Tải bản đầy đủ (.pdf) (133 trang)

Nghiên cứu hiệu quả sử dụng phân hữu cơ với chế phẩm Trichoderma và Pseudomonas cho cây lạc tại Thừa Thiên Huế (Luận án tiến sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.87 MB, 133 trang )

1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
----------

TRẦN VĂN TÝ

NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ SỬ DỤNG PHÂN HỮU CƠ VỚI
CHẾ PHẨM TRICHODERMA VÀ PSEUDOMONAS CHO
CÂY LẠC TẠI THỪA THIÊN HUẾ

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP
HUẾ, NĂM 2018


2

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
----------

TRẦN VĂN TÝ

NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ SỬ DỤNG PHÂN HỮU CƠ VỚI CHẾ
PHẨM TRICHODERMA VÀ PSEUDOMONAS CHO CÂY LẠC TẠI
THỪA THIÊN HUẾ

CHUYÊN NGÀNH: KHOA HỌC CÂY TRỒNG
MÃ SỐ: 62.62.01.10


LUẬN ÁN TIẾN SĨ NÔNG NGHIỆP
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS. TS. TRẦN THỊ THU HÀ
2. PGS. TS. HOÀNG THỊ THÁI HÒA

HUẾ, NĂM 2018


3

MỞ ĐẦU
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Lạc (Arachis hypogaea L.) là cây công nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm có giá
trị dinh dưỡng cao, trong hạt lạc có chứa 40 - 60% lipid, 26 - 34% protein, 6 - 25%
gluxit, 8 loại axit amin không thay thế và các loại vitamin hòa tan làm nguyên liệu
quan trọng trong công nghiệp chế biến. Khả năng cố định đạm của các vi khuẩn
Rhizobium sống cộng sinh trong nốt sần của cây lạc là đặc tính tuyệt vời làm lạc trở
thành cây có khả năng bảo vệ, duy trì và cải thiện độ phì nhiêu của đất rất hiệu quả.
Gieo trồng lạc cải thiện được độ pH, hàm lượng mùn và độ phì nhiêu của đất, góp
phần duy trì và tăng năng suất, sản lượng các cây trồng khác, tăng hệ số sử dụng đất và
hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Đồng thời cũng là cây tạo ra tính đa dạng
trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, lạc là cây trồng quan trọng trong hệ thống xen
canh, luân canh với các cây trồng khác, đặc biệt có ý nghĩa to lớn trong việc cải tạo đất
đối với các loại đất nghèo dinh dưỡng.
Ở Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng, lạc chủ yếu được canh
tác trên các loại đất nghèo dinh dưỡng. Diện tích trồng lạc ở Thừa Thiên Huế thường
tập trung trên một số loại đất chính như đất cát ven biển, đất xám bạc màu và đất phù
sa. Gần đây, cây lạc được gieo trồng ở đất vàng nhạt trên đá cát thuộc các huyện Nam
Đông, A Lưới và một số xã thuộc huyện Hương Trà nhưng với diện tích rất ít. Trong 5
nhóm đất đồng bằng của tỉnh Thừa Thừa Thiên thì đất cát ven biển, chiếm tỷ trọng lớn

nhất, với diện tích là 19.604 ha và tiếp theo là đất xám bạc màu, với diện tích là 800
ha. Hai loại đất này chiếm tỷ lệ khoảng 80% so với tổng diện tích trồng lạc của toàn
tỉnh (Sở NN và PTNT Thừa Thiên Huế, 2013). Lạc được canh tác trên đất nghèo dinh
dưỡng, đầu tư phân chuồng ngày càng hạn chế, điều kiện thời tiết không ưu đãi nên
năng suất lạc tại tỉnh Thừa Thiên Huế là thấp hơn so với các tỉnh khác (< 20,4 tạ/ha).
Tuy nhiên, năng suất trên còn thấp so với tiềm năng năng suất của cây lạc và các vùng
khác trong cả nước như Trà Vinh (51,1 tạ/ha), Đồng Tháp (35,0 tạ/ha) Long An (31,5
tạ/ha) (Niên giám thống kê ngành nông nghiệp, 2014). Trong khi lạc được xem là cây
công nghiệp ngắn ngày chủ lực trong cơ cấu cây trồng của tỉnh. Vì vậy, cần được quan
tâm nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất và hướng tới sản
xuất lạc bền vững và thân thiện với môi trường.
Để tăng năng suất và sản lượng cây trồng thì các yếu tố như giống, phân bón, kỹ
thuật canh tác,... đóng vai trò quan trọng, trong đó phân bón được xem là nhân tố


4

chính. Tuy nhiên, việc lạm dụng sử dụng phân hóa học lâu dài sẽ dẫn đến đầu tư chi
phí cao, nông dân thu được lợi nhuận thấp, đồng thời gây phát thải khí N2O càng
nhiều. Mặt khác, sự dư thừa phân hóa học gây ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh
hưởng đến sức khỏe con người [153]. Vấn đề tăng vụ trong sản xuất làm cho nhiều
diện tích đất canh tác bị ô nhiễm, độ phì nhiêu và sức sản xuất của đất sẽ giảm, gây
hiện tượng suy thoái dinh dưỡng. Ở các nước công nghiệp phát triển đã bón quá nhiều
phân hóa học khiến môi trường bị suy thoái, chất lượng sản phẩm giảm sút [89].
Nghiên cứu tìm ra những biện pháp canh tác hiệu quả mà vẫn giữ được năng suất
cao, đồng thời cải thiện độ phì nhiêu của đất và an toàn cho môi trường là rất cần thiết.
Bên cạnh việc tìm ra những giống cây trồng mới có năng suất cao, thì người ta khuyến
cáo sử dụng phân hữu cơ, biện pháp này có thể tận dụng được tất cả những phế phẩm
trong sản xuất nông nghiệp để làm phân hữu cơ như rơm rạ, phân chuồng, tàn dư thực
vật… Sử dụng phân hữu cơ giúp giảm lượng phân hóa học, cải thiện tốt độ phì nhiêu

đất. Phân hữu cơ không những làm tăng năng suất cây trồng mà còn có khả năng làm
tăng hiệu lực của phân hóa học, cải tạo và nâng cao độ phì của đất [65].
Vi sinh vật có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng chất dinh
dưỡng của cây trồng, tăng cường khả năng giữ ẩm, khả năng cố định nitơ, phân giải
phốt phát khó tan, hòa tan kali… của đất qua đó giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển
tốt hơn và góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản cũng như hạn chế phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nhưng cho đến nay chưa có chế phẩm sinh học
chuyên dụng cho cây lạc tại Thừa Thiên Huế được nghiên cứu phát triển.
Vì vậy, việc nghiên cứu và ứng dụng bón phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học
trong sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế phân bón hóa học, góp phần bảo vệ môi
trường và xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Điều này thật sự rất cần
thiết và có ý nghĩa to lớn trong sản xuất nông nghiệp. Ở Thừa Thiên Huế nói riêng và
miền Trung nói chung, việc ứng dụng phân hữu cơ và các sản phẩm sinh học chưa
được rộng rãi, thậm chí còn rất hạn chế trong bối cảnh biến đổi khí hậu hướng đến sản
xuất nông nghiệp bền vững và an toàn.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, đề tài: “Nghiên cứu hiệu quả sử dụng
phân hữu cơ với chế phẩm Trichoderma và Pseudomonas cho cây lạc tại Thừa
Thiên Huế” được thực hiện nhằm chọn được công thức phân bón có khả năng cung
cấp chất dinh dưỡng cho đất, cây trồng và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lạc tại
Thừa Thiên Huế.


5

2. MỤC ĐÍCH VÀ MỤC TIÊU ĐỀ TÀI
 Mục đích của đề tài
Xác định được ảnh hưởng của phân hữu cơ với các chế phẩm sinh học đến cây
lạc, làm cơ sở cho việc xây dựng quy trình kỹ thuật hợp lý nhằm nâng cao năng suất
lạc và phát triển sản xuất lạc bền vững theo hướng sinh học.
 Mục tiêu của đề tài

Đánh giá được hiệu quả sử dụng của phân hữu cơ với chế phẩm Trichoderma và
Pseudomonas cho cây lạc trên đất cát ven biển và đất xám bạc màu nhằm nâng cao
hiệu quả sản xuất lạc tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
 Ý nghĩa khoa học
- Cung cấp các dẫn liệu khoa học về hiệu quả sử dụng phân hữu cơ với chế phẩm
Trichoderma và Pseudomonas đến sinh trưởng, phát triển, năng suất lạc và hiệu quả
sản xuất lạc trên đất cát ven biển và đất xám bạc màu.
- Là nguồn tài liệu tham khảo, thông tin mới làm cơ sở cho việc sử dụng chế
phẩm sinh học cho cây lạc trên đất cát ven biển và đất xám bạc màu.
 Ý nghĩa thực tiễn
- Góp phần ứng dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học có ích trong sản xuất
nông nghiệp bền vững.
- Những kết quả nghiên cứu của đề tài đạt được sẽ là những tiến bộ khoa học mới
làm cơ sở sản xuất lạc bền vững theo hướng sinh học ở Thừa Thiên Huế và các địa
phương khác.
4. PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
- Nghiên cứu ảnh hưởng của phân hữu cơ với chế phẩm Trichoderma và
Pseudomonas cho cây lạc trong chậu trên đất cát ven biển và đất xám bạc màu tại nhà
lưới Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế để xác định các công
thức có tiềm năng cho sinh trưởng và năng suất, nhằm có cơ sở tiếp tục nghiên cứu
trong điều kiện đồng ruộng. Thời gian tiến hành thí nghiệm trong nhà lưới từ tháng 01
- 04 năm 2013.
- Nghiên cứu hiệu quả sử dụng phân hữu cơ với chế phẩm Trichoderma và
Pseudomonas cho cây lạc trong điều kiện đồng ruộng. Các thí nghiệm đồng ruộng
được bắt đầu tiến hành từ tháng 12/2013 đến tháng 10/2015 (bao gồm 4 vụ liên tục:


6


Đông Xuân 2013-2014, Hè Thu 2014; Đông Xuân 2014-2015 và Hè Thu 2015). Đề tài
tập trung nghiên cứu hiệu quả sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học đến sinh
trưởng phát triển, các chỉ tiêu sinh lý, khả năng phòng trừ sâu bệnh, năng suất và hiệu
quả kinh tế trong sản xuất lạc.
- Mô hình ứng dụng phân hữu cơ và chế phẩm Trichoderma và Pseudomonas
được tiến hành từ tháng 12/2015 đến tháng 6/2016.
- Thí nghiệm đồng ruộng và mô hình được thực hiện trên hai loại đất: đất cát ven
biển tại xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế và đất xám bạc màu
tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
5. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
- Kết quả nghiên cứu đã xác định được công thức bón phân hữu cơ với chế phẩm
Trichoderma và Pseudomonas tốt nhất cho cây lạc trên 2 loại đất trồng lạc phổ biến tại
Thừa Thiên Huế. Đất cát ven biển, công thức VI (02 tấn phân hữu cơ + 40 kg N + 60
kg P2O5 + 60 kg K2O + 400 kg vôi + Trichoderma và Pseudomonas với tỷ lệ 50:50) và
đất xám bạc màu, công thức V (02 tấn phân hữu cơ + 40 kg N + 60 kg P2O5 + 60 kg
K2O + 400 kg vôi + Trichoderma và Pseudomonas với tỷ lệ 30:70).
- Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng phân
hữu cơ với chế phẩm sinh học đến việc cải tạo sinh tính và tính chất hóa học trên đất
cát ven biển và đất xám bạc màu tại tỉnh Thừa Thiên Huế.


7

CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu
1.1.1. Vai trò của cây lạc
- Trong nền kinh tế quốc dân
Lạc là cây trồng cho giá trị sản lượng trên 1 ha chỉ xếp sau cây lúa (so sánh với
bốn cây trồng vụ Xuân là lúa, ngô, lạc và đậu tương) nhưng hiệu quả thu được trên 1

ha thì lạc là cây đạt cao nhất. Như vậy, lạc là cây trồng có khả năng để làm giàu, vừa
phù hợp với những nơi nghèo có vốn đầu tư thấp.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, lạc là một trong những mặt hàng nông sản
xuất khẩu chủ lực với khối lượng xuất khẩu lớn và có giá trị kinh tế cao. Châu Á và
Châu Mỹ là hai châu lục có khối lượng xuất khẩu lạc lớn nhất (chiếm 78,56% khối
lượng lạc xuất khẩu trên thế giới). Việt Nam là nước đứng thứ bảy trong số các nước
xuất khẩu lạc chính sau Mỹ, Trung Quốc, Argentina, Sudan, Hongkong, Ấn Độ,
Zambia [74].
Những năm gần đây, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 70 - 80 ngàn tấn lạc nhân
qua các nước như Đức, Pháp, Ý... cho nên lạc là cây đem lại nguồn thu ngoại tệ quan
trọng [78]. Mặc dù thị trường lạc nhân thế giới bấp bênh nhưng xuất khẩu lạc nhân là
một ngành hàng nông sản khá tiềm năng do có giá trị xuất khẩu cao và nhu cầu thị
trường thế giới lớn. Hiện nay trên thị trường thế giới mỗi năm có khoảng 1,2 triệu tấn
lạc nhân được giao dịch nên lạc nhân vẫn được xếp vào một trong những mặt hàng
nông sản xuất khẩu chủ lực của đất nước.
- Trong nông nghiệp và công nghiệp chế biến
Lạc là cây trồng có ý nghĩa đối với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt với các
nước nghèo vùng nhiệt đới. Ngoài giá trị kinh tế của lạc, đối với ép dầu, trong công
nghiệp thực phẩm, trong chăn nuôi, lạc còn có ý nghĩa to lớn trong việc cải tạo đất do
khả năng cố định đạm (N) của nó. Rễ lạc có thể tạo ra các nốt sần do vi sinh vật cộng
sinh cố định đạm hình thành, đó là vi khuẩn Rhizobium vigna. Rhizobium vigna có thể
tạo nốt sần ở rễ một số cây họ đậu. Nhưng với lạc thì tạo được nốt sần lớn và khả năng
cố định đạm cao hơn cả. Theo ước tính, cây họ đậu có thể đưa lại 80 triệu tấn đạm mỗi
năm từ nguồn nitơ không khí [1].
Qua kết quả phân tích thân lá lạc cho thấy hàm lượng khoáng chất không thua
kém gì phân chuồng. Tính theo chất khô thì tỷ lệ lân và kali trong thân lá lạc bằng 2


8


lần phân chuồng. Nên thân lá lạc còn là loại phân xanh có giá trị cả về chất lượng và
khối lượng, và theo ước tính thì 01 ha thân lá lạc đủ bón cho 2 - 3 ha lúa và năng suất
tăng rõ rệt [26].
Bên cạnh đó, lạc còn là nguồn thức ăn tốt cho gia súc. Thân lá có tỷ lệ đường
>24%, protein >10% làm thức ăn xanh cho gia súc. Vỏ lạc có 3,7% protein; 1,4%
lipid; 32,3% gluxit nên có thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho gia súc [60].
Trong công nghiệp, hạt lạc được dùng trong công nghiệp ép dầu. Trên thế giới có
khoảng 80% số lạc sản xuất ra được dùng ở dạng dầu ăn, khoảng 20% được chế biến
bằng các sản phẩm khác như: bánh kẹo, mứt, bơ...
1.1.2. Nhu cầu dinh dưỡng của cây lạc
Theo kết quả nghiên cứu, để đạt 1 tấn quả (kèm với thân lá), cây lạc lấy đi từ đất
64 kg N, 16 kg P2O5, 27 kg K2O, 26,3 kg Cao, 16,7 kg MgO và 7,1 kg S [14]. Hầu hết
các loại đất trồng lạc ở nước ta có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp, nông dân ít chú
trọng đến việc bổ sung phân bón nên năng suất lạc đạt rất thấp. Năng suất lạc còn
chênh lệch quá lớn giữa năng suất tiềm năng và năng suất thực tế [15]. Phân bón là
một trong những yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến sinh trưởng và phát triển cũng
như khả năng hình thành năng suất của tất cả các cây trồng.
* Đạm (N)
Nitơ có vai trò quan trọng đối với sinh trưởng, phát triển và năng suất lạc. Nhu
cầu đạm của lạc cao hơn nhiều so với các loại cây ngũ cốc vì hàm lượng protein trong
hạt chiếm 26 - 34% cao hơn 1,5 lần so với hạt ngũ cốc.
Cây lạc có thể lấy nitơ từ nhiều nguồn: Nguồn nitơ từ khí trời thông qua vi khuẩn
cố định đạm, nguồn nitơ có sẵn trong đất, nguồn nitơ từ phân hữu cơ và vô cơ. Nguồn
đạm cố định được có thể đáp ứng được 50 - 70% nhu cầu đạm của cây lạc. Cây lạc là
cây đậu đỗ có khả năng cố định nitơ phân tử do cộng sinh với vi khuẩn nốt sần để tổng
hợp đạm cung cấp cho cây. Tuy nhiên, vì nốt sần của cây lạc được hình thành khi cây
bắt đầu phân cành đến bắt đầu ra hoa, nên ở giai đoạn đầu sinh trưởng khi cây 3 - 4 lá
cần bón bổ sung một lượng đạm hoặc bón một lượng phân hữu cơ, nhằm tạo điều kiện
cho cây sinh trưởng và phát triển mạnh, thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn cộng sinh
ở giai đoạn sau [15], [35]. Lượng đạm bón cho cây có tương quan chặt chẽ đến chiều

cao cây, chiều dài cành. Bón đạm quá ngưỡng sẽ gây nên hiện tượng mất cân đối giữa
sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực, thân lá phát triển mạnh làm ảnh
hưởng đến quá trình tạo quả và hạt, dẫn đến năng suất thấp.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy trên nền phân chuống 8 -10 tấn/ha thì lượng
đạm bón thích hợp là 30kg N/ha. Tăng liều lượng N lên 40kg N/ha sẽ làm giảm năng


9

suất thực thu do sinh khối cây lạc phát triển mạnh [20]. Trần Thị Thu Hà (2004) [31]
đã xác định, bón 30 kg N/ha cho năng suất lạc cao nhất và cao hơn từ 8,4 - 11,4% so
với lượng bón 40 kg N/ha và 50 kg N/ha trên đất phù sa nghèo dinh dưỡng ở Thừa
Thiên Huế. Tuy nhiên, trên đất cát ven biển Thừa Thiên Huế, Lê Thanh Bồn (1997)
[9] đã xác định bón 40 kg N/ha làm tăng năng suất 10,18% so với đối chứng. Lượng N
thích hợp cho cây lạc L23 tại Hà Tĩnh là 40 kg N/ha [56] và 30 kg N/ha đối với giống
lạc LDH01 trên đất xám bạc màu ở Bình Định [11].
* Lân
Lân là yếu tố dinh dưỡng quan trọng đối với lạc. Lân có tác dụng kích thích sự
phát triển của bộ rễ, thúc đẩy sự hình thành nốt sần, tăng cường khả năng hút đạm của
cây, thúc đẩy sự ra hoa đậu quả sớm. Cây lạc có nhu cầu lân nhiều nhất ở thời kỳ từ ra
hoa đến sau hình thành quả. Ở thời kỳ cây con hàm lượng lân trong cây không cao
nhưng lân rất cần thiết để vi khuẩn nốt sần phát triển [82].
Theo nghiên cứu của Bùi Huy Hiền (1995) [35], trên đất cát biển không chua (pH
5,8 - 6,0) hiệu lực các loại phân lân (phân lân nung chảy và phân lân chậm tan) cao,
chỉ thấp hơn supe lân trên nền 8 tấn phân chuồng + 30 kg N + 30 kg K2O/ha. Bón supe
lân giúp năng suất lạc tăng 115% so với đối chứng và tăng 112% khi bón phân lân
nung chảy.
Lượng lân thích hợp bón cho cây lạc trên đất cát biển ở Thừa Thiên Huế là 60 - 90 kg
P2O5/ha [8]; trên đất xám bạc màu ở Bình Định là 90 kg P2O5/ha [11] và ở Hà Tĩnh là
120 kg P2O5/ha [56].

* Kali
Kali không trực tiếp đóng vai trò là thành phần cấu tạo của cây, nhưng tham gia
vào các hoạt động của các enzym và là chất điều chỉnh xúc tác, làm tăng cường mô cơ
giới, tăng tính chống đổ của cây, tăng tính chịu hạn. Vai trò quan trọng nhất của kali là
xúc tiến quá trình quang hợp và sự hình thành quả. Thiếu kali, khả năng quang hợp và
hấp thu đạm giảm, tỷ lệ quả 1 hạt tăng, khối lượng hạt và năng suất lạc giảm rõ rệt [15].
Theo Nguyễn Văn Bộ và cs (1999) [6], trên đất bạc màu phù sa cổ, hiệu suất sử
dụng kali của cây lạc 2,3 - 8,2 kg lạc vỏ/kg K2O, năng suất lạc đạt cao nhất ở lượng
bón 90 kg K2O/ha và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất ở lượng bón 60 kg K2O/ha.
Lượng phân kali hợp lý cho giống lạc LDH01 trên đất xám bạc màu ở Bình Định
là 60 kg K2O/ha [11] và 80 kg K2O/ha đối với giống lạc L23 ở Hà Tĩnh [56].


10

* Trung lượng và vi lượng
Canxi là một nguyên tố không thể thiếu khi trồng lạc. Lượng canxi cây lạc hấp
thu gấp 2 - 3 lần lượng lân. Vôi bón cho lạc có tác dụng khử chua cho đất, tạo môi
trường thuận lợi cho vi khuẩn nốt sần phát triển và quan trọng nhất góp phần hình
thành quả lạc [14].
Trên đất bạc màu bón vôi từ 300 - 500 kg/ha đã tăng năng suất lạc đáng kể, tăng
lên trên 600 kg/ha đã làm năng suất lạc giảm. Trên đất cát biển, lượng vôi thích hợp
300 - 400 kg/ha [7], [14]. Theo Trần Thị Thu Hà (2004) [31], lượng vôi bón thích hợp
cho cây lạc trồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế là 500 kg/ha đối với đất phù sa và 300 kg/ha
đối với đất cát ven biển.
Các nguyên tố vi lượng đóng vai trò là chất xúc tác hoặc là một thành phần của
các enzim hoặc chất hoạt hóa của hệ enzim cho các quá trình sống của cây. Đối với
cây lạc, có 2 nguyên tố vi lượng quan trọng là Molipden (Mo) và Bo (B).
Molipden rất cần thiết cho hoạt động cố định N2 của vi khuẩn nốt sần. Trong điều
kiện cây hút đủ Mo thì số lượng và trọng lượng nốt sần đều tăng, cường độ cố định N

của vi khuẩn nốt sần cũng tăng rõ rệt, do đó làm tăng lượng chứa đạm của cây. Thiếu
Mo thì hoạt động cố định N của vi khuẩn nốt sần bị giảm, cây có biểu hiện thiếu N.
Trong điều kiện thiếu N, vai trò của sự cố định N được nâng cao thì vai trò của Mo
càng quan trọng [2].
Bo (B) đóng vai trò quan trọng trong quá trình thụ phấn, thụ tinh của cây lạc. Bo
giúp cho quá trình hình thành rễ được tốt, tia quả không bị nứt, hạn chế nấm bệnh xâm
nhập. Thiếu Bo, tỷ lệ hoa hữu hiệu giảm rõ rệt, số lượng hoa cũng giảm, dẫn đến giảm
số quả/cây, hạt lép, sức sống hạt giống giảm [2].
Ngoài 2 nguyên tố vi lượng chính là Mo và Bo, một số nguyên tố vi lượng khác
như Fe, Cu, Zn cũng đóng vai trò quan trọng đối với năng suất lạc. Tuy nhiên, thường
cây có thể hấp thu lượng dinh dưỡng này từ đất đủ cho quá trình sinh trưởng và phát
triển của cây, trong sản xuất ít khi phải bổ sung các loại vi lượng này [16].
Bón phân để thỏa mãn yêu cầu về dinh dưỡng khoáng cho cây lạc nhằm đạt năng
suất cao, phẩm chất tốt là vấn đề được nghiên cứu từ lâu và ở nhiều vùng trồng lạc trên
thế giới, người ta thường coi lạc là “cây trồng có phản ứng thất thường”. Tuy nhiên,
gần đây với những tiến bộ trong công tác nghiên cứu dinh dưỡng khoáng cũng như
sinh lý cây lạc, đã nắm chắc hơn yêu cầu dinh dưỡng khoáng của cây lạc và sử dụng
phân bón đạt được hiệu quả tốt hơn.


11

1.1.3. Các loại phân hữu cơ chủ yếu sử dụng trong sản xuất nông nghiệp
1.1.3.1 Phân hữu cơ truyền thống (phân hữu cơ nhà nông)
Theo các văn bản quy định của nhà nước về phân bón hữu cơ [3], [4], [5] và Bùi
Huy Hiền [36], [37] thì phân hữu cơ truyền thống là loại phân có nguồn gốc từ chất
thải người, động vật hoặc từ các phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông,
lâm, thuỷ sản, phân xanh, rác thải hữu cơ, các loại than bùn được chế biến theo
phương pháp ủ truyền thống. Có thể chia phân hữu cơ truyền thống làm các nhóm
chính như sau:

- Phân chuồng: là những loại phân hữu cơ tạo bởi phân gia súc, gia cầm (trâu, bò,
lợn, gà...) được độn thêm các chất độn là phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cỏ...).
Phân chuồng có hai loại:
+ Phân chuồng tươi có thành phần dinh dưỡng chính: 24 - 25% chất hữu cơ; 0,45
- 0,50% N; 0,25 - 0,3% P2O5 và 0,5 - 0,6% K2O.
+ Phân chuồng hoại mục (là phân chuồng tươi được ủ hoai sau 2 - 3 tháng), với
thành phần dinh dưỡng chính gồm: 19 - 20% chất hữu cơ; 0,50 - 0,60% N; 0,30 0,40% P2O5 và 0,6 - 0,7% K2O.
Tùy theo điều kiện sản xuất mà nông dân có thể sử dụng phân chuồng tươi và
phân chuồng hoai mục. Tuy nhiên, việc sử dụng phân chuồng tươi có thể dẫn đến
mang theo mầm bệnh và cỏ dại cho cây trồng.
- Phân rác (phân xanh): loại phân này làm từ rơm, rạ, thân lá các cây ngô, đậu,
đỗ, vỏ lạc, trấu, bã mía,... Thành phần trung bình của phân rác như sau: 0,5 - 0,6% N;
0,4 - 0,6% P2O5; 0,5 - 0,8% K2O; 3 - 6% CaO.
- Phân than bùn: dùng than bùn đã được phơi khô để độn chuồng, hoặc có thể
dùng để chế biến phân rác, làm chất đốt, chất cải tạo đất. Than bùn không dùng trực
tiếp làm phân bón, chỉ để ủ phân rác hoặc độn chuồng; than bùn có độ phân giải cao
(>50%) và pH từ 5,5 trở lên có thể bón trực tiếp, nhất là dùng để làm chất cải tạo lý
tính đất.
Ngoài ra còn một số loại phân hữu cơ truyền thống khác như:
- Bùn ao, bùn hồ, bùn sông: có hàm lượng mùn trung bình là: 4,90% (dao động
trong khoảng 1,65 - 14,90%), N tổng số: 0,23% (dao động 0,11 - 0,52%), P2O5 tổng
số: 0,29% (dao động 0,21 - 0,48%), K2O tổng số: 0,40% (dao động 0,13 - 0,70%), H2S
trung bình là 7,1 mg/100 g bùn (dao động 3,4 - 13,6 mg/100 g).


12

- Khô dầu: là bã còn lại sau khi hạt đã ép lấy dầu. Tùy theo thành phần của mỗi
loại khô dầu mà nông dân đã sử dụng như loại phân bón hữu cơ, bón vào đất để cung
cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Bình quân hàm lượng dinh dưỡng như sau: 3,97% N;

1,23% P2O5; 0,91% K2O.
1.1.3.2. Phân hữu cơ công nghiệp
- Phân hữu cơ chế biến (công nghiệp) là một loại phân được chế biến từ các
nguồn hữu cơ khác nhau, theo một quy trình công nghiệp nhất định, để tạo thành một
loại phân hữu cơ bón vào đất, có tác dụng tăng năng suất cây trồng, cải tạo độ phì
nhiêu đất tốt hơn so với bón vào đất bằng các nguyên liệu thô ban đầu [3], [4], [5]. Có
thể chia ra các loại phân hữu cơ chế biến như sau:
- Phân hữu cơ khoáng: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ được
trộn thêm một hoặc một số yếu tố dinh dưỡng khoáng, trong đó có ít nhất một yếu tố
dinh dưỡng khoáng đa lượng. Phân phải đảm bảo một số chỉ tiêu bắt buộc như sau: ẩm
độ đối với phân bón dạng bột ≤ 25%; hàm lượng hữu cơ tổng số ≥ 15%; hàm lượng
Nts + P2O5hh + K2Ohh ≥ 8%.
- Phân hữu cơ sinh học: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ theo
quy trình lên men có sự tham gia của vi sinh vật sống có ích hoặc các tác nhân sinh
học khác. Phân phải đảm bảo một số chỉ tiêu bắt buộc như sau: ẩm độ đối với dạng bột
≤ 25%; hàm lượng hữu cơ tổng số ≥ 22%; hàm lượng Nts ≥ 2,5%; hàm lượng axit
humic (đối với phân chế biến từ than bùn) ≥ 2,5% (hoặc tổng hàm lượng các chất sinh
học đối với phân chế biến từ nguồn hữu cơ khác ≥ 2,0%). Nếu phân có bổ sung chất
điều tiết sinh trưởng thì tổng hàm lượng của chúng ≤ 0,5%.
- Phân hữu cơ vi sinh: là loại phân được sản xuất từ nguyên liệu hữu cơ có chứa
ít nhất một chủng vi sinh vật sống có ích với mật độ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật
đã ban hành. Phân phải đảm bảo một số chỉ tiêu bắt buộc: ẩm độ đối với phân bón
dạng bột ≤ 30%; hàm lượng hữu cơ tổng số ≥ 15%; mật độ mỗi chủng vi sinh vật có
ích ≥ 1 × 106 CFU/g.
- Phân vi sinh vật: là loại phân trong thành phần chủ yếu có chứa một hay nhiều
loại vi sinh vật sống có ích bao gồm: nhóm vi sinh vật cố định đạm, phân giải lân,
phân giải kali, phân giải cellulose, vi sinh vật đối kháng, vi sinh vật tăng khả năng
quang hợp và các vi sinh vật có ích khác với mật độ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật
đã ban hành. Phân phải đảm bảo một số chỉ tiêu bắt buộc như sau:
Mật độ mỗi chủng vi sinh vật có ích trên nền chất mang khử trùng ≥ 108 CFU/g;

trên nền chất mang không khử trùng có mật độ vi sinh vật hữu ích > 106 CFU/g.


13

1.1.3.3. Vai trò của phân hữu cơ
Cho đến nay, các tài liệu trong và ngoài nước đều khẳng định hàm lượng chất
hữu cơ trong đất là yếu tố hàng đầu quyết định độ phì nhiêu đất. Tuy nhiên, hàm lượng
chất hữu cơ được tích lũy trong đất phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như lượng hữu
cơ bón vào, chất lượng hữu cơ, điều kiện tự nhiên (nhiệt độ, ẩm độ…), tốc độ phân
giải hữu cơ trong đất, sử dụng bởi cây trồng, rửa trôi, xói mòn…
Trong điều kiện nhiệt đới ẩm, tốc độ khoáng hóa chất hữu cơ trong đất rất cao.
Theo những nghiên cứu của Nguyễn Vi (1999) [84], thì các chất hữu cơ bón vào đất ở
Việt Nam sẽ bị phân giải nhanh, bình quân 9 tháng đến 1 năm gần như đã phân giải hết.
Đất mới khai hoang có hàm lượng hữu cơ khá cao (5 - 6%), song chỉ cần sau 4 -5
năm canh tác cây lương thực ngắn ngày, lượng chất hữu cơ giảm trung bình 50 - 60%
[54]. Nguyên nhân của sự suy giảm nói trên là do tổng hợp của nhiều nguyên nhân.
Ngoài lượng cây trồng sử dụng, thì quá trình khoáng hóa mạnh hữu cơ do nhiệt độ cao,
quá trình rửa trôi, xói mòn là những nguyên nhân chính. Nhưng nguyên nhân quan
trọng nhất là việc bổ sung hữu cơ cho đất, cho cây không được chú ý đúng mức, chỉ
nặng về phân hóa học.
- Cải tạo đất
Mùn là một thực thể hữu cơ phức tạp, là cơ sở chủ yếu của độ phì nhiêu của đất.
Ngày nay quan điểm sinh học về quá trình hình thành mùn được nhiều người công
nhận cho rằng: Hình thành mùn là quá trình phân giải các chất hữu cơ. Các phản ứng
xảy ra trong quá trình hình thành mùn là các phản ứng sinh hóa với sự tham gia của
các enzym do vi sinh vật tiết ra.
Thành phần của mùn có cấu tạo đặc trưng bởi các hợp chất chính: như axit
humic, axit fulvic và các hợp chất humin, axit ulmic. Chất mùn là kho dự trữ thức ăn
cho cây trồng. Axit mùn trong đất còn có tác dụng kích thích sự phát triển của rễ và sự

sinh trưởng của cây trồng.
Bón phân hữu cơ là cung cấp thêm chất hữu cơ, bổ sung hàm lượng mùn, tạo nên
cấu trúc bền vững, cải thiện độ xốp, hạn chế sự rửa trôi và xói mòn của đất, giúp cây
hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng hơn. Đất làm quá tơi không được bồi một lớp hữu cơ
thì sau khi tưới nước hoặc sau khi mưa sẽ tạo thành một lớp váng ngăn cản việc lưu
thông không khí, thấm nước, hạn chế nẩy mầm của hạt và dễ bị xói mòn.
Chất hữu cơ không chỉ là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng do mùn bị
phân hủy và hòa tan các chất vô cơ trong đất [83] mà còn có tính chất bền vững đến


Luận án đầy đủ ở file: Luận án full













×