LUẬN VĂN:
Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn
hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông
Bắc nước ta hiện nay
Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Không phải ngẫu nhiên mà năm 2002 được Liên hợp quốc chọn là năm quốc
tế về miền núi. Qua thực tế và qua hàng loạt Hội nghị quốc tế về môi trường từ năm
1972 đến nay, đặc biệt là Hội nghị Môi trường Quốc tế lần thứ nhất tại Stốckhôm năm
1972, Hội nghị thượng đỉnh về Trái Đất tại Rio De Janeiro năm 1992 và ở Johan
Nesburg (Nam Phi) năm 2002, nhân loại đã phải chứng kiến biết bao thảm họa về môi
trường do chính mình gây ra. Một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên các
cuộc khủng hoảng sinh thái cục bộ và đang đe dọa một cuộc khủng hoảng sinh thái
toàn cầu là sự khai thác và sử dụng một cách vô ý thức, bừa bãi, lãng phí các nguồn tài
nguyên thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là sự lãng quên các giá trị văn hóa sinh thái
ở vùng rừng núi - nơi được coi là "lá phổi", là "mái nhà" của thế giới sống. Qua đó, có
thể thấy rằng, tự nhiên nói chung, đặc biệt là những nơi khởi nguồn của những dòng
sông, của những cánh rừng bạt ngàn, những dãy núi trùng điệp, những thảo nguyên
mênh mông đang có những vấn đề gay cấn và nan giải, đòi hỏi phải có sự quan tâm
nghiên cứu và giải quyết. Do đó, vấn đề môi trường sinh thái nhân văn, đặc biệt là vấn
đề môi trường ở các vùng núi đã trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, được
cả nhân loại quan tâm vì sự sinh tồn của chính con người.
Vì sự tồn tại và phát triển của mình, con người phải quan hệ với tự nhiên và
quan hệ với nhau; trong quá trình đó, những giá trị văn hóa sinh thái cũng dần dần
được hình thành. Nghĩa là những giá trị văn hóa sinh thái gắn liền với mối quan hệ
giữa con người và môi trường thiên nhiên. Vì vậy, trong quá trình bảo tồn và phát triển
các giá trị văn hóa sinh thái, cần phải tính đến các yếu tố của môi trường tự nhiên và
mối quan hệ, sự tác động giữa con người với tự nhiên mà kết quả của chúng được biểu
hiện trong các giá trị văn hóa sinh thái. Do đó, vấn đề môi trường tự nhiên hiện nay
không chỉ đơn giản là vấn đề sinh học, sinh thái học thuần túy, mà thực chất nó còn là
vấn đề văn hóa và lối sống của con người, vấn đề văn hóa sinh thái nhân văn.
ở nước ta hiện nay, những vùng có điều kiện tự nhiên đa dạng như vùng rừng
rậm, vùng núi cao, …đều là những vùng sâu, vùng xa, trình độ phát triển về mọi mặt
nói chung còn rất hạn chế so với mặt bằng chung của cả nước. Những giá trị văn hóa
sinh thái truyền thống được hình thành và phát triển từ nhiều đời nay của những khu
vực này đang chịu sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, của khoa học, công
nghệ hiện đại, của sự hội nhập, đang có những biến đổi theo cả xu hướng tích cực
lẫn tiêu cực, tuy nhiên theo xu hướng tiêu cực vẫn nhiều hơn. Điều này do trình độ
nhận thức của người dân còn thấp, các điều kiện thiên nhiên phức tạp, xa xôi, cách trở,
kinh tế - xã hội còn lạc hậu,…của vùng này tạo nên. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy
những mặt tích cực, còn phù hợp của các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở các
vùng này đang được đặt ra hết sức cấp thiết nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển bền
vững của đất nước, mà trước tiên là phát triển bền vững các vùng đặc biệt này. Vấn đề
này luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, và khẳng định: "Tăng trưởng
kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc,
bảo vệ môi trường sinh thái" [12, tr. 72]
(*)
.
Khu vực miền núi Đông Bắc nước ta là một vùng có nhiều dân tộc khác nhau
cùng sinh sống, do đó ở đây, trải qua nhiều thế hệ đã hình thành nên một vùng văn hóa
đặc thù và đa dạng. Vùng này có vị trí địa lý và môi trường tự nhiên rất đặc biệt, là nơi
khởi nguồn cung cấp nước cho các con sông chính của đồng bằng Bắc bộ. Nơi đây còn
có rừng rậm, núi cao nên được coi là "lá phổi", là "mái nhà" của cả nước. Do đó, việc
nghiên cứu và bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng này là
một đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển bền vững của đất nước.
Trong khi đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở
vùng núi Đông Bắc nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế do các điều kiện kinh tế, xã
hội và sự nhận thức của con người ở đây còn nhiều bất cập so với yêu cầu đặt ra. Vì
(*)
Từ đây: - Số đầu là số thứ tự trong danh mục tài liệu tham khảo.
vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng này
hiện nay đang là vấn đề cấp bách cần được nghiên cứu cả trên bình diện lý luận lẫn
thực tiễn.
Chính vì những lý do trên mà chúng tôi đã chọn đề tài " Vấn đề bảo tồn và
phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta
hiện nay " làm đề tài luận văn của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa luôn được Đảng ta chú ý ngang tầm với
những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và đã xác định: văn hóa là nền tảng tinh thần
của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, Đảng ta đã tiếp tục khẳng định phải
giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, chúng ta "hòa nhập" nhưng không "hòa tan". Và
điều này đã được bàn đến rất cụ thể trong Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung
ương khóa VIII. Mặt khác, trước nguy cơ cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và
ô nhiễm nặng nề môi trường sống hiện nay, cũng như nhu cầu cấp thiết của phát triển
bền vững, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (15-11-2004). Với mục tiêu chung là tìm ra
con đường để nước ta phát triển nhanh và phát triển bền vững, đã có nhiều công trình
nghiên cứu đến những vấn đề văn hóa và vấn đề sinh thái ở nước ta hiện nay như:
Về văn hóa nói chung có các công trình: "Văn hóa và đổi mới" (Nxb Chính trị quốc
gia, H, 1994) của cố vấn Phạm Văn Đồng, trong đó tác giả đã đề cập đến văn hóa một
cách có hệ thống và nêu lên được mối quan hệ giữa văn hóa và đổi mới; "Sự chuyển
đổi các giá trị trong văn hóa Việt Nam" (GS.TS Đỗ Huy, PGS. Trường Lưu, Nxb
Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989); "Chân - thiện - mỹ sự thống nhất và đa dạng trong
văn hóa nghệ thuật" (Đỗ Huy, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994); "Tìm hiểu giá trị
văn hóa truyền thống trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa" (GS.TS. Nguyễn
Trọng Chuẩn - TS. Phạm Văn Đức - TS. Hồ Sĩ Quý, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
- Số cuối là số trang của tài liệu tham khảo.
2001); Nhìn chung, các công trình này nghiên cứu văn hóa dưới góc độ lý luận
chung và đã đạt được những thành công to lớn trong việc nghiên cứu khái niệm, cấu
trúc, giá trị, vai trò, hình thức biểu hiện của văn hóa.
Dưới góc độ văn hóa các dân tộc ít người, có các công trình: "Văn hóa truyền
thống Tày Nùng" (Hoàng Quyết, Ma Khánh Bằng, Hoàng Huy Phách, TS. Cung Văn
Lược, PGS. Vương Toàn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993); "Văn hóa truyền
thống các dân tộc Hà Giang" (Hùng Đình Quý, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Giang xuất
bản, 1994); "Văn hóa dân tộc H mông Hà Giang" (PSG. Trường Lưu và Hùng Đình
Quý, Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao Hà Giang xuất bản, 1996); "Văn hóa truyền
thống người Dao ở Hà Giang" (Phạm Quang Hoan và Hùng Đình Quý, Nxb Văn hóa
dân tộc, Hà Nội, 1999); "Văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất mà đa dạng"
(Nông Quốc Chấn - Huỳnh Khái Vinh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002), Các
công trình trên về cơ bản chỉ nghiên cứu văn hóa của một số dân tộc ít người tương đối
điển hình trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở nước ta như: Tày, Nùng, Dao, Mông,
Thái, Ê đê, vẫn còn văn hóa của nhiều dân tộc thiểu số khác chưa được nghiên cứu
và công bố rộng rãi.
Vấn đề sinh thái và môi trường đã có một số công trình đề cập đến như: "Môi
trường sinh thái - Vấn đề và giải pháp" (Phạm Thị Ngọc Trầm, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội 1997); "Xã hội học môi trường" (Vũ Cao Đàm, Nxb Khoa học và Kỹ
thuật, Hà Nội, 2002); cuốn "Sinh thái học và môi trường" (Bộ Giáo dục và Đào tạo,
Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002), Nhìn chung, qua các công trình nêu trên, vấn đề sinh
thái và môi trường đã được khai thác có hệ thống, nhất là những cảnh báo từ môi
trường và các tương tác của nó đến sự phát triển đã được đề cập tương đối rõ nét.
Vấn đề văn hóa sinh thái mới chỉ được quan tâm trong thời gian gần đây, khi
mà thực trạng môi trường sống đang có nhiều vấn đề có liên quan đến văn hóa, lối
sống Nghiên cứu về vấn đề này, có thể kể ra một số công trình như: "Văn hóa sinh
thái - nhân văn" (Trần Lê Bảo (chủ biên), Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001);
"Văn hóa ứng xử của người Hà Nội với môi trường thiên nhiên" (Nguyễn Viết Chức
(chủ biên), Nxb Văn hóa - Thông tin, 2002); "Kỷ yếu diễn đàn phát triển bền vững
miền núi Việt Nam" (ủy ban dân tộc, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2003); "Một số vấn đề
về bảo vệ môi trường vùng dân tộc và miền núi" (ủy ban dân tộc, Nxb Thống kê, Hà
Nội, 2003); "Những giá trị văn hóa sinh thái nhân văn Hồ Chí Minh" (Phạm Thị Ngọc
Trầm, Tạp chí Triết học, số 12, 2003); "Về cách tiếp cận triết học - xã hội đối với hiện
trạng môi trường sinh thái nhân văn ở Việt Nam: các vấn đề, nguyên nhân và giải
pháp" (Phạm Thị Ngọc Trầm, Tạp chí Triết học, số 6, 2004); ngoài ra cũng có một số
luận án tiến sĩ triết học đã bước đầu đi vào nghiên cứu văn hóa sinh thái như: "Mối
quan hệ giữa thích nghi và biến đổi môi trường tự nhiên của con người trong quá trình
hoạt động sống" Luận án tiến sĩ của Đỗ Thị Ngọc Lan bảo vệ năm 1995, với nội dung
chủ yếu bàn về mối quan hệ giữa thích nghi và biến đổi môi trường tự nhiên của con
người trong quá trình hoạt động sống, cụ thể là trong quá trình lao động, và sự phát
triển lâu bền với mối quan hệ thích nghi và cải tạo môi trường tự nhiên; "Mối quan hệ
giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường cho sự phát triển lâu bền" Luận án tiến
sĩ của Bùi Văn Dũng bảo vệ năm 1999, với nội dung chủ yếu bàn về mối quan hệ giữa
tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, và đưa ra một số giải pháp để kết hợp tăng
trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường cho sự phát triển lâu bền ở Việt Nam trong thời
kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; luận án "Xây dựng ý thức sinh thái - yếu tố bảo đảm
cho sự phát triển lâu bền" của Phạm Văn Boong bảo vệ năm 2001, với nội dung chủ
yếu bàn về vai trò của ý thức sinh thái đối với sự phát triển lâu bền và vấn đề xây dựng
ý thức sinh thái trong điều kiện phát triển mới của thời đại; Nhìn chung, các công
trình này mới chỉ đề cập đến văn hóa sinh thái ở dưới một số góc độ khác nhau, mức
độ khái quát tổng thể về nội dung giá trị văn hóa sinh thái vẫn chưa rõ nét. Nó chỉ
được đề cập đến như là một nội dung nằm trong toàn bộ vấn đề văn hóa hoặc sinh thái
nói chung, và nằm rải rác trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau.
Về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là các giá trị văn
hóa sinh thái truyền thống ở trong cả nước nói chung cũng như ở vùng núi Đông Bắc
nói riêng trong thời gian qua hầu như chưa được nghiên cứu đến mà mới chỉ được đề
cập chung trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói
chung. ở đây có thể kể đến một số công trình đã công bố có liên quan tới vấn đề này
như: "Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc kết hợp với tinh hoa
nhân loại" (Phạm Minh Hạc, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996); "Sáng tạo và bảo
tồn giá trị văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam" (Hội Văn học - Nghệ
thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, in tại trường Trung học Kỹ thuật In, Hà Nội,
1998); "Tính đa dạng của văn hóa Việt Nam: những tiếp cận về sự bảo tồn" (Trung
tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội, 2002).
Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu việc bảo tồn và phát huy các giá
trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta trong thời kỳ đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Vì
vậy, luận văn không trùng lặp với bất kỳ luận văn, công trình nào đã được công bố.
Những tài liệu trên chỉ có tác dụng tham khảo cho việc nghiên cứu đề tài của tác giả
luận văn.
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu của luận văn
Mục đích của luận văn là nghiên cứu một số giá trị văn hóa sinh thái truyền
thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta; chỉ ra sự cần thiết và một số giải pháp nhằm bảo
tồn và phát huy mặt tích cực, còn phù hợp của các giá trị đó trong điều kiện đổi mới
hiện nay, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước nói chung và của vùng
đất đặc biệt này nói riêng.
- Với mục đích đó, luận văn có những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, làm rõ khái niệm "giá trị văn hóa sinh thái truyền thống" và xác định
một số giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng núi Đông Bắc nước ta.
Thứ hai, làm rõ thực trạng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc: những kết quả đã đạt được và những vấn
đề cần khắc phục, bổ sung.
Thứ ba, chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu của thực trạng. Từ đó, bước đầu
đề xuất một số phương hướng và giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta hiện nay nhằm hướng tới mục tiêu
phát triển bền vững.
- Về giới hạn nghiên cứu đề tài:
Đây là một đề tài rộng có liên quan đến nhiều ngành khoa học. ở đây luận văn
chỉ giải quyết vấn đề dưới góc độ chuyên ngành triết học. Trên cơ sở lý luận chung về
văn hóa, chúng tôi xem xét vấn đề văn hóa sinh thái từ cách tiếp cận giá trị.
Khu vực miền núi Đông Bắc nước ta về mặt phân giới địa lý chỉ mang tính
tương đối và ở khu vực này có rất nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, nên văn
hóa sinh thái truyền thống của các dân tộc ở đây rất đa dạng, phong phú. Trong phạm
vi của luận văn này chỉ có thể đi sâu vào nghiên cứu những giá trị văn hóa sinh thái
truyền thống của một số dân tộc tiêu biểu như: Tày, Nùng, Dao, Mông vì đây là những
dân tộc chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân cư của vùng, văn hóa sinh thái của họ hiện
nay còn lưu giữ lại được nhiều giá trị truyền thống, họ lại đại diện cho các tộc người
sinh sống ở cả ba vị trí thung lũng, lưng núi và trên núi cao, nên các giá trị văn hóa
sinh thái truyền thống của họ mang tính đặc trưng chung cho giá trị văn hóa sinh thái
truyền thống cả vùng núi Đông Bắc.
Do điều kiện về lịch sử và địa lý của nước ta và tính chất giao thoa mạnh mẽ
của văn hóa, nên những đặc trưng về văn hóa sinh thái ở vùng này không độc lập,
riêng rẽ với văn hóa sinh thái của các vùng khác mà chỉ mang tính tương đối.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Việc nghiên cứu và trình bày của luận văn dựa trên cơ sở lý luận và các
nguyên tắc phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và
các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam có liên quan đến đề tài. Luận văn còn kế
thừa, tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng của một số công trình nghiên cứu khoa học đi
trước như các bài viết, các luận án, luận văn, các tư liệu điều tra, khảo sát, có liên quan
đến nội dung được đề cập trong luận văn.
Về mặt phương pháp, luận văn sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, các
phương pháp phân tích và tổng hợp, thống kê, đối chiếu và so sánh, lôgic và lịch sử
với quan điểm phải có sự kết hợp, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong nghiên
cứu cũng như trong trình bày.
5. Đóng góp của luận văn
- Luận văn trình bày một cách tương đối rõ ràng về "giá trị văn hóa sinh thái
truyền thống" và bước đầu chỉ ra được một số giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở
vùng núi Đông Bắc nước ta. Từ đó, luận văn góp phần nâng cao nhận thức trong việc
giải quyết vấn đề "sinh thái" - một vấn đề cấp bách không chỉ đối với vùng núi Đông
Bắc mà còn đối với cả nước nói riêng cũng như đối với toàn cầu nói chung.
- Thông qua việc phân tích thực trạng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa
sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc, luận văn đã chỉ ra được những nhân tố
chủ yếu có ảnh hưởng tới công việc này và chỉ ra được một số nguyên nhân dẫn tới
thực trạng trên.
- Luận văn bước đầu nêu lên một số phương hướng và giải pháp để bảo tồn và
phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc gắn với sự
phát triển bền vững của vùng này cũng như của cả nước.
6. ý nghĩa thực tiễn của luận văn
Luận văn góp phần củng cố nhận thức lý luận về văn hóa sinh thái, nhất là các
giá trị văn hóa sinh thái truyền thống. Từ đó, góp phần nâng cao sự nhận thức đúng
đắn về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, tạo cho con người có một thái độ đúng
đắn, hợp quy luật trong quá trình khai thác và sử dụng tự nhiên. Luận văn còn có thể
sử dụng vào việc nghiên cứu những vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc ở miền núi
nước ta trong giai đoạn hiện nay.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục các tài liệu tham khảo, nội dung
của luận văn gồm 2 chương, 4 tiết.
Chương 1
Các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống
ở vùng núi Đông Bắc nước ta
1.1. Giá trị văn hóa sinh thái - một số vấn đề lý luận
1.1.1. Khái niệm văn hóa sinh thái và những đặc trưng của giá trị văn hóa
sinh thái
Văn hóa là một khái niệm rộng, nó được xem xét dưới nhiều góc độ khác
nhau. Hiểu theo nghĩa khái quát:
Văn hóa là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người
sáng tạo ra trong quá trình hoạt động sống và làm nên lịch sử, được lưu giữ
và truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhằm duy trì và phát triển
cuộc sống của cộng đồng người ở các mức độ tổ chức xã hội khác nhau,
hướng đến cái đúng, cái tốt, cái đẹp (Chân - Thiện - Mỹ) [44, tr. 14].
Còn sinh thái có nghĩa là nhà ở, nơi cư trú, nơi sinh sống của các sinh vật từ
bé nhất đến lớn nhất. Vì vậy, môi trường sinh thái chính là môi trường sống hay là cái
nhà ở của sinh vật, bao gồm tất cả các điều kiện xung quanh có liên quan đến sự sống
của sinh thể. Nó gồm có hai loại: môi trường sinh thái tự nhiên là môi trường của mối
quan hệ giữa sinh thể với các điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái nhân văn hay
môi trường tự nhiên - người hóa (môi trường của mối quan hệ giữa con người và xã hội
với những điều kiện tự nhiên).
Từ đó, có thể hiểu:
Văn hóa sinh thái nói chung là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần
do con người sáng tạo ra trong quá trình tác động và biến đổi giới tự nhiên
nhằm tạo ra cho mình một môi trường sống tốt đẹp hơn, trong lành hơn và
hài hòa hơn với tự nhiên, hướng đến cái đúng, cái tốt, cái đẹp vì sự phát
triển lâu bền của xã hội. Đó có thể là những giá trị vật chất - những tạo
phẩm văn hóa như các công trình kiến trúc, các đền chùa, miếu mạo, các
cảnh quan nhân tạo, phù hợp và hài hòa với thiên nhiên, tôn tạo thêm vẻ
đẹp vốn có của thiên nhiên, là những giá trị tinh thần như tình yêu đối với
thiên nhiên, đối với quê hương, đất nước và cả những giá trị về lối sống,
nếp sống như những thói quen, tập quán, cách ứng xử tốt với thiên nhiên,
tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên [2, tr. 196].
Với định nghĩa khái quát này, quan niệm về văn hóa sinh thái được hiểu:
Văn hóa sinh thái trước hết được con người sáng tạo ra trong quá trình tác
động và cải biến giới tự nhiên: con người muốn tồn tại và phát triển thì không còn
cách nào khác là phải có sự liên hệ, tác động vào giới tự nhiên để tạo ra những của cải
vật chất cần thiết đáp ứng những nhu cầu ăn, ở, mặc, tối thiểu của mình. Chính trong
quá trình tác động vào giới tự nhiên, con người đã không ngừng cải biến tự nhiên theo
mục đích có lợi nhất cho mình. Từ đó, con người đã sáng tạo ra các dạng vật chất và
tinh thần khác nhau. Các dạng này, một mặt nhằm đảm bảo sự sinh tồn và phát triển
của loài người; mặt khác, nó còn thể hiện sự hiểu biết về tự nhiên, cách ứng xử với tự
nhiên và trình độ chinh phục tự nhiên của con người ở từng thời kỳ nhất định. Chính
mặt thứ hai này đã được thể hiện trong giá trị văn hóa sinh thái.
Những giá trị văn hóa sinh thái không phải là toàn bộ những gì con người sáng
tạo ra trong quá trình tác động và cải biến giới tự nhiên, mà nó chỉ là những cái góp
phần tạo ra cho con người một môi trường sống tốt đẹp hơn, trong lành hơn và hài hòa
hơn với tự nhiên được lưu giữ và được truyền lại qua các thế hệ cho đến ngày nay.
Trong lịch sử đã từng xuất hiện những quan niệm khác nhau, thậm chí đối lập nhau
trong cách ứng xử của con người đối với tự nhiên. Có quan niệm cho rằng, con người
là "chúa tể của vạn vật" trong vũ trụ nên con người hoàn toàn có quyền khai thác tự
nhiên một cách không có giới hạn, con người thống trị tự nhiên như một dân tộc này
thống trị một dân tộc khác mà không cần tuân theo các quy luật của tự nhiên. Quan
niệm này đã từng thống trị trong triết học phương Tây, điều này đã dẫn tới mâu thuẫn
ngày càng gay gắt giữa con người và tự nhiên. Thực tế ở các nước phát triển về mặt
công nghiệp phương Tây đã cho thấy đời sống kinh tế càng phát triển, của cải vật chất
làm ra càng nhiều thì tự nhiên càng bị tàn phá, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt và
môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Do đó, xét trên bình diện những giá trị văn hóa sinh
thái thì những gì mà họ đạt được không chỉ là giá trị mà còn có những phản giá trị. Sở
dĩ có hiện tượng như vậy vì con người không hiểu được rằng: "Không nên quá tự hào
về những lần thắng lợi của chúng ta đối với tự nhiên. Bởi vì, cứ mỗi lần ta đạt được
một thắng lợi là một lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta" [30, tr. 654]. Ngược lại, có
quan niệm lại cho rằng, giữa con người và tự nhiên phải có mối quan hệ hòa hợp với
nhau, con người phải coi mình cũng là một bộ phận của giới tự nhiên và giới tự nhiên
chính là thân thể vô cơ của con người (C. Mác). Vì vậy:
Chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ
xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài tự
nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc
chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên. Chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên,
và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác
với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự
nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác [30, tr.
655].
Điều này đã dẫn tới giữa con người và tự nhiên có sự gắn bó chặt chẽ, hài hòa,
con người và tự nhiên cùng tồn tại và phát triển. Một khi con người sống hài hòa, thân
thiện với môi trường tự nhiên, tuy vẫn khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và
môi trường, nhưng không làm tổn thương nặng nề đến nó, thì những gì mà con người
đạt được trong quá trình đó mới được coi là giá trị văn hóa sinh thái.
Bởi vậy, giá trị văn hóa sinh thái có thể được hiểu là tất cả những gì mà con
người đạt được (cả vật chất lẫn tinh thần) trong quan hệ tác động lên tự nhiên nhằm
thỏa mãn nhu cầu và phục vụ cho lợi ích của con người và xã hội nhưng không dẫn
đến phá hoại sự cân bằng của hệ sinh thái, bảo đảm cùng tồn tại hài hòa, thân thiện
giữa con người (xã hội) với tự nhiên.
Các giá trị văn hóa sinh thái được thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau từ các
dạng vật thể như: kiến trúc, trang phục, đến các dạng phi vật thể như: lối sống,
phong tục, tập quán, nghệ thuật, được hình thành trong quá trình tác động và cải biến
tự nhiên của con người.
Bản chất của giá trị văn hóa sinh thái là phải hướng đến cái đúng, cái tốt, cái
đẹp (Chân - Thiện - Mỹ) trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, đảm bảo cho
sự phát triển bền vững của xã hội.
Các công trình nghiên cứu về giá trị của GS. Trần Văn Giàu và GS. Phạm Minh
Hạc đều quan niệm: giá trị là tính có nghĩa tích cực, tốt đẹp, đáng quý, có ích của các
đối tượng đối với các chủ thể. Như vậy, giá trị chỉ là những thuộc tính chính diện (mặt
tích cực trong ý nghĩa) chứ không phải bất kỳ thuộc tính nào. Giá trị gắn liền với cái
đúng, cái tốt, cái hay, cái đẹp. Bất kỳ sự vật nào cũng có thể được coi là "có giá trị"
nếu nó được các thành viên xã hội thừa nhận và xem xét như một biểu tượng trong đời
sống tinh thần của họ và cần đến nó như một nhu cầu thực thụ.
Từ quan niệm trên, có thể hiểu: giá trị văn hóa sinh thái chính là những cái
tốt, cái đẹp, cái đúng, cái hợp lý mà con người sáng tạo ra và đã được thử thách trong
thực tiễn cải tạo và hòa nhập với tự nhiên của mỗi cộng đồng người. Do đó, bản thân
giá trị văn hóa sinh thái vừa mang tính khách quan, lại vừa mang tính chủ quan. Tính
khách quan của giá trị văn hóa sinh thái được thể hiện rõ nhất ở tính hợp lý của nó
được cả cộng đồng người thừa nhận và tuân theo trong quá trình tác động và biến đổi
giới tự nhiên của mình, ở các giá trị phổ quát về cái đúng, cái tốt, cái đẹp đối với tự
nhiên đã được kinh nghiệm toàn nhân loại chấp nhận. Song, các giá trị văn hóa sinh
thái còn mang tính dân tộc, tính giai cấp và tính thời đại nên trong một phạm vi nhất
định, giá trị văn hóa sinh thái còn mang tính chủ quan. Trong thực tế đã có những hiện
tượng đối với dân tộc, giai cấp và ở một thời đại nhất định được coi là giá trị văn hóa
sinh thái, thì vẫn những hiện tượng đó, nhưng đối với dân tộc, giai cấp và ở thời đại
khác lại bị coi là phản giá trị văn hóa sinh thái, là cái cổ hủ, lạc hậu, lỗi thời cần xóa
bỏ. Trong lịch sử loài người đã xảy ra rất nhiều hiện tượng như vậy, ví dụ như, tình
trạng du canh du cư trong canh tác ruộng đất nông nghiệp. ở thời kỳ cổ đại do dân số
còn ít, rừng nguyên sinh còn rất nhiều và do khoa học chưa phát triển nên hình thức du
canh du cư còn mang tính hợp lý và phù hợp với thời đại lúc đó, vì đây là một biện
pháp hữu hiệu để cải tạo đất đai nhằm bù đắp lại độ màu mỡ cho đất đai trong điều
kiện con người chưa có khả năng sản xuất và sử dụng phân bón và các hợp chất vi sinh
khác để cải tạo đất. Lúc đó, hình thức du canh du cư là một phương thức thích ứng của
con người với tự nhiên và nó có giá trị nhất định. Nhưng ở thời kỳ hiện nay, với sự
phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và với tình trạng rừng bị tàn phá nặng nề
thì hình thức du canh du cư đã trở nên lạc hậu, đó là một sự phản giá trị văn hóa sinh
thái mà con người cần phải loại bỏ.
Để sinh tồn, con người ở thời đại nào cũng đều phải có sự gắn bó chặt chẽ với
tự nhiên, tác động và cải biến tự nhiên theo mục đích, nhu cầu của mình. Vì vậy, có
các giá trị văn hóa sinh thái đã được con người sáng tạo ra từ lâu đời và được chuyển
giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, nó đã trở thành các giá trị văn hóa sinh thái truyền
thống. Nhưng cũng cần nhận thức được rằng, không phải giá trị văn hóa sinh thái nào
đã từng tồn tại trong quá khứ thì đến thời kỳ sau đều trở thành giá trị văn hóa sinh thái
truyền thống, bởi vì giá trị văn hóa sinh thái còn mang tính chủ quan và nếu xét theo
quan điểm lịch sử - cụ thể thì trong truyền thống có cả những mặt tích cực, tiến bộ lẫn
những mặt tiêu cực, lạc hậu. Do đó, giá trị văn hóa sinh thái truyền thống phải là
những giá trị tương đối ổn định, tốt đẹp, biểu hiện được bản sắc riêng của dân tộc
trong cách xứng xử của con người đối với tự nhiên và cần phải truyền lại cho các thế
hệ sau những gì cần phải bảo vệ và phát triển. Chính vì vậy, giá trị văn hóa sinh thái
truyền thống có những đặc trưng sau:
Một là, nó phải mang tính sáng tạo của con người trong quá trình tác động và
cải biến giới tự nhiên: nói đến văn hóa nói chung cũng như văn hóa sinh thái nói riêng,
không thể không nói đến cái cốt lõi nhất của nó đó là tính sáng tạo. Con người hơn hẳn
con vật ở chỗ con người có ý thức, có tư duy. Hoạt động của con người trong quá trình
tác động vào giới tự nhiên là hoạt động có mục đích, nó khác hẳn với hoạt động mang
tính bản năng của loài vật. Để cải biến giới tự nhiên theo mục đích của mình, loài người
nhờ có tư duy đã không ngừng sáng tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần mang đậm
dấu ấn và tính chủ quan của chính con người. Như vậy, trong thế giới muôn loài của
vũ trụ, chỉ duy nhất loài người là có khả năng sáng tạo trong quan hệ với tự nhiên
nhằm tạo ra sự thích ứng cao nhất với tự nhiên vì lợi ích của chính mình. Chính sự
sáng tạo đó đã tạo ra những giá trị văn hóa sinh thái của con người.
Hai là, nó phải thể hiện tính nhân văn của con người trong cách ứng xử với tự
nhiên: trong quan hệ với tự nhiên, tính nhân văn được thể hiện trước hết ở tình yêu đối
với thiên nhiên, cụ thể là tình yêu đối với quê hương - nơi "chôn rau cắt rốn" của mỗi
con người, đối với cây đa, bến nước đầu làng, đối với núi rừng, đồng ruộng bao la
Từ tình yêu đó, con người đã sống hòa hợp với tự nhiên, coi sự sống còn của tự nhiên
như chính sự sinh tồn của mình. Trong quá trình khai thác và cải tạo tự nhiên, con
người luôn phải có một điểm dừng, tuyệt đối không được coi tự nhiên là vốn trời ban
cho ta một cách vô tận. Bên cạnh việc khai thác tự nhiên, con người luôn phải có ý
thức bảo vệ và tái tạo lại môi trường tự nhiên vì cuộc sống của chính mình cũng như
của giới tự nhiên. Cũng cần phải nhận thức được rằng, nhân văn và sáng tạo trong văn
hóa sinh thái là hai mặt có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nếu thiếu một mặt nào hoặc
quá nhấn mạnh một mặt nào trong hai mặt đó đều dẫn tới xã hội sẽ mất đi sự cân đối
cần thiết giữa cái cơ sở vật chất - kỹ thuật và ý nghĩa cao quý của con người. Đây là
một vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thời đại ngày nay khi mà cuộc cách
mạng khoa học - công nghệ hiện đại đang để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh
hưởng tới môi trường sinh thái.
Ba là, nó phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các giá trị chân - thiện - mỹ trong
mối quan hệ giữa con người và tự nhiên:
Cái chân trong văn hóa sinh thái được hiểu như là cái đúng, cái được kiểm
soát bằng lý trí, bằng khoa học, bằng pháp luật và bằng các quy luật của tự nhiên. Nó
được biểu hiện ở sự thực hiện nghiêm túc, tự giác các điều kiện bảo vệ môi trường
được xây dựng trên nền tảng các quy luật của giới tự nhiên. Cái chân trong văn hóa
sinh thái còn là cái thực dụng trong quan hệ của con người với tự nhiên. Nó được biểu
hiện ở sự tận dụng những lợi thế của tự nhiên để phục vụ cho cuộc sống con người một
cách tự giác, phù hợp với các quy luật của tự nhiên.
Cái thiện trong văn hóa sinh thái được hiểu đó chính là tình yêu, sự tôn trọng
và bảo vệ các điều kiện thiên nhiên cần cho sự sống, không gây ô nhiễm môi trường,
không phá hoại cảnh quan, không khai thác, sử dụng đến cạn kiệt các nguồn tài
nguyên thiên nhiên, là cách ứng xử thân thiện với môi trường thiên nhiên;
Cái mỹ trong văn hóa sinh thái được hiểu đó chính là tôn trọng vẻ đẹp, là sự
kết hợp khéo léo và hài hòa giữa các vật thể văn hóa với vẻ đẹp vốn có của thiên nhiên,
nói theo C. Mác là cải tạo thiên nhiên theo quy luật của cái đẹp.
Bản thân giá trị văn hóa sinh thái truyền thống phải hội tụ được cả ba cái chân
- thiện - mỹ, và giữa ba cái này phải có sự thống nhất biện chứng không tách rời nhau.
Vì vậy, trong giá trị văn hóa sinh thái truyền thống, người ta chỉ có thể tính đến tính ưu
tiên tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể chứ không thể duy nhất hóa hay tuyệt đối hóa
một cái nào cả. Đây là một vấn đề có ý nghĩa to lớn trong thời đại hiện nay khi mà
cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và
con người do mải chạy theo "chủ nghĩa thực dụng" đã bỏ qua những giá trị cơ bản của
văn hóa sinh thái. Với quan điểm này đã đặt ra một yêu cầu cho toàn nhân loại trong
việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình tác động và cải tạo tự nhiên là phải
đảm bảo được sự kết hợp hài hòa cả ba yếu tố chân - thiện - mỹ để xây dựng được một
nền văn hóa sinh thái lành mạnh, phát triển có những giá trị văn hóa sinh thái đúng đắn
và cao quý góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả con người và tự nhiên.
Bốn là, nó phải mang tính bản sắc riêng của dân tộc trong cách ứng xử của
con người đối với tự nhiên: bản sắc dân tộc trong văn hóa sinh thái bao gồm những giá
trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm tác động và
cải biến giới tự nhiên của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống. Đó chính là lòng yêu
thiên nhiên; tư tưởng hòa hợp giữa con người và tự nhiên; sự nghiêm túc, tự giác tuân
theo các quy luật của giới tự nhiên; sự sáng tạo ra một phương thức sống thích ứng với
sự tồn tại, phát triển của tự nhiên,
Năm là, nó là những giá trị mang tính trường tồn, đã tồn tại từ lâu đời trong
cách ứng xử của con người đối với tự nhiên: nhiều giá trị văn hóa sinh thái được hình
thành từ lâu, trải qua thử thách của thời gian, của cuộc sống xã hội trên nhiều chặng
đường lịch sử đã trở thành những giá trị trường tồn. Nó được truyền lại và kế thừa từ
thế hệ này sang thế hệ khác, mặc dù cuộc sống xã hội có những biến động, nhưng
những giá trị trường tồn đó vẫn có sức sống lâu bền với thời gian, nó đã ăn sâu vào
tiềm thức một dân tộc, một cộng đồng và vẫn có tác dụng nhất định mang tính định
hướng cho con người trong quan hệ với tự nhiên. Nhờ có những giá trị mang tính
trường tồn mà giá trị văn hóa sinh thái là một dòng chảy liên tục, không bị đứt quãng
bởi vì bên cạnh những giá trị văn hóa sinh thái mới còn luôn có mặt những giá trị văn
hóa sinh thái truyền thống với tính tương đối ổn định đã bổ sung và đan xen lẫn nhau
làm cho các giá trị văn hóa sinh thái có sự kết hợp chặt chẽ giữa hiện đại và truyền
thống. Tuy nhiên, giá trị văn hóa sinh thái còn mang tính thời đại, nó luôn vận động
không ngừng cùng với cuộc sống. Cho nên các giá trị trường tồn dù cao đẹp đến đâu đi
nữa thì cũng không thể đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của cuộc sống mới đang đổi thay
từng ngày, nó cũng phải được phát triển cho phù hợp với thời đại mới. Vì vậy, các giá
trị văn hóa sinh thái truyền thống đã được truyền lại và kế thừa từ đời này sang đời
khác theo tinh thần vừa lặp lại với một tần số nhất định vừa được cải tiến từng bước,
từng lúc, từng nơi.
1.1.2. Các hình thức biểu hiện chủ yếu của giá trị văn hóa sinh thái
Giá trị văn hóa sinh thái thường được biểu hiện ra bên ngoài dưới các hình
thức chủ yếu sau:
Trong văn hóa sinh thái vật thể
- Kiến trúc:
Tất cả các công trình kiến trúc như đền đài, cung điện, công trình lịch sử, nhà
ở, đều thể hiện rõ nét cái chân, cái mỹ trong đó, bởi vì trong quá trình xây dựng, con
người luôn tính toán phải làm sao phù hợp được với điều kiện tự nhiên và môi trường
xung quanh để đem lại hiệu quả cao nhất cho con người trong khi sử dụng. Khi thiết
kế và xây dựng các công trình kiến trúc, con người bao giờ cũng phải chú ý đến một số
điểm cơ bản như: đặt hướng chính, hình dáng tổng thể, thiết kế xung quanh, trang trí
nội thất, kết cấu vật liệu, sao cho phù hợp với điều kiện địa lý, mặt bằng xây dựng,
điều kiện về khí hậu, ánh sáng, và còn phải tạo ra được sự tương xứng cân đối, hài
hòa giữa các công trình đó với cảnh quan xung quanh như một chỉnh thể thống nhất.
Những công trình này không những phải đúng, bền về nội dung mà còn phải đẹp, hài
hòa về hình thức. Bên cạnh đó, nó còn thể hiện được sự tôn trọng đối với các điều kiện
sống của con người, góp phần nâng cao chất lượng sống của con người về mọi mặt.
- Trang phục:
Có thể nói trang phục là một trong những hình thức biểu hiện rõ nhất của văn
hóa sinh thái. Thông qua các trang phục của con người, cái chân, cái mỹ bộc lộ rõ nét.
Từ quần áo đến những đồ dùng kèm theo như khăn cuốn, thắt lưng, một mặt, nó đã
thể hiện được sự hiểu biết về môi trường và khả năng vận dụng những điều kiện cụ thể
của môi trường vào công việc thiết kế trang phục của con người sao cho vừa phù hợp
với hoàn cảnh vừa tạo điều kiện tốt nhất, thoải mái, dễ chịu nhất trong sinh hoạt hàng
ngày cũng như trong các hoạt động khác nhau của họ; mặt khác, nó còn thể hiện rõ
năng khiếu thẩm mỹ, sự sáng tạo và sự khéo léo của con người trong quá trình vươn
tới cái đẹp, cái hài hòa giữa con người và tự nhiên. Trang phục không chỉ thể hiện
được cái đẹp về hình thức bên ngoài, mà nó còn thể hiện được cái đẹp trong tâm hồn
của mỗi con người. Thông qua kiểu cách, hình dáng, chất liệu màu sắc của trang
phục nó phản ánh khả năng thích ứng của con người đối với tự nhiên và phản ánh tình
yêu thiên nhiên, cảm xúc trước vẻ đẹp thiên nhiên để từ đó tạo ra được sự cân đối, hài
hòa giữa trang phục và tự nhiên.
- Dược liệu chữa bệnh:
Việt Nam là một quốc gia đa dạng sinh học, có thảm động, thực vật rất phong
phú. Đây chính là nguồn dược liệu rất phong phú, đa dạng. Với trí óc thông minh, tinh
thần ham học hỏi và do yêu cầu của sự sinh tồn, con người Việt Nam từ xa xưa đã biết
sử dụng nguồn dược liệu này vào công việc chữa bệnh cũng như trong một số lĩnh vực
hoạt động khác của mình. Thông qua một quá trình nghiên cứu và thử nghiệm trong
thực tiễn, con người đã dần dần phát hiện ra ngày càng nhiều tính năng, công dụng của
nhiều loại động, thực vật khác nhau, và từ đó con người đã biết sử dụng những động,
thực vật này vào trong lĩnh vực y học để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Trong dược liệu, bên cạnh những dược liệu quý để chữa bệnh còn có cả những độc
dược nguy hại đến tính mạng con người. Vì vậy, với tính thiện của mình, con người
tuyệt đối không được dùng độc dược để đe dọa, cướp đi sinh mạng của đồng loại, gây
ra thảm họa cho toàn cầu. Con người cũng phải nhận thức được rằng, nguồn dược liệu
không phải là vô tận nên bên cạnh việc khai thác, sử dụng nó một cách hợp lý, con
người phải có ý thức tái tạo lại những dược liệu đó trong chừng mực khả năng có thể
của mình vì một sự phát triển bền vững cho những thế hệ mai sau.
- ẩm thực:
Văn hóa ẩm thực của các dân tộc, các vùng dân cư khác nhau có đặc trưng
khác nhau, qua đó nó thể hiện rõ nét cái chân, cái mỹ của mỗi dân tộc. Nó phụ thuộc
vào điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế - xã hội cụ thể và phong tục, tập quán của
từng nơi. Đa số các nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến ăn, uống đều là những dạng
vật chất của tự nhiên. Mặc dù cùng các nguyên liệu như vậy, nhưng cách thức chế biến
của con người lại không giống nhau. Sở dĩ có hiện tượng như vậy vì cư dân sống ở
trong những điều kiện tự nhiên khác nhau thì nhu cầu năng lượng và điều kiện chế
biến sẽ khác nhau. Điều này đã thể hiện rõ sự thích ứng của con người đối với hoàn
cảnh tự nhiên cụ thể nhằm đảm bảo sự tốt nhất và sự thuận tiện nhất trong sinh hoạt
hàng ngày. Hơn nữa, con người còn biết sử dụng những vật phẩm có sẵn trong tự
nhiên phục vụ cho công việc nấu ăn nhằm tăng thêm tính hấp dẫn, vẻ đẹp thẩm mỹ
trong nghệ thuật ăn uống. Đây cũng là một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực, một
biểu hiện rõ nét của văn hóa sinh thái. Con người muốn tồn tại và phát triển thì trước
hết phải thỏa mãn những nhu cầu về ăn, ở, mặc, nhưng do dân số tăng nhanh và do
sự bừa bãi trong việc ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại đã
dẫn tới tình trạng thiếu hụt và ô nhiễm lương thực, thực phẩm ở phạm vi toàn cầu. Từ
đó đặt ra một vấn đề cấp bách là con người phải tìm mọi cách khắc phục, nói cách
khác là phải phát huy tính thiện của mình trong ẩm thực.
- Các đồ dùng trong sinh hoạt và sản xuất:
Để thỏa mãn các nhu cầu của con người trong sinh hoạt và sản xuất, nhất thiết
phải có những vật dụng nhất định với tư cách là công cụ lao động. Công cụ lao động
cũng là một nhân tố không thể thiếu trong hoạt động cải tạo tự nhiên của con người, và
trình độ của công cụ lao động sẽ góp phần quyết định hiệu quả của hoạt động đó. Theo
lý thuyết, chính sự phát triển của khoa học - công nghệ sẽ quyết định trình độ của công
cụ lao động, nhưng trong thực tế, có khi lại không phải như vậy. Trình độ và đặc biệt
là cấu trúc, hình dáng của các công cụ lao động lại còn phụ thuộc vào hoàn cảnh tự
nhiên cụ thể. Con người ngoài sự vận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, còn
phải chú ý tới điều kiện tự nhiên của nơi mình sinh sống để từ đó tạo ra được những
công cụ lao động phù hợp, có như vậy mới đạt được hiệu quả cao nhất trong thực tiễn.
Ngoài tính thực dụng, con người với tư duy sáng tạo của mình, còn chú ý đến tính
thẩm mỹ trong việc chế tạo ra các đồ dùng trong sinh hoạt và sản xuất. Các vật dụng
này không những phải có ích lợi lớn mà còn phải có cả tính hài hòa cao, và đặc biệt nó
không được gây ra ô nhiễm môi trường cũng như phá hoại cảnh quan xung quanh.
Trong văn hóa sinh thái phi vật thể
- Đạo đức sinh thái
Đạo đức sinh thái là quan niệm và cách thức ứng xử của con người và xã hội
loài người đối với giới tự nhiên nhằm bảo đảm sự cùng tồn tại và phát triển của tự
nhiên và xã hội. Đạo đức sinh thái biểu hiện cái thiện, nó giữ vai trò điều chỉnh các
mối quan hệ của con người đối với tự nhiên, và do tự nhiên bao giờ cũng là khách thể
trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên nên không có chiều ngược lại.
Về mặt cấu trúc, đạo đức sinh thái cũng bao gồm phần lý luận và phần thực
tiễn, đó là ý thức, quan niệm, tư tưởng, tình cảm của con người đối với thiên nhiên, là
những nguyên lý, nguyên tắc, chuẩn mực quy định, điều chỉnh hành vi của con người
trong quá trình biến đổi và cải tạo thiên nhiên phục vụ cho sự sống của con người, sự
tồn tại và phát triển của xã hội.
Về mặt nguồn gốc, tuy đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, nhưng nó lại có
nguồn gốc sâu xa từ trong cơ sở tồn tại của xã hội - đó là lợi ích. Giữa đạo đức và lợi
ích có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Do đó, đạo đức sinh thái
muốn đảm bảo tính đúng đắn và lành mạnh phải bắt nguồn từ lợi ích của cả tự nhiên
và con người, phải đảm bảo sự sống, sự cùng tồn tại và phát triển của cả xã hội và tự
nhiên trong tính chỉnh thể toàn vẹn của hệ thống "tự nhiên - con người - xã hội". Điều
này đã đặt ra yêu cầu cho quan hệ giữa con người với tự nhiên là con người không
được chỉ quan tâm đến lợi ích của mình mà quên đi lợi ích của tự nhiên, vi phạm tới
lợi ích của tự nhiên, vi phạm các quy luật của tự nhiên vì như vậy là con người đã vi
phạm đạo đức sinh thái.
- Lối sống, thói quen, phong tục, tập quán của con người đối với tự nhiên
Lối sống, nếp sống là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của nền văn
hóa và trình độ phát triển của xã hội. Lối sống văn hóa sinh thái của người dân là một
trong những biểu hiện tập trung nhất của tính nhân văn và sinh thái, hướng đến các giá
trị chân, thiện, mỹ trong các mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.
Lối sống văn hóa sinh thái có thể hiểu đó là tình yêu đối với thiên nhiên, sống
hòa hợp với thiên nhiên, nương nhờ và tận dụng thiên nhiên, luôn tôn tạo và bảo vệ vẻ
đẹp và sự trong sạch của thiên nhiên, được thể hiện từ trong lối tư duy sinh thái đến
những hành vi ứng xử cụ thể của con người đối với thiên nhiên.
Để có lối sống sinh thái lành mạnh, con người trước hết trong suy nghĩ, tư
tưởng của mình phải có quan điểm đúng về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên,
đó là quan điểm "Thiên - Nhân hợp nhất", con người phải có ý thức sống hòa mình với
tự nhiên, không chấp nhận tư tưởng coi con người là trung tâm của vũ trụ, có quyền uy
tối cao đối với tự nhiên và được phép khai thác tự nhiên một cách bừa bãi.
Trên cơ sở có quan điểm đúng đối với tự nhiên, con người sẽ có những hành
vi ứng xử đúng đắn đối với tự nhiên. Trong hoạt động thực tiễn của mình, con người
lúc nào cũng phải tôn trọng vẻ đẹp của tự nhiên cũng như những quy luật vốn có của
nó. Mọi hành vi của con người ngoài việc tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội còn phải
chú ý tới hiệu quả về mặt sinh thái, việc phát triển kinh tế - xã hội phải đi liền với việc
nâng cao chất lượng môi trường sống. Vì vậy, con người có lối sống sinh thái không
chỉ dừng lại ở việc mọi hành vi phải nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên mà còn thể hiện
ở khả năng tái tạo, mở rộng và nâng cao chất lượng cũng như vẻ đẹp của nó.
Cùng với lối sống, nếp nghĩ, các phong tục tập quán cũng là một biểu hiện của
văn hóa sinh thái. Mặc dù chỉ là một sự cưỡng chế mặc nhiên không thành văn nhưng
sức mạnh của phong tục, tập quán rất lớn vì nó gắn liền với lối sống của cộng đồng và
ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Cái được coi là phong tục, tập quán, thói quen,
trước hết cũng phải gắn liền và phù hợp với những điều kiện tự nhiên, hay có thể nói
do điều kiện tự nhiên quy định và được dư luận xã hội bảo vệ.
Thông qua những điều hạn chế, cấm kỵ, không được làm của con người đối
với tự nhiên, cũng như những quy định chung cho con người trong quan hệ với tự
nhiên mang tính khuôn thước của cộng đồng, các phong tục tập quán đã góp phần định
hướng cho các ứng xử, hành vi của mọi thành viên trong cộng đồng mang đậm tính
sinh thái. Chính những phong tục, tập quán này một mặt thể hiện rõ nội dung của văn
hóa sinh thái, mặt khác còn góp phần tích cực vào việc nâng cao ý thức sinh thái cho
mọi người.
- Các tác phẩm văn học và các hình thức nghệ thuật
Có thể khẳng định rằng, văn hóa nghệ thuật là một hình thức biểu hiện tiêu
biểu, điển hình, rõ nét của văn hóa. Chính vì vậy, đôi khi có người còn đồng nhất văn
hóa với văn học, nghệ thuật.
Thông qua các tác phẩm văn học, nhất là văn học dân gian, đã phản ánh rất rõ
những tâm tư, tình cảm cũng như cách ứng xử của con người đối với tự nhiên, qua đó
bộc lộ luôn các giá trị chân, thiện, mỹ. Từ ca dao, tục ngữ, các truyện cổ tích, huyền
thoại, các loại thơ ca cho đến các loại truyện đã được ghi chép lại đều thể hiện sự hiểu
biết của con người về tự nhiên, khả năng chinh phục tự nhiên của con người. Thông
qua các áng thơ văn đầy xúc động của con người về tự nhiên đã thể hiện tâm hồn yêu
thiên nhiên, sự xúc cảm của con người trước vẻ đẹp thơ mộng hay hùng vĩ của tự
nhiên. Bằng các tác phẩm văn học còn thể hiện nhân sinh quan và những triết lý sâu
sắc của con người trong quan hệ với thiên nhiên.
Các hình thức nghệ thuật với sự phong phú, đa dạng của mình đã thể hiện rất
rõ những giá trị chân, thiện, mỹ trong quan hệ của con người với tự nhiên. Với các
hình thức biểu hiện sinh động, nghệ thuật đã đem lại cho con người những hiểu biết về
các quy luật của tự nhiên và khuyên người ta nếu muốn tồn tại và phát triển thì nhất
định phải tuân theo những quy luật đó, phải hòa đồng chứ không được đối lập với tự
nhiên. Nó dạy con người phải biết tận dụng những giá trị sử dụng của tự nhiên một
cách hợp lý nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Thông qua nghệ thuật, triết lý cái thiện
nhất định sẽ chiến thắng cái ác đã được khẳng định rất rõ. Với chức năng giáo dục của
mình, nó luôn hướng con người tới cái thiện, góp phần tạo ra sự lành mạnh trong tâm
hồn mọi người. Đặc biệt, nghệ thuật còn là một loại hình biểu hiện rõ nét nhất về tính
thẩm mỹ của con người. Nghệ thuật chính là mảnh đất để con người có điều kiện thể
hiện và nuôi trồng những ước mơ cao đẹp, tâm hồn nhạy cảm và khả năng sáng tạo của
mình trước tự nhiên.
- Các tín ngưỡng và lễ hội dân gian
Dưới ảnh hưởng của tín ngưỡng đa thần, con người có quan niệm rằng mọi vật
trong tự nhiên từ nguồn nước, cây cỏ, rừng núi đến đất đai, đều có linh hồn, được
các vị thần cai quản. Vì vậy, con người phải sống hòa hợp với tự nhiên, có quan hệ
chặt chẽ với tự nhiên, không được làm hại tới tự nhiên. Mặc dù tín ngưỡng dân gian có
những tiêu cực, nhưng bên cạnh đó, nó cũng có yếu tố tích cực trong việc hình thành
các giá trị văn hóa sinh thái, bởi vì, nó chính là cơ sở để tạo ra tình yêu của con người
đối với tự nhiên, nó góp phần ngăn chặn những hiện tượng khai thác tự nhiên bừa bãi,
bóc lột tự nhiên một cách tàn nhẫn của con người.
Tín ngưỡng luôn đi liền với lễ hội dân gian. Trong cuộc sống thường ngày của
con người đã tồn tại rất nhiều lễ hội khác nhau với nội dung phản ánh tâm tư, tình cảm
và sự nhận thức của con người đối với tự nhiên. Thông qua các lễ hội rước nước, lễ
hội rước và dâng lễ vật cúng thần nông, lễ hội xuống đồng, đã thể hiện sự tôn trọng tự
nhiên, hòa đồng với tự nhiên của con người. Đồng thời nó còn thể hiện tư tưởng nhân
văn sâu sắc của con người đối với tự nhiên.
Như vậy, trong mỗi hình thức biểu hiện cụ thể của văn hóa sinh thái đều có
chứa những giá trị chân, thiện, mỹ. Các giá trị văn hóa sinh thái này được lưu giữ từ
thế hệ này sang thế khác, giúp cho con người sống ngày càng gắn bó hơn với điều
kiện sinh thái từng vùng, miền. Cùng với thời gian, những giá trị đó được khẳng định
và tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng của từng vùng.
1.2. Một số giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc
nước ta
1.2.1. Đặc điểm tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội vùng núi Đông Bắc
nước ta - Tiền đề và cơ sở hình thành các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở
vùng này
Nhiệm vụ tiếp theo của luận văn là xác định một số giá trị văn hóa sinh thái
truyền thống ở vùng núi Đông Bắc và thông qua các hình thức biểu hiện của chúng để
chỉ ra các giá trị chân, thiện, mỹ. Muốn vậy, trước hết cần phải chỉ ra nguồn gốc tự
nhiên và nguồn gốc kinh tế - xã hội đã hình thành nên những giá trị văn hóa sinh thái
vùng núi Đông Bắc; sau đó, chỉ ra những giá trị đó là gì? Biểu hiện của nó ra sao?
1.2.1.1. Những đặc điểm tự nhiên ở vùng núi Đông Bắc nước ta
Khu vực vùng núi Đông Bắc nước ta gồm 11 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc
Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang,