Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

bài tập lớn môn luật hình sự II nhóm tội xâm phạm sở hữu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.7 KB, 9 trang )

ĐẶT VẤN ĐỀ
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống ngày càng văn minh, cuộc sống của
con người ngày càng được đầy đủ hơn về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng không vì
thế mà số lượng tội phạm xuất hiện và xảy ra trong xã hội được giảm xuống, thậm
chí hoạt động của các đối tượng phạm tội diễn biến phức tạp hơn, thủ đoạn gây án
ngày càng tinh vi, xảo quyệt và có chiều hướng ngày càng gia tăng và đặc biệt là
các tội liên quan đến nhóm tội xâm phạm sở hữu. Để phần nào có một cái nhìn sâu
sắc hơn, đa chiều hơn, và hiểu được một cách chính xác hơn và đặc biệt có thể thấy
được tính nguy hiểm của tội phạm nói chung và cách riêng là các tội liên quan đến
nhóm tội xâm phạm sở hữu nói riêng, em đã tiến hành tìm hiểu một tình huống cụ
thể với nội dung như sau: “P là thợ sơn được thuê hoàn thiện nhà riêng cho một
gia đình. Trong thời gian làm việc P để ý thấy gia đình đối diện không làm lưới
bảo hiểm ban công, trong khi khoảng cách giữa hai nhà khá gần. Một đêm thấy
nhà đối diện quên đóng cửa ban công P đã trèo sang và vào nhà lấy một chiếc
túi xách có chứa điện thoại di động, tiền. Trong lúc lục tìm thêm tài sản, P gây
ra tiếng động và bị G (chủ nhà) phát hiện. G giữ lại chiếc túi, P đã dùng chân
đạp liên tục vào người và mặt làm G ngã gục xuống sàn nhà. P sau đó tẩu thoát
cùng chiếc túi đựng tiền và chiếc điện thoại di động. Tổng tài sản bị chiếm đoạt
trị giá 20 triệu đồng. G sau đó được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu và bị
tổn hại sức khỏe với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 15%. Hỏi:
1. Xác định tội danh và khung hình phạt cho hành vi phạm tội của P?
2. Giả sử, G do bị ngã đập mạnh đầu vào cạnh bàn nên đã chết thì tội danh và
khung hình phạt đối với hành vi của P có thay đổi không? Tại sao?
3. Giả sử sau khi lấy được tài sản, P mang bán chiếc điện thoại di động cho T (là
thợ sơn cùng làm với P). T có phạm tội không? nếu có thì tội mà T phạm là tội
gì? Tại sao?”


GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1.Vấn đề 1: Xác định tội danh và khung hình phạt cho hành vi phạm tội của P?
Trả lời:


P trong tình huống trên đã phạm tội cướp tài sản theo quy định tại điểm c
khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015:
“2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đâythì bị phạt tù từ 07 năm đến 15
năm:
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn
thương cơ thể từ 11% đến 30%;”
Trong tình huống trên, ban đầu mục đích của P chỉ là lợi dụng đêm tối nhân
lúc nhà G quên đóng của ban công, cùng với nhà G không làm lưới bảo hiểm ban
công, trong khi khoảng cách giữa hai nhà khá gần, P đã trèo sang và vào nhà lấy
một chiếc túi xách có chứa điện thoại di động, tiền. Thế nhưng khi bị G (chủ nhà)
phát hiện và giữ lại chiếc túi, P đã dùng chân đạp liên tục vào người và mặt làm G
ngã gục xuống sàn nhà sau đó tẩu thoát cùng chiếc túi đựng tiền và chiếc điện thoại
di động. Ở đây sau khi P đã lấy được chiếc túi xách có chứa điện thoại di động, tiền
và nhưng đã bị G phát hiện và giành lại, P đã có hành vi dùng vũ lực tấn công vào
G nhằm chiếm đoạt được tài sản. Do đó, hành vi của P thuộc trường hợp tội phạm
đã chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản thành tội cướp tài sản. Hành vi của P đã thỏa
mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ
Luật hình sự năm 2015: “ Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tưc
khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể
chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…..”
- Khách thể của tội phạm: Xâm phạm đến quyền sở hữu, xâm phạm đến tính
mạng, sức khoẻ của người khác. Trong tình huống trên, hành vi của P đã xâm phạm
đến cả quan hệ sở hữu ( P đã lấy túi xách của G đựng điện thoại di động, tiền với


tổng trị giá là 20 triệu đồng) và xâm phạm đến cả sức khỏe của người khác (khi bị
G (chủ nhà) phát hiện và giữ lại chiếc túi, P đã dùng chân đạp liên tục vào người và
mặt làm G ngã gục xuống sàn nhà với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 15%).
- Mặt khách quan của tội phạm: Trong tình huống nêu trên, P đã có hành vi
dùng vũ lực đối với G. Hành vi dùng vũ lực được hiểu là dùng bạo lực vật chất tác

động lên thân thể người khác nhằm đè bẹp sự phản kháng của họ. Cụ thể, P đã đã
dùng chân đạp liên tục vào người và mặt làm G ngã gục xuống sàn nhà khiến G
không thể ngăn cản được hành vi lấy túi xách của P. Tội phạm cướp tài sản hoàn
thành thì hậu quả không là dấu hiệu bắt buộc khi định tội danh. Việc P đã có hành
vi dùng vũ lực đối với G lấy được túi xách đựng điện thoại di động, tiền với tổng trị
giá là 20 triệu đồng và làm cho G bị tổn thương cơ thể là 15%. Trong trường hợp P
làm cho G bị tổn thương cơ thể là 15% thì đây sẽ là tình tiết tăng nặng định khung
của tội cướp tài sản quy định tại điểm c khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự năm
2015.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Lỗi: Lỗi của P là lỗi cố ý trực tiếp. khi P có hành vi lẻn vào nhà G lấy tài sản
tỏng trị giá là 20 triệu đồng cùng với đó là có hành vi dùng vũ lực đối với G làm
cho G bị tổn thương cơ thể là 15%, P đã nhận thức rõ được rằng hành vi của mình
là gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả do hành vi mà mình thực
hiện đồng thời cũng mong muốn thực hiện hành vi đó đến cùng để hậu quả xảy ra.
Mục đích: Trong tình huống trên mục đích của P là lấy được tài sản và giữ lại
được tìa sản mà mình đã lấy được.
- Chủ thể: Chủ thể của tội cướp tài sản là chủ thể thường có năng lực chịu
trách nhiệm hình sự và đủ 14 tuổi trở lên.
Như vậy, dựa vào những căn cứ phân tích nêu trên thì trong tình huống đề
bài đã nêu thì hành vi của P được cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại điểm
c khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015. Căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều


168 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì khung hình phạt cho hành vi phạm tội của P là từ
07 đến 15 năm tù giam.
2.Vấn đề 2: Giả sử, G do bị ngã đập mạnh đầu vào cạnh bàn nên đã chết thì tội
danh và khung hình phạt đối với hành vi của P có thay đổi không? Tại sao?
Trả lời:
Trong tình huống trên, P đã có hành vi dùng vũ lực đối với G, cụ thể là P đã

dùng chân đạp liên tục vào người và mặt làm G mục đích làm tê liệt và đè bẹp sự
phản kháng của G, làm cho G không thể chống cự được nhằm mục đích lấy được
tài sản của mình. Việc G do bị ngã đập mạnh đầu vào cạnh bàn nên đã chết, thì ở
đây ta có hai trường hợp:
-

Trường hợp 1: Cái chết của G được P thực hiện với lỗi vô ý.

Trong trường hợp này, việc gây ra cái chết cho G nằm ngoài ý thức chủ quan
của P. Việc P dùng vũ lực là dùng chân đạp liên tục vào người và mặt làm G chỉ với
mục đích là làm tê liệt và đè bẹp sự phản kháng của G để P có thể dễ dàng lấy được
tài sản. Còn việc G do bị ngã đập mạnh đầu vào cạnh bàn nên đã chết nằm ngoài ý
thức chủ uan ban đầu của P. Do đó trong trường hợp này tội danh của P không đổi
mà vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết tăng nặng là
vô ý làm chết người theo quy định tai điểm c khoản 4 Điều 168 Bộ luật Hình sự
năm 2015:
“4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến
20 năm hoặc tù chung thân:
c)Làm chết người;”
Trong trường hợp này mặc dù tội danh của của P không thay đổi nhưng
khung hình phạt đối với P đã có sự thay đổi. Căn cứ vào điểm c khoản 4 Điều 168
Bộ luật Hình sự năm 2015 thì lúc này không còn khung hình phạt từ 07 năm đến 15
năm tù giam dành cho P nữa, mà lúc này P phải chịu khung hình phạt là phạt tù từ
18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
-

Trường hợp 2: Cái chết của G được P thực hiện với lỗi cố ý.


Trong trường hợp này, việc gây ra cái chết cho G nằm trong ý thức chủ quan

của P. Vì để có thể lấy lại được tài sản mà mình đã chiếm đoạt được của G, P đã có
hành vi dùng chân đạp liên tục vào người và mặt G với ý thức chủ quan là làm cho
G chết vì thế G bị ngã đập mạnh đầu vào cạnh bàn dẫn đến cái chết của G. Sau khi
thấy G chết, P đã dừng hành vi dùng vũ lực của mình mà đã tẩu thoát cùng với túi
xách có đựng chiếc điện thoại và tiền mà P đã chiếm đoạt được của G. Trong
trường hợp này, thì P đã bị cấu thành 2 tội đó là tội cướp tài sản theo quy định tại
Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ
luật Hình sự năm 2015.
Như vậy, trong trường hợp này tội danh của P đã thay đổi không còn là một
tội cướp tài sản nữa mà P phải chịu trách nhiệm hình sự với 2 tội là tôi cướp tài sản
và tội giết người. Và trong trường hợp này khung hình phạt dành cho P cũng thay
đổi, P sẽ phỉa chịu trách nhiệm hình sự về tổng hợp của hai tội cướp tài sản theo
quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội giết người theo quy định tại
điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.
3.Vấn đề 3: Giả sử sau khi lấy được tài sản, P mang bán chiếc điện thoại di động
cho T (là thợ sơn cùng làm với P). T có phạm tội không? nếu có thì tội mà T
phạm là tội gì? Tại sao?
Trả lời:
Sau khi lấy được tài sản, P mang bán chiếc điện thoại di động cho T (là thợ
sơn cùng làm với P). Việc T mua lại chiếc điện toại di động mà P đã lấy được có
thể chia làm 3 trường hợp:
- Trường hợp 1: T đã có hứa hẹn trước với P là sẽ mua các vật mà P có được
sau khi P trèo sang nhà G và lấy được tài sản.
Trong trường hợp này T đã phạm tội đồng phạm với P về tội trộm cắp tài sản
với vai trò là người giúp sức. Tại khoản 1 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy
định về đồng phạm như sau: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý
cùng thực hiện một tội phạm”. Tại khoản 3 Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy


định về người giúp sức như sau: “Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần

hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”. Trong trường hợp trên T và P đã có sự
câu kết với nhau để thực hiện hành vi tội phạm của mình. Với lời hứa hẹn trước với
P là sẽ mua các vật mà P có được sau khi P trèo sang nhà G và lấy được tài sản. Lời
hứa hẹn trước của P trong trường hợp này tuy không tạo ra những điều kiện thuận
lợi cụ thể nhưng nó đã củng cố ý định phạm tội, củng cố quyết tâm phạm tội hay
quyết tâm phạm tội đến cùng của P. Hành vi thực hiện tội phạm của P có thể xảy ra
hay không xảy ra, có thể tiếp tục xảy ra hay dừng lại đều có thể phụ thuộc vào lời
hứa hẹn của T. Mặt khác, trong trường hợp này T chỉ có thỏa thuận với P là sẽ mua
các vật mà P có được sau khi P trèo sang nhà G và lấy được tài sản, tức là ý định
ban đầu của 2 người chỉ là lén lút sang sang G và lấy tài sản. Hành vi lén lút sang
nhà G để lấy tài sản được cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173
Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn việc P đã dùng chân đạp liên tục vào người và mặt
làm G bị tổn hại sức khỏe với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 15% là hành vi vượt ra
ngoài ý định chung của P và T do đó T không phải chịu trách nhiệm hình sự về tình
tiết này.
Như vậy, trong trường hợp này T đã có hứa hẹn trước với P là sẽ mua các vật
mà P có được sau khi P trèo sang nhà G và lấy được tài sản do đó T đã phạm tội
đồng phạm với P về tội trộm cắp tài sản với vai trò là người giúp sức
- Trường hợp 2: T không có hứa hẹn trước với P là sẽ mua các vật mà P có
được sau khi P trèo sang nhà G, nhưng biết chiếc điện thoại mà P bán cho mình là
tài sản P lấy được từ nhà G.
Trong trường hợp này, T mua chiếc điện thoại của P sau khi P đã chiếm đoạt
được của G mặc dù T biết trước được chiếc điện thoại đó do trộm cắp mà có và
việc mua chiếc điện thoại của T hoàn toàn khong có sự hứa hẹn với P trước khi P
sang nhà G để chiếm đoạt tài sản. Do đó, hành vi này của T bị cấu thành tội chứa
chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại khoản 1
Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa


chấp , tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ

10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm
hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Như vậy, trong trường hợp này T không có hứa hẹn trước với P là sẽ mua các
vật mà P có được sau khi P trèo sang nhà G, nhưng biết chiếc điện thoại mà P bán
cho mình là đồ P lấy được từ nhà G do đó , hành vi này của T bị cấu thành tội chứa
chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại khoản 1
Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015
- Trường hợp 3: T không có hứa hẹn trước với P là sẽ mua các vật mà P có
được sau khi P trèo sang nhà G, và cũng không hề biết rằng biết chiếc điện thoại
mà P bán cho mình là tài sản P lấy được từ nhà G.
Trường hợp trên, T không biết được chiếc điện thoại đó là tài sản do P phạm
tội mà có được do đó việc tiêu thụ chiếc điện thoại của T chỉ là 1 giao dịch dân sự
thông thường, sau khi biết tài sản đó là tài sản phạm tội có được thì giao dịch dân
sự này sẽ bị vô hiệu và các bên có nghĩa vụ trả lại cho nhau những gì đã nhận.
Đồng thời T sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mua lại chiếc điện
thoại của P.

KẾT LUẬN
Thông qua việc phân tích tình huống trên, chúng ta đã phần nào thấy được sự
nguy hiểm của tội phạm gây ra cho người bị hại cũng như cho toàn xã hội. Như
vậy, việc xác định chính xác và nhanh chóng loại tội phạm, loại cấu thành tội phạm,
trách nhiệm hình sự của chủ thể là rất quan trọng, quyết định đến việc xét xử, áp
dụng mức hình phạt đối với tội phạm. Trong đó quan hệ nhân thân và quan hệ sở
hữu là một trong những quan hệ xã hội mà pháp luật Việt Nam nói chung và luật
hình sự Việt Nam nói riêng bảo vệ. Mà tội cố chiếm đoạt tài sản lại là những tội


phổ biến nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay. Việc sửa đổi bổ sung một số điều
trong BLHS cũng là điều rất cần thiết trong hoàn cảnh xã hội đang phát triển không
ngừng. Đồng thời, các nhà áp dụng pháp luật cũng cần nắm bắt tình hình kịp thời,

vận dụng linh hoạt các điều luật góp phần làm cho xã hội thêm công bằng dân chủ.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam (tập I), Nxb.
CAND, Hà Nội, 2014;
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam (tập II), Nxb.
CAND, Hà Nội, 2014;
3. Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000.
4. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam (bình luận chuyên
sâu), Tập 1 - 3, Nxb. TP. Hồ Chí Minh
5. Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)
6. Ths. Dương Tuyết Miên, Định tội danh và quyết định hình phạt, NXB lao động –
xã hội, Hà Nội, 2007



×