BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
NGUYỄN THỊ THÚY NGÂN
CẢM THỨC BIỂN ĐẢO TRONG SÁNG TÁC
CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA
(QUA BÊN CỬA SỔ MÁY BAY VÀ ĐẢO CHÌM)
LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
HÀ NỘI, 2016
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
NGUYỄN THỊ THÚY NGÂN
CẢM THỨC BIỂN ĐẢO TRONG
SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA
( QUA BÊN CỬA SỔ MÁY BAY VÀ ĐẢO CHÌM )
Chuyên ngành: LÍ LUẬN VĂN HỌC
Mã số: 60 22 01 20
LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Lý Hoài Thu
HÀ NỘI, 2016
LỜI CẢM ƠN!
Lời đầu tiên tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới các thầy, cô giáo đã tận tình
truyền đạt những tri thức quí báu, dìu dắt giúp đỡ tôi trong quá trình học tập
và nghiên cứu.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới cô giáo: PGS.TS Lý
Hoài Thu đã hướng dẫn, đóng góp những ý kiến quí báu cho tôi hoàn thành
luận văn này.
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn tới Khoa sau đại học trường Đại học
sư phạm Hà Nội 2, cùng bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, người thân đã động
viên, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp
này.
Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2016
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Thúy Ngân
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan công trình luận văn này là sự nỗ lực hết mình của tôi
trong quá trình nghiên cứu. Những số liệu thống kê hoàn toàn do tôi tự nghiên
cứu. Tôi xin chịu trách nhiệm về luận văn của mình.
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Thúy Ngân
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
1. Lí do chọn đề tài ............................................................................................ 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 3
3. Mục đích nghiên cứu ..................................................................................... 9
4. Nhiệm vụ nghiên cứu .................................................................................... 9
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................. 9
6. Phương pháp nghiên cứu............................................................................. 10
7. Dự kiến đóng góp của luận văn................................................................... 10
NỘI DUNG ..................................................................................................... 11
CHƯƠNG I:KHÁI LƯỢC CHUNG VỀ CẢM THỨC BIỂN ĐẢO VÀ HÀNH
TRÌNH SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA ......................................... 11
1.1. Khái niệm cảm thức và cảm thức biển đảo trong sáng tác đương đại ..... 11
1.1.1 Khái niệm cảm thức ............................................................................... 11
1.1.2. Cảm thức biển đảo trong sáng tác đương đại ........................................ 12
1.1.2.1. Thơ viết về biển đảo từ 1945-1975 ................................................... 14
1.1.2.2. Thơ văn viết về biển đảo từ sau năm 1975 đến nay........................... 18
1.2. Hành trình sáng tác của Trần Đăng Khoa ................................................ 25
1.2.1 Từ “góc sân và khoảng trời” .................................................................. 25
1.2.2. Đến biển đảo quê hương ....................................................................... 30
CHƯƠNG II .................................................................................................... 36
BIỂN ĐẢO NHÌN TỪ CẢM HỨNG NGHỆ THUẬT VÀ THẾ GIỚI HÌNH
TƯỢNG TRONG SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA ......................... 36
2.1. Cảm xúc trước thiên nhiên biển đảo ........................................................ 36
2.1.1 Biển đảo- thiên nhiên thơ mộng, trữ tình ............................................... 36
2.1.2. Biển đảo - thiên nhiên khắc nghiệt dữ dội ............................................ 41
2.1.3. Biển đảo- lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc ........................................ 46
2.2. Người lính và ý thức chủ quyền lãnh hải ................................................. 49
2.2.1. Người lính chấp nhận hi sinh gian khổ bảo vệ lãnh hải thiêng liêng.... 49
2.2.2. Người lính hồn nhiên, tươi trẻ, yêu đời ................................................ 56
2.2.3. Người lính với tâm hồn chan chứa yêu thương .................................... 61
CHƯƠNG III ................................................................................................... 74
CẢM THỨC BIỂN ĐẢO NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN ........... 74
3.1. Hệ thống biểu tượng ................................................................................. 74
3.1.1. Biểu tượng kép biển-em ........................................................................ 75
3.1.2 Biểu tượng mưa ...................................................................................... 78
3.1.3. Biểu tượng khoảng trời ........................................................................ 82
3.2. Ngôn từ nghệ thuật ................................................................................... 86
3.2.1. Giản dị và trong sáng ............................................................................ 87
3.2.2. Chân thực và ám ảnh ............................................................................. 89
3.3. Giọng điệu ................................................................................................ 91
3.3.1. Giọng điệu trữ tình tha thiết .................................................................. 92
3.3.2. Giọng điệu vui tươi dí dỏm, hài hước ................................................... 94
3.3.3. Giọng điệu suy ngẫm, triết lí ................................................................. 96
3.4. Không gian, thời gian nghệ thuật ........................................................... 102
3.4.1. Không gian nghệ thuật ........................................................................ 103
3.4.1.1. Không gian đảo ................................................................................ 103
3.4.1.2. Không gian tâm tưởng...................................................................... 107
3.4.2. Thời gian nghệ thuật ........................................................................... 112
3.4.2.1. Thời gian hiện tại ............................................................................. 113
3.4.2.2. Thời gian tương lai ........................................................................... 115
KẾT LUẬN ................................................................................................... 118
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................... 121
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Là một quốc gia thuộc bán đảo Đông Nam Á nằm bên bờ biển Thái
Bình Dương, Việt Nam, theo cách nói gần đây là một “cường quốc biển” với
chỉ số chiều dài hơn 3.000km. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28
tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành
ven biển. Biển và đảo là món quà tặng vô giá và lâu dài của tự nhiên cho cuộc
sống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nó không chỉ gắn liền với những kỳ
quan thiên nhiên, mà còn là những dấu mốc gắn liền với những giá trị lịch sử,
chính trị, kinh tế, văn hóa và chiếm giữ cả vị trí quan trọng về an ninh quốc
phòng của đất nước. Bởi thế người lính biển phải gánh vác trách nhiệm giữ gìn
biển đảo nặng nề hơn bao giờ hết. Họ lại phải lên đường để bảo vệ chủ quyền
lãnh hải của ta. Khúc quân hành lại tiếp nối:
Cha đã lính bây giờ con lại lính
Những thế hệ nối nhau đi giữ nước non nhà
Xưa cha Trường Sơn Rừng
Nay con Trường Sơn Biển
Những hòn đảo dựng vòng cung phòng tuyến
Dựng tin yêu từ phía mặt trời lên.
(Nguyễn Trọng Tạo)
1.2. Biển đảo là nguồn cảm hứng bất tận của văn học, nghệ thuật bởi từ
xưa đến nay, phần lãnh thổ thiêng liêng này gắn liền với số phận dân tộc. Từng
hải lý biển, từng tấc đảo, Hoàng Sa, Trường Sa… là mồ hôi, nước mắt và máu
của ông cha bao đời bảo vệ, giữ gìn để lại. Tổ quốc thân yêu đã và đang hướng
ra biển lớn cùng những dự định lớn lao cho tương lai. Bác Hồ đã từng căn dặn
bộ đội Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có
trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Chính vì
2
thế, trên mặt trận bút nghiên của mình, những nhà thơ, nhà văn cũng gửi gắm
tình yêu và quyết tâm gìn giữ biển đảo quê hương qua những vần thơ, con
chữ. Mỗi bài thơ là một cung điệu nói lên tấm lòng của những người con dân
đất Việt gửi tới những người chiến sĩ hải quân và nhân dân đang bám trụ nơi
đầu sóng ngọn gió.
1.3. Viết về biển đảo, thơ ca đương đại ghi nhận những tên tuổi như:
Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý, Lê Thị
Mây, Nguyễn Trọng Văn, Anh Ngọc,…Mỗi tác giả đem đến những cảm nhận
đặc biệt về vùng biển thiêng liêng- máu thịt của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên
nếu phần lớn các tác giả đến Trường Sa với tư cách là “ khách mời” thì Trần
Đăng Khoa lại trong tư cách “chủ nhà”, Trần Đăng Khoa là nhà thơ, đồng thời
cũng là người lính, đặt chân đến Trường Sa từ rất sớm(1975). Ông công tác tại
phòng Tuyên huấn, Bộ Tư lệnh Hải quân và đã qua 25 đảo trong quần đảo
Trường Sa. Là một người lính thực thụ, chứ không phải chỉ là một nhà văn đi
thực tế, vì vậy Trần Đăng Khoa viết bằng tất cả sự trải nghiệm, chân thực từ
lời nói, hành động đến những rung cảm sâu kín nhất trong lòng của một người
lính đảo. Nhà thơ, nhà báo Bùi Hoàng Tám cho rằng: “Trong văn đàn Việt
Nam, nếu Tây Nguyên huyền bí là “ vương quốc” của nhà văn Nguyên Ngọc;
Trường Sơn uy nghiêm là “ lãnh thổ” của nhà thơ Phạm Tiến Duật, thì
Trường Sa thiêng liêng, thuộc “ sở hữu độc quyền” của nhà thơ Trần Đăng
Khoa” [15, 7]. Chùm thơ viết về biển đảo Trường Sa in trong tập Bên cửa sổ
máy bay (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, năm 1985) cùng với tập truyện ký Đảo
chìm (Nhà xuất bản Lao Động, năm 2000) đã biểu thị một cách chân thực, xúc
động và ám ảnh hình tượng Tổ quốc qua hình ảnh người lính và biển đảo.
Bằng những con chữ và cả tấm lòng, nhà thơ đã cùng với ông cha cắm thêm
những cột mốc chủ quyền bằng văn chương cho một vùng lãnh hải thiêng
liêng, bất khả xâm phạm của chúng ta:“Dựng câu thơ thành cột mốc chủ
3
quyền”(Nguyễn Thanh Mừng).
Chúng tôi lựa chọn đề tài: “ Cảm thức biển đảo trong sáng tác của Trần
Đăng Khoa ” (Qua: Bên cửa sổ máy bay và Đảo chìm) nhằm bước đầu
nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện mảng thơ biển đảo trong sáng tác
của Trần Đăng Khoa cùng những đóng góp của tác giả với đời sống thơ ca
đương đại.
2. Lịch sử vấn đề
Khi đi vào nghiên cứu lịch sử vấn đề của đề tài: “Cảm thức biển đảo
trong sáng tác của Trần Đăng Khoa” (Qua: Bên cửa sổ máy bay và Đảo
chìm)”. Chúng tôi tham khảo trên hai phương diện: Những công trình, bài
viết đề cập đến sáng tác của Trần Đăng Khoa nói chung và những công trình,
bài viết có liên quan đến đề tài biển đảo của Trần Đăng Khoa.
2.1. Những công trình, bài viết đề cập đến sáng tác của Trần Đăng
Khoa nói chung
Lâu nay, nói tới Trần Đăng Khoa, người ta hay nhắc tới sự vinh quang
mà thuở nào cậu bé thần đồng này đã gặt hái được. Thơ Trần Đăng Khoa viết
trong thời thơ ấu là một giọng thơ tiêu biểu và đặc biệt. Tuy nhiên, theo thời
gian và sự trải nghiệm, bằng Tâm và Tài, Trần Đăng Khoa tiếp tục gặt hái
được những thành công trên lĩnh vực thơ ca, lí luận phê bình…trong những
năm sau 1975. Vì vậy, không có gì lạ khi có nhiều người yêu thơ Trần Đăng
Khoa, nghiên cứu và phê bình thơ của tác giả này. Những bài phê bình thơ
Trần Đăng Khoa được in trên nhiều tờ báo lớn như Tiền phong, Văn nghệ,
Nhân dân, Phụ nữ Việt Nam, An ninh thế giới…Có thể kể đến những bài viết
đáng chú ý như: “Em kể chuyện này” trên báo Văn nghệ số 452 (1972) của
tác giả Lê Đình Kỵ, “Thơ em Khoa” của nhà thơ Xuân Diệu in trong tập thơ
“Góc sân và khoảng trời” năm 1973, “ Đọc Góc sân và khoảng trời” trên
báo Nhân dân số 7344 (9/6/1974) của tác giả Phong Lan, “Đọc Khúc hát
4
người anh hùng” in trên báo Văn nghệ số 29 (1975) của tác giả Bàng Sỹ
Nguyên, “ Nhà thơ non trẻ của Việt Nam” trên báo Văn nghệ Hải Hưng số 6
(1975) của tác giả N.Niculin…
Bên cạnh đó, bạn đọc có thể ghi nhận rất nhiều lời nhận xét giá trị về
thơ Trần Đăng Khoa như : “Tinh hoa văn hóa dân tộc đã dồn đúc vào một số
ít người, trong đó có Khoa” (Nhà thơ Tố Hữu); “Thơ Trần Đăng Khoa hấp
dẫn như loại vang nho, nhẹ, không gây xốc, không làm chúng ta khùng
nhưng" uống rồi sẽ ngấm, sẽ say lâu và khó bỏ” (Nhà văn Đình Kính); “
những tầng sâu văn hóa Việt đã thấm sâu, hun đúc, phát lộ êm ả chảy, chứa
chan tình cảm trong con người cậu mà làm ra thi ca của thi sĩ Trần Đăng
Khoa.” (Nhà văn Sương Nguyệt Minh); “Thơ Trần Đăng Khoa vẫn là một
miền riêng, không trộn lẫn. Giống như ca khúc Trịnh Công Sơn, giai điệu
bài hát khi cất lên, dù nghe ở đâu vẫn nhận ra chất nhạc của riêng một
người…Nhà văn chỉ có thể đóng góp cái gì đó cho nền văn học khi họ có
cái gì đó của riêng mình. Trần Đăng Khoa có cái “tôi” của riêng mình
trong thơ” (Nhà phê bình Trần Thiện Khanh)…
Cùng với những bài viết, nhận xét còn xuất hiện những công trình
nghiên cứu về sáng tác Trần Đăng Khoa như:
“Thơ Trần Đăng Khoa – Nhà thơ Việt Nam hiện đại” (NXB Khoa học
xã hội – 1984) tác giả Vân Thanh lí giải về thế giới thơ Trần Đăng Khoa, đó
là sự bắt nguồn từ những cảnh vật, những sinh hoạt quen thuộc. Đọc thơ Trần
Đăng Khoa người đọc như được gội trong một không khí riêng biệt, không
thể nhầm lẫn của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thơ Khoa nắm bắt được những
màu sắc, âm thanh, hương vị của thế giới bên ngoài, cảnh vật dưới ngòi bút ấy
như có hình nét và tâm hồn. Đồng thời tác giả cũng nhận định rằng khi Trần
Đăng Khoa đã là một nhà thơ trưởng thành, thơ Khoa vẫn tiếp tục gợi được sự
5
chú ý của người đọc, nhưng cả người viết và người đọc hôm nay vẫn đang đòi
hỏi ở nhà thơ một nội dung mới, một giọng điệu khác.
Chuyên luận “Tìm hiểu vài nét về thế giới nghệ thuật thơ Trần Đăng
Khoa giai đoạn thiếu nhi”, ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn – ĐH Quốc gia
Hà Nội, 1989, tác giả Hoàng Thị Hạnh đã thông qua việc khảo sát trên tác
phẩm để tìm ra lí do tạo nên những thành công về nghệ thuật của thơ Trần
Đăng Khoa, đồng thời phát hiện thêm những ý kiến đánh giá để đi tới một
nhận định chung nhất về thơ Trần Đăng Khoa.
Trong bài viết “Trần Đăng Khoa trước con đường hình thành một cá
tính thơ” (NXB Văn học – 1997), tác giả Lại Nguyên Ân và Trần Đình Sử lại
viết dưới dạng một cuộc trò chuyện để đưa ra những nhận xét, đánh giá về
giai đoạn thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa.
Khi “Chân dung và đối thoại” ra đời, các thông tin, bài viết phản hồi
đã được tập hợp khá đầy đủ trong cuốn “Xung quanh cuốn Chân dung và đối
thoại của Trần Đăng Khoa” (NXB Thanh niên – 1999). Những phát biểu
khách quan mang tính học thuật đóng góp cho sự phát triển của hoạt động văn
học là nội dung chính của tác phẩm này…
Tác phẩm bàn về thơ Trần Đăng Khoa tương đối đầy đủ được xuất bản
gần đây nhất là cuốn “Trần Đăng Khoa thần đồng thi ca” (NXB Văn hóa
thông tin – 2000) của tác giả Vũ Nho. “Trần Đăng Khoa thần đồng thi ca”
gồm có 3 phần, chủ yếu tập trung bàn về thơ Trần Đăng Khoa trong giai đoạn
thiếu nhi, tác giả cũng tập hợp một số bài bình, nghiên cứu của một số tác giả
khác như Phạm Hổ, Tố Hữu, Xuân Diệu, Lại Nguyên Ân, Phạm Khải, Lê
Thường…Khi nói về thơ Trần Đăng Khoa, tác giả Vũ Nho đã liệt kê các yếu
tố tạo nên sức hấp dẫn trong thơ Khoa, mà trước hết là ở cách xưng hô và một
thế giới riêng kì diệu khiến “người ta ngạc nhiên, khoái trá vì cách quan sát
tinh tế, cách nhìn nhận sự vật hồn nhiên, cách liên tưởng rất riêng, cùng với
6
cách nói lên những gì nghĩ ra, cảm được và trông thấy”. Tác giả Vũ Nho còn
phát hiện ra sức hấp dẫn trong thơ Khoa là “linh hồn của thơ tình cảm”, thơ
Trần Đăng Khoa gắn bó với bao thế hệ bạn đọc còn bởi chất liệu dân gian
được sử dụng nhuần nhuyễn từ kết cấu, hình tượng đến ngôn từ, thể tài, giọng
điệu…
2.2. Những công trình, bài viết có liên quan đến đề tài biển đảo của
Trần Đăng Khoa
Tốt nghiệp phổ thông trung học, Trần Đăng Khoa không vào đại học
ngay mà xung phong đi bộ đội ( 1975). Trần Đăng Khoa trở thành một chiến
sĩ - thi sĩ. Tác phẩm của ông khai thác chân thực, sinh động hiện thực cuộc
sống, chiến đấu của người lính hải quân. Tác phẩm tiêu biểu như: Bên cửa sổ
máy bay ( 1985), với tác phẩm này, Trần Đăng Khoa đã chính thức khép lại
những vần thơ của chú bé thần đồng ngày nào để trở thành một nhà thơ khoác
áo lính với những suy nghĩ sâu rộng hơn và nhiều sự trải nghiệm hơn. Cũng
trong khoảng thời gian này, Trần Đăng Khoa ấp ủ viết cuốn tiểu thuyết về
lính đảo. Năm 1978 Trần Đăng Khoa hoàn thành, tác phẩm dày 300 trang
nhưng không hài lòng vì "đọc lại thấy truyện thật mà hoá giả" nên không in.
Nhiều năm sau, tác giả viết lại, tác phẩm còn khoảng 80 trang, một cuốn tiểu
thuyết mini 15 chương( 2000).
Vì vậy các bài viết, công trình nghiên cứu về đề tài biển đảo của Trần
Đăng Khoa xoay quanh những sáng tác trên. Tiêu biểu như:“Đọc tập thơ Bên
cửa sổ máy bay” in trong tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 2/1987 của tác giả
Hồng Diệu, “ Tản mạn với Trần Đăng Khoa” in trên báo Văn hóa số 14
(22/8/1993) của nhà nghiên cứu Lý Hoài Thu, “Nói về thơ Trần Đăng Khoa”
in trên báo An ninh thế giới số 116 (11/3/1999) của nhà thơ Tố Hữu, Đảo
chìm:“thần bút”của người lính biển Trường Sa in trên báo Vietnamnet (
7
26/2/2009) của Nguyễn Lương Phán, Trần Đăng Khoa với Trường Sa thiêng
liêng in trên báo Tác phẩm mới (7/10/2013) của nhà thơ Bùi Hoàng Tám…
Bên cạnh đó có số lượng không nhỏ những nhận xét giá trị về đề tài
biển đảo của Trần Đăng Khoa như: “Hóm hỉnh và sắc sảo - có thể nói ngắn
gọn về văn xuôi của Trần Đăng Khoa như vậy”. (Nhà văn Nguyễn Khắc
Trường); “Tất cả những truyện viết trong Đảo chìm, Khoa đã kể cho tôi
nghe không dưới 10 lần), nhưng đến khi đọc văn vẫn thấy có cái gì như mình
mới khám phá, như mới bắt gặp, như mới đột nhiên ngỡ ngàng và cứ như
thần.” (Nhà văn Lê Lựu ); “ Trong “Đảo Chìm”, các câu chuyện cứ như đùa,
như chơi mà rơi nước mắt. Tinh thần một dải đất, một doi cát, một tấc đất của
Tổ tiên được viết ra như khắc đá xuyên suốt tác phẩm.” (Nhà văn Nguyễn
Văn Thọ); “Chuyện nhặt ở Đảo Chìm” (theo cách nói của Trần Đăng Khoa)
là những chuyện mà người khác đã làm, đã viết nhưng trong “Đảo Chìm” nó
vẫn hấp dẫn bởi chính phong cách của Trần Đăng Khoa. Cách thể hiện tếu
táo của một người hiểu biết, có Tài, có Tâm đã lôi cuốn độc giả. Những
chuyện ngỡ như vụn vặt, vô bổ, tầm phào, nhưng thực ra đều có chủ đích của
tác giả, và bằng cảm xúc thực sự của một người lính, một người có tài văn
chương đã biến “chuyện tầm phào” ấy thành những trang viết sinh động, hấp
dẫn, không dứt ra được ( Nhà văn Phạm Ngọc Tiến); “Anh đã chọn cách tiếp
cận với đời thực, với những tâm sự riêng tư trong sâu thẳm tâm hồn người
lính Trường Sa, không cần phải súng đạn ì ùng... nhưng thật thuyết phục và
hấp dẫn. Lối viết hoạt, tươi trẻ là một trong những nguyên nhân giúp Khoa
thành công” (Nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình)…
Bên cạnh những bài viết rải rác của các tác giả trên các báo và tạp chí
còn có những tác phẩm mang tính chuyên luận, nghiên cứu có đề cập đến đề
tài biển đảo của Trần Đăng Khoa.
Trong bài nghiên cứu Nhân vật trữ tình trong thơ Trần Đăng Khoa sau
8
thời niên thiếu in trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ (tháng 3/2009), tác giả
Lê Hồng My nhận thấy sự đổi thay của hoàn cảnh và cảm hứng sáng tác đã
làm hiện diện rõ hai “ mô típ” nhân vật trữ tình mới trong thơ của Trần Đăng
Khoa: Nhân vật trữ tình – người lính và nhân vật trữ tình suy tư, chiêm
nghiệm những nỗi niềm nhân thế. Cả hai dạng nhân vật trữ tình này đều có
tiền đề từ trước nhưng đến chặng đường sáng tác sau mới hiện lên rõ nét.
Qua tiểu luận: " Đảo Chìm - nghệ thuật tạo dựng không gian truyện "
NXB Văn học 2014, tác giả Nguyễn Chu Nhạc đã khẳng định Đảo chìm là
một tác phẩm đặc sắc trong văn học hiện đại nước ta mà thành công về mặt
nghệ thuật của nó, hơn cả, chính là nghệ thuật tạo dựng không gian truyện.
Với luận văn thạc sỹ “Thế giới nghệ thuật thơ Trần Đăng Khoa”, Đại
học khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2006, tác giả Chu
Thị Bích Thủy lại đi sâu nghiên cứu thế giới nghệ thuật thơ Trần Đăng Khoa
từ thời thiếu nhi đến nay. Tác giả đã khảo sát tác phẩm trên hai phương diện
là thế giới nghệ thuật thơ và phương thức thể hiện thơ, qua đó khẳng định
những đóng góp của Trần Đăng Khoa đối với nên thơ Việt Nam hiện đại.
Luận văn Thơ Việt Nam hiện đại viết về biển đảo, luận văn Thạc sĩ, Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2012, Bùi Thị
Thu Huế đã có cái nhìn khái quát về biển đảo Việt Nam qua thơ của một số
tác giả tiểu biểu như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý, Lê
Thị Mây…trong đó không thể không nhắc đến một gương mặt ưu tú có những
đóng góp xuất sắc cho đề tài biển đảo là Trần Đăng Khoa.
Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy phần lớn các luận văn, bài
nghiên cứu khi tìm hiểu về sáng tác của Trần Đăng Khoa nghiêng về một
Trần Đăng Khoa tuổi thơ. Những bài viết phân tích vào cảm hứng và sự thức
nhận về biển đảo - một bình diện mới của thơ văn Trần Đăng Khoa sau 1975
lại không nhiều, còn tản mạn, chưa thành hệ thống. Điều này quả có phần
9
chưa xứng tầm với tài năng cũng như đóng góp của Trần Đăng Khoa.
3. Mục đích nghiên cứu
Chúng tôi chọn đề tài “Cảm thức biển đảo trong sáng tác của Trần
Đăng Khoa” nhằm nghiên cứu một cách hệ thống sáng tác của Trần Đăng
Khoa trên cơ sở hòa trộn thể loại và dưới góc độ của một đề tài, từ đó khẳng
định phong cách, cá tính và những đóng góp của Trần Đăng Khoa vào dòng
văn học viết về biển đảo Việt Nam thế kỉ XX.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn thực thi những nhiệm vụ sau đây:
- Giới thuyết khái niệm cảm thức, cảm thức biển đảo trong sáng tác
đương đại và hành trình sáng tác của Trần Đăng Khoa.
- Tiếp cận đề tài biển đảo nhìn từ cảm hứng nghệ thuật và thế giới hình
tượng trong sáng tác của Trần Đăng Khoa.
- Hệ thống và khái quát một số phương diện nghệ thuật biểu hiện cảm
thức biển đảo trong hai tác phẩm của Trần Đăng Khoa.
5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là: Cảm thức biển đảo trong sáng tác
của Trần Đăng Khoa.
5.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn là các sáng tác của Trần Đăng Khoa sau
1975, cụ thể là:
Tập thơ Bên cửa sổ máy bay, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hội Nhà
văn Việt Nam, năm 1985.
Tập truyện – kí Đảo chìm, Nhà xuất bản Lao Động, năm 2000.
Ngoài ra chúng tôi cũng tham khảo thêm một số sáng tác của các tác giả
khác như : Xuân Diệu, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Trịnh Công Lộc…
10
6. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng một số phương pháp chính sau
đây:
- Phương pháp phân tích, tổng hợp.
- Phương pháp loại hình.
- Phương pháp so sánh.
- Phương pháp tiếp cận thi pháp học.
- Phương pháp nghiên cứu tiểu sử( trường hợp tác giả).
7. Dự kiến đóng góp của luận văn
Qua việc tìm hiểu, nghiên cứu sáng tác về biển đảo của Trần Đăng
Khoa, luận văn khẳng định những đóng góp nổi bật của nhà thơ vào dòng
chảy biển đảo trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại và đương đại. Với đề
tài này, chúng tôi cũng hi vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những
độc giả quan tâm, yêu thích sáng tác biển đảo của Trần Đăng Khoa nói riêng
và cho việc giảng dạy thơ Việt Nam hiện đại trong nhà trường nói chung.
11
NỘI DUNG
CHƯƠNG I: KHÁI LƯỢC CHUNG VỀ CẢM THỨC BIỂN ĐẢO VÀ
HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA
1.1. Khái niệm cảm thức và cảm thức biển đảo trong sáng tác đương đại
1.1.1 Khái niệm cảm thức
Theo Từ điển từ mới Tiếng Việt do tiến sĩ Chu Bích Thu chủ biên
(Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, năm 2002) đã giới thuyết
cảm thức như sau: “Cảm thức là điều, sự hiểu được, nhận biết được bằng
cảm quan, bằng cảm giác. Cảm thức là quá trình tìm hiểu, nhận biết sự vật,
sự việc, hiện tượng bằng cảm tính” [62, 27].
Từ điển Tiếng Việt- Viện ngôn ngữ học đã viết: “cảm nhận là nhận
biết bằng cảm tính hoặc bằng giác quan”, còn: “cảm thức là nhận thức bằng
cảm quan, nhận thức cảm giác” [42, 107]. Như vậy, cảm thức là nhận thức ở
mức độ cao hơn so với cảm nhận. Cảm thức là quá trình nhìn nhận, đánh giá
sự vật, sự việc hiện tượng trong tự nhiên hay những mối quan hệ xã hội, con
người bị chi phối nhiều bởi yếu tố cảm tính chủ quan.
Theo cách xác định trong tâm lí học, cảm thức “là một ý thức trực tiếp
và minh tàng về một nội dung tâm thần hiện có trong tâm trí mà không bao
giờ được nghĩ tưởng đến hay biểu lộ qua các phản ứng cảm xúc hoặc các
động tác vừa mới phát sinh, hoặc các ý hướng hay chiều hướng suy tưởng”
[30, 80]. Sự biết của cảm giác theo cách hiểu trên nhấn mạnh đến tính chất
“trực tiếp và minh tàng”, đó như là biểu hiện của trực giác được soi chiếu một
cách đồng bộ cùng cảm giác và tri giác trong quá trình nhận thức. Chính vì
thế, cảm thức, không gì khác, tự bản thân, nó chính là một tổ hợp giữa cảm
giác, tri giác và trực giác.
Như vậy qua một số định nghĩa trên, có thể thấy điểm giống nhau trong
định nghĩa về cảm thức đó là: cảm thức là cách con người nhận thức, đánh
12
giá, xem xét một vấn đề nào đấy trong cuộc sống bằng con mắt chủ quan,
bằng cảm nhận của chính họ chứ không phải của một ai khác. Cảm thức đóng
vai trò là trung tâm của mọi sự thụ nạp những gì ngoại giới đang trong từng
ngày tác động vào nội giới. Đồng thời, nó phóng nạp ra ngoại giới những gì
mà chính cảm thức muốn thực hiện công cuộc khảo sát cho riêng mình, trên
từng ý tưởng. Cảm thức là nhận thức được cảm quan đem lại những gì có ý
nghĩa cho chủ thể. Hơn thế nữa, cảm thức luôn là nơi chứa đựng điều gì đó
mang tính tường minh của tổng thể, trong hệ thống tâm lí mỗi cá nhân.
Trong cuộc sống ta có thể bắt gặp: cảm thức thời gian, cảm thức thiên
nhiên vũ trụ, cảm thức sắc màu…đó là những cảm nhận thực nhất của mỗi
người về khách thể bằng cảm nhận chủ quan. Thông qua sự tri nhận của mỗi
tác giả, có thể thấy sự sinh động, cụ thể của thế giới tự nhiên, xã hội góp phần
tạo nên tính phong phú, đa dạng, độc đáo của cuộc sống.
1.1.2. Cảm thức biển đảo trong sáng tác đương đại
Có thể phác thảo dáng hình đất nước Việt Nam qua câu thơ của Thanh
Thảo: Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển. Đó không chỉ là hình hài Tổ quốc
mà còn là khí chất của con người Việt Nam. Bao đời nay, biển đảo luôn là vẻ
đẹp tráng lệ của mỗi miền quê, là địa danh ghi dấu những chiến công hiển
hách của lịch sử chống ngoại xâm, là bản sắc văn hoá và là nguồn cảm hứng
bất tận của văn học nghệ thuật. Biển Việt là một không gian vô cùng rộng lớn,
nơi hình thành các cơ tầng, trầm tích và nuôi dưỡng các nền văn hoá Việt cổ,
là “đường dẫn”, kênh giao tiếp cực lớn để nối liền với thế giới. Nhưng đồng
thời, và quan trọng nhất, đó là phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, khẳng
định, khắc ghi chủ quyền dân tộc. Đặc biệt là ở thời điểm hiện tại, khi tình
hình biển Đông đang “dậy sóng” và “nóng” lên từng ngày, thực thể Việt Nam
một lần nữa lại cần phải được nhìn từ biển.
Từ bao đời nay, biển đảo quê hương luôn là một phần máu thịt không
13
thể tách rời trong tim mỗi người dân đất Việt. Đó chính là một món quà vô
giá mà thiên nhiên ưu đãi, lịch sử hào hùng trao tặng chúng ta. Chính trên
vùng mênh mông đại dương bao la, nơi cột mốc chủ quyền sừng sững như
chứng nhân của lịch sử đầy “máu và hoa”, luôn có những con người vẫn
ngày đêm canh giữ cho quê hương giấc ngủ yên bình. Chính tại nơi đầu sóng
ngọn gió luôn có lá cờ Tổ quốc tung bay đó là nơi những trái tim đầy nhiệt
huyết của tuổi trẻ, của đông đảo các thế hệ Việt Nam hướng về với lòng thành
kính, yêu thương và biết ơn vô hạn. Vì một lý do rất đơn giản: Đây là quê
hương chúng ta.
Trong bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam nói chung, chủ đề
biển đảo làm nên một dòng chảy liên tục, xuyên suốt từ văn học dân gian sang
văn học viết gồm nhiều thể loại như thơ, phú, kí, truyện ngắn, tiểu thuyết…
Mỗi giai đoạn, mỗi thể loại sẽ có những kiểu sáng tác và hệ hình thi pháp
riêng nhưng chung quy đều hướng tới việc khám phá đời sống con người
cùng những đa dạng về sinh thái học: cảnh sắc thiên nhiên, chân dung tâm
hồn, phong tục tập quán, nguyên tắc và văn hoá ứng xử trước biển… Biển
đảo, do vậy, là một đề tài vừa mang tính duy mĩ, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu
sắc. Đây thực sự là một lưu vực lớn trong địa lí văn chương Việt.
Cảm thức biển đảo vì thế được hiểu như là sự nhận thức về không gian
sinh thái biển, đảo qua cảm nhận chủ quan, cảm tính của mỗi nhà văn, nhà
thơ. Có thể thấy rằng, mỗi tác giả dù đặt chân đến hay chỉ là xúc cảm mãnh
liệt qua trang lịch sử, địa lí của dân tộc về biển đảo mà viết nên tác phẩm song
đều viết bằng tất cả tình yêu chân thành và nồng nàn mãnh liệt. Biển đảo là
máu thịt của đất nước nên các nhà thơ viết về biển đảo cũng chính là viết
về Tổ quốc thân yêu. Tình hình biển đảo hiện nay đang nóng bỏng từng giờ
càng thôi thúc nhiều nhà thơ hướng trái tim của mình ra biển để sáng tác.
Với họ, viết về biển đảo chính là một cách để thể hiện tình yêu cháy bỏng
14
đối với đất nước. Nhà văn Nguyễn Trí Huân cho rằng: “Việt Nam là một
dân tộc hướng ra biển. Biển “nóng” lên thế nào, đất liền cũng sẽ “nóng”
lên như vậy. Trên biển không chỉ có sóng, có gió mà còn có cả con người những con người hết sức đẹp đẽ. Trong nhiều năm qua, đã có hàng trăm nhà
văn, nhà thơ đến với Trường Sa, Hoàng Sa... Nhưng không chỉ có Trường
Sa, Hoàng Sa, mà những hòn đảo khác nữa trong vùng biển thiêng liêng của
Tổ quốc sẽ mãi là đề tài lớn với thi ca, bởi đó là máu thịt, là hương hỏa từ
ngàn đời của ông cha ta bao thế hệ” [7]
Thơ Việt viết về Tổ quốc đã trở thành một dòng chảy trong lịch sử dân
tộc. Trong khi nhiều cây bút thơ đương đại đang trên đường đua vào các miền
riêng của cõi tâm tư để tạo nên những bức chân dung của riêng mình thì có
không ít nhà thơ trải lòng mình trước những hi sinh vì Tổ quốc thiêng liêng,
mang cảm thức chân thành bằng nhiều hình tượng thơ sống động. Biển Đông
chưa bao giờ lặng sóng, đất liền chưa khi nào thật bình yên, nên mỗi hồn thơ
thao thức khôn nguôi. Dường như mỗi nhà thơ có một mảnh đất riêng để gieo
trồng cảm xúc.
1.1.2.1. Thơ viết về biển đảo từ 1945-1975
Văn học giai đoạn 1945 - 1975 là nền văn học vận động và phát
triển dười sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, có sự thống nhất về khuynh
hướng tư tưởng. Văn học giai đoạn này hướng đến việc phản ánh hai cuộc
kháng chiến thần thánh của dân tộc với các vấn đề lớn của thời đại. Tuy vậy,
khảo sát đội ngũ các nhà thơ chúng ta thấy có không ít những tác giả viết về
biển đảo. Thậm chí ngay trong một số tập thơ viết về đề tài chiến tranh thì
vẫn có những bài thơ viết với cảm hứng biển đảo. Từ các nhà thơ của thế hệ
Thơ mới như: Xuân Diệu, Huy Cận đến những nhà thơ thời chống Mĩ như:
Xuân Quỳnh, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Tế Hanh, Giang Nam, Tô Nhuần,
Phan Ngọc Thường Đoan, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ
15
Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Trung Thông, … đã để lại một
khối lượng sáng tác đồ sộ gồm các trường ca, các tập thơ và bài thơ viết về
biển đảo với cái nhìn từ nhiều chiều kích khác nhau.
Xuân Diệu - “nhà thơ của niềm khát khao giao cảm với đời” tìm đến
với biển như một tất yếu để thể hiện tình yêu. Bản thân Xuân Diệu lại được
sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quy Nhơn đầy sóng và gió nên biển với
ông như một phần hồn không thể thiếu. Một minh chứng cho điều đó là bài
thơ Biển. Ở bài Biển, nhà thơ Xuân Diệu đã thực sự thăng hoa khi ngợi ca biển
Việt Nam trong vẻ đẹp lung linh huyền ảo. Biển và bờ như một cặp tình nhân
đắm say trong tình yêu đầu đời: “Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh
muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê/ Bờ đẹp
đẽ cát vàng/ Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/ Suốt ngàn
năm bên sóng...”
Những vần thơ trên đã mang đến cho người đọc, nhất là thế hệ trẻ một
tình yêu nồng nàn, đằm thắm đối với biển đảo quê hương. Biển và bờ như hình
với bóng, luôn gắn quyện vào như cặp tình nhân. Hình thức nhân hóa biển và
bờ một cách tài tình của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu thực sự đã đem đến cho
bài thơ một sức sống mới, sức sống của tuổi thanh xuân. Biển được viết sau
Cách mạng tháng Tám (1962),trên bãi biển Sầm Sơn. Nhưng như chính nhà
thơ tâm sự, nguồn thi hứng của ông lại được gợi lên từ biển Quy Nhơn cát
vàng nước biếc dạt dào, tiếng thầm thì của phi lao như lời tâm sự của những
tình nhân. Biển là bài thơ tình yêu nhưng vượt ra khỏi phạm vi của tâm tình
lứa đôi bởi bài thơ còn nóng hổi những cảm xúc bồi hồi của đứa con miền
Nam trong những ngày phải xa cách quê hương khi đất nước cắt chia làm hai
nửa. Biển cũng là tình yêu vọng về mảnh đất Bình Định thân thương, nơi đã
nuôi dưỡng hồn thơ Xuân Diệu. Vì vậy có thể thấy qua Biển - tình yêu lứa đôi
đã quyện hòa cùng tình yêu quê hương :“Anh không xứng là biển xanh/
16
Nhưng cũng xin làm bể biếc/ Để hát mãi bên gành/ Một tình chung không
hết”. (Biển)
Nếu Xuân Diệu - nhà thơ của tình yêu tìm đến biển để giãi bày những
cảm xúc yêu thương nồng cháy, mãnh liệt thì Huy Cận - nhà thơ của không
gian lại tìm đến với biển như một lẽ đương nhiên. Ông từng thú nhận “Lòng
ta mê biển tự sơ sinh”, nên suốt hơn nửa thế kỷ đời và thơ, nhà thơ đã luôn
vui buồn cùng biển. Ông viết nhiều về biển với cảm thức không gian vũ trụ.
Tập Ta viết bài thơ gọi biển về của nhà thơ gồm 45 bài lấy cảm hứng về biển
đảo. Có lẽ, chỉ đến với không gian bao la ấy nhà thơ mới khám phá hết được
những chiều kích của vũ trụ và thể hiện nỗi lòng của một tâm hồn gắn bó với
non sông, đất nước. Với Huy Cận, biển không chỉ có sóng, nước, mây trời,
nắng gió, trăng sao, những ngọn đèn biển … mà còn là những bến bờ, xóm
thôn, đảo vịnh, thuyền bè và những con người kiên cường, thủy chung … Đó
là một biển đảo từ buổi hồng hoang với sự tích dưa Mai An Tiêm : “Đất buổi
hồng hoang cát bụi bay/ Cát chưa yên định, đất chưa dày/ Đất vừa mới nhú
từ lòng biển/ Cát chửa làm quen những bóng cây”(Dưa An Tiêm); là một
không gian gần gũi gắn với mưu sinh của dân vạn chài:“Mặt trời xuống biển
như hòn lửa/ Sóng đã cài then, đêm sập cửa/ Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi/
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.(Đoàn thuyền đánh cá). Với tình yêu và
niềm tự hào, Huy Cận còn thấy một biển quê hương Việt Nam tươi đẹp, giàu
có: “Ôi biển đẹp, biển giàu/ Lưng ta dựa vào biển/ Tay khoan vào biển sâu/ Ôi
biển mát lại cho ta nồng ấm”.(Biển giàu, biển đẹp)
Viết về đề tài biển đảo ở thời kỳ này không thể không kể đến tên tuổi
Xuân Quỳnh - nữ sĩ của tình yêu và hạnh phúc đời thường. Với 10 tập thơ để
lại, Xuân Quỳnh có không ít những bài thơ lấy hình ảnh con thuyền xuôi
ngược, biển cả bao la và những con sóng cuộn trào làm nguồn cảm hứng.
Những hình tượng ấy trở đi trở lại như một phương thức trữ tình độc đáo để
17
bộc lộ cảm xúc, tình cảm của nhà thơ. Bởi Xuân Quỳnh vốn là người có một
tâm hồn nhạy cảm và khát vọng luôn dâng trào mãnh liệt với tình yêu hạnh
phúc của một con tim cuồng nhiệt đam mê để sống và để yêu. Chị từng nổi
tiếng với những bài thơ tình được đông đảo độc giả yêu thích như: Sóng,
Thuyền và biển,...Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ từng nhận xét: “Sóng
và Thuyền và biển là hai bài thơ tình vào loại hay nhất của Xuân Quỳnh
nói riêng và của thơ hiện đại Việt Nam nói chung. Nó có mặt trong hầu hết
gia tài của những đôi lứa yêu nhau”. Chúng ta chắc không thể nào quên những
câu thơ cồn cào nỗi nhớ, khắc khoải đến đam mê: “Con sóng dưới lòng sâu/
Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/
Lòng em nghĩ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. (Sóng). Hay “Những ngày
không gặp nhau/ Biển bạc đầu thương nhớ/ Những ngày không gặp nhau/
Lòng thuyền đau - rạn vỡ/ Nếu từ giã thuyền rồi/ Biển chỉ còn sóng gió/ Nếu
phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố” ( Thuyền và biển )
Tuy nhiên Sóng không chỉ là lời tự hát tình yêu mà cao hơn thế, giữa
những năm bão lửa chiến tranh Sóng là khúc ca hòa nhập giữa cá nhân vào
cộng đồng, giữa tình yêu bé nhỏ vào tình yêu bao dung rộng lớn của biển đời,
biển người:“Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn
tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ”.( Thuyền và biển )
Giai đoạn 1945 - 1975 còn ghi dấu nhiều bài thơ của các nhà thơ khác
viết về biển đảo như: Gửi từ đảo nhỏ, Tôi đi Bào Ngư của Hữu Thỉnh, Bến
cá - Thanh Thảo, Huyện đảo quê hương - Giang Nam, Nói với con chim
biển - Tô Nhuần, Ở biển - Phan Ngọc Thường Đoan, Biển đêm, Biển lặng,
Biển một ngày, Em lại ra với biển - Nguyễn Thị Hồng Ngát, Núi, Biển, Em
và Anh - Phan Thị Thanh Nhàn, Trước biển - Vũ Quần Phương, Tháng tư,
Trường Sa - Nguyễn Khoa Điềm, Những cánh buồm - Hoàng Trung Thông,
Quê hương - Tế Hanh,…
18
Như vậy, nhìn lại những sáng tác thơ viết về biển đảo trong văn học từ
1945 đến 1975 ta thấy chủ yếu các tác phẩm gắn liền với cảm hứng tình yêu.
Ngoài cảm hứng về tình yêu, các nhà thơ chủ yếu ca ngợi sự giàu đẹp của
biển. Những vấn đề thời sự về biển chưa xuất hiện trong thơ.
1.1.2.2. Thơ văn viết về biển đảo từ sau năm 1975 đến nay
Đại thắng mùa xuân 1975 đã kết thúc thắng lợi, đặt một dấu mốc vĩ đại
và mở ra một thời kì mới trong lịch sử dân tộc - đất nước thống nhất, non
sông thu về một mối. Đồng thời điều kiện lịch sử ấy cũng đưa tới một chặng
đường mới của nền văn học Việt Nam. Đề tài biển đảo Tổ quốc trở thành
nguồn cảm hứng bất tận của thi ca. Hàng loạt nhà thơ trưởng thành từ cuộc
kháng chiến chống Mỹ như: Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Thanh Thảo, Nguyễn
Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Trần Đăng Khoa, … đến các nhà thơ hậu chiến
như: Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn
Phan Quế Mai… đều có những vần thơ hay về biển đảo.
Nếu ở thời kỳ 1954-1964 chỉ có những bài thơ lẻ, thì đến thời kỳ sau
1975 đã xuất hiện thêm nhiều trường ca, một thể loại anh hùng ca miêu tả
cuộc sống và những người anh hùng trong chiến đấu. Tiêu biểu cho thể loại
này có: Những người đi tới biển (1977) của Thanh Thảo, Trường ca
Biển (1994) của Hữu Thỉnh, Hạ thủy những giấc mơ ( 2013) của Nguyễn Hữu
Quý... Những bài thơ tiêu biểu giai đoạn này như: Thơ viết ở biển của Hữu
Thỉnh, Tháng tư, Trường Sa của Nguyễn Khoa Điềm, Thơ tình người lính
biển của Trần Đăng Khoa, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, …
trong đó nhiều bài đã được phổ nhạc.
Nhà thơ Hữu Thỉnh vốn là anh lính xe tăng vừa thoát ra khỏi cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của toàn dân tộc, rất nhạy cảm và giàu
suy tư. Biển đảo đã trở thành nguồn cảm hứng vĩ đại đã nuôi dưỡng hồn thơ
ông. Với các bài thơ Gửi từ đảo nhỏ, Tôi đi Bào Ngư, Thơ viết ở biển và
19
Chương 5 Trường ca Đường tới thành phố, đặc biệt là Trường ca Biển
hình tượng biển đảo gắn với người lính xuất hiện dày đặc. Sau Đường tới
thành phố, Hữu Thỉnh viết ngay Trường ca Biển, xong lần thứ nhất từ năm
1981 và hơn mười năm sau, anh mới sửa chữa lại, rồi xuất bản năm 1994.
Với cảm nhận của Hữu Thỉnh, Tổ quốc chưa thể hoàn toàn được độc
lập nếu như vùng biển đảo chưa hoàn toàn thuộc về chúng ta. Cách nhìn của
Hữu Thỉnh về biển đảo có phần nhạy cảm và mang tính dự báo hơn các nhà
thơ khác có lẽ vì ông là một trong số những nhà thơ Việt Nam đã vượt
sóng nước trùng khơi để ra Trường Sa, ăn ngủ cùng những người lính hải
quân ngay sau khi đất nước vừa giải phóng. Sự khốc liệt nơi rẻo đất mịt
mùng trời nước ấy đã hiện lên trong thơ ông với đầy đủ dáng vẻ của một con
tàu luôn luôn phải đối mặt với sóng dữ, vừa là sóng của biển khơi nhưng
cũng là bão tố từ những dã tâm luôn chực chờ thôn tính - “Đảo có lính, cát
non thành Tổ quốc”. Vì thế, hình ảnh đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc
được nhà thơ khắc họa sừng sững giữa biển cả mênh mông đang chống chọi
với bão tố. Những người lính nơi biển đảo xa kia đang từng ngày từng giờ
vượt qua bao khó khăn, gian khổ để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo thân
thương. Trong hoàn cảnh mới của đất nước thì trách nhiệm của những người
lính đảo càng nặng nề hơn bao giờ hết. Nếu trong chiến tranh giữ gìn bảo vệ
biển đảo chính là đấu tranh để bảo vệ đất nước thì thời bình không gian
biển chính là không gian tượng trưng ước lệ. Đó không chỉ là bối cảnh nơi
người lính đang sống, chiến đấu bảo vệ chủ quyền của đất nước mà đó còn
là những đòi hỏi của lịch sử dân tộc vẻ vang trước đây với nhiệm vụ của
đất nước trong thời đại mới. Đối thoại biển chính là cuộc đối thoại giữa lịch
sử với dân tộc, đất nước, con người về con đường đi lên của dân tộc trong
hiện tại và tương lai. Con người ta không thể sống mãi với kinh nghiệm cũ
với hào quang quá khứ và với một dân tộc cũng vậy. Người lính nơi biển