Tải bản đầy đủ (.docx) (13 trang)

Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (100.34 KB, 13 trang )

MỤC LỤC

A/ PHẦN MỞ ĐẦU
Để phát triển kinh tế bền vững, bất kì nhà nước nào cũng đều phải quan tâm
bảo vệ người tiêu dùng – được xem là một bên yếu thế trong tương quan với các
chủ thể kinh doanh trên thị trường. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được
Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2010 đã góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp
của người tiêu dùng bằng việc bổ sung nhiều quy định quan trọng, đặc biệt là việc
quy định cụ thể các trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ
đối với người tiêu dùng tại Chương II. Trong đó, trách nhiệm thu hồi hàng hóa có
khuyết tật được xem là một trách nhiệm cần thiết và tiến bộ, phù hợp với quy định
chung của pháp luật các nước trên thế giới.
Để tìm hiểu sâu hơn về loại trách nhiệm này, em xin chọn đề tài: “Trách
nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân kinh doanh với
người tiêu dùng theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010”. Do vốn
hiểu biết của em còn hạn chế nên bài làm khó tránh khỏi những thiếu sót, em rất
mong nhận được sự góp ý từ quý thầy cô để bài làm của em được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!

1


B/ PHẦN NỘI DUNG
I/ Khái quát chung về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật của tổ
chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng
Theo Khoản 3 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì:
“Hàng hóa có khuyết tật là hàng hóa không đảm bảo an toàn cho người tiêu
dùng, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu
dùng, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy
chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng
hóa được cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm:


a/ Hàng hóa sản xuất hàng loạt có khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật;
b/ Hàng hóa đơn lẻ có khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến,
vận chuyển, lưu giữ;
c/ Hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng
nhưng không có hướng dẫn, cảnh cáo đầy đủ cho người tiêu dùng.”
Theo quy định của pháp luật, tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi đưa
hàng hóa của mình vào lưu thông phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Tuy
nhiên, nhiều trường hợp vẫn không tránh khỏi hàng hóa phát sinh khuyết tật gây
thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng về tài sản, sức khỏe thậm chí
là tính mạng. Trong những trường hợp này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh buộc
2


phải thực hiện trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật theo quy định của Luật
bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những
hậu quả xảy ra.
Mặc dù, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các văn bản hướng
dẫn không nêu định nghĩa về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật của tổ
chức, cá nhân kinh doanh nhưng dựa vào khái niệm hàng hóa có khuyết tật nêu
trên, có thể hiểu: “Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật là việc tổ chức, cá
nhân kinh doanh thực hiện việc thu hồi đối với hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại
hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng do mình sản xuất, cung
ứng.” 1
Theo đó, trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân
kinh doanh đối với người tiêu dùng mang những đặc điểm cơ bản2 sau:
Một là, cơ sở phát sinh trách nhiệm thu hồi hàng hóa là việc hàng hóa có
khuyết tật, không đảm bảo an toàn cho nhiều người tiêu dùng. Có thể khuyết tật đó
là do nhà sản xuất không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nhưng cũng có thể là
do yếu tố kỹ thuật tại thời điểm sản xuất chưa thể phát hiện được khuyết tật của
hàng hóa. Nhưng trong mọi trường hợp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa khuyết tật

đều phải có trách nhiệm thu hồi hàng hóa để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng
và cộng đồng.
Hai là, trách nhiệm thu hồi hàng hóa chỉ áp dụng đối với hàng hóa hữu hình
vì vấn đề “khuyết tật” không đặt ra đối với hàng hóa vô hình hoặc dịch vụ.
Ba là, trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật không phụ thuộc vào hậu
quả mà hàng hóa đó gây ra cho người tiêu dùng. Bởi có nhiều trường hợp, hàng
hóa phát sinh khuyết tật nhưng khuyết tật đó không ảnh hưởng nhiều đến tính
năng, công dụng của hàng hóa nhưng việc thu hồi vẫn là trách nhiệm của tổ chức,
1 Trường Đại học Luật Hà nội, Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tr 125.
2 Theo quan điểm của Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Trường Đại học luật Hà nội.

3


cá nhân kinh doanh. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá
nhân kinh doanh, buộc họ hướng tới cung cấp những hàng hóa hoàn thiện nhất.
Bốn là, trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật không chỉ là trách nhiệm
của nhà sản xuất mà còn có thể là trách nhiệm của nhà nhập khẩu. Trong nền kinh
tế hội nhập hiện nay, hàng hóa nhập khẩu từ các nước ngày càng nhiều, nhưng vấn
đề đặt ra là: khi những hàng hóa này phát sinh khuyết tật thì ai sẽ là người chịu
trách nhiệm thu hồi? Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Luật đã quy định
các tổ chức, cá nhân kinh doanh nhập khẩu hàng hóa đó có trách nhiệm thu hồi.
II/ Quy định của pháp luật về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết
tật của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng
Trước khi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 được ban hành
và có hiệu lực ở Việt Nam thì vấn đề thu hồi hàng hóa có khuyết tật vẫn còn là một
khoảng trống pháp lý, khiến cho nhiều vụ việc trên thực tế không thể giải quyết
được, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhận rõ được
điều đó, Luật bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 ra đời đã quy định riêng vấn đề
này trong Điều 22 để làm cơ sở pháp lý điều chỉnh. Theo đó, khi phát hiện hàng

hóa có khuyết tật tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có các trách
nhiệm sau:
Trước hết, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần phải kịp thời tiến hành mọi
biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.
Đồng thời thực hiện việc công bố hàng hóa có khuyết tật trên các phương tiện
thông tin đại chúng và các cách thức khác nhằm nhanh chóng đưa thông tin đến với
người tiêu dùng. Theo quy định của pháp luật, các tổ chức cá nhân kinh doanh phải
thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất
5 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 5 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình
tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông với các nội dung chính sau:
a/ Mô tả hàng hóa phải thu hồi;
4


b/ Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của
hàng hóa gây ra;
c/ Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa;
d/ Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá
trình thu hồi hàng hóa;
Ngay sau đó, phải tiến hành thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật theo
đúng nội dung đã thông báo công khai và phải chịu hoàn toàn các chi phí phát sinh
trong quá trình thu hồi kể cả trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không có lỗi.
Quy định như vậy để đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng, để tất cả
những người tiêu dùng mua phải hàng hóa có khuyết tật đều được sửa chữa, thay
thế hàng hóa an toàn hơn.
Song song với đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải có trách nhiệm
báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật sau khi hoàn thành việc thu
hồi; trường hợp việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ
hai tỉnh trở lên thì báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền

lợi người tiêu dùng ở trung ương. Trong đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa
phương là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa
phương, có Sở Công thương là cơ quan giúp chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh
thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.
Còn Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng ở trung ương, có Cục quản lý cạnh tranh là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công
thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.3
Đồng thời, bên cạnh việc quy định các trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân
kinh doanh, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định các mức xử
phạt vi phạm hành chính đối với những vi phạm của họ trong việc thu hồi hàng hóa
3 Điều 34 Nghị định 99/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng.

5


có khuyết tật nhằm tạo sự trừng phạt, răn đe và ngăn chặn hành vi vi phạm. Vấn đề
này được quy định cụ thể tại Điều 76 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử
phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả,
hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thương nhân
sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có khuyết tật có một trong các hành vi vi phạm sau
đây:
a) Không tiến hành biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp hàng hóa có
khuyết tật trên thị trường;
b) Không thực hiện đúng việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật theo nội dung
đã thông báo công khai hoặc không thanh toán các chi phí phát sinh trong quá
trình thu hồi.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với thương nhân
sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có khuyết tật có một trong các hành vi vi phạm sau

đây:
a) Không thông báo công khai về hàng hóa khuyết tật và việc thu hồi hàng
hóa đó theo quy định;
b) Không báo cáo kết quả thu hồi hàng hóa có khuyết tật cho cơ quan quản
lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi hàng hóa có khuyết tật đối với hành vi vi phạm quy định tại
khoản 1 Điều này.”
III/ Thực trạng thực thi pháp luật về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có
khuyết tật của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng
1/ Tích cực
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có hiệu lực đã tạo ra khung
pháp lý để việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật được thực hiện nhanh chóng, có
6


hiệu quả và đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng. Trên thực tế trong mấy
năm gần đây đã diễn ra rất nhiều vụ việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật như
Chương trình thu hồi dây nguồn A LS-15 sử dụng cho máy tính xách tay IdeaPad
và các dòng máy tính xách tay khác của Lenovo; Chiến dịch thu hồi kiểm tra và
thay thế cụm bơm khí của túi khí người lái trên xe Vitz/ Yarris/ RAV4 của Toyota;
Chương trình thu hồi để kiểm tra và xử lý liên quan đến sản phẩm Piaggio Vespa 3
VAN của công ty TNHH Piaggio Việt Nam; Chương trình triệu hồi để xử lý lỗi
thiết bị làm phồng túi khí đối với ô tô BMW Series 3 đời E46 được sản xuất từ
năm 1999 đến 2006; Chương trình thu hồi mỹ phẩm làm trắng da thương hiệu
Kanebo; chương trình thu hồi hệ thống loa của Bose....4
Hầu hết các chương trình thu hồi hàng hóa khuyết tật đều được các tổ chức,
cá nhân kinh doanh thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo điều
kiện thuận lợi nhất cho người tiêu dùng khi mua phải hàng hóa có khuyết tật. Ngay
khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật, các tổ chức cá nhân kinh doanh đã thực hiện

mọi biện pháp để ngăn chặn việc cung cấp sản phẩm có khuyết tật ra thị trường
như ngừng sản xuất hàng hóa có khuyết tật; thông báo cho các đại lý, cơ sở phân
phối, bán buôn bán lẻ ngừng bán hàng hóa;... Đồng thời họ thường chủ động thông
báo về chương trình tới Cục Quản lý cạnh tranh và báo cáo tiến độ theo từng mốc
thời gian thực hiện của chương trình. Sự chủ động phối hợp này từ phía các tổ
chức, cá nhân không chỉ tăng cường hiệu quả của chương trình thu hồi mà còn góp
phần nâng cao hình ảnh thương hiệu của tổ chức, cá nhân trong suy nghĩ của người
tiêu dùng. Cùng với đó, các tổ chức cá nhân kinh doanh cũng tiến hành thông báo
về việc thu hồi hàng hóa khuyết tật trên báo, trên đài phát thanh và kết hợp với việc
đăng tải trên các trang thông tin điện tử. Đặc biệt, với những tổ chức, cá nhân kinh
doanh đã xây dựng hệ thống thông tin (website, hệ thống thông tin nội bộ...) trong
hoạt động của tổ chức, cá nhân và hình thành mạng lưới phân phối, chăm sóc
4 Các vụ việc được lấy trên trang thông tin .

7


khách hàng thì một trong những kênh truyền tin quan trọng và hiệu quả chính là
thông qua website của tổ chức, cá nhân và mạng lưới đại lý phân phối sản phẩm.
Cách thức này hiện đã được các công ty Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt
Nam...thực hiện hiệu quả trong các chương trình thu hồi đã diễn ra.
2/ Hạn chế
Bên cạnh những tổ chức, cá nhân kinh doanh đã thực hiện đúng trách nhiệm
trong việc thu hồi hàng hóa có khuyết tật thì vẫn còn không ít những trường hợp
các tổ chức, cá nhân kinh doanh trốn tránh hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm
mà pháp luật quy định. Điển hình là vụ việc sản phẩm nước giải khát của công ty
Tân Hiệp Phát bị người tiêu dùng phản ánh là có hiện tượng đóng cặn màu trắng
đục, xuất hiện nhiều bọt sủi và có dị vật ở bên trong. 5 Người tiêu dùng trên cả nước
đã rất nhiều lần mua phải những sản phẩm này của công ty và cũng đã phản hồi
đến công ty để yêu cầu công ty phải giải thích. Nhưng trước những sự cố đó, Tân

Hiệp Phát không chịu nhận trách nhiệm, chỉ thừa nhận là hàng của công ty và giải
thích do sơ suất kỹ thuật nên xảy ra hiện tượng trên mà không đề cập đến việc sẽ
thu hồi những sản phẩm có khuyết tật này. Không chỉ vậy, công ty Tân Hiệp Phát
còn sử dụng những “chiêu trò” bồi thường để xử lý người tiêu dùng đã phát hiện ra
lỗi của sản phẩm. Cụ thể là, một mặt công ty đồng ý bồi thường cho người tiêu
dùng theo thỏa thuận nhưng mặt khác lại âm thầm trình báo với cơ quan công an
để đến khi 2 bên thực hiện trao đổi tiền thì người tiêu dùng sẽ bị bắt vì tội cưỡng
đoạt tài sản. Hành động của công ty không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật
về trách nhiệm thu hồi của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi có hàng hóa khuyết tật
mà còn thể hiện sự yếu kém về đạo đức trong kinh doanh. Hơn thế nữa, sự việc của
công ty Tân Hiệp Phát đã diễn ra trong nhiều năm nay gây nhiều thiệt hại cho
người tiêu dùng nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý thỏa
5 Vụ việc được lấy từ báo VTC News

8


đáng. Đây cũng chính là một trong số những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc
thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta vẫn còn chưa thực sự hiệu quả.
Hay như một vi phạm khác trong việc thu hồi máy ảnh Canon PowerShot
SX50 HS có các con số thứ nhất và thứ hai từ trái qua của dãy số seri là “69”,
“70”, hoặc “71” và con số thứ sáu của dãy số seri là “1” sẽ phải thu hồi để thay thế.
Dòng sản phẩm máy ảnh như nói trên có miếng đệm cao su nằm ở trước ô kính
ngắm có thể gây kích ứng và phát ban da cho người sử dụng. Tuy nhiên, Công ty
TNHH Canon Marketing Việt Nam – một đại diện của hãng Canon tại Việt Nam đã
không thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài...
Mà thay vào đó, Công ty này chỉ thực hiện thông báo ở trang website của mình tại
Việt Nam.6 Đây đã là một hành vi vi phạm quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi
người tiêu dùng, chưa đảm bảo sự thông báo công khai cho toàn bộ người tiêu
dùng biết đến chương trình thu hồi sản phẩm. Thêm vào đó, công ty cũng không

tiến hành báo cáo kết quả thu hồi cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng sau khi hoàn thành việc thu hồi. Như vậy, hành vi của Công ty
này đã không tuân theo đúng các trình tự mà pháp luật yêu cầu khi thu hồi hàng
hóa có khuyết tật, chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, một thực tế hiện nay xảy ra khá phổ biến là việc các tổ chức, cá
nhân kinh doanh mặc dù có thực hiện thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhưng chỉ thu
hồi được một số lượng rất nhỏ sản phẩm lỗi đang lưu thông trên thị trường. Trước
đây, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 100.000 sản phẩm ô tô có khuyết tật và
yêu cầu nhà sản xuất thu hồi. Tuy nhiên, kết quả doanh nghiệp chỉ thu hồi được
hơn 1.000 chiếc. Riêng mặt hàng xe gắn máy, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện
2.500 vít bình xăng gây chập điện (nguyên nhân gây cháy xe) nhưng bên có trách
nhiệm chỉ thu hồi được 1.000 sản phẩm…7 Bởi chỉ làm như vậy vừa có thể đáp
6 Vụ việc được lấy từ báo VTC News
7 Số liệu được lấy từ Công truyền thông Chống hàng giả Việt Nam CHG.VN

9


ứng đúng yêu cầu mà pháp luật đặt ra nhưng lại vừa có thể giảm bớt chi phí sửa
chữa, thay thế hàng hóa có khuyết tật. Tuy vậy, hành vi này trong pháp luật hiện
hành không được quy định thành một hành vi vi phạm nên không có cơ sở pháp lý
để có thể xử phạt các tổ chức, cá nhân kinh doanh.
IV/ Kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật và quá trình thực thi
pháp luật về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật của tổ chức, cá nhân
kinh doanh đối với người tiêu dùng
Từ những quy định pháp luật và thực trạng thực thi pháp luật hiện nay, em
xin được đưa ra một số ý kiến mà em cho rằng hợp lý để góp phần hoàn thiện pháp
luật và giúp cho quá trình thực thi pháp luật được hiệu quả hơn. Cụ thể là:
1/ Hoàn thiện pháp luật
Hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định trách nhiệm báo cáo với các cơ quan

có thẩm quyền của các tổ chức, cá nhân kinh doanh về kết quả thu hồi sau khi hoàn
thành việc thu hồi mà không quy định trách nhiệm thông báo với các cơ quan chức
năng trước khi thu hồi. Điều này làm cho quá trình thu hồi không đạt được hiệu
quả cao vì không có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước. Vì vậy, em cho
rằng cần phải quy định thêm việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh có hàng hóa thu
hồi phải có trách nhiệm thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền
lợi người tiêu dùng trước khi tiến hành thu hồi.
Thêm vào đó, xuất phát từ thực tế quá trình thu hồi hàng hóa, em cho rằng
cũng cần phải quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh khi cố tình
không thu hồi hết sản phẩm có khuyết tật. Có thể quy định theo tỷ lệ phần trăm số
lượng hàng hóa phải thu hồi được trên tổng số sản phẩm có khuyết tật phải thu hồi
(ví dụ là 85%). Chỉ có vậy, mới có thể ràng buộc trách nhiệm cho các tổ chức, cá
nhân kinh doanh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và góp phần
hình thành thị trường hàng hóa có chất lượng tốt nhất.
10


Cùng với đó, mức phạt hiện nay đối với các hành vi vi phạm về trách nhiệm
thu hồi hàng hóa có khuyết tật của các tổ chức, cá nhân còn thấp so với những
khoản chi phí mà họ giữ lại được khi không thu hồi. Vì vậy, em nghĩ cần phải nâng
mức phạt hành chính để đảm bảo sức răn đe, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi
vi phạm xảy ra.
2/ Hoàn thiện quá trình thực thi pháp luật
Về phía các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cần phải tổ chức những buổi hội
thảo về trách nhiệm của họ đối với người tiêu dùng khi hàng hóa phát sinh khuyết
tật để họ có thể nhận thức và biết cách ứng xử đúng pháp luật. Đồng thời, chính
bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải tự nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo
đức của một nhà kinh doanh đối với người tiêu dùng cũng như đối với xã hội.
Về phía người tiêu dùng, thực tế người tiêu dùng ở nước ta hiện nay còn
chưa nhận thức được hết quyền lợi của mình vì vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên

truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân thông qua các hình thức hội
nghị, hội thảo, treo biểu ngữ khẩu hiệu, tổ chức mit tinh, tuần hành...
Về phía cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đội
ngũ cán bộ quản lý còn ít, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao nên chưa đáp
ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra. Hầu hết các Sở công thương chưa có một bộ
phận, thậm chí là một cán bộ chuyên trách thực hiện chức năng bảo vệ người tiêu
dùng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa chủ động giành nguồn kinh phí hợp
lý cho hoạt động này, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia vào bảo vệ quyền
lợi của người tiêu dùng còn chưa được hiệu quả. Vì thế, trong thời gian tới, chúng
ta cần mở rộng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ người tiêu dùng tại các địa
phương, các tổ chức, xã hội và tiến hành những khóa đào tạo huấn luyện để nâng
cao trình độ nghiệp vụ cho độ ngũ cán bộ. Đồng thời, tạo lập và phát triển các quỹ

11


bảo vệ người tiêu dùng ở các địa phương để có đủ kinh phí cho hoạt động tiêu
dùng.8

C/ PHẦN KẾT THÚC
Trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật là một trách nhiệm bắt buộc mà
các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện theo quy định của pháp luật bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng hiện hành. Thực tế mấy năm trở lại đây, đã có rất nhiều
các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật đã chủ động
thực hiện thu hồi hàng hóa vừa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng vừa làm
cho uy tín của họ trên thị trường được nâng cao. Nhưng bên cạnh đó, trong vấn đề
này vẫn còn tồn tại không ít những sai phạm từ phía các tổ chức, cá nhân kinh
doanh cũng như sự thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước và sự thiếu hiểu biết
của người tiêu dùng. Vì vậy, để góp phần đưa Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu
dùng vào thực thi hiệu quả cần phải có sự góp sức của tất cả mọi thành viên trong

xã hội từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội đến các tổ chức cá nhân kinh
doanh và toàn bộ người tiêu dùng trên cả nước.

8 Bài tổng kết “Nhìn lại hai năm thực thi Luật bảo vệ người tiêu dùng – sự khởi đầu hiệu quả và nhiều thách thức”
trên trang thông tin http://bvntd. vca. gov. vn

12


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
2. Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật bảo vệ quyền lợi người tieu dùng
3. Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong
hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng
4. Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trường Đại học Luật
Hà nội, NXB Công an nhân dân.
5.
6. Công truyền thông Chống hàng giả Việt Nam CHG.VN
7. Báo VTC News

13



×