Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Tư tưởng lễ trị của nho giáo và ảnh hưởng của nó đến đường lối trị nước thời hậu lê tt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (430.05 KB, 27 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

TRẦN THỊ THỦY

TƯ TƯỞNG LỄ TRỊ CỦA NHO GIÁO VÀ
ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐẾN ĐƯỜNG LỐI TRỊ
NƯỚC THỜI HẬU LÊ
Chuyên ngành: Triết học
Mã số: 9229001

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

HÀ NỘI - 2018


CÔNG TRÌNH ĐƯỢC HOÀN THÀNH TẠI
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS Trần Nguyên Việt

Phản biện 1: GS.TS Nguyễn Hùng Hậu
Phản biện 2: PGS.TS. Đặng Thị Lan
Phản biện 3: PGS.TS. Nguyễn Thị Thọ

Luận án đã được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học
viện họp tại Học viện Khoa học Xã hội vào hồi … giờ …. phút,
ngày …. tháng ….. năm …


CÓ THỂ TÌM HIỂU LUẬN ÁN TẠI THƯ VIỆN:
Thư viện Quốc gia
Thư viện Học viện Khoa học xã hội


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Thứ nhất, Tư tưởng chủ đạo của Nho giáo là chính trị - đạo đức vì
Nho giáo chủ trương Đức trị. Để thi hành đường lối Đức trị thì phải thực
hiện Nhân, Lễ, Chính danh. “Lễ trị” là biện pháp chặt chẽ nhất để thực
hiện Đức trị. Bởi vậy, về mặt lý luận, việc nghiên cứu tư tưởng “Lễ trị”
của Nho giáo sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nội dung tư tưởng Đức trị mà
Khổng Tử đề xuất.
Thứ hai, “Lễ” của Nho giáo được du nhập vào nước ta từ những
năm đầu công nguyên, ban đầu nhằm phục vụ cho mục đích đô hộ và đồng
hóa nhân dân ta của các thế lực phong kiến phương Bắc. Trong suốt thời
kỳ Bắc thuộc, nó đã đáp ứng được nhu cầu của giai cấp phong kiến nên dần
trở thành một thứ lễ giáo chính thống trong lịch sử. Sau khi giành được độc
lập, tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo tuy không được các triều đại phong kiến
Việt Nam ở thế kỷ X (Ngô, Đinh, Tiền Lê) chú trọng, nhưng từ thời Lý, nó đã
dần chiếm lĩnh vị trí quản lý nhà nước và trở thành công cụ quyền lực của
Nhà nước phong kiến Việt Nam độc lập. Tuy nhiên, tư tưởng “Lễ trị” trong
thời kỳ này chưa thực sự chiếm vị trí độc tôn trong xã hội. Phải đến thế kỷ
XV, khi vương triều Lê Sơ được thành lập thì tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo
mới thực sự trở thành hệ tư tưởng chính thống, xuất phát từ yêu cầu xây dựng
nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Đây cũng là vương triều đầu tiên
trong lịch sử phong kiến Việt Nam xác nhận vai trò và vị thế của “Lễ” trong
đường lối trị nước.
Thứ ba, Đường lối trị nước của nhà Hậu Lê là Đức trị kết hợp với Pháp
trị, trong đó đạo đức là chủ đạo, còn pháp luật là bổ trợ. Sự pháp luật hóa các

điển lễ, các hành vi ứng xử của con người là hệ quả của sự kết hợp đức - pháp.
Do đó, tư tưởng “Lễ trị” thời Hậu Lê tuy được xem là một trong những biểu
hiện của đường lối Đức trị, song nội hàm của nó vẫn không phải hoàn toàn
trùng hợp với Đức trị mà Khổng Tử đề xuất.
Thứ tư, Tư tưởng “Lễ” và “Lễ trị” của Nho giáo đã có ảnh hưởng
rất sâu đậm trong đời sống tư tưởng, chính trị, xã hội và văn hóa của dân
1


tộc ta, là công cụ đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội phong kiến, đồng thời
góp phần xây dựng nền văn hóa dân tộc. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu
tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo, đặc biệt là ảnh hưởng của nó tới mô hình
quân chủ chuyên chế điển hình dưới thời Hậu Lê vào quản lý xã hội, trên
cơ sở đó rút ra các bài học có giá trị phục vụ yêu cầu phát triển đất nước
hiện nay, theo chúng tôi, rõ ràng là cần thiết, đồng thời có ý nghĩa lý luận
và thực tiễn cấp bách.
Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn trên, nghiên cứu sinh chọn
vấn đề: “Tư tưởng Lễ trị của Nho giáo và ảnh hưởng của nó đến đường lối
trị nước thời Hậu Lê” làm đề tài luận án tiến sĩ Triết học của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
- Mục đích:
Trên cơ sở phân tích, trình bày cơ sở hình thành, nội dung tư
tưởng “Lễ trị” của Nho giáo Trung Quốc, luận án làm rõ ảnh hưởng của tư
tưởng đó đến đường lối trị nước thời Hậu Lê và ý nghĩa hiện thời của nó.
- Nhiệm vụ:
Để đạt được mục đích nêu trên, luận án tập trung làm rõ những
nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
+ Trình bày cơ sở hình thành và nội dung cơ bản trong tư tưởng “Lễ trị”
của Nho giáo Trung Quốc.
+ Trình bày ảnh hưởng của tư tưởng Lễ trị đến đường lối trị nước

thời Hậu Lê
+ Chỉ ra những giá trị và hạn chế của tư tưởng “Lễ trị” trong
đường lối trị nước thời Hậu Lê dưới ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị”, từ
đó làm rõ ý nghĩa của tư tưởng Lễ trị đối với các triều đại phong kiến về
sau cũng như rút ra bài học lịch sử đối với xã hội ta hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
- Đối tượng:
Luận án tập trung nghiên cứu tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo và
ảnh hưởng của nó đến đường lối trị nước thời Hậu Lê.
- Phạm vi:
2


+ Tìm hiểu quan niệm về “Lễ” và “Lễ trị” trong các tác phẩm kinh
điển của Nho giáo, chủ yếu trong Nho giáo sơ kỳ.
+ Phân tích những biểu hiện của tư tưởng “Lễ trị” trong đường lối trị nước
thời Hậu Lê gồm giai đoạn Lê Sơ, nhà Mạc và Lê Trung hưng.
4. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
- Đề tài dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy
vật lịch sử, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối, chính sách của
Đảng và Nhà nước về chính trị và đạo đức, lối sống.
- Đề tài chủ yếu dùng các phương pháp nghiên cứu của khoa học xã hội
như phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp trên cơ sở kết hợp các phương
pháp liên ngành triết học, sử học, đạo đức học, chính trị học.
5. Đóng góp mới về mặt khoa học của luận án
- Làm rõ các điều kiện, tiền đề cho sự hình thành tư tưởng “Lễ trị” của
Nho giáo.
- Làm sáng tỏ nội dung cơ bản trong tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo.
- Làm rõ ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị” đối với đường lối trị
nước thời Hậu Lê.

- Chỉ ra được giá trị và hạn chế của tư tưởng “Lễ trị”, từ đó làm rõ ý
nghĩa của nó đối với các triều đại phong kiến về sau cũng như việc rút ra bài học
lịch sử đối xã hội ta hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Luận án góp phần vào việc tìm hiểu tư tưởng “Lễ trị” - một nội dung cơ
bản trong học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo, từ đó chỉ ra ảnh hưởng tích
cực cũng như hạn chế của nó đến đường lối trị nước ở thời Hậu Lê.
- Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu,
giảng dạy triết học, chính trị, đạo đức nói chung và Nho giáo nói riêng ở các
trường Đại học, Cao đẳng chuyên và không chuyên triết học.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung
luận án gồm 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.
3


Chương 2. Cơ sở hình thành và nội dung tư tưởng Lễ trị của Nho giáo
Trung Quốc.
Chương 3. Ảnh hưởng của tư tưởng Lễ trị đến đường lối trị nước
thời Hậu Lê.
Chương 4. Giá trị, hạn chế của đường lối trị nước thời Hậu Lê
dưới ảnh hưởng của tư tưởng Lễ trị và ý nghĩa hiện thời của nó.
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ
TÀI LUẬN ÁN
1.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến cơ sở hình thành và
nội dung tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo Trung Quốc
Các công trình thuộc hướng nghiên cứu này tuy đi sâu vào việc luận
giải cơ sở hình thành, nội dung của Nho giáo, song ở mức độ nhất định đều đề

cập đến tư tưởng “Lễ” và “Lễ trị” của học thuyết này. Trong số các công trình
tiêu biểu cả về nội dung lẫn thời điểm xuất hiện của chúng, phải kể đến các
công trình nghiên cứu “Nho giáo” của Trần Trọng Kim, “Khổng học đăng”
của Phan Bội Châu, “Khổng giáo phê bình tiểu luận” Đào Duy Anh, “Lịch
sử tư tưởng chính trị Trung Quốc” của Lã Trấn Vũ, “Tư tưởng phương
Đông - gợi những điểm nhìn tham chiếu” của Cao Xuân Huy, “Khổng Tử”,
“Mạnh Tử”, “Tuân Tử”, “Đại cương triết học Trung Quốc”... của Nguyễn
Hiến Lê, “Nho giáo xưa và nay” của Quang Đạm, “Bàn về đạo Nho” của
Nguyễn Khắc Viện…
Nhìn chung, những cuốn sách trên đây là những công trình khá bổ
ích cho những ai quan tâm và nghiên cứu Nho giáo. Song cũng do lập
trường, mục đích của những người nghiên cứu Nho giáo ít nhiều có sự
khác nhau, chính vì thế mà những công trình trên vẫn chưa đi sâu vào
nghiên cứu tư tưởng “Lễ trị” với tư cách là tư tưởng trị nước để từ đó làm
rõ ảnh hưởng của nó ở mức nào, giai đoạn lịch sử cụ thể nào của nước ta.
Điều đó là vấn đề đặt ra để chúng tôi sẽ tiếp tục đi sâu nghiên cứu và làm sáng
tỏ trong luận án của mình.

4


1.2. Những công trình nghiên cứu ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị”
đến đường lối trị nước thời Hậu Lê
Nhóm công trình này đi sâu nghiên cứu về Nho giáo ở Việt Nam
như một yếu tố quan trọng hình thành nên các giá trị đạo đức, tinh thần
của con người Việt Nam xưa và nay. Trong nhóm các công trình này cũng
có sự phân tích ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ” và “Lễ Trị” ở Việt Nam
trong xã hội phong kiến, điển hình dưới thời Hậu Lê. Liên quan đến vấn
đề này có các công trình: “Nho giáo tại Việt Nam” do Lê Sĩ Thắng chủ
biên, “Đại học và Trung dung Nho giáo”, “Nho giáo xưa và nay”, “Nho giáo

và đạo đức”, “Nho giáo và gia đình”, “Đức trị và pháp trị trong Nho giáo”,
“Nho giáo và sự phát triển ở Việt Nam”… của tác giả Vũ Khiêu, “Một số vấn
đề về Nho giáo Việt Nam” do Phan Đại Doãn chủ biên, “Nho giáo với văn hóa
Việt Nam” của Nguyễn Đăng Duy... Ngoài các công trình kể trên còn có
các luận văn, luận án tiến sỹ cũng đề cập đến một số khía cạnh của Nho
giáo về con người, đạo đức, về tư tưởng chính trị và sự ảnh hưởng của nó
ở Việt Nam như luận án “Vấn đề con người trong Nho học sơ kỳ của
Nguyễn Tài Thư, luận án “Quan niệm của Nho giáo về các mối quan hệ xã
hội. Ảnh hưởng và ý nghĩa của nó đối với xã hội ta hiện nay”, của Nguyễn
Văn Bình, luận án tiến sĩ triết học của Nguyễn Thanh Bình với đề tài “Học
thuyết chính trị xã hội của Nho giáo và sự thể hiện của nó ở Việt Nam (từ
thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX)” ….
Những công trình trên tuy đã đề cập đến vai trò của “Lễ” trên lĩnh
vực chính trị nhưng chưa đi sâu khai thác nó như là một vấn đề độc lập,
chưa phân tích sâu sắc sự ảnh hưởng của nó lên đường lối trị nước của các
triều đại phong kiến Việt Nam. Song những tài liệu trên đã cung cấp tư
liệu giúp nghiên cứu sinh hiểu sâu thêm về đường lối “Lễ trị” của Nho
giáo, từ đó là cơ sở để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn ở khía cạnh
này.
1.3. Những công trình nghiên cứu về giá trị và hạn chế của đường lối
trị nước thời Hậu Lê dưới ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị”

5


Ở Việt Nam từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu
về triều đại Hậu Lê. Tuy nhiên, do mục đích và phạm vi nghiên cứu khác
nhau nên các công trình chỉ mới tập trung vào một lĩnh vực nhất định,
thậm chí một khía cạnh nổi bật của triều đại này, hoặc một vị hoàng đế cụ
thể…chứ chưa tập trung đi sâu tìm hiểu sự ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ

trị” đến đường lối trị nước của cả triều đại này. Vì vậy, để tìm hiểu ảnh
hưởng tích cực cũng như hạn chế của tư tưởng “Lễ trị” trong đường lối trị
nước thời Hậu Lê chúng tôi đã dựa trên một số bộ sử lớn của dân tộc, đây
là nguồn tư liệu chính, được quan tâm hàng đầu và được xem là tài liệu
gốc của luận án như: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến
chương loại chí, Việt sử thông giám cương mục, Luật Hồng Đức… Ngoài
ra luận án còn kế thừa một số công trình nghiên cứu về lịch sử, kinh tế,
chính trị, văn hóa, xã hội quân chủ Việt nam nói chung và thời kỳ Hậu Lê
nói riêng. Như cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim, “Lịch sử
Việt Nam - từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX”, “Hệ tư tưởng Lê” của tác giả
Nguyễn Duy Hinh, cuốn “Lịch sử tư tưởng Việt Nam” tập 1, do Nguyễn
Tài Thư chủ biên...Những công trình nghiên cứu đi trước về triều đại Hậu
Lê là nguồn tài liệu quan trọng giúp chúng tôi hoàn thành luận án của
mình.
Tiểu kết chương 1
Kế thừa thành quả trong những công trình nghiên cứu của các học
giả đi trước, luận án tiếp tục triển khai nghiên cứu làm rõ những vấn đề
sau:
Thứ nhất, Luận án nghiên cứu tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo, do
đó việc làm rõ cơ sở hình thành hình thành và những nội dung cơ bản của
“Lễ trị” là hết sức cần thiết.
Thứ hai, Luận án làm rõ ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị” đến
đường lối trị nước thời Hậu Lê, chủ yếu ở các khía cạnh tu dưỡng đạo đức
của người cầm quyền, trong lĩnh vực giáo hóa, thi hành chính sách an dân,
xây dựng và thực thi pháp luật.

6


Thứ ba, Luận án làm rõ những giá trị và hạn chế của đường lối trị

nước thời Hậu Lê dưới ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị”, từ đó rút ra bài
học lịch sử cho sự nghiệp quản lý xã hội ở nước ta hiện nay.
Chương 2
CƠ SỞ HÌNH THÀNH VÀ NỘI DUNG TƯ TƯỞNG LỄ TRỊ CỦA
NHO GIÁO TRUNG QUỐC
2.1. Những điều kiện và tiền đề cơ bản cho sự hình thành tư tưởng
“Lễ trị” của Nho giáo
2.1.1. Điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội
Về kinh tế: Thời kỳ Xuân Thu, nền kinh tế Trung Quốc chuyển từ
thời đại đồ đồng sang thời đại đồ sắt. Những phát minh mới về kỹ thuật
khai thác và sử dụng đồ sắt đã đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho nền sản
xuất nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi phát triển, nhờ đó diện tích đất đai
canh tác được mở rộng. Kỹ thuật trồng trọt được cải tiến cũng làm cho
năng suất lao động trong lĩnh vực này không ngừng tăng lên. Vì vậy, việc
chia lại ruộng đất (do căn cứ vào đất tốt hay xấu) trở nên không cần thiết.
Công xã đã giao hẳn đất cho từng hộ gia đình cày cấy trong thời hạn lâu
dài. Chế độ “tỉnh điền” dần tan rã, chế độ tư hữu về ruộng đất ra đời.
Về chính trị - xã hội: Sự phát triển mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế
đã làm cho tình hình chính trị - xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ có nhiều
chuyển biến hết sức căn bản và lớn lao. Chế độ nô lệ đang dần dần tan rã
và chế độ phong kiến đang hình thành. Tình trạng mất đất, mất dân (sự suy
yếu về kinh tế) đã làm cho giai cấp quý tộc nhà Chu suy yếu về địa vị
chính trị. Ngôi thiên tử của nhà Chu chỉ còn là hình thức. Trật tự lễ nghĩa
của nhà Chu không còn được tôn trọng như trước. Những nghi lễ chặt chẽ
tôn nghiêm trước đây đã từng góp phần bảo vệ chế độ tông pháp nhà Chu,
đến lúc này không còn được coi trọng. Việc “tang viếng, tế lễ, chúc mừng”
đã trở thành một nghi thức ngoại giao chứ không còn là lễ nghĩa và trật tự
xã hội nữa.
2.1.2. Tiền đề tư tưởng
7



Sự ra đời tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo không chỉ nảy sinh từ
điều kiện thực tiễn mà còn bắt nguồn từ đời sống tư tưởng (tôn giáo, chính
trị, đạo đức) của Trung Quốc từ trước đến bấy giờ, đặc biệt dưới thời nhà
Chu.
Về tôn giáo, nhà Chu đề cao tư tưởng “kính trời”, “thờ thượng
đế”, “hợp mệnh trời”, “trời và người hợp nhất”. Nhà Chu cho rằng, Trời
(Thượng Đế) là lực lượng có nhân cách, có ý chí và có uy quyền tuyệt đối.
Chính vì vậy, nhà Chu cho rằng, vì nhà Ân không biết “Mệnh trời” để ra
sức làm cho “hợp Mệnh trời”, do vậy Thượng đế đã trừng phạt và để cho
nhà Chu thay thế nhà Ân cai trị dân. Điều đó cho thấy tư tưởng tôn giáo đã
bị chính trị hóa, phản ánh tư tưởng của giai tầng thống trị lúc bấy giờ,
phản ánh nền chuyên chính quý tộc thị tộc.
Về chính trị, tư tưởng chính trị chủ yếu của giai cấp quý tộc nhà
Chu là “Nhận dân”, “Hưởng dân” và “Trị dân”. Nhà Chu đã khéo léo che
phủ tư tưởng chính trị của họ bằng một lớp sơn mang đam mầu sắc tôn
giáo. Mọi chính sách của nhà Chu đều được giải thích là “vâng Mệnh
trời”.
Về đạo đức, tư tưởng đạo đức nhà Chu lấy hai chữ Đức và Hiếu
làm nòng cốt. Hiếu là thờ phụng tổ tiên, phải nhớ công lao của tổ tiên mà
giữ gìn phép tắc của tổ tiên để lại. Đây là một quan niệm duy tâm thần bí
được luận chứng từ mục đích chính trị nhằm củng cố địa vị thống trị của
tầng lớp quý tộc nhà Chu.
Tuy nhiên, đến thời Khổng Tử, cùng với sự suy vong của nhà
Chu, tư tưởng “kính Trời” xưa nay vốn có sức mạnh chi phối cao nhất bắt
đầu có sự “lung lay”. Sự tín ngưỡng của mọi người đối với “Trời” đã bắt
đầu có sự hoài nghi và thất vọng, thậm chí oán trách. Do vậy, để khắc
phục tình trạng rối loạn xã hội, đưa xã hội vào thế ổn định và phát triển,
Nho giáo một mặt, thừa nhận và sử dụng sức mạnh của thần quyền; mặt

khác, sớm tìm ra một công cụ một phương pháp cai trị mới để thay thế và
bổ sung. Vì muốn giữ trật tự nội bộ giai cấp thống trị, họ mới hệ thống hóa
nên cái gọi là “Lễ”. Như vậy, một trong những nguyên nhân cho sự ra đời
8


tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo phải kể đến sự suy yếu của thế lực thần
quyền trong lòng nhân dân.
2.2. Nội dung cơ bản trong tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo Trung
Quốc
2.2.1. Khái niệm “Lễ” và “Lễ trị” của Nho giáo
Khi khảo sát Tứ Thư, Ngũ Kinh chúng tôi thấy “Lễ” và sự chuyển hóa
thành thành “Lễ trị” thể hiện dưới ba hình thức cơ bản như sau:
Thứ nhất, Lễ nghi tế tự trở thành “Lễ trị” trong trường hợp tế trời
do vua làm chủ tế.
Thứ hai, “Lễ” là chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử của con
người trong xã hội, trở thành “Lễ trị” trong thực hiện Chính danh.
Thứ ba, “Lễ” biểu hiện dưới dạng hình luật, tức là biện pháp để
duy trì trật tự xã hội, hoàn toàn mang tính “Lễ trị”.
2.2.2. Vấn đề tu dưỡng đạo đức của người cầm quyền trong tư tưởng
“Lễ trị”
2.2.2.1. Những phẩm chất đạo đức cần có của người cầm quyền
Để thực thi đường lối “Lễ trị” Nho giáo đặt ra vấn đề cần có mẫu người
cầm quyền thích hợp, đó là mẫu người quân tử: có phẩm chất đạo đức cao đẹp, biết
lễ nghĩa và trọng lễ, biết mệnh trời, có năng lực tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên
hạ.
Phẩm chất của người cầm quyền: Nhân, Lễ, Nghĩa, trí, tín, dũng...
2.2.2.2. Con đường tu dưỡng đạo đức của người cầm quyền
Thứ nhất, người cầm quyền phải tu thân.
Thứ hai, người cầm quyền phải học.

Thứ ba, người cầm quyền phải trọng “Lễ”, biết “Lễ”.
Thứ tư, người cầm quyền phải gương mẫu, yêu dân, giữ được lòng
tin của dân.
2.2.3. Chính sách giáo hóa và an dân trong tư tưởng “Lễ trị”
2.2.3.1. Chính sách giáo dục, giáo hóa
Thứ nhất, vai trò của giáo hóa đối với việc thay đổi “tính người”

9


Thứ hai, đối tượng giáo hóa của Nho giáo hoàn toàn mở rộng cho
tất cả mọi người, còn gọi là “hữu giáo vô loại”.
Thứ ba, mục đích của giáo hóa là nhằm duy trì xã hội có “Lễ”
theo khuôn mẫu của nhà Chu
Thứ tư, nội dung giáo hóa là phổ biến những nguyên tắc, những
chuẩn mực đạo đức và lễ giáo đạo Nho.
Thứ năm, cách thức giáo hóa chủ yếu là làm gương và dạy dỗ
2.2.3.2. Chính sách an dân
Thứ nhất, Chủ trương làm cho dân đông, dân giàu.
Thứ hai, để thi hành “Lễ trị” người cầm quyền cũng cần tiết kiệm
sức dân, sai khiến dân đúng lúc, giảm bớt tô thuế, nhẹ hình phạt.
Thứ ba, để thi hành “Lễ trị” nhà cầm quyền phải coi trọng dân.
Thứ tư, Chủ trương phân phối bình quân
Tiểu kết chương 2
Từ việc nghiên cứu sự ra đời và nội dung tư tưởng “Lễ trị” của
Nho giáo chúng ta thấy:
Sự ra đời của học thuyết Nho giáo do Khổng Tử đề xuất là nhằm
mục đích giữ vững được thể chế, giữ vững được trật tự xã hội, bằng cái
gọi là “lễ” hay “Lễ trị”. “Lễ trị” có mối quan hệ chặt chẽ với Đức trị
nhưng nội hàm của nó không hoàn toàn trùng khớp với Đức trị. Để thi

hành đường lối Đức trị thì phải thực hiện Nhân, Lễ, Chính danh. Bởi vậy,
“Lễ trị” là một trong những biện pháp chặt chẽ, hiệu quả nhất để thực hiện
Đức trị.
Từ khi ra đời, “Lễ trị” đã được các triều đại phong kiến Trung
Quốc sử dụng kết hợp với các đường lối khác trong việc trị nước. Thoạt
nghe “Lễ trị” như một hình thức quản lý xã hội mang tính tự giác, tự
nguyện không mang tính cưỡng bức, bạo lực, mọi người cứ theo đó mà
làm đừng có xâm phạm tới người khác. Việc chấp hành lễ một cách tự
giác như là trách nhiệm của mỗi thành viên trong xã hội. Song về thực
chất, “Lễ trị” là nền chuyên chính của giai cấp thống trị đối với nhân dân
lao động.
10


“Lễ trị” là một công cụ hết sức đắc lực trong việc trị nước, việc
chấp hành lễ giáo trong từng gia đình là điều kiện tốt để thực hiện “Lễ”
của từng quốc gia. Cho nên “Lễ” của Nho giáo có tác dụng củng cố trật tự
phong kiến ngay từ gia đình, tế bào xã hội đến phạm vi rộng lớn hơn là
quốc gia và cả thiên hạ.
Chương 3
ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG LỄ TRỊ ĐẾN ĐƯỜNG LỐI TRỊ
NƯỚC THỜI HẬU LÊ
3.1. Những điều kiện tiền đề cho sự ảnh hưởng của tư tưởng Lễ trị
đến đường lối trị nước thời Hậu Lê
3.2.1. Điều kiện kinh tế - xã hội
Với nền nông nghiệp lúa nước, khung tổ chức lao động chính, cũng
là tế bào xã hội là các tiểu gia đình phụ quyền. Bởi vì, hầu hết ruộng đất dù là
ruộng công của làng xã hay ruộng của địa chủ đều được sử dụng trong khuôn
khổ sản xuất lấy gia đình làm đơn vị. Trong mỗi gia đình không chỉ có quan
hệ hôn nhân, huyết thống, mà còn có cả quan hệ sở hữu, phân phối sản phẩm,

phân công lao động cho đến những quan hệ tinh thần. Tất cả những quan hệ
trên đều cần đến chứng tỏ vai trò của người gia trưởng và tôn ti, trật tự của gia
đình. Nho giáo được suy tôn phù hợp với việc củng cố trật tự gia đình hay
dòng họ (gia tộc) là tiểu gia đình mở rộng. Đó chính là cơ sở để tư tưởng “Lễ
trị” của Nho giáo dễ thâm nhập vào cuộc sống, bởi vì nó đã góp phần củng cố
uy quyền của người gia trưởng và tôn ti trật tự trong gia đình.
3.1.2. Tiền đề chính trị
Ngay sau cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược kéo dài 10
năm giành thắng lợi, Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ) lên ngôi vua, vương triều Lê
được thiết lập, thì vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các vị vua đầu triều Lê là
cần củng cố và xây dựng lại vương triều ngày càng vững mạnh. Điều này
đòi hỏi Nhà nước phong kiến Việt Nam một mặt phải tiếp thu những kinh
nghiệm và nguyên tắc trong việc tổ chức bộ máy Nhà nước của các triều đại
phong kiến tập quyền phương Bắc và mặt khác, sử dụng tư tưởng “Lễ trị”
11


của Nho giáo với tư cách là cơ sở lý luận của Nhà nước. Bởi lẽ, trong hoàn
cảnh lịch sử bấy giờ chỉ có tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo mới có thể giải
đáp được những vấn đề thiết thân đến việc củng cố nhà nước như vấn đề
quân quyền, quy định các điển chương lễ chế và cơ cấu hành chính từ triều
đình đến địa phương.
3.1.3. Tiền đề văn hóa - tư tưởng
Do yêu cầu củng cố và phát triển của nhà nước phong kiến, nên
việc bổ nhiệm quan lại bằng con đường cũ - con đường “nhiệm từ” và “thủ
sĩ” không đáp ứng được, mà cần phải có một phương thức đào tạo và
tuyển lựa quan lại mới để bổ sung vào đó. Điều này chỉ thực hiện được
bằng việc phát triển một nền giáo dục mới, với chế độ thi cử để tuyển lựa
nhân tài.
Tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo được phát triển lên đến đỉnh cao ở

thời Hậu Lê còn có vai trò rất lớn của vua, quan và các nho sĩ đương thời,
điển hình là vua Lê Thánh Tông. Nếu nhìn ở góc độ truyền thống thì đây
là điểm hạn chế của nhà Hậu Lê khi họ coi trọng, đề cao giá trị văn hóa
phương Bắc. Nhưng xét về đại thể lại biểu hiện khát vọng mạnh mẽ của
một triều đại muốn nâng tầm văn hóa dân tộc. Đánh giá nhà Hậu Lê tiết
chế văn hóa dân gian là điểm hạn chế hay thất bại trong chính sách đối nội
chính là chưa nhận thấy sự hy sinh và tầm nhìn của vương triều Hậu Lê
đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Sự quyết liệt và mạnh tay của
các vị vua Lê trong chính sách văn hóa chính là lý do để tư tưởng “Lễ trị”
của Nho giáo có chỗ đứng trong lịch sử văn hóa dân tộc ta.
3.2. Ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị” trong việc tu dưỡng đạo đức
của nhà vua và tầng lớp quan lại thời Hậu Lê
3.2.1. Quan điểm của vua, quan nhà Hậu Lê về vai trò của tu dưỡng đạo
đức trong việc trị nước
Một trong những biểu hiện rõ nét cho chủ trương “Lễ trị” ở thời
Hậu Lê là các vị vua nhà Hậu Lê rất quan tâm tới việc tu thân, sửa đức, coi
đức sáng của nhà vua là điều kiện tiên quyết làm cho đất nước được thịnh
trị. Trong thời kỳ Hậu Lê, đặc biệt ở giai đoạn Lê Sơ chúng ta bắt gặp rất
12


nhiều lần các vua tự nhận lỗi, sửa đức, chỉnh đốn chính sự trước những tai
họa như thiên tai, dịch bệnh của dân.
Trong tư tưởng, quan niệm của các nhà nho, nhà vua thời Hậu Lê,
vương nghiệp của nhà vua thành hay bại, dài hay ngắn, hưng hay vong,
thịnh hay suy không chỉ do Trời, ý Trời mà còn do nhà vua có đạo đức, có
luôn tu dưỡng đạo đức và đặc biệt có thi hành đường lối “Lễ trị” hay
không.
Đến thời Lê Trung Hưng, Nho giáo vẫn giữ được địa vị thống trị
về mặt tư tưởng của tất cả các phe phái. Các vua Lê, chúa Trịnh vẫn tiếp

tục phát triển “24 điều giáo hóa” của Lê Thánh Tông thành “47 điều giáo
hóa” (năm 1663) và phổ biến rộng rãi trong nhân dân khuyên con người ta
tôn kính tổ tiên, hiếu đễ với cha mẹ, anh em, nhân nghĩa với mọi người.
Trong đó có nhiều điều khuyên người cầm quyền tu thân sửa đức để xứng
đáng là làm “phụ mẫu” thiên hạ.
3.2.2. Những nội dung cơ bản trong việc tu dưỡng đạo đức của vua,
quan nhà Hậu Lê
Thứ nhất, Những chuẩn mực cơ bản trong việc tu dưỡng đạo đức
của vua, quan nhà Hậu Lê.
Nhà Hậu Lê đặc biệt đề cao đạo Trung và Hiếu
Nhà Hậu Lê coi trọng các chuẩn mực đạo đức trong đạo cương
thường
Thứ hai, về cách thức tu dưỡng đạo đức, vua quan nhà Hậu Lê chú
trọng đến việc tu thân, tự học, nêu gương, thực hiện chính danh…
3.3. Ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị” trong chủ trương giáo hóa dân
và chính sách an dân của nhà Hậu Lê
3.3.1. Ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị” trong chủ trương giáo hóa dân
Thứ nhất, mục đích giáo dục thời Hậu Lê nhằm đào tạo ra những con
người có đạo đức, luôn suy nghĩ và hành động theo chuẩn mực đạo của Nho
giáo phù hợp với yêu cầu cai trị của nhà nước phong kiến.
Hai là, nội dung giáo dục thời Hậu Lê tập trung vào những chuẩn
mực đạo đức của Nho giáo.
13


Thứ ba, nhà Hậu Lê ban hành các điều kiện về nhân thân đối với
các đối tượng tham gia học tập và thi cử nhằm đảm bảo sự trong sạch về
mặt đạo đức.
Thứ tư, nhà Hậu Lê chủ trương sử dụng người xuất thân từ Nho
học và đầy đủ các điều kiện về nhân thân.

3.3.2. Ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị” trong việc thi hành chính sách
an dân
Thứ nhất, Nhà Hậu Lê chú trọng phát triển“nông tang” đặt cơ sở
kinh tế cho chủ trương “Lễ trị”.
Thứ hai, Nhà Hậu Lê thúc đẩy phát triển văn hóa với phương
châm sử dụng “lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân”.
Thứ ba, nhà Hậu Lê chấn chỉnh quan lại để thực hiện nhiệm vụ
“thay trời chăn dân”
Thứ tư, nhà Hậu Lê chú trọng bồi dưỡng sức dân, giảm thuế, giảm
tội, giảm hình phạt.
3.4. Ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị” trong việc xây dựng và ban
hành pháp luật
Nhà Lê còn đặt cơ sở pháp lý cho tư tưởng “Lễ trị” bằng cách thể
chế hóa “Lễ” để cai trị, thể hiện rõ nét nhất trong bộ “Quốc triều hình
luật”. Cụ thể tư tưởng “Lễ trị” được thể hiện trong bộ luật này ở những
phương diện sau đây:
Thứ nhất, “Quốc triều hình luật” có nhiều điều khoản quy định về
lễ nghi tế tự, thể hiện tư tưởng“kính thiên ái dân”của Nho giáo.
Thứ hai, “Quốc triều hình luật” quy định chặt chẽ trách nhiệm của
bề tôi (quan lại) với nhà vua và dân nhằm bảo vệ lợi ích, địa vị của giai
cấp thống trị.
Thứ ba, tư tưởng “Lễ” của Nho giáo đã được luật hóa trong “Quốc
triều hình luật” để cai trị, giáo hóa dân chúng.
Ở thế kỷ XVI, Mạc Đăng Dung do không đủ thời gian xây dựng
hệ thống pháp luật mới nên về cơ bản đều tuân theo cách thức tổ chức bộ
máy nhà nước, hệ thống luật hướng Nho của các vua Lê. Điển chế và pháp
14


luật cho đến thời Mạc chủ yếu là pháp điển được ban hành thời Quang

Thuận và Hồng Đức dưới triều Lê Thánh Tông. Thời Lê Trung Hưng, các
chúa Trịnh bắt đầu trực tiếp tham gia điều hành nhà nước cùng với các vua
Lê. Trong quá trình này, việc đầu tiên cần làm vẫn là củng cố pháp luật và
điều chỉnh hệ thống quan lại.
Tiểu kết chương 3
Ở trên chúng tôi đã trình bày sự ảnh hưởng của tư tưởng “Lễ trị”
đến đường lối trị nước thời Hậu Lê (1428-1788). Từ việc nghiên cứu
đường lối trị nước nhà Lê chúng tôi đi đến một số nhận xét sau:
Thứ nhất, đây là thời kỳ mà Nho giáo đã trở thành yếu tố chủ đạo
trong đời sống tư tưởng của người Việt, với các quan niệm về nhân, lễ,
nghĩa, tín, trung, hiếu...., nó giữ vị trí độc tôn về mặt tư tưởng. Các vị vua
nhà Hậu Lê đã sử dụng hệ thống giáo lý về đạo đức của Nho giáo để tổ
chức xã hội theo phương châm “Lễ trị”, xem “Lễ” như một công cụ hữu
hiệu để trị nước.
Thứ hai, các vua nhà Hậu Lê rất chú ý đến việc xây dựng hệ thống
điển chế pháp luật, kết hợp chặt chẽ giữa “lễ” và “pháp”. Nhà nước đưa
“Lễ” vào luật, luật và lễ hỗ trợ nhau tạo ra một xã hội hoạt động theo định
hướng của học thuyết Nho giáo. Trong những bộ luật đó “lễ” rất được coi
trọng, bởi nó là cơ sở để nhà Hậu Lê xây dựng ý thức pháp luật nhằm điều
chỉnh các hành vi đạo đức, lối sống của con người, khiến xã hội đi vào trật
tự, dễ quản lý.
Thứ ba, sự vận dụng hiệu quả nhất tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo
ở nước ta chủ yếu là thời kỳ Lê Sơ (100 năm đầu của triều đại Hậu Lê),
các nhà nghiên cứu gọi đây là thời kỳ đỉnh cao của sự “độc tôn” Nho giáo.
Từ thế kỷ XVI trở đi, do tình hình nội chiến liên tục xảy ra nên xã hội mất
dần ổn định kỷ cương lễ giáo, khiến những nỗ lực phục hồi những kỷ
cương, trật tự xã hội theo tư tưởng Nho giáo của các đời vua Lê, chúa
Trịnh dường như trở nên kém hiệu quả.

15



Chương 4
GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ VÀ Ý NGHĨA HIỆN THỜI CỦA
ĐƯỜNG LỐI TRỊ NƯỚC THỜI HẬU LÊ DƯỚI ẢNH HƯỞNG CỦA
TƯ TƯỞNG LỄ TRỊ
4.1. Những giá trị , hạn chế của đường lối trị nước thời Hậu Lê dưới ảnh
hưởng của tư tưởng “Lễ trị”
4.1.1 Giá trị của đường lối trị nước thời Hậu Lê dưới ảnh hưởng của tư
tưởng “Lễ trị”
- Thứ nhất, Nhà Hậu Lê sử dụng tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo
làm cơ sở lý luận cho việc xây dựng và củng cố chế độ phong kiến trung
ương tập quyền.
Dưới thời Lê, chế độ phong kiến đang trên đà phát triển, tư tưởng
Lễ trị của Nho giáo đã tỏ ra là một công cụ phục vụ đắc lực cho giai cấp
địa chủ trong việc củng cố chế độ phong kiến cũng như biện giải cho địa
vị thống trị của giai cấp phong kiến và duy trì trật tự của xã hội phong
kiến. Tư tưởng Lễ trị của Nho giáo là “bệ đỡ” tinh thần, là nguyên tắc để
tổ chức và hoạt động của hệ thống chính quyền thời Hậu Lê. Nó đã cung
cấp cơ sở lý luận và những kinh nghiệm mẫu mực cho việc chấn chỉnh và
mở rộng nhà nước phong kiến tập quyền theo một quy mô hoàn chỉnh có
đầy đủ những thể chế và điều phạm.
- Thứ hai, Việc sử dụng tư tưởng “Lễ trị” trong đường lối trị
nước thời Hậu Lê đã góp phần củng cố các giá trị đạo đức của Nho giáo.
Tư tưởng “Lễ trị” của Nho giáo không chỉ trở thành cơ sở lý luận
cho đường lối trị nước của các triều đại phong kiến Trung Hoa mà còn có
ảnh hưởng sâu sắc đến việc tu dưỡng đạo đức của các tầng lớp Nho sĩ,
quan lại ở xã hội Việt Nam thời phong kiến. Điển hình dưới thời Hậu Lê,
tư tưởng Lễ trị góp phần củng cố các giá trị đạo đức Nho giáo như: hiếu,
kính, phục tùng bề trên, tư tưởng “tôn quân quyền” (kính trọng bề trên)

với mục đích xây dựng và duy trì chế độ phong kiến lấy Nho giáo làm bệ
đỡ hệ tư tưởng.
16


Nho giáo ở nước ta thời Hậu Lê là cơ sở lý luận duy nhất nhằm
củng cố bộ máy nhà nước trung ương tập quyền, nhằm đề cao uy quyền
của hoàng đế, đề cao vai trò của người gia trưởng, tóm lại là nhằm khẳng
định trật tự đẳng cấp của xã hội phong kiến. Để phục vụ cho mục tiêu này
lẽ dĩ nhiên tư tưởng Lễ trị của Nho giáo phải được đặt lên hành đầu. Trong
đó, vấn đề “Trung” và “Hiếu kính” được đặc biệt nhấn mạnh.
- Thứ ba, trong đường lối trị nước theo phương châm “Lễ trị”
nhà Hậu Lê đã luật pháp hóa “lễ để cai trị”. “Lễ trị” trở thành cơ sở để
xây dựng và thực thi pháp luật.
Nhận thức được tầm quan trọng của Lễ như một công cụ đặc biệt
đóng vai trò cải tạo xã hội theo quy chuẩn Nho gia, nhà Hậu Lê đã điển
chế hóa, pháp luật hóa hầu hết các nguyên lý và quy phạm đạo đức Nho
gia. Nhà Lê đã đặc biệt chú trọng phát triển việc đưa lễ vào luật, coi luật từ
lễ mà ra; lễ và pháp hỗ trợ nhau, bổ sung cho nhau trong một thể thống
nhất của đời sống chính trị - xã hội.
Các nội dung mang tính Lễ giáo của Nho gia như cương thường,
trung, hiếu, tiết hạnh; các quy định về tôn ti, trật tự đều được cụ thể hóa
trong các bộ luật thời Lê như: Quốc triều hình luật, Lê triều hội điển,
Thiên Nam dư hạ tập, Quốc triều khám tụng điều lệ…Trong đó, bộ Quốc
triều hình luật là một minh chứng rõ rệt nhất của sự kết hợp chặt chẽ giữa
Lễ và Pháp theo đúng tinh thần “Pháp ngụ lễ, lễ vi pháp dụng” (Luật nằm
trong lễ, lễ để phục vụ luật).
- Thứ tư, Tư tưởng “Lễ trị” góp phần xây dựng văn hóa và
phong tục tập quán Việt Nam thời Hậu Lê.
Để thi hành Lễ trị trong đời sống xã hội, triều đình phong kiến nhà

Hậu Lê đã ban bố khá nhiều huấn điều, những bài cáo, dụ và những quy
định về nghi lễ để phổ biến Nho giáo vào tận thôn xóm. Các xã trưởng
phải có trách nhiệm giảng đọc những lời cáo dụ và những huấn điều ấy ở
những nơi đình đám công sở cho nhân dân thấm nhuần những lễ giáo
phong kiến. Đối với những người con hiếu đễ, người vợ góa ở vậy thờ
chồng và hầu hạ cha mẹ chồng cho đến chết đều được nhà nước biểu
17


dương như những tấm gương tốt về đạo đức. Trái lại, những người nào trái
những quy định về nghi lễ của Nhà nước thì sẽ bị khiển trách hoặc chịu
tội.
Ngay cả cách ăn mặc, đi đứng, nói năng cho đến hôn nhân, tang
tế…cũng được quy định hết sức tỉ mỉ, rành rọt, thậm chí còn được pháp
luật bảo trợ. Chính điều đó đã tạo thành thói quen trong lối sống, suy nghĩ
và hành động của con người. Bởi vậy, những quy tắc trong ứng xử, những
chuẩn mực đạo đức của Nho giáo như Trung, Hiếu, Lễ nghĩa, Tiết
hạnh…đã hòa quyện cùng với những yếu tố văn hóa bản địa như lòng yêu
nước, tinh thần tương thân tương ái, sự chung thủy, tình cha con, mẫu tử,
tình nghĩa vợ chồng…trở thành những truyền thống tốt đẹp của con người
Việt Nam, một trong những thành tố quan trọng của văn hóa tinh thần Việt
Nam.
4.2.2. Một số hạn chế của đường lối trị nước thời Hậu Lê dưới ảnh hưởng của
tư tưởng “Lễ trị”
- Thứ nhất, Nhà Hậu Lê sử dụng tư tưởng “Lễ trị” nhằm
hướng vào việc bảo vệ lợi ích của tầng lớp thống trị.
Giai cấp địa chủ phong kiến Việt Nam thời Hậu Lê mặc dù có
những vai trò tích cực nhất định song vẫn là giai cấp bóc lột. Bất cứ một
giai cấp bóc lột nào mặc dù ngay cả ở giai đoạn thịnh trị nhất cũng để lại
đằng sau nó những hạn chế nhất định, thậm chí là những hạn chế phản

nhân văn. Tư tưởng Lễ trị của Nho giáo với tư cách là công cụ thống trị về
mặt tư tưởng của giai cấp địa chủ phong kiến Việt Nam, dù mang những
giá trị tích cực như trên chúng tôi đã đề cập, thì các yếu tố tiêu cực cũng
manh nha và nhanh chóng trở nên “ngột ngạt” ngay trong thời kì cực thịnh
của nó. Những hạn chế đó chính là mầm mống của “cơn suy thoái tất yếu”
xảy đến với triều đại Lê.
- Thứ hai, Tư tưởng “Lễ trị” dưới thời Hậu Lê thể hiện tính chất
cứng nhắc, rập khuôn theo các chuẩn mực đạo đức trong việc xây dựng
thể chế, luật pháp.

18


Nhà Hậu Lê cũng không phải là một giai đoạn lý tưởng trong lịch
sử phong kiến Việt Nam, ở đó cũng chứa đựng nhiều hạn chế, đặc biệt từ
thời Lê Trung Hưng. Sử liệu thời Lê cho chúng ta biết, đường lối Lễ trị
một mặt đã tạo nên một xã hội trật tự, kỷ cương và phát triển; mặt khác, đã
tạo ra một tầng lớp quan lại có một sự nhất trí hình thức, giả tạo về hệ tư
tưởng. Bởi muốn thi đỗ ra làm quan, họ phải nhận thức một cách rập
khuôn nội dung sắp đặt sẵn trong các giáo trình của Nho giáo, nếu khác,
họ sẽ không đạt được vị thế mong muốn. Sự độc tôn Nho giáo cùng với sự
áp đặt quá mức các lễ chế của nó ở thời kỳ này còn làm cho tầng lớp quan
lại thoái hóa, hình thức, mất sự sáng tạo. Vì vậy, phần lớn quan lại chỉ
quan tâm đến danh và lợi. Như vậy, sự ổn định của Nho giáo là sức mạnh,
nhưng cường điệu sự ổn định sẽ là trì trệ. Và sự thống nhất trong hệ tư
tưởng Nho giáo là lợi thế, nhưng cường điệu sự thống nhất sẽ là hình thức,
khuôn sáo và làm mất khả năng nhạy bén với cuộc sống.
- Thứ ba, hạn chế khả năng tự do sáng tạo của con người, thủ tiêu
tư tưởng đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, phản nhân văn.
Sử liệu thời Lê cho chúng ta biết, đường lối “Lễ trị” một mặt đã

tạo nên một xã hội trật tự, kỷ cương và phát triển; mặt khác, đã tạo ra một
tầng lớp quan lại có một sự nhất trí hình thức, giả tạo về hệ tư tưởng. Bởi
muốn thi đỗ ra làm quan, họ phải nhận thức một cách rập khuôn nội dung
sắp đặt sẵn trong các giáo trình của Nho giáo, nếu khác, họ sẽ không đạt
được vị thế mong muốn. Sự độc tôn Nho giáo cùng với sự áp đặt quá mức
các lễ chế của nó ở thời kỳ này còn làm cho tầng lớp quan lại thoái hóa, hình
thức, mất sự sáng tạo. Vì vậy, phần lớn quan lại chỉ quan tâm đến danh và
lợi. Như vậy, sự ổn định của Nho giáo là sức mạnh, nhưng cường điệu sự ổn
định sẽ là trì trệ. Và sự thống nhất trong hệ tư tưởng Nho giáo là lợi thế,
nhưng cường điệu sự thống nhất sẽ là hình thức, khuôn sáo và làm mất khả
năng nhạy bén với cuộc sống.

19


4.2. Ý nghĩa hiện thời của đường lối trị nước thời Hậu Lê dưới ảnh
hưởng của tư tưởng Lễ trị
4.2.1. Tư tưởng “Lễ trị” thời Hậu Lê với chế độ phong kiến Việt Nam về
sau
Rút ra bài học từ đường lối trị nước thời thịnh trị của nhà Lê, triều
Mạc đã thực hiện nhiều chủ trương thiết thực nhằm ổn định cuộc sống của
nhân dân. Đến nhà Lê Trung Hưng cũng tìm mọi cách để khôi phục lại trật
tự, lễ giáo của nhà Lê sơ. Bởi vậy, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII tư
tưởng “Lễ trị” vẫn giữ được địa vị nhất định trong đường lối trị nước của
các vua Lê, chúa Trịnh.
Khi nhà Tây Sơn giành địa vị thống trị, triều đại Quang Trung đã
chú trong nhiều đến việc thiết lập bộ máy Nhà nước mà trước hết, là lực
lượng trí thức. Vua Quang Trung đã khẩn thiết cầu hiền nhằm xây dựng
một Nhà nước mạnh giống như thời Lê. Tuy nhiên, triều đại này tồn tại
trong khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi, vua Quang Trung đã thể hiện

đường lối trị nước kết hợp giữa Lễ trị và Pháp trị bằng nhiều biện pháp cụ
thể, trong đó có dự kiến biên soạn bộ luật mới của triều đình như ban bố
Hình thư .
Sự kế thừa đường lối trị nước thời Lê được thể hiện rõ nhất vào
thời Nguyễn (1802-1945) ở chỗ vừa đề cao vai trò Lễ trị của Nho giáo với
Pháp trị. Tuy nhiên, đường lối trị nước đó mang một số điểm mới do quy
định của thời đại. Cũng như thời Hậu Lê, nhà Nguyễn đã nhiều lần cải
cách hành chính, sắp đặt bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương
để việc cai trị có hiệu quả.
4.2.2. Tư tưởng “Lễ trị” thời Hậu Lê đối với xã hội ta ngày nay
Thứ nhất, là bài học quan trọng mà đường lối “Lễ trị” dưới thời
Hậu Lê thể hiện đó chính là việc các nhà vua (đặc biệt từ Lê Thánh Tông
về trước) đã rất chú trọng đến người dân, mọi chính sách đưa ra đều nhằm
mục đích là cho dân no đủ.
Thứ hai, bài học nữa được rút ra ở đây là để có được xã hội thịnh
trị, phát triển, thì bản thân nhà cầm quyền phải luôn tu dưỡng đạo đức, biết
20


noi gương và phải thực hiện chủ trương làm cho dân giàu và giáo hóa dân,
làm cho dân có của ăn, của để họ mới giữ được Lễ nghĩa.
Thứ ba, một điểm đặc biệt nữa trong đường lối trị nước nhà Hậu
Lê đó là coi trọng các giá trị đạo đức, coi trọng lễ nghĩa, trung, hiếu, tiết
hạnh… thậm chí còn sử dụng pháp luật để quy tắc hóa những chuẩn mực
đạo đức, hành vi ứng xử trong xã hội cũng là một điểm đáng chú ý.
Tiểu kết chương 4
Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam thời Hậu Lê, “Lễ” đã
đóng vai trò quan trọng trong việc thiết định các nguyên tắc đạo đức xã
hội, nói cách khác, “Lễ” đảm nhiệm vai trò xã hội hóa nhân cách con
người thông qua các biện pháp giáo hóa, dư luận xã hội để điều chỉnh

hành vi của con người trong xã hội. Trong quá trình hiện thực hóa vai trò
đó, “Lễ” dần dần được thể chế hóa, luật pháp hóa thành các “điển lễ”,
nguyên tắc điều chỉnh hành vi con người, nhờ đó mà “Lễ” được thể chế
hóa thành “Lễ trị”.
Những mặt tích cực cũng như hạn chế trong tư tưởng “Lễ trị” của
Nho giáo đã bộc lộ rõ trong chính đường lối trị nước của nhà Hậu Lê, bởi
suy cho cùng, “Đức trị” hay “Lễ trị” cũng chỉ là phương tiện duy trì quyền
lực và lợi ích của chế độ phong kiến tông pháp. Chính vì vậy, việc nghiên
cứu tư tưởng trị nước của các triều đại phong kiến Việt Nam không thể
không nghiên cứu tư tưởng “Lễ trị” để một mặt, làm rõ thực chất tư tưởng
“Đức trị” của Nho giáo, và mặt khác, rút ra bài học lịch sử về xây dựng
nhà nước cho sự nghiệp phát triển đất nước ta hiện nay.

21


KẾT LUẬN
Nghiên cứu tư tưởng Lễ trị như một phương án vừa mang tính độc
lập tương đối, vừa nằm trong nội hàm của Đức trị, chúng tôi rút ra một số
kết luận sau đây:
Thứ nhất, Nho giáo chủ trương thiết lập và duy trì trật tự, kỷ
cương của xã hội, đưa xã hội từ “loạn” đến “trị”, thì “Lễ trị” là biện pháp
hiệu quả nhất. Cho nên, các nhà Nho bàn rất nhiều về “Lễ”, coi “Lễ” là
một trong những điều kiện cần để thiết lập trật tự xã hội. Là một phạm trù
đạo đức với nhiều nội hàm hết sức phong phú liên quan đến đời sống con
người và xã hội mà cơ bản nhất trong đó là lễ nghi tế tự (tế trời, tế thần,
thờ cúng tổ tiên) và cách thức ứng xử giữa con người với con người trong
xã hội. Do quan niệm về tính tất yếu của “Lễ” và sự vận dụng nó trong đời
sống thực tiễn của xã hội, “Lễ” được các triều đại phong kiến trong lịch sử
từng bước cụ thể hóa, thể chế hóa thành “Lễ trị” cho đường lối trị nước

dưới tên gọi chung là “Đức trị”.
Thứ hai, khái niệm “Lễ” và “Lễ trị” trong lĩnh vực đời sống hiện
thực của xã hội được dùng để chỉ tôn ti, trật tự, kỷ cương, của xã hội mà
mọi người, mọi giai cấp trong xã hội phải học, phải tuân theo.
“Lễ trị” được hiểu là hình thức biểu hiện của tư tưởng “Đức trị”,
bởi “Lễ” là một trong ba nội dung cơ bản về đường lối trị nước mà Khổng
Tử yêu cầu nhà cầm quyền phải thực hiện đầy đủ như là điều kiện cần, đó
là “Nhân, Lễ, Chính danh”. Trong đó, “Lễ” với tư cách nghi thức ứng xử,
nó biểu hiện như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các mối quan hệ người theo tinh
thần của Nho giáo. Các mối quan hệ ấy được thiết lập theo hình tháp, đỉnh
của nó là vị thế của nhà vua và dưới cùng là thứ dân. Do đó, “Hiếu”,
“Kính” và sự phục tùng bề trên vô điều kiện là nội dung cơ bản của tư
tưởng “Lễ trị”.
Thứ ba, trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, “Lễ trị” đóng
vai trò quan trọng trong việc thiết định các nguyên tắc đạo đức xã hội, nói
cách khác, “Lễ trị” đảm nhiệm vai trò xã hội hóa nhân cách con người
thông qua các biện pháp giáo hóa, dư luận xã hội để điều chỉnh hành vi
22


của con người trong xã hội. Trong quá trình hiện thực hóa vai trò đó, cơ sở
của “Lễ trị” là nghi thức ứng xử dần dần được thể chế hóa, luật pháp hóa
thành các nguyên tắc cụ thể để điều chỉnh hành vi con người. Sự thể chế
hóa ấy được luật pháp hóa trong Quốc triều hình luật của nhà Lê Sơ, một
triều đại khai quốc, đồng thời mở ra giai đoạn lịch sử của nhà Hậu Lê. Nhà
Lê Sơ đã hoàn thành nhiệm vụ trọng đại là giải phóng dân tộc và sau đó là
xây dựng vương triều, tái thiết đất nước, hướng tới xây dựng nhà nước
phong kiến trung ương tập quyền cao độ. Nhờ áp dụng cách thức kết hợp
đức trị với pháp trị, tư tưởng “Lễ trị” đã trở thành chủ đạo trong đường lối
trị nước thời Hậu Lê. Đây là điểm then chốt để chúng tôi phân tích sự “ỷ

phục” trong nhau giữa đức trị và pháp trị, nói cách khác, sự thống nhất
biện chứng giữa “đức trị” và “pháp trị” không phải là hình thức ngẫu
nhiên, mà hoàn toàn có căn cứ, có điều kiện.
Thứ tư, là triều đại phong kiến đánh giặc cứu nước bằng việc sử
dụng linh hoạt những nội dung tư tưởng cơ bản của Nho giáo là đức trị,
sau đó tái thiết đất nước, xây dựng vương triều với mô hình quân chủ
trung ương tập quyền, cho nên dù hiệu quả của tư tưởng “Lễ trị” trong
đường lối trị nước của nhà Hậu Lê đến đâu đi nữa, thì suy cho cùng, nó
cũng là phương tiện để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp thống trị. Chính vì
vậy, ngoài những giá trị không thể phủ nhận của tư tưởng “Lễ trị”, chúng
ta luôn phát hiện ra ở tư tưởng này những hạn chế không thể tránh khỏi.
Những mặt tích cực cũng như hạn chế trong tư tưởng “Lễ trị” của
Nho giáo đã bộc lộ rõ trong chính đường lối trị nước của nhà Hậu Lê.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu tư tưởng trị nước của các triều đại phong
kiến Việt Nam nói chung, thời Hậu Lê nói riêng, không thể không nghiên
cứu tư tưởng “Lễ trị” để một mặt, làm rõ thực chất tư tưởng “Đức trị” của
Nho giáo, và mặt khác, rút ra bài học lịch sử về xây dựng nhà nước cho sự
nghiệp phát triển đất nước ta hiện nay.
Thứ năm, dù Nho giáo ngày nay không đóng vai trò trong hệ tư
tưởng của chế độ chúng ta, song việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa đòi hỏi chúng ta không chỉ tiếp thu kinh nghiệm hàng trăm
23


×