Tải bản đầy đủ (.docx) (24 trang)

Chính sách bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở Thủy Nguyên, Hải Phòng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (386.33 KB, 24 trang )

Thủy Nguyên là một huyện nằm ở phía bắc của thành phố Hải Phòng. Đây là
mảnh đất đã hội tụ đầy đủ các giá trị di sản văn hóa. Có thể nói di sản văn hoá huyện
Thủy Nguyên độc đáo về loại hình, có giá trị đặc biệt về văn hóa, du lịch đặc biệt là
loại hình du lịch nhân văn. Trong tiến trình hội nhập, vấn đề bảo tồn và phát huy giá
trị các di sản văn hoá đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, việc ban hành
các chính sách nhằm giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa ấy một cách bền vững
là một việc làm vô cùng cần thiết, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng văn
hóa – kinh tế của huyện Thủy Nguyên nói riêng cũng như thành phố Hải Phòng nói
chung.
Trong những năm gần đây, du lịch đóng vai trò quan trong trọng chiến lược
phát triển của huyện Thủy Nguyên. Để gìn giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống,
nhiều chính sách văn hóa đã được triển khai và đi sâu vào trong quần chúng nhân
dân thông qua việc triển khai văn hóa đọc được thực hiện ở hệ thống thiết chế văn
hóa cơ sở, tuy nhiên không được đồng bộ và thường xuyên. Bên cạnh đó, các quy
trình sáng tạo văn hóa cũng được cải biên và nâng lên một tầm cao mới. Điều này có
ảnh hưởng không nhỏ tới việc các giá trị di sản văn hóa bị mai một và lãng quên
trong nhận thức của các thế hệ trẻ. Chính vì vậy, việc tìm hiểu những chính sách bảo
tồn và phát huy những di sản truyền thống ở Thủy Nguyên là một điều vô cùng cần
thiết nhằm góp phần vào việc khôi phục, lưu giữ những nét văn hoá truyền thống của
xứ Đông, đồng thời để những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy thấm sâu vào tâm hồn, đánh
thức tiềm năng sáng tạo của người dân nới đây với những bản sắc riêng có của nó.


1. Chính sách văn hóa đối với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân
tộc
“ Chính sách văn hóa là một tổng thể các nguyên tắc hoạt động quyết định
các cách thực hành, các phương pháp quản lý hành chính và phương pháp ngân
sách của Nhà nước dùng làm cơ sở cho các hoạt động văn hóa”. (Quan niệm về
chính sách văn hóa của UNESCO)
Nghiên cứu chính sách văn hóa như một chỉnh thể, có tính hệ thống và đồng
bộ mới xuất hiện ở Việt Nam sau thời kỳ đổi mới. Nhưng việc ban hành và thực thi


chính sách thì đã gắn với sự hình thành và phát triển của Đảng cộng sản và nhà
nước Việt Nam.
Nhìn chung, quan niệm chính sách văn hóa ở nước ta bị chi phối bởi quan
niệm chính sách văn hóa của UNESCO vận dụng cụ thể vào chế độ chính trị của
Việt Nam. Có thể nói, chính sách văn hóa là những cơ chế ưu tiên của Nhà nước để
phát triển một lĩnh vực văn hóa hay một đối tượng văn hóa nào đó trong xã hội. Nó
là quyền lực của Nhà nước, là công cụ cho sự phát triển, mở rộng mọi nguồn lực vào
phát triển văn hóa của đất nước trong đó phát triển con người là nhiệm vụ hàng đầu
và trung tâm.
Chính sách văn hóa được phân ra nhiều mục và theo nhiều cách, nhiều lĩnh
vực khác nhau. Nghị quyết TW 5 Khóa VIII đã nêu ra nhiều loại chính sách khác
nhau theo mỗi một chủ đề nhất định, trong đó có chính sách về bảo tồn, phát huy di
sản văn hóa dân tộc.
Di sản văn hóa được hiểu như là tài sản, là báu vật của thế hệ trước để lại cho
thế hệ sau, gồm các tác phẩm nghệ thuật dân gian, công trình kiến trúc, tác phẩm
điêu khắc, tác phẩm văn học...


Bảo tồn là bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của sự vật hiện tượng theo dạng thức
vốn có của nó. Bảo tồn là giữ lại, không để mất đi, không để bị thay đổi, biến hóa
hay biến thái.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ biện chứng. Đó là
hai lĩnh vực thống nhất, tương hỗ, chi phối ảnh hưởng qua lại trong hoạt động giữ
gìn tài sản văn hóa. Bảo tồn di sản văn hóa thành công thì mới phát huy được các giá
trị văn hóa. Phát huy cũng là một cách bảo tồn di sản văn hóa tốt nhất (lưu giữ giá trị
di sản trong ý thức cộng đồng xã hội). Chính vì vậy, bất kì một nhà nước nước nào,
một thể chế nào muốn bảo tồn và phát huy tốt những giá trị văn hóa truyền thống
đều cần thiết phải ban hành những chính sách chuyên hóa về nó. Ở Việt Nam, chính
sách này hướng vào cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là tiến hành sớm việc kiểm
kê, sưu tầm, chỉnh lý vốn văn hóa truyền thống của người Việt và các dân tộc thiểu

số; phiên dịch; giới thiệu kho tàng văn hóa Hán Nôm. Bảo tồn các di tích lịch sử,
văn hóa danh lam thắng cảnh, các làng nghề, các nghề truyền thống, các nghệ nhân
dân gian,…
2. Thực trạng di sản văn hoá và chính sách bảo tồn ở huyện Thủy Nguyên
Thuỷ Nguyên là một huyện ngoại thành của thành phố Hải Phòng (qua sông
Cấm), phía bắc giáp tỉnh Quảng Ninh (qua sông Đá Bạc và sông Bạch Đằng), phía
tây giáp tỉnh Hải Dương và phía đông giáp huyện An Dương (cũng qua sông Cấm).
Trước năm 1938, Thuỷ Nguyên thuộc tỉnh Kiến An, sau nhập về Hải Phòng và
thành huyện ngoại thành với 35 xã và 2 thị trấn. Thuỷ Nguyên được xem là vùng
đất giáp biển, lịch sử hình thành và phát triển Thủy Nguyên được bắt đầu từ công
cuộc khẩn hoang của các cộng đồng cư dân lấn biển. Sự hình thành và phát triển
vùng đất này gắn liền với lịch sử đấu tranh chinh phục thiên nhiên và chống chọi
kẻ thù xâm lược, đất và người nơi đây đã hun đúc nên bản lĩnh kiên cường, bất
khuất và truyền thống yêu nước, cách mạng.


Quá trình đó bồi đắp nên những giá trị nhân văn qua nhiều thế hệ, hình thành
những giá trị văn hóa truyền thống mang sắc thái riêng. Là vùng đất thuần canh
nông nghiệp do vậy các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán mang
những nét tương đồng với nền sản xuất ấy. Cư dân Thủy Nguyên với bản tính năng
động, cởi mở và giao lưu văn hóa đã tạo cho vùng đất này một kho tàng di sản văn
hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và độc đáo.
Di sản văn hóa vật thể
Di chỉ khảo cổ:
Từ thời tiền sử đến giai đoạn hình thành nhà nước Văn Lang, Thủy Nguyên đã là
một địa bàn cư trú của người Việt cổ. Họ định cư dọc theo chân núi, thung áng của
các dãy núi Gia Đước, Liên Khê, Tràng Kênh, Đông Sơn, Chính Mỹ. Điều này
được phản ánh qua các di chỉ khảo cổ đã được khai quật tiêu biểu như:
- Di chỉ khảo cổ Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức): Khai quật những năm
1960-1970, thuộc văn hóa Phùng Nguyên giai đoạn muộn, có niên đại 1.380 năm ±

100 năm tr.CN;
- Di chỉ khảo cổ Việt Khê (làng Ngọc Khê, xã Phù Ninh): Khai quật những
năm 1960-1962. Di chỉ bao gồm nhiều hiện vật đồ đồng, được xác định thuộc văn
hóa Đông Sơn, có niên đại là 2415 ± 100 năm (tính đến năm 1950);
- Di chỉ mộ cổ Dực Liễn (tại chân núi Đầu Voi, thôn 5-6, xã Thủy Sơn):
Khai quật năm 2001, được nhận định là khu mộ của cư dân văn hóa Đông Sơn có
niên đại cách đây 2.400-100 năm;
- Di chỉ mộ cổ đồi Trà Vàng (xã Kỳ Sơn): Được nhận định là khu mộ cổ
mang phong cách Hán, có niên đại khoảng thế kỷ II-III (thời kỳ Bắc thuộc), cách
đây 1.800-100 năm;
- Di chỉ khảo cổ xã Liên Khê gồm 2 địa điểm:


. Di chỉ mộ cổ đồi thông Điệu Tú: Trong mộ cổ phát hiện nhiều hiện vật
bằng đất nung, có niên đại khoảng thế kỷ II-III (thời kỳ Bắc thuộc), cách đây
1.800-100 năm;
. Di chỉ mộ cổ núi Thành Dền: Khai quật năm 2010, được nhận định là mộ cổ có
niên đại khoảng thế kỷ II-III (thời kỳ Bắc thuộc), cách đây 1.800-100 năm.
Di tích có giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật:
Toàn huyện hiện có 347 di tích thuộc các loại hình kiến trúc nghệ thuật, văn
hóa, lịch sử kháng chiến, khảo cổ, tôn giáo tín ngưỡng… (không tính số lượng các
từ đường dòng họ chưa được xếp hạng). Tính đến năm 2010, diện tích đất của các
di tích văn hóa, lịch sử, danh thắng và tôn giáo tín ngưỡng của Thủy Nguyên là
67,36 ha (chiếm 0,28% tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện). Trung bình có từ 810 di tích/đơn vị xã, thị trấn. Một số xã, thị trấn tập trung nhiều di tích như Thủy
Sơn (23 di tích), Chính Mỹ (22 di tích), Minh Đức (21 di tích), Lại Xuân (20 di
tích),…
Hệ thống di tích Thủy Nguyên khá phong phú và đa dạng, bao gồm nhiều
loại hình phản ánh nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng của nhân dân. Phân
loại theo loại hình, hệ thống di tích huyện Thủy Nguyên gồm: 100 ngôi chùa, 58
ngôi đình, 33 ngôi đền, 121 ngôi miếu và 35 di tích khác (bao gồm các địa điểm

khảo cổ đã được khai quật, nhà thờ Kitô giáo, phủ đường, từ đường đã được xếp
hạng...). Trong đó, có 76 di tích, cụm di tích thuộc 34 xã, thị trấn đã được xếp hạng
là di tích lịch sử văn hóa, lịch sử kháng chiến và di tích lịch sử danh thắng (gồm 23
di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 53 di tích xếp hạng cấp Thành phố) và là huyện tập
trung nhiều di tích xếp hạng nhất của thành phố Hải Phòng.
Bên cạnh các giá trị về tôn giáo tín ngưỡng, các di tích còn được xem là
tượng đài chiến thắng, biểu tượng cho tinh thần yêu nước và ý chí quyết thắng giặc
ngoại xâm của nhân dân Thủy Nguyên nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói
chung; tiêu biểu như: đền Thụ Khê, chùa Thiểm Khê, chùa Mai Động (xã Liên


Khê); chùa Chõi (xã Lưu Kiếm); đình Chung Mỹ (xã Trung Hà); đền Phò Mã (thị
trấn Núi Đèo);... Nhiều di tích có giá trị về mặt văn hóa, kiến trúc nổi bật, đại diện
cho tài hoa, trí tuệ của các bậc tiền nhân, phản ánh sinh động bề dày truyền thống
lịch sử, văn hóa của huyện như: đình Kiền Bái (xã Kiền Bái), chùa Mỹ Cụ (xã
Chính Mỹ), đình Đồng Lý (xã Mỹ Đồng), chùa Sùng Nguyên (xã Lâm
Động),... Một số di tích hội tụ nhiều điều kiện về vị trí, cảnh quan, không gian,
kiến trúc, có lợi thế phát triển du lịch như: Quần thể Di tích Lịch sử - Danh Thắng
Tràng Kênh – Bạch Đằng, Khu Di tích tưởng niệm các chiến thắng trên sông Bạch
Đằng (thị trấn Minh Đức); chùa động Hang Lương (xã Gia Minh); chùa Ngọc Khê
(xã Phù Ninh); đền Chợ Giá (xã Kênh Giang);...
Di sản văn hóa phi vật thể
Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa vật thể phong phú, Thủy Nguyên chứa
đựng một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, được thể hiện thông qua
nhiều phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, các tri thức, kiến thức dân gian, các
truyền thuyết, thần phả, thần tích, ca dao, tục ngữ và đặc biệt nhất là hệ thống các
lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, làng nghề thủ công truyền thống,… mang
đậm bản sắc địa phương. Đây đều là những chất liệu quan trọng để hình thành nên
các sản phẩm du lịch văn hóa mang tính đặc thù.
Lễ hội truyền thống:

Thủy Nguyên là miền đất của các lễ hội. Theo thống kê, toàn huyện có 155
lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm. Lễ hội Thủy Nguyên trải khắp địa bàn làng
xã.
Xét về mặt nội dung: Lễ hội huyện Thủy Nguyên có sự đa dạng về loại hình, bao
gồm các lễ hội dân gian, lịch sử, văn hóa thể thao, tôn giáo. Trong đó:
- Lễ hội dân gian: Gồm 95 lễ hội (chiếm 61,3%), đây còn gọi là các ngày lệ
làng, lễ đại kỳ phúc,… chủ yếu để tưởng nhớ, tôn vinh những vị thần, thánh trong
dân gian; các nhân vật lịch sử có công với cộng đồng. Tiêu biểu nhất là lễ hội đền


Trần Quốc Bảo (thị trấn Minh Đức), lễ hội đình Tân Dương (xã Tân Dương), lễ hội
đền chợ Giá (xã Kênh Giang),…;
- Lễ hội lịch sử: Có 02 lễ hội (chiếm 1,3%) dành để tôn vinh các danh
nhân lịch sử, bao gồm lễ hội đền Thụ Khê (xã Liên Khê), lễ giỗ Trạng
nguyên Lê Ích Mộc (xã Quảng Thanh);
- Lễ hội văn hóa thể thao: Có 05 lễ hội (chiếm 3,2%). Trong lễ hội, chủ yếu
diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống kết hợp với hiện đại nhằm
quảng bá cho văn hóa vùng miền; bao gồm: lễ hội xuân truyền thống tại các xã
Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng, Ngũ Lão;
- Lễ hội tôn giáo: Có 53 lễ hội (chiếm 34,2%), chủ yếu là lễ thượng nguyên
kết hợp tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao trở thành ngày hội truyền
thống tại các di tích Phật giáo. Tiêu biểu nhất là lễ thượng nguyên chùa Phù
Lưu (xã Phù Ninh), chùa Sùng Nguyên (xã Lâm Động), lễ hội chùa Mỹ Cụ (xã
Chính Mỹ), lễ hội chùa Câu Tử Ngoại (xã Hợp Thành),…;
Xét về mặt thời gian: Lễ hội huyện Thủy Nguyên chủ yếu tập trung vào
mùa xuân, hợp thành chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch trong dịp đầu năm; là điều
kiện thuận lợi cho việc xây dựng các tour, tuyến du lịch lễ hội và tập trung thu hút
khách du lịch.
- Lễ hội tháng Giêng: 83 lễ hội (chiếm 53,5%);
- Lễ hội tháng Hai: 19 lễ hội (chiếm 12,3%);

- Lễ hội tháng Ba: 27 lễ hội (chiếm 17,4%);
- Lễ hội tháng Tư: 02 lễ hội (chiếm 1,3%);
- Lễ hội tháng Tám: 03 lễ hội (chiếm 1,9%);
- Lễ hội tháng Mười một: 10 lễ hội (chiếm 6,5%);
- Lễ hội tháng Mười hai: 11 lễ hội (chiếm 7,1%).
Nghệ thuật trình diễn dân gian:


Nghệ thuật trình diễn dân gian tại Thủy Nguyên vừa mang tính đặc thù vừa
mang bản sắc của cư dân vùng đồng bằng duyên hải Bắc Bộ. Các loại hình cũng đa
dạng, phong phú gồm: hát chèo, chầu văn...; tuy nhiên, tiêu biểu nhất phải kể đến
hát Đúm và ca Trù. Hát Đúm là loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của
tổng Phục cũ (bao gồm địa bàn các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng ngày
nay) nói riêng và huyện Thủy Nguyên nói chung; nó được truyền lại qua nhiều thế
hệ, đồng thời cũng khẳng định được sức sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh
thần của nhân dân; hiện nay, tại lễ hội xuân ở một số địa phương thuộc huyện Thủy
Nguyên vẫn giữ được điệu hát Đúm như: các lễ hội của tổng Phục, lễ hội xã Ngũ
Lão, Tân Dương, thị trấn Minh Đức,... Làng Đông Môn là cái nôi của nghệ thuật ca
Trù Hải Phòng, tại đây hiện còn bảo lưu được ngôi Phủ từ được xem là đền thờ tổ
nghề của cả miền duyên hải.
Toàn huyện, hiện có 05 mô hình câu lạc bộ của các loại hình di sản
gồm: Câu lạc bộ hát Đúm các xã Phả Lễ, Phục Lễ, Lập Lễ; câu lạc bộ văn hóa văn
nghệ dân gian có nội dung hát Đúm xã Ngũ Lão; câu lạc bộ ca Trù làng Đông
Môn, xã Hòa Bình với gần 100 hội viên có khả năng trình diễn tốt, trong đó 35
người có khả năng truyền dạy.
Nghề, làng nghề thủ công truyền thống:
Với vị trí địa lý thuận lợi, Thủy Nguyên đã sớm tiếp nhận và phát triển nhiều
nghề thủ công truyền thống có giá trị. Hiện nay, huyện 05 làng nghề truyền thống
được Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống quy mô cấp xã gồm: Làng
nghề Mây tre đan Chính Mỹ; Đúc cơ khí Mỹ Đồng; Vận tải thủy An Lư; Khai thác,

nuôi trồng và dịch vụ thủy sản Lập Lễ;Trồng và chế biến cau Cao Nhân. Một số
làng nghề, nghề thủ công truyền thống khác như: Nghề mộc (xã Thủy Triều), nghề
gốm Dưỡng Động (xã Minh Tân), nghề làm bún, nấu rượu (xã Thiên Hương), nghề
làm hương (xã Kiền Bái),…; đồng thời, do nhu cầu thị trường, tại huyện cũng hình
thành một số nghề thủ công mới, điển hình là nghề làm mắm dóc, mắm chắt (xã


Lập Lễ),… Trên cơ sở khai thác các thế mạnh sẵn có, một số làng nghề đã bước
đầu được đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch như: Làng cau xã Cao Nhân,
bưởi xã Lâm Động, gốm sứ Dưỡng Động (xã Minh Tân),… Tuy nhiên, hầu hết các
làng nghề của huyện chỉ chủ yếu phục vụ sản xuất công nghiệp hoặc nhu cầu tiêu
dùng của nhân dân địa phương; mẫu mã và chất lượng sản phẩm hạn chế, thiếu
tính đa dạng và đặc thù, do vậy chưa thu hút được khách du lịch đến thăm và mua
làm quà lưu niệm.
Trò chơi dân gian truyền thống:
Nhiều trò chơi dân gian truyền thống tại huyện Thủy Nguyên còn được giữ
gìn và bảo lưu, đặc biệt trong các lễ hội, qua đó góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho
các hoạt động lễ hội, tiêu biểu như:
- Cờ tướng, cờ người: Tại các lễ hội đình, chùa xã Chính Mỹ, làng Câu Tử
Ngoại, Câu Tử Nội (xã Hợp Thành); đình Thượng, chùa Hàm Long (thị trấn Núi
Đèo); đình Bắc, chùa Lốt, lễ giỗ Trạng nguyên Lê Ích Mộc (xã Quảng Thanh); chùa
Trại Kênh, đền Nghè - Mỹ Giang, đình Trà Sơn (xã Kênh Giang); đền Trần Quốc
Bảo (thị trấn Minh Đức); các lễ hội chùa xã Gia Đức, xã An Sơn, chùa Phù Lưu (xã
Phù Ninh), chùa An Lạc (xã Hoàng Động); đình Dực Liễn (xã Thủy Sơn), đình
Thiên Đông (xã Đông Sơn), đình Tân Dương (xã Tân Dương), đình Nhân Lý (xã
Cao Nhân); lễ hội làng Khuông Lư, Trung Sơn, My Sơn (xã Ngũ Lão), làng Hà
Luận (xã Hòa Bình); hội xuân xã Phục Lễ, Phả Lễ,…;
- Kéo co: Tại lễ hội đình Kênh, chùa Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ); đền Trần Quốc
Bảo (thị trấn Minh Đức); đình Dực Liễn (xã Thủy Sơn); các lễ hội chùa xã Gia
Đức, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê (xã Liên Khê); lễ hội làng Khuông Lư (xã

Ngũ Lão); lễ khánh hạ Đức Ông chùa Ruỗi (xã Quảng Thanh); hội xuân xã Tam
Hưng, Đông Sơn, Hợp Thành,…;
- Chọi gà: Tại lễ hội đình Tân Dương (xã Tân Dương), đình Niêm Sơn Nội
(xã Kỳ Sơn); chùa Linh Quang, Kim Liên (xã An Sơn), chùa Thiên Phúc (xã Trung


Hà); miếu Phương Mỹ (xã Mỹ Đồng); đình, chùa các xã Chính Mỹ, Gia Đức, Kênh
Giang, Phù Ninh, Cao Nhân, Hợp Thành, Quảng Thanh; lễ hội làng Khuông Lư,
Trung Sơn, My Sơn (xã Ngũ Lão),…;
- Đu tiên: Tại lễ hội chùa Linh Quang (xã An Sơn), chùa Thiểm Khê (xã
Liên Khê), chùa Lốt (xã Quảng Thanh), chùa Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ); đình Trại
Kênh, đình Trà Sơn (xã Kênh Giang); chùa My Sơn, lễ hội làng Khuông Lư (xã
Ngũ Lão); đình, chùa làng Câu Tử Nội, Câu Tử Ngoại (xã Hợp Thành); hội xuân
các xã Phục Lễ, An Lư, Hòa Bình, Cao Nhân; Phả Lễ,…;
- Đi cầu Tùm (Thùm): Tại lễ hội chùa Lôi Động (xã Hoàng Động), chùa Mỹ Cụ
(xã Chính Mỹ); đình, chùa làng Câu Tử Ngoại (xã Hợp Thành), miếu Phương Mỹ (xã
Mỹ Đồng); lễ khánh hạ Đức Ông chùa Ruỗi (xã Quảng Thanh),…;
- Vật: Tại lễ hội đình Trại Kênh, đền Nghè - Mỹ Giang, đình Trà Sơn (xã
Kênh Giang); đình Kinh Triều (xã Thủy Triều), đình Chung Mỹ (xã Trung Hà); lễ
hội làng Đông Phương, Hà Luận (xã Hòa Bình), lễ hội xã Phả Lễ,…;
- Bơi Chải: Tại hội đình Tân Dương (xã Tân Dương); chùa Lôi Động (xã
Hoàng Động);
- Tổ tôm điếm: Tại lễ hội đình Tân Dương (xã Tân Dương); hội xuân xã
Phục Lễ,…;
- Bịt mắt bắt dê: Tại lễ hội đình Trại Kênh (xã Kênh Giang), chùa Mỹ Cụ
(xã Chính Mỹ); các lễ hội xã Hợp Thành,…;
- Bắt vịt dưới hồ: Tại lễ hội đình, chùa làng Câu Tử Ngoại (xã Hợp Thành);
- Đập niêu: Tại lễ hội chùa Phù Lưu (xã Phù Ninh), chùa Lôi Động (xã
Hoàng Động), chùa Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ),…;
-Biểu diễn múa Lân: Tại hội đình Hòa Lạc (xã Lâm Động); chùa Mỹ Cụ (xã

Chính Mỹ).
Hệ thống các chợ quê:


Trong quá khứ, vùng đất Thủy Nguyên đã là một trong những trung tâm
buôn bán sầm uất của miền Bắc Việt Nam. Qua các nghiên cứu, có thể khẳng định,
Thủy Nguyên nằm trên con đường giao thương giữa Kẻ chợ Vân Đồn với các
thương nhân vùng Đông Á và Đông Nam Á. Sử sách Trung Quốc có ghi: “Các
tổng Yên Khoái, Vạn Ninh huyện Nghiêu Phong (Cát Hải), dòng thuyền đi lại
thông với miền Mỹ Giang (sông Giá) tỉnh Hải Dương và Khâm Châu (tỉnh Quảng
Đông, Trung Quốc)”. Một hệ thống các chợ được hình thành từ khá sớm, trải khắp
địa bàn huyện gồm: Chợ Mỹ Giang (chợ Giá), chợ Lâm, chợ Tổng, chợ Phục, chợ
Trịnh, chợ Si, chợ Thanh Lãng,… Chợ quê Thủy Nguyên phản ánh sinh động
những nét văn hóa đặc trưng nhất của mỗi một vùng quê, mỗi làng xã; trong đó
một số vẫn còn lưu giữ phương thức giao thương theo kiểu chợ phiên, đặc biệt có
sức hấp dẫn đối với khách du lịch, nhất là đối tượng khách du lịch quốc tế, tiêu
biểu như: chợ phiên Mỹ Giang - chợ Giá (xã Kênh Giang) họp phiên các ngày
mùng 01, 06, 11, 16, 21, 26 hàng tháng, phiên chợ cầu may đầu năm xã An Lư vào
sáng mùng 01 Tết Nguyên đán.
Xác định di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông ta để lại cho
thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, là phần hồn của nền văn hóa dân tộc. Di sản văn
hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử
văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, nó còn là phương tiện để giới thiệu về hình ảnh
địa phương cho các du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho các chiến lược
phát triển du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy các di
sản văn hóa đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể quan tâm
lãnh đạo, chỉ đạo lại được đông đảo nhân dân ủng hộ và đóng góp tâm sức nên đã đạt
được những kết quả quan trọng. Công tác quản lý xây dựng các di tích văn hóa, lịch sử,
cơ sở tôn giáo tín ngưỡng tiếp tục được tăng cường. Việc quản lý đất đai tại các di tích



được chú trọng, bước đầu đã triển khai việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất cho di tích. Công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích đạt
được nhiều kết quả tích cực; trong giai đoạn 2010- 2015, đã có trên 215 di tích được tu
bổ, tôn tạo từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí trên 280 tỷ đồng. Vấn đề bảo quản di
vật, cổ vật và tài sản thuộc di tích được tăng cường. Hầu hết các lễ hội được tổ chức
đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với
thuần phong mỹ tục địa phương; phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn đã tạo được sức
lan toả, lôi cuốn, góp phần thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Hoạt động của các
CLB văn hoá - văn nghệ dân gian tiếp tục được duy trì, phát triển. Các làng nghề
truyền thống của huyện được quan tâm bảo tồn, phát huy… Những thành tựu đó đã
đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển văn hóa địa phương, làm cho văn hóa
thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển, hướng tới mục
tiêu xây dựng con người Thủy Nguyên thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH và xây dựng
nông thôn mới; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về
“Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa còn chưa tương
xứng với giá trị, tầm vóc của di sản. Việc quản lý, bảo vệ di tích, bảo quản cổ vật, di
vật, hiện vật tại một số địa phương còn chưa hiệu quả. Một số di tích hạn chế về diện
tích, nằm xen kẽ trong các địa bàn dân cư nên việc tổ chức các hoạt động văn hoá tại di
tích gặp khó khăn. Các lễ hội quy mô nhỏ, việc tổ chức mang tính tự phát, thiếu chọn
lọc. Chất lượng hoạt động của các CLB văn hoá - văn nghệ dân gian hiệu quả chưa
cao. Hoạt động làng nghề gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, quảng bá di sản
văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguyên nhân của tình trạng này là do
tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị
hoá; sự du nhập của văn hóa ngoại lai; sự lấn át của những lợi ích kinh tế trước mắt…
dẫn đến sự xuống cấp, mai một của nhiều di tích, phong tục tập quán, nếp sống tốt đẹp



của người Thủy Nguyên. Một số di tích lịch sử - danh thắng có quy mô và giá trị lớn
do chưa được cắm mốc chỉ giới nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh
phí đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và của thành phố, nguồn lực cho công tác
tu bổ, tôn tạo các di tích còn hạn chế so với tổng số di tích trên địa bàn. Hoạt động của
các CLB văn hoá - văn nghệ dân gian gặp nhiều khó khăn. Một số cấp ủy Đảng, chính
quyền địa phương còn chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa huy động được sự vào
cuộc của cả cộng đồng tham gia bảo vệ giá trị di sản văn hóa; đội ngũ cán bộ quản lý
nhà nước về văn hóa thông tin còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ý thức bảo vệ và tôn trọng
di sản của nhân dân chưa cao. Các hoạt động khai thác khoáng sản đe dọa vành đai bảo
vệ của các di tích, di chỉ, các danh lam thắng cảnh của huyện.
3. Giải pháp nâng cao vai trò của chính sách bảo tồn , phát huy di sản ở
Thủy Nguyên, Hải Phòng
Một chính sách văn hóa tốt và có hiệu lực xã hội rộn lớn phải làm sao cho sự
phát triển và đánh thức tiềm năng của con người. Muốn đạt được mục tiêu đó chúng ta
cần đổi mới tư duy văn hóa, biến nó thành nguồn lực nội sinh của quá trình phát triển
kinh tế - xã hội.
Trước thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá ở Thủy Nguyên,
đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp thông
qua các chính sách đúng đắn, kịp thời, bên cạnh đó cần có sự chung tay của toàn thể
các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân mới đem lại hiệu quả đích thực và lâu
bền.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải đảm bảo tính trung thực, tính đặc
trưng và giá trị gốc của di sản. Thực hiện việc tu bổ, tôn tạo các di tích xếp hạng trong
trường hợp cần thiết phải trên cơ sở đảm bảo tính nguyên vẹn, tôn trọng yếu tố gốc, sự
bền vững, sự hài hoà của di tích với cảnh quan lịch sử - văn hóa của khu vực. Bảo tồn


và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể để góp phần củng cố bản sắc văn hóa địa
phương, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân.
Bảo vệ, phát huy và khai thác giá trị di sản văn hóa một cách hợp lý, phục vụ

nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt là kinh tế du lịch. Tạo lập
sự hài hòa giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn
mới với bảo vệ di sản văn hóa và phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, nhà nước giữ
vai trò chủ đạo. Huy động tối đa các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di
sản văn hóa; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát
huy giá trị di sản văn hóa.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu
khoa học, học tập, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức về lịch sử, giá trị di sản văn
hóa, góp phần định hướng thẩm mỹ, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân,
chống lại sự du nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai có ảnh hưởng xấu đến các giá trị
chuẩn mực trong xã hội.
Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương trong thực hiện
nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản văn hóa; về ý thức, trách
nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành
mạnh trong cộng đồng. Tranh thủ các kênh thông tin, đa dạng hóa hình thức tuyên
truyền, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử của huyện
và các địa phương; chú trọng sử dụng các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí,
truyền hình, sân khấu hóa… Phối hợp đầu tư xây dựng các phim tài liệu ngắn, các tài
liệu truyền thanh, các cuốn sách, tập gấp giới thiệu di sản văn hóa Thủy Nguyên để
tuyên truyền, quảng bá trong các lễ hội hoặc bày bán tại các địa điểm di tích, nhà sách
trong và ngoài thành phố.


Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa .
Kiện toàn, nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý tại di tích. Phối kết hợp tốt giữa chủ sở
hữu với tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích; tăng cường công tác quản lý các lễ
hội, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm
trong lĩnh vực di sản văn hóa; tổ chức chỉ đạo việc khen thưởng, động viên các tổ chức,

cá nhân có công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; phát huy vai trò
của các chức sắc tôn giáo trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa;
Chú trọng đầu tư cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Huy động
nguồn lực toàn xã hội cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích. Tranh thủ và sử dụng
có hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách thành phố cho
công tác tu bổ, chống xuống cấp đối với các di tích, cụm di tích xếp hạng; đầu tư hệ thống
cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, hệ thống dịch vụ cho khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa;
triển khai việc cắm mốc chỉ giới, lắp đặt biển chỉ dẫn đối với các di tích, cụm di tích
xếp hạng;
Tập trung nâng cao chất lương tour du lịch “Phía Bắc sông Cấm” với các điểm
tham quan tiêu biểu của huyện như: Chùa Lâm - Làng cau Cao nhân - Đình Kiền - Di
tích tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc - Chùa Mỹ Cụ - Sông Giá - Khu quần thể
danh thắng và di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng; lựa chọn, khai thác các điểm di tích có
tiềm năng khác, có vị trí giao thông thuận lợi như Chùa động Hang Lương (xã Gia
Minh), Chùa Ngọc Khê (xã Phù Ninh), Đình – Chùa Tả Quan (xã Dương Quan); cụm di
tích Đền – Chùa Tràng Kênh (Núi Mỏ Vịt, TT. Minh Đức)... kết nối với các di tích,
điểm tham quan trong và ngoài thành phố để xây dựng các tour, tuyến du lịch mới trên
cơ sở ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, khảo cứu nông
thôn… Ưu tiên đưa loại hình ca Trù và hát Đúm của huyện Thủy Nguyên tham gia
phục vụ khách du lịch.


Phục dựng, nâng cấp một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của huyện thành lễ hội cấp
vùng bao gồm: Lễ hội tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc (xã Quảng Thanh); phục
dựng Lễ hội mở mặt hát Đúm tổng Phục Lễ (các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ), Lễ hội
“Vượt sông truyền thống Bạch Đằng”; nâng cấp Lễ hội chùa Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ), đền
Trần Quốc Bảo (thị trấn Minh Đức), chùa Hàm Long (thị trấn Núi Đèo), đền Ca công (xã
Hòa Bình); tổ chức các Lễ hội chiến thắng Bạch Đằng..., và xây dựng lễ hội với quy mô
cấp vùng.
Nghiên cứu, xây dựng kịch bản lễ hội cấp xã đảm bảo phù hợp với đặc điểm sự

kiện, đối tượng tưởng nhớ và không gian các lễ hội; từng bước khẳng định tính riêng
biệt, đặc thù của lễ hội Thủy Nguyên. Khôi phục và duy trì các hoạt động biểu diễn văn
nghệ, trò chơi dân gian trong lễ hội; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn,
giao lưu văn hóa văn nghệ truyền thống, các cuộc thi đấu thể dục thể thao và trò chơi dân
gian; tổ chức hội chợ, hội thi, triển lãm nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm các làng nghề
truyền thống, hỗ trợ công tác nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí hoạt động cho các CLB nghệ thuật trình
diễn dân gian. Nghiên cứu, xây dựng nội dung truyền dạy, phổ biến di sản văn hóa phi
vật thể; có kế hoạch mở các lớp truyền dạy di sản tại cộng đồng. Xây dựng chuyên đề về
hát Đúm, ca Trù đưa vào giảng dạy ngoại khóa trong một số trường THCS, THPT tại
các địa bàn có di sản và vùng lân cận.
Thực hiện tốt công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu làm cơ sở cho công tác bảo
tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Điều tra, sưu tầm, tư liệu hóa và xây dựng cơ sở dữ
liệu điện tử về di sản văn hóa của huyện. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện
tổng kiểm kê di sản và lập hồ sơ di sản văn hóa huyện Thủy Nguyên; nghiên cứu, biên
soạn, phát hành các tài liệu, ấn phẩm về các di sản văn hóa; tăng cường công tác sưu
tầm các hiện vật, di vật bổ sung cho phòng truyền thống và Bảo tàng thành phố. Thực
hiện công tác sưu tầm di sản phi vật thể bằng phương pháp quay phim, ghi âm, chụp


ảnh, in đĩa, quản lý bằng công nghệ thông tin; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền
thống lịch sử văn hóa, về giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và lễ
hội của huyện.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; khuyến
khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ
và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khai thác kinh nghiệm, các tập tục cổ truyền tốt đẹp,
kiến thức về tổ chức lễ hội, làng nghề, nghệ thuật trình diễn dân gian từ cộng đồng góp
phần làm phong phú thêm giá trị di sản văn hóa của huyện.
Tăng cường liên kết với Sở, ngành liên quan, các tổ chức xã hội, các doanh
nghiệp lữ hành, khách sạn trong và ngoài thành phố; đẩy mạnh liên kết vùng (đặc biệt

là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương) trong việc thực hiện quảng bá, xúc tiến du lịch.
Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có
tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn. Đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa cho đội ngũ cán bộ làm
công tác văn hóa thông tin; đội ngũ quản lý, bảo vệ và tổ chức hoạt động tại các di tích; có
chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di
tích, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể; tuyển
chọn, xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên điểm tại các di tích lịch sử văn hóa
được xếp hạng; trước hết là tại các địa điểm di tích có khả năng khai thác phục vụ du
lịch.
Để làm tốt những điều này, ngày 24 tháng 20 năm 2012, Ban chấp hành Đảng bộ
huyện Thủy Nguyên đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/HU ngày 24/10/2012 về bảo
tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa huyện Thủy Nguyên trong đó có xây dựng đề án
“bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện đến năm 2015, định
hướng đến năm 2020”. Theo đó, 14 nhiệm vụ và 7 giải pháp trọng tâm trong bảo tồn
và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn được huyện đề ra. Điều này đã đánh dấu


bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn các di sản của huyện nhà, nhằm góp phần to
lớn vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc của nước nhà.

Kết luận
Di sản văn hóa là tài sản quý báu, vô giá của mỗi một quốc gia, dân tộc. Giữ gìn
và phát huy những di sản, nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của cha anh đi trước để
làm giàu thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là nhiệm vụ của tất cả chúng
ta. Không chỉ bằng những hành động thiết yếu, hệ thống di sản văn hóa dân tộc cần
được quan tâm, trùng tu, bảo vệ thông qua hệ thống luật, cùng với đó là những chính
sách văn hóa đúng đắn, kịp thời bởi cơ sở của chính sách văn hóa là dựa trên những
nhu cầu văn hóa của nhân dân, mục tiêu của chính sách văn hóa là nhằm thỏa mãn nhu
cầu văn hóa của nhân dân. Như vậy, cả điểm xuất phát và điểm đích của văn hóa đều vì



con người, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Muốn vậy, quá trình hoạch định
và thực thi chính sách phải có sự tham gia của toàn dân.
Thủy Nguyên là vùng đất có nền văn hóa lịch sử lâu đời, nơi đây lưu giữ nhiều
di sản văn hóa quý báu từ bao đời truyền lại. Việc bảo tồn và phát huy những di sản đó
cần có sự tham gia đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân Thủy Nguyên.
Thông qua những chính sách văn hóa đúng đắn và kịp thời, nơi đây sẽ trở thành điểm
đến vô cùng hấp dẫn của du khách mỗi khi dừng chân ở Hải Phòng. Tương lai không
xa, gìn giữ di sản văn hóa truyền thống kết hợp với phát triển du lịch nhân văn sẽ biến
Thủy Nguyên trở thành một huyện tiến nhanh, tiến mạnh trong việc phát triển kinh tế văn hóa, điều này sẽ là tiền đề vững chắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung
của toàn thành phố Hải Phòng với mục tiêu hội nhập và vươn ra biển lớn./.

PHỤ LỤC

Cọc gỗ thủy chiến trên trong Bạch Đằng Năm 938


Hát đúm ở Thủy Nguyên


Khu di tích Bạch Đằng – Tràng Kênh




Nhận xét tiểu luận




×