Tải bản đầy đủ (.pdf) (11 trang)

Com 25 PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ PHÒNG CHỐNG HIVAIDSpdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (98.06 KB, 11 trang )

PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS
Trịnh Quốc Toản
LS. ThS, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

1. HIV (Human Immuno-Deficiency Virus) là loại vi rút gây ra hội chứng suy giảm
miễn dịch mắc phải ở người. Còn SIDA hay AIDS (Accquired Immuno Deficiency
Syndrome) là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm HIV gây tổn thương hệ thống miễn
dịch làm cơ thể không còn khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh và dẫn đến
chết người.
Hiện nay, trên thế giới có trên 34 triệu người nhiễm HIV/AIDS. Tính đến tháng 4
năm 2003 Việt Nam đã phát hiện 65.151 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó có
9.974 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 5.535 trường hợp đã tử vong.
Theo ước tính và dự báo đến năm 2005, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000 người nhiễm
trong đó có hơn 51.000 trường hợp tiến triển thành AIDS và trên 46.000 trường hợp
tử vong do AIDS.
Sự phát triển nhanh chóng và tràn lan của đại dịch HIV/AIDS trên thế giới và ở
Việt Nam cùng với những hậu quả thiệt hại to lớn về kinh tế, tới lực lượng lao động
xã hội, đến hệ thống y tế và giáo dục, tới gia đình, phụ nữ và trẻ em, đến sự ổn định
và phát triển xã hội do căn bệnh thế kỷ này gây ra đòi hỏi các nước trên thế giới
cũng như Việt Nam phải áp dụng các biện pháp đồng bộ để phòng chống nhiễm
HIV/AIDS, trong đó có các biện pháp pháp lý bao gồm cả các biện pháp hình sự.
2. Pháp luật hình sự một số nước về phòng, chống HIV/AIDS
Nhìn chung, trong lĩnh vực pháp luật hình sự, trách nhiệm hình sự được đặt ra đối
với những trường hợp vô ý hoặc cố ý truyền, làm lây nhiễm hoặc tạo điều kiện dễ
dàng làm lây nhiễm vi rút HIV cho con người. Tuy vậy, việc lựa chọn những giải pháp
xây dựng và áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự liên quan tới việc phòng,
chống các hành vi nguy hiểm nêu trên ở các nước lại không có điểm tương đồng.
- Trong Luật Hình sự của Hoa Kỳ, các quy định về tội giết người, mưu sát hoặc vô
ý làm chết người có thể được áp dụng trong những trường hợp nhất định làm lây
nhiễm HIV. Tuy nhiên ở một số bang lại ban hành những đạo luật riêng quy định về
vấn đề HIV/AIDS và các hành vi phạm tội liên quan tới việc làm lây nhiễm căn bệnh


này, ví dụ như bang Michigan coi việc quan hệ tình dục với người khác mà không
thông báo trước việc mình bị nhiễm HIV/AIDS là một tội phạm hoặc một số bang lại
quy định việc xét nghiệm HIV/AIDS là bắt buộc đối với những người phạm tội về tình
dục, nếu họ từ chối xét nghiệm sẽ bị xử lý về hình sự.


- Tại Vương quốc Anh, Luật về các tội phạm chống lại con người (Offences
Against the Person Act) được ban hành từ năm 1861. Luật này quy định về những tội
phạm liên quan đến việc sử dụng bằng vũ lực chống lại người khác như tội giết
người, tội sát nhi, tội hiếp dâm, tội tra tấn, tội gây thương tích, gây nguy hiểm
nghiêm trọng cho cơ thể, các tội vô ý gây chết người... Trong số các điều khoản của
đạo luật này có điều 18 được áp dụng đối với người biết mình bị mắc bệnh truyền
nhiễm mà có quan hệ tình dục nhằm truyền bệnh cho người khác. Còn trường hợp
người nào do vô ý mà gây bệnh truyền nhiễm cho người khác thì sẽ áp dụng điều 23
và 24.
HIV/AIDS là một loại bệnh truyền nhiễm nên đối với các hành vi cố ý hoặc vô ý
truyền bệnh này cho người khác sẽ bị Toà án Anh vận dụng các điều 18, 23, 24 của
đạo luật nói trên để xử lý về mặt hình sự.
- Còn tại Australia, hành vi cố ý làm lây truyền HIV cho người khác được coi là tội
mưu sát. Để cấu thành tội mưu sát đòi hỏi cái chết của nạn nhân liền ngay sau hành
vi phạm tội hoặc nạn nhân chỉ sống kéo dài trong thời hạn một năm một ngày tính từ
ngày thực hiện tội phạm. Một số bang đã sửa đổi quy định này để có thể áp dụng đối
với trường hợp hậu quả chết người liên quan tới HIV/AIDS do tội mưu sát gây ra, bởi
trong thực tế nhiều trường hợp cái chết của nạn nhân chỉ xảy ra sau nhiều năm kể từ
khi bị nhiễm bệnh.
Một người bị coi là phạm tội gây chết người khi họ biết mình mang vi rút HIV
nhưng gây nhiễm bệnh cho người khác, ví dụ lợi dụng mối quan hệ tình dục không
được phòng ngừa, hoặc dùng xi lanh tiêm chích chung.
Bang Nam Nouvelle-Galles mới gần đây đã tội phạm hoá hành vi cố ý làm lây
truyền bệnh hiểm nghèo cho người khác (bao gồm cả HIV/AIDS). Người phạm tội

này có thể bị phạt đến 25 năm tù.
Khi nghiên cứu các tội phạm về sức khoẻ cộng đồng liên quan tới HIV/AIDS thấy
không có các quy định thống nhất giữa các bang ở Australia.
Trong các bang phía Bắc, việc làm lây nhiễm HIV không được coi là vi phạm về
sức khoẻ cộng đồng. Bang Nouvelle-Galles lại buộc tất cả những người biết mình bị
nhiễm HIV phải thông báo cho bạn tình nguy cơ lây nhiễm trước khi có quan hệ tình
dục với họ.
Luật pháp bang Queensland quy định người nào biết mình nhiễm vi rút HIV mà lại
truyền bệnh cho người khác sẽ bị xử lý về hình sự, trừ trường hợp nạn nhân là chồng
hoặc vợ hoặc họ có quan hệ hôn nhân thực tế với người mắc bệnh biết khả năng bị
lây bệnh và chấp nhận sự mạo hiểm.
Luật của bang Victoria lại quy định hành vi vô ý làm cho người khác mắc bệnh
truyền nhiễm là một tội phạm hình sự, trừ trường hợp nạn nhân đồng ý sự mạo hiểm
mặc dù biết rất rõ thực tế sự việc.


Tại bang Australie-Midionale và Tasmanie có quy định tất cả những người bị nhiễm
HIV phải áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa hợp lý để tránh làm lây lan vi rút cho
người khác. Một người nhiễm HIV bị coi là phạm tội, nếu: ví dụ trong trường hợp lên
xe ô tô chở khách không báo cho tài xế biết là mình bị nhiễm HIV.
- Nghiên cứu Bộ luật Hình sự 1994 của Pháp cho thấy không có quy định riêng về
tội phạm liên quan tới việc làm lây truyền vi rút HIV cho con người. Khi thảo luận về
dự thảo Bộ luật Hình sự mới một đề nghị bổ sung đã được trình trước Quốc hội theo
hướng trên, nhưng không được chấp nhận, vì vậy trong thực tiễn xét xử Toà án vận
dụng các quy định về các tội phạm chống con người để xét xử. Đó là tội đầu độc được
quy định tại điều 301 BLHS (I'empoisonement), sẽ cấu thành tội này trong trường hợp
cố ý truyền vi rút HIV cho người khác và coi virut HIV là chất độc. Người phạm tội có
thể bị phạt tù chung thân. Trong vụ án liên quan tới việc truyền máu có nhiễm virut
HIV năm 1985 những người chịu trách nhiệm về việc truyền máu bị truy cứu trách
nhiệm hình sự về tội này.

Tội vô ý làm chết người (l’homicide involontaire) được quy định ở điều 319 BLHS.
Theo đó người phạm tội vô ý làm lây truyền HIV cho người khác dẫn đến hậu quả
người đó chết có thể bị phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù và bị phạt tiền từ 1000 francs
đến 30.000 francs.
- Điều 202 BLHS của Achentina quy định tội làm lây truyền các bệnh truyền
nhiễm. Các điều kiện cấu thành tội này là có hành vi truyền bệnh và hành vi đó được
thực hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp. Được coi là phạm tội này trường hợp một người biết
mình mang vi rút HIV nhưng đã cho máu trung tâm truyền máu nhằm truyền bệnh
cho những người được tiếp máu sau này.
Bộ luật hình sự của Achentina quy định các tội phạm xâm hại tới tính mạng và
sức khoẻ của con người tại các điều 79, 80, 84, 91 và 94.
Cấu thành tội phạm giết người trong trường hợp chủ thể của hành vi biết mình
mang vi rút HIV nhưng vì mong muốn gây ra cái chết cho nạn nhân nên đã cố ý làm
lây truyền HIV cho họ.
Điều 7 Luật ngày 23.7.1998 quy định tội vô ý làm chết người trong trường hợp vô
ý làm lây nhiễm HIV cho người khác, ví dụ các bác sỹ, y tá, nhân viên y tế khác đã
cẩu thả không thực hiện các quy định về nghề nghiệp trên lĩnh vực y tế nên đã làm
lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân.
- Điều 233 BLHS Ai Cập quy định tội đầu độc. Được coi là thoả mãn các dấu hiệu
của tội này là trường hợp truyền vi rút HIV trường hợp cố ý truyền bệnh (không có ý
định tước đoạt tính mạng của nạn nhân) và hậu quả chết người không xảy ra sẽ áp
dụng điều 241 BLHS (phạt tù tối đa là 2 năm cho trường hợp gây tổn hại cho sức
khoẻ của người khác bằng hành vi cố ý gây bệnh cho nạn nhân). Còn trường hợp
khác gây tổn hại hoặc gây thương tích do vô ý và không gây ra cái chết cho nạn
nhân, nhưng nạn nhân bị nhiễm bệnh sẽ áp dụng điều 244 BLHS.


- Theo Bộ luật hình sự hiện hành của Thái Lan, thì có những quy định liên quan
tới vấn đề HIV/AIDS vừa có tính chất bảo vệ nạn nhân của căn bệnh này trước các
hành vi ép buộc hoặc phân biệt đối xử, đồng thời trừng phạt những hành vi vô trách

nhiệm của họ. Sự can thiệp về hình sự chống lại những hành vi vô trách nhiệm đó
được thể hiện tại điều 295, 297 BLHS. Hành vi gây thiệt hại về sức khoẻ, thân thể
hoặc tinh thần của con người bị phạt tù đến 2 năm hoặc phạt tiền đến 4000Baht
hoặc áp dụng cả 2 hình phạt này (điều 295), người nào gây thiệt hại về thể chất
hoặc gây thương tích cho nạn nhân bị phạt từ 6 tháng đến 10 năm tù. Trường hợp vô
ý phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 594.
Trong trường hợp người có trách nhiệm liên quan tới những người bị nhiễm
HIV/AIDS mà làm lộ bí mật nghề nghiệp sẽ bị phạt tù đến 6 tháng hoặc bị phạt tiền
đến 1000 Baht. (Đ. 323 BLHS).
Tóm lại:
Kết quả nghiên cứu pháp luật hình sự của Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Australia,
Pháp, Ba Lan, Achentina, Ai Cập, Thái Lan và một số nước khác cho thấy các nước
này đều qui định về trách nhiệm hình sự đối với những hành vi cố ý hoặc vô ý
truyền, làm lây truyền hoặc tạo điều kiện dễ dàng làm lây nhiễm vi rút HIV cho con
người. Tuy nhiên việc lựa chọn những giải pháp xây dựng và áp dụng pháp luật hình
sự để trừng trị những hành vi nêu trên lại không giống nhau. Nhìn chung các nước
đều mong muốn qua việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước làm cho những
người nhiễm HIV/AIDS, những nhân viên y tế và tất cả những người có liên quan
khác chấp nhận những xử sự có trách nhiệm và thận trọng tránh làm lây nhiễm các
bệnh truyền nhiễm nói chung và HIV/AIDS nói riêng cho người khác.
Trong trường hợp cố ý làm lây truyền HIV cho người khác, đa số các nước vận
dụng đạo luật qui định về tội giết người hoặc tội đầu độc để trừng trị người phạm tội.
Trong khi một số nước như Nam Triều Tiên, liên bang Nga và Việt Nam lại quy định
hành vi phạm tội này thành một tội danh độc lập trong BLHS.
Đối với trường hợp vô ý làm lây nhiễm HIV cho người khác, nhiều nước áp dụng
quy định về tội vô ý làm chết người hoặc vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho
sức khoẻ của người khác để xử lý.
Ngoài ra Luật hình sự và Luật bảo vệ sức khoẻ cộng đồng của một số nước còn có
những quy định riêng về các tội phạm khác có liên quan tới HIV/AIDS.
3. Vấn đề giam giữ và cải tạo người phạm tội bị nhiễm HIV/AIDS ở một số

nước
- Tại Hà Lan, việc giam giữ và cải tạo tù nhân bị nhiễm HIV/AIDS trong hệ thống
nhà tù mang tính chất rất đặc biệt. Tù nhân bị buộc phải sống trong môi trường
khép kín. Luật ngày 21/12/1951 quy định về hệ thống nhà tù và Sắc lệnh ngày
23/5/1953 bổ sung đạo luật trên. Việc chăm sóc về y tế được các thầy thuốc của nhà
tù đảm nhiệm. Họ chỉ áp dụng những biện pháp trực tiếp thuộc chức năng, còn


những biện pháp nhằm ngăn chặn việc lây truyền HIV/AIDS hoặc các bệnh truyền
nhiễm khác là thuộc thẩm quyền của giám đốc nhà tù. Kiểm tra y tế đối với các tù
nhân mới vào nhà tù được quy định tại điều 29 và điều 29a Sắc lệnh 1953.
Chính sách liên quan tới người tù bị nhiễm HIV/AIDS ở Hà Lan chủ yếu dựa vào
các biện pháp giáo dục và phòng ngừa. Việc phòng ngừa thể hiện như phân phát các
tờ rơi, áp dụng các biện pháp phòng ngừa trong nhà tù như quan hệ tình dục giữa
các tù nhân trong phòng giam hoặc các tù nhân khác. Nghĩa vụ tiến hành xét nghiệm
HIV bị loại bỏ. Thông tư số 555/387 ngày 27/8/1987 qui định cụ thể những biện
pháp vệ sinh và giáo dục. Nhà tù áp dụng các chế tài kỷ luật đối với tù nhân phạm
một số tội nhất định. Điều 24 Sắc lệnh 1953 về nhà tù cho phép giám đốc nhà tù
cách ly phạm nhân. Thời gian cách ly tuỳ thuộc vào thái độ của phạm nhân.
- Chính sách nhà tù cũng như pháp luật Ba Lan lại có những quy định, cách thức
điều trị người tù bị nhiễm HIV/AIDS trong khi bị cách ly ở nhà tù.
Điều 48 Luật thi hành hình phạt tù quy định nhà tù phải áp dụng những biện
pháp phòng ngừa về y tế phù hợp. Cơ quan quản lý nhà tù phải hạn chế những tình
huống dẫn đến nguy cơ lây nhiễm. Các phạm nhân bị nhiễm không được tham gia
các môn thể thao tiếp xúc nguy hiểm với người không có bệnh. Tuy nhiên người bệnh
có thể tham gia học tập hoặc tham gia lao động với người khác. Để đảm bảo an toàn
cho các tù nhân trong thời gian lưu lại tại nhà tù, cần phải thực hiện việc kiểm tra y
tế áp dụng đối với các tù nhân. Điều luật này bắt buộc phạm nhân phải chịu sự kiểm
tra. Trong trường hợp tù nhân từ chối luật cho phép áp dụng sự cưỡng chế trực tiếp.
Cơ quan quản lý nhà tù có thể thông báo với những tù nhân có mối quan hệ gần gũi

với người bị nhiễm bệnh những thông tin cần thiết. Những trường hợp người nhiễm
bệnh có những hành vi bạo lực có thể đe dọa quyền lợi của những người cùng bị
giam sẽ bị cưỡng chế.
Trong nhà tù người nhiễm HIV có thể được giam riêng. Họ có thể được chăm sóc
sức khoẻ trong các cơ sở y tế của nhà tù. Đối với những trường hợp cần thiết có thể
chuyển họ tới bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc bệnh lây nhiễm ở Varsovie.
Luật về thi hành hình phạt tù còn quy định khả năng thay đổi thể thức thực hiện
hình phạt của người bị nhiễm bệnh.
Toà án cấp sơ thẩm có thể quyết định cho người tù bị nhiễm bệnh được tạm hoãn
chấp hành hình phạt, nếu xét thấy sự lưu lại trong nhà tù sẽ gây ra nguy hiểm
nghiêm trọng cho tính mạng và sức khoẻ của họ (điều 65, 67 Luật thi hành hình phạt).
Người mắc bệnh HIV/AIDS có thể là đối tượng của quyết định đình chỉ thực hiện
hình phạt (Điều 68 Luật thi hành hình phạt tù).
Theo điều 90 đến 98 Bộ luật hình sự, tù nhân sau khi đã thực hiện được một phần
hình phạt có thể được trả tự do trước thời hạn. Điều 90 đã liệt kê những điều kiện,
trong số đó có điều kiện về sức khoẻ. Quy định này cũng có liên quan tới người


nhiễm HIV/AIDS. Việc trả tự do có điều kiện cho người bị nhiễm bệnh có lợi cho cả cơ
quan quản lý của nhà tù, bởi sự có mặt của người bệnh buộc phải tăng thêm những
nhiệm vụ bổ sung cho họ. Ở đây cũng cần nhấn mạnh là việc quyết định hoãn hoặc
đình chỉ thi hành hình phạt đối với người mắc bệnh hoặc trả tự do cho họ là thuộc
thẩm quyền chuyên biệt của Toà án.
- Nghiên cứu tình hình thi hành hình phạt tù ở Thái Lan cho thấy những người tù
là một nhóm người có nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS rất cao, vì trong trại giam họ
thường có những quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma tuý bừa bãi, không kiểm soát
được. Một số báo cáo ở Thái Lan cho thấy có sự phân biệt đối xử nghiệt ngã đối với
những người bị nhiễm HIV/AIDS. Nhìn chung số phận của người tù hoàn toàn thuộc
thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà tù. Điều 11 Luật về nhà tù năm 1936 quy định
cơ quan này có quyền phân chia và cách ly người tù thành từng nhóm. Tổng giám

đốc nhà tù có những thẩm quyền rộng quyết định những biện pháp bên trong nhà tù,
họ có thể gửi người tù bị nhiễm bệnh sang nơi khác để chăm sóc.
- Còn ở Tây Ban Nha, điều 1 Luật về tổ chức nhà tù năm 1989 đã trao cho các cơ
quan quản lý nhà tù 3 chức năng: tái hoà nhập xã hội của người bị tước quyền tự do;
giam giữ và giám sát người bị tước tự do và trợ giúp xã hội cho họ và gia đình họ.
Điều 25.2 của Luật này quy định người bị kết án phạt tù có thể được hưởng các
quyền cơ bản của công dân ngoại trừ những quyền mà họ bị Toà án ra quyết định
tước bỏ được thể hiện trong bản án. Luật về nhà tù quy định cơ quan quản lý nhà tù
bảo đảm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm của người tù (điều 3 khoản 2.4), tổ chức
và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng thông qua việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa,
phục vụ cần thiết (điều 43.1 và 2). Đối với người tù việc xét nghiệm máu để phát
hiện HIV là không bắt buộc. Nhưng đối với người tù bị nhiễm HIV được cơ quan quản
lý nhà tù cho ở cách ly, được chăm sóc sức khoẻ.
- Đối với Ai Cập việc xét nghiệm máu được áp dụng bắt buộc đối với tù nhân, đặc
biệt là đối với người phạm các tội liên quan tới đạo đức, tập tục hoặc tiêm chích ma
tuý và đối với người phạm tội là người nước ngoài. Xét nghiệm đồng thời cũng được
coi là biện pháp phòng ngừa HIV.
Việc quản lý người nhiễm HIV/AIDS không được tổ chức theo những quy định
riêng mà theo những quy định chung của Luật về nhà tù năm 1956 và theo Quyết
định số 79 năm 1961 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
HIV/AIDS được phân loại là một bệnh truyền nhiễm, cho nên tất cả những quy
định về các bệnh truyền nhiễm được áp dụng cho những người tù mắc bệnh này.
Theo điều 36 Luật nhà tù, tất cả những người tù bị mắc bệnh HIV/AIDS đều phải
được thông báo cho Giám đốc y tế của nhà tù. Giám đốc y tế kết hợp với bác sỹ nhà
tù thực hiện việc kiểm tra nhằm quyết định trả tự do trước thời hạn cho họ. Bác sỹ
nhà tù cần phải báo cho giám đốc nhà tù bằng văn bản về sự cần thiết phải cách ly
người tù mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh (điều 29 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội
vụ 1961). Người mắc bệnh thông thường được điều trị trong bệnh viện của nhà tù,
nhưng có thể họ được chuyển sang bệnh viện khác nếu tình trạng sức khoẻ của họ



đòi hỏi. Trong thực tế người bệnh được chuyển tới chuyên khoa đặc biệt của các
bệnh viện điều trị các bệnh truyền nhiễm.
Phạm nhân trước khi ra tù phải trải qua việc kiểm tra sức khoẻ, bác sĩ bệnh viện
có nhiệm vụ chuyển người tù bị mắc bệnh Sida nhưng đã được tự do cho một bệnh
viện chuyên ngành gần nhà tù nhất. Tuy nhiên nhân ngày quốc khánh hoặc ngày lễ
tôn giáo, người tù đã được trả tự do trước thời hạn không phải chịu xét nghiệm để
kiểm tra có hay không có vi rút HIV.
Theo điều 5 Thông tư của Bộ Nội vụ 1961 cấm bắt người tù bị mắc bệnh
HIV/AIDS phải lao động. Những biện pháp y tế phòng ngừa được quy định trong
thông tư này. Giám đốc nhà tù cần phải báo cho giám đốc y tế quản lý nhà tù, nếu
phạm nhân mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh. Nguời bệnh bị buộc
phải cách ly với các tù nhân khác (điều 49 Thông tư của Bộ Nội vụ 1961).
4. Pháp luật hình sự Việt Nam về phòng, chống HIV/AIDS
Ngay từ khi những trường hợp nhiễm HIV được phát hiện đầu năm 1990, Nhà
nước nhận thức được mối hiểm hoạ của đại dịch HIV đối với nước ta nên đã thành lập
Uỷ ban Quốc gia phòng chống SIDA Việt Nam (nay là Uỷ ban Quốc gia phòng chống
bệnh AIDS Việt Nam). Trong thời gian vừa qua Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn
bản pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động phòng chống AIDS như: Pháp lệnh
phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người
(HIV/AIDS) ngày 31/5/1995, Nghị định 34/CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành
Pháp lệnh, Nghị định số 46/CP xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế
(trong đó bao gồm cả quy định về việc xử lý hành chính liên quan đến HIV/AIDS),
Nghị định số 49/CP quy định về việc xử lý các vi phạm hành chính về mại dâm, ma
tuý, Nghị định số 20/CP ban hành quy chế cơ sở chữa bệnh. Các văn bản này đã tạo
ra cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS ở
nước ta.
Xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng chống đại dịch HIV/AIDS bảo vệ tính
mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người cũng như để bảo vệ trật tự trị
an, an toàn xã hội, sự lành mạnh của môi trường sống, Bộ luật Hình sự năm 1999 có

quy định hai tội phạm mới liên quan đến HIV/AIDS, đó là: tội lây truyền HIV cho
người khác và tội cố ý truyền HIV cho người khác.
- Khoản 1 điều 117 BLHS quy định tội lây truyền HIV cho người khác như sau:
“Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác, thì bị
phạt tù từ 1 năm đến 3 năm”
Như vậy, theo điều luật chủ thể của tội phạm là người bị nhiễm HIV, có năng lực
trách nhiệm hình sự và đạt từ đủ 16 tuổi trở lên.
Hành vi khách quan nguy hi ểm cho xã hội của tội phạm là làm lây truyền HIV cho
người khác. Hành vi này có thể thực hiện bằng các hình thức khác nhau như quan hệ
tình dục không an toàn với người khác, tiêm chích ma tuý cho người khác bằng kim


tiêm mình đã sử dụng chưa được sát khuẩn diệt vi rút HIV, cho máu, tinh dịch, mô
hoặc bộ phận cơ quan trong cơ thể... cho người khác. Người phạm tội thực hiện hành
vi trên bằng lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).
Khoản 2 của điều luật này quy định trong trường hợp cố ý làm lây truyền HIV cho
nhiều người, cho người dưới 18 tuổi, đối với thày thuốc, nhân viên y tế trực tiếp chữa
bệnh cho mình hoặc đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của
nạn nhân thì sẽ bị trừng trị bằng hình phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
- Khoản 1
điều 118 BLHS quy định về tội cố ý truyền HIV cho người khác: “Người nào cố ý
truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điều 117 của
Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”
Hai tội phạm nói trên có điểm giống nhau về khách thể là cùng xâm hại tới tính
mạng, sức khoẻ của con người. Về mặt khách quan 2 tội có cùng loại hành vi khách
quan làm lây truyền HIV cho người khác, hậu quả đều rất nguy hiểm. Về mặt chủ
quan 2 tội đều được thực hiện bằng lỗi cố ý. Nhưng khác nhau căn bản về chủ thể
của tội phạm. Chủ thể của tội lây truyền HIV cho người khác (Đ.117) là chủ thể đặc
biệt, đó là người biết mình nhiễm HIV nhưng cố ý truyền bệnh cho người khác. Còn
chủ thể của tội cố ý truyền HIV cho người khác (Đ.118) là bất cứ ai có năng lực trách

nhiệm hình sự và đạt từ đủ 14 tuổi trở lên đem HIV truyền cho người khác như:
người tổ chức tiêm chích ma tuý chung kim tiêm giữa người bị nhiễm HIV với những
người khác; bác sĩ cố ý truyền máu hay dịch bị nhiễm HIV cho bệnh nhân, thụ tinh
nhân tạo, ghép bộ phận cơ thể của người bị nhiễm HIV cho người khác... Những
hành vi này rất nguy hiểm, độc ác nên hình phạt áp dụng rất nghiêm khắc (trong
khung cơ bản là 3 đến 10 năm). Trong trường hợp phạm tội có tổ chức, đối với nhiều
người, đối với người chưa thành niên từ dưới 18 tuổi, đối với người đang thi hành
công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân hoặc lợi dụng nghề nghiệp thì sẽ bị phạt
tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị
cấm đảm nhiệm những chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm những công việc nhất định
từ 1 năm đến 5 năm.
Do tính nguy hiểm cao của hành vi lây truyền HIV cho người khác nên ngoài 2 tội
độc lập nói trên, Bộ luật hình sự mới còn quy định dấu hiệu “biết mình bị nhiễm HIV
mà vẫn phạm tội” là tình tiết tăng nặng đặc biệt định khung của các tội phạm về tình
dục, thể hiện tính chất đặc biệt nguy hiểm của hành vi đặt nạn nhân vào tình trạng
bị lây nhiễm HIV, đó là: tội hiếp dâm (điều 111, khoản 3b); hiếp dâm trẻ em
(điều112, khoản 3e); tội cưỡng dâm (điều 113, khoản 3b); tội cưỡng dâm trẻ em
(điều114, khoản 3d); tội giao cấu với trẻ em (điều.115, khoản 3b), tội mua dâm
người chưa thành niên (điều 256 khoản 3b). Đối với 6 tội danh nêu trên, mọi trường
hợp người phạm tội biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội đều được luật quy định
là những tội đặc biệt nghiêm trọng (tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng
dâm, tội cưỡng dâm trẻ em) hoặc tội rất nghiêm trọng (tội giao cấu với trẻ em, tội
mua dâm người chưa thành niên). Tuỳ vào từng tội, luật quy định mức hình phạt cao
nhất có thể áp dụng là 15 năm, 18 năm, tù chung thân hoặc tử hình.


5. Vấn đề quản lý, cải tạo, giáo dục, chăm sóc người bị nhiễm HIV trong trại
giam, cơ sở giáo dục, chữa bệnh ở Việt Nam
Theo Pháp lệnh thi hành án phạt tù thì phạm nhân vì lý do bệnh tật không được
giam giữ riêng. Khi ốm đau được khám chữa bệnh ở bệnh xá trại giam. Nếu bị bệnh

nặng thì được chuyển đến điều trị tại bệnh viện của Nhà nước. Quy chế phòng chống
HIV/AIDS trong trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng ban hành kèm theo
quyết định số 511/BCA ngày 3/9/1999 của Bộ trưởng Bộ công an cũng quy định:
“Phạm nhân bị nhiễm HIV/AIDS không nhất thiết phải bố trí thành đội quản lý và cải
tạo riêng”. Có thể đây là một biện pháp hợp lý, bởi lẽ nó không gây cho người bị
nhiễm HIV tâm lý mặc cảm, xa lánh, bị phân biệt đối xử đồng thời tạo cho họ dễ
dàng hoà nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tiễn ở các trại giam, cơ sở giáo dục, chữa bệnh và
thực tế lập pháp trên lĩnh vực này cho thấy hiện nay việc quản lý, chăm sóc, tư vấn
người nhiễm HIV tại các trại giam, cơ sở giáo dục, chữa bệnh còn có nhiều vướng
mắc như: các trại khi nhận phạm nhân, trại viên từ các trại khác hoặc từ các địa
phương đều không biết được tình trạng nhiễm HIV của họ. Không có khả năng xét
nghiệm hết các phạm nhân và trại viên trong trại, vì vậy không thể nắm được chính
xác số người bị nhiễm HIV. Không thể tách được bệnh nhân bị nhiễm HIV ra để quản
lý và điều trị do tình trạng quá tải. Kinh phí ít hoặc chưa có để y tế trại thực hiện các
biện pháp dự phòng và chính sách đối với phạm nhân và đối với cả cán bộ nhân viên
trong trại. Đây là vấn đề lớn, có liên quan đến nhiều văn bản pháp luật như Bộ luật
Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, pháp lệnh thi hành án phạt tù, pháp lệnh xử phạt
hành chính cần được sửa đổi, bổ sung.
6. Kết luận
Như trên đã trình bày, do tính chất ngày càng nghiêm trọng của đại dịch và thực
tiễn phức tạp của cuộc đấu tranh phòng chống HIV/AIDS hiện nay ở nước ta đang
đặt ra nhiều vấn đề bức xúc về mặt pháp luật cần được nghiên cưú, giải quyết.
- Nghiên cứu, so sánh với pháp luật hình sự nước ngoài cho thấy, đại đa số các
nước trên thế giới đều đã và đang sử dụng pháp luật hình sự để hỗ trợ cho cuộc đấu
tranh phòng chống đại dịch HIV/AIDS. Toà án phần lớn các nước đã vận dụng các
điều luật quy định về các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người, đó là các
tội mưu sát, đầu độc, giết người, vô ý làm chết người, cố ý hoặc vô ý gây tổn hại cho
sức khoẻ của người khác để xử lý những người có hành vi cố ý hoặc vô ý làm lây
truyền HIV cho người khác.

Có nước, Luật hình sự quy định trường hợp biết mình bị nhiễm HIV nhưng vẫn
phạm tội là tình tiết tăng định khung tăng nặng của tội hiếp dâm, nhưng có nước coi
đó là trường hợp đa tội phạm: tội giết người và tội hiếp dâm.
Nghiên cứu các quy định của BLHS nước ta năm 1999 cho thấy hành vi vô ý
truyền, làm lây nhiễm HIV cho người khác lại không được tội phạm hoá, mặc dù
những hành vi loại này rõ ràng là nguy hiểm không kém các tội phạm vô ý khác xâm
phạm tính mạng, sức khoẻ của con người. Rõ ràng đây là một khoảng trống trong


BLHS hiện hành. Để đảm bảo việc xử lý hình sự được kiên quyết, triệt để cần thiết bổ
sung thêm tội danh vô ý làm lây nhiễm HIV cho người khác và tội vô ý truyền HIV
cho người khác trong chương XII BLHS. Đồng thời cần đưa các tội cố ý làm lây truyền
HIV cho người khác và tội cố ý truyền HIV cho người khác về nhóm các tội xâm
phạm tính mạng, sức khoẻ, bởi vì các tội này có khách thể trực tiếp là quyền sống,
quyền bảo vệ về sức khoẻ của con người chứ không phải là nhân phẩm danh dự của
con người.
- Về quản lý, cải tạo, giáo dục chăm sóc người bị nhiễm HIV trong các trại giam,
cơ sở giáo dục, chữa bệnh.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước khác thấy vấn đề này ở nước ta vẫn
còn bỏ ngỏ. Thực tế cho thấy ở trong các nhà tù, trại cải tạo, giáo dục, cơ sở chữa
bệnh nguy cơ lây nhiễm HIV là rất cao, vì vậy cần có quy định việc xét nghiệm HIV là
bắt buộc đối với phạm nhân và các trại viên. Những người bị nhiễm HIV cần phải
được cách ly, cần được giam giữ, cải tạo, giáo dục ở khu vực riêng để quản lý điều
trị, chăm sóc được hưởng những chế độ chính sách có tính chất nhân đạo. Đồng thời
đối với các cán bộ y tế, quản giáo... trực tiếp chăm sóc, khám chữa bệnh, quản lý,
giáo dục người bị nhiễm HIV/AIDS tại các trung tâm, cơ sở, trường, trại cần phải cải
thiện đáng kể về chế độ, chính sách và kinh phí để họ có thể yên tâm thực hiện tốt
nhiệm vụ của mình. Có thể coi đây là những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền và
nghĩa vụ của con người, đến hoạt động quản lý của cơ quan Nhà nước trong thời gian
tới các cấp các ngành cần quan tâm.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.

Bộ tư pháp, Pháp luật phổ thông về phòng, chống HIV/AIDS, NXB Chính trị Quốc
gia, Hà Nội, 2001.

2.

J. P LEVY et Jacques FOYER, Pháp luật và Sida, so sánh quốc tế (droit et sida,
comparaion internationale), NXB Tổng hợp Paris, 1994 (tiếng Pháp).

3.

Uông Chu Lưu, Ngành Tư pháp với công tác phòng chống nhiễm HIV/AIDS trong
tình hình mới, Tạp chí AIDS và cộng đồng, số 6/1999, tr. 20 và tiếp theo.

4.

Đoàn Ngữ, Vài nét về tình hình dịch HIV/AIDS trên thế giới và khu vực, Tạp chí
AIDS và cộng đồng số 9-1999.

5.

Viện Xã hội học, Trường Đại học tổng hợp Tự do Bruxells, "SIDA, sự thách thức
đối với pháp luật" (Sida aux droits), (tập hợp các báo cáo tại Hội nghị khoa học được
tổ chức tại Trường Tổng hợp tự do Bruxells từ ngày 10 đến 12 năm 1990), NXB Tổng
hợp Bruxells, 1991 (tiếng Pháp).

PENAL LAW ON PREVENTING AND ELIMINATE HIV/ AIDS

Avocat. LLM Trinh Quoc Toan


Faculty of Law, Vietnam National University, Hanoi
The author has studied in comparative way the build and application criminal law
on preventing eliminating HIV in some countries and Vietnam. The resulst have
shown that almost countries on the world have been applying criminal law as
cooperative measure for eliminating HIV. Almost courts on the world have applied
provisions on criminal against life and heath for behaviour to infect germ of HIV. But
Vietnam Criminal Code has stipulated this behavior as independent criminal.
In manging, improving, educating, taking care infected HIV prisoners. The resulst
have shown, each country have different way for this problem. From this resulst,
author proposes ways to perfect Criminal code of Vietnam and execution criminal
penal for infected HIV prisoner as well as emolument for people who contact with
those prisoners.



×