Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải
phóng giai cấp, giải phóng con người
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải
phóng con người là những vấn đề có nội dung vô cùng sâu sắc và quan hệ,
gắn bó hữu cơ với nhau. Giải phóng dân tộc là tiền đề cho giải phóng giai
cấp và giải phóng con người.
Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu của cách mạng
Ðầu thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc ra nước ngoài tìm đường cứu nước khi các cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu
nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp đều bị thất bại và dìm trong biển máu. Nguyên nhân làm cho các
cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước thất bại chủ yếu do không có đường lối đúng đắn. Tình hình cách mạng
Việt Nam trước khi có Ðảng đen tối như không có đường ra.
Trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, sau hơn 10 năm hoạt động trong phong trào các dân
tộc bị áp bức, phong trào công nhân trên khắp các châu lục, năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã được đọc Sơ thảo
lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin. Ði theo Lê-nin, nghiên cứu kinh
nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là
cuộc cách mạng triệt để vì sau khi cách mạng thắng lợi, quyền lực chính trị, quyền lợi thuộc về quần chúng
công nông. Tiếp thu chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Nguyễn
Ái Quốc đi đến khẳng định, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác, con đường
cách mạng vô sản. Tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Bác Hồ ủng hộ Quốc tế Cộng sản do
Lê-nin sáng lập, tham gia Ðại hội Tua, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và là một trong những
người sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp.
Như vậy, ngay từ khi giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đặt cuộc
cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta vào quỹ đạo của cuộc cách mạng vô sản. Nghĩa là sự nghiệp giải
phóng dân tộc của nhân dân ta gắn liền với sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, những người lao động và các
dân tộc bị áp bức trên thế giới. Người cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa là một bộ phận
không thể tách rời mà gắn bó khăng khít với cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, những người
lao động khắp các châu lục. Ðiểm đặc sắc, nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc là, ngay
lúc đầu khi tiếp thu lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Người đã thấy được vai trò to lớn của cách
mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Cách mạng giải phóng dân tộc với
cách mạng vô sản ở chính quốc như "hai cánh của một con chim". Rằng, cách mạng ở các nước thuộc địa có
thể và phải chủ động tiến lên giành thắng lợi, không thụ động chờ thắng lợi cách mạng vô sản ở chính quốc mà
bằng cuộc đấu tranh của nhân dân do Ðảng lãnh đạo, cách mạng thuộc địa thắng lợi có thể góp phần hỗ trợ
tích cực cách mạng vô sản ở chính quốc. Từ nhận thức ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra sức truyền bá chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng các tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức...
Nguyễn Ái Quốc thành lập các tổ chức yêu nước và cách mạng, tập hợp lực lượng, bồi dưỡng, đào tạo cốt
cán, tiến tới thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam để trong nước thì tổ chức, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng,
bên ngoài thì liên hệ với giai cấp vô sản khắp các nơi.
Ðối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến, lực lượng giải phóng dân
tộc là lực lượng toàn dân, trong đó liên minh công nông làm nòng cốt. Do đó, Ðảng phải giáo dục và tổ chức
toàn dân đứng lên làm cách mạng. Bác Hồ đề ra chiến lược đại đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ cứu nước,
giải phóng dân tộc để tập hợp tất cả mọi người dân Việt Nam yêu nước, "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh vô địch. Ở giai đoạn đầu của cách mạng,
Ðảng phải tập trung lãnh đạo toàn dân làm cách mạng giành độc lập dân tộc. Ðầu năm 1941, sau 30 năm bôn
ba ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước chủ trì Hội nghị T.Ư 8, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên
hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, phát động nhân dân vùng
dậy đấu tranh giành chính quyền. Người chỉ rõ: Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu của cách
mạng. Bởi vì, "nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc,
thì chẳng những toàn thể dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi giai cấp đến vạn năm sau cũng
không đòi lại được (Văn kiện Ðảng, Toàn tập, t3, tr.48). Bác Hồ nói, dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng
phải giành cho được độc lập.
Giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội vì con người, do con người
Theo quan điểm của Bác Hồ, sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người không có
bức tường ngăn cách mà là cách mạng không ngừng. Giải phóng dân tộc là tiền đề, điều kiện để giải phóng
giai cấp, giải phóng con người. Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, mới bảo đảm mọi quyền và đem
lại hạnh phúc cho con người. Người khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng
được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Chỉ có chủ nghĩa cộng sản
mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc, nguồn gốc, sự tự do bình đẳng, bác ái,
đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người. Ngay từ năm 1930, trong Chánh cương vắn tắt của
Ðảng, Nguyễn Ái Quốc đã xác định con đường của cách mạng Việt Nam là "làm cách mạng tư sản dân quyền"
và "thổ địa cách mạng" để đi tới xã hội cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra rằng: Khi đã giành được độc
lập thì gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Bởi lẽ, độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do,
thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t4, tr.56). Giải phóng nhân dân lao động khỏi áp
bức, bóc lột, bất công, xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa, làm cho mọi người, "ai cũng có cơm ăn áo
mặc, ai cũng được học hành", được hưởng tự do, hạnh phúc là ham muốn tột bậc của Người.
Có thể nói, mục đích cao nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải
phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người theo lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, quan
điểm nhân đạo cộng sản chủ nghĩa. Chúng ta thấy, trong tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải
phóng con người của Bác bao trùm lên tất cả là chủ nghĩa nhân văn cao cả, thấm đậm tình thương yêu đồng
bào, đồng chí và nhân loại bị áp bức, bóc lột. Cuộc đời của Bác là tấm gương tiêu biểu về lòng thương yêu
nhân dân, thương yêu con người, nhất là với những người nghèo khổ, bị áp bức, bất công. Nhớ lại, ngay sau
ngày Tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu sáu vấn đề cấp
bách mà tất cả đều vì con người, cho con người: Ðó là cứu đói, bảo đảm quyền được ăn để sống cho dân;
chống nạn mù chữ; xây dựng Hiến pháp, thực hiện quyền tự do dân chủ; giáo dục tinh thần cần kiệm, liêm,
chính; chống lối bóc lột vô nhân đạo, cấm hút thuốc phiện; tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết.
Vấn đề lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng con người là quan điểm "trong bầu trời không có gì quý
bằng nhân dân", không có sức mạnh nào bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều
lần khẳng định rằng, nhân dân lao động, trước hết là công nhân, nông dân, trí thức, bộ đội là những lực lượng
cơ bản của cách mạng, là người chủ và làm chủ xã hội mới. Toàn bộ sự nghiệp cách mạng vẻ vang giải phóng
dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người đều do con người sáng tạo, làm nên. Dời non lấp biển, xây
dựng xã hội mới, phấn đấu cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản đều do con người, vì con
người. Người nhiều lần nhấn mạnh rằng, thanh niên là đội quân chủ lực xây dựng thắng lợi xã hội mới, xã hội
chủ nghĩa. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng xây dựng những tập
thể anh hùng, tập thể lao động xã hội chủ nghĩa, đồng thời rất quan tâm con người cụ thể, tìm hiểu tâm tư,
nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích thiết thực của các tầng lớp công nhân, nông dân, bộ đội, phụ nữ, thanh niên,
người già, trẻ em. Bác Hồ đặc biệt quan tâm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Người nói: Muốn xây
dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Bác chú trọng biểu dương, khen ngợi,
động viên mọi người phát huy dân chủ và tinh thần tập thể, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy phẩm
chất, đức tính tốt đẹp, đồng thời phê phán thói hư, tật xấu, chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người, nhất là cán
bộ, đảng viên.
Tựu trung lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người nổi bật
các nội dung lớn:
- Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người là sự nghiệp cách mạng của đoàn kết dân tộc
do Ðảng lãnh đạo. Ðảng vững mạnh cách mạng mới thành công. Trên cơ sở nền tảng tư tưởng của Ðảng là
chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Ðảng phải có đường lối chính trị đúng đắn, gắn bó mật thiết với nhân dân. Ðảng phải
làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc tự do, đồng bào được ấm no, hạnh phúc.
- Giải phóng dân tộc là tiền đề cho giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ðộc lập dân tộc gắn liền chủ
nghĩa xã hội, do đó, giải phóng dân tộc rồi thì thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bằng bước đi, biện pháp
phù hợp thực tiễn đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, phải phát huy cao độ nội lực,
đem sức ta mà giải phóng cho ta, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp nhuần
nhuyễn chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và nói riêng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người
soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, dẫn dắt Ðảng và nhân dân ta tiến hành tổng khởi nghĩa Tháng Tám
năm 1945, giành độc lập dân tộc; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi, thu
non sông về một mối, Tổ quốc thống nhất, cả nước quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện thành
công sự nghiệp đổi mới đất nước.
PHẠM VĂN KHÁNH