GIÀ HÓA VÀ NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ GIÀ
HÓA Ở NGƯỜI
1. Khái niệm già hoá
Già hoá là một quá trình tổng hợp được đặc trưng bởi những qui luật riêng bên trong,
đồng thời có đặc thù nào đó mang tính cá thể, được thể hiện bởi nhịp độ phát triển của nó. Đó
là đặc điểm mức độ biến đổi theo tuổi của các hệ thống khác nhau ngày càng nhanh. [56]
Già hoá liên quan với những biến đổi nhịp sinh lý khác nhau của các tổ chức. Những biến
đổi theo tuổi quan trọng nhất là giảm biên độ các tiến trình sinh lý ngày đêm (24 giờ) như: thân
nhiệt, cortisol huyết tương và giấc ngủ; mất đồng bộ các nhịp khác hoặc lệch nội pha... Khả năng
phục hồi sinh lý chậm chạp đối với hầu như tất cả các cơ quan, hệ thống. Sự suy giảm bài tiết các
hoocmon là một trong những mốc đánh giá sự già hoá sinh học. Sự biến đổi nhịp tim, huyết áp
động mạch, tần số điện não, tần số nghe, dao động và run sinh lý... là những bằng chứng cho thấy:
Khi tuổi đã cao thì sự già hoá vây bọc tất cả các cơ quan, các hệ thống của cơ thể cả về hình thái lẫn
chức năng, đặc biệt là những biến đổi già hoá xảy ra ở hệ thống thần kinh và tuần hoàn. [56]
Sự già hoá là một qúa trình sinh lý diễn ra không đồng đều, không đồng thì, không đồng
tốc. Các hệ thống riêng biệt, các khâu riêng biệt của các hệ thống, các cơ quan, các tế bào khác
nhau hoá già không đồng thì. Các khâu riêng biệt của hệ thống tim mạch ở những người thực tế
khoẻ mạnh, ở những lứa tuổi khác nhau hoá già với nhịp độ không giống nhau. Chức năng tự
động, dẫn truyền, co bóp tim, tính đàn hồi của các mạch khác nhau cũng không giống nhau. Do
sự biến đổi đã dẫn đến suy giảm cung cấp máu cho tất cả các hệ thống: não, cơ, nội quan,...
điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người cao tuổi. [5] Sự hoá già tế bào là cơ sở của
sự hoá già cơ thể. [56]
2. Những thay đổi về hình thái, sinh lý ở một số cơ quan ở người cao tuổi
2.1. Hệ thống cơ xương
Những biến đổi trong quá trình già hoá rất khác nhau tuỳ thuộc cá thể, cũng như khác
nhau giữa các nhóm cơ trong cùng một cơ thể.
Nhìn chung, người từ 30- 80 tuổi, các khối cơ giảm song song với cân nặng, khoảng 30-
40%. Cơ lực cũng bị suy giảm nhưng ít hơn. Mất cơ lực xảy ra không đều. Sự phân bố thần
kinh trong cơ cũng thay đổi. Sự già hoá đã làm cho số lượng đơn vị vận động giảm đi trong tất
cả các cơ. Các mức năng lượng cơ xương cũng thay đổi. Hoạt tính của các enzim phân giải
glucoza giảm nhiều hơn các enzim oxydaza. Sự thiếu hụt tương đối hoocmon tăng trưởng và
androgen diễn ra cùng với sự lão hoá cũng có vai trò quan trọng trong toàn bộ chức năng của
cơ. [5]
Tuổi càng cao thì thành phần nước trong gân và dây chằng càng giảm, do đó, mức độ
cứng của gân lại tăng lên. Trong khi đó, tốc độ hồi phục, tái tạo gân và dây chằng lại cũng giảm
đi do sự thay đổi collagen trong cơ thể.[5]
Các sụn khớp bị thay đổi nhiều khi già. Lực căng của sụn khớp giảm vì thành phần sinh
hoá của nó có nhiều thay đổi. [5]
2.2. Hệ thần kinh
Sự già hoá hệ thần kinh không chỉ chi phối sự già hoá của cơ thể nói chung mà còn chi
phối cả các khả năng thích nghi của nó, những biến đổi hành vi, các phản ứng cân bằng... theo
tuổi. Già hoá các chức năng não bộ sẽ làm biến đổi khả năng tổng hợp, điều hoà mối tương
quan giữa các trung tâm.
Những biến đổi của hệ thần kinh trong quá trình già hoá:
- Trọng lượng não giảm theo tuổi; lưu lượng máu lên não giảm 20% và quá trình tự điều
hoà não cũng thay đổi.
- Trong quá trình già hoá có những thay đổi của các enzim, các thụ thể cũng như các
chất dẫn truyền thần kinh.
- Khi khả năng dự trữ của các cơ chế bù trừ- điều hoà bị thu hẹp lại ở người cao tuổi thì
những biến đổi hoạt động chức năng hình thành các hội chứng lâm sàng già hoá có tầm quan
trọng đặc biệt, là cơ sở của sự xuất hiện các bệnh lý lứa tuổi. [5]
2.3. Hệ tim mạch
Cùng với sự tăng lên của tuổi, hệ thống tim mạch trong cơ thể con người có những thay
đổi như: Các chỉ số hoạt động tim mạch cơ bản thay đổi. Cụ thể: Giảm khả năng co bóp của
tim, lưu lượng phút, nhịp co bóp của tim thưa hơn, sức cản của mạch tăng lên,... Ở người già,
lưu lượng phút của máu ít hơn 25% so với lúc trẻ. Máu do tim đẩy vào động mạch chủ được
phân phối cho các cơ quan cũng thay đổi: Dòng máu tới thận giảm 73%, phổi- 22%, não- 8%,
tim- 25%... [5]
Khi già, động mạch tăng độ nhiễm mỡ và độ vữa xơ, giảm tính đàn hồi. Động mạch nhỏ
ở ngoại vi hẹp dần, làm tăng sức cản khiến tim lúc 60- 70 tuổi tốn nhiều năng lượng hơn 20- 30%
so với lúc 20 tuổi mà hiệu lực cung cấp máu lại thấp hơn. Lưới mao mạch mất dần nên giảm dần
hiệu lực trao đổi chất ở mô. Số lượng các mao quản giảm, bản thân các mao quản cũng bị biến
đổi làm cho khoảng cách giữa chúng tăng lên. Do đó, sự cung cấp oxi kém hơn, sẽ gây ra đói
oxi. Đó là hậu quả của sự tăng tuổi đồng thời lại là nguyên nhân đẩy nhanh tốc tốc độ suy thoái
chức năng đặc trưng của sự hoá già. Vì vậy, có người gọi trạng thái già là trạng thái bệnh lý mao
mạch. Khi tăng tuổi, các loại mỡ huyết tương (kể cả cholesterol) đều tăng. Do đó, bệnh tăng
huyết áp động mạch tăng nhanh. Huyết áp động mạch tăng dần suốt đời theo tuổi nhưng bình
thường không vượt quá con số tiêu chuẩn THA là 160/ 95 mmHg. [5], [56]
Khi già, các khâu điều tiết thần kinh- thể dịch cũng thay đổi đáng kể, ảnh hưởng của
thần kinh lên tim suy yếu....
Như vậy, những thay đổi chức năng của hệ tim mạch theo tuổi đã quyết định sự già hoá
của toàn bộ cơ thể. [5]
2.4. Hệ hô hấp
Ở người cao tuổi, lồng ngực bị thu hẹp lại, bên sườn trở nên đặc cứng làm mất khả năng
tăng dung tích so với lúc trẻ. Do đó, phổi bị biến đổi như: giảm kích thước, giảm thể tích và ít di
động; giảm tính chun của các sợi đàn hồi... làm biến dạng các phế nang. Hiện tượng xơ hoá phổi
tăng lên, tăng các sợi collagen ở các vách ngăn phế nang làm hạn chế tính đàn hồi tổ chức phổi. [5]
Sợi đàn hồi nhu mô phổi thoái hoá làm giảm lực co đàn hồi, giảm tỉ số Tiffeneu
(FEV
1
/VC), làm tăng thể tích cặn (RV, FRC); tất cả các loại thể tích hữu ích và các loại lưu
lượng thở đều giảm dần, đặc biệt giảm nhanh khí dự trữ thở ra (ERV). Vách phế năng tiêu biến
dần, lưới mao mạch ở đó mất theo làm giảm dần diện tích khuếch tán ôxi, các suy thoái đó diễn
ra suốt đời làm giảm dần dự trữ chức năng hô hấp. [56]
Đặc biệt, sự bảo vệ của phổi chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng ở người cao tuổi bị
suy giảm.
Chức năng của phổi đạt đỉnh cao nhất ở 30 tuổi, sau đó giảm dần theo tuổi. [5]
2.5. Một số giác quan
* Thị giác
Biểu hiện của các quá trình già hoá của mắt khá đặc trưng và không giống nhau giữa các
phần. Những thay đổi đáng kể hơn cả là khả năng điều tiết mắt. [5]
* Thính giác
Giảm chức năng cơ quan phân tích thính giác theo tuổi là một trong số các quá trình
sinh lý rõ hơn cả. Người ta cho rằng, già hoá thính giác trên thực tế được bắt đầu từ tuổi thanh
niên và đến 40- 50 tuổi, độ nhạy cảm kém đi rõ rệt, rõ nhất là vùng tần số cao. Thoái hoá các
thụ quan thính giác có ý nghĩa lớn trong thay đổi già hoá thính lực. [5]
3. Già hóa và bệnh tật
Đã từ lâu, người ta thấy bệnh tật tăng lên cùng với tuổi. Đây là một hiện tượng quá phổ
biến và nó chứng tỏ rằng giữa bệnh tật và già hoá có mối liên hệ mật thiết với nhau. [5]
Những trung tâm nghiên cứu trên thế giới gần đây đã khẳng định rằng: Già hoá đã tạo
tiền đề cho bệnh tật phát triển, còn bản thân nó không thể xem là bệnh mà đó là một qúa trình
sinh lý bình thường. Quá trình già hoá làm tăng tính không ổn định, dễ thương tổn, dễ nhiễm
bệnh bởi các quá trình bệnh lý. Đó chính là tiền đề cho cho phát triển bệnh tật lúc về già. [5]
Ở người cao tuổi, bệnh tật chủ yếu là các bệnh mạn tính, thường gặp:
- Bệnh tim mạch;
- Tăng huyết áp;
- Đột quỵ;
- Đái tháo đường;
- Ung thư;
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
- Bệnh xương khớp (Ví dụ: Thoái hoá khớp và loãng xương...);
- Bệnh tâm thần (chủ yếu là sa sút trí tuệ và trầm cảm);
- Suy giảm thị lực, thính lực... [5]
4. Các yếu tố ảnh hưởng tới sự già hóa
4.1. Yếu tố di truyền
Theo nhiều nhà nghiên cứu thì những biến đổi theo tuổi đã được chương trình hoá về
mặt di truyền. Viện Lão khoa Kiev đã tiến hành nghiên cứu trên 5000 những người họ hàng cho
thấy tính di truyền gây ảnh hưởng cơ bản đến tuổi thọ của con người. Theo số liệu của
Voitenco V.P, tần suất có gia đình sống lâu trong nhóm người 80- 84 tuổi là 52%, còn trong
nhóm 105 tuổi lên đến 71%. [5]
Các công trình của Mankovsky N.B và cộng sự đã xác định vai trò của các yếu tố di
truyền trong cơ chế trường thọ. Họ chứng minh rằng những người sống lâu và những người họ
hàng có hoạt động điện sinh vật thuộc thể tạng nhất định, khác với tất cả các quần thể còn lại.
Như vậy, một « typ » già hoá không chỉ là bản thân những người sống lâu mà là cả họ hàng của
họ. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò của các yếu tố di truyền trong cơ chế sống lâu. Cũng
có nghĩa là yếu tố di truyền có ảnh hưởng tới nhịp độ già hoá. [5]
Một số khác lại cho rằng già hoá là kết quả của sự bẻ gãy bộ máy di truyền. Qua nghiên
cứu hội chứng già nhanh đã cho thấy: Hội chứng Werner là sự rối loạn di truyền trên nhiễm sắc thể;
ngoài sự già hoá về thể chất, những bệnh nhân này còn có một số thay đổi đặc trưng không giống
như sự già hoá bình thường. Với hội chứng 3 nhiễm sắc thể 21 thì có thể có thể bị sa sút trí tuệ sớm,
tuổi thọ bị rút ngắn, chỉ có 21% số người loại này vượt qua tuổi 30. [5]
Bên cạnh đó, giữa nam và nữ cũng có sự khác biệt về tuổi thọ. Thường thì tuổi thọ của
nữ cao hơn nam, dao động trong khoảng từ 4- 10 năm. Tuổi thọ của nam và nữ không chỉ là kết
quả tác động của các yếu tố xã hội khác nhau đối với cả hai giới mà đó là hiện tượng sinh học,
đó là các đặc điểm của bộ máy di truyền. [5]
4.2. Yếu tố môi trường
Các yếu tố môi trường có thể tác động qua lại với nhau, nó ảnh hưởng tới sức khoẻ của
con người, đặc biệt là sức khoẻ người cao tuổi.
4.2.1. Môi trường tự nhiên
Nhiều người cho rằng các cư dân sống trong đều kiện khí hậu thái cực (về nhiệt độ, độ
ẩm, độ cao...) thường già mau và có tuổi thọ thấp hơn những người sống ở điều kiện môi
trường vừa phải. [39]
Tuy nhiên, nếu môi trường sống bị ô nhiễm thì nó cũng có ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự già
hoá của con người. Ví dụ: Ở các nước công nghiệp phát triển, ô nhiễm không khí do khói của
các nhà máy thải ra làm tăng thêm tỷ lệ người mắc bệnh viêm phế quản mãn tính. [39]
4.2.2. Môi trường xã hội
Người cao tuổi cần duy trì lối sống từ trước, tiếp tục tham gia lao động tuỳ thuộc vào
tình hình sức khoẻ. Đồng thời, người cao tuổi rất nên tham gia vào các hoạt động của Hội
người cao tuổi và các tổ chức xã hội khác. Họ cũng rất cần tăng cường sự hiểu biết về tuổi già
thông qua công tác giáo dục cộng đồng và coi đó là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm...
Đó là một trong những phương thuốc giúp làm chậm lại quá trình già hoá. [39]
4.3. Chế độ dinh dưỡng
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của thức ăn (bao gồm cả số lượng
thức ăn và chất lượng thức ăn) đến sự trưởng thành về thể chất cũng như tinh thần của con
người. [39]
4.3.1. Chế độ ăn thấp calo
Thường cũng là chế độ ăn thiếu protein động vật, ít nhất là trong một số mùa trong năm.
Sinnett đã nghiên cứu người Papuos và thấy chế độ ăn của họ có thành phần chủ yếu là khoai lang,
chiếm 90% khẩu phần ăn. Trong khoai lang chỉ có 1- 1,9% protein. Sự giảm sút khối lượng thấy rõ
rệt ngay từ tuổi 30, biểu hiện rõ bằng lượng creatinin niệu rất thấp. Họ gầy sớm, mất 23,3% trọng
lượng cơ thể lúc 70 tuổi so với lúc 30 tuổi với nam, còn với nữ còn mất tới 25%. [40]
1.4.3.2. Chế độ ăn thừa calo
Hậu quả dễ thấy nhất của một chế độ ăn quá thừa năng lượng là sự ứ đọng ngày càng
nhiều mỡ dự trữ ở người trẻ. Điều này có ảnh hưởng đến sức khoẻ và tuổi thọ. Cùng với sự
tăng lượng mỡ là sự tăng các nguy cơ bệnh tật. Với những người này, cùng với sự tăng tuổi,
huyết áp động mạch tăng dần, tăng cholesterol, tỷ số vữa xơ động mạch và nhồi máu cơ tim
cũng tăng. [40]
4.3.3. Chế độ ăn mặn
Tác động của ‘‘Chế độ không muối’’ trên huyết áp rất rõ rệt, không những các trị số
đều thấp mà còn không bao giờ tăng lên cả. Điều này đã được nghiên cứu ở người da đỏ
Yanomamơ sống ở vùng hẻo lánh tận cùng của Vanezuela và Braxin. Do ở đó, họ không có
muối natriclorua nên muối này thường được thay thế bằng muối thực vật gồm chủ yếu là muổi
Kaliclorua. Trái lại, với người Nhật Bản lại được coi là tiêu thụ muối biển nhiều nhất thế giới.