thuật kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp ở đây

16


quả thật không có gì đặc sắc, tiểu thuyết này được xây dựng theo kiểu cấu trúc vòng
tròn, lối kể chuyện không thật sắc bén, không có nét riêng như ở các truyện ngắn
trước đó của ông. Đọc cuốn tiểu thuyết độc giả sẽ có cảm giác như Nguyễn Huy
Thiệp chỉ đang kể chuyện dông dài bằng cách “góp nhặt” những chuyện vặt vãnh
mà ông lượm lặt được và kể lại chúng như một dạng “câu chuyện làm quà”. Người
đọc sẽ thấy nếu xét về mặt lý luận và tính nguyên tắc thì cuốn tiểu thuyết này thực
chất chỉ là một truyện dài bởi mọi sự kiện ở đây đều rời rạc và không tạo được kịch
tính, các nhân vật từ ông bố, bà mẹ, đến người anh trai và những bạn học, bạn gặp
trên đường đi bụi của Khuê đều chỉ xuất hiện một lần và không có sự trở lại, có thể
nói từ sự kiện đến nhân vật của cuốn tiểu thuyết này đều chỉ được nhắc đến với tính
chất liệt kê, đúng kiểu kể chuyện dông dài. Tác giả Nguyên Trường khi nói về tiểu
thuyết của Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng: Dường như Nguyễn Huy Thiệp sinh
ra chỉ để viết truyện ngắn. Bao nhiêu tinh lực ông đã dụng công, dành sức mài rũa ở
truyện ngắn rồi. Do vậy mà với tiểu thuyết các “chiêu” của Nguyễn Huy Thiệp trở
nên yếu ớt, rời rạc, không còn thâm hậu và cao cường như khi viết truyện ngắn. Đọc
tiểu thuyết của ông người ta không còn thấy bóng dáng của Nguyễn Huy Thiệp đâu
nữa.
Dường như nhận thấy sự không mấy mặn nồng của độc giả với tiểu thuyết
của mình nên Nguyễn Huy Thiệp đã đi ngược lại với tiên chỉ ban đầu khi chủ đích
đặt chân sang địa hạt tiểu thuyết, do đó ông không dụng công sáng tác nhiều ở thể
loại này nữa. Vì vậy mà trong cuộc đời cầm bút của Nguyễn Huy Thiệp cho đến nay
chỉ vẻn vẹn có 4 cuốn tiểu thuyết, ngoài Tuổi hai mươi yêu dấu ông còn viết thêm
ba cuốn nữa là Võ lâm ngoại sử (2005), Tiểu long nữ (2006) và Gạ tình lấy điểm
(2007).
Nói về tiểu thuyết của mình, bản thân Nguyễn Huy Thiệp lại tự nhận đó là loại

“tiểu thuyết ba xu rẻ tiền” một dạng tiểu thuyết feuilleton chỉ thích hợp để đăng theo
kỳ trên các số báo giúp người đọc giải trí, thứ tiểu thuyết mà “mua vui cũng được
một vài trống canh” khiến cho độc giả vừa thất vọng, lại vừa ngán ngẩm với nó:
“Tôi nghĩ rằng rồi đây thành công của tiểu thuyết Việt Nam sẽ không phải là ở dạng

17


tiểu thuyết “chính thống” kiểu tự vấn, tự sự mà có khả năng sẽ rơi vào dạng tiểu
thuyết “mua vui cũng được một vài trống canh”: dạng tiểu thuyết tình cảm, tiểu
thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết trinh thám hoặc cái gì từa tựa như thế. Thực tế, một khi
xã hội ổn định, đời sống vật chất tinh thần tăng dần lên thì người ta sẽ không còn
băn khoăn quá nhiều về “lý tưởng” hoặc “chân lý” gì nhiều nữa.” [48, tr.279].
Không chỉ ở trong những bài tiểu luận phê bình mà ngay trong chính tác phẩm của
mình Nguyễn Huy Thiệp cũng thể hiện quan điểm cá nhân của mình về thể loại tiểu
thuyết, trong cuốn tiểu thuyết Võ lâm ngoại sử nhà văn bày tỏ thái độ rẻ rúng,
khinh bạc đối với tiểu thuyết, với ông tiểu thuyết là những chuyện thị phi lẻ tẻ
không đáng tin cậy, đó chỉ là những chuyện vào lỗ tai và ra lỗ miệng mà thôi. Xét ở
một khía cạnh khác cuốn tiểu thuyết này còn được Nguyễn Huy Thiệp viết ra với
mục đích giải trí thực sự, nó là tiếng cười nhạo, phỉ báng một bộ phận văn nghệ sĩ
trong làng văn Việt Nam lúc bấy giờ.
Nói tiểu thuyết Nguyễn Huy Thiệp mang tính chất thị trường, một kiểu văn
giải trí trong xã hội tiêu dùng cũng đúng bởi tiểu thuyết của ông đề cập đến những
vấn đề nhức nhối của xã hội ông, ngay thời đại mà ông đang sống, cảm hứng của
chúng bắt nguồn từ những sự kiện nóng hổi của báo chí lúc bấy giờ. Những cuốn
tiểu thuyết này được tác giả viết trong thời gian rất ngắn, giống như kiểu viết theo
đơn đặt hàng, một kiểu viết chạy theo, “ăn theo” sức nóng của báo chí lúc đó. Điển
hình là hai cuốn tiểu thuyết gắn với các sự kiện nổi cộm của bác chí lúc bấy giờ, đó
là hai vụ bê bối về tình dục trong ngành giáo dục và trong giới quan chức. Nói về
hai cuốn tiểu thuyết Tiểu long nữ và Gạ tình lấy điểm của mình chính bản thân

Nguyễn Huy Thiệp cũng tự nhận đó là loại tiểu thuyết ba xu, dạng tiểu thuyết viết
chơi nhân khi sức nóng của báo giới về hai vụ bê bối kia chưa hạ nhiệt. Do vậy mà
khi “tự chấm điểm” cho hai cuốn tiểu thuyết này của mình Nguyễn Huy Thiệp đã
cho Tiểu long nữ 3/10 điểm và Gạ tình lấy điểm chỉ còn 2/10 điểm hoặc cũng có
thể còn thấp hơn.
Sở dĩ tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp không đạt được thành công như
truyện ngắn, nó bị coi là kiểu văn giải trí, mang tính chất mỳ ăn liền có thể là vì lý

18


do ông đã viết tiểu thuyết mà không đầu tư cho nó nhiều thời gian và công sức như
truyện ngắn. Trong phần lời tựa của cuốn Tiểu long nữ Nguyễn Huy Thiệp cũng đã
nói đến điều này: “Tiểu thuyết tạp hơn, có thể viết “tất tay” và không phải tốn sức
nhiều như truyện ngắn. Đương nhiên đây là tôi muốn nói đến những nhà văn có tài
Trời cho thực sự, họ hoàn toàn có thể viết những tiểu thuyết (đọc được, không cầu
toàn lắm vì thể loại tiểu thuyết không đòi hỏi sự cầu toàn) dễ dàng như thò tay vào
túi lấy đồ vật. Nhiều cuốn tiểu thuyết người ta chỉ viết trong vòng một tháng. Tôi
cũng đã từng có cơ hội làm việc như vậy (tiểu thuyết “Tuổi hai mươi yêu dấu” viết
trong một tháng và tiểu thuyết “Tiểu long nữ” trong 15 ngày). Tôi nghĩ rằng ở
những nhà văn “đại hiệp” như Kim Dung thì việc viết ra “Tiếu ngạo giang hồ”,
“Thiên long bát bộ”... chắc có lẽ cũng không mất nhiều công sức cho lắm... “Tiểu
long nữ” là một cuốn tiểu thuyết thời sự. Nó được viết ra từ một chuyện nhảm nhí
và tôi nghĩ cũng không phải khó khăn gì mấy (nó không bõ để tốn sức). Thực ra ý
nghĩa của nó cũng chỉ để mua vui và kiếm tiền.”
Không chỉ một lần mà rất nhiều lần Nguyễn Huy Thiệp đã công khai và thẳng
thắn thừa nhận tiểu thuyết của mình là dạng tiểu thuyết mua vui, giúp ông kiếm
tiền. Trong một lần trả lời phỏng vấn được đăng báo vào tháng 8/2006, Nguyễn Huy
Thiệp đã trả lời như sau: “Cách đây 3 năm, tôi nhận được đơn đặt hàng viết một
cuốn tiểu thuyết, khai thác sự kiện bê bối đang râm ran trên báo chí. Và tôi viết rất

nhanh, chỉ trong vòng 15 ngày. Nhưng bản thảo tác phẩm mãi đến giờ mới ra mắt.
Tôi cũng không hiểu vì sao. Có lẽ một phần vì những người làm sách thường hay
nghi ngại, cứ cái gì dính đến tôi là người ta phải để đấy, xem xét đã. Nếu ra đời
đúng thời điểm, cuốn sách có lẽ đã có nhiều độc giả hơn. Nói thật, Tiểu long nữ là
tác phẩm viết ra từ một câu chuyện nhảm nhí, nhằm mục đích kiếm tiền và mua vui
thôi.”
Có lẽ chính vì thế mà khi đọc Tiểu long nữ hay Gạ tình lấy điểm người ta
không còn nhận ra được bóng dáng, được giọng văn của Tướng về hưu, của Sang
sông, Những ngọn gió Hua Tát... những truyện ngắn đã làm nên tên tuổi của
Nguyễn Huy Thiệp. Trong nhiều bài phê bình đánh giá về tiểu thuyết hiện đại,

19


người ta đã xếp Tiểu long nữ và Gạ tình lấy điểm của Nguyễn Huy Thiệp vào dòng
tiểu thuyết “thân xác”, là một cuộc chơi ngôn từ vì chúng đều được xây dựng trên
scandal rất thời sự lúc bấy giờ và bản thân chúng cũng được tác giả đặt cho cái nhan
đề mang tính thị trường, gợi liên tưởng nhanh ở người đọc về những vụ bê bối tình
dục đang sục sôi trên các phương tiện thông tín đại chúng thời đó. Trong phần Lời
tựa của cuốn Gạ tình lấy điểm Nguyễn Huy Thiệp viết: “Tiểu thuyết – đấy là một
thể loại nghệ thuật có tính thị phi, ngồi lê đôi mách (nếu chỉ là hiện thực thuần túy
không có tư tưởng). Nó sinh động bởi sự nguyên thủy của hình ảnh và của sự kiện
trực tiếp. Nó đòi hỏi người viết vừa tầm với nó.”
Có thể nói mặc dù Nguyễn Huy Thiệp đã không đạt được thành công ở thể
loại tiểu thuyết, tiểu thuyết của ông không thể sánh tầm được với truyện ngắn,
những cuốn tiểu thuyết đó cũng khiến bản thân nhà văn bất lực về phong độ sáng
tác của mình, khiến ông phải tự nhận rằng đó chỉ là một thứ “tiểu thuyết ba xu rẻ
tiền” mang tính thị trường. Tuy nhiên xét một cách toàn diện và thấu đáo thì tiểu
thuyết của Nguyễn Huy Thiệp là một hình thức giúp tác giả khơi thông và lấy đà để
tiếp tục hành trình sáng tác của mình, với Nguyễn Huy Thiệp viết tiểu thuyết là

cách để nhà văn mở rộng đường biên của truyện ngắn. Và giới phê bình, các bạn
văn mặc dù không có những cuộc bút chiến về tiểu thuyết của ông như đã từng với
truyện ngắn thì trong cách nhìn của họ Nguyễn Huy Thiệp vẫn là một nhà văn đầy
tài năng và cá tính trong công cuộc cách tân văn học. Trong bài viết “Bạn văn khi
nói về tiểu thuyết ba xu của Nguyễn Huy Thiệp”, nhà văn Bảo Ninh đã bày tỏ ý
kiến: “Đừng có tin Nguyễn Huy Thiệp khi ông ấy nói: “Tôi viết vì tiền”. Thiệp nói
đùa đấy. Đôi khi ông ấy nói quá lên như vậy để tự bỡn mình thôi. Tôi nghĩ là không
nên nghiêm trọng chuyện đó. Văn học có cả mục đích giải trí. Nếu Nguyễn Huy
Thiệp khẳng định những tác phẩm vừa xuất bản chỉ phục vụ mục đích giải trí, thì
nghĩa là ông đang muốn phân biệt chúng với những sáng tác nghiêm trang và có
nhiều thành tựu trước đây.”

20


Có thể nói mặc dù không đạt được thành công ở tiểu thuyết nhưng việc
Nguyễn Huy Thiệp đặt chân sang địa hạt này là cách để tác giả tự làm mới mình và
“lấy đà” để tiếp tục hành trình sáng tạo nghệ thuật.
1.3. Kịch Nguyễn Huy Thiệp – thành quả của quá trình đổi mới, tìm tòi và
vƣợt thoát
Mặc dù đạt được thành công rực rỡ ở thể loại truyện ngắn nhưng Nguyễn Huy
Thiệp không chỉ dừng lại ở việc chuyên viết truyện ngắn để nhận về những lời tán
thưởng của độc giả mà nhà văn còn chuyển sang viết kịch như một hướng thể
nghiệm mới trong hành trình sáng tác của mình.
Nguyễn Huy Thiệp đã từng lý giải về việc chuyển hướng sang viết kịch bản
văn học của mình trong một lần trả lời phỏng vấn của BBC số ra ngày 3 tháng 11
năm 2003 như sau: “Trong văn ho ̣c có nhiề u thể loa ̣i khác nhau , thơ, truyê ̣n ngắ n ,
kịch, tiể u thuyế t , tiể u luâ ̣n, phê bình văn ho ̣c. Trong sự nghiê ̣p sá ng tác của mô ̣t nhà
văn, có nhà văn chuyên về một thể loại này , có nhà văn viết nhiều thể loại . Điề u đó
phụ thuộc nhiều yếu tố , vào kiến thức của người viết , vào khả năng, hay ý thức viế t

văn của từng người viế t . Tôi coi nghề viế t văn là mô ̣t công viê ̣c gian khó

, không

phải là dễ, phải bắt đầu như một học trò . Tôi viế t truyê ̣n ngắ n và đã có những thành
công trong mô ̣t số truyê ̣n ngắ n của mình . Và trong một bài viết gần đây , tôi cũng có
nói rằ ng là tôi vẫn viế t truyê ̣n ngắ n như mô ̣t tác phẩ m cổ điể n

, không phải mang

tính thời sự trước mắt mà người ta có thể đọc đi đọc lại . Mô ̣t mă ̣t khác tôi vẫn coi
nó như bài tập trong văn chương mà thôi rồi dần dần chuyển sang các thể loa ̣i khác .
Tôi viế t kich,
̣ tiể u luâ ̣n, và cả tiểu thuyết , mô ̣t phầ n nó tùy thuô ̣c vào nô ̣i tâm của tôi
và những vấn đề mà tôi đặt ra nữ a. Theo tôi ở xã hô ̣i Viê ̣t N am để có thể phát triể n
mô ̣t nề n văn ho ̣c toàn diê ̣n thì đòi hỏi tấ t cả các nhà văn đề u phải rấ t cố gắ ng , không
chỉ trong một thể loại mà tất cả mọi thể loại .”
Theo thống kê của Mai Anh Tuấn, trong cuộc đời sáng tác văn chương của
Nguyễn Huy Thiệp (tính đến tháng 8/2015) ông đã sáng tác được 13 vở kịch. Trong
số này chúng tôi tạm chia thành các tiểu loại dựa trên đề tài sáng tác như sau:

21


- Kịch viết về vấn đề nhân sinh thế sự: Quỷ ở với người (Gia đình), Nhà ô
sin, cái chết được che đậy, Đến bờ bên kia, Suối nhỏ êm dịu.
- Kịch mang yếu tố huyền thoại: Xuân hồng, Hoa sen nở ngày 29 tháng 4,
Nhà tiên tri.
- Kịch viết về đề tài lịch sử và văn học: Còn lại tình yêu, Mổ nhà văn.
- Kịch bản chèo: Vong bướm, Truyền thuyết tìm vua

Có thể thấy được một điều rằng cùng chung số phận như tiểu thuyết thì kịch
của Nguyễn Huy Thiệp cũng không được đón nhận nồng nhiệt như truyện ngắn,
thậm chí người ta thờ ơ với chúng mặc dù Nguyễn Huy Thiệp đã đặt vào kịch nhiều
tâm huyết và kỳ vọng. Đặc biệt là với hai kịch bản chèo Vong bướm và Truyền
thuyết tìm vua ra đời trong thời gian gần đây nhất (năm 2012) Nguyễn Huy Thiệp
đã đặt vào đó khát vọng trả lại cho chèo Việt Nam cái hồn đích thực của nó, như
một cách để lưu giữ truyền thống khi mà chèo đang ngày càng bị dung tục hóa một
cách thô bạo. Trong lời Tựa của tập kịch Vong bướm nhà văn đã viết như sau: “Hai
kịch bản này tác giả lấy chèo làm gốc, làm xương sống nhưng thật ra cũng chỉ là
một tích trò, một thân trò, một bản sơ đồ, một kiểu nghệ thuật sắp đặt, một bản thiết
kế cho một loại hình nghệ thuật xem – nghe – nhìn mới, rất cần đến sự tham gia của
nhiều người, của các đạo diễn, diễn viên, hoạ sĩ thiết kế, ánh sáng, âm thanh, vũ
đạo... Tác giả hi vọng kịch bản này đến tay được những người biết cách sử dụng và
dàn dựng nó trên sân khấu. Được như vậy, gọi là “nhân duyên tương phùng”, cũng
gọi là “đến bờ bên kia” hay “đáo bỉ ngạn”. Nhưng dường như thực tế lại khiến ông
thất vọng vì lý tưởng với kịch bản chèo của ông không được như mong đợi, nhiều
bạn văn cho rằng kịch bản văn học của Nguyễn Huy Thiệp rất khó để dựng và với
hai kịch bản chèo này thì càng khó để dàn dựng trên sân khấu vì kịch chỉ toàn là thơ
và không có kịch tính. Để đáp trả lại những ý kiến này thì trong một bài trả lời
phỏng vấn Nguyễn Huy Thiệp đã cho biết bản thân ngôn ngữ mà ông sử dụng đã có
kịch tính rồi và để cho kịch tính ấy được “thoát thai”, biểu hiện ra thì vấn đề lại nằm
ở diễn viên thể hiện và tài năng dàn dựng của người đạo diễn. Bên cạnh những lời
chê thì kịch bản chèo của Nguyễn Huy Thiệp cũng nhận được những ý kiến đóng

22


góp tích cực, tác giả Hồ Cảnh Hưng trong bài viết Đọc Vong bướm và Truyền
thuyết tìm vua cho rằng việc đưa thơ vào chèo của Nguyễn Huy Thiệp là một sự
sáng tạo độc đáo, nó mới mẻ và kỳ vĩ như một ngôi sao mới xuất hiện trên bầu trời

và người đọc cần phải nhìn nhận chúng trong tổng thể thì mới thấy được điều này:
“Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua, hai tác phẩm, lại cấu tạo lên nhau và lẫn
nhau, trở thành như một ngọn núi lớn. Mỗi tác phẩm không còn cái ý nghĩa có thể
rút (ruột) ra như một thông điệp đơn phương nữa mà là cả một sự trình diễn sản sinh
tổng thể ý nghĩa.”
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của BBC khi được hỏi tại sao kịch của mình
chưa được dàn dựng nhiều ở Việt Nam, Nguyễn Huy Thiệp đã trả lời dõng dạc rằng
sở dĩ có điều này vì nền văn học nghệ thuật ở Việt Nam với lối thưởng thức, lối
sáng tác một chiều đã tạo thành thói quen cố hữu và các tác phẩm kịch của ông khác
hẳn so với các vở kịch trước đó vốn tồn tại trong tâm lý tiếp nhận sáng tạo của mọi
người những hơn 30 năm. Do đó để tiếp nhận cái mới thì cần phải có nhiều thời
gian và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đặc biệt với các tác phẩm kịch để hiểu được hết
các tầng ý nghĩa của nó thì nhà văn mong muốn độc giả, khán giả phải trang bị cho
mình một khối kiến thức nhất định, nhất là với giới chuyên môn. Có lẽ khi chia sẻ
về ý kiến cần thời gian để thay đổi hướng tiếp nhận của độc giả trong nước đối với
kịch của ông thì nghĩa là bản thân Nguyễn Huy Thiệp cũng đã mong muốn kịch của
mình được nhìn nhận đúng tầm và sẽ được dựng nhiều hơn ở các sân khấu Việt
Nam.
Được biết kịch của Nguyễn Huy Thiệp ở trong nước chỉ được biết đến dưới
dạng các kịch bản văn học, trong số 13 vở kịch của ông chỉ có một số ít đếm trên
đầu ngón tay được dàn dựng để diễn trên sân khấu trong nước, đó là các vở Đến bờ
bên kia được dàn dựng bởi đạo diễn – Nghệ sĩ ưu tú Anh Tú trong dịp Liên hoan
sân khấu thử nghiệm toàn quốc năm 2008, vở Nhà ô sin do nữ đạo diễn – Nghệ sĩ
nhân dân Lê Khanh dựng và được diễn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ năm 2012, vở
Quỷ ở với người (Gia đình) được Nghệ sĩ nhân dân Phạm Thị Thành giao cho sinh
viên dựng làm bài thi tốt nghiệp và vở này cũng chỉ được diễn một lần duy nhất tại

23



trường Đại học sân khấu điện ảnh. Ngược lại ở các nước như Pháp, Mỹ, Thụy
Điển... kịch của Nguyễn Huy Thiệp lại được đón nhận và rất nhiều vở đã được dựng
trên sân khấu, điều này cũng giúp cho ông đạt được nhiều giải thưởng văn học lớn ở
nước ngoài như Huân chương Văn học nghệ thuật của Chính phủ Pháp năm 2007,
giải thưởng Nonino Risit d'Âur của Ý năm 2008.
Như chúng tôi đã từng đề cập đến trong phần đầu bài viết thì Nguyễn Huy
Thiệp là nhà văn có thực tài, một người có vốn sống phong phú, đặc biệt là việc ông
từng làm giáo viên dạy sử với 10 năm công tác ở vùng miền núi tây bắc, tất cả
những điều này đã tạo thành chất liệu văn học đáng quý cho sáng tác của ông. Bên
cạnh đó “phông” văn hóa của Nguyễn Huy Thiệp cũng chịu ảnh hưởng từ nhiều
nguồn tiếp nhận khác nhau, đó là lịch sử, là tôn giáo, là văn hóa bác học và bình
dân, nông thôn và thành thị, bản địa và ngoại lai...Do vậy mà các sáng tác của ông
có nhiều cách tân và táo bạo đến khác người. Có lẽ không một nhà viết kịch nào
dám đưa nguyên thơ vào trong toàn bộ một kịch bản hay một kịch bản mà lời thoại
của nhân vật dài đến nửa trang giấy, một lời thoại của kịch mà tựa như một đoạn
độc thoại nội tâm của nhân vật mà ta thường bắt gặp ở tiểu thuyết... điều này chắc
chỉ có ở Nguyễn Huy Thiệp, chỉ có ông mới “cả gan” đến thế, kỳ dị đến thế. Do đó
có thể nói kịch của Nguyễn Huy Thiệp là sự kéo dài và hiển minh hóa của các thể
tài thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết. Đồng thời đây cũng chính là mặt hạn chế của
kịch Nguyễn Huy Thiệp vì với lời kịch như vậy thì khi đưa vào dàn dựng để diễn
trên sân khấu thì đạo diễn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc dàn cảnh, sắp xếp nhân
vật, lời thoại của nhân vật và đặc biệt là trở ngại trong khi chuyển tải thông điệp, tư
tưởng của nhà văn. Do đó mà kịch của Nguyễn Huy Thiệp thích hợp để đọc hơn là
diễn.
Bên cạnh đó trong quá trình tiếp nhận các tác phẩm kịch của Nguyễn Huy
Thiệp chúng tôi nhận thấy tính chất giao thoa trong kịch của ông rất mạnh, đó là sự
ảnh hưởng của tính tự sự trong truyện ngắn, tiểu thuyết, tính trữ tình của thơ và
phương thức biểu đạt trữ tình khiến cho kịch tính của vở kịch bị giảm nhẹ hoặc bị
làm loãng đi, kịch khi không có xung đột thì hành động và lời thoại giữa các nhân


24


×