Tải bản đầy đủ (.pdf) (123 trang)

Pháp luật về phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ở việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.01 MB, 123 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TƢ PHÁP

TRƢỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

ĐINH TIẾN HOÀNG

PHÁP LUẬT VỀ PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƢỜNG TRONG
HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN Ở VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

Chuyên ngành: Luật Kinh tế
Mã số: 60 38 01 07

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS. TS. Vũ Thu Hạnh

HÀ NỘI, NĂM 2016


LỜI CAM ĐOAN

Tác giả xin cam đoan Luận văn này là công trình nghiên cứu do tự bản
thân thực hiện và không sao chép các công trình nghiên cứu của cá nhân, tổ
chức khác. Các số liệu, thông tin được trích dẫn trong Luận văn có nguồn gốc
rõ ràng và tuân thủ đúng nguyên tắc trích dẫn. Kết quả trình bày trong Luận
văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trước đây. Tác giả hoàn toàn
chịu trách nhiệm về tính xác thực và nguyên bản của Luận văn.

Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 2016


Xác nhận của giảng viên hƣớng dẫn

Học viên

PGS.TS. Vũ Thu Hạnh

Đinh Tiến Hoàng


LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình nghiên cứu đề tài “Pháp luật về phí bảo vệ môi trường
trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam”, tác giả đã nhận được sự
giúp đỡ và hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân.
Với tấm lòng chân thành và sự biết ơn sâu sắc nhất, tác giả xin được gửi
lời cảm ơn đặc biệt tới Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thu Hạnh – Phó Vụ trưởng
Vụ Nghiên cứu Tổng hợp, Ban Nội chính Trung Ương – người đã theo dõi và
hướng dẫn sát sao, giúp tác giả có những định hướng và kỹ năng nghiên cứu
đúng đắn trong quá trình triển khai đề tài.
Tác giả xin gửi lời cám ơn tới chuyên gia địa chất, khoáng sản, Tiến sĩ
Lê Ái Thụ – Nguyên Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Pháp chế, Tổng Cục Địa chất
và Khoáng sản Việt Nam, đã gợi mở các nội dung nghiên cứu mới và chuyên
sâu cho tác giả. Tác giả cũng gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia: Ông Đậu Anh
Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế; Bà Phan Minh Thủy – Trưởng phòng Xây
dựng pháp luật, Ban Pháp chế; Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên Ban
Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Bà Trần Thị Thanh
Thủy – Trưởng phòng Nghiên cứu chính sách và Bà Nguyễn Thị Bích Thủy –
cán bộ phòng Tài chính kế toán, Trung tâm Con người và Thiên nhiên
(PanNature) đã tạo điều kiện cho tác giả được tiếp xúc với các tài liệu nghiên
cứu và được công tác thực tế trong phạm vi đề tài.
Tác giả xin gửi lời tri ân tới các thầy cô Khoa Pháp luật Kinh tế nói

chung, các thầy cô Tổ bộ môn luật môi trường (Trường Đại học Luật Hà Nội)
nói riêng đã trang bị cho tác giả những kiến thức nền tảng trong suốt hai năm
đào tạo. Cuối cùng, tác giả xin gửi lời cảm ơn tới những người thân trong gia
đình, bạn bè đã động viên, khích lệ tác giả trong suốt quá trình nghiên cứu và
hoàn thành Luận văn này.


DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
*****
AES

Thang điểm đánh giá tổng thể môi trường
(Aggregate Environmental Score)

CBA

Phương pháp phân tích lợi ích – chi phí
(Cost benefit analysis)

CDI

Trung tâm Phát triển và Hội Nhập
(The Centre for Development and Integration)

EITI

Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác
(Extractive Industries Transparency Initiative)

GDP


Tổng sản phẩm quốc nội (Gross Domestic Product)

ISO 14001

Tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường

NS

Ngân sách

Nxb.

Nhà xuất bản

PanNature

Trung tâm Con người và Thiên nhiên

PPP

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền
(Polluter Pays Principle)

Tlđd.

Tài liệu đã dẫn

TNHH


Trách nhiệm hữu hạn

Tr.

Trang

VCCI

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
(Vietnam Chamber of Commercial and Industry)

VFEJ

Diễn đàn các Nhà báo môi trường Việt Nam
(Vietnam Forum of Environmental Journalists)


DANH MỤC CÁC BẢNG
Số

Tên bảng

Trang

01

Kết quả thu phí bảo vệ môi trường từ khai thác khoáng sản
tại một số địa phương năm 2012 – 2013

54


02

Quy định về tỷ lệ phân bổ phí bảo vệ môi trường đối với
khai thác khoáng sản ở một số địa phương tính đến 2015

59

DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Số

Tên biểu đồ

Trang

01

Nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

52

02

Thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trong khai thác
khoáng sản tại tỉnh Bình Định

53

03


Nguồn thu từ khai thác khoáng sản tại tỉnh Lào Cai

53

04

Một số khoản thu từ khai thác khoáng sản tại Nghệ An năm 2015

54

05

Mô hình quản lý, sử dụng nguồn phí đề xuất

83

DANH MỤC CÁC PHỤ LỤC
Số

Tên Phụ lục

01

Tổng hợp nghĩa vụ tài chính và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp
khai khoáng khi thực hiện dự án khai thác khoáng sản tại Việt Nam

02

Hệ số bóc đất, đá của một số loại khoáng sản


03

Biểu khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
(Ban hành kèm theo Nghị định số 12/2016/NĐ-CP)

04

Đánh giá tác động môi trường của từng loại khoáng sản khi được khai
thác theo các chuyên gia môi trường Việt Nam

05

Hình ảnh về hoạt động khai thác khoáng sản và việc xây dựng chính
sách phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

06

Danh sách các đơn vị đã khảo sát (2009 – 2016)


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU .............................................................................................. 1
CHƢƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT PHÍ
BẢO VỆ MÔI TRƢỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC
KHOÁNG SẢN................................................................................................ 9
1.1. Khái quát về hoạt động khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi
trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và pháp luật phí bảo
vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ............................... 9
1.1.1. Khái quát hoạt động khai thác khoáng sản .................................... 9
1.1.2. Khái quát phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác

khoáng sản .................................................................................... 12
1.1.3. Khái quát pháp luật phí bảo vệ môi trường trong hoạt động
khai thác khoáng sản .................................................................... 16
1.2. Vai trò, mục đích, ý nghĩa của phí bảo vệ môi trường trong hoạt
động khai thác khoáng sản ...................................................................... 19
1.2.1. Vai trò............................................................................................ 19
1.2.2. Mục đích ........................................................................................ 20
1.2.3. Ý nghĩa .......................................................................................... 21
1.3. Cơ sở xây dựng quy định của pháp luật về phí bảo vệ môi trường
trong hoạt động khai thác khoáng sản..................................................... 22
1.3.1. Cơ sở lý luận ................................................................................. 22
1.3.2. Cơ sở chính trị, pháp lý................................................................. 24
1.3.3. Cơ sở thực tiễn .............................................................................. 26
1.4. Kinh nghiệm xây dựng và áp dụng pháp luật phí bảo vệ môi trường
đối với khai thác khoáng sản ở một số quốc gia trên thế giới ................ 28
Kết luận chƣơng 1 ......................................................................................... 34


CHƢƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN ÁP
DỤNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ PHÍ BẢO VỆ MÔI
TRƢỜNG TRONG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN Ở VIỆT NAM ......... 35
2.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về phí bảo vệ môi trường trong
hoạt động khai thác khoáng sản .............................................................. 35
2.1.1. Đối tượng chịu phí ........................................................................ 36
2.1.2. Chủ thể nộp phí ............................................................................. 38
2.1.3. Phương thức tính phí .................................................................... 39
2.1.4. Mức thu phí ................................................................................... 44
2.1.5. Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn phí ........................... 46
2.1.6. Kiểm tra, thanh tra việc thu nộp phí và xử lý vi phạm pháp
luật về phí ...................................................................................... 50

2.2. Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật về phí bảo vệ môi trường
trong khai thác khoáng sản ở Việt Nam.................................................. 51
2.2.1. Những thành tựu đạt được ............................................................ 51
2.2.2. Những vấn đề đặt ra...................................................................... 56
Kết luận chƣơng 2 ......................................................................................... 66
CHƢƠNG 3: PHƢƠNG HƢỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN
PHÁP LUẬT PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƢỜNG TRONG HOẠT
ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TẠI VIỆT NAM........................... 67
3.1. Phương hướng, mục tiêu, yêu cầu hoàn thiện pháp luật phí bảo vệ
môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam ............ 67
3.1.1. Phương hướng hoàn thiện pháp luật ............................................ 67
3.1.2. Mục tiêu hoàn thiện pháp luật ...................................................... 68
3.1.3. Yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật ......................................... 69
3.2. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về phí bảo vệ môi trường
trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam ............................... 70


3.2.1. Hoàn thiện quy định về đối tượng chịu phí, chủ thể nộp phí........ 70
3.2.2. Hoàn thiện quy định về phương thức tính phí .............................. 73
3.2.3. Hoàn thiện quy định về chế độ thu nộp, quản lý, sử dụng
nguồn phí ...................................................................................... 81
Kết luận chƣơng 3 ......................................................................................... 88
KẾT LUẬN .................................................................................................... 89


1

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Tài nguyên khoáng sản là tài sản thuộc sở hữu chung của toàn dân, là

nguồn lực, là vốn tự nhiên để phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.
Ngành khai khoáng đóng góp một phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của
Việt Nam, trung bình mỗi năm tăng khoảng 10% - 11% trong GDP cả nước.
Về cơ bản, ngành này đã đáp ứng kịp thời nguyên liệu cho các ngành công
nghiệp trong nước cần sử dụng nguyên liệu khoáng, góp phần đảm bảo an
ninh năng lượng, đồng thời phục vụ nhu cầu xuất khẩu quặng sang một số thị
trường lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp và tiềm năng phát triển, khai thác
khoáng sản cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường và xã hội.
Khác với các loại hình công nghiệp khác, khai thác khoáng sản thường chiếm
dụng diện tích đất lớn và làm thay đổi cấu trúc địa chất trong khu vực. Các tác
động môi trường vẫn có thể tiếp diễn sau khi dự án khai thác khoáng sản kết
thúc. Các mỏ khoảng sản thường nằm trên địa bàn vùng sâu vùng xa, nơi
cộng đồng địa phương chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên như đất,
rừng và nước để tạo nguồn sinh kế. Do đó, việc phá hủy các tài nguyên khác
như đất, rừng và nước sẽ tác động tiêu cực đến nguồn sinh kế và chất lượng
cuộc sống của cộng đồng.
Việt Nam đã bắt đầu thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với khai
thác khoáng sản từ năm 2006. Theo quy định trước đây, toàn bộ nguồn thu
này do chính quyền địa phương quản lý và sử dụng để khắc phục các hậu quả
môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản mang lại. Trên thực tế, chính
sách phí bảo vệ môi trường cũng đã tạo ra một nguồn lực tài chính đáng kể
cho một số địa phương. Tuy nhiên, cộng đồng địa phương trực tiếp bị ảnh
hưởng tiêu cực từ hoạt động khai thác khoáng sản lại chưa được đầu tư đúng
mức để khắc phục các sự cố, các hậu quả về môi trường. Như vậy, nguồn thu


2

phí từ bảo vệ môi trường trong thời gian qua chưa được quản lý và sử dụng

một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, các căn cứ để tiến hành thu phí và xác định mức phí mà
các cá nhân, tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản phải nộp vẫn còn nhiều
điểm chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tính đến các yếu tố gây ô nhiễm môi
trường; chưa phù hợp với các quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2014
và chủ trương của Chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường. Những quy
định bất hợp lý này đã gặp phải phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp khai
khoáng trong thời gian vừa qua.
Ngày 19 tháng 02 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số
12/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Theo
đó, Nghị định mới ban hành đã có nhiều sửa đổi tiến bộ trong quy định về
phương thức tính phí và chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn phí. Cuối
tháng 04 năm 2016, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư hướng dẫn thực
hiện Nghị định số 12/2016/NĐ-CP. Theo dự kiến, sau khi Thông tư có hiệu
lực thi hành, Hội đồng nhân dân các tỉnh, Thành phố nơi có hoạt động khai
thác khoáng sản sẽ xây dựng Nghị quyết về thu và sử dụng phí bảo vệ môi
trường tại địa phương.
Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ, song các quy định mới của pháp luật về
phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản vẫn còn những hạn chế
nhất định, có khả năng tiếp tục gây nên những bất cập và xung đột xã hội
trong công tác triển khai, thi hành. Do đó, việc tìm hiểu những vấn đề lý luận,
phân tích quy định của pháp luật gắn với thực tiễn thi hành về phí bảo vệ môi
trường tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng đối với công
tác bảo vệ môi trường.
Với những lý do đó, việc nghiên cứu “Pháp luật về phí bảo vệ môi
trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam” có ý nghĩa khoa
học và thực tiễn cao.


3


2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Dưới góc độ nghiên cứu thực tiễn, các cơ quan, tổ chức của Việt Nam
đã tổ chức nhiều dự án nghiên cứu pháp luật, các buổi hội thảo, khảo sát về
tình hình xây dựng và áp dụng pháp luật phí bảo vệ môi trường đối với khai
thác khoáng sản phục vụ cho quá trình hoàn thiện pháp luật và nâng cao công
tác thực thi. Một số dự án, chương trình tiêu biểu có thể kể đến là:
“Tọa đàm lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 74/2011/NĐ-CP về phí bảo vệ
môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản” do Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày
10/02/2015 tại Hà Nội;
“Dự án vận động sửa đổi Nghị định 74/2011/NĐ-CP nhằm quản lý và
sử dụng hiệu quả nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng
sản” do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Bộ Tài nguyên
và Môi trường (MONRE), Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature),
Diễn đàn Nhà báo vì môi trường (VFEJ) và VCCI thực hiện năm 2015 tại Hà
Nội, Yên Bái và Thái Nguyên;
“Dự án thúc đẩy minh bạch và và thực thi EITI cho ngành công nghiệp
khai thác khoáng sản thông qua tăng cường tiếng nói của Doanh nghiệp” do
VCCI phối hợp với PanNature và VFEJ thực hiện năm 2015 và 2016 tại ba
tỉnh thành Hà Nội, Quảng Ninh và Bình Định;
“Dự án vận động xây dựng chính sách phí bảo vệ môi trường theo
hướng tăng cường minh bạch và giảm nhẹ các tác động tiêu cực đối với cộng
đồng” do CDI phối hợp với PanNature đang thực hiện năm 2016 tại Quảng
Nam, Hòa Bình và Thái Nguyên…
Dưới góc độ nghiên cứu khoa học pháp lý và chính sách, hiện chưa có
nhiều công trình nghiên cứu về pháp luật phí bảo vệ môi trường đối với khai
thác khoáng sản. Các tác giả thường tiếp cận pháp luật phí môi trường với tư



4

cách là một trong các công cụ kinh tế được áp dụng trong bảo vệ môi trường,
như tác giả Nguyễn Ngọc Anh Đào với Luận án Tiến sĩ Luật học “Pháp luật
về sử dụng các công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện
nay”, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, 2013; tác giả Bùi Thị Thu
Hoài với đề tài Khóa luận tốt nghiệp “Pháp luật về bảo vệ môi trường trong
hoạt động khai thác ở Việt Nam”, Khoa Luật - Trường Đại học Huế, 2014.
Năm 2015, Trung tâm Con người và Thiên nhiên có xuất bản ấn phẩm “Trả
lại bản chất phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản nhằm giảm
thiểu tác động và hạn chế xung đột trong lĩnh vực khai thác khoáng sản”,
trong đó phân tích các tác động của hoạt động khai khoáng, thực trạng sử
dụng nguồn phí bảo vệ môi trường và đề xuất chính sách. Tuy nhiên, nghiên
cứu này chỉ kiến nghị một số phương án hoàn thiện về cơ chế phân bổ, sử
dụng nguồn phí.
Như vậy, hiện tại chưa có một công trình nghiên cứu khoa học pháp lý
nào đề cập một cách toàn diện và có hệ thống, có tính chuyên sâu về pháp luật
phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam. Do
đó, việc nghiên cứu đề tài của Luận văn là hoàn toàn cần thiết, góp phần đánh
giá và giải quyết những vướng mắc còn tồn tại trong hệ thống pháp luật Việt
Nam hiện hành về phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng
sản.
3.

Đối tƣợng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của Luận văn là những khái niệm về hoạt động
khai thác khoáng sản, pháp luật về phí và phí bảo vệ môi trường đối với khai
thác khoáng sản; cơ sở của việc xây dựng pháp luật phí bảo vệ môi trường

trong khai thác khoáng sản; các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật
nước ngoài về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản và thực
tiễn áp dụng quy định của pháp luật về loại phí này tại Việt Nam hiện nay.


5

3.2. Phạm vi nghiên cứu
Dưới góc độ văn bản pháp luật, Luận văn được nghiên cứu dựa trên
các quy định của Luật Khoáng sản 2010, Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị
định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25 tháng 08 năm 2011 và Nghị định số
12/2016/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ về phí bảo vệ
môi trường đối với khai thác khoáng sản, Thông tư số 66/2016/TT-BTC ngày
29 tháng 4 năm 2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số
12/2016/NĐ-CP. Ngoài ra, do chính sách pháp luật về phí bảo vệ môi trường
đã được thực hiện từ năm 2006 nên Luận văn cũng nghiên cứu trên phạm vi
các văn bản pháp luật về phí bảo vệ môi trường trước thời điểm năm 2011.
Dưới góc độ các vấn đề nghiên cứu, Luận văn chỉ nghiên cứu các vấn
đề về lý luận chung, thực trạng quy định của pháp luật, thực tiễn áp dụng và
đề xuất kiến nghị trong việc hoàn thiện pháp luật về phí bảo vệ môi trường
đối với khai thác khoáng sản. Luận văn không chú trọng tới các vấn đề kỹ
thuật, nghiệp vụ trong việc đảm bảo thực thi công cụ phí trên thực tế.
Trên phạm vi lãnh thổ, nội dung của Luận văn được nghiên cứu không
chỉ tổng quan trên cả nước mà còn trong phạm vi từng tỉnh, huyện, xã nhằm
tăng tính thiết thực và tính thuyết phục cho các luận điểm được nêu ra.
4.

Mục tiêu nghiên cứu, nhiệm vụ nghiên cứu

4.1. Mục tiêu nghiên cứu

Việc nghiên cứu đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu:
Một là, làm sáng tỏ những vấn đề chung về hoạt động khai thác khoáng
sản, phí bảo vệ môi trường và pháp luật về phí bảo vệ môi trường trong hoạt
động khai thác khoáng sản,
Hai là, phân tích, đánh giá thực trạng quy định của pháp luật và thực
tiễn thi hành pháp luật về phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác
khoáng sản;


6

Ba là, chỉ ra những thiếu sót, bất cập trong các quy định pháp luật hiện
hành về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, từ đó đề xuất
một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về phí bảo vệ môi trường
đối với khai thác khoáng sản.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện được các mục tiêu này, nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể của
Luận văn là:
Nghiên cứu lý luận về phí và pháp luật bảo vệ môi trường nói chung và
pháp luật phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản nói riêng;
Tìm hiểu một cách đầy đủ và có hệ thống các quy định của pháp luật về
phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản;
Nhận thức được tình hình thực tiễn thực hiện các quy định của pháp
luật về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, lý giải được
nguyên nhân;
Luận giải về phương hướng, yêu cầu hoàn thiện quy định của pháp luật
về phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, đồng thời đề
ra các giải pháp để hoàn thiện những bất cập tồn tại trong các quy định của
pháp luật hiện hành.
5.


Các câu hỏi nghiên cứu của Luận văn
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đặt ra một số câu hỏi khi nghiên

cứu Luận văn, bao gồm:
Một là, khai thác khoáng sản là gì? Tại sao cần phải có sự điều chỉnh
của pháp luật, trong đó có pháp luật về phí bảo vệ môi trường đối với ngành
công nghiệp này?
Hai là, pháp luật về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
được xây dựng dựa trên những cơ sở nào? Thực trạng quy định của pháp luật
Việt Nam có phù hợp với những cơ sở đó hay không? Nguyên nhân?


7

Ba là, việc áp dụng các quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai
thác khoáng sản có điều gì vướng mắc, bất cập? Nguyên nhân?
Bốn là, pháp luật thế giới quy định như thế nào về vấn đề này? Kết hợp
kinh nghiệm của các quốc gia cùng những đánh giá về hạn chế của pháp luật
thực định để đề ra giải pháp hoàn thiện pháp luật.
6.

Phƣơng pháp luận và phƣơng pháp nghiên cứu
Để làm sáng tỏ các nội dung nghiên cứu, việc nghiên cứu được tiến

hành dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh về Nhà nước và pháp luật, các quan điểm của Đảng và Nhà nước về
quản lý nhà nước, quản lý xã hội cũng như chủ trương, quan điểm về việc bảo
vệ môi trường phát triển bền vững.
Các phương pháp nghiên cứu được tác giả thực hiện bao gồm:

Phương pháp phân tích. Phương pháp này được sử dụng trong việc
nêu ra các định nghĩa, khái niệm, đánh giá các quy định của pháp luật hiện
hành về phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, từ đó
phát hiện ra tồn tại bất cập làm cơ sở cho việc đề xuất chính sách.
Phương pháp tổng hợp, đánh giá từ nguồn dữ liệu sẵn có. Các nguồn
dữ liệu này gồm văn bản pháp luật của các cơ quan Nhà nước; nguồn dữ liệu
có sẵn trong các điều tra của VCCI, PanNature, CDI và các nguồn số liệu, dữ
liệu khác do các cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị báo chí công bố.
Phương pháp tập hợp, hệ thống, logic. Các nội dung cơ bản của pháp
luật về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản được tập hợp, hệ
thống và phân tích theo chiều dọc, hình thành tư duy logic để người đọc dễ
dàng tiếp cận vấn đề.
Phương pháp đối chiếu, so sánh. Phương pháp này được ứng dụng
trong việc phân tích, so sánh các quy định cũ với quy định mới của pháp luật
để đánh giá mức độ tiếp thu, hoàn thiện pháp luật của cơ quan soạn thảo.


8

Đồng thời, phương pháp này cũng được ứng dụng trong việc tham khảo kinh
nghiệm của quốc tế để từ đó rút ra kiến nghị phù hợp.
Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa. Việc khảo sát được thực
hiện nhằm đánh giá tình hình áp dụng quy định về phí bảo vệ môi trường
trong khai khoáng trên cả nước cũng như tại một số địa bàn được khảo sát.
Việc khảo sát của tác giả được tiến hành dưới hình thức phỏng vấn sâu các
đối tượng nghiên cứu là cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh
nghiệp và người dân tại 03 tỉnh, thành phố. Kết quả khảo sát được sử dụng
cho việc đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Phương pháp tham vấn chuyên gia. Việc đóng góp ý kiến, gợi mở vấn
đề cho nội dung của Luận văn được thực hiện bởi những chuyên gia có kinh

nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và pháp luật về tài nguyên, môi
trường. Trên cơ sở đó, tác giả nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện Luận văn trước
khi công bố.
7.

Bố cục của Luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và các phụ

lục, nội dung chính của Luận văn bao gồm 3 chương, bao gồm:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về pháp luật phí bảo vệ môi trường
trong hoạt động khai thác khoáng sản;
Chương 2: Thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng quy định của
pháp luật về phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ở
Việt Nam;
Chương 3: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về phí bảo
vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam.


9

CHƢƠNG 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ
PHÁP LUẬT PHÍ BẢO VỆ MÔI TRƢỜNG
TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
1.1. Khái quát về hoạt động khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trƣờng
trong hoạt động khai thác khoáng sản và pháp luật phí bảo vệ môi
trƣờng trong hoạt động khai thác khoáng sản
1.1.1. Khái quát hoạt động khai thác khoáng sản
Khai thác khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp quan
trọng trong nền kinh tế quốc gia. Dưới góc độ mỏ - địa chất, khai thác khoáng

sản là “hoạt động khai thác tài nguyên trên bề mặt hoặc dưới lòng đất dẫn
đến việc phải bóc các lớp đất mặt hoặc thải bỏ đất đá dưới lòng đất để tạo
hầm lò và móng lò”1.
Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Khoáng
sản 2010, khái niệm khai thác khoáng sản được định nghĩa là “hoạt động
nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại,
làm giàu và các hoạt động khác có liên quan”. Đây là hoạt động được tiến
hành sau khi các chủ thể khai thác đã có Giấy phép khai thác khoáng sản do
cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp; được tính từ khi mỏ bắt đầu xây dựng
cơ bản (hay còn gọi là mở cửa mỏ), khai thác bình thường theo công thức
thiết kế cho đến khi dự án kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ, phục hồi các yếu
tố môi trường).
Do đặc thù của khai thác khoáng sản là phải di dời một khối lượng lớn
đất đá ra khỏi lòng đất kèm theo việc vận chuyển và xử lý các khoáng vật
1

Trần Thị Thanh Thủy, Trần Thị Thanh Hải, Kim Thu Hà, Dương Văn Thọ, Nguyễn Đức Anh
(đồng tác giả, 2015), Trả lại bản chất Phí Bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu tác động và hạn
chế xung đột trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, Trung tâm con người và thiên nhiên
(PanNature) và Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.7.


10

cũng như đất đá thải, đây là ngành công nghiệp có ảnh hưởng lớn và trực tiếp
tới rất nhiều yếu tố của tự nhiên và môi trường.
Trước tiên, hoạt động khai thác khoáng sản gây tổn hại về địa hình, địa
chất và hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực khai thác. Việc đào mỏ, cắt xẻ các
lớp đất đá tạo nên dạng địa hình mấp mô, xen kẽ các khe hố sâu và đống đất
đá thải. Một số diện tích xung quanh bãi thải quặng bị bồi lấp do sạt lở, xói

mòn gây thoái hoá lớp đất mặt. Bên cạnh đó, việc thi công các công trình
thăm dò, khai thác khoáng sản đòi hỏi phải gạt bỏ diện tích lớn lớp đất mặt
thảm thực vật. Bởi vậy, sự đa dạng sinh học tại các khu vực khai thác mỏ
ngày càng bị suy thoái. Ngoài ra, do không thể lựa chọn được vị trí khai thác,
nhiều dự án khoáng sản đã được thực hiện ở những khu vực nhạy cảm về môi
trường như đầu nguồn lưu vực sông, gần các khu bảo tồn thiên nhiên hay tại
các vị trí thiếu ổn định về mặt địa chất2.
Thứ hai, hoạt động khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường nước.
Hoạt động này làm cho nguồn nước mặt, nước ngầm bị nhiễm axit, kim loại
nặng và các nguyên tố độc hại khác. Những mỏ áp dụng phương pháp khai
thác bằng sức nước gây ra thay đổi dòng chảy và biến đổi cơ cấu. Khoáng
sản, quặng đuôi trôi chảy gây lắng đọng bùn cát ở các cửa sông, cảng biển.
Hoạt động khai thác dầu khí ở thềm lục địa và khai thác khoáng sản ở vùng
duyên hải cũng gây ô nhiễm nguồn nước biển3. Ngoài ra, các khu vực có hoạt
động khai thác khoáng sản thường xuyên thải ra các nguồn nước bẩn khiến
môi trường dưới nước bị biến đổi, ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng
và phát triển của các loài sinh vật thủy sinh.
Thứ ba, quá trình khai thác và vận chuyển các mỏ khoáng sản còn gây
ô nhiễm môi trường không khí. Âm thanh từ các vụ nổ mìn, khoan, tiếng ồn
2

Trần Thị Thanh Thủy, Trần Thị Thanh Hải, Kim Thu Hà, Dương Văn Thọ, Nguyễn Đức Anh
(đồng tác giả, 2015), tlđd chú thích 1, tr.7.

3

Trường Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình Luật Môi trường, Nxb. Công an nhân dân, tr. 349.


11


của các phương tiện giao thông gây xáo trộn hoạt động của con người và
động vật hoang dã. Nguồn khí thải từ nhà máy công nghiệp và các loại bụi
phát sinh từ quá trình khai thác chứa hàm lượng cao các nguyên tố độc hại
cho sức khỏe con người. Quá trình vận chuyển mỏ và các lớp đất đá bóc cũng
làm cho bụi mỏ ngày càng phân tán trên diện rộng, tăng khả nhiễm bụi ở các
khu dân cư bên ngoài vùng khai thác.
Không chỉ tác động tới các yếu tố tự nhiên, các vấn đề về môi trường
do khai thác khoáng sản còn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người.
Khai thác khoáng sản chiếm dụng diện tích đất lớn, trực tiếp ảnh hưởng đến
hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Cơ sở hạ tầng xung quanh các
công trường khai thác bị xuống cấp trầm trọng. Ô nhiễm môi trường còn làm
mất đi nguồn lợi thủy sản, nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước sản xuất, thảm
sinh vật ở rất nhiều địa phương nơi có hoạt động khai thác. Hơn nữa, do phải
sống chung cùng các nguồn chất thải gây ô nhiễm nên sức khỏe của người
dân địa phương và những lao động tại dự án khai khoáng đều không được
đảm bảo an toàn.
Do tất cả những đặc điểm trên, ngành khai thác khoáng sản thường gây
ra những tác động môi trường ở phạm vi rộng hơn, trong thời gian dài hơn và
ở mức độ nghiêm trọng hơn so với các loại hình công nghiệp khác. Yêu cầu
về quản lý và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng cũng từ đó mà
trở nên cấp thiết. Ngoài việc áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, pháp
lý như ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện các chính sách ưu đãi về môi
trường, ký quỹ… thì biện pháp thu phí bảo vệ môi trường đã và đang được
Nhà nước triển khai nhằm bảo vệ, phục hồi môi trường do những tác động
tiêu cực của công nghiệp khai thác mỏ gây ra. Mục đích của việc thu khoản
phí này nhằm giảm thiểu việc phát thải ra môi trường từ hoạt động khai thác
khoáng sản, đồng thời sử dụng để tái đầu tư, khôi phục và bảo vệ môi trường
tại các công trường khai thác.



12

1.1.2. Khái quát phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
 Khái niệm
Phí là một trong các công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước. Theo
nghĩa thông thường, phí được hiểu là “khoản tiền phải trả cho một công việc
phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó”4. Dưới góc độ pháp lý, khái niệm phí
được quy định tại Điều 3 Luật Phí và lệ phí 2015, có hiệu lực từ ngày 01
tháng 01 năm 20175. Theo đó, phí là “khoản tiền tổ chức, cá nhân phải chi
trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi các đối tượng này
được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công”. Như vậy, việc đóng
phí của tổ chức, cá nhân được thực hiện khi họ nhận được sự cung ứng dịch
vụ cụ thể từ chủ thể khác. Phạm vi lĩnh vực dịch vụ được quy định cụ thể bởi
pháp luật, trong đó bao gồm dịch vụ quản lý và bảo vệ môi trường6.
Từ việc phân tích khái niệm phí nêu trên, có thể hiểu phí bảo vệ môi
trường là khoản tiền áp dụng đối với tổ chức, cá nhân xả thải ra môi trường để
phục vụ cho việc thu gom, quản lý, xử lý các chất thải đó nhằm khôi phục
hiện trạng cho môi trường. Thông thường, các quốc gia thường tiếp cận khái
niệm phí môi trường dưới góc độ là phí đánh vào nguồn gây ô nhiễm, sản
phẩm gây ô nhiễm hoặc đánh vào người sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm7. Tại
Việt Nam, phí bảo vệ môi trường được đánh vào nguồn gây ô nhiễm tính theo
lượng phát thải ra môi trường và thiệt hại gây ra cho môi trường (phí bảo vệ
môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải) và tính
theo sản lượng quy ra chất thải gây ô nhiễm (phí bảo vệ môi trường đối với
4

Viện Ngôn ngữ học (2010), Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 651.


5

Hiện tại, khái niệm về phí còn hiệu lực đang được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh số 38/2001/
PL/UBTVQH10 ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phí và lệ phí.

6

Tiểu mục 1, Phần IX, Danh mục Phí và Lệ phí Ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí 2015.

7

Nguyễn Thị Thanh Huyền (2006), Phí Bảo vệ môi trường đối với nước thải – Công cụ quan trọng
trong quản lý và bảo vệ môi trường, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr. 15.


13

hoạt động khai thác khoáng sản). Khoản thu đánh vào người sử dụng sản
phẩm gây ô nhiễm cho môi trường cũng được thực hiện nhưng dưới tên gọi
thuế bảo vệ môi trường.
Mặc dù một trong các nguyên tắc bảo vệ môi trường quy định tại khoản
2 Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường 2014 là: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp
của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân”; tuy nhiên hiện nay, việc đầu tư, xây dựng, vận hành các công
trình công cộng phục vụ việc thu gom, quản lý, xử lý chất thải hầu như đều do
Nhà nước đảm nhiệm. Vì vậy, có thể rút ra khái niệm về phí bảo vệ môi
trường như sau:
Phí bảo vệ môi trường là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân xả thải ra môi
trường hoặc có hoạt động làm phát sinh các nguồn tác động xấu đối với môi
trường phải nộp vào ngân sách Nhà nước nhằm hình thành nguồn tài chính

để quản lý và tái đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường.
Theo quy định tại Tiểu mục 1, Phần IX, Mục A về Danh mục phí, lệ
phí Ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí 2015 thì phí bảo vệ môi trường đối
với hoạt động khai thác khoáng sản là một trong năm loại phí bảo vệ môi
trường8. Trong các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam đều không định
nghĩa khái niệm phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Từ khái niệm phí bảo vệ môi trường đã đề cập ở trên, có thể hiểu một cách
khái quát:
Phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản là khoản
tiền mà tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản phải nộp vào ngân
sách Nhà nước nhằm tạo nguồn thu ngân sách để hỗ trợ cho công tác bảo vệ,
đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
8

Các loại phí bảo vệ môi trường khác bao gồm: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải;
Phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết; Phí thẩm
định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung.


14

 Đặc điểm
Tìm hiểu về phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng
sản, ta thấy có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
là một trong những công cụ kinh tế trong quản lý và bảo vệ môi trường đối
với hoạt động khai khoáng.
Công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường là những phương tiện chính
sách có tác dụng làm thay đổi chi phí và lợi ích của những hoạt động kinh tế
thường xuyên tác động tới môi trường, nhằm mục đích tăng cường ý thức

trách nhiệm của con người trước việc gây ra sự hủy hoại môi trường9. Trong
hoạt động khai thác khoáng sản, bên cạnh các công cụ tài chính khác, việc
quy định phí bảo vệ môi trường có vai trò tác động tới các chủ thể khai thác
nhằm hạn chế hành vi xả thải của họ tới môi trường, khuyến khích họ đổi mới
khoa học, công nghệ khai thác, hướng tới khai thác có hiệu quả nguồn tài
nguyên thiên nhiên. Về phía Nhà nước, công cụ phí giúp Nhà nước đạt được
kết quả quản lý và bảo vệ môi trường nhanh hơn, đạt được mục tiêu cao hơn
so với công cụ pháp lý.
Thứ hai, phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
có tính đối giá và hoàn trả trực tiếp.
Phí bảo vệ môi trường được thu để khắc phục các tác động xấu tới môi
trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, bù đắp một phần chi phí
thường xuyên và không thường xuyên cho việc duy trì, bảo vệ và cải thiện các
thành phần của môi trường khu vực có khoáng sản được khai thác. Như vậy,
nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường phải được đầu tư ngược trở lại để cải
thiện chất lượng môi trường tại khu vực diễn ra hoạt động khai thác mỏ và
các khu vực lân cận – những khu vực chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi ô nhiễm
9

Nguyễn Thế Chinh (2005), Khái niệm và vai trò của công cụ kinh tế trong quản lý môi trường,
Tài liệu hội thảo khoa học, Viện Khoa học pháp lý, Hà Nội.


15

môi trường. Thông qua việc nộp phí bảo vệ môi trường, các đơn vị hoạt động
khai thác khoáng sản đã gián tiếp đầu tư cho các giải pháp môi trường ở địa
phương như một hình thức “đền bù” cho những tổn hại do chính hoạt động
khai thác khoáng sản mà mình thực hiện gây ra.
Thứ ba, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản mang tính

địa phương sâu sắc.
Xuất phát từ đặc thù của hoạt động khai khoáng là phụ thuộc vào điều
kiện tự nhiên tại nơi có mỏ, do đó, sự tác động vào môi trường khi các chủ thể
tiến hành khai thác sẽ khác nhau tại các địa bàn khai thác khác nhau. Đồng
thời, sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật giữa các địa phương cũng không
đồng đều dẫn đến nhu cầu về chi phí bảo vệ môi trường khác nhau tại các địa
phương. Bởi vậy, mức thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
và việc sử dụng khoản phí này đều do chính quyền địa phương quyết định và
thực hiện dựa trên quy định khung của cơ quan Nhà nước cấp trung ương có
thẩm quyền.
 Phân biệt với thuế bảo vệ môi trường
Bên cạnh việc chỉ ra các đặc điểm của phí bảo vệ môi trường trong khai
thác khoáng sản, cũng cần phân biệt loại phí này với thuế bảo vệ môi trường.
Mặc dù cả hai đều là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước nhằm hình thành
nguồn tài chính để bảo vệ môi trường, nhưng giữa chúng có một số điểm khác
biệt cơ bản.
Thứ nhất, nếu đối tượng của thuế bảo vệ môi trường là lượng sản phẩm
của cơ sở sản xuất hoặc doanh thu do bán sản phẩm thì đối tượng của phí bảo
vệ môi trường là lượng chất gây ô nhiễm có trong dòng thải hoặc khối lượng,
số lượng các yếu tố vật chất là đối tượng tác động của hoạt động làm phát
sinh nguồn tác động xấu đối với môi trường. Như vậy, trong khi phí bảo vệ
môi trường là khoản thu đánh vào chủ thể gây ô nhiễm môi trường theo
nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, thì thuế bảo vệ môi trường lại là


16

khoản thu đánh vào người sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm dựa trên nguyên tắc
người được hưởng lợi phải trả tiền (Benefits pay principle - BPP)10.
Thứ hai, thuế bảo vệ môi trường không mang tính hoàn trả trực tiếp,

nhưng phí bảo vệ môi trường lại mang tính hoàn trả trực tiếp rõ ràng. Có
nghĩa là chủ thể đóng thuế không nhận lại một lợi ích trực tiếp từ phía Nhà
nước và không được cung cấp một dịch vụ trực tiếp tương ứng với số tiền
thuế đã nộp; trong khi chủ thể nộp phí lại là chủ thể trực tiếp được hưởng lợi từ
dịch vụ bảo vệ môi trường được cung cấp Nhà nước và các tổ chức liên quan.
Thứ ba, phạm vi áp dụng thuế bảo vệ môi trường không có sự khác biệt
giữa các địa phương, ngành kinh tế, nhưng các khoản thu từ phí bảo vệ môi
trường lại có thể phân hóa theo địa phương, theo ngành kinh tế.
1.1.3. Khái quát pháp luật phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai
thác khoáng sản
 Khái niệm
Để quản lý và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, Nhà nước
đã ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên và
môi trường, các quy phạm pháp luật về thuế, phí môi trường, chế tài dân sự,
hành chính, hình sự… Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật về phí bảo
vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản hiện vẫn là lĩnh vực pháp
luật tương đối mới ở Việt Nam, được áp dụng để điều chỉnh quan hệ phát sinh
giữa các chủ thể trong quá trình khai thác tài nguyên khoáng sản trên cơ sở
kết hợp các phương pháp điều chỉnh khác nhau nhằm đạt được hiệu quả trong
việc bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên.
10

Nguyên tắc BPP có nghĩa là những người được hưởng lợi ích do sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm
nhưng vẫn có được môi trường trong lành không ô nhiễm (do môi trường đã được cải tạo) phải trả
tiền cho những chi phí của việc cải tạo đó. Nguyên tắc này cho rằng việc phòng ngừa ô nhiễm và
cải thiện môi trường cần được hỗ trợ từ phía những người muốn được thay đổi hoặc những người
không phải trả giá cho các chất thải gây ô nhiễm môi trường.


17


Pháp luật về phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng
sản là hệ thống các quy phạm pháp luật mang tính pháp lý và kỹ thuật, điều
chỉnh việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, bao gồm các quy
định liên quan tới: Chủ thể nộp phí; đối tượng chịu phí; mức thu và chế độ
thu, nộp phí; trình tự, thủ tục thu, nộp phí; trách nhiệm của các bên và việc
xử lý vi phạm pháp luật trong việc thu, nộp và sử dụng nguồn thu từ phí.
 Nội dung pháp luật phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai
thác khoáng sản
- Thứ nhất, đối tượng chịu phí:
Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác
khoáng sản là hành vi khai thác các loại khoáng sản theo quy định của pháp
luật. Khoáng sản là các thành tạo hóa lý tự nhiên được sử dụng trực tiếp trong
công nghiệp hoặc có thể lấy ra từ kim loại và khoáng vật dùng cho các ngành
công nghiệp. Khoáng sản có thể tồn tại ở trạng thái rắn (quặng, đá), lỏng
(dầu) hoặc khí (khí đốt)11. Đây là các yếu tố vật chất mục tiêu của hoạt động
khai khoáng của con người – hoạt động trực tiếp làm phát sinh nguồn tác
động đối với môi trường.
Ngoài ra, do đặc điểm của khoáng sản là đa phần nằm sâu dưới lòng đất
và phân bố xen lẫn, không đồng đều giữa các lớp đất đá, do đó, khi tiến hành
khai thác khoáng sản tất yếu sẽ làm phát sinh đất đá thải. Nguồn đất đá này
khi được bóc tách cũng gây ra tác động không nhỏ đối với môi trường. Bởi
vậy, về nguyên tắc, hành vi làm phát sinh lượng đất đá bốc xúc thải sinh ra từ
quá trình khai thác quặng cũng sẽ là đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường.
- Thứ hai, chủ thể nộp phí:
Chủ thể nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là tổ
chức, cá nhân tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản. Phạm vi chủ thể này
11

Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn từ điển bách khoa Việt Nam (2002), Từ điển Bách khoa Việt

Nam, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr. 516.


×