Tải bản đầy đủ (.doc) (27 trang)

Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết haruki murakami (tt)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (135.96 KB, 27 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Đặng Phương Thảo

NGHỆ THUẬT TỰ SỰ
TRONG TIỂU THUYẾT HARUKI MURAKAMI

Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 62 22 01 20

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

Hà Nội - 2017
1


Công trình được hoàn thành tại:
Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội

Người hướng dẫn: 1. GS. TS. LÊ HUY BẮC
2. TS. ĐÀO THỊ THU HẰNG

Phản biện 1: …………………………………………………
Phản biện 2: …………………………………………………
Phản biện 3: …………………………………………………

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp cơ sở chấm luận
án tiến sĩ họp tại……………………………………………………
vào hồi……..giờ……. ngày……..tháng……..năm 2018



Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội
2


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Gần hai thập niên của thế kỉ XXI trôi qua, văn chương hậu
hiện đại đã và đang tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của những
hiện tượng văn học trên khắp thế giới.
Trong số những tác giả tiêu biểu của thời đại này, không thể
không nhắc đến Haruki Murakami – nhà văn Nhật đương đại với
những cuốn tiểu thuyết thể hiện những nhận thức mới mẻ về bản
thể, lẽ sống, và ý thức trách nhiệm với cộng đồng của con người
thời hiện đại.
Hiện nay, nghiên cứu tự sự học đang là một xu thế có nhiều
triển vọng trong lí luận văn học. Việc nghiên cứu nghệ thuật tự sự
trong tiểu thuyết của Murakami là một hướng tiếp cận góp phần
định hình diện mạo phong cách và ghi nhận sự đóng góp của nhà
văn cho một nền tiểu thuyết hiện đại thế kỉ XXI.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận án nghiên cứu nghệ thuật tự sự trên các bình diện cơ bản
như ngôi kể, điểm nhìn, giọng điệu của người kể chuyện, kiểu
nhân vật đặc trưng, không gian, thời gian nghệ thuật trong tiểu
thuyết Murakami.
Luận án tập trung vào 3 tiểu thuyết tiêu biểu nhất tính đến
thời điểm này của Murakami: Rừng Nauy, Biên niên kí chim vặn
dây cót, Kafka bên bờ biển. Ngoài ra, chúng tôi có tham khảo

thêm những cuốn tiểu thuyết khác của Murakami để đối chiếu, so
sánh khi cần thiết.
3. Mục đích nghiên cứu và ý nghĩa của luận án
Luận án hướng tới việc nhận diện và phân tích những đóng
3


góp của Murakami trên các bình diện: người kể chuyện ngôi thứ
nhất với sự di chuyển điểm nhìn, kết hợp nhiều giọng điệu, nghệ
thuật khắc họa nhân vật với một số kiểu nhân vật tiêu biểu, không
gian, thời gian nghệ thuật từ đó chỉ ra vị trí và những đóng góp
của tác giả trong văn học đương đại Nhật Bản và thế giới.
Ý nghĩa khoa học và thực tiễn: Luận án lý giải tư duy nghệ
thuật của Murakami và các vấn đề lý luận của tiểu thuyết, đồng
thời có giá trị thực tiễn trong việc đưa ra một cách tiếp cận tác giả
này ở Việt Nam.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận án áp dụng thi pháp học và tự sự học vào việc phân tích,
tìm hiểu nghệ thuật tự sự của Murakami. Bên cạnh đó, luận án
cũng sử dụng phương pháp lịch sử trong việc so sánh đối chiếu
các tác phẩm của Murakami với các tác phẩm của các nhà văn
hiện đại, hậu hiện đại trên thế giới. Phương pháp loại hình được
vận dụng để phân chia nhân vật trong tiểu thuyết Murakami thành
một số kiểu, loại với những tiêu chí nhận diện nhất định. Các thao
tác khoa học cụ thể của luận án là khảo sát, thống kê, phân tích,
tổng hợp, so sánh.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận án
có cấu trúc gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu

Chương 2: Tự sự đa chủ thể trong tiểu thuyết của Murakami
Chương 3: Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Murakami
Chương 4: Kết cấu không gian – thời gian trong tiểu thuyết
của Murakami

4


Chương 1
TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Khái lược tình hình nghiên cứu lý thuyết tự sự hiện đại
1.1.1. Những dòng chủ lưu
Trong phạm vi quan sát của mình, chúng tôi nhận thấy các kết
quả nghiên cứu về lí thuyết tự sự hiện đại trên thế giới thế kỉ XX
có thể phân chia một cách tương đối thành những dòng chủ lưu:
Nhóm thứ nhất gồm những nhà tự sự học chịu ảnh hưởng của
các nhà hình thức chủ nghĩa Nga như V. Propp, Todorov, Barthes,
Remak, Norman Friedman... Nhóm thứ hai gồm G. Genette,
Dolezel, S. Lanser… tập trung nghiên cứu sự triển khai của diễn
ngôn trần thuật. Nhóm thứ ba, đại diện là Gerald Prince và
Seymour Chatman lại coi trọng phương pháp nghiên cứu tổng thể.
Tự sự học những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI có sự
đổi mới, mở rộng đáng kể theo hướng nghiên cứu mở trên cơ sở
kế thừa thành tựu trước đó. Tự sự học ngày nay kết hợp với quan
niệm phê bình phản ứng của người đọc và hướng nghiên cứu văn
hoá đang thịnh hành. Các nhà lí luận nghiên cứu tự sự trong quan
hệ với người đọc, với ngữ cảnh và với các lĩnh vực tự sự ngoài
văn học. Có thể thấy, tự sự học hôm nay được chia thành ba
hướng nghiên cứu sau:
Hướng nghiên cứu thứ nhất nghiên cứu đặc trưng chung của

tác phẩm tự sự, bất kể sự khác nhau về phương tiện và thể loại
(văn học, truyện tranh, điện ảnh, truyền hình, báo chí... ).
Hướng nghiên cứu thứ hai từ phân tích cấu trúc tự sự trừu
tượng chuyển sang phân tích cấu trúc tự sự của tác phẩm cụ thể.
Hướng nghiên cứu thứ ba là mô hình tự sự học hôm nay có
công thức “tự sự học + X”, “X” ở đây có thể là chủ nghĩa nữ
5


quyền hay nghiên cứu giới tính, nghiên cứu văn hóa hay nghiên
cứu hậu thực dân, nghiên cứu tự sự học tâm lí….
1.1.2. Hướng nghiên cứu lí thuyết tự sự ở Việt Nam
Qua hai cuộc hội thảo về tự sự học ở Việt Nam năm 2003 và
2008, tự sự học Việt Nam hiện nay có ba hướng nghiên cứu như
sau:
Hướng thứ nhất: Giới thiệu, dịch thuật lí thuyết tự sự của các
học giả nước ngoài. Nhìn chung, ở hướng nghiên cứu này, giới
phê bình Việt Nam bắt đầu tiếp cận lí thuyết tự sự hiện đại trên thế
giới qua việc dịch, cắt nghĩa các quan điểm của các nhà lí luận.
Mỗi học thuyết, trường phái có một phát kiến riêng nhưng cũng có
những giới hạn nhất định mà khi tiếp nhận cần kết hợp với các
kiến thức khác và kinh nghiệm để tự thiết lập nên một phương
pháp phù hợp nhất với đối tượng và mục tiêu đề ra.
Hướng thứ hai: nghiên cứu các hệ vấn đề trong lí thuyết tự sự
như: người kể chuyện, điểm nhìn, cốt truyện, thời gian và không
gian trần thuật, cấu trúc của văn bản trần thuật, ngôn ngữ trần
thuật, tình huống trần thuật, điểm nhìn, giọng điệu, ngôi phát
ngôn…
Hướng thứ ba: Tiếp cận các tác phẩm cụ thể từ góc độ tự sự
học hiện đại nhằm cập nhật tình hình sáng tác tác phẩm tự sự đồng

thời góp phần luận giải về nghệ thuật tự sự của các tác phẩm về
những phương diện: điểm nhìn, người kể chuyện, giọng điệu, mô
hình tự sự…
1.1.3. Nghệ thuật tự sự và những khái niệm trọng tâm
Do nội hàm của khái niệm nghệ thuật tự sự bao quát trên một
diện rộng nên luận án căn cứ vào những phương diện mang tính
cụ thể hơn như người kể chuyện, điểm nhìn, giọng điệu, nhân vật,
6


không gian, thời gian nghệ thuật để nghiên cứu nghệ thuật tự sự
của Murakami.
1.2. Tình hình nghiên cứu nghệ thuật tự sự của Murakami
1.2.1. Trên thế giới
Ngay từ khi tác phẩm của Murakami được chuyển sang Anh
ngữ, hàng loạt các bài nghiên cứu, bài báo, luận án, luận văn về
Murakami xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới bàn về lối viết, lối
kể chuyện độc đáo của Murakami. Ví dụ như ngôi kể thứ nhất có
tính thông tục (boku), nghệ thuật xây dựng tâm lí nhân vật, giọng
điệu trần thuật, cách kết thúc tác phẩm, cái kì ảo, văn phong, cốt
truyện cấu tứ khéo léo, lối viết khó nắm bắt, kí hiệu đô thị, kĩ xảo
điện ảnh…
Một điều đặc biệt ở Murakami là ông thường xuyên tham gia
trả lời phỏng vấn và hồi đáp thư từ của các nhà nghiên cứu khắp
nơi. Sự cởi mở của nhà văn thể hiện qua những trao đổi thẳng thắn
của ông về nghệ thuật tự sự.
Những đánh giá, nhận xét trên dù chưa mang tính chất nghiên
cứu chuyên sâu nhưng cũng ít nhiều thể hiện sự quan tâm của độc
giả tới nghệ thuật kể chuyện của tác giả Murakami, sức hút của
tiểu thuyết đến với người đọc chính là từ cách kể, nghệ thuật kể.

1.2.2. Ở Việt Nam
Văn đàn Việt Nam bắt đầu “nhập cuộc” khi tiểu thuyết Biên
niên kí chim vặn dây cót của Murakami do Trần Tiễn Cao Đăng
dịch được Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam ấn hành năm
2006. Những tác phẩm được dịch sau đó đều dành được nhiều sự
quan tâm, chú ý của độc giả, của các nhà nghiên cứu phê bình.
Các tác giả đã lí giải tính lôi cuốn của Murakami thông qua những
trị số của trường văn hóa Nhật Bản trong cái nhìn so sánh với các
7


tác giả lớn khác như Yoshimoto hay Kawabata.
Theo khảo sát của chúng tôi, những tài liệu liên quan đến
nghệ thuật tự sự của Murakami chủ yếu có nguồn gốc từ các luận
văn, khóa luận tốt nghiệp, bài viết từ các hội thảo khoa học, các
bài viết chia sẻ trên mạng trực tuyến. Việc tìm hiểu tác phẩm của
nhà văn Nhật Bản đương đại được yêu thích nhất xoay quanh yếu
tố hậu hiện đại, yếu tố huyền ảo, cái hỗn độn, hình tượng con
người cô đơn, mất mát, sự giao thoa văn hóa Đông Tây… Những
công trình nghiên cứu đó đã bước đầu chỉ ra những sáng tạo đổi
mới nghệ thuật tự sự trong sáng tác Murakami.
Tiểu kết
Qua các công trình nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy nghệ
thuật tự sự trong tiểu thuyết của Murakami mang những dấu ấn
đặc trưng của nghệ thuật tự sự hậu hiện đại. Các công trình nghiên
cứu về vấn đề nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Murakami Haruki
được tiếp cận theo hai xu hướng: (1) Hướng nghiên cứu có tính
chất khái quát, tổng hợp về nghệ thuật tự sự của Murakami
Haruki. (2) Hướng nghiên cứu nghệ thuật tự sự trong từng tác
phẩm riêng biệt của ông. Tuy nhiên chúng tôi chưa thấy có công

trình nào tiếp cận nghệ thuật tự sự của Murakami Haruki một cách
hệ thống trên các phương diện cơ bản của lí thuyết tự sự: người kể
chuyện với điểm nhìn đa tuyến, luân phiên ngôi kể, di động điểm
nhìn, thế giới nhân vật đa dạng, không gian nghệ thuật, thời gian
nghệ thuật vừa thực vừa ảo… Với ba cuốn tiểu thuyết đỉnh cao
của nghệ thuật tự sự Murakami: Rừng Nauy, Biên niên kí chim
vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, những đặc trưng của lối viết vừa
bộn bề hơi thở cuộc sống vừa đậm chất trữ tình vẫn là một cánh
cửa để ngỏ cho những người yêu thích Murakami khám phá.
8


Chương 2
TỰ SỰ ĐA CHỦ THỂ
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MURAKAMI
Có thể khẳng định, thủ pháp đặc thù và nổi bật nhất trong việc
xây dựng mê lộ tự sự trong tiểu thuyết của Murakami đó là hình
thức tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến. Trong chương
này, luận án tập trung nghiên cứu kĩ thuật tự sự đa chủ thể của ba
tiểu thuyết Rừng Na Uy, Kafka bên bờ biển và Biên niên kí chim
vặn dây cót ở các phương diện: Sự luân phiên chủ thể, sự di
chuyển điểm nhìn và hợp xướng giọng điệu.
2.1. Luân phiên chủ thể
2.1.1. Đa bội chủ thể tự sự (multi - narrator)
Gia tăng chủ thể tự sự trong tác phẩm là một hiện tượng phức
tạp nhiều tầng, đánh dấu sự thay đổi kĩ thuật tự sự của văn học thế
giới. Mỗi tiểu thuyết của Murakami thường xuất hiện nhiều chủ
thể tự sự ở ngôi thứ nhất lộ diện trực tiếp với đại từ nhân xưng tôi
để kể câu chuyện với tư cách là người trong cuộc. Các chủ thể có
thể kể các câu chuyện khác nhau hoặc cùng kể về một chuyện

nhưng với thái độ, quan điểm khác nhau. Chính vì vậy sự gia tăng
của các chủ thể tự sự sẽ khiến cho người đọc bị thuyết phục hơn
bởi tính tin cậy và sự nới rộng biên độ tiếp nhận tác phẩm tự sự.
Những cái tôi trong sáng tác của Murakami không tồn tại một
cách giản đơn mà luôn có sự dằn vặt, ám ảnh khôn nguôi về bản
thể để trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của mình.
2.1.2. Sự hoán đổi chủ thể tự sự
Trong tiểu thuyết của Murakami các thông tin, sự kiện thường
do một chủ thể tự sự chính kể lại nhưng mạch tự sự đó lại được
9


kết hợp với các quan điểm của những chủ thể tự sự (nhân chứng)
khác nhau. Khảo sát ba tiểu thuyết của Murakami, chúng tôi nhận
thấy sự xuất hiện của những người kể bậc 1, bậc 2 thường xuyên
có động thái luân phiên, hoán đổi, nghĩa là A đóng vai trò dẫn dắt
câu chuyện, do đó lời kể của A đan xen giữa những lời kể của B1,
B2, nhưng những câu chuyện của B1, B2 cũng đan vào nhau, mỗi
chuyện kể đều bị gián cách, không liên tục tạo nên phương thức tự
sự đa tầng bậc rất độc đáo của tác giả.
2.1.3. Hình thức tự sự qua những bức thư
Hình thức tự sự qua những bức thư là một cách luân phiên
chủ thể tự sự một cách tự nhiên, linh hoạt. Những bức thư xuất
hiện khi chủ thể tự sự cảm thấy mất khả năng diễn đạt trực tiếp
bằng lời hoặc rơi vào tình trạng bất khả tương thông với người
nghe. Chỉ thông qua những lá thư, người kể xưng tôi mới có thể
giãi bày hết kể cả những cảm giác mơ hồ, những ẩn ức sâu kín
nhất. Mọi việc được thuật, kể trong thư hoàn toàn xuất phát từ
điểm nhìn của người viết, không ai ngoài người viết biết trước
được điều gì, vì vậy, vai trò của những người kể chuyện ngôi thứ

nhất trong tác phẩm suy cho cùng là hoàn toàn đồng đẳng dù ở
những tầng, bậc khác nhau.
2.2. Di chuyển điểm nhìn
2.2.1. Đa điểm nhìn tự sự (multipoint of view)
Đa điểm nhìn tự sự là trường hợp cùng một lúc tồn tại nhiều
điểm nhìn khác nhau, các điểm nhìn có thể độc lập, có thể đan
chéo vào nhau mở ra những khám phá mới về đối tượng. Điểm
nhìn tự sự của người kể chuyện ngôi thứ nhất trong tiểu thuyết của
Murakami có sự dán ghép điểm nhìn giữa người kể này với người
kể khác, sự di chuyển điểm nhìn trong các tọa độ không gian, thời
10


gian khác nhau.
2.2.2. Dán ghép các điểm nhìn
Với sự luân phiên người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, điểm nhìn
trong tiểu thuyết của Murakami di chuyển từ nhân vật này sang
nhân vật khác, di chuyển theo cảnh huống làm cho mạch tự sự trở
nên mới lạ, được soi chiếu từ nhiều góc độ khác nhau.
Trong Rừng Na Uy, những điểm nhìn liên tục di chuyển giữa
Wantanabe với Naoko, Wantanabe với Reiko, Wantanabe với
Midori. Sự di chuyển điểm nhìn trong Kafka bên bờ biển diễn ra ở
cả hai tuyến truyện về Kafka và Nakata qua hình thức bản ghi âm
với phần đặt câu hỏi của người thẩm vấn trung úy Robert O'
Connor và các nhân chứng Setsuko Okamochi, bác sĩ Juichi
Nakazawa, tiến sĩ Shigenori Tsukayama. Ở Biên niên kí chim vặn
dây cót, đóng vai trò kết nối tất cả, chính là điểm nhìn của Toru
Okada nhưng anh phải lắng nghe để kiếm tìm ẩn số từ câu chuyện
của cô bé hàng xóm Kasahara May, trung úy Mamiya, Nhục đậu
khấu, Kumiko, Kano Creta...

Sự dán ghép các điểm nhìn khiến nhân vật trung tâm vừa là
người dẫn dắt sự kiện đồng thời cũng là người nghe từ những
người kể chuyện khác. Bên cạnh đó, Murakami còn có động thái
đánh tráo điểm nhìn tự sự cho nhân vật của mình khi cần thiết để
tạo nên những cách cắt nghĩa khác nhau về hành động, về những
tiêu chí đạo đức, ứng xử ở đời.
2.2.3. Di chuyển điểm nhìn trên trục không gian, thời gian
Việc di chuyển các điểm nhìn trong không gian và trong thời
gian khiến cho các sự kiện được kể từ nhiều góc độ, nhiều bình
diện khác nhau, trở nên chân thực, đa dạng, sinh động hơn. Do kết
cấu đa tầng bậc với nhiều người kể chuyện khác nhau nên tiểu
11


thuyết của Murakami bắt buộc phải có sự phân chia các thời điểm
kể chuyện trên bề mặt văn bản. Bởi vì cùng một lúc trên văn bản
không thể xuất hiện hai tuyến truyện khác nhau dù thực tế hai sự
việc đó có thể cùng xảy ra một lúc. Do sự gián cách này, điểm
nhìn thường xuyên phải luân phiên, di chuyển cho phù hợp với
truyện kể.
Việc luân phiên, di động điểm nhìn trên trục không gian, thời
gian tạo ra một hệ thống điểm nhìn mang tính phức hợp và tạo nên
tinh thần dân chủ trong tự sự. Không chỉ các nhân vật có quyền
bộc lộ quan điểm của mình mà người đọc còn có thể tham dự vào
tiến trình đó để cắt nghĩa, để tự viết tiếp những gì mà tác giả chưa
nói hết.
2.3. Hợp xướng giọng điệu
2.3.1. Tính chất đa thanh (polyphonic)
Sự phức hợp giọng điệu tự sự trong tiểu thuyết Murakami là
sự dung nạp tiếng nói đa dạng của những người kể chuyện xưng

tôi trong tác phẩm. Bên cạnh đó, mỗi người kể ở từng câu chuyện
cụ thể lại dùng một giọng điệu khác để biểu đạt những suy nghĩ
của mình: có trữ tình, hoài niệm, có dửng dưng, lạnh lùng, có giễu
nhại, tự trào, có triết lí, suy tư…
2.3.2. Giọng trữ tình, hoài niệm
Trong tất cả những tiểu thuyết mà chúng tôi tiến hành khảo
sát, âm hưởng hoài niệm, u buồn là âm hưởng bao trùm, tạo nên
giai điệu đặc sắc cho bản hợp xướng giọng điệu của Murakami.
Song hành với hoài niệm bao giờ cũng là nỗi u buồn và cảm giác
mất mát, chông chênh.
Hoài niệm trong tiểu thuyết của Murakami không chỉ là sự
nuối tiếc, buồn thương mà còn là sự kinh hoàng, cay đắng, sự cô
12


đơn. Nỗi niềm hoài niệm trong tiểu thuyết của Murakami mang
phong vị đặc trưng của cảm thức aware - nét đặc trưng của mĩ học
truyền thống Nhật Bản. Sự hoài niệm, tiếc nuối trong những trang
văn của Murakami, cũng như Kawabata và nhiều nhà văn Nhật
khác là sự cộng hưởng nỗi buồn của con người cá nhân và nỗi
buồn của cả một thế hệ luôn cảm nhận sâu sắc sự trống rỗng giữa
lòng thịnh vượng.
2.3.3. Giọng giễu nhại, tự trào
Ở hình thức tự sự đa chủ thể, giọng giễu nhại, tự trào toát lên
từ chính câu chuyện của người trong cuộc. Murakami có giọng
điệu hài hước đặc trưng: cười mà như không, giễu nhại một cách
chân thành bởi thái độ “tỉnh bơ”, thản nhiên đón nhận những
nghịch lí, những bi kịch của người kể chuyện. Giọng điệu tự trào
của các nhân vật trong tiểu thuyết Murakami xuất phát từ sự tự ý
thức của con người về bản thể. Tự cười giễu mình là một cách để

khẳng định sự tồn tại của họ ở trên đời.
Bằng chất giọng bông đùa này, Murakami đã làm dịu đi bầu
không khí căng thẳng của câu chuyện kể. Những người kể dùng sự
hài hước, hóm hỉnh để lấy lại trạng thái cân bằng và sự tỉnh táo
của lí trí sẽ giúp họ nhanh chóng giải quyết những khúc mắc, khó
khăn.
2.3.4. Giọng triết lý, chiêm nghiệm
Nhân vật trong tiểu thuyết Murakami từ một cô cậu sinh viên,
một anh chàng thất nghiệp, một người phụ nữ hành nghề tiên tri,
một người lính, một cậu bé 15 tuổi bỏ nhà đi hay một anh thủ thư
không rõ giới tính… đều có khả năng triết lí. Nhà văn để các nhân
vật vừa tự kể câu chuyện của mình vừa đúc rút ra những bài học
về bất kì một lĩnh vực nào trong cuộc sống, cụ thể hay trừu tượng,
13


còn mình thì lui vào hậu trường để tự các triết lí đối thoại với
nhau, nó gợi ra bầu không khí dân chủ trong tác phẩm. Có thể nói,
giọng điệu chiêm nghiệm, triết lí đóng vai trò quan trọng trong lối
kể chuyện của nhà văn.
Mặc dù xuất hiện với mật độ dày đặc trong tác phẩm nhưng
những triết lí tưởng chừng như khô khan qua giọng điệu người kể
chuyện Murakami đều trở nên mềm mại, uyển chuyển. Giọng điệu
triết lí không chỉ minh chứng cho cái “tầm” mà còn thể hiện cái
“tâm” của Murakami với những suy tư, trăn trở trong việc tìm
kiếm và khám phá những góc khuất, tồn tại sâu kín của bản thể
con người.
Tiểu kết
Hình thức tự sự đa chủ thể với những người kể chuyện vừa là
nhân chứng vừa là nhân vật hiện diện trong chính sự kiện được kể

đã tạo nên nét độc đáo cho các tiểu thuyết của Murakami. Người
kể chuyện ngôi thứ nhất vừa nỗ lực để tái hiện câu chuyện một
cách khách quan nhất, thiên về miêu tả, tường thuật vừa phơi trải
chính mình tạo nên lối kể chuyện đặc biệt. Thế giới hiện lên đa
chiều, phức tạp, với những diễn biến khó lường qua cái nhìn của
chính những con người đang bị cuốn vào guồng quay hối hả của
cuộc sống. Làm được điều đó là bởi tác giả đã gia tăng các chủ thể
tự sự, hoán đổi chủ thể ở nhiều cấp độ tự sự, điểm nhìn được dán
ghép và di chuyển trong các tọa độ không gian, thời gian khác
nhau tạo nên một bản hợp xướng đa âm sắc. Giọng điệu của người
kể chuyện vừa trữ tình, hoài niệm vừa giễu nhại, tự trào vừa mang
tính triết lí, chiêm nghiệm. Có thể khẳng định, hình thức tự sự đa
chủ thể đã tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo của Murakami.

14


Chương 3
THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG
TIỂU THUYẾT CỦA MURAKAMI
Trong tiểu thuyết của Murakami, nhân vật không những là
phương thức mà còn là chủ thể của nghệ thuật tự sự. Không có
những xung đột tâm lí căng thẳng, nhưng thế giới nhân vật của
Murakami vẫn thể hiện được biến động kinh người của thế giới
hiện đại qua nỗi ám ảnh về bản thể của con người hiện đại, đầy sự
cô đơn và hoang mang, hồ nghi trước một thế giới hỗn độn, vụn
vỡ... Trong tiểu thuyết của Murakami có hai kiểu nhân vật đặc
trưng: kiểu nhân vật chấn thương và kiểu nhân vật huyền ảo.
3.1. Kiểu nhân vật chấn thương
Giữa những biến động mang tính thời đại của nước Nhật và

thế giới thế kỉ XX, Haruki Murakami đã miêu tả sự tổn thương về
tâm lí của con người khi mọi tiêu chuẩn giá trị trong cuộc sống
không còn như cũ. Có những người đã từng trải qua chiến tranh và
bị những vết thương trên thân thể, có người lại sống một cuộc đời
hết sức bình thường trong một nước Nhật thời hiện đại: là một
cô/cậu học sinh, sinh viên đại học, một thủ thư, người phụ trách
thư viện tư nhân, một chàng luật sư thất nghiệp… Nhưng dù sống
ở hoàn cảnh nào, con người trong sáng tác của Murakami đều
thuộc kiểu nhân vật cô độc, ám ảnh, tâm hồn bị chấn thương, hằn
in những vết sẹo, dù nhìn bề ngoài có vẻ lành lặn, bình thường.
3.1.1. Con người cô độc
Sự cô độc của các nhân vật trong tiểu thuyết Murakami
thường có nguyên nhân từ sự đổ vỡ từ bên trong của mô hình gia
đình Nhật Bản vào thập nhiên 60 – 70 thế kỉ XX. Nhà văn đã đặt
15


các nhân vật của mình trong một sự ràng buộc lỏng lẻo đến mức
gần như bằng không với các thành viên trong gia đình và trong
cộng đồng. Khi đã mất sự bảo bọc, chở che của gia đình, con
người không tránh khỏi những va đập, tổn thương, chính những
vết thương từ thơ ấu này sẽ ám ảnh họ trong suốt cuộc đời. Bên
cạnh sự đổ vỡ các giá trị, chuẩn mực trong gia đình, các nhân vật
còn trở nên cô độc bởi sự mất mát do những hiểm họa tiềm ẩn của
một xã hội đầy bất an, những cuộc chiến tranh phi nghĩa hoặc sự
phi lí của số phận.
Hình tượng nhân vật cô đơn là sự trải nghiệm chân thực của
Murakami, của một thời tuổi trẻ cô đơn và mất mát. Bằng những
trải nghiệm của bản thân, Murakami đã chạm tới và phân tích,
“mổ xẻ” những góc khuất sâu kín nhất của tâm hồn con người.

3.1.2. Con người có khuynh hướng tự sát
Nhân vật trong tiểu thuyết của Murakami để trốn chạy thực tại
đau khổ, bi kịch, để xoa dịu vết thương trong tâm hồn, nhiều
người đã tìm đến cái chết. Trong ba tiểu thuyết của Murakami mà
chúng tôi khảo sát, có tới 9 nhân vật chọn cái chết như một cách
để trốn chạy khỏi những chấn thương tinh thần. Naoko, Kizuki,
chị gái Naoko, chú ruột Naoko, Reiko, Hatsumi (Rừng Na Uy);
Chị gái Kumiko, Kano Creta (Biên niên kí chim vặn dây cót).
Johnnie Walker (Kafka bên bờ biển).
Bằng kiểu nhân vật có khuynh hướng tự sát, Murakami đã
phản ánh chân thực những bi kịch tinh thần con người thời hiện
đại với những đổ vỡ, hoang mang, mất mát mọi giá trị. Những
nhân vật tìm đến cái chết như một sự chấp nhận, phó thác. Không
một chút oán trách số phận, họ chọn cái chết như một giải pháp
cuối cùng trong công cuộc hàn gắn những vết thương. Bởi vậy dù
16


có nhiều cái chết, nhưng tác phẩm của Murakami không ảm đạm,
bi thương mà chỉ như một tiếng thở dài.
3.1.3. Con người vươn lên hàn gắn sự chấn thương
Cô độc, mất mát, trống rỗng nhưng vẫn luôn nỗ lực vươn lên
để hàn gắn những chấn thương, điều đó khiến các nhân vật trong
sáng tác của Murakami dù ám ảnh, dù trĩu nặng tâm tư nhưng vẫn
mang tính nhân văn sâu sắc. Khát vọng sống thúc đẩy họ tham gia
những cuộc hành trình vừa lạ lùng vừa mới mẻ, vừa thực vừa hư,
vừa là tìm sự thật, tìm chân lí trong hiện thực, vừa tìm thấy sức
mạnh bản ngã để tự hàn gắn những chấn thương.
Các nhân vật như Saeki, Wantanabe, Toru Okada… tham gia
vào cuộc hành trình tìm kiếm tình yêu lí tưởng, tình yêu vĩnh viễn

để có thêm sức mạnh ở lại với cuộc đời. Nhưng tình yêu cũng
không phải là cứu cánh đắc lực có thể hàn gắn những chấn thương
tinh thần đã ăn sâu vào cốt tủy con người. Các nhân vật trong tiểu
thuyết Murakami trăn trở, dằn vặt kiếm tìm giải pháp khác để vượt
thoát khỏi những bi kịch cá nhân. Họ tìm đến tình dục như một
cách xoa dịu nỗi đau, lên rừng hay xuống bể, tìm niềm vui trong
công việc… Nhưng con người không thể tìm lời giải cho số phận
ngoài việc đối diện và chịu trách nhiệm đối với mọi hành động
của mình, kể cả trong giấc mơ.
3.2. Kiểu nhân vật huyền ảo
Khảo sát hệ thống nhân vật trong ba tiểu thuyết: Biên niên kí
chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển và Rừng Na Uy, chúng tôi
nhận thấy nhân vật huyền ảo của Murakami là những nhân vật có
năng lực siêu nhiên (khả năng tiên tri, khả năng trị liệu, khả năng
xuyên không, khả năng sử dụng ngôn ngữ động vật… ), những
linh hồn sống và những nhân vật chỉ tồn tại như một kí hiệu.
17


3.3.1. Nhân vật có năng lực siêu nhiên
Năng lực siêu nhiêu của các nhân vật trong tiểu thuyết
Murakami thường không gắn liền với quyền thuật hay phép màu,
cũng không có nét dị thường hay ma quái. Khả năng “đặc biệt”,
khác thường xuất hiện ở nhiều nhân vật của Murakami là khả
năng tiên tri, ngoại cảm, siêu năng lực để giúp giải quyết những
“sự cố bên trong” cho người mắc bệnh.
Nhân vật siêu nhiên đều là những con người bình thường, do
những biến cố trong đời sống, xuất hiện và mất đi ở họ như một sự
tình cờ, không thể đoán định trước. Những nhân vật này đóng vai
trò “chức năng” trong tiểu thuyết Murakami, họ thường xuất hiện

trong các cuộc hành trình cùng nhân vật chính để “hỗ trợ”.
3.3.2. Những linh hồn sống
Thế giới nhân vật trong Kafka bên bờ biển trở nên nhiễu loạn
bởi sự xuất hiện của kiểu nhân vật huyền ảo: những linh hồn sống,
tức là con người do một cú sốc đặc biệt nào đó đã trở thành ma
ngay khi còn sống, để chu du qua không gian và thực hiện những
mong muốn, khát vọng dang dở của mình như Miss Saeki, Naoko,
Kumiko và Toru Okada. Thông qua hình tượng nhân vật, tác giả
cho thấy khát vọng lấp đầy những khoảng cách đang mỗi ngày
một nới rộng ra giữa con người trong thời đại. Ngay cả những lúc
say đắm nhất trong tình yêu, lúc cảm thấy bình yên nhất trong
hạnh phúc gia đình, con người với con người vẫn bị ngăn cách bởi
những điều bí mật. Chỉ bằng cách thoát ra khỏi cái ngã của mình,
thành một người khác, họ mới có thể xích lại gần nhau.
3.3.3. Nhân vật kí hiệu – biểu tượng
Trong tiểu thuyết của Murakami xuất hiện một số lượng
không nhỏ các nhân vật kí hiệu – biểu tượng. Mỗi nhân vật kí hiệu
18


– biểu tượng trong tiểu thuyết của Murakami đều có một diện mạo
ước lệ, không xác định. Diện mạo của họ có thể được mượn từ
một người khác, có thể phổ biến đến mức là bất kì ai hoặc có thể
chỉ là một hình hài chưa trọn vẹn như Johnnie Walker, Nakata,
Kafka, Đại tá Sanders, Oshima, một gã Ti vi (Kafka bên bờ biển),
Wataya Noburu trung úy Mamiya, bào thai trong bụng của
Kumiko, anh chàng ca sĩ hát trong hộp đêm, con chim vặn dây cót
(Biên niên kí chim vặn dây cót).
Kiểu nhân vật kí hiệu, biểu tượng luôn mang tính kích thích
cao đối với người đọc, khiến họ phải chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ để

tìm ra sức mê hoặc của những hình tượng nghệ thuật ấy. Mỗi nhân
vật kí hiệu – biểu tượng đều góp phần phản ánh những vấn đề tồn
tại trong thế giới con người thời hậu hiện đại: những nghi ngờ về
tồn tại của bản thân, sự bế tắc, cô đơn, lạc lối; những mặc cảm,
trống rỗng và bất an.
Tiểu kết
Là một trong những nhà văn tiên phong trong việc vận dụng
những kĩ thuật tự sự mới mẻ để khám phá chiều sâu tâm hồn con
người, Murakami đã sáng tạo nên một thế giới nhân vật đa dạng,
phong phú, mới lạ. Hệ thống nhân vật của Murakami có cơ duyên
từ sự kết hợp hài hòa giữa phương Đông và phương Tây. Trong
tiểu thuyết Murakami, người đọc có thể thấy dấu ấn nhân vật chấn
thương của E. Hemingway, Philippe Claudel, nhân vật huyền ảo
của Kafka, Gabriel Garcia Marquez, Miguel Asturias, Italo
Calvino, Leslie Marmon Silko… và hình ảnh lữ khách cô đơn
trong sáng tác Kawabata, bóng dáng nhân vật huyền thoại trong
sáng tác của các nhà văn Nhật Bản: Murasaki Shikubu, Natsume
Soseki, Ueda Akinari…
19


Chương 4
KẾT CẤU KHÔNG GIAN, THỜI GIAN
TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MURAKAMI
Trong chương này, chúng tôi tập trung nghiên cứu nghệ thuật
sắp đặt không gian, thời gian, sự giao thoa giữa không gian, thời
gian thực - ảo để tìm ra những đổi mới trong kĩ thuật tự sự của nhà
văn.
4.1. Không gian nghệ thuật
Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của Murakami là sự

lắp ghép của nhiều mảnh không gian khác nhau, đan xen giữa
không gian hiện thực với không gian được lạ hóa không gian hư
ảo của giấc mơ. Thậm chí có những chỗ ranh giới không gian bị
phá vỡ khiến cho hiện thực trở nên mơ hồ, khó phân định.
4.1.1. Không gian hiện thực
4.1.1.1. Khung cảnh thiên nhiên: Những không gian bao quát,
rộng lớn như cánh rừng, dòng sông, sa mạc trong tác phẩm của
Murakami thường xuất hiện như một nơi chốn thử thách con
người. Những khoảng không gian mênh mông ấy luôn chứa đầy bí
mật đối với con người. Con người hiện đại dù trí tuệ rất phát triển,
cũng phải chịu bế tắc trong nhiều trường hợp vì xã hội càng phát
triển thì con người ngày càng có nhiều nhu cầu. Trong các nhu cầu
đó có nhu cầu được giải thích đến tận ngọn nguồn những thắc
mắc, những vấn đề mà khoa học khó, chưa hoặc sẽ không bao giờ
giải thích được.
4.1.1.2. Không gian sinh hoạt đời thường: Không gian sinh
hoạt đời thường trong tiểu thuyết Murakami là không gian hữu
hạn và tuyến tính, thu hẹp trong bốn bức tường: nhà, giếng cạn,
20


hoặc những không gian công cộng rộng lớn như trường học, bệnh
viện, thư viện, miếu đường…
Không gian thường gắn với những hoài niệm buồn của mỗi
nhân vật với những sắc màu khác nhau nhưng tất cả đều hướng
vào khắc sâu thế giới nội tâm, làm giãn cách thời gian hành động
của nhân vật.
4.1.2. Không gian huyền ảo
Trong tiểu thuyết của Murakami có nhiều kiểu loại không
gian huyền ảo: không gian thực nhưng được khúc xạ qua những

giấc mơ, không gian huyễn tưởng, không gian siêu thực… Cách
tạo dựng những kiểu loại không gian này ít nhiều mang hơi hướng
của điện ảnh. Các cảnh tượng liên tiếp hoán đổi, không có sự kết
nối, liền mạch, tạo nên những lát cắt rời rạc, khiến nhân vật hiện
ra rồi lại biến mất, để sau đó lại bất ngờ hiện ra và đột ngột biến
mất như bị phù phép cho tới những cảnh cuối cùng.
Con người mượn không gian huyền ảo để gửi gắm tâm tư
nguyện vọng, cho dù ở thực tại có thực hiện được hay không thì
việc nhận ra và chiến đấu với cái ác là con đường duy nhất để con
người đi tìm và xác định bản ngã của bản thân họ. Nếu không cái
ác sẽ ngự trị, bao trùm và đẩy cả thế giới vào cõi hư vô, đẩy con
người vào cuộc sống không mục đích, không ý nghĩa.
4.2. Thời gian nghệ thuật
Bên cạnh dòng chảy thời gian đời thường sống động với nhịp
điệu đều đặn gắn với những sinh hoạt cụ thể của con người trong
xã hội Nhật Bản hiện đại, thời gian trong tiểu thuyết Murakami có
sự hoà trộn giữa quá khứ và hiện tại, tương lai, giữa ý thức và
tiềm thức với những đặc tính như tính đa diện, mờ hóa, tính xáo
trộn và bất định, thời gian đứt gãy, chắp nối, chuyển đổi liên tục.
21


4.2.1. Thời gian đứt gãy, đảo chiều
Murakami sử dụng kỹ thuật điện ảnh để tạo nên những lát cắt
về thời gian. Dòng thời gian luôn có sự đan xen giữa hiện tại với
dòng hồi tưởng của nhân vật tạo nên sự đứt gãy, đảo chiều giữa
hiện tại, quá khứ và tương lai và thời gian co duỗi tới mức phi
thực trong những giấc mơ.
Chính sự đảo chiều liên tục về thời gian khiến cho hệ thống
thời gian hiện tại, quá khứ và hư ảo được đồng hiện, đan xen liên

tục tạo nên sự khúc khuỷu trong nhịp thời gian và tính phức tạp
của câu chuyện. Điểm đặc biệt trong các đoạn đứt gãy là ở chỗ,
chúng không mất đi mà vẫn tồn tại song song với trục thời gian
hiện thực ở một khung cảnh khác, nhân vật bị chìm lấp trong
những hồi ức bất tận vì không xác định được các điểm mốc trong
dòng thời gian.
4.2.2. Thời gian huyền ảo
Thời gian huyền ảo là một điểm quan trọng trong thời gian
được trần thuật, chính những cái “huyền ảo” làm nên tính hấp dẫn
và li kì trong tiểu thuyết Murakami. Nhà văn đã tạo ra thời gian
huyền ảo từ những giấc mơ và sự suy tư nhất thời nhưng có chủ ý
của con người. Thế giới huyền ảo là nơi để con người thực hiện
những ước mơ, mong muốn mà ở hiện thực không thực hiện được.
4.2.3. Mờ hóa thời gian
Tính phi nhận thức về thời gian khiến nhân vật như đang tồn
tại bên ngoài mình, trở thành khách thể xa lạ với chính mình. Đó
là lúc tinh thần của con người hoảng loạn, bất an. Không chỉ có
thời gian quá khứ bị xáo trộn bởi dòng tâm tư của nhân vật mà
ngay cả thời gian hiện tại cũng bị làm cho sai lệch. Mờ hóa thời
gian là cách phá vỡ sự mạch lạc theo tuyến tính của tự sự, thời
22


gian trôi qua và nằm ngoài nhận thức khiến chúng ta không thể
xác định được nó diễn ra trong bao lâu, và vào lúc nào.
4.3. Sự dịch chuyển không gian, thời gian hiện thực - siêu
thực
Các tác phẩm của Murakami luôn có sự dịch chuyển giữa
không gian, thời gian thực và ảo. Sự dịch chuyển đó giúp cho nhà
văn thâm nhập và thể hiện thế giới nội tâm, thế giới vô thức bên

trong con người, để rồi từ đó cho người đọc thấy được quá trình
con người tự đấu tranh, tự ý thức để vươn lên đi tìm bản thể.
Tiểu kết
Murakami đã thể hiện kĩ thuật tự sự của mình bằng việc tạo ra
những vùng không gian, thời gian đặc biệt. Không gian hiện thực
được gợi lên qua những địa danh của nước Nhật, những khung
cảnh quen thuộc với đời sống sinh hoạt của con người. Không
gian huyền ảo là không gian thực khúc xạ qua hồi ức, qua những
giấc mơ. Thời gian là bối cảnh nước Nhật nửa cuối thế kỉ XX
nhưng bị xáo trộn các bình diện quá khứ, hiện tại theo dòng hồi
ức, hoài niệm của con người. Không gian - thời gian nghệ thuật
vận động theo xu hướng từ thực đến ảo với sự chồng chéo, đứt
gãy, mờ hóa và bất định. Trong không gian – thời gian huyền ảo
con người có thể tiếp nối phần việc còn dang dở trong thực tại, và
thúc đẩy mọi việc đi đến hồi kết trong thế giới thực. Chính yếu tố
huyền ảo này làm sáng tỏ hơn những điều còn uẩn khúc trong xã
hội Nhật Bản, một xã hội đầy dục vọng và cạm bẫy, cũng chính nó
đem lại sự bình yên trong cuộc sống của mọi người ở thực tại. Lấy
cái huyền ảo để cứu rỗi cái thực tại là một việc làm khá độc đáo
của Murakami giúp tên tuổi nhà văn ngày càng đứng vững trong
nền tiểu thuyết hiện đại của Nhật Bản cũng như trên thế giới.
23


KẾT LUẬN
Murakami là nhà văn Nhật Bản tiên phong trong việc đổi mới
nghệ thuật tự sự. Những cách tân của Murakami vừa có tính chất
kế thừa truyền thống vốn có từ 13 thế kỉ tồn tại của tự sự Nhật
Bản, vừa có sự tiếp biến và kết hợp với vẻ đẹp của nghệ thuật tự
sự phương Tây, tạo thành một phong cách nghệ thuật riêng, độc

đáo, góp phần đưa nền văn học dân tộc hòa vào dòng chảy lớn của
văn học khu vực và thế giới. Hành trình sáng tạo của Murakami
gắn liền bộ ba tiểu thuyết Rừng Na Uy (1987), Biên niên kí chim
vặn dây cót (1995), Kafka bên bờ biển (2002). Đây là những tác
phẩm tiêu biểu, thể hiện tài năng, cá tính sáng tạo mãnh liệt của
Murakami. Đề tài Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Murakami
Haruki tìm hiểu về hình thức tự sự đa chủ thể, nhân vật, không
gian, thời gian nghệ thuật, những vấn đề có thể làm nổi bật đặc
trưng phong cách nghệ thuật của nhà văn.
Hình thức tự sự ngôi thứ nhất theo điểm nhìn đa tuyến với sự
gia tăng chủ thể, sự hoán đổi chủ thể và hình thức tự sự qua những
bức thư, điểm nhìn di chuyển, dán ghép, tính chất đa thanh, phức
điệu các loại giọng điệu khác nhau tạo nên một bản hợp xướng trữ
tình, hoài niệm, giễu nhại, tự trào, triết lí, chiêm nghiệm đã làm
nên một sự đột phá trong kĩ thuật kể chuyện của Murakami. Tự sự
đa chủ thể trong các tiểu thuyết của Murakami đã giúp nhà văn đi
sâu vào những góc khuất trong nội tâm nhân vật và tạo nên cái
nhìn đa chiều về cuộc sống. Hình tượng người kể chuyện xưng tôi
trong tiểu thuyết của Murakami vừa cá tính vừa duyên dáng tạo
nên sức hấp dẫn cho những câu chuyện của nhà văn.
24


Đóng góp đáng chú ý trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của
Murakami là đã xây dựng được một hệ thống nhân vật với nhiều
kiểu loại phong phú vừa gắn với đặc trưng thẩm mĩ của nhà văn
vừa mang tinh thần thời đại. Với kiểu nhân vật bị chấn thương với
hình tượng con người cô độc, con người có khuynh hướng tự sát,
con người vươn lên hàn gắn sự chấn thương và kiểu nhân vật
huyền ảo với hình tượng con người siêu nhiên, những linh hồn

sống, nhân vật kí hiệu – biểu tượng, Murakami khắc họa thành
công chân dung những con người cá nhân trong tương quan với
thời đại. Họ chính là những tiếng nói khắc khoải kiếm tìm bản
ngã, tình yêu, chân giá trị cuộc sống của một cá nhân, một thời
điểm nhưng lại có khả năng đại diện cho cả cộng đồng, cho nhiều
thế hệ. Mỗi loại hình nhân vật có những đặc điểm riêng về số
phận, tính cách, có vị trí khác nhau trong tác phẩm nhưng đều góp
phần thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn.
Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của
Murakami có sự dịch chuyển từ thực sang ảo. Không gian, thời
gian hiện thực sống động và gần gũi tái hiện lại hình ảnh một
nước Nhật bình yên với nhịp điệu cuộc sống đời thường nhưng ẩn
chứa những con sóng ngầm dữ dội. Không gian, thời gian ảo lại là
nơi con người tìm đến để hiện thực hóa những khát vọng không
thể thành toàn trong thế giới họ đang sống. Ở phương diện này,
Murakami đã khẳng định tài năng của mình khi tạo ra các kiểu
không gian huyền ảo: giấc mơ, không gian huyễn tưởng, thời gian
đứt gãy, đảo chiều, thời gian bị mờ hóa… Kiểu không gian, thời
gian ảo đã giúp nhà văn chuyển tải thành công thông điệp về một
thế giới đa phương, đa tầng, chứa nhiều bí ẩn mà con người còn
chưa thể khám phá, lí giải hết. Không gian, thời gian trong tiểu
25


×