Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Kế thừa các giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay (tt)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (248.63 KB, 27 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TRỊNH THỊ NHỊ

KẾ THỪA CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG
CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM, TRONG BỐI CẢNH
HỘI NHẬP HIỆN NAY

Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 60.22.03.01

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ TRIẾT HỌC

HÀ NỘI, năm 2017


Công trình được hoàn thành tại: HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
Người hướng dẫn khoa học: TS. MAI THỊ QUÝ

Phản biện 1: GS.TS Nguyễn Hữu Minh
Viện nghiên cứu Gia đình và giới Viện hàn lâm KHXH Việt Nam
Phản biện 2: PGS. TS Nguyễn Linh Khiếu
Tạp chí Cộng sản

Luận văn được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ họp tại:
Học viện Khoa học xã hội vào hồi 16h15 phút ngày 7 tháng 11 năm
2017.

Có thể tìm hiểu luận văn tại: Thư viện Học viện Khoa học Xã hội




MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ở Việt Nam hiện nay, phụ nữ chiếm trên 51% dân số và hơn
48% lực lượng lao động xã hội, là lực lượng to lớn, đóng vai trò quan
trọng vào sự nghiệp cách mạng của nước ta. Là đất nước có bề dày
lịch sử lại trải qua nhiều thiên tai, địch họa là tiền đề để hình thành
những giá trị truyền thống của dân tộc ta nói chung và giá trị truyền
thống của người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Vừa phải đấu tranh
chống thiên tai, địch họa lại vừa phải gồng mình lên để chăm sóc gia
đình, làm hậu phương vững chắc cho chồng, con yên tâm ra mặt trận,
vừa tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế - chính trị - văn hóa xã hội, người phụ nữ Việt Nam đã mang trong mình bao đời nay
những giá trị truyền thống tốt đẹp, trong đó có những giá trị chung
của cả dân tộc cũng có những giá trị riêng của những người phụ nữ
Việt như: yêu nước; nhân ái, bao dung; anh hùng, bất khuất; coi trọng
gia đình; cần cù, tiết kiệm; thông minh, sáng tạo; chịu thương chịu
khó; nhường nhịn; thủy chung son sắt; thương chồng, thương con; hy
sinh, chịu đựng; công, dung, ngôn, hạnh...
Khi nói về truyền thống và vai trò của người phụ nữ Việt Nam,
nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nêu trong bài phát biểu tại Đại hội
đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ VIII: "Từ xưa đến nay, phụ nữ Việt
Nam luôn luôn giữ vị trí quan trọng trong quá trình hình thành cộng
đồng dân tộc, trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ
nước cũng như trong cuộc đời thường. Truyền thống và phẩm giá của
phụ nữ nước ta được hình thành qua hàng nghìn năm lịch sử”. Bác Hồ
kính yêu cũng đã trao tặng tám chữ vàng cho phụ nữ Việt Nam: "Anh
hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Đây chính là sự đúc kết một
1



cách sâu sắc truyền thống vẻ vang và phẩm giá cao đẹp của những
người phụ nữ Việt.
Những giá trị truyền thống đó đã trở thành nét đẹp của người
phụ nữ Việt Nam và tạo nên sức mạnh giúp những người mẹ, người
chị vượt qua được những khó khăn, thử thách và có những đóng góp
không nhỏ trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta
trong suốt trường kỳ lịch sử. Ngày nay, người phụ nữ Việt Nam mang
trong mình trọng trách lớn đối với gia đình và xã hội, vừa phải “giỏi
việc nước” vừa phải “đảm việc nhà”, đóng góp công sức, trí tuệ đưa
đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Để hoàn thành trọng trách đó,
phụ nữ Việt Nam hiện nay cần phải biết trân trọng, giữ gìn, kế thừa,
phát huy những giá trị truyền thống mà những thế hệ phụ nữ đi trước
đã tạo dựng nên để tạo nên sức mạnh nội sinh và lòng tự hào dân tộc
cũng như để bảo vệ thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa không chỉ
của người phụ nữ mà của cả dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, đại đa số phụ nữ Việt Nam vẫn biết trân trọng, giữ
gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp của những thế hệ phụ nữ đi
trước. Trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ thành thị đến nông thôn,
từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi, từ các công sở, trường
học đến những công trường, những cánh đồng đầy nắng gió và đặc
biệt là dưới những mái nhà, chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp hình
ảnh những người phụ nữ chịu thương chịu khó, tần tảo sớm hôm, vun
vén cho gia đình, thương chồng, thương con, thủy chung, son sắt,
vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi công việc trong gia
đình cũng như ngoài xã hội. Tỷ lệ các chị đạt danh hiệu “Giỏi việc
nước, đảm việc nhà” rất cao.

2



Tuy nhiên, do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, hội nhập, mặt trái
của kinh tế thị trường, cuộc cách mạng công nghệ và một số yếu tố
khác, một bộ phận phụ nữ có sự thay đổi trong quan niệm, lối sống
theo hướng xem nhẹ những giá trị truyền thống mà quá đề cao những
giá trị hiện đại, thậm chí “sính ngoại” hay “tây hóa”, chạy theo 1ối
sống hưởng thụ, xa hoa, đua đòi, ăn chơi làm cho giá trị truyền thống
bị mờ nhạt, cái hay, cái đẹp bị xói mòn, coi thường giá trị chuẩn mực,
luân thường đạo lý. Thậm chí, có một bộ phận phụ nữ không giữ
được mình vì bị sa ngã trước cám dỗ của đồng tiền, của quyền lực mà
đánh mất bản thân dẫn đến gia đình không còn chu toàn, bị rạn nứt,
chưa làm tròn bổn phận, thiên chức người vợ, người mẹ, người con
dâu hiếu thảo nên dần bị phá vỡ, bị ly tán, tỷ lệ ly thân, ly hôn ngày
càng gia tăng.
Chính vì vậy, vấn đề kế thừa các giá trị truyền thống của
người phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay là một đề
tài có ý nghĩa cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
* Về vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập
Toàn cầu hoá và tác động của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã
hội là một vấn đề lớn và mang tính thời sự, vì vậy đã có nhiều công trình
trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu ở những góc độ khác nhau. Có
thể kể đến một số công trình sau đây:
“Việt Nam hội nhập kinh tế trong xu thế toàn cầu hoá - vấn đề và
giải pháp” do Chu Tuấn Cáp chủ biên, (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,
2002). Trên cơ sở phân tích lý luận và thực tiễn quá trình phát triển của
toàn cầu hoá cùng những tác động của nó, các tác giả đã trình bày quá trình
hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
3



Công trình “Toàn cầu hoá - cơ hội và thách thức đối với các nước
đang phát triển” của Đường Vinh Sường, (Nxb Thế giới, 2004) là công
trình nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở phân tích quá trình phát triển,
những đặc trưng cơ bản của toàn cầu hoá kinh tế, những cơ hội và thách
thức đặt ra với các nước đang phát triển, đồng thời có sự liên hệ với Việt
Nam trong quá trình đổi mới.
Như vậy, các công trình trên chủ yếu xem xét toàn cầu hoá dưới
góc độ kinh tế mà chưa nhìn nhận toàn cầu hoá với tư cách là một chỉnh
thể bao gồm tất cả các mặt: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... luôn tác
động qua lại lẫn nhau, trong đó kinh tế giữ vai trò nền tảng
* Về vấn đề giá trị và giá trị truyền thống
Vấn đề nghiên cứu về giá trị truyền thống của dân tộc, tiêu biểu
phải kể đến công trình nghiên cứu của Trần Văn Giàu: “Giá trị tinh thần
truyền thống của dân tộc Việt Nam”, (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,
1980).
Công trình “Mấy vấn đề về đạo đức trong điều kiện kinh tế thị
trường ở nước ta hiện nay” do Nguyễn Trọng Chuẩn - Nguyễn Văn
Phúc đồng chủ biên, (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003) đã đề cập
đến những tác động của kinh tế thị trường đối với những giá trị đạo đức
truyền thống, vai trò của đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường và đề
xuất một số giải pháp xây dựng đạo đức trong điều kiện kinh tế thị
trường ở nước ta hiện nay.
Công trình “Giá trị học – cơ sở lý luận góp phần đúc kết, xây
dựng giá trị chung của người Việt Nam thời nay” của GS.TSKH. Phạm
Minh Hạc (2012) đã tiếp cận khái niệm giá trị dưới góc độ của giá trị
học. Từ đó, tác giả đã phân tích cách tiếp cận thế giới theo “Giá trị
quan” của nhiều nhà nghiên cứu trong lịch sử. Với nhiều lát cắt khác
4



nhau, tác giả đã đi sâu làm rõ khái niệm giá trị, cấu trúc của giá trị, cơ
chế hình thành giá trị, hệ giá trị xã hội, chỉ ra những giá trị truyền thống
cốt lõi của dân tộc Việt Nam cũng như hệ giá trị truyền thống Đông Á,
Tây Âu, đồng thời cũng chỉ ra những giá trị chung của nhân loại.
* Về vấn đề kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của người phụ nữ
Việt Nam
Công trình nghiên cứu “Những phẩm chất đạo đức truyền
thống của người phụ nữ Việt Nam” của tác giả Lê Nhâm Tuyết đã
khẳng định những giá trị đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt
Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước cũng như trong
công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Họ là “con người lao động”,
“con người nội trợ”, “con người chiến sỹ”. Tuy nhiên, tác giả cũng
chỉ ra những mặt trái cần khắc phục của người phụ nữ Việt Nam truyền
thống đó là: an phận, tự ti, cam chịu, thụ động… Đây chính là điểm yếu
của người phụ nữ Việt Nam.
Tác giả Trâm Duyên trong bài viết “Phát huy truyền thống của
người phụ nữ Việt Nam” cũng khẳng định rằng: phụ nữ Việt Nam
cần phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm
đang” để xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã ban
tặng.
Trong công trình nghiên cứu “Phụ nữ Việt Nam – Bách khoa
toàn thư”, các tác giả đã đề cập đến vị trí, vai trò của người phụ nữ
Việt Nam thời xưa, thời chiến tranh và thời nay.
Ngoài các công trình nghiên cứu nêu trên còn có nhiều công
trình, bài viết đề cập đến giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt
Nam, vai trò của người phụ nữ Việt nam trong lịch sử cũng như
những chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên,
5



chưa có công trình nào đề cập một cách khoa học và đầy đủ về vấn
đề kế thừa những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam
trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề Kế
thừa các giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong bối
cảnh hội nhập hiện nay thật sự là vấn đề cấp bách cả về mặt lý luận
lẫn về mặt thực tiễn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích của đề tài
Góp phần làm rõ vai trò của sự kế thừa trong tiến trình phát
triển của xã hội, chỉ ra sự tác động của toàn cầu hóa và hội nhập đến
các giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, từ đó đề xuất nội
dung kế thừa một số giá trị truyền thồng của người phụ nữ Việt Nam
trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ của đề tài.
- Làm rõ thực chất, đặc trưng, vai trò của kế thừa và kế thừa giá
trị truyền thống của người phụ nữ trong giai đoạn hiện nay.
- Phân tích tác động của toàn cầu hóa và hội nhập đến các giá
trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu
hóa và hội nhập.
- Luận chứng về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc kế
thừa một số giá trị truyền thống tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam trong
bối cảnh toàn cầu hóa và nêu những nội dung cơ bản của sự kế thừa
đó.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng
Giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
4.2. Phạm vi
6



Chỉ nghiên cứu một số giá trị truyền thống tiêu biểu của người phụ nữ
Việt Nam.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu.
- Dựa trên những quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và
chủ nghĩa duy vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm của
Đảng Cộng Sản Việt Nam về vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa truyền
thống phụ nữ trong điều kiện toàn cầu hóa.
- Sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: phân tích, tổng hợp,
thống kê, so sánh, logíc – lịch sử, quy nạp, diễn dịch để giải quyết
những nội dung cụ thể sau:
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
- Chỉ rõ những đặc trưng của việc kế thừa giá trị truyền thống
của người phụ nữ Việt Nam.
- Với kết quả nghiên cứu, luận văn có thể sử dụng làm tài liệu
tham khảo cho việc nghiên cứu giảng dạy vấn đề kế thừa truyền thống
của phụ nữ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay.
- Luận văn cũng góp phần giải quyết một vấn đề quan trọng là
làm thế nào để có thể phát huy nội lực và giữ gìn bản sắc văn hóa
truyền thống của phụ nữ trong xu thế toàn cầu hóa góp phần thúc đẩy
các nghiên cứu tiếp theo về vấn đề này.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận thì luận văn được kết cấu gồm 2
chương, 6 tiết

7


Chương 1
KẾ THỪA VÀ VẤN ĐỀ KẾ THỪA CÁC GIÁ TRỊ

TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM
1.1. Kế thừa - một hiện tượng mang tính quy luật của sự phát
triển xã hội
Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mọi sự
vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều luôn nằm trong quá
trình vận động, biến đổi và phát triển không ngừng theo những quy
luật nhất định. Một trong những quy luật chung biểu hiện khuynh
hướng của sự phát triển là quy luật phủ định của phủ định mà kế thừa
là một đặc trưng cơ bản. Tính kế thừa thực chất chính là mối liên hệ
tất yếu khách quan giữa mới và cũ trong quá trình phát triển.
Giá trị của kế thừa biện chứng được quy định bởi vai trò của
nó trong sự ra đời của cái mới. Không có cái mới nào lại ra đời từ hư
vô. Nhờ việc giữ lại những nhân tố tích cực của cái bị phủ định - tức
là nhờ có kế thừa - mà cái mới có tiền đề cho sự xuất hiện của mình.
Mối liên hệ này biểu hiện khuynh hướng phát triển đi lên của các sự
vật, hiện tượng.
Phát triển chính là sự vận động theo khuynh hướng đi lên từ
thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, từ lạc hậu đến
tiến bộ. Kết quả của quá trình vận động đó là sự ra đời của sự vật mới
hoàn thiện hơn sự vật cũ.
Kế thừa là sự bảo tồn những đặc điểm, đặc tính của một sự
vật và hiện tượng cũ trong quá trình phát triển. Còn phát triển không
chỉ là sự bảo tồn mà còn là sự mở rộng, bổ sung, hoàn thiện và nâng
cao về chất những đặc điểm, đặc tính vốn có trong sự vật và hiện
tượng. Như vậy, để phát triển được bao giờ cũng cần có sự kế thừa,
8


tức là bảo tồn, giữ lại những đặc điểm, đặc tính của đối tượng để trên
cơ sở đó mở rộng, nâng cao trình độ, còn phát triển chính là sự kế

thừa tốt nhất, tích cực nhất.
Mặt khác, kế thừa phải luôn gắn liền với lọc bỏ và đổi mới.
Ngay cả đối với nhân tố tích cực của cái bị phủ định được giữ lại, nó
vẫn được duy trì đưới dạng lọc bỏ, chứ không phải bê nguyên xi,
không phê phán, không cải tạo và không phải lắp ghép một cách máy
móc cái cũ vào cái mới. Nếu kế thừa mà không gắn với đổi mới và
lọc bỏ thì sự kế thừa đó không thể làm xuất hiện cái mới tiến bộ hơn,
hoàn thiện hơn cái cũ mà cùng lắm chỉ lặp lại cái cũ một cách phiến
diện hơn.
1.2. Kế thừa giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt
Nam – vai trò và ý nghĩa của nó trong tiến trình phát triển của
dân tộc
1.2.1. Giá trị, truyền thống và giá trị truyền thống
Tuy không đồng nhất về mặt ngôn từ, nhưng chúng ta vẫn tìm
thấy một số điểm chung trong các quan niệm trên về giá trị, đó là:
Thứ nhất, giá trị là ý nghĩa của những sự vật, hiện tượng vật
chất hay tinh thần có khả năng thỏa mãn những nhu cầu tích cực của
con người và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Thứ hai, giá trị luôn mang tính lịch sử khách quan, nghĩa là sự
xuất hiện, tồn tại hay mất đi của một giá trị nào đó không phụ thuộc
vào ý thức con ngươi mà nó phụ thuộc vào sự xuất hiện, tồn tại hay
mất đi của một nhu cầu nào đó của con người do yêu cầu của thực
tiễn trong đó con người sống và hoạt động.
Thứ ba, giá trị chứa đựng các yếu tố nhận thức, tình cảm và

9


hành vi của chủ thể trong mối quan hệ với sự vật, hiện tượng mang
giá trị, thể hiện sự lựa chọn, đánh giá của chủ thể.

Thứ tư, giá trị được xác định trong mối quan hệ thực tiễn với
con người, được xác định bởi sự đánh giá đúng đắn của con người,
xuất phát từ thực tiễn và được kiểm nghiệm qua thực tiễn.
Dưới góc độ triết học, theo chúng tôi, giá trị là một phạm trù
dùng để chỉ ý nghĩa tích cực của các sự vật, hiện tượng, quá trình,
quan hệ… (cả vật chất lẫn tinh thần) đối với một cá nhân, một cộng
đồng, một giai cấp, một xã hội hay toàn thể nhân loại trong một điều
kiện lịch sử cụ thể.
Truyền thống là phức hợp những tư tưởng, tình cảm, tập quán,
thói quen, phong tục, lối sống, cách ứng xử, ý chí...của một cộng
đồng người đã được hình thành trong lịch sử, đã trở nên ổn định và
được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tính di tồn, tính ổn định,
và tính cộng đồng là những đặc trưng, những thuộc tính của truyền
thống. Dĩ nhiên, những đặc trưng và thuộc tính đó chỉ mang tính
tương đối.
Như vậy, truyền thống là một bộ phận của ý thức xã hội, mà
ý thức xã hội lại luôn chịu sự quy định của tồn tại xã hội, vì vậy,
truyền thống của một dân tộc không phải tự nhiên mà có, cũng không
phải do con người tự lựa chọn cho mình, mà nó được hình thành,
được quy định bởi chính những điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội mà
dân tộc đó đã phải trải qua. Phải thừa nhận rằng, truyền thống là một
trong những yếu tố vững bền nhất, khó thay đổi nhất trong ý thức xã
hội cho dù tồn tại xã hội đã thay đổi. Chính vì tính ổn định và bảo thủ
của truyền thống mà trong mỗi thời điểm nhất định thì truyền thống
bao giờ cũng mang tính hai mặt: mặt giá trị và mặt phản giá trị. Có
10


những truyền thống tích cực tạo ra được sức mạnh cho dân tộc, lại có
những truyền thống tiêu cực cản trở sự phát triển của dân tộc. Mặt

khác, có những truyền thống trước đây có giá trị tích cực nhưng khi
điều kiện lịch sử - xã hội đã thay đổi thì không còn có giá trị nữa,
thậm chí trở thành sức cản rất lớn nhưng để phá bỏ nó đi thì lại
không phải dễ dàng.
Giá trị truyền thống là những truyền thống có giá trị vững bền,
những truyền thống tốt đẹp, tích cực tiêu biểu cho bản sắc văn hoá dân
tộc, có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển của dân tộc đó trong suốt
chiều dài lịch sử. Hoặc cũng có thể nói, giá trị truyền thống là những giá
trị nội sinh, cao đẹp và vững bền tiêu biểu cho bản sắc văn hoá dân tộc,
có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển của dân tộc đó trong suốt
chiều dài lịch sử và được giữ gìn, kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Chính vì giá trị truyền thống có một vị trí vô cùng quan trọng
trong sự tồn tại và phát triển của một dân tộc, nên mọi dân tộc trong
mọi thời đại đều phải biết khai thác và phát huy những giá trị truyền
thống của chính dân tộc mình.
1.2.2. Kế thừa giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam
Giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam là những giá trị
tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam đã được hình thành từ lâu trong
lịch sử và được các thế hệ phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ thừa
nhận, noi theo. Những giá trị đó đã làm nên nét đẹp truyền thống của
người phụ nữ Việt đồng thời cũng tạo nên sức mạnh to lớn giúp
những người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé vượt qua được mọi khó khăn,
thử thách, làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ, người em và
hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp một phần công sức
vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
11


Phụ nữ Việt Nam là một bộ phận của dân tộc Việt Nam. Vì vậy,
người phụ nữ Việt Nam cũng mang trong mình tất cả những giá trị

truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung được hình thành từ
chính lịch sử đau thương và hào hùng của dân tộc như: “lòng yêu
nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức
cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân
ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo
trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”.
Như vậy, lịch sử dân tộc đã chứng minh người phụ nữ Việt
Nam mang trong mình những giá trị truyền thống đặc sắc của cả dân
tộc và cả của riêng giới nữ, trong đó phải kế đến những giá trị tiêu
biểu như: anh hùng bất khuất, yêu nước, nhân ái bao dung, đôn hậu,
vị tha, cần cù, tiết kiệm, chịu thương chịu khó, đảm đang, coi trọng
gia đình, coi trọng phẩm giá, đức hy sinh vì chồng con, thủy chung
son sắt, công, dung, ngôn, hạnh… Những giá trị chung của người
Việt Nam nhưng được biểu hiện ở người phụ nữ vẫn có những màu
sắc riêng rất “phụ nữ”. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của tư tưởng
“trọng nam khinh nữ” của Nho giáo và chế độ phong kiến kéo dài
nên người phụ nữ Việt Nam truyền thống cũng mang trong mình
những đức tính, những quan niệm, những thói quen tiêu cực như: tự
ti, nhẫn nhục chịu đựng, chấp nhận hoàn cảnh, mặc cảm về giới, nhút
nhát, buông xuôi, an phận thủ thường…Đây là những mặt trái của
truyền thống mà những người phụ nữ hiện đại cần mạnh dạn đấu
tranh loại bỏ để ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của người
phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Chương 2
12


TÁC ĐỘNG CỦA TOÀN CẦU HÓA VÀ HỘI NHẬP ĐẾN
CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT
NAM VÀ VIỆC KẾ THỪA MỘT SỐ GIÁ TRỊ TRUYỀN

THỐNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG BỐI
CẢNH HỘI NHẬP HIỆN NAY
2.1. Tác động của toàn cầu hóa và hội nhập đến các giá trị truyền
thống của người phụ nữ Việt Nam
Toàn cầu hóa là một khái niệm chỉ quá trình vận động của lịch
sử xã hội loài người từ những bộ phận, quốc gia riêng lẻ, tương đối
độc lập và tách biệt đến hình thành những mối liên kết chặt chẽ, tác
động qua lại và phụ thuộc lẫn nhau trên tất các mặt ở phạm vi toàn
cầu của đời sống xã hội mà nền tảng là sự liên kết kinh tế cùng với sự
hình thành các tổ chức, các định chế quốc tế nhằm quan lý và điều
chỉnh các hoạt động mang tính toàn cầu hóa.
Hội nhập có nguồn gốc từ “liên kết” (integration) với nghĩa
chung nhất là hành động hoặc quá trình gắn kết các phần tử riêng rẽ
với nhau; hợp chung các bộ phận vào một chỉnh thể (nhất thể, hợp
nhất) và kết hợp các thành tố khác nhau lại (tụ hội, tụ nhóm).
Toàn cầu hoá và hội nhập là một xu hướng tất yếu, khách quan,
hợp quy luật và không thể đảo ngược. Cho dù muốn hay không muốn
thì tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị lôi cuốn vào dòng chảy của
xu thế này.
Mặc dù có những ý kiến đánh giá khác nhau, song không thể
phủ nhận rằng toàn cầu hoá và hội nhập mang tính hai mặt rõ rệt, vừa
tích cực, vừa tiêu cực trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Toàn
cầu hoá hiện nay mang nặng dấu ấn tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy,
mà toàn cầu hoá bên cạnh những cơ hội, cũng chứa đựng trong bản
13


thân nó vô vàn những thách thức, những nguy cơ không thể coi
thường đối với các nước chậm và kém phát triển về kinh tế.
Xu thế toàn cầu hoá và hội nhập đã buộc các nền kinh tế phải

mở cửa và hướng ngoại. Trong điều kiện đó, các giá trị vật chất và
tinh thần của các dân tộc khác nhau có thể thâm nhập lẫn nhau, cùng
tồn tại đan xen nhau. Đây cũng là một cơ hội để các giá trị truyền
thống của mỗi dân tộc được bổ sung, đổi mới và tiếp cận được với
những giá trị hiện đại của nhân loại. Tuy nhiên, nếuncứ tiếp nhận tràn
lan và không kiểm soát tất cả những cái “ngoại sinh” thì ắt sẽ có ngày
chúng sẽ lấn át những giá trị “nội sinh” của chính dân tộc mình.
Trước yêu cầu ngày càng cao của toàn cầu hóa và hội nhập,
của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, người phụ nữ đã và đang thực
hiện hài hòa cả hai vai: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” để vừa có cơ
hội phát triển cho bản thân, vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình. Người
phụ nữ hôm nay cần phải có tri thức nhiều hơn, độc lập tự chủ về
kinh tế nhiều hơn, biết cách tạo ảnh hưởng của bản thân đối với các
thành viên trong gia đình rõ nét hơn.
Hiện nay, nhiều cơ hội mới đang mở ra cho phụ nữ. Sự phát
triển của khoa học và công nghệ đã giúp người phụ nữ giải phóng sức
lao động, giúp họ có nhiều thời gian hơn cho công việc xã hội và học
tập nâng cao trình độ, tạo cơ hội tìm kiếm nhiều việc làm phù hợp, có
thu nhập cao, từ đó nâng cao vị thế của họ trong gia đình và xã hội.
Nhiều phụ nữ đã biết kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống với
những giá trị hiện đại mà toàn cầu hóa và hội nhập đem lại. Họ vừa
biết giữ gìn những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam
truyền thống, vừa tiếp thu những giá trị mới hiện đại như: Tự tin,
năng động, sáng tạo, tự trọng, hướng ngoại, nhạy bén, lao động hiệu
14


quả, có bản lĩnh, có trí tuệ cùng với vẻ đẹp nhẹ nhàng, sâu sắc tỏa ra
từ tấm lòng nhân hậu của họ. Đó là những công dân ưu tú, giúp ích
cho xã hội, đồng thời là người vợ hiền, người mẹ tận tâm, là ngọn lửa

sưởi ấm trong mỗi gia đình.
Tuy nhiên, cùng với sự tác động của kinh tế thị trường, sự
tác động của toàn cầu hoá và hội nhập đã bắt đầu làm đảo lộn hệ giá
trị truyền thống của dân tộc ta nói chung và của người phụ nữ Việt
Nam nói riêng. Đã xuất hiện không ít những biểu hiện tiêu cực văn
hóa lệch lạc, lai căng, suy đồi, ảnh hưởng trực tiếp tới đạo đức, lối
sống của người phụ nữ Việt Nam, nhất là lớp trẻ. Vì thế, bản sắc văn
hóa, nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam cũng đang có
xu hướng bị phai nhạt. Ở một bộ phận nữ giới, qua cách ăn mặc trang
phục, sinh hoạt, suy nghĩ, lối sống buông thả…đã và đang hình thành
sự phô trương, tư tưởng nữ quyền thái quá, làm mất đi nét đẹp nữ
tính, nét duyên dáng, dịu dàng và lòng nhân ái, bao dung, sẻ chia vốn
có của người phụ nữ Việt Nam. Ở một góc độ khác, do ảnh hưởng
của văn hóa lai căng ngoại lai trong xã hội, nhất là trong giới trẻ đang
hình thành lối sống thực dụng, cá nhân, ích kỉ và những quan niệm
lệch lạc trong hôn nhân, tình yêu, tình bạn... Trên các mặt báo xuất
hiện ngày càng nhiều những cái tít: @ sống thử, @ lắc, @ sành
điệu… và những câu chuyện đau lòng do sự xuống cấp về đạo đức,
sự tha hóa về nhân cách của một bộ phận phụ nữ, nữ thanh niên như:
mẹ giết con, mẹ bán con, dùng hình phạt đối với con quá khích, bỏ
rơi con, vợ giết chồng, bạo lực ngược, bạo lực gia đình, tệ nạn mại
dâm, tệ nạn xã hội, tệ nạn học đường, bạo lực học đường liên quan
tới nữ sinh trong các trường học....

15


Một thực tế đáng buồn là sự xuống cấp của những nguyên tắc,
chuẩn mực văn hóa trong gia đình, sự vi phạm cũng như việc chấp
nhận những sai lệch chuẩn mực xã hội trong gia đình đã diễn ra một

cách dễ dàng và khá phổ biến trong xã hội Việt Nam. Phẩm chất đạo
đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ có phần
bị mai một, lối sống thực dụng, buông thả, coi thường thuần phong
mỹ tục của dân tộc có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ.
Tình trạng nạo, phá thai trong nữ thanh niên, vị thành niên và lây
nhiễm HIV/AIDS trong phụ nữ, trẻ em ngày càng tăng. Bạo lực gia
đình, tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, lấy chồng nước ngoài
vì mục đích vụ lợi diễn biến phức tạp. Những giá trị đạo đức truyền
thống người phụ nữ đang bị xói mòn mạnh mẽ.
Thực trạng trên cho thấy, truyền thống của người phụ nữ Việt
Nam đã đến lúc chúng ta cần rung lên một “hồi chuông báo động” để
“cảnh tỉnh” cho mỗi con người, mỗi người phụ nữ, mỗi gia đình và
cho toàn xã hội thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ,
bảo vệ văn hóa truyền thống, bảo vệ hạnh phúc cho mỗi con người,
mỗi gia đình. Và hơn ai hết, phụ nữ với tư cách là người giữ “ngọn
lửa ấm cho mỗi gia đình”. Cần phải định hướng lại giá trị cho mọi
người dân nói chung và phụ nữ nói riêng nhằm ngăn chặn những xu
hướng sai lầm, xác lập những xu hướng đúng đắn để góp phần hình
thành nhân cách con người Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam hiện
đại phù hợp với yêu cầu của xu thế toàn cầu hoá.
Rõ ràng, những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt
Nam đang chịu sự thẩm định nghiêm ngặt của thời gian, của những
yêu cầu và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và lịch sử mới.

16


2.2. Kế thừa một số giá trị truyền thống của người phụ nữ
Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay
2.2.1. Nguyên tắc của sự kế thừa giá trị truyền thống của người phụ

nữ Việt Nam
Kế thừa giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam thực chất
là giữ lại, bổ sung, phát triển những giá trị truyền thống của phụ nữ
trong một giai đoạn lịch sử mới.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá, chúng ta càng phải đặc biệt quan
tâm đến việc kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và của riêng
phụ nữ. Bởi một số lý do cơ bản sau đây:
Thứ nhất, toàn cầu hoá, một mặt, tạo cơ hội làm phong phú thêm
hệ giá trị của mỗi dân tộc, mặt khác, cũng đem đến nguy cơ đồng nhất
các giá trị theo hướng giá trị truyền thống của những nước nghèo và
chậm phát triển dễ bị lấn át, bị xói mòn dẫn đến mất đi bản sắc riêng bởi
những yếu tố văn hoá từ các nước giàu, các nước phát triển.
Thứ hai, không chỉ dừng lại ở đó, việc kế thừa các giá trị truyền
thống còn giúp chúng ta khai thác được sức mạnh nội sinh của chính dân
tộc mình. Toàn cầu hoá đặt ra những yêu cầu rất khắt khe mà chúng ta
cần phải thực hiện nếu muốn tồn tại và phát triển.
Thứ ba, kế thừa các giá trị truyền thống không những bảo đảm
cho hoạt động của con người có hiệu quả trong việc duy trì tính liên tục
của xã hội, mà còn có chức năng định hướng, điều chỉnh hoạt động của
con người nhằm đạt ý nghĩa văn hoá sâu sắc.
Kế thừa các giá trị truyền thống của phụ nữ, trước hết phải giữ
lại cho được những nhân tố tích cực của nó. Đó là mặt tích cực trong
các giá trị đã được đề cập ở phần trên như: anh hùng bất khuất; yêu
nước; nhân ái bao dung; cần cù, tiết kiệm; thủy chung, coi trọng gia
17


đình; công, dung, ngôn, hạnh…Mặt khác, cần đấu tranh loại bỏ
những yếu tố lạc hậu, bảo thủ trong một số truyền thống của phụ nữ
như: cam chịu, nhẫn nhục, tự ti, nhút nhát, an phận thủ thường, duy

tình, duy cảm, yếu đuối... Đồng thời, cũng cần loại bỏ một số hủ tục
lạc hậu đang tồn tại ở một bộ phận phụ nữ Việt Nam như: quan niệm
“Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”; quan
niệm “Tam tòng” đối với phụ nữ; quan niệm “trọng nam khinh nữ”;
Ngoài ra, còn có một số hủ tục lạc hậu khác nữa như: hủ tục “cướp
vợ” hay gọi là “trộm vợ” của người Mông, người Thái... ; tục lệ “tảo
hôn” là sự biến tướng tột cùng của tục “cướp vợ” những cô gái chưa
đến tuổi “trăng rằm” bị bắt về “làm dâu nhà người”; tục “cà răng,
căng tai” của người Vân Kiều... Đó là những hủ tục đã và đang cản
trở sự tiến bộ của phụ nữ và của cả dân tộc.
Như vậy, để kế thừa truyền thống phụ nữ Việt Nam trong bối
cảnh toàn cầu hóa hiện nay, cần bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau:
Một là, kế thừa có tính phê phán, chọn lọc.
Hai là, kế thừa phải gắn với quá trình xây dựng xã hội mới, nền
văn hóa mới và con người mới.
Ba là, chống thái độ bảo thủ, đồng thời chống thái độ hư vô.
Bảo tồn truyền thống văn hóa là việc cần làm nhưng không sa vào
bảo thủ khi đề cao quá văn hóa truyền thống mà coi nhẹ và không
chịu tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
2.2.2. Kế thừa một số giá trị truyền thống của người phụ nữ
Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập hiện nay
2.2.2.1. Giá trị truyền thống yêu nước
Tinh thần yêu nước là giá trị cơ bản trong hệ giá trị truyền thống
của dân tộc Việt Nam ta. Tuy nhiên, yêu nước biểu hiện ở người phụ
18


nữ lại có những điểm khác biệt nhất định so với phái mạnh. Lòng yêu
nước ở mỗi người dân nói chung và của người phụ nữ Việt Nam nói
riêng đã được thể hiện ở tinh thần dám xả thân vì nước, sẵn sàng đặt

lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích riêng tư của bản thân
mình. Biết bao người con của dân tộc đã tự nguyện hiến dâng tuổi
thanh xuân của mình cho đất nước và đã anh dũng hy sinh nơi chiến
trường. Biết bao nhiêu người mẹ, người vợ đã tiễn chồng, tiễn con ra
mặt trận mà không bao giờ còn được đón họ trở về.
Trong xây dựng kinh tế, yêu nước chính là cố gắng phấn đấu
học tập, tu dưỡng, rèn luyện, lao động để làm ra ngày càng nhiều của
cải vật chất cho xã hội. Phụ nữ ngày nay cần mạnh dạn xông pha nơi
trận tuyến kinh tế và tri thức, cố gắng vượt qua những khó khăn thử
thách để chiếm lĩnh những đỉnh cao mới. Phụ nữ phải đem hết tài
năng và trí tuệ của mình để làm giàu một cách chính đáng cho bản
thân và cho xã hội.
2.2.2.2. Giá trị truyền thống nhân ái, bao dung
Tinh thần nhân ái, bao dung là giá trị truyền thống chung của
dân tộc Việt Nam, nhưng ở người phụ nữ, giá trị này càng được thể
hiện rõ nét và có những sắc thái riêng. Với bản chất đôn hậu vốn có
và tâm hồn nhạy cảm, coi trọng tình cảm của giới nữ, những người
phụ nữ Việt Nam trong lịch sử mạnh mẽ là thế, anh hùng là thế
những cũng nhân từ, bao dung đến lạ. Họ sẵn sàng tha thứ cho những
kẻ đã từng làm hại tổ quốc mình, gia đình mình, giết đi những người
yêu thương nhất của mình; họ sẵn sàng mở rộng vòng tay cứu giúp
những con người khó khăn hoạn nạn.
Kế thừa giá trị nhân ái, bao dung truyền thống, người phụ nữ
Việt Nam ngày nay cần phải biết lấy tình yêu thương, sự bao dung
19


của mình để đối xử với những người thân trong gia đình cũng như
ngoài xã hội.
2.2.2.3. Giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất

Anh hùng, bất khuất là bốn trong tám chữ vàng mà Bác Hồ đã
tặng cho phụ nữ Việt Nam. Anh hùng, bất khuất được hiểu là tinh
thần dám xả thân, dám hy sinh vì đất nước, vì dân tộc, không sợ hiểm
nguy, không chịu khuất phục trước kẻ thù và quyết tâm chiến thắng
kẻ thù. Truyền thống anh hùng, bất khuất của người phụ nữ Việt
Nam đã được hình thành và minh chứng qua trường kỳ lịch sử.
Tuy nhiên, toàn cầu hóa và hội nhập cùng với đó là kinh tế thị
trường cũng đang ảnh hưởng đến tinh thần anh hùng bất khuất của
người phụ nữ Việt Nam. Lối sống hưởng thụ, tiêu xài phương Tây
tràn vào làm cho không ít phụ nữ bị gục ngã trước sự cám dỗ của
đồng tiền, của những hàng hóa tiêu dùng tiện nghi, của danh vọng,
của quyền lực, của dục vọng thấp hèn, của tự do cá nhân, của sự ích
kỷ…mà bán rẻ lương tâm, danh dự, lòng tự trọng và phẩm giá của
người phụ nữ. Họ trở thành những con người yếu đuối trước mọi cám
dỗ và có xu hướng sống dựa dẫm vào người khác giống như những
cây tầm gửi, như những vật trang trí, chỉ lo hưởng thụ mà không có
tinh thần cống hiến càng không dám xả thân vì người khác, kể cả
người thân, ngại khó, ngại khổ…Lối sống đó đã làm mất đi sự kiên
cường, cứng cỏi, cương nghị, không dễ bị gục ngã trước mọi khó
khăn của người phụ nữ Việt Nam truyền thống.
2.2.2.4. Giá trị truyền thống cần cù, tiết kiệm
Cần cù là một trong những đức tính nổi bật của người Việt
Nam đặc biệt là phụ nữ. Ngày nay, đa số phụ nữ Việt Nam vẫn lao
động cần cù, chịu thương chịu khó, một nắng hai sương để làm ra
20


những sản phẩm phục vụ cho gia đình và xã hội. Hình ảnh những
người phụ nữ lao động nặng nhọc trên những cánh đồng nắng cháy
thịt da hay những người phụ nữ đêm đêm quét rác, dọn vệ sinh, đẩy

xe hàng bán rong khắp các con phố hay những phụ nữ miệt mài làm
việc trong các trường học, công sở, viện nghiên cứu…là rất quen
thuộc. Điều đó cho thấy đức tính cần cù vẫn được kế thừa, phát huy
trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Trong truyền thống của dân tộc ta, cần cù luôn gắn liền với tiết
kiệm. Tiết kiệm là giá trị truyền thống của người Việt Nam nói chung
nhưng giá trị này biểu hiện ở phụ nữ lại càng rõ nét. Với vai trò của
người nội trợ trong gia đình, do cuộc sống quá khó khăn lại không ổn
định nên người phụ nữ Việt Nam thường có tâm lý dành dụm để đề
phòng những trường hợp bất trắc xảy ra theo kiểu “tích cốc phòng cơ,
tích y phòng hàn”, và ghét thói xa hoa phù phiếm theo kiểu “vung tay
quá trán”, “ném tiền qua cửa sổ”, “bóc ngắn, cắn dài”...
2.2.2.5. Giá trị truyền thống thủy chung, coi trọng gia đình
Thủy chung là trước sau như một, không bao giờ đổi thay, không
bao giờ phai nhạt, không thay lòng đổi dạ. Người phụ nữ Việt Nam
truyền thống coi thủy chung với chống là một giá trị đáng được tôn vinh,
nó khẳng định phẩm giá cao đẹp của người phụ nữ Việt. Phụ nữ Việt
Nam là những người chung thủy, sống trọn tình vẹn nghĩa.
Trong thời kỳ phong kiến, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nhưng
những người phụ nữ ấy vẫn một mực chung thủy, “sống làm người nhà
chồng, chết làm ma nhà chồng”, khi chồng chẳng may qua đời, họ chỉ ở
vậy thờ chồng nuôi con. Đó là một điều đáng trân trọng và hiếm gặp ở
phụ nữ các nước khác trên thế giới.
Như vậy, sự phát triển của gia đình và xã hội nước ta trong bối
21


cảnh toàn cầu hoá hiện nay đòi hỏi người phụ nữ Việt Nam phải phát
huy truyền thống tương thân, tương ái, tình nghĩa, thuỷ chung, hiếu
thuận, đoàn kết trong gia đình để gia đình thật sự là một giá trị cao cả và

thiêng liêng nhất. Xã hội chỉ thật sự phát triển lành mạnh khi có những
gia đình bền vững, lành mạnh, và gia đình chỉ thật sự bền vững, lành
mạnh khi mỗi thành viên biết trân trọng, yêu thương và vun đắp nó.
2.2.2.6. Giá trị truyền thống công, dung, ngôn, hạnh
Chữ “Công” theo quan niệm xưa kia (nho giáo) được hiểu là nữ
công gia chánh, tề gia nội trợ, may vá thêu thùa, nuôi dạy con cái khỏe
mạnh, chăm ngoan; Chữ “Dung” theo quan niệm xưa được hiểu là vẻ
đẹp hình thức, dáng vẻ bề ngoài; Chữ “Ngôn” là lời nói nhã nhặn, kín
đáo, nhỏ nhẹ, dễ nghe; phải thưa, dạ,…; Chữ “Hạnh” là được xem là
quan trọng nhất của người phụ nữ, hạnh trong “Tứ đức” chỉ hạnh
kiểm, đạo đức, lòng nhân hậu, thủy chung son sắt, giàu tình
yêu thương, giữ trọn nề nếp gia phong… Đức hạnh của người phụ nữ
được thể hiện qua các mối quan hệ: quan hệ vợ - chồng, con cái - cha
mẹ.
Trong xã hội ngày nay, “công, dung, ngôn, hạnh” được bổ sung
thêm những nội dung mới. Người phụ nữ không chỉ phải lo công việc
bếp núc mà còn đảm nhiệm công việc ngoài xã hội như nam giới; vẻ
đẹp của người phụ nữ cũng không còn bó hẹp ở hình thể mà quan
trọng hơn là vẻ đẹp trí tuệ và tâm hồn; lời nói không bó hẹp ở “gọi
dạ, bảo vâng” mà còn phải là lời nói sắc sảo, trí tuệ; đức hạnh cũng
được mở rộng hơn, người phụ nữ vẫn có những quyền tự do cá nhân
của mình và có quyền mưu cầu hạnh phúc riêng tư…

22


KẾT LUẬN
Kế thừa là một hiện tượng mang tính quy luật đối với sự phát
triển nói chung. Không có một sự phát triển nào lại được bắt đầu từ
con số “0”. Mọi sự phát triển luôn luôn là quá trình phủ định có kế

thừa. Những yếu tố tích cực của cái cũ bao giờ cũng được giữ lại, kế
thừa và phát triển trong sự ra đời của cái mới. Sự phát triển của
những giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam cũng không
nằm ngoài quy luật đó. Giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt
Nam là di sản vô cùng quý giá; đó là tinh hoa, cốt lõi làm nên vẻ đẹp,
sức mạnh của chính những người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên,
những giá trị truyền thống đó không phải là bất biến và tuyệt đối như
nhau trong mọi thời đại. Khi điều kiện lịch sử đã có sự thay đổi thì
cần phải có sự chọn lọc, kế thừa, bổ sung và đổi mới đối với những
giá trị đó.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, tất cả các quốc gia trên
thế giới đều mong muốn được hội nhập để phát triển nhưng lại không
muốn bị “hoà tan” hay bị đồng hoá bởi một dân tộc khác. Trong khi
đó, toàn cầu hoá, ngoài những cơ hội, nó còn mang trong mình khả
năng làm xoá nhoà bản sắc của từng dân tộc riêng biệt, làm băng hoại
các giá trị truyền thống, làm cho dân tộc này có thể trở thành cái
bóng hay bản sao của một dân tộc khác. Chính vì vậy, để giữ gìn bản
sắc riêng của mình, phụ nữ Việt Nam cần phải kế thừa và phát huy
một cách có hiệu quả các giá trị truyền thống của dân tộc nói chung
và của phái nữ nói riêng. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, góp
phần xây dựng nhân cách con người phụ nữ Việt Nam phù hợp với
yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập.

23


×