Tải bản đầy đủ (.pdf) (97 trang)

LUẬN văn sư PHẠM NGỮ văn HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG dân TRONG TRUYỆN NGẮN của NAM CAO

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (817.19 KB, 97 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN

HUỲNH THỊ VÂN ANH

HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO

Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn

CBHD: Th.S. NGUYỄN THỊ KIỀU OANH

Cần Thơ, 2013


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu

NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Giới thuyết về truyện ngắn
1.1.1 Khái niệm


1.1.2 Đặc điểm của truyện ngắn
1.2.Tác giả Nam Cao
1.2.1.Cuộc đời
1.2.2. Sự nghiệp sáng tác
1.2.2.1. Thời kì trước cách mạng tháng tám
1.2.2.2. Thời kì sau cách mạng tháng tám
1.3. Hình tượng người nông dân trong tác phẩm văn học

CHƯƠNG 2: QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ NGƯỜI NÔNG DÂN
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO
2.1. Những kiếp người thấp cổ bé họng bị xã hội áp bức
2.2. Những kiếp người bất hạnh bị xã hội cự tuyệt
2.3. Những con người bị tha hóa dẫn đến bi kịch
2.4. Vẻ đẹp tâm hồn của những kiếp người nghèo khổ
2.4.1. Ý thức được giá trị của bản thân
2.4.2. Luôn ước mơ, khát khao hướng đến cuộc sống tốt đẹp

CHƯƠNG 3: CÁC YẾU TỐ NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH
TƯỢNG NHÂN VẬT NGƯỜI NÔNG DÂN
3.1. Ngoại hình nhân vật


3.2. Ngôn ngữ nhân vật
3.3. Hành động của nhân vật
3.4.Tâm lý nhân vật

KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỤC LỤC



MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Tồn tại và phát triển trên dưới 15 năm (1930 - 1945), trào lưu văn học hiện
thực phê phán đã để lại những dấu ấn quan trọng cho nền văn học hiện đại Việt
Nam. Dòng văn học hiện thực như lưỡi cày sâu lật lên những mặt trái xấu xa của xã
hội với những cây bút lực lưỡng như: Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng
Phụng…Và một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất giữ vai trò đặc biệt
quan trọng trong nền văn học giai đoạn này chính là Nam Cao. Tuy không là người
có công đầu trong việc khai phá trên mảnh đất hiện thực nhưng tên tuổi của Nam
Cao không vì thế mà bị lu mờ. Là “người thư kí trung thành của thời đại”, Nam
Cao đã thể hiện trên những trang viết của mình biết bao cảnh đời éo le, chua chát
với những bi kịch đau đớn, vật vã thấm đẫm nước mắt. Ông không chỉ thể hiện nỗi
đau của con người trong xã hội hiện tại mà ông còn bộc lộ nỗi đau của mình trước
sự tha hóa của con người. Nam Cao luôn băn khoăn, trăn trở tìm kiếm lối thoát cho
những số phận luôn bị dằn vặt bởi cái nghèo, cái đói. Bằng sự quan sát nhạy bén và
cảm nhận tinh tế, Nam Cao đã hướng ngòi bút của mình vào những góc khuất trong
tâm hồn, vào những ngõ ngách trong cuộc sống của người nông dân nghèo khổ.
Ông đã phản ánh cái xã hội cặn bã, bất lương một cách sâu sắc. Nam Cao là nhân
chứng cho nỗi thống khổ của thời đại, là một tấm lòng nhân hậu giữa những tấm
lòng, là lương tri tỉnh táo giữa cuộc đời lẫn lộn trắng đen. Tác phẩm của ông đặt
được những vấn đề sâu sắc, quy tụ được nhiều giá trị nhân văn của thời đại.
Đến với đề tài Hình tượng người nông dân trong truyện ngắn của Nam cao,
chúng tôi như thấy mình được sống lại trong thời kì đau thương đến cùng cực ấy.
Đọc những tác phẩm của ông, người viết đã cảm nhận được thế nào là nỗi đau
không thể thốt nên lời, là những mất mát, hi sinh mà họ phải gánh chịu. Vì thế
người viết muốn tìm hiểu họ sâu hơn thông qua những trang viết chân thực của
Nam Cao. Bên cạnh đó những trang viết của Nam Cao đã thu hút rất nhiều sự chú ý
của giới nghiên cứu văn học. Họ nghiên cứu về đời sống nhà văn, về tư tưởng,
phong cách và về bút pháp nghệ thuật. Vì thế, chúng tôi mong muốn được khám

phá thêm một phương diện khác về mặt nội dung trong sáng tác của nhà văn. Đó là
“Hình tượng người nông dân trong truyện ngắn của Nam Cao”.

1


2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Viết về người nông dân là một đề tài quen thuộc trong sáng tác của các nhà
văn thuộc khuynh hướng văn học hiện thực phê phán. Đến với đề tài Hình tượng
người nông dân trong truyện ngắn của Nam Cao, đề tài này đã có rất nhiều nhà
nghiên cứu với những trang viết hay, sâu sắc và độc đáo. Những bài nghiên cứu đó
thường xoáy sâu vào hai bình diện đó là nội dung và hình thức nghệ thuật. Hai
mảng đề tài khơi nguồn bất tận cho biết bao thế hệ độc giả muốn tìm tòi, nghiên cứu
đó là đề tài trí thức tiểu tư sản và đề tài người nông dân. Mỗi nhà nghiên cứu có một
cách nhìn nhận riêng khi nghiên cứu những vấn đề này. Ở đây, người viết sẽ điểm
qua một số ý kiến về đề tài người nông dân trong truyện ngắn của Nam Cao.
Trước tiên người viết xin được tìm hiểu những bài nghiên cứu về đề tài
người nông dân ở phương diện nội dung. Đau xót và thương cảm trước nỗi đau bị
tước đoạt nhân phẩm của người nông dân, Vũ Dương Quỹ đã đi vào nghiên cứu về
những quá trình đi tìm lại nhân cách bị đánh mất, theo ông: “Chí Phèo – Con đường
tìm nhân cách của người thanh niên Chí Phèo là đi tìm lại cuộc đời” [24, tr. 185].
Trước cảnh đói nghèo, người nông dân đã không giữ được nhân phẩm của mình mà
rơi vào bi kịch của sự tha hoá. Vũ Dương Quỹ đã cho ta thấy được bản chất của
những kiếp người cùng cực, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù phạm phải sai lầm
nhưng ngọn lửa lương thiện vẫn âm ỉ cháy trong những tâm hồn cằn cõi ấy. Những
tâm hồn tưởng chừng như chai sạn ấy sẽ thức tỉnh, sẽ đấu tranh tìm lại chính mình
để thoát khỏi bao cạm bẫy xấu xa, tàn độc
Cũng trong công trình nghiên cứu này, Nguyễn Văn Hạnh đã bày tỏ ý kiến
khi nghiên cứu về đời sống của người nông dân thông qua những sáng tác của Nam
Cao, ông đưa ra nhận xét: “Họ thuộc thế giới của những người cùng khổ ở “dưới

đáy” của xã hội, những con người bị tha hoá, bị què quặt, cả về thể xác lẫn tinh
thần, bị áp bức, bị hành hạ vì tối tăm mặt mũi lo chạy ăn từng bữa, vì sự bế tắc mục
ruỗng của xã hội, vì sự hèn nhát, sợ hãi của chính mỗi người” [5, tr. 179]. Nhận
định trên đã khái quát lên những nỗi thống khổ của những kiếp người bị vùi dập, họ
đều là nạn nhân dưới chế độ xã hội bất lương. Những con người lương thiện ấy chỉ
biết cam chịu, nhẫn nhịn để rồi cuộc đời họ là một bi kịch đau đớn.

2


Hoàng Ngọc Hiến cũng đi vào nghiên cứu những tác phẩm viết về người
nông dân của Nam Cao trong quyển Văn học và học văn. Theo Hoàng Ngọc Hiến:
“Trong “Chí Phèo” qua cuộc sống của làng Vũ Đại, tác giả đã làm nổi bật một số
nét cơ bản trong hoàn cảnh lớn của nông dân Việt Nam thời bấy giờ. Bọn thống trị
cũng như người lao động bị tha hoá, những chất độc ở ngay trong sự sống thấm
vào máu từng người, vùi dập những gì tốt đẹp và kích thích những gì nhỏ nhen, xấu
xa trong con người” [6, tr. 196]. Làng Vũ Đại là nơi tập trung những ung nhọt,
những thứ xấu xa đó là những cạm bẫy khiến họ không thể làm chủ bản thân khi
xung quanh luôn đầy rẫy cái ác. “Những chất độc” đó không phân biệt một ai, nó
cứ không ngừng âm ỉ hủy hoại con người. Hoàng Ngọc Hiến đã cho ta thấy được
nguyên nhân của sự tha hóa, của sự bào mòn nhân cách.
Nghiên cứu về đề tài người nông dân thì đa số những bài nghiên cứu đều
xoáy sâu vào hai nội dung chính đó là vấn đề nghèo khổ và vấn đề về nhân phẩm.
Viết về miếng ăn và cái đói, Nguyễn Đăng Mạnh trong quyển Nhà văn hiện đại:
chân dung và phong cách, đã nêu lên nhận định ở cuối bài viết: “Tác phẩm của
Nam Cao là tiếng kêu cứu lấy nhân phẩm, nhân tính của con người đang bị cái đói
và miếng ăn làm tiêu mòn đi, thui chột đi, huỷ diệt đi” [17, tr. 247 – 248]. Nguyễn
Đăng Mạnh đã khẳng định chính miếng ăn và cái đói là hai vấn đề quan trọng ảnh
hưởng nghiêm trọng đến người nông dân. Cũng vì miếng ăn và sự nghèo đói đã
khiến họ lâm vào tình trạng bế tắc không lối thoát, nhân phẩm, đạo đức của họ bị

tước đoạt và bị huỷ diệt hoàn toàn, khiến họ rơi vào bi kịch.
Tiếp theo, người viết sẽ đi vào tìm hiểu những ý kiến và những công trình
nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về phương diện nghệ thuật trong những truyện
ngắn viết về người nông dân của Nam Cao. Trong quyển Văn học Việt Nam hành
trình của thế kỉ XX, Phong Lê cũng tìm tòi và nghiên cứu về giá trị tố cáo xã hội qua
những tác phẩm của Nam Cao. Phong Lê không đi vào hai mảng đề tài chính trong
sáng tác của Nam Cao mà ở đây, Phong Lê đi sâu vào nghiên cứu những cái nghịch
dị trong sáng tác của Nam Cao. Ông đi sâu vào nghiên cứu tác phẩm Chí Phèo và
Sống mòn. Qua việc tìm hiểu về nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật người
nông dân của Nam Cao thì Phong Lê đã phát hiện được những nét mới trong những
sáng tác của nhà văn. Theo ông: “Nam cao và Sê Khốp đều tìm về một chủ nghĩa

3


hiện thực của đời thường, soi quát các giá trị phổ quát của đời sống vào “những
chuyện không muốn viết”, vào những điều tưởng như chi li vặt vãnh” [10, tr. 252].
Tuy nhiên, từ những chi tiết vụn vặt, đời thường mang những nét rất riêng đã có
một ý nghĩa khái quát thật sâu sắc: “Vũ Đại – không chỉ một đơn vị làng với những
ao chuôm, những lũy tre, những vườn chuối, giàn trầu quen thuộc mà còn là sự biểu
hiện chung cho sự phong bế, trì trệ, nhếch nhác của bất cứ một quần thể dân cư nào
đó, cả nông thôn và thành thị” [10, tr. 255]. Từ những hình ảnh của người nông dân
trên những trang viết của Nam Cao, ta như thấy được cả một xã hội đang ngột ngạt,
quằn quại trong đêm trường nô lệ dưới sự thống trị của bọn thực dân nửa phong
kiến. Cuộc sống của những người nông dân vô cùng đói khổ, đầy nước mắt và tủi
nhục. Nam Cao đã thấy được cảnh nghèo túng, bần cùng ấy, vì thế ông đã dành cho
họ biết bao sự cảm thông, trân trọng xen lẫn xót xa.
Và trong quyển Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, NXB khoa học xã hội năm
2008 của Trần Đăng Suyền, ông đã đi vào khám phá thế giới nghệ thuật trong
những sáng tác của Nam Cao, ông đưa ra ý kiến: “Với một sức mạnh nghệ thuật đặc

biệt, Nam cao đã làm sống dậy thật cụ thể, sinh động, đầy ám ảnh những cuộc đời
và số phận, những nét tâm lí và tính cách của nhân vật. Chủ nghĩa tâm lí của sự
trần thuật đã chi phối mạnh mẽ và sâu sắc đến toàn bộ tổ chức của tác phẩm, từ cốt
truyện, kết cấu, xung đột đến không gian và thời gian nghệ thuật” [23, tr. 41].
Những nhận định trên cho ta thấy Nam Cao là một bậc thầy trong việc vận dụng các
phương diện nghệ thuật vào trong tác phẩm của mình. Với sự quan sát tài tình và
cảm nhận tinh tế, từ việc sử dụng ngôn ngữ, góc nhìn trần thuật cho đến sự độc đáo
trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, Nam Cao đã cho người đọc đã khám phá ra
được những điều mới lạ, ẩn sâu trong những kiếp người đáng thương, nhỏ bé, cũng
như những cái hay, cái độc đáo toát lên từ tác phẩm.
Nhìn chung, các bài nghiên cứu trên của các nhà nghiên cứu đều có một
điểm chung là đều nói về cái đói, cái khổ về cuộc sống vật chất cũng như tinh thần
của người nông dân lương thiện trên các trang viết của Nam Cao. Đồng thời, các
nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra được những thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn
của Nam Cao. Đó là những nguồn tài liệu ích góp phần định hướng cho việc nghiên
cứu của chúng tôi.

4


3. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài Hình tượng người nông dân trong truyện ngắn của Nam
cao, người viết muốn đi sâu vào phân tích hình ảnh nhân vật người nông dân trong
truyện ngắn của Nam Cao. Từ đó, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về một thời
đại gắn liền với những số phận bất hạnh qua những trang viết chân thực của Nam
Cao. Đồng thời đến với đề tài này, người viết còn muốn khẳng định những đóng
góp vô cùng đáng quý và to lớn của nhà văn Nam Cao đối với nền văn học hiện đại
Việt Nam, đặc biệt là trong trào lưu văn học hiện thực phê phán. Từ đó thấy được
những giá trị hiện thực, đặc biệt là giá trị nhân đạo mà nhà văn đã gửi gắm vào tác
phẩm của mình.

Bên cạnh đó, quá trình nghiên cứu sẽ giúp người viết cũng cố được những
kiến thức đã học, đồng thời sẽ bổ sung được những kiến thức mới cho mình. Đề tài
này còn là một công trình nghiên cứu giúp người viết làm quen với phương pháp
làm việc khoa học một cách độc lập và sáng tạo, điều đó rất hữu ích cho việc vận
dụng kĩ năng này vào trong cuộc sống lẫn công việc mai sau.

4. Phạm vi nghiên cứu
Để thực hiện đề tài Hình tượng người nông dân trong truyện ngắn của Nam
Cao, người viết sẽ lựa chọn và tập trung vào những truyện ngắn tiêu biểu viết về
người nông dân như: Chí Phèo, Lão Hạc, Một bữa no, Một đám cưới, Tư cách
mõ, Lang Rận, Trẻ con không được ăn thịt chó, Trẻ con không biết đói, Đòn
Chồng, Nghèo, Một đám cưới, Dì Hảo, Rửa hờn, Mua Danh, Nửa Đêm, Ở hiền,
Điếu văn, Đôi móng giò…Đó là tất cả những hoàn cảnh điển hình cho những số
phận nghèo khổ bị chèn ép, áp bức, bóc lột dưới chế độ xã hội cũ; Dựa trên những
tác phẩm đó, người viết sẽ nghiên cứu trong phạm vi tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc đời
cũng như số phận của từng nhân vật, đồng thời khảo sát trên hai bình diện đó là nội
dung và nghệ thuật để thấy được những giá trị độc đáo trong truyện ngắn của Nam
Cao.

5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài Hình tượng người nông dân trong truyện ngắn của Nam
Cao, người viết vận dụng các phương pháp sau:

5


Thứ nhất: Người viết sẽ sử dụng thao tác thống kê, phân loại, chủ yếu là ở
từng hoàn cảnh, số phận của nhân vật để từ đó thấy được sự quan sát tinh tế, cái
nhìn nhạy bén, sắc sảo và linh hoạt của Nam Cao khi viết về người nông dân.
Thứ hai: Người viết sẽ vận dụng phương pháp phân tích, tổng hợp nhằm đi

sâu vào khai thác từng khía cạnh của vấn đề, làm nổi bật lên nỗi thống khổ của
những kiếp người nhỏ bé trong xã hội cũ. Đồng thời đúc kết ra được những giá trị
sâu sắc của tác phẩm.
Thứ ba: Người viết sẽ vận dụng thao tác chứng minh, giải thích để bài
nghiên cứu mang tính thuyết phục hơn.
Cuối cùng, người viết sẽ vận dụng thao tác so sánh, đối chiếu để làm nổi bật
lên vấn đề mà mình đang đề cập đến. Bên cạnh đó, thao tác này còn nhằm mục đích
cho thấy được sự khác biệt trong việc tái hiện hiện thực giữa Nam Cao và các nhà
văn cùng thời khác.

6


NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Giới thuyết về truyện ngắn
1.1.1. Khái niệm
Truyện ngắn là một hình thức sáng tác văn học đóng một vai trò quan trọng
đối với sự phát triển của nền văn chương thế giới. Khi xác định khái niệm của
truyện ngắn, không ít nhà nghiên cứu đã dựa vào những tiêu chí khác nhau để nhìn
nhận, đánh giá và đưa ra những kết luận cho thể loại này.
Trong sách Lí luận văn học, Phương Lựu đưa ra khái niệm về truyện ngắn
như sau: “Truyện ngắn là hình thức ngắn của tự sự. Khuôn khổ ngắn nhiều khi làm
cho truyện ngắn có vẻ gần gũi với các hình thức truyện kể dân gian như truyện cổ,
giai thoại, truyện cười, hoặc gần với những bài kí ngắn. Nhưng thực ra không phải.
Nó gần với tiểu thuyết hơn cả bởi là hình thức tự sự tái hiện cuộc sống đương thời.
Nội dung thể loại truyện ngắn có thể rất khác nhau: đời tư, thế sự, hay sử thi,
nhưng cái độc đáo của nó lại là ngắn. Truyện ngắn có thể kể về cả một cuộc đời
hay một đoạn đời, một sự kiện hay một “chốc lát” trong cuộc sống nhân vật, nhưng

cái chính của truyện ngắn không phải ở hệ thống sự kiện, mà ở cái nhìn tự sự đối
với cuộc đời” [13, tr. 397].
Tác giả quyển sách 150 thuật ngữ văn học đưa ra khái niệm khác như sau:
“Truyện ngắn là một thể tài tác phẩm tự sự loại nhỏ, thường được viết bằng văn
xuôi, đề cập đến hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội. Nét nổi
bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng, truyện ngắn thích hợp với việc
người tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền một mạch không nghĩ” [19, tr. 345].
Còn Bùi Hiển thì cho rằng: “Truyện ngắn lấy từ một khoảnh khắc trong cuộc
đời một con người mà dựng lên. Có khi nhân vật đặt trước một vấn đề phải băn
khoăn suy nghĩ, lựa chọn quyết định. Có khi chỉ là một cảnh sống, làm việc bình
thường, trong đó nhân vật biểu lộ ý chí, tình cảm của mình. Có khi những hành
động mãnh liệt, những tình cảm éo le. Có khi chỉ là một tâm trạng, một nỗi vui
buồn, một ý chí chớm nở. Nhưng phải chọn khoảnh khắc mà nhân vật thể hiện đầy

7


đủ nhất” [14, tr. 98]. Có thể nói do dung lượng ngắn nên nhân vật trong truyện ngắn
không nhiều và cuộc đời của nhân vật cũng thường chỉ được miêu tả như một
khoảnh khắc, mảnh nhỏ nhưng lại có ý nghĩa trong cả cuộc đời nhân vật nên nhịp
điệu truyện ngắn khẩn trương, gấp rút, có nhiều yếu tố bất ngờ, chuyển đoạn đột
ngột trong giới thiệu, bố cục, kết thúc câu chuyện.
Qua các nhận định về truyện ngắn trên, ta thấy tác giả sách Lí luận văn học
đã đưa ra khái niệm truyện ngắn một cách khái quát, sát thực và đầy đủ nhất. Nó đã
cho ta nắm bắt được thể loại cũng như nội dung của truyện ngắn. Khái niệm này đã
giải thích được, đã lí giải được nguồn gốc ra đời của truyện ngắn một cách cụ thể.
Đây là một khái niệm ngắn gọn, súc tích nhưng đã khái quát lên tất cả, người đọc có
thể nghiền ngẫm và hiểu một cách sâu sắc hơn về vấn đề này.
1.1.2. Đặc điểm của truyện ngắn
Như đã giới thiệu ở trên, truyện ngắn là một hình thức tự sự cỡ ngắn. Tác giả

thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong đời
sống tâm hồn con người, vì thế truyện ngắn có một số đặc điểm cơ bản sau.
Về dung lượng: Truyện ngắn có dung lượng nhỏ, ngắn gọn mà cô đúc nên
có sức ám ảnh lớn. Nó tập trung vào một hoặc một vài biến cố trong một không
gian, thời gian nhất định, tạo ra ấn tượng mạnh mẽ và liên tưởng cho người đọc.
Về đề tài: Truyện ngắn đề cập đến mọi đề tài phong phú, đa dạng, chạm đến
mọi ngóc ngách trong đời sống con người. Trên cùng một đề tài, mỗi nhà văn lại có
cách khai thác khác nhau, đem lại sắc thái riêng cho tác phẩm của mình.
Về kết cấu: Kết cấu của truyện ngắn thường là một sự tương phản, liên
tưởng. Tuy có dung lượng nhỏ nhưng truyện ngắn có thể có những kết cấu linh
hoạt. Kết cấu truyện ngắn không gồm không gian, thời gian nhiều tầng bậc, nhiều
tuyến, được tổ chức theo kiểu tương phản, liên tưởng. Truyện ngắn có các kiểu kết
cấu sau đây: Kết cấu vòng tròn (đầu cuối tương ứng); Kết cấu theo trục thời
gian: Truyện được kể theo thời gian, theo diễn biến của dòng sự kiện; Kết cấu tâm
lý: Truyện được kể men theo dòng tâm lý nhân vật, làm sáng rõ nội tâm nhân vật và
tạo sức hấp dẫn cho câu chuyện; Kết cấu đồng hiện: Nhà văn miêu tả sự kiện, quan
sát tình huống ở các địa điểm khác nhau trong cùng một thời điểm. Kiểu kết cấu này
đem lại khả năng mở rộng dung lượng cho tác phẩm; Kết cấu trùng phức (kết cấu

8


truyện lồng trong truyện): Người kể chuyện đứng ra ngoài, đóng vai trò là đạo diễn
để tổ chức diễn biến câu chuyện qua lời kể, qua đó hoàn thiện chân dung nhân vật
và kết cấu mở: Truyện kết thúc nhưng cái kết còn để ngỏ, mở ra những khả năng
liên tưởng rộng lớn.
Về cốt truyện: Cốt truyện là một đặc trưng của thi pháp truyện ngắn vì nó là
kết quả của sự sáng tạo của nhà văn, là một phương thức khắc họa số phận và tính
cách nhân vật, qua đó thể hiện đời sống một cách chân thực. Cốt truyện của truyện
ngắn có thể là nổi bật, hấp dẫn, nhưng chức năng của nó nói chung là để nhận ra

một điều gì. Cái chính của truyện ngắn là gây một ấn tượng sâu đậm về cuộc đời và
tình người. Dựa vào cốt truyện có thể chia làm hai truyện: thứ nhất là truyện ngắn
không có cốt truyện (hay cốt truyện rất mờ nhạt): Do chủ ý nghệ thuật của nhà văn
chỉ nhằm thể hiện diễn biến tâm trạng nhân vật trong mối liên hệ với hoàn cảnh.
Truyện chỉ có những ý tưởng, không có sự kiện gay cấn, không có thời gian cụ thể,
thậm chí không có đầu đuôi. Thứ hai là truyện ngắn có cốt truyện: Chú ý xây
dựng những tình tiết, sự kiện bộc lộ tính cách của nhân vật và thúc đẩy hướng phát
triển, vận động của mạch truyện. Bản thân cốt truyện là hệ thống các sự kiện, được
chia theo lớp từ đầu đến cuối truyện. Các sự kiện càng gay cấn, nổ bật càng tạo kịch
tính, sức hấp dẫn cho truyện.
Về nhân vật: Nhân vật là linh hồn của tác phẩm, là người phát ngôn cho tư
tưởng của nhà văn. Do đó xây dựng nhân vật là điểm quan trọng của truyện ngắn.
Nhân vật truyện ngắn ít hơn tiểu thuyết và thường bắt buộc phải được xây dựng
theo nguyên tắc điển hình hoá. Nhân vật phải được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể,
vừa mang tính chung phổ quát vừa mang tính riêng độc đáo. Trong truyện ngắn,
nhân vật là một mảnh nhỏ của thế giới, là hiện thân cho một quan hệ trạng thái xã
hội, ý thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người, phát ngôn trực tiếp hoặc
gián tiếp cho tư tưởng nhà văn.
Về Điểm nhìn : Điểm nhìn là cái vị trí không gian mà từ lúc đó các sự kiện
diễn ra trong truyện được quan sát và kể lại cho người đọc. Có ba loại điểm nhìn:
Điểm nhìn bên trong: khi người kể chuyện là nhân vật. Điểm nhìn bên trong
thường thể hiện qua độc thoại nội tâm của nhân vật; Điểm nhìn bên ngoài: đây là

9


điểm nhìn của người kể chuyện khi họ đứng ngoài, chỉ kể “chuyện” chứ không hiểu
rõ tâm lí nhân vật. Đây cũng là điểm nhìn từ các nhân vật khác; Điểm nhìn toàn
tri: người kể chuyện và tự do đi sâu vào đời sống tâm tư nhân vật cũng như bình
phẩm thoải mái về nhân vật.

Về người kể chuyện thì có hai ngôi kể: Thứ nhất là người kể chuyện tường
minh (xưng Tôi), nghĩa là kể ở ngôi thứ nhất. Thứ hai là người kể chuyện hàm ẩn,
nghĩa là người kể ở ngôi thứ ba. Tuy nhiên, cách phân chia này bộc lộ rõ nhiều bất
cập. Bởi lẽ, người kể ẩn mình ở ngôi thứ ba có thể lộ diện ở ngôi thứ nhất và xưng
“tôi” để đối thoại với người đọc.
Về Phương thức kể chuyện thì trong truyện ngắn, người ta thường dùng
nhiều cách kể chuyện. Các nhà văn thường thay đổi cách kể và có thể có các hình
thức kể hỗn hợp. Có hai phương thức phổ biến là: Tường thuật lại quá trình diễn
biến sự việc và miêu tả lại diễn biến sự việc.
Để nhận thức phương thức kể chuyện, người ta căn cứ vào các tình huống kể
chuyện: Tình huống khách quan (tác giả đứng bên ngoài kể lại điều xảy ra) và tình
huống chủ quan (tác giả hoặc người kể chuyện tự đóng vai trò là nhân vật chính của
tác phẩm; kể lại những sự kiện, hành động, việc làm, ý nghĩa hoặc mối quan hệ
người – người, hoặc phân tích, bình luận chung).
Về cách xây dựng tình huống: Tình huống là thời điểm, khoảnh khắc nhất
định trong tác phẩm, ở đó tập trung điểm nút chủ đạo trong tác phẩm của nhà văn.
Tạo tình huống là một đặc điểm thi pháp truyện ngắn. Do dung lượng nhỏ, truyện
ngắn buộc phải tìm đến một tình huống – tức là một khoảnh khắc đặc biệt trong đời
sống để thể hiện tập trung mối quan hệ con người, bật sáng tư tưởng của bản thân
tác giả. Truyện ngắn có thể có một hay nhiều tình huống tạo thành một hệ thống.
Các kiểu tình huống truyện tiêu biểu là: Tình huống nhận thức, tình huống tâm lí,
tình huống lựa chọn…Tình huống truyện ngắn thường rất độc đáo, ấn tượng, gây
hiệu quả thẩm mĩ cao.
Về chi tiết nghệ thuật: Đây là một yếu tố giữ vai trò trọng yếu trong tác
phẩm tự sự. Truyện ngắn có thể thiếu cốt truyện nhưng không thể thiếu chi tiết nghệ
thuật. Chi tiết trong truyện ngắn hay tiểu thuyết đều nhằm bộc lộ tính cách, tâm tư

10



nhân vật, đan dệt nên các tình huống truyện, đều cùng có hai loại chi tiết: Chi tiết
trung tâm và chi tiết phụ trợ. Nhưng chi tiết ở truyện ngắn thường ẩn chứa dung
lượng phản ánh rất lớn. Cũng có nghĩa tính cô đọng, hàm súc và tượng trưng của chi
tiết cao. Một chi tiết nổi bật có thể gợi cho người đọc liên tưởng đến cả một trạng
thái nhân sinh xã hội, suy rộng ra bề sâu, bề xa của nội dung phản ánh.
Về ngôn ngữ: Ngôn ngữ truyện ngắn rất chọn lọc, cô đúc. Ngôn ngữ truyện
ngắn hiện đại còn có các tính chất: Tính biểu cảm, tính chính xác, tính hình tượng,
tính hệ thống, tính đa thanh, tính hội thoại. Đặc điểm trần thuật của truyện ngắn:
Tính chấm phá. Do không phản ánh cả một quá trình cuộc sống trong không gian
rộng, thời gian dài như ở tiểu thuyết nên truyện ngắn thiên về lối hành văn khơi gợi
hơn là miêu tả tỉ mỉ, câu văn nhiều ẩn ý, tạo chiều sâu cho tác phẩm.

1.2.Tác giả Nam Cao
1.2.1.Cuộc đời
Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1917 tại làng
Đại Hoàng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Vì sinh trưởng trong một gia đình nghèo
khó, nên trong các anh chị em, chỉ có Nam Cao là được đi học. Đói nghèo và bệnh
tật luôn đeo đuổi và giày vò Nam Cao ngay từ những năm còn nhỏ.
Ngày 02/10/1935 Nam Cao lập gia đình với bà Trần Thị Sen. Khi vừa cưới
vợ xong được khoảng một tháng thì Nam Cao vào Sài Gòn sống và làm việc cho
một người cậu là ông Ba Lễ, chủ một cơ sở may đồ Tây cho Pháp. Trong những
năm sống ở sài Gòn, Nam Cao làm nhiều nghề như chích thuốc ở nhà thương, sống
chung với phu phen, thợ thuyền…Chính những năm tháng vất vả này đã giúp Nam
Cao nhìn thấy và hiểu rõ đời sống cùng cực của những người lao động. Sau một
thời gian, khi không thể chống chọi lại bệnh tật, Nam Cao đã quay về quê nhà
nhưng lúc này gia đình ông cũng đang lâm vào tình trạng túng quẫn.
Năm 1938, Nam Cao thi lại và đậu thành chung. Ông được một người quen
mời lên dạy học cho trường tư thục Công Thanh ở Thụy Khê, Hà Nội. Năm 1941,
Phát xít Nhật xâm chiếm Đông Dương, trường bị đóng cửa, Nam Cao phải sống
chật vật bằng nghề viết văn, có khi thất nghiệp phải về quê nhờ gia đình. Vào thời

gian này, vợ ông hạ sinh một người con trai tên là Mai Thiên.

11


Năm 1943, Nam Cao gia nhập nhóm văn hoá cứu quốc bí mật cùng một số
nhà văn như Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi…Khi
cơ sở văn hoá cứu quốc và phong trào cách mạng bị đàn áp mạnh, Nam cao trở về
quê và tham gia phong trào Việt Minh ở địa phương.
Năm 1945, Nam Cao tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, và được
bầu làm chủ tịch xã. Một thời gian sau, ông lên làm báo ở tỉnh Hà Nam. Sau đó
Nam Cao được điều lên Hà Nội và công tác ở đội văn hoá cứu quốc.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, năm 1947 Nam Cao lên Việt Bắc. Trong
những năm tháng chống Pháp đầy gian khổ, Nam Cao đã sống và chiến đấu hết
mình vì quê hương, tổ quốc. Ông đã để lại những tác phẩm có giá trị hiện thực phản
ánh đúng bản chất cuộc chiến mà dân tộc Việt Nam đang đấu tranh chống thực dân
pháp. Thời kì này, Nam Cao vừa làm tập biên cho các báo Cứu quốc Việt Bắc, Cứu
quốc Trung Ương, vừa làm mọi công việc của một cán bộ thông tin tuyên truyền:
viết tin, viết tài liệu giải thích các chính sách, làm ca dao tuyên truyền đơn địch
vận…Năm 1948, Nam Cao được vinh dự gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Sau chiến dịch biên giới năm 1950, Nam Cao về công tác ở Hội Văn nghệ.
Và cũng trong thời gian này, vợ ông hạ sinh thêm được một gái, một trai.
Tháng 11 năm 1951, trên đường vào công tác vùng địch hậu liên khu ba,
Nam Cao bị địch phục kích và bắn chết gần bốt Hoàng Đan (Ninh Bình). Nam Cao
ngã xuống giữa lúc ông đang ấp ủ cuốn tiểu thuyết lớn về quê hương.
Nam Cao luôn chất chứa trong lòng tâm sự của người nghệ sĩ “Tài cao phận
thấp chí khí uất” (Tản Đà), nhưng con người có vẻ bề ngoài lạnh lùng ấy lại có một
tâm hồn chứa chan yêu thương đồng loại. Tác phẩm của ông luôn hiện lên cái làng
Đại Hoàng thân thiết. Hình ảnh quê hương đã nâng đỡ nhà văn những lúc bi quan,
bế tắc và tuyệt vọng.

1.2.2. Sự nghiệp sáng tác
Những ngày sôi nổi của tuổi trẻ, cũng như buổi đầu đến với văn học, Nam
Cao làm một số bài thơ có yếu tố lãng mạn và viết những truyện tình thơ mộng. Ở
thời kì này ngòi bút của Nam Cao dò dẫm tìm một lối đi, tâm hồn Nam Cao dần dần
đổi thay, có một cái nhìn đúng đắn về cuộc sống. Những áng mây xốp bồng bềnh
trôi nổi, ánh trăng xanh huyền ảo, ngọn gió mát lành thơm tho thoảng qua từ những

12


mái tóc tà áo thiếu nữ, những cuộc hẹn hò trang sức…Tất cả chất liệu ấy có lần đến
với ngòi bút Nam Cao, mang theo nhiều mơ ước xa xôi và những nỗi buồn vẩn vơ
của lứa tuổi học sinh chịu ảnh hưởng của sách báo lãng mạn. Tuổi trẻ của Nam Cao
không khỏi có lúc:
“Tâm hồn tan tác thành trăm mảnh
Vương vấn theo ai bốn góc trời”
Nhưng rồi Nam Cao chóng trở về với cuộc đời thực. Cái buồn thường sớm
nhường chỗ cho những nỗi lo về cơm áo, công ăn việc làm, Nam Cao không thích
sự mơn trớn, vuốt ve: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên
là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những
kiếp lầm than…”(Đôi mắt). Nam Cao tìm đến sự thật với tấm lòng yêu thương cuộc
sống, những lớp người và những cảnh người đau khổ. Với những rung động xót xa
đến cháy lòng trước bao ngang trái, bất công của chế độ cũ, Nam Cao muốn phơi
bày sự thật của cuộc đời và của lòng người.
Nam Cao gần gũi và quen thuộc những cảnh đời lầm than, đau khổ ở chốn
đồng quê, và chính chốn đồng quê ấy đã đi vào những trang viết rất chân thật, sinh
động của ông. Nam Cao hi sinh giữa lúc ngòi bút đang ở giai đoạn trưởng thành và
chín muồi để chuyển hướng từ chủ nghĩa hiện thực phê phán sang chủ nghĩa hiện
thực xã hội chủ nghĩa. Ông đã để lại khoảng 100 tác phẩm, trong đó có 60 truyện
ngắn và 2 tập truyện dài là Sống mòn và Truyện người hàng xóm. Nam Cao sáng tác

ở cả hai thời kì trước và sau cách mạng tháng Tám 1945.
1.2.2.1. Thời kì trước cách mạng tháng Tám
Năm 1936, Nam Cao bắt đầu bước vào văn đàn hiện thực phê phán, đây là
khoảng thời gian ông băn khoăn lựa chọn quan điểm, khuynh hướng sáng tác cho
mình. Đây cũng là thời kì mà nhà văn đang phiêu bạt nơi đất khách quê người. Ở
Sài Gòn, Nam Cao làm đủ nghề để kiếm sống: viết báo cho Kịch Bóng ở Sài Gòn,
Ích Hữu, Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay. Nội dung của những tác phẩm thời kì này
xoáy sâu vào cuộc đời của những con người sống bằng nghề mua vui cho người
khác (Hai cái xác). Nhìn chung, những tác phẩm thời kì này chưa được đánh giá
cao vì những tác phẩm này chưa đạt đến độ đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Lúc
này Nam Cao lấy bút danh là Nguyệt, Thúy Rư, Xuân Du, Nhiêu Khê.

13


Năm 1937, Nam Cao gửi in các truyện ngắn trên Tiểu thuyết thứ bảy: Nghèo,
Đui mù. Trên báo Hữu Ích thì có hai tác phẩm: Những cánh hoa tàn, Một bà hào
hiệp. Thông qua nội dung của các tác phẩm này, ngòi bút Nam Cao đang đi vào
khai thác bản chất cuộc sống và phản ánh hiện thực cuộc sống. Đây là dấu hiệu
chuyển mình về khuynh hướng sáng tác trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao.
Năm 1940, Khi phát xít Nhật tràn vào xâm chiếm Đông Dương, trường tư
thục mà Nam Cao đang dạy học bị chiếm đóng. Nam Cao buộc thôi học và trở về
quê nhà. Trong thời gian này ông cho ra đời truyện ngắn Cái chết của con mực,
truyện được gửi cho báo Hà Nội Tân Văn với bút danh là Xuân Du.
Năm 1941, tập truyện ngắn Đôi lứa xứng đôi ra đời. Lúc đầu tác phẩm có tên
là Cái lò gạch cũ và sau đó được đổi tên lại là Chí Phèo. Tác phẩm ra đời đã nhận
được sự hoan nghênh, nhiệt liệt của công chúng, nó đã khẳng định tên tuổi của một
nhà văn hiện thực phê phán với những thành công vang dội.
Nam Cao đã viết tiếp hai truyện ngắn: Dì Hảo và Nửa đêm trong thời gian
dạy học ở tư thục Kỳ Giang – Thái Bình khi chứng kiến người nông dân phải sống

trong lầm than, cơ cực vì đói nghèo dưới một chế độ phong kiến khắc khe, tàn bạo.
Năm 1942, Nam Cao trở về làng và sáng tác hàng loạt các truyện ngắn như:
Cái mặt không chơi được, Nhỏ nhen, Con mèo, Những truyện không muốn viết,
Nhìn người ta sung sướng, Đòn chồng, Trăng sáng, Đôi móng giò, Trẻ con
không được ăn thịt chó. Trong thời gian này, những truyện ngắn viết cho thiếu nhi
của ông cũng lần lượt ra đời: Những kẻ khốn nạn, Người thợ rèn, Nụ cười, Con
mèo mắt ngọc, Ba người bạn.
Tháng 4/1943, Nam Cao gia nhập vào Hội văn hoá cứu quốc và cho ra đời
các tác phẩm: Mua nhà, Quái dị, Từ ngày mẹ chết, Làm tổ, Thôi đi về, Truyện
tình, Mua danh, Một truyện Xuvonia, Sao lại như thế này, Mong mưa, Tư cách
mõ, Bài học quét nhà, Chuyện buồn giữa đêm vui, Điếu văn, Cười, Quên điều độ,
Xem bói, Một bữa no, Ở hiền, Rửa hờn, Rình trộm, Nước mắt, Đời thừa.
Năm 1944, Nam Cao cho in trên tờ Trung Bắc chủ nhật các truyện ngắn:
Lang Rận, Một đám cưới và một truyện dài đó là Truyện người hàng xóm. Các tác
phẩm này nói lên số phận bi thảm của người nông dân khốn khổ, họ bị đẩy vào tình
cảnh bế tắc của sự bần cùng hoá, bị tha hoá về nhân cách.

14


Tháng 10/1944, Nam Cao cho ra đời tiểu thuyết Chết mòn, về sau được đổi
tên lại là Sống mòn. Nội dung của tiểu thuyết là cả một quá trình “Chết mòn” của
người trí thức tiểu tư sản luôn bị “áo cơm ghì sát đất”, sống trong những mối quan
hệ tốt xấu giữa con người với con người, vì thế tác phẩm mang một giá trị tố cáo xã
hội rất cao.
Tháng 8/1945, Cách mạng thánh Tám thành công, Nam Cao tham gia cướp
chính quyền phủ Lý Nhân và cho in truyện Mò sâm banh trên tạp chí Tiền phong.
1.2.2.2. Thời kì sau cách mạng tháng Tám
Trong thời gian này, Nam Cao vừa tham gia hoạt động Cách mạng vừa sáng
tác. Năm 1946, Nam Cao tham gia vào đoàn quân tiến và tiếp tục viết những truyện

như: Nỗi truân chuyên của khách má hồng, Đường vô Nam, Cười.
Năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc và viết Nhật kí Ở Cuối 1947, trong thời
gian này ông cũng cho ra đời tác phẩm Đôi mắt.
Tháng 7/1948, Nam Cao có bài viết về vấn đề Vài ý nghĩ về văn nghệ được
đăng trên báo Cứu quốc.
Năm 1948 – 1949, Nam Cao đi thực tế ở vùng đồng bằng, sáng tác truyện
ngắn Bốn cây số cách một căn cứ địch.
Tháng 5/1950, ông nhận công tác và làm việc ở Tạp chí văn nghệ Việt Nam,
lúc này ông viết tiểu thuyết Trận đầu về du kích đồng bằng nhưng chưa hoàn thành
đã bỏ dở dang vì ông chưa thu thập đủ tài liệu thực tế. Sau đó, Nam Cao đi chiến
dịch và viết truyện Chuyện biên giới.
Năm 1951, Nam Cao cho in tập truyện kí Chuyện biên giới. Ngày 23/9/1951,
Ông cùng Nguyễn Huy Tưởng đi dự hội nghị liên khu Ba. Nam Cao có dự định
trong chuyến đi này sẽ tìm thêm tài liệu để hoàn thành cuốn tiểu thuyết, nhưng chưa
thực hiện được điều đó thì ông đã bị địch phục kích bắn chết vào ngày 30/11/1951.
Nhìn chung ở cả hai thời kì trước và sau cách mạng, Nam Cao đã để lại
những trang viết mang nhiều giá trị độc đáo. Tuy ở thời kì đầu, quá trình sáng tác
chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn nhưng sau đó Nam cao đã nhanh chóng
chuyển ngòi bút của mình sang chủ nghĩa hiện thực. Đến với mảnh đất hiện thực
này, Nam Cao đã gặt hái được nhiều thành công rực rỡ, Vì thế ông được xem là nhà
văn hiện thực xuất sắc nhất trong trào lưu văn học phê phán.

15


1.3. Hình tượng người nông dân trong tác phẩm văn học
Hình tượng người nông dân từ xưa đến nay đã tồn tại và xuất hiện khá nhiều
trong tác phẩm văn học. Đây là một đề tài quen thuộc được các nhà văn khai thác
khá nhiều trên những trang viết của mình. Hình ảnh những người dân quê, lam lũ,
những con người hiền lành, chất phác ấy đã khiến không ít người cầm bút phải băn

khoăn, thương cảm, chính vì điều đó mà họ đã trở thành hình tượng nghệ thuật độc
đáo xuyên suốt các chặng đường văn học.
Trước tiên, hình tượng người nông dân đã bắt đầu xuất hiện trong dòng văn
học trung đại, tuy ở giai đoạn này họ chưa phải là trọng tâm trên những mảng sáng
tác của những nhà cầm bút, nhưng nhìn chung họ cũng đã được quan tâm và chú ý
đến rất nhiều. Người nông dân trong văn học trung đại luôn gắn với chiến tranh. Đó
là hình ảnh người nông dân đánh Tây dũng cảm trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”
(Nguyễn Đình Chiểu). Trước đây, vai trò của người nông dân chưa được đề cao
trong văn chương. Giai đoạn trước Nguyễn Đình Chiểu, người dân cũng giữ vai trò
quan trọng nhưng chưa quyết định như giai đoạn này. Người nông dân chỉ là lực
lượng phục tùng, số phận họ được định đoạt dựa vào nhà nước phong kiến. Nhưng
đến với thơ văn Nguyễn Đình Chiểu họ trở thành “người dân mộ nghĩa”, thành
“trang dẹp loạn”, thành nhân vật chính mà sử sách gọi là người nghĩa sĩ nông dân
và Nguyễn Đình Chiểu đã viết về họ như những người anh hùng của thời đại.
Người nông dân trong giai đoạn này còn là những nỗi thống khổ điêu linh, vì
chiến tranh loạn lạc. Đó là hình ảnh đau thương, tan tác đến rơi nước mắt trong bài
thơ “Chạy Tây” (Nguyễn Đình Chiểu).
“Tan chợ vừa nghe tiếng súng tây
Một bàn cờ thế phút sa tay
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay…”
Bên cạnh đó, người nông dân ở giai đoạn này luôn bị bọn quan lại ức hiếp,
đàn áp dã man, bị đánh đập tàn nhẫn, đau đớn:
“Quan huyện là cha mẹ của dân đã chẳng xét cho
Nha còn đánh đập dân như chém tre”
(Phúc Lâm lão – Cao Bá Quát)

16



Đó còn là những mảnh đời, những người nông dân nghèo đói trong “Thái
bình mại ca giá” (Nguyễn Du). Ông đã thể hiện sự thương cảm sâu sắc đối những
kiếp ngưới bất hạnh. Nhà thơ đã tái hiện lại cảnh bốn mẹ con đi ăn xin, sắp chết đói:
“Một mẹ cùng ba con
Lê la bên đường nọ
Đứa bé ôm trong lòng
Đứa lớn tay mang giỏ…”
Hay cảnh chợ tết mất mùa, đói khổ của người nông dân trong bài thơ “Chợ
Đồng” (Nguyễn Khuyến):
“Dở trời mưa bụi còn hơi rét
Nến rượu tường đình được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xao xác
Nợ nần năm trước hỏi lung tung”.
Sự đói kém dai dẳng, khắc nghiệt đã đẩy người nông dân lâm vào tình cảnh
khốn cùng, nợ nần luôn bủa vây qua bài thơ “Than nghèo” (Tú xương):
“Van nợ lắm khi trào nước mắt
Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi”
Nhìn chung, dòng văn học trung đại đã khái quát lên hình tượng người nông
dân một cách khá cụ thể. Đa số họ là nạn nhân của chiến tranh tàn khốc, sống một
cuộc sống khổ cực, đói khát. Số phận của họ luôn gắn liền với chiến tranh, với vận
mệnh dân tộc. Họ bước vào văn học với những hình ảnh giản dị, bé nhỏ. Chiến
tranh tàn khốc đã cướp đi biết bao mạng sống của những con người vô tội, người
nông dân luôn phải gánh chịu những hậu quả khôn lường đó, cái chết luôn cận kề
trong gang tấc. Họ bị hành hạ, đánh đập một cách dã man, luôn sống trong đói khát
và bệnh tật.
Tiếp nối dòng văn học trung đại, đến dòng văn học hiện đại, hình ảnh người
nông dân chiếm vai trò vô cùng quan trọng. Chiến tranh qua đi để lại những đau
thương mất mát, để lại những tàn dư khắc nghiệt của chế độ phong kiến. Họ phải
sống trong một xã hội lạc hậu, hà khắc dưới sự cai trị độc đoán của nhà nước phong
kiến. Người nông dân lâm vào tình cảnh khốn cùng, bị quan lại, địa chủ chèn ép,

bóc lột sức lao động cùng cực. Trước hiện thực đầy nước mắt như thế, những nhà

17


cầm bút đã không nén nổi lòng, họ đã xót thương cho những kiếp người nhỏ bé, vì
thế người nông dân bước vào trang viết của họ với tất cả sự cảm thông, thấu hiểu
sâu sắc. Đặc biệt trong trào lưu văn học hiện thực phê phán, hình ảnh người nông
dân xuất hiện dày đặc. Đề tài nông dân là một đề tài lớn trong văn học Việt Nam
giai đoạn 1930 – 1945 khi trào lưu văn học phê phán đang trên đà phát triển. Đến
giai đoạn này, người nông dân đã được các nhà văn quan tâm một cách sâu sắc, và
đó cũng chính là trọng tâm sáng tác của các nhà văn trong giai đoạn này.
Những nhà văn đã thành công trên mảng hiện thực khi viết về đề tài người
nông dân đó là Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ trọng Phụng…Dưới
ngòi bút của các nhà văn, hình ảnh người nông dân hiện lên một cách chân thực và
cụ thể. Tắt Đèn ngay từ khi mới ra đời đã được sự hoan ngênh nhiệt liệt từ dư luận
vì nó đáp ứng được vấn đề về người nông dân, đặc biệt là vấn đề sưu thuế. Tắt Đèn
tập trung tố cáo cái thứ thuế bất nhân của bọn thực dân, đã đẩy những người bần cố
nông phải bán con, đi ăn mày rồi chết đường, chết chợ!. “Tắt Đèn” không phải chỉ
ở sức mạnh tố cáo, đập phá xã hội cũ mà còn thấm đẫm một tinh thần nhân đạo chủ
nghĩa cao quý. Nó là một bản tố khổ chân thật, sâu sắc, chan hoà nước mắt và căm
phẫn của hàng triệu nông dân nghèo bị bóc lột.
Cũng xuất phát từ ý nghĩa tố cáo xã hội và tấm lòng cảm thông sâu sắc đối
với người nông dân mà Nguyễn Công Hoan đã làm rúng động xã hội thông qua tác
phẩm “Bước đường cùng”. “Bước đường cùng” đã đánh dấu đỉnh cao tư tưởng
Nguyễn Công Hoan trước cách mạng và là một trong những tác phẩm tiêu biểu của
văn học hiện thực phê phán đương thời. Tác phẩm đã trực tiếp phản ánh nông thôn
Việt Nam trước cách mạng trên bình diện xung đột giai cấp, đã làm nổi bật bộ mặt
tàn bạo thối nát của giai cấp địa chủ phong kiến cùng toàn bộ “chế độ chế độ thối
nát chống hương thôn” và đời sống cùng khổ của người nông dân bị áp bức bóc lột.

Viết về đề tài người nông dân Vũ Trọng Phụng cũng có những thành công
không kém. Qua nạn “Vỡ đê” với biết bao tình cảnh khốn khổ, thê thảm của người
nông dân được phơi bày, nhà văn đã làm nổi bật lên mối mâu thuẫn gay gắt giữa
giai cấp thống trị với nhân dân lao động bị áp bức. Nhà văn muốn lên tiếng tố khổ
cho người nông dân lao động bị áp bức, bóc lột thậm tệ.

18


Bên cạnh đó hình tượng người nông dân còn được thể hiện một cách chân
thực, sâu sắc qua ngòi bút độc đáo của Nam Cao. Viết về người nông dân Nam Cao
tỏ thái độ trân trọng, xót thương đối với những người nông dân nghèo khổ. Nam
Cao là thế hệ nối tiếp của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng nên
ông nêu cao tinh thần chủ nghĩa hiện thực. Nam Cao luôn đòi hỏi văn chương nghệ
thuật phải trở về đời sống hiện thực, và khi lần giở những trang viết về nông thôn
Việt Nam của dòng văn học hiện thực ta không khỏi xót xa trước những cảnh đời,
số phận của người nông dân trong sáng tác của Nam Cao. Ông đi vào miêu tả cuộc
sống thường nhật đang diễn ra ở làng quê Việt Nam, những nỗi khổ vụn vặt, những
lo toan tủn mủn đang gặm nhấm và làm băng hoại nhân cách con người. Đó là
những tên cố cùng như Chí Phèo, Binh Chức (Chí Phèo) vác dao đi giật lấy miếng
ăn khi cái đói thôi thúc; Đó là một bà lão khốn nạn (Một bữa no) đánh đổi cả danh
dự của mình chỉ vì một bữa cơm để rồi ôm một cái “chết no” đầy nhục nhã; Đó còn
là những tên tham ăn tục uống, bạc đãi vợ con (Trẻ con không biết ăn thịt chó, Trẻ
con không biết đói, Đòn chồng…). Khi viết về đề tài người nông dân, Nam Cao đã
lấy tư liệu từ hiện thực cuộc sống của Làng Vũ Đại – Nơi khái quát những cảnh tủi
nhục, bần cùng, tha hóa của những kiếp người bất hạnh. Đó là cả một quá trình vật
lộn với cái đói, cái nghèo trong cuộc sống khốn khổ của người nông dân. Đó là
những cái chết đầy máu và nước mắt của những con người đã đến bước đường
cùng, một lão Hạc lương thiện quyết lấy cái chết để giữ vững nhân cách; một Lang
Rận khao khát sự yêu thương cũng tìm sự giải thoát vì bị xua đuổi; Một Chí phèo

tha hóa cũng tự kết liễu đời mình vì bị cự tuyệt, không còn quyền trở lại làm người.
Nhìn lại những tác phẩm văn học viết về người nông dân với các tác giả như
Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan… Có thể nói một cách không quá rằng,
với mỗi nhà văn, tác phẩm “để đời” được độc giả nhớ đến nhất cũng như đóng góp
cho nền văn học nước nhà đều là tác phẩm viết về người nông dân đói khổ. Nhiều
nhà văn, nhà thơ tâm sự rằng, viết về người nghèo, người nông dân như một lẽ tự
nhiên, thân thuộc từ bản thân mình, bởi cuộc sống nghèo khổ của người nông dân
đã ăn sâu vào máu của họ. Ngòi bút đứng về phía người nghèo, người nông dân là
đứng về lương tri. Bởi họ là những người “thấp cổ bé họng”cần được bênh vực,
cảm thông và thấu hiểu.

19


CHƯƠNG 2
QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ NGƯỜI NÔNG DÂN
TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO
2.1. Những kiếp người thấp cổ bé họng bị xã hội áp bức
Là một nhà văn tôn trọng sự thật và có ham muốn thiết tha nhất là nói lên
được sự thật về cuộc đời, Nam cao đã không tìm kiếm sự thật ở những cuộc đời
quyền quý hoặc ở những chốn đặc biệt nào mà là ở giữa những cuộc sống đời
thường, ở những điều gần gũi và thân thuộc nhất. Bằng ngòi bút hiện thực xuất sắc
và độc đáo của mình, ông đã phác họa lại bức tranh xã hội nông thôn Việt Nam
trước 1945 một cách chân thực và đầy xúc động. Trên những trang viết thấm đẫm
giá trị nhân văn của mình, Nam Cao đã đồng cảm, xót thương cho những kiếp người
nghèo khổ bị xã hội áp bức đến cùng kiệt.
Phần lớn những truyện ngắn viết về đề tài nông dân của Nam Cao ra đời vào
những năm 1940 – 1945. Dấu ấn của một thời kì đen tối để lại khá sâu đậm trong
truyện ngắn của ông, người nông dân bị áp bức, bóc lột đến mức không thể ngoi lên
được, cái đói cái nghèo luôn vây lấy và đeo bám từng ngày. Trang viết của ông vẫn

là những chủ đề quen thuộc như nhiều nhà văn hiện thực khác: Đời sống khó khăn,
thóc cao gạo kém, con người phải vật lộn để kiếm sống… Nhưng trong tác phẩm
của Nam Cao, sự áp bức, bóc lột của bọn cường hào ác bá đã gây nên sự đói khát
thê thảm, đó như một sức mạnh vô hình thít chặt các số phận của nhân vật. Họ là
những người dân “chân lấm tay bùn”, quanh năm “một nắng hai sương” nhưng vẫn
bị cái nghèo đeo bám, đã vậy, họ còn bị bóc lột, áp bức đến tận cùng. Đã nghèo, đã
khổ, làm việc đến cật lực, vất vả vẫn không đủ ăn mà hàng năm họ còn phải chịu
hàng trăm thứ thuế, phải chịu những hủ tục lạc hậu dưới sự cai trị hà khắc, bất nhân
của chế độ phong kiến. Người nông dân lâm vào tình cảnh túng quẫn, đói rách,
thảm thương. Vì thế số phận người nông dân trong nhiều truyện ngắn của Nam Cao
luôn được đặt ở những thử thách khốc liệt của cảnh nghèo. Và không ít nhân vật đã
bị xô đẩy đến cái chết đau đớn, xót xa: bà cái Tý (Một bữa no), anh Đĩ Chuột
(Nghèo), lão Hạc (Lão Hạc), anh Phúc (Điếu Văn)…Mỗi người một hoàn cảnh,

20


nhưng chung quy lại họ đều chịu sự áp bức dưới bàn tay cay nghiệt của chế độ
phong kiến.
Viết về nông thôn, Nam Cao ít đi vào những xung đột giai cấp gay gắt và
miêu tả trên một bình diện rộng. Ông tập trung vào những cuộc đời cụ thể, và cũng
chỉ lấy ra một chặng đường ngắn của nhân vật để miêu tả. Bao giờ ông cũng biết
vươn tới phản ánh cho được cái bản chất, cái có tính phổ biến, quy luật. Miêu tả quá
trình người nông dân bị phá sản, Nam Cao cố gắng lí giải đến ngọn nguồn. Họ bị
tước đoạt hết ruộng đất, nhiều người phải rời bỏ làng quê đi tha hương cầu thực: Kẻ
phiêu dạt ra thành phố tìm đến trú ngụ trong những căn nhà ẩm thấp, tăm tối (mẹ
con Hiền trong Truyện người hàng xóm), kẻ phẫn chí bỏ làng đi làm thuê ở đồn điền
cao su (con lão Hạc trong Lão Hạc). Chưa bao giờ người nông dân bị đặt trong
hoàn cảnh ly tán đến như vậy. Nam Cao chú ý đến những người bị áp bức bất công
nhiều nhất, chịu số phận đen đủi, hẩm hiu. Những kẻ cố cùng như Binh Chức (Chí

Phèo) “làm thì cật lực mà quanh năm vẫn nghèo rớt mùng tơi, chỉ vì một miếng ăn
mà cũng không giữ được mà ăn, đứa nào vớ được nó cũng xoay mà đứa nào xoay
cũng chịu”, như Chí Phèo (Chí Phèo) bị cả xã hội bỏ rơi ngay từ khi mới ra đời. Ðó
là Thị Nở một người đàn bà ế chồng, sinh ra từ một gia đình có mả hủi, bị loài
người xa lánh. Ðó là một mụ Lợi, Cu Lộ, Lang Rận, những người không được loài
người coi là người. Ðó là thân phận trâu ngựa của những đứa ở cho nhà giàu, những
cái Tí, cái Dần, anh Cu Phúc ăn thì chẳng bao giờ đủ no mà công việc và những lời
chửi rủa thì thừa bứa. Đi vào cuộc đời của những con người bị áp bức, họ càng hiền
lành thì càng bị vùi xuống bùn đen, Nam cao đã làm nổi bật lên tình trạng bất công
ghê gớm trong xã hội: “tại sao trên đời này nhiều sự bất công đến thế?”. Câu hỏi
không lời giải đáp đó trong “Ở hiền” – một truyện ngắn có tính chất luận đề nghi
vấn cái đạo lý “ở hiền gặp lành”, đó cũng là vấn đề mà Nam Cao đặt ra trong hầu
hết tác phẩm của mình.
Đến với những trang viết chân thực và độc đáo của Nam Cao, mỗi nhân vật
hiện lên một cách rõ nét và cụ thể. Đó là những mảnh đời, những hoàn cảnh đáng
thương khác nhau, mỗi người ai cũng mang trong mình một nỗi khổ về vật chất lẫn
tinh thần nhưng ở họ có cùng chung số phận là nghèo và bị xã hội áp bức, bóc lột
đến dã man, tàn nhẫn. Là những người nông dân lương thiện, hiền lành nhưng suốt

21


đời họ bị giam cầm trong cái ngục tù đầy rẫy tội ác. Những kiếp người luôn phải
gánh chịu biết bao đọa đày dưới một bộ máy cai trị hà khắc, đó là những con người
tội nghiệp và đáng thương biết nhường nào. Lao động cật lực, vất vả quanh năm
nhưng “chén cơm manh áo” luôn đeo bám họ. Cũng như những gia đình bần cố
nông khác, cái đói, cái nghèo luôn vây lấy gia đình anh đĩ Chuột (Nghèo), họ phải
chạy từng bữa ăn, sống dật dờ vô định trong đói khát. Một mình vợ anh phải nuôi
đến những bốn miệng ăn, kiếm được miếng ăn đã là khó thế mà chị còn phải chạy
ngược, chạy xuôi vay mượn tiền để lo thang thuốc cho chồng vì anh lâm bệnh nặng.

Nợ nần chồng chất, đói khổ triền miên, chị và một đàn con nheo nhóc phải ăn cám
thay cơm để sống qua ngày. Gánh nặng cuộc đời hòa chung với những giọt nước
mắt uất ức, nghẹn ngào, vị cám đắng chát nhưng vẫn phải ăn, vẫn phải nuốt vào để
sống “ Thằng cu chừng đói quá không chịu được, lại há mồm ra. Mẹ nó đút cho nó
một xêu nhỏ nữa. Nó nhắm mắt, duỗi cổ, cố nuốt cho trôi”.[2, tr. 54]. Vì không
muốn trở thành gánh nặng, vì không sống nổi trong đói nghèo, bệnh tật nên anh đã
tìm cách giải thoát cho mình, cũng như giảm bớt phần nào nỗi khổ cho vợ con.
Nhưng tồn tại dưới một xã hội mà tội ác luôn lộng hành, sự chèn ép, áp bức thì
không bao giờ dứt. Bà Huyện lại đến xiết nợ và “Ở ngoài ngõ, mẹ con chị Chuột
vừa kêu khóc vừa van lạy. Bà Huyện nhất định bắt mẻ gạo mới đong để trừ sáu hào
nợ chị Chuột vay từ hai tháng trước cho chồng uống thuốc”[2, tr. 59]. Không chịu
nỗi sự bòn rút của chúng nhưng đành bất lực “Anh đĩ Chuột rít hai hàm răng lại.
Hai chân giận dữ đạp phắt cái ghế đổ văng xuống đất. Cái tròng rút mạnh lại. Cái
bộ xương bọc trong da giẫy giụa như một con gà bị bẫy, sau cùng, nó chỉ còn giật
từng cái chậm dưới sợi thừng lủng lẳng”[2, tr. 58]. Cái chết thảm thương đã chấm
dứt hết tất cả, chấm dứt cảnh đói nghèo với bao lo toan đầy rẫy. Chính cái xã hội vô
tâm đã gián tiếp đẩy họ vào con đường bế tắc, không còn cách nào khác họ phải tìm
đến cái chết để giải thoát, để kết thúc những tháng ngày đau khổ của mình.
Cũng là thân phận tôi đòi nên người nông dân trong “Rửa hờn” cũng bị chèn
ép, bóc lột một cách oan uổng. Chỉ vì quá nghèo mà vợ chồng nhà kia lúc lấy nhau
chẳng có tiền cưới nên “họ ăn ở với nhau theo kiểu vợ chồng theo”. Đến lúc có con
họ muốn làm khai sinh cho đứa trẻ thì bị những kẻ bề trên chèn ép, bóc lột “Ông Lý
nhà ta biết thóp anh hồng đến non mặt, nên đến lòe anh ta đủ thứ”. Không còn cách

22


×