Tải bản đầy đủ (.pdf) (76 trang)

LUẬN văn sư PHẠM NGỮ văn NGHỆ THUẬT MIÊU tả TÍNH CÁCH NHÂN vật của NGUYỄN DU TRONG TRUYỆN KIỀU

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.44 MB, 76 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA SƯ PHẠM

BỘ MÔN NGỮ VĂN

NGUYỄN THỊ KIM VÂN

NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ TÍNH CÁCH NHÂN VẬT CỦA
NGUYỄN DU TRONG TRUYỆN KIỀU

Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Sư phạm Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn:

PHAN THỊ MỸ HẰNG

Cần Thơ, 4 - 2011

-1-


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG CHÍNH
Chương 1: Một số vấn đề chung về miêu tả và nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật


1. Nghệ thuật miêu tả trong văn học
1.1 Khái niệm văn miêu tả
1.2 Đặc điểm văn miêu tả
1.3 Nghệ thuật miêu tả trong văn học
2. Nhân vật văn học
2.1 Khái niệm về nhân vật văn học
2.1.1 Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học bằng phương
tiện văn học
2.1.2 Nhân vật văn học là phương tiện khái quát hiện thực
2.2 Loại hình nhân vật văn học
2.3 Đặc điểm của nhân vật văn học
2.4 Tính cách nhân vật văn học
3. Phân loại hệ thống nhân vật trong Truyện Kiều
4. Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều
4.1 Các phương thức nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du
trong Truyện Kiều
4.1.1 Miêu tả tính cách nhân vật thông qua ngoại hình
4.1.2 Miêu tả tính cách nhân vật thông qua hành động
4.1.3 Miêu tả tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ
4.1.4 Miêu tả tính cách nhân vật thông qua nội tâm
4.2 Nhận xét
Chương 2: Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều
1. Miêu tả tính cách nhân vật thông qua ngoại hình
2. Miêu tả tính cách nhân vật thông qua hành động
3. Miêu tả tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ
4. Miêu tả tính cách nhân vật thông qua nội tâm
Chương 3: Hiệu quả sử dụng nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du
trong Truyện Kiều
1. Thể hiện chân thật, hoàn chỉnh và sắc nét tính cách riêng của từng nhân vật
2. Thể hiện sự sáng tạo, điêu luyện trong việc vận dụng ngôn ngữ dân tộc của

Nguyễn Du
PHẦN KẾT LUẬN

-2-


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Khi sáng tác một tác phẩm văn chương, vấn đề thường được độc giả quan
tâm đó là những hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Có thể nói, đây là yếu tố đầu
tiên để đánh giá sự thành công hay hạn chế của một nhà văn. Vì vậy, ta có thể
khẳng định nhân vật chính là linh hồn của tác phẩm văn học. Bởi nhân vật là
phương tiện để truyền tải nội dung tác phẩm, tư tưởng, tình cảm mà tác giả muốn
gửi gắm qua tác phẩm. Bên cạnh đó, nhân vật còn là hình thức cơ bản để qua đó
văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Muốn hiểu được tác phẩm văn học
một cách đầy đủ, trọn vẹn thì chúng ta phải nắm bắt được thế giới nhân vật mà cụ
thể là phải đi sâu, khai thác tính cách nhân vật bởi đó cũng chính là phát ngôn của
tác phẩm.
Thiết nghĩ, con người ngoài xã hội đi vào tác phẩm văn học sẽ bị chi phối
bởi lăng kính chủ quan và ý đồ nghệ thuật của tác giả. Muốn cho nhân vật có hồn
thì nhà văn phải có biện pháp nghệ thuật độc đáo trong việc khắc họa nhân vật. Có
nhiều cách khác nhau để thể hiện nhân vật. Ở đây người viết quan tâm hơn cả là
nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật, bởi tính cách có vai trò rất quan trọng đối
với cả nội dung lẫn hình thức của một tác phẩm văn học. Đúng như Hêghen đã nói:
“Tính cách là điểm trung tâm của mối quan hệ giữa nội dung và hình thức’’[2; tr
345] và Đôxtôiepxki cũng đã từng khẳng định:“Đối với nhà văn, toàn bộ vấn đề là
ở tính cách” [2; tr.346].
Tính cách nhân vật được xây dựng trên nhiều phương diện nghệ thuật khác
nhau. Tính cách có thể được thể hiện thông qua việc miêu tả ngoại hình, nội tâm,
thông qua cử chỉ, hành động lời nói hoặc thông qua mối quan hệ với các nhân vật

khác. Vì vậy, có thể nói, việc đi vào tìm hiểu một tác phẩm văn học để khám phá
tính cách nhân vật là rất cần thiết đối với cả người học lẫn người dạy. Đối với
người học, khám phá đúng và đầy đủ về nhân vật, tính cách nhân vật là chìa khóa
để mở cửa bước vào thế giới của tác phẩm, khám phá những kho báu bên trong.
Còn đối với người giáo viên dạy văn, việc cần có kiến thức đầy đủ, vững vàng về
tính cách nhân vật sẽ giúp giáo viên có định hướng đúng đắn cho học sinh trong
quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học.
Xét về tác phẩm văn học thì Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm
lớn của dân tộc. Đây là một tiểu thuyết bằng thơ thuộc loại hình truyện Nôm thế kỉ
XVIII, XIX. Khi vừa xuất hiện Truyện Kiều đã làm cho thi đàn xôn xao hẳn lên,
người ta bình luận, khen chê, các nhà nghiên cứu đã tốn biết bao giấy mực cho
Truyện Kiều. Còn đối với nhân dân, Truyện Kiều là một món ăn tinh thần không thể
thiếu trong cuộc sống thường ngày. Họ ngâm Kiều, bình Kiều, xem Truyện Kiều
như một đề tài bất tận, họ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng những câu Kiều như
dòng sữa ngọt ngào của mẹ. Qua đó, ta thấy Truyện Kiều đã chiếm một vị trí trọng
yếu trong lịch sử văn học Việt Nam. Đúng như Đặng Thai Mai – Chủ tịch Hội liên
hiệp văn học Việt Nam đã khẳng định: “Không ai có thể phủ nhận rằng trong toàn
bộ văn học ngày xưa, Truyện Kiều là một thành công vĩ đại nhất, là áng văn
chương tiêu biểu hơn hết” [15; tr.1141].
Từ những lý do trên, người viết đã chọn Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân
vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều làm đề tài nghiên cứu. Đề tài này không
những giúp cho người viết tiếp thu được những kiến thức về văn học, tìm hiểu sâu
-3-


hơn nghệ thuật miêu tả tính cách đặc sắc của thiên tài Nguyễn Du, mà còn giúp
người viết vận dụng được những kiến thức lí luận văn học chung về nghệ thuật
miêu tả nhân vật, tính cách nhân vật vào một tác phẩm văn học cụ thể. Bằng sự
hiểu biết ít ỏi của mình, người viết chỉ mong sẽ góp một phần nhỏ trong việc khám
phá thêm một khía cạnh đặc sắc về nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của đại

thi hào dân tộc Nguyễn Du nói riêng và của thơ ca nói chung.

2. Lịch sử vấn đề
Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật trong tác phẩm là một trong những
bình diện thể hiện rõ tài năng của nhà văn. Khi xây dựng tính cách nhân vật trong
tác phẩm, không chỉ đòi hỏi nhà văn phải có sự am hiểu tường tận về nhân vật mà
còn phải tìm được cách thể hiện riêng cho tính cách của từng nhân vật mà mình sẽ
viết. Nếu chỉ có vốn hiểu biết mà cách thể hiện không độc đáo thì tính cách nhân
vật cũng hóa ra tầm thường, không tạo được sức hút đối với người đọc.
Dưới đây là một số công trình nghiên cứu về nhân vật và tính cách nhân vật
của các nhà lí luận, cũng như những công trình nghiên cứu có liên quan đến nghệ
thuật miêu tả tính cách nhân vật trong Truyện Kiều của các nhà phê bình văn học.
Người viết đã chọn lựa và lấy làm cơ sở để thực hiện đề tài Nghệ thuật miêu tả tính
cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều một cách có hệ thống hơn.
Bàn về nhân vật và tính cách nhân vật, trong quyển Lí luận văn học do Hà
Minh Đức chủ biên, tác giả Đoàn Đức Phương trong chương III, phần Nhân vật và
tính cách đã nêu lên rất đầy đủ và chi tiết. Ông đã đưa ra khái niệm về nhân vật văn
học rất cụ thể: “Nhân vật trong văn học là một hiện tượng mang tính ước lệ, đó
không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự
thể hiện con người qua những điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách” [5;
tr.126]. Theo đó, ông cho rằng nhân vật không chỉ là những con người có tên hoặc
không tên, được khắc họa sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm
mà còn có thể là những sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách của
con người, được dùng như những phương thức khác nhau để biểu hiện con người.
Đồng thời, ông còn nhận định về vai trò, tầm quan trọng của nhân vật trong tác
phẩm văn học. Theo ông, “Văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là
phương diện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng” [5;
tr.126].
Cũng trong chương này, tác giả Đoàn Đức Phương đã đi vào việc phân chia
loại hình nhân vật. Ông đưa ra hai tiêu chí để phân loại. Xét về vai trò nhân vật

trong tác phẩm, ông chia nhân vật thành ba tuyến: nhân vật chính, nhân vật phụ và
nhân vật trung tâm; còn xét về phương diện hệ tư tưởng, về quan hệ đối với lí
tưởng xã hội thì ông lại chia nhân vật ra thành hai tuyến: nhân vật chính diện và
nhân vật phản diện. Theo đó, ông đã đưa ra những cơ sở rất thuyết phục để chứng
minh cho luận điểm của mình. Bàn về tính cách, ông cũng đã nêu lên một vài khía
cạnh: “Tính cách là bản sắc riêng, độc đáo của một con người cá biệt, cụ thể
nhưng lại mang những nét chung, tiêu biểu cho nhiều người khác ở mức độ nhất
định, đồng thời nó có một quá trình phát triển hợp với lôgic cuộc sống” [5; tr.129].
Không dừng lại ở đó, ông còn đi sâu nghiên cứu đặc điểm của tính cách ở nhiều
phương diện khác nhau như: tính chung, tính riêng, tính lôgic… Từ đó rút ra kết
luận: “Tính cách có một vai trò hết sức quan trọng đối với cả nội dung và hình
thức của một tác phẩm văn học” [5; tr.129].
Trong quyển Lí luận văn học do Phương Lựu chủ biên, khi đề cập đến nhân
vật và tính cách nhân vật, trong chương III - Nhân vật trong tác phẩm văn học, các
-4-


tác giả cho rằng: “Nhân vật văn học là con người được thể hiện bằng phương tiện
văn học” [13; tr.278]. Đồng thời, các tác giả cũng đã nêu lên vai trò của nhân vật
trong tác phẩm văn học. Nhân vật có hai vai trò chính: Thứ nhất, nhân vật văn học
là con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học nhằm tái hiện
đời sống, đóng vai trò như những “tấm gương của cuộc đời” [13; tr.278]. Thứ hai:
nhân vật là phương tiện khái quát hiện thực. Tức là nhà văn sáng tạo văn học là để
thể hiện những cá nhân của xã hội và những quan niệm về cá nhân đó. Bên cạnh đó,
các tác giả cũng khẳng định, ý nghĩa của nhân vật được thể hiện qua tính cách. Tính
cách này, vừa là tính cách xã hội lịch sử, vừa là quan niệm về tính cách và tư tưởng
mà tác giả muốn thể hiện. Đồng thời, các tác giả cũng phân chia các loại hình nhân
vật văn học dựa trên nhiều phương diện bao gồm: kết cấu, hệ tư tưởng, cấu trúc. Từ
đó, các tác giả cũng nêu lên các phương thức, phương tiện và biện pháp thể hiện
tính cách nhân vật.

Lại Nguyên Ân, trong quyển 150 thuật ngữ văn học khi nghiên cứu về nhân
vật và tính cách nhân vật cũng đã trình bày một vài khía cạnh. Ông cho rằng nhân
vật văn học là “Hình tượng nghệ thuật về con người” [1; tr.249], là các con vật, loài
cây… được nhân cách hóa. Theo ông, nhân vật văn học in dấu những xu hướng tiến
hóa của tư duy nghệ thuật như nhân vật lý tưởng hóa (sử thi), nhân vật mặt nạ, cố
định (chủ nghĩa cổ điển), nhân vật là người anh hùng mới (chủ nghĩa hiện thực xã
hội chủ nghĩa)… .
Bên cạnh những kiểu nhân vật đã nêu, Lại Nguyên Ân còn đưa ra các phương
tiện để xếp loại nhân vật. Dựa vào vai trò của nhân vật trong tác phẩm ta có “nhân
vật chính”, “nhân vật phụ”; dựa vào việc thể hiện lí tưởng ta lại có “nhân vật
chính diện” (tích cực), “nhân vật phản diện” (tiêu cực); xuất phát từ thể loại, ta
phân ra: “nhân vật tự sự”, “nhân vật trữ tình”, “nhân vật kịch”… Tiêu chí phân
loại của Lại Nguyên Ân gần như thống nhất với các tác giả của quyển Lí luận văn
học do Phương Lựu chủ biên được đề cập ở trên.
Riêng về tính cách, Lại Nguyên Ân đã nêu lên khái niệm khá cụ thể: “Tính
cách là hình ảnh con người, được phác họa đến mức đủ rõ và đủ tính xác định,
thông qua đó, làm bộc lộ kiểu ứng xử (hành vi, suy nghĩ, lời nói) có căn cứ lịch sử,
đồng thời cũng làm bộc lộ quan niệm của tác giả về tồn tại con người” [1; tr.332].
Ông còn cho rằng, sự hình dung về tính cách còn được thể hiện qua những biểu
hiện bề ngoài lẫn bên trong cá nhân nhân vật.
Nói chung, lí luận về nhân vật, tính cách nhân vật mỗi tác giả khi lí giải đều
nêu lên những ý kiến rất riêng, độc đáo với những dẫn chứng cụ thể, sinh động và
cũng đầy thuyết phục.
Trên đây là những công trình tiêu biểu về nhân vật và tính cách nhân vật văn
học của các nhà lí luận. Về vấn đề nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật trong
Truyện Kiều của Nguyễn Du, người viết nhận thấy đây cũng là vấn đề được nhiều
nhà nghiên cứu quan tâm, nhận xét và đánh giá. Họ đã tìm thấy ở Truyện Kiều
những giá trị nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm nên cái hay, nét độc đáo cho nghệ
thuật miêu tả tính cách nhân vật của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Theo Hoài Thanh trong Tạp chí văn học bình luận số 6 tháng 12/1965 khi bàn

về nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Du ông đã nói: “Cách dùng chữ của Nguyễn Du
bao giờ cũng đúng lúc, đúng chỗ, đúng tình, đúng cảnh”, ông còn nói thêm: “Về
mặt miêu tả, Nguyễn Du có sẵn vốn từ ngữ không một nhà văn nào khác có thể
sánh kịp trong lịch sử văn học Việt Nam” [4; tr.1140]. Hay trong bài luận Nguyễn
Du và quyền sống con người bên cạnh việc nêu lên vấn đề về quyền sống của con
-5-


người trong Truyện Kiều, ông còn đưa ra những nhận xét về phương diện nghệ
thuật, đặc biệt là nghệ thuật miêu tả nhân vật: “Cái chính của nghệ thuật Nguyễn
Du là ở chỗ đã nhào nặn lại, sáng tạo ra cả một thế giới nhân vật có thật” [4;
tr.1263].
Như vậy, ông không chỉ cho rằng Nguyễn Du là một bậc thầy về nghệ thuật
miêu tả nhân vật, trong đó bao gồm cả nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật bởi
một nhân vật chỉ có thật khi nó mang trong mình những nét tính cách riêng biệt,
độc đáo. Đồng thời, ông còn khẳng định tầm vóc của Nguyễn Du trong nền văn học
dân tộc.
Đến Dương Quảng Hàm trong quyển Việt Nam văn học sử yếu, khi bàn đến
văn chương Truyện Kiều cũng có nhận xét: “Tả cảnh thì theo lối phác họa, mà
cảnh nào cũng linh hoạt khiến cho người đọc cảm thấy cái thú vị của mỗi cảnh. Tả
người thì vai nào rõ ra tính cách của vai nấy, chỉ một vài nét mà như vẽ thành bức
truyền thần của mỗi vai, khám phá được tâm lí của vai ấy, khiến cho nhiều vai như
Sở Khanh, Tú Bà đã thành những nhân vật làm mô dạng cho đời sau” [7; tr.68]
Nhìn chung, cũng như Hoài Thanh, ông đã khẳng định với nghệ thuật miêu tả,
đặc biệt là miêu tả tính cách thì Nguyễn Du xứng đáng là một thiên tài. Dù chưa đi
vào phân tích cụ thể nhưng những nhận định mới và có hướng gợi mở này đã tạo
nền tảng, tiền đề cho người viết, giúp người viết có cái nhìn hoàn chỉnh hơn về
nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Bàn về nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật trong Truyện Kiều, tác giả Đỗ
Minh Tuấn trong chuyên luận Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện

Kiều đã đưa ra vài nhận định: “Nguyễn Du đã khai thác các yếu tố màu sắc, âm
thanh và tình cảm trong ngôn ngữ để thể hiện chính xác và tinh vi những sắc thái
tình cảm khác nhau nhất, tế nhị, mơ hồ và xao động nhất” [19; tr.161]. Như vậy, ta
thấy ông không chỉ nghiên cứu, tìm hiểu bút pháp trữ tình của Nguyễn Du trong
Truyện Kiều mà còn quan tâm đến nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ để miêu tả tâm lí,
tính cách nhân vật. Ông khẳng định: “Nguyễn Du đã sử dụng ngôn ngữ trữ tình có
chọn lọc trên cơ sở phù hợp với tính cách của nhân vật, với trạng thái tâm hồn
nhân vật” [19; tr.189].
Nhìn chung, ông đã đưa ra được những đặc điểm cơ bản trong nghệ thuật sử
dụng ngôn ngữ để miêu tả tính cách nhân vật, đồng thời cũng đưa ra những cơ sở
lập luận rất thuyết phục bằng cách đi vào phân tích một số câu thơ có sự xuất hiện
của ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều. Thế nhưng, ông chưa đi sâu vào phân
tích và làm rõ vấn đề mà chỉ dừng lại ở một khía cạnh nhỏ là miêu tả tính cách
nhân vật thông qua ngôn ngữ mà chủ yếu là từ láy.
Tác giả Nguyễn Thái Hòa trong quyển Tục ngữ Việt Nam cấu trúc và thi pháp
đã đưa ra nhận xét về tính cách nhân vật trong Truyện Kiều như sau: “Nhân vật gặp
tình huống có kịch tính cao. Tình huống ấy được phản ánh vào nội tâm thành bi
kịch. Những âm mưu tính toán của nhân vật chính là bộc lộ tính cách bên trong của
nhân vật” [8; tr.232]. Ta thấy, tác giả đã đề cập đến một vấn đề đó là nghệ thuật
miêu tả nội tâm của nhân vật để làm bộc lộ tính cách của từng nhân vật. Đây là một
nét mới, độc đáo trong việc phát hiện thêm một khía cạnh về miêu tả tính cách nhân
vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Tuy nhiên, công trình của ông chỉ dừng lại ở vấn đề phân tích nội tâm nhân
vật để làm nổi bật tính cách nhân vật chứ chưa khai thác sâu ở những khía cạnh
khác như nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động… để làm nổi bật nghệ thuật
miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
-6-


Đến với quyển Tìm hiểu phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, giáo

sư Phan Ngọc cũng đã góp một vài ý kiến về phương diện nghệ thuật. Ở công trình
này, bên cạnh việc tập trung khảo sát phong cách nghệ thuật của Nguyễn Du trong
Truyện Kiều, ông còn nghiên cứu thủ pháp phân tích tâm lí nhân vật, ngôn ngữ
nhân vật nhằm làm nổi bật tính cách của từng nhân vật. Trong chương IV – Tiểu
thuyết phân tích tâm lí, ông đã chứng minh được bút pháp miêu tả diễn biến nội
tâm nhân vật bậc thầy của Nguyễn Du khi đi vào phân tích tâm lí của hầu hết các
nhân vật, ông cho rằng: “Đây là lối phân tích thật sự khoa học” [16; tr.172] nhằm
mục đích bộc lộ tính cách của từng nhân vật. Về ngôn ngữ nhân vật, ông khẳng
định: “Đây là ngôn ngữ “đục mờ”, vì đằng sau sự giao tiếp thực tiễn, có một thông
báo riêng nhằm mục đích nêu bật tính cách của từng nhân vật” [16; tr.159].
Trong quá trình phân tích ta thấy, ông đã tiến hành so sánh, đối chiếu với tác
phẩm Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và đã chứng minh được
rằng: “Ngôn ngữ nhân vật có cú pháp riêng, từ vựng riêng, không lặp lại ở một
người nào khác” [16; tr.160]. Có thể nói, công trình này đã đóng góp thêm cho
nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều nhiều nét
đặc sắc, mới lạ. Tuy nhiên, ông cũng chưa đi sâu vào nghệ thuật miêu tả tính cách
nhân vật mà chỉ dừng lại ở một vài khía cạnh tiêu biểu.
Bàn về nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện
Kiều, Giáo sư Lê Trí viễn trong cuốn Lịch sử văn học Việt Nam – tập 3 cũng có vài
nhận định. Tiêu biểu ở phần 4 - Một vài nét về bút pháp của Nguyễn Du, ông đã
khẳng định: “Cái tạo nên nét đặc sắc trong nghệ thuật Truyện Kiều là đã sáng tạo
nên những con người, những con người thật hơn người thật” [23; tr.167]. Để làm
sáng tỏ cho những nhận định của mình, ông đã đi vào phân tích các nhân vật trong
Truyện Kiều từ Thúy Kiều, Từ Hải, Kim Trọng đến Mã Giám Sinh, Tú bà, Hoạn
Thư… Đặc biệt, ông còn chú ý đến bút pháp phân tích nội tâm nhân vật, mà chủ
yếu là nhân vật Thúy Kiều nhằm bộc lộ tính cách của nhân vật trong từng hoàn
cảnh cụ thể. Từ những cơ sở trên, ông khẳng định: “Có vài nhân vật Nguyễn Du
chỉ vẽ bằng một vài nét mà người nào ra người ấy, bề ngoài và bên trong khít khao
làm cho tính cách nổi bật” [23; tr.167].
Những nghiên cứu của giáo sư Lê Trí Viễn ở phương diện nghệ thuật miêu tả

tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều tuy chỉ mang tính khái quát,
chưa thật sự đi sâu vào từng khía cạnh, nhưng những gợi ý của ông cũng đã mở ra
hướng nghiên cứu cho người viết, giúp người viết có cái nhìn toàn diện hơn về đề
tài của mình.
Trên đây là những nhận định về nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của
Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Tuy nhiên, những nhận định trên vẫn còn chưa sâu,
chưa làm nổi bật được vấn đề. Bàn về Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của
Nguyễn Du trong Truyện Kiều ta có thể kể đến hai công trình tiêu biểu sau:
Trước tiên là công trình của giáo sư Lê Đình Kỵ. Trong quyển Truyện Kiều và
chủ nghĩa hiện thực, ông đã đánh giá Nguyễn Du trên cả hai phương diện: cái tài và
cái tâm của người nghệ sĩ. Về phương diện nghệ thuật, ông đã chứng minh cái tài
của Nguyễn Du thể hiện ở tất cả các khía cạnh từ bút pháp miêu tả không gian nghệ
thuật điêu luyện đến bút pháp phân tích tính cách nhân vật biến hóa, đa dạng. Đặc
biệt, ông đã đi sâu vào nghiên cứu nghệ thuật miêu tả nội tâm để làm bộc lộ tính
cách của các nhân vật trong Truyện Kiều. Trong chương I, phần 3 Nhân vật và tính
cách ông đã dụng công rất lớn để phân tích, chứng minh bút pháp miêu tả đời sống
nội tâm phong phú và phức tạp của các nhân vật qua đó làm nổi bật tính cách của
-7-


từng nhân vật. Ông khẳng định: “Nhân vật Truyện Kiều nói chung hiện ra trong sự
tác động lẫn nhau và chịu sự tác động của hoàn cảnh cụ thể” [10; tr.285] và
Nguyễn Du đã khai thác nhân vật theo hướng “Soi sáng hoạt động tâm lý để bộc lộ
tính cách nhân vật” [10; tr.231]. Từ đó, ông đi đến kết luận: “Nguyễn Du đã làm
cho tính cách nhân vật của mình rõ nét lên rất nhiều” [10; tr.233].
Bên cạnh đó, ông còn khái quát lại nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật trong
tác phẩm từ những nhân vật chính diện đến hệ thống nhân vật phản diện. Ông cho
rằng, mỗi nhân vật đều có ngoại hình riêng, tâm lí riêng… không ai giống ai:
“Nhân vật sống được là khi có giá trị xã hội và tâm lí toát ra từ diện mạo riêng biệt
không lẫn lộn được” [10; tr.235]. Trên cơ sở đó, ông đã tiến hành so sánh, đối

chiếu Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài
Nhân để người đọc thấy được sự sáng tạo của Nguyễn Du trong nghệ thuật miêu tả
tính cách nhân vật: “Tính cách các nhân vật Truyện Kiều được xác định và có tính
thống nhất chặt chẽ. Nguyễn Du đã lược bỏ chi tiết này, nhấn mạnh một mặt kia,
sáng tạo thêm những nét khác cốt soi sáng nhân vật từ bên trong” [10; tr.231]. Qua
đó, ông đã nêu lên nhận định: “Nguyễn Du đã biết thông qua các chi tiết ngoại
hình để soi rọi vào tâm lý bên trong của nhân vật. Đối với Nguyễn Du một nét mặt,
một màu da, một dáng điệu, một cử chỉ, một tư thế, không chỉ là cái bên ngoài mà
thông qua đó có thể làm hiển hiện ra thần thái của nhân vật” [10; tr.245].
Nhìn chung, giáo sư Lê Đình Kỵ đã đưa ra được những cơ sở rất thuyết phục
nhằm khẳng định sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Du khi miêu tả tính cách nhân
vật trong Truyện Kiều.
Tiếp đến là công trình nghiên cứu của giáo sư Đặng Thanh Lê với quyển
Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm. Trong quyển này bà đề cập nhiều đến nhân vật
cũng như đã quan tâm đến nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật trong Truyện Kiều.
Trong chương III, phần Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Truyện Kiều, bà
đã đi sâu nghiên cứu về phương diện miêu tả tính cách nhân vật ở những khía cạnh
như: môi trường hoạt động của nhân vật, ngoại hình, ngôn ngữ, hành động… Bà
cho rằng: “Nguyễn Du đã để cho các nhân vật xuất hiện với nhiều loại tính cách
tiêu biểu cho nhiều loại người trong xã hội. Không phải nhân vật nào trong Truyện
Kiều cũng đều được Nguyễn Du theo dõi toàn bộ cuộc đời nhưng nhân vật nào
cũng được Nguyễn Du khắc họa thành một con người tiêu biểu” [11; tr.263]. Và bà
đã khẳng định: “Hầu hết các nhân vật Truyện Kiều đều là những nhân vật hoàn
chỉnh trong những nét tính cách cơ bản dù vận mệnh không hoàn chỉnh” [11;
tr.263].
Đi sâu hơn vào nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật, ở công trình này bà cho
rằng các nhân vật trong Truyện Kiều không chỉ được miêu tả làm bộc lộ tính cách
mà còn có sự phát triển tính cách trong từng nhân vật. Đây cũng là một khía cạnh
mới trong nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Ta thấy, bà đã đặt nhân vật vào từng hoàn cảnh cụ thể của tác phẩm rồi tiến hành

phân tích, đánh giá. Cuối cùng, bà đưa ra kết luận: “Sự hình thành và phát triển
của các tính cách nhân vật Truyện Kiều rất nhất quán, phong phú, hợp lí” [11;
tr.263].
Từ những cơ sở trên, bà đã đi sâu vào phân tích và chứng minh cho những
luận điểm của mình bằng cách so sánh Truyện Kiều với các truyện thơ Nôm khác.
Từ đó, bà khẳng định với nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật trong Truyện Kiều,
Nguyễn Du đã trở thành một thiên tài: “Với Nguyễn Du, miêu tả nội tâm nhân vật,
trình bày trạng thái tâm hồn của con người trở thành một yếu tố đặc biệt quan
-8-


trọng để xây dựng tính cách nhân vật và đồng thời là một thành tựu rực rỡ của
nghệ thuật Truyện Kiều” [11; tr.250].
Có thể nói, hai công trình nghiên cứu của giáo sư Lê Đình Kỵ và giáo sư
Đặng Thanh Lê đã đưa ra những cơ sở có hệ thống hơn về nghệ thuật miêu tả tính
cách nhân vật trong Truyện Kiều. Dù chưa nghiên cứu, xây dựng thành một hệ
thống nhưng so với các tác giả khác đây là hai công trình có phần đào sâu hơn,
chăm chút hơn về nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong
Truyện Kiều.
Trên đây là những ý kiến, nhận xét có liên quan đến đề tài mà nguời viết đang
nghiên cứu. Nhìn chung, các tác giả đã chứng minh được ngòi bút thiên tài của
Nguyễn Du trong việc miêu tả tính cách các nhân vật trong Truyện Kiều ở từng
khía cạnh như: cách dùng từ, sử dụng ngôn ngữ hay cách Nguyễn Du miêu tả nội
tâm, ngoại hình, hành động của nhân vật nhằm bộc lộ tính cách nhân vật. Thế
nhưng, vấn đề Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện
Kiều thì vẫn chưa có một công trình nào mang tính hệ thống, chuyên biệt. Dù vậy,
những ý kiến, nhận định trên vẫn là những tiền đề giúp người viết bắt đầu khái quát
được vấn đề của mình để tổng hợp và khái quát lại nhằm thực hiện đề tài Nghệ
thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều thuận lợi và có
cơ sở vững chắc hơn.


3. Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du
trong Truyện Kiều, trước hết, người viết muốn tìm hiểu những biện pháp nghệ thuật
miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Từ đó sẽ thấy được
tài năng nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Du một cách tập trung hơn, có hệ thống
hơn.
Bên cạnh đó, người viết cũng mong muốn mình sẽ hiểu rõ hơn những cơ sở
lí luận về nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật, có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu,
nghiên cứu tác phẩm văn học chữ Nôm một cách sâu sắc hơn. Việc tìm hiểu này sẽ
giúp cho người viết hiểu thêm về giá trị của nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật
trong tác phẩm của văn học. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để người viết có thể vận
dụng những kiến thức về lí luận vào việc phân tích tác phẩm cụ thể nhằm thể hiện
khả năng phân tích và năng lực cảm thụ tác phẩm văn chương của mình. Đây cũng
là điều kiện để người viết có thể tích lũy thêm vốn kiến thức nhằm phục vụ cho quá
trình giảng dạy sau này.

4. Phạm vi nghiên cứu
Đối tượng mà người viết nghiên cứu ở đây là Nghệ thuật miêu tả tính cách
nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nhằm tìm hiểu một cách có hệ thống
hơn những phương thức nghệ thuật mà Nguyễn Du đã sử dụng để miêu tả tính cách
nhân vật như: miêu tả ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, nội tâm nhằm làm bộc lộ
tính cách nhân vật. Do trong Truyện Kiều có khá nhiều nhân vật (khoảng 30 nhân
vật) nên người viết sẽ chỉ tìm hiểu ở hai tuyến nhân vật, nhân vật chính diện: Thúy
Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân, Từ Hải và nhân vật phản diện: Mã Giám sinh, Tú Bà,
Sở Khanh, Hoạn Thư.
Để thực hiện đề tài này, người viết chọn Truyện Kiều – Đối chiếu chữ Nôm
quốc ngữ của nhà xuất bản Viện bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh năm 1992
làm tư liệu tham khảo chính. Đồng thời người viết còn nghiên cứu thêm những cơ
sở lí luận về nhân vật và tính cách nhân vật cũng như các biện pháp, cách thức thể

hiện nhân vật văn học của các nhà lí luận, những ý kiến của các tác giả xung quanh
-9-


Truyện Kiều và những tác phẩm truyện thơ Nôm khác có liên quan để so sánh
nhằm làm nổi bật vấn đề cần thực hiện.

5. Phương pháp nghiên cứu
Để đáp ứng những mục tiêu mà đề tài đặt ra trước hết người viết tìm đọc
những tư liệu lí luận về nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật. Bên cạnh đó, người
viết cũng sẽ tìm đọc những tài liệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều của các nhà
nghiên cứu. Trong đó, người viết đặc biệt chú ý đến những công trình có đề cập
đến nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều để
nắm vững kiến thức nhằm tạo cơ sở vững chắc giúp người viết đi sâu vào tìm hiểu
Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Trên cơ sở những tài liệu đó, người viết sẽ sử dụng phương pháp tổng hợp,
phân tích và so sánh để thấy được giá trị đặc sắc cũng như tài năng của Nguyễn Du
trong nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật. Trong quá trình thực hiện đề tài người
viết có kết hợp thao tác giải thích, chứng minh và phân tích. Đây cũng là phương
pháp chính trong quá trình thực hiện nhằm làm nổi bật vấn đề. Bên cạnh đó, người
viết cũng có liên hệ với một số ý kiến cụ thể của các tác giả và trích dẫn một số dẫn
chứng cụ thể từ tác phẩm và các sách tham khảo để bài viết có cơ sở vững chắc hơn.
Luận văn đi từ khái quát đến cụ thể sau đó sẽ khái quát tổng hợp lại vấn đề đã trình
bày trên cơ sở cái nhìn chung về Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn
Du trong Truyện Kiều.

-10-


PHẦN NỘI DUNG CHÍNH

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ MIÊU TẢ VÀ
NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ TÍNH CÁCH NHÂN VẬT
1. Nghệ thuật miêu tả trong văn học
1.1 Khái niệm văn miêu tả
Theo ông Bùi Tất Tươm trong Giáo trình cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt:
“Miêu tả là thao tác dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật nào đó làm
cho người khác hình dung được sự vật, sự việc” [22; tr.385].
Theo đó, ông đưa ra khái niệm văn miêu tả là “văn bản dùng ngôn ngữ làm
cho người nghe, người đọc hình dung được sự vật, sự việc hoặc tính chất của một
nhân vật nào đó” [22; tr.385].
Ông Đỗ Ngọc Thống trong quyển Văn miêu tả trong nhà trường phổ thông
thì cho rằng: “Văn miêu tả là một trong những văn bản rất quen thuộc và phổ biến
trong cuộc sống cũng như trong sáng tạo văn chương. Đây là loại văn có tác dụng
rất lớn trong việc tái hiện đời sống, hình thành và phát triển trí tưởng tượng, óc
quan sát và khả năng nhận xét đánh giá của con người” [18; tr.3]. Và ông nhận
định mục đích của văn miêu tả là làm cho đối tượng miêu tả được hiện lên trước
mắt người đọc càng cụ thể càng tốt.
Đến với các tác giả trong quyển Sách giáo khoa Làm văn lớp 10 thì: “Văn
miêu tả là dùng lời nói hay lời văn làm sống lại một sự vật, một cảnh tượng, một
con người, làm sao cho người nghe, người đọc có thể tưởng tượng điều đó như
đang ở trước mắt” [3; tr.5]. Bên cạnh đó, các tác giả cũng cho rằng văn miêu tả hay
thường có nhân tố tự sự, nó sẽ làm sống dậy con người và cuộc sống (con người từ
ngoại hình đến nội tâm, cuộc sống từ thiên nhiên đến xã hội). Từ đó, các tác giả
khẳng định văn miêu tả rất phong phú: “kể chuyện cũng là tả, tả cảnh, tả tình, tả
tâm lí, tả hành động của con người” [3; tr.5].
Bàn về văn miêu tả, tác giả Nguyễn Công Lý trong quyển Tập làm văn –
Giáo trình dành cho sinh viên khoa ngữ văn cao đẳng và đại học đại cương cũng
đã nêu lên rất đầy đủ và chi tiết. Theo ông, “Văn miêu tả thường được hiểu là thể
văn dùng ngôn ngữ (lời nói, lời văn) để làm sống lại, tái hiện lại một sự vật, một
cảnh tượng, một con người… một cách sinh động, cụ thể, chân thực như nó vốn có,

làm cho người đọc, người nghe có thể tưởng tượng đối tượng được tả như đang ở
trước mắt mình” [14; tr.47]. Từ khái niệm đó ông cho rằng quá trình miêu tả là quá
trình tái tạo hiện thực khách quan. Và bất kì một hiện tượng nào trong hiện thực
khách quan cũng có thể trở thành đối tượng của văn miêu tả.
Nhìn chung, qua những khái niệm về văn miêu tả trên, người viết nhận thấy
các tác giả đều có một điểm chung là: Văn miêu tả là một văn bản dùng ngôn ngữ
để làm sống lại một cách sinh động, cụ thể, chân thật một sự vật, một cảnh tượng,
một con người làm sao cho người đọc, người nghe có thể tưởng tượng đối tượng
được tả như đang ở trước mắt.

1.2 Đặc điểm văn miêu tả
Theo ông Đỗ Ngọc Thống trong quyển Văn miêu tả trong nhà trường phổ
thông khi tìm hiểu về đặc điểm văn miêu tả ta thấy có những đặc điểm cơ bản sau.
Trước tiên là về khả năng của người viết văn miêu tả bởi: “Muốn có một văn bản
miêu tả đầy sinh khí, người viết phải có sự quan sát tinh tế cùng óc tưởng tượng,
-11-


liên tưởng phong phú” [18; tr.49]. Vì vậy, quan sát là yếu tố số một không thể thiếu
trong quá trình miêu tả. Nhưng quan sát kĩ cũng chưa là điều kiện quyết định để có
một văn bản miêu tả hấp dẫn mà người viết cần phải có một sự quan sát tính tế, óc
tưởng tượng – liên tưởng phong phú và sâu sắc, sự sáng tạo dồi dào. Có như vậy thì
mới có thể viết được một văn bản đầy sức sống, mang tính chân thực, sinh động và
tràn ngập hơi thở của hiện thực cuộc sống.
Một đặc điểm khác của văn miêu tả là: “Văn miêu tả không chỉ để tả, để
nhằm thông báo một cách khách quan, đầy lí trí mà là tả cảnh ngụ tình, để gởi gắm
tâm tư, tình cảm của mình đối với đối tượng được tả” [18; tr.49]. Vậy, văn miêu tả
phải là loại văn chứa đầy tình cảm của người viết, có thể bộc lộ trực tiếp hoặc gián
tiếp thông qua ngôn ngữ miêu tả.
Thứ đến, văn miêu tả thường sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, gợi tả, gợi

cảm. Để tái hiện đối tượng được miêu tả sinh động, y như nó vốn có ngoài cuộc
sống, các nhà văn thường dùng những từ ngữ gợi tả, gợi cảm, giàu hình ảnh. Ngoài
ra, trong văn bản miêu tả, ngườc đọc sẽ dễ nhận thấy ở trong đó sự phong phú và
đa dạng của tính từ. Vì tả không chỉ để tả, nhằm thông báo mà để ngụ tình nên khi
viết người viết thường sử dụng hàng loạt tính từ chỉ màu sắc, dáng vẻ, tính chất,
giàu hình tượng để đánh giá, bình phẩm thì văn miêu tả mới có sức lôi cuốn, hấp
dẫn người đọc. Cũng nhờ vậy mà văn miêu tả mới có thể vừa bộc lộ tình cảm của
tác giả lại vừa bộc lộ được tính chất của đối tượng được tả.
Không chỉ thế, trong văn miêu tả, mà đặc biệt ở các kiểu bài tả đồ vật, tả loài
vật, tả phong cảnh, các tác giả thường sử dụng biện pháp tu từ. Trước hết là so sánh,
nhờ biện pháp này mà đối tượng được miêu tả trở nên sống động hơn, cụ thể hơn.
Một biện pháp cũng rất phổ biến nữa là biện pháp tu từ nhân hóa. Với biện pháp
này, đối tượng được miêu tả sẽ có hồn hơn, có sự sống và gần gũi với con người
hơn.
Một đặc điểm quan trọng trong văn miêu tả nữa là, trong văn miêu tả người
viết không chỉ đơn thuần dùng văn để miêu tả mà còn phải biết kết hợp với ngôn gữ
của văn kể chuyện trong miêu tả. Bởi lẽ, vừa tường thuật, vừa tả, vừa kể thì mới tạo
cho bài văn có sinh khí và hấp dẫn hơn.

1.3 Nghệ thuật miêu tả trong văn học
“Nghệ thuật – đó là kiểu tư duy bằng hình tượng” [18; tr.12] và sáng tạo
nghệ thuật là một quá trình bao gồm cả nhận thức và thể hiện. Hoạt động sáng tác
của nhà văn là một hoạt động “chiếm lĩnh” thực tại. Nghĩa là, nhà văn sẽ hướng
đến những đối tượng, những phương diện nào đó của đời sống mà mình thực sự
hiểu biết, quan tâm và xúc động, để cho cả trí tuệ và tâm hồn “nung chảy” đối
tượng, lắng nghe cho đến lúc tìm được tiếng nói của riêng mình. Khi nhà văn tìm
thấy cái thái độ chủ quan của mình đối với cuộc sống, đối với những người khác,
đối với sự vật đang nói đến và thể hiện cái thái độ đó bằng những từ ngữ riêng giúp
người đọc hiểu và cảm nhận được vấn đề mà mình đang muốn nói đến, lúc đó nhà
văn đã tạo nên nghệ thuật, nghệ thuật miêu tả trong văn học.

“Nếu như hội họa sử dụng đường nét, màu sắc…; âm nhạc sử dụng âm
thanh; điêu khắc sử dụng hình khối… thì văn chương sử dụng ngôn ngữ để miêu
tả” [18; tr.11]. Vì sử dụng ngôn ngữ nên “bức tranh” mà văn miêu tả “vẽ” nên
không thể được người đọc nhìn thấy, nghe thấy, ngửi thấy, sờ mó thấy… một cách
trực tiếp như với các bức tranh, các bản nhạc hay các pho tượng. Người đọc chỉ có
thể cảm nhận được tất cả những điều đó một cách gián tiếp thông qua trí tưởng
tượng của mình. Và chính điều đó đã làm cho miêu tả trong văn chương trở thành
-12-


một nghệ thuật. Nó không đặt ra nhiệm vụ miêu tả sao cho thật chính xác, khách
quan càng tỉ mỉ càng tốt mà nó chỉ yêu cầu người viết văn miêu tả phải lựa chọn
được các chi tiết đặc sắc sao cho với một số ít chi tiết, đối tượng miêu tả phải được
“hiện lên” một cách sinh động và có hồn.

2. Nhân vật văn học
2.1 Khái niệm về nhân vật văn học
2.1.1 Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học
bằng phương tiện văn học
Văn hào Đức W. Goethe có nói: “Con người là điều thú vị nhất đối với con
người, và con người cũng chỉ hứng thú đối với con người” [21; tr.73]. Và trong văn
học, con người cũng là nội dung quan trọng nhất của văn học. Theo Trần Đình Sử:
“Nhân vật văn học là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người trong
tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các
phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ” [21; tr.73].
Khi đọc bất cứ văn bản nào, trước hết người đọc đều bắt gặp những con người
được miêu tả, trần thuật cụ thể. Đó chính là những nhân vật văn học. Có thể đó là
những nhân vật có tên như: Thúy Kiều, Kim Trọng, Chí Phèo, Chị Dậu, A Phủ, Mị,
Tràng… Có thể đó là những nhân vật không có danh tính nhưng vẫn được biết đến
nhờ cái “tên” mà nhà văn đặt ra một cách ước lệ: người đưa tin trong những vở bi

kịch Hi Lạp cổ, thằng bán tơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, chị vợ nhặt trong
truyện Vợ nhặt của Kim Lân... Nhân vật còn là những con vật trong truyện cổ tích,
thần thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những đồ vật. Chúng được gọi
là nhân vật khi chúng mang tính cách của con người.
Bên cạnh đó, nhân vật có thể được thể hiện bằng những hình thức khác nhau.
Đó có thể là những con người được miêu tả đầy đặn cả ngoại hình lẫn nội tâm, có tính
cách, có tiểu sử như thường thấy trong tác phẩm tự sự, kịch. Đó có thể là những người
thiếu hẳn những nét đó, nhưng lại có tiếng nói, giọng điệu, cái nhìn như nhân vật
người trần thuật, hoặc chỉ có cảm xúc, nỗi niềm, ý nghĩ, cảm nhận như những nhân vật
trữ tình trong thơ trữ tình. Khái niệm nhân vật đôi khi được sử dụng một cách ẩn dụ,
không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ thấy như một hình tượng nổi bật trong tác
phẩm. Chẳng hạn, nói nhân dân là nhân vật chính của Chiến tranh và hòa bình của
Lep - Tônxtôi, chiếc quan tài là nhân vật chính của truyện Chiếc quan tài của Nguyễn
Công Hoan,nhưng chủ yếu vẫn là chỉ hình tượng con người trong tác phẩm.
Đồng thời, ta có thể hiểu nhân vật văn học là một hình tượng nghệ thuật ước lệ,
có những dấu hiệu để ta nhận ra. Thông thường, nhân vật được thông qua bằng những
cái tên xác định như: Chị Sứ, Nguyệt, Lãm, Độ, Hoàng, Núp… Đó là các dấu hiệu tiểu
sử, nghề nghiệp hoặc đặc điểm riêng như: chàng mồ côi, anh lính, thằng ngốc, hai anh
em sinh đôi… Sâu hơn là các đặc điểm tính cách như: ông tư sản học làm sang, tên
đạo đức giả, tên sở khanh, kẻ keo kiệt… Các dấu hiệu, đặc điểm ấy thường được đúc
kết thành các “công thức” giới thiệu nhân vật. Các công thức ấy được chứng thực
trong các quan hệ, được bộc lộ, phát triển hoặc điều chỉnh trong các xung đột, và cuối
cùng ta có một hình tượng hoàn chỉnh về nhân vật văn học.
Nhân vật văn học khác với nhân vật trong hội họa, điêu khắc, nó được bộc lộ
trong hành động (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các ngôn ngữ) và quá trình. Nó luôn
hứa hẹn những điều sẽ xảy ra, những điều chưa biết trong quá trình giao tiếp. Đồng
thời, nhân vật văn học còn mang tính chất hồi cố, bởi vì mỗi bước phát triển đều làm
nhớ lại công thức nhận biết ban đầu, đều làm cho nó thêm sâu, hoặc điều chỉnh cho nó
xác đáng, nhưng không bao giờ bỏ quên hay rời xa cái chuẩn ban đầu.
-13-



2.1.2 Nhân vật văn học là phương tiện khái quát hiện thực
Nhân vật là điều kiện thiết yếu đảm bảo cho sự miêu tả thế giới văn học có
được chiều sâu và tính hình tượng. Một tác phẩm cá biệt có thể vắng nhân vật, nhưng
văn học nói chúng thì không thể thiếu nhân vật. Khi nhân vật xuất hiện, cái gọi là
“hiện thực cuộc sống” không còn tồn tại như một khái niệm khô khan, trừu tượng nữa
mà trở nên có hình khối rõ ràng, có đủ “ba chiều” để mời gọi người đọc tưởng tượng,
khám phá và suy ngẫm. Hơn thế, nhân vật nhiều khi trở thành “đối tác” sống động của
độc giả, có thể khơi lên những chủ đề đối thoại thực sự có ý nghĩa về cuộc đời và con
người.
Đầu tiên, nhân vật có chức năng miêu tả và khái quát các loại tính cách xã hội.
Với chức năng này, nhân vật đã chứng tỏ được ưu thế của văn học trong việc phản ánh
bản chất của đời sống xã hội qua hình tượng mang tính chất kết tinh là tính cách.
Trong đời sống, ta được tiếp xúc với rất nhiều loại tính cách khác nhau. Đây chính là
một hiện tượng thú vị của cuộc sống khách quan, đòi hỏi được văn học nghiên cứu và
thể hiện. Tìm hiểu các nhân vật được xây dựng một cách thành công, trước hết, ta vừa
có cảm tưởng như được gặp lại những con người của đời sống thực, rất rõ nét, sau nữa,
ta nhận thấy nhiều mối tương quan cơ bản và có tính lịch sử của thực tại được tái hiện
sinh động trong đó. Đó là do bản chất riêng, nổi bật và bền vững của một con người, là
sản phẩm của sự kết hợp theo quy luật nhất định vô số yếu tố vừa chủ quan, vừa khách
quan.
Ngoài việc thể hiện tính cách, nhân vật văn học còn có chức năng tương tự chức
năng của một chiếc chìa khóa giúp nhà văn mở cánh cửa bước vào hiện thực rộng lớn,
tiếp cận những đề tài, chủ đề mới mẻ. Theo một góc nhìn nào đó, có thể nói, đề tài
miền núi trong văn học Việt Nam sau nam 1945 đã “đẻ ra” một loại nhân vật mới mà
trước đây chưa từng gặp như: Mỵ, A Phủ, Ính, Sạ… trong Truyện Tây Bắc của Tô
Hoài. Nhưng có thể nói ngược lại, chính những nhân vật trên đã tạo nên tiền đề quan
trọng giúp nhà văn đi vào khám phá đề tài cuộc sống của các dân tộc vùng cao – một
đề tài lớn còn ít được quan tâm, do vậy mà hứa hẹn nhiều đóng góp có ý nghĩa.

Không chỉ thế, nhân vật còn là một hình tượng thẩm mĩ, vì vậy, nhân vật còn có
chức năng nữa là góp phần biểu hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về thế giới,
con người. Dĩ nhiên, quan niệm nghệ thuật về thế giới, con người của nhà văn không
chỉ được biểu hiện qua nhân vật mà qua tổng hợp toàn bộ các yếu tố hợp thành một tác
phẩm hay một sự nghiệp sáng tác. Phải thừa nhận rằng, với các nhân vật cụ thể, thái độ
đánh giá về các tính cách, về các vấn đề xã hội của nhà văn có được điều kiện để bộc
lộ tốt hơn. Cần khẳng định thêm là dù nhân vật được xây dựng theo “mô hình xác
thực” hay theo “mô hình hư cấu”, phần chủ quan của người viết luôn chiếm tỉ trọng
lớn, và nó phải là yếu tố có tính thứ nhất mà ta cần quan tâm tới khi phân tích nhân vật
văn học. Như vậy, khi bước vào thế giới của tác phẩm văn học, ta sẽ mắc sai lầm nếu
xem xét nhân vật như những con người có thật, rồi đem tiêu chuẩn “giống như thật”
ra để xem xét, đoán giá trị của nó.
Sau cùng, ta có thể nói tới chức năng của nhân vật văn học trong việc tạo nên
mối liên kết giữa các sự kiện trong tác phẩm và cái vẫn thường gọi là cốt truyện. Một
phần lớn nhờ nhân vật mà kết cấu nhiều tác phẩm đạt được sự thống nhất, hoàn chỉnh,
chặt chẽ và nhiều tiềm năng biểu đạt của các phương tiện ngôn từ được phát lộ, rồi tự
chúng trở thành những phương tiện nghệ thuật độc lập, có thể được nghiên cứu riêng
như một đối tượng thẩm mĩ chuyên biệt.

-14-


2.2 Loại hình nhân vật văn học
Xét trên nhiều phương diện khác nhau thì loại hình nhân vật cũng rất phong
phú và đa dạng. Về phương diện thể loại: nhân vật trong truyền thuyết, truyện cổ
tích, thần thoại… đều mang những đặc điểm khác nhau. Nhân vật trong truyền
thuyết là những nhân vật có thật trong lịch sử: An Dương Vương, Nguyễn Huệ,
chàng Lía, Quận He… được tác giả nhân gian hư cấu thêm những chi tiết làm cho
nhân vật trở nên phi thường. Nhân vật trong truyện cổ tích có thể là con người hay
thế giới loài vật, đồ vật… được nhân hóa mang tính cách như con người. Nhân vật

cổ tích thể hiện niềm tin, ước mơ của nhân dân nên thiện và ác là hai giới tuyến
được tác giả phân biệt rõ ràng. Ngoài ra, nhân vật trong các sáng tác trữ tình cũng
không giống nhân vật trong những sáng tác tự sự hay sáng tác kịch. Nếu nhân vật
trong sáng tác tự sự được thể hiện thông qua hoàn cảnh xuất thân, ngoại hình, diễn
biến tâm trạng… thì nhân vật kịch được thể hiện chủ yếu qua ngôn ngữ, hành động,
còn nhân vật trong tác phẩm trữ tình được hiện lên qua dòng cảm xúc. Sự khác biệt
này là do đặc trưng về thể loại mang lại.
Bên cạnh sự khác nhau về thể loại, sự khác biệt về phương pháp sáng tác
cũng làm cho nhân vật có đặc điểm khác nhau. Nhân vật trong chủ nghĩa cổ điển đa
phần là giai cấp quý tộc, thượng lưu. Họ đại diện cho cộng đồng, sống vì lợi ích
của cộng đồng hơn là vì lợi ích của cá nhân. Còn nhân vật trong chủ nghĩa lãng
mạn lại để cho tiếng nói của cái “Tôi” lên ngôi, chi phối mọi mặt từ suy nghĩ, tình
cảm, đến hành động. Riêng về nhân vật trong chủ nghĩa hiện thực thì lại trở về cuộc
sống với bề bộn những vui buồn, những lo toan cơm, áo, gạo, tiền; những bất công
trong xã hội đương thời… Chính vì vậy, nhân vật trong chủ nghĩa hiện thực là
những con người gần gũi với thế giới của cuộc đời thực.
Ngoài những phương diện đã nêu, loại hình nhân vật chủ yếu còn được xem
xét, phân biệt ở ba khía cạnh: Kết cấu, ý thức hệ và cấu trúc.
Xét về phương diện kết cấu: trong một tác phẩm văn học có thể có một hoặc
nhiều nhân vật. Riêng trong tác phẩm tự sự và tác phẩm kịch thường có nhiều nhân
vật tùy vào vai trò của nhân vật đối với cốt truyện, tùy vào sự xuất hiện thường
xuyên hay chỉ xuất hiện thoáng qua, được tác giả miêu tả cụ thể, chi tiết hay chỉ
được nhắc đến người ta phân nhân vật thành: nhân vật trung tâm, nhân vật chính,
nhân vật phụ.
Xét về mặt cấu trúc thì ta lại có: nhân vật chức năng, nhân vật mặt nạ, nhân
vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng. Nhân vật chức năng là “cái
tượng trưng cho đời sống tinh thần được hình thức hóa trong sáng tác” [21; tr.77].
Nhân vật này thường xuất hiện phổ biến trong văn học cổ đại và trung đại. Các
nhân vật này thường không có đời sống nội tâm, các phẩm chất, các đặc điểm của
nhân vật là cố định, không thay đổi từ đầu đến cuối. Hơn nữa, sự tồn tại và hoạt

động của các nhân vật này chỉ nhằm thực hiện một số chức năng nhất định, đóng
vai trò nhất định.
Xét về mặt ý thức hệ: về hệ tư tưởng, quan hệ đối với lý tưởng, nhân vật
được chia làm hai loại: nhân vật chính diện (nhân vật tích cực) và nhân vật phản
diện (nhân vật tiêu cực). Có những thể loại nói chung chuyên viết về nhân vật
chính diện: tụng ca, sử thi, bi kịch… Lại có những thể loại chuyên thể hiện nhân
vật phản diện: thơ châm biếm, truyện cười, hài kịch…
“Nhân vật chính diện là nhân vật mang lí tưởng, quan điểm tư tưởng cao
đẹp của tác giả, của thời đại” [2; tr.73]. Đó là tấm gương để ca ngợi, khẳng định
giá trị của con người. Nhìn chung, nhân vật chính diện thường được tác giả đề cao,
-15-


khi nhân vật này có ý nghĩa mẫu mực cao độ cho lối sống của một tầng lớp, một
giai cấp, một dân tộc thì nó được gọi là nhân vật lí tưởng. Số lượng nhân vật chính
diện trong tác phẩm nhiều, ít khác nhau tùy thuộc vào thể loại và mỗi nhân vật
chính diện lại có vai trò và tầm quan trọng khác nhau.
Bàn về nhân vật phản diện theo Lê Bá Hán trong Từ điển thuật ngữ văn học
thì “nhân vật phản diện là nhân vật văn học mang những bản chất xấu xa, trái với
đạo lí và lí tưởng của con người, được miêu tả trong tác phẩm với thái độ chế giễu,
lên án, phủ định” [6; tr.194]. Như vậy, các tác giả đã dựa vào hành động, tư tưởng,
đạo đức của từng nhân vật để phân loại nhân vật chính diện và nhân vật phản diện.
Các tác giả trong Lí luận văn học – Tập 2 do Phương Lựu chủ biên cũng có
cùng ý kiến trên. Họ khẳng định: “Nhân vật phản diện là những nhân vật mang
những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và lí tưởng, đáng lên án và đáng phủ định”
[13; tr.285]. Như vậy, theo các ý kiến trên thì nhân vật phản diện có những đặc
trưng tính cách trái với nhân vật chính diện.
Như vậy, các tác giả đều cho rằng nhân vật phản diện là nhân vật đối lập,
trái ngược hoàn toàn với nhân vật chính diện. Tuy nhiên, các tác giả cũng thống
nhất rằng: việc phân loại nhân vật chính diện và nhân vật phản diện chỉ có tính chất

tương đối chứ không hoàn toàn tuyệt đối. Sự phân loại này còn phụ thuộc vào mỗi
giai đoạn lịch sử khác nhau. Đặc biệt là trong văn học cận hiên đại thì sự phân biệt
này càng có nhiều phức tạp, nhân vật phản diện không hẳn hoàn toàn có những
phẩm chất xấu và ngược lại. Theo Bakhtin, nhân vật tiểu thuyết “cần phải thống
nhất trong bản thân mình vừa các đặc điểm chính diện lẫn đặc điểm phản diện, vừa
có cái tầm thường lẫn cái cao cả, vừa cái buồn cười lẫn cái nghiêm túc”. Do đó
việc phân loại nhân vật chính diện và nhân vật phản diện có trường hợp chí mang
tính ước lệ, tương đối. Khi xếp nhân vật vào phạm trù nào, chủ yếu là xét cái
khuynh hướng và phẩm chất cơ bản của nó.
Nhìn chung, những sự phân biệt loại hình nhân vật này còn rất tương đối, loại
hình này bao hàm yếu tố của loại kia. Các loại hình nhân vật này tuy phân bố không
đồng đều, nhưng vẫn có thể song song tồn tại trong một nền văn học, một thời kì văn
học thậm chí một tác phẩm văn học. Chủ yếu là chúng ta cần thấy được nét ưu trội
trong cấu trúc của từng loại. Nhà văn sáng tạo ra nhân vật là để khái quát và biểu
hiện tư tưởng, thái độ đối với cuộc sống. Cho nên, nhân vật nhiều lúc là bóng dáng
của tác giả, phát ngôn của nhân vật chính là phát ngôn của tác giả. Chúng ta tìm hiểu
nhân vật là tìm hiểu tác giả. Bởi tình cảm, cái nhìn, suy nghĩ của nhân vật trong tác
phẩm cũng chính là cái nhìn, suy nghĩ của tác giả đối với cuộc đời.

2.3 Đặc điểm của nhân vật văn học
Trước hết ta thấy, nhân vật văn học không phải là bản sao của con người
ngoài đời. Nó là một hiện tượng, một đơn vị nghệ thuật, được sáng tạo theo những
ước lệ của văn học. Ngay cả khi nhà văn xây dựng nhân vật khá sát vào nguyên
mẫu, thậm chí giữ lại cả danh tánh của nguyên mẫu thì ta cũng không thể đồng nhất
hai hiện tượng đó lại với nhau.
Mỗi nhân vật văn học thường có một chùm dấu hiệu khu biệt để người đọc
có thể nhận biết dễ dàng. Dấu hiệu đầu tiên là cái tên của nó hay cái “tên” ước định
mà tác giả hoặc người kể chuyện tạm đặt. Những dấu hiệu khác là đặc điểm diện
mạo, tiểu sử, tính cách, lời nói, hành động và số phận nhân vật. Chính nhờ có chùm
dấu hiệu khu biệt này mà ta có thể tính, đếm được số lượng nhân vật có tróng tác

phẩm, cũng như có thể tách riêng từng nhân vật ra để phân tích. Một điều đáng chú
ý là các dấu hiệu xác định đường nét riêng của nhân vật luôn có mối quan hệ chặt
-16-


chẽ với nhau, xoay quanh điểm trung tâm là tính cách. Ngoài đời, giữa cái tên của
một con người với đặc điểm tính cách con người có thể không có mối liên hệ tất
yếu. Nhưng trong tác phẩm văn học, đôi khi nhà văn làm cho chúng trở thành tất
yếu. Trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, những cái
tên nhân vật như: Lãm, Nguyệt, Tính, Nguyệt lão không hề được gọi ra một cách
ngẫu nhiên. Chúng báo hiệu những đặc điểm riêng của tính cách cũng như chức
năng cụ thể của từng nhân vật mà tác giả sẽ miêu tả chi tiết hoặc làm nổi bật trong
tác phẩm.
Bên cạnh việc đặt tên, khi xây dựng nhân vật, nhà văn cũng hết sức chú ý
làm sáng tỏ quan hệ logic giữa các phương diện như: hành xử, nói năng, số phận,
tính cách. Nếu không đảm bảo logic đó, nhân vật văn học rất dễ rơi vào tình trạng
giả tạo, khó được độc giả chấp nhận.
Ngoài ra, nhân vật văn học còn có những điểm đặc thù, phân biệt rất rõ với
nhân vật được thể hiện trong một số loại hình nghệ thuật khác như: hội họa, điêu
khắc. Văn học là nghệ thuật ngôn từ và hình tượng văn học là hình tượng phi vật
thể. Bởi vậy muốn “thấy” được nhân vật văn học, người đọc buộc phải phát động
hết mọi khả năng liên tưởng, tưởng tượng của mình. Xem một bức tranh có nhân
vật, hay một bức tượng người, hoạt động liên tưởng và tưởng tượng của người xem
diễn ra khá thuân lợi vì hình ảnh nhân vật có tính chất hữu hình, đập ngay vào mắt.
Trong giây lát, ta có thể lĩnh hội tính toàn vẹn của nó. Ở tác phẩm văn học, câu chữ
được triển khai đều đặn theo thời gian, vì thế “chân dung” nhân vật cũng chỉ được
hiện hình dần trong tâm trí độc giả. Dĩ nhiên, trong lúc đọc, độc giả vừa phải nhớ
những chi tiết miêu tả nhân vật mà mình đã “đi qua” nằm rải rác trong tác phẩm,
vừa phải biết ráp nối, xâu chuỗi chúng lại với nhau để có được một ý niệm hoàn
chỉnh về nhân vật. Chính do đặc điểm này của hoạt động nhận thức về nhân vật văn

học, người ta nói rằng nhân vật văn học là loại hình nhân vật quá trình. Điều cần
nói thêm là sự hình dung về một nhân vật cụ thể ở từng người là không giống nhau.
Từ điểm này, người ta có thể nghĩ rằng “sức tải” ý nghĩa, tư tưởng của một nhân
vật văn học về cơ bản phong phú hơn “sức tải” ý nghĩa, tư tưởng của một nnhân
vật trong tác phẩm thuộc nghệ thuật tạo hình.

2.4 Tính cách nhân vật văn học
Tính cách là một hiện tượng lịch sử xã hội, xuất hiện trong hiện thực khách
quan. Theo Lại Nguyên Ân trong quyển 150 thuật ngữ văn học “tính cách là hình
ảnh con người được phát họa đến mức đủ rõ và đủ xác định. Thông qua đó làm bộc
lộ một kiểu ứng xử” [1; tr.333]. Trong thực tế, có bao nhiêu con người thì có bấy
nhiêu tính cách. Trong văn học cũng vậy, mỗi nhân vật có một tính cách khác nhau.
Nó là dấu ấn cá nhân của mỗi con người, là đặc điểm để phân biệt người này với
người khác, nhân vật này với nhân vật khác. Tính cách là biểu hiện ở phương thức,
hành vi ổn định, lặp đi lặp lại nhiều lần. Chẳng hạn như Tào Tháo trong Tam quốc
diễn nghĩa của La Quán Trung là một con người đa nghi, gian hùng, hết lần này
đến lần khác sự đa nghi khiến hắn giết lầm những trung thần nhưng hắn vẫn khẳng
định “thà giết lầm, còn hơn bỏ sót”.
Đồng thời, ta còn thấy, tính cách nhân vật văn học thường mang tính ước lệ.
Tính cách đó có thể được miêu tả đơn điệu, phiến diện hay nhiều mặt, phong phú.
Nó có thể được lí tưởng hóa hoàn toàn như cô Tấm trong Tấm Cám, Nguyệt trong
Mảnh trăng cuối rừng… Hoặc khắc họa như những con người vốn có trong đời
sống như chị Dậu trong Tắt đèn, Chí Phèo trong Chí Phèo… Tính cách nhân vật
văn học có thể là một kiểu bắt chước máy móc của anh con rễ đối với bố vợ, hoặc
-17-


keo kiệt đến mức thà chết chứ không chịu mất ba quan, hoặc ứng xử đầy mâu thuẫn
như những nhân vật trong những tác phẩm hiện thực chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, tính cách nhân vật còn được thể hiện qua cách hành động, giao

tiếp, suy nghĩ của nhân vật. Việc xây dựng các xung đột, miêu tả ngoại hình hay
hành động, khắc họa nội tâm, lựa chọn ngôn ngữ là những phương tiện không thể
thiếu để khắc họa tính cách. Theo Lê Bá Hán trong Từ điển thuật ngữ văn học thì
“Chỉ có một sức sáng tạo tài năng, vốn sống phong phú, phát hiện sâu sắc mới thực
sự làm cho tính cách văn học có được sức sống trên trang sách” [6; tr.346].
Trong tác phẩm văn học, tính cách có một vai trò hết sức quan trọng đối với
cả nội dung và hình thức của tác phẩm. Đối với nội dung tính cách có nhiệm vụ cụ
thể chủ đề, tư tưởng tác phẩm hay nói cụ thể hơn, thông qua sự hoạt động và mối
quan hệ của tính cách, người đọc sẽ đi đến một sự nhận thức khái quát về mặt tư
tưởng. Tính cách cũng là nhân tố chủ yếu tạo nên diễn biến của quá trình phát triển
cốt truyện. Cũng qua hệ thống tính cách, người đọc có thể đánh giá khả năng biểu
hiện nội dung của các yếu tố hình thức: ngôn ngữ, kết cấu, những quy luật loại thể.
Nói chung tính cách được hiểu như là đặc điểm của nhân vật, khuynh hướng
xã hội và là quy luật hành động của nhân vật. Đồng thời tính cách văn học còn là
“một hiện tượng khái quát nghệ thuật, thể hiện cách hiểu biết, cách đánh giá và lí
tưởng của tác phẩm” [13; tr.345].

3. Phân loại hệ thống nhân vật trong Truyện Kiều
Trong quyển Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm giáo sư Đặng Thanh Lê đã
thống kê: “Trong Truyện Kiều có khoảng ba mươi nhân vật, đó là tác phẩm có số
lượng nhân vật cao nhất của văn học cổ Việt Nam” [11; tr.208]. Điều đó hoàn toàn
chính xác bởi, khi so sánh Truyện Kiều với các truyện cổ tích và các truyện thơ
Nôm khác, chúng ta thấy Truyện Kiều và Phạm Công Cúc Hoa là hai tác phẩm
đứng đầu với ba mươi nhân vật kế đó đến Nhị Độ Mai với hai mươi nhân vật,
Thạch Sanh với mười nhân vật, Hoàng Trù, Phan Trần, Sọ Dừa với bảy nhân vật,
và Cây khế với hai nhân vật.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Thanh Lê, khi thống kê trong Truyện Kiều có ba
mươi nhân vật thì việc thống kê đó chỉ có ý nghĩa tương đối do quan niệm thống kê.
Bởi vì nhân vật được thống kê là những nhân vật trực diện xuất hiện. Ba mươi nhân
vật trực diện xuất hiện đó được nhà nghiên cứu Đặng Thanh Lê sắp xếp theo hai hệ

thống chính đó là hệ thống nhân vật chính diện: Vương Ông, Vương Bà, Thúy Kiều,
Thúy Vân, Từ Hải, Kim Trọng, Đạm Tiên, Mã Kiều , mụ quản gia, sư Giác Duyên,
sư Tam Hợp. Hệ thống nhân vật phản diện gồm: Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh,
Hoạn Thư, Hoạn Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Hồ Tôn Hiến, Đạo Cô, thằng bán tơ, mụ
mối, cha Thúc Sinh, Ưng Khuyển, quan lại, Tôn Thổ Quan. Sự phân chia này theo
bà Đặng Thanh Lê là “dựa trên chức năng chủ yếu trong tương quan với nhân vật
chính và có ý nghĩa tương đối” [11; tr.208].
Ngoài việc phân chia nhân vật Truyện Kiều ra hai tuyến chính diện và phản
diện, bà Đặng Thanh Lê còn quan niệm trong Truyện Kiều còn có tuyến nhân vật
thứ ba – tuyến nhân vật trung gian. Bà cho rằng: “Có trường hợp nhân vật có thể
sắp xếp được thuộc cả hai loại vị trí chức năng một và hai” [11; tr.208]. Bởi theo
bà, trong Truyện Kiều có những nhân vật không hoàn toàn tuân thủ theo sự phân
chia đó mà có thể có nhân vật biểu hiện tính cách trung gian. Ví dụ điển hình là
nhân vật Thúc Sinh. Xếp Thúc Sinh vào hệ thống nhân vật chính diện khi người ta
nhìn nhận công lao của chàng đối với Thúy Kiều bởi Thúc Sinh là ân nhân của
Thúy Kiều, đã chuộc nàng ra khỏi lầu xanh. Thế nhưng, không thể xếp Thúc Sinh
-18-


vào hệ thống nhân vật chính diện khi nhân vật này thuộc loại khách làng chơi, đi
tìm cuộc sống hưởng thụ ở chốn lầu xanh. Điều đó trái với quan niệm của nhân dân
về mẫu người chính diện. Mặt khác, Thúc Sinh là người gián tiếp đẩy Thúy Kiều
vào lầu xanh lần thứ hai khi chàng trở nên nhu nhược trước Hoạn Thư.
Như vậy, ta thấy trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã xây dựng nhiều nhân vật
có tính cách khác nhau, nằm trong những hệ thống khác nhau, hoạt động trong các
giới hạn phạm vi khác nhau… Tất cả đã góp phần tạo nên giá trị tác phẩm. Trên cơ
sở đó, tác giả đã tập trung vào việc “trình bày tính cách và vận mệnh của nhân vật
Thúy Kiều đồng thời khắc họa rõ nét những hình tượng nhân vật đó” [11; tr.216].
Người có cùng quan điểm với nhà nghiên cứu Đặng Thanh Lê là giáo sư Lê
Đình Kỵ. Trong Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực giáo sư Lê Đình Kỵ cũng

phân chia nhân vật Truyện Kiều theo hai hệ thống chính diện và phản diện. Thế
nhưng, cách phân chia của ông có phần cụ thể hơn, bởi ông cho rằng: “Trong
Truyện Kiều không chỉ có hai loại nhân vật đại diện cho chính nghĩa và gian tà
đưa ra từ đầu theo lối tiên nghiệm chủ nghĩa. Cũng là nhân vật phản diện mà Tú
Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh lập thành một tuyến nhân vật, song song với tuyến
nhân vật khác là Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến, Thúy Kiều là nhân vật chính diện nhưng
cũng không cùng tuyến với Kim Trọng” [10; 208]. Như vậy, trong hệ thống chính
diện và phản diện, ông Lê Đình Kỵ lại chia theo tuyến nhỏ hơn. Và chính điều này
đã giúp ông đi sâu vào tìm hiểu từng nhân vật, làm nổi bật tính chất hiện thực trong
mỗi nhân vật đó. Bên cạnh đó, ông cũng cùng ý kiến với bà Đặng Thanh Lê khi
quan niệm về nhân vật trung gian bởi, theo ông Thúc Sinh cũng là nhân vật thuộc
tuyến này. Ông cho rằng: “Trong người Thúc Sinh có cái mầm Kim Trọng lẫn Sở
Khanh… hai cái mầm trái ngược ấy dựa vào nhau mà làm nên Thúc Sinh. Tùy theo
từng hoàn cảnh như thế nào mà cái này sẽ lấn át cái kia” [10; tr.264].
Tóm lại, ông Lê Đình Kỵ và bà Đặng Thanh Lê đều dựa trên “sự tương
quan” với nhận vật chính để phân loại nhân vật Truyện Kiều.
Ở khuynh hướng thứ hai, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử quan niệm “Các
nhân vật trong Truyện Kiều đều được miêu tả theo quan niệm đấng, bậc của ý thức
hệ phong kiến. Kiều là “bậc bố Kinh”, là “bậc tài danh”, Từ là “đấng anh hùng”,
Đạm Tiên là “đấng tài hoa”, …Các nhân vật phản diện là quân vô loài. Đối với
nhân vật “đấng, bậc” thì cảm nhận và miêu tả theo phong cách trang trọng, tao
nhã. Đối với “quân vô loài” thì tả theo bút pháp tả thực” [20; tr.37]. Như vậy, ta
thấy cách phân chia của ông Trần Đình Sử cũng gồm hai tuyến: một bên là “đấng
bậc”, một bên là “quân vô loài”. Ta thấy cách phân chia hệ thống nhân vật của nhà
nghiên cứu Trần Đình Sử rất mới mẽ. Tuy nhiên, đó chỉ là những gợi ý ban đầu chứ
thật sự là một phương pháp nghiên cứu được phổ biến rộng rãi. Vì vậy, dù là một
hướng nghiên cứu mới, giúp chúng ta phát hiện ra những cái độc đáo trong nghệ
thuật xây dựng nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng chúng ta vẫn
không thể xem đó là một phương pháp tối ưu được.
Riêng cách phân chia hệ thống nhân vật của giáo sư Lê Đình Kỵ và Đặng

Thanh Lê tuy là phương pháp cổ điển nhưng nó lại có tầm khái quát rộng và là
hướng nghiên cứu cơ bản nhất. Hướng nghiên cứu này giúp ta phân biệt rõ ràng hai
tuyến nhân vật chính diện và phản diện trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Qua đó
cũng cho ta thấy rõ thái độ yêu ghét của tác giả với mỗi nhân vật. Nhưng nhược
điểm của cách phân chia này là như đã trình bày, nhân vật trong Truyện Kiều rất
phong phú, đa dạng nên những nhân vật mang tính chất trung gian rất khó phân loại.
Tuy nhiên, cách phân chia nhân vật theo hướng nghiên cứu này vẫn đóng vai trò rất
-19-


quan trọng trong việc tiếp cận Truyện Kiều, giúp người viết tìm hiểu về nghệ thuật
miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều một cách có hệ thống
hơn.
Như vậy, cho đến nay hướng nghiên cứu nhân vật Truyện Kiều theo tuyến
nhân vật chính diện và phản diện của giáo sư Lê Đình Kỵ và giáo sư Đặng Thanh
Lê là hướng nghiên cứu có tầm phổ quát. Người viết sẽ dựa trên hướng nghiên cứu
này để thống kê từ đó tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật miêu tả tính cách từng nhân
vật nhằm rút ra được Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong
Truyện Kiều. Ở đây, người viết tập trung hướng nghiên cứu nghệ thuật miêu tả tính
cách của các nhân vật chính diện: Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúy Vân, Từ Hải và
các nhân vật phản diện: Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư. Người viết
hy vọng qua việc nghiên cứu này sẽ khái quát được nghệ thuật miêu tả tính cách
nhân vật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều để góp phần tạo nên những kiến thức
bổ ích cho công tác giảng dạy sau này.

4. Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của Nguyễn Du trong
Truyện Kiều
4.1 Các phương thức nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của
Nguyễn Du trong Truyện Kiều
Với thể loại tự sự có nhiều biện pháp để miêu tả tính cách nhân vật. Ở bài

viết này, người viết chỉ xét trên các phương diện tiêu biểu như: miêu tả tính cách
nhân vật thông qua miêu tả ngoại hình, hành động, ngôn ngữ và nội tâm nhân vật.

4.1.1 Miêu tả tính cách nhân vật thông qua ngoại hình
Ngoại hình nhân vật chính là dáng vẻ bên ngoài của nhân vật bao gồm
những yếu tố như: hình dáng, trang phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo… Nói chung,
ngoại hình là những gì liên quan đến con người mà chúng ta nhìn thấy được. Đối
với Nguyễn Du, khi miêu tả nhân vật thì ngoại hình luôn là yếu tố quan trọng được
ông đặc biệt quan tâm bởi đó cũng chính là cơ sở để bộc lộ tính cách nhân vật.
Nếu như trong văn học hiện đại, khi miêu tả ngoại hình nhân vật, các tác giả
thường hướng đến những chi tiết chân thực, cụ thể, sinh động thì trong văn học cổ
điển các tác giả lại hướng tới những chi tiết mang tính ước lệ, tượng trưng, thường
chỉ điểm sơ qua một vài nét tiêu biểu. Và Nguyễn Du cũng là một trong những tác
giả chịu ảnh hưởng của khuynh hướng này. Với Truyện Kiều, ông đã phác họa nên
những nhân vật với ngoại hình riêng biệt. Chính vì vậy mà ngoại hình của các nhân
vật trong Truyện Kiều đã được ông thể hiện rất sinh động, mỗi nhân vật đều hiện
lên với diện mạo không lầm lẫn với ai. Từ đó, làm cho tính cách nhân vật được bộc
lộ một cách cụ thể, sinh động nhất. Tuy nhiên, Nguyễn Du vẫn có sự cách tân, sáng
tạo độc đáo, ông đã thổi vào đó khá nhiều chất liệu của đời sống. Khi miêu tả ngoại
hình nhân vật, Nguyễn Du đã lựa chọn và tìm ra những nét tiêu biểu nhất để khắc
họa nhân vật giúp cho người đọc dễ dàng nắm bắt đựoc những nét riêng biệt, cá thể
của nhân vật. Đồng thời, nắm bắt được những đặc điểm ẩn bên trong của tính cách
nhân vật. Đây cũng chính là biểu hiện sự thống nhất giữa hình thức bên ngoài với
tính cách bên trong của nhân vật góp phần tạo nên phong cách riêng của Nguyễn
Du.
Nói chung, với nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật trong Truyện Kiều thì
phương thức miêu tả ngoại hình là một yếu tố rất quan trọng nhằm góp phần bộc lộ
tính cách nhân vật. Đồng thời, cũng giúp cho người đọc nắm bắt được dễ dàng
những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm, giúp cho việc cảm thụ tác phẩm rõ ràng
hơn, sâu sắc hơn.

-20-


4.1.2 Miêu tả tính cách nhân vật thông qua hành động
Có thể nói, nhân vật trong Truyện Kiều thường được miêu tả nhiều nhất
thông qua hành động. Ở đây, hành động chính là những việc làm cụ thể của nhân
vật trong quan hệ ứng xử với các nhân vật khác, trong những tình huống khác nhau
nhằm thúc đẩy sự chuyển biến của cốt truyện. Với Nguyễn Du, hành động nhân vật
cũng chính là một trong những phương diện quan trọng nhằm thể hiện tính cách
của nhân vật.
Ta thấy, khi miêu tả hành động nhân vật, Nguyễn Du thường kết hợp với
những biểu hiện nội tâm. Vì khi muốn làm một việc gì đó, bao giờ ông cũng để cho
nhân vật suy nghĩ hoặc cần phải có một động cơ nào đó, có như thế thì hành động
đó mới bộc lộ được tính cách của nhân vật. Dùng nội tâm để lí giải cho hành động,
sử dụng hành động dể làm sáng tỏ nội tâm, cả hai yếu tố này đều có mối quan hệ
chặt chẽ với nhau bộc lộ rõ hơn tính cách của từng nhân vật. Các hành động của
nhân vật trong Truyện Kiều cũng được ông thể hiện một phần qua ngôn ngữ người
kể chuyện hoặc qua ngôn ngữ của các nhân vật khác. Ông đã để cho nhân vật của
mình hành động và thông qua những hành động đó nhân vật sẽ tự bộc lộ tính cách
của mình. Đó là những hành động đã được ông miêu tả thật nhất quán, xuyên suốt
trong tác phẩm, chính điều đó đã tạo nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm.

4.1.3 Miêu tả tính cách nhân vật thông qua ngôn ngữ
Xét về ngôn ngữ thì đây cũng được xem là một yếu tố không kém phần quan
trọng trong nghệ thuật miêu tả tính cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Trong
tác phẩm, ngôn ngữ chính là lời nói của nhân vật được thể hiện ở hình thức đó là:
các nhân vật tự đối thoại với nhau. Thông qua những lời nói đó, tính cách nhân vật
sẽ được bộc lộ rất cụ thể và sinh động. Có thể nói, trong Truyện Kiều ngôn ngữ có
một căn cứ quan trọng để biểu đạt phẩm chất và tính cách của các nhân vật. Nó
đóng vai trò chủ yếu góp phần xây dựng nên một hình tượng nhân vật đậm nét,

mang tính chất riêng biệt.
Có nhiều cách biểu hiện ngôn ngữ của nhân vật. Trong Truyện Kiều,
Nguyễn Du đã dùng cách biểu hiện ngôn ngữ nhân vật thông qua ngôn ngữ của
chính mình với tư cách là người kể chuyện nhưng đặc sắc nhất vẫn là qua ngôn ngữ
đối thoại trực tiếp của các nhân vật. Mỗi nhân vật khi đối thoại đều có cách nói
riêng của mình, không ai giống ai, đó chính là nét riêng tạo nên sự cá biệt cho tính
cách của từng nhân vật. Ta thấy, mỗi ngôn ngữ của các nhân vật được ông chọn lọc
và sử dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh và tính cách riêng của từng nhân vật.
Đây là một yếu tố quan trọng góp phần đem đến sự thành công cho nghệ thuật miêu
tả tính cách nhân vật của ông trong Truyện Kiều.

4.1.4 Miêu tả tính cách nhân vật thông qua nội tâm
Nói đến nội tâm là chỉ toàn bộ cuộc sống bên trong của nhân vật. Đó là
những tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác; những phản ứng tâm lí của nhân vật
trước cảnh ngộ, tình huống mà nhân vật chứng kiến hoặc thể hiện trên bước đường
đời của mình. Đi vào xây dựng hình tượng nhân vật thì Nguyễn Du cũng đã không
bỏ qua việc khám phá và thể hiện đời sống nội tâm của nhân vật. Trong Truyện
Kiều ta luôn bắt gặp những con người cảm nghĩ, đây là một phương thức chủ yếu
được Nguyễn Du chú trọng khai thác. Bằng ngòi bút độc đáo của mình Nguyễn Du
đã miêu tả sinh động, đa dạng và sâu sắc đời sống nội tâm của nhân vật, qua đó làm
nổi bật những nét tính cách mà nhân vật đó thể hiện trong đời sống. Bao giờ ông
cũng đặt lên hàng đầu việc soi rọi vào nội tâm nhân vật. Vì thế việc miêu tả nội tâm
-21-


nhân vật đã trở thành một yếu tố đặc biệt quan trọng để làm bộc lộ tính cách của
các nhân vật trong Truyện Kiều.

4.2 Nhận xét
Có thể nói, các phương thức thể hiện tính cách nhân vật trong Truyện Kiều rất

đa dạng và phong phú bởi việc miêu tả tính cách nhân vật “không phải đơn giản chỉ là
xếp đặt lại cái khuôn, vuốt nặn lại một số hình ảnh với vài tiểu xảo kĩ thuật” [20; tr.71]
mà nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật là “sự sáng tạo bởi những câu chữ tài tình
không bao giờ nảy ra ở một cái khuôn sẵn” [20; tr.71]. Đó là cả một nghệ thuật để
Nguyễn Du khẳng định tài năng cũng như những sáng tạo của mình.
Trong Truyện Kiều các nhân vật đều được miêu tả bằng những chi tiết. Theo
Hêghen: “Chi tiết như những con mắt chỗ những cửa sổ để người ta nhìn vào nhân
vật” [20; tr.75]. Và Nguyễn Du đã dùng những chi tiết như ngoại hình, hành động,
ngôn ngữ, nội tâm để thông qua đó làm nổi bật lên tính cách của từng nhân vật. Bằng
cách kết hợp một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt các chi tiết đó Nguyễn Du đã làm cho
chúng tác động lẫn nhau, không thể tách rời nhau, từ đó làm nổi bật lên tính cách của
từng nhân vật. Để làm được điều đó, thiết nghĩ, Nguyễn Du phải có một sự hiểu biết
sâu sắc, đầy đủ và chính xác về những nhân vật mà mình sẽ xây dựng trong tác phẩm.
Đồng thời, ông cũng phải có tài năng thật sự, đó là một yếu tố không thể thiếu trong
việc đem đến sự thành công vượt bật trong nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật của
ông trong Truyện Kiều.

-22-


Chương 2: NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ TÍNH CÁCH NHÂN VẬT
CỦA NGUYỄN DU TRONG TRUYỆN KIỀU
1. Miêu tả tính cách nhân vật thông qua ngoại hình
Có thể nói, nét cơ bản nhất để phân biệt giữa người này với người khác là
nhìn vào diện mạo, trang phục, cử chỉ… của mỗi người. Nó sẽ giúp ta phân biệt được
một cách dễ dàng giữa người này với người kia. Dân gian cũng hay nói: “Nhìn mặt
bắt hình dong”, nghĩa là nhìn một người từ bên ngoài ít nhiều ta sẽ đoán được tính
cách, phẩm chất của người đó. Nói như vậy để chúng ta thấy được rằng, vẻ bề ngoài
của một người là rất quan trọng, đồng thời, nó cũng mang một yếu tố quyết định nào
đó khi người khác nhìn vào. Trong đời sống xã hội thì như vậy, còn trong tác phẩm

văn học thì sao? Văn học phản ánh cuộc đời và từ cuộc đời mà có, vì thế, trong tác
phẩm văn học khi xây dựng hình tượng nhân vật nhà văn cũng đặc biệt chú ý đến
ngoại hình của nhân vật, nhằm cá thể hóa nhân vật, làm cho nhân vật mang những
nét riêng. Vì vậy, ngoại hình được xem là một phương diện không kém phần quan
trọng trong việc khắc họa hình tượng nhân vật. Bởi thông qua ngoại hình, nhà văn
không chỉ tạo cho nhân vật những nét riêng, không lẫn lộn với ai, giúp người đọc
phân biệt các nhân vật dễ dàng mà thông qua đó nhà văn còn bộc lộ nét tính cách
riêng của từng nhân vật.
Qua khảo sát người viết nhận thấy, trong Truyện Kiều có khoảng tám nhân vật
được Nguyễn Du miêu tả ngoại hình. Nhân vật đầu tiên mà Nguyễn Du miêu tả là
Thúy Vân – một thiếu nữ mang vẻ đẹp phúc hậu.
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.(19 – 22)
Bằng bút pháp tượng trưng, Nguyễn Du đã cực tả vẻ đẹp của Thúy Vân – một
vẻ đẹp được xem là khuôn mẫu cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời phong kiến. Từ
Hán Việt “trang trọng”
và “đoan trang”
mang sắc thái nhẹ
nhàng, thanh thoát thể hiện được phong thái ung dung, đúng mực của Thúy Vân, làm
toát lên vẻ đẹp sang trọng, quý phái, hiền thục của nàng. Cùng với hai từ thuần Việt
“đầy đặn”
và “nở nang”
, khuôn mặt Thúy Vân hiện lên là
một khuôn mặt trái xoan, tròn trịa, xinh xắn tạo nên sự cân đối hài hòa. Trên khuôn
mặt “đầy đặn” đó lại nổi lên nét cong cong hình bán nguyệt của đường lông mày
“nở nang”
càng làm cho khuôn mặt Thúy Vân thêm phần rạng rỡ, gợi cho
người đọc liên tưởng đến sự tròn đầy viên mãn, đẹp như ánh trăng rằm. Đồng thời,

-23-


theo quan niệm của ông cha ta ngày xưa thì “Cái răng cái tóc là gốc con người”.
Nghĩa là, khi nhìn vào ngoại hình của một người thì hàm răng và mái tóc là hai yếu
tố rất quan trọng đế đánh giá một con người. Và Nguyễn Du cũng đã dựa vào tiêu
chuẩn ấy để miêu tả Thuý Vân. Miệng nàng cười được Nguyễn Du ví như “hoa” và
ẩn bên trong là những chiếc răng trắng đều như “ngọc”. Như ta đã biết thì “hoa” và
“ngọc” đều tượng trưng cho cái đẹp, cái quý và Nguyễn Du đã dùng nó để miêu tả
vẻ đẹp của Thuý Vân thì không còn gì thích hợp hơn. Đâu chỉ thế, Thúy Vân còn có
một mái tóc mà mây cũng phải thua, một làn da mà tuyết cũng phải nhường. Đứng
trước sắc đẹp của Thúy Vân, thiên nhiên cũng phải cúi nhường, “mây” và “tuyết” đã
bằng lòng chấp nhận sự thua kém của mình đối với Thúy Vân, nghĩa là vẻ đẹp của
nàng đã được xã hội và tạo hóa thừa nhận.
Chỉ với bốn câu thơ, Nguyễn Du đã vẽ nên chân dung Thúy Vân từ khuôn mặt,
làn da, mái tóc, nụ cười, giọng nói… tất cả đều đoan trang, dịu dàng. Như vậy, khi
miêu tả ngoại hình của Thúy Vân, Nguyễn Du đã quy định cho tính cách của nàng.
Đó là một người đoan trang, thùy mị, trang nhã, quý phái, có một tâm hồn trong
trắng, cao thượng. Một vẻ đẹp như thế, thiết nghĩ không ai có thể sánh kịp. Thế
nhưng, đó lại chỉ là cái nền để Nguyễn Du tô vẽ, làm bật lên vẻ đẹp của Thúy Kiều.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.(23 – 26)
Thúy Kiều đẹp, nhưng vẻ đẹp của nàng lại khác hẳn với cô em gái. Nếu Thúy
Vân càng “trang trọng”, “đoan trang” bao nhiêu thì Thúy Kiều càng “sắc sảo”,
gợi lên sự lanh lợi, tinh khôn, còn từ

“mặn mà” bấy nhiêu. Từ “sắc sảo”


“mặn mà”
thể hiện sự đậm đà, mạnh mẽ, đa tình. Nhưng tính cách đa tình
của Kiều không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là đa tình trong tình yêu mà cần được
hiểu theo nghĩa rộng, đó là sự thiết tha với tình cảm, với cuộc sống đặc biệt là với
những người thân. Không tô vẽ chi tiết, Nguyễn Du chỉ tả Kiều bằng một nét vẽ duy
nhất “Làn thu thuỷ nét xuân sơn”. Chỉ với một câu thơ thế nhưng Kiều lại hiện lên
không chỉ đẹp mà còn rất có hồn. Có lẽ vì muốn nhấn mạnh hơn nữa cái tính cách đa
sầu đa cảm của Kiều nên khi miêu tả vẻ đẹp của nàng Nguyễn Du chỉ tập trung khắc
hoạ đôi mắt. Nguyễn Du rất có lí, vì người xưa thường quan niệm rằng: “Đôi mắt là
cửa sổ tâm hồn”. Cụm từ “làn thu thuỷ”
cho thấy đôi mắt Kiều trong
như nước mùa thu, trên cái làn nước ấy có cả sóng xao động, và “nét xuân sơn”
cho thấy chân mày nàng đẹp như dáng núi mùa xuân. Không cần dài
dòng, chỉ với một câu thơ Nguyễn Du đã cho ta thấy vẻ đẹp của Kiều vượt bật, hơn
hẳn vẻ đẹp của Thuý Vân, và rồi ông khẳng định: “So bề tài sắc lại là phần hơn”.
-24-


Chính cái “phần hơn”, cái đẹp lộng lẫy, rực rỡ về tài sắc mà Kiều đã bị thiên nhiên
, “hờn”
“ghen” vì “thua thắm”, “hờn” vì “kém xanh”. Hai từ “ghen”
với cấu tạo đều có bộ tâm
chỉ ý cho thấy thiên nhiên đã đem lòng đố kỵ sắc đẹp
và tài hoa của nàng. Như vậy, Nguyễn Du đã miêu tả được nhan sắc rực rỡ của Thúy
Kiều – một vẻ đẹp mà thiên nhiên cũng phải ghen ghét chớ không còn là “thua”,
“nhường” nữa.
Bên cạnh đó, ngoại hình của Thúy Kiều còn được Nguyễn Du miêu tả với
những thay đổi khác nhau gắn liền với sự thay đổi của vận mệnh và sự trưởng thành
của tính cách. Khi gặp Thúc Sinh ở lầu xanh là lúc Kiều mang sức hấp dẫn, quyến rũ,
nàng đã đem theo sóng gió cuộc đời vào nhan sắc của mình vì “Ngày xuân càng gió,

càng mưa, càng nồng”. Đến đây ta thấy ngòi bút Nguyễn Du thật táo bạo khi miêu tả
vẻ đẹp hình thể của Thúy Kiều.
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên. (1312 – 1313)
Ngoại hình của Thúy Kiều được nhìn qua con mắt của Thúc Sinh với những
nét thật cụ thể qua hai từ “rõ ràng” và “dày dày” nằm ở vị trí đầu câu thơ. Từ “rõ
ràng”

vừa thể hiện nét tâm lí ngỡ ngàng, thích thú của anh chàng Thúc

Sinh, vừa tạo cho câu thơ âm hưởng mạnh mẽ. Kết hợp với từ láy “dày dày”
, Nguyễn Du đã phô bày được vẻ đẹp thân thể của nàng, cái vẻ đẹp đó “trong”
như “ngọc”, “trắng” như “ngà” và Nguyễn Du đã ví nó như một “tòa thiên nhiên”.
Chính vì miêu tả như vậy mà hai câu thơ này của Nguyễn Du đã làm cho nhiều nhà
nho lúc bấy giờ phải ngoảnh mặt quay đi. Có thể nói, Nguyễn Du đã miêu tả vẻ đẹp
của Kiều bằng tất cả niềm ưu ái, bằng tất cả mọi vẻ đẹp. Đó là một vẻ đẹp “sắc sảo”,
vừa mạnh mẽ, lại vừa trầm ấm. Vẻ đẹp của Kiều không lạ vì nó nằm trong hệ thống
vẻ đẹp của các tài tử giai nhân trong truyện Nôm truyền thống. Đó là vẻ đẹp của Dao
Tiên.
Dưới trăng lộng lẫy một cành mẫu đơn,
Mặn mà chìm cá, rơi nhàn.
(Truyện Hoa Tiên – Nguyễn Huy Tự)
Hay vẻ đẹp của người cung nữ.
Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ say.
(Cung oán ngâm khúc – Nguyễn Gia Thiều)
Tuy nhiên, vẻ đẹp của Dao Tiên, của người cung nữ chỉ làm cảnh vật say đắm,
ngẩn ngơ còn vẻ đẹp của nàng Kiều lại làm cho thiên nhiên phải ghen ghét. Rõ ràng
cái đặc sắc của Nguyễn Du không phải ở chỗ vẽ ra trước mắt người đọc một giai
nhân tuyệt thế vì điều này đã quá quen thuộc trong văn chương truyền thống. Cái hay

của Nguyễn Du là khi miêu tả ngoại hình của Thuý Kiều, ông đã chú ý khắc họa tính
cách thông minh, tài trí, thanh quý, sắc tài, và rất mực khôn ngoan của nàng.
Khi miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân Nguyễn Du đã tả rất đúng, rất
đặc trưng, sắc thì sắc nhất, tài thì tài nhất. Đến lượt Kim Trọng Nguyễn Du cũng
-25-


×