Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

TIỂU LUẬN định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (90.8 KB, 11 trang )

TIỂU LUẬN
Đề tài: Định tội danh và Quyết định hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích
hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
A. MỞ ĐẦU
Trong thời gian gần đây, sự phát triển đô thị hóa nhanh kéo theo sự gia tăng
của tội phạm nói chung và tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức
khỏe người khác nói riêng, đặc biệt là gia tăng về mức độ, tính chất và thủ đoạn
phạm tội. Điều này xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân và an ninh
xã hội. Tuy nhiên, việc định tội danh và quyết định hình phạt đối với loại tội này
của các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp nhiều khó khăn, đôi khi còn nhầm lẫn,
thiếu chính xác dẫn đến việc xử lý chưa được nhanh chóng, hiệu quả, đúng người,
đúng tội, đúng pháp luật. Do đó, tác giả lựa chọn đề tài “Định tội danh và Quyết
định hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe
người khác” làm tiểu luận với mong muốn chỉ ra thực trạng áp dụng pháp luật, khó
khăn vướng mắc và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện hơn những quy định
của luật hiện hành cũng như nâng cao chất lượng công tác định tội danh và quyết
định hình phạt đối với tội phạm này.
B. ĐỊNH TỘI DANH VÀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI TỘI CỐ
Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE NGƯỜI
KHÁC.
1. Cơ sở pháp lý và một số vấn đề lý luận chung
1.1 Khái niệm
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác được quy
định tại Điều 104 BLHS 1999 và tại Điều 134 BLHS 2015. Căn cứ vào mô tả trong
cấu thành cơ bản của tội ta có thể hiểu Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho
sức khỏe người khác là hành vi cố ý dùng vũ lực hoặc thủ đoạn tác động lên cơ thể


của người khác nhằm mục đích gây tổn hại cho sức khỏe của người đó dưới dạng
thương tích hoặc tổn thương khác. Thương tích được hiểu là tổn hại cho sức khỏe
thể hiện qua dấu vết để lại trên cơ thể người bị tác động; tổn thương khác được hiểu


là tổn hại cho sức khỏe mà không thể hiện thành dấu vết trên cơ thể con người. Cả
thương tích và tổn thương đều làm suy giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn một hoặc
nhiều chức năng của cơ thể con người.
1.2. Cấu thành tội phạm và các đặc điểm
* Khách thể của tội phạm:
Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác xâm
phạm đến quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người đã được pháp luật công
nhận
* Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là chủ thể thông thường, không phải là chủ thể đặc biệt.
Tức là chủ thể của tội phạm này có thể là bất kì người nào có đủ năng lực trách
nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật quy định.
* Mặt khách quan của tội phạm
- Hành vi khách quan của tội phạm: Người phạm tội cố ý thực hiện các hành
vi tác động vào cơ thể của người khác làm cho người đó bị thương, bị tổn hại sức
khỏe. Những hành vi đó có thể được thực hiện với công cụ, phương tiện phạm tội
hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội hoặc có thể thông qua súc vật hay cơ
thể người khác…
- Hậu quả: Tội Cố ý gây thương tích là tội phạm có cấu thành vật chất. Vì vậy
hậu quả là dấu hiệu bắt buộc được quy định trong điều luật. Hành vi xâm phạm
đến sức khỏe để lại hậu quả là thương tích hoặc tổn thương khác cho sức khỏe ở
mức độ có tỷ lệ thương tật là 11% trở lên (đến 30%) hoặc dưới tỷ lệ đó nhưng
thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS 1999


hoặc khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 như: Dùng hung khí nguy hiểm, phạm tội đối
với ông bà, cha mẹ, người nuôi dưỡng, người chữa bệnh cho mình,… Các hành vi
gây hậu quả thương tích dưới 11% và không thuộc một trong các trường hợp trên
thì không phải là tội phạm.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thương tích hoặc tổn thương

khác là dấu hiệu bắt buộc của CTTP. Khi đã xác định có hành vi gây thương tích
tác động lên một người gây tổn hại cho sức khỏe cho người đó và hậu quả thương
tích để phải do hành vi gây thương tích để lại. Không thể xác định các thương tích
khác không phải do hành vi phạm tội gây ra để làm căn cứ xác định hậu quả của
hành vi phạm tội.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Có thể lỗi cố ý trực tiếp hoặc
lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội thực hiện hành vi có thể mong muốn hậu quả xảy
ra; có thể không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc và chấp nhận
hậu quả xảy ra. Nếu người thực hiện hành vi gây thương tích cho người khác nhưng
do lỗi vô ý thì không phạm tội này.
Từ những phân tích đánh giá ở trên ta có thể rút ra một số đặc điểm của tội Cố
ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
Thứ nhất, hành vi phạm tội chỉ với mục đích xâm phạm đến sức khỏe của
người khác mà không nhằm đến các quyền khác đã được pháp luật bảo hộ. Nếu
hành vi phạm tội nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản, nhằm mục đích tước đoạt
mạng sống, … thì sẽ phạm các tội khác.
Thứ hai, hành vi phạm tội với lỗi cố ý và bắt buộc phải thể hiện bằng hành
động. Khác với các tội phạm khác như “Tội không cứu giúp người trong tình trạng
nguy hiểm đến tính mạng”, “Tội không tố giác tội phạm”,.. là những hành vi phạm
tội thể hiện bằng không hành động.


2. Định tội danh đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức
khỏe người khác
2.1 Khái niệm
Trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, để có thể xác định được tội
phạm cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đúng pháp luật đối với người phạm
tội, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải thực hiện hoạt
động định tội danh. Định tội danh đúng chính là tiền đề cho việc phân hóa trách

nhiệm hình sự cũng như cá thể hóa hình phạt có căn cứ và đúng pháp luật.
Trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành không quy định cụ thể về định tội
danh mà định tội danh được xem là một khái niệm của khoa học hình sự Việt Nam.
Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm định tội danh đã được đưa
ra. Nhìn chung các quan điểm đều thể hiện: định tội danh là quá trình áp dụng pháp
luật hình sự và tố tụng hình sự, được tiến hành bởi các cơ quan tư pháp hình sự và
một số cơ quan khác có thẩm quyền và việc định tội danh phải được thực hiện trên
cơ sở các quy định của luật hình sự.
Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm về định tội danh và Điều 104 Bộ luật
hình sự năm 1999, Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, tác giả đưa ra khái niệm về
định tội danh tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác
như sau: Định tội danh đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức
khỏe người khác là hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự và pháp luật tố
tụng hình sự, do các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như một số cơ quan khác có
thẩm quyền theo quy định của pháp luật thực hiện trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu
thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để nhằm đối chiếu sự phù
hợp giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu
thành tội phạm cụ thể đã được quy định trong Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999
và Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, từ đó xác định người đã thực hiện hành vi


đó có phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hay
không.
2.2 Đặc điểm định tội danh
Từ nội dung của khái niệm và định nghĩa về định tội danh đối với tội tội cố ý
gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trên đây có thể thấy định
tội danh đối với loại tội phạm này có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, định tội danh đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho
sức khỏe người khác là một trong những dạng của hoạt động thực tiễn áp dụng
pháp luật hình sự.

Thứ hai, hoạt động thực tiễn này do các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm
quyền : Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án thực hiện theo quy định và trình tự
thủ tục được pháp luật quy định.
Thứ ba, định tội danh đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho
sức khỏe người khác được tiến hành trên cơ sở các chứng cứ, các tài liệu thu thập
được và các tình tiết khách quan của vụ án hình sự (vụ án cố ý gây thương tích
hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác) để đối chiếu, so sánh và xác định sự phù
hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các
dấu hiệu của cấu thành tội phạm quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999,
Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015.
Thứ tư, căn cứ pháp lý của việc định tội danh đối với tội cố ý gây thương tích
hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác chính là Điều 104 Bộ luật hình sự năm
1999, Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015và các văn bản hướng dẫn thi hành. Căn
cứ khoa học của việc định tội danh đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe người khác chính là cấu thành tội phạm này.
Thứ năm, kết quả của quá trình định tội danh đối với tội cố ý gây thương tích
hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác thể hiện thông qua một văn bản áp dụng


pháp luật của cơ quan, chủ thể có thẩm quyền do pháp luật quy định (ví dụ như
Quyết định khởi tố bị can, Cáo trạng, Bản án,…)
2.3 Ý nghĩa của việc định tội danh
Việc định tội danh đúng đối với tội phạm này có ý nghĩa như sau:
Một là, làm tiền đề cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình
phạt đối với người phạm tội có căn cứ và đúng pháp luật.
Hai là, việc định tội danh đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho
sức khỏe người khác có căn cứ và đúng pháp luật sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm
vụ và các chức năng của Bộ luật hình sự.
Ba là, việc định tội danh đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho
sức khỏe người khác có căn cứ và đúng pháp luật sẽ là cơ sở để áp dụng chính xác

và đúng đắn các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
3. Quyết định hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe người khác
3.1 Khái niệm
Quyết định hình phạt là một trong những giai đoạn cơ bản, một nội dung quan
trọng của quá trình áp dụng luật hình sự. Hiến pháp năm 1992 và Bộ luật Hình sự
năm 1999 (BLHS) quy định, chỉ có Toà án mới có quyền quyết định hình phạt.
Theo đó, Toà án nhân danh Nhà nước và căn cứ vào quy định của BLHS lựa chọn
loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể để áp dụng đối với người phạm tội
cụ thể. Như vậy “quyết định hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây
tổn hại cho sức khỏe người khác là việc Tòa án lựa chọn loại hình phạt và xác định
mức hình phạt quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999, Điều 134 Bộ luật
hình sự năm 2015 để áp dụng đối với người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe người khác”.


3.2. Căn cứ quyết định hình phạt đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khỏe người khác
Khi quyết định hình phạt, Toà án phải tuân thủ các nguyên tắc quyết định hình
phạt và các căn cứ quyết định hình phạt được quy định trong chương Quyết định
hình phạt (Điều 45 đến Điều 54 BLHS 1999). Theo đó căn cứ quyết định hình phạt
tại Điều 45 BLHS là: (1) Các quy định của BLHS; (2) Tính chất và mức độ nguy
hiểm của hành vi phạm tội; (3) Nhân thân người phạm tội và (4) Các tình tiết giảm
nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Điều 104 BLHS 1999 quy định có 04 khung hình phạt cho tội Cố ý gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Hình phạt thấp nhất là
Cải tạo không giam giữ và cao nhất là tù chung thân. Điều 134 BLHS 2015 cũng
quy định hình phạt từ thấp nhất đến cao nhất giống với quy định tại điều 104 của
BLHS 1999. Tuy nhiên Điều 134 BLHS có tới 06 khung hình phạt và quy định chi
tiết, cụ thể hơn các trường hợp phạm tội. Đặc biệt BLHS 2015 đã dành một khoản

riêng quy định về trường hợp chuẩn bị phạm tội đối với tội Cố ý gây thương tích.
Khi quyết định hình phạt đối với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại
cho sức khỏe của người khác, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc Tòa án lựa
chọn một hình phạt phù hợp là hậu quả thương tích để lại trên người nạn nhân.
Thương tích để lại trên cơ thể nạn nhân phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội của
hành vi phạm tội. Thương tích càng lớn, hành vi càng nguy hiểm cho xã hội. Chính
vì vậy mặc dù đã thay đổi một số quy định nhưng Điều 134 BLHS 2015 vẫn lấy tỉ
lệ thương tích như Điều 104 BLHS 1999 để làm căn cứ quyết định hình phạt. Tỉ lệ
thương tích được phân chia làm 04 mốc là dưới 11%, từ 11% đến 30%, từ 31% đến
60% và từ 61% trở lên. Ngoài ra BLHS còn quy định một trường hợp dẫn đến hậu
quả đặc biệt là “Làm chết người”. Đây là trường hợp đặc biệt mà hành vi cố ý gây
thương tích nhưng hậu quả lại tước đi mạng sống của nạn nhân.


Hậu quả, thương tích là yếu tố quan trọng khi quyết định hình phạt vì nó phản
ánh tính nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như những thiệt hại mà nạn nhân
phải chịu. Do đó khi quyết định hình phạt việc đầu tiên Tòa án xem xét là tỉ lệ
thương tích sau đó đến các tình tiết được khách quan của vụ án và các yếu tố khác
như nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để lựa chọn một hình phạt phù hợp
theo quy định của Bộ luật hình sự.
C. THỰC TRẠNG ĐỊNH TỘI DANH VÀ QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT
ĐỐI VỚI TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO
SỨC KHỎE NGƯỜI KHÁC
1. Thực trạng
Tội phạm Cố ý gây thương tích là một loại tội phạm phổ biến. Hàng năm có
hàng nghìn vụ án Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người
khác được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Chính vì là loại tội phạm phổ
biến nên trong thực tiễn áp dụng việc nhầm lẫn, tranh cãi giữa tội Cố ý gây thương
tích với các tội phạm khác xảy ra không phải hiếm.
Ví dụ thứ nhất: Do có mâu thuẫn từ trước, Vũ Văn Lập đã có hành vi cầm

sung kíp tự chế (không phải vũ khí quân dụng) đuổi theo gia đình ông Lê Quốc
Minh gồm 08 người đang chạy phía trước. Lập đuổi theo khoảng 20 mét, khi cách
gia đình ông Minh khoảng 13 mét, Lập dừng lại giơ súng lên nhằm vào người nhà
ông Minh đang chạy phía trước bóp cò nổ súng. Hậu quả làm anh Nông Văn Tuấn
là con rể ông Minh bị thương tích vào đùi, cẳng chân phải, cẳng chân trái, tổn hại
sức khỏe 03% vĩnh viễn. Anh Lê Văn Cường là con trai ông Minh bị thương tích
vào 1/3 dưới cẳng chân trái, tổn hại sức khỏe 03% vĩnh viễn. Viện kiểm sát nhân
dân tỉnh L ra Cáo trạng truy tố Vũ Văn Lập tội Giết người theo quy định tại Điều
93 của BLHS 1999. Tuy nhiên Tòa án nhân dân tỉnh L khi đưa vụ án ra xét xử đã
tuyên Vũ Văn Lập phạm tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 của
BLHS 1999.


Viện kiểm sát nhân dân tỉnh L căn cứ vào hành vi của Vũ Văn Lập là dùng
súng kíp tự chế là công cụ có khả năng sát thương cao nhằm vào gia đình ông Minh
và nổ súng. Việc hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của Vũ Văn
Lập. Trái với quan điểm đó, Tòa án nhân dân tỉnh L cho rằng hành vi của Vũ Văn
Lập để hậu quả thương tích đối với anh Nông Văn Tuấn và anh Lê Văn Cường mỗi
người 3% là thương tích nhỏ. Vũ Văn Lập không có ý định muốn tước đi mạng
sống của người nhà ông Lê Quốc Minh. Tác giả đồng ý với quan điểm của Tòa án
nhân dân tỉnh L. Mặc dù Vũ Văn Lập dung súng kíp tự chế bắn vào 08 người đang
chạy phía trước nhưng bản thân Lập không nhằm cụ thể vào ai. Súng kíp tự chế
cũng không phải là vũ khí quân dụng. Như vậy về mặt chủ quan, Vũ Văn Lập đã
thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp. Thương tích của 02 nạn nhân mỗi người
3% nên việc định tội danh Cố ý gây thương tích đối với Vũ Văn Lập là hoàn toàn
có cơ sở.
Ví dụ thứ hai:Do có mâu thuẫn từ trước nên bà Đinh Thị Tám đến đứng trên
bậc thềm trước cửa nhà bà Nguyễn Thị Bảy chửi vào trong nhà (bậc thềm cao 0,5m
so với mặt sân). Bực tức, bà Bảy từ trong nhà bước ra bậc thềm tát mạnh vào mặt
bà Tám và giơ tay đánh tiếp thì bà Tám lùi lại, trượt chân ngã ngửa ra phía sau và

đập đầu xuống nền sân xi măng. Đến 16h cùng ngày bà Tám chết. Viện kiểm sát
nhân dân truy tố bà Bảy về tội Vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 98 của
BLHS. Trong thời gian chuẩn bị xét xử, Tòa án nhân dân huyện N trả hồ sơ điều tra
bổ sung vì cho rằng hành vi phạm tội của bà Bảy có dấu hiệu của tội Cố ý gây
thương tích và thuộc trường hợp dẫn đến chết người theo quy định tại khoản 3 điều
104 BLHS 1999.
Trường hợp này tác giả cũng đồng ý với quan điểm của Tòa án nhân dân
huyện N vì bà Nguyễn Thị Bảy đã có hành vi tát vào mặt bà Tám sau đó giơ tay
định đánh tiếp. Hành vi của bà Bảy là cố ý tác động lên sức khỏe của bà Tám. Tuy
nhiên đối với hậu quả chết người xảy ra bà Bảy không thấy trước được hậu quả.
Đây là trường hợp lỗi hỗn hợp, bà Bảy cố ý về hành vi nhưng vô ý với hậu quả. Do


đó Tòa án cho rằng bà Bảy phạm tội Cố ý gây thương tích thuộc trường hợp dẫn
đến chết người là hoàn toàn có cơ sở.
Từ hai ví dụ trên có thể thấy việc nhầm lẫn trong quá trình định tội danh đối
với tội Cố ý gây thương tích là phổ biến. Cần thiết phải có những hướng dẫn cụ thể
để việc định tội danh đối với tội phạm này được chính xác góp phần tránh oan sai
và bỏ lọt tội phạm.
Như đã phân tích ở phần trên, hậu quả là yếu tố bắt buộc và là cơ sở để xỷ lý
đối với người phạm tội Cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay việc
nạn nhân từ chối đi giám định thương tích xảy ra không ít. Chính vì thế mà các cơ
quan tiến hành tố tụng không có căn cứ để xử lý người phạm tội.
2. Giải pháp
Đối với thực trạng những khó khăn trong việc định tội danh và quyết định
hình phạt đối với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người
khác như đã nêu ở trên, tác giả đề xuất một số giải pháp khắc phục như sau:
- Hoàn thiện các quy định của pháp luật và bổ sung các văn bản hướng dẫn thi
hành đối với BLHS nói chung và tội Cố ý gây thương tích nói riêng.
- Nâng cao nhận thức pháp luật của những người tiến hành tố tụng cũng như

những người làm công tác giải thích, hướng dẫn pháp luật.
- Quy định chi tiết các trường hợp phải bắt buộc đi giám định tỉ lệ thương tích
để làm cơ sở xử lý đối với loại tội phạm này.
D. KẾT LUẬN
Từ những phân tích đánh giá ở trên ta có thể nhận thấy tội Cố ý gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác về mặt lý luận cũng như thực
tiễn áp dụng việc định tội danh và quyết định hình phạt còn rất nhiều vấn đề cần
hoàn thiện. Với khuôn khổ là một bài tiểu luận, tác giả đã chọn lọc những nét nổi
bật nhất để trình bày. Kính mong các thầy cô cho ý kiến để tác giả hoàn thiện bài
viết cũng như nâng cao kiến thức của bản thân. Xin chân thành cảm ơn.


MỤC LỤC



×