Tải bản đầy đủ (.docx) (14 trang)

TL. Yếu tố huyền thoại trong truyện ngắn BIẾN DẠNG của Kapka. Nguyễn Thành Phúc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (123.29 KB, 14 trang )

MỤC LỤC
I. DẪN NHẬP...................................................................................................................2
II. NỘI DUNG...................................................................................................................3
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU CHUNG..............................................................................3
1.1. Tác giả Kapka và tác phẩm “Biến dạng”...............................................................3
1.1.1. Tác giả Kapka.................................................................................................3
1.1.2. Tác phẩm “Biến dạng”....................................................................................3
1.2. Huyền thoại và huyền thoại hóa trong Văn học.....................................................4
1.2.1. Huyền thoại.....................................................................................................4
1.2.2. Huyền thoại hóa trong Văn học.......................................................................4
1.3. Một số phương thức xây dựng huyền thoại trong văn học....................................5
CHƯƠNG 2: YẾU TỐ HUYỀN THOẠI TRONG “BIẾN DẠNG” - KAPKA...............6
2.1. Tái tạo những motif và sử dụng biểu tượng...........................................................6
2.2. Yếu tố hoang đường kỳ ảo.....................................................................................8
2.3. Tư duy huyền thoại...............................................................................................9
III. KẾT LUẬN................................................................................................................. 10
TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................................................11

1


I. DẪN NHẬP
Kafka là một trong những nhà văn xuất sắc của thế kỷ XX, được xem là một thiên tài
kỳ quái và là hiện tượng văn học có sức ảnh hưởng sâu sắc “có những nhà văn mà ta
không thể xếp họ vào trường phái nào nhưng tác phẩm của họ lại thật sự là những cái
móc của quá trình văn học thế giới . Họ là những hiện tượng mà sự lập lại sẽ là vô vị,
Kapka chính là một hiện tượng như thế” 1 . Ông đã khiến văn đàn thế giới phải chuyển
mình tích cực, có thể được xem Kafka như một “cơn địa chấn” cực mạnh khiến cho chủ
nghĩa hiện đại có khả năng khuyếch tán rộng khắp tới mọi nền văn học.
Văn phong của Kafka là tiếng vọng duy nhất trong nền văn chương đương đại.
Những ảo giác mà ông mang đến có khả năng đưa độc giả về một cõi của giấc mơ, về với


những câu chuyện huyền bí, hoang đường. Kafka sáng tác không nhiều, ba tiểu thuyết và
hơn mười truyện ngắn. Chỉ với một số lượng tác phẩm khiêm tốn như thế, ông đã thực sự
làm một cuộc cách tân to lớn trong văn học nghệ thuật. Những đóng góp của ông biểu
hiện trên hai phương diện: cách cảm nhận mới mẻ về con người, cuộc sống và những
phương thức biểu hiện độc đáo, sáng tạo. Có thể nói rằng, Kafka đã là người mở đầu cho
khuynh hướng viết về thân phận con người trong xã hội đầy rẫy những điều phi lý bị con
người chối bỏ. Ông là người đã sớm có những cảm nhận sâu sắc và thấm thía về sự tha
hoá, nỗi lo âu, sự lưu đày và cái chết của con người thời hiện đại, về việc thế giới ngày
càng trở nên vô hình và bí ẩn.
Huyền thoại có một vai trò hết sức to lớn trong đời sống của người nguyên thủy. Và
có lẽ tổ tiên loài người cũng không thể ngờ rằng trong đời sống văn học hiện đại, các yếu
tố huyền thoại còn được các nhà văn đưa vào tác phẩm của mình như một phương thức
nghệ thuật để phản ảnh thực tại cuộc sống. Đã từ lâu người ta vẫn thường hay nói đến yếu
tố huyền thoại trong sáng tác của Kapka như một đặc trưng nghệ thuật của ông, rất nhiều
các bài nghiên cứu tìm cách giải mã các bí ẩn trong con người và tác phẩm nhà văn,
nhưng mọi hiểu biết về Kapka và tác phẩm của ông chưa bao giờ dừng lại ở bất kì cách

1 Trang web: phebinhvanhoc.com.vn, Văn học phi lí – một loại hình phản kháng đặc biệt của chủ nghĩa hiện đại,
/>ngày đăng: 10/05/2015, ngày truy cập: 10/04/2018.
2


hiểu nào. Đúng thực như thế, thế giới nghệ thuật của Kapka cho đến nay vẫn còn rất nhiều
bí ẩn đặc biệt là yếu tố huyền thoại trong sáng tác của ông.
“Biến Dạng” hay “Hóa Thân” là một tác phẩm phổ biến khắp nơi trên thế giới, trong
tác phẩm được nhà văn sử dụng rất nhiều những yếu tố huyền thoại. Đây được xem là một
trong những tác phẩm văn học hư cấu có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế kỷ 20 và đã được
đưa vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu ở nhiều trường đại học ở Phương Tây và Việt
Nam.
Chính những lí do trên, chúng tôi quyết định chọn “yếu tố huyền thoại trong truyện

ngắn “biến dạng” của kafka” làm đề tài tiểu luận
II. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU CHUNG
1.1. Tác giả Kapka và tác phẩm “Biến dạng”
1.1.1. Tác giả Kapka
Franz Kafka là nhà văn Tiệp, viết tiếng Đức và được xem là một trong những nhà
văn lớn nhất thế kỉ XX. Tư tưởng của ông có tác động sâu rộng không chỉ tới văn học
mà cả xã hội phương Tây. Ông được xem là người mở đường cho văn xuôi hiện đại và
là bậc thầy về cách tân trong văn học. Kafka được nhiều người ca ngợi và so sánh với
những tên tuổi vĩ đại như: Danta, Shakespeare, Goathe, đại văn hào F.M. Dostoyevsky,
ngang hàng với James Joyce, Marcel Proust…
Franz Kafka sống trong một thời kỳ xã hội đầy biến động. Nhất là khi các phong
trào đàn áp người Do thái diễn ra mạnh mẽ vào đầu thế kỉ XX. Khi còn nhỏ, cậu bé
Franz đã rất kinh hãi khi thấy ngôi nhà của những người hàng xóm bị kẻ lạ mặt đến đập
phá tới mức chỉ còn là một đống gạch vụn. Gia đình nhà văn may mắn thoát nạn vì họ
“Kafka” nghe không giống như họ của người Do thái.
Cuộc đời của ông như một cuốn nhật ký đặc biệt và kỳ lạ. Ông đi học trở thành luật
sư, nhưng sau đó ông đi làm ở công ty bảo hiểm và bắt đầu viết truyện ngắn trong lúc
rảnh rỗi. Ông đã đốt hầu hết các tác phẩm của mình trước khi qua đời và để lại di chúc
nhờ người bạn thân Max Brod thiêu hủy giấy tờ còn lại. Nhưng Max đã không làm theo
3


di nguyện của ông, để giờ đây, thế giới biết đến một cây bút vĩ đại đã từng tồn tại.
Trong gia tài văn chương của Kafka, Vụ án, Lâu đài, và Hóa thân được đánh giá là
những tác phẩm nổi tiếng nhất, là minh chứng rõ nét thể hiện phong cách văn chương,
tư tưởng và tâm hồn của Kafka.
1.1.2. Tác phẩm “Biến dạng”
“Hoá thân” hay “Biến dạng” là truyện vừa xuất bản năm 1915. Truyện kể về Gregor
Samsa, nhân viên giao hàng, trong một lần tỉnh dậy sau giấc mơ đã bị biến thành một con

bọ. Cuộc biến đổi ấy kéo theo một loạt những xáo trộn trong công việc và ảnh hưởng đến
gia đình (gồm bố mẹ và một cô em gái) của Samsa. Từ một người từng là “trụ cột gia
đình”, Samsa bỗng chốc trở thành kẻ vô dụng chỉ sau một đêm. Gánh nặng bắt đầu đè lên
vai những thành viên còn lại của gia đình. Trong lúc đó, Samsa cũng loay hoay trong hình
dáng mới của bản thân, và phải hứng chịu cả sự ghẻ lạnh từ người bố. Một lần, vì quá tức
giận, ông ném quả táo vào người Samsa. Quả táo đã khiến Samsa không thể chuyển động
được một cách tự nhiên, sự chăm sóc của người em gái cũng thưa thớt dần. Trong một lần
nghe được cuộc nói chuyện giữa bố mẹ và em gái, Samsa quá đau khổ, chui vào căn
phòng riêng và trút hơi thở cuối cùng. Sau sự ra đi của Samsa, không khí gia đình trở nên
nhẹ nhõm và thoải mái hẳn. Mọi người cùng vui vẻ trong chuyến đi chơi xuống phố, đặc
biệt là cô em gái Crete.
1.2. Huyền thoại và huyền thoại hóa trong Văn học
1.2.1. Huyền thoại
Huyền thoại là một thuật ngữ không chỉ xuất hiện trong Văn học nghệ thuật mà còn
xuất hiện trong các lĩnh vực khác. Con người đối diện trước vũ trụ, dù vuông hay tròn đều
thấy mình quá nhỏ bé, nhìn vũ trụ như một cõi vô tận, một cái gì to lớn, vĩ đại vượt tầm
nhìn và suy nghĩ của bản thân, vì thế mà hãi hùng trước tạo hóa thiên nhiên đã nảy sinh ra
nhiều hiện tượng lạ; từ đó họ tưởng tưởng ra một hình ảnh khác lạ hơn con người, có
quyền năng và một sức mạnh vô biên để chống trả những cản ngăn, trắc trở từ thế giới tự
nhiên, huyền thoại ra đời từ đó.

4


Huyền thoại trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lời nói” nhưng đấy không phải là lời
nói bình thường mà là một loại “lời nói mơ hồ” cần phải suy đoán mới có thể hiểu được
ẩn ý bên trong. Hoàng Phê cho rằng “huyền thoại là câu chuyện huyền hoặc, kỳ lạ hoàn
toàn do tưởng tượng” cách định nghĩa này của nhà nghiên cứu Hoàng Phê đồng nhất
huyền thoại và thần thoại với nhau; trái ngược với ý kiến đó, nhà nghiên cứu Lại Nguyên
Ân cho rằng:

Thần thoại nguyên thủy và cổ đại vốn không chỉ là thi ca là sự hiểu biết về thế giới
tự nhiên và xã hội, mà còn là nghi lễ sùng bái thể hiện sự khuất phục của con người trước
các sức mạnh khó hiểu, đầy tai họa của tự nhiên và xã hội. Với cách cắt nghĩa này, Lại
Nguyên Ân có sự phân biệt: ông gọi những sáng tác có ý thức xã hội, có yếu tố tín
ngưỡng là thần thoại, còn những sáng tác huyền thoại về sau là xu hướng huyền thoại
hóa.
Từ những nhận định trên ta có thể thấy rằng huyền thoại là khái niệm dùng để chỉ
những truyện hoang đường xuất hiện nơi dân gian (Người nguyên thủy không giải thích
nổi nhiều hiện tượng của tự nhiên và của đời sống xã hội. Nhu cầu hiểu biết đã thôi thúc
trí tưởng tượng của họ thêu dệt nên những truyện hoang đường, kể về các sự tích của thần
thánh hoặc anh hùng nhằm giải thích những hiện tượng đó), trong đó, các sức mạnh của
tự nhiên và các hiện tượng tiêu biểu của cuộc sống thường được nhân cách hóa, mang
hình dạng người. Mọi hoạt động, mọi cuộc phiêu lưu của nhân vật đều có ý nghĩa tượng
trưng.
1.2.2. Huyền thoại hóa trong Văn học
Huyền thoại có một vai trò hết sức to lớn trong đời sống của người nguyên thủy. Và
có lẽ tổ tiên loài người cũng không thể ngờ rằng trong đời sống văn học hiện đại, các yếu
tố huyền thoại còn được các nhà văn đưa vào tác phẩm của mình như một phương thức
nghệ thuật để phản ảnh thực tại cuộc sống.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tường Lịch trong bài viết Huyền thoại và sức sống của nó
trong văn chương xưa và nay đã có những nhận định như sau:

5


Đối với nhà văn, huyền thoại không tồn tại tự nó, họ dùng chúng như những hình
tượng hoang đường để khắc họa quan niệm của con người về thế giới mà nhà văn mô tả,
chứ không phải để giải thích hiện tượng nào đó chũng như diễn biến của chúng. Bằng
những phương tiện hữu hiệu này, nhà văn thể hiện những đều tâm đắt, suy gẫm,… vào tác
phẩm của mình tạo nên màu sắc độc đáo có sức cuống hút người đọc người nghe.

Huyền thoại trong văn học đã thực sự có sự chuyển hóa từ sự lí giải các hiện tượng
tự nhiên thành một thủ pháp nghệ thuật rất hữu hiệu để nhà văn truyền tải các thông điệp
về cuộc sống, họ sử dụng huyền thoại hóa không để chỉ rõ nguồn gốc hình thành của hiện
tượng tự nhiên, mà chỉ để con người nhìn nhận lại cuộc sống mà mình đang sống cũng có
những điều kì bí, những bất công mà đôi khi con người “lười” đối diện với nó.
Huyền thoại đòi hỏi phải được giải mã; cái hay cái đẹp của một tác phẩm văn
chương sâu sắc được xây dựng theo phương thức huyền thoại không hiện ra ngay trên bề
mặt các trang giấy hay con chữ mà nó phải được hiện lên từ quá trình độc giả sử dụng tư
duy văn học đi lí giải, cắt nghĩa các yếu tố được huyền thoại hóa trong văn học.
1.3. Một số phương thức xây dựng huyền thoại trong văn học
Balzac - bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực đã từng tuyên bố rằng nhà văn phải là
người thư ký trung thành của thời đại. Thế nhưng trong Miếng da lừa, để phản ánh bản
chất hiện thực xã hội một cách sâu rộng hơn, Balzac đã đi ngược lại tuyên ngôn của chính
mình khi đưa yếu tố hoang đường, kì ảo vào tác phẩm của mình bằng cách sử dụng các
motif: bán linh hồn cho quỷ sứ, kì ảo Miếng da lừa, ba điều ước, điềm triệu tiên tri và giấc
mơ bói toán.
Thế motif là gì? Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc cho rằng:
Motif có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng non trẻ, thơ ngây của loài người ở
trước thời kỳ của tư duy khoa học: những con vật biết nói, người chết biến thành cây, cái
thảm biết bay, hạt gạo to như cái đấu và khi chín thì tự đi về nhà, nồi cơm ăn không bao
giờ hết v. v… Motif cũng có thể là sản phẩm của sự quan sát cuộc sống xã hội có thực
nhưng nó phải là bất thường, quá đáng như mẹ ghẻ giết con chồng, anh em ruột hại
nhau, cha mẹ đẻ mang con bỏ rừng… v.v… Motif cũng có thể là sản phẩm của sự mơ ước
6


dân gian: chàng trai nghèo lấy được vợ tiên, công chúa; cô gái nghèo lấy được hoàng
tử…v.v… Motif cũng có thể là sản phẩm của trí thông minh, sự khôn ngoan bất ngờ, thú
vị của trí tuệ dân gian như trong các truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện đánh lừa.2
Từ đó có thể thấy rằng motif là một công thức có tính ước lệ và thường được lặp

đi, lặp lại. Trong các phương thức xây dựng huyền thoại thì sử dụng các motif là một
phương thức được sử dụng khá nhiều, các motif này phần lớn được lấy từ kho tàng biểu
tượng văn hóa – văn học trong văn học Phương Tây.
Ngoài phương thức xây dựng huyền thoại bằng các mô típ, còn có phương thức
xây dựng huyền thoại bằng những yếu tố siêu thực, phi lý. Thông thường để tạo không
khí huyền thoại cho tác phẩm của mình, các nhà văn sử dụng những yếu tố mang tính chất
phi thực, hay còn gọi là kỳ ảo, hoang đường. Vì thế các yếu tố này được coi là những yếu
tố có tính chất công cụ để tạo dựng huyền thoại. Trong Từ điển tiếng Việt, các tác giả đưa
ra định nghĩa: “hoang đường là không có thật và không thể tin được do có nhiều yếu tố
tưởng tượng và phóng đại quá đáng; Kỳ ảo là kỳ lạ, tựa như không có thật mà chỉ có
trong tưởng tượng”. Như vậy kỳ ảo, hoang đường là những hình ảnh lạ lùng không có
thực, tồn tại ngoài sức tưởng tượng của con người, vượt ra ngoài khuôn khổ đời thường,
trở thành siêu thực. Đối với phương thức này thường xuất hiện các dạng đó là: dạng các
yếu tố, đồ vật siêu nhiên, kỳ lạ xuất hiện trong cuộc sống đời thường; dạng con người
biến thành con vật; dạng con vật, đồ vật có hình thù kỳ dị,…
Ngoài hai phương thức trên còn xuất hiện phương thức xây dựng huyền thoại từ
những yếu tố hiện thực đẩy sang phạm vi của cái siêu thực, phi lí. Ở dạng này hiện thực
trong tác phẩm được mô tả như một hiện thực khác – “một thiên nhiên thứ hai”, chúng
dường như rất giống mà cũng không giống với cái thường ngày. Chúng đã được chạm trỗ
với kiểu cách khác như cách nói của Phùng Văn Tửu: tác giả đã “làm biến dạng đi”
những chất liệu hiện thực, “tổ chức lại theo kiểu cách riêng, khác hẳn với kiểu cách vốn
có của đời sống hiện thực”3 nhờ vậy mà cái bình thường đã trở thành siêu thực, phi
thường, tạo nên một không khí hoang đường, quái dị.
2 Nguyễn Tấn Đắc. (2000). Nghiên cứu truyện dân gian Đông Nam Á (bằng môtip và type). Hà Nội: Nxb Giáo dục,
tr. 50.
3 Franz Kafka. (1989). Vụ án Hóa thân. Hà Nội : Nxb Văn học.
7


Không những thế ta còn bắt gặp thủ pháp nhại truyền thuyết như một phương thức

tạo dựng huyền thoại. Nhại không có nghĩa chỉ là bắt chước mà còn có nghĩa là giễu cợt,
không nghiêm túc. Trong văn học từ xưa không ít lần ta bắt gặp nhiều tác phẩm chứa
đựng những yếu tố nhại. Những kiểu sáng tác này sẽ góp phần tạo ra không khí mới lạ
cho văn học. Qua cái nhại, nhà văn không chỉ làm cho hình thức nghệ thuật trở nên đa
dạng, lung linh hơn, mà còn bộc lộ được một khía cạnh tư tưởng đó là thái độ bất đồng
trước lối tư duy cũ mòn, đơn điệu, đóng khung trong những kinh nghiệm quen thuộc.
CHƯƠNG 2: YẾU TỐ HUYỀN THOẠI TRONG “BIẾN DẠNG” - KAPKA
2.1. Tái tạo những motif và sử dụng biểu tượng
Biến dạng là một phương thức tưởng tượng nghệ thuật quen thuộc trong văn học,
đã xuất hiện lâu đời, từ trong văn học dân gian, trong hệ thống thần thoại của các dân tộc,
nó được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau: đó là việc các vị thần tự biến mình thành các
con vật; hoặc các vị thần hóa các sinh vật khác thành người, thành động vật, thành chim
muông, cỏ cây, hoa, lá, tượng, đá; cũng có thể con người chết đi được hóa thân thành một
loài khác (thường là hoa, cây).
Đọc “Hóa thân”, người đọc dễ dàng nhận ra yếu tố huyền thoại được sử dụng trong
tác phẩm vì Kafka đã thể hiện nó trên bề mặt của ngôn ngữ. Chỉ một yếu tố huyền thoại
đã làm nên câu chuyện. Đó là chi tiết Gregor Samsa biến thành con bọ ở đầu tác phẩm.
Có thể gọi đó là “chi tiết nguyên nhân” vì nó là hạt nhân tạo nên tất cả các sự kiệt khác
sau đó trong câu chuyện.
Trong huyền thoại cổ xưa, chu kì hóa kiếp thông thường có sự biến đổi trở lại hình
dạng ban đầu như: “Vật - Người - Vật” (Vật: cá, cáo, hổ, gấu,… hoặc đồ vật) hoặc
“Người - Vật - Người” hoặc “Tiên - Người – Tiên” hoặc “Người - Tiên - Người”. Nhưng
trong “Hóa thân”, chu kì biến dạng của Samsa không có sự biến đổi trở lại hình dạng cũ
mà đi thẳng tới cái chết: Người  Bọ  Cái chết. Từ đó ta thấy nét độc đáo trong việc
Kafka xây dựng huyền thoại cho tác phẩm của mình, đó là ông đưa yếu tố huyền thoại
vào tác phẩm nhưng không có sự mô phỏng hoàn toàn motif của huyền thoại nguyên thủy
mà đã khai thác được bi kịch trong chính bản thân con người. Sự biến dạng thành con bọ
của Samsa đã đẩy anh ra khỏi cộng đồng. Samsa bị biến dạng bất ngờ và tự nhiên, không
8



cưỡng lại được. Với hình dạng ghê tởm của một con bọ, một giọng “chút chít” không phải
tiếng người, một sở thích bò “nhung nhăng” khắp phòng… đã chia cắt hoàn toàn Samsa
với thế giới loài người. Ai mà chẳng kinh hãi khi nhìn thấy một con quái vật như thế!
Thậm chí người mẹ thương yêu nhất của Samsa cũng ngất xỉu mỗi khi nhìn thấy đứa con
trai - bọ của mình. Samsa phải giam mình trong phòng, tránh để cho người thân nhìn thấy
hình dạng mới của mình. Mỗi khi cho Samsa ăn, cô em gái rất sợ hãi khi phải nhìn thấy
anh trai - bọ. Samsa phải trốn dưới gầm ghế để em gái không phải nhìn thấy mình. Biến
dạng là sự thay đổi, chứ không phải để chỉ quá trình con người tha hóa. Đối với mọi
người, Samsa từ khi hóa thành con bọ đã không còn là Samsa mà họ biết. Đối với anh, khi
ở trong một hình hài khác, anh cũng nhận ra sự thay đổi theo thời gian của mọi người, đặc
biệt là của cô em gái. Mặc dù con bọ Samsa đã cố gắng chấp nhận cái khác trong thái độ
của mọi người, nhưng mọi người lại không ai chấp nhận cái khác của anh. Từ đó thể hiện
cảm thức bi đát về thân phận con người trong thời hiện đại, lạc lõng trong chính không
gian mà mình sinh sống.
Ngoài việc tái tạo các motif huyền thoại, truyện ngắn hóa thân của Kafka còn sử
dụng biểu tượng cánh cửa thường xuất hiện trong văn học phương tây.
Biểu tượng cánh cửa tượng trưng cho nơi qua lại giữa hai trạng thái, hai thế giới,
giữa cái đã biết và cái chưa biết, giữa ánh sáng và bóng tối. Cánh cửa mở ra để thấy điều
bí ẩn... Trong kinh thánh, cánh cửa tượng trưng cho sự mở ra của một thế giới tốt đẹp, yên
vui, đóng lại để ngăn chặn cái ác, điều xấu xa. Theo từ điển biểu tượng văn hóa thế giới
đã đề cập đến biểu tượng cửa sổ là nơi tiếp nhận ánh sáng chính vì vậy mà khi đề cập đến
biểu tượng này người ta còn có thể liên tưởng đến sự tiếp nhận.
Cánh cửa trong tác phẩm Kafka không mang ý nghĩa như trong Kinh Thánh dùng
để ngăn chặn cái ác và chào đón điều tốt đẹp, nó không dành riêng cho bất cứ một ai, mà
là dành cho mọi người, thuộc mọi tầng lớp. Cánh cửa trong “hóa thân” của Kafka là một
cánh cửa mở rộng, nhưng con người vẫn không thể vượt qua được nó, tự thân cánh cửa ấy
mang một quyền uy khủng khiếp, khiến con người không thể vượt qua được nó.
Samsa khi bị biến thành côn trùng, hình ảnh cánh cửa phòng anh trở nên vô cùng
quan trọng, nó phân thành hai thế giới tách biệt: bên trong cánh cửa gỗ là thế giới nhỏ bé

9


của Samsa - con bọ với bốn bức tường đóng kín ngột ngạt, ngoài cánh cửa là thế giới của
loài người - gia đình, công sở. Khi mới bị biến dạng, Samsa vẫn chưa thể chấp nhận với
thực tại anh là một con bọ, nên cánh cửa phòng của anh luôn đóng kín. Cánh cửa mở
đồng nghĩa với việc Samsa chấp nhận hiện thực và đối mặt với kiếp sống con bọ. Bên
trong cánh cửa anh vật lộn với kiếp côn trùng, bên ngoài mọi người lo lắng cho sức khoẻ
của anh, thúc giục anh mở cửa. Bấy giờ cánh cửa trở thành mối liên lạc duy nhất giữa anh
và thế giới bên ngoài. Thông qua cánh cửa thức ăn được đưa vào, và cũng qua nó, anh
biết rõ cuộc sống của gia đình. Việc anh biết hay không biết được những sự kiện đã xảy ra
bên ngoài phụ thuộc vào cánh cửa mở hay đóng.
Tóm lại, sự tái tạo motif biến dạng trong văn học truyền thống của Kafka không
nhằm sáng tạo một huyền thoại cổ đại hay mô hình hóa lại huyền thoại cổ đại mà nhằm
tượng trưng cho trạng thái sinh tồn và cảm thức bi đát của thân phận của con người hiện
đại. Ngoài việc tái tạo motif, Kafka còn sử dụng biểu tượng cánh cửa, vốn xuất hiện lâu
đời trong văn hóa thế giới, đặc biệt là văn hóa phương tây góp phần tô đậm màu sắc
huyền thoại trong tác phẩm.
2.2. Yếu tố hoang đường kỳ ảo
Thông thường để tạo không khí huyền thoại cho tác phẩm, các nhà văn sử dụng
những yếu tố mang tính chất phi thực, hay còn gọi là kỳ ảo, hoang đường. Vì thế các yếu
tố này được coi là những yếu tố có tính chất công cụ để tạo dựng huyền thoại. Ở biến
dạng, yếu tố kỳ lạ, hoang đường lại xuất hiện ngay từ đầu và chi phối xuyên suốt mạch
truyện làm cho câu chuyện tắm đẫm trong không khí huyền thoại.
Như chúng ta biết tác phẩm của Kafka thường là không có cốt truyện, song bao giờ
cũng đảm bảo một tình huống. Ngay trong chương mở đầu, Kafka đã đưa chi tiết hoang
đường vào câu chuyện của mình. Con người sau một đêm tỉnh dậy lại thấy mình biến
dạng thành một con bọ, là dạng con vật kì lạ mang tâm lý, suy nghĩ người (con vật người): con côn trùng khổng lồ. Đặt nhân vật vào tình huống bất ngờ, không có sự lựa
chọn và thế là cái phi lý bộc lộ một cách đột ngột, trần trụi. Hơn nữa trước tình huống
không có sự lựa chọn, từ đó tạo nên sự bi đát trong chính tâm hồn nhân vật.

10


Buổi sáng trong khi Gregor Samsa thức dậy từ một giấc mơ bồn chồn, bất an hắn
nhận ra nơi hắn một biến thể ngay trên giường là một con bọ to lớn kinh khủng. Hắn đặc
lưng nằm xuống trong một thế khó khăn tợ như áo giáp sắt và cùng lúc đó hắn nhất đầu,
hắn thấy bụng dưới phồng lên, u tròn một màu nâu sậm, chia ra từng phần cánh cung bén
cạnh của xương sườn, làm thành mái che toàn thân hắn, bao quanh một thứ dễ trượt, có
thể vừa đủ để bấu vào. Quá nhiều chân cho nó, mỏng mảnh, yếu mềm đáng thương so
với một tấm thân cở bự đặt yên trên thân nó; đu đưa, chơi vơi như không ai cứu giúp
trước đôi mắt nó.
Yếu tố hoang đường trong tác phẩm Biến dạng Kafka không xuất hiện nhiều, nếu
so sánh với các nhà văn ở thế kỷ XIX và XX có sử dụng yếu tố kỳ ảo, hoang đường thì
hàm lượng cái kỳ ảo trong tác phẩm này chỉ vỏn vẹn có vài chi tiết. Thế nhưng đọc Kafka
ta có cảm giác không khí huyền thoại bao trùm khắp mọi nơi. Có được điều này là do
Kafka đã gia tăng thêm bên cạnh cái kỳ ảo, hoang đường là cái phi lý, nghịch dị. Biết
người con của mình bị hóa thành con bọ, các thành viên trong gia đình vẫn không lo sợ,
không cảm thấy điều đó là sự bất thường, có chăng là sự khó chịu vì hình hài và tính cách
nhân vật thay đổi. Phản ứng của những người khác trước việc Samsa biến thành bọ có
khác nhau về mức độ, nhưng sự chấp nhận vẫn hết sức tự nhiên, thậm chí lúc Samsa tuyệt
vọng qua đời, gia đình của anh vẫn thản nhiên xuống phố đi dạo, không chút ưu buồn.
Đối với nhân vật chính, có lẽ, việc đó chẳng khác gì một cơn ác mộng kéo dài, chính anh
cũng nghĩ rằng chẳng biết làm thế nào “thức dậy khỏi cơn ảo giác”. Các nhân vật bị ném
vào một bối cảnh đầy bất ngờ, nhưng cách họ xử lí lại thản nhiên đến mức kì lạ. Không
tìm hiểu nguyên nhân, không cố tìm giải pháp, con người trong cuốn tiểu thuyết này của
Kafka chỉ đơn giản là xuôi theo những gì đang diễn ra để hành động
Với bút pháp xóa ranh, Kafka đã xóa nhòa ranh giới giữa cái bình thường và cái kỳ
ảo. Cái bình thường và cái kỳ ảo đồng đẳng, cùng tồn tại chung trong một thế giới. Cái kỳ
ảo đã trở thành cái bình thường. Dùng cái kỳ ảo để thể hiện cái bình thường, Kafka đã
nhấn mạnh tính chất tầm thường, nhỏ bé, bất lực của thân phận con người trong xã hội

hiện đại. Điều này cho thấy sự bi quan của Kafka trong quan niệm về thân phận con
người.
11


Việc sử dụng những yếu tố kỳ lạ, hoang đường ở Kafka không nhiều như cách sử
dụng của các nhà văn kỳ ảo ở thế kỷ XIX (Balzac,Maupassant,…) nhưng nhờ việc kết
hợp với những biện pháp nghệ thuật khác, Kafka đã làm cho các câu chuyện tắm đẫm
trong không khí huyền thoại. Người đọc có cảm giác như lạc vào một thế giới hoang
đường của những câu chuyện thần thoại, cổ tích. Thần thoại, cổ tích nhưng lại rất đời
thường.
2.3. Tư duy huyền thoại
Tư duy huyền thoại chủ yếu tập trung vào những vấn đề siêu hình, bí ẩn, của sự
sống và cái chết... các vấn đề mà không phải lúc nào sự giải thích bằng logic khoa học
cũng làm cho con người thỏa mãn. Một xu hướng mới của xây dựng huyền thoại trong
sáng tác văn học là dần dần thể hiện cái khó hiểu bằng cái dễ hiểu, cái không thể hiểu
được bằng trí tuệ bằng cái có thể hiểu được bằng trí tuệ.
Trong “Biến dạng” của Kafka thế giới được trộn lẫn giữa hiện thực và hư ảo. Thế
giới thực tại với những hình ảnh vốn gần gũi, quen thuộc, dễ nhận biết nhưng khi được
nhuộm màu huyền thoại, chúng sẽ trở nên lung linh, kì ảo. Thế giới mà Samsa sống là
một thế giới hiện thực, nhưng trong thế giới ấy tồn tại sự kì ảo. Thế giới hiện thực thì
không thể có việc con người sau một đêm thức dậy lại hóa thành côn trùng, chỉ có thế giới
huyền thoại mới có thể xảy ra chuyện ấy. Nhưng nếu sống trong thế giới huyền thoại thì
việc Samsa hóa con trùng là việc bình thường không phải kinh sợ đến nổi làm xáo trộn
cuộc sống của những người trong gia đình Samsa. Vì vậy mới thấy, thế giới nghệ thuật
trong truyện ngắn “Biến dạng” là thể giới giữa thực và hư ảo.
Mấu chốt của sự hòa quyện thực - ảo suốt cậu chuyện không phải ở sự xuất hiện
dày đặc các yếu tố cuộc sống dưới cái nhìn huyền thoại, mà ở phương thức kết nối của tác
giả. Kafka đã nối cái thực tại hiện hữu với cái huyền thoại để tạo ra một không gian đặc
sắc, nhuốm màu huyền thoại chứ không phải là một không gian hoàn toàn mang màu sắc

huyền thoại.
Tư duy huyền thoại trong tác phẩm còn thể hiện ở việc Kafka lí giải sự bi đát trong
tâm hồn con người bằng chính những điều phi lí trong cuộc sống. Các nhân vật bị ném
vào một bối cảnh đầy bất ngờ, nhưng cách họ xử lí lại thản nhiên đến mức kì lạ. Không
12


tìm hiểu nguyên nhân, không cố tìm giải pháp, con người trong cuốn tiểu thuyết này của
Kafka chỉ đơn giản là xuôi theo những gì đang diễn ra để hành động. Từ đó thấy được sự
thờ ơ với chính những gì đang xảy ra xung quanh mình, chấp nhận cái phi lí thay vì phản
ứng trước nó.
III. KẾT LUẬN
Yếu tố huyền thoại được thể hiện trong tác phẩm “Hóa thân” không nhiều như
trong “Vụ án”, “Một người thầy thuốc nông thôn”,… nhưng lại gây ấn tượng hết sức
mạnh mẽ đối với người đọc. Có thể nói, nguyên nhân quan trọng là tác giả đã sử dụng
xuất sắc thủ pháp “lộn trái huyền thoại” và “xóa ranh” giữa cái bình thường và cái kì ảo.
Nhân vật Gregor Samsa biến dạng thành con bọ và chết đi trong hình dạng con bọ. Niềm
khao khát đựợc trở lại kiếp người của anh không được thỏa mãn. Chính cái kì ảo đó đã tô
đậm hơn sự bất lực và bị tha hóa của con người trong cuộc sống hiện đại. Cái chết đầy
đau khổ của một con người muốn thoát khỏi thân xác con bọ, trước niềm vui sướng của
những người thân yêu nhất làm cho người đọc cảm nhận được sự bi quan và dự cảm bi
đát của Franz Kafka về thân phận con người hiện đại.
Hình ảnh con bọ - Samsa là hình ảnh mang tính khái quát cho con người nhân loại.
Từ việc mô tả sự hóa thân của Samsa, Kafka đã đề cập đến vấn đề mang ý nghĩa vĩnh
cửu: gánh nặng gia đình, áp lực công việc, sức lao động và quyền lực thống trị của những
kẻ giàu sang.
Xây dựng motif biến dạng về hình hài, Kafka phản ánh sâu sắc về tình trạng tha
hóa của con người trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, các motif biến dạng về ngôn ngữ,
biến dạng về hành động trong tác phẩm của Kafka còn cho thấy cảm thức tha hóa nghiệt
ngã hơn. Sự biến dạng về ngôn ngữ, hành động (bị vật hóa) đã đẩy con người lên đỉnh cao

của sự tha hóa. Samsa không còn nghe ra giọng nói của mình, đó chỉ là “một chuỗi âm
thanh the thé, léo nhéo, ghê rợn, rền rền như một tiếng thì thầm, khiến cho các từ thốt ra
chỉ rõ ràng lúc đầu...”. Chính sự biến dạng về ngôn ngữ đã đẩy Samsa dần dần xa rời, đối
lập với thế giới loài người; kết hợp với biến dạng về hình hài, tác phẩm đã nhấn mạnh hơn
hết nguyên nhân nỗi bất hạnh của nhân vật.
13


Nhân vật Samsa biến dạng thành con bọ và chết đi trong hình dạng con bọ. Niềm
khao khát đựợc trở lại kiếp người của anh không được thỏa mãn. Chính cái kì ảo đó đã tô
đậm hơn sự bất lực và bị tha hóa của con người trong cuộc sống hiện đại. Cái chết đầy
đau khổ của một con người muốn thoát khỏi thân xác con bọ, trước niềm vui sướng của
những người thân yêu nhất làm cho người đọc cảm nhận được sự bi quan và dự cảm bi
đát của Franz Kafka về thân phận con người hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Anh Đào. (1994). Tính chất hiện đại của tiểu thuyết. Tạp chí văn học.
2. Franz Kafka. (1989). Vụ án Hóa thân. Hà Nội: Nxb Văn học.
3. Hoàng Trinh. (1970). Franz Kafka và vấn đề “huyền thoại” trong văn học. Tạp chí
văn học.
4. Lê Nguyên Cẩn. Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac. Hà Nội: Nxb Đại học Sư phạm
5. Nguyên Văn Dân (2002). Văn học phi lý (Khảo luận và tuyên chọn). Hà Nội: Nxb
Văn hóa Thông tin - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.
6. Trương Đăng Dung. (1998). Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka. Tạp chí văn
học.

14




×