ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong cuộc sống ngày nay, chúng ta có thể thấy rằng hoạt động của những sự
vật như máy móc, phương tiện, các hệ thống sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp
đã và đang đóng vai trò vô cùng quan trọng, thay đổi một cách căn bản cuộc sống
của con người. Lợi ích mà những sự vật trên mang lại cho con người là hết sức to
lớn. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó, khi hoạt động, vận hành, những sự
vật kể trên luôn ẩn chứa trong mình nguy cơ gây thiệt hại, đe dọa tới sự an toàn về
tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người. Những thiệt hại trên hoàn toàn mang
tính khách quan, nằm ngoài sự kiểm soát của con người, dù cho con người đã tìm
cách để vận hành, điều khiển chúng một cách an toàn nhất có thể. Chính từ nguyên
nhân này, trong khoa học pháp lý xuất hiện thuật ngữ “nguồn nguy hiểm cao độ”
dùng để gọi chung cho các sự vật tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại như trên. Trên cơ sở
đánh giá mức độ tiềm ẩn nguy cơ, mối liên quan giữa hành vi của con người với
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, pháp luật đã đề cập đến trách nhiệm
bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nhận rõ được tầm quan
trọng của vấn đề này em xin lựa chọ đề tài: “Phân tích các điều kiện làm phát
sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Xây
dựng một tình huống tranh chấp có liên quan và đưa ra quan điểm giải quyết
của cá nhân” để tìm hiểu.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I.CƠ SỞ LÝ LUẬN.
1.Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ.
Tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nguồn nguy
hiển cao độ như sau: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông
vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí,
chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ
khác do pháp luật quy định.”
- Phương tiện giao thông vận tải cơ giới: hiện nay chưa có văn bản pháp luật
nào chính thức đưa ra khái niệm “phương tiện giao thông vận tải cơ giới”. Luật
giao thông đường bộ quy định: “ Phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ
gồm: xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy và các loại xe
tương tự kể cả xe cơ giới dành cho người tàn tật…”. Như vậy, ngoài phương tiện
giao thông vận tải cơ giới đường bộ còn có phương tiện giao thông vận tải cơ giới
đường sắt, đường thủy, đường hành không. Tuy nhiên, liệu có phải tất cả các
phương tiện giao thông vận tải cơ giới đều được coi là nguồn nguy hiểm cao độ hay
không? Pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Trên thực
tế, có những loại phương tiện đang nằm ngoài “sự kiểm soát” của pháp luật khi quy
định về “nguồn nguy hiểm cao độ”, chẳng hạn: xe đạp điện, xe babetta, java… hay
máy thi công, máy nông lâm ngư cơ …
- Hệ thống tải điện được hiểu là dây truyền dẫn điện, mô tơ, máy phát điện,
cầu dao…; nhà máy công nghiệp như nhà máy công nghiệp nặng, công nghiệp
nhẹ… cũng như phương tiện giao thông vận tải cơ giới chỉ được coi là nguồn nguy
hiểm cao độ khi nó đang hoạt động – điều đó có nghĩa là nếu nó đang ở trạng thái
tĩnh thì không tạo nguy hiểm cho những người xung quanh.
- Vũ khí bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vu khí thô sơ, vũ khí thể thao
và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. Vũ khí quân dụng gồm:
súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm súng ngắn,
súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có tính năng, tác
dụng tương tự; vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại niên, súng cối dưới 100 mi – li – mét,
(mm), súng ĐKZ, súng máy phòng không dưới 23 mi – li – mét (mm), súng phóng
lựu, tên lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, các loại vũ khí hạng
nhẹ khác có tính năng, tác dụng tương tự; các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi,
thủy lôi, hỏa cụ; vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành
nhưng cs tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
- Chất cháy, chất nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn…dễ gây ra cháy nổ. Chất
cháy có đặc tính tự bốc cháy khi tiếp xúc với ôxy trong không khí, nước hoặc dưới
tác động của các yếu tố khác ở nhiệt độ cao hoặc không cao (diêm, phốt pho, xăng
dầu,…). Chất nổ với khả năng gây nổ mạnh, nhanh tỏa nhiệt và ánh sáng ( thuốc
nổ, thuốc pháo, thuốc súng…).
- Chất độc là những chất có tộc tính cao, rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính
mạng của con người, động vật, cũng như đối với môi trường xung quanh. (Ví dụ:
các chất độc bảng A như A – cô – ni – tin và các loại muối của nó, kẽm phốt pho, ni
– cô – tin…).
- Chất phóng xạ là chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt động phóng xạ riêng
lớn hơn 70 kilo Beccơren trên kilogam (70KBO/Kg). Chất phóng xạ là nhân tố sát
thương của vũ khí hạt nhân gồm những đồng vị không bền của các nguyên tố hóa
học (urani, rađi…), có khả năng phát ra những chùm tia phóng xạ không nhìn thấy
gây bệnh hoặc gây nhiễm xạ đối với người, động vật và môi trường sống.
- Thú dữ là động vật bậc cao, có lông mao, có tuyến vú, nuôi con bằng sữa,
lớn, rất dữ, có thể làm hại người. Ví dụ: hổ, sư tử, gấu…,
Xuất phát từ đặc điểm của nguồn nguy hiểm cao độ là luôn tiềm ẩn trong đó
khả năng gây thiệt hại nên tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ,
vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.”
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
2.1. Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường.
2.1.1. Hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ.
Thiệt hại được hiểu là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc
xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức.
Hơn nữa, do tính chất nguy hiểm “cao độ” nên nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây
thiệt hại cho bất kỳ ai. Có thể là chính chủ sở hữu, người đang chiếm hữu, vận hành
hay cả những người không có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ… Do vậy,
trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ được đặt ra khi nguồn
nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho những “người xung quanh” - là những người
khi xảy ra thiệt hại không có quan hệ đến nguồn nguy hiểm đó nhằm để bảo vệ
quyền được bồi thường cho những người này.
Thiệt hại liên quan đến các loại nguồn nguy hiểm rất đa dạng và do nhiều
nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chỉ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau:
Thứ nhất: Những sự vật được coi là nguồn nguy hiểm cao độ phải đang trong
tình trạng vận hành, hoạt động như: phương tiện giao thông vận tải cơ giới đang
tham gia giao thông trên đường; cháy, chập hệ thống tải điện; nhà máy công nghiệp
đang hoạt động… Trường hợp thiệt hại xảy ra khi nguồn nguy hiểm cao độ đang ở
trạng thái “tĩnh” – không hoạt động thì không thể coi là thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra.
Thứ hai: thiệt hại phải do chính sự tác động của bản thân nguồn nguy hiểm
cao độ hoặc do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm gây ra.
Có quan điểm cho rằng các vật là vô tri vô giác, vì vậy chúng không thể gây
thiệt hại nếu không có sự tác động của con người. Quan điểm này cho rằng đằng
sau việc gây thiệt hại của một vật bao giờ cũng có sự tác động của con người.
Chiếc xe gây tai nạn là do người lái xe làm cho nó chuyển động. Quan điểm này
đánh đồng tất cả các thiệt hại đều do con người gây ra, vì vậy các thiệt hại đều quy
về một nguyên tắc bồi thường thiệt hại nói chung.
Tuy nhiên, không phải mọi thiệt hại do vật gây ra đều có sự tác động của con
người. Nhiều trường hợp, hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ nằm ngoài sự
kiểm soát, chế ngự của con người và tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại.
Việc xác định thiệt hại là do “tác động của người” hay “tác động của vật” có ý
nghĩa vô cùng quan trọng khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Những trường hợp thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ nhưng
do “tác động của con người”, do hành vi của con người gây ra thì chỉ cần áp dụng
nguyên tắc chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hầu hết các vụ tai nạn, thiệt
hại đều có sự tham gia của vật với vai trò trung gian như là công cụ, phương tiện
mà con người sử dụng để gây thiệt hại như: đặt mìn để gây thiệt hại cho người
khác, để đánh cá; dùng súng sát thương người khác; lái xe phóng nhanh, vượt ẩu
gây tai nạn; dùng chất độc để đầu độc người khác; dùng nguồn điện để gài bẫy
trộm; nhốt người vào chuồng hổ cho con thú tấn công… Những trường hợp này
thiệt hại hoàn toàn do hành vi có chủ ý của con người chứ không phải do tự thân
nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại.
Trường hợp thiệt hại xảy ra do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm cao
độ, hoàn toàn độc lập và nằm ngoài sự quản lý, kiểm soát của con người thì sẽ áp
dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như: xe ô
tô đang chạy với tốc độ cao đột nhiên mất phanh, mất lái hoặc nổ lốp gây ra thiệt
hại; cháy, chập đường dây tải điện; cháy nổ trong nhà máy do trục trặc kỹ thuật…
Một điểm cần lưu ý là hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ phải có
tính trái pháp luật. Hoạt động của xe cần trục, xe ủi… khi phá dỡ các công trình
xây dựng trái phép không thể coi là trái pháp luật. Có nhiều trường hợp do đặc tính
của nguồn nguy hiểm cao độ mà việc gây thiệt hại của những phương tiện này
không bị coi là trái pháp luật.
Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ
gây ra cũng loại trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại
hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết (Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự
năm 2015). Nói tóm lại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao
độ gây ra là trách nhiệm đối với sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy
hiểm cao độ chứ không phải thiệt hại do hành vi của con người.
2.1.2. Có thiệt hại do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Nguồn nguy hiểm cao độ do tính chất nguy hiểm của nó có thể gây thiệt hại
cho bất kỳ ai: chủ sở hữu, người đang chiếm hữu, vận hành, những người không có
liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ… Có những chủ thể do mối quan hệ sở hữu,
lao động mà họ trực tiếp tiếp xúc với nguồn nguy hiểm cao độ. Đối với chủ sở hữu,
họ phải tự chịu mọi rủi ro đối với thiệt hại do tài sản của mình gây ra. Đối với
người bị thiệt hại trong khi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao
động, họ sẽ được hưởng bồi thường theo chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ chỉ được đặt ra khi nguồn
nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho những “người xung quanh”- là những người khi
xảy ra thiệt hại không có quan hệ lao động hoặc sở hữu liên quan đến nguồn nguy
hiểm cao độ nhằm để bảo vệ quyền được bồi thường cho những người này.
Do đặc điểm của nguồn nguy hiểm cao độ là những loại tài sản có khả năng
gây ra thiệt hại trong quá trình vận hành, sử dụng chúng, thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra chỉ có thể là những thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe.
Thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm – là những thiệt hại chỉ có thể phát sinh do
hành vi của con người nên không thuộc phạm vi tác động của nguồn nguy hiểm cao
độ.
2.1.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và
thiệt hại xảy ra.
Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa sự hoạt động của nguồn nguy hiểm
cao độ và thiệt hại xảy ra có ý nghĩa pháp lý quan trọng vì nó là bằng chứng để xác
định có hay không có trách nhiệm dân sự của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ.
Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì hành vi trái pháp luật
được coi là nguyên nhân và thiệt hại được coi là hậu quả. Về mặt nguyên tắc, hành
vi trái pháp luật phải có trước và thiệt hại có sau. Điều kiện này đòi hỏi hoạt động
của nguồn nguy hiểm cao độ là nguyên nhân tất yếu, nguyên nhân có ý nghĩa quyết
định dẫn đến thiệt hại và thiệt hại xảy ra là kết quả của hoạt động của nguồn nguy
hiểm cao độ. Khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, điểm mấu chốt quan
trọng là xác định thiệt hại đó do nguyên nhân nào gây ra . Như vậy, để phát sinh
trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì tự thân sự
hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại
Còn trong trường hợp người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà có lỗi
trong việc sử dụng chúng đã gây ra thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại
không phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
2.1.4. Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra.
Theo quan điểm cổ điển, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ
đặt ra khi có điều kiện lỗi. Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm
bồi thường. Chỉ khi nào một người do lỗi của mình mà gây thiệt hại, xâm phạm đến
quyền lợi hợp pháp của người khác thì mới phải bồi thường. Cơ sở để người bị thiệt
hại yêu cầu bồi thường là họ phải chứng minh lỗi của người gây thiệt hại. Điều kiện
này trong nhiều trường hợp thực tế là không thể thực hiện được khi thiệt hại xảy ra
không phải do lỗi của ai cả. Khuynh hướng xác định trách nhiệm bồi thường dựa
trên ý niệm lỗi nhiều khi không bảo đảm được một cách hiệu quả quyền lợi cho nạn
nhân trong khi việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại là một đòi hỏi cấp
thiết và chính đáng
Để bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ nạn nhân chống lại việc gây ra tai nạn,
có quan điểm cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp có
thể phát sinh mà không cần điều kiện lỗi. Thực tế cho thấy các tai nạn mang tính
khách quan nhiều khi nằm ngoài sự chi phối, điều khiển của con người ngày càng
gia tăng cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, cơ giới hóa, đe dọa tới sự an
toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của con người. Nếu trong mọi trường hợp xảy
ra thiệt hại đều buộc người bị hại dẫn chứng lỗi thì không khác gì gián tiếp bác bỏ
quyền đòi bồi thường thiệt hại của nạn nhân. Vì vậy, khi có việc gây thiệt hại,
người bị thiệt hại được bảo đảm bồi thường ngay cả trong trường hợp người gây
thiệt hại không có lỗi. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là
một trong những trường hợp đặc biệt, theo đó, trách nhiệm bồi thường phát sinh khi
không cần xem xét đến điều kiện lỗi. Tại khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm
2015 quy định “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”. Quy định này trên thực tế hiện nay
dẫn đến ba cách hiểu khác nhau.
Quan điểm thứ nhất căn cứ vào nguyên nhân gây ra thiệt hại, theo đó, nếu
thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ thì áp dụng trách nhiệm bồi
thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra bất kể có lỗi hay không có lỗi
của người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Như vậy, những thiệt hại
do phương tiện giao thông, công trình, thú dữ, do sử dụng vũ khí, chất nổ, chất
cháy, điện… gây ra đều được áp dụng trách nhiệm bồi thường do nguồn nguy hiểm
cao độ gây ra. Trường hợp thiệt hại do hành vi của con người, không liên quan đến
các loại nguồn nguy hiểm cao độ thì áp dụng nguyên tắc chung của trách nhiệm bồi
thường thiệt hại. Việc xác định trách nhiệm theo quan điểm này có ưu điểm bảo vệ
được quyền lợi cho nạn nhân nhưng lại có khuynh hướng đè nặng trách nhiệm cho
người sở hữu, người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ, bởi lẽ có nhiều trường
hợp thiệt hại xảy ra là do hành vi trái pháp luật, do lỗi của người khác.
Quan điểm thứ hai cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm hoàn toàn loại trừ yếu tố lỗi của người sở
hữu, người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu thiệt hại do nguồn nguy hiểm
cao độ gây ra nhưng có một phần lỗi của người đang trông giữ, vận hành, quản lý
nguồn nguy hiểm cao độ thì áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung.
Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn không có lỗi của con người thì mới áp dụng trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trên thực tế rất khó
xác định thiệt hại xảy ra hoàn toàn không có lỗi của con người và như vậy, dường
như quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra khó có thể áp dụng trên thực tế.
Quan điểm thứ ba theo hướng dung hòa hai quan điểm trên. Nếu như các
trường hợp bồi thường thiệt hại thông thường dựa trên sự suy đoán lỗi thì trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra dựa trên sự suy đoán
trách nhiệm đối với người có nghĩa vụ quản lý nguồn nguy hiểm cao độ. Trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ được áp dụng khi
hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ nằm ngoài khả năng kiểm
soát, điều khiển của người chiếm hữu, vận hành và là nguyên nhân trực tiếp dẫn
đến thiệt hại. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của con người trong việc trông
giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng trách nhiệm
này mà sẽ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung. Trách nhiệm bồi
thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không loại trừ khả năng thiệt
hại cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, trông giữ, bảo quản, vận hành
nguồn nguy hiểm cao độ nhưng hành vi của người trông giữ, vận hành nguồn nguy
hiểm cao độ không phải nguyên nhân có tính quyết định đến thiệt hại. Chủ sở hữu,
người đang chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không được miễn trừ trách nhiệm
bồi thường kể cả trong trường hợp họ chứng minh được mình không có lỗi trong
việc trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ. Chúng tôi đồng tình
với quan điểm này bởi lẽ yếu tố lỗi không phải là một điều kiện tiên quyết làm phát
sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Dấu hiệu
quan trọng nhất để xác định trách nhiệm này là hoạt động của nguồn nguy hiểm cao
độ chính là nguyên nhân trực tiếp, là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại. Hoạt động
gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của con
người hoặc cũng có thể có một phần lỗi của người quản lý, điều khiển, tuy nhiên lỗi
ở đây chỉ đóng vai trò thứ yếu đối với thiệt hại. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do
lỗi, do hành vi của người điều khiển nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng
trách nhiệm này.
2.2. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra.
Căn cứ vào khoản 2 và khoản 4 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định
về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra thì trách nhiệm bồi thường được áp dụng với các chủ thể
sau: chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ; người được chủ sở hữu giao chiếm hữu,
sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ; người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn
nguy hiểm cao độ. Việc xác định ai trong số các chủ thể trên phải chịu trách nhiệm
bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải căn cứ vào từng trường
hợp cụ thể, dựa trên nguyên tắc chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm
hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ kể cả khi không có lỗi.
Thứ nhất, chủ sở hữu trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.
Theo đó, chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là đang
thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm
cao độ. Trong khi thực hiện quyền sở hữu, chủ sở hữu khai thác công dụng, hưởng
hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không được gây tổn hại tới lợi
ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Vì vậy, nếu nguồn nguy
hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác trong trường hợp chủ sở hữu đang trực
tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì trách nhiệm bồi thường thiệt
hại thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu người bị thiệt hại là chính
chủ sở hữu thì trách nhiệm bồi thường không phát sinh, nếu là phương tiện giao
thông thì sẽ áp dụng các quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ
xe cơ giới.
Thứ hai, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ chuyển giao nguồn nguy hiểm
cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo ý chí của chủ sở hữu. Mặt khác
việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm
cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của
pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Do vậy, phải
xác định rõ trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ
có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không. Trường
hợp, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ có
mối quan hệ lao động, được xác lập qua tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động. Mặc
dù người lao động là người đang thực tế chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao
độ nhưng hoàn toàn dưới sự quản lý, điều hành của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm
cao độ và vì lợi ích của chủ sở hữu nên phải coi đây giống như trường hợp chủ sở
hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, theo đó, chủ sở
hữu phải chịu trách nhiệm khi tài sản của mình gây thiệt hại cho người khác.
Trường hợp, chủ sở hữu có thể chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng
nguồn nguy hiểm cao độ cho chủ thể khác thông qua giao dịch dân sự, hợp đồng:
mượn, thuê, cầm cố, gửi giữ… Nếu bai bên đã xác định trách nhiệm bồi thường
thiệt hại trong hợp đồng thì căn cứ vào sự thỏa thuận đó. Trong trường hợp các bên
không có thỏa thuận thì áp dụng pháp luật, theo đó bên mượn, thuê, nhận cầm cố,
nhận gửi giữ,…là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì
vậy trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm
hữu, quản lý của họ, họ bị coi là có lỗi trong nghĩa vụ quản lý, sử dụng và phải chịu
trách nhiệm bồi thường. Tài sản trong trường hợp này đã nằm ngoài sự quản lý,
kiểm soát của chủ sở hữu nên họ sẽ không phải bồi thường, tuy nhiên nếu người
chiếm hữu, sử dụng không có lỗi mà thiệt hại do chính tài sản gây ra mà người sử
dụng không thể biết như tường đổ, nhà sập,… thì chủ sở hữu phải bồi thường.
Trường hợp chủ sở hữu chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy
hiểm cao độ có lỗi như biết người mượn không có bằng lái xe mà vẫn cho mượn thì
chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại. Ngoài ra chủ sở hữu và người được giao
chiếm hữu, sử dụng có thể thực hiện thỏa thuận không trái pháp luật để việc thực
hiện trách nhiệm bồi thường được nhanh chóng, kịp thời như thỏa thuận cùng nhau
liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, ưu tiên người có điều kiện kinh tế
bồi thường trước,…
Thứ ba, trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp
luật, có hai khả năng như sau:
Chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao không có lỗi
trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì
người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu, người chiếm hữu nguồn
nguy hiểm cao độ không phải trách nhiệm bồi thường vì đã tuân thủ các quy định
về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng
các quy định của pháp luật, việc gây thiệt hại nằm ngoài ý chí, khả năng kiểm soát
của họ.
Trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy
hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử
dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường cùng người chiếm hữu, sử dụng trái
pháp luật.
II. TÌNH HUỐNG TRANH CHẤP VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG
THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA.
1.Tóm tắt tình huống.
Ngày 18/1/2017, Phạm Trọng N đang điều kiển xe máy biển kiểm soát 47L5
- 9411 lưu thông trên đường tỉnh lộ 5 theo hướng BĐ về B, khi đến đoạn đường
Km5 + 600, thuộc thôn 5, xã EB, huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk thì bị xe ô tô biển kiểm
soát 47C – 04946 thuộc sở hữu của ông Trần Anh D do Ông Đinh Ngọc K (thuê xe
của ông Trần Anh D, và chỉ có hợp đồng bằng miệng) điều khiển gây tai nạn.
Nguyên nhân gây tai nạn là do ốc của khớp chữ thập trên của trụ lái tuột ra, làm rời
khớp nối dẫn đến hệ thống lái của xe ô tô bị mất tác dụng, xe tự di chuyển sang
phần đường ngược chiều gây tai nạn cho anh N. Theo bản kết luận pháp y của
Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk xác định tỉ lệ thương tích của Phạm Trọng N 81%
sức khỏe. Sau khi bị tai nạn N được đưa đi điều trị tại Bệnh viện TH, Bệnh viện
tỉnh Đắk Lắk và Bệnh viện CR tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay anh N không
làm được việc gì, mọi sinh hoạt cho bản thân phải có người chăm sóc. Nay anh N
yêu cầu Tòa án phải buộc ông Trần Anh D và lái xe Ông Đinh Ngọc K phải liên đới
bồi thường thiệt hại.
2. Giải quyết tình huống.
Tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nguồn nguy
hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà
máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng
xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm khác do pháp luật quy định”. Luật giao thông
đường bộ quy định: “ Phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ gồm: xe ô
tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả
xe cơ giới dành cho người tàn tật…”. Do đó, trong tình huống trên xe ô tô mà K
điều khiển gây tai nạn cho N là một nguồn nguy hiểm cao độ.
Trong tình huống nêu trên, Phạm Trọng N đang điều kiển xe máy biển kiểm
soát 47L5 - 9411 lưu thông trên đường tỉnh lộ 5 theo hướng BĐ về B, khi đến đoạn
đường Km5 + 600, thuộc thôn 5, xã EB, huyện BĐ, tỉnh Đắk Lắk thì bị xe ô tô biển
kiểm soát 47C – 04946 thuộc sở hữu của ông Trần Anh D do Ông Đinh Ngọc K
(thuê xe của ông Trần Anh D) điều khiển gây tai nạn khiến Phạm Trọng N bị
thương tích với tỉ lệ 81%. Việc gây tai nạn khiến N bị trọng thương của K hoàn
toàn không phải do lỗi của K gây ra mà là do chính chiếc xe ô tô gây ra hay nói
cách khác là do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra bởi khi xe ô tô của K đang
lưu thông thì ốc của khớp chữ thập trên của trụ lái tuột ra, làm rời khớp nối dẫn đến
hệ thống lái của xe ô tô bị mất tác dụng, xe tự di chuyển sang phần đường ngược
chiều gây tai nạn cho anh N. Trên nguyên tắc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng
nguồn nguy hiểm cao độ (cho thuê, cho mượn, …) phải bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra kể cả khi không có lỗi.
Mặt khác, trong tình huống trên việc N bị tai nạn hoàn toàn không phải do lỗi
cố ý của N, N không hề tự ý lao vào ô tô của K mà N đang tham gia giao thông trên
đường thì bị xe của K đâm vào gây tai nạn cho N. Bên cạnh đó, việc xe của K gây
tai nạn cho N không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết. Do đó
trong trường hợp trên, K không được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 3 Điều 601
Bộ luật Dân sự năm 2015.
Trong tình huống trên, K đã thuê xe ô tô của D qua hợp đồng bằng miệng.
Mà theo quy định của pháp luật thì hợp đồng thuê tài sản hay cụ thể là thuê chiếc
xe ô tô trong tình huống trên không bắt buộc phải công chứng, chứng thực theo quy
định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng thuê tài sản Hợp
đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản
cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê…”. Do đó
trong tình huống nêu trên, việc anh K sử dụng chiếc xe ô tô của D thông qua hợp
đồng thuê tài sản bằng miệng là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Theo
quy định tại khoản 2 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu
nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải
bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Vì vậy, trong tình huống trên, K
phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho N do nguồn nguy hiểm cao độ là
chiếc xe ô tô gây ra. Tuy nhiên, trong trường hợp K và D đã có thỏa thuận về việc
bồi thường thiệt hại, thì trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này sẽ được thực
hiện theo thỏa thuận của D và K.
Như vậy, trong tình huống nêu trên, ông Đinh Ngọc K phải chịu trách nhiệm
bồi thường thiệt hại cho anh Phạm Trọng N do nguồn nguy hiểm cao độ là chiếc xe
ô tô gây ra. Trong trường hợp ông Đinh Ngọc K và ông Trần Anh D đã có thỏa
thuận về việc bồi thường thiệt hại, thì trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này
sẽ được thực hiện theo thỏa thuận của ông Đinh Ngọc K và ông Trần Anh D.
KẾT LUẬN
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một
chế định phức tạp của pháp luật dân sự hiện nay. Tính phức tạp không chỉ nằm
trong những quy định của pháp luật hiện hành mà còn ở trong nhận thức, quan
niệm của mỗi người về bản chất, điều kiện làm phát sinh trách nhiệm này. Hiện
nay vấn đề bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được quy định
trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy đã có
những hướng dẫn cụ thể nhưng khi áp dụng vào thực tiễn xét xử thì vẫn gặp những
vướng mắc, khó khăn. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra sẽ góp phần nâng cao hơn ý thức của
chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao
độ hợp pháp trong việc sử dụng, vận hành tài sản nhằm giảm bớt những thiệt hại
không đáng có về người và của. Đồng thời bảo vệ được quyền lợi cho người bị
thiệt hại trong trường hợp xảy ra thiệt hại.