Tải bản đầy đủ (.pdf) (186 trang)

Biến đổi tập quán cưới xin của người Tày ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.62 MB, 186 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Giang Thị Huyền

BIẾN ĐỔI TẬP QUÁN CƯỚI XIN CỦA NGƯỜI TÀY
Ở HUYỆN CAO LỘC, TỈNH LẠNG SƠN

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC

Hà Nội- 2017


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

Giang Thị Huyền

BIẾN ĐỔI TẬP QUÁN CƯỚI XIN CỦA NGƯỜI TÀY
Ở HUYỆN CAO LỘC, TỈNH LẠNG SƠN
Chuyên ngành: Văn hóa học
Mã số

: 62 31 06 40

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC


NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. ĐỖ ĐÌNH HÃNG

Hà Nội- 2017


1

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan, bản luận án tiến sĩ Biến đổi tập quán cưới xin của người
Tày ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là do tôi viết và chưa công bố. Trong quá
trình thực hiện luận án, tôi đã kế thừa nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu đi trước
và có trích dẫn đầy đủ. Kết quả nghiên cứu trong luận án là trung thực. Tôi xin chịu
trách nhiệm về lời cam đoan này.

Hà Nội, ngày

tháng

năm 2017

Tác giả

Giang Thị Huyền


2

MỤC LỤC

LỜI CAM ĐOAN………………………………………………………………….. ........ 1
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT…………………………………………………… ........ 3
DANH MỤC BẢNG.......................................................................................................... 4
MỞ ĐẦU ............................................................................................................................ 5
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ
ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU ................................................................................................ 11
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài luận án ....................................................... 11
1.2. Cơ sở lý thuyết ........................................................................................................ 20
1.3. Khái quát về người Tày ở Lạng Sơn và 3 địa điểm nghiên cứu ............................. 29
Tiểu kết
Chương 2. TRUYỀN THỐNG TRONG TẬP QUÁN CƯỚI XIN CỦA NGƯỜI
TÀY Ở HUYỆN CAO LỘC, TỈNH LẠNG SƠN ........................................................... 42
2.1. Quan niệm về hôn nhân .......................................................................................... 42
2.2. Các nguyên tắc kết hôn ........................................................................................... 46
2.3. Các nghi lễ cưới xin ................................................................................................ 50
Tiểu kết
Chương 3. NHỮNG BIẾN ĐỔI TRONG TẬP QUÁN CƯỚI XIN TRUYỀN
THỐNG CỦAN GƯỜI TÀY Ở HUYỆN CAO LỘC, TỈNH LẠNG SƠN .................. 85
3.1. Những khía cạnh biến đổi ....................................................................................... 85
3.2. Nguyên nhân của sự biến đổi .................................................................................. 120
Tiểu kết
Chương 4. GIÁ TRỊ, XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ...... 130
4.1. Giá trị truyền thống trong tập quán cưới xin của người Tày................................... 130
4.2. Xu hướng biến đổi tập quán cưới xin của người Tày ở Cao Lộc, Lạng Sơn những
năm tới. ........................................................................................................................... 140
4.3. Một số vấn đề đặt ra ............................................................................................... 142
Tiểu kết
KẾT LUẬN ........................................................................................................................ 152
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ………….. ............ 155
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................................ 157



3

DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT

CNH, HĐH: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa
NCS

: Nghiên cứu sinh

NTL

: Người trả lời

PTTQ

: Phong tục tập quán

PL

: Phụ lục

SL

: Số lượng

STT

: Số thứ tự


THCS

: Trung học cơ sở

THPT

: Trung học phổ thong

TT

: Thị trấn

UBND

: Ủy ban nhân dân

V/C NTL : Vợ / Chồng người trả lời


4

DANH MỤC BẢNG
Bảng 3.1. Nơi sinh của NTL và vợ/chồng NTL.......................................................86
Bảng 3.2. Tương quan giữa nơi sinh của V/C NTL với 3 điểm NC ...................86
Bảng 3.3. Tiêu chí lựa chọn bạn đời ...................................................................88
Bảng 3.4. Tuổi kết hôn lần đầu ...........................................................................90
Bảng 3.5.Giới và độ tuổi kết hôn ........................................................................91
Bảng 3.6. Tuổi kết hôn với nhóm năm kết hôn của NTL ...................................91
Bảng 3.7. Trình độ học vấn và độ tuổi kết hôn ...................................................92

Bảng 3.8. Tuổi kết hôn ở 3 điểm nghiên cứu ......................................................93
Bảng 3.9. Cảm nhận khi người thân kết hôn với dân tộc khác ...........................95
Bảng 3.10. Các hình thức tìm hiểu trước khi kết hôn..............................................98
Bảng 3.11 . Hình thức tự tìm hiểu trước khi cưới (%)........................................99
Bảng 3.12. Hình thức “bố mẹ giới thiệu” trước khi cưới (%) ............................99
Bảng 3.13. Quyền quyết định hôn nhân............................................................100
Bảng 3.14. Nghi thức pháp luật .......................................................................107
Bảng 3.15. Đăng ký kết hôn theo nhóm năm kết hôn của NTL ......................107
Bảng 3.16. Ý kiến về quy mô tổ chức đám cưới so với trước .........................109
Bảng 3.17. Nguyên nhân thay đổi quy mô đám cưới .......................................111
Bảng 3.18. Quà mừng đám cưới .......................................................................112
Bảng 3.19. Quà mừng đám cưới theo nhóm năm kết hôn của người trả lời.....112
Bảng 3.20. Mức độ trang trải của đồ mừng đám cưới so với chi phí bỏ ra ......113
Bảng 3.21. Trang phục truyền thống khi tổ chức đám cưới ............................115
Bảng 3.22. Trang phục truyền thống trong đám cưới theo nhóm năm kết hôn
của NTL ................................................................................................ 116
Bảng 3.23. Của hồi môn của cô dâu, chú rể .....................................................118
Bảng 3.24. Của hồi môn của cô dâu, chú rể theo nhóm năm kết hôn của NTL ...... 119
Bảng 3.25. Hát quan lang trong đám cưới truyền thống ...................................120
Bảng 3.26. Hát quan lang trong đám cưới hiện nay .........................................120


5

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Việt Nam là một quốc gia đa tộc người. Trải qua quá trình lịch sử lâu
dài, các tộc người thiểu số trên đất nước ta đã sáng tạo và để lại nhiều giá trị văn
hóa tiêu biểu, độc đáo, in đậm dấu ấn tộc người. Văn hóa các dân tộc thiểu số là bộ
phận cốt lõi tạo nên tính đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

Nhiều giá trị văn hóa của các tộc người thiểu số đã được vinh danh và trở thành di
sản chung của cả nhân loại.
Trong những năm qua, sự vận động và phát triển của văn hóa các dân tộc
thiểu số ở nước ta ngoài những yếu tố tự thân còn diễn ra dưới sự tác động của công
cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986, quá trình đẩy
mạnh hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Kết quả là, văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta đã và đang có những biến đổi rất
nhanh.
Có một thực tế là, sự phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế thị trường, toàn cầu
hóa, giao lưu văn hóa… tạo cơ hội cho các nền văn hóa cơ hội được chia sẻ và tiếp
biến các giá trị, làm giàu nền văn hóa tộc người nhưng cũng đặt các nền văn hóa của
các tộc người trước nguy cơ ngày càng trở nên hiện hữu là sự mất mát di sản, sự phai
nhạt bản sắc văn hóa... Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội
nhập quốc tế, các dân tộc thiểu số với tư cách chủ thể văn hóa phải lựa chọn được mô
hình văn hóa thích hợp khi phải đối mặt với những áp lực từ bên ngoài, dũng cảm phá
bỏ những rào cản để vừa kế thừa truyền thống vừa đổi mới và phát triển.
Nhận diện quá trình biến đổi, tác động của sự biến đổi với mục tiêu ổn
định và phát triển, dự báo xu hướng biến đổi, giải pháp bảo tồn và phát triển văn
hóa truyền thống Việt Nam nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó có
văn hóa các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi phía Bắc nói riêng trong quá
trình biến đổi để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc là vấn đề có tính cấp thiết cả trước mắt và lâu dài, vừa có ý nghĩa lý luận và
thực tiễn sâu sắc.


6

1.2. Là một tộc người trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, người Tày có vai trò,
vị trí quan trọng trong sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam nói riêng và
trong khu vực Đông Nam Á nói chung. Ở Việt Nam, địa bàn cư trú của người Tày

chủ yếu ở các tỉnh vùng miền núi phía Bắc, đặc biệt là Đông Bắc, như Cao Bằng,
Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên và rải rác ở một số tỉnh
như Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Ninh trong đó Lạng Sơn là nơi có nhiều người Tày
sinh sống nhất, 252.800 người [115, tr.15-16]... So với các tộc người thiểu số khác,
người Tày nói chung, người Tày ở Lạng Sơn nói riêng, có trình độ phát triển tương
đối cao, sớm làm chủ một vùng đất đai rộng lớn. Trải qua quá trình phát triển lâu
dài, người Tày ở Lạng Sơn đã tạo dựng cho mình một đời sống vật chất, tinh thần
phong phú, độc đáo góp phần tạo dựng nên văn hóa Xứ Lạng nhiều thành tựu và
đậm đà bản sắc.
Trong thời kỳ đổi mới, trước tác động của sự biến đổi kinh tế - xã hội, của
khoa học kỹ thuật và công nghệ, quá trình đô thị hóa và giao lưu diễn ra sâu rộng
trên mọi mặt của đời sống xã hội, văn hóa truyền thống của người Tày đang có sự
biến đổi rất nhanh. Người Tày tiếp nhận được nhiều giá trị mới, tiến bộ từ văn hóa
các tộc người khác làm phong phú hơn, hiện đại hơn cho văn hóa của mình. Tuy
nhiên, cũng có thể dễ dàng nhận thấy một số phong tục, tập quán chứa đựng nhiều
giá trị tốt đẹp có nguy cơ bị mai một, xói mòn, thậm chí biến mất khỏi đời sống
đương đại… So với các tộc người thiểu số khác, quá trình biến đổi văn hóa của
người Tày diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn ở nhiều cấp độ, đa dạng về mô hình…
một phần do người Tày cư trú chủ yếu ở vùng thấp, Lạng Sơn lại cách thủ đô Hà
Nội không xa và nằm trên trục đường thông thương giữa vùng phía Nam của Trung
Quốc với Việt Nam nên thuận lợi cho giao lưu và tiếp biến văn hóa. Sự biến đổi văn
hóa truyền thống của người Tày còn do và xuất phát từ nhu cầu tự thân của sự vận
động và phát triển. Nghiên cứu thực trạng xu hướng biến đổi văn hóa của người Tày
ở Lạng Sơn trong thời kỳ đổi mới vừa có ý nghĩa làm rõ, khẳng định những giá trị
truyền thống tốt đẹp, cung cấp cơ sở thực tiễn để hoạch định và triển khai thực hiện
có hiệu quả đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây


7


dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói
chung và văn hoá tộc người nói riêng.
1.3. Là một trong những nghi lễ quan trọng của chu kỳ đời người, cưới xin
phản ánh rõ nét đặc điểm văn hóa tộc người. Thông qua cách tổ chức đám cưới,
người ta có thể đánh giá trình độ văn hóa, cả về đời sống vật chất và đời sống tinh
thần của một tộc người. Cùng với nhiều phong tục, tập quán khác, tập quán cưới xin
của người Tày nói chung, người Tày ở Lạng Sơn nói riêng mang nhiều nét độc đáo,
chứa đựng nhiều giá trị nhân văn và in đậm bản sắc văn hóa tộc người. Tuy nhiên,
sự thay đổi thời gian và không gian sống kéo theo sự thay đổi trong hôn nhân, mà
trước hết là trong việc tổ chức cưới xin. Sự biến đổi đó đang diễn ra theo nhiều xu
hướng và ở nhiều mức độ khác nhau. Điều đó đòi hỏi cần có những nghiên cứu,
đánh giá thật toàn diện, cụ thể để có những khuyến nghị nhằm bảo tồn và phát huy
các giá trị trong tập quán cưới xin của người Tày để các giá trị này có thể phát triển
một cách bền vững trong bối cảnh mới.
Từ những lý do trên, tôi chọn đề vấn đề: “Biến đổi tập quán cưới xin của
người Tày ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn” làm đề tài luận án Tiến sỹ chuyên
ngành Văn hóa học.
2. Mục đích nghiên cứu
2.1. Mục đích tổng quát
Nêu, phân tích, đánh giá sự biến đổi trong tập quán cưới xin truyền thống của
người Tày ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn giai đoạn hiện nay, từ đó cung cấp những
luận cứ khoa học và những đề xuất khả thi trong việc định hướng cho bảo tồn và phát
huy giá trị trong tập quán cưới xin của người Tày ở Lạng Sơn nói riêng, người Tày ở
khu vực miền núi phía Bắc nói chung .
2.2. Mục đích cụ thể
- Tìm hiểu diện mạo tập quán cưới xin truyền thống của người Tày ở Cao
Lộc, Lạng Sơn.
- Thực trạng, nguyên nhân biến đổi trong tập quán cưới xin của người Tày ở
huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.



8

- Khuyến nghị một số vấn đề cho việc đề ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá
trị truyền thống trong tập quán cưới xin của người Tày ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng
Sơn trong xã hội đương đại.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng: Tập quán cưới xin của người Tày ở huyện Cao Lộc, tỉnh
Lạng Sơn trong quá trình vận động, biến đổi theo thời gian để thích nghi và tồn tại.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Không gian nghiên cứu: Huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Điểm nghiên cứu
chính là 3 làng/thôn: thôn Bản Vàng (Xã Cao Lâu), đại diện cho vùng sâu, vùng xa;
thôn Bắc Đông II (Xã Gia Cát), đại diện cho vùng ven đô và Khối 5 (thị trấn Cao
Lộc), đại diện cho vùng đô thị hóa.
- Thời gian nghiên cứu: Nghiên cứu tập quán cưới xin của người Tày với các mốc thời
gian cụ thể gắn với những biến đổi của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội (trước
1975: thời kỳ chiến tranh; từ 1975-1986: Thời kỳ bao cấp; từ 1986-1996: 10 năm
sau đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH; và từ 1997- nay: Thời kỳ mở rộng hợp tác
quốc tế) trong sự so sánh hồi cố với tập quán cưới xin truyền thống.
4. Phương pháp tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
Xuất phát từ đối tượng nghiên cứu của luận án là biến đổi tập quán cưới xin,
NCS lựa chọn phương pháp tiếp cận liên ngành văn hóa học với mong muốn đây là
phương pháp tiếp cận hữu hiệu cho đề tài luận án.
Sau đây là một số phương pháp nghiên cứu cụ thể:
4.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Tiếp cận, nghiên cứu phân tích, sử
dụng các nhóm tài liệu sau: (i) nhóm tài liệu trình bày các khái niệm tập quán,
phong tục và các quan điểm lý thuyết về biến đổi văn hóa, vùng văn hóa; (ii) các
nghiên cứu về người Tày, văn hóa Tày, về biến đổi văn hóa của người Tày trong bối
cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giao lưu và hội nhập; đặc biệt chú trọng nghiên
cứu đề cập đến phong tục, tập quán cưới xin của người Tày; (iii) các báo cáo kinh tế

- xã hội hàng năm của địa phương.
4.2. Phương pháp nghiên cứu định tính: Tiến hành điền dã dân tộc học
nhiều đợt ở các địa bàn nghiên cứu, sử dụng các phương pháp phỏng vấn sâu, quan
sát tham dự, thảo luận nhóm để thu thập thông tin.


9

Đối tượng để tiến hành nghiên cứu là những cán bộ quản lý văn hóa và cán
bộ làm công tác văn hóa cơ sở; các chuyên gia và người dân địa phương. Đối với
cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở, thông qua các cuộc phỏng vấn
sâu nghiên cứu sinh tìm hiểu thực trạng văn hóa truyền thống và sinh hoạt văn hóa
ở địa phương, thực trạng quản lý và định hướng chính sách của chính quyền đối với
việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trong quá trình phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với các chuyên gia, nghiên cứu sinh tham
vấn quan điểm của họ trong đánh giá thực trạng, hệ quả của vấn đề biến đổi văn hóa
của người Tày nói chung, tập quán cưới xin nói riêng, cũng như các giải pháp cần
thiết nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp trong phong tục, tập quán của tộc người này.
Đối với người dân địa phương, nghiên cứu sinh dành nhiều thời gian làm việc với
nhóm nòng cốt - gồm những người hiểu biết nhất về lịch sử và hiện trạng của cộng
đồng (trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, các nghệ nhân), nhóm phụ nữ
và nhóm thanh niên.
Mục đích của nghiên cứu định tính là tìm hiểu sâu hơn về quá trình phát triển
của mỗi cộng đồng, các lựa chọn của cộng đồng ở mỗi thời điểm mang tính bước
ngoặt, các quan điểm của người dân về những vấn đề mà họ đã và đang đối diện,
các khuôn mẫu đang chi phối hành vi của người dân địa phương.
Thời gian của mỗi cuộc phỏng vấn, thảo luận phụ thuộc vào nội dung cần
trao đổi. Mỗi cuộc phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm được ghi âm, chụp ảnh, quay
phim với sự cho phép của những người được tham gia phỏng vấn. Các ghi chép sau
đó được chọn lọc là tài liệu cho bản thảo luận án. Một số trường hợp nhạy cảm, tên

của thông tín viên được thay đổi.
4.3. Phương pháp nghiên cứu định lượng: Kết hợp với nguồn tư liệu định
tính, nguồn tư liệu qua điều tra xã hội học sẽ giúp đề tài có điều kiện phân tích sâu,
so sánh, đối chiếu các thông tin.
Bảng hỏi được thiết kế gồm các nội dung liên quan tập quán hôn nhân và
cưới xin của người Tày và đã được thực hành ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn (Phụ
lục kèm theo). Mẫu điều tra được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên tại 3 thôn/
khối phố ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn là thôn Bản Vàng (xã Cao Lâu), thôn Bắc


10

Đông II (xã Gia Cát) và Khối 5 (thị trấn Cao Lộc). Số lượng hộ được điều tra là 109
hộ. Trong đó, thôn Bản Vàng 36 hộ, thôn Bắc Đông II 45 hộ và khối 5 là 28 hộ. Số
liệu được xử lý và phân tích trên phần mềm SPSS.
5. Đóng góp của luận án
Đây là chuyên khảo tìm hiểu một cách có hệ thống và tương đối toàn diện về
tập quán cưới xin của người Tày trong môi trường biến đổi. Vì vậy, luận án được
thực hiện thành công sẽ góp phần:
- Tìm hiểu một cách có hệ thống tập quán cưới xin truyền thống của người Tày
ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn và chỉ ra những giá trị cơ bản của tập quán này.
- Nhận diện sự biến đổi tập quán cưới xin của người Tày ở tất cả các phương
diện, chỉ rõ nguyên nhân của sự biến đổi, dự báo các xu hướng biến đổi của văn hóa
của người Tày nói chung, tập quán cưới xin của người Tày nói riêng ở một một vùng
giáp biên dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa và chính sách phát triển
góp phần cung cấp cho chính quyền các cấp những cứ liệu khoa học trong việc hoạch
định chính sách bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp, góp phần thiết thực xây dựng
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
- Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ bổ sung vào việc nghiên cứu về biến đổi
văn hóa các tộc người trong bối cảnh kinh tế thị trường và công nghiệp hóa, hiện

đại hóa đất nước.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu (10 trang), Kết luận (5 trang), Tài liệu tham khảo (9
trang) và Phụ lục (28 trang), nội dung của luận án được kết cấu thành 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và địa bàn
nghiên cứu (30 trang)
Chương 2. Truyền thống trong tập quán cưới xin của người Tày ở Cao Lộc,
Lạng Sơn (42 trang)
Chương 3. Những biến đổi trong tập quán cưới xin của người Tày ở Cao
Lộc, Lạng Sơn (44 trang)
Chương 4. Giá trị, xu hướng biến đổi và một số vấn đề đặt ra (23 trang)


11

Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU,
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài luận án
1.1.1. Nghiên cứu của các học giả nước ngoài về người Tày ở Việt Nam
Là một tộc người trong nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, có vai trò, vị trí quan
trọng trong sự hình thành và phát triển của khu vực Đông Nam Á nói chungvà dân
tộc Việt Nam nói riêng, từ sớm dân tộc Tày đã được nhiều nhà nghiên cứu quan
tâm tìm hiểu. Sử sách Trung Quốc cổ đại và cận hiện đại đã đề cập đến dân tộc
Tày ở nước ta trong mối quan hệ với các tộc người ở bên kia biên giới Việt Trung. Trong các thư tịch cổ Trung Quốc: Sử ký (Tư Mã Thiên), Thủy kinh chú
(Lịch Đào Nguyên), Hậu Hán thư (Phạm Việp), Tùy Thư (Ngụy Trung)... đã có
các ghi chép về các tộc người ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Tây, trong đó có các
nhóm Khương, Di, Choang - Đồng cổ đại với các tộc người nói ngôn ngữ Tày Thái hiện nay ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Lào. Đến thời kỳ cận đại, các
học giả Trung Quốc tiếp tục tìm hiểu và cho công bố nhiều nghiên cứu về các tộc
người Tày, Nùng, Thái. Tiêu biểu là: Các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc của Sở

nghiên cứu dân tộc Trung Quốc; Các dân tộc thiểu số ở Vân Nam của Sở nghiên
cứu dân tộc Quý Châu, Trung Quốc Tây Nam đích cổ đại dân tộc của Vưu
Trung... Đầu thế kỷ XX, một số học giả Tây Âu và Bắc Mỹ cũng quan tâm đến
người Tày và một số tộc người khác vùng miền núi phía Bắc nhằm tìm hiểu lịch
sử, ngôn ngữ và văn hóa của các cộng đồng ngữ hệ Thái - Kađai khu vực Nam
Trung Quốc và Đông Nam Á. Chẳng hạn như: Vân Nam- cái chốt giữa Ấn Độ và
sông Dương Tử của H.R. Danes; Tính năng động chủng tộc ở Đông Nam Á và từ
Vân Nam đến Thái Lan của V. Eichstedt; hoặc Thái-Kađai và Indonesia, một cách
phân loại mới ở Đông Nam Á của Paul K.Benedict [41, tr.42]... Tuy nhiên, điều dễ
nhận thấy là, phần lớn các nghiên cứu này đều tập trung vào lịch sử hình thành và
phát triển của các tộc người. Vấn đề văn hóa, nhất là sự khu biệt về văn hóa giữa
các dân tộc ít được quan tâm.Trong suốt thời gian dài sau đó, người Tày cũng như
văn hóa Tày ít được các học giả ngước ngoài quan tâm hơn. Phải đến những năm


12

đổi mới bắt đầu có một số công trình, dự án nghiên cứu liên ngành về chuyển đổi
nông nghiệp vùng cao, tiêu biểu như: Brigh Peaks, Dark Valleys: A Comparative
Analasis of Enviromental and Social Conditions and Development Trends in Five
Communities in Vietnam’s Northern Mountain Region của Lê Trọng Cúc và
Rambo [21]... đề cập đến những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội và văn
hóa của dân tộc Tày. Gần đây, khi mối quan hệ giữa các tộc người, nhất là quan hệ
tộc người xuyên biên giới trở thành chủ đề được quan tâm, một số học giả Trung
Quốc, nhất là các nhà nghiên cứu ở Đại học Dân tộc Quảng Tây, Học viện Hồng
Hà (Vân Nam), Trung Quốc có xu hướng quay trở lại tìm hiểu, nghiên cứu về
nhóm Tày, Nùng (trong mối tương quan với người Choang, Trung Quốc). Ví dụ
như: Luận bàn khái quát về sùng bái tổ tiên của dân tộc Choang Trung Quốc và
dân tộc Tày, Nùng của Việt Nam của Đằng Thành Đạt [99]. Tuy nhiên, các nghiên
cứu chủ yếu tập trung vào sự giao thoa, sự tương đồng và khác biệt giữa 2 nhóm

này liên quan đến nguồn gốc, quá trình tộc người, tín ngưỡng, lễ hội... chứ không
đề cập đến những vấn đề hôn nhân hay cưới xin.
1.1.2. Nghiên cứu của các học giả trong nước về người Tày và tập quán
cưới xin của người Tày
1.1.2.1. Các công trình nghiên cứu về người Tày có đề cập đến tập quán cưới xin
Là một trong những nghi lễ vòng đời người nên có thể thấy trong những
nghiên cứu, hầu hết khi phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Tày các tác
giả đều đề cập đến tập quán cưới xin.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, trong công trình Cao Bằng tạp chí nhật tập
viết về nguồn gốc các tộc người ở Cao Bằng, khi nói về người Tày, phần: Tục lấy
vợ, lấy chồng của người Thổ (tức người Tày) tác giả Bế Huỳnh khái quát như sau:
“Người Thổ từ xưa không có lễ gia quan, chỉ có tục lấy vợ, lấy chồng, đại thể cũng
tuân theo sáu thứ lễ của Chu Công„[87, tr.25], bao gồm: lễ Nạp thái, lễ Vấn danh,
Trưng lễ, Cát lễ, lễ Thỉnh lỳ, lễ Thân nghênh. Sáu lễ trên tương ứng với tên tục gọi,
gồm: Lễ Nạp thái (lễ Má (dấm, dạm) - lễ Dạm vợ); lễ Vấn danh (lễ Páo sư đây - lễ
báo hợp mệnh); Trưng lễ (lễ Báo đáp); Cát lễ (lễ Tẳt tháp - đặt gánh); lễ Nạp cát, lễ
Thỉnh kỳ (lễ Páo hoằn - lễ báo cưới, thách cưới); lễ Thân nghênh (Rẳp lùa - lễ đón


13

dâu). Trong từng lễ, tác giả đã miêu thuật một cách cụ thể về thời gian, cách thức, lễ
vật cụ thể của từng vùng người Thổ ở Cao Bằng. Ngoài ra, ông cũng miêu tả tục
“nộp lễ gánh„ (Sống tháp), tục “đại lễ„ và tục “uống rượu, ăn cỗ cưới„ (Kin lẩu),
tục “hát hỏi Quan lang„ hay tục lễ lại mặt. Theo đó, ba ngày sau khi cưới, nhà trai
phải chuẩn bị lễ vật là lễ lại mặt, vợ chồng cùng về nhà gái làm lễ bái yết. Từ đó cô
dâu sẽ ở lại nhà cha mẹ đẻ, khi nhà chồng có việc thì đón về vài ngày, xong lại
quay trở về . Chỉ đến khi có thai đến kỳ sinh nở nhà chồng mới đón về sinh con và
từ đó sinh sống luôn tại nhà chồng.
Từ cuối những năm 60 của thế kỷ XX hàng loạt các công trình nghiên cứu về

về dân tộc thiểu số, trong đó có người Tày được công bố: Công trình Các dân tộc ít
người ở Việt Nam của Viện Dân tộc học [111], Công trình Sơ lược giới thiệu các
nhóm Tày - Nùng – Thái ở Việt Nam của Lã Văn Lô và Đặng Nghiêm Vạn [58];
Công trình Văn hóa Tày, Nùng của Lã Văn Lô và Hà Văn Thư [59]; Công trình Văn
hóa truyền thống Tày - Nùng của Hoàng Quyết và Ma Khánh Bằng [76]; Công trình
Phong tục tập quán dân tộc Tày ở Việt Bắc của Hoàng Huy Quyết và Tuấn Dũng
[77], .v.v.. Điểm chung của các công trình này là đã “vẽ nên một bức tranh khái
quát nhất về diện mạo của một dân tộc theo cái nhìn của dân tộc học lịch sử„ bao
gồm: nguồn gốc lịch sử, quá trình tộc người, đặc trưng đời sống văn hóa vật chất,
văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội. Trong đó, tập quán cưới xin được mô tả khái quát
nhất ở các phương diện: quan niệm hôn nhân, chế độ, nguyên tắc kết hôn, quyền
quyết định hôn nhân, tuổi kết hôn. Theo đó, người Tày cho rằng, hôn nhân là nhằm
mục đích thỏa mãn yêu cầu của gia đình là sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường [59,
tr.42]. Vì vậy, việc hôn nhân chủ yếu do cha mẹ quyết định. Chính đặc điểm này đã
chi phối toàn bộ nội dung nguyên tắc, bản chất, tiêu chí lựa chọn bạn đời. Bên cạnh
đó, các tác giả cũng cho rằng, về cơ bản, tục cưới xin của đồng bào Tày có 7 nghi lễ
chính, bao gồm: Lễ dạm hỏi, Lễ mình hom (mừng lá số), Lễ khả cáy (mổ gà), Lễ sêu
tết, Lễ ăn hỏi, Lễ cưới chính thức, Lễ hòi ròi [59, tr.44 - 45]. Các nghi lễ được tác
giả miêu tả và trình bày một cách hết sức sơ lược và khái quát.
Ở thập niên cuối của thế kỷ XX, khi quá trình giao lưu, hợp tác quốc tế ngày
càng được mở rộng, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, văn hóa


14

các tộc người nói riêng đang đứng trước những cơ hội lớn của quá trình giao lưu,
tiếp biến văn hóa. Đồng thời cũng chính văn hóa, nhất là văn hóa của các dân tộc
thiểu số cũng bị đặt trước thách thức của sự lai căng, áp đặt từ bên ngoài, sự mai
một các giá trị, bản sắc dân tộc. Từ đây, vấn đề vị trí, vai trò của văn hóa, nhất là
văn hóa truyền thống được nhận thức được đầy đủ hơn. Hàng loạt các công trình

nghiên cứu về văn hóa và vấn đề phát huy giá trị bản sắc văn hóa tộc người được
công bố. Có thể kể đến hai công trình tiêu biểu về văn hóa Tày theo hướng này là:
Công trình Đến với người Tày và văn hóa Tày của La Công Ý [115]. và chuyên
khảo Văn hóa Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới của Dương Thuấn
[92]. Điểm chung của hai công trình này là, tác giả đều là những người con của
dân tộc Tày. Sự kết hợp giữa vốn sống thực tế, những điều mắt thấy, tai nghe,
những trải nghiệm của một người trong cuộc với tri thức văn hóa mà một nhà
nghiên cứu đã được các tác giả trình bày ở dạng học thuật đã đem lại những ấn
tượng mạnh mẽ về vẻ đẹp của văn hóa Tày. Tuy nhiên, do đây không phải là
những công trình nghiên cứu chuyên sâu về phong tục, nhất là phong tục, tập
quán cưới xin nên những nội dung liên quan đến tập quán này chỉ được các tác
giả nhắc đến như những dẫn dụ về những nét đặc trưng làm nên những giá trị
độc đáo của văn hóa truyền thống người Tày.
Luận án Tiến sỹ Nhân học Một số nét biến đổi văn hóa của người Tày ở
Lạng Sơn trong quá trình đổi mới kinh tế- xã hội của Bế Văn Hậu [41] là một
trong số hiếm hoi những chuyên khảo đã dựng lên một bức tranh tương đối khái
quát và toàn diện về văn hóa của người Tày ở Lạng Sơn trên tất cả các phương
diện: văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội và những biến đổi của
nó trước sự tác động của quá trình đổi mới kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa,
hiện đại hóa. Ở chương Biến đổi văn hóa tinh thần, tác giả cũng có chỉ ra sự biến
đổi của Lễ cưới ở một số phương diện: nghi thức tổ chức lễ cưới, tuổi kết hôn lần
đầu, quyền quyết định hôn nhân,tục thách cưới và hiện tượng hôn nhân hỗn hợp
[41, tr.130-136]... Ngoài ra, tác giả cũng đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy các
giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống của người Tày ở Lạng Sơn. Tuy nhiên,
do đối tượng nghiên cứu của luận án khá rộng, bao quát các phương diện liên


15

quan hầu hết đến mọi khía cạnh của đời sống văn hóa của người Tày (trước và

sau 1986) nên tác giả cũng chưa có điều kiện đi sâu phân tích, lý giải những
nguyên nhân sâu xa của sự biến đổi trong tập quán này.
Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài Văn hóa tộc người và giao thoa văn
hóa ở miền Tây Cao Bằng của Đàm Thị Uyên [108] trong phần “Phong tục cưới
hỏi của người dân tộc Tày miền Tây Cao Bằng: truyền thống và những thay đổi„
cũng chỉ ra những nguyên tắc cơ bản, những khuôn mẫu lý tưởng trong quan hệ
nam nữ, tính chất và quyền quyết định hôn nhân trong phong tục truyền thống
của người Tày [108, tr.423-425]. Đồng thời công trình cũng lược thuật những
nghi lễ cơ bản trong tổ chức đám cưới. Về đại thể, một đám cưới truyền thống
của người Tày thường bao gồm các nghi lễ sau: Lễ dạm hỏi (xam), Lễ hợp số
(Mỉnh hom, Lục mỉnh), Lễ ăn hỏi (Kin háp, Kin lẹ), Lễ sêu tết, Lễ báo ngày cưới
(Páo vằn), Lễ cưới (Kin lẩu) và Lễ lại mặt [108, tr.430-439]. Tác giả cũng đưa ra
một vài nhận định về xu hướng biến đổi phong tục tập quán cưới xin của người
Tày hiện nay. Tuy nhiên, do tác giả không đặt tập quán cưới xin làm đối tượng
nghiên cứu chính của công trình nên cũng mới chỉ dừng lại ở nhận xét, đánh giá
mà chưa đưa ra được những kết quả nghiên cứu cụ thể, xác thực.
1.1.2.2. Các công trình nghiên cứu chuyên sâu về tập quán cưới xin của người Tày
Có thể nhận thấy, những công trình chuyên khảo, nghiên cứu chuyên sâu về
tập quán hôn nhân và cưới xin của người Tày không nhiều. Có thể kể ra các công
trình nghiên cứu tiêu biểu sau:
Hôn nhân và gia đình các dân tộc Tày, Nùng và Thái ở Việt Nam của Đỗ Thúy
Bình [7] là “cuốn sách chuyên khảo đầu tiên đi sâu vào hôn nhân và gia đình ba dân
tộc Tày, Nùng và Tháí„ [7, tr.9]. Cuốn sách gồm 5 chương, trong chương V “Những
nghi lễ gia đình„ có mục Tập tục cưới xin ở người Tày, Nùng [7, tr.181-193]. Phần
này tác giả chủ yếu tập trung mô tả các nghi lễ chủ yếu của một đám cưới Tày bao
gồm: Lễ ướm hỏi, lễ xin lục mệnh, lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt... Trong quá trình mô
tả, tác giả đã có cái nhìn so sánh giữa cộng đồng Tày ở các khu vực khác nhau cũng
như của người Tày với các tộc người khác để tìm ra những điểm tương đồng cũng
như khác biệt, độc đáo trong từng nội dung của nghi lễ. Công trình đã phác họa bức



16

tranh toàn cảnh sự tiến hóa của các hình thức khác nhau của hôn nhân và gia đình,
những đặc điểm chung và riêng tiềm ẩn trong các quan hệ hôn nhân và gia đình ở các
dân tộc Tày, Nùng và Thái [7, tr.13]. Tuy nhiên, có thể thấy, ngay tên chuyên khảo
cũng đã chỉ rõ nội dung nghiên cứu không chỉ tập trung vào hôn nhân và cưới xin, đối
tượng nghiên cứu của chuyên khảo cũng không chỉ là dân tộc Tày, vì vậy phần dành
cho tập quán cưới xin còn chiếm số lượng khiêm tốn [7, tr.181-195].
Công trình Tục cưới xin của người Tày của tác giả Triều Ân và Hoàng Quyết
[4] miêu tả khá kỹ lễ cưới truyền thống của người Tày. Đây là công trình văn hóa
dân gian được hai tác giả dày công sưu tầm, khảo cứu. Công trình gồm 3 phần:
Phần thứ nhất. Tục cưới xin và lễ cưới, tập trung miêu tả những chuẩn bị của hai
bên gia đình, cho con cái trước khi tiến hành lễ cưới và các nghi lễ trong đám cưới.
Theo đó, khi gia đình có con trai lớn (khoảng từ 12 tuổi) cha mẹ phải lo tính tìm
cưới vợ cho con. Việc chuẩn bị phải tiến hành nhiều mặt, nhất là về vật chất. Một
đám cưới phải chi dùng rất tốn kém của cải và tiền bạc cho nên cha mẹ phải lo liệu
sớm những vấn đề cần thiết: tiền bạc; lợn cưới; tham gia phường họ, bạn; gửi gom
vật chất; tìm ướm lựa chọn con dâu tương lai; đưa con trai ra ngoài xã hội và chăm
sóc dạy bảo con gái; trồng bông dệt vải; chăn tằm, dệt lụa; trồng cây chàm, nhuộm
chàm; làm lõi chăn bông và khâu quần áo; phấn si (vốn riêng)... Vì thế, có rất nhiều
các công việc cần chuẩn bị và trong một thời gian dài mới có thể hoàn thành được.
Tiếp theo là tổ chức lễ cưới. Có thể nói, tục lệ cưới xin truyền thống của người Tày
gồm nhiều bước, nhiều thủ tục và khá câu nệ. Diễn trình một đám cưới từ buổi gặp
gỡ đầu tiên giữa hai gia đình đến khi cô dâu về lại mặt bố mẹ đẻ gồm 8 lễ, trong
một lễ lại bao gồm khá nhiều thủ tục. Như trong lễ đón dâu gồm có 12 lệ: căng dây
chặn đường; giữ cửa; rải chiếu; mời nước chè; nộp gánh; dâng tấm vải ướt khô;
bái tổ họ hàng; lễ bố mẹ vợ/ bố mẹ chồng; xin đón dâu... Phần thứ hai, tác giả giới
thiệu hệ thống các văn bản thơ Quan lang, Pả mẻ được sưu tầm ở Lạng Sơn, Cao
Bằng, Bắc Thái, Tuyên Quang, Yên Bái và Hà Giang. Phần thứ ba, các tác giả đề

cập đến vấn đề bảo tồn, kế thừa và phát triển những giá trị tôt đẹp trong tập quán
cưới xin của người Tày. Tuy nhiên, như Lời nói đầu cuốn sách đã khẳng định: cuốn


17

sách mới chỉ dừng lại ở việc “sưu tầm, nghiên cứu khoa học khảo cứu về tục cưới
xin của người Tày nhằm tìm hiểu những nét đẹp cũng như những điều cần suy nghĩ,
bổ sung về một di sản văn hóa dân gian” [4, tr.12] mà chưa có dịp đề cập, nghiên
cứu về sự biến đổi của nó trong xã hội đương đại.
Công trình Việc dựng vợ, gả chồng của người Tày Cao Bằng của tác giả
Hoàng Tuấn Nam và Bế Thanh Tuyền [64]. Công trình gồm 3 phần, trong đó
phần 2: “Một số nghi thức về việc đón con dâu, con rể trong ngày làm lễ cưới„
giới thiệu nghi thức cưới xin bao gồm 12 bước theo trình tự: Xin bản lục mỉnh
(đính hôn), Lễ dạm hỏi, chuẩn bị làm lễ cưới, ngày làm lễ cưới,việc đón dâu
trong ngày cưới, con rể lạy tổ tiên, con rể dâng rượu mời khách, bữa cơm đoàn
kết hoan hỷ giữa đoàn đại biểu nhà trai và nhà gái, mời con dâu ra cửa vè nhà
chồng, nàng dâu ra cửa về nhà chồng, đón dâu vào nhà và tẻo sam nâư. Mỗi
bước lại bao gồm nhiều thủ tục, nghi lễ, nội dung... Cuốn sách đã khắc họa được
những vấn đề cơ bản nhất về việc dựng vợ, gả chồng của tập quán có từ lâu đời
của người Tày ở Cao Bằng... [64, tr.98]. Tuy nhiên, cũng như công trình Tục
cưới xin của người Tày của hai tác giả Triều Ân và Hoàng Quyết, công trình
Việc dựng vợ, gả chồng của người Tày Cao Bằng cũng mới chỉ dừng lại ở “phản
ánh những nhận thức cổ truyền trong sáng về việc xây dựng hạnh phúc lứa đôi
cho con cái của người Tày„ [64, tr.10], chưa có điều kiện đề cập đến sự biến đổi
của nó cũng như những vấn đề cần quan tâm trong việc bảo tồn và phát huy
những giá trị trong tập quán cưới xin của người Tày trong giai đoạn hiện nay.
Công trình Tục hôn nhân cổ của người Tày Nguyên Bình của Hoàng Thị
Cành [16]. Theo tác giả, người Tày ở huyện Nguyên Bình, Cao Bằng còn lưu giữ
những nét phong tục văn hóa rất độc đáo trong sinh hoạt văn hóa đặc biệt là trong

hôn nhân. Điều này được tác giả miêu tả một cách cụ thể, chi tiết qua từng bước:
trước, trong và sau khi cưới với nhiều thủ tục, nghi lễ. Từ tìm hiểu, điều tra gia
đình đối phương, xem lục mệnh, mua sắm đến tiến hành các nghi lễ dạm hỏi, lễ ăn
hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt… Ngoài việc mô tả chi tiết phong tục cưới hỏi ở trên, công
trình cũng dành một dung lượng cho việc phân tích một số vấn đề trong phong tục


18

hôn nhân của người Tày ở Nguyên Bình, những thuần phong mỹ tục cần giữ gìn
phát triển, hoặc khôi phục, có cái đã lỗi thời cần điều chỉnh lại hoặc gạt bỏ.
Ngoài ra, có thể thấy Tập quán cưới xin của người Tày cũng trở thành đối
tượng nghiên cứu của nhiều sinh viên, học viên khi viết khóa luận, luận văn tốt
nghiệp, nhất là của sinh viên khoa Văn hóa dân tộc thiểu số của Trường Đại học
Văn hóa Hà Nội những năm gần đây. Có thể kể đến công trình: Khóa luận tốt
nghiệp Cử nhân Bước đầu tìm hiểu về tục lệ cưới xin của người Tày ở xã Hưng
Đạo, Hòa An, Cao Bằng của Đoàn Minh Thuận [93]; Luận văn Thạc sỹ Văn hóa
học Hôn nhân của người Tày ở xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng của
Nông Anh Nga [66]; Tập tục chu kỳ đời người của người Tày ở xã Bằng Hành,
huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang của Seo Thị Thu Trang [98]; Khóa luận tốt
nghiệp Tìm hiểu tập quán cưới xin của dân tộc Tày huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái của
Quốc Thị Diễm, [26] và Tập quán cưới xin của người Tày ở xã Lăng Hiếu, huyện
Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng của Hứa Thị Huyền [47], .v.v.. Điểm chung của tất cả
các nghiên cứu này là đã miêu tả và chỉ ra đặc điểm trong tập quán cưới xin truyền
thống của người Tày ở các phương diện: quan niệm hôn nhân, nguyên tắc kết hôn,
tiêu chí chọn vợ, chọn chồng, các bước tiến hành và các nghi lễ tổ chức cưới hỏi.
Một vài nghiên cứu bước đầu chỉ ra được những biến đổi trong tập quán cưới xin
của người Tày hiện nay. Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy sự đa dạng của văn
hóa tộc người ở các địa phương khác nhau thông qua tập quán cưới xin. Tuy nhiên,
do phương pháp tiếp cận chủ yếu của các công trình trên chủ yếu tiếp cận dưới góc

độ Dân tộc học nên thường tập trung vào khảo tả mà ít có những điều tra cụ thể nên
chủ yếu mới nhìn nhận đối tượng nghiên cứu ở trong tình trạng “tĩnh”, chưa đặt vào
trong bối cảnh biến đổi và nếu có chăng thì cũng chỉ mới dừng lại ở việc đưa ra
những luận điểm chung mà chưa có các số liệu, minh chứng cụ thể, thuyết phục.
Mặc dù vậy, đây vẫn là những công trình nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng, cơ sở
cần thiết, tiền đề cho việc nghiên cứu có tính chuyên sâu của luận án này.
Đề cập đến tập quán cưới xin của người Tày không thể không nhắc đến các
công trình sưu tầm, nghiên cứu về tục hát quan lang. Có thể nói, đây là “chất thơ”


19

“vị muối” làm nên nét độc đáo, tính nhân văn của văn hóa Tày nói chung, tập
quán cưới xin của người Tày nói riêng. Vì vậy, có khá nhiều công trình sưu tầm,
khảo cứu về tục hát này. Ngay từ năm 1946, Nguyễn Văn Huyên đã cho xuất bản
cuốn Những khúc ca đám cưới người Tày [50]. Công trình gồm 2 phần: Phần 1.
Khảo cứu chung về người Tày; Phần 2. Những khúc ca đám cưới. Đây là công
trình rất có ý nghĩa vì bước đầu mở ra hướng nghiên cứu văn hóa phong tục người
Tày nói chung, hát đám cưới nói riêng. Tiếp theo có thể kể đến các công trình Dân
ca đám cưới Tày- Nùng của Nông Minh Châu, Vi Quốc Bảo [17]; Thơ lẩu (Thơ
đám cưới) của Hội văn học nghệ thuật Bắc Thái [43]; Thơ đám cưới Tày của Lục
Văn Pảo [72]... Ngoài ra, các công trình nghiên cứu về tục hát quan lang cũng
được quan tâm và tiếp cận ở nhiều phương diện khác nhau: Văn học, Văn hóa dân
gian, Văn hóa học. Có thể kể đến: Hát Quan lang trong đám cưới của người Tày ở
huyện Thạch An, Cao Bằng – tiếp cận dưới góc độ văn học dân gian của Đàm
Thùy Linh [57]; Hát Quan Lang của người Tày Khao của Ma Ngọc Hướng [53];
Hát Quan làng trong đám cưới của người Tày ở xã Xuân Lai huyện Yên Bình, Yên
Bái của Tráng Thị Thúy [88]; Hát Quan làng trong đám cưới người Tày ở Yên Bái
của Hoàng Tương Lai [56]; Thơ lẩu của người Tày ở Hà Vị, Bạch Thông, Bắc Kạn
của Lê Thương Huyền [48]. Đặc biệt, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, chuyên ngành

Văn hóa dân gian: Tục hát Quan lang trong đám cưới của người Tày Cao Bằng
của Nguyễn Thị Thoa [87] là một công trình chuyên khảo tìm hiểu một cách có hệ
thống và tương đối toàn diện về tục hát Quan lang trong đám cưới của người Tày
ở Cao Bằng trong mối quan hệ chặt chẽ với phong tục, tập quán và văn hóa, nghệ
thuật dân gian của tộc người Tày. Luận án không chỉ trình bày một cách có hệ
thống diễn trình, đặc điểm, ý nghĩa của tục hát mà còn chỉ ra được bản chất của
tục hát này cũng như xu hướng biến đổi của nó hiện nay đồng thời đề xuất ý kiến
nhằm bảo tồn và phát huy tục hát trong đời sống đương đại.
Như vậy, văn hóa Tày nói chung, tập quán cưới xin của người Tày nói riêng
từ lâu đã trở thành đối tượng nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước. Tập
quán cưới xin đã được các nhà nghiên cứu tìm hiểu ở nhiều phương diện và bằng
những phương pháp tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình


20

nào nghiên cứu chuyên sâu về tập quán cưới xin của người Tày ở một địa bàn
nghiên cứu cụ thể của tỉnh Lạng Sơn, nhất là đặt đối tượng nghiên cứu trong sự vận
động, biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội để đánh giá, nhận rõ xu hướng vận
động, khuyến nghị những giải pháp để cho văn hóa của người Tày nói chung, tập
quán cưới xin nói riêng có thể phát triển triển bền vững trong bối cảnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Đây sẽ là những khoảng trống để nghiên cứu sinh
tiếp tục triển khai đề tài luận án: Biến đổi tập quán cưới xin của người Tày ở huyện
Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn hiện nay.
1.2. Cơ sở lý thuyết
1.2.1. Các khái niệm thao tác
1.2.1.2. Tập quán cưới xin
Theo Từ điển Tiếng Việt, “Tập quán là thói quen hình thành từ lâu và đã trở
thành nếp trong đời sống xã hội của một công đồng dân cư, được mọi người công
nhận và tuân theo” [101, tr.1393].

Như vậy, tập quán được hiểu như những chuẩn mực xử sự của các chủ thể
trong một cộng đồng nhất định và còn là tiêu chí để đánh giá tính cách của một cá
nhân tuân theo hay không tuân theo những chuẩn mực xử sự mà cộng đồng đã thừa
nhậnvà áp dụng trong suốt quá trình sống, lao động, sinh hoạt tạo ra vật chất và
những quan hệ liên quan đến tài sản, đến tình cảm của con người trong cộng đồng.
Xét về mặt dân tộc và văn hoá - xã hội thì tập quán được hiểu là những
phương thức ứng xử giữa người với người đã được định hình và được xem như một
dấu ấn, một điểm nhấn tạo thành nề nếp, trật tự trong lối sống của cá nhân trong
quan hệ nhiều mặt tại một cộng đồng dân cư nhất định.
Tập quán có đặc điểm là tính tương đối ổn định nhưng không phải là bất biến
mà cũng vận động và biến đổi theo thời gian cùng sự biến đổi của đời sống xã hội.
Theo Từ điển tiếng Việt, “Cưới xin là làm các lễ để cưới theo phong tục”
[101, tr.225]. Tác giả Triều Ân, Hoàng Quyết thì quan niệm: “cưới xin là phong
tục, là nghi thức” [4, tr.11]. Theo tác giả, tục cưới xin bao gồm rất nhiều các bước
được thực hiện và tuân thủ một cách khá chặt chẽ: từ khâu chuẩn bị các điều kiện


21

vật chất: tiền bạc, sính lễ, tìm ướm lựa chọn con dâu tương lai… trong đó tổ chức
lễ cưới chỉ là một khâu- tất nhiên là khâu quan trọng nhất- nhằm thông báo rộng rãi
về sự chấp nhận của xã hội và các bên thành hôn về cuộc hôn nhân. Với ý nghĩa
này, lễ này còn gọi là Lễ thành hôn.
Hiện nay, hôn nhân nói chung, trong đó có việc thực hành nghi thức cưới
xin không chỉ tuân theo các nghi lễ lễ phong tục mà còn được pháp luật quy định
trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
đã được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước công bố vào ngày 13 tháng 01 năm
1960. Tiếp đó, lần lượt vào các năm 1986 và 2000, 2014 trên cơ sở kế thừa và phát
triển Bộ luật năm 1960 này, các bộ luật hôn nhân và gia đình mới cũng đã được phê
chuẩn và công bố một cách rộng rãi. Với các bộ luật này, người ta dễ dàng nhận thấy

các nghi thức hôn nhân ở nước ta đã được chuẩn hóa qua hệ thống pháp luật của nhà
nước. Chẳng hạn, về thủ tục kết hôn, Chương 2, Điều 9, khoản 2, Luật Hôn nhân và
Gia đình năm 2014 (sửa đổi) của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam chỉ rõ: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền
thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không
được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý” [60, tr.7-8].
Tuy nhiên, với việc cưới hỏi ở cộng đồng, các nghi lễ phong tục, tập quán có
ý nghĩa rất lớn. Nhiều khi, dù đã có sự đảm bảo đầy đủ về mặt pháp lý, nhưng nếu
chưa thực thi các nghi thức phong tục, trong thâm tâm người ta vẫn cảm thấy chưa
ổn, dường như việc kết hôn vẫn chưa hoàn thành. Trạng thái tâm lý đó không chỉ có
ở cô dâu, chú rể hay họ hàng nội ngoại hai bên, mà còn ở tất cả bà con lối xóm hay
khu dân cư, nơi đôi vợ chồng mới đang sinh sống.
Như vậy, tập quán cưới xin được hiểu là một hệ thống các quan niệm, chuẩn
mực, nghi lễ trong việc kết hôn của một cộng đồng dân cư, được biểu hiện ở: quan
niệm về hôn nhân, nguyên tắc kết hôn, tính chất và quyền quyết định hôn nhân; các
thủ tục, nghi lễ tiến hành hôn nhân … Hệ thống này đã được hình thành qua quá
trình lâu dài, được mọi thành viên trong cộng đồng tự giác tuân thủ.
1.2.1.2. Tập quán cưới xin truyền thống và truyền thống trong tập quán cưới xin


22

Theo Từ điển tiếng Việt: “Truyền thống là thói quen hình thành đã lâu
đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác”
[101, tr.1017].
Hiện nay, khi nghiên cứu về văn hóa cũng như biến đổi văn hóa, các học giả
thường quan tâm đến 2 khái niệm văn hóa truyền thống và truyền thống văn hóa.
Theo đó, khi nói tới văn hóa truyền thống thường là với nghĩa so sánh trong tương
quan với văn hóa hiện đại. Và vì vậy, ở đây các nhà chuyên môn thường ít chú ý
đến việc phân định về mặt thời gian mà chủ yếu quan tâm đến phương thức sinh tồn

xã hội dựa trên mô hình tổ chức. Theo đó, dựa trên sự phân biệt này mà xã hội được
chia thành 2 loại: i) Các loại xã hội truyền thống (gồm các xã hội cổ xưa, là những
xã hội tiền công nghiệp ở các xứ nhiệt đới hoặc các xã hội nông nghiệp của châu Âu
cũ mà một số vẫn còn tồn tại dai dẳng cho đến ngày này). ii) Các xã hội duy lí, các
xã hội hiện đại, tức xã hội công nghiệp. Tuy điểm mốc tính thời gian còn khác nhau
giữa các học giả. Chẳng hạn, học giả Ngô Đức Thịnh cho rằng từ cuối thế kỉ XIX
đến năm 1945 là giai đoạn chuyển tiếp văn hoá lần thứ hai, từ năm 1945 đến thế kỉ
XXI đang và sẽ diễn ra một giai đoạn văn hoá mới [85, tr.7-8]; thì học giả Nguyễn
Xuân Kính lại quan niệm từ cuối thế kỉ XIX đến nay (và đến trên một chục năm nữa)
là thời kì chuyển tiếp từ văn hoá truyền thống sang văn hoá hiện đại… Tuy nhiên, có
một điều các học giả đều thống nhất khi nói đến sự chuyển đổi về mặt văn hóa hiện
nay đó là, văn hóa truyền thống đã và đang diễn ra theo ba hướng: i) Kế thừa và phát
huy các giá trị của văn hoá truyền thống. Trong nửa thế kỉ qua, chúng ta đã có nhiều
thành tựu trong hướng này, thông qua các biện pháp bảo tồn, phát huy các giá trị đó,
nghiên cứu và phổ biến các giá trị đó khiến cho những giá trị đó xưa kia thường chỉ
được một bộ phận dân cư biết đến, nay trở thành tài sản chung của toàn dân. ii) Tiếp
nhận những giá trị văn hoá thế giới bằng con đường nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến
những giá trị văn hoá đó một cách rộng rãi, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân
đông đảo làm giàu thêm hành trang văn hoá của mình bằng những tài sản văn hoá
toàn nhân loại và hội nhập được vào thế giới hiện đại.iii) Phát triển các hoạt động
văn hoá mới, kết hợp những giá trị văn hoá truyền thống với những giá trị văn hoá


23

mới. Hoạt động sáng tạo này triển khai trên cả lĩnh vực văn hoá vật chất và văn hoá
tinh thần, sẽ hình thành dần bộ phận cơ bản và quan trọng hơn cả trong cấu trúc của
nền văn hoá Việt Nam hiện tại và tương lai [55, tr.3 - 9].
Ba hướng chuyển đổi từ văn hoá truyền thống sang hiện đại trên đây diễn ra
vừa theo cách tự phát vừa thông qua định hướng chính sách văn hóa của nhà nước,

vì vậy rất phức tạp và nhiều khi bộc lộ những dấu hiệu của một tình trạng khủng
hoảng văn hoá, tình trạng này tất yếu xảy ra khi có biến động lớn về kinh tế và
chính trị xã hội [28, tr.294 - 295].
Nếu văn hoá truyền thống là khái niệm dùng để chỉ một cấu trúc văn hoá,
chỉ văn hoá của các xã hội nông nghiệp truyền thống, thì truyền thống văn hoá là
khái niệm dùng để chỉ sự tồn tại của những yếu tố không thay đổi của văn hoá.
Những khái niệm này thường được gọi là những hằng số văn hoá, là bản sắc văn
hoá, là hệ giá trị [114], [82].
Thực ra, nói “không thay đổi”, nói “hằng số văn hoá” là một cách nói có ý
nghĩa tương đối, bởi vì văn hoá luôn luôn biến đổi. Bàn về sự biến đổi này, nhà
nghiên cứu Nguyễn Từ Chi đã đưa ra một nhận định rất chính xác: “Tuy đọng lại
thành những mô thức, văn hoá không vì vậy mà đông lại qua thời gian. Sản xuất
được nâng cao lên, chẳng hạn nhu cầu của từng người trong cộng đồng, từ ăn uống
trở đi không còn như cũ, và đòi hỏi những ứng xử mới, miễn sao các nét mới này,
khi vừa được tiếp thu, không đảo lộn hệ thống những mô thức cố hữu. Lịch sử cho
đến hôm nay là một sự chuyển biến dài từ phương thức sản xuất này sang phương
thức sản xuất kia. Chuyển biến chầm chậm thôi, rất chậm, qua hàng trăm năm, phải
là hàng nghìn năm vào buổi đầu của thời kì lịch sử, có khi hơn thế. Nhưng khi một
quan hệ sản xuất mới đã hình thành, đại diện cho một phương thức sản xuất mới, và
đòi phương thức cũ nhường chỗ, mà phương thức cũ cố cưỡng lại thì tất yếu nổ ra
khủng hoảng. Ở mặt sau sân khấu, là một cuộc khủng hoảng không phải luôn luôn
lộ mặt cho lịch sử nhận diện, nhưng lâu dài hơn: khủng hoảng văn hoá. Những mô
thức ứng xử mới đòi thay thế những mô thức cũ, thậm chí đòi phá vỡ nền văn hoá
cũ, dành chỗ ra đời cho một nền văn hoá mới. “Lâu dài hơn”, vì khủng hoảng văn


×