Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Vai trò của bố mẹ trong việc giáo dục con cái

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (75.16 KB, 11 trang )

A.LỜI MỞ ĐẦU
Xã hội ngày càng phát triển, nước ta đang trên đường tiến lên công nghiệp hoá, hiện
đại hoá. Sự phát triển của xã hội đòi hỏi mỗi người phải có kiến thức vững vàng để hoà
nhập và bắt kịp, để không bị tụt lại phía sau. Mỗi người phải trang bị đủ kiến thức về xã
hội, kiến thức chuyên môn, kiến thức phổ thông… Vì thế mà giáo dục là một phần không
thể thiếu, giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Hiện
nay, giáo dục đang được nhà nước quan tâm đầu tư một cách tích cực.
Giaó dục được hình thành và phát triển chủ yếu qua ba môi trường đó là gia đình, nhà
trường và xã hội. Mỗi con người sinh ra đều nhận được sự giáo dục đầu tiên là từ gia
đình, gia đình là yếu tố cốt lõi cơ bản nhất, là tế bào nhỏ nhất của xã hội. Trong gia đình
thì trẻ em là những thành viên đặc biệt, là tương lai, người kế tục huyết thống và truyền
thống của gia đình nên từ xưa tới nay việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là mối
quan tâm hàng đầu. Gia đình là nơi đầu tiên dạy trẻ những lễ nghi, phong tục tập quán,
dạy cho trẻ cách ứng xử với mọi người xung quanh. Môi trường xã hội xung quanh ta
hàng ngày, hàng giờ tác động đến trẻ, cả những mặt tốt, tích cực và những mặt chưa tốt,
tiêu cực. Nếu những tác động đó là tích cực thì khỏi phải nói. Nhưng nếu những tác động
của trẻ mang tính tiêu cực, dù là rất nhỏ nhưng ảnh hưởng của nó lại vô cùng lớn đến
cách nhìn nhận, đánh giá của trẻ, thậm trí có thể phá hoại cả những niềm tin đạo đức,
xoay ngược lại các giá trị tốt đẹp đã được hình thành ở trẻ trước đó. Sống trong thời đại
mở cửa, giao lưu và hội nhập quốc tế, những biến đổi của một nơi, một nước nhanh
chóng được lan truyền khắp toàn cầu, ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của trẻ. Lượng
thông tin mà trẻ tiếp thu, lĩnh hội hiện nay lớn hơn trước bội phần. Điều đó lại càng cắt
nghĩa cho tầm quan trọng của việc định hướng giáo dục cho trẻ.
Trong việc giáo dục con cái nên người, vai trò của gia đình nói chung, của cha mẹ nói
riêng đến con cái là vô cùng lớn. Điều này được khẳng định cả trên phương diện lý luận
và thực tiễn. Nói rằng tâm lý con người là sản phẩm của điều kiện xã hội- lịch sử cụ thể,
với trẻ, cần phải được hiểu xã hội ở đây là chính các gia đình, với những con người cụ thể
trong mỗi gia đình, cả người lớn và cả những người tuổi ít hơn trẻ.Và cha mẹ là chính là
yếu tố quan trọng và là thành phần không thể thiếu trong việc giáo dục con cái.
B.NỘI DUNG:
Việc giáo dục trẻ cần được quan tâm từ lúc nhỏ, mà quan trọng nhất đó chính là gia


đình. Gia đình là nơi đặt những viên gạch đầu tiên trong việc hình thành nhân cách con
người, giáo dục gia đình có vai trò quan trọng đến quá trình lớn lên và hình thành nhân


cách của trẻ, gia đình là trường học đầu tiên của mỗi con người. Ai cũng được sinh ra từ
cha mẹ, bởi vậy mà đứa trẻ gắn bó và lắng nghe được âm thanh của cuộc sống đầu tiên từ
cha mẹ mình, chính vì thế mà cha mẹ là tiền đề cho sự phát triển của con cái, là tác nhân
trực tiếp ảnh hưởng đến nhân cách của con mình sau này. Giaó dục con cái không chỉ là
bổn phận, trách nhiệm quan trọng mà còn là vinh dự của cha mẹ. So với người khác vai
trò giáo dục của cha mẹ là cơ bản nhất, quan trọng và không thể thay thế được vì cha mẹ
là người sống gần gũi, hiểu con cái và yêu thương con cái hơn ai hết. Cha mẹ không chỉ
là bậc sinh thành, nuôi dưỡng mà còn là "Người thầy đầu tiên" đối với trẻ thơ. Cha mẹ là
người hiểu hơn ai hết những sở thích, tính tình hay những mặt mạnh, mặt yếu của con
mình. Còn đối với con trẻ, cha mẹ là người gần gũi, yêu thương và là chỗ dựa cả về vật
chất và tinh thần. Cho nên, với mỗi việc làm, hành vi, thái độ, nhân cách của cha mẹ đều
gây ấn tượng tốt hay xấu, tác động trực tiếp hay gián tiếp đến sự hình thành nhân cách và
tâm hồn trẻ thơ.
Từ khi sinh ra, trẻ nhỏ đã tiếp xúc với văn hoá dân tộc từ lời ru, giọng hát của người
mẹ vì thế mà người mẹ có vai trò hết sức quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến nhân
cách của trẻ sau này. Từ bao đời nay, người phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng đối với
gia đình. “ Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” câu tục ngữ này luôn đúng trong mọi thời
đại. Dù theo thời gian, những quan niệm về chuẩn mực của người phụ nữ có nhiều thay
đổi thì phụ nữ vẫn là người thắp lửa trong gia đình, vẫn là người có tác động đặc biệt
quan trọng đối với mỗi thành viên trong gia đình, nhất là đối với con cái của họ. Việc
chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái đã là thiên chức của người mẹ. Niềm hạnh phúc vô bờ
bến của mỗi người phụ nữ đó là được làm mẹ, được chăm sóc cho những người mình yêu
thương. Điều đó không hề thay đổi theo tiến trình lịch sử, dù quan niệm của mỗi thời đại
có khác nhau đi chăng nữa. Một gia đình có nề nếp, gia phong thì cha mẹ là tấm gương
cho con cái noi theo. Trong đó, vai trò giáo dục con cái vẫn thuộc về người mẹ đúng như
câu tục ngữ mà dân gian vẫn lưu truyền: “Phúc đức tại mẫu”. Dù trong mọi hoàn cảnh

nào, mẹ vẫn luôn là người bao dung, che chở, dõi theo bước con đi. Trên bước đường
thành công của con mẹ luôn là hậu phương, là chỗ dựa vững chắc nhất của con về mọi
mặt. Mẹ luôn là bờ vai ấm áp để cho con tựa vào, mỗi lúc con vui mẹ vui cùng con, lúc
buồn con sà vào lòng mẹ để được mẹ ôm ấp, vỗ về, động viên. Những gì mẹ dành cho
con, những gì mẹ dạy cho con sẽ là hành trang con mang theo suốt cuộc đời. Mẹ là người
thầy đầu tiên và cũng là người thầy suốt đời của con. Mẹ là người tiếp xúc nhiều nhất với
con, ngay từ lúc sinh ra con đã được sự chăm sóc của mẹ, vì thế mà con học ở mẹ rất
nhiều có thể nói, trong thời gian đầu đời từ mới sinh đến 6 tuổi thì mẹ là người giao tiếp
với con nhiều nhất. Đây là thời gian hình thành cái gốc của nhân cách, cái cốt vật chất
của trẻ, vì vậy ảnh hưởng của người mẹ đối với con trong sự trưởng thành về nhân cách
của trẻ là rất lớn, mặc dù người mẹ truyền thống chưa bao giờ được chính thức công nhận


là nhà giáo dục. Ngay từ khi trẻ còn nằm nôi, những giá trị truyền thống của dân tộc,
những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất đã được mẹ truyền lại cho con qua các
bài hát ru, những câu chuyện cổ tích. Cùng với việc hình thành, duy trì những tập quán,
nề nếp gia đình, người phụ nữ quyết định văn hóa ăn, văn hóa mặc và văn hóa ở của gia
đình. Trong cái nôi văn hóa ấy, sự hình thành tập tính văn hóa, các phẩm hạnh cá nhân
tương lai của trẻ diễn ra một cách tự nhiên qua mắt nhìn, tai nghe, qua cảm nhận môi
trường sống. Mẹ dạy bằng lời, bằng ý, bằng hành động của mẹ. Mẹ khắc họa dấu ấn sâu
sắc trong nhân cách của con. Mẹ dạy cho con cách giao tiếp và ứng xử với mọi người
xung quanh, dạy con những lễ nghi và quy tắc trong cuộc sống, hơn hết mẹ là người
thường hay tâm sự chia sẻ những vấn đề mà con gặp phải trong cuộc sống, tư vấn cho
con về việc học tập, chia sẻ những tâm tư tuổi mới lớn. Người mẹ là một phần không thể
thiếu trong sự hình thành và phát triển của con, cùng con lớn lên và theo con cho đến khi
con trưởng thành.
Do ảnh hưởng của quan niệm truyền thống phương Đông “đàn ông ngoại giao kiếm
tiền, phụ nữ nội trợ, nuôi dạy con cái”, trong suy nghĩ của nhiều ông bố việc giáo dục con
cái là của người mẹ. Nhưng trên thực tế vai trò, trách nhiệm của người cha và người mẹ
trong gia đình là như nhau, con trẻ không thể thiếu được sự dạy dỗ và tình thương yêu

của cha hay của mẹ. Đàn ông thường mạo hiểm, trí tuệ mạnh mẽ, kiên cường, dũng cảm,
nóng nảy, dễ thô bạo. Phụ nữ thường ôn hòa, nhu mì, nhẫn nại, chịu thương chịu khó, dễ
phục tùng, hay lo lắng và tự ti…Những người cha dù có bận làm ăn buôn bán hay công
việc xã hội cũng nên dành thời gian khoảng hai giờ mỗi ngày ngày để cùng chơi và trò
chuyện với con. Từ những đặc điểm đó, khí chất của đàn ông và phụ nữ sẽ bổ sung cho
nhau trong cuộc sống và trong việc nuôi dạy con cái. Con bạn cần có sự kiên định, chín
chắn, mạnh mẽ, dũng cảm của cha, có sự dịu dàng nhu thuận của mẹ, cho nên cả cha và
mẹ đều có vai trò quan trọng như nhau. Sự tham gia của người cha trong việc chăm sóc
con cái ngay từ những năm đầu tiên sẽ khiến cho đứa trẻ có được nhận thức tốt về người
cha của mình sớm hơn. Người cha chính là người sẽ giúp cho đứa trẻ thoát được thế giới
riêng biệt của nó, giúp cho trẻ nhận biết được thế giới xung quanh. Đối với trẻ, người cha
là một hình ảnh có tính hai chiều: vừa là người đại diện cho quyền lực trong gia đình lại
vừa là đối thủ cạnh tranh tình cảm của người mẹ dành cho trẻ. Các quá trình đồng hóa
theo hình ảnh của người cha đều diễn ra nơi trẻ trai cũng như trẻ gái. Người cha dạy cho
con nhiều kĩ năng trong cuộc sống, cho con những kiến thức và kĩ năng cần thiết để áp
dụng vào cuộc sống. Cha thường dùng lời nói, hành động có ý răn đe khi con phạm lỗi,
hướng con theo sự đúng đắn. Cha là người dạy con cách đi xe đạp, sửa những vật dụng
hư hỏng trong nhà, và hơn hết cha là người định hướng nhân cách cho con sau này.
Nhưng trên thực tế, nhiều ông bố không chú trọng và không dành thời gian chơi với con,
họ cho đó là việc không cần thiết. Con trẻ rất thích chơi với cha, cha và con có nội dung


hoạt động và những phương thức giao tiếp đặc biệt. Người cha có những lúc biến thành
đứa trẻ lớn, cha và con là những người bạn vui chơi nô đùa cùng nhau, người cha luôn
sẵn sàng trả lời những câu hỏi của con. Chính qua những hoạt động chung này, con bạn
sẽ rèn luyện được tính hoạt bát nhanh nhẹn, cởi mở, dũng cảm, tự tin và trí tuệ. Người
cha nghiêm khắc thì con sẽ chững chạc và suy nghĩ chính chắn hơn vì phần lớn tính cách
con cái là học tù cha mẹ.
Trên thực tế có nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng những cảm xúc nền tảng
(hứng thú, hồi hộp, vui sướng, ngạc nhiên, đau khổ, căm giận, ghê tởm, khinh bỉ, khiếp

sợ, xấu hổ, tội lỗi) có cùng cách biểu hiện và đặc điểm kinh nghiệm ở những xã hội rất
khác nhau. Một số công trình nghiên cứu khác chỉ ra rằng những cảm xúc nền tảng được
đảm bảo bởi những chương trình thần kinh bẩm sinh. Như vậy, những cảm xúc nền tảng
đều có nguồn gốc sinh học. Tuy nhiên mỗi người đều có thể học được cách kiềm chế hay
biến đổi những biểu hiện cảm xúc có tính bẩm sinh của mình. Những người thuộc tầng
lớp xã hội khác nhau hay ở các nền văn hóa khác nhau học được cách biểu cảm bằng nét
mặt khác nhau, có thể giấu những biểu hiện cảm xúc có tính bẩm sinh. Như vậy, những
cảm xúc bẩm sinh người ta hoàn toàn có thể học được cách biểu hiện bằng con đường
giáo dục. Phương thức biểu hiện những cảm xúc nguyên mẫu là bẩm sinh. Tuy nhiên
phương thức bẩm sinh đó có phát triển không và phát triển như thế nào, lại do tự tạo, do
giáo dục của từng nền văn hóa khác nhau. Giáo dục cảm xúc giúp con người hiểu được
cảm xúc đúng tình huống, hoàn cảnh phù hợp đồng thời cũng giúp con người biết cách
kiềm chế cảm xúc khi cần thiết. Cảm xúc là kết quả của giáo dục vì vậy, bậc làm cha làm
mẹ chính là những người giáo dục cảm xúc cho con cái. Gia đình là nơi đứa trẻ nhận
được sự giáo dục cảm xúc đầu tiên. Thời thơ ấu trẻ học được những bài học xúc cảm
quan trọng nhất và những bài học ấy đôi khi quyết định tiến trình cả cuộc đời của một
con người. Sự giáo dục xúc cảm của bố mẹ không chỉ qua những gì bố mẹ nói và làm đối
với con cái mà còn bằng tấm gương của bố mẹ trong quan hệ xúc cảm đối với nhau. Bố
mẹ cần chỉ cho con thấy là có nhiều cách để phản ứng, dạy và giúp con chế ngự cảm xúc
và tìm được cách giải quyết vấn đề theo lối tích cực. Bố mẹ có ảnh hưởng đến sự am hiểu
xúc cảm bắt đầu từ lúc trẻ nằm trong nôi.Tất cả những gì tạo nên sự gắn bó, quyến luyến
đều có mối liên hệ chặt chẽ với cảm xúc. Xúc cảm của người mẹ có vai trò rất quan
trọng đối với đứa trẻ, nhất là những năm tháng đầu đời. Sự biểu hiện cảm xúc của người
mẹ tạo nên sự gắn bó mẹ con, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển nhân cách, tâm lý của trẻ
sau này. Người mẹ gây ra cảm xúc cho đứa trẻ từ lúc lọt lòng, lặp lại liên tục và đa dạng
các cảm xúc yêu thương và dần dần hình thành tình cảm mẹ con. Các bậc cha mẹ không
để cảm xúc chi phối cách dạy con như: khi tức thì quát tháo, khi vui thì ngọt ngào, từ đó
sẽ tạo cho trẻ sự nghi ngờ. Muốn cho cảm xúc của một đứa trẻ hình thành và phát triển
một cách tốt đẹp thì bố mẹ cần làm chủ được chính cảm xúc của mình để điều khiển cảm



xúc, dẫn dắt cảm xúc của chính mình và của đứa trẻ. Giáo dục cảm xúc có tác dụng và
cần thiết đến suốt cuộc đời của một con người. Sự gắn bó mẹ con là mối liên hệ cảm xúc
nào đó giữa cha mẹ và con cái. Nó chứa đựng các yếu tố như tình cảm gần gũi và yêu
thương. Sự gắn bó tác động theo hai hướng: cha mẹ gắn bó mạnh mẽ hơn với con mình,
và ngược lại con cái với cha mẹ. Mối liên hệ qua lại đó giữa cha mẹ và con cái được bắt
đầu từ khi sinh đẻ và tiếp tục sâu sắc hơn trong suốt lứa tuổi hài nhi của trẻ. Cảm xúc của
cha mẹ, khả năng cha mẹ nhận thức được cảm xúc của bản thân, cảm xúc của con là yếu
tố không thể thiếu cho sự hình thành nhân cách của trẻ. Năng lực làm chủ cảm xúc của
cha mẹ sẽ ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến tương lai của trẻ thơ. Nếu cha mẹ quá chiều
chuộng con cái, không biết kiềm chế cảm xúc yêu con quá mức sẽ dẫn đến con hư hỏng
hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó, khi phải xa cha mẹ (do bình thường luôn được yêu
thương, chăm sóc, bao bọc) đứa trẻ bị hụt hẫng về tình cảm, cảm thấy trống vắng, không
gì có thể bù đắp nổi. Đứa trẻ trở nên lầm lì ít nói, thu mình không muốn giao tiếp với bất
cứ ai, học hành chểnh mảng….Có những ông bố bà mẹ thì ngược lại, cáu giận con liên
tục, không làm chủ được cảm xúc tiêu cực, khi giận con thì mắng té tát, hạ giá con với
những lời xúc phạm làm mất đi ý thức phẩm giá, lòng tự trọng, tự tin ở con khiến con
căm tức, rối trí có thái độ hỗn láo, thù địch rất tai hại cho việc phát huy những tiềm năng
của trẻ và ảnh hưởng xấu đến số phận tương lai. Còn có những ông bố bà mẹ không quan
tâm đến mong muốn, khát vọng của con, tình cảm của con, chỉ quan tâm đến tiền và đáp
ứng nhu cầu vật chất của con, khiến con họ đi vào con đường nghiện ngập, chơi bời lêu
lổng, không biết quí trọng đồng tiền mà chỉ biết phá phách, không biết yêu lao động. Có
gia đình thì quá coi trọng nam mà khi sinh con lại sinh con gái thì hắt hủi, không quan
tâm gì đến con, không dành thời gian trò chuyện, vuốt ve, âu yếm con, thể hiện niềm vui
hạnh phúc khi có con ở trên đời này, khiến đứa trẻ tủi thân, thu mình, coi mình là người
thừa, không giá trị gì đối với cha mẹ. Để cho con sau này là người có trí tuệ cảm xúc,
việc đầu tiên mà cha mẹ cần phải làm đó là cần hình thành cho trẻ thói quen biết quan
tâm, chia sẻ cả về công việc lẫn tình cảm với những người thân trong gia đình, hàng xóm,
bạn bè…Đây tưởng như là những công việc đơn giản nhưng trong đó chứa đựng cả sự
kiên trì, tình yêu thương, trách nhiệm của cha mẹ với tương lai đứa con của mình. Hơn

nữa cha mẹ cũng không được nuông chiều quá mức. Đối với trẻ, sẽ có rất nhiều đòi hỏi
mà cha mẹ cần đáp ứng. Nhưng trong những đòi hỏi của trẻ, sẽ có rất nhiều đòi hòi vô lý,
trường hợp này cha mẹ không nên chiều. Đây chính là công việc giúp trẻ biết hạn chế
cũng như điều khiển cảm xúc của chính mình. Một số mặt của trí tuệ cảm xúc của trẻ
đựơc trau dồi dần dần qua sự tiếp xúc với bạn bè nhưng cha mẹ vẫn đóng vai trò chủ yếu
trong việc luyện tập những măt khác nhau của nó và làm chủ các xúc cảm của mình, tỏ ra
đồng cảm với người khác, điều khiển tình cảm biểu hiện ra ở những mối quan hệ với
người khác. Cảm xúc là yếu tố quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người bởi


vậy mà cha mẹ cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến việc hình thành mặt cảm xúc cho
con trẻ.
Những bước chập chững đầu đời con cái đã gắn liền với cha mẹ, vì thế mà cha mẹ ảnh
hưởng rất lớn đến trẻ, Cha mẹ như thế nào thì nhân cách đứa trẻ sau này sẽ như vậy. Cha
mẹ chính là tấm gương để trẻ noi theo, cha mẹ có cách sống tốt, tôn trọng mọi người,
hiếu kính với ông bà thì trẻ sẽ nhìn đó mà học hỏi, lâu dần sẽ trở thành thói quen, trẻ sẽ
coi đó là việc đương nhiên và cần thiết. Trong gia đình, cha mẹ sống hoà thận, mẫu mực
thì đó là cách nuôi dưỡng tâm hồn trẻ một cách tốt nhất. Trẻ sẽ học và tiếp thu tất cả
những gì đang diễn ra xung quanh mình. Từ xưa ông bà có câu” Dạy con từ thuở còn thơ,
dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Đúng vậy, trẻ tiếp thu mọi việc từ nhỏ, càng nhỏ thì cái gì
đối với trẻ cũng mới mẻ và hấp dẫn, ở độ tuổi này đầu óc trẻ đang dần phát triển, đang
tiếp thu mọi việc từ thế giới bên ngoài vì thế mà cách cư xử, hành động đối với trẻ là hết
sức quan trọng. Cha mẹ làm gì thì trẻ đều ghi lại trong đầu và làm theo. Một gia đình
hạnh phúc, lối sống tốt, có trách nhiệm, cha mẹ nuôi dưỡng con cái theo đúng quy tắc,
chuẩn mực, dùng tất cả tình yêu thương của bậc làm cha làm mẹ mà dạy dỗ điều hay lẽ
phải cho con thì nhất định con cái sẽ nên người và có nhân cách tốt. Nhưng đôi khi có lúc
vô ý hoặc cố ý cha mẹ lại có những hành động, lời nói thiếu suy nghĩ, không đúng đắn
trước mặt con cái. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc giáo dục con, vì vậy cha mẹ phải làm
gương sáng cho con cái học tập theo, sống theo những gì mình muốn truyền đạt cho con
cái, hạn chế, kiềm hãm những hành vi không đúng. Trẻ em muốn phát triển theo hướng

tích cực thì trước hết phải được sống trong một gia đình tử tế. Ví như cha mẹ cư xử đàng
hoàng, nói năng đúng mực thì con cái cũng học được cách hành xử lễ phếp và ngược lại.
Song thực tế hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến không ít gia đình rạn
nứt, cha mẹ mâu thuẫn, bạo hành, sống ly thân, ly hôn, thiếu quan tâm hoặc bỏ mặc con
cái. Có gia đình cha mẹ gặp chuyện chẳng lành mất sớm để lại con mồ côi bơ vơ. Nhiều
gia đình cha mẹ chỉ lo kiếm tiền mà sao nhãng việc dưỡng dục con cái hoặc không ít gia
đình nhiều tiền nuông chiều cho con tiêu tiền thoải mái dẫn đến việc con hư hỏng. Có
những bậc cha mẹ tự đánh mất đi vai trò ảnh hưởng của mình đối với trẻ, tự phủi trách
nhiệm giáo dục, bỏ nặc trẻ theo kiểu “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Có những bậc cha mẹ
lại đẩy trách nhiệm nuôi dạy trẻ cho nhà trường. Khảo sát điều tra hơn 1000 gia đình có
con đang học tiểu học và trung học cơ sở đã có 7,2% cha mẹ quan niệm việc giáo dục con
cái là do nhà trường hoàn toàn đảm nhiệm, gia đình chỉ chịu một phần nhỏ. Nhưng trên
thực tế, đã có tới 25,5% các bậc cha mẹ thừa nhận đã khoán trắng việc giáo dục con cái
cho nhà trường. Thả nổi việc giáo dục con, đến khi con cái mắc khuyết điểm lại phạm
vào tội che dấu khuyết điểm của con. Khảo sát trên cũng cho thấy, khi nhà trường yêu cầu
các bậc cha mẹ đánh giá xếp loại 210 học sinh là con cái họ mà nhà trường đánh giá hạnh


kiểm chưa đạt yêu cầu, thì đã có tới 63,4% số học sinh thuộc danh sách trên được bố mẹ
các em nâng nên loại hạnh kiểm khá và tốt. Các bậc cha mẹ đã không dám nói thật
khuyết điểm của các em với nhà trường, sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập của con em
mình. Bỏ mặc, khoán trắng cho nhà trường, đến khi con cái mắc lỗi lầm thì bố mẹ lại rơi
vào tâm trạng hẫng hụt, phàn nàn về sự bất lực của mình đã không dạy bảo được con.
Hậu quả tất yếu là nhiều bậc cha mẹ đã nổi cáu, dẫn đến đánh đập trẻ, vi phạm quyền trẻ
em. Nhiều bậc cha mẹ đã bộc lộ quan điểm của mình, cho rằng không dùng roi vọt thì
không giáo dục được trẻ. Phổ biến, các bậc cha mẹ cũng thừa nhận là không hiểu được,
không nắm được các phương pháp giáo dục trẻ. Không ít trường hợp cha mẹ hành hạ
đánh đạp con cái, sỉ nhục gây hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương sâu sắc đến tâm lí
trẻ. Giáo dục trẻ thơ là cả một nghệ thuật. Trách nhiệm, tình cảm chưa đủ, cha mẹ phải
có kiến thức sâu rộng, nhiều mặt, thực sự coi trọng tư cách, phẩm chất của mình và lấy đó

làm gương cho con cái. Cha mẹ là người đứng đắn, nghiêm khắc, sống có trách nhiệm,
tình cảm, chân thành, trong sáng trong các mối quan hệ thì thường con cái ngoan ngoãn,
lễ phép, biết kính trên nhường dưới, sống có đạo hiếu… và ngược lại. Trong thực tế vẫn
còn nhiều người ngộ nhận, thậm chí còn cho rằng ai làm người ấy chịu, không liên quan
gì đến nhau; cha mẹ quát mắng, thậm chí còn đánh con chỉ vì chúng đua đòi, thích làm
những điều chúng ưa thích mà không hiểu được tâm tư, sở thích của chúng, trong khi
mình rượu chè, cờ bạc, quan hệ thiếu lành mạnh.... Từ việc không được giáo dục tốt sẽ
dẫn đến việc trẻ lớn lên hư hỏng, đi theo người xấu, lâm vào các tệ nạn xã hội, bị lợi dụng
làm những việc phạm pháp.
Hơn hết cha mẹ đừng ép buộc con cái đi theo con đường mà mình đã vạch sẵn cho
chúng mà hãy để con cái tự do phát triển, hoà nhập với môi trường bên ngoài thông qua
sự dẫn dắt, hướng dẫn của chính mình. Khi cha mẹ quá khuôn mẫu thì con cái sẽ cảm
thấy mình bị gò bó, bị kiểm soát. Đến lúc nào đó chúng không chịu được sẽ tìm cách
thoát khỏi khuôn mẫu ấy và đi theo con đường mà cha mẹ không kiểm soát, không tham
gia cùng nữa. Lúc ấy cha mẹ sẽ khó dẫn dắt con cái quay trở lại như ban đầu, cha mẹ hãy
để con cái thấy rằng mình là điểm tựa, là nơi chúng có thể tin tưởng, gửi gắm những tâm
tư nguyện vọng của mình. Sự yêu thương, ủng hộ đằng sau của cha mẹ chính là động lực
tốt nhất để con cái phát triển toàn diện. Cha mẹ luôn là bến đỗ cuối cùng của con cái khi
chúng muốn quay đầu lại, là người luôn ủng hộ khi con làm đúng và khuyên răn, tha thứ,
dạy dỗ khi con làm sai. Chúng ta cũng tự hào vì là quốc gia đầu tiên tại Châu á và là nước
thứ hai trên thế giới về phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em (20-2-1990). Một năm sau,
năm 1991, nước ta đã ban hành Luật Bảo vệ – Chăm sóc – Giáo dục trẻ em và Luật Phổ
cập giáo dục tiểu học. Theo công ước và các luật đã được ký kết, tất cả các tổ chức xã
hội, gia đình, những người lớn đều phải có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, giáo
dục trẻ em. Chức năng giáo dục con về mặt pháp lý cũng đã được ghi nhận trong luật


Hôn nhân và gia đình (năm 1992). Rõ ràng về mặt pháp lý và tình cảm đều nhấn mạnh
đến vai trò không thể thiếu được của bố mẹ trong giáo dục con cái.
Vấn đề đặt ra là các bậc cha mẹ cần quan tâm giáo dục cho trẻ những đức tính, phẩm

chất gì?
Trước hết, trẻ đang tuổi đi học, bởi vậy cha mẹ phải động viên, giáo dục trẻ ý thức
hăng say học tập. ý nghĩa của điều này là vô cùng lớn đặc biệt trong nền kinh tế tri thức
hiện nay. Hơn nửa thời gian trong ngày trẻ có mặt ở trường, bởi vậy bố mẹ cần quan tâm
giáo dục trẻ cách ứng xử: lễ độ, biết vâng lời thầy, cô giáo và người lớn tuổi. Cùng với
điều này là phải biết vâng lời, lễ độ với bố mẹ, anh chị trong nhà. Rất tiếc là đã có không
ít trẻ nói trống không, không có “ thưa, gửi”. Lỗi này là do bố mẹ. Không có một nhà
trường nào lại có thể biết hết được những lỗi này của trẻ để rèn cho trẻ. Một khi trẻ nói
trống không, bố mẹ phải uốn nắn ngay, bắt trẻ tập luyện nhiều lần để thành thói quen. Trẻ
không được “nói tục, chửi bậy”. Để làm được điều này, trong nhà phải nghiêm, có những
hình phạt phù hợp để nhắc trẻ nhớ, không tái mắc. Đáng tiếc là, đã có không ít ông bố, bà
mẹ còn thích thú và còn có vẻ tự hào khi con mình học “chửi”, biết cách “chửi bậy” và
còn khoe về điều đó. Thật thà là một đức tính vô cùng quan trọng ở trẻ. Chúng ta phải tỏ
thái độ không chấp nhận khi trẻ nói dối, bởi nói dối là một đức tính vô cùng xấu, một lỗi
nặng không thể tha thứ, một khi phát hiện thấy ở trẻ có lỗi này, phải cương quyết, kiên trì
tìm cách cho trẻ vượt qua. Phải dậy cho trẻ, khi nhặt được của rơi, phải tìm cách trả lại
bằng được cho người bị mất. Bố mẹ hãy đừng bỏ qua, đừng thích thú về điều con mình
“nhặt” được các gì đó mà không phải là cái do gia đình sắm cho nó. Tính thật thà ở trẻ
liên quan đến thái độ dám nhận lỗi. Giáo dục trẻ biết nhận lỗi là một nghệ thuật không hề
đơn giản, bởi trẻ sẽ đối mặt với lỗi lầm mà mình mắc phải. Phải giáo dục trẻ lòng nhân ái
ngay từ nhỏ như: không chơi ác với súc vật ( chó, mèo, các vật nuôi trong nhà…), phải
biết làm điều thiện, không làm điều ác. Có được phẩm chất này, về sau trẻ dễ dàng hơn
trong việc biết quan tâm tới người khác, biết sống lương thiện. Phải chú ý giáo dục trẻ ý
thức tự lập, phải dần tự mình biết làm được mọi chuyện, tự mình phục vụ mình. Nhiều
bậc bố mẹ đã quá nuông chiều con, “làm hộ” con mọi chuyện, và hậu quả là khi lớn lên,
con không biết tự làm một cái gì cả, tai hại hơn là con không biết phải quan tâm đến
người khác mà chỉ muốn đòi người khác phải phục vụ mình. Giáo dục cho trẻ biết tự
trọng, tự hổ thẹn với bản thân khi mắc phải lỗi lầm là điều có ý nghĩa không nhỏ trong
quá trình hình thành nhân cách cho trẻ. Chúng ta đã từng biết, trên thực tế nhiều đứa trẻ
không thấy được điều này. Trẻ mắc lỗi có thể công nhận là mình sai, nhưng trẻ cảm thấy

bình thường, không chút ăn năn, cá biệt trẻ đổ lỗi này cho một nguyên nhân khách quan
nào đó chứ không phải là tại nó. Nhiều bậc bố mẹ lại khen thầm con mình giỏi, biết tự
“chống chế ”. Cần phải nhìn xa hơn, đây là điều hệ trọng, rất nguy hiểm cho việc hình


thành nhân cách trẻ sau này. Cuối cùng, cần lưu ý giáo dục trẻ biết tự khép mình vào
hoàn cảnh, vào khuôn khổ quy định, từ việc đơn gian nhất là trong giờ học không được
nói chuyên riêng, trước giờ học, phải tự hoàn thành các nhiệm vụ học tập mà thầy, cô
giao cho. Làm tốt điều này, là cơ sở để sau này trẻ có được tính kỷ luật, ý thức cộng
đồng, thái độ biết sống vì người khác, trách nhiệm cá nhân đối với xã hội v.v… Bố mẹ
phải biết nói chuyện với con, phải phân tích lý giải để con hiểu các sai sót và tìm cách
tránh trong các tình huống tương tự. Sự khác biệt của các nhóm trẻ con hư và trẻ con
trong các gia đình nề nếp là trước các lỗi lầm của trẻ, bố mẹ của trẻ ở nhóm thứ nhất
thường tỏ thái độ vũ phu như đánh đập, đuổi khỏi nhà, trói nhốt, bỏ mặc không quan tâm,
chỉ có 38,1% các gia đình tiến hành phân tích, khuyên nhủ trẻ, trong khi đó ở nhóm thứ
hai (các gia đình có nề nếp) đã có tới 91,5% cha mẹ các em biết phân tích, khuyên bảo trẻ
để trẻ tự nhận ra thiếu sót của mình và tự sửa chữa.
Vậy cha mẹ cần làm gì để việc giáo dục con cái được tốt hơn?
Trước hết đó là cha mẹ phải biết tạo bầu không khí gia đình hạnh phúc, lành mạnh.
Trong gia đình mọi người phải luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau, cư xử đúng mực, làm
cho con trẻ tin vào gia đình và coi gia đình là điều quan trọng nhất. Phải để cho con trẻ
cảm thấy hạnh phúc khi ở trong chính gia đình của mình, nơi mà con có thể tu dưỡng và
rèn luyện đạo đức bản thân. Hơn hết cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo vì thế mà
cha mẹ là người đầu tiên phải chú ý đến hành vi lời nói của bản thân để tránh việc con
học theo mình. Bất cứ đứa trẻ nào cũng vậy, từ khi được sinh ra, bắt đầu nhận được “cái
tôi” của mình thì bố mẹ là cái gương phản chiếu mà nó luôn luôn soi vào. Bố mẹ là hình
mẫu lý tưởng mà nó luôn ngưỡng mộ, bắt chước. Vấn đề là cái gương đó nên như thế
nào? gương sáng hay mờ, điều này hoàn toàn do bố mẹ quyết định. Bởi vậy, các bậc cha
mẹ hãy đừng làm điều gì để tấm gương bị hoen ố, làm xấu đi hình ảnh lý tưởng mà trẻ
định theo đuổi. Cha mẹ phải học cách tìm hiểu con cái. Giữa cha mẹ và con cái, giữa thế

hệ già và thế hệ trẻ luôn có một khoảng cách. Nếu không chịu tìm hiểu con cái, công việc
giáo dục của cha mẹ sẽ không đạt được những kết quả mong muốn đã đành, mà còn gây
nên những bực bội và oán trách. Quả thật, giữa cha mẹ và con cái luôn có một bức tường
ngăn cách. Bức tường này chính là tuổi tác vì tuổi tác chênh lệch, nên thời gian và không
gian của hai thế hệ già và trẻ cũng khác biệt, để rồi từ môi trường sống ấy đã phát sinh
những dị biệt, những bất đồng. Giáo dục có nghĩa là hướng dẫn, uốn nắn và làm cho tốt
đẹp hơn. Vì thế, việc đầu tiên cần thực hiện ngay, đó là phải tìm hiểu con cái, phải biết
con cái nghĩ gì, muốn gì, nói gì và làm gì thì mới có thể hướng dẫn chúng một cách hữu
hiệu. Điều gì tốt nơi con cái, cần biết duy trì và cổ vũ để được liên tục phát triển, còn điều
gì xấu, lo nhắc bảo và sửa sai bằng những lời lẽ ôn tồn và tế nhị, thành thực và yêu
thương. Có tìm hiểu con cái, cha mẹ mới cảm thông và xích lại gần con cái hơn, nhờ đó


lấp đầy được hố sâu ngăn cách giữa già và trẻ, một hố sâu muôn thuở trong gia đình cũng
như ngoài xã hội, đã tạo nên những mối bất bình sâu xa giữa cha mẹ và con cái. Uốn cây,
cần phải kiên nhẫn, bằng không nó sẽ gãy. Vì thế, người xưa đã từng khuyên”Dục tốc bất
đạt”. Vội vã sẽ không thành. Trẻ con thường ham chơi và mau quên cho nên nói một lần
mà thôi chưa đủ, chúng ta phải nói lần nữa và lần nữa. Chúng ta phải nhắc đi nhắc lại để
những lời khuyên nhủ được thấm dần vào đầu óc của chúng. Đừng bao giờ thất vọng và
nản chí trong việc uốn nắn sửa dạy con cái, bởi vì đó là một đặc ân to lớn của các bậc làm
cha làm mẹ. Xác định phương thức giáo dục trẻ phải xuất phát từ cách tiếp cận hoạt động
– nhân cách, tức là thông qua hoạt động cụ thể mà trang bị nhận thức, gây biến đổi xúc
cảm và hình thành hành vi tích cực của trẻ theo như ta mong muốn. Phải để cho trẻ tự
lập, biết làm các việc tự phục vụ mình và tham gia vào công việc phục vụ chung cho cả
gia đình theo độ tuổi. Chẳng hạn, biết quét nhà, rửa ấm chén, tự xếp quần áo của mình,
lau chùi bàn ghế…Đừng thương trẻ bằng cách làm thay trẻ mọi việc mà đáng ra trẻ phải
học cách làm và phải biết làm, phải có trách nhiệm làm. Đừng để đến sau này phải kêu
lên “nó lớn rồi mà chẳng biết tự làm một cái gì cả”. Phải chống kiểu sinh ra thói “vị kỷ” ở
trẻ, chống việc tạo ra các kiểu “cậu ấm” “cô chiêu” trong các gia đình. Điều kiện kinh tếxã hội phát triển, nhu cầu của con người cũng theo đó phát triển: ngày nghỉ cuối tuần,
nhiều gia đình, bạn bè tổ chức đi chơi, du lịch thắng cảnh, xem ca nhạc, đi ăn cơm hiệu,

mặc đồ mốt, mua xắm đồ dùng xịn… Mâu thuẫn giữa nhu cầu hưởng thụ với khả năng,
điều kiện đáp ứng nảy sinh đòi hỏi các bậc cha mẹ phải biết cách tính đến, có cách sử lý
phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình mình. Là bậc cha mẹ, phải biết “để mắt”
kịp thời mọi hành vi, sinh hoạt, học tập của trẻ để phát hiện các khiếm khuyết cần chấn
chỉnh.
C.KẾT LUẬN:
Giaó dục là một quá trình lâu dài tồn tại và phát triển cùng với xã hội, là quá trình cần
sự bền bỉ và sự học hỏi không ngừng nghỉ của mỗi cá nhân. Song giáo dục từ gia đình là
bước cơ bản và là nguồn gốc quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách sau này
của mỗi con người. Trong gia đình cha mẹ là nhân tố quan trọng và chủ yếu tạo nên nhân
cách của con cái vì thế cha mẹ nên là một tấm gương sáng để con cái lấy đó làm mục tiêu
hướng tới tương lai, trở thành người công dân tốt và góp phần xây dựng đất nước. Nhưng
gia đình chỉ là nền tảng đầu tiên, là bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển của mỗi
người. Học từ nhà trường, xã hội vẫn luôn giữ vị trí quan trọng, tuy nhiên gia đình là nền
móng vững chắc để con người hoà nhập vào xã hội một cách dễ dàng và bắt kịp sự đổi
mới một cách nhanh chóng của xã hội. Một ngôi nhà muốn vững chắc thì ngay từ những
viên gạch đầu tiên phải được chăm chút kĩ lưỡng, nền móng vững chắc thì ngôi nhà mới
đứng vững trước những phong ba bão tố, nếu trong xã hội có được nhiều ngôi nhà như


vậy thì xã hội ấy sẽ trở nên lành mạnh và văn minh hơn. Muốn được như vậy thì mỗi bậc
cha mẹ phải ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc giáo dục con cái và hơn hết
là cha mẹ phải biết điều chỉnh hành vi, lời nói , cử chỉ…phù hợp sao cho con cái lấy đó
làm chuẩn mực để noi theo. Cha mẹ phải biết dạy con theo hướng tích cực, áp dụng và
tìm hiểu phương pháp giáo dục đúng đắn và thích hợp với từng giai đoạn phát triển của
con. Hy vọng trong tương lai sẽ không còn nhiều trường hợp gia đình tan vỡ, bạo lực gia
đình, cha mẹ đánh đập con cái…để con cái có tuổi thơ trọn vẹn và phát triển mình một
cách toàn vẹn. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, tế bào ấy tốt thì xã hội mới phát
triển, vì thế mỗi người chúng ta phải tự ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục con
cái và xây dựng gia đình hạnh phúc.




×