Tải bản đầy đủ (.docx) (12 trang)

TIỂU LUẬN dấu hiệu về định lượng trong bộ luật hình sự việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (83.9 KB, 12 trang )

TIỂU LUẬN
Đề tài: Dấu hiệu về định lượng trong Bộ luật hình sự Việt Nam.

BÀI LÀM
A. MỞ ĐẦU
Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, các cơ quan điều tra,
truy tố, xét xử phải định tội danh căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm để
chứng minh có hành vi phạm tội xảy ra hay không gian, thời gian, địa điểm và
những tình tiết khác của hành vi phạm tội; người thực hiện hành vi phạm tội do lỗi
cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ
phạm tội; những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị
can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo; tính chất và mức độ
thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra nhằm xác định đúng tính chất của vụ án. Việc
nhận thức chân lý khách quan của vụ án hình sự là một quá trình hết sức phức tạp
được tạo bởi các hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá các chứng cứ do các chủ
thể tiến hành tố tụng thực hiện phù hợp với các qui định của Bộ luật hình sự và Bộ
luật tố tụng hình sự.
Trong BLHS các tội phạm được mô tả tương đối đầy đủ bằng hai cách là mô
tả cấu thành tội phạm có tính định tính và mô tả cấu thành tội phạm mang tính định
lượng. Tuy nhiên việc mô tả cấu thành tội phạm mang tính định tính thường không
cụ thể và trừu tượng dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật
vẫn còn tùy tiện và chưa thống nhất. Do đó, BLHS 2015 đã quy định cụ thể hơn
những dấu hiệu mang tính định lượng trong từng nhóm tội phạm cụ thể nhằm tăng
cường việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất và hiệu quả. Những dấu hiệu
trong cấu thành tội phạm được mô tả có tính định lượng có thể được gọi chung là
dấu hiệu định lượng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, tác giả lựa chọn đề tài “Dấu
hiệu định lượng trong Bộ luật hình sự Việt Nam” làm tiểu luận với mong muốn đi


sâu nghiên cứu về mặt lý luận, góp phần nâng cao hiệu quả trong công cuộc đấu
tranh phòng chống tội phạm hiện nay.


B. KHÁI NIỆM, PHÂN LOẠI VỀ DẤU HIỆU ĐỊNH LƯỢNG TRONG
BLHS
1. Khái niệm
Khác với những sự vật, hiện tượng trong xã hội, tội phạm tuy là một hiện
tượng xã hội, nhưng để xác định tội phạm phải dựa vào tính nguy hiểm cho xã hội
của hành vi phạm tội. Tính nguy hiểm cho xã hội thể hiện ở chỗ nó ảnh hưởng đến
sự tồn tại và phát triển của xã hội. Hay nói cách khác tính nguy hiểm thể hiện ở hậu
quả mà tội phạm gây ra cho các mối quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ.
Hậu quả càng lớn thì tính nguy hiểm cho xã hội càng cao.
Trong BLHS, tùy từng tội danh cụ thể mà dấu hiệu định lượng có thể chỉ là
dấu hiệu định tội hoặc chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc cũng có thể là cả
hai, vừa định tội vừa định khung hình phạt. Tuy nhiên dù là định tội hay định
khung thì dấu hiệu định lượng thường là dấu hiệu phản ánh hậu quả nguy hiểm cho
xã hội của tội phạm. Như vậy, dấu hiệu định lượng quy định trong BLHS như một
thước đo hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội. Dựa vào các quy định về
định lượng trong BLHS mà các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá chính xác và
thống nhất hậu quả mà hành vi phạm tội để xử lý người phạm tội.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Giang đã nêu ra khái niệm về “Dấu hiệu định lượng”
trong luận văn thạc sỹ của mình như sau: “dấu hiệu định lượng trong Luật hình sự
là một trong những dấu hiệu thể hiện tại mặt khách quan của tội phạm mà căn cứ
vào đó để định tội danh của từng cấu thành tội phạm cơ bản, hoặc định khung tăng
nặng hình phạt của từng cấu thành tội phạm tăng nặng”.
Khái niệm trên chưa thực sự rõ ràng, chưa nói lên hết ý nghĩa của dấu hiệu
định lượng trong BLHS. Nếu chỉ căn cứ vào dấu hiệu định lượng trong BLHS để


định tội danh là chưa chính xác. Bởi lẽ, để định tội danh một tội phạm cụ thể, ngoài
việc xem xét đến khách thể, chủ thể, mặt chủ quan thì cần xem xét đến hành vi
khách quan, mối quan hệ giữa hành vi khách quan và hậu quả tội phạm gây ra. Dấu
hiệu định lượng chỉ phản ánh hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.

Dựa vào những phân tích đánh giá ở trên, tác giả xin đưa ra khái niệm về dấu
hiệu định lượng trong Luật hình sự Việt Nam như sau: “Dấu hiệu định lượng là
dấu hiệu được quy định trong BLHS, phản ánh hậu quả của tội phạm, dấu hiệu
định lượng kết hợp với các dấu hiệu khác làm căn cứ để xác định có hành vi phạm
tội hay không, mức độ phạm tội nặng hay nhẹ”.
2. Phân loại
2.1 Phân biệt dấu hiệu định lượng và dấu hiệu định tính
Luật hình sự quy định tội phạm cụ thể tại phần các tội phạm Bộ luật hình sự
thông qua phần quy định của quy phạm pháp luật hình sự. Khoa học luật hình sự
xác định quy phạm pháp luật hình sự đối với mỗi tội phạm cụ thể được chia làm ba
phần: phần giả định (ai, người nào); phần quy định (mô tả các dấu hiệu có tính đặc
trưng của từng tội dưới hình thức của cấu thành tội phạm); phần chế tài (quy định
loại và mức hình phạt áp dụng đối với người nào thỏa mãn những dấu hiệu của cấu
thành tội phạm).Trong quy phạm pháp luật hình sự phần các tội phạm cụ thể có 3
loại quy định: quy định tóm tắt; quy định viện dẫn; quy định mô tả.
Quy định tóm tắt: là quy định ngắn gọn, không mô tả những dấu hiệu trong
mặt khách quan của tội phạm.
Quy định viện dẫn: là quy định tội phạm thông qua một quy phạm pháp luật
khác (để hiểu quy phạm pháp luật của tội phạm này phải thông qua một quy phạm
pháp luật của một tội phạm khác).
Quy định mô tả: là quy định nêu một cách cụ thể về các dấu hiệu mặt khách
quan của tội phạm.


Tuy nhiên, trong các quy phạm pháp luật hình sự phần các tội phạm cụ thể có
những quy định mô tả thì có sự khác nhau về sự mô tả của các tội phạm. Việc mô tả
các dấu hiệu của tội phạm trong cấu thành tội phạm có thể là sự mô tả về dấu hiệu
định lượng và có thể là sự mô tả về dấu hiệu định tính.
Dấu hiệu định lượng trong Luật hình sự là một trong những dấu hiệu thể hiện
mặt khách quan của tội phạm mà căn cứ vào đó để định tội danh của từng cấu thành

tội phạm cơ bản hoặc định khung tăng nặng hình phạt của từng cấu thành tội phạm
tăng nặng. Như vậy, quy định mô tả theo dấu hiệu định lượng rất cụ thể, có thể xác
định được ngay thông qua hậu quả do tội phạm gây ra cho xã hội hoặc thông qua
giá trị tài sản bị tội phạm tác động hoặc thông qua đối tượng của tội phạm.
Dấu hiệu định tính trong cấu thành tội phạm cụ thể thường rất trừu tượng mà
để hiểu rõ nôi dung về sự mô tả này cần có sự hướng dẫn hoặc giải thích pháp luật
mới có thể vận dụng một cách thống ngất trong các cơ quan tư pháp.
Như vậy, điểm giống nhau giữa dấu hiệu định lượng và dấu hiệu định tính
trong cấu thành tội phạm cụ thể của Luật hình sự là những dấu hiệu thể hiện tại mặt
khách quan của tội phạm mà căn cứ vào đó để định tội danh của từng cấu thành tội
phạm cơ bản hoặc định khung tăng nặng hình phạt của từng cấu thành tội phạm
tăng nặng.
Điểm khác nhau giữa dấu hiệu định lượng và dấu hiệu định tính trong cấu
thành tội phạm cụ thể của Luật hình sự chính là tính cụ thể và tính trừu tượng của
các dấu hiệu này. Đối với những dấu hiệu định lượng trong cấu thành tôi phạm cụ
thể của Bộ luật hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng có thể dựa vào những dấu
hiệu này để có thể định ngay được tội danh. Ngược lại đối với những dấu hiệu định
tính trong cấu thành tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự , các cơ quan tiến hành tố
tụng không thể dựa vào các dấu hiệu đó để có thể định được ngay tội danh mà phải
có sự hướng dẫn áp dụng của các cơ quan tư pháp có thẩm quyền.


2.2 Phân biệt các loại dấu hiệu định lượng
Dấu hiệu định lượng không phải được quy định trong tất cả các chương, hoặc
không phải được quy định trong tất cả các tội phạm cụ thể. Do vậy, có hai cách
phân loại dấu hiệu định lượng trong luật hình sự như sau: dấu hiệu định lượng về
hình thức và dấu hiệu định lượng về nội dung trong cấu thành tội phạm cụ thể.
a. Dấu hiệu định lượng về hình thức
Dấu hiệu định lượng về hình thức trong cấu thành tội phạm cụ thể được thể
hiện ở những cấu thành tội phạm cơ bản và cấu thành tội phạm định khung tăng

nặng. Đối với dấu hiệu định lượng này có thể chia làm 3 loại:
Một là, dấu hiệu định lượng được quy định chỉ trong cấu thành tội phạm cơ
bản mà không được quy định trong cấu thành tội phạm tăng nặng. Tức là dấu hiệu
định lượng chỉ được quy định là dấu hiệu định tội mà không quy định ở dấu hiệu
định khung tăng nặng. Ví dụ: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức
khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được quy định tại
điều 106 BLHS 1999. Tại khoản 1 Điều 106 của BLHS 1999 quy định: “người nào
gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn
đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng,….”. Dấu hiệu định
lượng phản ánh thiệt hại về sức khỏe phải từ 31% trở lên hoặc dẫn đến hậu quả chết
người thì mới thỏa mãn cấu thành tội phạm này. Ngoài ra khoản 2 của Điều luật
không quy định dấu hiệu định lượng phản ánh hậu quả thiệt hại về sức khỏe. Tuy
nhiên, BLHS 2015 đã sửa đổi điều luật này. Theo Điều 136 BLHS 2015 đã chia dấu
hiệu định lượng phản ánh hậu quả của tội phạm thành hai mức. Thiệt hại về sức
khỏe từ 31% đến 60% thỏa mãn cấu thành tội phạm cơ bản. Thiệt hại sức khỏe từ
61% trở lên thỏa mãn cấu thành tội phạm tăng nặng của tội phạm này.
Hai là, dấu hiệu định lượng không được quy định trong cấu thành tội phạm
cơ bản, nhưng lại được quy định trong cấu thành tội phạm tăng nặng.
Ví dụ: Tội Hiếp dâm quy định tại Điều 111 BLHS 1999 và Điều 141 BLHS
2015 quy định dấu hiệu định lượng trong tội hiếp dâm thể hiện ở mức độ thương


tích hoặc mức độ tổn hại về sức khỏe chỉ được quy định trong cấu thành tội phạm
định khung tăng nặng (tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ
31% đến 60%; tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở
lên).
Ba là, dấu hiệu định lượng được quy định trong cả cấu thành tội phạm cơ
bản và cấu thành tội phạm tăng nặng.
Ví dụ: Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người
khác được quy định tại Điều 104 BLHS 1999 và Điều 134 BLHS 2015, dấu hiệu

định lượng được thể hiện ở mức độ thương tích hoặc mức độ tổn hại về sức khỏe
được quy định trong cả cấu thành tội phạm cơ bản và cấu thành tội phạm định
khung tăng nặng (từ 11% đến 30% hoặc dưới 11%; từ 30% đến 60% hoặc từ 11%
đến 30%; từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%).
b. Dấu hiệu định lượng về nội dung
Phân loại về nội dung dấu hiệu định lượng trong cấu thành tội phạm cụ thể
được thể hiện bằng hậu quả của tội phạm, giá trị của tài sản, giá trị của phương tiện
phạm tội và trọng lượng của đối tượng tác động v.v... trong cấu thành tội phạm cụ
thể thuộc mặt khách quan của tội phạm. Dựa vào những dấu hiệu định lượng phản
ánh hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm có thể phân thành ba loại dấu hiệu
định lượng như sau:
Thứ nhất, dấu hiệu định lượng phản ánh hậu quả của tội phạm dưới dạng
thiệt hại về thể chất. Thiệt hại về thể chất bao gồm thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Đối với thiệt hại về sức khỏe, dấu hiệu định lượng thường được tính theo % thương
tích và được chia thành 4 loại là: dưới 11%, từ 11% đến 30%, từ 31% đến 60% và
từ 61% trở lên. Các dấu hiệu này thường được quy định ở các tội xâm phạm sức
khỏe, tính mạng, nhân phẩm của người khác như tội Cố ý gây thương tích hoặc gây
tổn hại đến sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS 2015), tội Hiếp dâm (Điều
141 BLHS 2015),….


Thứ hai, dấu hiệu định lượng phản ánh hậu quả của tội phạm dưới dạng thiệt
hại về vật chất (tài sản bị phá hủy, bị hủy hoại, bị hư hỏng) với những tình tiết thể
hiện việc tội phạm đã gây ra thiệt hại về tài sản và các nhà làm Luật đánh giá tính
nguy hiểm cho xã hội của tội phạm dựa vào giá trị thiệt hại về tài sản do tội phạm
gây ra. Tùy từng tội phạm cụ thể mà nhà làm Luật quy định mức độ thiệt hại về tài
sản khác nhau. Ví dụ, đối với tội Trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS
2015 thì thiệt hại về tài sản từ 02 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thỏa mãn cấu
thành tội phạm cơ bản, thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên thỏa mãn cấu thành tội
phạm tăng nặng. Tuy nhiên đối với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy

định tại Điều 175 thì thiệt hại phải từ 04 triệu đồng trở lên mới thỏa mãn cấu thành
tội phạm cơ bản.
Thứ ba, dấu hiệu định lượng phản ánh đối tượng vật chất. Khác với dấu hiệu
định lượng phản ánh thiệt hại về vật chất và thể chất, dấu hiệu định lượng đối tượng
vật chất không phản ánh thiệt hại mà từ định lượng vật chất ít hay nhiều để đánh
giá tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đó. Dấu hiệu định lượng đối tượng vật
chất được chia làm các dạng như sau:
+ Dấu hiệu định lượng phản ánh đối tượng tác động của tội phạm thể hiện
bằng giá trị tài sản. Ví dụ Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177), các tội phạm về
Hối lộ, … Ở các tội phạm trên, giá trị tài sản sử dụng vào việc phạm tội càng lớn
thì tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội càng cao.
+ Dấu hiệu định lượng phản ánh đối tượng tác động của tội phạm thể hiện
bằng trọng lượng của vật chất. Ví dụ các tội phạm về ma túy, Tội chế tạo, tàng trữ,
vận chuyển sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ,…
C. NHỮNG HẠN CHẾ VÀ GIẢI PHÁP VỀ QUY ĐỊNH DẤU HIỆU
ĐỊNH LƯỢNG TRONG BLHS
1. Hạn chế
Bên cạnh những mặt tích cực của việc quy định dấu hiệu định lượng như giúp
cho việc mô tả cấu thành tội phạm được cụ thể, rõ ràng, cơ sở để áp dụng một cách


thống nhất các quy phạm pháp luật và phân hóa trách nhiệm hình sự thì các quy
định dấu hiệu định lượng trong BLHS cũng còn bộc lộ những hạn chế bất cập cần
khắc phục như sau:
Thứ nhất, đối với các dấu hiệu định lượng phản ánh thiệt hại về vất chất như
tiền, tài sản,… thì việc xác định giá trị sẽ rất khó khăn nếu tài sản đó không thu hồi
được. Trên thực tế việc xác định giá trị tài sản khi đã bị tiêu hủy hoặc tiêu thụ gặp
rất nhiều khó khăn, khó có thể đánh giá được việc xác định giá trị tài sản là đúng
hay sai khi tài sản đó không còn. Do đó việc xử lý tội phạm không được khách
quan và chính xác một cách tuyệt đối.

Thứ hai, đối với việc quy định dấu hiệu định lượng đối với các tội phạm xâm
phạm sở hữu, ví dụ như tội Trộm cắp tài sản quy định tại điều 173 BLHS 2015 thì
tài sản trộm cắp phải có giá trị từ 02 triệu đến dưới 50 triệu đồng mới cấu thành tội
phạm cơ bản. Ở cấu thành tội phạm tăng nặng là từ 50 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên
giá trị tài sản là một thuộc tính của tài sản và có thể biến đổi theo thời gian, phụ
thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thời giá, thị trường,… Như vậy việc quy
định một định mức cứng giá trị tài sản là dấu hiệu định lượng vào cấu thành tội
phạm sẽ không có tính linh hoạt và không phù hợp với sự phát triển kinh tế của xã
hội. Để khắc phục điều này cần phải thường xuyên thay đổi điều luật cho phù hợp
với thực tế kinh tế xã hội. Tuy nhiên điều này sẽ gây rất nhiều ảnh hưởng đến việc
áp dụng pháp luật trên cả nước.
Thứ ba, tài sản có một thuộc tính căn bản là giá trị sử dụng. Mặc dù giá trị về
mặt kinh tế có thể như nhau nhưng giá trị sử dụng của tài sản lại khác nhau. Vì dụ
A trộm cắp xe máy của một gia đình với mức thu nhập hàng tháng chỉ là 03 triệu
đồng và trường hợp A cũng trộm cắp xe máy của một người với mức thu nhập hàng
tháng 20 triệu đồng. Rõ ràng hành vi trộm cắp xe máy của A ở trường hợp một có
tính nguy hiểm cao hơn. Như vậy ta có thể thấy hậu quả của tội phạm xâm phạm sở
hữu không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào giá trị của tài sản mà còn phụ thuộc nhiều


vào giá trị sử dụng của tài sản. Hậu quả của tội phạm ở hai trường hợp phạm tội là
khác nhau khi tài sản bị gây thiệt hại có giá trị ngang nhau nhưng có giá trị sử dụng
khác nhau. Mặc dù so với BLHS 1999, BLHS 2015 ở một số tội phạm về xâm
phạm sở hữu đã thêm tình tiết “Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người
bị hại và gia đình họ” để làm tình tiết định tội và định khung hình phạt. Tuy nhiên,
tình tiết này chỉ là một trong rất nhiều các tình tiết có ảnh hưởng đến giá trị sử dụng
của tài sản bị xâm phạm.
Thứ tư, BLHS 2015 đã ghi nhận “lợi ích phi vật chất” ở một số tội phạm về
chức vụ như tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh
hưởng tới người khác để trục lợi,… Như vậy lợi ích phi vật chất đã được ghi nhận

như là một đối tượng phản ánh hậu quả nguy hiểm của tội phạm. Tuy nhiên việc
định lượng lợi ích phi vật chất là chưa được ghi nhận. Trong thực tế, ở nhóm tội về
Hối lộ thì lợi ích phi vật chất cũng là đối tượng phổ biến. Như vậy việc chỉ quy
định lợi ích phi vật chất mà chưa có văn bản quy định dấu hiệu định lượng sẽ rất
khó khăn trong việc phân hóa trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này.
2. Giải pháp
Về mặt thực tiễn, những quy định về dấu hiệu hậu quả mang tính định lượng
đã sớm bộc lộ sự sơ cứng, bất cập đối với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội
phạm. Do đó cần có phương hướng hoàn thiện pháp luật về vấn đề này nhằm đảm
bảo pháp luật được thực thi chặt chẽ và nhân văn. Sau đây tác giả xin đưa ra một số
giải pháp hoàn thiện như sau
Một là, BLHS 1999 quy định các dấu hiệu phản ánh hậu quả của tội phạm là
“Nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”. BLHS 2015 đã cụ thể
hóa các tình tiết này bằng các dấu hiệu mang tính định lượng. Như đã phân tích ở
trên, việc cụ thể hóa này sẽ dẫn đến BLHS không mang tính linh hoạt, không phù
hợp với tình hình thay đổi về kinh tế xã hội của nước ta. Theo tác giả, việc quy định
dấu hiệu phản ánh hậu quả như trong BLHS 1999 sẽ có ưu thế hơn. Nếu cần thay


đổi các quy định cho phù hợp chúng ta không phải thay đổi điều luật mà chỉ cần
thay đổi các văn bản hướng dẫn thi hành BLHS.
Hai là, cần hoàn thiện pháp luật và quy định cụ thể về dấu hiệu “Lợi ích phi
vật chất”. BLHS 2015 chỉ mới ghi nhận chứ chưa có văn bản chính thức nào hướng
dẫn hay định nghĩa về lợi ích phi vật chất. Theo tác giả các nhà làm luật cần xây
dựng hướng dẫn cụ thể, quy định các dấu hiệu định lượng đối với lợi ích phi vật
chất để làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất và phân hóa trách nhiệm hình sự
được rõ ràng đối với loại tội phạm có tình tiết này.
Ba là, hiện nay tại các địa phương chưa có cơ quan chuyên trách để định giá
tài sản trong tố tụng hình sự. Hầu hết là Hội đồng định giá được thành lập mang
tính tạm thời khi vụ án được khởi tố. Các thành viên trong hội đồng định giá tài sản

ở địa phương thường kiêm nhiệm chứ không chuyên trách. Từ đó tác giả đề xuất
nên thành lập các cơ quan chuyên trách về định giá tài sản ở từng địa phương.
Hoàn thiện các quy định của pháp luật về định giá tài sản giúp cho việc định giá tài
sản trong tố tụng hình sự được khách quan giúp cho việc áp dụng dấu hiệu định
lượng của các cơ quan tiến hành tố tụng được chính xác.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức
chấp hành pháp luật trong nhân dân liên quan đến các tội phạm có dấu hiệu định
lượng để phòng ngừa chung.
D. KẾT LUẬN
Dấu hiệu định lượng trong luật hình sự chiếm vị trí rất quan trọng giúp các cơ
quan tư pháp định tội danh một cách chính xác, xử lý đúng người, đúng tội. Tuy
nhiên, nghiên cứu và từng bước xây dựng dấu hiệu định lượng cho tất cả các cấu
thành tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự chưa được tiến hành
một cách thường xuyên, liên tục. Do vậy, dấu hiệu định lượng trong một số cấu
thành tội phạm cụ thể mới chỉ dừng lại ở một số tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe,
một số tội xâm phạm sở hữu, các tội phạm về chức vụ và một số tội phạm về ma


túy. Việc nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về dấu hiệu định lượng trong BLHS
đòi hỏi cần có sự quan tâm nghiên cứu và đóng góp của rất nhiều Cơ quan, Ban,
Ngành .. các cấp. Trong khuôn khổ là một bài tiểu luận, tác giả đã chọn lọc những
nét khái quát và nổi bật nhất về dấu hiệu định lượng trong BLHS để trình bày. Kính
mong các thầy cô cho ý kiến để tác giả hoàn thiện bài viết cũng như nâng cao kiến
thức của bản thân. Xin chân thành cảm ơn!./.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật hình sự năm 1999
2. Bộ luật hình sự năm 2015
3. Bài viết “Về dấu hiệu định lượng trong Bộ luật hình sự” của GS, TS Lê Thị

Sơn trong Tạp chí Luật học số 1/2005. Tr 47 – 52.
4. Luận văn thạc sỹ “Dấu hiệu định lượng trong luật hình sự Việt Nam, trên cơ
sở số liệu thực tiễn trên địa bàn tỉnh Đăk Nông” của tác giả Nguyễn Văn Giang,
năm 2015.
5. Bài viết “Cần hạn chế định lượng khi sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015” của
tác giả Phương Hiền đăng trên báo điện tử baochinhphu.vn ngày 10/05/2017.



×