Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Kiêng kị ngày Tết

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (65.32 KB, 3 trang )

Nguồn gốc Tết Nguyên đán và những điều kiêng kị
Trong một năm Việt Nam có rất nhiều lễ Tết, ứng với tiết trời và mùa vụ khác nhau, nhưng lớn
nhất, trọng đại nhất vẫn là Tết Nguyên đán. Cái Tết bắt đầu cho năm mới, hy vọng về mọi sự may mắn
tốt lành của mùa xuân nảy lộc đâm chồi, đồng thời cũng bỏ lại tất cả những rủi ro, đen đủi của năm cũ.
Lẽ trời đất có thuỷ phải có chung, có bắt đầu thì phải có kết thúc, cho nên trong Tết Nguyên
đán, đón lễ Giao thừa chính là thời khắc thiêng liêng nhất, giao lại cái cũ, đón nhận cái mới.
Vì vậy lễ Giao thừa còn gọi là Lễ Trừ tịch. Tết Nguyên đán của ta tiến hành vào phút cuối cùng của năm
cũ, phút đầu tiên bước sang năm mới, tức là giữa giờ Hợi ngày 30 hoặc nếu tháng thiếu thì ngày 29
tháng Chạp năm trước và Giờ Tý ngày mùng 1 tháng Giêng năm sau.
Xưa kia, ở các triều đại phong kiến, ông vua nào cũng tự xưng mình là “Thiên tử” (con trời)
thay trời trị dân. Vì thế vua nào tối tăm, hôn ám, trời sẽ gieo tai hoạ để trừng trị. Điều này đã được ghi
rõ trong những bộ Chính sử của Nhà nước phong kiến để giải thích những hiện tượng như sao Chổi
(điềm chiến tranh), mất mùa, lụt lội… Và tất nhiên các ông Vua đều phải trai giới lập đàn sám hối…
Cũng với quan niệm trên, người xưa cho rằng trên thiên đình có 12 vị Đại vương hành khiển,
mỗi người phụ trách một năm, hết một giáp tức 12 năm lại trở lại từ đầu, vì vậy các vị Đại vương này
còn được gọi là Đương niên chi thần. Trách nhiệm của mỗi vị là theo dõi nhân gian trong cả năm, xem
xét việc hay, dở của từng người, từng gia đình, từng địa phương trong cả nước để định công, luận tội,
tâu lên Thượng đế.
Mỗi vị hành khiển có một vị phán quan giúp việc ghi chép sổ sách cho rành mạch. Lễ giao thừa
ngoài ý nghĩa “tiễn năm cũ đón năm mới” còn là lễ tiễn Đại vương hành khiển cũ và đón vị Đại vương
mới, cho nên nghi thức lễ giao thừa vừa linh thiêng vừa trọng đại. Lễ được làm ở đình làng, ở thôn
xóm, ở nhà thờ họ và mỗi gia đình. Hiện trong thư tịch Hán nôm còn lưu lại khá nhiều bài văn khấn
trong lễ giao thừa ngoài phần niên tuế, tính danh chủ lễ, địa chỉ… Cuối cùng bao giờ cũng phải vọng
bái.
- Đương niên đương cảnh Đại vương hành khiển
- Lâm tào phán quan
- Bản địa Thổ địa thần kỳ
- Bản cảnh Thành Hoàng
Sở dĩ phải khấn như trên bởi khi đức Đại Vương hành khiển đại diện cho Thượng đế đã giáng
trần thì Thổ thần và Thành Hoàng phải nghênh tiếp, do đó cũng được phối hưởng.
Chắc chắn quan niệm “Thiên địa vạn vật nhất thể” hay “Thiên nhân tương dữ” trong dân gian


chẳng mấy ai để tâm nghiên cứu hay tìm hiểu về “lý nọ”, “sự kia”, mà người ta làm theo lệ tục từ một lẽ
rất đơn giản: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến một số kiêng kị
trong Tết Nguyên đán xưa.
1. Kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết
Họ sợ rằng sẽ quét hết vận đỏ đi. Vì thế ai cũng quét dọn nhà cửa, vườn tược, bao sái đồ thờ
tự trước lúc giao thừa. Ở Nam Bộ sau khi quét dọn phải cất hết chổi, nếu trong ngày Tết bị mất chổi có
nghĩa là năm đó nhà sẽ bị trộm quét sạch của cải.
Ở nông thôn ngày Tết nhà nào cũng rắc vôi bột ở bốn góc vườn, rồi vẽ mũi tên hướng ra cổng
để xua đuổi ma quỷ, hung thần bốn phương kéo đến gieo tai hoạ. Còn thành thị thường hay treo “quả
bùa gỗ” để trấn ma quỷ.
2. Tranh Tết
Kiêng không treo những tranh “xui xẻo” như đánh ghen, kiện tụng mà phải tìm bằng được
những tranh lợn, gà, cậu bé, vinh hoa phú quý… hy vọng năm mới sẽ có nhiều điều tốt lành, trâu bò
chật ních, thóc lúa đầy bồ. Ngày Tết nhà nào cũng có lọ hoa, tuỳ theo gia cảnh mà trang trí bày biện.
Ở nông thôn thì phần nhiều là những cành hoa giấy, hoa lông gà lông vịt màu sắc rực rỡ mua ở
những phiên chợ Tết hàng tổng, hàng huyện. Song ở thành thị nhiều nhà cầu kì và kĩ tính, kén chọn
những cành đào bích không những đầy hoa mà còn phải có nhiều nụ, nhiều lộc. Hoặc những cây sung
thế lúc lỉu quả. Hình như trong sâu thẳm đáy lòng ta vẫn tin vào một sự huyền bí, siêu nhiên nào đó sẽ
đáp ứng được mong mỏi và nguyện vọng của mỗi người.
3. Xông nhà
Xông nhà ngày Tết là một việc hết sức trọng đại vì thế hầu như nhà nào cũng kiêng kị rất cẩn
thận. Bởi nếu không những điều xấu sẽ vận vào bản thân, gia đình mình. Vì sợ “dông” nên phải chọn
người xông nhà, tuổi tính theo hàng can không xung với năm đó và không xung tuổi với chủ nhà.
Người ta thường chọn những người gia cảnh song toàn, con cháu đông đàn dài lũ, làm ăn
thịnh vượng, vì thế mới có lệ “hẹn trước”, mời đến xông nhà. Người Nam Bộ còn có thói quen chọn
người có tên đẹp như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, Lợi… mời đến xông nhà để cả năm sẽ thuận lợi, may mắn.
Thật không may cho nhà ai bị những người nặng vía xông nhà, hoặc mùng một Tết có người
đến nhà xin lửa, xin nước. Thường thì trước khi bước sang năm mới ở nông thôn nhà nào cũng lo đổ
đầy nước vào bể, vào chum hoặc vại. Từ trong tâm thức người ta tin rằng năm mới đến sẽ đem theo
của cải nhiều như nước. Chẳng thế mà sáng mùng một Tết rất nhiều nhà, nhất là ở phố phường xưa

kia hay thuê người gánh nước đến. Họ được mừng tuổi đôi ba hào, thế là cả chủ nhà lẫn người quẩy
thuê cả năm sẽ đều may mắn.
Một điều nữa cần nói đến là trong ngày Tết mọi người đặc biệt quan tâm đến cách ứng xử với
hàng xóm láng giềng, bạn bè và những người trong gia đình. Ai cũng tỏ ra vui vẻ, hồ hởi, thân tình
trong không khí ấm áp của mùa xuân. Ai cũng ngại và sợ to tiếng hoặc xô xát thì quanh năm sẽ bị dông.
Giá như điều kiêng kị này cứ giữ được trong cả năm thì hay biết bao.
Theo PGS.TS. Đỗ Thị Hảo - Viện Hán Nôm
Tết Nguyên Đán theo phong tục cổ truyền dân tộc
Tết cổ truyền của người Việt Nam chính là Tết Nguyên Đán mở đầu của năm mới kể từ lúc
giao thừa. Nguyên Đán là bắt đầu, Đán là buổi sáng sớm mai, do vậy Tết Nguyên Đán có nghĩa là Tết
năm mới được bắt đầu từ buổi sớm mai của một năm.
Theo phong tục cổ truyền trong dịp Tết Nguyên Đán, người Việt Nam vẫn thường tiến hành các
lễ thức sau.
Lễ cúng giao thừa (lễ trừ tịch)
Tết Nguyên Đán chính là điểm giao thời, đúng vào khoảnh khắc năm cũ và mới, gặp nhau và
tiễn biệt Người xưa cho rằng: vào giao thừa, phút giây cuối cùng của năm cũ, phút giây mở đầu của
năm mới, tất cả mọi sự vật trong vũ trụ đều có sự thay đổi vô cùng kỳ lạ . Mọi người hồi hộp chờ đón
giây phút thiêng liêng với bao trân trọng, phấn chấn... Đó chính là thời điểm quan trọng và linh thiêng
nhất của năm. Đồng thời cũng là thời khắc chuyển từ mùa đông giá rét, khô cằn sang mùa xuân ấm áp,
cây cối xanh tươi đâm chồi nảy lộc, vạn vật sinh sôi phát triển. Chính vì vậy lễ cúng giao thừa là một lễ
thức rất quan trọng, được tiến hành trịnh trọng với ý nghĩa nhằm "Tống cựu, nghênh tân".
Từ nghìn xưa, người ta sửa soạn lễ vật chu đáo để cúng giao thừa. Tại đình đền (miếu) và tại
các gia đình dâng cúng thần linh bằng cỗ mặn, ở các chùa chiền thì dâng Trời Phật cỗ chay. Trước
đây, việc cúng lễ giao thừa ở các đình làng do ông Tiên chỉ hoặc Thủ từ làm chủ lễ, ở các thôn xóm
cúng giao thừa ở miếu, văn từ hay văn chỉ của xóm do các vị trưởng lão hoặc người có chức vị cao
nhất làm chủ lễ.
Bàn thờ được dựng ngoài trời đủ cả hương án, hương, nến; lễ vật có xôi, thủ lợn hay xôi gà,
bánh chưng, hoa quả rượu nước, mứt kẹo, cau trầu và vàng mã, thêm bộ mũ áo của quan Hành khiển.
Đến giờ giao thừa, trống đình và chuông chùa vang lên thì ông chủ lễ ra khấn lễ thần linh, Thổ công,
Thành hoàng làng, sau đó đến lượt dân làng khấn lễ với tất cả lòng tin tưởng đón quan Hành khiển mới

về hành sự, cầu xin ngài phù hộ cho dân làng vạn sự may mắn....
Tại chùa làng, các tăng ni, Phật tử cũng tổ chức cúng giao thừa; dâng lễ vật bằng cỗ chay. Lễ
cúng gồm có: hương đăng, quả thực, trà nước, cau trầu, vàng mã... sau đó các già, các vãi tụng kinh
niệm phật suốt đêm.
Các gia đình thì lập bàn thờ để cúng giao thừa ngoài trời hoặc trước cửa nhà. Lễ vật dâng
cúng thần linh gồm xôi gà, trà rượu, hương đăng, hoa quả, cau trầu... Đến lúc giao thừa thì chủ nhà
thắp hương khấn vái thần linh, thổ công và mời quan Hành khiển mời cùng táo quân về nhận công việc
điều hành của năm mới và cầu xin các ngài phù hộ độ trì cho cả gia đình được bình an khoẻ mạnh, vạn
sự như ý...
Ngoài ra, trong đêm giao thừa dân gian còn có tục xông nhà, một người hợp tuổi, vốn hiền
lành, có đời sống đầy đủ, gia đình song toàn được gia chủ chọn đến xông nhà sau giao thừa để lấy
phước, lấy may.
Lễ cúng tổ tiên ông bà
Chiều 30 tết, các nhà chuẩn bị lễ vật để cúng bái tổ tiên ông bà và cúng Thổ công. Đây chính là
lễ cúng tất niên và từ đó đèn nhang phải thắp sáng mấy ngày tết cho đến khi hoá vàng. Việc cúng lễ gia
tiên được tiến hành trọng thể nhất là chiều 30 tết để đón tổ tiên ông bà và những người đã khuất về
nhà ăn tết. Sáng mùng 1 tết lại long trọng cúng gia tiên (Lễ tân niên).
Lễ hoá vàng, kết thúc việc ăn Tết Nguyên Đán thường được phần lớn các gia đình tổ chức vào
ngày mùng ba tết (miền Bắc) hoặc mùng bốn tết (miền Nam). Vào ngày này, mọi nhà đều làm cỗ để
cúng tiễn tổ tiên ông bà với đầy đủ con cháu.
Vào dịp tết còn có tục đi chúc tết mừng tuổi, đây là một mỹ tục của người dân đất Việt. Sáng
mồng một, các cụ sau khi làm lễ cúng tổ tiên thì ngồi ở nhà thờ họ để con cháu tới lạy mừng chúc tết.
Con cháu cầu chúc sức khoẻ rồi dâng lễ vật là món quà hay món tiền đặt trong bao giấy hồng điều để
thể hiện sự kính trọng và biết ơn. Món quà hay số tiền mừng tuổi tuy nhỏ nhưng mang ý nghĩa sâu xa
là "uống nước nhớ nguồn". Tục đó gọi là "tiền mở hàng", sẽ đem lại nhiều may mắn cho các cụ trong
năm mới. Sau đó, các cụ lại chia tiền mừng tuổi cho con cháu để con cháu sẽ gặp điều tốt đẹp và may
mắn cả năm.
Cũng theo phong tục cổ truyền, mọi người đi chúc tết gia đình, họ hàng, bạn bè. Ngày mồng
một mọi người đều ăn tết và chúc tết ở nhà họ nội, ngày mùng hai thì đi chúc tết ở nhà họ ngoại, ngày
mồng ba học trò rủ nhau đi chúc tết các thầy cô giáo.

Tết Thượng Nguyên
Trong dịp tết Nguyên Đán còn có tết Thượng Nguyên (tết ngày rằm tháng riêng âm lịch) được
tổ chức trọng thể tại các chùa chiền trong cả nước. Dân chúng nô nức ra chùa đi lễ chùa lễ Phật, đông
đủ như dự hội. Dân gian cho rằng, trong ngày rằm tháng giêng Đức Phật giáng lâm tại các chùa để
chứng kiến độ lòng thành của các Phật tử và dân chúng. Do đó nhân dịp này rất nhiều người lên chùa
lễ Phật để cầu phúc, cầu lộc, cầu tài... Dân gian vẫn truyền tụng câu: Lễ Phật quanh năm không bằng lễ
ngày rằm tháng giêng.
Có thể nói đến Tết Nguyên Đán là sự tổng hoà của mọi mối quan hệ ứng xử của người Việt
Nam với tổ tiên và thế giới tâm linh. Vì vậy, Tết đã tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng. Đó chính là
một đặc trưng cơ bản nhất của bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam.
Theo Nguyễn Quang Lê

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×