Tải bản đầy đủ (.pdf) (12 trang)

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG dạy TIẾNG VIỆT CHO SINH VIÊN lào từ cơ sở của QUAN điểm GIAO TIẾP (tt)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (349.94 KB, 12 trang )

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY TIẾNG VIỆT CHO SINH VIÊN LÀO
TỪ CƠ SỞ CỦA QUAN ĐIỂM GIAO TIẾP

Nguyễn Thị Nga
Trường Đại học Quảng Bình
Tóm tắt. Những năm gần đây, nước bạn Lào đã gửi nhiều học sinh, sinh viên
(HSSV) sang học tập tại trường Đại học Quảng Bình. Để học tập, sinh hoạt được
trên đất Quảng Bình, đòi hỏi HSSV Lào phải nắm kiến thức Tiếng Việt - một công
cụ quan trọng trong giao tiếp. Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy cho
HSSV Lào, chúng tôi nghiên cứu tiếp cận quan điểm giao tiếp để ứng dụng dạy
Tiếng Việt theo các định hướng cơ bản sau: Tìm hiểu vấn đề hoạt động giao tiếp
và quan điểm giao tiếp trong dạy học Tiếng Việt; Xác định được đặc trưng và mục
tiêu của đối tượng tham gia học Tiếng Việt; Lựa chọn các phương án tối ưu: xây
dựng chương trình, biên soạn tài liệu bài giảng và cách thức tổ chức dạy Tiếng
Việt cho HSSV Lào theo quan điểm giao tiếp.
Từ khóa: Nâng cao chất lượng, giảng dạy Tiếng Việt, quan điểm giao tiếp,
sinh viên Lào, quan trọng
1. QUAN ĐIỂM GIAO TIẾP TRONG DẠY HỌC TIẾNG VIỆT
Đi liền với sự phát sinh, sự tiến hóa và phát triển của đời sống con người là
lao động. Quá trình lao động đã làm nảy sinh nhu cầu giao tiếp và nhờ thế ngôn
ngữ theo con người mà phát sinh và phát triển. “Hoạt động giao tiếp là sự tiếp xúc
giữa con người với con người nhằm trao đổi thông tin, bộc lộ, tình cảm, yêu cầu
hành động, đồng thời thể hiện thái độ, cách đánh giá, cách ứng xử của họ với nhau
thông qua nội dung giao tiếp” [1]. Đó là một trong những hoạt động có ý thức của
con người, đóng vai trò rất quan trọng trong tổ chức và phát triển xã hội. Cùng với
lao động, giao tiếp là hoạt động cơ bản nhất của xã hội. Người ta giao tiếp để tác
động nhận thức, tác động tư tưởng, tình cảm và tác động hành động nhằm thiết lập
quan hệ, sự hiểu biết hoặc sự cộng tác... giữa các thành viên trong xã hội. Thông
qua đó con người có thể tập hợp nhau, tổ chức thành tập thể, thành cộng đồng...
Giao tiếp vừa là khả năng vừa là nhu cầu thiết yếu trong đời sống con người.



Trong giao tiếp người ta sử dụng nhiều phương tiện khác nhau như: tín hiệu
vẫy tay, tiếng còi, tiếng kèn, màu sắc, hình khối, nét mặt điệu bộ, cử chỉ, ánh
mắt...nhưng phương tiện thông thường và thuận tiện nhất, đắc dụng, phổ biến và
quan trọng nhất là ngôn ngữ. “Trong quá trình hình thành con người và phát triển
xã hội, nhân loại đã tích lũy một kho tàng phong phú những công cụ giao tiếp từ
đơn giản đến phức tạp, những quy tắc ứng xử, xã giao trong đời sống hàng ngày...
Mỗi cá nhân phải nắm được công cụ, quy tắc ấy, nghĩa là phải nắm được quy tắc
giao tiếp của cộng đồng” [2]. Trong đời sống của xã hội loài người, ngôn ngữ trở
thành “phương tiện giao tiếp quan trọng nhất” (Lênin). Bởi ngôn ngữ có khả năng
to lớn trong việc biểu đạt mọi vấn đề của cuộc sống và cả những tư tưởng, tình cảm
trong ngõ ngách sâu lắng tế vi nhất của tâm hồn con người. Ngôn ngữ phục vụ cho
việc giao tiếp của xã hội loài người ở mọi nơi, mọi lúc, ở tất cả các lĩnh vực hoạt
động, ở mọi lứa tuổi, mọi thế hệ, mọi thời đại và có thể vượt qua không gian thời
gian cách xa nhau hàng thế kỷ. Ngôn ngữ còn là công cụ của nhận thức, tư duy.
Khi giao tiếp con người cần phải có nội dung để giao tiếp. Muốn có nội dung đó,
con người không thể không tư duy để nhận thức, khám phá và phản ánh thực tế
khách quan. Ngôn ngữ đóng vai trò lưu giữ, cố định các kết quả của nhận thức, tư
duy của con người. Ngôn ngữ trở thành phương tiện vật chất để thể hiện tư duy.
Marx từng nhận định "Hiện thực trực tiếp của tư tưởng là ngôn ngữ". Ngôn ngữ là
hình thức bên ngoài còn tư duy là nội dung bên trong. Trong dạy học muốn phát
triển tư duy thì phải phát triển ngôn ngữ và ngược lại. Thực tế dạy học trong nhà
trường đã khẳng định được điều đó.
Mặt khác, ngôn ngữ không còn được nghiên cứu thuần túy như một hệ thống
tín hiệu các đơn vị (âm vị, hình vị, từ, cụm từ, câu, đoạn, văn bản) và quy tắc kết
hợp của chúng mà còn được xem xét dưới nhiều bình diện khác nhau của hoạt
động giao tiếp như quy tắc thương lượng hội thoại, luân phiên lượt lời, tôn trọng
thể diện, khiêm tốn, cộng tác.... Các tính chất của ngôn ngữ như tính khái quát, tính
xã hội, tính hệ thống và tính quy ước trong cộng đồng sử dụng ngôn ngữ chung
cũng được đề cập, xem xét. Trên tinh thần của cách tiếp cận này, xuất phát từ vai

trò, bản chất chức năng của ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu ngày càng nhận ra tầm
quan trọng của hoạt động giao tiếp bằng phương tiện ngôn ngữ. Giao tiếp là nền
tảng cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Bởi xã hội không phải là con số cộng
của các cá thể mà là mối quan hệ và sự tương tác giữa các thành viên trong cộng
đồng thông qua lao động và hoạt động giao tiếp. Giao tiếp là một nhu cầu không


thể thiếu được của con người. Nhu cầu giao lưu, hợp tác hiểu biết lẫn nhau, liên kết
với nhau của con người để truyền đạt những kinh nghiệm, tri thức lịch sử xã hội từ
người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ quốc gia này sang
quốc gia khác và có tác dụng thúc đẩy sự phát triển xã hội. Giao tiếp có mặt trong
mọi hoạt động của con người. Năng lực giao tiếp được xem là một trong những
tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá trình độ nhận thức và văn hóa của con người.
Trong dạy học Tiếng Việt, giao tiếp là một nguyên tắc dạy học quan trọng
buộc nhà giáo phải tuân thủ một cách triệt để. Bởi ngôn ngữ là một hệ thống hoạt
động chức năng phục vụ cho tư duy và giao tiếp xã hội (như trên đã phân tích).
Nếu tách ngôn ngữ khỏi hoạt động chức năng, nó sẽ đóng băng như một hệ thống
đóng. Đặc trưng của ngôn ngữ là hoạt động. Khi hoạt động, con người vận dụng để
tạo ra các dạng nghi thức lời nói khác nhau và mọi quy luật cấu trúc cũng chỉ được
rút ra trên cơ sở nghiên cứu lời nói sinh động. Con người muốn hình thành cả kĩ
năng và kĩ xảo ngôn ngữ thì phải trực tiếp tham gia vào hoạt động giao tiếp, vận
dụng tri thức ngôn ngữ cần thiết để sản sinh ra lời nói, hiểu lời nói của người khác.
Cho nên khi học bất cứ một đơn vị ngôn ngữ nào cũng cần đưa chúng vào hoạt
động hành chức, tức là đưa nó vào đơn vị lớn hơn, nó được vận hành trong lời nói,
trong giao tiếp. Dạy từ không chỉ dừng lại giải nghĩa của từ mà phải đưa từ đó vào
trong câu, đặt nó hoạt động trong môi trường để rèn các kỹ năng giao tiếp, khắc
sâu tri thức. Dạy âm không chỉ dừng lại ở chỗ phân biệt âm nọ với âm kia mà cần
phải cho học sinh quan sát chúng trong các âm tiết, sử dụng chúng trong từ, trong
câu và trong các lời nói cụ thể. Từ là đơn vị có sẵn trong ngôn ngữ, cố định hóa về
hình thức biểu hiện. Một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau. Khi sử dụng từ trong

câu và đoạn, các sắc thái phong cách, ý nghĩa ngữ pháp, sắc thái tình cảm, khả
năng kết hợp và chức năng ngữ pháp của chúng lại được thể hiện một cách rõ ràng
và cụ thể hơn. Vì vậy, ngôn ngữ luôn được đặt trong hoạt động giao tiếp và dạy
học Tiếng Việt phải cũng luôn đặt trong quan điểm giao tiếp.
2. CÁC ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN TRONG DẠY TIẾNG VIỆT CHO SINH
VIÊN LÀO TỪ QUAN ĐIỂM GIAO TIẾP
GS.TSKH. Lê Ngọc Trà đã từng khẳng định: “Giao tiếp có quan hệ chặt chẽ
với giáo dục. Hay nói một cách cụ thể hơn thì ở phương diện nào đó giáo dục
chính là giao tiếp. Không có giao tiếp thì không có giáo dục. Ngoài ra giao tiếp
không chỉ là hình thức, phương tiện của giáo dục mà còn là một nội dung quan


trọng của giáo dục” [2]. Hoạt động tiếp nhận ngôn ngữ chỉ diễn ra khi người nghe,
người đọc có cùng ngôn ngữ với người nói, người viết. Việc giải mã phụ thuộc vào
năng lực vận dụng ngôn ngữ, tầm nhận thức của người tiếp nhận. Bởi vậy, phát
triển khả năng giao tiếp ngôn ngữ ở hai phương diện tiếp nhận, sản sinh ngôn bản
không tách rời việc phát triển nhận thức của người học. Mặt khác ngôn ngữ Tiếng
Việt vừa tồn tại ở dạng tĩnh là một hệ thống kết cấu các yếu tố, vừa tồn tại ở dạng
động tức là hoạt động của lời nói. Ở dạng động, Tiếng Việt được biểu hiện rõ ở
phương tiện thực hiện hoạt động giao tiếp. Thông qua giao tiếp, Tiếng Việt mới
bộc lộ rõ các đặc trưng cụ thể (hiện tượng đồng âm, đồng nghĩa, phân loại từ, nghĩa
của từ...) và chỉ trong hoạt động giao tiếp với các nhân tố, hoàn cảnh, môi trường
giao tiếp, hiện thực được nói tới ....khác nhau thì quy luật sử dụng Tiếng Việt như
đảo trật tự, rút gọn, tỉnh lược câu...mới được thể hiện. Đồng thời với quá trình giao
tiếp, các yếu văn hóa xuất hiện, lộ rõ. Bởi vì khi giao tiếp với một đối tượng cụ thể
rất cần có những hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán, lịch sử và con người ở
một vùng đất cụ thể. Người giao tiếp cần phải biết hỏi, đáp, trình bày những ý
nghĩ, cảm xúc bằng thứ ngôn ngữ chung mà các đối tượng cùng tham gia đều có
thể nhận thức được.
2.1. Xác định đối tượng và mục tiêu

Đối tượng tham gia học Tiếng Việt trong bài viết nói tới là học sinh, sinh viên
Lào. Nhìn ở góc độ vốn liếng ngôn ngữ ban đầu, hầu hết họ chưa có bất cứ vốn
ngôn ngữ nào về Tiếng Việt. Nhìn ở góc độ tư duy, một số HSSV Lào có trình độ
thể hiện các thao tác tư duy cao, suy luận tốt. Học Tiếng Việt đối với bạn Lào là
học một ngoại ngữ. Đặc trưng của môn học này ngoài đòi hỏi về tư duy, có một
điều kiện cực kỳ quan trọng, một đòi hỏi cao về tính kiên nhẫn, sự cần cù, siêng
năng, luôn ý thức rèn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở mọi nơi, mọi lúc trong các
môi trường giao tiếp khác nhau. Đây là cơ sở khoa học làm căn cứ để lựa chọn,
định hướng xây dựng chương trình chi tiết, biên soạn tài liệu bài giảng. Xác định
được đối tượng giúp ta có cơ sở để định hướng mục tiêu giảng dạy.
Việc xác định mục tiêu trong dạy học có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mục
tiêu sẽ chi phối toàn bộ hoạt động của các yếu tố khác trong quá trình dạy học từ
việc lựa chọn nội dung kiến thức, phương pháp dạy học, đối tượng, hình thức dạy
học, đến các phương tiện dạy học…Ngược lại việc hoạt động của mỗi yếu tố như
là một bộ phận cấu thành chỉnh thể, là điều kiện góp phần đi đến đích của dạy học.


Mục tiêu được coi là bước khởi đầu mang tính quyết định đến chất lượng dạy học
vì dựa vào đây giảng viên biết lựa chọn đúng kiến thức cơ bản, biết sử dụng phối
hợp các phương pháp một cách khoa học, sử dụng các phương tiện khác một cách
có hiệu quả. Nhờ thế ta có thể lựa chọn điểm nhấn để làm cho tiết giảng trở nên
hấp dẫn, cuốn hút đối tượng và sẽ linh hoạt hơn trong ứng xử các tình huống sư
phạm.
HSSV Lào đến Việt Nam học Tiếng Việt để chiếm lĩnh được công cụ giao
tiếp trên cơ sở hình thành và phát triển các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, sử dụng
Tiếng Việt làm công cụ tư duy để tiếp tục học cao đẳng, đại học. Từ đó ta thấy
mục tiêu cơ bản và cũng là đặc trưng của bộ môn Tiếng Việt nhằm giúp họ có năng
lực sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Thông qua hoạt động giao tiếp bằng Tiếng
Việt, HSSV Lào không chỉ để trao đổi tư tưởng, tình cảm mà cơ bản là để học tập,
nghiên cứu ở một trình độ khác. Dạy ngôn ngữ Tiếng Việt cho người Lào cũng là

dạy cho họ chiếm lĩnh công cụ giao tiếp văn hóa Việt. Nghi thức lời nói cũng là
một bộ phận cấu thành hoạt động giao tiếp mà phụ thuộc vào đó con người kiến tạo
các dạng lời nói khác nhau để thực hiện mục tiêu giao tiếp. Lời nói vừa mang tính
cá nhân vừa mang tính xã hội của cộng đồng ngôn ngữ. Song việc giao tiếp bằng
ngôn ngữ phụ thuộc rất nhiều vào những hoàn cảnh, điều kiện, mục tiêu và các tính
chất khác nhau của hoạt động giao tiếp. Hơn nữa hoạt động giao tiếp Tiếng Việt
còn được thực hiện theo những cách thức khác nhau, được truyền trên những kênh
khác nhau.
2.2. Xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu bài giảng
Những năm trước đây trường Đại học Quảng Bình dạy Tiếng Việt cho HSSV
Lào theo chương trình Tiếng Việt khá hàn lâm. HSSV Lào học Tiếng Việt từ các
nội dung cơ bản về Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ pháp, Ngữ dụng và nâng cao trên cơ sở
Tiếng Việt qua Văn học, Tiếng Việt qua Lịch sử, Tiếng Việt qua Văn hóa, Tiếng
Việt qua Toán học...Có thể nói, xuất phát từ tình yêu, lòng hiếu khách và kỳ vọng
lớn của chúng tôi muốn giúp cho các em chiếm lĩnh hết công cụ Tiếng Việt. Nhưng
thực tế đó dẫn đến sự phân hóa rất cao giữa em có vốn Tiếng Việt, chăm học và em
không có vốn Tiếng Việt ban đầu. Những người học không có vốn Tiếng Việt cơ
bản ban đầu không thể nào theo kịp, xảy ra tình trạng phân hóa đối tượng trong
cùng một lớp học. Chúng tôi phải bù đắp cho họ qua rất nhiều kênh và tốn thời
gian. Rút kinh nghiệm qua dạy học, chúng tôi đã điều chỉnh lại chương trình, kết


cấu cung cấp kiến thức theo kiểu vừa đơn giản vừa hàn lâm (cách gọi tạm thời của
các thành viên trong Bộ môn) và tuân thủ nguyên tắc giao tiếp trong dạy học Tiếng
Việt. Rất nhiều cuộc họp (ở cấp tổ bộ môn, liên môn và trường) đã đặt vấn đề tìm
các phương án giảng dạy, xây dựng chương trình chi tiết, biên soạn tài liệu theo
định hướng đã nêu trên để nâng cao chất lượng cho đối tượng. Làm sao giúp HSSV
Lào rèn các kỹ năng sử dụng Tiếng Việt càng nhiều càng tốt. Định hướng trong
xây dựng chương trình chi tiết chủ yếu theo tỷ lệ lý thuyết và thực hành là 3/7 hoặc
4/6. Tùy theo đặc trưng của từng học phần mà chọn 30% hay 40% lý thuyết nghĩa

là tinh lọc những kiến thức nền cơ bản trong hệ thống cấu trúc Tiếng Việt như:
khái niệm, quy tắc cấu trúc...số tiết còn lại dành cho việc rèn các kỹ năng nghe,
nói, đọc, viết để thực hành hoạt động giao tiếp. Chương trình cố gắng bám sát đối
tượng HSSV Lào để cung cấp những tri thức có tính chất công cụ của Tiếng Việt
và chú trọng rèn các kỹ năng giao tiếp trong môi trường học tập, sinh hoạt, nghiên
cứu.
Muốn nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt cho HSSV Lào thì phải thực
hiện đổi mới đồng bộ các khâu cấu thành quá trình dạy học và một điều không kém
phần quan trọng cần đặc biệt chú ý tới đổi mới biên soạn tài liệu bài giảng làm sao
để giúp cho cả giảng viên lẫn người học có được sự hứng thú, niềm đam mê đối
với môn học, đồng thời tích lũy một lượng kiến thức và kĩ năng Tiếng Việt làm
công cụ để giao tiếp và tư duy. Bài giảng phải được trình bày thành một hệ thống
các vấn đề có quan hệ chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ giữa các vấn đề trong bài
giảng như chính là mối quan hệ của các khái niệm. Bài giảng phải mạch lạc mới
phản ánh đầy đủ và chính xác mối quan hệ giữa các khái niệm. Làm thế nào qua
bài giảng giúp cho người học có phương pháp làm việc khoa học, thể hiện được
các thao tác tư duy (phân tích, tổng hợp, khái quát, hệ thống), đặc biệt là năng lực
giao tiếp. Vì vậy sau mỗi phần lý thuyết cơ bản, bài giảng phải tập trung xây dựng
một hệ thống bài tập phong phú, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp đối tượng. Tùy theo
nội dung học phần mà thiết kế các dạng bài tập sao cho vừa sức, đảm bảo tính khoa
học, tính tư duy, tính lôgic...đặc biệt chú trọng nguyên tắc giao tiếp. Chẳng hạn:
trong học phần Tiếng Việt cơ sở, chúng tôi tạm chia ra các dạng bài tập theo một
số kiểu chính sau:
- Dạng bài tập kết hợp, phân tích, so sánh:
+ Cho sẵn một số âm tiết có cùng vần, yêu cầu so sánh


+ Cho sẵn các âm và yêu cầu kết hợp thành vần, thành âm tiết
+ Cho sẵn một số âm tiết, từ, câu và yêu cầu phân tích. Ví dụ: âm tiết làm do
âm, vần và dấu thanh nào tạo thành?

+ Cho sẵn từ, cụm từ và yêu cầu sắp xếp kết hợp thành câu đúng
+ Cho sẵn tiếng và yêu cầu tìm thêm tiếng để kết hợp thành từ có nghĩa.
Loại bài tập này được đặc biệt chú trọng khi dạy Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ pháp
nhằm giúp HSSV Lào nắm chắc hệ thống chữ cái, âm, vần, từ, câu trong Tiếng
Việt. Thông qua hệ thống bài tập này người học nắm được cấu trúc, quy tắc kết
hợp của âm tiết, từ, câu Tiếng Việt. Khi giúp HSSV Lào giải các bài tập này,
chúng tôi luôn đặt trong đơn vị lớn hơn để mở rộng vốn từ. Ví dụ hãy tìm những
tiếng mà bạn biết có vần am... và giảng viên kết hợp giải nghĩa từ. Hay đặt câu có
từ chứa vần am.
- Dạng bài tập điền từ vào ô trống như: Cho một đoạn văn còn thiếu một số
từ, yêu cầu người học tìm từ (chọn từ đã cho) thích hợp điền vào ô trống.
- Dạng bài tập mở rộng vốn từ theo chủ đề: nhà trường, gia đình, quê hương,
đất nước, thiên nhiên, lịch sử, thăm viếng, lễ hội, sinh hoạt.
- Dạng bài tập rèn các kỹ năng Tiếng Việt như: yêu cầu HSSV Lào nghe
giảng viên đọc các từ, câu, đoạn thơ và viết vào bảng. Hoặc cho một văn bản, yêu
cầu HSSV Lào đọc hiểu và trả lời câu hỏi. Loại bài tập này được chú trọng trong
dạy rèn các kỹ năng tổng hợp và nâng cao.
Trong bài giảng của mình, chúng tôi cố gắng thiết kế một hệ thống các hoạt
động dạy và học thông qua các dạng câu hỏi và bài tập thực hành. Từ việc nhận
thức đúng mục tiêu, các nhiệm vụ cụ thể, tính vừa sức của các bài học, người dạy
có thể hướng dẫn cho HSSV Lào nắm chắc kiến thức bài qua hệ thống câu hỏi và
bài tập thực hành đã được biên soạn. Nếu hệ thống câu hỏi và bài tập được chuẩn
bị tốt trong quá trình biên soạn thì dưới sự dẫn dắt của giảng viên, bài giảng được
triển khai một cách có hiệu quả và người học có cơ hội, điều kiện phát huy khả
năng, hứng thú, chủ động, sáng tạo chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện các kỹ năng
Tiếng Việt, phát triển mối quan hệ giao tiếp với các thành viên trong lớp học, kích
thích sáng tạo. Điều đó có tác động kép đến quá trình học tập, chiếm lĩnh tri thức


của HSSV Lào vì phát huy tính được tính tích cực, chủ động của người học và

đồng thời đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả dạy học.
2.3. Tổ chức hoạt động dạy học theo quan điểm giao tiếp
Trên cơ sở định được đích cần đến, chúng ta lựa chọn phương án dạy cho đối
tượng HSSV Lào kết hợp giữa kiến thức đơn giản và kiến thức hàn lâm. Điều đó
có nghĩa là vừa có nét giống như việc cung cấp vốn từ cho học sinh Tiểu học
(nghĩa là bắt đầu từ cung cấp hệ thống chữ cái, âm, vần... Tiếng Việt) và rèn đức
tính cần cù chịu khó, vừa có nét khác trong hướng dạy tăng cường tư duy, óc suy
luận (dạy các quy tắc Tiếng Việt), vừa cung cấp lý thuyết tinh giản vừa tăng cường
thực hành như đối tượng sinh viên người Việt học Tiếng Việt. Cách đơn giản nhất
phải bắt đầu từ dạy cho HSSV Lào chiếm lĩnh được hệ thống chữ cái, âm, vần
Tiếng Việt (như kiểu dạy cho học sinh lớp 1 ở các trường Tiểu học) kết hợp với
việc rèn các kỹ năng nói, nghe, đọc, viết, kể. Nghĩa là dạy âm nào, vần nào, người
học phải đọc, viết, nhớ, nói được âm, vần đó trong hoạt động giao tiếp cụ thể. Luôn
đặt âm vào trong từ, đặt từ vào trong lời nói (nghĩa là đưa vào hoạt động hành chức
của ngôn ngữ). Có thể nói phương hướng tốt nhất để dạy các đơn vị ngôn ngữ
trong hệ thống hành chức là phải tìm mọi cách hướng học sinh và hoạt động giao
tiếp. Muốn thực hiện điều này, cần phải tạo được các tình huống khác nhau để kích
thích động cơ, tạo tình huống và hoàn cảnh giúp họ có cơ hội giao tiếp. Ví dụ:
trong phân môn Tiếng Việt cơ bản, khi dạy vần oc chúng tôi đặt trong từ khóa học
tập và đặt tiếp trong câu nói tôi chăm chỉ học tập để vừa ôn luyện vần, vừa giải
thích nghĩa từ và câu, rèn kỹ năng ngôn ngữ. Ngoài ra còn kích thích động cơ,
khuyến khích tinh thần chăm chỉ học tập cho HSSV Lào thông qua những hoạt
động giao tiếp cụ thể. Một trong những yêu cầu về đồ dùng học tập của chúng tôi
là: người học luôn mang theo bảng con, bút viết bảng, các dụng cụ cần thiết để
thực hành rèn các kỹ năng viết, nghe, nói, đọc. Đồng thời dạy theo kiểu hàn lâm
tức là sau một nhóm các âm vần, chúng tôi tiến hành quy nạp để người học rút ra
quy tắc kết hợp trong Tiếng Việt (âm vị kết hợp với nhau thành hình vị, hình vị kết
hợp với nhau thành từ, rồi các cách kết hợp từ thành cụm từ, thành câu, kết hợp các
câu thành đoạn, văn bản....) nghĩa là dạy theo hướng hàn lâm trên các phương diện:
Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ pháp....nhằm giúp họ có điều kiện so sánh, suy luận, tư duy

về cách thức liên kết các đơn vị trong quy tắc kết hợp để chiếm lĩnh quy luật hoạt
động và tồn tại của ngôn ngữ Tiếng Việt. Bên cạnh đó chúng tôi còn tập trung chú
trọng dạy học theo định hướng tích hợp với phần nâng cao (Tiếng Việt qua Văn


học, Tiếng Việt qua Lịch sử, Tiếng Việt qua Văn hóa...) trong dạy Tiếng Việt cơ
bản.
Chẳng hạn: trong dạy Ngữ âm, chúng tôi cung cấp cho người học hệ thống âm
vị (nguyên âm, phụ âm, ...), âm tiết (phụ âm đầu, vần, thanh điệu..) và kết hợp
cung cấp tất cả các vần có trong chương trình Tiếng Việt ở Tiểu học. Trong quá
trình dạy vần, chúng tôi kết hợp với kiến thức văn hóa để tăng cường mở rộng vốn
từ cho HSSV Lào. Chẳng hạn: dạy vần ao, chúng tôi lựa chọn lời chào làm từ khóa
và hướng dẫn cho người nước ngoài hiểu nghĩa của nó. Trên cơ sở nghĩa của từ
này để dạy cho học sinh cách thức chào hỏi theo văn hóa của người Việt sao cho
đúng đối tượng.
Ví dụ: đối với người đồng trang lứa, cùng tuổi thì chào bạn, nhưng với người
lớn tuổi hơn thì thêm chữ ạ sau câu chào để tỏ thái độ tôn kính; chào anh (ông, bà,
chú, bác, cô, gì) ạ! Điều này phù hợp với thói quen và tập quán của văn hóa Việt.
Ngay cả trong giao tiếp khi nói chuyện với người lớn tuổi hơn mình cũng khác với
người nhỏ hoặc bằng tuổi mình. Khi giao tiếp với người lớn phải nói câu đầy đủ,
có đầu có cuối, không nói câu rút gọn, câu tỉnh lược, người nghe có cảm giác cộc
lốc, thiếu tôn trọng, đi ngược lại quan niệm văn hóa của người Việt. Ngược lại nói
với bạn bè có thể rút gọn lại.
Cũng từ việc dạy vần am, chúng tôi giúp người học hiểu thêm nghĩa của các
từ quả cam, làm, cảm ơn... và dừng lại giải thích hành động cảm ơn trong giao tiếp
của người Việt. Mỗi khi ai đó giúp mình điều gì dù lớn, dù nhỏ đều phải nói lời
cảm ơn. Đó là nguyên tắc ứng xử lịch sự trong giao tiếp. Người Việt cũng không
sử dụng cảm ơn chung cho mọi trường hợp mà luôn biến hóa linh hoạt trước các
đối tượng khác nhau, tạo lập các dạng lời nói khác nhau trên cùng một cách hiểu.
Chẳng hạn: Con xin cô (cảm ơn khi nhận được quà), Chú chu đáo quá (Cảm ơn

khi được quan tâm), Chị bày vẽ quá nhiều (Cảm ơn khi được đón tiếp chu đáo), Ôi
quý hóa quá (Cảm ơn khi có khách đến thăm), Anh/ chị quá khen (lời cảm ơn khi
được khen)...Nhờ thế HSSV Lào có được nhiều vốn từ về các cách cảm ơn để lựa
chọn khi giao tiếp.
Khi dạy các bài hội thoại chúng tôi lựa chọn các chủ đề về nhà trường, gia
đình, quê hương, đất nước, lịch sử, thăm viếng, lễ hội, ...để cung cấp vốn từ, rèn kỹ
năng nghe, nói, đọc, viết Tiếng Việt để giao tiếp. Trên chủ đề nhà trường, ngoài


việc thiết lập văn bản giới thiệu tình cảm thầy trò, ngôi trường, chúng tôi chú trọng
biểu hiện nội dung đức tính cần cù, chịu khó, siêng năng, lễ phép, biết ơn của
người Việt để cho đối tượng tham gia đọc hiểu. Khi dạy chủ đề gia đình, chúng tôi
thiết kế văn bản giới thiệu về họ hàng huyết thống, cách xưng hô và "tôn ti trật tự"
kính trên, nhường dưới để khi giao tiếp cần phải đắn đo, cân nhắc, thật ý tứ trong
các mối quan hệ. Với chủ đề quê hương chúng tôi yêu cầu đối tượng giới thiệu
(nghĩa là các em buộc phải tự nói ra những điều mình nghĩ) về quê quán của mình
và so sánh với các hình ảnh Động Phong Nha, biển Nhật Lệ, ...và kết thúc tiết
giảng trong âm thanh giai điệu bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” đằm thắm thiết tha
xao động lòng người. Nghĩa là qua mỗi tiết, mỗi bài học Tiếng Việt, HSSV Lào
luôn được giao tiếp trong mọi tình huống. Trong dạy ngôn ngữ Tiếng Việt chúng
tôi luôn tuân thủ nguyên tắc: tìm mọi cách để mở rộng vốn từ và tạo điều kiện môi
trường cho người học giao tiếp ở mọi nơi, mọi lúc, khi học, khi vui chơi, giải trí, đi
chợ, nấu nướng, sinh hoạt, dã ngoại... Các em HSSV Lào tiếp xúc, giao tiếp bằng
Tiếng Việt với mọi người càng nhiều càng tốt.
Bên cạnh các yếu tố trên để nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt cho
HSSV Lào chúng tôi còn cần một trái tim, tình yêu và lòng nhiệt thành trước đối
tượng. Trong quá trình giảng dạy chúng tôi cố gắng tạo được mối quan hệ thân
mật, gắn bó, xây dựng một môi trường đầy thiện cảm, mở rộng tâm hồn cho họ đón
nhận những tình cảm yêu thương của thầy cô như người thân trong gia đình, tạo
tâm lý và hoàn cảnh giao tiếp thoải mái tự nhiên, không gò bó, từ đó họ có điều

kiện trải nghiệm. Nghề giáo cũng đòi hỏi các nhà sư phạm xây dựng chuẩn mực về
lời nói, hành vi giao tiếp, cách thức ứng xử với mọi thành viên trong cộng đồng.
Chẳng hạn: Thường một buổi học bắt đầu từ 8 giờ, nhưng mỗi lần lên lớp
chúng tôi đến sớm hơn, không bao giờ để HSSV Lào đứng chờ; khi hết giờ cố
gắng củng cố thêm ít phút cho bài vừa học, dặn dò chuẩn bị công việc hôm sau. Để
tăng cường vốn từ, vốn sống và tích cực hóa vốn từ, rèn kỹ năng giao tiếp cho
HSSV Lào, chúng tôi đã sử dụng mọi biện pháp, thủ pháp dạy học và vận dụng ở
mọi nơi, mọi lúc (có thể được): trong giờ ra chơi, trên đường từ lớp học về ký túc
xá, đi dã ngoại .... Nghĩa là phải biết chia sẻ, đồng cảm với các em trước rào cản
ngôn ngữ Tiếng Việt rất khó với đối tượng. Giảng viên phải nắm được tâm lý họ
cần được thông hiểu ngôn ngữ, tiếp nhận để giao tiếp trong cuộc sống, sinh hoạt và
học tập.


HSSV Lào, do thói quen dậy muộn, những ngày đầu mới đến Việt Nam, các
em rất khó có thể thay đổi nếp sống, thường đi học chậm. Trước mỗi buổi học,
chúng tôi ghé chỗ ở của các em để nhắc nhở, ân cần, động viên và tạo thói quen
mới để giúp HSSV Lào dần đi vào nề nếp, phù hợp với cách sống của người Việt.
Những cử chỉ đó dù nhỏ nhoi nhưng đã truyền lửa của tình yêu, lòng nhiệt thành,
tính cần mẫn, miệt mài của tâm huyết người thầy để kích thích, khơi gợi, lôi cuốn
đối tượng.
3. KẾT LUẬN
HSSV Lào học Tiếng Việt trong môi trường sống của người Việt là thuận lợi
lớn, các em có điều kiện trải nghiệm nhiều: khi học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải
trí... trong giờ học cũng như ngoài lớp học đều có thể giao tiếp bằng Tiếng Việt.
Chính đó là điều kiện, hoàn cảnh tốt giúp các em tăng cường, mở rộng vốn từ và
tích cực hóa vốn từ qua giao tiếp một cách nhanh chóng. Thông qua thái độ sống
của người dạy từ phương pháp lên lớp, cách ứng xử, giao tiếp cho đến hành vi
ngôn ngữ trong cuộc sống, sinh hoạt đều có thể giúp HSSV có thêm kinh nghiệm
giao tiếp cho chính mình. Điều đáng nói nữa là nguyên tắc giao tiếp trong dạy học

Tiếng Việt có mối quan hệ mật thiết và thống nhất với quan điểm lấy người học
làm trung tâm (dạy học theo hướng tích cực). Chúng tôi vận dụng sáng tạo quan
điểm giao tiếp trong dạy học Tiếng Việt vừa phát huy được tính chủ động, năng
lực trí tuệ của HSSV Lào vừa đảm bảo đặc trưng hướng vào hoạt động giao tiếp
của môn học và đó cũng là định hướng để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trường Đại học Quảng Bình (2010), Chương trình đào tạo Tiếng Việt dự bị.
[2] Nguyễn Văn Huệ (chủ biên) (2002), (2003), Giáo trình Tiếng Việt dành cho
người nước ngoài, tập 2,3, Nxb Giáo dục.
[3] Bùi Minh Toán, Đặng Thị Lanh, Lê Hữu Tỉnh (1994), Tiếng Việt tập 1, Nxb
Giáo dục.
[4] Lê Ngọc Trà, Giao tiếp, giáo dục và giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà
trường, http//wwwtrungtamdaytienghan.com/tv/.


IMPROVING THE QUALITY OF TEACHING VIETNAMESE
LANGUAGE FOR LAO STUDENS ON COMMUNICATIVE APPROACH

Nguyen Thi Nga
Quang Binh University
Abstract. In recent years, Lao People's Democratic Republic has sent many
students to Quang Binh University for undergraduate. For their studying, Lao
students have to master Vietnamese language – an important step in becoming
proficient in their major subjects. Therefore, the paper aims at approaching the
communicative way in teaching Vietnamese language following basic ways:
studying the communicative activities and viewpoints in teaching Vietnamese;
Determining the characteristics and target of the students studying Vietnamese;
Collecting the best ways to teach Vietnamese language for Lao students in
communicative approach such as: building the curriculum, writing the materials,
and organizing the class.

Key words: improving the quality, teaching Vietnamese, communicative
approach, Lao students, importance



×