SỰ TRUYỀN BÁ CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN VÀO VIỆT NAM VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA
NÓ TRONG CÔNG NHÂN VÀ CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN QUẬN 1
Từ sau cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp, mầm mống của một
nền sản xuất mới, sản xuất tư bản chủ nghĩa đã dần dần manh nha ở Việt Nam và dấu hiệu rõ
ràng nhất đã xuất hiện trên địa bàn Quận 1.
Tình hình này đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của Quận
kéo theo sự xuất hiện của các lực lượng xã hội mới. Điều đó có tác động sâu sắc đến tính
chất của các phong trào đấu tranh yêu nước, đấu tranh cách mạng từ đây về sau.
Nhân dân Quận 1 có vinh dự được sống ngay trung tâm của một đô thị phát triển
mạnh nhất ở phía Nam, đã từng ít nhiều trực tiếp tham gia hay chứng kiến cuộc đấu tranh sục
sôi nhân dân Bến Nghé - Sài Gòn trong gần nửa thế kỷ chống phong kiến, thực dân. Từ
phong trào Văn Thân - Cần Vương đến Đông Du, Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục, Thiên địa
hội, Cao vọng Đảng đã từng chiến đấu, hy sinh và chứng kiến tinh thần yêu nước, quật khởi
của các bậc sĩ phu, trí thức yêu nước, công nhân, lao động trong các cuộc nổi dậy; đồng thời
cũng trực tiếp nhìn thấy ách thống trị hà khắc và sự đàn áp tàn khốc, đẫm máu của thực dân
Pháp đối với nhân dân ta.
Từ đó, nhân dân Quận 1 cũng như đồng bào cả nước khát khao sự xuất hiện của một
vị cứu tinh, một lực lượng chính trị mới có đủ tài năng, trí tuệ để cứu nước, giải phóng nhân
dân. Giữa lúc đó, thầy giáo Nguyễn Tất Thành xuất hiện và dừng chân trên mảnh đất này
trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Về sau này, trong hồi ký của mình, cụ Lê Mạnh Trinh, một chiến sĩ cách mạng lão
thành đã từng tìm đến Quận 1 để gặp cụ Phó Bảng, đã tâm sự: “Chúng tôi như những con
kiến bò quanh miệng chén, không tìm được đường ra. Cách mạng Việt Nam mong chờ một vị
cứu tinh, một lãnh tụ mới, giống như nắng hạn mong mưa”. Ngôi nhà 100/5 đường Cô Bắc
(thuộc Phường Cô Giang) là nơi cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và thầy giáo Nguyễn Tất
Thành trú ngụ một thời gian. Trong mấy tháng ở đây, Người vừa dạy học, vừa đi làm công ở
trường thợ máy (trường Bá Nghệ).
Có tài liệu chép rằng khách sạn Chiêu Nam Lầu - 49 đường Kinh Lấp, ngay góc
đường Carihelli - Chariner (tức Nguyễn Huệ - Nguyễn Thiệp bây giờ) là một địa chỉ có dấu ấn
của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Hồi đó, cô Năm Lầu (người quản lý khách sạn, em ruột cụ
Nguyễn An Khương) là một phụ nữ yêu nước, đã ủng hộ Người 15 đồng bạc Hoa xòe để làm
lộ phí.
Ngày 5-6-1911, Người lấy tên là Ba lên tàu Amiral Letouche Trévidle sang Pháp để
tìm hiểu, học hỏi, tìm đường cứu dân, cứu nước. Tại Pháp, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc,
hăng hái hoạt động trong Đảng xã hội Pháp, tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp vào năm
1920. Bằng các hoạt động thực tiễn cách mạng, Người đã sớm tiếp thu được chủ nghĩa Mác -
Lênin và ánh sáng cách mạng tháng Mười Nga, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Người viết nhiều sách, báo lên án chế độ thực dân Pháp ở Việt Nam, Đông Dương và các
nước thuộc địa, lập ra tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria), tìm cách chuyển báo “Người cùng
khổ” và các sách báo tiến bộ, tài liệu tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin về nước bằng đường
thủy từ Pháp đến Sài Gòn để đưa đến tay những thanh niên yêu nước, tiến bộ.
Cuối năm 1924, theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đến
Quảng Châu (Trung Quốc) để phụ trách Cục Phương Nam (nằm trong Bộ Phương Đông của
Quốc tế Cộng sản). Tại đây, Người đã lập ra “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”
nhằm tập hợp những người Việt Nam yêu nước để huấn luyện, giáo dục họ theo con đường
cách mạng vô sản, cử họ về nước hoạt động xây dựng cơ sở, chuẩn bị tiến tới thành lập Đảng
Cộng sản ở Việt Nam. Trong số này có hai người là Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi do
Nguyễn Ái Quốc vận động những người Hoa trên tàu “Đại Phúc Tinh” đưa về Sài Gòn vào
tháng 10-1926. Đây chính là những hạt giống cách mạng vô sản đầu tiên được Nguyễn Ái
Quốc gieo vào Thành phố giữa lúc phong trào yêu nươc, phong trào công nhân đang sục sôi
cách mạng. Lúc này, phong trào công nhân Thành phố đã có tổ chức Công hội bí mật do Tôn
Đức Thắng sáng lập và lãnh đạo. Đây là cơ sở thuận lợi để Việt Nam thanh niên cách mạng
đồng chí hội ra đời vào cuối năm 1926 và phát triển nhanh chóng. Nhiều thanh niên yêu nước
tiến bộ của Nam kỳ được cử sang Quảng Châu học tập, được kết nạp vào Việt Nam thanh
niên cách mạng đồng chí hội, một số được kết nạp vào Cộng sản đoàn lần lượt được cử về
nước hoạt động.
Giữa năm 1927, số lượng hội viên thanh niên ở Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ đã khá
đông, Kỳ bộ lâm thời được thành lập gồm ba đồng chí Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi, Ngô
Thiêm do đồng chí Phan Trọng Bình làm Bí thư, trụ sở đặt tại “Tín đức tư xã” số 37 đường
Sabourain (sau này là đường Tạ Thu Thâu). Được một thời gian, sau đó dời đến 119 đường
La Grandier (nay là Lý Tự Trọng).
Sang năm 1928, Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đã có tổ chức cơ sở ở
hầu hết các tỉnh Nam kỳ, Kỳ bộ triệu tập đại hội chính thức tại khách sạn Tân Hòa, đại lộ
Bonard (nay là nhà 88, phòng 5, đường Lê Lợi). Kỳ bộ mới được bầu gồm các đồng chí Phạm
Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Văn Côn, Trần Ngọc Quế, Trần Ngọc Giải, sau có bổ
sung thêm đồng chí Châu Văn Liêm. Đồng chí Phạm Văn Đồng làm Bí thư.
Từ năm 1927, Kỳ bộ đã cho tiến hành dịch nhiều sách báo, tài liệu Mác-xit (“Việt Nam
hồn”, “Thanh niên”, “Đường kách mệnh”, “ABC về chủ nghĩa cộng sản” ), mở nhiều lớp huấn
luyện hội viên mới (năm 1928), ra tạp chí “Bôn-sê-vích” và báo “Công - Nông - Binh” (1929).
Thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Tổng bộ, nhiều đồng chí đã đi vào các nhà máy, bến
cảng, khu xóm lao động làm công nhân, phu khuân vác, kéo xe để tuyên truyền vận động
quần chúng, giác ngộ người lao động, lên án các luận điệu, tư tưởng, lập trường, quan điểm
cải lương tư sản, dân tộc hẹp hòi, làm cho giai cấp công nhân thấy được sứ mạng lịch sử của
mình. Nhờ đó phong trào công nhân Thành phố ngày càng mạnh, không chỉ có khẩu hiệu kinh
tế mà đã có xuất hiện nhiều khẩu hiệu chính trị. Trong các cuộc đấu tranh nổi bật của công
nhân Thành phố năm 1928 - 1929 có ba cuộc nổ ra trên địa bàn Quận 1 do công nhân hãng
buôn Sạc-ne, hãng xe lửa Sài Gòn và giới bồi bếp Sài Gòn tổ chức vào năm 1929.
Là Quận trung tâm của một Thành phố lớn, được xây dựng sớm nhất và phát triển
nhất ở Đông Dương, nơi có phong trào yêu nước sôi nổi và phong trào công nhân mạnh mẽ,
Quận 1 đã tạo nên sự quan tâm, thu hút nhiều tổ chức yêu nước, nhiều nhà hoạt động cách
mạng và do đó Quận 1 trở thành trung tâm của một Thành phố trung tâm chính trị của cả
nước. Trước khi Đảng ra đời, nơi đây đã được các tổ chức yêu nước, cách mạng chọn đặt trụ
sở: Kỳ bộ Đảng Phục Việt(1925), Kỳ bộ Đảng Hưng Nam (1926), Kỳ bộ Việt Nam cách mạng
Đảng (1926), Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội (1927), Kỳ bộ Đảng Tân
Việt (1928). Nhiều tờ báo cách mạng cũng được ra đời và đặt trụ sở ở đây. Điều đó phản ánh
sự tin cậy của các tổ chức yêu nước, cách mạng đối với nhân dân Quận 1, mặc dù bị bao vây
bởi các cơ quan đầu não của thực dân Pháp với hệ thống mật vụ, cảnh sát, nhà tù dày đặc,
người dân ở đây vẫn trung thành với nước, hướng về phía những người yêu nước, cách
mạng để chiến đấu đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.
Sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam đã làm cho giai cấp công nhân thấy
được vai trò và sứ mạng lịch sử của mình. Trong những năm 1928 - 1929, phong trào công
nhân phát triển sôi nổi trong cả nước, trình độ giác ngộ giai cấp đã được nâng lên một bước.
Yêu cầu khách quan của lịch sử dân tộc đặt ra là giai cấp công nhân Việt Nam cần có
chính Đảng tiên phong của mình lãnh đạo để đưa cuộc cách mạng của dân tộc và của giai cấp
tiến lên.
Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đã hoàn thành sứ mạng của mình là
chuẩn bị các điều kiện và tiền đề cho việc ra đời một Đảng Cộng sản ở nước ta. Đã đến lúc
cần có một đội tiền phong của giai cấp công nhân, có đường lối cách mạng đúng đắn, khoa
học đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử dân tộc.