Tải bản đầy đủ (.pdf) (25 trang)

Người Mỹ da đen trong cảm quan nghệ thuật của các nữ văn sĩ Mỹ (tt)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (379.43 KB, 25 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ TUYẾT

NGƯỜI MỸ DA ĐEN
TRONG CẢM QUAN NGHỆ THUẬT
CỦA CÁC NỮ VĂN SI MỸ

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Mã số: 9 22 02 42

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

Hà Nội - 2018


Công trình được hoàn thành tại:

Học viện Khoa học Xã hội
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Người hướng dẫn khoa học: GS. PHÙNG VĂN TỬU
Phản biện 1: GS.TS. Trần Đình Sử
Phản biện 2: GS.TS. Lộc Phương Thủy
Phản biện 3: PGS.TS. Đỗ Thị Thu Hà
Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện
họp tại ..........................................................................................
Vào hồi ...


..... giờ...................... .......... phút

ngày............. .tháng..

............ năm .............

Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện:


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
1.1. Vấn đề người Mỹ da đen là vấn đề mang tính lịch sử và thời sự ở
quốc gia đa chủng tộc Hoa Kỳ. Từ ngày lập quốc cho đến tận hôm nay, vấn
đề chủng tộc, sắc tộc vẫn luôn căng thẳng và bùng phát, dẫu quá trình hòa
giải hòa huyết không ngừng diễn ra.
1.2. Luận án lựa chọn góc nhìn từ “cảm quan nghệ thuật” (artistic
feeling) của các nhà văn nữ như một thử nghiệm về cơ duyên cộng
hưởng giữa người nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu. Lựa chọn cảm
quan nữ, lối viết nữ cũng là phóng chiếu nội giới để đi tìm chân lý,
những vấn đề nhân bản và nhân văn trong thời đại bình đẳng, bình
quyền, đặc biệt là thân phận của người phụ nữ da đen.
1.3. Harriet Beecher-Stowe, Margaret Mitchell và Toni Morrison
tiêu biểu cho ba giai đoạn trong tiến trình lịch sử nước Mỹ: thế kỷ XIX,
nửa đầu thế kỷ XX và từ giữa thế kỷ XX; tiêu biểu cho ba vùng miền
văn hóa: miền Bắc, miền Nam và sự giao thoa Bắc - Nam; họ thuộc về
những chủng tộc khác nhau (da trắng, da đen) tiêu biểu cho cái nhìn từ
bên ngoài và bên trong về vấn đề người da đen.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án chỉ ra hình ảnh, thân phận người da đen trong cảm quan
nghệ thuật của Beecher-Stowe, Mitchell, và Morrison gắn với những tác
phẩm tiêu biểu của họ. Từ đó, luận án vừa chỉ ra sự vận động của hình
ảnh người da đen trong lịch sử văn học Mỹ, vừa nêu bật sự khác biệt
trong tư tưởng nghệ thuật của mỗi nhà văn gắn với thời đại.

3


2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Tìm hiểu, phân tích, lý giải thái độ của mỗi nhà văn về vấn đề phân
biệt chủng tộc, trên nền tảng tư tưởng của lịch sử và thời đại.

- Khảo sát những biểu hiện cụ thể trong cảm quan của các nữ văn sĩ
về vấn đề thân phận người da đen được thể hiện trong tác phẩm của họ.
So sánh và lý giải những biểu hiện giống và khác nhau trong cảm quan
của các nữ văn sĩ ấy.

- Khảo sát và phân tích các biểu tượng, huyền thoại, mô-típ trong
tác phẩm của các nữ văn sĩ để làm rõ vấn đề tương lai của người da đen.
Lý giải vì sao mỗi nhà văn lại có dự cảm như vậy.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu các tiểu thuyết: Túp lều bác Tom của
Beecher-Stowe, Cuốn theo chiều gió của Mitchell, và Bài ca Solomon
của Morrison, từ góc độ cảm quan nghệ thuật về người Mỹ da đen.
3.2. Phạm vi nghiên cứu

Luận án sẽ đi sâu nghiên cứu quan niệm của họ về vấn đề phân biệt
chủng tộc, về thân phận của người da đen, và người Mỹ da đen định
hướng tương lai như thế nào.

4. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý thuyết
Cảm quan (Feeling)
Cảm quan nghệ thuật
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp tiếp cận hệ thống, Phương pháp xã hội học, Phương
pháp tiểu sử học, Phương pháp so sánh, Phương pháp liên ngành.
4


5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Bao quát hầu hết các nữ văn sĩ Mỹ suốt từ ngày lập quốc cho đến
nay, phân tích, chọn ra được một cách đích đáng ba nữ văn sĩ tiêu biểu
là Beecher-Stowe, Mitchell và Morrison.
Chỉ ra cách nhìn/quan điểm khác nhau của các nữ văn sĩ Mỹ tiêu
biểu về vấn đề người Mỹ da đen, lịch sử của hình ảnh người da đen biểu
tượng cho thân phận và bản sắc của họ trong suốt dòng chảy của thời
gian.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
Nghiên cứu văn học từ điểm nhìn cảm quan của người sáng tạo là
một bước kế thừa và tiếp nối lý luận về cách thức sáng tạo nghệ thuật.
Luận án muốn nêu lên một quan niệm về cách Nghệ thuật thể hiện thế
giới được nhìn thấy.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Ngoài mối liên hệ gắn bó với thực tiễn xã hội liên quan đến người da
đen và vấn đề phân biệt màu da ở Hoa Kỳ, luận án đã gợi dẫn một cách
thức nghiên cứu văn học trên nền tảng tương tác giữa cảm quan sáng
tạo của người nghệ sĩ với cảm quan tiếp nhận của bạn đọc đương đại.

7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, Nội dung
luận án có 4 chương như sau:
Chương 1 - Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Chương 2 - Cảm quan nghệ thuật của các nữ văn sĩ Mỹ về vấn đề
phân biệt chủng tộc
Chương 3 - Cảm quan nghệ thuật của các nữ văn sĩ Mỹ về thân
phận người Mỹ da đen
5


Chương 4 - Cảm quan nghệ thuật của các nữ văn sĩ Mỹ về
tương lai người Mỹ da đen
Chương 1
TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.1. Nghiên cứu vấn đề phân biệt chủng tộc
1.1.1. Về Harriet Beecher-Stowe và tiểu thuyết Túp lều bác Tom
Các công trình Những tiểu luận và bài báo về Túp lều bác Tom,
Phác thảo Văn học Mỹ (Kathryn Vanspanckeren), Văn học Phương Tây
(Bộ Giáo dục), Lịch sử văn học Mỹ (Lê Đình Cúc), Văn học Mỹ (Lê
Huy Bắc), Hồ sơ văn hóa Mỹ (Hữu Ngọc)… đều chỉ ra thái độ phê
phán chế độ nô lệ của Beecher-Stowe là tư tưởng nhân văn tiến bộ. Đó
là cơ sở tư tưởng tạo nên thành công vang dội của tác phẩm gắn với lịch
sử - xã hội đương thời.

Nửa sau thế kỷ XX, James Baldwin, nhà văn Mỹ gốc Phi, trong bài
viết Cuốn tiểu thuyết bị mọi người phản đối cho rằng nhân vật bác Tom
là tiêu cực, nhà phê bình kết luận: “Đặc điểm trong Túp lều bác Tom là
phân biệt chủng tộc trong sự phát triển của nó” [79; tr.1655]. Bước
sang thế kỷ XXI, Henry Louis Gates Jr trong cuốn Bản in Túp lều bác
Tom có chú thích bác bỏ những quan điểm của James Baldwin. Với
Gates Jr, Túp lều bác Tom là “một tác phẩm quan trọng về mối quan hệ
chủng tộc ở Mỹ đồng thời là sáng tác giàu ý nghĩa về đạo đức và chính
trị khi khám phá tính cách con người trong những mối quan hệ đó”
[106; tr.xiii].

1.1.2. Về Margaret Mitchell và tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió
Ngay từ khi Cuốn theo chiều gió ra đời, các nhà nghiên cứu đã có
những ý kiến trái ngược nhau về giá trị văn chương của nó, tiêu biểu là
6


nhận định của George S. Schuyler: “Mitchell có thể đạt giải Pulitzer của
người da trắng, nhưng nó cũng chỉ là một bài luận tuyên truyền chống
đối người da đen” [169; tr.205]. Nhận định của George S. Schuyler gần
như trùng khít với quan điểm của Hữu Ngọc: “Ngẫm cho cùng Cuốn
theo chiều gió là một tác phẩm phản tiến bộ vì nó tô vẽ cho giới địa chủ
miền Nam và bênh vực cho chế độ nô lệ” và “tác phẩm xây dựng hình
ảnh người da đen sung sướng là một hư cấu có ý đồ” [44; tr.599].

1.1.3. Về Toni Morrison và tiểu thuyết Bài ca Solomon
John N. Duvall, trong công trình Những tiểu thuyết tự thuật của Toni
Morrison: Tính Xác thực Hiện đại và Sự đen đủi Hậu hiện đại gặp gỡ
quan điểm của Timothy Powell trong bài viết Toni Morrison: Cuộc đấu
tranh để miêu tả Nhân vật Đen trên trang giấy Trắng khi nghiên cứu

mối quan hệ giữa cá nhân người da đen và cộng đồng văn hóa da trắng.
Tuy nhiên, nếu Duvall nghiên cứu tiểu thuyết Morrison như một hình
thức tự truyện và chỉ ra bản thân Morrison cũng như các nhân vật da
đen của bà luôn “tự tạo” (self-fashioning) để là một người Mỹ gốc Phi
thì trọng tâm của Powell lại làm rõ người da đen bị thao túng bởi các
biểu tượng, quan điểm của người da trắng.

1.2. Nghiên cứu vấn đề thân phận người Mỹ da đen
1.2.1. Về tiểu thuyết Túp lều bác Tom
Reffas Fatma Zohra, trong luận văn Một tường thuật về chế độ nô lệ
trong tiểu thuyết Túp lều bác Tom năm 1852 của Harriet BeecherStowe, nhấn mạnh “tội ác của chế độ nô lệ cũng như số phận bi thảm
của người da đen trước nhất là sự lạm dụng thể xác của người nô lệ, đàn
ông còn phụ nữ thì bị cưỡng bức ngược đãi tình dục” [193; tr.53].
Jessy Sower, với bài viết Vai trò thay đổi của phụ nữ ở nước Mỹ
7


khẳng định tác phẩm của Beecher-Stowe, vai trò của người phụ nữ rất
tiến bộ: là “trung tâm đạo đức để góp phần đổi thay xã hội và chính
trị”, và phụ nữ nô lệ được miêu tả là những người mang bản năng nữ
tính và tình mẫu tử sâu sắc như bất kỳ một người phụ nữ da trắng nào.
Những Tiểu luận mới về Túp lều bác Tom, do Eric Sundquist chủ
biên, là công trình tổng hợp 5 bài viết của nhiều học giả khác nhau,
trong bối cảnh lịch sử xã hội mới, các vấn đề: chủng tộc và giới tính,
được xem xét lại.
1.2.2. Về tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió
Hana Konecna dùng phương pháp xã hội học văn học trong luận án
Cuốn theo chiều gió: Cuộc Nội chiến tạo ra những Biến đổi trong Xã
hội miền Nam, đặc biệt là sự Thay đổi vai trò và Địa vị Phụ nữ để
chứng minh rằng Mitchell đã miêu tả cuộc sống chân thực. Tác giả tập

trung phân tích thái độ và quan niệm của Melanie và Scarlett về chiến
tranh: Scarlett thông minh, mạnh mẽ, vượt thoát truyền thống, còn
Melanie và những người phụ nữ khác, muốn có một sự hồi sinh của các
giá trị truyền thống để duy trì nữ tính của họ.
Cùng quan điểm với Hana Konecna về người da đen, Tim A. Ryan
trong công trình Những Đòi hỏi và Đáp ứng: Tiểu thuyết về chế độ nô
lệ Mỹ từ Cuốn theo chiều gió chia người da đen thành hai bộ phận:
những nô lệ lao động trên đồng ruộng và những người đày tớ phục trong
gia đình chủ và xung đột lớn nhất trong tác phẩm là xung đột giai cấp
chứ không phải là xung đột chủng tộc.
1.2.3. Về tiểu thuyết Bài ca Solomon
Ở Việt Nam, tiểu thuyết của Morrison trở thành đối tượng nghiên
cứu của nhiều đề tài luận văn, luận án: Nguyễn Thị Minh Thảo (2013)
8


với đề tài Ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Toni Morrison cho
rằng: “Toni Morrison đã lựa chọn hình thức mảnh vỡ là để thể hiện thân
phận vỡ nát của người nô lệ”, “sự vỡ vụn cả về thể xác lẫn tâm hồn”
[52; tr.119].
Từ cảm quan lịch sử và ý thức hệ của học giả Mỹ gốc Phi, Patrick
Bryce Bjork, trong công trình Những tiểu thuyết của Toni Morrison: Sự
tìm kiếm bản thể và vị trí trong cộng đồng đã chứng minh rằng, trong
mỗi cuốn tiểu thuyết, Morrison dựng lại các giá trị truyền thống và
chính những di sản văn hóa ấy soi sáng cho mỗi cá nhân trong việc tìm
kiếm bản thể.
Cũng nghiên cứu về những sáng tác giai đoạn đầu của Morrison,
song Oumar Ndongo lại nghiên cứu vấn đề ý thức kép của người Mỹ
gốc Phi, từ cái nhìn Khác của chủng tộc và giới tính, tức là da đen và
nữ giới. Tác giả bài báo Toni Morrison và những tác phẩm giai đoạn

đầu của bà: tìm kiếm châu Phi chỉ ra những kết nối của tiểu thuyết
Morrison với mảnh đất tổ tiên, bằng điệu nhạc, bài ca và huyền thoại…

1.3. Nghiên cứu vấn đề tương lai người Mỹ da đen
1.3.1. Về tiểu thuyết Túp lều bác Tom
Trong công trình Tác gia văn học Mỹ, Lê Đình Cúc kết luận:
Beecher-Stowe là “người đào mồ chôn chế độ nô lệ nhưng (bà) đã
không biết chôn nó như thế nào” [14; tr.214]. Ở điểm này, Đỗ Đức Hiểu
cho rằng: “Tác phẩm có hai con đường hướng đến tự do, con đường
nhẫn nhục cam chịu nhưng thê thảm của bác Tom và con đường đấu
tranh không khoan nhượng của Eliza” [7; tr.9] và dịch giả ủng hộ con
đường thứ hai, con đường tất yếu nếu muốn có tự do.
Bà Dorothy S. Brown với bài báo Luận đề và Chủ đề trong Túp lều
9


bác Tom, cho rằng “chủ đề của tác phẩm là một cái gì đó hoàn toàn
riêng biệt: sức mạnh của tình yêu, tình yêu gia đình, tình yêu nhân loại,
tình yêu Thiên chúa” [87; tr.1332]. Và chính bằng sức mạnh tình yêu mà
xây dựng được sự hòa hợp màu da, hướng đến những giá trị nhân bản và
tự do. Nhấn mạnh vai trò của tình yêu thương Kitô, Jane Tompkins
trong bài viết Sức mạnh tình cảm - Túp lều bác Tom và quan điểm
Chính trị của Lịch sử Văn học cho rằng: “Chế độ mẫu hệ mang màu sắc
Thanh giáo là điều mơ ước của Beecher-Stowe”, mục tiêu chính trị tố
cáo chế độ nô lệ chỉ là thứ cấp, khát vọng lớn của Beecher- Stowe là
xây dựng thiên đường trên mặt đất, vì “thần học đã gắn bó với chính trị
và chính trị phục vụ cho sự tiến bộ của vương quốc Thiên chúa” [179;
tr.518].

1.3.2. Về tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió

Cuốn theo chiều gió không đặt trọng tâm vấn đề ở tương lai, và nếu
có thì cũng chỉ là tương lai của người da trắng. Tim A. Ryan trong công
trình Những Đòi hỏi và Đáp ứng: Tiểu thuyết về chế độ nô lệ Mỹ từ
Cuốn theo chiều gió cho rằng vấn đề trung tâm của Cuốn theo chiều gió
không phải là vấn đề chủng tộc, vì vậy sau Nội chiến Mammy vẫn là
Mammy, những người đầy tớ trung thành là những người da đen tốt,
còn những nô lệ trên đồng ruộng trở thành những kẻ vô gia cư.

1.3.3. Về tiểu thuyết Bài ca Solomon
Lisa R. Rhodes với công trình Toni Morrison: Nhà văn Mỹ vĩ đại
cho rằng Morrison là đại biểu cho dòng văn học người Mỹ gốc Phi bà
nhận thức một cách sâu sắc về thân phận của đồng bào bà ở “Tân thế
giới”, và bà đã chỉ ra chìa khóa vạn năng chính là cội nguồn văn hóa,
lịch sử và truyền thống chính là bảo bối.
10


David Middleton với công trình Phê bình đương đại tiểu thuyết của
Toni Morrison, là tuyển tập 15 bài nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực như
cấu trúc truyện kể, huyền thoại, văn hóa, nữ quyền,…về sáu tiểu thuyết
xuất bản trước năm 1993 của nữ văn sĩ. Những bài viết này là các phân
tích về nhân vị của người da đen, trong sự đứt gãy của những bi kịch
quá khứ và hiện tại đổ dồn lên thân phận và thân xác, và Morrison tin
rằng đằng sau nền văn minh châu Âu là nền văn hóa rực rỡ của người
Mỹ gốc Phi.
Tiểu luận của Aimable Twagilimana, Bài ca Solomon của Toni
Morrison và Giấc mơ Mỹ cho rằng: khát vọng của người Mỹ gốc Phi là
được trở lại quê nhà, bằng huyền thoại bay của người châu Phi: “Việc
tìm kiếm bản sắc là quan trọng hơn việc đạt được sự giàu có” [73;
tr.205].

Chương 2
CẢM QUAN NGHỆ THUẬT CỦA CÁC NỮ VĂN SĨ MỸ VỀ
VẤN ĐỀ PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC

2.1. Túp lều bác Tom: Xung đột giữa hiện thực và lý tƣởng
Túp lều bác Tom xuất bản lần đầu tiên năm 1852, thời kỳ đầy căng
thẳng, quyết định tương lai nước Mỹ: cuộc xung đột giữa miền Bắc và
miền Nam về vấn đề nô lệ. Tác phẩm là đứa con tinh thần của thời đại,
được hình thành trong dung môi hai phong trào tư tưởng lớn là phong
trào thức tỉnh của tôn giáo và chủ nghĩa bãi nô.
2.1.1. Túp lều bác Tom và hiện thực nước Mỹ giữa thế kỷ XIX
Với sự ra đời của Đạo luật Nô lệ bỏ trốn (Fugitive Slave Law) năm
1850, nguy cơ chế độ nô lệ đang được mở rộng và hà khắc hơn, đáng
căm phẫn trước. Đạo luật này cũng gây nhiều tranh cãi gay gắt từ Quốc
11


hội đến Giáo đường; kết quả, Quốc hội thì chia rẽ, còn các mục sư cả
hai miền Nam, Bắc đã dẫn lời trong Kinh thánh để bênh vực, hay để đả
đảo chế độ nô lệ.
Trước những áp bức bất công, tinh thần và ý thức đấu tranh của
người da đen cũng ngày một quyết liệt hơn, người da đen đấu tranh
không chỉ bằng lãn công, tự sát hay giết chủ nô, mà phổ biến nhất là bỏ
trốn.
Năm 1832, gia đình Beecher-Stowe dời về Cincinnati, bà có dịp
chứng kiến tội ác của chế độ nô lệ, những cảnh bạo loạn chủng tộc đẫm
máu, cũng như phong trào đấu tranh của người da đen và người da
trắng tiến bộ. Đó là chất liệu quan trọng tạo tác nên bức tranh hiện thực
đáng căm phẫn, có sức mạnh làm thay đổi lịch sử xã hội như lời Tổng
thống A. Lincoln: tác phẩm làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại xóa bỏ

chế độ nô lệ ở Mỹ.
2.1.2. Túp lều bác Tom và lý tưởng Kitô giáo
Cuộc Đại Thức Tỉnh thứ Hai (1800-1830) là thời kỳ hồi sinh và
bùng phát tôn giáo ở Hoa Kỳ. Phong trào tôn giáo này mở ra một cuộc
tiếp cận dân chủ hơn đối với tôn giáo nói chung, rằng đàn ông, đàn bà,
da đen, da trắng, người tự do hay nô lệ đều thừa hưởng một mối quan
hệ cá nhân với Thiên Chúa và một cơ hội được cứu chuộc như nhau.
Không thể phủ nhận ảnh hưởng của tôn giáo đến tư tưởng và tiểu
thuyết của Beecher-Stowe, tuy nhiên, tư tưởng tôn giáo ấy trong Túp
lều bác Tom còn gây nhiều tranh cãi. Một mặt, Kitô giáo đề cao tình
yêu thương, sự công bằng nhưng mặt khác, chính tư tưởng ấy lại cổ xúy
người nô lệ chấp nhận số phận của mình và kìm hãm sự vươn lên của
người da đen nói riêng, những kẻ yếu thế nói chung, để đấu tranh cho
12


sự công bằng thật sự.
2.1.3. Xung đột trong cảm quan của Harriet Beecher-Stowe
Beecher-Stowe đã viết tác phẩm Túp lều bác Tom như sự đấu tranh của
một lương tâm chân chính trước những sai lầm của đời sống, của lịch
sử, cổ vũ phong trào đấu tranh, phản kháng của người nô lệ. Đồng
thời, tác phẩm đã khắc họa bức tranh về sự độc ác không thể chối
cãi của chế độ nô lệ và các cuộc xung đột căn bản giữa lý tưởng tôn
giáo và hiện thực chế độ nô lệ dã man.
Xung đột trong tư tưởng của Beecher-Stowe cũng chính là xung đột của
thời đại.
Bản thân nhà văn vẫn chưa thật sự vượt qua được khoảng cách
chủng tộc, bà vừa là một nhà văn hiện thực nghiêm ngặt trước những
cảnh sống cơ cực của người nô lệ, vừa là một tâm hồn phụ nữ mộ đạo
dạt dào tình yêu.

Cuốn theo chiều gió: Xung đột giữa quá khứ và hiện tại
Cuộc Nội chiến tàn khốc (1861-1865) nhất trong lịch sử nước Mỹ kết thúc
với thắng lợi của Liên bang miền Bắc, diễn giải về thời kỳ lịch sử này có
rất nhiều quan điểm khác nhau, Cuốn theo chiều gió là một cách nhìn của
người da trắng miền Nam.
2.1.4. Thấu kính hoài niệm
Truyền thống gia đình gắn bó lâu đời với mảnh đất Atlanta, với
miền Nam, vì vậy trong tâm thức Mitchell nói riêng và người da trắng
miền Nam nói chung, Nội chiến là một mất mát to lớn.
Tuổi thơ đã chứng kiến những cuộc bạo loạn chủng tộc, đặc biệt là
sự kiện tháng Chín năm 1906, đã để lại nỗi ám ảnh khó nguôi trong
lòng người dân Atlanta. Vì vậy, Numan Bartley trong công trình Sự
13


phát triển của Văn hóa miền Nam đã khẳng định: “Mitchell lớn lên
trong một nền văn hóa miền Nam, nơi các mối đe dọa hiếp dâm của
người da đen đối với người da trắng đã kích động bạo lực đám đông,
và trong thế giới này, người da trắng Georgia sống trong nỗi sợ hãi
những “con thú hiếp dâm đen” [80; tr.50&97].
2.1.5. Thời đại tuyệt vọng
Nếu Túp lều bác Tom viết về hiện thực thời đại bà Beecher- Stowe sống
thì ở Cuốn theo chiều gió có điều đặc biệt hơn, Mitchell viết về thời Nội
chiến (1861-1865) và thời Tái thiết (1865-1877) với tâm thức thực tại
(những năm 1920), tâm thức Sự nghiệp bất thành. Với quan điểm Lost
Cause, người miền Nam dù bại trận, nhưng không sống trong tâm trạng
tuyệt vọng, mà với một tinh thần hân hoan chiến thắng cho Miền Nam Mới:
họ ca ngợi quá khứ, tôn vinh những anh hùng miền Nam, “phỉ báng những
người miền Bắc, và bôi nhọ người da đen miền Nam”.
Mặt khác, trong thời kỳ Mitchell trưởng thành và viết văn, nền kinh

tế, xã hội nước Mỹ cũng khủng hoảng trầm trọng, đen tối như thời Nội
chiến và Tái thiết! Cuốn theo chiều gió được Mitchell viết trong khoảng
mười năm (1926-1936) và hoàn thành sau khi cuộc Đại Suy thoái
(1929-1933) kết thúc, thời kỳ mà người Mỹ nhắc đến nó như là một nỗi
kinh hoàng, đau đớn. Có lẽ những kinh hoàng của thời Đại Suy thoái mà
thế hệ Mitchell phải trải qua cũng khủng khiếp như cơn bão lốc mà Nội
chiến đã để lại cho thế hệ ông cha.
2.1.6. Đất và miền Nam
Margaret Mitchell và cuốn tiểu thuyết của bà mang tư tưởng phân
biệt chủng tộc, ủng hộ chế độ nô lệ là điều được nhiều nhà nghiên cứu
thừa nhận, song tư tưởng ấy vừa như một ẩn ức cá nhân vừa là nét riêng
14


trong truyền thống văn hóa miền Nam, hiện lên rõ nét nhất thông qua
biểu tượng đất. Đất như biểu tượng của văn hóa đồn điền ở miền Nam,
phá tan đồn điền cũng là cắt phăng “cuống rốn” tiếp máu cho văn minh
nông nghiệp. Nếu Tara là tình yêu, lẽ sống của ông Gerald, là lý do
Scarlett suốt đời chiến đấu bảo vệ thì đất cũng là nguyên nhân sâu xa để
người da trắng quý tộc miền Nam luôn ôm ấp và níu giữ chế độ nô lệ
như một mô hình của nền văn minh tiên tiến.

2.3. Tiểu thuyết của Toni Morrison: xung đột vùng miền và
xung đột văn hóa

2.3.1. Miền Bắc và miền Nam
Hầu hết các nhân vật của Morrison đều chịu sự chia cắt và giao
thoa bởi những lằn ranh địa lý Bắc - Nam, trong Bài ca Solomon hành
trình địa lý của tác phẩm từ Detroit (Michigan) đến Danville
(Pennsylvania), và cuối cùng là Shalimar (Virginia) dẫn Milkman vào

những nơi lịch sử nơi cha anh (Macon Dead II) đã lớn lên và ông nội
anh (Jack Solomon/Macon Dead I) đã được sinh ra. Đó là hành trình từ
hiện tại đến quá khứ, từ Bắc công nghiệp, bị ảnh hưởng nặng nề bởi các
giá trị vật chất và văn hóa của xã hội da trắng, đến miền Nam nông
thôn, tràn ngập các giá trị truyền thống và được nuôi dưỡng bởi một ý
thức mạnh mẽ về lịch sử tổ tiên.

2.3.2. Châu Phi và Phương Tây
Morrison viết văn vào những năm 1970 khi phong trào Nghệ thuật
Đen (Black Arts Movement) phát triển tới đỉnh cao, với phong trào này,
các nghệ sĩ và các nhà tư tưởng Mỹ gốc Phi mong muốn xác định danh
tính của người da đen ở Mỹ và khôi phục truyền thống thẩm mỹ châu
Phi.
15


Đây cũng là thời kỳ hội nhập kinh tế lẫn tư tưởng, triết học, văn học
Tây Âu và Mỹ có sự giao thoa tương tác, đó là môi sinh cho Morrison
nói riêng và người Mỹ da đen nói chung có cơ hội tiếp xúc một cách
rộng rãi với nền văn minh, văn hóa châu Âu. Vì vậy tiểu thuyết của
Morrison đầy ắp huyền thoại văn hóa châu Âu, (bên cạnh văn hóa châu
Mỹ, châu Phi), cùng các tư tưởng triết học, và kỹ thuật tiểu thuyết
phương Tây như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của
Virginia Woolf, của William Faulkner,… trong tiểu thuyết của
Morrison.
Bài ca Solomon vừa mang dáng dấp một truyền thuyết phương Tây
vừa là hành trình truy tìm bản thể của mỗi người Mỹ gốc Phi.
Chương 3
CẢM QUAN NGHỆ THUẬT CỦA CÁC NỮ VĂN SĨ MỸ VỀ
THÂN PHẬN NGƯỜI MỸ DA ĐEN


3.1. Túp lều bác Tom: những thân phận Nô lệ và Con người
Ở Túp lều bác Tom con người bị chi phối bởi hai hệ tư tưởng cơ bản
là Pháp luật và Tôn giáo. Nếu thể chế chính trị tuyên bố người da đen là
nô lệ, thì niềm tin tôn giáo chỉ ra rằng, tất cả Con người đều công bằng
trước Chúa.
3.1.1. Người nô lệ trước pháp luật da trắng
Trước pháp luật, người da đen chỉ là một đồ vật, bị mua bán và sỉ
nhục, nhưng chúng không chỉ hành hạ về thể xác, bọn chủ nô còn độc
ác hơn khi gây chia rẽ tình cảm gia đình, chia rẽ tình cảm chủng tộc,
chia rẽ con người: “một thằng da đen không bao giờ được nuôi hy vọng
gì”. Tình cảnh của bác Tom, Eliza và vô số những thân phận da đen
khác là bản án đanh thép tố cáo tội ác của chế độ nô lệ, đồng thời là sự
16


cảm thương, tấm lòng nhân đạo của Beecher-Stowe trước những thân
phận ấy.
3.1.2. Con người công bằng trong tình yêu của Chúa
Thấm nhuần tư tưởng tôn giáo, Túp lều bác Tom còn thể hiện một
quan niệm nhân văn tiến bộ, rằng người da đen có thể vươn lên bình
đẳng với người da trắng trong tình yêu thương của Chúa. Tư tưởng ấy
được thể hiện một cách uyển chuyển thông qua hệ thống tên gọi, mô-típ
cái chết và đặc biệt là nhân vật bác Tom mang tính biểu tượng tôn giáo
sâu sắc.
Xuyên suốt tác phẩm, Beecher-Stowe đã xây dựng năm nhân vật
tên là Tom (Bác Tom, Tom Lincon, Tom Loker, Tom Bird, Tom
Harris) và hai nhân vật đều có vai trò là người giải phóng mang tên
George (George Shelby, cậu chủ nhỏ của bác Tom và George Harris,
chồng Eliza). Việc lấy tên chung cho các nhân vật trở thành biểu

tượng cho sự bình đẳng, bất kể chủng tộc, giai cấp, tuổi tác; đó là ý
nghĩa tận thiện của tôn giáo trong cảm quan của Beecher-Stowe.
Sự bình đẳng giữa người da đen và người da trắng còn được thể hiện
ở chức năng rao giảng tình yêu thương của các nhân vật bác Tom, Eva
(mang tính biểu tượng tôn giáo) và ở mô-típ cái chết trở về với tình yêu
thương vĩnh hằng của họ. Bác Tom là nô lệ da đen và Eva là thiên thần
da trắng vẫn xây dựng một tình bạn vong niên sâu sắc; họ thuộc hai
đẳng cấp nhưng cùng biểu tượng cho một hệ giá trị đó là Tình yêu
thương.
Đặc biệt nhân vật bác Tom, một kẻ da đen, trở thành một con người
mà mang những phẩm tính như Chúa. Đặt vấn đề này trong thời đại
Beecher-Stowe sống và viết Túp lều bác Tom mới thấy hết được tầm tư
17


tưởng lớn lao và mới mẻ của nhà văn. Chính ở điểm này hình ảnh bác
Tom và tác phẩm của bà trở thành bất tử với thời gian, và cũng là sự
chiến thắng của cảm quan nghệ thuật với ý thức hệ (chế độ nô lệ) của
thời đại!

3.2. Cuốn theo chiều gió: câu chuyện về kẻ đầy tớ trung thành
3.2.1. The Black Mammy và The Black Daddy
Trong Cuốn theo chiều gió, Mitchell đã ngầm đặt ra một vấn đề:
cuộc sống chủ - tớ hài hòa như vậy, có cần thiết phải nổ ra chiến tranh,
có cần thiết phải phá bỏ chế độ ấy, có cần thiết phải giải phóng “những
kẻ không tự biết lo liệu cho bản thân”? Biểu tượng Mammy là một
bằng chứng cho đặc trưng văn hóa miền Nam, một kiểu diễn giải để
người miền Nam giương cao lá cờ chính nghĩa trong cuộc tương tàn
lớn nhất lịch sử nước Mỹ cho đến nay.
Biểu tượng Mammy gắn với biểu tượng đất, với đồn điền Tara và

những cánh đồng bông ngút ngàn, một cách kín đáo, thể hiện hoài
vọng của Mitchell cũng như tầng lớp quý tộc miền Nam muốn khôi
phục nền văn minh nông nghiệp đã bị chôn vùi. Một cách kín đáo nhất,
hình ảnh Mammy là hiện thân cho tư tưởng phân biệt chủng tộc, bất
chấp mọi nỗ lực hòa giải và hòa huyết trong suốt chiều dài lịch sử, văn
hóa của cộng đồng đa chủng tộc Hoa Kỳ.
Vượt lên trên thân phận là một đày tớ trung thành Mammy, bác
Peter trở thành người mẹ, người cha đúng nghĩa của Scarlett, của
Melanie; họ (Mammy, bác Peter) mang trong mình thiên tính mẫu mực
của con người mà thượng đế đã tạo dựng, vượt qua mọi thiên kiến phân
biệt. Đó là vẻ đẹp muôn thuở của người da đen, của con người mà
Mitchell đã sáng tạo, có thể nữ văn sĩ không ý thức hết được mặt bên
18


kia của biểu tượng nhân vật (Mammy), những chính sự đa diện này đã
nâng vấn đề người da đen trong Cuốn theo chiều gió lên một tầm mới,
phức tạp hơn song giàu ý nghĩa nhân văn hơn.

3.2.2. “Sứ mệnh” của người da trắng đối với người da đen
Từ quan điểm của người da trắng quý tộc miền Nam, Mitchell cho
rằng trách nhiệm chăm sóc người da đen về vật chất cũng như tinh
thần, đó là sứ mệnh Chúa đã giao phó cho họ. Người da trắng coi người
đày tớ trung thành là một thành viên trong gia đình. Điều này cho thấy
Mitchell có phần “đơn giản hóa vấn đề chủng tộc” như ý kiến của các
nhà nghiên cứu.

3.3. Bài ca Solomon: Cái tôi lưỡng phân
3.3.1. Cái tên và cái tôi
Khi quyết định cầm bút viết là khi Morrison muốn đi tìm câu trả lời:

Người da đen sinh sống trên đất Mỹ, họ là ai? Họ là những người bị
tước đoạt tên tuổi và thân phận trở thành những công cụ nô lệ, vô bản
sắc, là những người bị cưỡng đoạt ngôn ngữ và văn hóa, lịch sử, tín
ngưỡng tổ tiên trở thành những kẻ không nguồn cội…
Bài ca Solomon đã đặt ra vấn đề căn cốt là sự tha hóa và lầm lạc của
người da đen khi không biết rõ nguồn gốc của mình. Từ chỗ không ý
thức được nguồn gốc dẫn đến nhiều hệ quả, trong đó, “Tâm thức kép”
(Double consciousness) trở thành một hiện tượng tâm lý phổ biến của
người Mỹ da đen như W.E.B Du Bois đã khái quát trong cuốn sách nổi
tiếng nhất của ông, Những linh hồn dân da đen (The Souls of Black
Folk).

3.3.2. Người da đen và giấc mơ Mỹ
Hầu hết nhân vật trong tiểu thuyết Morrison đều sống trong sự dằng
19


co, xung đột văn hóa đen - trắng và trở thành những kẻ khủng hoảng
bản sắc khi chạy theo giấc mơ Mỹ trắng. Nếu Hagar đặt vẻ đẹp thể chất
lên trên đức hạnh và lao vào cơn bão mua sắm mỹ phẩm như một con
đường tối hậu để đạt được chuẩn mực vẻ đẹp da trắng thì sự giàu có
của Macon Dead II và thành công của bác sĩ Foster lại trở thành kẻ
phản bội chủng tộc mình, “kẻ ăn thịt những người cùng màu da”
(“cannibals”). Bác sĩ Foster là người kiêu ngạo, kỳ thị màu da ngay cả
với cháu mình, làm việc trong bệnh viện Từ thiện (Mercy) mà từ chối
cứu giúp người da đen. Macon Dead II tự làm nên sự nghiệp như một
típ người hùng của giấc mơ Mỹ nhưng lại bòn rút từng đồng xu của
người da đen nghèo khổ. Thay vì giàu có đem lại hạnh phúc cho con
người thì Macon Dead II lại trở thành kẻ nhẫn tâm với tất cả mọi người:
vợ con mình, người thuê nhà, quả phụ, trẻ mồ côi… Thay vì thành công

đem lại vinh quang cho cá nhân và lợi ích cho cộng đồng thì bác sĩ
Foster lại biến con mình thành một kẻ bệnh hoạn với mặc cảm Electra.
Milkman cũng là kẻ sống thờ ơ, ích kỷ và gây tổn thương cho người
khác, khao khát tìm vàng là biểu hiện cao nhất cho sự tha hóa của
Milkman... Bất hạnh của gia đình Macon Dead là ví dụ điển hình cho
sự tàn phá khủng khiếp của chủ nghĩa sùng bái vật chất và chủ nghĩa cá
nhân thô lỗ; nó báo trước sự khủng hoảng của tương lai, không chỉ đối
với xã hội Mỹ mà còn đối với văn minh phương Tây.
Chương 4
CẢM QUAN NGHỆ THUẬT CỦA CÁC NỮ VĂN SĨ MỸ VỀ
TƯƠNG LAI NGƯỜI MỸ DA ĐEN

4.1. Túp lều bác Tom và những con đường cho người da đen
4.1.1. Cái chết giải thoát của bác Tom
20


Từ hai kiểu thân phận bị chi phối bởi hai hệ tư tưởng khác nhau, con
đường đến tự do của bác Tom và Eliza cũng khác biệt. Nếu con đường
của bác Tom là sự nhẫn nhục chịu đựng, cung hiến đời sống của mình
để đem lại tự do cho đồng bào như chính sự tuẫn tiết của Chúa trong
ánh sáng của tôn giáo thì con đường của Eliza là sự tích cực, chủ động
giành lấy tự do cho mình và những người thân yêu.
Từ mô-típ cái chết giải thoát đến biểu tượng Túp lều bác Tom,
Beecher-Stowe đã chỉ ra con đường đến tự do của người nô lệ da đen:
niềm tin cứu rỗi của người da đen và tình yêu thương, sự tiến bộ của
người da trắng. Con đường bất bạo động, dù chống lại chế độ nô lệ
bằng một hành động đau khổ, có thể trực tiếp và trước mắt, chưa đưa lại
sự thay đổi chính trị, song nó tạo ra một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ
cho lẽ phải.

4.1.2. Bước nhảy Eliza và biểu tượng Tự do
Nỗi đau mất con của Beecher-Stowe như một ẩn ức thôi thúc nữ văn
sĩ nói hộ nỗi đau của tất cả phụ nữ nô lệ bị xúc phạm tình cảm, bị chia
rẽ tình mẫu tử thiêng liêng.
Eliza bằng tình yêu con tha thiết và sự dũng cảm đối mặt với cái ác,
vì vậy bước nhảy vượt sông Ohio của Eliza trở thành biểu tượng cho
khoảnh khắc vượt thoát chế độ nô lệ để đến với tự do.
Beecher-Stowe với quan điểm tiến bộ, cho rằng: trước sau người da
đen sẽ thoát khỏi chế độ nô lệ bằng sự nỗ lực vượt qua số phận của
người da đen lẫn sự đấu tranh của người da trắng.

4.2. Cuốn theo chiều gió và hoài vọng “Ngày mai là một ngày
khác”
Margaret Mitchell là đại biểu cho lối sống, văn hóa nông nghiệp cố
21


cựu, bà nhìn thấy hạnh phúc của người da đen chỉ khi người da đen hòa
hợp với người da trắng trên những đồn điền bông bạt ngàn. Bà không
giấu được niềm lo lắng và hối tiếc khi người da đen được giải phóng,
chế độ nô lệ bị xóa bỏ.

4.3. Bài ca Solomon và hành trình truy tìm bản thể
4.3.1. Bản sắc của người da đen
Khi bị mất căn cước và bản sắc thì câu hỏi truy tìm bản thể là vấn đề
trung tâm của người Mỹ gốc Phi trong tiểu thuyết Morrison. Hành trình
về phương Nam của Milkman là hành trình truy tìm nguồn gốc gia
đình, giải mã bài hát bí ẩn Bài ca Solomon để truy tìm bản sắc cá nhân,
và cộng đồng người da đen trong sự xung đột đa văn hóa.
Morrison dùng mô-típ truy tìm kho báu và huyền thoại bay vừa

là một phương tiện vừa là cứu cánh nghệ thuật. Đến Morrison, mục đích
cuối cùng của hành trình truy tìm kho báu và huyền thoại bay đều
mang một ý nghĩa tinh thần sâu sắc hơn. Thay vì tìm được vàng vật chất
như khát vọng ban đầu của Milkman, của những người sùng bái chủ
nghĩa vật chất thì anh khám phá ra kho báu tinh thần là phả hệ gia đình
mình; thay vì bay để thoát khỏi cánh đồng bông nô lệ như ông nội
Solomon thì Milkman và những người cùng thế hệ với anh bay là để
thoát khỏi sự nô lệ về văn hóa, tư tưởng.
4.3.2. Hòa hợp với tự nhiên trong nữ tính Vĩnh hằng
Vượt lên trên câu chuyện cá nhân của Milkman, của dòng họ
Solomon là câu chuyện của thế hệ Morrison, của cộng đồng người da
đen và toàn nhân loại trong trăn trở truy tìm bản thể và quê hương.
Milkman với sự hướng dẫn của cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ
(Pilate, Circe, Sweet), mang đậm màu sắc văn hóa châu Phi, đã không
22


chỉ tìm ra được lịch sử của gia đình, bản sắc của cá nhân mà còn hòa
hợp với cộng đồng và hiệp thông với vũ trụ. Đó là con đường tới tự do
đích thực, vượt qua mọi sự cưỡng bức về văn hóa lẫn ý niệm, trở về với
cội nguồn văn hóa châu Phi và sự hài hòa giữa con người và thiên
nhiên.
Nếu bác Tom (Túp lều bác Tom) mang ý nghĩa Chúa vị tha và
Mammy (Cuốn theo chiều gió) mang những phẩm tính của người mẹ là
biểu hiện chiến thắng của cảm quan nghệ thuật với ý thức của thời đại
thì hành trình truy tìm bản thể, nguồn gốc

của Milkman (Bài ca

Solomon) mang dáng dấp hành trình của mỗi nhân vị trong cuộc đời này

cũng là âm bản lộ diện trong vô thức của Morrison.
KẾT LUẬN
1. Một trong những bản chất của nghệ thuật và quá trình sáng tạo là
sự cộng hưởng giữa tinh thần thời đại và tiếng nói sâu thẳm bên trong
của người nghệ sĩ. Sự cộng thông ấy là dung môi, là bầu sinh quyển để
tác phẩm nghệ thuật ra đời. Trong đó, cảm quan sáng tạo của người
nghệ sĩ giữ vai trò quyết định. Cảm quan ấy không chỉ là sự nhạy bén
với thế giới bên ngoài mà còn là sự thôi thúc cháy bỏng từ bên trong,
nhiều khi như một ẩn ức, mơ hồ; vì vậy, ẩn dụ, ngụ ngôn, biểu tượng,
huyền thoại vừa như một phương tiện biểu đạt hữu hiệu vừa trở thành
đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật.
2. Nếu những thôi thúc của thời đại kết hợp với niềm tin tâm linh đã
giúp Beecher-Stowe hoàn thành cuốn sách Túp lều bác Tom, có sức
mạnh làm thay đổi tinh thần thời đại, nếu Mitchell đã “tự viết một cuốn
sách cho riêng mình”, cho người da trắng miền Nam, Cuốn theo chiều
gió, bằng những hồi niệm và ẩn ức thì Morrison đã viết những cuốn
23


sách về những vấn đề chưa có lời giải đáp và “luôn cảm thấy thần khí
của sự thật” (feel the “Spirit of truth”) trong công việc mình đang làm.
Nếu xem người da đen là vấn đề cốt lõi trong ba tác phẩm thì mỗi tác
phẩm là một quá trình đấu tranh, giao thoa tư tưởng giữa tác giả và thời
đại. Sáng tác của Beecher-Stowe là cuộc giao tranh chưa ngã ngũ giữa
hiện thực nô lệ vô nhân đạo và lý tưởng Kitô giáo. Cuốn theo chiều gió
là những băn khoăn, dằng xé của người da trắng miền Nam trước những
mất mát của thực tại với đống tro tàn của cuộc Nội chiến và quá khứ êm
đềm. Những sáng tác của Morrison nói chung và Bài ca Solomon nói
riêng là xung đột văn hóa Mỹ - Phi trong hành trình tìm kiếm bản thể
của người da đen.

3. Trong Túp lều bác Tom, bằng con mắt của một nhà tư tưởng bãi nô tiến
bộ, một con người với tấm lòng mộ đạo sâu sắc, và một phụ nữ sống trọn
vẹn với thiên chức người mẹ cao quý, Beecher-Stowe luôn nhìn thấy những
khả năng vượt thoát tự do và tìm thấy hạnh phúc của người da đen. Trái
lại, Mitchell là đại biểu cho lối sống, văn hóa nông nghiệp cố cựu, bà nhìn
thấy hạnh phúc của người da đen chỉ khi người da đen hòa hợp với người
da trắng trên những đồn điền bông bạt ngàn mà nhà văn đã vẽ nên bức
tranh miền Nam cũ trang nhã bằng nỗi luyến tiếc trong Cuốn theo chiều
gió. Không hoàn toàn khác biệt hai nữ văn sĩ trên, Toni Morrison mô tả
các kinh nghiệm của người da đen trong nền văn hóa da trắng, ở vị thế
“người đứng ngoài từ bên trong” (outsider within status) để quan sát và
chiêm nghiệm giữa các biên giới ngăn cách chủng tộc, giai cấp và văn hóa.
Tiểu thuyết của bà đi sâu vào bản thể, truy tìm cội nguồn chủng tộc, lý giải
căn bệnh của người da đen và từ đó, tìm ra phương thuốc hữu hiệu cho họ
là trở về với cội nguồn văn hóa tổ tiên trong tác phẩm Bài ca Solomon.
24


DANH MỤC CÁC BÀI BÁO KHOA HỌC
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
TT
1
2

3

4

5


6

7

8

9

TÊN CÁC BÀI BÁO
Nguyễn Thị Tuyết, Cảm quan và cảm quan nghệ thuật, Tạp chí
Sông Hương, số tháng 9/2015 (319), ISSN 1859-4883, tr.67-72.
Nguyễn Thị Tuyết, Giấc mơ Mỹ và người Mỹ da đen trong tiểu
thuyết Toni Morrison, Tạp chí Sông Hương, số tháng 9/2016 (331),
ISSN 1859-4883, tr.73-79.
Nguyễn Thị Tuyết, Vấn đề chủng tộc trong Cuốn theo chiều gió
của Margaret Mitchell, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia,
Nghiên cứu và dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới giáo dục,
Đại học Sư phạm Huế, tháng 3/2017, tr.353-363.
Nguyễn Thị Tuyết, Diễn giải lịch sử trong tiểu thuyết Beloved của
Toni Morrison, Tạp chí Khoa học Trường Đại học An Giang, số
tháng 3/2017, ISSN 0866-8086, tr.97-105.
Nguyễn Thị Tuyết, Xung đột tư tưởng của Harriet Beecher- Stowe
trong tác phẩm Túp lều bác Tom, Tạp chí Khoa học Trường Đại
học Sư phạm 2 Hà Nội, số tháng 4/2017, ISSN 1859-2325, tr.94105.
Nguyễn Thị Tuyết, Biểu tượng Mammy trong tác phẩm Cuốn theo
chiều gió của Margaret Mitchell và trong văn hóa Mỹ, Tạp chí
Nhân lực số tháng 7/2017 (50), Học viện Khoa học Xã hội, ISSN
1013-4328, tr.79-88.
Nguyễn Thị Tuyết, Hành trình truy tìm bản thể trong tiểu thuyết
Song of Solomon của Toni Morrison, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số

tháng 7/2017, ISSN 1859-3208, tr.134-141.
Nguyễn Thị Tuyết, Văn học người Mỹ da đen trong bản đồ văn học
Hoa Kỳ, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Toàn quốc, Nghiên cứu và
giảng dạy Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, Trường Đại
học Sư phạm 2 Hà Nội, tháng 12/2017.
Nguyễn Thị Tuyết, Người Mỹ da đen trong cảm quan nghệ thuật
của các nữ văn sĩ Mỹ, Tạp chí Trường Đại học Sư phạm 2 Hà Nội,
ISSN 1859-2325.


×